Trang Chủ TRANG CHỦ Khôn Ngoan Và Ngu Muội Trong Một Con Người

Khôn Ngoan Và Ngu Muội Trong Một Con Người

941
0
SHARE

 

CÁC BÀI HỌC VỀ SA-LÔ-MÔN

Sa-lô-môn là một kẻ ngốc khôn ngoan nhất (the wisest fool). Ông là người khôn ngoan nhất trên trái đất, nhưng ông không nhận ra rằng bản thân không biết tất cả. Hôm nay, chúng ta thử đặt câu hỏi, “Làm thế nào một người thông minh có thể rơi vào một kết cục bi thảm như vậy?”

Khi nghĩ về Sa-lô-môn, chúng ta có thể tự hỏi liệu ông quá thông minh, nhưng tại sao lại phạm một số sai lầm nghiêm trọng?

Sai lầm đầu tiên mà chúng ta sẽ nói đến là:

  1. SA-LÔ-MÔN ĐÃ KHỞI ĐẦU TỐT, NHƯNG KHÔNG KẾT THÚC TỐT

 

Chúng ta đều đã thấy những vận động viên vượt lên dẫn đầu trong một cuộc đua và sau đó không còn thể lực để hoàn thành cuộc đua. Một đội bóng rổ có thể khởi đầu rất mạnh nhưng cuối cùng lại bị đánh bại. Thế giới tràn ngập những người được bình chọn là “có nhiều khả năng thành công nhất”, nhưng họ đã bị rơi và cháy ngay sau khi “máy bay cất cánh.” Nhiều người tài giỏi khởi đầu tốt mọi việc, nhưng lại không kết thúc tốt. Kinh Thánh thường nói về tầm quan trọng của việc hoàn thành tốt. Chúa Giê-su dạy: “kẻ nào bền chí cho đến cuối cùng, thì sẽ được cứu” (Ma-thi-ơ 24:13). Vào cuối đời, sứ đồ Phao-lô có thể nói: “Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin. Hiện nay mão triều thiên của sự công bình đã để dành cho ta; Chúa là quan án công bình, sẽ ban mão ấy cho ta trong ngày đó, không những cho ta mà thôi, nhưng cũng cho mọi kẻ yêu mến sự hiện đến của Ngài” (2 Ti-mô-thê 4: 7-8).

Hãy nghĩ về những gì Sa-lô-môn làm lúc ban đầu. Chúa đến thăm ông trong một giấc mơ và bảo ông hãy cầu xin bất cứ thứ gì mà lòng ông mong muốn. Sa-lô-môn có thể cầu xin sự giàu sang hoặc danh vọng, nhưng thay vào đó ông cầu xin Chúa cho sự khôn ngoan để cai trị dân tộc của mình. Ông muốn trở thành một vị vua tốt. Và bởi vì lời thỉnh cầu của Sa-lô-môn làm đẹp lòng Chúa, Ngài không chỉ ban cho ông sự khôn ngoan tuyệt vời mà còn ban cho ông sự giàu sang và danh vọng. Sa-lô-môn đã viết phần lớn sách Châm-ngôn. Ông cũng viết Truyền đạo, Nhã ca và một phần của sách Thi thiên. Sa-lô-môn đã có rất nhiều điều để nói về cách sống khôn ngoan, nhưng ông không làm theo lời khuyên của chính mình. Khi viết sách Châm-ngôn, ông nói: “Sự kính sợ Đức Giê-hô-va là khởi đầu sự tri thức; Còn kẻ ngu muội khinh bỉ sự khôn ngoan và lời khuyên dạy” (Châm-ngôn 1:7). Nhưng ông không tiếp tục giữ sự kính sợ Chúa và coi thường lời khuyên dạy. ÔNG TRỞ THÀNH THE WISEST FOOL.

 

Sự khôn ngoan của ông được minh họa rõ nhất trong câu chuyện nổi tiếng về hai cô gái điếm.

“Bấy giờ, có hai con bợm đến cùng vua, đứng trước mặt vua. 17 Một đứa nói: Chúa tôi ôi! Người đàn bà nầy và tôi ở chung nhau một nhà, và tôi đẻ bên người trong nhà đó. 18 Sau ba ngày, người nầy cũng đẻ; chúng tôi ở chung nhau, chẳng một người lạ nào ở với chúng tôi trong nhà; chỉ có hai chúng tôi ở đó mà thôi. 19 Lúc ban đêm, con trai của người nầy chết, bởi vì người đã nằm đè trên nó. 20 Đêm khuya người chỗi dậy, và trong khi con đòi vua ngủ, thì người lấy con trai tôi khỏi bên tôi, mà để nó nằm trong lòng mình; rồi đặt con trai chết của nó nằm trong lòng tôi. 21 Sáng sớm, tôi thức dậy đặng cho con trai tôi bú, thì thấy nó đã chết; nhưng sáng rõ, tôi nhìn nó kỹ càng, thấy chẳng phải là con trai tôi đã đẻ. 22 Người đàn bà kia trả lời rằng: Không phải vậy; vì đứa sống là con trai tao, đứa chết là con trai mầy. Song đàn bà nầy nói: Không phải vậy đâu; đứa chết là con trai mầy, còn đứa sống là con trai tao.

Hai người cãi nhau như vậy trước mặt vua. 23 Vua bèn phán rằng: Người nầy nói: Đứa còn sống là con trai tao, và đứa chết là con trai mầy. Người kia nói: Không phải vậy đâu; song con trai mầy ấy là đứa chết, và con trai tao ấy là đứa sống. 24 Vua bèn tiếp rằng: Vậy, hãy đem cho ta một cây gươm. Người ta đem cho vua một cây gươm. 25 Vua lại phán: Hãy chia đứa trẻ sống làm hai; phân nửa cho người nầy và phân nửa cho người kia. 26 Nhưng mẹ của đứa trẻ sống, – vì gan ruột cảm động thương yêu con mình, – bèn tâu với vua rằng: Ôi, chúa tôi! Xin hãy cho người kia con trẻ sống, chớ giết nó. Nhưng người kia nói rằng: Nó sẽ chẳng thuộc về tao, cũng chẳng thuộc về mầy; hãy chia nó đi. 27 Bấy giờ, vua cất tiếng phán rằng: Hãy cho người nầy đứa trẻ sống, chớ giết nó; ấy là mẹ nó. 28 Cả Y-sơ-ra-ên đều nghe sự đoán xét mà vua đã làm, thì bắt kính sợ vua, vì thấy trong lòng người có sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời đặng xử đoán công bình” (1 Các vua 3:16-28)

Sa-lô-môn rất khôn ngoan trong câu chuyện trên đây. Ông đã khởi đầu tốt, nhưng nhiều điều xảy ra sau đó cho chúng ta biết rằng những chương cuối của cuộc đời ông rất tệ hại.

Ông đã đưa ra những quyết định ngu ngốc trong cuộc đời.

Ban đầu, ông xây dựng một ngôi đền nguy nga cho Chúa, nhưng sau đó ông cũng đã xây dựng một cung điện còn nguy nga hơn cho riêng mình.

Và không lâu sau đó, ông đã xây dựng những khu dinh thự sang trọng cho các bà vợ của mình – 700 người vợ chính thức, chưa kể 300 người vợ lẽ.

Đầu tiên Sa-lô-môn thờ phượng chân thần duy nhất là Đức Chúa Trời, nhưng không lâu sau đó ông đã thờ phượng tất cả các thần ngoại giáo của các quốc gia xung quanh.

Thay vì để việc thờ phượng Đức Chúa Trời ảnh hưởng đến các quốc gia chung quanh, Sa-lô-môn bị quyến dụ đi theo các vị thần của những người vợ ngoại bang.

Kết quả là sự khôn ngoan của Sa-lô-môn trở thành sự ngu ngốc.  Ông trở thành “the wisest fool.”

Điều này cũng đúng đối với chúng ta: Cơ đốc nhân có thể thất bại trước các trận chiến thuộc linh phía trước, vì chuẩn bị không tốt và thiếu thức ăn thiêng liêng thích hợp. Sa-lô-môn đã không chuẩn bị cho những áp lực, cám dỗ của cuộc sống và những điều khác mà ông có thể phải đối mặt với tư cách là vua. CHÚNG TA SẼ KHÔNG KẾT THÚC TỐT VÌ CHÚNG TA ĐÃ KHÔNG CHUẨN BỊ TỐT. Sức bền phải được phát triển tốt nhất trước khi nó trở nên cần thiết. Vận động viên không chuẩn bị tốt sẽ không thể có một kết thúc tốt. Cơ đốc nhân không chuẩn bị tốt sẽ không hoàn thành tốt cuộc đua thuộc linh, mặc dù những bước chạy đầu tiên rất tốt.

Sa-lô-môn đã có một khởi đầu tốt, nhưng ông đã kết thúc tệ hại. Trái ngược với điều này là Phao-lô. Sứ đồ Phao-lô đã có một khởi đầu tệ hại, nhưng lại có một kết thúc tốt.

BÍ QUYẾT CỦA ĐỜI SỐNG LÀ CHUẨN BỊ CẨN THẬN CHO TƯƠNG LAI. Hãy quay lại những điều cơ bản và xem lại chúng cho đến khi bạn nhận thức đúng vấn đề. Sa-lô-môn đã tham gia vào cuộc đua thuộc linh, nhưng quên mất những điều cơ bản. Ông phát triển sự khôn ngoan của mình hơn là dựa vào sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời và ngừng phát triển mối quan hệ của mình với Đấng đã ban cho ông sự khôn ngoan.

Ông bắt đầu với một TẤM LÒNG mềm mại đối với Đức Chúa Trời và kết thúc với một TẤM LÒNG xa lánh Đức Chúa Trời.

  1. SA-LÔ-MÔN KHÔNG TIẾP TỤC VƯƠN TỚI SỰ TRƯỞNG THÀNH THUỘC LINH

“Khi nói đến những mục vụ hằng ngày thực hiện cho Đức Chúa Trời, anh ta đã làm ít nhất những gì anh ta có thể để đạt được, và thời gian trôi qua anh ta càng ngày càng làm ít hơn – và cuối cùng anh ta sẽ dừng lại ở con số không.” Đây là lời nhận xét dành cho một Cơ đốc nhân không vươn tới sự trưởng thành thuộc linh. Và chúng ta biết kết quả cuối cùng của người này.
Khi Sa-lô-môn được sinh ra, “Đức Giê-hô-va sai đấng tiên tri Na-than đến đặt tên cho nó (Sa-lô-môn) là Giê-đi-đia, vì Đức Giê-hô-va yêu mến nó” (2 Sa-mu-ên 12:25)

Tên ban đầu của Sa-lô-môn là Giê-đi-đia, có nghĩa là “được Chúa yêu thương.” Nhưng Sa-lô-môn đã bị dụ dỗ thờ phượng các vị thần của Ba-anh và Mô-lết là những vị thần đáng ghê tởm của các quốc gia ngoại đạo. Lúc đầu, ông chấp nhận việc thờ cúng các vị thần này bởi vì những người vợ ngoại quốc của mình, nhưng cuối cùng ông đã bắt chước các hành vi xấu xa của họ và chấp nhận các vị thần này. Kinh Thánh cho biết, “Trong buổi già yếu, các hoàng hậu của Sa-lô-môn dụ lòng người đi theo các thần khác: Đối cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình, lòng người chẳng trọn lành như thể lòng của Đa-vít, là cha người” (1 Các vua 11:4). Sa-lô-môn vẫn còn thờ phượng Chúa và dâng của lễ trong những kỳ lễ đặc biệt, nhưng lòng ông đã quay lưng lại với Chúa, cho đến khi: “Đức Giê-hô-va phán với Sa-lô-môn rằng: Bởi vì ngươi đã làm điều nầy, không giữ giao ước và luật pháp ta truyền cho ngươi, nên ta chắc sẽ đoạt lấy nước khỏi ngươi, cho kẻ tôi tớ ngươi. Song vì cớ Đa-vít, cha ngươi, ta sẽ chẳng làm điều đó trong đời ngươi. Ta sẽ đoạt lấy nước khỏi tay con trai ngươi” (1 Các Vua 11:11-12). Và bi kịch này xảy ra sau khi Sa-lô-môn qua đời.

Không phải ngẫu nhiên mà Sa-lô-môn đã viết sách Truyền đạo, quyển sách nói về sự tuyệt vọng. Đó là một luận thuyết của một người đã tìm kiếm niềm vui và ý nghĩa cuộc đời ở tất cả những nơi sai trái. Đôi khi trong cuốn sách, tác giả còn đưa ra các giải pháp chính xác cho vấn đề, nhưng lúc này tác giả bị mắc kẹt trong tội lỗi đến mức không thể làm theo lời khuyên của chính mình. SA-LÔ-MÔN LÀ CÂU CHUYỆN VỀ MỘT NGƯỜI ĐÃ ĐÁNH MẤT CHÚA, VÀ BÂY GIỜ ÔNG THẤY KHÔNG CÓ NIỀM VUI NÀO TRONG CUỘC SỐNG. Sa-lô-môn bắt đầu cuốn sách với những từ: “Hư không của sự hư không, hư không của sự hư không, thảy đều hư không” (Truyền đạo 1:2).

Nhưng đạo, lời của Chúa không bao giờ là hư không. Cơ đốc giáo không phải là một sự theo đuổi tầm thường vô nghĩa. Nó không phải là một nghi lễ hình thức được thực hiện, nó là một cuộc đời để sống. NÓ LÀ MỐI QUAN HỆ ĐỘC QUYỀN VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI.

Vấn đề nan giải với thế giới của chúng ta ngày nay không phải là sự vô đạo đức của các phương tiện truyền thông. Vấn đề không nằm ở chỗ các hành vi gian dối của các nhà chức trách, nó không phải là sự hư hoại của các tòa án hay các trường đại học. Vấn đề trong thế giới của chúng ta ngày nay là các hội thánh. Bởi vì con dân của Đức Chúa Trời đã không được như những gì họ nên là, chúng ta đang sống với một mớ hỗn độn và suy đồi luân lý. Chúng ta ngồi xuống khi lẽ ra phải đứng lên. Chúng ta đã thất bại trong việc trở thành muối và ánh sáng cho thế giới. Chúng ta đã không phụ thuộc vào sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời và đang dựa vào sự khôn ngoan của thế giới. Chúng ta đã tôn thờ các vị thần / vật chất/ các hình tượng của thế giới này và không giữ được tình yêu ban đầu của chúng ta dành cho Chúa. Chúng ta đã bị phân tâm bởi những điều chúng ta đang làm đến nỗi các ưu tiên của chúng ta bị đảo lộn. Chúng ta đang làm những việc thứ yếu khác thay vì tập chú vào đại mạng lệnh của Chúa. Khi các hội thánh trở về với Lời Chúa /áp dụng Lời ấy thì thế giới sẽ được thay đổi bởi quyền năng Đức Thánh Linh tuôn tràn từ trong hội thánh.

Bất kể bạn nghĩ bước đi của mình với Đức Chúa Trời có mạnh mẽ đến đâu, bất cứ ai, như Sa-lô-môn, cũng có thể đánh mất ân điển Chúa do không nuôi mình bằng lời Chúa hàng ngày. Sự hết lòng với Đức Chúa Trời là cần thiết, và chúng ta không thể chia sẻ lòng trung thành của mình với Đức Chúa Trời cho những thứ khác.

  1. SA-LÔ-MÔN ĐỂ CHO ƯU ĐIỂM CỦA ÔNG TRỞ THÀNH NHƯỢC ĐIỂM
    Điểm mạnh của Sa-lô-môn chính là trí tuệ, đó là món quà từ Chúa, nhưng nó nhanh chóng trở thành điểm yếu của ông.

Ông bắt đầu suy nghĩ thay vì cầu nguyện.

Ông ấn tượng với trí thông minh của mình đến nỗi ông tra hỏi mọi thứ.

Ông coi trọng việc tranh luận trên cả sự hiểu biết.

Sa-lô-môn viết trong sách Truyền đạo, “Ta cũng chuyên lòng học biết sự khôn ngoan, và biết sự ngu dại điên cuồng; ta nhìn biết điều đó cũng là theo luồng gió thổi. Vì nếu sự khôn ngoan nhiều, sự phiền não cũng nhiều; ai thêm sự tri thức ắt thêm sự đau đớn” (Truyền đạo 1: 17-18). Sa-lô-môn muốn khám phá mọi lĩnh vực kiến ​​thức của con người.  Nhưng kiến thức này không dẫn đến sự khôn ngoan chân thật, nó chỉ dẫn đến sự nhầm lẫn.

Kinh Thánh nói về những người có thái độ cố chấp: “Vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa; song cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm. Họ tự xưng mình là khôn ngoan, mà trở nên điên dại; họ đã đổi vinh hiển của Đức Chúa Trời không hề hư nát lấy hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu, thú, côn trùng”  (Rô-ma 1: 21-23). Phần Kinh văn này mô tả một khía cạnh về Sa-lô-môn. Ông đã được ban cho một món quà tuyệt vời là sự khôn ngoan, nhưng ÔNG BẮT ĐẦU LỆ THUỘC MÓN QUÀ ĐÓ THAY VÌ LỆ THUỘC VÀO THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG BAN CHO. Ông bắt đầu dựa vào khả năng hiểu biết của chính mình hơn là tìm kiếm kiến ​​thức, sự khôn ngoan và sự mặc khải đến từ Đức Chúa Trời.

Thậm chí Sa-lô-môn còn vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời, ông nghĩ rằng bằng cách nào đó bản thân ông sẽ là một ngoại lệ đối với luật pháp của Chúa. Luật Cựu Ước cấm vua không được thu gom cho mình ba thứ: vợ, ngựa và vàng. “Khi ngươi đã vào xứ mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho, được nhận lấy và ở tại xứ đó rồi, nếu ngươi nói: Tôi sẽ lập một vua lên cai trị tôi, như các dân tộc chung quanh, thì khá lập một vua lên cai trị ngươi, mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi sẽ chọn; phải lập lên một vua thuộc về anh em ngươi; chớ nên lập một người ngoại bang lên, không phải anh em ngươi.  Song vua ấy chẳng nên lo cho có nhiều ngựa, chớ vì muốn thêm nhiều ngựa mà dẫn dân sự trở lại xứ Ê-díp-tô; bởi Đức Giê-hô-va đã phán cùng các ngươi rằng: Các ngươi sẽ chẳng trở về đường đó nữa. Vua cũng không nên kén nhiều phi tần, e lòng người trở xấu xa; lại chẳng nên thâu góp nhiều bạc vàng” (Phục truyền luật lệ ký 17: 14-17). Sa-lô-môn đã vi phạm những lời này.

Nhiều người vợ của Sa-lô-môn là con gái của các vị vua láng giềng và đại diện cho các liên minh chính trị. Những cuộc hôn nhân này dẫn Sa-lô-môn đến sự phụ thuộc vào các đồng minh quân sự của ông thay vị phụ thuộc vào Chúa.

Ngựa, chiến xa và kỵ binh khiến cho Sa-lô-môn dựa vào sức mạnh quân sự của mình hơn là Đức Chúa Trời.

Vàng tượng trưng cho sự giàu có và khiến Sa-lô-môn dựa vào giá trị của nó, thay vì dựa vào Đức Chúa Trời.

Sa-lô-môn đã phá vỡ tất cả những quy tắc này, VÌ ÔNG NGHĨ BẢN THÂN QUÁ THÔNG MINH. Ông nghĩ rằng ông có thể xử lý mọi vấn đề. Nhưng những người vợ của ông đã làm suy yếu tình yêu của ông đối với Chúa; những con ngựa của ông đã làm suy yếu sự phụ thuộc của ông vào Chúa và vàng làm suy yếu lòng ham muốn của cải thiêng liêng của ông nơi Chúa. TRÍ TUỆ CỦA SA-LÔ-MÔN ĐÃ LÀM CHO ÔNG NGHĨ RẰNG ÔNG KHÔNG CẦN TÌM KIẾM SỰ KHÔN NGOAN ĐẾN TỪ ĐỨC CHÚA TRỜI.

Vậy bài học này có ý nghĩa gì đối với chúng ta là những Cơ đốc nhân trong thế kỷ 21?

Có lẽ bạn là một người ham hiểu biết. Điểm mạnh của bạn là bạn có thể hoàn thành nhiều việc hơn trong một ngày so với hầu hết mọi người có thể hoàn thành trong một tuần. Đó là một điều tuyệt vời, nhưng nếu nó đi quá xa, bạn có thể bị thúc đẩy đến mức không còn thời gian cho mối quan hệ của mình với Chúa hoặc những người khác.

Điểm mạnh của bạn có thể là sự thông minh của bạn, nhưng nếu sự thông minh đó đi quá xa khiến bạn không thể coi trọng những điều quan trọng trong cõi đời đời thì sao?

Bạn có trung tín về tài chính không? Điểm mạnh của bạn có trở thành điểm yếu vì nó khiến bạn đặt sự an toàn của mình vào tiền bạc hơn là Chúa?

Vào cuối triều đại của Sa-lô-môn, ông không thành công chút nào! Tại sao? SA-LÔ-MÔN ĐÃ  CÓ ĐẦY ĐỦ MỌI SỰ, NGOẠI TRỪ TẤM LÒNG TRUNG THÀNH VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI.  Cuối cùng, ông được mọi người nhớ đến vì sự kiêu ngạo và ngu muội của bản thân, hơn là vì sự khôn ngoan do Chúa ban cho.

Điều đó có xảy ra với nhiều người trong chúng ta không? Đôi khi chúng ta quên rằng chính Đức Chúa Trời mới là người phải có được vinh hiển chứ không phải chính chúng ta?

MỌI VINH HIỂN QUI VỀ ĐỨC CHÚA TRỜI!  KHÔNG PHẢI VỀ CHÚNG TA!

Bởi vì sự thật là, Ngài đã tạo ra chúng ta. Ngài đã ban cho chúng ta những khả năng/ân tứ. Ngài đáng được vinh danh.

Đừng để ưu điểm của bạn trở thành nhược điểm. Đừng đi quá xa. ĐỪNG QUÊN SỰ PHỤ THUỘC CỦA BẠN VÀO CHÚA NGAY CẢ TRONG NHỮNG KHẢ NĂNG SẴN CÓ CỦA BẠN.

 

KẾT LUẬN

 

Robert Fulghum nhắc nhở chúng ta rằng sự khôn ngoan thực sự được tìm thấy từ những bài học đơn giản của cuộc sống. Ông đã viết trên báo Kansas Times, “Hầu hết những gì tôi thực sự cần biết về cách sống, những gì phải làm và làm như thế nào, tôi đã học được ở trường mẫu giáo. Trí tuệ không nằm ở học vị của trường cao học, mà ở trong các bài học căn bản của trường mẫu giáo. Đây là những điều tôi học được: Chia sẻ mọi thứ. Chơi công bằng với người khác. Đừng đánh người. Hãy để yên đồ vật tại nơi bạn tìm thấy nó. Dọn dẹp mớ hỗn độn của riêng bạn. Đừng lấy những thứ không phải của bạn. Hãy nói xin lỗi khi bạn làm tổn thương ai đó…. Khi  bước ra ngoài phố, hãy quan sát xe cộ lưu thông, nắm tay và gắn bó với các bạn đồng hành…”

SỰ KHÔN NGOAN LÀ NHÌN BIẾT ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ NƯƠNG CẬY, LỆ THUỘC VÀO NGÀI TRONG MỌI HOÀN CẢNH TỪ KHI KHỞI ĐẦU CHO ĐẾN KHI KẾT THÚC.

 

Tường Vi.

Bài tiếp theo sau đây của Warren W. Wiersbe.

 

 

SA-LÔ-MÔN

Chớ chi họ khôn ngoan và hiểu được.

Ước gì nghĩ đến sự cuối cùng vẫn đợi họ!

Phục truyền luật lệ ký 32:29

Dù cho Đa-vít đã kiêng ăn và cầu nguyện, nhưng đứa trẻ sanh ra từ mối quan hệ ngoại tình giữa ông và Bát-sê-ba chỉ có thể sống được một tuần và không có tên. Tuy nhiên, đứa con thứ hai mà Bát-sê-ba sanh cho Đa-vít được đặt hai tên. Cha mẹ đặt cho đứa trẻ tên Sa-lô-môn, nghĩa là “bình an,” còn Đức Chúa Trời đặt tên Giê-đi-đia, nghĩa là “Đức Giê-hô-va yêu mến.” (Tên Đa-vít nghĩa là “được yêu mến). Hiển nhiên ngay từ đầu Đức Chúa Trời đã đặc biệt yêu thương Sa-lô-môn và Ngài ban cho ông những nhiệm vụ đặc biệt. Sau vấp phạm đầy đau thương của mình, Đa-vít hạnh phúc vì một lần nữa Đức Chúa Trời khẳng định tình yêu thương của Ngài đối với ông.

  1. S. Eliot đã mở đầu bài thơ “Chân dung một quý cô” bằng câu thơ “Khởi đầu không biết được kết thúc,” và điều này đặc biệt đúng với Sa-lô-môn. Nếu trên đời này có một người được sinh ra với đầy đủ mọi đặc quyền đặc lợi và có đầy đủ mọi ân tứ tốt đẹp nhất của Đức Chúa Trời thì đấy chính là Sa-lô-môn. Ông đã khởi đầu đầy hứa hẹn khi còn trẻ nhưng kết thúc khác xa với những gì ông đã bắt đầu. Clarence McCartney, một mục sư người Mỹ, đã nói rằng: “Sa-lô-môn có thể được mô tả là một người ngu muội khôn ngoan nhất (the wisest fool) trong Kinh Thánh.” Điều này nghĩa là Sa-lô-môn chưa từng thật sự tiến bộ trong trường đời nhưng cứ học lại cùng một lớp – một người “ngu muội khôn ngoan.” Điều này cũng hàm ý rằng Sa-lô-môn không nhận thức rằng bản thân ông không biết tất cả (không có đủ trình độ học vấn để nhận ra các giới hạn về kiến thức của mình).

Hãy cùng xem xét bốn bức chân dung về Sa-lô-môn, mỗi một hình ảnh thể hiện một giai đoạn trong cuộc đời của ông và dạy cho chúng ta một bài học quan trọng.

CON NGƯỜI THUỘC LINH, HẦU VIỆC ĐỨC CHÚA TRỜI

Những năm đầu của Sa-lô-môn đem đến điều tốt đẹp cho dân sự và dâng vinh quang về Đức Chúa Trời, mặc dù triều đại của ông đã bắt đầu với những mưu đồ và đổ máu trong cung. Đa-vít gần qua đời, mọi người đều biết Đức Chúa Trời đã lựa chọn Sa-lô-môn làm vị vua tiếp theo, tuy nhiên A-đô-ni-gia thách thức vua cha cùng người anh cùng cha khác mẹ của mình và tuyên bố chính ông là vua. A-đô-ni-gia phải trả giá bằng cái chết, và đại tướng Giô-áp, tòng phạm, cũng chung số phận. Tên Sa-lô-môn nghĩa là “bình an,” nhưng ông biết phải giải quyết những kẻ phá rối như thế nào. Có lẽ Sa-lô-môn đã chứng kiến hậu quả đau buồn của sự khoan dung mà Đa-vít dành cho Am-nôn và Áp-sa-lôn và cương quyết phải hành động một cách ngay thẳng nhưng dứt khoát. Trong những năm đầu trị vì, Sa-lô-môn không chịu nhượng bộ để được hòa bình bằng bất cứ giá nào.

Chúng ta cảm thấy ấn tượng với lời cầu xin đầy khiêm nhường của Sa-lô-môn rằng Đức Chúa Trời ban cho ông sự khôn ngoan để lãnh đạo đất nước. Chúng ta cũng cảm thấy ấn tượng với lòng rộng rãi của Đức Chúa Trời khi ban cho Sa-lô-môn cả sự khôn ngoan mà ông cầu xin lẫn những điều mà con người bình thường khác đều mong muốn. Đây chính là minh họa trong Cựu Ước cho câu Kinh Thánh Ma-thi-ơ 6:33, “Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa.” Vào lúc này, Sa-lô-môn đã đặt đúng thứ tự ưu tiên.

Sa-lô-môn là một hình mẫu tốt cho dân sự. Ông trung tín vâng giữ sự thờ phượng mà Môi-se đã thiết lập và mỗi năm đều giữ Lễ Vượt Qua, Lễ Ngũ tuần và Lễ Đền Tạm (1 Các vua 9:25; Xuất. 23:14-17) và dùng chính sự giàu có của mình để cung cấp hàng ngàn của hiến tế cho các lễ lớn của quốc gia. Nói tóm lại, ông chứng tỏ là một con người thuộc linh.

Đức Chúa Trời đã hai lần hiện ra cho Sa-lô-môn (1 Các vua 3:5 và 9:2) và “Giê-hô-va Đức Chúa Trời người ở cùng Sa-lô-môn, và làm cho người rất thạnh vượng” (2 Sử ký 1:1). Nhà vua phải tự chép một bản sao sách Luật pháp cho riêng mình – có lẽ là sách Phục truyền luật lệ ký – và suy ngẫm luật pháp ấy (Phục. 17:14-20). Chắn hẳn Sa-lô-môn đã vâng theo lời dạy này, bởi vì khi đọc lời cầu nguyện của ông tại lễ cung hiến đền thờ (1 Các vua 8), chúng ta có thể nói rằng Sa-lô-môn quen thuộc với các giao ước mà Đức Chúa Trời đã thiết lập với Y-sơ-ra-ên. Thật đáng buồn khi về sau, ông dần dần phớt lờ lời Lời Chúa đến mức hoàn toàn không vâng phục Ngài.

Năm thứ tư trị vì, Sa-lô-môn bắt đầu xây dựng đền thờ, một công việc cần đến 200.000 nhân công và mất bảy năm để hoàn thành. Đa-vít đã chuẩn bị bản thiết kế xây dựng, vật tư và tài chính, vì thế Sa-lô-môn không phải lập chiến dịch gây quỹ. Trong ngân khố đã có 3.750 tấn vàng, 37.500 tấn bạc, ngoài ra còn có kim loại, gỗ và đá với giá trị không thể tính hết được. Công nhân không phải là người Y-sơ-ra-ên sẽ phải làm công việc nặng nhọc, nhưng vua gọi 30.000 người nam Do Thái đến Li Băng để chặt cây, cứ ba tháng thực hiện công việc một lần. Đây là một cái giá rất đắt mà dân sự phải trả, nhưng công tác này là vì Đức Chúa Trời và vì Đa-vít. Sau khi Sa-lô-môn qua đời, dân sự đã than phiền về công tác nặng nhọc này với vua Rô-bô-am, song vị vua mới không thấu hiểu (1 Các vua 12:1-10).

CON NGƯỜI THẾ TỤC, BẮT CHƯỚC THẾ GIAN

Sa-lô-môn là người có nhiều sở thích. Ông rất quan tâm đến sự khôn ngoan – có lẽ ngày nay chúng ta sẽ gọi là nó là “triết học.” Trong đời của mình, Sa-lô-môn đã viết 3.000 câu châm ngôn. Ông là một nhạc sĩ và đã sáng tác hơn một nghìn bài hát. Với đầy am hiểu về thực vật học, sinh vật học và động vật học, Sa-lô-môn được những khách phương xa tìm đến để đặt cho ông những câu hỏi. Riêng việc trả lời cho những câu hỏi trên cũng đủ khiến Sa-lô-môn trở thành một người dẫn chương trình truyền hình trực tiếp tài năng.

Khi đền thờ được hoàn thành, Sa-lô-môn lao ngay vào kế hoạch mở rộng khiến cho dân chúng không kịp thở – và gần như khánh kiệt. Ông đã dành bảy năm để xây dựng đền thờ; và giờ đây dành mười ba năm để xây một khu phức hợp ba tầng có tên là “cung rừng Li-ban” (1 Các vua 7:2-5). Cung này bao gồm hoàng cung, một hậu cung cho người vợ Ai Cập, một nơi đặt ngai vua, và “hiên cửa có trụ.” Cung điện nằm giữa “khoảng sân lớn” gắn liền với khoảng sân chung quanh đền thờ. Vì thế khi dân sự đến thành Giê-ru-sa-lêm, họ sẽ không biết kiến trúc nào hoành tráng hơn, là đền thờ của Đức Chúa Trời hay là “cung rừng Li-ban.”

Sa-lô-môn cũng tham gia vào lĩnh vực xuất nhập khẩu. Ông lập một đội tàu biển và tuyển dụng những thủy thủ có kinh nghiệm từ các quốc gia khác (vì người Do Thái không nổi tiếng về tài đi biển) và sai họ đi đến những vùng đất xa xôi để bán những sản vật của Y-sơ-ra-ên và mua những hàng hóa ở nước ngoài về lại. Sa-lô-môn lập khế ước với các quốc gia khác để được nhập khẩu hàng hóa của họ, nhờ vậy, nhà vua và đất nước rất được thịnh vượng.

Dĩ nhiên, các công việc kinh doanh đắt đỏ này cần được bảo vệ, chính vì thế Sa-lô-môn xây dựng một đội quân thường trực, củng cố tường thành Giê-ru-sa-lem và xây dựng công sự tại Hát-so, Mê-ghi-đô, và Ghê-xe, đảm bảo biên giới quốc gia được bảo vệ an toàn. Làm trái lời Chúa đã truyền trong Phục truyền luật lệ ký 17:16-17, nhà vua đã nhập khẩu các xe ngựa và ngựa từ Ai Cập (ông đã quên lời cha mình đã viết trong Thi thiên 20:7; 33:16-17) và lấy bảy trăm phi tần là những người có “nguồn gốc hoàng tộc,” trong số đó có con gái của Pha-ra-ôn. Ông cũng có ba trăm nàng hầu. Sa-lô-môn cũng bắt chước các vua dân ngoại là những người cho rằng càng có nhiều phi tần thì càng chứng minh sự giàu có và tôn trọng. Trong số các cung phi, nhiều người chỉ có ý nghĩa đảm bảo cho các hiệp ước mà Sa-lô-môn thiết lập với các vua nước khác, đảm bảo sự hòa bình và hợp tác giữa các nước khác và Y-sơ-ra-ên. Dù gì đi nữa, cha vợ của bạn sẽ không tuyên bố chiến tranh hoặc ngăn chặn con đường giao thương với nước của bạn nếu như con gái của ông ấy đang được bạn che chở. Tuy nhiên, theo giới răn của Chúa, người Y-sơ-ra-ên không được kết thông gia với các nước khác, và đây chính là căn nguyên đẩy Sa-lô-môn đến sự sụp đổ.

Bên cạnh những thành tựu đắt giá của Sa-lô-môn, chúng ta có thể thấy lượng thực phẩm khổng lồ mà cung điện của ông tiêu thụ hằng ngày (1 Các vua 4:22-28), tất cả chỉ có một từ để tả – xa hoa. Dĩ nhiên, khi bạn có một trăm bà vợ ở trong nhà, cộng với nhân viên và tùy tùng, bạn sẽ phải cần rất nhiều lương thực. Nhà vua đã lấy lương thực từ đâu? Sa-lô-môn vẽ ra một tấm bản đồ mới và chia thành mười hai huyện, mỗi một huyện cung cấp thức ăn cho một tháng (bao gồm thức ăn cho đàn ngựa của Sa-lô-môn.) Ông cũng đánh thuế người dân cách nặng nề (xem 1 Các vua 4:7; 12:1-19) và hằng năm tiếp nhận các vật triều cống từ các vua lân bang, những vùng đất mà Đa-vít, cha của ông đã chinh phục.

Dân Giu-đa và Y-sơ-ra-ên “ăn uống và vui chơi” (1 Các vua 4:20). Song không phải tất cả đều tốt lành, bởi vì sự hào nhoáng và quyến rũ bên ngoài chỉ có thể che đậy sự mục nát ở bên trong. Như Alexander Whyte đã nói: “Con sâu bí mật… đang gặm nhắm cây phủ việt mà Sa-lô-môn đang có.”[1] Nhà thơ người Anh Oliver Goldsmith đã nói lên điều này rất xuất sắc trong bài thơ “Ngôi làng hiu quạnh” (The Deserted Village):

Thủa hàn vi không nhiều thử thách.

Khi thịnh vượng, dễ đắm chìm.

Dường như đất nước Y-sơ-ra-ên đang rất hùng cường, nhưng thực tế lại từ từ mục nát bởi vì họ không đặt Chúa lên trên hết.

Người Do Thái không được phép trở nên giống như các quốc gia khác, và Sa-lô-môn biết điều này. Trong lễ khánh thành đền thờ, ông đã cầu nguyện rằng: “Chúa đã phân cách họ khỏi các dân tộc trên đất, để họ làm cơ nghiệp Chúa” (1 Các vua 8:53). Khi học về luật pháp Môi-se, chắc chắn nhà vua đã đọc Dân số ký 23:9, “Tôi nhìn người: Kìa, là một dân ở riêng ra, sẽ không nhập số các nước.” Và chắc hẳn nhà vua cũng đã đọc những lời cảnh báo mà Đức Chúa Trời dành cho dân Y-sơ-ra-ên rằng họ không được bắt chước dân Ca-na-an. Song Sa-lô-môn đã phớt lờ những chỉ dẫn từ Chúa mà xây dựng một quốc gia và một thủ đô mà các dân tộc khác phải đố kỵ, và các dân từ phương xa đã đến để chiêm ngưỡng những kỳ quan tại Y-sơ-ra-ên. Tất cả mọi người trên đất đều cảm thấy ấn tượng, ngoại trừ Đức Chúa Trời.

Trước khi nhận xét về vị vua cổ đại, xin hãy nhìn lại đời sống, Hội Thánh mà mình đang sinh hoạt để thấy phải chăng ngày nay chúng ta cũng đang phạm phải cùng sai lầm giống như ông? Phải chăng Hội Thánh cũng bắt chước thế gian trong những nỗ lực để thu hút thế gian? Có phải chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời hay chỉ dàn dựng một màn biểu diễn? Liệu người khác có nhìn thấy chúng ta kính sợ Chúa và phản chiếu ra những mỹ đức tuyệt vời của Ngài? Phải chăng một nhà thờ đông người là dấu hiệu của sự chúc phước hay là dấu hiệu của sự thỏa hiệp? Có ai trong hội chúng cảm thấy bị cáo trách về tội lỗi? Đây là những câu hỏi rất hệ trọng không thể phớt lờ. Có lẽ con sâu đã gặm nhắm bên trong rồi.

CON NGƯỜI NGHI NGỜ, CHÁN GHÉT SỰ SỐNG

Thế giới cổ đại không có luật bản quyền, cũng không có ngày xuất bản, chính vì thế chúng ta không biết Sa-lô-môn đã viết các sách Châm ngôn, Truyền đạo và Nhã ca vào giai đoạn nào trong đời sống của ông. Tôi luôn cho rằng sách Nhã ca, một quyển sách tán dương tình yêu con người, được sáng tác vào thời kỳ đầu trong chức vụ của Sa-lô-môn. Quyển sách nhấn mạnh đến tình yêu của một người nam dành cho một người nữ. Sách Châm ngôn được Sa-lô-môn sáng tác suốt quãng đời của mình và sau khi ông qua đời, người ta đã tập hợp lại thành một sách (Châm ngôn 25:1). Nhưng sách Truyền đạo gần như chắc chắn là thuộc về những năm cuối đời khi Sa-lô-môn dừng lại để nhìn về quá khứ và đánh giá những gì đã xảy ra. Đó là một bản ký thuật những kế hoạch và thành công cá nhân, “những kinh nghiệm” của Sa-lô-môn về cuộc sống và những bài học mà ông đã phải trả giá.

Sách Truyền đạo ghi lại sự thất vọng của Sa-lô-môn đối với cuộc sống, không chỉ về cuộc sống của ông, nhưng cũng là cuộc sống của những người mà ông nhìn thấy ở chốn thương trường, và thậm chí là ở trong cung vua. Ông dùng từ hư không ba mươi tám lần trong quyển sách này; từ hư không được dịch từ tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “phù phiếm, trống rỗng, hư ảo.” Sa-lô-môn đang đối diện với một khủng hoảng cuối đời, và tất cả sự suy ngẫm về triết lý của ông thể hiện một sự hoài nghi – gần như là yếm thế. Ông viết rằng: “Vậy ta ghét đời sống, vì mọi việc làm ra dưới mặt trời là cực nhọc cho ta, thảy đều hư không, theo luồng gió thổi” (Truyền đạo 2:17).

Sa-lô-môn khám phá ra rằng bạn có thể có quyền lực, giàu có, khôn ngoan và cơ hội – tất cả mọi điều được tóm gọn vào hai chữ: thành công – nhưng nếu bạn không có Đức Chúa Trời, cuộc sống sẽ không làm bạn thỏa mãn, hoặc thậm chí là vô nghĩa. Nói tóm lại, đây chính là thông điệp của sách Truyền đạo; và khi bạn đọc sách này, bạn sẽ không ngạc nhiên khi thấy Sa-lô-môn nhìn cuộc sống và trở nên hoài nghi, thậm chí là yếm thế. (Người hoài nghi nhướng mắt lên mà nói: “Bạn không thể chứng minh được điều đó!” Nhưng người yếm thế cười khinh bỉ mà càu nhàu: “Dù nếu bạn có chứng minh được, thì cũng không đáng để làm!”) Sa-lô-môn đánh mất niềm tin vào con người, vào những thử thách của cuộc sống, vào những lạc thú, và vào chính sự giàu có và khôn ngoan của ông. Hơn thế nữa, dù có nhận ra hay không, Sa-lô-môn đang dần đánh mất niềm tin nơi Chúa. Ông không có gì để nương tựa khi cố gắng tìm kiếm phương hướng cho cuộc du hành cuối cùng của mình trong biển đời đầy phong ba.

Hãy nhớ rằng trước khi Sa-lô-môn đi đến kết cục này, ông đã có nhiều hành động xuất phát từ lòng tham vọng ích kỷ. Thực ra ông không cần đến công viên giải trí hay sở thú, hoặc những chiếc cốc bằng vàng và những loại thịt đắt tiền, và chắc chắn ông cũng không cần đến một trăm người nữ để vui chơi với họ. Đức Chúa Giê-su cảnh báo chúng ta rằng “sự lo lắng về đời nầy, và sự mê đắm về của cải” có thể bóp nghẹt Lời Chúa và khiến chúng ta không kết quả (Ma-thi-ơ 13:22). Sa-lô-môn đã quá chú tâm vào các công việc đời này mà bắt đầu phớt lờ Lời Chúa, và hậu quả đó là sự ngờ vực đã thế chỗ của đức tin.

Chính sự nghi ngờ này đã khiến cho Sa-lô-môn dễ dàng nhìn vào tôn giáo của các người vợ ngoại quốc của ông mà hỏi rằng: “Có lẽ họ sẽ có điều gì đó cho ta.”

CON NGƯỜI TỘI LỖI, QUAY MẶT KHỎI ĐỨC CHÚA TRỜI

Tôi không tin Sa-lô-môn là một người bội đạo, một người hoàn toàn từ bỏ Đức Chúa Trời của tổ tiên mình. “Trong buổi già yếu, các hoàng hậu của Sa-lô-môn dụ lòng người đi theo các thần khác: Đối cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình, lòng người chẳng trọn lành như thể lòng của Đa-vít, là cha người” (1 Các vua 11:4). Nhà vua vẫn công khai thờ phượng Đức Chúa Trời cùng dân sự, song đó không phải là sự thờ phượng chân thành. Đa-vít là một người được đẹp lòng Chúa, song tấm lòng của Sa-lô-môn thì bị xé đôi, một nửa thuộc về Đức Chúa Trời là Đấng đã ban phước cho ông cách rộng rời, còn nửa kia thì bị các bà vợ ngoại bang lôi kéo, họ đã dỗ dành nhà vua lúc tuổi già. Sa-lô-môn không có sức mạnh để kháng cự lại sự ảnh hưởng của những người vợ, vậy nên ông đã thỏa hiệp và rồi sa ngã. Trong ngày cung hiến đền thờ, nhà vua đã nói cùng dân sự rằng: “Các ngươi khá lấy lòng trọn lành đối với Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta” (1 Các vua 8:61), nhưng giờ đây chính ông là người không vâng theo mệnh lệnh ấy.

Tôi cho rằng kẻ thù đã nhìn thấy kẻ hở đầu tiên trên chiếc áo giáp hoàng gia, đó là khi Sa-lô-môn cưới công chúa Ai Cập làm vợ mặc dù truyền thống Do Thái kể lại rằng bà đã cải đạo và có niềm tin của người Do Thái. Các nơi cao của người ngoại giáo là điều cấm đối với người Do Thái, tuy nhiên các nơi cao dành để dâng hiến tế cho Đức Giê-hô-va thì được chấp nhận cho đến khi đền thờ được xây dựng (xem 1 Sa-mu-ên 9:11-25). Ít nhất Đức Chúa Trời đã không quở trách Sa-lô-môn khi ông thờ phượng Chúa trên một nơi cao tại Ga-ba-ôn (1 Các vua 3:4). Khi số các người vợ ngoại quốc của Sa-lô-môn càng gia tăng thì tấm lòng của ông cũng bắt đầu quay khỏi Chúa (1 Các vua 11:1-13). Những “năm tháng thế tục” đã chuẩn bị Sa-lô-môn cho bước đi này, đó là thời gian mà nhà vua đã cố gắng để làm cho các nước láng giềng và dân sự của ông ấn tượng nhưng lại không trau dồi tấm lòng yêu thương đối với Chúa.

Đức Chúa Trời vẫn yêu thương Sa-lô-môn mặc dù ông không thể tận hưởng tình yêu thương ấy, và bởi vì yêu thương nên Ngài sửa trị (Hê-bơ-rơ 12:4-11). Sa-lô-môn nhận biết những cảnh báo đến từ Chúa (2 Sa-mu-ên 7:14-15; 1 Các vua 3:14; 6:11-13; 9:3-9), song ông chọn phớt lờ các lời cảnh báo ấy. Đức Chúa Trời cho phép các kẻ thù nổi lên chống lại ông, và rồi Ngài thông báo rằng khi con trai của Sa-lô-môn lên ngôi, mười chi phái sẽ bị xé khỏi vương quốc mà giao cho một vua khác (1 Các vua 11:14-40). Bởi vì tình yêu thương dành cho Đa-vít, Đức Chúa Trời cho phép những người nối ngôi Sa-lô-môn trị vì một chi phái.

Đã bao giờ Sa-lô-môn nhìn vào hiện trạng mà quay về với Chúa? Tôi muốn nghĩ rằng ông đã từng có như thế. Tôi cảm thấy rằng có một ngày ông nhận ra mình đang sống dựa trên những điều thứ yếu – danh vọng, chứ không phải nhân cách; dục vọng, chứ không phải tình yêu thương; giá cả, chứ không phải giá trị; niềm tin vào chính mình, chứ không phải đức tin nơi Chúa; sự nghiệp, chứ không phải cuộc đời – và rồi ông ăn năn quay trở về với Chúa. Chí ít Truyền đạo 11:9-12:14 đã thể hiện chiều hướng ấy. Có lẽ nhà vua đã đọc lại sách Phục truyền luật lệ ký và bị bắt phục khi đọc đoạn 32 câu 29, “Chớ chi họ khôn ngoan và hiểu được. Ước gì nghĩ đến sự cuối cùng vẫn đợi họ!”

Đã đến lúc Sa-lô-môn trở nên một cụ già sức yếu và sự sống sẽ nhanh chóng kết thúc. Trong sách Truyền đạo, ông đã nhìn quanh và thấy đời sống không có Chúa thì phù phiếm là bao, chính vì thế ông đã nói cùng những độc giả của mình, đặc biệt là những người trẻ, và cho họ ba lời khuyên răn: hãy vui mừng (11:7-9), hãy vứt bỏ (11:10), và hãy nhớ (12:1-8). Cuối cùng, ông tóm lại trong đoạn 12 câu 13 rằng: “Khá kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn Ngài; ấy là trọn phận sự của ngươi.” Ở đây không cần phải thêm từ “phận sự,” bởi vì từ “trọn vẹn của ngươi” đã thể hiện rất rõ ý nghĩa. Sa-lô-môn đã nhìn thấy nhiều mảnh ghép cuộc sống “dưới ánh mặt trời,” và thật khó để sắp đặt chúng lại với nhau. Điều ông cần – và cũng là điều ông khuyên chúng ta – đó là hãy nhìn cuộc sống từ cái nhìn của thiên đàng để có được bức tranh toàn cảnh.

Sách giáo lý Westminster giản lược đã nêu bậc vấn đề này: “Đâu là mục đích của đời người? Đó chính là làm vinh hiển Đức Chúa Trời và vui hưởng chính Ngài mãi mãi.”

Trong thời gian chúng ta còn sống trên đất này, Đức Chúa Trời “mỗi ngày ban mọi vật dư dật cho chúng ta được hưởng” (1 Ti-mô-thê 6:17). Chúng ta còn phải cầu xin điều chi?

 

Warren W. Wiersbe

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

[1] Whyte, Bible Characters, 284.

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên