Trang Chủ TRANG CHỦ Các Bài Học Từ Kinh Thánh (13-15)

Các Bài Học Từ Kinh Thánh (13-15)

536
0
SHARE

Bài 13

GIA-CỐP

Ngươi đã có vật lộn cùng Đức Chúa Trời và người ta; ngươi đều được thắng.

Sáng thế ký 32:28

Winton Churchill đã phát biểu trên đài phát thanh của Anh vào năm 1939, “Tôi không thể dự báo cho mọi người biết hành động của Nga, đó là một câu đố bí ẩn được gói bên trong một bí ẩn.” Khi đọc lại câu này tôi liên hệ nó với nhân vật Gia-cốp trong Kinh Thánh.

Trong phần bình luận về nhân vật Gia-cốp, một tác giả viết, “Gia-cốp là một tên vô lại gian trá trong những năm đầu đời.” Có lẽ điều đó không sai. Nhưng tại sao Kinh Thánh nói về “Đức Chúa Trời của Gia-cốp,” và không có điều gì tôn trọng hơn điều đó? Đức Chúa Trời phán bảo Gia-cốp trong Sáng thế ký 28, và cũng chỉ dạy ông trong thời gian lao tác tại nhà người cậu La-ban (Sáng. 31:10-13). Đức Chúa Trời vật lộn với ông tại Phê-ni-ên khi ông chuẩn bị gặp Ê-sau, người anh của mình (Sáng. 32). Ngài hiện ra với ông tại Bê-tên (Sáng. 35:9-15) và nói chuyện với ông tại Bê-e-sê-ba khi ông chuẩn bị đi Ai-cập để gặp Giô-sép (Sáng. 46:1-4).  Đức Chúa Trời dành cho Gia-cốp một sự ưu ái đặc biệt! Gia-cốp là tổ phụ của mười hai chi phái Israel, và tất cả các chi phái dành cho ông sự kính trọng, và xuyên qua họ mà Cứu Chúa Giê-su đã nhập thế làm người. Đó là một vinh dự lớn lao cho Gia-cốp!

Khi nghiên cứu về Gia-cốp, Watchman Nee đã viết trong tác phẩm Đền Tạm Trong Đồng Vắng:

“Cho đến khi Chúa bắt đầu xử lý chúng ta, chúng ta có khuynh hướng sử dụng các mưu mẹo cao hơn những kế hoạch của Gia-cốp, nhưng khi chúng ta bắt đầu chạm trán với những suy nghĩ lệch lạc của chính mình, chúng ta sớm nhận ra bản chất thật của con người. Hãy nhớ những gì đã thay đổi cuộc sống của Gia-cốp từ hư không thành phước lành không gì khác hơn là sức mạnh của ân điển Chúa.”

Nói một cách khác, nan đề của Gia-cốp có thể là nan đề của mỗi chúng ta. Mỗi chúng ta có những “câu đố bí ẩn được gói bên trong một bí ẩn”. Kinh Thánh nói về điều này: “Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được?” (Giê-rê-mi 17:9). Từ Hê-bơ-rơ dịch từ dối trá liên hệ đến từ gót chân. Và cả hai từ này tạo thành từ Gia-cốp (kẻ nắm gót). Khi nói về Gia-cốp, Ê-sau bình luận: “Có phải vì người ta gọi nó là Gia-cốp mà nó hai lần chiếm lấy vị tôi rồi chăng? Nó đã chiếm quyền trưởng nam tôi, và lại bây giờ còn chiếm sự phước lành của tôi nữa” (Sáng. 27:36). Từ chỗ này chúng ta có thể dịch Giê-rê-mi 17:9, “tấm lòng con người giống như tấm lòng Gia-cốp”. Và chúng ta hãy nhìn vào trong chính tấm gương soi là Kinh Thánh để tra xét chính mình.

Nhiều thế kỷ sau đó, tiên tri Ô-sê đã nói với dân sự của vương quốc phía bắc Israel, hướng họ trở lại với tên của họ là Gia-cốp, “Đức Giê-hô-va cũng có sự kiện cáo với Giu-đa, và Ngài sẽ phạt Gia-cốp theo đường lối nó; Ngài sẽ báo trả nó theo việc nó làm. Vừa lúc ở trong lòng mẹ, Gia-cốp nắm gót chân anh mình; và đến tuổi trưởng thành, hưởng đặc quyền nơi Đức Chúa Trời” (Ô-sê 12:3-4). Mặc dù có nhiều nhược điểm – và tất cả chúng ta đều có chúng – Gia-cốp có một tấm lòng hướng về Chúa và mong muốn những phước lành mà chỉ một mình Ngài có thể ban tặng. Ê-sau thì không giống như thế.

Bởi vì tất cả chúng ta giống Gia-cốp, chúng ta phải học tập từ con người vĩ đại này phương cách xử lý những thách thức của đời sống để tiến về phía trước: vật lộn với con người và các tình huống, chưa hết chúng ta còn vật lộn với Đức Chúa Trời và cuối cùng chiến thắng chính bản thân chúng ta.

ĐẤU TRANH VỚI CON NGƯỜI VÀ CÁC HOÀN CẢNH

Ngay trước khi sinh ra, Gia-cốp đã tranh đấu với anh mình là Ê-sau, và sự đấu tranh này kéo dài xuyên suốt cuộc đời ông. Sau đó dòng dõi của Ê-sau là người Ê-đôm tiếp tục tranh đấu chống nghịch dòng dõi Gia-cốp mỗi khi có cơ hội đến. Gia-cốp cũng tranh đấu với La-ban, ông cậu vợ nhiều mưu mẹo. Gia-cốp phải mất mười bốn năm lao tác cực nhọc trong nhà La-ban để cưới được Ra-chên và Lê-a. Và ông còn phải làm việc thêm sáu năm nữa để gầy dựng bầy gia súc của riêng mình. Trong suốt những năm đó Gia-cốp chịu đựng những mất mát, gian lao trên đồng cỏ và bị người cậu La-ban thay đổi tiền lương mười lần.

Sau hai mươi năm khó khăn, cuối cùng Gia-cốp rời khỏi vùng đất Paddan Aram. Ông và La-ban đưa ra một điểm đánh dấu ranh giới gọi là Mizpah (có nghĩa là tháp canh) giữa hai vùng đất và thề rằng sẽ mỗi người không vượt qua nó và tấn công người kia. Hai cậu cháu cam kết, “Đức Chúa Trời sẽ theo dõi chúng ta.” Điều này có nghĩa là “Đức Chúa Trời nhìn thấy những gì mỗi người đang làm, vì vậy hãy cẩn thận.” Hai cậu cháu không nhận ra rằng họ đã cam kết về một thỏa thuận ngừng bắn vũ trang tạm thời nhưng không phải là chấm dứt chiến tranh hoàn toàn.

Tuy nhiên những tranh đấu trong cuộc đời Gia-cốp vẫn chưa hết. Gia-cốp không chỉ đấu tranh với La-ban và các con trai mình, ông còn phải chịu đựng sự xung đột giữa vòng bốn người nữ: hai người vợ Ra-chên và Lê-a, và hai cô hầu gái của hai người vợ này. Khi Gia-cốp mệt mỏi trở về nhà sau những ngày dài với cừu và dê trên thảo nguyên, ông không biết người vợ nào sẽ đòi hỏi được ở bên ông. Thêm vào đó là việc quản lý mười một đứa con trai và chúng ta có thể thấy rằng Paddan Aram không phải dễ chịu như Disneyland, nhưng Gia-cốp kiên nhẫn chịu đựng tất cả.

Gia-cốp đã làm những gì? Ông nói ra bí mật của mình với La-ban trong Sáng thế ký 41:42, “Nhưng Đức Chúa Trời của cha cháu tức Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời đáng kính sợ của Y-sác đã phù hộ cháu. Nếu không cậu đã đuổi cháu đi hai tay không rồi. Ngài thấy nỗi khổ và công việc nhọc nhằn của cháu nên đêm qua Ngài đã chỉnh cậu.” Gia-cốp đã dạy chúng ta một bài học quan trọng: Khi con người gây khó khăn, làm hao mòn chúng ta và tưởng chừng không thể chịu đựng được, hãy trao tất cả cho Chúa và tin cậy Ngài làm cho ta trưởng thành và cuối cùng ban cho sự thịnh vượng. Sự tấn công từ con người và những tình huống đau khổ có thể huấn luyện nâng cấp hoặc hủy hoại chúng ta, và chúng ta phải đưa ra lựa chọn. Hai mươi năm yên lặng, thuận phục và nhọc nhằn của Gia-cốp đã nung đốt ông thành một con người có thể dâng vinh hiển về cho Chúa.

Trong tác phẩm Đường Ít Người Đi – một quyển sách bán chạy nhất, tác giả W. Scott Peck đã viết trong chương mở đầu, “một khi chúng ta thực sự biết rằng cuộc sống thật khó khăn, một khi chúng ta thực sự hiểu và chấp nhận nó – thì cuộc sống không còn khó khăn nữa.” Nhà thơ William Blake cũng nói ý tương tự cách đây hai thế kỷ, “Con người được tạo ra cho niềm vui và sự đau khổ / và khi chúng ta biết chính xác điều này / chúng ta đi qua thế giới cách an toàn.”  Đức Chúa Trời đã sử dụng những con người và những hoàn cảnh khó khăn để huấn luyện Gia-cốp, và chuẩn bị ông xây dựng quốc gia Israel. Người ta nói rằng những gì cuộc sống làm cho chúng ta phụ thuộc vào những gì cuộc sống tìm thấy trong chúng ta. Và đối với Gia-cốp, cuộc sống đầy những nhiêu khê đã tìm thấy nơi ông đức tin và sự kiên nhẫn. Gia-cốp làm việc, chịu đau khổ, chờ đợi và khi Chúa bày tỏ ý muốn Ngài, ông vâng lời.

VẬT LỘN VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI

Ô-sê viết về Gia-cốp, “Gia-cốp vật lộn cùng Đức Chúa Trời.” (12:3)

Phần Kinh Thánh trong Sáng thế ký 32:22-32, và ngữ cảnh ở đây  sử dụng từ “đấu tranh” hay “vật lộn” (các câu 24, 25, 28). Khi Gia-cốp chuẩn bị gặp anh trai mình là Ê-sau, và ông hồi họp chưa biết điều gì sẽ xảy ra!  Nhưng Gia-cốp đang ở trong một cuộc chiến với những người khác, và với chính mình bởi vì ông đang ở trong một cuộc chiến với Đức Chúa Trời. Và các trận đánh đó được lập trình trước để chuẩn bị cho ông có thể đối diện với Sau-lơ trên đường trở về nhà cha sau hai mươi năm lánh nạn tại nhà La-ban. (Đọc phần bình luận sách Gia-cơ 4:1-10, về ba cuộc chiến với: chính bản thân, những người khác và Đức Chúa Trời). Lúc bấy giờ, Gia-cốp là người lập kế hoạch cẩn thận, ông tách gia đình ra ngay lập tức và đặt họ ở một nơi an toàn, và sau đó ông đứng ra bảo vệ họ, chờ đợi điều tiếp theo xảy ra.

Khi Gia-cốp ở một mình tại Phê-ni-ên ông bị một người lạ tấn công, người này vật lộn với ông cho đến hừng sáng. Người này là một thiên sứ đã hiện ra trong hình dạng của một con người, hay là Con Trai của Đức Chúa Trời? Các câu 28 và 30 đối chiếu với Ô-sê 12:3 dường như chỉ ra rằng Con Trai của Đức Chúa Trời đã xuống vật lộn với Gia-cốp để huấn luyện ông giành chiến thắng. Gia-cốp đã tranh đấu với Ê-sau là anh của mình, với La-ban và gia đình của ông này, và với những người vợ. Nhưng bây giờ Gia-cốp phải tự bảo vệ mình bằng cách vật lộn với Đức Chúa Trời!

Khi hừng sáng, Gia-cốp phát hiện ra rằng ông có thể nhận phước lành từ người bí ẩn tại núi Phê-ni-ên (Sáng. 32), vì vậy ông đã ôm lấy người này và giữ chặt. “Khi năm tháng trôi qua,” F. B.  Meyer nói, “chúng ta bắt đầu bám víu vào người/nơi mà chúng ta đã từng vật lộn.”  Vì sao bám? Bởi vì Gia-cốp muốn người lạ ban phước cho ông, và ông không để cho người này đi cho đến khi ông nhận được điều thỉnh cầu. Gia-cốp nhận ra rằng ông đã vật lộn cùng Đức Chúa Trời. Dĩ nhiên Đức Chúa Trời có thể đánh bại Gia-cốp ngay tức khắc, nhưng điều quan trọng là Gia-cốp nhận ra rằng đã đến lúc phải dừng trận đấu và qui phục Đức Chúa Trời. John Calvin đã nói, “Chúa chiến đấu chống lại chúng ta bằng tay trái của Ngài và chiến đấu cho chúng ta bằng tay phải của Ngài.” Vua Đa-vít đã biết điều bí mật này khi ông viết, “Với người trong sạch, Ngài là Đấng trong sạch. Với người xảo quyệt, Ngài sẽ đối xử nghiêm minh.” (Thi. 18:26). Đức Chúa Trời sẽ dừng lại không sử dụng cánh tay trái của Ngài khi chúng ta thuận phục ý muốn Ngài. Vì vậy hãy tiếp tục giữ đức tin vào Ngài, cầu xin Ngài ban phước. “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này khỏi Con! Dầu vậy, xin đừng theo ý Con, nhưng xin ý Cha được nên!” (Lu-ca 22:42)

Đây là yếu tố dẫn đến sự chiến thắng. “Đức Chúa Trời không thể ban phước đầy trọn cho một người, cho đến khi Ngài chinh phục người đó.” A. W. Tozer đã nói như thế.

VƯỢT QUA THẤT BẠI

“Gia-cốp vật lộn với thiên sứ và thắng cuộc. Ông khóc lóc và xin thiên sứ ban phước;
Đức Chúa Trời gặp Gia-cốp tại Bê-tên, và phán dạy ông tại đó.” (Ô-sê 12:4).

Chúng ta biết rằng, Chúa Giê-su Christ, Con của Đức Chúa Trời là Đấng thực sự chiến thắng. Khi chúng ta được Đức Chúa Trời chinh phục, lúc đó chúng ta có thể chiến thắng chính bản thân và các hoàn cảnh. Gia-cốp phải ở trong cuộc chiến với chính bản thân và những người khác trong cuộc sống, bởi vì ông đang ở trong một cuộc chiến với Đức Chúa Trời. Và khi Gia-cốp dừng trận đánh với Đức Chúa Trời, ông đã bám lấy Ngài cầu xin sự ban phước. Khi đó ông chuyển sự thất bại thành chiến thắng. Giống như ông nội Áp-ra-ham trong Sáng thế ký 15, Gia-cốp kinh nghiệm “đêm tối của linh hồn” nhưng điều này làm cho ông trở nên một con người mới.

Điều đầu tiên, Gia-cốp được ban cho một sự yếu đuối mới. Điều này nghe có vẻ lạ lùng. Nhưng để giúp đỡ một con người đi tới thành công, người đó cần điều này. Theo Phao-lô, “Vì khi tôi yếu đuối (trong chính mình), ấy chính là lúc tôi mạnh mẽ (trong Đức Chúa Trời)” (2 Cô-rin-tô 12:10). Đức Chúa Trời “đụng vào khớp xương hông của Gia-cốp làm trật xương hông” (Sáng. 32:26).  Chúng ta thử hình dung, khi Gia-cốp trở về nhà, mọi người nhìn thấy ông trong tình trạng “ra khỏi Phê-ni-ên lúc trời rạng đông, ông đi khập khểnh vì trật khớp xương hông” và rồi gạn hỏi ông về điều đó. Gia-cốp phải trình bày với gia đình ông đã gặp Đức Chúa Trời và được thay đổi.

Gia-cốp được ban cho một tên mới. Tại Phê-ni-ên, Gia-cốp được người bí ẩn hỏi, “tên ngươi là gì? Đáp rằng: Gia-cốp.  Người liền bảo: Tên ngươi không phải là Gia-cốp nữa, nhưng bây giờ là Y-sơ-ra-ên vì ngươi vật lộn với Đức Chúa Trời và người ta, ngươi đều thắng cả!” Trước đó Gia-cốp đã từng nói dối cha mình cách trắng trợn, khi được cha hỏi: Con là đứa nào. Gia-cốp trả lời: Con là Ê-sau, con trưởng nam của cha (Sáng. 27:32).

Còn bây giờ Gia-cốp nói ra sự thật trần trụi: Tôi là Gia-cốp (là kẻ nắm gót dối trá). Gia-cốp đã vượt qua sự thất bại để dám nhìn thẳng vào con người của mình.

Đức Chúa Trời cho ông một tên mới: Y-sơ-ra-ên! Các học giả tiếng Hê-bơ-rơ không đồng ý với nhau về nghĩa gốc của từ Y-sơ-ra-ên. Một số cho rằng nó có gốc từ là sarah nghĩa là tranh đấu. Một số cho rắng rằng gốc từ của nó là sar có nghĩa trở nên một hoàng tử. G. Cambell Morgan ghép cả hai ý nghĩa này lại, và ông gọi trải nghiệm của Gia-cốp là “kẻ khập khểnh được đội vương miện”. Đức Chúa Trời phán bảo Gia-cốp, “Tên ngươi không phải là Gia-cốp nữa, nhưng bây giờ là Y-sơ-ra-ên vì ngươi vật lộn với Đức Chúa Trời và người ta, ngươi đều thắng cả!” Gia-cốp nhận lãnh chiến thắng nhờ ơn Chúa và giờ đây ông có thể trở nên một người chiến thắng cho Đức Chúa Trời. Một số người còn cho rằng Y-sơ-ra-ên có nghĩa là “một người đàn ông được Chúa làm chủ”. Kinh Thánh luôn đề cập đến các tổ phụ của tuyển dân Do Thái, và danh từ Y-sơ-ra-ên được dùng hơn 2500 lần trong Kinh Thánh.

Đức Chúa Trời ban cho Gia-cốp phước hạnh mới, bởi vì ông đã cầu xin điều này từ nơi Chúa trong đức tin. Ngài đã ban phước cho ông tại Bê-tên lúc khởi đầu cho một chuyến đi nhiều trắc trở (Sáng. 28). Và bây giờ ông lại được ban phước tại Phê-ni-ên để chuẩn bị cho ông đối diện với những gánh nặng trong quãng đời còn lại. Ông đã đối mặt với Đức Chúa Trời, và bây giờ Gia-cốp với tên mới là Y-sơ-ra-ên đi khập khểnh trở về với gia đình. Một bình minh mới đến trên cuộc đời Gia-cốp. Chúng ta cũng vậy.

Sự nghiệp của Gia-cốp bắt đầu như một kẻ chạy trốn khỏi nhà. Lúc ấy ông trở nên như một người khách lạ, xa gia đình trong suốt hai mươi năm lao tác tại nhà người cậu. Nhưng bây giờ ông như một người lữ khách hành hương trở lại vùng đất của cha mình. Ngay cả khi ông chuẩn bị bước vào thành phố thiên đàng, ông vẫn còn là người lữ khách “dựa trên gậy mình mà thờ lạy” (Hê-bơ-rơ 11:21).

Cuộc vật lộn kết thúc. “Phước cho người nào có Đức Chúa Trời của Gia-cốp giúp đỡ.
Và biết trông cậy nơi CHÚA, Đức Chúa Trời mình.” (Thi. 146:5)

Bài 14

RA-CHÊN

Hãy cho tôi có con, bằng không, tôi sẽ chết.

Sáng thế ký 30:1

Khi Gia-cốp nhìn thấy Ra-chên dẫn bầy sức vật của La-ban đến bên giếng nước, ông đã yêu nàng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ông muốn nói chuyện với Ra-chên cách riêng tư,  và làm hết sức mình để thuyết phục những người chăn cừu đang chờ đợi lấy nước cho cừu của họ và di chuyển đi, nhưng họ quan tâm đến người lạ và hiếu kỳ muốn xem những gì sắp xảy ra. Gia-cốp có nhớ lại người hầu của ông nội Áp-ra-ham cũng đã gặp mẹ Rê-be-ca ở giếng không? Lịch sử luôn luôn tái diễn!

Vâng, Ra-chên sẽ chuẩn bị kết hôn với Gia-cốp, nhưng cô sẽ không được như Rê-be-ca là người vui hưởng đời sống của một người vợ giàu có và quyền lực.

Trong suốt bảy năm Gia-cốp phải lao tác vất vả trong gia đình của người cậu La-ban để mong lấy được nàng Ra-chên xinh đẹp. Nhưng điều diễn ra sau đó lại là những nỗi thất vọng của Ra-chên.

RA-CHÊN THẤT VỌNG VỚI CHA CỦA MÌNH

Lần đầu tiên khi gặp Ra-chên, Gia-cốp đã bày tỏ ra danh tính của mình là anh em họ với Ra-chên. Ra-chên thuật lại điều này với cha La-ban, và người nhanh chóng đi ra gặp Gia-cốp. La-ban biết rằng mẹ của Gia-cốp đã kết hôn với một người giàu có, và vì vậy có thể ông ta cũng trông mong nhìn thấy một đàn lạc đà với những lễ vật quí giá của gia đình Gia-cốp khi đi cưới vợ cho chàng trai này, giống như ông đã nhìn thấy trước đây trong trường hợp của cô em gái Rê-be-ca. Nhưng điều đó không xảy ra. Gia-cốp không sở hữu gia tài giàu có của cha, và tất cả những gì ông có hiện giờ là “chỉ có cây gậy” (Sáng thế ký 32:10) thế thôi! Một chàng trai đang  đi lánh nạn để tránh sự trả thù của Ê-sau thì có thể mang theo được gì? Có lẽ chúng ta muốn nhìn xem biểu hiện của La-ban như thế nào vào lúc đó! La-ban chuyển sang kế hoạch B.

La-ban là người nhiều mưu mẹo. Trong suốt những tháng đầu tiên khi Gia-cốp là khách ở trong nhà, mọi người chú ý đến các biểu cảm và sự liên hệ thân mật của cặp đôi Gia-cốp/ Ra-chên. Vì vậy La-ban quyết định tận dụng ưu thế mà ông có. Ông ta biết rằng Gia-cốp hiện giờ chỉ là một chàng trai với hai bàn tay trắng không thể có bất cứ lễ vật truyền thống quí giá nào để cưới Ra-chên. Vì vậy cách tốt nhất là yêu cầu Gia-cốp làm việc cho ông xem như là cái giá phải trả để lấy vợ. La-ban đã rất khôn ngoan. La-ban cho rằng ông ta sẽ nhận Gia-cốp làm công với một giá rất hời. Ông ta có thể điều chỉnh tiền lương trả cho Gia-cốp theo ý muốn, và đó là một thỏa thuận làm ăn cũng không tệ. La-ban sẽ không cần phải chia sẻ tiền bạc với con gái của mình khi có được Gia-cốp làm công. Gia-cốp chấp nhận làm việc cho La-ban để có thể lấy được Ra-chên. Và cũng để cho người anh Ê-sau có thời gian phôi phai dần mối căm hờn với đứa em xảo trá.

Đó là một hợp đồng lao động giửa La-ban và Gia-cốp, nhưng nó có một lỗ hổng. Sau đám cưới, Gia-cốp sẽ đưa vợ về nhà mình, nơi mà sự giàu có của cha Y-sác đang chờ ông,  vì vậy La-ban phải nghĩ ra cách để giữ con rể lâu hơn. Chúng ta không biết rõ các chi tiết về việc La-ban đánh tráo Lê-a thay cho Ra-chên như thế nào trong ngày hôn lễ, nhưng Lê-a chắc chắn biết rõ kế hoạch của cha mình. Lúc đó Ra-chên ở đâu trong trò chơi ú tim này? Có phải La-ban đã hứa hẹn và thỏa thuận với hai cô con gái của mình? Chúng ta không biết hết các chi tiết này. Và vì vậy mọi suy đoán cũng chỉ là suy đoán. Nàng dâu phải che mặt trong ngày cưới và Gia-cốp rõ ràng là không biết chuyện gì đang xảy ra với cô dâu của mình. Lê-a có thể đã giả giọng nói giống như của Ra-chên khi đôi vợ chồng mới đến với nhau trong ngày cưới. Dù thế nào đi nữa kế hoạch hôn nhân được La-ban đạo diễn đã thành công. Gia-cốp không chạy đi đâu được.

Hai mươi năm sau đó, Lê-a và Ra-chên đã nói lên suy nghĩ của mình về người cha La-ban của họ. Kinh Thánh ghi: “Ra-chên và Lê-a đáp cùng Gia-cốp mà rằng: Chúng tôi còn một phần chi hay là cơ nghiệp chi nơi nhà cha chúng tôi chăng?  Vì người đã gả bán chúng tôi và ăn xài hết tiền bạc bán nữa, há người chẳng đãi chúng tôi như người dưng ư?  Các tài vật mà Đức Chúa Trời đoạt nơi tay cha chúng tôi tức là của chúng tôi và của con cái chúng tôi. Vậy bây giờ, chàng hãy làm theo mọi lời Đức Chúa Trời đã phán dạy” (Sáng thế ký 31:14-16).  Và đây là lời giải bày của Gia-cốp với La-ban: “Kìa, đã hai mươi năm tôi ăn ở nơi nhà cậu, chiên cùng dê cậu nào có sảo thai, và tôi chẳng hề ăn thịt chiên đực của bầy cậu bao giờ;  cũng chẳng hề đem về cho cậu một con nào bị xé; bằng có, chính tôi chịu đền đó thôi. Cậu cứ đòi luôn những con bị ăn cắp ban ngày và ăn trộm ban đêm.  Ban ngày tôi chịu nắng nồng, ban đêm chịu lạnh lùng, ngủ nào có an giấc được đâu.  Đó trong hai mươi năm tôi ở tại nhà cậu là thế; trong mười bốn năm giúp việc, để được hai con gái cậu, và sáu năm đặng lãnh lấy bầy súc vật của cậu, mà cậu lại còn thay đổi mười lần công giá tôi.  Nếu Đức Chúa Trời của cha tôi, Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, là Đấng mà Y-sác kính sợ, không phù hộ tôi, chắc bây giờ cậu đuổi tôi ra tay không. Đức Chúa Trời đã xem thấy nỗi đau khổ tôi cùng công việc hai tay tôi làm, nên đêm qua Ngài đã xét công bình rồi đó” (Sáng. 31:38-42). Lưu ý rằng La-ban không phải là người giàu có khi Gia-cốp vào ở trong nhà của ông, nhưng Đức Chúa Trời của Gia-cốp đã chúc phước cho chàng trai này khi làm việc cho người cậu vợ. Kết quả là La-ban trở nên thịnh vượng, và chính ông đã thừa nhận điều này với Gia-cốp: “Ước gì cậu được nhờ ơn cháu! Cậu cũng đoán rõ ràng Đức Giê-hô-va đã vì cháu mà ban phước cho cậu vậy” (Sáng. 30:27). La-ban không phải là người thờ phượng Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật, nhưng ông sẵn lòng để cho Gia-cốp là một thanh niên tin kính vào làm việc cho mình, và mang phước lành của Đức Chúa Trời vào trong gia đình ông.

Khi Ra-chên tháp tùng theo Gia-cốp thẳng tiến về xứ Ca-na-an, cô đã bí mật lấy đi “các pho tượng thờ trong nhà của cha mình” (Sáng. 31:30-35) và nói dối với La-ban về điều đó. Suy cho cùng La-ban cũng là người lấy đi các phúc lợi vật chất từ Ra-chên, vậy thì tại sao Ra-chên không tìm cách lấy lại?  Theo tôn giáo của La-ban thì một người thờ nhiều thần tượng sẽ thành công trong cuộc sống và thừa hưởng được tài sản của gia đình. Gia-cốp đã làm cho La-ban trở nên giàu có, sở hữu một tài sản lớn. Lẽ ra tài sản này phải được chia sẻ với Lê-a và Ra-chên nữa. Ra-chên tin cậy Đức Chúa Trời hay các hình tượng? Việc đánh cắp các pho tượng vàng nói lên điều gì, hay đơn giản chỉ là một hành động trả thù?

RA-CHÊN THẤT VỌNG VỚI GIA-CỐP

Khi Gia-cốp khám phá điều mà La-ban và Lê-a đã làm trong ngày cưới, tại sao ông không làm lớn chuyện?  Tại sao ông chấp nhận đề nghị của La-ban, khi ông có thể mặc cả về điều đó? Gia-cốp chỉ có một mình ở nhờ nhà cậu vợ, vì vậy không có ai đứng ra bênh vực ông trong câu chuyện bi hài này. Gia-cốp không phải là người kém thông minh, và ông phải đấu trí với La-ban. Cho dù điều gì sẽ xảy ra, Gia-cốp không muốn đánh mất Ra-chên vì đã phải lòng nàng. Tuy nhiên tương lai của Ra-chên nằm trong tay của một người cha lắm mưu mẹo. Gia-cốp yêu Ra-chên hơn bất cứ điều gì khác trong đời, vì vậy ông chấp nhận trước đề nghị của La-ban đó là phải làm việc thêm cho cha vợ thêm bảy năm nữa để lấy được nàng Ra-chên (khoảng thời gian dài như vậy đủ để cho Ê-sau quên đi nỗi uất hận với người em trai ranh mãnh). Ra-chên biết rằng Gia-cốp yêu nàng hơn Lê-a, và vì vậy Gia-cốp kiên nhẫn chịu đựng người cha vợ xảo trá.

Có thể còn một yếu tố thứ hai nên xét đến trong câu chuyện này. Lương tâm của Gia-cốp đã nhắc nhở ông rằng ông đã lừa dối cha mình bảy năm trước?  Lê-a là con đầu lòng đã đóng giả là đứa con thứ hai, và Gia-cốp là đứa con thứ hai đã hóa trang thành đứa con đầu lòng. Gia-cốp là kẻ lừa dối cha mình bây giờ bị cha vợ lừa dối lại. Kẻ cắp gặp bà già! Tội lỗi của Gia-cốp trước đây bị chỉ ra? Và giờ đây Gia-cốp phải chấp nhận kỷ luật từ Đức Chúa Trời. Gia-cốp trưởng thành qua phương cách mà Đấng Kiểm Soát mọi hoàn cảnh dạy dỗ ông.

Nhưng sự thất vọng lớn nhất của Ra-chên không phải là bà chưa sinh ra được đứa con nào vào lúc gia đình trông đợi. Và vì điều này bà đổ lỗi cho Gia-cốp: “Hãy cho tôi có con, hoặc là tôi sẽ chết”. Ra-chên biết rằng Gia-cốp yêu nàng hơn Lê-a, nhưng tình yêu ấy cũng không thể bù đắp cho sự thiếu hụt những đứa trẻ mà chính nàng sinh ra (xem 1 Sa-mu-ên 1:8). Lúc bấy giờ Lê-a đã có bốn đứa con trai, còn Ra-chên chưa có đứa nào, vì vậy bà yêu cầu với Gia-cốp: “Nầy con đòi Bi-la của tôi, hãy lại cùng nó, hầu cho nó sanh đẻ thay cho tôiTrong nguyên bổn rằng: Sanh-đẻ trên đầu gối tôi

, đặng phần tôi bởi nó cũng có con nữa.  Vậy, Ra-chên đưa Bi-la làm hầu Gia-cốp, và người đi lại cùng nàng.  Bi-la thọ thai, sanh một con trai cho Gia-cốp.  Ra-chên rằng: Đức Chúa Trời đã xét tôi công bình, nhậm lời tôi, nên cho tôi một con trai; vì cớ ấy, nàng đặt tên đứa trai đó là Đan.  Bi-la, con đòi của Ra-chên, thọ thai nữa, và sanh một con trai thứ nhì cho Gia-cốp.  Ra-chên rằng: Tôi đã hết sức chống cự với chị tôi, và tôi được thắng; vì cớ ấy, nàng đặt tên đứa trai nầy là Nép-ta-li” (Sáng thế ký 30:3-8).

Chúng ta đọc Sáng thế ký 30 ghi lại các việc sinh đẻ của Lê-a và Ra-chên:

 “Nhằm mùa gặt lúa mì, Ru-bên đi ra đồng gặp được những trái phong giTrái nầy ở bên xứ Pha-lê-tin

, đem về dâng cho Lê-a, mẹ mình. Ra-chên bèn nói cùng Lê-a rằng: Xin chị hãy cho tôi những trái phong già của con chị đó.  Đáp rằng: Cướp chồng tao há là một việc nhỏ sao, nên mầy còn muốn lấy trái phong già của con trai tao nữa? Ra-chên rằng: Ừ thôi! Chồng ta hãy ở cùng chị tối đêm nay, đổi cho trái phong già của con chị đó.  Đến chiều, Gia-cốp ở ngoài đồng về, thì Lê-a đến trước mặt người mà nói rằng: Chàng hãy lại cùng tôi, vì tôi đã dùng trái phong già của con tôi chịu thuê được chàng; vậy, đêm đó người lại nằm cùng nàng.  Đức Chúa Trời nhậm lời Lê-a, nàng thọ thai và sanh cho Gia-cốp một con trai thứ năm.  Nàng rằng: Đức Chúa Trời đã đền công tôi, vì cớ tôi đã trao con đòi cho chồng; vậy, nàng đặt tên đứa con trai đó là Y-sa-ca….Y-sa-ca, nghĩa là đền.

 

 Đức Chúa Trời nhớ lại Ra-chên, bèn nhậm lời và cho nàng sanh sản.  Nàng thọ thai, sanh một con trai, mà rằng: Đức Chúa Trời đã rửa sự xấu hổ cho tôi rồi; bèn đặt tên đứa trai đó là Giô-sépGiô-sép, nghĩa là rửa hay là thêm

; lại nói rằng: Cầu xin Đức Giê-hô-va thêm cho một con trai nữa!” (Sáng. 30:14-24). Sau khi Giô-sép chào đời, Ra-chên còn sinh thêm được Bên-gia-min (Sáng. 35:18) rồi qua đời.

RA-CHÊN THẤT VỌNG VỚI GIA ĐÌNH CỦA MÌNH

Ra-chên và Lê-a đều biết rằng cha La-ban là một kẻ mưu mô và đối xử với họ như những tôi tớ,  sử dụng hai chị em cho mục đích ích kỷ của ông. Ước muốn của hai chị em là được kết hôn và rời khỏi gia đình sớm nhất có thể. Nhưng luôn luôn có một số trở ngại. Mười bốn năm hai chị em và Gia-cốp phải ở lại trong nhà của cha mình. Chưa hết Gia-cốp phải làm việc thêm sáu năm nữa để tạo lập riêng cho mình một bầy gia súc. Trong hai mươi năm đó, Ra-chên thất vọng với cha của mình, cả hai chị em Ra-chên mơ ước được về sống trong gia đình của chồng để vui hưởng sự giàu có của Y-sác và Rê-be-ca.

Thật khó khăn để hình dung ra không khí trong gia đình gồm một ông cha, bốn bà mẹ và mười một đứa con. Đặc biệt hơn nữa khi hai bà mẹ là hai chị em, và hai cô hầu gái của hai chị em cũng được xem là vợ của Gia-cốp. Trong ngữ cảnh đó làm thế nào để tránh những xung đột (Châm ngôn 30:21-23)! Tất cả bọn họ đều ở dưới quyền lực của một La-ban vô tâm, người có tham vọng chính là làm giàu – bằng bất cứ giá nào. Những dòng chảy ngầm của những mưu mô, đố kị và ganh đua liên quan đến bốn người phụ nữ chắc sẽ rất mạnh mẽ, và rõ ràng tất cả những điều này đã ảnh hưởng đến con cái của họ. Trong bối cảnh đó, không có gì lạ khi Gia-cốp phải ở lại với bầy gia súc trên thảo nguyên ngày và đêm (Sáng. 31:40).

RA-CHÊN THẤT VỌNG VỚI CUỘC SỐNG

Cuối cùng Gia-cốp và La-ban đã đi tới một thỏa thuận. “Nước sông không còn phạm đến nước giếng”. Gia-cốp được trở về quê hương Ca-na-an của mình cùng với các người vợ và đàn gia súc. Trong cuộc hành trình đó Ra-chên đã qua đời gần Bết lê-hem sau khi sinh được Bên-gia-min trong sự đau đớn (Sáng. 35:16-20). Điều này làm tấm lòng Gia-cốp tan vỡ, vì ông rất yêu thương Ra-chên. Nhiều năm sau đó, chúng ta đọc thấy Gia-cốp nói với Giô-sép trước khi qua đời, “Khi cha ở Pha-đan trở về xứ Ca-na-an, thì Ra-chên chết dọc đường có mặt cha, gần Ê-phơ-rát; cha đã chôn người ở bên con đường đi về Ê-phơ-rát (tức là Bết-lê-hem).” (Sáng. 48:7).  Nếu Ra-chên không chết, bà có thể đã sinh thêm các con trai khác, vì vậy Gia-cốp đã thu nhận hai cậu con trai của Giô-sép để bù đắp cho sự mất mát này. Trong Sáng thế ký 48:5 Gia-cốp bảo Giô-sép, “Bây giờ, hai đứa con trai đã sanh cho con tại xứ Ê-díp-tô trước khi cha đến, là Ép-ra-im và Ma-na-se, cũng sẽ thuộc về cha như Ru-bên và Si-mê-ôn vậy.” Trong sáng thế ký chương 49 ghi lại lời chúc tiên tri của Gia-cốp dành cho các con trai mình, trong đó Giô-sép là con trai đầu của Ra-chên nhận được phước lành đầy trọn từ cha (câu 22-26).

Có một vài điều cần suy nghĩ về lời nói cuối cùng của Ra-chên trước khi qua đời. Khi bà đặt tên cho đứa con trai thứ hai là Bê-nô-ni có nghĩa là đứa con trai của sự đau khổ hay đứa con của những rắc rối. Hãy thử hình dung nếu như đứa trẻ này lớn lên với cái tên như vậy, thì điều gì sẽ xảy ra? Mỗi khi có ai đó gọi tên nó như vậy nó sẽ nhớ lại câu chuyện sinh nở của mẹ nó, vì khi hạ sinh Bê-nô-ni /Bên-gia-min, Ra-chên phải chịu nhiều đau đớn. Và sau khi sinh thì Ra-chên trút linh hồn. Ra-chên đã trải nghiệm bảy năm vui mừng khi cô dự định kết hôn với Gia-cốp, nhưng những năm đó đã kéo theo mười ba năm rắc rối trước khi Gia-cốp trở thành một người hành hương trở về lại Bê-tên. Họ đã vượt thoát khỏi sự trả thù của Ê-sau, nhưng Đi-na bị hãm hiếp tại Si-chem. Điều này dẫn đến hậu quả là Si-mê-ôn và Lê-vi dùng gươm tàn sát những người đàn ông của thành phố đó.

Ra-chên muốn có một đứa con trai khác sau khi sinh Giô-sép, và Đức Chúa Trời đã ban cho nhưng bà phải trả một giá rất cao. “Hãy cho tôi có con, nếu không tôi sẽ chết.” (Sáng. 30:1) là một yêu cầu khẩn thiết. Chúng ta tự hỏi liệu những lời cuối cùng của Ra-chên trước khi qua đời phản ánh tương lai của bản thân – rắc rối và đau khổ, khi bà đặt tên cho đứa con thứ hai tên là Bê-nô-ni. Gia-cốp khôn ngoan đã đổi tên Bê-nô-ni thành Bên-gia-min. Tên này mang ý nghĩa “con trai của cánh tay phải tôi”. Trong văn hóa thời đó, cánh tay phải tượng trưng cho sự tôn trọng và quyền lực. Gia-cốp bấy giờ đã có mười hai người con. Tất cả họ trở thành tộc trưởng của mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên. Bên-gia-min là đứa con duy nhất của Gia-cốp được sinh ra trong vùng đất thánh.

Người Do Thái tôn kính Ra-chên và Lê-a là “hai người nữ đã dựng nên nhà Y-sơ-ra-ên!” (Ru-tơ 4:11). Tiên tri Giê-rê-mi nói đến Ra-chên: “Đức Giê-hô-va phán như vầy: Tại Ra-ma nghe có tiếng than thở, khóc lóc đắng cay. Ra-chên khóc con cái mình, mà không chịu yên ủi về con cái mình, vì chúng nó không còn nữa!” (Giê-rê-mi 31:15). “Những đứa con trai và con gái của sự đau khổ tôi” được tái hiện khi vua Hê-rốt truyền lệnh “giết hết thảy con trai từ hai tuổi sấp xuống ở thành Bết-lê-hem và cả hạt” (Ma-thi-ơ 2:16-18) trong thời điểm Chúa Giê-su Christ giáng sinh. Bên-gia-min hay Bê-nô-ni nhắc chúng ta nhớ đến Chúa Giê-su trong sự thống khổ (Bê-nô-ni) và sự vinh hiển của Ngài (Bên-gia-min). Trước tiên là đau khổ rồi mới vào trong vinh hiển. Thứ nhất là thập tự giá, thứ hai mới là vương miện. Chúng ta nên ghi nhớ lẽ thật này trong lần tới khi chúng ta đi đến kết luận rằng cuộc sống chỉ là một chuỗi các trận chiến đau đớn.

Điều an ủi lớn nhất dành cho Ra-chên: Hai người con trai Giô-sép và Bên-gia-min được Đức Chúa Trời sử dụng để hoàn thành mục đích lớn lao của Ngài cho thế giới. Giô-sép trở thành người cứu sống cho cả một dân tộc Y-sơ-ra-ên khi đem họ đến định cư và che chở họ trong vùng đất màu mỡ của Ai-cập. Giô-sép cũng thêm lên cho Y-sơ-ra-ên các chi phái Ép-ra-im và Ma-na-se. Từ chi phái Bên-gia-min đã cho ra đời sứ đồ Phao-lô, người đã thiết lập nền thần học của Tân Ước.

Vậy thì Ra-chên, tại sao bà phải khóc?

Bài 15

GIÔ-SÉP

Các anh toan hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi

Sáng thế ký 50:20

Mặc dù Giô-sép đã sống tại Ai-cập trong phần lớn cuộc đời của mình, nhưng có thể xem ông là người đại diện tốt nhất cho những người Do Thái sống tại quê hương. Ông có một đời sống thanh sạch và một tấm lòng thuần khiết, nhưng phải chịu đau khổ từ những điều mà người khác làm cho ông. Cha Gia-cốp yêu thương Giô-sép, nhưng ông bị các anh em trong gia đình ghen ghét và rồi âm mưu với nhau bán đứng ông như bán một tên nô lệ. Bị đem đi tới Ai-cập, làm đầy tớ trong nhà của quan thị vệ Phô-ti-pha, ông bị nữ chủ nhân vu cáo tội quấy rối tình dục và bị tống vào tù. Lúc đó không ai còn nhớ đến tên Giô-sép ngoại trừ Đức Chúa Trời. Trước giả Thi thiên viết về Giô-sép, “Người ta cột chân người vào cùm, làm cho người bị còng xiềng.” (Thi thiên 105:18). Sách cầu nguyện Anh giáo phiên bản năm 1877 ghi, “Xiềng xích đi vào linh hồn người.” Chúng ta thấy rằng Giô-sép chịu đựng các loại đau khổ khác nhau. Thật là một người nam kiên cường của Đức Chúa Trời.

Người ta đã nói rằng những gì cuộc sống làm cho chúng ta phụ thuộc vào những gì cuộc sống tìm thấy trong chúng ta, và sự thật này được biểu lộ trong cuộc đời Giô-sép. Trong bài viết này, chúng ta tập chú vào các điểm chính, và những phản ứng của Giô-sép trước những hoàn cảnh mà Đức Chúa Trời cho phép xảy ra. Chúng ta cũng tìm hiểu thái độ của cha Giô-sép và mười người anh em của ông.

CÁC ANH EM: “ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÃ LÀM GÌ CHO CHÚNG TA ĐÂY?’

Sau khi gặp “người làm chúa tại Ai-cập”, các anh em của Giô-sép vừa nói với nhau, vừa run, mà rằng: “Đức Chúa Trời đã làm chi cho chúng ta đây?” (Sáng thế ký 42:48). Họ ngạc nhiên xen lẫn sợ hãi không biết điều gì đang xảy ra khi nhìn thấy tiền bạc của họ được để lại trong những bao lương thực. Mỗi người tự vấn lương tâm của mình. Họ có thể nghĩ đến sự phán xét của Đức Chúa Trời dành cho họ vì họ đã đối xử tệ với Giô-sép trước đây! Lẽ ra họ đã không nên làm điều đó.

Khi trở về đến nhà các anh em Giô-sép tìm thấy tất cả tiền bạc của họ còn nằm y nguyên trong những bao lương thực. Họ trình bày với với người cha già Gia-cốp câu chuyện bên Ai-cập và giải thích tại sao Si-mê-ôn đã bị giữ lại làm con tin. Vị tể tướng của Ai-cập sẽ chỉ phóng thích cho Si-mê-ôn nếu trong lần tới họ mang theo Bên-gia-min.

Hiển nhiên, Giô-sép vẫn còn nhớ trong giấc mơ của mình là tất cả mười một anh em sẽ phải quì trước mặt ông (Sáng thế ký 37:5-11), do đó ông giữ Si-mê-ôn lại và yêu cầu các anh em phải đem Bên-gia-min tới.

Khi còn ở chung trong một gia đình, hành vi xấu xa của các anh em được thể hiện khi họ cư xử với Giô-sép bằng thái độ thù địch. Gia-cốp, Giô-sép và Bên-gia-min yêu thương nhau, nhưng các anh em còn lại làm cho đời sống họ trở nên khổ sở khi ganh tị với Giô-sép. Theo Sáng thế ký 50, các anh em đã làm điều sai, đối xử tệ với Giô-sép (câu 15, 17). Họ có ý định giết chết Giô-sép (câu 20). Bất chấp Giô-sép van xin, họ đã tàn nhẫn ném người em trai xuống một cái hố, rồi sau đó kéo lên bán cho lái buôn như bán một tên nô lệ (Sáng. 42:21-22).

Các anh em đã cư xử cách độc ác với Giô-sép. Sau đó họ nói dối cha mình là Giô-sép đã chết và ngụy tạo bằng chứng để cho Gia-cốp được thuyết phục. Walter Scott đã nói đúng, “Một mạng lưới rối rắm sẽ được dệt nên khi lần đầu tiên chúng ta đánh lừa một ai đó.”  Gia-cốp đã không còn thấy đứa con trai yêu dấu trong suốt hai mươi năm. Tấm lòng ông tan nát vì cho rằng nó đã chết. Đây rõ ràng là một tội ác mà các anh em đã làm trên người cha già của họ. Có phải Gia-cốp đã phải trả giá vì trước đây ông cũng đã từng nói dối cha mình là Y-sác! Và điều đó có làm cho ông tha thứ cho các con trai mình vì sự dối trá và độc ác của họ?

Đức Chúa Trời đang làm gì? Ngài đang đem mọi thành viên trong gia đình vào trong lẽ thật: ăn năn, xưng tội và nhận sự tha thứ. Đức Chúa Trời sử dụng Giô-sép để giải quyết vấn đề với các anh em trong sự khôn ngoan và kiên nhẫn.

GIA-CỐP – “ĐỨC CHÚA TRỜI KHÔNG LÀM GÌ!”

Gia-cốp không nói rằng Đức Chúa Trời không làm gì, nhưng đây là cách mà ông cảm thấy trong tấm lòng. Gia-cốp nói với các con trai độc ác, “Bay làm mất các con tao; Giô-sép đã mất biệt, Si-mê-ôn cũng mất biệt; mà bây giờ, lại muốn dẫn Bên-gia-min đi nữa sao! Các nông nỗi nầy đều đổ lại cho tao hết!” (Sáng. 42:36). Trong câu này ông muốn nói rằng: Mọi sự đang chống lại tôi. Và ông nhìn thấy các hoàn cảnh xảy ra theo chiều hướng đó.

Hãy nhìn lại những gian truân của Gia-cốp. Một nạn đói xảy ra trên vùng đất hứa. Các con trai của ông phải xuống Ai-cập để tìm nguồn thực phẩm cho một đại gia đình. Gia-cốp cho rằng đứa con trai yêu dấu là Giô-sép đã chết, và bây giờ Si-mê-ôn lại bị bắt làm con tin tại Ai-cập. Tình hình càng tồi tệ hơn khi vị tể tướng Ai-cập thông báo rằng Si-mê-ôn chỉ được phóng thích khi các con trai đem Bên-gia-min đến trình diện trong chuyến đi kế tiếp. Cả Bên-gia-min và Giô-sép là hai con trai của Ra-chên. Gia-cốp rất yêu mến người vợ này. Ông không muốn mất thêm Bên-gia-min nữa. Trong tình thế bất khả kháng, Gia-cốp đành phải để cho Bên-gia-min đi mà không biết điều gì xảy ra. Gia-cốp phải đưa ra một quyết định khó khăn. Gia-cốp có thể đang tự hỏi, Đức Chúa Trời đang ở đâu?

Gia-cốp đã quên đi lời hứa của Chúa dành cho ông tại Bê-tên nhiều năm trước, “Nầy, ta ở cùng ngươi, ngươi đi đâu, sẽ theo gìn giữ đó, và đem ngươi về xứ nầy; vì ta không bao giờ bỏ ngươi cho đến khi ta làm xong những điều ta đã hứa cùng ngươi” (Sáng thế ký 28:15). Khi Gia-cốp bỏ trốn khỏi nhà La-ban, Đức Chúa Trời phán với ông, “Hãy trở về xứ của tổ phụ ngươi, chốn bà con ngươi, ta sẽ phù hộ ngươi” (Sáng. 31:3). “Ta không bao giờ bỏ ngươi” là câu phủ định. “Ta sẽ phù hộ ngươi” là một lời xác định. Cả hai lời hứa đều bảo đảm rằng Chúa ở cùng Gia-cốp.   Trong đêm tối Gia-cốp đã vật lộn với Đức Chúa Trời, sau đó Ngài đổi tên ông từ Gia-cốp thành Y-sơ-ra-ên. Sau khi vật lộn với Đức Chúa Trời, bây giờ ông là người chiến thắng – ông trở thành hoàng tử của Đức Chúa Trời. Chắc chắn cái chân khập khiễng của ông sẽ gợi nhớ nơi ông một lẽ thật: “Nếu Đức Chúa Trời vùa giúp chúng ta, thì còn ai nghịch với chúng ta?” (Rô-ma 8:31)

Sẽ không quá khó khăn cho Gia-cốp trong cơn đói kém, cuối cùng ông nhận được sự trợ giúp cho gia đình của mình. Chúng ta đều biết điểm kết thúc của câu chuyện này. Và điều đó làm cho chúng ta dễ chịu với trích dẫn được liên hệ trong Rô-ma 8:28, “Gia-cốp ơi, không phải mọi sự đang chống lại ông, mà là chúng hiệp lại để làm điều tốt nhất cho ông.” Tuy nhiên Gia-cốp không biết đến Rô-ma 8:28, chính điều này làm cho tấm lòng ông tan vỡ trong đau khổ. Nếu đặt mỗi chúng ta vào trường hợp của Gia-cốp, có thể lắm chúng ta cũng sẽ tự hỏi: Đức Chúa Trời đang ở đâu, Ngài có chăm sóc tôi không? Tạ ơn Chúa, ngày nay chúng ta có thể hiểu rõ hơn về những cảm xúc của Gia-cốp và tìm thấy bài học cho mình.

GIÔ-SÉP – “ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ Ý ĐỊNH LÀM ĐIỀU TỐT CHO TÔI.”

Ít nhất là năm lần chúng ta đọc thấy trong Kinh Thánh “Đức Chúa Trời ở cùng Giô-sép” (Sáng. 39:2, 3, 21, 23; Công vụ. 7:9). Điều này có nghĩa Chúa kiểm soát mỗi biến cố, mỗi sự kiện xảy ra trong cuộc đời Giô-sép và gia đình ông để bày tỏ ra ý muốn tốt đẹp của Ngài và danh Ngài được vinh hiển. Điều quan trọng cần ghi nhớ là Chúa làm việc theo ý định tốt đẹp của Ngài xuyên suốt mọi hoàn cảnh trong toàn bộ mọi trải nghiệm của Giô-sép, chứ không phải chỉ ở giai đoạn cuối cùng.  Rô-ma 8:28 không nói rằng, “Cuối cùng Chúa sẽ làm mọi việc tốt đẹp”. Chúa làm tất cả mọi việc trong mọi thời gian đều do ý định tốt đẹp của Ngài, bất luận chúng ta cảm thấy như thế nào.

Điều tốt đẹp quan trọng nhất mà Đức Chúa Trời đã hoàn thành là  thông qua Giô-sép Ngài bảo tồn tuyển dân Israel, để từ đó Ngài ban cho thế giới quyển Kinh Thánh và Con của Ngài. Giô-sép là một đầy tớ được chọn để che chở tuyển dân và cứu một thế giới đang hư mất. Đức Chúa Trời đã “sai một người đi trước Y-sơ-ra-ên, là Giô-sép bị bán làm tôi mọi.” (Thi thiên 105:17)

Những điều đã xảy ra là tốt đẹp cho Gia-cốp và các con trai của ông. Gia-cốp chắc nhận thức rằng ông đã gặt các quả đắng từ một số hạt giống của sự lừa dối mà ông đã gieo ra nhiều năm trước. Các anh em của Giô-sép cuối cùng đã được đưa đến nơi mà miệng họ phải ngậm lại và họ đã không còn nói dối và bào chữa cho mình. Giu-đa thưa với Giô-sép là người đang làm “chúa tại Ai-cập”: Chúng tôi sẽ nói cùng chúa làm sao? Sẽ phân lại làm sao? Sẽ chữa mình chúng tôi làm sao? Đức Chúa Trời đã thấu rõ điều gian ác của tôi tớ chúa rồi. Nầy, chúng tôi cùng kẻ đã bị bắt được chén nơi tay đều làm kẻ tôi tớ cho chúa (Sáng. 44:16). Các anh em gian ác (ngoại trừ Bên-gia-min) rơi vào tình cảnh “miệng nào cũng phải ngậm lại” (Rô-ma 3:3:19), không thể bào chữa tội lỗi của mình. Phải mất hai mươi hai năm, tội lỗi của các anh em mới bị chỉ ra. Giô-sép tha thứ cho họ và bảo đảm sự cấp dưỡng dành cho họ và con cái của họ. Vài năm sau đó Giô-sép có đứa con đầu tiên, ông đặt tên là Ma-na-se – “quên” – điều này có nghĩa là Giô-sép không còn nắm giữ bất kỳ một mối căm thù nào với các anh em mình. F. W. Robertson đã nói, “sự trả thù duy nhất của Cơ đốc nhân là trả thù bằng sự tha thứ.” Làm thế nào Giô-sép có thể ghét anh em mình khi ông nhận thức rằng Chúa luôn luôn tể trị mọi biến cố và làm mọi việc đều có ý định tốt cho ông?

Có lẽ bản thân Giô-sép là người đã nhận nhiều điều tốt đẹp hơn bất cứ một ai khác. Thi thiên 105:17 ghi, “Ngài sai một người đi trước Y-sơ-ra-ên, là Giô-sép bị bán làm tôi mọi.” Giô-sép lúc bị các anh em bán đứng chỉ là một thiếu niên mười bảy tuổi. Vào thời điểm đó Giô-sép đã có hai giấc mơ, nhưng cậu thiếu niên này chưa được huấn luyện trong “trường kỷ luật” của Chúa. Hai giấc mơ đẹp, nhưng sau đó lại trở thành cơn ác mộng vì các anh em ghen ghét “thằng nằm mộng.” Vì thế Chúa đã gửi đến một bài học kỷ luật khác để rèn đúc nên Giô-sép và huấn luyện ông trở thành người mà có thể làm vinh hiển danh Ngài trong mọi hoàn cảnh.

Giô-sép trải nghiệm nỗi đau khi bị bán làm nô lệ và phải rời xa gia đình thân yêu. Ông bền chịu trong sự nhẫn nhục, làm việc cực nhọc trong tư cách của một “tên nô lệ Hê-bơ-rơ” trên đất khách quê người. Đối diện với những cám dỗ, bị vu oan, bị tống vào tù và bao nhiêu nghịch lý khác, Giô-sép vẫn chiếu ra ân điển và sự thương xót của Chúa mà không một lời oán than! Từ một thiếu niên nô lệ rồi được cất nhắc lên làm người cai trị – nhân vật quyền lực thứ hai tại Ai-cập, Giô-sép đã chứng minh rằng ông là một người trung tín trong những việc nhỏ nhất, vì vậy Đức Chúa Trời đã ban cho ông dư dật mọi điều (Ma-thi-ơ 25:11).

Tôi cho rằng Kinh Thánh ghi lại bảy lần Giô-sép khóc. Ông đã khóc khi bị anh em mình quăng xuống hố (Sáng thế ký 42:21-21). Ông khóc khi các anh em mình xưng nhận tội với nhau (Sáng. 42:24). Ông khóc khi nhìn thấy Bên-gia-min (Sáng. 43:30). Giô-sép cũng khóc lớn khi hòa giải với các anh em (Sáng. 45:2, 14-15), và khóc khi nhìn thấy cha mình sau hơn hai mươi năm (Sáng. 46:29). Cũng như với bất kỳ một người con trai nào, ông khóc khi cha qua đời (Sáng. 50:1). Khi Giô-sép nghe lời trần tình của các anh em cầu xin từ nơi ông sự tha thứ, ông đã khóc, và bảo đảm với họ rằng ông sẵn lòng tha thứ. Các anh em lúc đó chỉ muốn được làm nô lệ cho ông, nhưng ông bảo đảm rằng họ vẫn là anh em với ông. Điều này có giống như trong Lu-ca 15:19-21?

Các bài học kỷ luật trong đời sống Giô-sép, cộng với đức tin kiên định của ông nơi Đức Chúa Trời  đã biến đổi và hình thành nên một nhân cách sáng chói vĩ đại trong Kinh Thánh. Ông rất giống với Chúa Giê-su Christ! Giống như Chúa Cứu thế, Giô-sép là Con của cha Gia-cốp bị chính anh em mình ghét bỏ rồi phản bội. Ông đã bị anh em bán đứng một cách bất hợp pháp, bị vu cáo tội quấy rối tình dục rồi bị kết án tù. Giô-sép từ trong nhà tù được đem ra để nhận lãnh ngôi cai trị, từ đau khổ lên ngai vinh hiển và cung ứng lương thực cho thế giới (Giô-sép bảo tồn sự sống, Chúa Giê-su ban cho sự sống.) Giô-sép tha thứ cho các anh em mình và ban cho họ nhà để ở với thực phẩm đầy tràn. Giô-sép còn làm nhiều hơn thế! Tôi hy vọng rằng bạn có thể thấy bài học này: khi chúng ta chịu đau khổ vì cớ Chúa Giê-su, chúng ta sẽ trở nên giống như Ngài càng hơn. Chúng ta đọc lại câu này: “chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định. Vì những kẻ Ngài đã biết trước, thì Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình bóng Con Ngài” (Rô-ma 8:28-29)

Giữa muôn vàn khổ đau và phiền muộn, hãy có đức tin nơi Chúa để có thể nói được: “Các anh toan hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời toan làm điều ích cho tôi.” Điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời có ý định làm điều tốt cho chúng ta ngay cả trong những tình huống tồi tệ nhất. Khi chúng ta nhận thức rõ ý định của Ngài, chúng ta biết rằng Chúa cho phép những hoàn cảnh nghiệt ngã xảy ra để biến đổi chúng ta trở nên giống như Con của Ngài.

Giữa trũng đau thương Đa-vít nói, “Nhưng tôi đã tin cậy nơi sự nhân từ Chúa. Lòng tôi khoái lạc về sự cứu rỗi của Chúa.  Tôi sẽ hát ngợi khen Đức Giê-hô-va, vì Ngài đã làm ơn cho tôi.” (Thi thiên 13:5-6).

Giô-sép nói, “Chúa có ý định làm điều tốt cho tôi.” Chúng ta có thể phản hồi, “Chúa là tốt lành trong mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh!”

 

 

 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên