Trang Chủ LỜI CHỨNG CÁ NHÂN Khi Một Người Do Thái Tìm Kiếm Đấng Mê-si

Khi Một Người Do Thái Tìm Kiếm Đấng Mê-si

472
0
SHARE

(Lời Chứng của cụ Abey Patkoon, do Vũ Trung Hiền, Pasadena, CA, lược dịch)

Đây là lời chứng của cụ Abey, thân phụ của bác sĩ Leo Patkoon, một nah em của chúng ta.

Dù cụ Abey đã qua đời từ năm 1969, lời chứng của cụ vẫn vô cùng sống động, gây xúc động cho hằng triệu người.

Cụ Abey sinh năm 1900, trong một gia đình theo đạo Do Thái, sinh sống ở Johannesburg, Nam Phi.

Dưới đây là lời chứng của cụ Abey. Chữ “tôi” được dùng để nói về cụ.

 

Từ khi còn bé, tôi đã được cha mẹ dạy là đừng bao giờ nhắc đến tên Jesus Christ, vì đây là một cái tên đáng khinh ghét.

Nhưng năm tôi 12 tuổi, tôi bắt đầu thắc mắc và tìm hiểu về Đấng Mê si, hay Đấng Cứu Chuộc, thường được nhắc đến trong Cựu Ước, và những lời tiên tri về Đấng này.

Trong lớp học, tại một trường Cơ Đốc, tôi là đứa trẻ duy nhất theo Do Thái Giáo.

Mỗi sáng, khi những học sinh khác đứng dậy làm lễ, tôi ngồi ở cuối lớp, nghe các bạn đọc kinh, và tôi thấy họ nhắc đến tên Jesus Christ, Đấng Mê si, hay Đấng Cứu Chuộc.

Tôi tự hỏi, nếu Đức Giê hô va đã hứa sai Đấng Mê si, hay Đấng Cứu Chuộc đến thế gian này, mà Đấng này vẫn chưa đến (theo lời dạy của cha mẹ tôi), thì chẳng hóa ra Đức Giê hô va không thực hiện lời hứa của Ngài sao.

 

Sáng thế ký 49:10 đã nói rõ :“Cây phủ việt chẳng hề rời khỏi Giu đa, kẻ lập pháp không dứt khỏi giữa chân nó, cho đến chừng Đấng Si-lô hiện tới”

Vào lúc Chúa Jesus sinh ra, cây phủ việt đã rời khỏi xứ Giu đa, và dân Do thái đang ở dưới sự thống trị của người La mã.

Thi Thiên 22 mở đầu với những lời thống thiết: “Đức Chúa Trời tôi ôi! Đức Chúa Trời tôi ôi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?”

Cũng trong chương 22 này, chúng ta còn đọc thấy ở câu 14 “Tôi bị đổ ra như nước”, câu 16 “Chúng nó đâm lủng tay và chơn tôi” , câu 18 “Chúng nó chia nhau áo xống tôi, bắt thăm về áo dài tôi”. Đây quả là những cảnh tượng mô tả lúc Chúa bị đóng đinh nơi Gô gô tha!

 

Trong sách Ê sai, cũng như trong Cựu Ước, chúng ta thấy nhiều chỗ nói tiên tri về Đấng Mê si.

Với trí tò mò và lòng khao khát muốn tìm hiểu của tôi về Đấng Mê si đã hứa trong Cựu Ước, tôi đưa ra những thắc mắc với cha mẹ tôi, và với những thầy dạy đạo Do Thái, nhưng đáp lại, câu trả lời cho tôi chỉ là những trận đòn roi đau đớn!

Cha mẹ tôi và những thầy dạy đạo đều cho tôi biết rằng Đấng Mê-si ấy chưa đến, nhưng mai mốt đây, mới đến thế gian này.

Thông thường thì những thiếu niên Do thái, khi được 13 tuổi, đều phải nhận lễ Bar Mitzah để đánh dấu mình sắp đến tuổi thành niên.

Nhưng tôi chưa hoàn toàn hết thắc mắc về Đấng Mê si, nên xin với cha mẹ tôi hoãn việc nhận lễ Bar Mitzah này cho đến khi nào tôi hết thắc mắc đã.

 

Nhưng tôi chỉ được phép hoãn tới năm tôi được 14 tuổi, 4 tháng thôi.

Hôm đó là ngày 25/12/1914. Tôi lên một ngọn đồi trong công viên Auckland, thành phố Johannesburg, chỉ có một mình tôi,, để cầu nguyện và nghiền ngẫm những sách trong Cựu Ước, những lời tiên tri về nhân vật Jesus, Đấng mà dân ngoại tôn thờ.

Tôi thấy tiên tri Ê sai đã tiên đoán trong Ê sai 7:14 là Chúa Jesus do một trinh nữ sinh ra; tiên tri Mi chê 5:1 tiên đoán Ngài sinh ra tại thành Bết lê hem; Ê sai 55:3 cho biết Ngài “đã bị người ta khinh dể và chán bỏ, từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm, bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem…”

Thật khó diễn tả nỗi vui mừng của tôi khi từ từ tôi nhận biết Chúa Jesus chính là Đấng Mê si mà Cựu Ước đã hứa. Ngài chính là Ánh Sáng của Thế Gian, là Chiên Con của Đức Chúa Trời

 

Chính vì thế mà khi cha mẹ Ngài đem Chúa đến đền thờ để dâng cho Chúa, ông Si-mê-ôn đã bồng ẵm em bé Jesus, và cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, bây giờ xin Chúa cho tôi tớ được qua đời bình an, theo như lời Ngài, vì con mắt tôi đã thấy sự cứu vớt của Ngài.”

Riêng về phần tôi, tuy không tham dự lễ Bar Mitzah, tôi đã tìm gặp được Chúa Jesus, là Cứu Chúa của mình.

Tôi quỳ xuống ngay trên đất, tại công viên đó, và lần đầu tiên, cầu nguyện xin Chúa tiếp nhận linh hồn tôi, tha thứ cho tôi, cất khỏi tôi gánh nặng tội lỗi đã đè nặng trên tôi bấy lâu nay.

Khi đứng dậy, tôi vững tin rằng Chúa đã tha tội tôi, và ban cho tôi ân điển cùng sức mạnh để đương đầu với bất cứ trở ngại nào trước mắt.

Khi trở về nhà, buổi tối 25/12/1914, đứng trước mặt cha mẹ, tôi bày tỏ niềm tin của tôi nơi Chúa Jesus, Đấng Mê-si, Chúa Hòa Bình, và Cứu Chúa của tôi.

Dĩ nhiên là cha mẹ tôi rất bực bội và giận dữ, khi biết tôi quyết định như vậy.

Họ đuổi tôi ra khỏi nhà, và cấm không cho tôi liên lạc với bất cứ ai trong gia đình, dòng họ.

Tôi phải tự kiếm cách mưu sinh, nhờ đó tôi cảm nhận được quyền năng Chúa giúp đỡ tôi sống tự túc trong vòng 2 năm, và tôi tiếp tục học hỏi trong các sách Cựu Ước để hiểu thêm về Chúa Jesus.

Sau 2 năm, cha tôi gọi tôi về, rồi gửi tôi đến thành phố Middleburg, sống giữa cộng đồng Do thái địa phương, và căn dặn những thân hữu ở đó phải làm mọi cách cho tôi rời bỏ niềm tin nơi Chúa Jesus, và nếu họ thất bại, thì dù tôi có bị tử thương trong một tai nạn nào đó, cũng chẳng sao.

Nhưng sau 6 tháng hoài công vô ích, không thể làm tôi thay đổi niềm tin vững chắc nơi Chúa Jesus, họ gửi tôi về lại nhà cha mẹ tôi.

Về đến nhà ngày 7/6/1917, tôi đến một nhà thờ Cơ Đốc và dự nhóm lần đầu tiên, Chúa nhật 10/6/1917.

Tuần lễ sau, cha mẹ tôi cho tôi một chai nước trà và một ổ bánh mì, rồi nhờ anh ruột tôi, bác sĩ  Solomon Petkoon, đưa tôi lên xe lửa, về thành phố Capetown. Anh tôi hộ tống tôi đến Germiston, để đoan chắc là tôi không bỏ xe lửa để trở về nhà.

Khi từ giã, mẹ tôi trao cho tôi một phong thư, trong đó bà viết: “Abey, kể từ nay, con không còn là con trai của mẹ nữa, vì con đã bỏ niềm tin Do Thái giáo, bỏ nhà hội, và đi theo một kẻ giả mạo tên là Jesus. Cha mẹ đã làm một hình nhân để thay thế con, và chôn nó đi rồi, coi như con đã chết. Mẹ nguyện cầu Đức Chúa Trời của Áp ra ham, Y sác và Gia cốp hành hại con, cho con thành kẻ đui mù, câm điếc, liệt cả người, và Ngài sẽ đoán phạt linh hồn con đời đời. Hãy nhớ lời rủa sả này của mẹ.” và bà đã ký tên ở cuối thư.

Từ đó trở đi, tôi sống lang thang, làm đủ mọi thứ nghề để sinh sống: cộng tác với gánh xiếc và các hội chợ, chơi đàn vĩ cầm ngoài đường phố cho người ta nhảy múa…

Tôi cũng đã tham dự nhiều nhóm tôn giáo, đứng lên làm chứng về đức tin của tôi, nhưng không một nơi nào khiến cho tôi thỏa lòng…

Mãi cho đến năm 1934, trong lúc tham gia một chiến dịch diệt trừ châu chấu phá hại mùa màng, tôi đến sống tạm ở một nông trại vùng N’th Hlazntjie. Tại đó, tôi được gặp hai nhà truyền đạo. Khi ấy tôi không biết họ đến đấy để truyền giảng.

Buổi tối, như thường lệ, đi làm về, tôi ăn cơm rồi về phòng nghỉ ngơi, suy gẫm Lời Chúa. Khoảng 7 giờ tối, tôi nghe tiếng đàn, tiếng hát thánh ca ở một phòng nhóm gần đó.

Sáng hôm sau, tôi hỏi và được biết hai nhà truyền đạo ấy đến nông trại để rao giảng Phúc Âm. Họ không dám mời tôi tham dự, vì nghĩ tôi là người Do Thái, và chắc là tôi không sẵn sàng đến. Khi tôi bày tỏ niềm tin, họ mời tôi buổi tối đến nghe giảng.

Nghe họ giảng, và thấy cách sống của hai người này, tôi biết họ là những tôi tớ thật của Chúa.

Tôi đã từng gặp nhiều mục sư, truyền đạo, nhưng những người đó chỉ toàn rao giảng lý thuyết thần học. Họ có thể giảng luận hay, hùng hồn, nhưng không để lại một gương sáng hay mẫu mực nào cả.

Những người đó thiếu sự mềm mại, nhịn nhục, đầu phục Chúa, và lòng sẵn sàng vác thập tự giá, những đức tính mà hai tôi tớ Chúa này đã bày tỏ ra qua nếp sống thuận phục Chúa Jesus, người lãnh đạo của họ. Tôi đã có thể thấy qua lời giảng, và cách sống, hai tôi tớ này đã theo gương mẫu của Chúa Jesus. Họ hoàn toàn đầu phục Chúa, và để Chúa dẫn dắt đời sống họ; mọi người có thể dễ dàng thấy Chúa qua họ.

Tôi thấy những tôi tớ thật này đã bước theo chân Đấng xưng mình là “Đường Đi, Lẽ Thật, và Sự Sống”

Tôi tham dự tất cả những buổi nhóm và nghe hai tôi tớ này rao giảng, cho đến khi họ rời trang trại này để đi nơi khác.

Sang năm 1935, tôi đến sống ở thị trấn Beaufort West, và tham dự buổi nhóm ở những nhà thờ trong vùng. Dần dần tôi thấy chán ngán những bài giảng đầy lý thuyết mà chẳng có gương sáng nào của các mục sư tại mấy nhà thờ đó.

May mắn đến với tôi khi tôi tới thuê phòng ở nhà một góa phụ nghèo. Bà này sống với một người con gái, và tôi thấy trong hai phụ nữ này những đức tính mà tôi đã thấy nơi hai tôi tớ Chúa tôi đã gặp ở trang trại N’th Hlazntjie.

Trong 21 năm, kể từ năm 1914, lúc tôi nhận ra Chúa Jesus chính là Đấng Mê-si đã hứa trong Cựu Ước, tôi sống như một đứa con hoang đàng, vì tôi không thật sự biết Chúa.

Suốt 21 năm, tôi không có được sự thỏa lòng, vì tôi chưa được trở về Nhà Cha, chưa được bước vào sự thông công với dân sự của Chúa.

Tôi cảm tạ Chúa, vì Ngài đã cho tôi được vào trong gia đình của Chúa, được thông công với dân sự Chúa, những người được lựa chọn, được biệt riêng ra cho Ngài.

Các bạn có thể gặp dân sự của Ngài ở khắp nơi trên thế giới. Họ giống nhau ở cách thông công, cách thờ phượng, và cách thể hiện tình thương yêu nhau.

Thật là một đặc ân cho tôi, một người Do thái, được bước vào sự thông công với dân sự Chúa, và được làm con cái của Ngài!

Nguồn: Tinlanh Library FB

 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên