Trang Chủ TRANG CHỦ Các Bài Học Từ Kinh Thánh (1-3)

Các Bài Học Từ Kinh Thánh (1-3)

1344
0
SHARE

Warren Wendel Wiersbe là một mục sư, một giáo sư, một nhà văn, một nhà thần học và là một học giả về Kinh Thánh.   Mục sư Warren W. Wiersbe đã xuất bản hơn 150 cuốn sách.  Một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông là bộ sách Be Series, gồm 50 cuốn,  mang các tựa đề như Be Real, Be Alert, Be Rich, Be Obedient, Be Hopeful, Be JoyfulBe Right, Be Ready, Be Successful, Be Free, Be FaithfulBe Mature, Be Confident, Be Complete,…

 

Discover The Key Themes Of 63 Bible Characters Life Sentences.

(Khám phá các chủ đề chính của 63 cụm từ ngắn mô tả đời sống các nhân vật trong Kinh Thánh)

 

Bài 1

 

GIÊ-HÔ-VA ĐỨC CHÚA TRỜI

 

Hỡi Giê-hô-va, Đức Chúa Trời tôi, Chúa thật lớn lạ kỳ (Thi Thiên 104:1).

Quyển sách này sẽ giới thiệu với bạn những con người trong Kinh Thánh mà những kinh nghiệm về đời sống của họ sẽ giúp bạn có những hiểu biết tốt hơn về Đức Chúa Trời và chính bản thân bạn. Bạn sẽ gặp họ trong từng văn cảnh họ xuất hiện, và khi bước đi theo những nguyên tắc trong cuộc đời họ, nhân cách của bạn có thể được cải thiện tốt hơn.

Kinh Thánh trình bày một câu chuyện thật với hàng ngàn nhân vật và kéo dài trong nhiều thế kỷ. Câu chuyện này khá đơn giản đến nỗi trẻ con có thể nắm bắt nó nhưng lại rất sâu sắc trở thành một thách thức cho các nhà thần học lỗi lạc nhất. Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ, mười bốn sách trong Cựu Ước bắt đầu với chữ “Và”, điều này nhắc nhở chúng ta rằng mỗi sách được nối kết với các sách khác như một sợi dây liên kết bền vững.

Bản tường thuật của Kinh Thánh bắt đầu tại vườn Ê-đen, là nơi tổ phụ đầu tiên của loài người đã đã ăn trái cây Biết Điều Thiện Ác và từ đó họ mang tội lỗi và sự chết vào trong những thế hệ về sau. Đỉnh cao của câu chuyện được nối kết với thành phố thiên đàng, nơi mà các cư dân tại đây ăn Trái Cây Sự Sống dọc hai bên bờ Sông của Sự Sống (Khải huyền 22:1-2).

Kinh Thánh mở ra với vườn Ê-đen và đóng lại với khu vườn Thiên đàng. Điểm bắt đầu là tội lỗi và sự chết, nhưng điểm kết thúc là sự thánh khiết và sự sống! Nguyên nhân nào có một sự thay đổi ngoạn mục như thế?

Giữa hai khu vườn đã đề cập trên đây còn có một vườn khác có tên gọi Ghết-sê-ma-nê. Nơi đây Con của Đức Chúa Trời đã cầu nguyện: Xin Ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi (Lu-ca 22:42), và rồi Ngài đã đi đến cái chết đau đớn, sỉ nhục trên thập tự giá. Bởi vì Chúa Jesus đã chết và sống lại, chính điều này bẻ gãy sự rủa rả trong khu vườn đầu tiên. Quyển sách cuối cùng của Cựu Ước kết thúc với từ “sự rủa sả” (Ma-la-chi 4:6), nhưng trong sách cuối của Tân Ước chúng ta thấy: Chẳng còn có sự rủa sả nào nữa (Khải huyền 22:3). Món quà sự sống đời đời đã sẵn sàng cho những ai đặt niềm tin của họ vào Chúa Jesus. Kinh thánh ghi lại những câu chuyện đáng chú ý này để chúng ta có thể đọc và trải nghiệm tất cả những gì Chúa đã làm cho chúng ta.

Trước khi chúng ta nhìn vào bộ sưu tập đồ sộ về những con người trong Kinh Thánh, chúng ta phải nhìn vào Đức Chúa Trời. Tại sao như thế? Bởi vì sự tìm kiếm của chúng ta không phải là những yếu tố sự thật của lịch sử và tiểu sử của một ai đó, nhưng là những lẽ thật của thực tế và có giá trị vĩnh cửu. Như vậy chúng ta phải bắt đầu với Đức Chúa Trời. Câu chuyện của Kinh Thánh là nói về Đức Chúa Trời, chứ không phải là những hoạt động của con người. Đức Chúa Trời đặt chìa khóa của Kinh Thánh ở chỗ này: Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên… (Sáng Thế ký 1:1). Loại bỏ Đức Chúa Trời ra ngoài, lịch sử sẽ là một huyền nhiệm – một vở kịch rối rắm với những phần bị bỏ sót mà không có một ý nghĩa rõ ràng nào cho chúng ta. Chúng ta phải bắt đầu với Đức Chúa Trời, bởi vì Ngài vẽ thiết kế, viết ra kịch bản và lựa chọn các vai diễn. Ngài không vắng mặt trong bất cứ tình huống nào, Ngài ở đó luôn luôn trong mọi sự kiện. Không một ai có thể làm hỏng đi kịch bản của Ngài. Tất cả mọi điều phải diễn ra sau khi Ngài lên kế hoạch. Lịch sử là câu chuyện của Ngài.

Điều này không có nghĩa lịch sử của con người là một vở kịch rối rắm, mà ở đó Đức Chúa Trời cho phép con người làm theo ý muốn của họ, và rồi sau đó Ngài nhẹ nhàng loại bỏ họ qua một bên. Trong sự tể trị của Đức Chúa Trời, Ngài có thể thay đổi số phận hay định mệnh của những con người, mặc dù các vai diễn có thể lựa chọn đi theo một hướng khác thì câu chuyện vẫn cứ tiến hành. Đức Chúa Trời hành động theo quyết định của Ngài chứ không phải theo sự đồng thuận của bất kỳ một ủy ban nào. Trước giả Thi thiên viết: Đức Chúa Trời chúng tôi ở trên các từng trời; Phàm điều gì vừa ý Ngài, thì Ngài đã làm (Thi 115:3). Những người vô thần phủ nhận điều này, người theo thuyết bất khả tri đặt câu hỏi tại sao, nhưng những người theo Chúa Jesus Christ chấp nhận và vui hưởng Lời của Chúa đã tuyên bố.

Không một ai có thể hiểu biết tất cả về Đức Chúa Trời. Nhưng các lẽ thật căn bản về mối liên hệ của Đức Chúa Trời với con người đã được bày tỏ qua Kinh Thánh và chúng ta có thể nắm bắt lấy nó nếu chúng ta muốn hiểu về những con người trong sách này. Điều này sẽ dẫn đến một kết quả là chúng ta hiểu rõ về chính chúng ta và những gì Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta.

ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ ĐẤNG SÁNG TẠO

Trước giả của tuyển dân viết về chủ đề thờ phượng:
Hãy đến, cúi xuống mà thờ lạy;
Khá quì gối xuống trước mặt Đức Giê-hô-va, là Đấng Tạo Hóa chúng tôi! (Thi thiên 95:6)

Người theo chủ nghĩa duy vật hoài nghi đặt câu hỏi: Đức Chúa Trời đến từ đâu? Trong khi những tín hữu đặt vấn đề: sự sống đến từ đâu? Người theo chủ nghĩa duy vật trả lời câu hỏi này: Nó chỉ là một sự ngẫu nhiên tình cờ, và viện dẫn những luận chứng cao siêu cho quan điểm của họ. Các môn đồ theo Chúa đưa ra câu trả lời: Đó là sự tể trị thần thượng và trưng ra quan điểm của họ về Đức Chúa Trời ba ngôi Cha, Con và Thánh Linh hiệp một trong công cuộc sáng tạo. Không có con đường nào khác để tránh né mệnh đề này: Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất (Sáng 1:1).

Đức Chúa Trời không chỉ là Đấng Khởi Nguồn của sự sáng tạo nhưng Ngài cũng có mặt từ buổi bình minh của tuyển dân để dạy chúng ta về chính Ngài. Ngài cũng là khởi nguyên của mỗi đời sống cá nhân trên đất. Đa-vít đã viết:

Vì chính Chúa nắn nên tâm thần tôi,
Dệt thành tôi trong lòng mẹ tôi.
(Thi 139:13)
Khi tôi được dựng nên trong nơi kín,
Chịu nắn nên cách xảo tại nơi thấp của đất,
Thì các xương cốt tôi không giấu được Chúa.
Mắt Chúa đã thấy thể chất vô hình của tôi;
Số các ngày định cho tôi,
(Thi 139:15-16)
Tất cả những người mà chúng ta bắt gặp trong Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời chuẩn bị sẵn sàng và chỉ định họ cho mục đích tối hậu của Ngài. Đây cũng là lẽ thật cho những người chúng ta gặp gỡ ngày hôm nay – và dĩ nhiên nó cũng là lẽ thật cho bạn và tôi!

 

ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ ĐẤNG CUNG ỨNG

Thật là vô cùng ý nghĩa khi Đức Chúa Trời đã tạo dựng vũ trụ, các từng trời và trái đất trước khi Ngài dựng nên con người đầu tiên. Điều này giống như những bậc cha mẹ trần gian yêu thương con cái thường dự bị mọi nhu cầu cho chúng nó trước khi những đứa trẻ được sinh ra. Cha Thiên Thượng đã sắm sẵn mọi thứ trên thế giới này cho chúng ta! Mọi điều chúng ta cần đang có sẵn ở đây, và Đức Chúa Trời không muốn chúng ta lãng phí hay phá hủy nó, nhưng phải sử dụng nó theo một đường lối khôn khoan đúng đắn.

Đức Chúa Trời cũng cung ứng cho chúng ta những khả năng để hiểu rõ và đánh giá đúng sự giàu có không dò lường được của Ngài khi Ngài tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài. Chúng ta không chỉ có thân thể và tâm hồn để vui hưởng thế giới vật lý chung quanh mà chúng ta còn có tâm linh để bước vào tận hưởng mối tương giao với chính Đức Chúa Trời và vui mừng nhận lãnh những sự phong phú trong thế giới thuộc linh. Chúng ta có tâm trí để nghĩ suy, ý chí để đưa ra quyết định và tấm lòng (hay trái tim) để yêu thương. Và Đức Chúa Trời đã bổ nhiệm chúng ta, ban cho chúng ta uy quyền để quản trị trên các vật thọ tạo và công việc của tay Ngài hầu cho hoàn thành những mục đích diệu kỳ của Ngài. Trong Thi thiên 8:6, Đa-vít viết: Chúa ban cho người quyền cai trị công việc tay Chúa làm, khiến muôn vật phục dưới chân người. Thực tế này đã làm cho trước giả Thi thiên kinh ngạc: Loài người là gì, mà Chúa nhớ đến? Tại sao một Đức Chúa Trời toàn năng vĩ đại, siêu việt như thế lại quan tâm đến con người bé nhỏ chúng ta?

Những con người trong Kinh Thánh có thể chia làm hai loại: 1/ Những người tin cậy Đức Chúa Trời và vâng lời Ngài. Họ khám phá rằng chính Chúa là Đấng cung ứng mọi nhu cầu cho họ. 2/ Những người không vâng lời Ngài – thậm chí tệ hơn đó là phản bội, chống lại Ngài. Họ đã từ chối sự giàu có, khôn ngoan, quyền năng, ân điển và vinh hiển của Đức Chúa Trời. Giống như người con trai hoang đàng trong Lu-ca 15:11-24, họ đã gần như chết đói bên cạnh các máng thức ăn của đàn lợn vì sự chọn lựa của mình, trong khi lẽ ra họ phải vui hưởng yến tiệc tại bàn của người cha yêu thương.
Điều này dẫn chúng ta đến lẽ thật căn bản thứ ba về Đức Chúa Trời: Ngài là Cha.

 

ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ CHA

Đức Chúa Trời đã phán dạy tuyển dân:

Y-sơ-ra-ên là con ta, tức trưởng nam ta (Xuất Ê-díp-tô ký 4:22). Bản Kinh Thánh Tiếng Anh dùng chữ “trưởng nam ta” là “firstborn” trong câu này (Israel is My son, even My firstborn) nghĩa là đứa con được sinh ra trước tiên. Và Ngài đối xử yêu thương với tuyển dân như một người cha yêu thương đứa con đầu tiên của mình. Trước giả Thi thiên đã viết:

Đức Giê-hô-va thương xót kẻ kính sợ Ngài,
Khác nào cha thương xót con cái mình vậy (Thi 103:13).

Đàn bà há dễ quên con mình cho bú, không thương đến con trai ruột mình sao? Dầu đàn bà quên con mình, ta cũng chẳng quên ngươi (Ê-sai 49:15).
Giống như những bậc cha mẹ biết lo xa cho con cái của mình, Đức Chúa Trời đã giải cứu dân Ngài ra khỏi Ai-cập khi họ phải sống cuộc đời nô lệ tại đây. Chúa tiếp tục nuôi dưỡng họ trong đồng vắng, nhưng khi họ phản loạn thì Ngài xử lý họ như một người cha yêu thương thi hành kỷ luật trên những con cái không biết vâng lời. “Vậy, khá nhận biết trong lòng rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi sửa phạt ngươi như một người sửa phạt con mình vậy” (Phục truyền 8:5). Những người có khuynh hướng chỉ trích gọi Đức Chúa Trời trong Cựu Ước là một người hay bắt nạt hoặc là bạo chúa, hễ mà sai phạm chỗ nào là đánh phạt chỗ ấy. Những người đó đã không đọc và nghiên cứu kỹ về một Đức Chúa Trời yêu thương, bao dung, đầy sự thương xót, kiên nhẫn chịu đựng nhiều năm đối với tuyển dân của Ngài trong những lần họ bội nghịch.
Chúa Jesus đã nói về Cha của Ngài: Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha (Giăng 14:9). Nếu Đức Chúa Trời là người hay bắt nạt kẻ yếu thế hay là một bạo chúa ngang ngược thì Ngài sẽ đến giữa vòng chúng ta, cùng chia sẻ những gánh nặng và khó khăn, và cuối cùng hy sinh trên thập tự giá để đền tội cho chúng ta? Có thể nào Ngài đã lau nước mắt cho kẻ buồn rầu, tiếp nhận các con trẻ đến cùng Ngài, ban bánh cho kẻ đói, tha thứ cho người lỗi lầm và dạy dỗ những người đang ở dưới đáy của xã hội những lẽ thật về Đức Chúa Trời? Chức vụ và đời sống trên đất của Ngài có thể tóm lược trong một từ: Yêu thương. Vì Đức Chúa Trời chính là tình yêu.

 

Ngày hôm nay Đức Thánh Linh đang nội trú bên trong chúng ta để làm chứng về Cha thiên thượng và bảo đảm với chúng ta rằng chúng ta thực sự là con cái của Ngài. Những ai đặt niềm tin vào Chúa Jesus Christ sẽ tiếp nhận điều cao quí này: thần trí của sự làm con nuôi, và nhờ đó chúng ta kêu rằng: A-ba! Cha! (Rô-ma 8:15). Và Phao-lô cũng nói: Chúng ta được làm con nuôi Ngài. Lại vì anh em là con, nên Đức Chúa Trời đã sai Thánh Linh của Con Ngài vào lòng chúng ta, kêu rằng: A-ba! Cha! (Ga-la-ti 4:5-6). A-ba là nguyên ngữ Tiếng Aramaic, tương đương trong Tiếng Anh là Daddy, và từ ngữ đó được nói ra trong sự trìu mến yêu thương.

Ý chỉ của Đức Chúa Trời được bày tỏ qua tình yêu của Ngài dành cho chúng ta. “Mưu của Đức Giê-hô-va được vững lập đời đời. Ý tưởng của lòng Ngài còn đời nầy sang đời kia” (Thi 33:11). Khi chúng ta trưởng thành trong tình yêu và đức tin thì những thuộc tính của Cha thiên thượng và kế hoạch của Ngài dành cho chúng ta trở nên rõ ràng hơn. Lúc đó chúng ta sẽ yêu mến Ngài nhiều hơn, và mong muốn phục vụ Ngài cách tốt hơn. Trong khi Đức Chúa Trời biểu lộ tình yêu của Ngài vô điều kiện thì sự vui hưởng của chúng ta với tình yêu cả Ngài tùy thuộc vào hiểu biết và sự vâng phục của chúng ta đối với Lời của Ngài. Nếu chúng ta dâng nộp đời sống mình cho Chúa Jesus thì Đức Chúa Trời là Cha của chúng ta. Ngược lại, Ngài không thể là Cha thiên thượng của chúng ta khi chúng ta bất tuân Lời Ngài, cho phép tội lỗi đi vào đời sống.

Bởi vậy Chúa phán rằng:
Hãy ra khỏi giữa chúng nó, hãy phân rẽ ra khỏi chúng nó,
Đừng đá động đến đồ ô uế,
Thì ta sẽ tiếp nhận các ngươi.

Ta sẽ làm Cha các ngươi,
Các ngươi làm con trai con gái ta,
Chúa Toàn năng phán như vậy (2 Cô-rin-tô 6:17-18).
Cha mẹ trần gian mừng rỡ và vui hưởng sự trưởng thành của con cái khi chúng nó biết vâng lời và tôn trọng mình bao nhiêu thì Cha thiên thượng của chúng ta càng vui mừng hơn khi nhìn thấy con cái của Ngài biết vâng lời và lấy làm vinh dự chúng nó được mang Danh của Ngài.

Khi chúng ta bắt đầu làm quen với các nhân vật trong Kinh Thánh, chúng ta sẽ nhìn thấy cách Đức Chúa Trời yêu thương họ, và rồi tình yêu của Ngài trở thành chất xúc tác khiến họ có động cơ để tiếp tục vâng phục Ngài. Nhờ đó họ càng được Chúa ban phước hơn nữa.

Tuy nhiên có một số người từ chối vâng phục Chúa, trong khi một số khác vui hưởng tình yêu của Chúa và chia sẻ nó ra cho người khác. Hãy nghe Lời của Chúa Jesus phán:

Ai có các điều răn của ta và vâng giữ lấy, ấy là kẻ yêu mến ta; người nào yêu mến ta sẽ được Cha ta yêu lại, ta cũng sẽ yêu người, và tỏ cho người biết ta (Giăng 14:21).
Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Nếu ai yêu mến ta, thì vâng giữ lời ta, Cha ta sẽ thương yêu người, chúng ta đều đến cùng người và ở trong người (Giăng 14:23). Đây chính là điều mà sứ đồ Phao-lô đã cầu nguyện trong Ê-phê-sô 3:14-21.
Ấy là vì cớ đó mà tôi quì gối trước mặt Cha, bởi Cha mà cả nhà trên trời và dưới đất đều được đặt tên, tôi cầu xin Ngài tùy sự giàu có vinh hiển Ngài khiến anh em được quyền phép bởi Thánh Linh mà nên mạnh mẽ trong lòng; đến nỗi Đấng Christ nhân đức tin mà ngự trong lòng anh em; để anh em khi đã đâm rễ vững nền trong sự yêu thương, được hiệp cùng các thánh đồ mà hiểu thấu bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu của nó là thể nào, và được biết sự yêu thương của Đấng Christ, là sự trổi hơn mọi sự thông biết, hầu cho anh em được đầy dẫy mọi sự dư dật của Đức Chúa Trời.
Vả, Đức Chúa Trời, bởi quyền lực cảm động trong chúng ta, có thể làm trổi hơn vô cùng mọi việc chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng, nguyền Ngài được vinh hiển trong Hội thánh, và trong Đức Chúa Jêsus Christ, trải các thời đại, đời đời vô cùng! A-men.

ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ THẨM PHÁN TỐI CAO

Đức Chúa Trời yêu thương và công bình thi hành kỷ luật trên tuyển dân của Ngài và trên cả những người không tin Ngài, cho phép họ chịu một sự khổ nạn nào đó khi họ bất tuân các mạng lệnh của Ngài. Sự đoán phạt của Đức Chúa Trời không đến một cách tình cờ vì Ngài luôn luôn gởi đến sự cảnh báo trước đó. Sự phán xét của Ngài không bao giờ là không công bình. Tổ phụ đức tin Áp-ra-ham đã đặt vấn đề: “Không lẽ nào Chúa làm điều như vậy, diệt người công bình luôn với kẻ độc ác; đến đỗi kể người công bình cũng như người độc ác. Không, Chúa chẳng làm điều như vậy bao giờ! Đấng đoán xét toàn thế gian, há lại không làm sự công bình sao?” (Sáng 18:25). Và Môi-se đã đưa ra câu trả lời chính xác: “Công việc của Hòn-Đá là trọn vẹn;
Vì các đường lối Ngài là công bình.
Ấy là Đức Chúa Trời thành tín và vô tội;
Ngài là công bình và chánh trực” (Phục truyền 32:4).
Sự phán xét của Đức Chúa Trời luôn bày tỏ thuộc tính thánh khiết và tình yêu của Ngài: “Ngài chuộng sự công bình và sự chánh trực; Đất đầy dẫy sự nhân từ của Đức Giê-hô-va” (Thi 33:5). Và: “Vì ta, Đức Giê-hô-va, ưa sự chánh trực, ghét sự trộm cướp và sự bất nghĩa” (Ê-sai 61:8).

Đức Chúa Trời công bình không vi phạm các thuộc tính của Ngài hay bẻ gãy luật pháp mà chính Ngài đã lập. Ngài đã cảnh báo cho tổ phụ loài người trong vườn Ê-đen: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán dạy rằng: Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết” (Sáng 2:16-17). Thế nhưng tổ phụ A-đam đã không vâng lời Chúa, và hệ quả là Chúa đã thi hành kỷ luật: “Ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi” (Sáng 3:19). Đức Chúa Trời của ân điển tha thứ tội lỗi cho con người, nhưng trong sự công bình, Ngài không thay đổi cách hành động khi phải đưa ra một hình thức kỷ luật. Ân điển của Đức Chúa Trời và sự cai trị của Đức Chúa Trời được sứ đồ Giăng gọi là “ơn và lẽ thật” (Giăng 1:17). Hai phạm trù này không đối kháng nhau, vì ân điển cai trị xuyên qua sự công bình (Rô-ma 5:21).

Một mục sư kia đang giảng một sứ điệp có tựa đề: Tội Lỗi Của Các Thánh Đồ. Nhưng một số thành viên của hội thánh không cảm thấy hứng thú với sứ điệp đó. Họ nói: “Nếu ông giảng về tội lỗi, hãy giảng cho những người chưa tin. Và ông phải biết rằng tội lỗi của tín hữu chúng tôi thì khác biệt với tội lỗi của người ngoại bang.” Vị mục sư từ tốn trả lời: “Vâng, tội lỗi của chúng ta thì còn tệ hơn nữa.”

C.H Spurgeon đã nói: “Đức Chúa Trời không cho phép con cái của Ngài phạm tội một cách thành công.” Kinh Thánh nói gì về điều này?

Phải, khi Đức Giê-hô-va thấy sức lực của dân sự mình hao mòn,
Và không còn lại tôi mọi hay là tự chủ cho chúng nó,
Thì Ngài sẽ đoán xét công bình cho chúng nó,
Và thương xót tôi tớ Ngài (Phục truyền 32:36).
Vì chúng ta biết Đấng đã phán rằng: Sự trả thù thuộc về ta; ta sẽ báo ứng,

ấy là lời Chúa phán. Lại rằng: Chúa sẽ xét đoán dân mình. Sa vào tay Đức Chúa Trời hằng sống là sự đáng kinh khiếp thay! (Hê-bơ-rơ 10:30-31)

Đức Chúa Trời ban cho tuyển dân của Ngài những ân tứ và đặc ân, nhưng Ngài không bao giờ cho họ đặc quyền để phạm tội, rồi xem như là không có vấn đề gì. Chúng ta sẽ tìm thấy lẽ thật này được lặp đi lặp lại nhiều lần trong Kinh Thánh. Những chương tiếp theo sau sẽ làm sáng tỏ hơn nữa điều này. Và ngay cả khi tội lỗi được tha thứ, thì chuyện này cũng để lại một số hậu quả.

Bản tường thuật của Kinh Thánh về những lẽ thật trên đây rất đáng cho chúng ta suy nghĩ. Đức Chúa Trời đang phán dạy những lẽ thật cho con cái của Ngài. Những gì được viết ra là để cảnh báo chúng ta không phạm tội (1 Cô-rin-tô 10:6-12). “Mọi điều đó đã xảy ra để làm gương cho chúng ta, hầu cho chúng ta chớ buông mình theo tình dục xấu, như chính tổ phụ chúng ta đã buông mình” (1 Cô-rin-tô 10:6). Và những điều này cũng khích lệ chúng ta tiếp tục giữ vững sự trông cậy vào chính Đức Chúa Trời (Rô-ma 15:4). Khi một tín hữu phạm tội, người đó phải chịu đau khổ vì tội đó. Nhưng điều này không phải là lời bào chữa cho những người chưa tin vẫn tiếp tục sống trong tội lỗi. “Lại nếu người công bình còn khó được rỗi, thì những kẻ nghịch đạo và có tội sẽ trở nên thế nào?” (1 Phi-e-rơ 4:18) và: “Kìa, người công bình được báo đáp nơi thế thượng; Phương chi kẻ hung ác và kẻ có tội!” (Châm ngôn 11:31). Nếu hệ quả tạm thời của tội lỗi là mang đến sự đau khổ cho con cái Chúa trong cuộc đời này, thì hậu quả đời đời của tội lỗi sẽ ra sao cho những ai từ chối Chúa Jesus Christ khi họ nhắm mắt lìa trần?

Hỡi những kẻ yêu mến Đức Giê-hô-va, hãy ghét sự ác (Thi 97:10).
Nhưng ai phạm đến ta, làm hại cho linh hồn mình; Còn kẻ nào ghét ta, ắt ưa thích sự chết (Châm ngôn 8:36).

 

 

Bài 2

LU-XI-PHE

 

Ta sẽ lên trên cao những đám mây, làm ra mình bằng Đấng Rất Cao (Ê-sai 14:14).

Tên gọi Lucifer xuất phát từ tiếng Latin có nghĩa là “người nắm giữ ánh sáng.” Một số giáo phụ của hội thánh gọi Satan là Lucifer khi họ giải thích câu Kinh Thánh Ê-sai 14:12 “Hỡi sao mai, con trai của sáng sớm kia, sao ngươi từ trời sa xuống! Hỡi kẻ giày đạp các nước kia, ngươi bị chặt xuống đất là thể nào!”
Chúng ta biết từ ban đầu Satan là một thiên sứ sáng láng được Đức Chúa Trời tạo dựng để phục vụ cho công việc của Ngài. Và theo Kinh Thánh các thiên sứ này được so sánh với các ngôi sao. Khi Đức Chúa Trời sáng tạo nên vũ trụ thì “trong khi ấy các sao mai đồng hát hòa nhau” (Gióp 38:7), và Lucifer là một thiên sứ ở giữa các sao mai ấy. Theo một đường lối không được giải thích, vào một thời điểm không xác định sự tự kiêu của thiên sứ lớn này đã kéo theo sự phán xét cho sự sa ngã của nó và rồi bị Đức Chúa Trời loại bỏ (Khải huyền 12:1-9). CH Spurgeon đã nói về Ma quỉ: “Thực chất tình trạng chưa qua thử thách của Ma quỉ là một thiên sứ đã đánh mất sự thánh khiết”.

Trong ý nghĩa ban đầu, Ê-sai 14:9-23 là một ”bài ca nhạo báng” về vua của Babylon. Vị vua này khoe khoang trong niềm kiêu hãnh rằng ông ta sẽ leo lên nơi cao tới ngai của Đức Chúa Trời và tự làm cho mình giống như Đức Chúa Trời. Nhưng cuối cùng ông ta đã rơi xuống Sheol – địa hạt của sự chết giống như những quốc vương khác. Chúng ta cũng tìm thấy một đoạn văn tương tự trong Ê-xê-chi-ên chương 28, tại đây Đức Chúa Trời tuyên phán về sự sụp đổ của vua Tyre (câu 11-19). Trong khi những lời giải thích căn bản về hai đoạn Kinh Thánh trên đây được qui cho những vua đương thời – vua của đế quốc Babylon và của Tyre, thì phía sau nó dường như ám chỉ đến một vua được che giấu: vua của quyền lực chốn không trung là Satan. Nó là Ma quỉ, kẻ thù của Đức Chúa Trời và dân sự Ngài. Nhìn vào các việc làm và sự sụp đổ của hai vị vua kiêu ngạo trên đây, chúng ta có một minh họa sinh động về những phẩm cách, công việc của Satan và sự phán xét cuối cùng của Đức Chúa Trời dành cho nó.

Câu gốc chỉ về Lucifer ở đây là Ê-sai 14:14, “Ta sẽ lên trên cao những đám mây, làm ra mình bằng Đấng Rất Cao” – một lời phát biểu bộc lộ bản chất kiêu ngạo của Satan.

 

THAM VỌNG

Tham vọng của một người có thể tốt hoặc xấu, tùy thuộc vào động cơ và phương pháp thực hiện. Lucifer có tham vọng “làm ra mình bằng Đấng Rất Cao”. Ý tưởng này là tội ác và không thể chấp nhận được.

Nếu động cơ cho tham vọng của chúng ta là tư lợi cá nhân, và phương pháp để thực hiện tham vọng đó là lừa dối và hãm hại gười khác, khi đó tham vọng này hoàn toàn sai lầm. Nhưng nếu động cơ của chúng ta là dâng vinh hiển về cho Đức Chúa Trời, và phương cách thực hiện tham vọng là làm theo ý muốn của Chúa và chờ đợi thời điểm mở đường của Ngài thì tham vọng (khát vọng) này là tốt. Thư tín Ga-la-ti chương 5 câu 17 đề cập đến “dục vọng – những điều ưa muốn của xác thịt” và trong Phi-líp chương 2 câu 3 cảnh báo chúng ta: “Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh”. Gia-cơ 3:14-16 cũng nói: “Nhưng nếu anh em có sự ghen tương cay đắng và sự tranh cạnh trong lòng mình, thì chớ khoe mình và nói dối nghịch cùng lẽ thật. Sự khôn ngoan đó không phải từ trên mà xuống đâu; trái lại, nó thuộc về đất, về xác thịt và về ma quỉ. Vì ở đâu có những điều ghen tương tranh cạnh ấy, thì ở đó có sự lộn lạo và đủ mọi thứ ác”. Những phần Kinh Thánh này cho chúng ta biết rằng những dục vọng hay tham vọng của xác thịt là thuộc về Ma quỉ.

Nhưng các khát vọng chính đáng ở trong Chúa có thể được ban phước. Trong 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:11, “ráng tập ăn ở cho yên lặng”. Chỗ này bản Kinh Thánh Tiếng Anh viết là: “Make it your ambition to lead a quiet life.” Và sứ đồ Phao-lô xác nhận là ông có tham vọng này: “Nhưng tôi lấy làm vinh mà rao Tin lành ở nơi nào danh Đấng Christ chưa được truyền ra” (Rô-ma 15:20). Ông muốn có một chức vụ làm đẹp lòng Chúa (2 Cô-rin-tô 5:9). Chúng ta nhớ câu chuyện ngụ ngôn trong sách Ma-thi-ơ 25: 24-27 về người đầy tớ đem chôn giấu ta-lâng được giao là không có tham vọng làm lợi cho chủ, anh ta được xếp vào loại “đầy tớ dữ và biếng nhác”. Một trường hợp khác trong Kinh Thánh ghi lại tham vọng sai trật: Áp-sa-lom con trai của Đa-vít đã dùng mưu mẹo và thủ đoạn để tìm cách leo lên đỉnh cao của quyền lực thì tự mình chuốc lấy sự phán xét của Đức Chúa Trời.
Các vị vua thời xưa thường tự tôn chính mình lên ngang bằng thần thánh và có những hành động như những vị thần. Pha-ra-ôn đã hỏi: “Giê-hô-va là ai mà trẫm phải vâng lời người, để cho dân Y-sơ-ra-ên đi?” (Xuất Ê-díp-tô 2:5). Còn Nê-bu-cát-nết-sa thì khoe khoang: “Đây chẳng phải là Ba-by-lôn lớn mà ta đã dựng, bởi quyền cao cả ta, để làm đế đô ta, và làm sự vinh hiển oai nghi của ta sao?” (Đa-ni-ên 4:30).
Đức Chúa Trời gởi câu trả lời đến cho những người này, Ngài đã làm cho vương triều Ai-cập kinh hoàng qua một chuỗi phép lạ, và Ngài cũng biến đổi vị vua kiêu ngạo Nê-bu-cát-nết-sa trở thành súc vật ăn cỏ như bò trong bảy năm. Thêm một trường hợp khác là Hê-rốt Ạc-ríp-pa thích thú với tiếng tung hô của đám đông sau bài diễn thuyết: “Ấy là tiếng của một thần, chẳng phải tiếng người ta đâu!” (Công vụ 12:22). Và điều gì xảy ra sau đó? Ông ta bị “thiên sứ của Chúa đánh, bởi cớ chẳng nhường sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời; và vua bị trùng đục mà chết.”

Các trường hợp tự nâng mình lên làm thần của các vua trên đây minh họa cho chúng ta hiểu về mối liên kết của họ với Lucifer, nguyên là thiên sứ sáng láng. Các thiên sứ chỉ là vật thọ tạo, được dựng nên để làm đầy tớ Đức Chúa Trời, không thể nào ngang bằng với Đấng Tạo Hóa. Thế nhưng Lucifer đã có những ý tưởng khác. Tham vọng của nó là xấu xa. Nó muốn trở nên giống như Đức Chúa Trời là Đấng đã tạo dựng nên nó, và tuyên bố: “Ta sẽ làm ra mình bằng Đấng Rất Cao”. Kinh Thánh không giải thích đầy đủ về tất cả những gì đã xảy ra trong sự kiện này, nhưng khi Lucifer phản loạn nó đã kéo theo một số các thiên sứ khác. Sự phán xét của Đức Chúa Trời trên Satan và những thiên sứ theo nó là: “Con rồng lớn đó bị quăng xuống, tức là con rắn xưa, gọi là ma quỉ và Sa-tan, dỗ dành cả thiên hạ; nó đã bị quăng xuống đất, các sứ nó cũng bị quăng xuống với nó” (Khải huyền 12:9). Bài thơ kinh điển Đánh Mất Thiên Đàng của Milton được căn cứ trên câu chuyện này.

 

SỰ KIÊU NGẠO

Tính kiêu ngạo nuôi dưỡng tham vọng ích kỷ. Nhiều nhà thần học tin rằng thói kiêu ngạo là khởi nguồn cho mọi tội lỗi. Vì lý do này kiêu ngạo là một trong những tội mà Đức Chúa Trời ghét. “Có sáu điều Đức Giê-hô-va ghét, Và bảy điều Ngài lấy làm gớm ghiếc: Con mắt kiêu ngạo, lưỡi dối trá, Tay làm đổ huyết vô tội” (Châm Ngôn 6:16-17).

Và trong Châm Ngôn 16:18, “Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau, Và tánh tự cao đi trước sự sa ngã”.
Ý tưởng của Lucifer, “Ta sẽ làm ra mình bằng Đấng rất cao” là tiền đề cho lời dối gạt của nó khi cám dỗ Ê-va, “Ngươi sẽ trở nên giống như Đức Chúa Trời” (Sáng thế ký 3:5). Nó đã thành công khi dùng một miếng mồi tấn công người nữ đầu tiên: ngươi sẽ trở nên giống như một người nào đó. Đây chính là một lời hứa hư ảo, xuất phát từ sự kiêu ngạo đã đánh đúng tâm lý con người. Thế là Ê-va hoàn toàn sập bẫy.

Các nhà khoa học nghiên cứu hành vi con người cho chúng ta biết rằng phần lớn hành vi rối loạn thần kinh có liên quan trực tiếp đến sự kiêu ngạo. Những người như thế cần một phương thuốc tốt nhất cho sự khỏe mạnh vật lý và lòng trung thực. Cả Chúa Jesus và sứ đồ Phao-lô đều biết người ta phải sống như thế nào trong một xã hội mà sự kiêu ngạo được thúc đẩy từ những người La Mã vốn là bậc thầy về sự khoe khoang. Sự kiêu ngạo tự tôn mình lên theo một giá trị ảo, trong khi sự khiêm nhường chính là hạ mình xuống để phục vụ người khác. Vì thế Chúa Jesus đã cảnh báo các môn đồ: “Các ngươi biết rằng các vua dân ngoại thì ép dân phải phục mình, còn các quan lớn thì lấy quyền thế mà trị dân. Trong các ngươi thì không như vậy; trái lại, trong các ngươi, kẻ nào muốn làm lớn, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi” (Ma-thi-ơ 20:25-26). Chúa Jesus đã thực hành những gì Ngài dạy, Ngài từ bỏ địa vị bình đẳng với Đức Chúa Trời, trở thành một tôi tớ phục vụ con người và cuối cùng chịu chết trên thập tự giá như một của lễ hy sinh. Ngài đã trở thành một tấm gương hoàn hảo cho chúng ta (Phi-líp 2:1-11). Chúa Jesus với những thuộc tính như thế hoàn toàn tương phản với Lucifer! Khiêm nhường luôn đối kháng với sự kiêu ngạo.

Phao-lô viết trong Rô-ma 12:3, “Vậy, nhờ ơn đã ban cho tôi, tôi nói với mỗi người trong anh em chớ có tư tưởng cao quá lẽ, nhưng phải có tâm tình tầm thường, y theo lượng đức tin mà Đức Chúa Trời đã phú cho từng người”. Ông cũng cảnh báo các hội thánh không được chọn lựa các tín hữu chưa trưởng thành (người mới tin đạo) vào vị trí người lãnh đạo. “Người mới tin đạo không được làm giám mục, e người tự kiêu mà sa vào án phạt của ma quỉ chăng” (1 Ti-mô-thê 3:6). Người lãnh đạo sa vào án phạt của ma quỉ sẽ là một thảm họa cho hội thánh!

Những mẫu quảng cáo về những người “nổi tiếng” hiện nay khuyến khích mọi người tin rằng hoàn cảnh cá nhân, quyền lực, sự công nhận của đám đông, và những tài sản một ai đó sở hữu thì đo lường giá trị bản thân của anh ta. Sự vắng mặt của các anh hùng dân tộc đích thực làm cho công chúng dễ dàng thờ lạy một người ở đẳng cấp cao và “nổi tiếng” được các chuyên gia quan hệ công chúng (Public Relation) là những người làm công tác quảng cáo đẩy lên cao. Khi con người tôn vinh, sùng bái một ngôi sao điện ảnh hay một hình tượng nổi bật nào đó trong các môn thể thao thì cũng giống như trong thời Cựu ước dân sự thờ phượng Baal hay thần Zeus. Tất cả các thần tượng do con người lập nên là một sai lầm đáng xấu hổ. Đôi khi khuynh hướng tôn vinh thần tượng cũng xâm nhập vào hội thánh và dường như chúng ta ngày càng có nhiều người “nổi tiếng”, trong khi những người đầy tớ phục vụ đúng nghĩa đang vơi dần.

Sự kiêu ngạo sai lầm ở chỗ nào? Tính kiêu ngạo đem người ta vào trong một thế giới không thực tế. Và nếu đời sống được đặt trên những điều hư ảo thì không thể lấy gì để nuôi dưỡng nó. Điều đó cũng giống như các con trẻ tham dự vào một trò chơi ồn ào được thưởng ăn kẹo ngọt trong giờ ăn trưa thay vì ăn bữa ăn chính thức với đầy đủ chất dinh dưỡng. Những tham vọng ích kỷ làm no đầy cái tôi bản ngã nhưng phá hủy linh hồn. Nó gây ấn tượng trên một số người nào đó, nhưng làm cho Đức Chúa Trời đau buồn.

 

SỰ LỪA DỐI

Khi Đức Chúa Trời muốn vận hành bên trong các con cái của Ngài, Ngài sẽ dùng các lẽ thật trong Lời của Ngài và Đức Thánh Linh dạy các lẽ thật đó. Vì Đức Thánh Linh chính là “thần của lẽ thật” (Giăng 14:17; 15:26; 16:13). Đức Chúa Trời sử dụng lẽ thật để hoàn thành công việc Ngài, còn Satan dùng sự dối trá thúc đẩy công việc của nó.

Lần đầu tiên Satan xuất hiện trong Kinh Thánh dưới hình dạng một con rắn cám dỗ Ê-va (Sáng thế ký 3:1-4; 13-14). Chúa Jesus gọi nó là “kẻ nói dối và là kẻ giết người” (Giăng 8:44). Và Phao-lô cảnh báo các tín hữu tại Cô-rin-tô: “Tôi ngại rằng như xưa Ê-va bị cám dỗ bởi mưu chước con rắn kia, thì ý tưởng anh em cũng hư đi, mà dời đổi lòng thật thà tinh sạch đối với Đấng Christ chăng“ (2 Cô 11:3). Nếu những người lính Cơ Đốc không trang bị lẽ thật làm dây nịt lưng, gươm của Thánh Linh là Lời của Đức Chúa Trời và những vũ khí khác theo Ê-phê-sô 6: 14-17 thì không thể đánh bại Satan. Hãy xem Satan xuất hiện trong sách Khải huyền 12:9-17, “Con rồng lớn” tức là “con rắn xưa” gọi là ma quỉ và Satan. Và Khải 20:1-3, Satan bị xiềng lại đến ngàn năm. Sau cùng nó bị “quăng xuống hồ lửa và diêm” (Khải 20:10). Công việc của nó kết thúc vĩnh viễn tại đây!

Về cơ bản Satan là một kẻ giả mạo, nó bắt đầu công việc của nó bằng cách cố gắng giả mạo làm Đức Chúa Trời. Từ khi sa ngã, nó đã chế tác ra một phúc âm giả bằng những việc lành (Ga-la-ti 1:6-9). Nó cấy trồng những Cơ đốc nhân giả mạo (Ma-thi-ơ 13:24-30; 36-43) là những người thực hành đời sống tôn giáo bên ngoài (Rô-ma 9:30 – 10:4). Những trợ thủ giả mạo của nó hầu việc nó (2 Cô 11:13-15) trong một hội thánh giả (Khải 2:9; 3:9). Đến cuối cùng Satan sẽ bỏ mạng che mặt ra, nó hiện nguyên hình là AntiChrist. Cả thế giới mù lòa thuộc linh sẽ thờ phượng và vâng phục nó (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2; Khải 13). Satan luôn luôn muốn được người ta thờ phượng và trong một khoảng thời gian ngắn tạm thời, dường như nó đã đạt được mục tiêu.

 

Khi Satan cám dỗ Ê-va nó nói ba điều dối trá. Thứ nhất, Satan đưa ra giả định là Đức Chúa Trời đã không thực sự hào phóng khi cấm Ê-va và A-đam ăn trái cây biết điều thiện ác. Thứ hai, nó phủ nhận Lời Chúa dạy là Ê-va sẽ chết nếu ăn trái cây đó. Thứ ba, nó khẳng định rằng thay vì chết khi ăn trái cây, Ê-va sẽ trở nên giống như Đức Chúa Trời. Bằng cách nói như thế Satan công bố rằng không hề có một chút lẽ thật nào ở trong Đức Chúa Trời, sẽ không có bất cứ hậu quả nào cho sự không vâng lời của cá nhân, và không có giới hạn nào về những gì con người sẽ thực hiện. Ba điều đối trá trên đây của Satan vẫn còn đang tái xuất hiện trong triết học và tôn giáo hôm nay, đặc biệt là trong Phong Trào Thời Đại Mới. Satan vẫn tiếp tục nói những điều dối trá trong thời đại này như nó đã từng làm trong Sáng thế ký chương 3, và thậm chí nó có thể chi phối hay làm nhiễm độc tư tưởng của những tín hữu chân thật.

Khi tin vào điều dối trá, Satan sẽ đi vào đời sống chúng ta. Nhưng khi tin vào lẽ thật của Đức Chúa Trời thì Đức Thánh Linh sẽ vận hành bên trong chúng ta. Khi nuôi dưỡng những tham vọng không chính đáng, chúng ta đang phục vụ cho thế giới, xác thịt và Ma quỉ. Hậu quả của điều này sẽ đem đến những rắc rối cho chúng ta. Nhưng khi chúng ta tìm kiếm con đường làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, hết lòng phục vụ Ngài, khi ấy phước hạnh sẽ đuổi theo chúng ta.

Trong tác phẩm Sự Phân Cách Lớn Lao, C. S. Lewis đã viết: “Chỉ có hai loại người vào ngày cuối cùng: 1/ Những người nói với Đức Chúa Trời, “Ý Cha được nên”. 2/ Những người mà Đức Chúa Trời phán: “Ý của ngươi được thành”. Loại người thứ hai phải đi vào địa ngục!

Và tất cả những rắc rối này đã khởi phát từ Lucifer.

 

Bài 3

 

A-ĐAM

“Trong A-đam mọi người đều chết.”

1 Cô-rin-tô 15:22

A-đam là con người đầu tiên trong lịch sử loài người. Trước khi phạm tội không vâng lời Đức Chúa Trời, ông là một con người mang hình ảnh của Ngài và chắc chắn ông đã làm rất tốt công tác quản trị mà Chúa giao cho ông.

Nhưng A-đam đã không được đề cập nhiều về những việc làm tốt đẹp của ông trong Kinh Thánh. Ông hát bài ca hôn nhân trong Sáng thế ký 2:23, và ông thưa chuyện với Đức Chúa Trời trong Sáng thế ký 3:10-12 về lỗi lầm của ông. A-đam đã ăn trái cây Chúa cấm, và từ đó ông mang tội lỗi và sự chết vào trong dòng giống loài người. Giờ đây lịch sử loài người đi vào một khúc quanh mới tồi tệ. Phao-lô nói thẳng điều này: “Trong A-đam mọi người đều chết”, và vị sứ đồ mở rộng ý tưởng này trong Rô-ma 5:12-21. Bắt đầu từ Sáng thế ký chương 3, Kinh Thánh đã ghi lại những hậu quả tai hại cho hành động phạm tội của A-đam và phương cách mà ân điển của Đức Chúa Trời được bày tỏ trở lại với chúng ta sau khi tổ phụ loài người bị đuổi khỏi vườn Ê-đen.

Đức Chúa Trời đã thực sự làm gì khi Ngài tạo dựng con người A-đam đầu tiên? Chúng ta có thể hiểu chính mình và người khác tốt hơn nếu chúng ta trả lời chính xác câu hỏi này. Và tiếp theo chúng ta cũng sẽ hiểu rõ hơn về mục đích của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta trong thế giới. Sáng thế ký 1:26 – 2:27 sẽ là phần Kinh Thánh nền tảng để chúng ta suy nghiệm “sự mâu thuẫn” hay “nghịch lý” khi chúng ta nhìn vào những tính chất phức tạp của con người.

 

BỤI ĐẤT VÀ TINH THẦN

Tên A-đam có nguồn gốc từ tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “đất đỏ”, vì A-đam được tạo nên từ đất qua bàn tay của Đức Chúa Trời. Trong Sáng thế ký 2:7 “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh”.
Từ “nắn nên” (formed) mang một hàm ý: được tạo nên cho một mục đích. Từ này liên quan đến một từ Hê-bơ-rơ khác là từ “yoser” có nghĩa là thợ gốm. Đức Chúa Trời sáng tạo nên vũ trụ, các từng trời, mặt đất và mọi thứ khác trong sáu ngày, rồi sau đó Ngài đem chúng đến cho A-đam để tổ phụ loài người làm công tác quản trị Chúa giao. Và đó cũng là mục đích mà Đức Chúa Trời thiết lập cho con người. Trái đất bao hàm mọi nhu cầu đã được chuẩn bị cho con người. Họ được trang bị để vui hưởng và quản trị tốt những gì Chúa dành cho. Trong sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, đây là một sự kết hợp hoàn hảo.

Sẽ là một lỗi lầm khi chúng ta quên rằng tên tổ phụ của loài người A-đam, có nghĩa là: bụi đất. Đức Chúa Trời “nhớ lại rằng chúng tôi bằng bụi đất” (Thi 103:14) và Ngài ra lệnh tổ phụ chúng ta phải trở về bụi đất (Sáng 3:19). Nhưng chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng ta chúng ta được tạo nên từ thép cứng và sẽ còn mãi trên trái đất này. H. C. Leupold đã dịch Truyền đạo 6:10, “Phàm điều gì có trước thì đã được đặt tên từ lâu rồi; loài người sẽ ra thể nào, thì đã biết từ trước rồi; người không thể cãi trả với Đấng mạnh hơn mình” ra ý này: “Con người có thể làm bất cứ điều gì, nhưng tên của họ đã được chỉ định từ trước và tên đó là A-đam bụi đất”. A-đam, ông ta chỉ là bụi đất. Ngay cả khi tên của bạn nổi tiếng khắp thế giới, thì tên gọi mà Đức Chúa Trời ban cho A-đam (có bạn trong đó) vẫn không thay đổi, nó chỉ là bụi đất. Một ngày nào đó bạn sẽ chết và tên của bạn bị lãng quên theo thời gian. Tôi có bốn quyển sách dày trong thư viện mang tựa đề Who Was Who. Đó là danh sách, tiểu sử những người nam và nữ nổi tiếng một thời, nhưng ngày hôm nay họ chỉ được một vài nhà viết sử biết đến. Trong lăng kính của Đức Chúa Trời, tất cả chúng ta đều có một cái tên chung: A-đam bụi đất.

Thân thể của A-đam đến từ đất, nhưng sự sống của ông đến từ Đấng ban hơi thở để ông trở nên “một linh hồn sống”.

Một trong những lý do mà nhiều người cảm thấy khó khăn khi phải định nghĩa con người đó là sự kết hợp giữa bụi đất và thần linh (deity). Trong thân thể vật lý con người được nối kết với trái đất, và trong bản chất thuộc linh con người được nối kết với thiên đàng. Nếu loại bỏ Đức Chúa Trời ra khỏi câu chuyện sáng tạo thì khi ấy A-đam chỉ là một sinh vật như những sinh vật khác, có lẽ A-đam sẽ có rất nhiều tài năng nhưng cũng chỉ là một trong nhiều loài động vật trên đất.

Nhà tự nhiên học Roy Chapman Andrew giải thích con người là “động vật có khả năng bắt chước”, nhưng ông không trả lời được tại sao họ có khả năng này, và họ đến từ đâu? Thi sĩ người Anh T. S. Eliot đã viết về con người, “là một động vật cực kỳ thông minh, thích ứng nhanh với hoàn cảnh và tinh quái hơn cả các loài khác.” Còn Sigmund Freud, cha đẻ của ngành bệnh học tâm thần phát biểu, “Con người không khác biệt với các động vật khác, nhưng con người ở một đẳng cấp cao hơn.” Tuy nhiên Mortimer Adler, triết gia và nhà giáo dục người Mỹ viết trong tác phẩm Sự Khác Biệt Của Con Người

Và Điều Gì Làm Nên Sự Khác Biệt, “Con người là hữu thể duy nhất khác với các loài động vật, và nếu như vậy các ẩn ý đối với nhân loại về tính độc nhất này là gì?” Có phải chăng con người chỉ khác biệt với các động vật khác về đẳng cấp nhưng không khác biệt về loài giống?

Trong thế giới của chúng ta, những hình thái thấp hơn của sự sống được quay vòng theo chu kỳ, trong khi sự sống con người có lịch sử thay đổi. Bạn có thể viết một quyển sách tựa đề Đời Sống Của Con Ong, bởi vì đời sống của con ong này thì rất giống với đời sống của một con ong khác cùng chủng loại. Nhưng bạn không thể viết một cuốn sách có tựa đề Đời Sống Của Con Người, bởi vì mỗi một con người có những câu chuyện khác nhau. Mặc dù chúng ta được sinh ra theo cùng một cách, rồi mỗi người lớn lên và cuối cùng sẽ chết. Nhưng điều gì xảy ra giữa những biến cố trong đời sống của từng người là hoàn toàn độc nhất – không có hoàn cảnh nào giống nhau tuyệt đối. Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên những thú nuôi và động vật hoang dã, nhưng Kinh Thánh không cho chúng ta thấy Ngài hà sinh khí trên chúng giống như Ngài đã làm cho A-đam (Sáng 1:24-25). Kinh Thánh cũng cho chúng ta biết rằng con người được tạo dựng theo hình ảnh Đức Chúa Trời (Sáng 1:27).

Bây giờ chúng ta hãy suy nghĩ đến tính cách nghịch lý của con người khi có cả hai hình ảnh của Đức Chúa Trời và hình ảnh của A-đam.

 

HÌNH ẢNH CỦA A-ĐAM VÀ HÌNH ẢNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Khi Đức Chúa Trời tạo dựng A-đam, Ngài tạo dựng con người đầu tiên này theo hình ảnh của Ngài (Sáng 26-27; 5;1). Nhưng khi con cái của A-đam được thụ thai, chúng nó sẽ được tạo nên theo hình ảnh và giống như cha của chúng (Sáng 5:3). Một chú thích rất có ý nghĩa trong bản Kinh Thánh Tiếng Anh NIV viết: “Đức Chúa Trời tạo dựng con người đầu tiên theo hình ảnh hoàn hảo của chính Ngài, bây giờ khi A-đam phạm tội (không còn hoàn hảo nữa) đã sinh ra những đứa con theo hình ảnh không hoàn hảo của chính ông.”

Được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời hàm ý rằng chúng ta có một số điều ở bản thể bên trong của chúng ta liên kết với Đức Chúa Trời. Cây cối và động vật có sự sống từ sự cung ứng của Đức Chúa Trời theo những cấp độ khác nhau, và Ngài chăm sóc chúng. Nhưng không có bằng chứng nào nói rằng chúng có thể thiết lập mối liên hệ với Đức Chúa Trời giống như con người. Các loài động vật và con người đều được tạo nên từ đất (Sáng 2:7, 19). Cả hai loại tạo vật này đều được ban cho cùng một loại thực phẩm (Sáng 1:29-30), cùng nhận một sự ủy thác về việc sinh sôi nẩy nở giống nòi (Sáng 1:22, 28), nhưng chỉ có con người được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời toàn năng muốn đóng dấu hình ảnh của Ngài vào những bình đất dễ vỡ là con người như một hành động mạnh mẽ của ân điển.

Bởi vì chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, chúng ta là những con người khác biệt với các tạo vật còn lại trên trái đất. Chúng ta có tâm trí để hiểu biết và suy nghĩ, có tấm lòng để nuôi dưỡng ước muốn và yêu thương, có ý chí để đưa ra những quyết định. Xa hơn nữa Đức Chúa Trời cũng ban cho chúng ta uy quyền để chia sẻ công tác quản trị trái đất với Ngài (Sáng 1;26-28). Chúng ta có trách nhiệm thờ phượng Ngài, vâng lời Ngài và dâng mọi vinh hiển cho Ngài về tất cả những gì Ngài đã ban cho chúng ta. Chúng ta cũng có trách nhiệm yêu thương và giúp đỡ người khác để họ có thể nhìn thấy hình ảnh của Đức Chúa Trời qua chúng ta.

Trước khi A-đam phạm tội, tổ phụ đã hợp tác với Đức Chúa Trời để hoàn thành ý chỉ của Ngài. A-đam làm việc trong vườn Ê-đen, đặt tên cho các loài động vật và tiếp nhận ca giải phẫu thiên thượng để Đức Chúa Trời đem đến cho ông một người giúp đỡ thích hợp (Sáng 1:8-24). Ông và Ê-va đã ở trong mối tương giao với Đức Chúa Trời và vui hưởng các phước hạnh Chúa ban khi hai người cùng làm theo ý chỉ của Ngài.
Nhưng rồi sau đó A-đam đã không còn vâng lời Chúa, và điều này làm thay đổi mối liên hệ giữa vợ chồng của ông với Ngài. Hình ảnh của Đức Chúa Trời trong A-đam và Ê-va lúc này bị phá hỏng, và họ núp mình che giấu không dám trực diện với Đức Chúa Trời. Họ không còn vui hưởng sự hiện diện của Ngài! (Sáng 3:1-8).

Hành động không vâng lời của A-đam và Ê-va đã ảnh hưởng lên toàn bộ dòng giống của họ sau đó. Vì vậy trong suy nghĩ, hành động của chúng ta là những hậu tự của A-đam, chúng ta dễ dàng đi theo đường lối riêng của mình thay vì bước theo đường lối của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh diễn tả tình trạng đáng thất vọng của con người chúng ta trong Ê-phê-sô 4:17-19 và Rô-ma 1:18-32.

Vấn đề hiện nay là chúng ta có một bản chất bên trong bị chia cắt vì tội của A-đam. Chỉ duy nhất Đức Chúa Trời có thể làm thỏa mãn chúng ta, nhưng cũng giống như A-đam chúng ta tránh né hiện diện của Chúa vì trong chúng ta có những ước muốn khác hấp dẫn hơn là đi theo Lời Chúa. Augustine đã viết: “Đức Chúa Trời đã tạo dựng chúng ta cho chính Ngài, vì vậy lòng chúng ta không bao giờ được yên nghỉ cho đến khi chúng ta tìm được chỗ nghỉ yên trong Chúa”. Nhưng A-đam đã truyền lại cho chúng ta bản chất tội lỗi và chống nghịch Đức Chúa Trời. Ông cũng di truyền đến chúng ta một thân thể mà một ngày nào đó sẽ chết và trở về bụi đất. Nỗi sợ về sự chết sẽ đến– là một cảm giác thật ở bất kỳ một bản năng động vật nào nhưng chúng không thể dự liệu trước. Con người không thể tìm cách trì hoãn hay ngăn chận sự chết theo ý của mình. Đức Chúa Trời có quyền năng chữa lành những bệnh tật và vết thương của chúng ta, nhưng chúng ta vẫn phải đối diện với sự chết vào một ngày không hẹn trước. Điều này như một cái xiềng sắt trói chặt con người không thoát ra được. Sự chết là một kẻ thù mà con người không có bất kỳ một vũ khí nào để dành chiến thắng, tuy nhiên đến cuối cùng nó sẽ bị hủy diệt (1 Cô-rin-tô 15:26).

 

UY QUYỀN VÀ SỰ NÔ LỆ

Khi A-đam chưa phạm tội, ông và Ê-va thực hiện quyền quản trị mà Đức Chúa Trời ủy thác trên các động vật dưới nước, trên không trung và trên mặt đất. Từ khi hai con người đầu tiên này phạm tội thì hình ảnh của Đức Chúa Trời đã bị phá hỏng, họ đã đánh mất vương miện của công tác cai trị, trở thành nô lệ cho tội lỗi và di truyền điều này cho hậu tự của họ. Họ vẫn còn sử dụng thân thể, tâm trí và ý chí nhưng tri thức, sự ao ước, động cơ của họ đã bị chi phối, nhiễm độc bởi tội lỗi và họ không thể nào lường hết được những hậu quả của chúng.

Vấn đề này vẫn còn ảnh hưởng đến chúng ta ngày hôm nay, và trải qua nhiều thế kỷ nó được gia tăng cùng với sự phát triển của tri thức khoa học. Các nhà nghiên cứu phát triển những loại thuốc trừ sâu kéo theo những hệ lụy là giết chết các vật nuôi và nguồn nước bị ô nhiễm, cá cũng bị nhiễm độc dẫn đến các loại bệnh ung thư cho con người. Thảm thực vật đang bị phá hủy để lại những vùng đất xói mòn gây ra lũ lụt nhiều nơi. Hầu như khi con người phát triển một lĩnh vực nào đó rất tốt thì nó cũng kéo theo những điều xấu khác. Có nghĩa là khi chúng ta giải quyết được một vấn đề, thì sau đó chúng ta sẽ có hai hoặc nhiều hơn các vấn đề khác nữa cần giải quyết. Khi phạm tội, chúng ta sáng chế ra nhiều phương cách khác nhau để che giấu tội lỗi, và điều này chỉ làm cho tình trạng tội lỗi của chúng ta trở nên tệ hại hơn. Chúng ta không cố gắng làm đảo lộn cuộc sống hoặc sự cân bằng của tự nhiên, nhưng từ khi A-đam sa ngã, con người chúng ta là một sự pha trộn kỳ lạ của phát minh và phá hoại, của uy quyền và nô lệ. Chúng ta rất dễ sử dụng những ân tứ của Đức Chúa Trời ban cho theo đường lối và mục đích sai trật. Được sáng tạo theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, chúng ta kém hơn thiên sứ nhưng cao trọng hơn các động vật khác, nhưng đôi khi chúng ta rơi vào tình trạng đạo đức thấp kém giống như các loài động vật thay vì cao hơn chúng nhiều cấp độ. Chúng ta thậm chí còn sử dụng tính chất của loài vật để chỉ một người nào đó. Chúng ta nói anh này dơ bẩn như heo, cứng đầu như một con la, ngu như bò, dễ tuột như cá chình, xảo trá như cáo, vụng về như bò đực…. Còn nếu chúng ta làm vài điều đáng tuyên dương, nhiều người sẽ gọi chúng ta là những thiên sứ.

Vậy thì chúng ta có thể vượt qua những bản chất tự nhiên của con người mặc dù tổ phụ A-đam sa ngã hay không? Có giải pháp nào cho đời sống con người vốn đầy những nghịch lý và mâu thuẫn?

Câu trả lời là có.

 

A-ĐAM ĐẦU TIÊN VÀ A-ĐAM SAU CÙNG

Theo Rô-ma 5:12-21 A-đam đại diện cho toàn thể loài người trong sáng tạo cũ. Các nhà thần học gọi A-đam là “thủ trưởng liên bang” hàm ý những gì ông làm để lại một hậu quả dây chuyền trên dòng dõi của ông. Có một vài điều áp dụng ở đây trong câu chuyện của người Phi-li-tin thách đấu với người Y-sơ-ra-ên: “Hãy chọn một người trong các ngươi xuống đấu địch cùng ta. Nếu khi đấu địch cùng ta, hắn trổi hơn và giết ta, thì chúng ta sẽ làm tôi các ngươi; nhưng nếu ta trổi hơn hắn và ta giết hắn, thì các ngươi sẽ làm tôi chúng ta, và hầu việc chúng ta” (1 Sa-mu-ên 17:8-11).

Một số người hoài nghi có thể hỏi: “Đức Chúa Trời có thực sự hợp lý khi buộc tội toàn thể loài người sau khi A-đam phạm tội không vâng lời?” Đây không phải là vấn đề của sự công bằng nhưng của ân điển. Nếu Đức Chúa Trời làm điều “hợp lý, công bằng”, Ngài sẽ kết án toàn thể loài người và quên đi sự cứu rỗi. Thật ra nếu bạn và tôi ở vào vị trí của A-đam, chúng ta cũng sẽ hành động như ông ta. Toàn thể loài người bị phán xét vì những gì A-đam đầu tiên đã làm trong vườn Ê-đen. Tuy nhiên đây là tin tốt lành: Bạn và tôi được cứu chuộc khỏi tội lỗi vì A-đam sau cùng đã chết trên thập tự giá đền tội cho chúng ta. “Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Christ mọi người đều sẽ sống lại” (1 Cô-rin-tô 15:22). Sự không vâng lời của A-đam mang đến tội lỗi và sự chết vào trong thế giới, nhưng sự hi sinh của Đấng Christ trên thập tự giá mang đến ân điển và lời hứa về sự phục sinh vinh hiển cho những ai đặt đức tin nơi Ngài. Đây là sự khôn ngoan và giải pháp đầy ân điển cho một vấn đề phức tạp.

Khi chúng ta sinh ra lần đầu tiên, chúng ta được sinh ra trong sáng tạo cũ và “trong A-đam”, điều này khiến chúng ta trở nên những tội nhân. Nhưng khi chúng ta được tái sanh nghĩa là được sanh ra trong sáng tạo mới (2 Cô-rin-tô 5:17), được “ở trong Đấng Christ”, chúng ta trở nên con cái của Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô viết: “Người thứ nhứt là A-đam đã nên linh hồn sống” được trưng dẫn từ Sáng thế ký 2:7, và sau đó vị sứ đồ nói tiếp: “A-đam sau cùng là thần ban sự sống” (1 Cô-rin-tô 15:45). Chúa Jesus Christ “cũng ban sự sống cho những kẻ Ngài muốn” (Giăng 5:21). Bởi vì đây là đời sống mới trong Đức Thánh Linh, hình ảnh của Đức Chúa Trời bị làm hỏng trong sáng tạo cũ, giờ đây đã được thay đổi và chúng ta càng ngày càng trở nên giống Chúa Jesus Christ khi tiếp tục bước đi với Ngài. Khi chúng ta cùng nhau suy gẫm Lời Chúa, cầu nguyện, thờ phượng và phục vụ Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ kinh nghiệm “mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật” (Ê-phê-sô 4:24; Tham khảo: Cô-lô-se 3:9; Rô-ma 8:29).

A-đam đầu tiên quản trị trong cõi sáng tạo cũ, nhưng ông ta cùng với vợ trở thành kẻ trộm cắp trái cây mà Chúa không cho phép (trộm cắp tức là lấy những gì không phải của mình), và bị đuổi ra khỏi vườn Ê-đen. Chúng ta cũng có hình ảnh ý nghĩa này: Trong giờ phút đau đớn chuẩn bị chết trên thập giá, A-đam sau cùng đã quay qua tên trộm cắp kế bên và tuyên phán: “Quả thật, ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi” (Lu-ca 23:43).

Chúa Jesus đã không còn ở trên thập tự giá, nhưng Ngài vẫn đang sống, thực hiện công tác cứu chuộc tội nhân và tiếp nhận họ vào trong Ba-ra-đi. Cảm tạ Chúa về A-đam sau cùng!

 

 

 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên