Trang Chủ TRANG CHỦ CHÚA THEO ĐUỔI TÔI

CHÚA THEO ĐUỔI TÔI

690
0
SHARE

Tôi thích những lối đi an toàn. Nói rõ hơn để mọi người hiểu, điều gì có lợi ích thiết thực tôi sẽ theo đuổi. Điều gì mà lý trí của tôi nói là bất lợi tôi sẽ dừng lại. Dĩ nhiên tôi cũng lờ mờ nhận ra là lý trí của mình không phải lúc nào cũng đúng. Nhưng tôi thích chọn lựa, giải quyết các vấn đề theo cách ít tổn hại nhất. Tôi theo số đông để thực hiện các quyết định của mình. Đối với tôi đi theo thiểu số là một sự mạo hiểm nhiều rủi ro. Triết lý của tôi đơn giản là hãy làm mọi việc theo trí khôn của mình. Nếu sau đó thời gian trả lời rằng tính toán của tôi sai lầm, lúc ấy tôi sẽ điều chỉnh lại hướng đi của mình cũng không muộn.

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình theo đạo Tin Lành. Ba tôi nói rằng ông bà nội của tôi là một trong những tín hữu đầu tiên của nhà thờ Tin Lành Đà Nẵng. Vì vậy ngay từ tuổi ấu thơ tôi đã tham gia vào các buổi nhóm và sinh hoạt tại nhà thờ. Tôi học những câu chuyện trong Kinh Thánh từ các giáo viên Trường Chủ nhật với một tâm trạng không lấy gì làm hứng thú. Thực ra lúc đó tôi đến nhà thờ chỉ để làm vui lòng ba má của tôi, nếu được tự do tôi thích tham gia tổ chức Hướng đạo sinh hơn là Chủ nhật nào cũng phải đến nhà thờ. Bạn bè trong lớp học của tôi tại trường Phan Chu Trinh có khoảng mười lăm đứa sinh hoạt trong Hướng đạo. Chúng nó thường kể cho tôi nghe những trò chơi, những môn học và các buổi cắm trại dã ngoại của Hướng đạo làm tôi thèm thuồng.

 

Tốt nghiệp Trung học vào năm 1980, tôi thi vào Khoa Vật Lý của Đại Học Sư Phạm Qui Nhơn. Lúc bấy giờ Quảng Nam – Đà Nẵng chưa có Trường Đại Học Sư Phạm, mà tôi lại không thích trường sư phạm ở Huế, nên tôi chọn Qui Nhơn. Tôi được mười sáu điểm cho ba môn thi Toán, Lý, Hóa trong khi điểm tối thiểu để đậu là mười lăm. Nhưng lúc này đất nước đang có chiến tranh, tôi phải đi khám sức khỏe để chuẩn bị tòng quân theo lệnh tổng động viên. Một điều may mắn là tôi bị cận 3 độ và có vấn đề về răng (mất sức nhai 40%) nên không đủ sức khỏe để nhập ngũ. Thế là trong khi các bạn bè phải vào Trường huấn luyện tân binh thì tôi ung dung vào Đại Học. “Cổng trường Đại Học cao xa lắm. Mười đứa thi vô chín đứa nhào”. Ngày đó bạn bè tôi thường đọc cho nhau nghe câu ca dao thời thượng này. Cũng đúng thôi, sĩ số lớp tôi là bốn mươi chín thì chỉ có năm đứa đỗ vào Đại học. Tôi hãnh diện mang hành lý, lên xe đò vào nhập học tại Trường vào một buổi sáng cuối Thu với “lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc”. Đời sinh viên êm ả của tôi bắt đầu từ đây….

 

Tôi được nhà trường cho vào ở trong khu Ký túc xá sinh viên, tại đây tôi có dịp làm quen với một nhóm sinh viên Tin Lành gồm các khoa: Văn, Toán, Lý, Sinh. Quốc Hưng, một sinh viên khoa Văn, có tấm lòng yêu mến Chúa là nhóm trưởng của nhóm này. Chúng tôi gặp nhau hằng tuần trong khu nội trú và có những buổi nhóm cầu nguyện, chia sẻ Lời Chúa với nhau. Lễ giáng sinh chúng tôi cùng trốn ra khỏi Ký túc xá và tham dự lễ tại hai nhà thờ Tin Lành trong thành phố. Lúc bấy giờ nội qui của khu nội trú là sinh viên không được ra ngoài dự lễ giáng sinh. Dĩ nhiên chúng tôi chấp nhận bị xử lý kỷ luật khi làm điều này. Nhưng sau đó tôi trở nên dao động hoang mang, vì phòng quản lý sinh viên của Trường mời tôi lên làm việc với lời răn đe: sinh viên nội trú không được tham gia các lễ hội tôn giáo bên ngoài, không được truyền bá đạo hay tổ chức cầu nguyện trong phạm vi nhà trường, nếu tái phạm sẽ bị kỷ luật.

 

Tôi thực sự lo lắng sau khi bị nhà trường cảnh cáo về những sinh hoạt tôn giáo của mình. Tôi nghĩ an toàn nhất là mình rút lui ra khỏi nhóm sinh viên Tin Lành này, phải học tốt nghiệp ra trường trước đã rồi sẽ thư thả tính sau. Có lẽ trong việc này tôi hèn nhát không giống như các bạn tôi lúc đó. Nhưng thôi mình chấp nhận hèn nhát miễn là được hai chữ bình yên. Bình yên với tôi trong lúc đó chỉ đơn giản là không bị Phòng quản sinh mời lên làm việc, chứ tôi nào có kinh nghiệm sự bình yên trong Chúa là gì! Than ôi, tôi thiển cận dường bao!

 

Trong hai năm đầu học Đại học, tôi có cơ hội làm quen với một số bạn hữu Cơ đốc ở đây. Trong số đó có Cao Văn Hương, một sinh viên khoa Toán với mái tóc dài lúc nào cũng che kín trán và đôi kính cận dày cộm. Anh bạn này trải nghiệm sự đầy dẫy Đức Thánh Linh và rất nóng cháy trong lẽ đạo Sự tái sanh. Câu hỏi trên cửa miệng của chàng sinh viên này với mọi người là: Anh (chị, ông, bà) đã được tái sanh chưa? Vào một hôm nọ tôi cũng bị Hương hỏi câu này. Tôi nghĩ đây là một phát súng tấn công nhắm vào mình đây. Tái sanh là gì? Tôi rất lơ mơ. Vì vậy tôi lặng thinh, suy nghĩ rồi hỏi lại Văn Hương:

-Tôi là một tín đồ từ khi mới sinh ra, điều này không đủ sao?

Văn Hương sôi nổi:

-Không đủ, bạn phải tiếp nhận Chúa Jesus làm Cứu Chúa một cách cá nhân. Gia đình của bạn là đạo dòng, điều này tốt nhưng ngay cả việc đó cũng không phải là tấm giấy chứng nhận rằng bạn đã thuộc về Chúa.

-Vậy tôi phải làm gì?

-Bạn phải ăn năn tội lỗi và cầu nguyện mời Chúa Jesus làm chủ cuộc đời bạn như bao nhiêu người khác.

-Tôi đã đi nhà thờ gần hai mươi năm nay, điều này không có ý nghĩa gì sao?

-Cũng có một chút ý nghĩa nhưng điều đó không cứu được bạn.

Thua! Tôi chấp nhận thua anh chàng siêu thuộc linh này. Tôi nghĩ thằng này đang ở trên mây. Mình có nói gì nó cũng không chấp nhận. Thôi thì phải lo cho cái thân mình trước đã.

Ngoài Cao Văn Hương ra, tôi còn gặp một thiếu niên đặc biệt khác. Tuấn Em, một học sinh lớp mười một của Trường cấp ba Quang Trung cũng vừa trải qua một sự thay đổi lớn lao. Sau khi được thần của Chúa đụng chạm, em thấy mình thật xấu xa, gian ác. Em đến gặp những người bạn và xin họ tha lỗi vì trước đây em đã từng nói dối hoặc làm một điều gì đó khiến họ bị tổn thương. Tuấn Em đến gặp tôi với nụ cười bẽn lẽn như con gái:

-Anh Việt tha lỗi cho em, vì em có vài lần thô lỗ với anh.

-Ồ, anh chẳng để ý gì mấy chuyện đó cả. Mà em có thô lỗ với anh hồi nào đâu?

-À, như thế này, em đã từng nghĩ rằng anh là một thằng tham ăn khi quan sát cách ăn vội vã của anh trong nhà bếp của ba má em. Rồi sau đó em nói xấu về anh với những người khác. Bây giờ Chúa chỉ cho em thấy ý nghĩ và lời nói đó thật gian ác đáng phải đi địa ngục. Mong anh tha lỗi…

Tôi đưa hai tay lên trời bái phục nó. Tôi nghĩ thằng này cũng thuộc loại đang ở trên mây đây. Mắc mớ gì lại cảm thấy hối hận về ý nghĩ của mình chứ? Tôi không hiểu được nó. Bất chợt tôi đưa tay lên sờ trán Tuấn Em xem thử nhiệt độ nó ra sao. Bình thường! Vậy là nó tỉnh táo? Khó hiểu quá…. Làm sao tôi có thể hiểu được những điều này với một tâm trí tự nhiên chưa biến đổi?

Tôi chỉ sinh hoạt với cộng đồng Cơ đốc tại Qui Nhơn trong hai năm đầu khi học Đại Học. Bước vào năm thứ ba cho đến khi tốt nghiệp ra Trường, tôi không còn đến nhà thờ hay tham gia các sinh hoạt của nhóm sinh viên Tin Lành nữa. Tôi không muốn bị nhà trường theo dõi và gây khó khăn cho việc học tập của mình. Bên cạnh đó tôi phải dồn sức lực cho hai năm cuối ở Đại Học với một chương trình dày đặc những môn học khó.

Ba má tôi ở Đà Nẵng biết việc không đi nhà thờ của tôi. Má tôi im lặng không nói gì, còn ba tôi thì buông ra một câu với má sau tiếng thở dài: “Tôi phải cầu nguyện cho linh hồn của thằng này, không khéo nó bỏ Chúa mất”.

Mùa Hè năm 1983 tôi về nghỉ Hè ở Quận Hải Châu, Đà Nẵng. Ba tôi trở nên già hơn với mái tóc hoa râm và trên khóe mắt hiện rõ những vết chân chim. Ông trầm ngâm suy nghĩ khi biết tôi không còn sinh hoạt tôn giáo nữa để tìm kiếm một sự an ninh cá nhân. Trong hai tháng nghỉ Hè ở nhà tôi miễn cưỡng tham gia các sinh hoạt của nhà thờ Tin lành Hải Châu theo yêu cầu của ba má mà không có một chút hứng thú nào. Ba tôi biết điều đó, ông âm thầm cầu nguyện cho tôi.

Một buổi chiều kia, trước khi vào lại Qui Nhơn tôi nói chuyện với má:

-Má à, lúc này con không có hứng thú đi nhà thờ.

-Thằng ni nói chi nghe lạ rứa, đi nhà thờ là bổn phận của mi chứ đâu phải có hứng thú mới đi.

-Nhưng đó là cảm nhận của con mà.

Má tôi nổi giận, nhưng rồi bà sầm mặt lại cố gắng nuốt trôi nỗi buồn của một người mẹ khi thấy con mình không còn tin kính Chúa nữa. Bà im lặng nhìn vào căn phòng của ba tôi, nơi đó ông thường đóng cửa để học Kinh Thánh và cầu nguyện mà không bị người khác quấy rầy. Ba tôi là giáo viên Trường Chủ nhật của hội thánh, nhưng ông đã không thể thuyết phục được tôi đi theo con đường của ông. Má tôi nói ba mi hình như đang cầu nguyện trong phòng. Tôi lại gần cửa phòng muốn nói vài lời với ba, đột nhiên tôi nghe tiếng của ông: Lạy Chúa nếu Ngài không đem con trai của con trở về nhà của Ngài và cho nó kinh nghiệm sự tái sinh thì thà là Chúa cất mạng sống con đi. Tôi bỗng cảm thấy lạnh sau gáy. Có phải Chúa dùng lời cầu nguyện này để cáo trách tôi?

Thời gian nghỉ Hè rồi cũng qua nhanh, tôi trở lại Qui Nhơn tiếp tục con đường học tập. Sau bốn năm mài rách bốn cái quần tây, tôi tốt nghiệp ra trường, trở thành giáo viên được sắp xếp lên một huyện ở miền núi Quảng Nam dạy học. Các bạn bè tôi trong nhóm sinh viên Tin Lành, có thằng bị buộc thôi học giữa chừng vì can đảm truyền bá Phúc Âm trong thời gian đi học. Còn tôi dường như đã thành công với quyết định khôn ngoan của mình.

Chỉ sau hai năm dạy học, tôi kết hôn với một cô giáo địa phương dạy cùng trường và sau đó một năm thì chúng tôi sinh hạ đứa con đầu lòng. Cuộc sống êm đềm trôi, tôi phấn đấu trong công tác dạy học của mình, bằng lòng với hoàn cảnh, không nghĩ gì đến việc đọc Kinh Thánh hay đi nhà thờ nữa. Tôi đã bị chìm sâu vào thế giới và cũng không ai biết rằng tôi đã từng được xem là một Cơ đốc nhân.

Nhưng Chúa vẫn theo đuổi tôi.

Sau bảy năm dạy học, tình cờ tôi gặp lại Quốc Hưng. Dĩ nhiên tôi nhớ rất rõ người bạn này. Cậu ấy đã từng là thủ lãnh của nhóm sinh viên Tin Lành trước đây trong Đại Học. Bây giờ Quốc Hưng là một nhân sự truyền giáo của một tổ chức Cơ đốc tại khu vực miền Trung. Biết tôi dạy học ở Quế Sơn, Quốc Hưng tìm đến nhà thăm tôi. Sau khi hàn huyên đủ thứ chuyện về gia đình, cuộc sống, những kỷ niệm xưa và đề cập đến đức tin nơi Chúa. Quốc Hưng kể cho tôi nghe một câu chuyện:

-Một ngày kia trên bước đường công tác, tình cờ tôi gặp một tín hữu Tin Lành đặc biệt. Tôi biết người này là tín hữu vì khi tôi làm chứng về Chúa cho anh thì anh nói rằng mình nguyên là một Cơ đốc nhân trước đây. Lúc đó tôi mới hỏi trong những năm qua anh có gặp khó khăn gì không. Anh ấy trả lời: “Tôi có một điều rất tuyệt vời, đó là từ khi tôi dời nhà ở Huyện Thăng Bình đến Điện Bàn để làm ăn thì tại đây không ai biết tôi là Cơ đốc nhân cả. Tôi đã giấu kín thân phận của mình nên hầu như tôi không gặp bất kỳ khó khăn nào”.

Nói tới đây, Quốc Hưng dừng lại im lặng trong vài phút, khuôn mặt trở nên đăm chiêu rồi chậm rãi từng lời trong khi tôi cảm thấy nóng ran cả người:

-Từ khi chia tay với anh ở Trường Đại Học tôi vẫn thường cầu nguyện cho linh hồn của anh. Tôi tin rằng Chúa thành tín, Ngài luôn yêu thương và gìn giữ anh trong mọi hoàn cảnh dù anh có cảm nhận hay không. Chúa đang chờ đợi anh trở về nhà của Ngài.

Tôi cũng có một thoáng nghĩ ngợi trước chân tình của Quốc Hưng và câu chuyện anh ta vừa kể. Nhưng cuộc sống của tôi dường như đã ổn định và tôi không muốn có thêm bất kỳ thay đổi nào.

Thế nhưng Chúa vẫn theo đuổi tôi.

Vào năm 2008 tôi đi khám bệnh và nhận được một tin choáng váng: Tôi bị ung thư phổi thời kỳ cuối. Trước đó tôi chỉ cảm thấy những cơn ho khó chịu trong người nhưng vẫn còn có thể làm việc được. Tôi được đưa đến bệnh viện C Đà Nẵng để điều trị. Sau một tuần nằm viện theo dõi và kiểm tra, bác sĩ cho tôi về nhà với lời dặn dò: chuẩn bị tinh thần, bệnh viện không thể chữa trị được căn bệnh này.

Thế là hết, tôi còn có hy vọng nào không?

Lúc này tôi về lại nhà riêng ở Huyện Quế Sơn, Quảng Nam với một tâm trạng tuyệt vọng. Thu Hương, vợ tôi cùng với hai đứa con nhỏ không biết phải làm gì với tình trạng hiện tại của tôi. Ba má tôi nhận được tin, ông bà vội vàng đón xe đò lên Quế Sơn thăm tôi trong trạng thái lo lắng bồn chồn. Khi đến nơi, ba tôi bắt đầu câu chuyện:

-Con đã bỏ nhà Chúa ra đi trong suốt nhiều năm qua. Có vẻ như con đã đạt được điều con theo đuổi, đó là có nghề nghiệp, địa vị, chức danh ở đời nhưng rồi cuối cùng là như thế này sao? Bao nhiêu năm qua ba má vẫn cầu nguyện cho con. Cái quí nhất của một đời sống là nhận được sự cứu rỗi linh hồn nhờ ân điển Chúa Jesus Christ. Con đã đánh mất nó, nhưng vẫn còn cơ hội cho con hôm nay. Không phải ngẫu nhiên hay tình cờ mà con bị căn bệnh hiểm nghèo này. Có thể đây là dấu hiệu Chúa muốn con trở về với Ngài. Bệnh tật của con ngoài khả năng chữa trị của con người nhưng đối với Chúa thì không có gì là khó quá. Chúa đã báo hiệu đèn đỏ trên con đường con đi. Con phải dừng lại không được vượt qua tín hiệu này. Ba khuyên con hãy ăn năn tội lỗi và cầu nguyện với Chúa để Ngài tha thứ cho con, hãy dâng hiến chính linh hồn, mạng sống của con cho Ngài. Việc sống chết nằm trong tay Chúa, Ngài có quyền năng chữa lành con để con trở nên một chứng nhân sống động cho Ngài. Con ra đi trong lúc này không có ý nghĩa gì cả, ngược lại nó sẽ là một nỗi đau khổ cho các con của con khi chúng còn nhỏ đang cần một người cha nuôi dưỡng. Chắc chắn là con cũng không muốn vợ của mình cô độc chèo chống nuôi con. Vậy nên con phải sống để giúp đỡ gia đình của con. Con phải sống để làm chứng nhân cho Chúa. Ba đọc cho con nghe các câu Kinh Thánh này: Nhưng Người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương, Bởi sự sửa phạt Người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi Người chúng ta được lành bịnh (Ê-sai 53:5). Và câu này nữa: Tôi sẽ chẳng chết đâu, nhưng được sống, thuật lại những công việc Đức Giê-hô-va (Thi thiên 118:17).

Tôi nằm trên giường nhìn vào khuôn mặt và ánh mắt của ba tôi. Bất chợt tôi nhận ra tấm lòng của ông đối với tôi mênh mông như biển lớn. Má tôi im lặng ngồi bên cạnh ba nước mắt lã chã rơi trên đôi gò má đã hằn vết nhăn. Tôi nghe một cơn đau nhói ở ngực – có lẽ hai lá phổi của tôi đang bị gặm nhấm bởi hàng triệu con vi trùng tai ác. Trong tuyệt vọng cùng đường, tôi thốt lên Chúa Jesus ơi, xin cứu con!

Và Chúa đã cứu tôi trong hoàn cảnh bi thương đó. Ba má tôi đặt tay, xức dầu, cầu nguyện cho tôi. Bằng những lời đơn sơ ba tôi thưa với Chúa: Lạy Chúa Jesus, Đấng hôm qua, ngày nay và cho đến đời đời không hề thay đổi. Ngài đã đến thế gian để giảng Tin Lành, đuổi quỉ, chữa bệnh. Hiện nay Ngài vẫn còn làm điều đó qua chức vụ của những người hầu việc Ngài. Nhờ những lằn đòn của Ngài trước thập tự giá mà Nguyễn Anh Việt – con trai của con nhận được sự chữa lành. Amen.

Một cảm giác nóng ran khắp người, dường như có một luồng điện chạy từ đầu đến chân của tôi. Tôi lồm cồm ngồi dậy và nhận ra mình vẫn còn hy vọng.

Hai tuần sau đó tôi chính thức đi nhà thờ trở lại sau nhiều năm bỏ nhà Chúa ra đi. Thực ra, không phải tôi trở về nhà Chúa mà chính là lần đầu tiên tôi đến với Chúa để được gặp Ngài cách cá nhân. Còn những năm tháng trước đây tôi chỉ là một Cơ đốc nhân hữu danh vô thực, mặc một chiếc áo tôn giáo mà không hề biết Chúa Jesus là ai. “Chiếc áo mặc không làm nên thầy tu”. Tôi đã cởi bỏ chiếc áo đó để mặc lấy chính Chúa Jesus Christ. Ngài đã chữa lành căn bệnh nan y của tôi. Chúa cho tôi sống để thuật lại những công việc của Ngài trên cuộc đời tôi. Ngay cả khi tôi quay lưng với Chúa thì Ngài vẫn theo đuổi tôi bằng tình yêu thương đời đời của Ngài. Trong bế tắc cùng đường tôi đã gặp được Đấng yêu tôi và phó chính mạng sống Ngài vì tôi. Sự cùng đường của tôi lại là khởi điểm của Chúa dành cho tôi. Cảm tạ Chúa vô cùng. Ha-lê-lu-gia!

Sau khi tôi nhận được sự chữa lành kỳ diệu, Thu Hương và hai con của tôi cũng tiếp nhận Chúa qua sự hướng dẫn của ba má tôi. Một bình minh mới đến trên gia đình của chúng tôi. Tôi biết mình đã thuộc về Chúa và nguyện dâng hiến những năm tháng còn lại để phục vụ Chúa Jesus Christ – Ngài là Đấng Chữa Lành.

 

MỸ LOAN

    

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên