Trang Chủ KINH THÁNH Cầu Nguyện Theo Ý Chúa

Cầu Nguyện Theo Ý Chúa

121
0
SHARE

Khó khăn trong cuộc sống là điều không thể tránh khỏi.

Nói thẳng ra, những gì chúng ta biết về Đức Chúa Trời ảnh hưởng trực tiếp đến cách chúng ta nói chuyện với Ngài, điều chúng ta cầu xin, cách chúng ta phản ứng trước câu trả lời của Ngài hoặc sự chậm trễ trong việc đáp lời.

Chúng ta không bao giờ có thể hiểu hết về Đức Chúa Trời nhưng chúng ta có thể hoàn toàn tin cậy Ngài

Điều đầu tiên chúng ta phải thừa nhận khi nói về mối quan hệ của mình với Chúa là chúng ta không bao giờ có thể hiểu hết về Ngài. Vì vậy, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể hiểu được những gì Ngài đang làm trong đời sống mình.

Sự khôn ngoan và năng lực Chúa là vô cùng vô tận

Đức Giê-hô-va phán: ‘Ý tưởng Ta không phải là ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải là đường lối Ta. Vì các tầng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối Ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng Ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu.’” (Ê-sai 55:8-9)

Điều này là khá rõ ràng. Đức Chúa Trời có một tâm trí vô hạn, còn bộ não của con người chúng ta thì bị hạn chế rất nhiều. Chúa biết tương lai và tất cả những con đường có thể dẫn đến đâu, những điều này chúng ta thể nào biết chắc được. Vì vậy, đôi khi chúng ta không cần hiểu hết mọi sự mà chỉ cần làm theo lời Ngài và đi theo con đường Ngài dẫn dắt chúng ta.

Nhưng nếu bạn biết Ngài một cách cá nhân, bạn sẽ hiểu rằng Ngài biết trước tương lai và Ngài sẽ  hướng dẫn bạn trên con đường mà bạn chọn nếu bạn có thể nhìn mọi việc giống như cách Ngài nhìn. Bạn sẽ tin cậy Ngài. Bạn sẽ yêu Đấng yêu bạn. Bạn sẽ cảm thấy an toàn và có được sự đảm bảo.

Nếu bạn dành thời gian để cầu nguyện đều đặn, bạn sẽ có những cuộc gặp gỡ thường xuyên với Chúa. Bạn càng dành nhiều thời gian với Ngài, bạn sẽ càng biết Ngài nhiều hơn và bạn càng tin cậy nơi Ngài nhiều hơn.

Tại sao chúng ta tin tưởng người này mà không tin tưởng người khác? Chúng ta chỉ biết mình có thể tin tưởng ai đó hay không dựa trên mối quan hệ mà chúng ta có với họ. Ví dụ, khi tôi ở nhà, vợ tôi không cần nói cho tôi biết tôi nên làm gì. Tôi đã biết rồi. Chúng tôi sống với nhau đã lâu, tôi luôn biết cô ấy muốn gì, còn cô ấy luôn biết tôi muốn gì. Tôi nghĩ rằng việc ở bên nhau lâu như vậy và dành nhiều thời gian cho nhau đã giúp chúng tôi thực sự hiểu nhau hơn.

Nguyên tắc tương tự cũng hoạt động trong mối quan hệ của chúng ta với Chúa. Chúng ta cần biết Ngài đến mức chúng ta có thể tin cậy Ngài trong mọi sự. Điều này có được thông qua việc cầu nguyện, và kết quả của sự hiểu biết này là một sự bình an nội tại không thể lay chuyển.

Chúng ta hãy nhớ lại những điều cơ bản của Tin Lành:

Đang khi chúng ta còn yếu đuối thì đúng kỳ hạn Đấng Christ chịu chết vì kẻ có tội… Nhưng Đức Chúa Trời bày tỏ lòng yêu thương của Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân thì Đấng Christ đã chết thay cho chúng ta.” (Rô-ma 5:6,8)

Đức Chúa Trời đã ban Con Ngài cho chúng ta. Trên thực tế, Ngài đã đến trên đất, trở nên giống như một người trong chúng ta và chết cho chúng ta. Chúng ta đã không yêu cầu Ngài làm điều này. Chúng ta thậm chí không hiểu chúng ta cần điều này đến mức nào, nhưng Ngài vẫn giúp chúng ta – và phải trả một cái giá rất đắt!

Chúng ta không cần cầu xin Chúa yêu chúng ta vì Ngài đã yêu chúng ta rồi. Khi nhìn lên Chúa Giê-xu chịu đóng đinh, bạn sẽ càng hiểu Chúa yêu bạn nhiều hơn bản thân bạn yêu chính mình như thế nào.

Đừng bao giờ bỏ bê thì giờ cầu nguyện vì Chúa xứng đáng với từng giây phút bạn dành cho Ngài.

Không có gì sai khi trình những nhu cầu của mình lên cho Chúa miễn là bạn có những ưu tiên đúng đắn. Ưu tiên cao nhất là biết Ngài và phát triển mối quan hệ của bạn với Ngài. Mọi thứ khác sau đó sẽ được thêm vào cho bạn.

Chúa không cất đi những khó khăn của chúng ta nhưng Ngài sẽ cùng chúng ta vượt qua những khó khăn đó

Hãy đọc kỹ phân đoạn Kinh Thánh sau đây:

“…Đừng sợ, vì Ta đã cứu chuộc con. Ta đã gọi đích danh con và con thuộc về Ta. Khi con vượt qua các dòng nước, Ta sẽ ở cùng; Khi con lội qua sông, sẽ chẳng bị nước cuốn. Khi con bước qua lửa, sẽ chẳng bị cháy, ngọn lửa sẽ chẳng thiêu đốt con.” (Ê-sai 43:1-2)

Hãy chú ý – Chúa không nói rằng Ngài sẽ giải thoát bạn khỏi những khó khăn. Bạn chắc chắn sẽ đi qua nước và thậm chí qua lửa, nhưng Ngài sẽ đi với bạn qua tất cả những hiểm nguy. Chúa không hứa cho bạn một cuộc sống thoải mái trong thế gian này. Nếu đó là lời hứa của Ngài, mọi người sẽ đến với Ngài hay cầu nguyện cùng Ngài, không phải vì tình yêu, nhưng để có được những thứ như tiện nghi và sự giàu có.

Không, giữa những khó khăn và thử thách nhất định của cuộc sống, Đức Chúa Trời hứa ban sự bảo vệ, và sự hiện diện của Ngài.

Thử thách giúp chúng ta trưởng thành

Thực tế là, đôi khi chúng ta không học hỏi được gì từ những sai lầm của mình và chúng ta cứ lặp đi lặp lại những sai lầm đó. Đôi khi Chúa phải để cho những thử thách như thế này dạy chúng ta tin cậy Ngài, giúp chúng ta trưởng thành về mặt thuộc linh. Thông thường trong những tình huống như vậy, chúng ta học cách hoàn toàn nương cậy nơi Đức Chúa Trời.

Ví dụ, khi bạn cần học tính kiên nhẫn, Ngài sẽ cho phép người ta gây khó dễ cho bạn. Nếu mọi việc đều suôn sẻ thì làm sao bạn có thể học được sự kiên nhẫn? Vậy nên, khi bạn cầu nguyện và xin Chúa giúp bạn trở nên kiên nhẫn, bạn thậm chí không hiểu mình đang cầu nguyện điều gì. Chỉ cần chuẩn bị! Ngài sẽ sai đến những con người và những tình huống khiến bạn rối bời, và bạn sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc… học kiên nhẫn.

Đó là lý do tại sao đôi khi Chúa cho phép một số nan đề xảy ra – không phải vì Ngài thích nhìn chúng ta đau khổ, mà vì đôi khi chúng ta cần một cuộc giải phẫu thuộc linh. Ngài cần loại bỏ khối u gây bệnh khỏi chúng ta hoặc biến đổi chúng ta theo một cách khác. Nếu không phẫu thuật, bệnh sẽ tiến triển, khối u sẽ di căn và bạn sẽ chết (về mặt thuộc linh). Những cuộc phẫu thuật như thế này sẽ rất đau đớn, nhưng chúng ta cần chúng vì lợi ích và sự cứu rỗi của chính chúng ta.

Hãy nhìn điều này từ một khía cạnh khác. Kinh Thánh nói:

Hỡi con ta, chớ khinh sự sửa phạt của Đức Giê-hô-va, đừng buồn lòng khi Ngài quở trách. Vì Đức Giê-hô-va yêu thương ai thì trách phạt nấy. Như một người cha đối với con trai yêu dấu của mình.” (Châm-ngôn 3:11-12)

Nếu bạn thực sự yêu thương con cái, đôi khi bạn phải có biện pháp kỷ luật chúng. Cha mẹ không đặt ra ranh giới là cha mẹ không yêu thương con vì họ không quan tâm. Việc dạy dỗ các con cần nhiều thời gian, công sức và tình yêu thương hơn là cho chúng những gì chúng muốn để bản thân không bị làm phiền.

Ranh giới được đặt ra để bảo vệ các con. Vượt ra ngoài ranh giới thường dẫn đến đau đớn và khổ sở. Đức Chúa Trời là Cha yêu thương, Ngài cho phép một số thử thách xảy ra trong cuộc đời bạn để phát triển nhân cách của bạn. Nan đề thực sự tồn tại để tạo điều kiện cho sự phát triển thuộc linh của bạn và dẫn dắt bạn trở thành một Cơ-đốc nhân trưởng thành, đích thực.

Ví dụ trong Kinh Thánh

Quan trọng là bạn phải hiểu rằng Chúa kiểm soát mọi sự. Nếu Ngài không cho phép, Sa-tan sẽ không thể chạm vào bạn.

Chúng ta hãy xem qua câu chuyện của ông Gióp (sách Gióp, chương 1-2).

Sa-tan đến để kiện cáo với Đức Chúa Trời, hắn nói rằng con người chỉ yêu mến Ngài vì những điều Ngài làm cho họ. Đức Chúa Trời đáp lại bằng cách chỉ ra Gióp là người yêu mến Đức Chúa Trời.

Ma quỷ nói, “Thôi nào, người ấy yêu mến Ngài và cầu nguyện với Ngài chỉ vì Ngài ban phước cho người và đáp lại lời cầu nguyện của người. Người ấy sống tốt, người ấy có cuộc sống hạnh phúc, đó là lý do tại sao người tôn thờ Ngài.” Con người đang tìm kiếm giải pháp cho nan đề của họ, họ tìm kiếm sự giúp đỡ và phước lành, chứ không phải các mối quan hệ. Ma quỷ nói, “Ngài đã bảo vệ Gióp, và tôi không thể chạm vào người ấy, nhưng hãy để tôi chạm vào người thử xem, và Ngài sẽ thấy người có yêu Ngài như trước không.”

Sa-tan ám chỉ rằng Gióp không yêu Đức Chúa Trời mà chỉ yêu những phước lành của Ngài. Đức Chúa Trời phán cách kín nhiệm, “Được thôi, ngươi được phép động vào người. Ngươi có thể làm mọi cách, nhưng không được tước đoạt mạng sống của người.”

Chúa muốn cho tất cả mọi người đều nhìn thấy Gióp yêu Ngài hết lòng, vì vậy Ngài đã cho phép những nan đề xảy ra trong cuộc đời ông. Đó cũng là một thử thách dành cho bản thân Gióp, nhằm cho ông thấy rằng ông có thể hoàn toàn tin cậy Đức Chúa Trời, không chỉ trong thuận cảnh mà cả trong nghịch cảnh.

Điều quan trọng cần lưu ý là Đức Chúa Trời đã không bỏ rơi Gióp một giây phút nào. Ngài không nghỉ, không quay mặt đi và không ngủ quên – nhưng suốt thời gian đó, Ngài vẫn đang nhìn Gióp. Ngài biết tình huống này sẽ dẫn đến điều gì và cho phép nó xảy ra. Mọi việc xảy ra với Gióp từ đầu đến cuối đều nằm dưới sự kiểm soát của Đức Chúa Trời.

Trên thực tế, Gióp đã biết Đức Chúa Trời. Vì vậy, vào thời điểm cuộc đời của Gióp bắt đầu tan vỡ, ông vẫn không ngừng hy vọng vào Ngài. Mặc dù ông không hiểu tại sao mình phải chịu những đau khổ này.

Vậy nên, khó khăn là điều cần thiết để kỷ luật chúng ta và để cứu chúng ta. Nhìn khó khăn từ góc độ này có thể rất mới mẻ đối với bạn.

Chúng ta có xu hướng coi những thách thức trong cuộc sống là điều gì đó tiêu cực và tồi tệ mà chúng ta phải tránh bằng mọi giá. Tuy nhiên, bằng cách thay đổi sự tập trung một chút, chúng ta có thể thấy rằng những khó khăn đó thực sự là điều tích cực. Thay đổi cách chúng ta nhìn nhận thử thách có thể có tác động sâu sắc đến cách chúng ta đối phó với chúng và vững tin vào kết quả cuối cùng mà thử thách mang lại.

Cách để cầu xin Chúa điều gì đó

Một điểm quan trọng nữa mà tôi muốn nhấn mạnh là chúng ta phải hiểu cách đến gần Đức Chúa Trời khi chúng ta cần cầu xin Ngài điều gì đó.

Chúng ta bắt đầu bằng cách nói với Chúa về những nan đề của mình, không phải để thông báo cho Ngài biết vì Ngài đã biết tất cả rồi, nhưng chúng ta làm điều đó để mời Ngài hành động trong đời sống của chúng ta.

Đức Chúa Trời không phải là một bạo chúa không cho chúng ta tự do để lựa chọn. Ngài không ép buộc chúng ta làm bất cứ điều gì, và chúng ta luôn có thể chọn từ chối sự giúp đỡ của Ngài. Tuy nhiên, qua lời cầu nguyện của mình, chúng ta có thể thừa nhận rằng mình cần sự giúp đỡ của Ngài và sẵn sàng đặt mình vào vị trí để Ngài hành động trong đời sống của chúng ta.

Có ba lời khuyên về cách cầu xin Chúa làm điều gì đó cho mình một cách hiệu quả:

1. Những yêu cầu của bạn phải thật cụ thể. Chúng ta đã nói rằng Ngài biết rõ các nan đề của chúng ta, nhưng bạn không nên sử dụng các cụm từ chung chung như “Ngài biết rồi đấy” và “xin hãy giúp con giải quyết nan đề”. Nan đề nên được mô tả một cách chi tiết đầy đủ. Bày tỏ sự tin tưởng hoàn toàn vào Đức Chúa Trời và vào các phương pháp của Ngài để đưa bạn ra khỏi tình huống này.

2. Đừng bảo Chúa phải làm gì. Nếu bạn tin tưởng Ngài thì đừng nói với Ngài rằng “hãy giao cho con công việc này” hoặc “hãy làm việc đó cho con”. Hãy để Chúa quyết định phải làm gì. Đó phải là quyết định của Ngài, không phải của bạn.

3. Đừng bảo Chúa phải làm điều đó như thế nào. Bạn không cần hướng dẫn Chúa. Ngài không cần bạn chỉ cho Ngài những bước phải làm và phương pháp cụ thể mà Ngài nên thực hiện để giải quyết nan đề của bạn. Đơn giản là hãy để Ngài làm Đức Chúa Trời và tin cậy sự khôn ngoan vô hạn của Ngài trong việc chỉ cho bạn con đường mà bạn nên đi.

Đôi khi Chúa chậm trả lời những thỉnh cầu của chúng ta. Khi điều này xảy ra, điều quan trọng là chúng ta không được bỏ cuộc. Chúa sử dụng sự chậm trễ để chuẩn bị chúng ta cho những gì Ngài sắp làm.

Bạn có nhớ kinh nghiệm của Giô-sép không? Đầu tiên, chàng bị bán làm nô lệ. Chàng không cầu nguyện sao? Chàng không cầu xin Chúa giúp đỡ sao? Sau đó, một lời vu khống khiến chàng phải ngồi tù trong nhiều năm. Chàng không cầu nguyện sao? Chàng không xin Chúa giúp đỡ sao?

Đức Chúa Trời trì hoãn câu trả lời của Ngài cho đến thời điểm không chỉ Giô-sép cần câu trả lời mà cả đất nước Ai Cập cũng cần câu trả lời đó. Kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho Giô-sép không chỉ là giải thoát ông khỏi ngục tù mà còn đưa ông trở thành quan tể tướng của Ai Cập. Sự trì hoãn này quả thật rất cần thiết.

Khi bạn cầu nguyện, hãy ghi nhớ kinh nghiệm của Giô-sép. Khi bạn cầu nguyện, hãy nhìn lại tất cả những công việc vĩ đại mà Đức Chúa Trời đã làm cho dân Ngài trong suốt lịch sử. Những điều đó sẽ giúp bạn tập trung vào Đức Chúa Trời và công việc của Ngài trong quá khứ. Điều này sẽ cho bạn niềm tin vào những gì Ngài có thể và sẽ làm cho bạn trong tương lai.

Tôi khuyến khích bạn, bắt đầu từ hôm nay, hãy tìm kiếm mối quan hệ sâu sắc hơn với Chúa. Tìm kiếm Ngài trong thì giờ cầu nguyện mỗi ngày. Bằng cách này, mối quan hệ của bạn với Ngài sẽ phát triển đến mức bạn có thể dựa vào Ngài một cách tự nhiên trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời.

Khi bạn thực sự biết Chúa, bạn sẽ bắt đầu tin cậy Ngài và sự bình an sẽ ngự trị trong lòng bạn.

Hãy hiệp ý với tôi trong lời cầu nguyện này.

Lạy Cha Thiên Thượng,

Cảm ơn Cha đã dạy cho con bài học bổ ích và vô cùng quan trọng này. Lạy Chúa của con, con đặt mọi nan đề và lo lắng của con trong tay Ngài. Con tin Ngài vì con biết Ngài.

Xin hãy để mối quan hệ của con với Chúa ngày càng sâu sắc hơn. Như cách Ngài đã hành động trong suốt lịch sử của thế giới, cũng hãy hành động trong cuộc đời con ngay thì giờ này.

Nguyện mọi sự vinh hiển từ đời sống con đều thuộc duy Ngài. A-men!

Bạn có sẵn sàng tìm kiếm mối quan hệ mật thiết và riêng tư với Chúa không?

Biên tập: Eunice Tu

Nguồn: hope.study/unlimited-power-of-prayer; hoithanh.com

SHARE
Bài trướcOctober 4
Bài sauGlorify God, Enjoy Him

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên