Trang Chủ TRANG CHỦ THẰNG NGỒI BÀN NHỨT

THẰNG NGỒI BÀN NHỨT

1010
0
SHARE

Hoc1

(Hình minh họa)

Chúng tôi gọi hắn là thằng ngồi bàn nhứt.

Lý do là chỉ vì hắn đã… ngồi ở bàn nhứt. Bàn thứ nhất trong lớp. Lớp tôi thuở đó nam sinh nữ sinh học chung. Con trai ngồi bên trái, con gái ngồi bên phải. Lớp mấy chục đứa, tôi không nhớ có bao nhiêu bàn, nhưng nhớ mỗi bàn tệ lắm là năm đứa. Có đứa thích ngồi bàn đầu, có đứa thích ngồi bàn cuối. Theo lệ thường, đứa lớn con sẽ phải ngồi bàn sau và nhỏ con, lùn thì ngồi ở những bàn trước. Đó là cách sắp xếp của thầy cô nhưng hình như cũng đúng ý nhiều đứa. Và nói ra thì hơi kỳ một chút, là thường những đứa thích ngồi bàn chót hay áp chót, gần như đến chín mươi phần trăm học không… mấy giỏi, hoặc không muốn học mà vẫn phải bị tới trường vì cha mẹ không cho ở nhà lêu lổng.

Hắn ngồi bàn nhứt. Luôn luôn ngồi ở bàn nhứt. Từ trung học đệ nhất cấp cho đến đệ nhị cấp, nghĩa là từ cấp hai cho đến cấp ba, từ lúc con trai và con gái phải học riêng cho đến khi không còn bị “thọ thọ bất tương thân” nữa, thì vị trí hắn ngồi trong lớp vẫn không thay đổi. Hưng, thằng bạn thân cùng xóm của tôi nói hắn là một cái hàm số bất biến, nhưng tôi nghĩ có lẽ vì hắn có nhiều điểm đặc biệt quá. Chẳng hạn như trên cổ hắn lúc nào cũng có một sợi dây chuyền với mặt thánh giá bằng vàng mười tám rất đẹp. Hưng bảo hắn đeo sợi dây chuyền đó từ hồi học lớp sáu. Con trai, học lớp sáu, nghĩa là còn ở tuổi chỉ muốn chạy rông ngoài đường và còn đánh nhau như giặc, mà hắn đeo dây chuyền vàng, lại sáng lấp lánh nữa mới… đáng sợ chứ. Nhưng một chuyện đặc biệt còn đáng sợ hơn là chỉ cần nhìn sợi dây chuyền thôi cũng đủ biết hắn có đạo, vậy mà lúc thầy tổng giám thị vào lớp lập danh sách học sinh phải đi học giáo lý vào sáng thứ tư, thì hắn lắc đầu bảo không đi.

Hắn làm thầy tổng giám thị chưng hửng. Làm cả lớp chưng hửng. Thầy tổng giám thị trường tôi lúc ấy đã là thầy sáu, tu tập lâu ngày, đã được mặc áo dòng từ… khuya và sắp sửa được thụ phong linh mục, vậy mà có lẽ lần đầu tiên trong đời bị nghe một đứa học sinh lớp sáu, cổ đeo dây chuyền có biểu tượng Chúa chịu nạn chứng tỏ mình “đạo giòng”, lại cả gan trả lời thầy là sẽ không đi học giáo lý. Không đi! Câu trả lời y hệt một câu tuyên chiến làm thầy chỉ còn biết đứng sững sờ ngó hắn. Hưng kể phải lâu lắm, thầy mới bật lên được một tràng phẫn nộ:

– Cái gì? Không đi học giáo lý là sao? Là muốn làm con chiên ghẻ hả?

Vào cái thuở không cần làm gì sai trái mà thấy thầy cô giáo đứng gần đã nơm nớp sợ nói gì tới chuyện bị quát mắng, nhưng Hưng bảo hắn rất bình tĩnh. Hoàn toàn không lộ ra chút sợ hãi nào, hắn đứng dậy đáp:

– Thưa thầy, con đang học giáo lý với các cô giáo trường Chúa Nhật.

Cả lớp há hốc mồm ra nhìn hắn. Vừa không hiểu nổi tại sao hắn lại dám đối đáp tay đôi với thầy tổng giám thị như vậy, vừa không thể hiểu nổi cái trường Chúa Nhật hắn đang nói tới là cái trường quái dị nào, ở đâu. Nghe y hệt như một cái tên… nước ngoài. Mà dường như đến cả thầy tổng giám thị cũng ngờ ngợ vào những gì hắn mới nói, nên thầy phải hỏi lần nữa:

– Học cái gì? Trường nào?

Hắn lập lại:

– Dạ, trường Chúa Nhật.

Đến lúc ấy thì thầy hướng dẫn lớp chắc có lẽ cũng sợ thầy tổng giám thị nổi giận, nên bước tới gần hắn:

– Em nói rõ ra hơn coi. Chứ cái trường đó, tôi cũng chưa hề nghe qua.

Hắn chớp mắt:

– Dạ là ở nhà thờ con. Nhà thờ Tin Lành số…, nằm trên đường…

Thầy tổng giám thị và thầy hướng dẫn cùng “à” lên một lúc, và cả lớp thì “ồ”. Hắn được cho ngồi xuống. Thầy tổng giám thị làm tiếp danh sách với những đứa khác, nhưng thầy hướng dẫn lúc ấy không biết nghĩ sao mà quay nhìn hắn rồi hỏi:

– Sao Tin Lành mà vô trường Công Giáo học?

Hắn đáp:

– Dạ con không biết. Ba mẹ con xin cho con vô trường này.

Thật tình mà nói thì thầy hỏi câu ấy cũng hơi lạ. Vì trường chúng tôi theo học là trường do các linh mục điều hành, thuộc về giáo hội Công Giáo thật, nhưng không phải học sinh nào cũng là con của giáo dân. Nếu không muốn nói là có đến hơn bảy mươi phần trăm học sinh của trường không theo đạo Phật thì cũng theo các đạo khác, hoặc không có đạo gì cả. Chẳng hạn như nhà tôi thờ cúng ông bà, còn con nhỏ ngồi kế bên tôi theo đạo Cao Đài, và một đứa khác là tín đồ đạo Baha’i, một tôn giáo rất ít tín đồ và cũng như rất ít người biết đến. Tôi không hiểu thầy hướng dẫn thắc mắc như vậy, có phải vì ở thành phố chúng tôi có một trường trung tiểu học thuộc về giáo hội Tin Lành hay không, nhưng phần hắn, thì hắn “nổi tiếng” ngay sau câu hỏi của thầy! Cả lớp tức thì hiểu ra là hắn “khác người”. Và đứa nào cũng biết hắn theo đạo Tin Lành đồng thời đang đi học “thêm” ở trường Chúa Nhật. Thậm chí tôi, đến bốn năm sau mới học chung với hắn, mà cũng đã biết đến “danh tiếng” hắn sau buổi đó.

Hắn ngồi ở bàn nhứt trong nhiều năm liền. Cái biệt danh “thằng ngồi bàn nhứt” như trở thành tên của hắn, dành riêng cho hắn dẫu ngoài hắn ra thì còn đến bốn, năm đứa khác cùng ngồi chung bàn. Lúc lên trung học đệ nhị cấp, ngày đầu tiên vừa bước vào lớp, nghe Hưng reo lên, “A! cái thằng ngồi bàn nhứt học chung với mình!” mà không hề chỉ ra đó là “đứa” nào, nhưng tôi vẫn nhận ra liền. Tôi hỏi:

– Cái thằng đeo kính cận hả?

Hưng gật. Tôi nói “biết ngay mà”. Và tôi “biết ngay”, cho dẫu không phải vì hắn đang ngồi ở bàn nhứt, mặt mày hiền lành như những thằng… bàn nhứt khác. Cũng không như lời Hưng tả trước đây là hắn nhỏ con, mặt mày trắng trẻo, người hơi gầy gầy, nói chung là dễ nhìn. Bởi vì lúc ấy hắn đã hết còn nhỏ con, cũng không mấy gầy. Tuy nhiên dường như có cái gì đó nơi hắn, là lạ, khiến tôi đã không thể nhầm lẫn với những “đứa” khác.

Tôi nhìn kỹ lại hắn. Nhìn cái dáng thẳng thớm, cái cách ngồi rất ngay ngắn, đầu ngẩng cao, cao hơn hẳn những đứa ngồi kế bên, tôi chậc lưỡi nói:

– Thằng này đặc biệt thật.

Nói thêm, thế nào hắn cũng bị đuổi đi bàn khác vì cao như vậy sẽ làm cản trở mấy đứa ngồi ở bàn sau không nhìn thấy bảng đen. Nhưng tôi lầm. Vì sau đó chẳng có thầy cô nào bảo hắn dời chỗ. Không hiểu vì hắn cận, hay vì ngồi ở phía  bìa đầu, không ảnh hưởng mấy đến người phía sau, hay như Hưng nói thầy cô để hắn ngồi ở bàn nhứt, vì hắn đã… ngồi ở bàn nhứt! Hay vì cái nét mặt hắn “sáng lán” quá, không để hắn ngồi bàn nhứt cũng… uổng!

Hắn có vẻ hiền. Nhưng hiền không có nghĩa là dễ bị ăn hiếp. Một lần, con nhỏ bạn vốn hay nghịch, lại lớn tuổi hơn chúng tôi bỗng “phát hiện” ra chân lý, rằng chỗ hắn ngồi ở cạnh cửa ra vào, có thể nhìn thấy một khoảng sân trường phía dưới và một đoạn hành lang dài ở bên ngoài, nên trêu hắn:

– Ông ngồi đây để dễ ngắm… gái phải không?

Lũ chúng tôi cười ồ. Còn mặt hắn đỏ lên như gấc. Tôi tưởng hắn sẽ ngượng chín người, đến không nói được lời nào, nhưng rốt cuộc hắn chỉ… đỏ mặt vậy thôi, vì chừng sau một vài giây là hắn đã bình tĩnh lại, hắn nhìn thẳng vào cô bạn và hỏi:

– Tại sao nói vậy?

Cô bạn tôi bảo:

– Thì chỗ này là chỗ dễ nhất để “nghía” mấy em đi ngoài hành lang cho đến lúc khuất bóng.

Hắn chớp chớp mắt, rồi bất thần bỗng mỉm cười:

– Tôi không có ý đó, nhưng nếu muốn nhìn một người con gái, thì tôi sẽ nhìn bạn trước vì bạn dễ nhìn hơn họ.

Cô bạn tôi sượng cứng người, đứng trơ ra như phỗng. Mặt mày đỏ hơn cả hắn lúc nãy. Chúng tôi được dịp vỗ tay reo tán thưởng. Cô bạn tưởng chọc được hắn, không ngờ bị trở thành… nạn nhân, nên không dám nói thêm lời. Phần hắn, sau khi đáp trả được, cũng làm thinh cúi xuống viết lách gì đó. Chúng tôi… tan hàng. Rồi nói với nhau, đừng đụng vô thằng đó, ngó vậy mà khó nuốt.

Hắn, “khó nuốt”, bởi không đụng chạm ai, nhưng dường như cũng không cho phép ai đụng tới mình. Cái tính cách của hắn, cái vẻ chững chạc không chỉ ở bề ngoài mà như còn phát ra từ phía bên trong. Cái ứng xử lúc nào cũng bình tĩnh như người lớn khiến tôi đã tự hỏi không biết hắn học ở đâu. Tuy nhiên cũng chính vì điềm ấy mà hắn có vẻ hơi lạc lõng giữa bạn bè trong lớp. Không quen với đứa con gái nào đã đành, con trai, hắn cũng chẳng chơi bời, thân thiết với ai. Đến giờ vào lớp thì hắn vào, giờ ra chơi có khi hắn đứng trên hành lang nhìn xuống sân trường, có khi ngồi luôn tại chỗ ôn bài, hay đọc sách gì đó, rồi giờ về thì về một mạch. Không đàn đúm không tụ năm tụ ba gì cả.

Hắn không thuộc loại học thật giỏi nhưng khá, rất khá. Trường chúng tôi có thông lệ là sau khi khai giảng được vài tháng tổ chức một buổi cắm trại cho học sinh nằm trong ban chấp hành lớp và học sinh tử hạng tư trở lên, năm đó hắn, Hưng và tôi có tên trong danh sách. Và “dun rủi”, hai đứa tôi đều lọt vào đội của hắn. Tôi và Hưng cứ tưởng sẽ phải “cõng” một ông già trong đội của mình, không ngờ hắn là một người tháo vát và giỏi nhất bọn. Chơi trò gì, có hắn là có thắng giải. Có hắn là có lời khen. Ngạc nhiên, Hưng hỏi hắn sao giỏi vậy, có đi hướng đạo không. Hắn lắc đầu bảo sinh hoạt thanh thiếu niên trong nhà thờ nên quen với những trò chơi và công việc tập thể. Hưng trêu:

– Vậy là ông còn đi học trường Chúa Nhật hả?

Trường chúng tôi, khi lên trung học đệ nhị cấp là không còn bị bắt buộc phải đi học giáo lý nữa, nên Hưng tưởng hỏi đùa cho vui, không ngờ hắn gật đầu, đáp còn chứ. Rồi nói thêm là sẽ học cho đến cuối đời. Tôi trố mắt:

– Học gì dữ vậy? Bộ không ngán hả?

Hắn trả lời không. Phải nói cho đến lúc ấy, cái thằng bàn nhứt này là thằng lạ đời hơn tất cả những đứa bạn mà tôi từng biết. Tôi không hiểu nổi một tuần đi học đến cả sáu ngày, bài vở có thể nói là không ít, nhưng chiều thứ bảy thay vì nghỉ ngơi, đi coi ciné, thay vì tập tành cà phê thuốc lá hoặc thơ mộng hơn là tập tành… làm thơ tán gái như bọn con trai trong lớp hay làm, thì hắn bảo đi tập đàn và tập hát! Rồi nguyên ngày Chúa Nhật, thay vì ngủ nướng cho đã đời, hắn nói dậy sớm đi nhà thờ, đi học giáo lý, sau đó sinh hoạt thanh niên cho đến chiều tối. Hắn làm toàn những chuyện chẳng giống đứa nào mà cũng không giống… ai! Vì không quen những sinh hoạt kiểu ấy, nên tôi tò mò:

– Sách giáo khoa mỗi năm mỗi mới, mỗi lớp mỗi khác, đầu năm ôn lại bài cũ là đã thấy ngán, còn sách Chúa chỉ có một quyển thôi mà ông nói sẽ học hoài cho tới cuối đời, thì ông học cái gì ở trong đó?

Hắn đáp:

– Lời Chúa sâu nhiệm, càng học càng nhận được nhiều sự dạy dỗ.

Tôi đứng im ngó hắn, không biết nói hay hỏi thêm câu gì. Vì nghe đến câu ấy là tôi đã thật sự đầu hàng hắn rồi. Truyện chưởng của Kim Dung đấu đá hấp dẫn, tiểu thuyết trinh thám, tình cảm lãng mạn…, tôi đọc cũng nhiều nhưng mường tượng đọc đi đọc lại hoài một bộ, một cuốn sách như hắn, thì lấy đâu ra sức để không ngán chứ? Học ở trường Công Giáo lâu, tôi biết cuốn Kinh Thánh tuy dày và có nhiều câu chuyện khác nhau, nhưng làm gì mà phải học cho tới cuối đời? Đã vậy hắn còn bảo là sâu nhiệm và nhận được sự dạy dỗ nữa mới… ghê chứ. Tôi đoán già đoán non, bảo chắc hắn muốn đi tu. Hưng gật gù:

– Cũng có thể. Thời buổi này con trai đi tu có lý lắm. Có thể xin hoãn dịch vì lý do gia cảnh. Hoặc nếu có phải đi lính thì cũng chỉ làm tu sĩ tuyên úy, không cần phải ra mặt trận.

Tôi phì cười. Ngang tuổi với nhau, cùng lớp với nhau nhưng mấy “thằng” này coi bộ… nam nhi chi chí quá. Chưa gì mà đã nghĩ đến chiến tranh, đã lo đến chuyện mất còn, tử sinh, và chuẩn bị cả cho tương lai, trong khi đó ngoài sách vở, quần áo thời trang và… để mắt tới con trai, thì lũ con gái chúng tôi chẳng bao giờ biết cuộc sống chung quanh mình có gì, thời cuộc đang ra sao. Tôi nhăn nhó nói với Hưng thằng này kỹ tính quá chắc khó chơi. Hưng bật cười:

– Mà nghĩ thử cái kiểu của nó lạ hoắc lạ huơ như vậy, chơi cái gì đây chứ? Nó đạo mạo như ông già, y như ông thầy tu. Đâu biết nó suy nghĩ thứ gì, chẳng lẽ nói chuyện Kim Vân Kiều hay Lục Vân Tiên với nó?

Học chưa hết một niên khóa, chưa có dịp biết thêm gì về nhau, chưa có cơ hội hiểu hắn nghĩ gì, chiến sự đã dồn dập và rồi miền Nam mất, chúng tôi chia tay mỗi đứa một phương trời. Gia đình tôi và Hưng không di tản được, nên sau khi thành phố bị “tiếp thu”, phải lò dò đi học lại theo lời kêu gọi của Ủy Ban Quân Quản để “nhanh chóng ổn định tất cả mọi sinh hoạt”. Trở lại trường, nhưng trường lúc ấy rất vắng. Hai ba lớp nhập lại vẫn không đủ sĩ số. Chúng tôi đi quanh tìm bạn bè. Thấy được đứa nào là mừng đứa đó. Nhưng cả tôi lẫn Hưng đều không ngờ mình lại rất buồn khi nhận ra “thằng ngồi bàn nhứt” đã vắng mặt. Hưng chậc lưỡi nói:

– Chắc thằng này di tản với nhà thờ của nó rồi.

Tôi lặng thinh. Tuy nghe Hưng nói một câu có vẻ không căn cớ, nhưng tôi lại tin và lại thấy bâng khuâng trong lòng. Tôi nghĩ đến một cái “nhà thờ” mà mình đã không được sinh hoạt như thằng bàn nhứt. Và tôi tự hỏi nếu như đã, thì mình có may mắn như hắn không.

Nghỉ hè. Vài tháng sau đi học lại nhưng chúng tôi không còn được chọn trường để theo học nữa, mà phải đến một trường gần địa phương mình đang sinh sống. Tôi và Hưng là hàng xóm nên lại cùng học chung. Ngó tới ngó lui không còn mấy bạn cũ, chúng tôi đành tập làm quen với bạn mới, thầy cô mới. Và rồi chuyện học hành khác xưa, đời sống thường nhật cũng khác xưa, khó khăn đã trở nên nhiều hơn, nên chúng tôi dần dà quên mất đi có thời từng học chung với “thằng ngồi bàn nhứt”.

nhatho

Chạy đua quắc cần câu theo những tư tưởng chính trị, những học thuyết, những thơ văn lạ lẫm, Hưng cứ đòi nghỉ học cho rồi. Ngoại trừ toán lý hóa, thì từ môn lịch sử cho đến vạn vật -danh từ mới là sinh vật- cũng khác hẳn. Thêm vào đó là bình bầu, kiểm điểm phê bình rồi lao động cuối tuần, thể dục đầu giờ cuối giờ loạn cào cào, tôi cũng chán. Nhưng khi tôi hỏi nghỉ ở nhà làm gì, Hưng lắc đầu chẳng biết trả lời sao. Hưng nói cái viễn ảnh tương lai dẫu không bị còn bị ám ảnh bởi chuyện động viên, chuyện đi lính, chết chóc, nhưng không có cái gì vui, không có cái gì là không u ám.

Một hôm Hưng chợt chép miệng nói ra một điều mang máng như tôi đã từng nghĩ:

– Biết vậy, hồi đó theo thằng bàn nhứt đi nhà thờ, thì giờ chắc cũng được di tản như nó rồi.

Thấy bạn cũng nghĩ giống mình, nhưng tôi lại bật cười, trêu Hưng:

– Có biết bao nhiêu đứa trong lớp mình hồi trước cũng đi nhà thờ mà đâu có di tản được?

Hưng lắc đầu:

– Cái nhà thờ của thằng đó khác.

Tôi hỏi khác sao, Hưng trả lời không biết. Tôi lại cười:

– Nhà thờ nào mà không giống nhà thờ nào?

Hưng im. Tuy nhiên nói thì nói vậy, nhưng trong lòng tôi cũng lơ mơ thấy cái thằng “muốn đi tu” ấy có vẻ hơi khác với những đứa trong lớp bị bắt đi học giáo lý, bị buộc phải đi nhà thờ như Hưng nói thật. Hắn có vẻ như đã “tình nguyện” đi trường Chúa Nhật, tình nguyện học “thêm” giáo lý chứ không bị ai đốc thúc, bắt buộc gì cả.

Đời sống thay đổi, mọi thứ đều thay đổi theo. Tình cảnh khốn khó ngày càng khốn khó hơn, nhiều gia đình đã trở nên bi thảm, nghèo và túng thiếu hơn. Lúc  ấy không cần ai khuyến khích, nhà nào cũng thắt lưng buộc bụng. Và cũng vì vậy, mà người lớn bắt đầu nói đến chuyện trốn ra nước ngoài, bắt đầu dành dụm, vơ vét tất cả những gì mình có để con em vượt biên, vượt biển nhiều hơn.

Sau khi chúng tôi học xong lớp mười hai, nhiều đứa không được vào đại học vì thành phần gia đình không có chút “hồng” chút “đỏ” để vượt qua khỏi cái ải lý lịch, thì tình hình trở nên vô cùng gay go. Hằng ngày phường khóm lên án ráo riết những phần tử ăn không ngồi rồi, đầu óc bị nhiễm thói hư của Mỹ ngụy, cứ kêu chúng tôi họp hành liên miên. Chịu không nổi, tôi đành theo một cô bạn cùng xóm vào hợp tác xã đan rổ mây, dép nhựa xuất khẩu. Hưng là con trai nên đâu có chịu chấp nhận cảnh sống như vậy, nên theo bạn đi tìm trầm, đào vàng và cuối cùng xông ra bán chợ trời. Tôi nơm nớp sợ Hưng bị bắt đi thanh niên xung phong, Hưng đáp sẽ vượt biên.

images

Hưng quyết tâm vượt biên thật. Bao nhiêu tiền kiếm ra, Hưng không hề tiêu phí một đồng nào mà chỉ để mua vàng. Ngoại trừ những lúc rủ tôi đi ăn chè, ăn cháo vì “thấy bà ốm như con ma”, mặc dù Hưng nhịn đến cả miếng bánh mỳ, đôi dép. Tuy nhiên như thiên hạ vẫn hay nói đời không như là mơ, nên người bạn chí cốt của tôi sau khi để dành được đủ tiền, thay vì được chấp cánh tung bay, được thoát ra khỏi cảnh bần cùng thì bị rơi vào một chỗ thảm sầu! Ghe vượt biên của Hưng chưa kịp nổ máy, chưa kịp khởi hành đã bị phác giác ngay ở bãi. Toàn bộ từ người tổ chức đến những người tham gia như Hưng đều bị vào tù.

Tôi nghe cái tin Hưng bị bắt mà rụng rời tay chân. Ngày nào nghĩ đến những cảnh thê thảm trong tù đã từng nghe, lòng tôi cũng như muối xát. Nhưng ngoại trừ vài ba món quà nho nhỏ, một ký đường, lon thịt muối sả mà tôi phải dè xẻn, nhín từng đồng mới mua nổi để gửi cho mẹ Hưng khi bà đi thăm nuôi, thì trong suốt hai năm Hưng nằm khám, tôi không hề có cơ hội nào để gặp mặt. Lý do đơn giản là do tôi không đủ tiền mua vé xe đò. Lần nào nghe mẹ Hưng mếu máo kể chuyện Hưng ốm nhom ốm nhách trong bộ đồ tù, mặt mày hốc hác tàn tạ, tôi cũng khóc, cũng hứa sẽ đi thăm Hưng, nhưng cuối cùng rồi chỉ dừng lại ở một hộp ruốc, một ký đường…

Hưng “cải tạo” hai năm thì được về. Ốm nhách cao nhòng vì thiếu ăn và tóc tai ngắn ngủi, lởm chởm, người không người, ngợm không ra ngợm. Nhưng nhìn cái bộ dạng vừa thê thảm vừa ngố của Hưng chứng tỏ mình “ở trỏng mới ra”, tôi nhịn không được nên đã bật cười. Hưng lườm:

– Vui lắm sao mà cười?

Tôi trêu:

– Chứ không cười thì làm gì giờ?

Hưng xịu mặt ngồi sà xuống ngay đống rổ rá tôi đang miệt mài đan lát. Ngó tôi cặm cụi một hồi, Hưng chẳng nói gì, nhưng thình lình bỗng khều tay tôi

– Ê, vậy chứ cũng có chuyện này vui lắm, bà muốn nghe không?

Tôi nhìn lên hỏi ở tù mà cũng có chuyện vui sao. Hưng đáp sao không. Sau đó Hưng nói “tôi có gặp một người”. Tôi lại trêu, con cái nhà nào, chừng nào cưới. Hưng nhăn mặt:

– Không có vụ cưới hỏi. Tôi gặp một thằng.

Tôi bật cười. Và không hiểu sao lại bảo:

– Đừng có nói là ông gặp thằng ngồi bàn nhứt ở trong tù nghe.

Hưng sững sốt nhìn tôi. Nhìn chăm chăm. Nhìn lạ lùng. Với hai hàng lông mày hơi nhíu lại. Nhưng rất nghiêm trang. Và cũng rất ngạc nhiên. Hưng hỏi:

– Sao bà biết?

Và rồi Hưng nói.  Phải, tôi gặp nó ở đó. Gặp thằng ngồi bàn nhứt. Câu trả lời của Hưng làm tôi giật mình. Lúc ấy đến lượt tôi nhìn lại Hưng bằng cặp mắt kinh ngạc. Tôi không biết miệng mình có mở to như hay nhìn thấy những diễn viên đóng phim, đóng kịch vẫn làm vậy hay không, mà sau vài giây im lặng thì tôi la lên:

– Cái gì? Thằng đó? Tại sao nó ở trong tù?

Hưng “ờ, nó ở trong đó”. Lâu sau, Hưng kể:

– Vô trong đó hơn một năm thì tôi được ra ngoài làm lao động. Thình lình một bữa ở ngoài ruộng về, đang đi tôi bỗng nghe một tiếng gọi tên tôi, nho nhỏ thôi nhưng vừa đủ để tôi quay lại. Bà biết không, tôi sững luôn. Không bước nổi vì tôi nhìn ra hắn liền, dầu hắn đen hơn, ốm hơn. Tôi cũng bật hỏi hắn một câu rất vô duyên như bà vừa mới hỏi, là “ủa, sao lại ở trong này?”. Hắn mỉm cười, cái nụ cười tươi mà tôi chưa bao giờ thấy người nào bị nhốt trong đó mà cười được như vậy, trừ ngày nghe có lịnh thả, hay cầm lịnh thả trên tay…

Tôi hỏi dồn:

– Hắn không đi được hả? Cũng tù vượt biên hả?

Hưng bật cười:

– Đi được thì vô đó làm gì. Cũng không vượt biên gì ráo. Hắn bị tù vì tội giảng đạo.

Tôi kêu lên:

– Biết ngay là thằng này thế nào cũng đi tu mà! Hắn làm chức gì trong họ đạo?

Hưng nói:

– Bên Tin Lành không có chữ “họ đạo”, cũng không nói là đi tu, mà nói là Hội Thánh và hầu việc Chúa… Hắn chỉ là tín đồ bình thường thôi, không có chức vụ gì quan trọng hết, nhưng hắn đi làm chứng, giảng về lời Chúa. Bà biết rồi đó, thời buổi này mà dám đi truyền giáo, nói về phúc âm và kêu gọi người ta ăn năn để trở lại với Chúa thì đủ để đi tù rồi.

Tôi ngồi im. Vừa chăm chú nghe Hưng kể chuyện, vừa ngẩn ngơ tự hỏi sao “thằng ngồi bàn nhứt” đã không chịu di tản với nhà thờ của hắn, và cũng không làm chức vụ gì mà lại đi giảng đạo để bị bắt. Nhưng một lát sau, tôi bỗng ngờ ngợ nhận ra một điều là hình như cái kiểu cách nói chuyện của Hưng có cái gì là lạ. Có cái gì đó rất mới. Cả giọng nói và chữ dùng đều toát lên vẻ như hắn đã học được một điều gì đó. Cái vẻ mặt “phấn khởi hồ hởi”, đôi mắt long lanh như muốn nói hắn đang có niềm vui trong lòng. Và niềm vui đó đã mang lại cho hắn cái hạnh phúc khó diễn tả thì phải. Tôi nghiêm mặt ngó Hưng hứng thú tiếp tục câu chuyện của mình:

– Bà biết sao không, ở trong tù người nào cũng túng thiếu, cũng đói nhăn răng, nên hay có chuyện giành giựt nhau từng chút. Từ miếng khoai, củ sắn cho tới cả chỗ nằm ngủ buổi tối cũng có thể dễ dàng trở thành cái cớ để thiên hạ đánh lộn nhau. Bà biết tính tôi bình thường ít khi quạu ba cái chuyện tranh chấp cỏn con này, nhưng bị ăn hiếp hoài hay nghe hoài cũng nổi cơn, cũng bực mình. Vậy đó mà cái thằng bạn của mình thì hay ghê lắm nha bà. Hắn sống thanh thản, an lành. Chẳng bao giờ tranh chấp, chẳng bao giờ nổi cáu gì hết. Thiếu đủ gì có người cần thì hắn cũng nhường cho. Hắn nói “cho có phước hơn nhận lãnh”. Tôi nghe thiên hạ khen hắn hoài mà không tin, cho tới lúc sống chung lán mới đâm ra thán phục. Tôi hãnh diện về hắn quá chừng…

Tôi chằm chằm nhìn Hưng. Tự hỏi thằng bạn nối khố của tôi đang ngợi khen một người bạn cũ, hay có điều gì đã làm hắn thay đổi đây? Xem chừng như hắn không những bị khuất phục bởi một cách sống “gương mẫu”, nhẫn nhịn, mà còn có điều gì đó khác nữa. Tôi “bắt mạch”:

– Nhưng ông có chuyện gì khác muốn nói với tui nữa phải không?

Hưng lúng túng cười. Gương mặt có vẻ bối rối, nhưng im im một hối, sau cùng mới khe khẽ nói:

– … Là lúc được chuyển qua ở chung một lán với hắn, tôi có nghe hắn nói về Chúa…

Tôi ngó bạn thêm lần nữa. Hưng làm bộ cầm một sợi dây mây tôi đang làm, ngó qua ngó lại một hồi, rồi thận trọng đặt xuống. Hắn tằng hắng:

– Bà đừng có ngó tôi như vậy, mà nghe tôi nói nè. Là bà phải nghe về Chúa, phải biết là có Chúa trên đời này, thì mới hiểu tại sao có những đứa như thằng ngồi bàn nhứt, mới biết tại sao Chúa khiến nó sống một đời an bình và nhẹ nhàng như vậy. Nó có nói cho tôi nghe câu này, “dầu tôi đi trong trũng bóng chết, tôi cũng chẳng sợ tai họa nào vì Chúa ở cùng tôi”… Nói thiệt là tôi thấy Chúa của nó vĩ đại quá, tuyệt vời quá, tôi không tin không được, không phục không được… Phục Sinh này tôi dẫn bà đi nhà thờ để bà nghe về ơn cứu rỗi của Chúa, biết Chúa chết cho tội lỗi con người như thế nào.

Tôi vẫn không rời mắt ra khỏi Hưng. Ông bạn nối khố của tôi thao thao bất tuyệt một hồi về tình yêu của Chúa. Tôi có cảm giác như đang thấy thằng ngồi bàn nhứt ở đâu đây. Vì vẻ mặt của Hưng cũng lóe lên sự tự tin, bình tĩnh và rạng rỡ như người bạn ấy. Hưng kết thúc câu chuyện:

– Không biết tới lúc đó nó đã được về hay chưa, nhưng tôi sẽ cầu nguyện cho nó. Và cầu nguyện cho bà. Hy vọng tới một lúc nào đó, ba đứa mình sẽ cùng đi nhà thờ với nhau như cùng học chung ngày xưa. Tôi sẽ lên ngồi bàn nhứt với nó. Còn bà, thì bà muốn ngồi ở đâu?…

 

ng hoang

      HOÀNG NGA

   

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên