Trang Chủ BIỆN GIÁO Xin Hãy Dùng Con Theo Ý Ngài

Xin Hãy Dùng Con Theo Ý Ngài

915
0
SHARE

 

Đây là một trong những lời cầu nguyện thường nghe nhất: Con cần những xác chứng rõ ràng về những gì Chúa muốn con làm với cuộc đời mình.

Sự xác chứng rõ ràng, sự dẫn dắt và lắng nghe tiếng Chúa là những chủ đề mà hầu hết các Cơ-đốc nhân thường quan tâm đến. Khi có quá nhiều sự lựa chọn, hay khi mọi chuyện dường như không diễn ra theo kế hoạch (của chúng ta), chúng ta thường thấy mình cầu nguyện kiểu “Chúa ơi, Ngài đang tính làm gì vậy? Khi nào con mới hiểu được chuyện gì đang xảy ra? Ngài có thể bày tỏ cho con thấy một chút kế hoạch của Ngài không?”

Những cuốn sách về chủ đề này luôn bán chạy. Những buổi hội thảo Cơ-đốc với chủ đề “Chúa muốn tôi làm gì với cuộc đời mình?” luôn có nhiều người tham dự. Ở một mức độ nào đó, không có gì sai khi tìm kiếm ý muốn của Đức Chúa Trời; Phao-lô nói với chúng ta trong Rô-ma 12:2“được biến hóa bởi sự đổi mới của tâm trí mình, để phân biệt đâu là ý muốn tốt đẹp, vừa lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời”, nhưng nếu chúng ta thành thật, thường khi chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta biết kế hoạch của Ngài, chúng ta thực ra đang bộc lộ một điều khác.

Chúng ta không thực sự tin cậy Chúa.

Ít ra là, không phải lúc nào cũng như vậy. Khi mọi chuyện trở nên khó khăn, khi mọi thứ trở nên khó hiểu, thì đó là những lúc mà sự tin cậy Chúa của chúng ta bị thử thách. Liệu chúng ta có còn tin vào ánh sáng nơi cuối đường hầm khi chúng ta không thể nhìn thấy chút tia sáng nào? Chúng ta càng xin Chúa cho chúng ta thấy điều gì đằng sau tất cả những chuyện này, chúng ta càng ngầm nói rằng chúng ta đang lo sợ là Ngài có thể khiến mình thất vọng theo một cách nào đó. Bất kể lời hứa trong Rô-ma 8:28 là “mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu mến Đức Chúa Trời”, chúng ta vẫn muốn mọi chuyện được chắc chắn hơn một chút. Chúng ta khao khát và nóng nảy để có được sự đảm bảo chắc chắn, ngay cả khi chúng ta đã gắn bó với Đấng Thánh.

Trong quyển sách Ruthless Trust (Sự Tin Tưởng Tàn Nhẫn) của mình, Brennan Manning kể câu chuyện về nhà đạo đức Cơ-đốc John Kavanaugh, người đang tìm kiếm định hướng để sống phần còn lại của cuộc đời mình. Cuộc tìm kiếm đã đưa anh ta đến Calcutta, vào “ngôi nhà của người hấp hối” nổi tiếng của Mẹ Teresa, và ngay buổi sáng đầu tiên, anh được gặp gỡ chính Teresa. Khi bà hỏi rằng mình có thể cầu nguyện gì cho anh, Kavanaugh đã xin cho mình “nhận biết mọi sự một cách rõ ràng”. Manning viết rằng “bà nói một cách quả quyết, “Không, tôi sẽ không làm thế.” Khi anh hỏi bà tại sao, bà nói “Biết được mọi thứ một cách rõ ràng nên là điều cuối cùng mà anh đang bám víu, và phải từ bỏ.”

Lời cầu nguyện kiểu này không chỉ thể hiện sự thiếu tin cậy, mà còn gợi ý một quan điểm khá lệch lạc về vai trò của chúng ta trong kế hoạch vĩ đại của Đức Chúa Trời. Như những ngôi sao trong chương trình của Truman Show, chúng ta thường tin tưởng một cách vô thức rằng kế hoạch của Chúa chỉ xoay xung quanh chúng ta, rằng chúng ta là nhân vật chính trong câu chuyện của Ngài. Khi chúng ta dừng lại để suy nghĩ về điều đó, tất nhiên chúng ta không nghĩ rằng nó đúng – nhưng hành động và lời cầu nguyện của chúng ta thường gợi ý rằng chúng ta có nghĩ vậy.

Vậy, nếu chúng ta cần ngừng xin Chúa chỉ cho chúng ta biết kế hoạch của Ngài, thì thay vào đó chúng ta nên cầu xin điều gì?

Dưới đây là 3 gợi ý, dù với những thiếu sót của tôi trong lĩnh vực này, nhưng có vẻ là những cách tốt hơn trong việc đối phó với cảm giác không chắc chắn và thái độ xem mình là trung tâm:

1. Lạy Chúa, xin ban cho con tấm lòng của Ngài

Hành trình của tôi đã thay đổi cách mạnh mẽ khi tôi được khích lệ để cầu xin điều này. Tôi đã tham dự một hội nghị về công tác thanh niên dưới sự thúc ép, nhưng khi diễn giả thách thức chúng tôi cầu nguyện lời này, tôi đã hoàn toàn bị thuyết phục. Khi tôi cầu nguyện cùng với ông rằng Chúa hãy ban cho tôi tấm lòng của Ngài dành cho thế hệ trẻ, có gì đó thay đổi ngay lập tức bên trong tôi. Giây phút mà tôi cầu xin Chúa ban cho tôi sự say mê của Ngài, thay vì xin Ngài hãy nhanh lên và ban cho tôi điều tôi muốn cách ích kỷ, tôi có sự tập trung mới, và sự nhận thức mới về kế hoạch của Ngài. Đó là 12 năm trước, và tôi đã tham gia vào mục vụ dành cho thanh thiếu niên cách hăng say kể từ đó.

Khi chúng ta xin Chúa ban cho chúng ta tấm lòng của Ngài – để “tấm lòng của chúng ta vỡ tan với những điều đã làm tan vỡ trái tim Ngài’ như lời bài hát thờ phượng của Vicky Beeching – chúng ta có thể khá chắc rằng Ngài không chỉ sẽ làm điều đó cho chúng ta, mà còn hướng dẫn chúng ta cách để giải quyết những chuyện đó. Không phải lúc nào cũng là những thay đổi mạnh mẽ, nhưng qua thời gian, cảm giác về quỹ đạo mà chúng ta mong muốn tận trong sâu thẳm sẽ dần trở nên rõ ràng.

2. Thưa Chúa, hãy dùng con  theo ý Ngài

Người sáng lập của mục vụ The Vineyard  John Wimber từng nói: “Tôi chỉ là tiền lẻ trong ví của Chúa. Ngài có thể dùng tôi theo cách Ngài muốn.” Thật là một sự vâng phục đáng chú ý với Chúa, nhưng điều này cũng thật tự do. Chúng ta được giải phóng khỏi sự mệt mõi trong việc theo đuổi đặng tìm ra tầm quan trọng của bản thân. Nhưng tất nhiên, đây cũng là một điều vô cùng khó để cầu nguyện – điều này có nghĩa là thật sự đặt tất cả những gì chúng ta hy vọng và nỗ lực, tất cả những gì chúng ta yêu quý và sở hữu, đứng hàng thứ hai sau những gì Chúa muốn. Về lý thuyết thì tuyệt đấy, nhưng để làm được nó thì rất khó.

Khi chúng ta cảm thấy mình có thể cầu nguyện điều này từ tấm lòng, chúng ta đừng ngạc nhiên khi Chúa nhậm lời chúng ta. Kết quả có thể làm chúng ta bối rối, nhưng cũng có thể sẽ là điểm khởi đầu của một cuộc phiêu lưu tuyệt vời cùng với Chúa.

3. Chúa ơi, xin giúp con tin cậy Ngài

Vậy thì, nếu cuối cùng việc chúng ta cầu xin Chúa “cho chúng ta thấy công việc Ngài đang làm” ám chỉ sự thiếu tin cậy của chúng ta, thì có lẽ việc cầu xin Chúa giúp chúng ta tin cậy Ngài nhiều hơn nữa là một ý tốt. Điều trớ trêu là Chúa (theo thần học của Evan Almighty) thường cho chúng ta cơ hội để phát triển nhân cách của mình, thay vì “cho chúng ta những bước nhảy vọt” để có được những khả năng lớn lao hơn. Nhưng ít ra khi chúng ta cầu nguyện thế này, chúng ta luôn nhắc nhở mình cần phải tin cậy và phụ thuộc vào Chúa, điều này tự nó sẽ giúp biến đổi sự nôn nóng của chúng ta.

Khi mọi thứ trở nên rõ ràng, và sau một thời gian, chúng ta vẫn nên ghi lại câu chuyện của mình và chia sẻ nó với những người khác. Bằng cách đó chúng ta khích lệ và xây dựng lẫn nhau trong lĩnh vực khó khăn là phát triển lòng tin cậy này, cũng như cho bản thân mình những lời nhắc nhở quan trọng cho những lần sau khi mọi thứ lại bắt đầu trở nên khó khăn và không chắc chắn.

Vào cuối buổi gặp gỡ ngắn ngủi giữa John Kavanaugh và Mẹ Teresa, nhà đạo đức học nói rằng mặc dù bà phản đối lời cầu xin của ông, nhưng bà dường như đã có chính xác sự “nhận biết mọi việc một cách rõ ràng” mà ông đang tìm kiếm. Theo Brennan Manning, khi nghe điều này, Teresa đã bật cười trước khi trả lời: “Tôi chưa bao giờ biết được mọi sự một cách rõ ràng, tất cả những gì tôi luôn có là sự tin cậy. Vì vậy tôi sẽ cầu nguyện cho anh tin cậy Chúa.”

Dich: Richard Huynh

Nguồn: christiantoday.com

hoithanh.com

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên