Trang Chủ LỜI CHỨNG CÁ NHÂN Tôi Đã Trở Về Nhà Cha

Tôi Đã Trở Về Nhà Cha

168
0
SHARE

Tôi sinh ra ở Nairobi, Kenya. Ít lâu sau đó, gia đình tôi chuyển đến Anh và sống ở một vùng ngoại ô nhiều cây cối gần London.

Anh trai và tôi được học ở trường tốt. Trong những gia đình Ấn Độ như chúng tôi, giáo dục là một biểu tượng của địa vị và là con đường dẫn tới thành công lâu dài. Mặc dù đó không phải là trường Cơ Đốc, chúng tôi được dạy phải hát thánh ca mỗi buổi sáng, cầu nguyện trước bữa trưa, và cầu nguyện lần nữa trước khi về nhà. Mỗi dịp Giáng Sinh tôi lại tham gia vở kịch Giáng Sinh của trường.

Vào những năm 1970, những gia đình Ấn Độ từ Đông Phi đến định cư ở Anh đã từ bỏ nhiều thứ và chịu mất mát rất nhiều. Nhưng họ không muốn mất đi ngôn ngữ và tôn giáo của mình. Để duy trì bản sắc văn hóa, nhiều gia đình nhóm lại tại một ngôi đền Ấn Độ giáo ở địa phương vào mỗi cuối tuần. Tôi được gặp gỡ gần như tất cả mọi người trong cộng đồng qua ẩm thực, cầu nguyện, và thờ phượng.

Ở nhà, chúng tôi có hẳn một phòng riêng dành cho các vị thần Ấn Độ giáo mà mình tin thờ. Mỗi buổi sáng, tôi xuống cầu thang để cầu nguyện ở đó. Mỗi buổi chiều, gia đình chúng tôi dành 30 phút trước bàn thờ trước khi ăn tối.

Đến tuổi thiếu niên, đời sống tôi thay đổi hoàn toàn. Ba mẹ tôi phải vật lộn để thích nghi với lối sống ở Anh. Luôn có những tranh cãi về địa vị và tiền bạc. Những cuộc tranh cãi này khiến tôi luôn ở trong trạng thái lo lắng và sợ hãi.

Tôi tìm thấy sự an ủi và thân thuộc trong đền thờ, nơi tôi kết bạn và tham gia các hoạt động như diễn thuyết, kịch nghệ, và nhảy múa, hay đơn giản chỉ là quét dọn, phục vụ, và thờ phượng trước hình tượng của nhiều vị thần khác nhau.

Giáo phái của chúng tôi có môt đạo sư, tên là Guruji, tuyên bố mình là hiện thân của thần linh. Bất cứ điều gì ông nói và làm đều được xem là thần thánh. Năm 1988, khi tôi 16 tuổi, ông đến đền thờ ở London và xem tôi diễn thuyết về một bài kinh cổ của Ấn Độ giáo.

Sau đó, khi tôi đến thờ lạy dưới chân Guruji, ông nói, “Con có tài năng diễn thuyết rất lớn.” Ông mời tôi trở thành swami, một thầy tế Ấn Độ giáo, và gia nhập phong trào của ông. Ngay lập tức, tim tôi nhảy lên, bay bổng với một nguồn sức mạnh và lý tưởng đột ngột dâng trào.

Năm 19 tuổi, tôi xuất gia đến một tu viện ở Tây Bắc Ấn Độ. Nơi đó chứa 200 người từ khắp nơi trên thế giới. Quá trình tu tập rất khắc khe. Mỗi sáng, chúng tôi thức dậy lúc 4:30 để tắm nước lạnh. Sau khi ngồi thiền một giờ, chúng tôi tham dự buổi thờ phượng tập thể. Sau đó chúng tôi làm những việc đơn giản như lau chùi và kết vòng hoa cho những hình tượng. Sau đó, chúng tôi có các lớp học về kinh điển Ấn Độ giáo và những tôn giáo khác trên thế giới, kéo dài tới khuya.

Đó là khoảng thời gian thú vị. Tuy nhiên, sau tháng đầu tiên của khóa tu, một sự cố xảy ra đã làm lung lay nền tảng đức tin của tôi. Tôi đang ở tầng trên đền thờ, thờ phượng cùng với những thầy tế khác. Tiếng chuông trống vang rền. Đúng lúc đó, tôi nghe rõ ràng một câu hỏi thì thầm vào tai trái mình: Con đã đưa ra quyết định đúng chưa? Con có đang ở đúng nơi của mình chăng?

Việc này khiến tôi bị sốc, và tôi vật lộn với câu hỏi đó suốt khoảng thời gian còn lại của buổi lễ. Tôi tự nhủ đó là “maya”, thế lực ma quỷ gây ảo giác trong Ấn Độ giáo, đang cố gắng phá hoại vận mệnh của tôi. Dẫu vậy, tôi bắt đầu có nhiều câu hỏi và nghi ngờ.

Xung quanh tôi, tôi thấy những swami khác đã thờ phượng và học đạo nhiều thập kỷ mà đời sống của họ không có bất kỳ thay đổi ý nghĩa nào. Tôi tự hỏi, tại sao sau tất cả những lần kiêng ăn, đọc kinh, và thiền định, họ vẫn buông mình vào những cơn nóng giận, ghen tị, và cay đắng? Tôi cũng chẳng thấy mình có thay đổi gì, giống như họ.

Vài năm sau, tôi được thụ phong chức thầy tế của Ấn Độ giáo và bắt đầu mặc áo lễ dâng tế màu vàng nghệ. Với cái đầu cạo trọc và dáng vẻ thánh thiện, tôi bắt đầu chuyến hành hương tới những nơi thánh của Ấn Độ giáo trên khắp Ấn Độ. Tôi tắm ở sông Hằng và những con sông mang ý nghĩa tâm linh, hy vọng rửa sạch tội lỗi của mình và cảm nhận sự đổi mới. Nhưng một lần nữa, bản chất bên trong tôi chẳng có gì thay đổi.

Năm 1997, Guruji bảo tôi đến sống tại ngôi đền ở London và phát triển các giáo đoàn khác trên khắp châu Âu. Tôi mở những đền thờ ở các thành phố như Paris, Lisbon, và Antwerp, và chúng phát triển nhanh chóng. Bài thuyết pháp của tôi được công nhận, và Guruji rất ấn tượng với các việc làm của tôi. Việc đi lại thường xuyên khiến tôi cảm thấy mình như một giám đốc điều hành của một tập đoàn quyền lực.

Tuy nhiên, một lần ở Rome, tôi tình cờ gặp được một điều chân thật đến mức khiến tôi đặt câu hỏi về cuộc đời danh vọng và thành đạt này. Tôi đang ngồi ở Thánh Đường Sistine, bên dưới bức tranh “Sự Phán Xét Cuối Cùng” của Michaelangelo. Tôi đã bị choáng ngợp bởi tính nghệ thuật của nhà thờ, nhưng những bức vẽ miêu tả Chúa Giê-xu mới đặc biệt ấn tượng với tôi. Thế là bên trong tôi bắt đầu có một niềm say mê thầm kín đối với Chúa Giê-xu. Trong những chuyến đi của mình, mắt tôi gần như theo bản năng luôn tìm thấy thập tự giá của Đấng Christ.

Một vị Thần rất khác biệt bắt đầu khắc sâu vào trái tim tôi—một vị Thần đẹp đẽ và sâu sắc hơn Guruji hay những hình tượng mà tôi đang thờ phượng. Tôi không biết danh Ngài, nhưng tôi biết Ngài không phải là vị thần mà tôi đang rao giảng.

Đến năm 2005, những bài giảng trước công chúng của tôi bắt đầu có những thay đổi nhỏ về thần học. Tôi vẫn giảng về kinh Ấn Độ giáo, nhưng bắt đầu nói về “một vị Thần lớn hơn nhiều”, Đấng bao trùm cả nhân loại. Tôi vẫn không biết vị Thần này là ai. Điều này khiến tôi thấy bực bội.

Năm 2006, tôi mở rộng việc tìm kiếm chân lý và thỏa mãn sự tò mò của mình bằng việc nghiên cứu về một số triết gia lớn của Ấn Độ giáo. Tôi tập trung vào Yoga và các kỹ thuật hít thở. Trong cơn tuyệt vọng, tôi thậm chí còn tìm đến cả những sách tự phát triển bản thân (self-help) của phương Tây. Nhưng dường như có một bức tường gạch đang ngăn trở việc tìm kiếm của tôi.

Trong khi đó, tất cả những bất an trong tâm linh này đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất của tôi. Tới năm 2010, tôi phải uống tới 40 viên thuốc mỗi ngày để điều trị các chứng đau và rối loạn khác nhau. Năm đó tôi vào bệnh viện Mayo Clinic ở Jacksonville và ở đó 10 tháng. Vào cuối tuần, tôi đến những đền thờ khác nhau ở Mỹ và tiếp tục giảng một vị Thần “vĩ đại hơn”.

Sau khi bình phục, tôi tính đến Ấn Độ để gặp Guruji. Nhưng những nghi ngờ của tôi về sự thần thánh của ông nổi lên mạnh mẽ khi một swami cấp cao nói với tôi rằng toàn bộ giáo lý của ông được đặt ra để mang lại cơ cấu cho phong trào tâm linh này. Tim tôi càng chùng xuống khi xác minh nhận định này với những lãnh đạo hàng đầu khác.

Sau khi đáp máy bay xuống Mumbai, tôi được biết rằng Guruji đã rất khó chịu với những thay đổi về thần học của tôi. Ông muốn hạn chế ảnh hưởng của tôi bằng cách phái tôi đến những ngôi làng xa xôi ở Ấn Độ. Lần đầu tiên tôi dám phản kháng, và một cuộc tranh luận dữ dội đã xảy ra. Cuối cùng, với một tiếng thở dài, tôi nói với Guruji là tôi muốn rời bỏ chức thầy tế.

Sự im lặng bao trùm căn phòng. Sau một thời gian dài như vô tận, Guruji tuyên bố, “Được thôi! Đi đi! Anh muốn đi đâu thì đi!”

Tôi không biết mình sẽ đi đâu, vì ba mẹ tôi đã rời khỏi London. Một người bạn Ấn Độ giáo đã đưa tôi về khách sạn của mình ở khu Nam Kensington của thành phố. Thất vọng và tổn thương, tôi dừng toàn bộ các ý nghĩ về Chúa và bắt đầu đi tìm việc làm.

Tuy nhiên, nhiều tuần sau, khi tôi đang đi dạo trên đường, chìm đắm trong suy nghĩ, thì tôi chợt thấy một nhà thờ tuyệt đẹp. Đó là một buổi sáng Chúa Nhật. Khi tôi bước qua cửa chính, sự hiện diện của Chúa phủ lên tôi như một tấm chăn êm ái. Vào lúc đó, tôi nghe một lời thì thầm không thể nhầm lẫn được, lời ấy nói rằng: “Con đã về nhà”.

Tôi bước lên cầu thang và ngồi ở một hàng ghế. Tôi thấy thích buổi thờ phượng, và bài giảng có ý nghĩa cách lạ lùng với tôi. Tôi bước ra khỏi nhà thờ với một sự hứng khởi không thể diễn tả thành lời. Từ ngày hôm đó, tấm lòng tôi đã thưa vâng với Chúa Giê-xu, và tôi đã dâng đời sống mình cho Ngài.

Tuy nhiên, tôi sớm nhận ra rằng mình cần trải qua rất nhiều đợt thải độc, cả về tâm linh lẫn tình cảm. Một trong những bài học khó khăn nhất lúc đầu là học cách yên nghỉ trong tình yêu thương của Chúa. Là một thầy tế Ấn Độ giáo, tôi đã quen với việc mình chỉ có thể làm vừa lòng Chúa bằng nỗ lực tâm linh. Việc chuyển từ tôn giáo sang có một mối quan hệ với Chúa thật khó chịu nhưng đem lại phần thưởng đẹp đẽ.

Chỉ nhờ ân điển Chúa mà tôi đã đi được chặng đường dài trong một thời gian ngắn. Tôi cảm ơn Chúa Giê-xu đã chữa lành tôi khỏi cảm giác xấu hổ, tội lỗi, oán hận và nóng giận. Hơn hết, tôi biết ơn vì Ngài đã liên tục gõ cửa lòng tôi, một cách kiên nhẫn, cho đến khi cánh cửa đó cuối cũng mở ra.

Dịch: Richard Huynh

Nguồn: christianitytoday.com

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên