Trang Chủ KINH THÁNH CHÂN DUNG 12 NHÀ LÃNH ĐẠO TRONG KINH THÁNH

CHÂN DUNG 12 NHÀ LÃNH ĐẠO TRONG KINH THÁNH

2570
0
SHARE

12 Bài Học Truyền Cảm Hứng Nhất Về Người Lãnh Đạo Trong Kinh Thánh

images (5)

Kinh Thánh đã được viết cách đây hàng ngàn năm. Trong thực tế trải qua dòng lịch sử, nó  là nguyên nhân của nhiều điều tốt cũng như gây nên những cớ vấp phạm. Một số người rất yêu thích Kinh Thánh trong khi những người khác chống đối nó.

Tính cách của các nhân vật và  những câu chuyện Kinh Thánh thật đáng kinh ngạc. Họ phải đối mặt với những thách thức lớn và vượt qua chúng với đức tin và sức chịu đựng kỳ lạ. Các nhân vật trong Kinh Thánh có thể dạy cho chúng ta rất nhiều bài học về nghệ thuật lãnh đạo.

  1. Nô-ê: làm điều đúng ngay cả khi chỉ có một mình.

noahs-ark

Trong Sáng thế ký 6, Đức Chúa Trời buồn rầu vì sự gian ác của con người gia tăng. Chúa quyết định tiêu diệt loài người và tái lập một thế giới khác. Nhưng Nô-ê được ơn trước mặt Chúa. Đức Chúa Trời truyền lệnh ông xây dựng một chiếc tàu để cứu gia đình của ông, và bảo tồn  toàn bộ đời sống động vật. Chúa phán với Nô-ê, “vì về đời nầy ta thấy ngươi là công bình ở trước mặt ta.” Toàn bộ thế giới lúc bấy giờ đang bại hoại, sai trật nhưng Nô-ê làm mọi điều đúng đắn mà Chúa phán bảo ông. Dĩ nhiên hành động của ông không phải là một sự tình cờ, nó là một quyết định.

  1. Áp-ra-ham: Dám bắt lấy một tương lai chưa biết trước.

Đức Chúa Trời phán bảo Áp-ra-ham trong Sáng thế ký 12: “Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi, mà đi đến xứ ta sẽ chỉ cho.” Nói cách khác Áp-ra-ham, được kêu gọi ra khỏi vùng đất quê hương mến yêu của mình và đi đến một nơi không chắc chắn. Ngày hôm nay vẫn có một chủ đề nóng cho những nhà lãnh đạo: quản lý những rủi ro và không chắc chắn. Người lãnh đạo lớn bắt lấy điều không chắc chắn, bởi vì họ biết sự thật: đất hứa đang chờ đợi họ ở phía bên kia.

  1. Giô-sép: kiên trì chịu đựng bất chấp mọi nghịch cảnh.

Câu chuyện của Giô-sép bắt đầu trong Sáng thế ký 37. Các anh em của Giô-sép đã ném ông xuống hố rồi kéo ông lên bán làm nô lệ vì lòng ganh ghét. Họ nói dối với người cha già Gia-cốp là ông bị thú hoang giết chết. Ông bị vu cáo từ vợ của người chủ Phô-ti-pha và phải vào tù cách oan ức. Trong tù ông giải thích giấc mơ cho các tù nhân. Khả năng siêu phàm này của ông đã được đãi ngộ xứng đáng sau đó.  Cuối cùng Giô-sép trở thành người lãnh đạo quan trọng thứ nhì của Ai Cập chỉ sau Pha-ra-ôn.  Khi nạn đói xảy ra, ông trở thành vị cứu tinh cho cả Ai-cập và gia đình.  Ông nói với các anh em của mình: “Các anh toan hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi, hầu cho cứu sự sống cho nhiều người, y như đã xảy đến ngày nay, và giữ gìn sự sống của dân sự đông đảo.” Chúa sắp đặt và tổng hợp các sự kiện để Giô-sép bảo tồn dòng giống tuyển dân. Giô-sép là mẫu mực của nhà lãnh đạo có khải tượng, kiên trì chịu khổ trong những thời điểm khó khăn và hoàn thành mục đích của Chúa.

  1. Môi-se: chịu đựng, cưu mang dân sự của mình.

images

Đức Chúa Trời thuyết phục để Môi-se phải hành động trong Xuất Ê-díp-tô ký chương 3. Lúc đầu Môi-se tránh né và cho rằng ông không phải là người phù hợp với công việc Chúa giao. Nhưng cuối cùng Môi-se đã đáp ứng sự kêu gọi của Chúa. “Hãy cho dân ta đi” là thông điệp mà Môi-se công bố với Pha-ra-ôn. Lúc này dân tộc của ông chịu cảnh phu tù tại Ai-cập. Khi cơ hội đến, Môi-se sẵn sàng đứng lên và lãnh đạo dân sự, đem họ ra khỏi xứ Ê-díp-tô.

  1. Giô-suê: quản trị bằng gương mẫu chứ không phải mệnh lệnh.

Trong Giô-suê chương 24, sau khi đưa tuyển dân vào một vùng đất mới, Giô-suê nói những lời này: “Vậy bây giờ, hãy kính sợ Đức Giê-hô-va, và phục sự Ngài cách thành tâm và trung tín; hãy bỏ xa các thần mà tổ phụ các ngươi hầu việc bên kia sông, và tại xứ Ê-díp-tô; phải phục sự Đức Giê-hô-va.  Nếu chẳng thích cho các ngươi phục sự Đức Giê-hô-va, thì ngày nay hãy chọn ai mà mình muốn phục sự, hoặc các thần mà tổ phụ các ngươi đã hầu việc bên kia sông, hoặc các thần dân A-mô-rít trong xứ mà các ngươi ở; nhưng ta và nhà ta sẽ phục sự Đức Giê-hô-va.” Dân sự đồng thanh trả lời rằng họ sẽ cam kết trung thành với Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của họ. Bởi vì họ tin vào sự lãnh đạo của Giô-suê, họ theo tấm gương của ông. Giô-suê không đe dọa họ; ông chỉ đơn thuần truyền cảm hứng cho họ bằng tấm gương sáng của chính mình.

  1. Đa-vít: không sợ người khổng lồ.

david_in_the_bible__image_4_sjpg1913

Mọi người đều biết câu chuyện Đa-vít thắng Gô-li-át. Trong 1 Sa-mu-ên 17, người Do Thái đang bị Gô-li-át, một người Phi-li-tin khổng lồ đe dọa. Gô-li-át chế nhạo người Israel và thách thức họ hãy gởi ra một chiến sĩ thi đấu với nó. Đa-vít, một thiếu niên chăn cừu, thậm chí  không phù hợp với áo giáp được cung cấp không sợ tên khổng lồ này. Khi Gô-li-át chế nhạo Đa-vít, anh đáp lời nó: “Ngươi cầm gươm, giáo, lao mà đến cùng ta; còn ta, ta nhân danh Đức Giê-hô-va vạn binh mà đến, tức là Đức Chúa Trời của đạo binh Y-sơ-ra-ên, mà ngươi đã sỉ nhục.” Điều gì xảy ra sau đó? Đa-vít lấy một cục đá, ném nó bằng trành, trúng nơi trán Gô-li-át. Cục đá lọt thấu trong trán, tên lực sĩ khổng lồ té úp mặt xuống đất và chết tại chỗ. Bài học gì ở đây?  Đó là người lãnh đạo có thể phải đối mặt với bất kỳ những thách thức nào miễn là người đó có niềm tin chiến thắng đứng về phía mình.

  1. Ê-sai: đứng lên sẵn sàng trước các cơ hội.

Trong một khải tượng được ghi lại ở Ê-sai chương 6. “Đoạn, tôi nghe tiếng Chúa phán rằng: Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta? Tôi thưa rằng: Có tôi đây; xin hãy sai tôi.” Người lãnh đạo không chờ đợi để xem liệu có ai sẽ bước lên thực hiện một điều nào đó. Họ là những người đầu tiên giơ tay. Đầu tiên đứng lên. Đầu tiên lên tiếng. Đầu tiên đưa ra quyết định. Người lãnh đạo tránh xa sự thờ ơ, lạnh nhạt trước những vấn đề sống còn và luôn sẵn sàng để cống hiến chính mình trước sự kêu gọi của Chúa.

  1. Đa-ni-ên: duy trì quyết tâm của mình mà không quan tâm đến những hậu quả.

images (1)

Nhiều người trong chúng ta biết câu chuyện của Đa-ni-ên trong hang sư tử. Ông là một quan chức cao quý của chính quyền nhưng bị các đồng nghiệp khác ghen ghét vì niềm tin của mình. Những người này thuyết phục vua Đa-ri-út ban hành một chiếu chỉ: “hễ ai cầu xin thần nào hay một người nào ngoài vua, thì, hỡi vua, kẻ ấy sẽ phải quăng vào hang sư tử”. Họ đang nhắm đến Đa-ni-ên. Sau khi chiếu chỉ được ban bố, Đa-ni-ên vẫn tiếp tục cầu nguyện và tạ ơn Chúa giống như ông vẫn thường làm. Ông bị bắt, và phải quăng vào hang sư tử theo chiếu chỉ của vua. Tuy nhiên, sáng hôm sau, nhà vua thấy Đa-ni-ên còn sống. Những con sư tử đã không làm hại ông. Đức tin của Đa-ni-ên vào Đức Chúa Trời khiến ông trở nên người lãnh đạo đáng kính. Người lãnh đạo lớn sẽ không rút lại bất kỳ lập trường nào của mình bất kể điều gì sẽ xảy ra.

  1. Giăng Báp-tít: không e ngại gọi đúng tên, bộc lộ bản chất của người đối diện.

images (2)

Giăng Báp-tít trong Ma-thi-ơ chương 3, làm phép báp-tem cho người dân và rao giảng về sự đến của Chúa Giê-su. Khi một nhóm kiêu căng các quan chức tôn giáo đến nhận phép báp-tem, ông gọi chúng là: “dòng dõi rắn lục”. Người lãnh đạo không sợ gọi đúng tên bản chất người đối diện. cho dù họ là nhà cung cấp, nhân viên, hoặc thậm chí là khách hàng. Nhà lãnh đạo thẳng thắn, trung thực với những người  họ tiếp xúc.

  1. Chúa Giê-su: Lãnh đạo là đầy tớ.

Một trong những hình ảnh mạnh mẽ nhất trong cuộc đời của Chúa Giê-su là khi Ngài rửa chân cho các môn đệ trong Giăng 13. Khi kết thúc, Chúa phán  với họ:” Vậy, nếu ta là Chúa là Thầy, mà đã rửa chân cho các ngươi thì các ngươi cũng nên rửa chân lẫn cho nhau “. Nhà lãnh đạo lớn tập trung vào việc phục vụ những người theo họ. Nhà lãnh đạo lớn là người phục vụ người khác.

  1. Phi-e-rơ: phục hồi từ thất bại.

Phi-e-rơ, người môn đệ nổi tiếng nhất của Chúa Giê-su, chối Ngài ba lần trong khi Chúa Giê-su bị bách hại. Chúa Giê-su đã tiên đoán ông sẽ làm điều đó, mặc dù Phi-e-rơ khẳng định ông sẽ không bao giờ chối Chúa Giê-su cho dù phải chết. Khi gà gáy (những gì Chúa Giê-su phán sẽ xảy ra), Phi-e-rơ nhận ra hành động của ông là sai lầm và khóc lóc thảm thiết. Thế nhưng, trong Công vụ 2, chúng ta thấy Phi-e-rơ giảng bài giảng đầu tiên cho một đám đông hàng ngàn người. Trước đó ông đã từng chối Chúa trước mặt họ. Nhà lãnh đạo lớn không nản lòng khi họ thất bại. Họ không đắm mình trong sự tự thương hại và bỏ cuộc nửa đường.  Họ phục hồi từ sự ăn năn và đứng lên lần nữa với Chúa.

  1. Phao-lô: đam mê sống chết cho niềm tin của mình.

paul

Cuộc đời và chức vụ của Phao-lô được ghi trong sách Công Vụ. Là một người Pha-ri-si nhiệt thành, ông dũng mãnh chống lại sự lan tràn của Cơ đốc giáo. Phao-lô (trước đó được gọi là Sau-lơ)  chính là kẻ khủng bố Đạo Chúa trong thời kỳ đầu tiên. Khi Đức Chúa Giê-su hiện ra với ông trong Công Vụ chương  9, tâm trí ông được biến đổi. Từ đây, Phao-lô sống chết cho Tin Lành của Chúa Giê-su, ông trở thành nhà truyền giáo và thần học gia trứ danh sau đó. Phao-lô là mẫu người lãnh đạo được thúc đẩy bởi một ý thức rõ ràng về mục đích Chúa kêu gọi ông. Ông là người lãnh đạo có một ngọn lửa cháy trong tim và cảm thấy bắt buộc phải thực hiện những mục tiêu cho Chúa.  Không có chỗ cho sự thờ ơ, trễ nãi đối với ơn kêu gọi trong cuộc đời của một người lãnh đạo thuộc loại này.

Các bạn có cơ hội để thực hành bất kỳ của những tính cách nào của những nhà lãnh đạo trên đây?  Còn những phẩm chất lãnh đạo nào khác mà bạn nhìn thấy trong các nhân vật của Kinh Thánh? Chúng tôi rất muốn nghe phản hồi của các bạn!
____________________________
Lược dịch: Mục sư Phạm Hơn
Nguồn: http://webcache.googleusercontent.com/

 

 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên