Trang Chủ TRANG CHỦ Không Thể Trở Về Tiễn Cháu Đi Xa

Không Thể Trở Về Tiễn Cháu Đi Xa

428
0
SHARE

Độ này năm ngoái ở xứ tôi lửa đang bùng cháy khắp nơi, nhưng lửa cháy, tro bay, khói bụi mịt mù thì tôi không có tâm trạng nhớ nhà. Năm nay thì khác; trời đổ mưa liên tục, mưa phảng phất như mưa phùn, cái mưa xuân của miền bắc Việt Nam. Những hạt mưa bay thấm đẫm trên những cánh hoa  tường vi ngay trong vườn sau nhà. Khung cảnh ấy khiến tôi nao nao chạnh lòng, nhớ về cái Tết của quê hương, và chắc chắn, tôi không thể có mặt cùng người thân đón xuân. Nhớ lắm, tôi lần mở trong YouTube để nghe bản nhạc Em Ơi Mùa Xuân Đến Rồi Đó mà ca sỹ Thu Phương thể hiện tốt nhất để thả hồn, để nhờ lời ca ấy cho tôi cảm thấy thứ mình đang thiếu nơi đây. Tôi đang thiu thiu thả hồn thì chợt điên thoại rung lên. Một thông điệp.

‘Cậu à! Anh… đã bị bệnh viện trả về. Cậu tiếp tục cầu nguyện để phép lạ có thể xảy ra cho anh nhé.’

Đọc tin nhắn mắt tôi nhạt nhoà.

Vậy là đứa cháu đã cùng tôi lớn lên, nay trong niềm tin đã là người anh em trong Chúa đang chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa mới của cuộc đời. Nếu phép lạ không xảy ra, cháu tôi sẽ không thể tiếp tục sống để cùng người thân vật lộn trong cuộc sống tạm bợ của trần thế. Nếu phép lạ không xảy ra, cháu tôi sẽ bước đến với một cuộc sống hoàn toàn mới, cuộc sống có mối tương giao mật thiết với đấng Tạo Hoá. Cuộc sống ấy không bị cản trở bởi luật hấp dẫn của trái đất, hay lực hút của mặt trời, hay sự ngăn cách  của địa lý. Trở về với Đấng tạo nên mình, tương tự như người đi xa, nay được trở về với quê hương bản quán, phải là một nguồn vui, một sự hăm hở đặc biệt tương tự như tôi đang nhớ, đang thiết tha mong mỏi không còn COVID để trở về với nguyên quán của mình.

Lớn tuổi, lại xa nhà, nay vì dịch cúm đã ngăn cản tôi không thể cứ muốn bay là bay như hôm xưa cho nên khi nghe tin nhắn, dù trong niềm tin biết rõ Chúa đang dang rộng vòng tay đón cháu, nhưng tình cảm và cảm xúc của sự chia ly khiến cho lòng tôi càng thêm nao nao.

Đối với tôi người cháu ấy luôn luôn là đặc biệt vì chúng tôi đã được lớn lên cùng nhau.

Hồi ấy chị gái tôi là một cô giáo trẻ dẫn theo người thanh niên rất bảnh trai về quê ra mắt bố mẹ người yêu. Bố tôi tiếp đón anh một cách long trọng khác thường. Ông hỏi han người con trai ấy về quê hương bản quán, ông hỏi về dòng họ và tổ tiên và rồi, bố tôi nêu lên những đặc điểm của làng quê, người ông từng quen biết, ông biết rõ xứ sở và ngay cả người thân của người thanh niên ấy, bởi vì khi còn trẻ ông đã từng làm thầy dạy học ở xứ này.

Khi thanh niên kia trở về nhà, một cuộc bàn thảo giữa bố tôi và ông bác ruột, người mà tất cả chúng tôi đều người ngưỡng mộ. Câu chuyện của họ quanh tách trà làm tôi không bao giờ quên.

‘Chú muốn gả con gái cho cậu con trai đó hay sao?’

‘Vâng! Em đã nghĩ thế.’ Nói ra được suy nghĩ của mình nhưng bố tôi hỏi lại.

‘Anh có điều gì muốn nói?’

‘Có đấy! Để anh sẽ nói lên mối quan ngại của anh… Đáng lý ra cậu ấy phải có người đại diện đi cùng để hỏi vợ chứ. Tại sao cậu ấy chỉ đến một mình?’

‘Tại vì cậu ấy mồ côi cha từ thủa bé, mẹ thì đần…’

‘Thế chú định gả đứa con gái xinh đẹp như bông hoa cho người không cha hay sao?’ Bác của tôi nêu vấn đề.

‘Chúng nó yêu nhau anh ạ! Và em không muốn mấy thứ hình thức làm bức tường ngăn cản hạnh phúc của các cháu… Tuy cậu ấy không có cha nhưng anh cũng biết đấy, dòng nhà nó là hậu duệ của một trong mười hai xứ quân… Bố của cậu ấy chết là do chiến tranh loạn lạc. Cậu ấy không có cha thì em sẽ sẵn sàng đứng lên làm cha…’

Chị tôi và anh cưới nhau không lâu sau đó. Bố tôi không bao giờ coi anh là con rể, còn chúng tôi những người em luôn nghĩ rằng mình có thêm một anh trai rất tốt. Anh chị tôi cưới nhau làm vợ chồng cũng chỉ được ở bên nhau vẻn vẹn vài năm và anh đã qua đời. Anh ấy ra đi khi cháu của tôi mới được vài năm tuổi và cô em gái của cháu thì còn rất bé, cô ta mới chỉ biết bi bô chưa thể nói rõ thành lời.

Vậy là chị tôi đã trở thành goá phụ ở cái tuổi đôi mươi. Từ đó hằng tuần chị đưa hai con trên chiếc xe đạp để mang chúng về quê, để các cháu được gần gũi người thân, gần ông bà.

‘Bố giúp con chăm sóc và uốn nắn các cháu. Bố là người làm thầy có tên tuổi cho nên con muốn bố tạo mọi điều kiện để ảnh hưởng tới các cháu… Có như vậy các cháu mới có tương lai…’ Chị tôi bộc bạch trong nước mắt.

Và từ đây anh em nó gần như sống nơi quê ngoại nhiều hơn, mọi mùa hè và cả những ngày cuối tuần, các cháu luôn luôn quanh quẩn nơi quê ngoại. Anh em chúng tôi đã lớn lên cùng với các cháu.

Bố tôi thường xúc động nhắc nhở; ‘Các cháu là những đứa trẻ không có cha, chúng nó về đây là các con phải trông nom đùm bọc. Không có cha là một thiệt thòi rất lớn cho mọi đứa trẻ…’ Ông nghẹn ngào. Còn tôi thì từ đó đã tự hứa với mình, sẽ quan tâm, bảo vệ các cháu.

Hồi ấy tôi thích dẫn các cháu đi chăn bò chăn trâu trên những cánh đồng quanh làng sau giờ học. Hai anh em nhà nó rất thích trải nghiệm cái vui của miền quê. Được ngồi trên lưng trâu khiến chúng cười khoái trá, được các cậu cõng trên lưng, tiên lên vai lội qua sông, qua hồ khiến chúng cười nắc nẻ. Tôi thích nhất là dẫn các cháu đi tập bơi, và dạy các cháu cách kiếm cá. Bởi vì xung quanh làng tôi là những ao hồ, sông ngòi chằng chịt, dưới những ao hồ ấy thì muôn vàn các loài tôm cá.

Nhớ lắm vào mùa hè năm ấy tôi dẫn cháu đi bắt cá dưới một hồ nước cuối làng. Khi cất vó (chúng tôi gọi là chũm) bắt được con cá mè khá to, cháu tôi hò reo sung sướng. Tôi đưa cá cho cháu nắm lấy để tự tay cháu bỏ cá vào giỏ (chúng tôi gọi là thời).  Theo thể lệ của địa phương thì con cá đầu tiên bắt được, trước khi bỏ vào thời người ta đều nói câu thần chú như lời chúc phước: ‘Xí xa xí xốc, một chốc đầy thời’. Nhưng cháu tôi thì quá trẻ, quá vui, quá phấn khích vì bắt được cá, cho nên cháu cho ngay con cá vào thời mà không nói câu thần chú.

Thấy cháu không làm theo thể lệ. Tôi dứt khoát bắt cháu phải đọc câu thần chú ấy.

‘Để cháu lấy cá ra và đọc câu thần chú được không ạ?’ Cháu tôi phụng phịu.

‘Không được! Khi nào cậu bắt được con cá thứ hai, cháu phải đọc thần chú trước khi cho vào thời. Cháu nghe rõ chứ?’

‘Vâng ạ!’ Nó ngoan ngoãn trả lời.

Chỉ khoảnh khắc sau đó, tôi bắt được con cá thiểu (họ cá mè nhưng bé hơn, thịt ngon hơn). Đưa cá cho cháu, tôi nói như ra lệnh.

‘Cháu phải đọc thần chú. Rõ không?’

Cháu tôi nắm con cá và bắt đầu: ‘Xí xa xí xốc, một chốc đầy thời’. Nhưng vì cả hai hàm răng của nó đều bị xún (móm) hết cho nên không thể nói đúng âm điệu. Cháu nói như ‘phí pha phí phốc, phột chốc đầy phời.’

Nghe cháu nói trong cái giọng vừa ngọng, vừa không thành lời, và điệu cười của kẻ sún răng thật quá dễ thương, tôi thích crí cười tít mắt xuýt ngã lăn xuống hồ nước. Tôi còn gọi thêm mấy người anh em trong họ lại để nghe cháu tôi đọc thần chú trong cái giọng vừa ngọng, vừa ngây ngô, quá đỗi yêu thương ấy vài lần nữa, khiến cho tất cả chúng tôi đều cười bò về thằng sún đọc câu thần chú.

Kỷ niệm của năm tháng trôi qua. Tôi đã khóc, đã cười, đã đổ máu với quê hương ấy. Và đến nay tôi đã xa quê hương cả bốn mươi năm rồi. Trong bao nhiêu năm tháng xa nhà ấy, cuộc sống đã khiến tôi trải qua bao nhiêu thăng trầm, và tôi đã chứng kiến bao nhiêu thay đổi trong lối sống. Nhưng dù những thay đổi kia rất sâu, rất đậm, vậy mà tình cảm về miền sông nước của quê hương, của những người thân vẫn không bao giờ thuyên giảm. Có lẽ Carl Gustarv Jung nhà phân tâm học Thuỵ Sỹ, nhận định rất đúng khi bảo kỷ niệm của tuổi trẻ là thời gian con người ta thu nhập vào tiềm thức. Và tiềm thức ấy nằm  sâu trong bộ nhớ rất khó phôi phai.

Thăng trầm của đời đã khiến tôi đáp trả lại sự kêu gọi của đấng Tạo Hoá, đấng đã hoá thân nhập thể (incarnation) ta gọi là Giáng Sinh. Ngài bảo, ‘Hễ ai mở lòng để đón nhận Ngài thì Ngài ban cho quyền phép trở thành con cái Đức Chúa Trời.’ Món quà ấy tuy vô giá, tuy miễn phí, nhưng đòi hỏi cả đời con người ta suy ngẫm và tu thân để hiểu rõ giá trị làm con và phát huy tối đa mối tương giao này. Chỉ khi biết rõ giá trị của món quà vô giá và miễn phí ấy, tôi mới hiểu ra: quả thật, đời người như chiếc lá, và luồng gió của Chúa đã thổi để tôi; chiếc lá đó biết rụng về cội nguồn chính là Đức Chúa Trời.

Trở về bên Chúa, làm con cái của Ngài đã khiến tôi thật sự đổi đời. Nguồn vui của tôi không chỉ đơn giản là biết rõ ta, biết rõ người, biết rõ nguyên bản và nguyên quán của  mình, tôi còn nhận ra, trong thế gian tôi không còn phải là kẻ ‘sống gửi thác về’ trong vô vọng mà biết gửi vào Thượng Đế của cuộc sống và có Ngài là Cha từ ái của tôi. Nguồn vui biết rõ ta là ai trong Chúa, biết sống với mục đích gì trong thế gian và nguồn vui ấy tương tự như người ăn mày nọ, đang trong cơn đói khát, bỗng nhiên được mời gọi vào dự yến tiệc của một đại gia. Tôi đã được thoả lòng, và từ sự thoả lòng này, khiến tôi không quên chuyển tải lại cho tha nhân, cho người thân yêu của tôi cùng có thể đến để cũng được thoả lòng.

Cháu của tôi cũng đã lớn lên, đã thành danh trên nhiều lĩnh vực. Ngày nọ, công ty gửi cháu qua Úc công tác một thời gian. Chuyến đi ấy đã mở mắt cho cháu tôi nhìn thấy thế giới bên ngoài. Cháu gặp tôi thủ thỉ rằng cháu thích lắm môi trường, không gian và nền giáo dục nơi đây. Cháu tâm sự; sẽ tạo mọi điều kiện để có thể đưa các con sang Úc du học, và được gần gũi với ông bà tương tự như anh em cháu được gần gũi ông bà ngoại năm xưa.  Tôi đồng tình bảo cháu, ‘Cậu có cơ sở, cậu có thể tạo môi trường an ninh, và nơi đây các con của cháu sẽ có nhiều cơ hội…’

Nhưng cách đây không lâu, khi về thăm quê hương; cháu gọi riêng tôi ra, bằng giọng đượm buồn và nói cho biết cháu đã mang bệnh ung thư vòng họng. Tôi quan ngại, thông cảm và cầu nguyện để Chúa của phép lạ có thể chiếu cố. Tôi cầu nguyện để Chúa có thể chữa lành bạo bệnh, nhưng không phải theo ý tôi, mà theo ý Ngài. Tôi khuyên cháu tiếp tục tin tưởng vào khả năng của các bác ỹ y khoa. Họ sinh ra để học và nghiên cứu cách chữa những căn bệnh thuộc thể, và chúng tôi những Mục sư cũng học và nghiên cứu để giúp cho con người biết cách chữa trị căn bệnh thuộc linh. Chỉ tiếc rằng, cháu tôi đến với Chúa quá trễ và chưa thể trải nghiệm nguồn vui của người theo Chúa như tôi đã từng trải nghiệm trong những ngày trên đất. Nguồn vui của người theo Chúa không đơn giản chỉ là thứ tôn giáo, đây là nguồn vui của tâm hồn, như người con xa quê nay biết rõ ta đang được về lại nguyên quán của mình. Quê hương của người theo Chúa đâu chỉ là thôn xóm nơi mình đã sinh ra. Quê hương của người theo Chúa là thiên đường, là nguyên quán, là nơi con người xuất phát, và nơi con người sẽ trở về. Người theo Chúa còn biết rõ hơn, theo Ngài là họ được quyền hành trình trở lại với nguyên bản của con người. Theo Kinh Thánh; con người có nguyên quán và có nguyên bản của mình, và hành trình trong đời đầy dẫy những nguồn vui là được trở về với nguyên bản và nguyên quán ấy.

Hôm nay khi tin nhắn của người thân nhắc về người cháu cùng lớn lên với tôi. Bộ nhớ ấy khơi lại và tôi chỉ muốn bay về, cầm tay người cháu, ban lại cho cháu lời cầu nguyện để khích lệ cháu cứ tự tin và tiếp bước ra đi. Tôi cũng muốn nhắn nhủ với người thân về nguyện vọng thiết tha của cháu tôi, muốn là một người bố tốt có thể lo chu toàn cho các con, và có nguyện vọng chắp cánh cho các con bay cao, bay xa trên những chân trời mới. Cuộc sống của cháu tôi trên thế gian có thể kết thúc, nhưng nguyện vọng thì không. Ước mơ đưa con cái đến Úc du học có lẽ không thể thành sự thật hôm nay, nhưng biết đâu, khi Chúa mở đường không ai có thể đóng lại được.

Năm xưa tôi có thể cùng các cháu lớn lên. Có thể dùng cơ bắp để bảo vệ các cháu không bị ai bắt nạt, nhưng hôm nay tôi ở xa, không thể bảo vệ được cháu, nhưng chúng tôi đang có chung một niềm tin vào Chúa. Tôi nhờ Ngài quan phòng, bảo vệ, và chắc chắn Ngài làm tốt hơn tôi rất nhiều. Hành trình trong đời như một dòng sông, và sông nào cũng có nguyện vọng đem nước ra biển lớn. Nước sông có thể bị vẩn đục bởi phù sa, bởi ô nhiễm, nhưng khi ra tới biển, nó sẽ hoà vào với đại dương. Sông có thể dài, sông có thể ngắn, có thể to, có thể chỉ là một mạch nước, tương tự như cuộc sống của con người, có người có thể ở lâu trên đất, có người trong thời gian rất ngắn hạn, người lưu danh vĩ đại, người chỉ sống bình thường như muôn triệu người khác, nhưng khi biết rõ mục đích làm người, như mục đích của con sông, ta biết Chúa như đại dương bao la đang mở lòng nghênh đón những ai, biết rõ họ đang có mối quan hệ với Ngài.

Lá khôn, lá biết rụng về cội. Sông khôn, sông biết dẫn nước từ nguồn và tuôn đổ về biển, người khôn là người biết nương tựa vào Đức Chúa Trời, để biết trao gửi cuộc sống này cho Ngài và sống thật xứng đáng, đầy ý nghĩa. Bất kể là ai trên thế gian cũng sẽ bước đến ngưỡng cửa của cuộc hành trình, người khôn sẽ biết trao gửi linh hồn của ta trở lại với Chúa của càn khôn, và là Chúa của loài người để hành trình ấy tiếp bước trong vinh quang.

Cậu không thể bay về cùng cháu trong phút lâm chung nhưng biết cháu đã có niềm tin trong Chúa. Chúc cháu ra đi trong bình an. Và bình an này là có thật, vì Chúa đang dang rộng vòng tay ra đón cháu.

MS Uông Nguyễn

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên