Anh tôi dong dỏng cao, hơi gầy một chút, là một thiếu niên đầy cá tính và mơ mộng. Học giỏi, chơi đàn ghi-ta, biết làm thơ và viết những câu chuyện cười là những khả năng của anh tôi có từ những năm học tiểu học trường làng. Anh còn là một người rất “chịu chơi” với bạn bè, đặc biệt là với đám con gái học cùng lớp với anh. Năm lên mười hai tuổi trong một kỳ nghỉ Hè, anh tôi xin vào làm phụ việc trong một ruộng mía gần nhà ở Bình Sơn, Quảng Ngãi. Khi xong việc vào buổi chiều anh chỉ xin người chủ ruộng mía cho anh một bó mía nhỏ đủ sức anh vác về nhà. Anh đã chiêu đãi chúng tôi – một nhóm bạn năm đứa gồm cả con trai và gái bằng bó mía anh có được. Tôi nghĩ thầm: ông này thật là dễ thương hết chỗ nói!
Khi anh mười lăm tuổi, anh đặc biệt thích cô gái nhà bên cạnh. Hai gia đình chỉ cách nhau một cái hàng rào trồng dâm bụt và cây bòng tây. Anh tôi lặn lội tìm kiếm ở đâu đó một số mồng tơi rồi đem về trồng xen kẻ vào hàng rào này. Khi mồng tơi lớn lên, anh tôi bắt đầu phá những cây bòng tây. Như vậy hàng rào giữa hai nhà của chúng tôi và cô gái bên kia chỉ còn lại mồng tơi và dâm bụt đỏ. Anh tôi chép bài thơ của Nguyễn Bính rồi gởi cho chị Phượng – cô gái láng giềng kém anh hai tuổi:
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn
Hai người sống giữa cô đơn
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi
……
Chị Phượng, một cô gái có khuôn mặt xinh xắn với tóc đuôi gà, nụ cười duyên dáng, má lúm đồng tiền yên lặng tiếp nhận những cánh thư tình vụng trộm từ anh tôi gởi. Vốn là một cô gái láu lỉnh và thông minh, chị Phượng tìm nhiều cách để “khai thác hết những khả năng của anh tôi.” Chị gặp riêng tôi vào một buổi trưa Hè khi mà lũ con gái chúng tôi đang chơi trò nhảy dây ở một khoảnh đất nhỏ trong xóm:
– Nè, Loan chị có điều muốn nhờ em.
– Nhờ cái gì?
– Nói dùm với anh Nam là chị rất muốn ăn mận, chị thấy cây mận nhà em có trái rồi đấy.
– Tưởng cái gì lớn lao chứ việc này nhỏ như con thỏ, chiều nay chị sẽ có mận ăn.
Tôi về nhà kể lại điều này cho anh tôi. Anh ấy rất hào hứng, và rồi mặc cho mẹ và chị gái tôi tỏ vẻ không bằng lòng, anh ấy đã hái đầy một giỏ mận, rồi nhờ tôi đem qua nhà cho chị Phượng. Tự bao giờ không biết, tôi trở thành con “chim xanh” cho cặp đôi này.
Năm mười sáu tuổi, anh tôi được một người bạn mời đi nhà thờ Tin Lành ở Bình Sơn. Sau khi nghe giảng luận Kinh Thánh xong, anh tôi quyết định tiến lên cầu nguyện tin Chúa. Đây là một bước ngoặc lớn trong cuộc đời anh tôi.
Kể từ ngày đó, tính cách và suy nghĩ của anh tôi bắt đầu biến đổi theo những gì mà anh học được tại nhà thờ Tin Lành. Anh tôi vẫn còn yêu chị Phượng bằng tình yêu của tuổi học trò, và anh hy vọng sẽ thuyết phục được chị Phượng cũng tin Chúa giống như anh. Thế nhưng dường như những cố gắng của anh chẳng có một kết quả nào rõ rệt. Anh tôi nhờ Ban thanh niên trong Hội Thánh đến thăm, tặng các sách Phúc âm, làm chứng cho chị Phượng, thế nhưng chị ấy vẫn cương quyết bảo vệ tín ngưỡng của một gia đình Phật tử.
Năm mười tám tuổi anh tôi vào bộ đội. Sau khi xong ba tháng huấn luyện quân trường ở Bình Định, anh về bán đảo Hải Minh, phía bên kia của Qui Nhơn tham gia vào một trung đội Pháo binh. Trong thời gian thi hành nghĩa vụ quân sự, anh tôi thỉnh thoảng có liên lạc bằng thư từ với chị Phượng trong hai năm đầu, rồi sau đó thưa dần. Xong bốn năm quân ngũ anh tôi trở về, thì than ôi chị Phượng đã lên xe hoa về nhà chồng! Chị ấy kết hôn với một thanh niên ở Bình Hải. Anh này là thuyền viên trên một chiếc ca-nô ba lốc máy chuyên đi đánh bắt cá xa bờ.
Anh tôi thẫn thờ mất cả tuần trước tin chị Phượng đi lấy chồng. Nhưng rồi thời gian trôi qua, nỗi buồn cũng phôi pha, anh tôi được một người bạn giới thiệu về Sài Gòn ghi danh học các lớp Kinh Thánh được tổ chức cách kín đáo ở một căn hộ dưới chân cầu chữ Y, Quận 5 của Liên Đoàn Truyền Giáo Phúc Âm. Tốt nghiệp chương trình huấn luyện Kinh thánh và mục vụ, anh tôi được các giáo sĩ và giáo viên đặt tay cầu nguyện xức dầu trở thành một nhân sự truyền giáo và cử đi đến Bình Dương. Không bao lâu sau đó anh tôi kết hôn với một chị em đồng công tại đây, người chị em này cũng có tâm tình hầu việc Chúa giống như anh. Thế là anh ấy định cư luôn ở Bình Dương.
Sau khi lập gia đình, anh tôi tiếp tục hầu việc Chúa và trở thành phụ tá cho một Mục Sư tại Bình Dương. Anh ấy lên một danh sách cầu nguyện cho những bạn hữu chưa tin Chúa trong một quyển sổ tay. Anh trung tín cầu nguyện cho họ mỗi ngày. Trong danh sách ấy có tên của một người đã từng làm cho anh đau khổ: Tô thị Hồng Phượng…
Thời gian thấm thoát trôi nhanh. Sau bốn mươi năm kể từ ngày biết yêu, anh tôi bây giờ đã “lên chức” trở thành ông nội của hai đứa cháu nhỏ. Theo dõi tin tức từ những bạn bè cũ, biết được hoàn cảnh của chị Phượng trong những năm gần đây, anh tôi viết bài thơ này gởi cho chị:
MỘT LỜI NHẮN
Nếu biết rằng tôi đã trở về
Nhà Cha từ ái phước hạnh đây
Thì sao em vẫn còn mê mải
Trong cõi đời nhiều nỗi thương đau
Bây giờ đã quá tuổi trăng non
Nghĩ chuyện ngày xưa thật lỡ làng
Mận, xoài, chuối, ổi tôi thường hái
Đem tới trao em nặng nghĩa tình
Ngày ấy em thường níu áo tôi
Mè nheo, đòi đủ thứ vu vơ
Hỏi rằng anh có thương em gái
Vòi bánh qui bơ, cánh bướm hồng
Năm em mười sáu tôi mười tám
Hai đưa xa nhau mấy núi đèo
Tôi vào bộ đội rồi đi mãi
Hẹn chiến chinh xong sẽ trở về
Tôi trở về em đã sang sông
Sáo xưa giờ phải hót trong lồng
Đành thôi định mệnh đời con gái
Biết nói chi đây: ván đóng thuyền
Tưởng rằng an phận với chồng con
Ai hay duyên phận quá bẽ bàng
Chồng em trong một chiều Thu vắng
Ra biển xa đi mãi không về!
Từ đó Thu về Đông lại qua
Đá vọng phu mỏi mắt trông chờ
Một đời góa phụ hai con nhỏ
Em khóc sao người khác ướt mi!
Tôi về Bình Dương đã rất lâu
Nghe tin em từ những bạn bè
Ngậm ngùi cho mảnh đời trắc trở
Kỷ niệm xưa còn đó phôi pha
Em chỉ là người em gái thôi
Người em sầu mộng tuổi thơ tôi
Có còn nhớ đến tình duyên cũ
Thì hãy nghe lời tôi nhắn trao
Tôi theo tiếng gọi từ thiên thượng
Rao giảng Tin Mừng phước cứu ân
Không gặp em cũng từ dạo ấy
Đường trần chia cắt nẻo hai nơi
Bây giờ tôi đã U sáu mươi
Em, hoàng hôn ngã bóng buổi chiều
Hết rồi phong độ thời trai trẻ
Chuyện tình yêu nào biết ai hay
Nếu vẫn còn đọc thơ tôi viết
Này em ơi xin hãy quay về
Với Jesus – nguồn ân sự sống
Chỉ trong Ngài ta có Tình Yêu
Hồng Phượng ơi nhớ lấy một điều
Tình Yêu thật đến từ Thiên Chúa
Không có Ngài tình như gió thoảng
Khi có Ngài tình mãi thăng hoa
(Nguyễn Việt Anh Nam)
Chị Phượng nhận được bài thơ từ Bình Dương gởi về Quảng Ngãi qua đường Bưu điện. Trong lòng chị những kỷ niệm của thời niên thiếu hiện về. Có một chút hối tiếc chuyện tình duyên ngày xưa trong tâm hồn của một góa phụ, nhưng biết làm thế nào được khi số phận đã an bài! Anh tôi cũng viết thư nhờ vị Mục Sư quản nhiệm ở nhà thờ Bình Sơn đến thăm và làm chứng về Phúc Âm cho chị Phượng. Kết quả là sau gần bốn mươi năm nghe giới thiệu về Tin lành, hôm nay chị Phượng đã quyết định tin Chúa sau lần viếng thăm của vị Mục Sư ở địa phương. Anh tôi là một người cầu nguyện cho linh hồn người khác và kiên trì với mục tiêu của mình, theo như những gì anh đã học được từ Trường Kinh Thánh. Khi nghe tin chị ấy trở thành cơ đốc nhân ở tuổi năm mươi ba, anh tôi kể lại câu chuyện này với mọi người trong Hội Thánh tại Bình Dương và đưa ra một lời bình luận:
– Đừng bao giờ bỏ cuộc trong sự cầu nguyện, đặc biệt là cầu nguyện cho sự cứu rỗi của linh hồn người khác. Đức Chúa Trời của chúng ta luôn luôn trả lời cho sự cầu nguyện loại này. Tôi đã lên một danh sách cầu nguyện cho những thân hữu của mình và theo dõi họ mỗi năm. Có những người chỉ sau sáu tháng được cầu nguyện đã tin Chúa, nhưng cũng có nhiều người phải mất hết vài chục năm hoặc lâu hơn. Cô bạn gái của tôi là một ví dụ loại này. Tôi tin rằng lời cầu nguyện của chúng ta cho sự cứu rỗi của người khác có một sức mạnh diệu kỳ. Vì vậy mọi người đừng bỏ cuộc trong sự cầu nguyện.
PHƯỢNG VĨ