Trang Chủ TRANG CHỦ CÓ MỘT TỘI KHÔNG BAO GIỜ ĐƯỢC THA.

CÓ MỘT TỘI KHÔNG BAO GIỜ ĐƯỢC THA.

676
0
SHARE
Ở Việt Nam tôi thấy thực trạng không vui nầy đã ngăn trở việc truyền bá tin mừng cho đồng bào. Để bảo vệ tổ chức của mình, có người khi thấy ai tin khác mình thì lập tức chụp cho người đó một cái mũ gọi là tà giáo. Khi cho một người nào là tà giáo thì lập tức người nghe bịt tai không muốn nghe hay không muốn tiếp xúc với người đó nữa. Đây là thái độ của người không muốn tìm sự thật.
Tôi cũng thấy nhiều người Việt không biết gì về Chúa mà đã nói xấu danh Chúa. Ai dựng nên cái miệng đề nói, bộ óc để suy nghĩ. Ai lại phủ nhận Đấng Tạo Hóa đã cho mình cái miệng để nói và cái bộ óc để mình suy nghĩ. Chẳng khác nào một người lớn tiếng phủ nhận hay chối bỏ chính ông bà cha mẹ của mình.
Ở Mỹ nầy có hàng trăm dân tộc đang sống chung với nhau, nạn kỳ thị chủng tộc hay ghét khinh thỉnh thoảng tôi có thấy nhưng chỉ là trường hợp đơn lẻ của “con sói đơn độc”. Chẳng hạn sau cả năm mắc đại dịch Corona Virus, có cả nửa triệu người chết, một số các người Mỹ trắng trẻ tuổi, đã tỏ ra thù ghét người Tàu vì nghĩ rằng dịch bệnh nầy là do người Tàu mang đến. Người Á Châu cũng bị vạ lây, bị ghét, bị bắn.
Ở Mỹ trong số hàng ngàn giáo phái, có hai nhóm đáng lưu ý về cách truyền bá mạnh mẽ là đi gõ cửa từng nhà và đi từng cặp, rất kiên trì, rất bài bản. Đó là nhóm Jehova Chứng Nhân và nhóm Hội Các Thánh Đời Sau (Mormon). Tôi thì chưa gặp trường hợp nào thấy những người nầy tìm đến gặp để truyền bá đạo cho tôi. Nhưng tôi thấy hai nhóm nầy đều có nhà thờ, kinh sách, bí mật riêng và lòng nhiệt thành về niềm tin của mình. Nước Mỹ là nước tự do nên không ai cấm truyền bá, nhưng ai cũng có thể tìm hiểu nhau qua sách vở, qua tiếp xúc để biết rõ và để quyết định chấp nhận hay từ chối. Không ai dám chê bai và mạt sát người truyền đạo là “nhóm nầy, nhóm kia, bọn nầy bọn nọ, tụi nầy tụi kia.” Người văn minh không chửi bới người khác thành tiếng, thành lời, thành câu.
Ở Việt Nam tôi nghe dư luận nói về người Tin Lành đang đi dụ đạo và có ý đồ lôi cuốn người theo mình. Có người sợ mất chiên nên đi nói xấu người khác.
Điều tôi lo nhất là thái độ của người Việt, kể cả người theo đạo Chúa, đối với chính mình Chúa. Một nguyên tắc cần biết là loài người chúng ta hữu hạn và chúng ta chỉ biết Chúa với những điều Chúa bày tỏ về Ngài cho chúng ta biết. Chúa cho chúng ta biết về Ngài qua quyển Kinh Thánh. Ngoài Kinh Thánh, chúng ta không thể biết gì thêm về Chúa. Chúa Jesus có lần dặn các môn đồ thân tín của Ngài “điều nầy các con chưa cần biết.”
Trường hợp có người tin Chúa mà không biết rõ Kinh Thánh thì các nhà truyền giáo đã làm một điều hay là mời về nhà để dạy dỗ hoặc huấn luyện cho người đó hiểu thêm lời của Chúa cho đến khi người đó biết rõ Lời Chúa và được Chúa dùng để chia sẻ Lời Chúa.
Bấy giờ có một người Giu-đa tên là A-bô-lô, quê tại thành A-léc-xan-tri, là tay khéo nói và hiểu Kinh Thánh, đến thành Ê-phê-sô. Người đã học đạo Chúa; nên lấy lòng rất sốt sắng mà giảng và dạy kỹ càng những điều về Đức Chúa Jesus, dẫu người chỉ biết phép báp-têm của Giăng mà thôi. Vậy, người khởi sự giảng cách dạn dĩ trong nhà hội. Bê-rít-sin và A-qui-la nghe giảng, bèn đem người về với mình, giải bày đạo Đức Chúa Trời cho càng kỹ lưỡng hơn nữa. Người toan sang xứ A-chai, thì anh em giục lòng cho và viết thơ gởi dặn môn đồ phải tiếp đãi người tử tế. Khi tới rồi, người được nhờ ơn Đức Chúa Trời mà bổ ích cho kẻ đã tin theo. Vì người hết sức bẻ bác người Giu-đa giữa thiên hạ, lấy Kinh Thánh mà bày tỏ rằng Đức Chúa Jesus là Đấng Christ.
Công vụ 18:24-28.
Tức thì, trong ban đêm, anh em khiến Phao-lô và Si-la đi đến thành Bê-rê. Đến nơi rồi, thì vào nhà hội người Giu-đa. Những người nầy có ý hẳn hoi hơn người Tê-sa-lô-ni-ca, đều sẵn lòng chịu lấy đạo, ngày nào cũng tra xem Kinh Thánh, để xét lời giảng có thật chăng. Công vụ 17:10.
Trong những trường hợp nói trên, tôi thấy những nhà truyền giáo đều khuyên khích mọi người muốn tìm hiểu đạo Chúa thì hãy đọc Kinh Thánh, tra xem Kinh Thánh để quyết định cho mình. Tuy nhiên, Kinh Thánh ở đây mới chỉ có Kinh Thánh Cựu Ước mà thôi. Ngày nay chúng ta có điều kiện dễ dàng hơn để tra xem Kinh Thánh. Cả Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước. Chúng ta cũng có thể biết Kinh Thánh dễ dàng hơn khi chúng ta đọc, nghiên cứu và chọn lời dạy của Kinh Thánh.
Hãy để ý lời Chúa dạy trong sách Hê-bơ-rơ:
Chức tế lễ đã thay đổi thì luật pháp cũng cần phải thay đổi. Hê-bơ-rơ 7 :12
Vậy thì, Chúa đã bỏ điều trước, đặng lập điều sau. Hê-bơ-rơ 10 :9
Ngày nay trong mọi vấn đề tìm biết ý Chúa, chúng ta cần đọc Kinh Thánh và đọc cả quyển Kinh Thánh, cả Cựu Ước và Tân Ước. Nhiều người chỉ thích làm theo Cựu Ước, làm theo người Do Thái giải thích về Cựu Ước và quên mất diễn trình mặc khải của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh. Đức Chúa Trời đã thay đổi nhiều điều của Cựu Ước trong thời Tân Ước.
Đức Chúa Trời đã dùng Giăng Báp-tít để giới thiệu Chúa Jesus, Chúa Jesus đã chịu chết trên thập tự giá, bức màn trong đền thờ bị xé ra làm hai từ trên chí dưới, mở ra thời kỳ Tân Ước. Đức Chúa Trời mở cửa giảng Tin lành cho tất cả các dân tộc, không còn giới hạn cho người Do Thái. Sứ đồ Phi-e-rơ là người huyên giảng dạo cho người Do Thái đã phải nhìn thấy khải tượng tấm khăn 4 chéo từ trời và được Chúa dạy dỗ ý Chúa trước khi ông dám vâng lời Chúa để đến nhà ông Cọt-nây là La-mã, không phải là người Do Thái.
Phao-lô vốn là Sau-lơ, một người theo phe Pha-ri-si, tin tưởng và hết lòng với Do Thái Giáo bước đầu đã chống đối kịch liệt khi nghe về Cơ-đốc Giáo. Ông đã làm hết mình để bảo vệ Do Thái Giáo đến nỗi dám giết hết, đàn áp hết những người tin tưởng Chúa Jesus. Ông hiểu Kinh Thánh đến mức giữ hết truyền thống giáo điều « như tổ tiên ta đã làm » và không biết những lời tiên tri đã báo trước trong Kinh Thánh về Chúa Jesus. Cho đến khi ông gặp Chúa Jesus trên con đường chống Chúa. Chúa đã hiện ra và đã chỉ dẫn Phao-lô việc phải làm. Chúa đã dành thời gian huấn luyện Phao-lô từ người chống Chúa trở thành người truyền giáo hết mình. Chúa đã dành thời gian cho Phao-lô để thuyết phục ông và dần dần sử dụng ông trong vương quốc Chúa. Tôi hy vọng ở nhiều nhà trí thức Việt Nam đang chống Chúa và sống thù nghịch với thập tự giá sẽ được Chúa mở mắt để thấy Ngài và mở tai để nghe Ngài.
Tôi để ý cách truyền giáo hiệu quả ngày nay là người tin Chúa nên học và nghiên cứu Kinh Thánh kỹ càng hơn, từ học riêng, học theo nhóm, học theo trường, học theo sách. Tìm biết ý Chúa và làm theo ý Chúa. Đức Chúa Trời không thay đổi phương pháp truyền giáo của Ngài.
Ở Mỹ tôi để ý đến Hội Dịch Kinh Thánh, chuyên dịch Kinh Thánh. Dịch Kinh Thánh ra các thứ tiếng. Truyền giáo bằng cách dịch và đưa Kinh Thánh đến tay người đọc, cho tất cả các dân tộc. Truyền đạo bằng Kinh Thánh, xây dựng đức tin trên Kinh Thánh. Học thuộc Kinh Thánh, thi Kinh Thánh. Giấu lời Kinh Thánh trong lòng «để tôi không phạm tội cùng Chúa.»
Vấn đề chính của việc truyền giáo cho dân tộc Việt Nam là dùng Kinh Thánh giới thiệu cho đồng bào biết rõ làm thể nào để được tha tội. Người được Chúa tha tội mới được Chúa cứu, mới thoát sự chết mà đến sự sống. Kinh Thánh dạy dỗ đầy đủ cách để chúng ta được tha tội. Hãy dùng Kinh Thánh để tra xem lời giảng trong nhà thờ, trong trường học, trong radio, internet… xem lời giảng có hợp Kinh Thánh hay không. Tôi không lo người Việt có ý kiến khác nhau hay giải thích khác nhau khi học Kinh Thánh, tôi rất lo một điều mà nhiều người không hiểu, không thấy về một điều quan trọng mà Kinh Thánh đã cảnh cáo rõ ràng. Bạn có để ý điều đó không?
Tôi gọi đây là điều quan trọng nhất, cảm ơn Chúa về mọi thứ tội nếu ăn năn thì đều được Đức Chúa Trời ta, nhưng có một tội không bao giờ được Đức Chúa Trời tha.
TRONG KINH THÁNH CỰU ƯỚC
Ngươi chớ lấy danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi mà làm chơi, vì Đức Giê-hô-va chẳng cầm bằng vô tội kẻ nào lấy danh Ngài mà làm chơi. Xuất Ê-díp-tô Ký 20 :7
Tội lấy danh Chúa làm chơi ở đây theo Kinh Thánh tiếng Anh là « You shall not misuse the name of the LORD your God. » Chúng ta cần để đến ý nghĩa của điều răn thứ ba nầy. Đây là lần duy nhất trong Mười Điều Răn, Đức Chúa Trời nói rõ về một tội không bao giờ được tha. Đừng hy vọng được Trời tha cho tội nầy.
Có lẽ bạn ngạc nhiên khi tôi khám phá và chia sẻ lẽ thật nầy. Trong Cựu Ước cũng có nói đến một tội không bao giờ được tha sao?
Vâng, có đấy, có ngay trong điều răn thứ ba của Mười Điều Răn. Điều Răn thứ ba chỉ thẳng đến hai câu Kinh Thánh trong Tân Ước nói đến một thứ tội không bao giờ được tha. Cả hai câu Kinh Thánh đều nói đến việc lấy danh Chúa làm chơi (misusing God’s name). Có thể nói đây là tội xúc phạm, lộng ngôn về danh Chúa Jesus và danh Đức Thánh Linh.
TRONG KINH THÁNH TÂN ƯỚC
Ấy vậy, ta phán cùng các ngươi, các tội lỗi và lời phạm thượng của người ta đều sẽ được tha; song lời phạm thượng đến Đức Thánh Linh thì sẽ chẳng được tha đâu. Nếu ai nói phạm đến Con người, thì sẽ được tha; song nếu ai nói phạm đến Đức Thánh Linh, thì dầu đời nầy hay đời sau cũng sẽ chẳng được tha.
Hoặc cho là cây tốt thì trái cũng tốt, hoặc cho là cây xấu thì trái cũng xấu; vì xem trái thì biết cây. Hỡi dòng dõi rắn lục; bay vốn là loài xấu, làm sao nói được sự tốt? Bởi vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra. Người lành do nơi đã chứa điều thiện mà phát ra điều thiện; nhưng kẻ dữ do nơi đã chứa điều ác mà phát ra điều ác. Vả, ta bảo các ngươi, đến ngày phán xét, người ta sẽ khai ra mọi lời hư không mà mình đã nói; vì bởi lời nói mà ngươi sẽ được xưng là công bình, cũng bởi lời nói mà ngươi sẽ bị phạt. Matthew 12:31-37.
Sách Hê-bơ-rơ dạy rõ là sự tha thứ đến từ danh Jesus (cứu dân mình ra khỏi tội) và người chối Chúa Jesus sẽ đánh mất hết tất cả mọi sự ban cho của Đức Chúa Trời.
Vì chưng những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Đức Thánh Linh, nếm đạo lành Đức Chúa Trời, và quyền phép của đời sau, nếu lại vấp ngã, thì không thể khiến họ lại ăn năn nữa, vì họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài sỉ nhục tỏ tường. Hê-bơ-rơ 6 :4-6.
Đây là những câu khó giải, dễ gây tranh biện, nhưng nó nêu lên một điểm đơn giản. Sách Hê-bơ-rơ được viết để khuyến khích một nhóm tín hữu Do Thái đang bị áp lực lớn để chối bỏ Chúa Jesus Christ. Tác giả kêu gọi các tín hữu nầy khá giữ trung tín với đức tin nơi Chúa Jesus bởi vì ngoài Chúa Jesus thì không có cách nào loài người được hòa thuận với Đức Chúa Trời.
Tại sao? Tại vì chối bỏ Chúa Jesus có nghĩa là chối bỏ Đức Thánh Linh, chối bỏ món quà từ thiên đàng, chối bỏ Lời của Đức Chúa Trời. Chối bỏ Chúa Jesus là từ bỏ con đường duy nhất để Đức Chúa Trời tha tội trong quá khứ và ban sức mạnh cho tương lai. Chối bỏ Chúa Jesus có nghĩa là trở lại con đường tội lỗi cũ của bạn.
Có những người như sứ đồ Phi-e-rơ dù chối Chúa nhưng ăn năn thống hối thì được Chúa tha, và được phục hồi. Nhưng tác giả Hê-bơ-rơ lưu ý rằng ngoài Chúa Jesus ra không ai có thể được phục hồi. Bất cứ ai từ chối Chúa Jesus, lấy danh Jesus làm chơi, đều không có hy vọng.
Đây là điểu người Việt cần lưu ý, dù người đó đang có chức vụ hay có danh tiếng gì trong giáo hội hay giáo phái mang danh Cơ-đốc giáo.
Chúa Jesus cũng dạy lẽ thật nầy như vậy về Đức Thánh Linh.
Quả thật, ta nói cùng các ngươi, mọi tội lỗi sẽ tha cho con cái loài người, và hết thảy những lời phạm thượng họ sẽ nói ra cũng vậy; nhưng ai nói phạm đến Đức Thánh Linh thì chẳng hề được tha, phải mắc tội đời đời. Ngài phán như vậy, vì họ nói rằng: Người bị tà ma ám. Mác 3:28-29.
Chúa Jesus muốn nói gì ở đây. Chúa Jesus vừa mới chữa lành người bệnh và đuổi quỷ. Không ai có thể chối cãi về phép lạ rõ ràng của Chúa Jesus kể cả kẻ thù của Chúa, họ cũng nhìn nhận là Chúa vừa mới làm phép lạ, nhưng vì có thành kiến chống Chúa, họ cho rằng Chúa đang vận hành quyền phép của Ma quỷ.
Có các thầy thông giáo ở thành Giê-ru-sa-lem xuống, nói rằng: Người bị quỉ Bê-ên-xê-bun ám, và nhờ phép chúa quỉ mà trừ quỉ. Mác 3:22.
Chúa Jesus đã mang phước hạnh từ Trời đến cho nhiều người. Các kẻ thù của Chúa đã thấy rõ điều nầy nhưng họ vẫn từ chối Chúa và tuyên bố việc làm của Ngài là của Ma quỷ. Đây là tội cố tình. Chúa Jesus muốn nói, “Điều các ngươi đã thấy là công việc của Đức Thánh Linh và nếu các ngươi chối bỏ việc làm của Ngài thì các ngươi không có hy vọng.”
Đây cũng là thông điệp chúng ta thấy trong sách Hê-bơ-rơ: bạn chỉ có thể được tha tội nếu bạn biết nhờ cậy Đấng duy nhất có quyền tha tội. Sự tha tội đến với người ăn năn tội và Đấng duy nhất ban sự ăn năn cho loài người là Chúa Jesus.
Cách đúng đắn để dùng danh Chúa là lấy đức tin kêu cầu Ngài. Cả Cựu Ước lẫn Tân Ước đều trình bày rõ ràng là ai kêu cầu danh Chúa thì được cứu (Joel 2:32; Công vụ 2:21; Rô-ma 10:13).
Tiên tri Joel tuyên bố, “Vì ai kêu cầu danh Chúa đều được cứu.” Trong lễ Ngũ Tuần, sứ đồ Phi-e-rơ đã trưng dẫn những lời nầy và giải thích rằng kêu cầu danh Chúa có nghĩa là tin cậy Chúa Jesus, bởi vì Chúa Jesus là Đấng duy nhất mà Đức Chúa Trời (Yahweh) bày tỏ chính mình Ngài. Tội duy nhất không tha là thái độ vô tín của người tiếp tục, ngoan cố, thành kiến không chịu tìm đến và tiếp nhận ơn tha thứ mà Đức Chúa Trời đã ban cho qua Chúa Jesus.
Cách hay nhất để tránh xa tội không tha được là liên tục tôn vinh danh Chúa. Người biết Chúa và yêu Chúa là người giữ gìn thanh danh của Chúa trên đất. Tôn vinh danh Chúa là sự kêu gọi cao cả nhất. Đấng Christ (Chúa Cơ-đốc, Chúa Jesus Ki-tô) sẽ được sánh danh khi cộng đồng dân Chúa bày tỏ lòng kính sợ và tôn vinh danh Chúa. Đây là thái độ khiêm nhường, hạ mình. Ngài phải tôn cao, tôi phải hạ xuống. Chúng ta không thể vừa tôn vinh danh Chúa lại vừa tôn danh mình lên.
Tôi nhớ câu chuyện sau khi Chúa Jesus hóa hình, đầy ánh sáng vinh hiển, khi mà hình ảnh Môi-se, Ê-li và tiếng từ trời tan biến.
Môn đồ bèn ngửa mặt lên, thì chỉ thấy một mình Đức Chúa Jêsus mà thôi. Matthew 17:8.
Sự kêu gọi của Chúa dành cho chúng ta hôm nay là chia sẻ những gì Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta trong Đấng Christ và mời gọi người Việt Nam đến với Kinh Thánh là nơi mà họ có thể suy xét về các lời tuyên xưng và bằng chứng về Chúa Jesus. Cách hay nhất để tôn vinh Chúa là hãy sống thể nào để người khác nhìn thấy Chúa Jesus trong chúng ta.
Hỡi kẻ rất yêu dấu, anh em như người ở trọ, kẻ đi đường, tôi khuyên phải kiêng những điều xác thịt ưa thích, là điều chống trả với linh hồn. Phải ăn ở ngay lành giữa dân ngoại, hầu cho họ, là kẻ vẫn gièm chê anh em như người gian ác, đã thấy việc lành anh em, thì đến ngày Chúa thăm viếng, họ ngợi khen Đức Chúa Trời. 1 Phi-e-rơ 2:11-12.
Tôi thấy tự bản thân lời Chúa có quyền năng để thay đổi một người từ tối qua sáng, từ cứng thành mềm, từ dại thành khôn. Vì vậy, cách tốt nhất bày tỏ tình thương đối với người khác là giúp người khác đọc lời Chúa, nghe lời Chúa và hiểu lời Chúa.
Mục sư Nguyễn Văn Huệ

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên