Trang Chủ TRANG CHỦ ‘Văn Hóa’ Cổ Vũ Bóng Đá

‘Văn Hóa’ Cổ Vũ Bóng Đá

1385
0
SHARE

Tình yêu bóng đá của người Việt không thua kém bất kỳ dân tộc nào, nếu có cuộc thi thì có lẽ sẽ đoạt cúp vàng. Chỉ một chiến thắng của U23, ở giải châu Á mà màn xuống đường khắp các thành phố lớn trên toàn quốc, khiến lực lượng giữ gìn an ninh giao thông đã có một đêm căng mình vất vả.

Hình ảnh các cổ động viên xuống đường mừng chiến thắng còn gây bất ngờ với các bạn nước ngoài. Nếu đây là một trận của tuyển quốc gia ở World Cup thì cảnh tượng còn hoành tráng như thế nào nữa nhỉ?

Bóng đá được người Pháp du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ 20. Năm 1906, E. Breton, một uỷ viên Pháp trong Hội Liên hiệp Thể thao Pháp (tiếng Pháp: L’Union des Sociétés Francaises des Sports Athlétiques) đem luật bóng đá sang Việt Nam phổ biến.

Hai đội bóng Việt Nam đầu tiên thành lập năm 1907 là Gia Định Sport do các ông Ba Vẻ, Phú Khai dẫn dắt và đội thứ hai là Ngôi sao Xanh (Etoile Bleue) của ông huyện Nguyễn Đình Trị, về sau hợp nhất lại thành đội Ngôi sao Gia Định.

Sau đó các câu lạc bộ bóng đá lần lượt ra đời khắp 3 miền trên toàn quốc. Trải qua một thế kỷ phát triển, thành tích cao nhất của bóng đá Việt Nam là huy chương vàng SEA Games bóng đá nữ, huy chương bạc SEA Games bóng đá U23 nam, và bóng đá nam lọt vào tứ kết Cúp Châu Á.

Tuy thành tích bóng đá rất khiêm tốn, nếu không muốn nói là khá kém cỏi, nhưng tình yêu bóng đá của người hâm mộ, của người dân thì xứng danh số 1 thế giới. Trước trận đấu với U23 Quatar, rất nhiều công ty cho nhân viên nghỉ làm, nhiều trường học cho học sinh nghỉ học để cổ vũ cho đội tuyển U23.

Nó không phải là các trường hợp cá biệt mà xuất hiện ở nhiều tỉnh thành. Ngoài ra còn một số trường tổ chức cho giáo viên học sinh xem ngay tại trường để quản lý. Còn nhiều trường hợp nhân viên xin nghỉ phép, học sinh viết giấy xin nghỉ học để cổ vũ cho đội nhà.

Rất nhiều quyết định, và đề nghị đã được phê duyệt cho tiệc ” ăn mừng”. (Ảnh: We25)

Trước sau trận đấu, người người nói chuyện bóng đá, nhà nhà cổ vũ đội bóng. Sau chiến thắng, rất nhiều công ty đã tặng tiền ủng hộ đội tuyển. Mấy hôm nay, có thể thấy không khí bóng đá hiện hữu khắp mọi vùng, khắp ngóc ngách của cuộc sống.

Người hâm mộ bóng đá như thế này xứng đáng được trao cúp vàng nếu có một World Cup cho người hâm mộ trên thế giới!

Tuy nhiên, kèm với không khí cuồng nhiệt đó là những chuyện cười ra nước mắt như cảnh một số cô gái vô tư lột đồ ra trước bàn dân thiên hạ, có cả một số người có tên tuổi nữa. Rồi những cảnh thương tâm như con trai đốt nhà bố mẹ do thua độ bóng đá, người hâm mộ đi cổ vũ tràn ra đường, trong tình trạng hưng phấn đã gây tai nạn giao thông, trong đó có cả những vụ chết người.

Thử hỏi những hình ảnh này được các bạn quốc tế trông thấy thì họ nghĩ gì về văn hóa người Việt nói chung và văn hóa bóng đá nói riêng?

Xã hội thượng tôn pháp luật, sống theo các quy tắc, luật lệ chung

Người nước ngoài thấy không hiểu nổi, tại sao cơ quan, công ty, trường học lại có thể dừng hoạt động để xem bóng đá? Bóng đá quan trọng hơn công việc? Tại sao lại có văn bản, chỉ đạo cho nghỉ, vậy các văn bản và “khẩu dụ” này còn ở trên quy trình, quy định, điều lệ của cơ quan, công ty, trường học sao?

Xem bóng đá là chuyện cá nhân, các cá nhân có thể tự quyết định xin nghỉ để cổ vũ bóng đá. Có thể có cơ quan toàn bộ mọi người đều hâm mộ đều muốn nghỉ, thì mỗi người vẫn phải làm đơn, và lãnh đạo xem xét phê duyệt, chứ nhất định họ sẽ không ra các văn bản, “khẩu dụ” trái với phép tắc, luật lệ, quy định của tổ chức.

Người hâm mộ tràn xuống đường cổ vũ, gây tắc nghẽn giao thông và gây tai nạn, thậm chí chết người. Ăn mừng chiến thắng cũng là việc của các cá nhân, nhóm cá nhân, nhưng lại gây rất nhiều hệ lụy cho người khác do tắc đường, tai nạn, gây thêm gánh nặng cho đội ngũ giữ trật tự an toàn giao thông và đội ngũ y bác sỹ.

Nó còn mang lại bất hạnh cho các bậc cha mẹ, vợ chồng, con cái của những nạn nhân. Nếu người hâm mộ tìm đến các địa điểm công cộng, tổ chức ăn mừng, hoặc các nhóm tự tổ chức ăn mừng riêng, tránh ảnh hưởng đến người khác, giữ nghiêm phép tắc, luật lệ, thì chiến thắng đó, màn ăn mừng đó mới đáng khâm phục.

Khi sự kích động bởi niềm vui trở nên thái quá, người Việt trở nên xấu xí hơn. (Ảnh: Zing.vn)

Văn hóa công cộng là tôn trọng người khác

Xã hội muôn màu muôn vẻ, và màn ăn mừng chiến thắng cũng muôn màu muôn vẻ như thế. Chúng ta hoàn toàn có quyền bày tỏ niềm vui của mình theo cách mình thích, miễn là không ảnh hưởng không tốt đến người khác, gây khó chịu, phản cảm cho người khác. Cái mình thích, cách mình muốn chưa chắc người khác cũng thích, cũng muốn.

Giả sử bạn là người đang có việc gấp, trên đường đi bị tắc đường do những nhóm cổ vũ bóng đá thì bạn sẽ cảm thấy thế nào? Nếu bạn ưa yên tĩnh, gặp cảnh ồn ào gào thét, nẹt pô xe máy, gầm rú ga thì bạn có thấy dễ chịu không? Chưa kể bị va quệt tai nạn do người cổ vũ gây ra, ngoài ảnh hưởng nặng nề đến người bị hại, còn ảnh hưởng lớn đến lực lượng giữ an toàn giao thông trật tự, cứu hộ, y tế.

Giả sử bạn là một nữ doanh nhân, hoặc nữ trí thức, có các đối tác người nước ngoài đến bàn công việc. Rồi bạn dẫn đối tác đi tham quan cảnh quan thắng cảnh của thành phố, tìm hiểu phong tục tập quán và cuộc sống người dân mình. Thế nhưng giữa đường bị tắc đường bởi giữa đám đông hò hét, rồi được “chiêm ngưỡng” màn “thoát y vũ” của các nữ cổ động viên nhiệt tình, chắc hẳn bạn không thể tự hào cho chiến thắng ấy, thậm chí còn hối tiếc đã dẫn đối tác đi tham quan.

Vẫn có những cách cổ vũ và ăn mừng chiến thắng khác

Tình yêu bóng đá của người hâm mộ là không phải bàn cãi, và mỗi người muốn bày tỏ tình yêu và ủng hộ của mình đối với đội tuyển là đáng trân trọng. Nên chăng thay vì những màn “trình diễn” cuồng nhiệt kia, các nhóm người hâm mộ tìm, thuê các điểm công cộng đủ rộng, tổ chức ăn mừng, chúc mừng đội tuyển bằng trình diễn các sở trường cá nhân như ca múa nhạc, tạp kỹ, thể dục thể thao, võ thuật đặc sắc.

Hoặc những cô gái ăn mặc duyên dáng, tươi cười dịu dàng trong những tà áo dài dân tộc, gửi những lời chúc đến các “người hùng” thì chắc chắn, nụ cười ấy, dáng vẻ ấy có thể làm tan chảy trái tim các “chiến binh”, và sẽ theo họ suốt cuộc đời.

Nó cũng gây ấn tượng đẹp với mọi người, với bạn bè quốc tế về một đất nước xinh đẹp, giàu truyền thống văn hóa đặc sắc, về người hâm mộ bóng đá xứng đáng giành cúp vàng cho tình yêu bóng đá, và cúp vàng cho văn hóa bóng đá.

Đâu đó còn nét đẹp mà chúng ta trân trọng, 5h chiều tại sân vận động Hàng Đẫy mọi người cùng khóc cùng vui.(Ảnh: Báo lao động)

Kết giao khắp thiên hạ, tri âm hỏi mấy người?”, chúng ta ai ai cũng muốn có người khác hiểu mình, đồng cảm, đồng điệu, cùng chia sẻ các sở thích, đam mê. Tình yêu bóng đá cũng là một sở thích, cũng cần có các tri âm tri kỷ chia sẻ. Chính vì thế mà có các câu lạc bộ, các hội cổ động viên khắp nơi. Chúng ta chia sẻ với người cùng hội cùng thuyền, cùng sở thích, cùng tâm đắc, như thế là mãn nguyện rồi.

Uống rượu khi gặp người tri kỷ Ngâm thơ dành tặng bạn yêu thơ 

Chỉ cần chúng ta chú ý một chút, suy nghĩ cho người khác, kiềm chế khi kích động, khi vui mừng thái quá thì thế giới sẽ nhìn chúng ta bằng con mắt khác. Kết bạn, kết hội, thú vui, sở thích, rồi cách thể hiện tình cảm cũng có nhiều cách thức, nhiều cảnh giới khác nhau, lựa chọn đúng chúng ta sẽ thăng hoa về văn hóa và tinh thần.

Kết giao cần lựa chọn, nên biết xấu tốt khó phân biệt.

Uống rượu đừng quá chén, cẩn thận vui quá hóa đau buồn.

Nam Phương 

http://tintucmy.net   

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên