Trang Chủ TRANG CHỦ SUY NGHĨ GIỮA CƠN ĐẠI DỊCH

SUY NGHĨ GIỮA CƠN ĐẠI DỊCH

602
0
SHARE

Mục Sư Nguyễn Văn Huệ

 

Bạn đang nghĩ gì giữa cơn đại dịch corona virus? Hay khi bạn đương đầu với những cơn sóng gió cuộc đời? Tôi đang suy nghĩ nhiều và tôi muốn cùng các bạn suy nghĩ dưới ánh sáng của Kinh Thánh. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Kinh Thánh vẫn là ngọn đèn cho chân tôi, là ánh sáng cho đường lối tôi.

NGHĨ VỀ ĐỨC CHÚA TRỜI ĐANG TỂ TRỊ THẾ GIỚI

Trong mùa đại dịch, tôi nhớ đến những câu chuyện lớn được ghi lại trong Kinh Thánh.

Câu chuyện Chúa dùng quyền năng giải phóng dân Do Thái ra khỏi ách nô lệ ở Ai-cập.

Câu chuyện Chúa rẻ Biển Đỏ cho dân Do Thái đi qua như đi trên đất khô.

Câu chuyện Chúa ban bánh Mana từ trời xuống cho dân Do Thái ăn trong suốt 40 năm.

Câu chuyện Chúa cứu gia đình kỵ nữ Ra-háp thoát chết khỏi thành Gê-ri-sô sụp đổ.

Câu chuyện hoàng hậu Ê-xê-tê kiêng ăn để cứu dân Do Thái khỏi nạn diệt chủng.

Câu chuyện tiên tri Giô-na yêu cầu được ném xuống biển và biển hết cơn sóng gió.

Câu chuyện sứ đồ Phao-lô vẫn được an toàn trong chiếc tàu lớn sau 14 ngày bão biển.

Hãy cùng tôi đọc lại sách Công vụ 27 để nhớ lại câu chuyện đặc biệt nầy.

Sứ đồ Phao-lô là người đã từng kinh qua nhiều thử thách, hoạn nạn nhất trong cuộc đời theo Chúa và hầu việc Chúa. Có một lần ông cùng với 276 người lênh đênh trôi giạt trên biển “sóng to gió lớn.” Sau hơn 2 tuần lễ khó khăn, giữa lúc mọi người tuyệt vọng, ông vẫn giữ mối quan hệ mật thiết với Chúa, ông nuôi hy vọng trong Chúa và tin cậy Chúa, Chúa đã nói với ông, đã cứu ông và nhờ ông mà mọi người được cứu thoát bình an. Người tin Chúa có thể cứu người không tin Chúa giữa cơn đại nạn. Cảm ơn Chúa đã ở cùng và gìn giữ con cái Chúa. Chúa sẽ giữ gìn mạng sống của chúng ta và tất cả những người cùng đi với chúng ta.

“Vì họ không ăn đã lâu, nên Phao-lô đứng dậy giữa đám họ, mà nói rằng: Hỡi bạn hữu ta, chớ chi bữa trước tin lời ta mà chẳng dời khỏi đảo Cơ-rết, thì chúng ta đã chẳng mắc cơn nguy hiểm và tổn hại nầy. 22 Nhưng bây giờ, ta khuyên các ngươi hãy vững lòng; trong các ngươi chẳng mất ai hết, chỉ mất chiếc tàu mà thôi. 23 Vì đêm nay, một thiên sứ của Đức Chúa Trời, là Đấng ta thuộc về và hầu việc, có hiện đến cùng ta mà phán rằng: 24 Hỡi Phao-lô, đừng sợ chi hết; ngươi phải ứng hầu trước mặt Sê-sa; và nầy, Đức Chúa Trời đã ban cho ngươi hết thảy những kẻ cùng đi biển với ngươi. 25 Vậy, hỡi các ông, hãy vững lòng, vì ta có lòng tin cậy Đức Chúa Trời rằng sẽ xảy ra như lời Ngài đã phán vậy; 26 nhưng chúng ta chắc sẽ bị tấp lên một hòn đảo nào” (Công vụ 27:21-26).

Biết rõ ý Chúa, sứ đồ Phao-lô đã trở thành người lãnh đạo tinh thần vững vàng giữa trời giông bão.

Trong hoàn cảnh thử thách hay trong cảnh bình an, Sứ đồ Phao-lô luôn dạy người tin Chúa phải biết nội dung những điều mình suy nghĩ. Hãy sống gần Chúa để nghĩ đúng và làm đúng.

“Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều chi chân thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thanh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến. Hễ sự gì anh em đã học, đã nhận, đã nghe ở nơi tôi, và đã thấy trong tôi, hãy làm đi, thì Đức Chúa Trời của sự bình an sẽ ở cùng anh em” (Phi-líp 4: 8-9).

Trong những ngày chịu chung thử thách với mọi người chung quanh, tôi đã suy nghĩ. Tôi suy nghĩ nhiều điều, từ chuyện bản thân đến gia đình, đến Hội Thánh, đến xã hội, đến thế giới… Người lãnh đạo phải suy nghĩ trước, phải tiên liệu. Cái gì có giá trị, cái gì không? Cái gì nên giữ, cái gì bỏ qua? Tìm được hy vọng ở đâu? Kinh Thánh vẫn là nguồn sáng soi đường cho chúng ta hôm nay.

“Nhưng chúng tôi đựng của quí nầy trong chậu bằng đất, hầu cho tỏ quyền phép lớn dường ấy là bởi Đức Chúa Trời mà ra, chớ chẳng phải bởi chúng tôi. Chúng tôi bị ép đủ cách, nhưng không đến cùng; bị túng thế, nhưng không ngã lòng; bị bắt bớ, nhưng không đến bỏ; bị đánh đập, nhưng không đến chết mất. 10 Chúng tôi thường mang sự chết của Đức Chúa Jêsus trong thân thể mình, hầu cho sự sống của Đức Chúa Jêsus cũng tỏ ra trong thân thể chúng tôi. 11 Bởi chúng tôi là kẻ sống, vì cớ Đức Chúa Jêsus mà hằng bị nộp cho sự chết, hầu cho sự sống của Đức Chúa Jêsus cũng được tỏ ra trong xác thịt hay chết của chúng tôi; 12 vậy thì sự chết làm trong chúng tôi, còn sự sống trong anh em.

16 Vậy nên chúng ta chẳng ngã lòng, dầu người bề ngoài hư nát, nhưng người bề trong cứ đổi mới càng ngày càng hơn. 17 Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sanh cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô lượng vô biên, 18 bởi chúng ta chẳng chăm sự thấy được, nhưng chăm sự không thấy được; vì những sự thấy được chỉ là tạm thời, mà sự không thấy được là đời đời không cùng vậy” (2 Cô-rinh-tô 4: 7-18).

XEM XÉT MỐI QUAN HỆ CHÍNH MÌNH VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI

Sứ đồ Giăng viết lời cầu chúc,

“Hỡi kẻ rất yêu dấu, tôi cầu nguyện cho anh được thạnh vượng trong mọi sự, và được khoẻ mạnh phần xác anh cũng như đã được thạnh vượng về phần linh hồn anh vậy” (3 Giăng 2).

Mối quan hệ giữa chúng ta với Đức Chúa Trời hiện nay ra sao? Mạnh hay yếu? Sống hay chết? Gần hay xa? Đẹp lòng Chúa hay buồn lòng Chúa?

Hãy nghe sứ đồ Phao-lô ca ngợi Đức Chúa Trời,

“Vì Đức Chúa Trời đã nhốt mọi người trong sự bạn nghịch, đặng thương xót hết thảy.
Ôi! sâu nhiệm thay là sự giàu có, khôn ngoan và thông biết của Đức Chúa Trời! Sự phán xét của Ngài nào ai thấu được, đường nẻo của Ngài nào ai hiểu được! 34 Vì, ai biết ý tưởng Chúa, ai là kẻ bàn luận của Ngài? 35 Hay là ai đã cho Chúa trước, đặng nhận lấy điều gì Ngài báo lại? 36 Vì muôn vật đều là từ Ngài, bởi Ngài, và hướng về Ngài. Vinh hiển cho Ngài đời đời vô cùng! A-men” (Rô-ma 11: 33-36).

ĂN GÌ, UỐNG GÌ, MẶC GÌ?

Mặc gì giữa mùa đại dịch không phải là điều đáng quan tâm lắm miễn là mặc cho ấm, ngủ cho ấm. Kỷ nghệ thời trang ở tây Phương, ở Trung Quốc đang đóng cửa trong một thời gian lâu. Nhưng ăn và uống có lẽ là vấn đề quan trọng nhất mà ít người quan tâm. Ăn no, ăn đủ chất, ăn bổ, ăn ngon. Tôi nghe nói nạn dịch corona virus bắt đầu từ Vũ Hán, nơi mà người ta ăn thịt dơi, thịt thú, thịt rắn, thịt các loại côn trùng… nơi mà người ta cổ vũ cho các du khách đến nơi để thưởng thức những món ngon vật lạ. Thú vật là nguồn mang vi trùng, vi khuẩn. Ăn uống bừa bãi sẽ mắc bệnh và lây lan bệnh tật. Uống cũng vậy, cả ở Việt Nam người ta bắt chước Trung Quốc ngâm rượu bằng chim, rắn, khỉ, tắc kè và đủ thứ côn trùng. Uống rượu, uống hóa chất độc hại chỉ tàn phá gan ruột, cơ thể. Hút xì ke ma túy, thuốc phiện chỉ dẫn đến tù tội, xa cách gia đình. Ngày nay người ta không ăn để sống nhưng sống để ăn ngon, ăn lạ, ăn các thức ăn khác nhau.

Người tin Chúa phải để ý đến ăn gì, uống gì.  Kinh Thánh dạy nhiều về việc ăn uống. Từ ăn Ma-na trong sa mạc, nước uống chảy ra từ vầng đá… cho đến nước sống, bánh sống, từ rửa tay sạch đến giữ thân thể sạch. Kinh Thánh cấm ăn đồ đã cúng cho thần tượng và Kinh Thánh nói đến ăn thịt, uống huyết Chúa. Kinh Thánh nói đến việc mời Chúa ăn bữa tối, ăn tiệc thánh để có ngày ăn chung bàn với Áp-ra-ham, ăn tiệc cưới Chiên Con trên thiên đàng… Miếng ăn không còn là miếng tồi tàn.

Sứ đồ Phao-lô đã nêu lên nguyên tắc cần chú ý khi ăn uống, “Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm” (1 Cô-rinh-tô 10: 31).

Viết thư cho Hội Thánh Cô-rinh-tô, sứ đồ Phao-lô cũng đã phân tích rõ về mục đích của việc ăn uống,

“Vậy, về sự ăn của cúng tế các thần tượng, chúng ta biết thần tượng trong thế gian thật là hư không, chỉ có một Đức Chúa Trời, chớ không có thần nào khác. Thật người ta xưng có các thần khác, hoặc ở trên trời, hoặc ở dưới đất, (bởi đó họ thờ nhiều thần nhiều chúa), về phần chúng ta, chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi, là Đức Chúa Cha, muôn vật bởi Ngài mà ra, và chúng ta hướng về Ngài; lại chỉ có một Chúa mà thôi, là Đức Chúa Jêsus Christ, muôn vật đều nhờ Ngài mà có, và chúng ta cũng vậy.
Nhưng chẳng phải mọi người đều có sự hay biết đó” (1 Cô-rinh-tô 8: 4-7).

Hãy cẩn thận trong khi ăn, ăn cũng phải biết lựa chọn miếng ăn, giá trị miếng ăn, ý nghĩa miếng ăn. Ăn ít sống lâu, ăn nhiều mau chết.

NÓI GÌ?

Sứ đồ Gia-cơ đã dành cả một chương sách để viết về lời nói dưới dạng tội lỗi của lưỡi.

“Chúng ta thảy đều vấp phạm nhiều cách lắm. Nếu có ai không vấp phạm trong lời nói mình, ấy là người trọn vẹn, hay hãm cầm cả mình. Chúng ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa, cho nó chịu phục mình, nên mới sai khiến cả và mình nó được. Hãy xem những chiếc tàu: dầu cho lớn mấy mặc lòng, và bị gió mạnh đưa đi thây kệ, một bánh lái rất nhỏ cũng đủ cạy bát nó, tùy theo ý người cầm lái. Cũng vậy, cái lưỡi là một quan thể nhỏ, mà khoe được những việc lớn. Thử xem cái rừng lớn chừng nào mà một chút lửa có thể đốt cháy lên! Cái lưỡi cũng như lửa; ấy là nơi đô hội của tội ác ở giữa các quan thể chúng ta, làm ô uế cả mình, đốt cháy cả đời người, chính mình nó đã bị lửa địa ngục đốt cháy. Hết thảy loài muông thú, chim chóc, sâu bọ, loài dưới biển đều trị phục được và đã bị loài người trị phục rồi; nhưng cái lưỡi, không ai trị phục được nó; ấy là một vật dữ người ta không thể hãm dẹp được: đầy dẫy những chất độc giết chết. Bởi cái lưỡi chúng ta khen ngợi Chúa, Cha chúng ta, và cũng bởi nó chúng ta rủa sả loài người, là loài tạo theo hình ảnh Đức Chúa Trời. 10 Đồng một miệng mà ra cả sự khen ngợi và rủa sả! Hỡi anh em, không nên như vậy. 11 Có lẽ nào một cái suối kia, đồng một mạch mà ra cả nước ngọt và nước đắng sao? 12 Hỡi anh em, cây vả có ra trái ô-li-ve được, cây nho có ra trái vả được chăng? Mạch nước mặn cũng không có thể chảy ra nước ngọt được nữa” (Gia-cơ 3:1 -12).

Chúa Giê-su có nhắc,

“Vả, ta bảo các ngươi, đến ngày phán xét, người ta sẽ khai ra mọi lời hư không mà mình đã nói; 37 vì bởi lời nói mà ngươi sẽ được xưng là công bình, cũng bởi lời nói mà ngươi sẽ bị phạt” (Ma-thi-ơ 12:36-37).

Đây thật là một việc lớn, không còn chuyện đùa giỡn nữa rồi.

Tôi nghĩ đến nhu cầu đổi mới, nhu cầu tái sanh. Từ chết đến sống, từ mất đến còn. Từ tối đến sáng. Từ nộ lệ đến tự do. Người có Chúa trong lòng khác hoàn toàn với người không có Chúa trong lòng.

“Ấy vậy, ta phán cùng các ngươi, các tội lỗi và lời phạm thượng của người ta đều sẽ được tha; song lời phạm thượng đến Đức Thánh Linh thì sẽ chẳng được tha đâu. 32 Nếu ai nói phạm đến Con người, thì sẽ được tha; song nếu ai nói phạm đến Đức Thánh Linh, thì dầu đời nầy hay đời sau cũng sẽ chẳng được tha.

33 Hoặc cho là cây tốt thì trái cũng tốt, hoặc cho là cây xấu thì trái cũng xấu; vì xem trái thì biết cây. 34 Hỡi dòng dõi rắn lục; bay vốn là loài xấu, làm sao nói được sự tốt? Bởi vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra. 35 Người lành do nơi đã chứa điều thiện mà phát ra điều thiện; nhưng kẻ dữ do nơi đã chứa điều ác mà phát ra điều ác.” (Ma-thi-ơ 12: 31-35).

NGHĨ GÌ?

Kinh thánh có đầy đủ tất cả những lời khuyên dạy để người theo Chúa trang bị và áp dụng vào đời sống.  Trong mọi tình huống, hãy tìm kiếm sự bình an. Bình an trên hết. Bình an của Đức Chúa Trời chứ không phải bình an của loài người. Vậy chúng ta sẽ nghĩ gì và làm gì để được bình an.

“Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn. Tôi lại còn nói nữa: hãy vui mừng đi. Hãy cho mọi người đều biết nết nhu mì của anh em. Chúa đã gần rồi. Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Giê-su Christ.

Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều chi chân thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thanh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến. Hễ sự gì anh em đã học, đã nhận, đã nghe ở nơi tôi, và đã thấy trong tôi, hãy làm đi, thì Đức Chúa Trời của sự bình an sẽ ở cùng anh em” (Phi-líp 4:4-9).

Ý THỨC VỀ THÂN THỂ CHÚNG TA

Thân thể chúng ta là đền thờ Chúa ngự. Ai phá đền thờ của Chúa sẽ bị Chúa phá.  Sứ đồ Phao-lô dạy rõ,

“Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của Đức Chúa Trời, và Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong anh em sao? 17 Ví có ai phá hủy đền thờ của Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời sẽ phá hủy họ; vì đền thờ của Đức Chúa Trời là thánh, mà chính anh em là đền thờ” (1 Cô-rinh-tô 3: 16-17).

Muốn bảo vệ thân thể chúng ta phải dành thời giờ để tập thể dục, để ăn uống, để nghỉ ngơi, để thờ phượng Chúa, để phục vụ Chúa, để Chúa sử dụng. Biệt riêng là thánh, thánh là biệt riêng.

Thân thể của người tin Chúa có giá trị. Một trong những nỗi sợ hãi khủng khiếp nhất trong mùa đại dịch là thân xác người chết vì dịch không còn được tôn trọng. Ở Ý tôi thấy người ta đặt xác vào quan tài tập trung ở nhà thờ, nhờ Linh Mục làm phép rồi đem chôn. Nhưng ở Vũ Hán, Trung Quốc, người ta đem xác người chết đến lò thiêu.

LỢI DỤNG THỜI GIỜ

Thời giờ quý hơn vàng. Tiền bạc có thể làm lại được, nhưng nếu thời giờ trôi qua thì không cách gì tìm lại được. Càng già tôi thấy thời gian càng quý báu. Tôi dành thời giờ để gọi thăm những người thân. Tôi dành thời giờ để cầu nguyện. Ở Mỹ có lợi thế nhất là sách, sách mới, sách hay được liên tục xuất bản.  Tôi tìm được những sách viết về Kinh Thánh, sách giải nghĩa Kinh Thánh. Tôi tìm kiếm những bài học lịch sử, những nhân vật lịch sử. Tôi có nhiều sách quý và không có thời giờ để đọc cho hết. Thời giờ chính trong cơn dịch tôi dùng để đọc sách. Thật là khó khăn khi chọn đề tài sách để đọc, để suy nghĩ và để viết. Thời giờ trôi qua thật nhanh. Tôi muốn chia sẻ cho gia đình tôi những gì tôi đã đọc. Tôi chưa nói được những điều tôi muốn nói. Nói với vợ, với con, với cháu.

Bạn đang dùng thời gian ở nhà để làm gì?

NGHỆ THUẬT CHỜ ĐỢI

Khi tai nạn xảy ra, người ta luôn kêu cầu Chúa giải cứu cách vội vàng.

Chúa ôi, tôi lại đây! Nay tôi xin lại đây!

Tôi nghĩ đến dân Do Thái trong giờ khủng hoảng, trước mặt là Biển Đỏ, sau lưng là quân thù đuổi theo. Dân chúng hoảng loạn. Hãi hùng. Kêu vang. Tha thiết tìm lối thoát. Ngay lúc đó, Chúa đã dùng miệng Môi-se để trấn an. Mọi người nghe lệnh và truyền lịnh cho nhau nghe.

“Môi-se đáp cùng dân sự rằng: Chớ sợ chi, hãy ở đó, rồi ngày nay xem sự giải cứu Đức Giê-hô-va sẽ làm cho các ngươi; vì người Ê-díp-tô mà các ngươi ngó thấy ngày nay, thì chẳng bao giờ ngó thấy nữa. 14 Đức Giê-hô-va sẽ chiến cự cho, còn các ngươi cứ yên lặng” (Xuất 14: 13-14).

Trong khi dân chúng phàn nàn, la hoảng, trách móc,

“Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: Sao ngươi kêu van ta? Hãy bảo dân Y-sơ-ra-ên cứ đi; 16 còn ngươi hãy giơ gậy lên, đưa tay trên mặt biển, phân rẽ nước ra, thì dân Y-sơ-ra-ên sẽ xuống biển đi như trên đất cạn. 17 Còn ta sẽ làm cho dân Ê-díp-tô cứng lòng theo dân Y-sơ-ra-ên xuống biển, rồi ta sẽ được rạng danh vì Pha-ra-ôn, cả đạo binh, binh xa, và lính kỵ người. 18 Khi nào ta được rạng danh vì Pha-ra-ôn, binh xa, cùng lính kỵ người, thì người Ê-díp-tô sẽ rõ ràng ta là Đức Giê-hô-va vậy” (Xuất 14: 15-18).

Dường như Chúa bảo, “Đừng la hoảng nữa, hãy lắng nghe tiếng Chúa và vâng lời Chúa.”

Chúng ta thường quên rằng Chúa luôn có chương trình cho mọi biến cố xảy đến với loài người. Chúng ta quá ồn ào đến nỗi không nghe được tiếng Chúa bảo phải làm gì.

Đức Chúa Trời đã có cách mở đường, Chúa đã mở Biển Đỏ ra làm hai để dân chúng đi qua như đi trên đất khô.

Sứ đồ Phao-lô nhắc đến biến cố nầy với lời áp dụng,

“Vả, hỡi anh em, tôi chẳng muốn cho anh em không biết tổ phụ chúng ta đều đã ở dưới đám mây, đi ngang qua biển, chịu Môi-se làm phép báp-têm trong đám mây và dưới biển, ăn một thứ ăn thiêng liêng; và uống một thứ uống thiêng liêng; vì họ uống nơi một hòn đá thiêng liêng theo mình, và đá ấy tức là Đấng Christ. Song phần nhiều trong vòng họ không đẹp lòng Đức Chúa Trời, nên đã ngã chết nơi đồng vắng. Mọi điều đó đã xảy ra để làm gương cho chúng ta, hầu cho chúng ta chớ buông mình theo tình dục xấu, như chính tổ phụ chúng ta đã buông mình. Cũng đừng thờ hình tượng nữa, như mấy người trong họ, theo lời chép rằng: Dân sự ngồi mà ăn uống, rồi đứng dậy mà chơi giỡn.Chúng ta chớ dâm dục như mấy người trong họ đã dâm dục, mà trong một ngày có hai vạn ba ngàn người bị bỏ mạng. Cũng chớ thử thách Chúa như mấy người trong họ đã thử thách mà bị loài rắn hủy diệt. 10 Lại cũng chớ lằm bằm như mấy người trong họ đã lằm bằm mà bị chết bởi kẻ hủy diệt.

11 Những sự ấy có nghĩa hình bóng, và họ đã lưu truyền để khuyên bảo chúng ta là kẻ ở gần cuối cùng các đời. 12 Vậy thì, ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã. 13 Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được” (1 Cô-rinh-tô 10:1-13).

Chữ sự cám dỗ ở đây có thể dịch là sự thử thách. Trong cám dỗ hay trong thử thách Chúa có mở đường cho chúng ta ra khỏi. Chúa biết sức chịu dựng của chúng ta. Tôi nhớ đến kinh nghiệm, “This, too, will pass!” (Việc nầy rồi cũng qua!).

Chúa Giê-su luôn nắm vững tình hình. Chúa thường nói, “Giờ ta chưa đến!” Chúa Giê-su áp dụng nguyên tắc và nghệ thuật chờ đợi. Chúa Giê-su luôn chờ đợi ý Cha. Chúa kiên nhẫn và không vội vàng. Trong thiên nhiên, Chúa vận dụng thời gian. Trong đời sống Chúa dùng thời gian. Trong đào tạo Chúa dùng thời gian. Cảm ơn Chúa đã không vội vàng nhậm lời cầu xin của chúng ta. Chúa luôn nhậm lời đúng lúc. Chúa là người Cha thiên thượng. Chúa biết trước những gì sẽ xảy ra. Chúa cho phép mọi sự xảy ra đem lại lợi ích tốt nhất cho người Chúa yêu. Chỉ hãy yêu Chúa và vui mừng tín thác cuộc đời cho Chúa.

CHUẨN BỊ TÂM LÝ SẴN SÀNG

Rồi đây sẽ có người được đem đi, người được để lại. Đối với người đời, những lời tiên tri nầy không phải là lời cảnh tỉnh, chỉ là chuyện mê tín, không cần quan tâm, nhưng đối với người tin Chúa, đây là lời dặn dò quan trọng nhất cần ghi nhớ. Hãy tỉnh thức, hãy chực cho sẵn.

Tôi nhớ đến lời dặn dò của các thám tử Do Thái với bà Ra-háp và gia đình trước giờ thành Giê-ri-cô sụp đổ. Ai vào nhà có huyết bao phủ sẽ được an toàn.

“Vả, hai người nói cùng nàng rằng: Nầy thể nào chúng ta sẽ khỏi mắc lời thề mà nàng đã bắt ta thề. 18 Khi nào chúng ta vào xứ, nàng phải cột sợi chỉ điều nầy nơi cửa sổ mà nàng dòng chúng ta xuống, rồi nhóm hiệp cha mẹ, anh em, và hết thảy bà con của nàng lại trong nhà mình. 19 Phàm ai trong các người đó đi ra ngoài cửa nhà nàng, thì huyết người ấy sẽ đổ lại trên đầu người, và chúng ta vô tội; nhưng nếu ai tra tay vào người nào ở cùng nàng trong nhà, thì huyết của người đó sẽ đổ lại trên đầu chúng ta. 20 Còn nếu nàng cho lậu việc chúng ta, ắt chúng ta sẽ khỏi mắc lời mà nàng đã bắt chúng ta thề. 21 Nàng bèn đáp: Khá y lời hai ông đã nói. Đoạn, nàng cho hai người đi, và hai người liền đi. Nàng bèn cột sợi chỉ điều nơi cửa sổ.” (Giô-suê 2:17-21).

Chúa Giê-su cũng dặn báo trước về ngày Chúa trở lại thế giới lần thứ hai,

“Trời đất sẽ qua, nhưng lời ta nói chẳng bao giờ qua đi.
36 Về ngày và giờ đó, chẳng có ai biết chi cả, thiên sứ trên trời hay là Con cũng vậy, song chỉ một mình Cha biết mà thôi. 37 Trong đời Nô-ê thể nào, khi Con người đến cũng thể ấy. 38 Vì trong những ngày trước nước lụt, người ta ăn, uống, cưới, gả như thường cho đến ngày Nô-ê vào tàu, – 39 và người ta không ngờ chi hết cho đến khi nước lụt tới mà đùa đem đi hết thảy, – khi Con người đến cũng như vậy. 40 Lúc ấy, sẽ có hai người nam ở trong một đồng ruộng, một người được đem đi, còn một người bị để lại; 41 và có hai người nữ đương xay cối, một người được đem đi, còn một người bị để lại. 42 Vậy hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào Chúa mình sẽ đến.

Vậy thì các ngươi cũng hãy chực cho sẵn, vì Con người sẽ đến trong giờ các ngươi không ngờ” (Ma-thi-ơ 24: 35-44).

AN TÂM VỀ VỚI GIA ĐÌNH

Đi đâu người ta cũng muốn về nhà.

Giữa cơn đại dịch, ngôi nhà là quan trọng, gia đình là quan trọng. Tôi nghe nói có nhiều người Việt xa nhà đã sẵn sàng bỏ tiền ra không tiếc để mua vé về nhà, dù vé có giá thật cao. Mọi người an tâm khi đang được ở nhà.

Nhưng nhà có phải là mái ấm?

Mục Sư Paul W. Powell ở Texas trong một loạt bài giảng “Rebuilding The Foundations” có nhắc đến những sự thật đáng buồn về tình trạng gia đình ở Mỹ. Ngày nay, 40% của các hôn nhân đầu tiên kết thúc trong li dị, 60% các cuộc hôn nhân thứ hai, và 75% các cuộc hôn nhân thứ ba. Mục Sư Powell cũng nhắc đến một con số đáng buồn về bạo lực xảy ra trong các gia đình. Ông nói đó là một đại dịch.  Trong thời chiến tranh Việt Nam có 50,000 người lính Mỹ chết ở các mặt trận, thì cũng trong những năm đó có đến 54,000 người chồng hay bạn trai đã giết đàn bà ở Mỹ. Hơn nữa, có hàng ngàn vụ khác không kể về sự đánh đập hay chưởi bới bằng lời. Tội lỗi tràn ngập trong các gia đình.

Gia đình phải là nơi có Chúa ngự trị. Đó là lý do tôi thường xuyên nhắc nhở, “Hãy mời Chúa vào lòng. Hãy mời Chúa vào nhà.”

Tin cậy và vâng lời Chúa là giải pháp cho các gia đình. Một gia đình có Chúa làm chủ sẽ có những người vợ vâng phục chồng, những người chồng thương yêu vợ, những người con vâng lời cha mẹ, những cha mẹ có trách nhiệm với gia đình. Những gia đình tốt có ảnh hưởng tốt đến dòng họ, bà con.

Hỡi người làm vợ, hãy vâng phục chồng mình, y như điều đó theo Chúa đáng phải nên vậy. 19 Hỡi kẻ làm chồng, hãy yêu vợ mình, chớ hề ở cay nghiệt với người.

20 Hỡi kẻ làm con, mọi sự hãy vâng phục cha mẹ mình, vì điều đó đẹp lòng Chúa. 21 Hỡi kẻ làm cha, chớ hề chọc giận con cái mình, e chúng nó ngã lòng chăng. (Cô-lô-se 3: 18-21).

Nguyên tắc hành xử trong đời sống gia đình đang cần áp dụng khắp nơi.

“Mặc dầu anh em nói hay làm, cũng phải nhân danh Đức Chúa Giê-su mà làm mọi điều, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha” (Cô-lô-se 3:17).

SẴN SÀNG ĐỔI MỚI

Nạn dịch lớn với những ngày thử thách sẽ qua, chúng ta sẽ học được gì tích cực? Nếu chưa tin Chúa bạn có muốn tin Chúa không? Gia đình bạn có thay đổi không? Đất nước chúng ta có thay đổi không?

Người lãnh đạo Hội Thánh có làm tròn bổn phận của mình không?

TÔI ĐANG TRÊN ĐƯỜNG VỀ NHÀ CHA

Sống là một việc nhưng sống đời nầy rồi sẽ đi đâu nữa là một việc khác. Nếu sống chỉ để sống thì con người không khác các loài động vật. Đến rồi đi. Chúa hứa người tin Chúa sẽ được sống lâu và được phước. Sống lâu là một việc nhưng sống lâu để làm gì là một việc khác. Kinh Thánh Tân Ước cho chúng ta biết về một cơ nghiệp.

Ngợi khen Đức Chúa Trời, là Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài lấy lòng thương xót cả thể khiến chúng ta lại sanh, đặng chúng ta nhờ sự Đức Chúa Jêsus Christ sống lại từ trong kẻ chết mà có sự trông cậy sống, là cơ nghiệp không hư đi, không ô uế, không suy tàn, để dành trong các từng trời cho anh em, là kẻ bởi đức tin nhờ quyền phép của Đức Chúa Trời giữ cho, để được sự cứu rỗi gần hiện ra trong kỳ sau rốt! (1 Phi-e-rơ 1: 3-5).

TÔI BIẾT CHẮC QUÊ HƯƠNG TRÊN TRỜI

“Hết thảy những người đó đều chết trong đức tin, chưa nhận lãnh những điều hứa cho mình; chỉn trông thấy và chào mừng những điều đó từ đằng xa, xưng mình là kẻ khách và bộ hành trên đất. 14 Những kẻ nói như thế, tỏ rõ rằng mình đương đi tìm nơi quê hương. 15 Ví thử họ đã tưởng đến nơi quê hương mà mình từ đó đi ra, thì cũng có ngày trở lại, 16 nhưng họ ham mến một quê hương tốt hơn, tức là quê hương ở trên trời; nên Đức Chúa Trời không hổ thẹn mà xưng mình là Đức Chúa Trời của họ, vì Ngài đã sắm sẵn cho họ một thành” (Hê-bơ-rơ 11:13-16).

 

Tôi đang đếm bước thời gian. Giới hạn đời người là 120 năm. Người Việt chỉ nghĩ đến Ba Vạn Sáu Ngàn Ngày. Rồi ai nấy cũng phải trở về nhà. Tôi sẽ về nhà nguyên vẹn.

Tôi được khích lệ khi nghe nhận xét của Mục Sư Rick Warren, một danh nhân có liên hệ cố vấn tâm linh cho rất nhiều người, trong đó có tôi.

“Thật là một sai lầm nguy hiểm khi cho rằng mục đích của Chúa dành cho cuộc đời của bạn là sự thịnh vượng về vật chất hay sự thành công, sự nổi tiếng theo như định nghĩa của thế gian.  Sự sống dư dật không phải chỉ là sự dư dật của cải vật chất mà thôi.  Sự thành tín của Chúa không bảo đảm sự thành công trong nghề nghiệp hay thậm chí trong mục vụ.  Đừng nên quá chú tâm vào những vương miện tạm thời này.

Phao-lô là một sứ đồ trung tín, nhưng rồi ông kết thúc cuộc đời của mình trong ngục tù.  Giăng Báp-tít là một sứ giả trung tín, nhưng rồi ông bị chặt đầu.  Hàng triệu người đã trung tín và tử đạo, mất hết mọi thứ, hoặc kết thúc cuộc đời mà chẳng có gì để tự hào.  Nhưng kết thúc cuộc đời vẫn chưa phải là dấu chấm hết cuối cùng!

Trong II Cô-rinh-tô 4:18, lời Chúa cho biết: “Vì chúng tôi không chú tâm vào những sự vật hữu hình, nhưng vào những sự vật vô hình vì sự vật hữu hình chỉ là tạm thời, còn sự vật vô hình mới là vĩnh cửu.” (II Cô-rinh-tô 4:18 – BDM).

Khi cuộc sống đầy dẫy những khó khăn, khi lòng bạn đầy dẫy những nghi ngờ, hay khi bạn tự hỏi rằng liệu việc sống cho Đấng Christ có đáng để mình phải nổ lực quá nhiều như thế hay không, thì hãy nhớ rằng bạn chưa về đến nhà đâu.  Khi qua đời thì không phải là bạn lìa nhà – mà là bạn sẽ về nhà.”

Tôi cũng thích câu nói sau đây của Mục Sư Rick Warren,

“Hãy nhớ bạn đã đến được bao xa, chứ không phải bao xa bạn còn phải đi.  Bạn không đang ở tại nơi mình muốn, nhưng đó cũng không phải là nơi bạn đã từng ở.  Cách đây vài năm, nhiều người thích đeo chiếc khuy có ghi chữ PBPGINFWMY (Please Be Patient God Is Not Finished With Me Yet), nghĩa là “Hãy kiên nhẫn Chúa chưa xong việc của Ngài với tôi.” Chúa cũng chưa hoàn tất việc của Ngài đối với bạn, vì vậy, hãy tiếp tục tiến lên. Ngay cả con ốc sên cũng bò đến được chiếc tàu (Nô-ê) bằng sự kiên trì.”

 

Mục Sư Nguyễn Văn Huệ

 

 

 

 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên