Trang Chủ BIỆN GIÁO Vượt Qua Sợ Hãi

Vượt Qua Sợ Hãi

700
0
SHARE
Biết bao lần Chúa bảo con “đừng sợ”
Nhưng vạn lần con vẫn sợ Chúa ơi!
Con sợ cả những nhịp tim chơi vơi
Mà lắm lúc quên đâu là nẻo chính
Chúa biết con, con người nặng phần tính
Mê giàu sang, tham sắc, lại ham tài
Chúa biết con u mê dẫu đường dài
Trăm lần ngã, trăm lần Ngài nâng bước
Chúa biết con, thấy con muôn đời trước
Vẫn yêu con dẫu ngàn lần con sai
Chúa tha con dù biết ngay ngày mai
Con lại sẽ bội Ngài như lần trước
Chúa ơi con đáng gì mà vẫn phước
Được làm con mà chẳng xứng ân Trời
Chúa ơi con luôn mãi mãi muôn đời
Vẫn hèn mọn với những điều nhỏ nhặt
Con vẫn sợ vẫn lo với bệnh tật
Cứ đeo mang lo lắng của phù vân
Chúa ơi, con một phút được phân trần
Con yếu đuối nên trăm ngàn điều sợ
Chúa yêu con ban Thánh Thần phù trợ
Dạy con đừng lo sợ chuyện thế gian
Cuộc sống con là ở cõi thiên đàng
Điều nên sợ là không đẹp lòng Chúa.
🙂
 Chúc Anh 
BÌNH THƠ:
Nàng thơ lãng mạn của chúng ta là một Ki-tô hữu, cô ấy viết bài THƠ này gởi tặng tôi cách đây sáu tháng rồi. Chiều nay đọc lại thấy hay hay nên tạm thời thử làm “nhà phê bình văn học.”
Biết bao lần Chúa bảo con “đừng sợ”
Nhưng vạn lần con vẫn sợ Chúa ơi !
Con sợ cả những nhịp tim chơi vơi
Mà lắm lúc quên đâu là nẻo chính.
Tác giả sợ: nhịp tim chơi vơi … quên đâu là nẻo chính…
Rất bình thường với một cô gái mỏng manh và cũng bình thường thôi với bao người. SỢ là một từ luôn xuất hiện trong tự điển của mọi người. Làm sao để hết sợ đây? KHI CON NGƯỜI KÍNH SỢ THIÊN CHÚA THÌ KHÔNG CÒN SỢ BẤT KỲ ĐIỀU GÌ KHÁC. Đó là câu trả lời của một thầy giảng Phúc Âm. Bạn có đồng ý hay không là tùy thuộc vào BẠN ĐƯỢC RÈN ĐÚC TRONG MÔI TRƯỜNG NÀO!
Chúa biết con, con người nặng phần tính
Mê giàu sang, tham sắc, lại ham tài
Chúa biết con u mê dẫu đường dài
Trăm lần ngã, trăm lần Ngài nâng bước
Bốn câu này tác giả đã nhận biết Thiên Chúa là Đấng toàn tri (Chúa biết tất tần tật mọi sự). Và cô nàng cũng tự nhận biết chính mình qua những cụm từ: con u mê, trăm lần ngã…. . Không nghi ngờ gì cả, Chúc Anh là một thiếu nữ tin kính Chúa.
Chúa biết con, thấy con muôn đời trước
Vẫn yêu con dẫu ngàn lần con sai
Chúa tha con dù biết ngay ngày mai
Con lại sẽ bội Ngài như lần trước
Khi con người nhận thức đúng về Chúa, thì cũng là lúc con người nhận ra tính chất phản bội của chính mình. Chúa vẫn thành tín yêu thương cho dù con người luôn thất tín. Rất chân thật khi thi sĩ viết những điều này.
Chúa ơi con đáng gì mà vẫn phước
Được làm con mà chẳng xứng ân Trời
Chúa ơi con luôn mãi mãi muôn đời
Vẫn hèn mọn với những điều nhỏ nhặt
Con vẫn sợ vẫn lo với bệnh tật
Cứ đeo mang lo lắng của phù vân
Chúa ơi, con một phút được phân trần
Con yếu đuối nên trăm ngàn điều sợ
Khi tác giả đối diện với Thiên Chúa yêu thương, nhà thơ ngạc nhiên trước ân sủng của Ngài:.. con đáng gì mà vẫn phước… Nếu bạn đã từng nếm trải ơn ban thiên thượng, bạn dễ dàng Amen với điều này? Trong hai khổ thơ trên tác giả tiếp tục tự bạch chính mình và …lo sợ:
Con yếu đuối nên trăm ngàn điều sợ.
Chúa yêu con ban Thánh Thần phù trợ
Dạy con đừng lo sợ chuyện thế gian
Cuộc sống con là ở cõi thiên đàng
Điều nên sợ là không đẹp lòng Chúa.
Kết luận có hậu ở bốn câu sau cùng. Tác giả tiếp nhận lời dạy từ Lời Chúa: đừng lo sợ chuyện thế gian. Sống gởi thác về. Làm thân lữ khách – là niềm tin của Cơ đốc giáo: Cuộc sống con là ở cõi thiên đàng.
Cuối cùng chỉ còn một nỗi SỢ: nên sợ là không đẹp lòng Chúa. Còn tất cả những cái sợ khác – no problem!
CẢM ƠN Chúc Anh, tâm tình em trong sáng như pha lê. Nguyện xin Thiên Chúa ban phước trên em mãi.
Đọc thêm một tiểu phẩm để hiểu về Chúc Anh:
THÍCH NHẤT HẠNH  luận bàn về nỗi sợ:
Trong tác phẩm “Sợ” (Fear), phiên bản tiếng Anh, xuất bản năm 2012, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã trình bày chi tiết, bằng phương thức chánh niệm, người đọc có thể chế ngự sợ hãi và từng bước không còn cảm giác này nữa. Bằng cách sống trong hiện tại, chánh niệm có thể cho chúng ta lòng can đảm để đối diện với nỗi sợ và không thể nó đưa đẩy hay lôi kéo mình nữa.Theo thiền sư Thích Nhất Hạnh, khi gặp hoàn cảnh nguy hiểm hay những mối đe dọa, chúng ta cần phải bình tĩnh, cần biết thở ra hít vào bằng sự tỉnh thức, để hành động hay thái độ đến từ nỗi sợ của mình không làm cho người khác sợ và không làm cho nó leo thang ngoài tầm kiểm soát. Thiền sư nói rằng, đừng nghĩ nỗi sợ chỉ đến từ bên ngoài, mà thật ra nó cũng đến từ bên trong. Nếu không nhận thức và nhìn sâu vào nỗi sợ của mình, chúng ta có thể kéo theo hiểm nguy và tai nạn đến với mình. Tất cả chúng ta đều có nỗi sợ hãi và trải nghiệm nó, nhưng chúng ta có thể giải thoát từ sự kiềm chế của nó và sẽ tìm được niềm hân hoan. Mời nỗi sợ đến trong nhận thức của chúng ta mà khoan đánh giá. Chỉ cần ghi nhận nhẹ nhàng là nó ở đó.

Hiểu được nguồn gốc của sự lo lắng và nỗi sợ sẽ giúp chúng ta vượt qua được. Chẳng hạn, nỗi sợ đang có đến từ những gì đang xảy ra, hay đó chỉ là nỗi sợ rất cũ khi chúng ta còn bé mà chúng ta đã giữ trong lòng?

Cách nhìn của thiền sư Thích Nhất Hạnh về sợ, về nguồn gốc sợ hãi, tuy khác thường nhưng dựa trên những kiến thức khoa học.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng khi chúng ta vừa mới lọt lòng mẹ, ra khỏi nơi ấm cúng bảo bọc trong 9 tháng, chúng ta được đến một môi trường hoàn toàn khác, làm cho chúng ta cảm thấy đói và lạnh lần đầu tiên trong đời. Mọi thứ đều khác, đều ngỡ ngàng, làm cho chúng ta đau đớn, lo sợ. Đây là nỗi sợ nguyên thủy (original fear). Đi cùng với nỗi sợ nguyên thủy này, chúng ta muốn được sống, được tồn tại, và đây là lòng ham muốn nguyên thủy (original desire). Với đa số chúng ta, nỗi sợ nguyên thủy này, cùng với ham muốn nguyên thủy, được tiếp tục qua nhiều hình thức khác nhau, định hình nên nhiều tính cách, hành xử của chúng ta. Sợ cô đơn, đơn độc trong quan hệ với người khác. Sợ người ta suy nghĩ tiêu cực về mình. Trong cuộc sống, chúng ta cũng trải nghiệm sự đối xử tồi tệ bởi người chung quanh, sự sách nhiễu, ngược đãi, bất công v.v… Chúng tiếp tục củng cố nỗi sợ trong chúng ta. Ngay cả khi chúng ta không trải nghiệm những khắc nghiệt trong cuộc đời, những gì xảy ra cho mình, như một cuốn phim, đưa chúng ta về quá khứ. Đối với một người mà tuổi thơ bị ngược đãi, và người đó đã đau khổ rất nhiều, thì có khả năng người đó rất dễ bị tổn thương, và nỗi lo sợ bao trùm lên mình mọi lúc. Mỗi khi nghĩ về quá khứ mà không tỉnh thức, sẽ làm cho người đó lại đau khổ. Cảm giác rằng chúng ta mỏng manh, dễ bị tổn thương, không thể tự bảo vệ mình, mà luôn cần người khác, lúc nào cũng ở đó, như khi chúng ta mới lọt lòng mẹ. Mặc dầu chúng ta đau khổ thật nhiều, nhưng chúng ta vẫn cảm thấy an tâm hơn khi trở về lại nơi đó, như ngôi nhà của mình. Ngôi nhà đó nằm sâu trong tiềm thức của chúng ta, trong đó những cuốn phim quá khứ lúc nào cũng sẵn sàng chiếu lại cho chúng ta xem.

Nhưng chúng ta có thể ở trong hiện tại, ngay đây ngay lúc này. Mỗi hơi thở, chúng ta tự nhắc nhở và khấn nguyện rằng, ngôi nhà của chúng ta là hiện tại và bây giờ; quá khứ không phải là ngôi nhà của chúng ta. Nếu chúng ta vững chắc ở trong thời hiện tại, ngay khoảnh khắc đang sống, thì chúng ta có thể nhìn về quá khứ hoặc tương lai một cách vững chãi mà không bị lôi cuốn bởi nó hay bị nhận chìm bởi nó.

Chánh niệm, tức nhận thức ra được cảm xúc của mình khi nó xảy ra, nhắc nhở rằng chúng ta không cần phải sống lại những gì đã xảy ra quá lâu rồi. Ký ức có khả năng làm cho chúng ta cảm thấy đau khổ tận cùng, trên mặt cảm xúc lẫn thể xác, mặc dầu những điều đó đã không còn xảy ra cho mình trong hiện tại.

Để vượt qua sợ hãi, điều quan trọng là cần hòa giải với quá khứ. Cha ông của chúng ta, chúng ta, và con cháu chúng ta sau này, đều có bao nhiêu điều phải lo lắng về cuộc sống. Như an toàn, công việc, gia đình v.v… Chúng ta cũng có bao nhiêu mối đe dọa bên ngoài. Hồi còn bé, chúng ta đều mỏng manh, dễ bị tổn thương. Cái nhìn nghiêm khắc của bố mẹ cũng đủ làm cho chúng ta bị tổn thương trong lòng. Một lời nói, một cái lớn tiếng, từ một người lớn, nhất là từ cha mẹ, có thể làm cho chúng ta đau khổ, tổn thương. Thiếu tình thương từ cha hay mẹ, hay cả hai, chúng ta lại càng mỏng manh hơn. Ngay cả khi vì lý do nào đó chúng ta muốn tách rời khỏi cha mẹ, không nói chuyện với cha mẹ mình nữa, chúng ta cũng không thể tách rời hẳn được. Chúng ta là một phần của cha mẹ mình, do cha mẹ mình tạo ra. Chúng ta là cha, và cũng là mẹ. Ngay cả khi chúng ta ghét cha mẹ mình, chúng ta cũng là một phần của cha mẹ mình. Nóng giận với cha mẹ không thể thay đổi tính chất này, mà thật ra chúng ta chỉ nóng giận với chính mình. Do đó chúng ta cần hòa giải với cha mẹ từ bên trong lòng chúng ta, để có thể cùng nhau hiện hữu một cách bình an. Khi nhận thức được như thế, tiến trình hòa giải trở nên dễ hơn. Chúng ta có khả năng thay đổi sâu sắc, vừa bên trong nội tâm, vừa khả năng để ảnh hưởng lên thế giới bên ngoài. Nhưng khi sợ hãi chúng ta không biết làm gì, và không thể nghĩ được gì. Khi hiểu được rằng chánh niệm có thể tạo ra năng lượng tích cực, tạo ra lòng trắc ẩn, hiểu biết, thì sẽ giúp giải thoát nỗi sợ, sự căm giận, hận thù v.v… Tình thương chỉ có thể được sinh thành dựa trên nền tảng của hiểu biết.

Khi chúng ta nói rằng thân tâm nối liền nhau, nó không có nghĩa là chỉ thân và tâm của cá nhân mình, mà trong chính mỗi chúng ta đều có sự hiện hữu máu mủ và tinh thần của tổ tiên. Cha mẹ mình, ông bà mình, đều có trong chúng ta, qua di sản di truyền trong mỗi tế bào máu, mà khoa học đã chứng minh. Các con cháu của chúng ta về sau này cũng thế. Chúng ta cũng hiện hữu trong các tế bào máu của chúng. Tổ tiên tinh thần hiện hữu trong chúng ta qua bản chất/gene của chúng ta và qua cách nuôi dưỡng, và nó không thể tách biệt. Dù chúng ta có oán giận họ, họ vẫn hiện hữu trong chúng ta. Cho nên chúng ta cần biết chấp nhận một cách vô điều kiện. Để chấp nhận người khác, chúng ta cần phải chấp nhận chính mình trước. Nếu chúng ta không thể chấp nhận chính mình thì không thể nào có thể chấp nhận người khác.

Một người trưởng thành trong chiến tranh, hoặc trong một gia đình hay cộng đồng gặp nhiều đau khổ, người đó hiển nhiên có nhiều tuyệt vọng và sợ hãi. Các bậc cha mẹ nào đã chịu nhiều khổ đau và sợ hãi trong thế giới họ đang sống, hay lo sợ những người khác, thì sẽ truyền đi những hạt mầm sợ hãi và giận dữ lên con cái mình. Trong khi đó, nếu trẻ con được trưởng thành trong sự an toàn và tình thương, các hạt mầm tốt trong chúng sẽ được nuôi dưỡng và phát triển mạnh mẽ.

Nhìn vấn đề như thế, nhìn vào ông bà và tổ tiên của mình, và biết rằng họ đều là con người đã cam chịu khổ đau và đã cố gắng hết sức, hiểu được như thế sẽ giúp chúng ta xóa đi được mọi phủ nhận và căm giận. Chấp nhận tổ tiên mình với cả điểm mạnh lẫn điểm yếu sẽ giúp cho chúng ta cảm thấy bình an và bớt sợ hãi đi.

Làm hòa với tổ tiên của chúng ta cần tập luyện thật nhiều, nhưng đó là điều cần thiết nếu chúng ta muốn giải tỏa nỗi sợ hãi trong lòng mình.

Trên đây là một số đoạn văn trích từ tác phẩm Sợ/Fear của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Tôi đọc cuốn này đã lâu, nay mở lại lướt qua một số đoạn nêu trên. Nhiều điều thật hay, ý nghĩa và thâm sâu trong tác phẩm này. Có thể giúp chuyển hóa con người. Tôi không biết có cùng tác phẩm này bằng tiếng Việt không. Lên trang Làng Mai, tôi chỉ thấy tác phẩm “Không diệt không sinh đừng sợ hãi”. Nhìn lướt qua thấy không giống hoàn toàn nhưng có vài chương có cùng tâm điểm. Hay. Mời mọi người cùng đọc, nếu chưa.

Cách nhìn về sợ, về chánh niệm, hay các vấn đề khác của thiền sư Thích Nhất Hạnh, nói riêng, hay của Phật giáo, nói chung, có nhiều điểm tương đồng với các lĩnh vực khoa học khác như sinh học, tâm lý và khoa học thần kinh/neuroscience. Tôn giáo và khoa học gặp nhau ở đây. Có người bảo tận cùng của khoa học là tôn giáo? Tôi không biết. Nhưng càng đọc thì thấy thú vị, và càng thấy kiến thức thật là bao la. Học mãi mà vẫn như chưa học.

blog   PHẠM PHÚ KHẢI

BÌNH LUẬN
Một trong những giáo lý nền tảng của Phật Giáo là: ta phải tự cứu lấy mình – điều này cũng có nghĩa chính bản thân ta phải tìm cách vượt qua sự sợ hãi.
Giáo lý căn bản của Cơ đốc giáo: ta không thể tự cứu chính mình- phải nhờ đến Cứu Chúa Giê-su Christ.

Bạn có thể theo Phật Giáo hay đi theo Chúa Giê-su  là một lựa chọn cá nhân. Nếu bạn có thể tìm thấy sự bình an và vượt qua nỗi sợ hãi bằng chính bản lĩnh của bạn – khi ấy bạn không cần đến Cứu Chúa Giê-su Christ.
Con người ta chỉ có thể đến với Chúa khi nhận thức ra sự bất lực của chính mình khi đối diện với nỗi sợ và cái chết.
KHI BẠN KÍNH SỢ ĐỨC CHÚA TRỜI THÌ BẠN KHÔNG CÒN SỢ BẤT CỨ ĐIỀU GÌ  –  đây là nền tảng của đức tin vào Chúa Giê-su Christ.

admin

bài đã đăng tại:
https://huongdionline.com/2022/03/08/vuot-qua-noi/

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên