Trang Chủ TRANG CHỦ Ra-háp

Ra-háp

821
0
SHARE

 

Nghe bài chia sẻ, click vào nút hình tam giác trên.

Sự cứu rỗi bởi người Giu-đa mà đến.

Giăng 4:22

Giô. 2: 1-7
Giô-suê, con trai của Nun, từ Si-tim mật sai hai người do thám mà rằng: Hãy đi do thám xứ, nhứt là Giê-ri-cô.Vậy, hai người ấy đi đến nhà của một kỵ nữ tên là Ra-háp, và ngụ tại đó.(e) 2 Người ta bèn tâu cùng vua Giê-ri-cô rằng: Kìa, đêm nay có người trong dân Y-sơ-ra-ên đã đến do thám xứ. 3 Vua Giê-ri-cô sai nói cùng Ra-háp rằng: Hãy đuổi hai người đã đến vào nhà ngươi; vì họ đến đặng do thám cả xứ. 4 Nhưng người đàn bà đem giấu hai người nầy, rồi đáp rằng: Quả thật họ đã tới nhà tôi, nhưng chẳng biết ở đâu đến. 5 Song vào buổi tối cửa thành hầu đóng, hai người ấy đi ra, tôi không biết đi đâu; hãy mau đuổi theo, vì các ngươi theo kịp được. 6 Vả,nàng có biểu hai người leo lên mái nhà, giấu dưới cộng gai mà nàng rải ở trên mái. 7 Những người của vua đuổi theo họ về hướng sông Giô-đanh, cho đến chỗ cạn; vừa khi những người đuổi theo đó ra khỏi thành, thì người ta đóng cửa thành.

 

Ngay khi đọc đến Giô-suê chương 2, rất có thể bạn sẽ nhớ về thảm bại tại Ca-đe Ba-nê-a (Dân 13-14) và nghĩ rằng: “Thất bại sẽ lặp lại đây!” Nhưng đừng vội kết luận. Nếu lịch sử trong Kinh Thánh dường như được lặp lại tại Giô-suê 2, bạn hãy đọc kỹ hơn để khám phá điều diệu kỳ đang xảy ra.

Gần bốn thập kỷ trước khi câu chuyện trong Giô-suê chương 2 xảy ra, Môi-se đã sai mười hai thám tử đi do thám xứ Ca-na-an, tất cả đều được nêu tên trong Dân số ký 13; Ngược lại, Giô-suê chỉ sai hai người vô danh để do thám thành Giê-ri-cô. Mười hai thám tử đi thăm dò Ca-na-an trong bốn mươi ngày, và mười người trong số họ quyết định rằng dân Y-sơ-ra-ên không thể chiếm lấy vùng đất này. Hai thám tử mà chúng ta đọc thấy trong Giô-suê 2 đã nhanh chóng thăm dò Giê-ri-cô và thấy rằng tấm lòng của người Ca-na-an tan chảy vì khiếp sợ dân Y-sơ-ra-ên. Sự nản lòng mà mười thám tử đem lại khiến cho dân Y-sơ-ra-ên phải lang thang trong đồng vắng cho đến khi cả một thế hệ đã qua đi; nhưng sự khích lệ mà hai thám tử đem lại giúp cho Giô-suê và dân sự một lần nữa biết chắc rằng họ cần phải chiếm lấy Giê-ri-cô.

Không, lịch sử không lặp lại – nhưng hơn thế nữa. Mười hai thám tử do Môi-se sai đi trở về đem theo những quả nho, quả sung, và lựu, nhưng hai thám tử của Giô-suê quay trở về để thông báo rằng họ đã gặp một kỵ nữ, người đã đặt lòng tin nơi Đức Chúa Trời chân thật hằng sống! Nếu đó không phải là vì người Giu-đa thì tên Ra-háp sẽ không được tìm thấy trong bốn sách của Kinh Thánh, kể cả gia phả của Đức Chúa Giê-su Christ và danh sách các anh hùng đức tin trong Hê-bơ-rơ 11.

Hãy khám phá Ra-háp đã chịu sự ảnh hưởng của người Do Thái như thế nào và làm sao bà được tôn lên vị trí cao trọng trong lịch sử Kinh Thánh. Hãy tìm hiểu làm thế nào “sự cứu rỗi bởi người Giu-đa mà đến.”

1.BÀ GẶP THÁM TỬ NGƯỜI GIU-ĐA (Giô-suê 2:1-7)

Ra-háp được gọi là “kỵ nữ” trong Giô-suê 2:1 và 6:17, 22 và 25, nhưng có những người muốn giảm nhẹ tình tiết này thì nói rằng trong tiếng Hê-bơ-rơ, từ này cũng có nghĩa là “chủ nhà trọ.” Điều này đúng, nhưng Hê-bơ-rơ 11:31 và Gia-cơ 2:25 gọi bà là “kỵ nữ,” và đây chính là nghĩa trong tiếng Hy Lạp. Có thể bà có cả hai vai trò.

Khi các thám tử tiến vào thành, có thể Ra-háp đang thơ thẩn trên đường gần cổng thành để tìm kiếm khách (Châm 7:10-13). Nhưng tại đó cũng có các lính gác nhìn thấy những khách lạ tiến vào nhà của bà, và đây là tình tiết gây khả nghi. Các thám tử liều mạng sống mình để tiến vào thành, nhưng Ra-háp đã đặt cược mạng sống của mình khi bà mời các thám tử vào nhà, che giấu họ và rồi nói dối để bảo vệ các thám tử.

Tuy nhiên chúng ta hãy suy nghĩ đến cuộc gặp gỡ trong ngôi nhà ấy. Hai người nam gặp một người nữ. Hai người Do Thái gặp một người ngoại. Hai người tin Chúa gặp một người mà họ có thể nghĩ rằng người ấy không có niềm tin nơi Chúa. Nhưng Đức Chúa Trời hiện diện tại đó! Hai người khách sớm khám phá ra rằng Ra-háp đã đặt niềm tin nơi Đức Chúa Trời hằng sống chân thật, Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, và điều đó đã thay đổi trọn vẹn hoàn cảnh. Giờ đây không còn người Giu-đa hay dân ngoại, nam hay nữ, bạn hay thù, nhưng họ là một trong niềm tin nơi Đức Chúa Trời hằng sống. Ra-háp đã liều mạng sống của bà để cứu các thám tử, và giờ đây các thám tử sẽ liều mạng sống họ để cứu bà cùng những người thân yêu của bà đã có niềm tin nơi Chúa. “Sự cứu rỗi bởi người Giu-đa mà đến.”

2.BÀ XƯNG NHẬN ĐỨC CHÚA TRỜI CỦA NGƯỜI DO THÁI (Giô-suê 2:8-11)

Với địa thế chiến thuật của mình, Giê-ri-cô là nơi nghỉ chân lý tưởng cho lữ khách, và du khách đem lại cho dân bản địa có cơ hội kiếm tiền lẫn cơ hội nghe ngóng thông tin từ “bên ngoài.” Ra-háp đề cập đến hai mẫu tin tức không thể quên được mà bà đã nghe được về người Do Thái – Biển Đỏ rẽ ra bốn mươi năm trước và gần đây là chiến thắng trước vua Si-hôn và vua Óc người A-mô-rít khi dân Y-sơ-ra-ên tiến về sông Giô-đanh. Dẫu người khác có lý giải về những sự kiện này như thế nào, Ra-háp nhìn thấy đó là bằng chứng Đức Chúa Trời của người Do Thái chính là “Đức Chúa Trời ở trên trời cao kia, và ở dưới đất thấp nầy” (Giô-suê 2:11). Bài hát mà người Y-sơ-ra-ên đã hát bên bờ Biển Đỏ xa xôi thật sự đã xảy ra!

Các dân tộc nghe biết việc nầy đều run sợ,

Cơn kinh hãi áp hãm dân xứ Pha-lê-tin.

Các quan trưởng xứ Ê-đôm bèn lấy làm bối rối;

Mấy mặt anh hùng nơi Mô-áp đều kinh hồn;

Cả dân Ca-na-an đều mất vía

Sự hoảng hốt kinh hãi giáng cho chúng nó;

Hỡi Đức Giê-hô-va! vì quyền cao nơi cánh tay Ngài,

Chúng nó đều bị câm như đá,

Cho đến chừng nào dân Ngài vượt qua;

Cho đến khi dân mà Ngài đã chuộc, vượt qua rồi.

Xuất Ê-díp-tô ký 15:14-16

Đức Chúa Trời đã phán cùng Môi-se rằng: “Ta sẽ sai sự kinh khiếp ta đi trước, hễ ngươi đến dân nào, ta sẽ làm cho dân ấy vỡ chạy lạc đường, và cho kẻ thù nghịch ngươi xây lưng trước mặt ngươi” (Xuất. 23:27). “Ngày nay, ta khởi rải trên các dân tộc trong thiên hạ sự sợ hãi và kinh khủng về danh ngươi, đến đỗi khi nghe nói về ngươi, các dân tộc đó sẽ run rẩy và bị sự kinh khủng áp hãm trước mặt ngươi” (Phục. 2:25).

Thật vậy, sự kính sợ Đức Giê-hô-va là khởi đầu sự khôn ngoan, chí ít là trong tấm lòng của Ra-háp. Nhờ người Do Thái, bà đã có niềm tin nơi Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật.

3.BÀ LẬP GIAO ƯỚC VỚI HAI NGƯỜI DO THÁI (Giô-suê 2:12-24).

Ra-háp biết rằng Y-sơ-ra-ên sẽ chiếm lấy Giê-ri-cô và sẽ không còn ai sống sót. Họ sẽ đối đãi với Giê-ri-cô như cách mà họ đã đối đãi với các thành của dân A-mô-rít, bởi vì Đức Chúa Trời đã truyền lệnh cho họ tiêu diệt tất cả mọi vật có hơi thở (Xuất. 23:20-23; Phục. 20:16-18). Chính vì vậy, điều bà lo lắng nhất chính là tính mạng của bà và của cả gia đình. Đức tin của bà rất thực tế: bà bảo vệ các thám tử (Hê-bơ-rơ 11:31; Gia-cơ 2:25), nhưng bà cũng có gánh nặng cho những người thân yêu. Chắc chắn Gia-cơ đã dùng bà làm hình mẫu cho đức tin chân thật.

Các thám tử kết ước bằng chính mạng sống của họ để bảo vệ mạng sống của Ra-háp và gia đình của bà. Hãy lưu ý các thám tử đã nói rằng: “Khi nào chúng ta vào xứ,” họ không nói “nếu Chúa ban cho chúng tôi xứ này,” bởi vì họ biết chắc chắn sẽ giành được chiến thắng. Họ chỉ đòi hỏi bà nhóm hiệp người thân vào căn nhà của mình và đánh dấu ngôi nhà ấy bằng sợi chỉ điều treo nơi cửa sổ. Bởi vì ngôi nhà nằm trên tường thành, quân binh Do Thái sẽ biết bà đang ở đâu mà bảo vệ cho bà và người thân. Song, các thám tử không biết kế hoạch chiếm lấy thành Giê-ri-cô sẽ như thế nào hoặc thậm chí họ cũng không biết khi nào sẽ tấn công.

Những dân ngoại bang như Ra-háp “bị ngoại quyền công dân trong Y-sơ-ra-ên, chẳng dự vào giao ước của lời hứa” (Ê-phê-sô 2:12), nhưng đức tin của Ra-háp đã khiến bà trở nên một đối tác trong giao ước với người Do Thái và cuối cùng đã cho bà có đầy đủ quyền công dân của Y-sơ-ra-ên. Đây chính là hành động ân điển mà Đức Chúa Trời đáp lại với đức tin của Ra-háp. Điều này nhắc chúng ta nhớ về thập giá nơi Đức Chúa Giê-su đem lại sự hòa giải giữa tội nhân (bao gồm người Do Thái và tất cả những ai đặt niềm tin nơi Chúa) và Đức Chúa Trời.

4.BÀ ĐƯỢC GIẢI CỨU BỞI MỘT TƯỚNG LÃNH NGƯỜI DO THÁI (Giô-suê 6:15-27)

Khi Giô-suê ra lệnh cho các binh sĩ của ông vào ngày thứ bảy, ông đã nhắc họ không lấy bất kỳ chiến lợi phẩm nào từ thành phố này và không để cho một ai được sống trừ “Ra-háp là kỵ nữ” với hết thảy người ở cùng nàng trong nhà sẽ được sống (Giô-suê 6:17-19). Sau khi đi vòng quanh thành bảy lần trong ngày hôm ấy, các thầy tế lễ thổi kèn, dân sự la lớn tiếng, và tường thành đổ xuống – ngoại trừ phần tường thành có ngôi nhà của Ra-háp, là ngôi nhà có sợi chỉ điều treo trên cửa sổ. Người của Giô-suê đã cứu Ra-háp và gia đình bà và đưa họ về nơi an toàn bên ngoài trại. Vậy, Ra-háp và gia đình bà được Giô-suê cứu, “Đức Giê-hô-va là sự cứu rỗi.” Đây chính là sự cứu rỗi mà về sau được thực hiện qua Đức Chúa Giê-su. “Ngươi khá đặt tên là Giê-su, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội” (Mat 1:21).

5.BÀ CƯỚI MỘT NGƯỜI DO THÁI

Ra-háp cưới một người Do Thái tên là Sanh-môn, được nói đến trong Ru-tơ 4:20-21; 1 Sử ký 2:11; Ma-thi-ơ 1:4-5; và Lu-ca 3:32. Dĩ nhiên, Sanh-môn và những người nam khác trong gia đình đều đã được cắt bì và được tiếp nhận vào vương quốc Y-sơ-ra-ên như là những người con của giao ước. Sanh-môn và Ra-háp có một người con tên Bô-ô là người đã cưới Ru-tơ. Bô-ô và Ru-tơ có con tên Ô-bết, Ô-bết có con tên Y-sai. Y-sai có con tên Đa-vít. Đức Chúa Giê-su được sinh tại thành Đa-vít bởi vì Ngài thuộc về dòng dõi Đa-vít.

6.BÀ ĐƯỢC GHI TÊN VÀO HAI GIA PHẢ DO THÁI (Ma-thi-ơ 1:4-5; Lu-ca 3:32)

Cả hai gia phả đều thuộc về Đức Chúa Giê-su Christ, con vua Đa-vít, Con của Đức Chúa Trời! Ra-háp là một trong bốn phụ nữ được nhắc đến trong gia phả được ghi trong sách Ma-thi-ơ, đây là một điều bất thường, bởi vì người Do Thái chỉ tập trung vào người cha chứ không phải là người mẹ.

Một người nữ khác là Ta-ma, bà đã giả làm kỵ nữ để nằm cùng cha chồng của mình là Giu-đa (Sáng 38). Một người nữ khác là Ru-tơ người Mô-áp. Hãy nhớ là không người Mô-áp nào được tiếp nhận vào hội người Do Thái, dù đến thế hệ thứ mười (Phục 23:3), nhưng cũng giống như Ra-háp, bà đã cưới một người Do Thái. Người nữ cuối cùng là Bát-sê-ba (Ma-thi-ơ 1:6), và có lẽ bạn đã biết câu chuyện giữa bà và vua Đa-vít (2 Sam-mu-ên 11-12). Ra-háp được đề cập, dẫu bà là một kỵ nữ người ngoại. Bốn người phụ nữ, bốn tội nhân, bốn người bị xã hội và tôn giáo ruồng bỏ – song họ được kể vào trong gia đình của Đức Chúa Giê-su Christ!

Đó chính là ý nghĩa của câu Kinh Thánh: “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu… là sự ban cho của Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 2:8).

admin

 

 

 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên