Trang Chủ TRANG CHỦ Chỉ Có Tình Yêu Mới Làm Nên Giá Trị Con Người

Chỉ Có Tình Yêu Mới Làm Nên Giá Trị Con Người

576
0
SHARE

 

Từ Công Phụng là một trong những nhạc sĩ được yêu thích từ thập niên 1960, 1970. Nhạc của ông lãng đãng, bàng bạc như hơi thở của người yêu, với giai điệu sâu lắng cùng lời hát trữ tình làm say mê giới trẻ trên làn sóng điện, tại các quán cà phê, phòng trà ca nhạc miền Nam sau năm 1963.

Từ Công Phụng với nhạc bản đầu tay “Bây giờ tháng mấy” sáng tác năm 1960, khi ông mới 18 tuổi và được phổ biến lần đầu tiên trên đài phát thanh Đà Lạt ba năm sau đó đã đưa người nghe vào một thế giới tuyệt vời, huyền diệu của tình yêu. Nhưng ông cho biết không có bóng dáng một thiếu nữ nào đằng sau tình khúc này, mà đó là kết tinh của những bản nhạc ông thường nghe hàng đêm của các nhạc sĩ nước ngoài lẫn trong nước như những tình khúc của Đoàn Chuẩn-Từ Linh, Phạm Duy ..

Nhạc sĩ Từ Công Phụng sử dụng thành thạo cả đàn guitar lẫn đàn piano, nhưng khi sáng tác, ông thường dùng đàn guitar và đôi khi tự xướng âm và sau đó dùng đàn để trau chuốt lại.

“Thường thường cảm giác từ âm nhạc tới và một câu nhạc đầu tiên nào đó. Xong mình ghi lại, mình phát triển ra. Thỉnh thoảng hay có những dòng âm thanh nó bay ngang trong đầu mình, mình thấy hay mình viết lại nhưng thỉnh thoảng nó lướt qua trong đầu rồi nó biến mất không biết ở đâu nữa. Cảm hứng suy nghĩ ra âm nhạc của mình là những kỷ niệm.”

Về cung bậc của những nốt nhạc được sử dụng trong các bản nhạc của Từ Công Phụng, nhạc sĩ cho biết ông thích sử dụng âm giai trưởng (major) hơn là thứ (minor).

“Thường thường những bài hát của tôi, tôi viết bằng major nhiều hơn là minor. Major mỗi gam mỗi khác, nhưng nhạc cũng có thể buồn được bằng major hay minor, nhưng minor buồn da diết, nó thảm lắm, tôi không thích. Mình buồn nhưng là buồn man mác là được rồi, không có bi lụy.”

Hiện nay, nhạc sĩ Từ Công Phụng đang phải chống chọi với 2 căn bệnh ung thư kéo dài đã 12 năm và bệnh tật đã ảnh hưởng nhiều đến nội lực sáng tác của ông.

“Nó cũng ảnh hưởng vì sức khỏe. Bây giờ tôi ngồi lâu không được, ngồi lâu mệt lắm. Người ngó mạnh khỏe vậy nhưng ngồi lâu mệt trong người. Muốn viết nhạc phải ngồi lâu, phải suy nghĩ nhiều, phải chọn lựa những âm thanh nào tốt, dễ nghe. Mình không ngồi lâu được nên sức sáng tác cũng kém đi. Tuy nhiên lâu lâu cũng được một vài bài, kiếp tầm nhả tơ mà. Có một số bài mới tôi tính in thêm một tập nữa nhưng chưa thực hiện được. Một trong những bài mới đó có tên gọi là ‘Bên dòng đời tịch liêu’ nói về cái cô đơn của mình trong cuộc đời, có câu kết luận như thế này ‘Ngồi đây một mình bên dòng đời tịch liêu và tôi bỗng thấy hồn mình sẽ tan vào vời vợi thinh không’.”

Từ Công Phụng và phu nhân
Từ Công Phụng và phu nhân

Ông cho biết nhạc khúc ‘Tình tự mùa Xuân’ là kết quả của mối tình của ông với bà Kim Ái, người vợ ông gặp sau biến cố 1975 và cùng đồng cam cộng khổ cho đến ngày nay, nên ca từ của bài hát rất tha thiết, mô tả sự gắn bó của đôi tình nhân.

“Em, lại đây với anh

ngồi đây với anh

trong cuộc đời này

nghe thời gian lướt qua

mùa xuân khẽ sang

chừng như không gian đang sưởi ấm những giọt tình nồng…”

Triết lý sáng tác của nhạc sĩ Từ Công Phụng gói gọn trong hai chữ ‘tình yêu.’

“Tôi quan niệm tôi ca ngợi tình yêu hơn là tôi chối bỏ tình yêu. Tôi ca ngợi tình yêu vì tôi nghĩ là rốt cuộc chỉ có tình yêu mới làm nên giá trị con người thôi. Không có tình yêu làm sao có được sự tiếp nối dòng đời, nhân loại. Tình yêu là cái tốt nhất trong cuộc đời người ta mà không ca ngợi thì ca ngợi cái gì nữa. Chính trị rồi cũng qua đi, chiến tranh rồi cũng qua đi, khác biệt về chính kiến làm nổ bùng chiến tranh rồi cũng hết, chỉ là giai đoạn thôi. Nhưng cái vĩnh cửu từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ đời này sang đời kia cũng vẫn là tình yêu thôi.”

Chính vì tâm niệm đó, tác giả của ‘Mắt lệ cho người,’ ‘Giọt lệ cho ngàn sau,’ ‘Trên ngọn tình sầu,’ ‘Mùa xuân trên đỉnh bình yên’ cùng nhiều ca khúc trữ tình nổi tiếng khác nữa xứng đáng được mệnh danh là một trong những ‘nhạc sĩ của tình yêu’ của miền Nam trước 1975 và có lẽ là của nhiều thế hệ sau này nữa.

🙂
Hà Vũ

 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên