Trang Chủ KINH THÁNH Tuổi 63 Đọc Lại Thi Thiên 23

Tuổi 63 Đọc Lại Thi Thiên 23

6381
0
SHARE

tuổi sáu ba
🙂
ta về tìm những mùa thu trước
thuở mới lên năm học đánh vần
đến tuổi trăng rằm bao mộng ước
nhìn đời bằng đôi mắt xanh mơ
mười sáu mưa thu ướt tóc mềm
sân trường in vội bước chân qua
hai mươi tuổi ấy chưa thành lớn
hai sáu ba mươi tập tính toan
bốn mươi qua vội đến năm mươi
xuân đến xuân đi xuân còn đợi
hạ về thu lại đông chờ trước
ngõ nhà hoa lá tết xôn xao
sáu mươi vòng lại tuổi xuân thì
mây trôi gió thoảng đợi ngày đi
còn vui sống khỏe ơn thiên hựu
còn lắm thơ ngây đủ dại khờ
chúc mừng sinh nhật mỗi một năm
tóc điểm hoa râm tựa muối sương
tóc xanh con cháu mau khôn lớn
tre già măng mọc thế là vui
ai đi tìm những mùa thu trước
nghe lá thu bay tựa suối reo
còn đây ngày tháng tươi đẹp quá
vui hưởng ân ban tuổi sáu ba
🙂
CHÚA phán: “Vì chính Ta biết rõ chương trình Ta hoạch định cho các ngươi. Ta có chương trình bình an thịnh vượng cho các ngươi, chứ không phải tai họa. Ta sẽ ban cho các ngươi một tương lai đầy hy vọng.”
Giê-rê-mi 29:11
Chúng ta đã không vâng lời Chúa bao nhiêu lần trong những năm qua? Chúng ta đã từng quay lưng lại với sự hướng dẫn của Ngài khiến cuộc sống trở nên lộn xộn, và gặt hái hậu quả của việc không tuân theo lẽ thật của Ngài?
Vương quốc Giu-đa đã quay lưng với Chúa. Tiên tri Giê-rê-mi cảnh báo họ sẽ bị Đức Chúa Trời kỷ luật vì sự không vâng lời, nhưng họ vẫn phớt lờ. Và rồi Chúa cho phép đế quốc Ba-by-lôn tấn công Giê-ru-sa-lem và bắt đi một số tuyển dân làm phu tù. Đức Chúa Trời truyền bảo Giê-rê-mi viết một lá thư gởi đến những người bị lưu đày để nhắc họ biết rằng Ngài có một kế hoạch tốt đẹp cho đời sống của họ, và vào một ngày trong tương lai Ngài sẽ đem họ trở về vùng đất quê hương.
Những người bị lưu đày nhận được thông điệp này với sự nhẹ nhõm hay hoài nghi? Họ sẵn sàng đặt hy vọng vào những lời này hay vẫn còn sợ hãi trước một tương lai vô định? Còn bạn thì sao? Những tình huống bạn đang đối mặt, là do sự không trung tín của chính bạn hay của người khác? Bạn cần đọc lại Giê-rê-mi 29:11 với niềm vui khi tin cậy vào lời hứa của Cha thiên thượng. Bạn sẵn sàng tiếp nhận hay hoài nghi khi nhìn vào lời hứa của Đức Chúa Trời về một chương trình tốt đẹp Ngài dành cho bạn?
Hãy nhìn xem sự thành tín của Đức Chúa Trời trên vương quốc Giu-đa. Đức Chúa Trời là Đấng giữ lời hứa với tuyển dân xuyên suốt mọi thời đại. Điều này khích lệ chúng ta đặt hy vọng vào lời hứa không thay đổi của Chúa. Ngài sẽ hoàn thành chương trình tốt đẹp của Ngài cho chúng ta theo đúng thời điểm của Ngài.
“TÔI TIN RẰNG ĐỨC CHÚA TRỜI BIẾT VÀ QUAN TÂM ĐẾN MỌI CHI TIẾT TRONG CUỘC SỐNG HÀNG NGÀY CỦA TÔI.”

Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi; tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì.

Thi thiên 23:1

Những lời này trở nên quen thuộc với tất cả chúng ta. Đây là lời công bố của Đa-vít, và của những ai đặt đức tin nơi Chúa Giê-su Christ.

Nếu chúng ta phát biểu cách chân thành: “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi.” Khi đó chúng ta thực sự là những chiên của Ngài. Trước khi tin nhận Christ, chúng ta là những con chiên lạc mất. “Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy: Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người.” (Ê-sai 53:6). Hiện nay chúa Giê-su đã tìm thấy chúng ta và chúng ta trở thành một phần trong bầy của Ngài. Ngài là Đấng chăn giữ chúng ta. Một số Cơ đốc nhân bối rối vì họ được ví sánh với chiên – là một loài vật không thể tự vệ, đi lang thang trên đồng cỏ. Kinh Thánh không ví sánh tín nhân là sư tử, nhưng là chiên. Vì thế thế chúng ta cần một người chăn để dẫn đưa các bước chân của chúng ta. “Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi biết đường của loài người chẳng do nơi họ, người ta đi, chẳng có quyền dẫn đưa bước của mình.” (Giê-rê-mi 10:23). Bạn đã khám phá lẽ thật này?

Nếu Chúa Giê-su là Đấng chăn giữ của chúng ta, khi ấy chúng ta sẽ lắng nghe tiếng của Ngài. Có ba lần trong Giăng 10, Chúa Giê-su dạy rằng chiên của Ngài nghe theo tiếng của Ngài (câu 3, 16, 17). Chiên của Christ không chỉ nghe theo tiếng Ngài, mà còn nhận ra tiếng của những người chăn giả mạo – là những người phủ nhận Christ (câu 4, 5). Tiếng của Đấng Chăn nhân lành là Lời của Đức Chúa Trời, và Đức Thánh Linh cũng ban cho chiên của Christ biết phân biệt các linh, có khả năng “nhìn biết thần chân thật và thần sai lầm.” (1 Giăng 4:1-6). Nếu Đức Chúa Trời thực sự là Người chăn của bạn, bạn sẽ dành thì giờ để đọc, suy ngẫm Lời Ngài, “nghe đạo Ngài, và được dạy dỗ trong Ngài (y theo lẽ thật trong Đức Chúa Jêsus)” (Ê-phê-sô 4:21)

Nếu Chúa Giê-su là Đấng chăn giữ của chúng ta, khi ấy chúng ta sẽ đi theo Ngài. Chiên đi theo Chúa Giê-su, bởi vì chúng nghe theo tiếng Ngài (Giăng 10:4). Nếu chỉ đọc Lời Chúa thì không đủ, chúng ta cần vâng phục, làm theo những gì Lời Chúa dạy. Đấng chăn chiên nhân lành nuôi dưỡng và dẫn dắt chúng ta bằng Lời của Ngài. Chiên của Christ vươn tới sự trưởng thành thuộc linh bằng cách nghe và làm theo Lời. “Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình.” (Gia-cơ 1:22). Thi thiên 23 là một minh họa đầy đủ cho chúng ta là những người bước theo Đấng chăn chiên nhân lành. Chúng ta sẽ có tất cả với thực phẩm, đồng cỏ xanh, suối nước mát bình tịnh, bàn ăn với các thực phẩm phong phú và… mọi điều tốt đẹp. Tại bàn của Ngài chúng ta được dự phần trong sự thông công với Ngài và nhiều hơn thế nữa.

Nếu Chúa Giê-su là Đấng chăn giữ của chúng ta, khi ấy chúng ta sẽ sinh ra các lợi ích cho Ngài. Bầy chiên cung ứng cho người chăn và gia đình của ông những lợi ích: sữa, thịt, lông, da….Những người chăn chiên Do Thái không bao giờ ăn thịt những con chiên tốt nhất trong bầy, nhưng họ để dành chúng làm những sinh tế tốt nhất dâng lên cho Đức Chúa Trời. Chúng ta là những “của lễ sống và thánh” (Rô-ma 12:1-2) được dâng lên cho Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng tái sản xuất khi chia sẻ Phúc âm để đem người khác về với Cứu Chúa. Khi nhận thức đầy đủ về cái giá mà Chúa Giê-su phải trả cho bầy chiên của Ngài, Cơ đốc nhân sẵn sàng dâng tất cả những gì mình có, những điều tốt nhất cho Ngài.

Cuối cùng nếu chúng ta biết mình là chiên của Ngài, chúng ta sẽ về thiên đàng. “Quả thật, trọn đời tôi
Phước hạnh và sự thương xót sẽ theo tôi.
Tôi sẽ ở trong nhà Đức Giê-hô-va.
Cho đến lâu dài.” (Thi. 23:6)

Trong nhà Cha ta có nhiều chỗ ở; bằng chẳng vậy, ta đã nói cho các ngươi rồi. Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ.  Khi ta đã đi, và đã sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó.

(Giăng 14:2-3)

Khi về đến thiên đàng, Đấng Chăn chiên vẫn còn chăm sóc chúng ta.

“Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi” phải là lời nói xuất phát tận đáy lòng của chúng ta. Đức Chúa Giê-su gọi con dân của Ngài là “chiên của Ta” bởi vì Ngài đã mua chuộc chúng ta bằng chính huyết Ngài. Và chúng ta gọi Ngài là Đấng Đấng chăn giữ tôi, vì chúng ta tín thác vào Ngài.

Vì Chiên Con ở giữa ngôi sẽ chăn giữ và đưa chúng đến những suối nước sống; Đức Chúa Trời sẽ lau hết nước mắt nơi mắt chúng.

Khải. 7:17

Warren W. Wiersbe

Tranlated by Tuong Vi

File Audio âm thanh.
Nghe bài hát click vào Play – hình tam giác bên dưới:

SUY NGẪM CÙNG VỚI MỤC SƯ

Thi Thiên 23 là một bài thánh ca được viết cách đây gần 3000 năm.  Trong số 150 Thi Thiên trong Thánh Kinh, có lẽ Thi Thiên 23 là Thi Thiên được nhiều người yêu thích nhất.  Thi Thiên 23 là một khúc ca bày tỏ niềm vui hạnh  phúc của một người được sống trong sự dẫn dắt của Chúa.  Thi Thiên 23 được người tin Chúa hát lên giữa lúc vui mừng cũng như giữa cảnh khổ đau.  Các học giả cho rằng yếu tố quan trọng khiến Thi Thiên 23 được nhiều người yêu thích là vì bài thơ đã diễn tả một cách tinh tế và sống động mối tương quan giữa một cá nhân với Chúa.

Đa-vít, tác giả của Thi Thiên 23, là một vị vua của người Do Thái. Qua Thi Thiên 23, ông đã ghi lại tâm trạng bình an, phước hạnh và sự thỏa lòng của một người đặt trọn niềm tin nơi Đấng Toàn Năng.  Bài thơ phản ảnh những kỷ niệm thời niên thiếu của Đa-vít khi ông chăn chiên trên đồng cỏ, cũng như những từng trải của ông trong những tháng ngày bị săn đuổi bởi kẻ thù.

Thi Thiên 23 được nổi tiếng không phải chỉ giữa vòng những người tin Chúa nhưng cũng được phổ biến giữa những người không tin Chúa.  Một số nhà nghiên cứu văn học ghi nhận rằng Thi Thiên 23 là một trong những áng văn tuyệt tác của nhân loại.

Thi Thiên 23 mở đầu bằng câu: “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi.  Tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì.”  Bằng phương pháp ẩn dụ, Đa-vít mô tả Chúa qua hình ảnh Đấng Chăn Chiên.  Người chăn là một hình ảnh rất quen thuộc tại xứ Do Thái.  Khi viết Thi Thiên này, có lẽ ký ức về những năm tháng chăn bầy trong tâm trí của Đa-vít chưa phai.

Là một người chăn chiên kinh nghiệm, Đa-vít hiểu rõ trách nhiệm của một người chăn là thế nào; ông cũng hiểu rõ nhu cầu của bầy chiên là gì. Đa-vít biết rằng chiên không thể tự chăm sóc cho chính mình; nếu để chiên sống tự do trong đồng cỏ, có lẽ cả bầy chiên sẽ lần lượt thay nhau làm mồi cho muông sói.  Nhu cầu của chiên cũng vượt  quá khả năng toan liệu của chiên.  Chiên không biết ngày mai hay tháng tới sẽ ăn ở đồng cỏ nào; chiên không rõ nơi nào có nhiều cỏ xanh, có nước trong hoặc đâu là nơi an toàn.  Chiên chỉ sống theo bản năng đói ăn, khát uống; chiên không có khả năng tự vệ trước thú dữ, do đó chiên cần có người chăn.

Về một phương diện, con người cũng giống như chiên.  Mặc dầu giữa người và chiên có nhiều khác biệt, nhưng trong thực tế, những nhu cầu trong cuộc sống cũng vượt quá khả năng và sự tiên liệu của con người.  Trước những phức tạp trong cuộc đời, con người không biết tương lai mình sẽ ra sao.  Hiểu được điều đó, Đa-vít khiêm tốn so sánh mình như là một tạo vật yếu ớt, khờ dại và đặt mình hoàn toàn vào sự chăm sóc của Đấng Toàn Năng.

Hình ảnh thứ hai thể hiện trong ẩn dụ này là hình ảnh con chiên.  Chiên không phải là loài thú hoang nhưng là loài gia súc.  Chiên là vật sở hữu và có chủ.  Với câu mở đầu: “Đức Giê-hô-và là Đấng chăn giữ tôi,” Đa-vít so sánh mình như một con chiên và Đa-vít nhận mình thuộc về Chúa là Đấng Chăn Chiên yêu thương muôn đời.  Hơn một ngàn năm sau, Chúa Giê-xu xác nhận điều đó: “Ta là người chăn hiền lành; người chăn hiền lành vì chiên mình phó sự sống mình” (Giăng 10:11).

Có lẽ một trong những chữ ngọt ngào nhất trong phần mở đầu của Thi Thiên 23 là chữ “tôi.”  Từ ngữ đó diễn tả một mối tương giao mật thiết giữa tác giả với Chúa. Tác giả thuộc về Chúa và Chúa cũng là Đấng Chăn Chiên của tác giả.  Chúa không phải là Chúa của một ai khác nhưng là Chúa của chính tôi.  Ngài yêu thương tôi, chăm sóc tôi, bảo vệ tôi và dẫn dắt tôi.  Động từ trong câu trên được diễn tả theo thì hiện tại; do đó, ngày nay – sau hơn 3000 năm kể từ khi Thi Thiên 23 được viết ra – Cơ Đốc nhân khắp thế giới, dầu ở đâu, trong hoàn cảnh nào, khi đọc Thi Thiên 23 đều nhận được sự yên ủi ngọt ngào.  Người đọc đồng cảm với Đa-vít: nhận biết mình thuộc về Chúa và biết rằng Chúa vẫn đang chăm sóc chở che.

Trong cuộc sống hằng ngày, chiên cần một đồng cỏ xanh, một dòng nước trong và một bầu không khí trong lành.  Là một người chăn chiên chuyên nghiệp, Đa-vít biết rằng không phải lúc nào người chăn cũng có thể tìm một vùng đất luôn có đủ những nhu cầu đó.  Người chăn bình thường khó có thể luôn luôn tìm được những đồng cỏ xanh và suối nước trong cho bầy chiên nhưng với Đức Chúa Trời thì không có gì khó cho Ngài.  “Đức Giê-hô-va là Đấng Chăn Giữ tôi, tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì.”  Câu nói trên dường như có vẻ tự mãn nhưng thực chất diễn tả một đức tin, một sự hiểu biết vững vàng về Chúa.  Khi có Đức Chúa Trời – là Đấng Toàn Năng, là Đấng Tạo Hóa và là Chúa Tể của cả vũ trụ – chăm sóc mình thì chắc chắn người đó không phải lo lắng gì.

Thật vậy, dầu nhu cầu của con cái Chúa thật nhiều, nhưng vì Chúa là Đấng Tạo Dựng cả vũ trụ nên việc đáp ứng những nhu cầu của con cái Chúa không có gì khó cho Ngài.  Chúa không những có quyền chu cấp những nhu cầu cho con cái Chúa, nhưng Ngài cũng là Đấng tràn đầy tình yêu thương.  Chúa đã hy sinh mạng sống mình cho cả nhân loại thì không có gì mà Chúa muốn giữ lại không muốn ban cho người kính mến Ngài.  Nhận biết được quyền năng và tình yêu của Chúa, Đa-vít bày tỏ lòng tin chắc nơi Ngài.  Đa-vít biết rằng cuộc đời ông sẽ không cần phải lo lắng gì miễn là ông vẫn sống trong sự dẫn dắt của Chúa.

Đức tin và sự thỏa nguyện trong Chúa được thể hiện thật tinh tế qua câu thứ hai: “Ngài khiến tôi an nghỉ nơi đồng cỏ xanh tươi, dẫn tôi đến mé nước bình tịnh.”  Bức tranh diễn tả ở đây thật tuyệt vời: một bầy chiên hiền hòa nằm an lành trên bãi cỏ xanh bên dòng nước trong đang lững lờ trôi.  Khung cảnh thật đẹp.  Quen với sinh hoạt của bầy chiên, Đa-vít biết rằng chiên chỉ nằm nghỉ khi nào đã ăn no, không sợ hãi kẻ thù và cũng không lo lắng có những xung đột trong bầy. Sự bình an trong Chúa đã được Đa-vít diễn tả thật khéo léo.  Hình ảnh những chú chiên nằm dài trên bãi cỏ diễn tả tâm trạng của những người nương cậy Chúa không còn bị vướng bận ám ảnh bởi những sợ hãi từ bên ngoài, căng thẳng từ bên trong, hay những lo âu đói nghèo.

Sự tinh tế trong nghệ thuật mô tả của Đa-vít còn được thể hiện qua việc gián tiếp mô tả hình ảnh người chăn chiên.  Dầu không xuất hiện rõ trong bức tranh bầy chiên bên dòng suối, nhưng chìa khóa của bức tranh xinh đẹp chính là hình ảnh của người chăn thấp thoáng đâu đó bên sườn đồi.  Những con chiên chỉ cảm thấy bình an khi biết rằng người chăn lúc nào cũng ở đâu đó bên cạnh để canh chừng và chở che.

Về một phương diện nào đó, hình ảnh trên thật tương phản với thực trạng của xã hội loài người.  Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới đầy xáo trộn: con người luôn khao khát, luôn tìm kiếm mà không thấy thỏa lòng.  Bên cạnh những điều đó, giữa người và người có những xung đột với nhau.  Ngoài ra, con người luôn cảm thấy lo sợ bất an.  Con người lo sợ đủ thứ từ bệnh tật, tai nạn, đói nghèo đến chiến tranh, chết chóc, …

Trong thực tế, cuộc sống của Đa-vít cũng từng trải những kinh nghiệm đó.  Tuy nhiên khi nhìn lên Chúa ông biết rằng có một Đấng Toàn Năng đang điều khiển mọi sự, Ngài quan phòng mọi sự và Ngài sẽ lo liệu mọi điều cho con cái Ngài.  Khi có Chúa bên cạnh, những sợ hãi, hoang mang, lo âu trong cuộc sống của người tin Chúa sẽ biến tan.  Tin cậy Chúa là Đấng Chăn Chiên đang quan phòng chở che, Đa-vít biết rằng ông có thể thanh thản an nghỉ trong Ngài.

Hình ảnh bầy chiên nằm trên thảm cỏ xanh cũng là một biểu tượng thật sinh động về cuộc sống an bình và phước hạnh trong Chúa.  Đa-vít rất khéo léo trong nghệ thuật dùng màu sắc.  Ông đã dùng màu xanh – là màu dịu dàng nhất trong những màu căn bản – làm nền cho bức tranh.  Màu xanh là màu của hy vọng.  Trong ngôn ngữ của nghệ thuật và thi ca, màu xanh vừa là biểu tượng cho những trận mưa rào vừa thể hiện ánh nắng lung linh.  Màu xanh là màu của sức sống.

Sau khi đã vui đùa, đã tắm mát, đã uống thỏa thuê dòng nước trong lành, giờ đây bầy chiên nằm dài sưởi nắng trên đồng cỏ.  Chỉ với vài chữ ngắn gọn, bằng phương pháp ẩn dụ qua hình ảnh dòng suối và đồng cỏ, Đa-vít đã diễn tả thật sinh động cuộc sống phong phú của người theo Chúa.

Trong đời sống tâm linh, Đức Thánh Linh chính là suối nước của tâm hồn.  Ngài là dòng nước thanh tẩy cho những cuộc đời ô uế, Ngài làm tươi mới những tấm lòng ưu sầu, và làm cho những tấm lòng khao khát được thỏa nguyện.

Thánh Kinh chính là bãi cỏ xanh bên dòng suối.  Thật vậy, Thánh Kinh lúc nào cũng phong phú, cũng tươi mới và không bao giờ vơi cạn cho những tấm lòng biết tìm kiếm Lời Chúa.  Lời Chúa trong Thánh Kinh cũng chính là nguồn hy vọng, là cơn mưa rào cho những tấm lòng khô cằn, là ánh nắng ban mai xua tan những áng mây đen u sầu.  Ánh sáng của Lời Chúa sưởi ấm những tâm hồn giá băng và mang lại sức sống  cho những tâm hồn khô héo.

Hàng ngàn năm qua, hàng triệu người theo Chúa đã kinh nghiệm sự bình an thỏa lòng khi đến với Thánh Linh và Thánh Kinh.  Sống trong sự chăm sóc của Chúa qua Thánh Linh và Thánh Kinh, con cái Chúa nhận được cả sự thanh tẩy lẫn tươi mới, sự chăm sóc lẫn bình an, sự thỏa lòng lẫn an nghỉ.

Qua hình ảnh người chăn khuất bên sườn đồi, Đa-vít thể hiện Chúa là cội nguồn của mọi phước hạnh của con cái Ngài.  Tất cả sự sung mãn, thỏa lòng, vui vẻ và bình an chúng ta có được đều nhờ vào sự quan phòng, chăm sóc, bởi ân điển và lòng nhân từ của Chúa.

“Ngài bổ lại linh hồn tôi, dẫn tôi vào các lối công bình, vì cớ danh Ngài.”  Câu Kinh Thánh trên có lẽ diễn tả lại một kinh nghiệm khác mà Đa-vít đã từng trải trong cuộc đời của ông.  Sau những năm tháng cơ hàn và chinh chiến, Đa-vít được làm vua.  Khi làm vua, Đa-vít đã bị cám dỗ phạm tội ngoại tình và dẫn đến tội giết người.  Đa-vít kinh nghiệm sự cay đắng dày vò khi chìu theo con đường tội ác, sống sai ý Chúa.  Sau những hối tiếc xót xa thể hiện trong Thi Thiên 51, giờ đây Đa-vít kinh nghiệm một điều mới: ông biết Chúa vẫn yêu thương.  Đa-vít nếm trải lòng nhân từ và sự tha thứ của Chúa.  Giờ đây Đa-vít biết: khi ông đau buồn, Chúa an ủi ông; khi ông ăn năn, Chúa tha thứ cho ông; và khi ông yếu đuối ngã lòng, Chúa nâng đỡ ông.  Ghi lại câu thơ trên, Đa-vít muốn nhắc lại kinh nghiệm phước hạnh đó.  Đức Chúa Trời đã tha thứ cho Đa-vít và ban cho ông sức mới.  Kể từ nay, Ngài dẫn dắt ông đi trong con đường ngay thẳng chánh trực của Ngài.

Câu thơ trên cũng diễn tả một giai đoạn mới trong cuộc đời của người theo Chúa.  Thật vậy, phước hạnh của Chúa không chấm dứt bằng sự nghỉ ngơi nhưng người tin Chúa phải tiếp bước linh trình.  Đồng cỏ xanh tươi và suối nước trong không phải là chốn định cư.  Linh hồn được Chúa bồi bổ để chuẩn bị cho một hành trình mới; sức lực nhận được từ Chúa phải được sử dụng trong con đường công chính.  Đa-vít biết rằng giờ đây, ông không đi theo con đường riêng của mình nhưng ông sẽ đi theo đường lối Chúa.  Đức Chúa Trời muốn con cái Chúa bước đi trong đường lối công chính của Ngài.  Ngài muốn chúng ta bước đi không phải chỉ vì lợi ích riêng của chúng ta mà còn vì lợi ích của những người khác nữa.

“Dầu tôi đi trong trũng bóng chết, tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào, vì Chúa ở cùng tôi.  Cây trượng và cây gậy của Chúa an ủi tôi.”  Câu Kinh Thánh trên diễn tả một tâm trạng khác trong đời sống của người tin Chúa.  Cuộc đời theo Chúa không phải lúc nào cũng là những thảm cỏ xanh; đôi khi những hoạn nạn, khó khăn như là “bóng sự chết” tìm cách vây phủ người theo Chúa.  Tuy nhiên, khi có Chúa bên cạnh, những nguy hiểm đó chỉ là chiếc “bóng” chóng qua.  Trải qua hàng ngàn năm, câu Kinh Thánh trên đã an ủi biết bao thế hệ người tin Chúa.  Rất nhiều người đã đọc câu Kinh Thánh này khi hấp hối và họ đã về với Chúa trong an bình.

Khi ghi lại câu Kinh Thánh trên, có lẽ Đa-vít hồi tưởng lại những giây phút bên bầy chiên khi đi qua những thung lũng đen mịt.  Vào mùa hè tại xứ Do Thái, bầy chiên thường ở lại bên sườn đồi có khi vài tháng trường.  Bầy chiên thường xuyên di chuyển từ nơi này qua nơi khác. Nhiều lần bầy chiên phải băng qua những thung lũng tối đen vì bị bóng núi phủ che; đây đó trong thung lũng, thú dữ rình rập, đợi chờ.  Dầu vậy, bầy chiên không kinh hoàng vì người chăn yêu thương luôn bên cạnh dẫn dắt.

Hầu hết Cơ Đốc nhân khi đối diện với sự chết không sợ hãi hay “chạy trốn;” họ thản nhiên “bước” với Chúa.  Người tin Chúa thanh thản bước đi khi đối diện với sự chết vì họ biết con đường mình đang đi, biết đoạn kết con đường mình sẽ về nơi đâu; và hơn cả những điều đó, họ biết Chúa đang đi cùng họ.  Người tin Chúa không bị giữ lại trong “trũng bóng chết” nhưng họ vượt qua.  Cây trượng và cây gậy của Chúa luôn gìn giữ họ.  Cơ Đốc nhân bước đi trong “trũng bóng chết” với tấm lòng bình an vì biết rằng bên kia thung lũng Chúa đang dọn tiệc trông chờ.

Trong câu tiếp theo Đa-vít ghi: “Chúa dọn bàn cho tôi, trước mặt kẻ thù nghịch tôi; Chúa xức dầu cho đầu tôi, chén tôi đầy tràn.”   Trong câu Kinh Thánh trên, Đa-vít dùng một ẩn dụ khác mô tả Chúa và đồng thời nhấn mạnh thêm đức tin và lòng biết ơn Chúa của ông.  Khung cảnh mà Đa-vít mô tả là ngôi nhà của Chúa, nơi đó ông là một vị khách, được Chúa – là vị chủ nhà – tiếp đãi thật nồng hậu.  Trong nhà của Chúa, Đa-vít được xức dầu, được thết đãi.  Nơi đó, Đa-vít cảm thấy thật hạnh phúc và được bình an, bởi vì ông được Chúa bảo vệ và chu cấp chu toàn: dầu bên ngoài kẻ thù vẫn lăm le nhưng không làm gì được ông.  Những giây phút sống trong Nhà Chúa chính là những giây phút phước hạnh, an bình và mừng vui.

Đa-vít tiếp tục thể hiện đức tin tuyệt vời của ông nơi Chúa qua câu kế tiếp: “Quả thật, trọn đời tôi, phước hạnh và sự thương xót sẽ theo tôi.”  Đa-vít nhấn mạnh: ơn phước và tình yêu của Chúa không chỉ ban cho ông trong quá khứ, trong hiện tại nhưng vẫn còn tiếp tục mãi trong tương lai.  Con người luôn tìm kiếm theo đuổi phước hạnh, nhưng qua câu Kinh Thánh trên, Đa-vít cho biết ông không phải “tìm kiếm” phước hạnh nhưng phước hạnh sẽ theo đuổi ông.  Câu nói dường như có vẻ ngạo mạn nhưng thật ra chỉ trình bày một kinh nghiệm, một thái độ tin cậy tuyệt đối nơi Chúa, của một người biết rằng Chúa là Đấng nắm giữ cả tương lai.

Cảm nhận được ơn phước Chúa, Đa-vít hứa nguyện với Chúa rằng: “Tôi sẽ ở trong nhà Đức Giệ-hô-va cho đến lâu dài.” Không có gì phân rẽ tôi khỏi Nhà Chúa vì nơi ấy tôi được hưởng những phước hạnh tuyệt vời; không có gì phân rẽ tôi khỏi Nhà Chúa vì nơi ấy tôi được đối xử thật tuyệt vời; không có gì phân rẽ tôi khỏi Nhà Chúa vì nơi ấy tôi có Chúa.  Những sự an bình, sung túc, vinh hiển chỉ là phước hạnh tạm thời, nhưng phước hạnh lớn nhất của tôi là tôi được sống bên Chúa và thờ phượng Ngài trọn đời.

Trong những ngày này – khi coronavirus lan tràn trên thế giới, nhắc lại Thi Thiên 23 để cùng nhau ôn lại bí quyết của hạnh phước.  Qua kinh nghiệm của Đa-vít, chìa khóa của phước hạnh là đặt trọn niềm tin vào sự dẫn dắt quan phòng của Đức Chúa Trời.  Khi chúng ta hết lòng tin cậy, vâng phục và phó thác đời sống mình cho Chúa, phước hạnh của Ngài không bao giờ xa chúng ta.

Châu Thanh

Là người đã từng chăn chiên, Đa-vít có dịp suy nghĩ về vai trò của người chăn, và có thể ví von Đức Chúa Trời như một người chăn. Hôm nay trong dịp tạ ơn, chúng ta học lại Thi Thiên 23, để cám ơn Chúa về những ơn phước mà Ngài đã làm cho chúng ta.

  1. Chúa thỏa mãn Nhu cầu thuộc thể

Đức Chúa Trời ban cho chúng ta rất nhiều điều, và điều trước nhất mà Ngài thỏa mãn chúng ta là những nhu cầu thuộc thể của chúng ta. Là người chăn, Đa-vít biết đàn chiên chỉ cần có hai điều mà thôi, đó là cỏ và nước. Nếu được hai điều đó, chiên sẽ thỏa mãn. “1. Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi: tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì. 2. Ngài khiến tôi an nghỉ nơi đồng cỏ xanh tươi, dẫn tôi đến mé nước bình tịnh.” Cỏ xanh tươi và nước bình tịnh. Sở dĩ ông nói đến “nước bình tịnh” vì chiên rất sợ dòng nước chảy mạnh. Nếu bị té xuống một dòng nước chảy mạnh, thì với bộ lông nặng nề của nó, chiên phải chết thôi. Người chăn mà thương chiên phải làm một cái đập để có một dòng nước bình tịnh cho chiên uống.

Chiên có một điều hơn chúng ta là nó biết điều nó cần, tức là nước và cỏ, và khi có điều nó cần là nó thỏa mãn. Con người mong muốn có sự thỏa mãn trong tâm hồn, nhưng thế gian này luôn muốn làm chúng ta không thỏa mãn, bằng cách dùng những phương tiện như quảng cáo trên ti-vi để làm chúng ta ước muốn những điều mình không có. Vì vậy chúng ta phải biết phân biệt giữa nhu cầu với những điều chúng ta ham muốn, giữa điều chúng ta có với điều chúng ta ham có. Chúng ta chỉ có sự thỏa mãn khi chúng ta thích những điều mình đang có, hơn là những điều mình chưa có. Khi Đa-vít nói, “Tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì,” ông nói đến sự không thiếu thốn những nhu cầu cần thiết trong đời sống, chứ không phải sự không thiếu những điều ông thèm khát. Là người tín đồ, nhìn Đức Chúa Trời như người chăn, chúng ta phải có thái độ cám ơn Chúa, thỏa mãn với những gì Chúa ban cho chúng ta. Tôi vẫn thường nói là người tín đồ chúng ta trên nước Mỹ này cần phải cám ơn Chúa nhiều hơn ai hết, vì ở đây chúng ta quá sung túc.

”Ngài khiến tôi an nghỉ nơi đồng cỏ xanh tươi.” Chiên chỉ có thể an nghỉ được nếu nó no lòng, và con người chúng ta chỉ có thể có được sự an nghỉ nếu có được sự thỏa mãn. Nếu chúng ta biết Thượng đế cung cấp tất cả những nhu cầu trong đời sống chúng ta, và thỏa mãn với những gì mình có, thì chúng ta mới có được sự an nghỉ đó.

  1. Nhu cầu thuộc linh

Điều thứ nhất chúng ta cám ơn Chúa là Ngài thỏa mãn những nhu cầu thuộc thể của chúng ta. Nhưng quan trọng hơn là Chúa cũng thỏa mãn nhu cầu thuộc linh của chúng ta nữa. Chúa để ý đến linh hồn của chúng ta, và muốn cứu linh hồn của chúng ta, làm cho linh hồn của chúng ta cũng được thỏa mãn. Câu 3, “Ngài bổ lại linh hồn tôi, dẫn tôi vào các lối công bình, vì cớ danh Ngài.” Chữ bổ này có lẽ không được rõ nghĩa. Tiếng Anh là to restore, hoàn phục lại. Đôi khi chiên bị té vào một cái thế mà tôi chỉ có thể gọi là thế “trồng cây chuối,” với bốn chân chổng lên trời. Trong thế này, với bộ lông nặng nề, nó không làm gì được, chịu thua, và chỉ nằm chờ muôn sói đến ăn. Thấy chiên như vậy, người chăn đến lật nó lại, để nó trở lại tư thế bình thường. Đó là ý nghĩa của chữ bổ lại, hoàn phục lại. Chúng ta sanh ra trong đời sống mà mọi giá trị đều bi đảo ngược: cái gì quan trọng nằm phía dưới, cái gì không quan trọng lại được đặt bên trên. Trong đời sống đó, chúng ta nằm chịu trận để ma quỷ tới làm thịt. Nhưng Đức Chúa Trời không để chúng ta như vậy. Là người chăn chiên, Ngài đến lật chúng ta lại một thế đứng vững vàng. Ngài bổ lại linh hồn tôi bằng cách chết trên cây thập tự giá, để ngày nay chỉ cần tin vào Ngài tôi được tái sanh, thành một người mới.

Không những Chúa cứu chúng ta, Ngài cũng không để chúng ta bơ vơ một mình. Ngài dẫn tôi vào các lối công bình. Chúng ta đã học trong Thi Thiên 16 rằng có con đường xem ra có vẻ tốt lành nhưng chỉ đưa đến sự chết, và có con đường của Chúa. Chúa chỉ cho chúng ta thấy con đường nào là con đường đẹp lòng Chúa mà chúng ta phải theo, và con đường nào không làm đẹp lòng Ngài. Như người chăn chiên, Ngài không ép tôi đi, không lấy dây kéo tôi, nhưng Ngài dẫn tôi, chỉ cho tôi con đường sống của Ngài.

  1. Nhu cầu tình cảm

Sau khi chúng ta tin Chúa rồi, Đức Chúa Trời cũng không để chúng ta sống trên đời này giống như bao nhiều người khác. Để ý rằng, bắt đầu từ câu 4 tác giả không còn nói về Đức Chúa Trời như ngôi thứ ba nữa, nhưng ông nói chuyện thẳng với Đức Chúa Trời như thế này, “4. Dầu khi con đi trong trũng bóng chết, con sẽ chẳng sợ tai họa nào; vì Chúa ở cùng con.” Ông muốn nói là bây giờ trong đời sống của ông, ông có Chúa ở cùng. Tôi cảm thấy ngạc nhiên thích thú là trong những bài giảng của tôi trong mấy tháng vừa qua, từ sách Công Vụ qua những Thi Thiên, tôi cứ luôn nghe một sứ điệp là “Chúa ở cùng, Cha ở cùng.” Không để chúng ta bơ vơ, Ngài luôn ở cùng với chúng ta trong mọi bước đường của chúng ta.

“Cây trượng và cây gậy của Chúa an ủi con.” Cây trượng khác với cây gậy. Cây trượng là cây người mục đồng dùng để chống lại những con thú hoang khác; cây gậy mỏng manh hơn, có cái đầu cong cong. (Quý vị thấy ông Giáo Hoàng thường cầm cái cây có đầu cong đó.) Cây trượng là để đối nghịch với kẻ thù, nhưng cây gậy để kéo con chiên lại, lừa nó đi chỗ này chỗ kia. Chúa dùng cây trượng để đối nghịch với những kẻ chống chúng ta, dùng cây gậy để hướng dẫn, dìu dắt, nâng đỡ chúng ta.

Khi nãy chúng ta nghe lời làm chứng của nhiều người, và thấy rằng người tín đồ đối diện với những khó khăn trong đời sống mình khác người khác. Ngay cả khi họ đối diện với cái chết cũng vậy. “Dầu khi con đi trong trũng bóng chết, con cũng chẳng sợ tai họa nào, vì Chúa ở cùng con.” Đúng hơn chúng ta phải dịch là “đi qua trũng bóng chết,” chứ không phải “đi trong trũng bóng chết.” Bóng chết chỉ là cái gì tạm thời mà thôi. Chúng ta chỉ đi ngang qua đó mà thôi.

Có một chữ hay nữa mà chúng ta cần phải để ý là chữ bóng chết. Chúng ta thực sự không là nạn nhân của cái chết. Cái chết không có quyền trên người tín đồ chúng ta nữa; bây giờ nó chỉ còn là cái bóng. Cái bóng của con thú không có làm gì được trên chúng ta hết, chỉ dọa để chúng ta sợ mà thôi. Mỗi người chúng ta đều phải đi qua cái bóng của sự chết, nhưng chúng ta không sợ nữa, vì biết rằng cuối cùng chúng ta sẽ chiến thắng được sự chết.

Đời sống tình cảm của chúng ta không còn là đời sống đau buồn nữa, nhưng là đời sống chiến thắng, không có lo lắng, ngay cả khi chúng ta đối diện với sự chết. Tại vì sao chúng ta không lo lắng? Tại vì Chúa ở cùng chúng ta. Ngay cả trong khi đi qua trũng bóng chết, Chúa ở cùng. Chúa không để chúng ta phải đối diện với cái chết một mình. Và khi mình biết Chúa ở cùng, chúng ta đối diện với cái chết cách khác.

🙂

Xin chúng ta đừng đòi hỏi Chúa cất chúng ta ra khỏi những sự đau đớn, khỏi sự bệnh hoạn, ngay cả cái chết. Điều quan trọng là chúng ta biết rằng, giữa những cái chết, đau đớn, bệnh hoạn đó, Chúa ở cùng chúng ta, như người chăn chiên không bỏ đàn chiên. Và đây là điều an ủi nâng đỡ chúng ta.

Câu thứ 5, “Chúa dọn bàn cho con, trước mặt kẻ thù con.” Có thể đây là hình ảnh của người chủ nhà tiếp khách, nhưng chúng ta cũng có thể hiểu đây là hình ảnh của người chăn chiên lo cho chiên mình. Mình cũng có những kẻ thù, những người không thích mình, nhưng người có Chúa có sự bình an ngồi ăn trước mặt kẻ thù, không sợ.

“Chúa xức dầu cho đầu tôi, chén tôi đầy tràn,” như người chăn chiên xức dầu cho đầu con chiên, để trừ những con bọ chét, hay để xoa dịu những vết thương.

Khi người tín đồ nhìn lại bao nhiêu ơn phước Chúa đã ban cho mình rồi thì chỉ có thể nói một điều với Chúa, đó là “Trọn đời con phước hạnh và sự thương xót sẽ theo con.” Xin để ý chữ theo. Mình không cần phải chạy đuổi theo phước hạnh và sự thương xót nữa, nhưng tự nhiên chúng chạy theo mình. Không cần tìm kiếm, tự nhiên đời mình có đầy ơn phước khi mình có Chúa, có một người chăn cho đời sống mình.

  1. Nhu cầu đời đời

Tôi vẫn thường nói là nếu chúng ta tin Chúa chỉ để có sự bình an hay sự thỏa lòng trên đời sống này thì đây là điều thiếu sót vô cùng. Tin Chúa, chúng ta sẽ có một sự sống đời đời về sau.

Vài người tín đồ nghĩ là nếu tin Chúa thì mình sẽ sống dài dài, còn những người không tin Chúa thì sẽ chết mất. Thưa, không đúng như vậy. Mỗi người chúng ta đều sống dài dài sau cái chết của thể xác. Sự tồn tại của linh hồn không tùy thuộc vào thể xác này. Chúng ta chết đi chỉ giống như chúng ta dời nhà. Nhưng dời đi đâu? Địa chỉ mới của chúng ta ở đâu? Điều quan trọng chúng ta phải biết là, sau cái chết, người tín đồ có địa chỉ khác, và người không tin Chúa có địa chỉ khác. Trong Giăng đoạn 14, câu 2-3, Chúa Giê-xu hứa như thế này, “Trong nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở, và chẳng vậy Ta đã nói với các ngươi rồi. Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi Ta đã đi và sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, Ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với Ta, hầu Ta ở đâu thì các ngươi cũng sẽ ở đó.” Chúa Giê-xu đã dọn sẵn cho chúng ta một chỗ ở để chúng ta về đó sau cái chết của thể xác. Chúng ta có thể nói với Chúa rằng, “Con sẽ ở trong nhà Đức Giê-hô-va cho đến lâu dài.”

Điều kiện

Quý vị thấy, Chúa ban chúng ta quá nhiều ơn phước. Không phải chúng ta giàu sang hơn sau khi tin Chúa, nhưng chúng ta biết thỏa mãn với những điều mình có. Chúng ta có sự bình an, ngay cả giữa sự đau đớn, hay bóng chết, vì chúng ta biết là đằng sau cái chết đó có một chỗ ở mà Đức Chúa Trời đã dọn sẵn cho chúng ta.

Điều kiện quan trọng là chúng ta phải nói câu thứ nhất của Thi Thiên 23 này trước khi nói những câu khác. Nếu quý vị cảm thấy đời sống mình chưa có sự bình an, thỏa mãn, quý vị chưa sẵn sàng đối diện với các chết, xin quý vị nhìn lại câu thứ nhất để coi mình có thể nói câu này hay không. Câu thứ nhất của Thi Thiên 23 viết như thế này, “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi.”

Ai là Đấng chăn giữ tôi? Đức Giê-hô-va. Chữ Giê-hô-va có một ý nghĩa rất lớn. Người Do Thái rất kính sợ tên riêng này của Đức Chúa Trời. Thiệt ra, họ không dám viết nguyên chữ Giê-hô-va trong Kinh Thánh, và họ phải đi tắm trước khi viết một phần của chữ đó. Vậy mà Đa-vít nói, Đức Giê-hô-va (một Đấng cao trọng nhất như vậy!) là người chăn tôi. Đức Giê-hô-va, chứ không phải ai hết, là Đấng chăn giữ tôi. Chúng ta có thể nói Đức Chúa Trời là đấng chăn giữ mình hay không? Hay là mình chỉ có thể nói cái nhà này chăn giữ tôi, công ăn việc làm này chăn giữ tôi, ông chủ này chăn tôi và tôi làm mọi cho ông.

Tôi có sẵn sàng đặt mình vào dưới quyền của Đức Giê-hô-va hay không? Hay là tôi không thuộc về đàn chiên của Ngài, chỉ đứng ở bên ngoài dòm? Trước khi có được bình an trong cuộc sống này, trước khi thấy ý nghĩa cho đời sống này, trước khi có thể nhìn cái chết một cách ngạo nghễ, mình phải nói Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ chính cá nhân của tôi, không ai khác.

Là Đấng chăn giữ tôi, trong hiện tại chứ không phải trong quá khứ. Tôi không thể nói trước kia có lần tôi nói Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi là đủ rồi. Là Đấng chăn giữ tôi trong hiện tại, chứ cũng không phải là trong tương lai. Nếu quý vị chưa nói được câu Đức Giê-hô-va hiện nay là Đấng chăn giữ tôi, thì quý vị vẫn chưa có sự bình an, và ý nghĩa trong đời sống này.

Nếu trong phòng này có người nào chưa có lần nào thực sự xin Đức Chúa Trời làm Đấng chăn giữ mình, đây là lúc quý vị có thể nói lên điều này. Nếu quý vị đến đây với tinh thần cảm tạ cám ơn Chúa, đây là việc làm cảm tạ lớn nhất mà quý vị có thể làm được, và hành động này sẽ có ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống còn lại của quý vị trên thế gian này, cũng như sau khi quý vị lìa đời. Điều quý vị cần phải làm là nói Đức Giê-hô-va rằng, “Con muốn xin Chúa Giê-xu làm Đấng chăn giữ chính cá nhân con, và con muốn bước vào chung với đàn chiên của Chúa ngay lúc này.” Nếu quý vị muốn thấy cuộc sống mình thực sự thay đổi, có sự bình an, thỏa mãn, nếu quý vị muốn thấy mình có thể đối diện với cái chết một cách nhẹ nhàng, coi cái chết chỉ là cái bóng đi qua đời mình mà thôi, tôi mời quý vị đưa tay lên như một cách để nói với Chúa là “Giờ đây con muốn làm một con chiên trong đàn chiên của Ngài.”

Mục sư Đỗ Lê Minh

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên