Trang Chủ TRANG CHỦ Thế Giới Và Hội Thánh Đang Đi Về Đâu?

Thế Giới Và Hội Thánh Đang Đi Về Đâu?

936
0
SHARE

Thế Giới Và Hội Thánh Đang Đi Về Đâu? – Phần Một
Tác giả: T. A. McMahon.
Translated by Tuong Vi

http://huongdi.today
https://huongdionline.com

Tiêu đề trên đây nêu lên một câu hỏi thực tế nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu biết về Lai thế học (Eschatology) trong Kinh Thánh. Trước hết, lai thế học là gì, và thứ hai, tại sao cần phải hiểu đúng về nó?

Lai thế học trong Kinh Thánh là những gì Kinh Thánh nói về thời kỳ cuối cùng – tất cả những gì nó tuyên bố sẽ diễn ra. Làm thế nào để chúng ta hiểu đúng về nó? Rất đơn giản, chúng ta cần đọc Kinh Thánh nói gì về chủ đề này. Chúng ta cũng có thể đọc một số sách viết về Lai thế học trong Kinh Thánh, nhưng chúng phải đi theo ánh sáng tổng quan của toàn bộ Kinh Thánh.

Kinh Thánh cũng được xem là một cuốn sách lịch sử của thế giới — từ khi thế giới bắt đầu được tạo ra cho đến khi kết thúc là thời điểm nó sẽ được thay thế bằng trời mới và đất mới. Tại sao nó sẽ được thay thế? Bởi vì sau công cuộc tạo dựng, thế giới đã đi theo một hướng sai lầm.

Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa của chúng ta, đã thông báo cho nhân loại những chi tiết được chọn lọc liên quan đến sự sáng tạo của Ngài, và Ngài “thấy điều đó là tốt lành.” Sau khi A-đam và Ê-va được tạo ra, Ngài đã ban cho họ một cấm lệnh  nhưng họ không tuân theo. Hậu quả của sự bất tuân này đã mang tội lỗi vào thế gian, làm hư hỏng tất cả mọi tạo vật.

Satan là thiên sứ Lucifer sa ngã đã lừa dối Ê-va phạm tội không vâng lời Chúa. A-đam, người không bị lừa dối, nhưng đã sẵn sàng phạm tội. Tội lỗi của họ đã lây nhiễm cho tất cả những dòng dõi theo sau đó đến tận hôm nay. Do đó, nhân loại có hai lựa chọn liên quan đến tình trạng tội lỗi của mình. Họ có thể 1) chấp nhận kế hoạch hòa giải và cứu rỗi của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã cung cấp bằng cách sai Con Ngài, Chúa Giê-su, xuống thế gian làm người để trả hình phạt cho mọi tội lỗi của nhân loại; hoặc 2) nhân loại có thể hướng tới Satan như là vua chúa của thế gian này để tìm giải pháp.

Từ thời điểm Ê-va bị cám dỗ phạm tội cho đến khi thành lập tôn giáo và nước của Antichrist, Kinh Thánh ghi lại một trận chiến tâm linh đang diễn ra dành cho linh hồn của loài người. Kinh Thánh Cựu ước ghi lại các sự kiện Y-sơ-ra-ên được Đức Chúa Trời chọn và sắp đặt cho các mục đích của Ngài – chủ yếu là để thành lập một dân tộc mà Ngài sẽ sai Con Ngài đến. Lịch sử của Y-sơ-ra-ên bao gồm các giai đoạn quy phục và nổi loạn chống lại Đức Chúa Trời; thời kỳ thờ phượng đúng đắn và thời kỳ thờ hình tượng. Lịch sử  cũng ghi lại những nỗ lực tiêu diệt người Do Thái của Satan. Nếu người Do Thái bị xóa sổ, những lời hứa của Đức Chúa Trời sẽ mất tác dụng, và sẽ không có Đấng Mê-si-a đến thế gian thông qua Y-sơ-ra-ên.

Tân Ước ghi lại nỗ lực của Satan thông qua Hê-rốt để giết Chúa Giê-su khi Ngài còn là trẻ sơ sinh, cũng như những nỗ lực khác của kẻ thù để loại bỏ Đấng Mê-si. Không nghi ngờ gì nữa, Satan nghĩ rằng nó đã thắng trận chiến khi Chúa Giê-su bị đóng đinh, nhưng nó bị sốc khi Chúa Giê-su phục sinh từ cõi chết! Rõ ràng là Satan  đã không hiểu thấu mục đích đến trần gian của Chúa Giê-xu, đó là “phá hủy công việc của ma quỷ” bằng cách trả đủ hình phạt cho tội lỗi của nhân loại qua sự chết, sự chôn và sự phục sinh của Ngài. Công việc chính của Satan tập trung vào việc giữ cho nhân loại bị ràng buộc với tội lỗi, một ràng buộc mà sẽ bị phá vỡ đối với tất cả những ai sẽ quay lại — chỉ bằng đức tin — với Chúa Giê-su để được Ngài chuộc tội.

Vậy là trận chiến dành cho linh hồn của nhân loại đã kết thúc rồi phải không? Không. Trên thực tế, nó đang nóng lên từng ngày! Satan tự huyễn hoặc bản thân, bắt đầu ở trên trời khi nó tuyên bố mình sẽ “giống/ngang bằng như Đấng Rất cao,” Và rồi từ thiên sứ nó trở thành quỉ sứ chống nghịch Đức Chúa Trời.  Trong một phương diện Satan đã thành lập tôn giáo và vương quốc của nó trên  đất. Thông qua đó, Satan cuối cùng sẽ nhận được sự tôn thờ mà nó mong muốn khi chiếm hữu người mà nó chuyển giao quyền lực là Antichrist.

Những gì tôi đã nói đặt nền tảng Lai thế học cho thế giới và Cơ đốc giáo trong cuộc xung đột cuối cùng. Thế giới, trong một thời gian ngắn, sẽ nằm dưới sự kiểm soát của Antichrist, kẻ dường như sẽ chiến thắng Đấng Christ. Sau đó, Đức Chúa Trời sẽ phán xét thế giới qua cơn Đại nạn.

Tôi muốn bắt đầu chủ đề này với cuốn sách của Samuel Andrews có tựa đề: Cơ đốc giáo Và Chống Cơ đốc giáo Trong Xung Đột Cuối Cùng, vì một số lý do. Cuốn sách được xuất bản vào năm 1898. Sau khi đọc một bản rất cũ, tôi rất có động cơ để tái bản sách này thông qua The Berean Call (TBC). Tôi nhận ra rằng nó không chỉ chứa đựng những hiểu biết sâu sắc liên quan đến sự ứng nghiệm của các lời tiên tri, mà cuốn sách còn thể hiện một cách tuyệt vời để hiểu rõ hơn về Lai thế học được bày tỏ trong Kinh Thánh. Andrews chưa bao giờ tuyên bố có bất kỳ ân tứ  đặc biệt nào liên quan đến lời tiên tri. Tuy nhiên, những gì ông ấy đã làm thật đáng kinh ngạc! Và đó là điều mà tất cả chúng ta có thể làm và cần phải làm, trong thời đại bội giáo ngày càng gia tăng này.  Sau đây là những gì ông ấy đã làm.

Samuel Andrews đã tìm đến Sách Khải Huyền để thu thập những điều cần nói về Những Ngày Cuối Cùng. Ông  đã cân nhắc xem các nhân vật chính là ai, kế hoạch  của họ là gì, niềm tin tôn giáo của họ là gì, nghị trình chính trị của họ và làm thế nào những điều đó phù hợp với lẽ thật của Lời Chúa. Ngoài việc tra cứu những gì Giăng viết trong Khải huyền và các thư tín, Andrews còn tìm hiểu những trước giả Kinh Thánh khác như Đa-ni-ên, Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca, Phao-lô, Phi-e-rơ và Giu-đe đã nói gì về Những Ngày Cuối Cùng.

Một lần nữa, Samuel Andrews đã không làm bất cứ điều gì mà chúng ta là những tín hữu không thể làm. Khi thu thập thông tin đó, ông xem xét xem có điều gì trong số những gì ông  đã đọc nổi lên và có ảnh hưởng đến thời đại của ông  hay không. Ông  là một người sáng suốt về Kinh Thánh đến nỗi tôi không ngờ ông  thậm chí còn ngạc nhiên khi thấy những gì xảy ra phổ biến trên khắp thế giới vào thời đại của ông,  và ngay cả trong các quốc gia theo Cơ-đốc giáo. Thật  đau buồn, nhưng tôi không ngạc nhiên.

Ví dụ, ông nhận ra rằng hầu hết các triết gia được đánh giá cao và có ảnh hưởng trong thời đại của ông đều chống lại Cơ đốc giáo, những người như Baruch Spinoza, Immanuel Kant, và Georg Hegel. Chúng ta có lẽ quen thuộc hơn với Henry David Thoreau và Ralph Waldo Emerson, cả hai đều là người Mỹ.

Nếu bạn đang tự hỏi những triết gia này xuất phát từ khuynh hướng tâm linh nào? Họ cũng như hầu hết các nhà triết học hàng đầu của những năm 1800, là những người theo chủ nghĩa vô thần và thuyết bất khả tri. Họ từ chối Đức Chúa Trời của Kinh Thánh. Họ cho rằng “Đức Chúa Trời” là một lực lượng vô nhân thể có trong mọi thứ và mọi người. Họ cổ xúy thuyết tiến hóa và chủ nghĩa tự nhiên, mà theo lẽ thường, chúng gắn liền với chủ nghĩa thần bí phương Đông.

Andrew đã thấy mối liên hệ giữa niềm tin của họ và lời tuyên bố của Kinh Thánh rằng Antichrist (kẻ chống đối Chúa) sẽ tuyên bố mình là Đức Chúa Trời và sẽ được tôn thờ như Đức Chúa Trời (2 Tê-sa-lô-ni-ca: 2: 3-4 ). Đó là một quan sát quan trọng, bởi vì lời nói dối mà Satan đã dụ dỗ Ê-va – rằng bà ấy sẽ  “giống như Đức Chúa Trời” — không phải là niềm tin mà mọi người sẽ nhận vào ngay lập tức, đặc biệt là những người xem Đức Chúa Trời theo truyền thống là một thân vị cá nhân và là Đấng sáng tạo hoàn vũ.

Ví dụ, ngày nay có khoảng 2.5 tỷ Cơ đốc nhân và một tỷ người Hồi giáo. Cho dù niềm tin của hai nhóm này là vào Đức Chúa Trời của Cơ đốc giáo hay Allah của Hồi Giáo, việc chuyển sang tin rằng bạn là Đức Chúa Trời  hay đang trở thành Chúa không xảy ra ngay lập tức. Andrews viết: “Chừng nào loài người còn có đức tin vào một Đức Chúa Trời, Đấng Tạo dựng thế giới và con người, Đấng cai quản mọi sự theo ý muốn của Ngài và tồn tại bên ngoài tất cả mọi tạo vật, thì không ai có thể ngồi trong đền thờ của Đức Chúa Trời. ‘tự xưng mình là Đức Chúa Trời’; một tuyên bố như vậy sẽ bị bác bỏ ngay lập tức vì vừa phạm thượng vừa vô lý. Trước khi một tuyên bố như vậy có thể được lắng nghe, trong tâm trí của nhiều người phải có sự thay đổi trong quan niệm của họ về Chúa đến mức tuyên bố thuộc loại này sẽ không xúc phạm họ như một điều gì đó kỳ lạ và khó tin, nhưng sẽ được chấp nhận là hoàn toàn phù hợp với việc họ tin vào bản chất thần linh và mối quan hệ của nó với loài người.”  Andrews sau đó đưa ra một số hiểu biết về cách các triết lý có ý nghĩa tôn giáo giúp thúc đẩy sự chấp nhận tính chất thần thánh của loài người.

Bản chất của triết học là tự giải thích các khái niệm gần như hoàn toàn dựa trên trí tuệ và lý luận của con người. Điều đó có vẻ chấp nhận được đối với một số điều, nhưng trí tuệ và lý luận của con người đã chết chìm trong biển sâu tri thức khi cần phải giải đáp những vấn đề quan trọng nhất của cuộc sống.

Hãy xem một ví dụ. Các triết gia có thể nói gì với chúng ta về Đức Chúa Trời? Không có một chút gì của lẽ thật – ngoài những điều nhỏ nhặt mà chúng có thể bắt nguồn từ Kinh Thánh. Trong một cuộc khảo sát những triết gia có ảnh hưởng nhất, như tôi đã lưu ý, khi đề cập đến các vấn đề tôn giáo, họ là những người theo thuyết vô thần và thuyết bất khả tri. Là những người vô thần, họ khước từ Đức Chúa Trời của Kinh Thánh để ủng hộ ý tưởng của riêng họ; là những người theo thuyết bất khả tri, họ viện cớ không thể biết về Chúa. Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, họ có nhiều điều để nói về Đức Chúa Trời được bày tỏ trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, họ không có gì để nói về lẽ thật. Những bài viết của họ về Đức Chúa Trời là những gì tuyệt vọng trong sự thiếu hiểu biết. Tại sao vậy? Chẳng phải họ được coi là những con người  thông thái  sao? Thế thì tại sao các triết gia “lỗi lạc” đó lại thiếu hiểu biết trong các lý giải của họ về Chúa?

Rất đơn giản, vì bản chất tội lỗi, họ là những sinh vật hữu hạn đang cố gắng giải thích một Đức Chúa Trời vô hạn. Điều đó là không thể được, ít nhất là theo bất kỳ ý nghĩa của lẽ thật nào. Bạn đã bao giờ suy ngẫm  đến Châm ngôn 3:5 chưa, “Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va; chớ nương dựa vào sự hiểu biết của chính mình?” Tại sao không dựa vào sự hiểu biết của chúng ta? Ngoài việc công nhận rằng Đức Chúa Trời, Đấng đã tạo ra tất cả các tạo vật phải toàn trí, toàn năng và toàn tại.  Tất cả sự hiểu biết còn lại của chúng ta chỉ là sự khôn ngoan của thế gian dưới ngôi nhà của sự hiểu biết về Đức Chúa Trời. Điều đó bao gồm tất cả mọi người, không chỉ là các triết gia.

Tất cả những ai dựa vào sự hiểu biết của mình, đều sa lầy vào sự khôn ngoan xác thịt của chính mình. Một lần nữa, con người hữu hạn không thể biết Đấng Sáng tạo là Đấng vô hạn, trừ khi…? Trừ khi Đức Chúa Trời giao tiếp với người đó, và điều đó phải bao gồm sự bày tỏ/mặc khải những điều mà nhân loại chỉ có thể suy đoán như: thuộc tính đời đời  của Đức Chúa Trời, các thuộc tính hoàn hảo của Ngài và mục đích của Ngài đối với nhân loại. Đức Chúa Trời cũng  bày tỏ những điều về chúng ta. Vấn đề của chúng ta là gì? Bản chất tội lỗi của chúng ta xuất hiện từ khi nào? Có hy vọng nào để khắc phục tình trạng nhiễm tội từ tổ phụ hay không?

Tất cả những điều đó, và nhiều hơn thế nữa, chúng ta không thể biết sự thật trừ khi Chúa thông báo cho chúng ta. Chúng ta thậm chí không biết cả tấm lòng của chính mình! “Tấm lòng con người lừa dối tất cả mọi thứ, và xấu xa độc ác; ai có thể biết được điều đó?” (Giê-rê-mi: 17: 9 ); và “Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng.” (Hê-bơ-rơ: 4:12 ). Cái nhìn sâu sắc đó của Lời Chúa – sắc hơn gươm hai lưỡi không đến từ trí óc, trí tuệ hay sự thông minh của con người hữu hạn và tội lỗi!

Chúng ta quay trở lại với những triết gia có ảnh hưởng trong thời của Samuel Andrews, ví dụ, Spinoza, Kant, Hegel, Thoreau và Emerson. Họ là những người đã khước từ  Đức Chúa Trời của Kinh Thánh và truyền tải cho thế giới niềm tin chống đối Chúa của họ. Niềm tin chống đối Chúa? Đó là những gì một người còn lại khi từ chối Đức Chúa Trời và sự mặc khải của Ngài. Người ấy cũng gặp phải một vấn đề lớn khác: phải đưa ra giải pháp của riêng mình để giải quyết tình trạng lộn xộn mà thế giới đang mắc phải.

Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh tuyên bố rằng tội lỗi là vấn đề và Ngài có giải pháp. Các triết gia nhận thấy điều đó là không thể chấp nhận được, và họ kiên quyết trong quan điểm của mình – thậm chí là họ khó chịu. Thế giới, do đó, phải tìm ra phương pháp khắc phục của riêng mình. Tuy nhiên, tất cả các giải pháp mà thế giới đã thử nghiệm đều không thành công! Có rất nhiều ví dụ như:

CHỦ NGHĨA DUY VẬT KHOA HỌC

– Chủ nghĩa duy vật khoa học: tin rằng không có thực tại phi vật chất. Các cuộc thảo luận về chủ đề này có thể trở nên khó chịu, rối rắm cũng như ngu ngốc. Mặc dù vậy, chủ đề đó đã thống trị phần lớn giới giới khoa học trong quá khứ, nhưng bây giờ nó hầu như bị bỏ rơi. Tại sao? Bởi vì nó thách thức cả kinh nghiệm và lý trí, cũng như trong ý tưởng “chống đối Chúa”.

Samuel Andrews nhận xét: “Khoa học khao khát quy luật tuyệt đối và không thay đổi, nên nó nghiêng về hướng chủ nghĩa duy vật khoa học. Nó không thích bất kỳ sự can thiệp Thần thánh nào; mục đích của nó là thể chất vật lý, không phải đạo đức.”

Do đó, chủ nghĩa duy vật khoa học tuyên bố rằng “chỉ có vật chất tồn tại.”  Thật vậy sao?

Nếu tôi hỏi một người tin vào chủ nghĩa duy vật khoa học tại sao anh ta nghĩ điều đó là đúng và anh ta bắt đầu nêu lý do của mình, tôi sẽ ngăn anh ta lại giữa lúc anh ta đang giải thích bằng một câu hỏi khác: “Đó có phải là điều bạn nghĩ không?” Câu trả lời có thể xảy ra của người đó sẽ là, “Hoàn toàn đúng vậy.” Câu hỏi tiếp theo của tôi sau đó sẽ là, “Bạn nghĩ vậy sao? Suy nghĩ của bạn có phải là vật chất không? Còn các lý do thì sao? Chúng có thể chất vật lý không?” Từ đó, chúng ta có thể liệt kê  một danh sách toàn bộ những thứ chưa có cơ sở vật chất chắc chắn, nhưng là một phần của cuộc sống: tình yêu, dục vọng, công lý, lòng trắc ẩn, giận dữ, thẩm mỹ, kiêu hãnh, v.v…

Khoa học chân chính đã rất hữu ích cho nhân loại, nhưng nó đã không thể giải quyết được tất cả các vấn đề của nhân loại, và thậm chí còn nhiều hơn thế khi nó đã chuyển sang chủ nghĩa khoa học – thực tế là một sự biến đổi hoàn toàn của khoa học. Vì vậy, chủ nghĩa duy vật khoa học đã bị loại bỏ như một giải pháp hữu hiệu cho con người.

THUYẾT TIẾN HÓA

– Tiếp theo, các nhà triết học hướng đến sự tiến hóa: niềm tin rằng nhân loại đang tiến hóa, chuyển từ “chất nhờn thành thần thánh”. Một số tuyên bố rằng con người đang ở trên đỉnh của bậc thang tiến hóa và sẽ đạt đến trạng thái cao hơn. Tuy nhiên, những người nghĩ theo cách đó phải vượt qua một số rào cản. Thuyết tiến hóa đã bị phá sản – nó không có câu trả lời cho những vấn đề cơ bản của cuộc sống. Ví dụ, làm thế nào cuộc sống bắt đầu từ phi sự sống? Tuyên bố đó đã mâu thuẫn với quy luật của sinh học. Cái gì là xác suất của sự sống – chúng ta có thể nói đến  một tế bào của con người – được hình thành một cách tình cờ là bao nhiêu? Chắc chắn là bằng không!

Sir Fred Hoyle, nhà Toán học và Thiên văn học người Anh,  đã trình bày vấn đề này một cách rõ ràng, “… cơ hội tạo ra các enzym cơ bản của sự sống bằng các quá trình ngẫu nhiên không có định hướng thông minh sẽ là 10 với 40.000 số 0 sau nó. Điều bất khả thi về mặt toán học này đã được các nhà di truyền học biết rõ, nhưng dường như không ai thổi còi dứt khoát để đánh dấu cáo chung cho lý thuyết này.”

Trong số hàng triệu hóa thạch đã được tìm thấy, không có hóa thạch nào chuyển tiếp; nghĩa là không có loài trung gian nào giữa hai loài. Làm thế nào mà thời gian và cơ hội, nền tảng của quá trình tiến hóa, lại mang đến những yếu tố rất khác biệt nhưng rất cần thiết cho sự sinh sản của con người? Giống đực có tính cách rất khác so với giống cái, và sự khác biệt giữa chúng là cần thiết  cho việc sinh sản.

Một lần nữa, liên quan đến những câu hỏi này và nhiều câu hỏi khác, sự tiến hóa không có câu trả lời. Tuy nhiên, những người vô thần vẫn cố gắng tiếp tục tìm kiếm các giải pháp.

CHỦ NGHĨA TỰ NHIÊN

– Liên quan mật thiết đến sự tiến hóa là Chủ Nghĩa Tự Nhiên. Khái niệm đó bao gồm niềm tin rằng con người là một phần của tự nhiên. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, chúng ta đã đánh mất kết nối đó. Do đó, giải pháp của Chủ Nghĩa Tự Nhiên cho tình trạng lộn xộn mà chúng ta đang gặp phải là “quay trở lại với tự nhiên”. Tại sao là tự nhiên? Chúng ta được cho biết rằng tự nhiên là thuần khiết, trong sáng và tốt đẹp, vì một lý do nào đó, chúng ta trở nên “phi tự nhiên” và do đó những gì chúng ta làm hầu hết là chống lại tự nhiên.
Có thật như vậy không?

Khi loài hải ly xây tổ ấm hoặc tạo một con đập giữ nước, nó thường làm xáo trộn môi trường sinh thái xung quanh, khiến những cây chung quanh bị hư hại, bị cắt một nửa và đất bị ngập nước. Nhưng điều đó không sao vì nó là “tự nhiên” và do đó được coi là hoàn toàn hữu ích. Tuy nhiên, khi các kỹ sư xây dựng một con đập vì lợi ích của nhân loại, họ chú ý đến hầu hết mọi mối quan tâm về sinh thái, điều đó được coi là không tốt. Nó khác thường/phi tự nhiên.

Xin đợi một chút! Nếu con người thực sự là một phần của tự nhiên, như đã được khẳng định, thì mọi thứ con người làm phải là tự nhiên, và do đó chúng tốt, trong sáng và hữu ích. Quay trở lại mối liên hệ của Chủ Nghĩa Tự Nhiên với sự tiến hóa, một tuyên bố chính của quá trình tiến hóa là “Sự sống sót của người/chủ thể phù hợp nhất của một thời kỳ đã qua.” Nhân tiện đây, mọi người có thể nghe câu chuyện của tôi. Tôi có một cái máng đựng thức ăn ăn cho chim con. Những chú chim con dễ thương có thể làm sạch máng ăn hình trụ 18 inch chứa đầy các hạt thực phẩm chỉ trong vài giờ. Đôi khi việc này giống như những con chó hoang tham gia vào một bữa tiệc. Tôi rất vui vì những động vật nhỏ bé dễ thương đó!

Ở chỗ này, tôi suy đoán rằng việc nuôi chim của tôi đã đi ngược lại phần tốt đẹp, trong sáng và hữu ích của chức năng tự nhiên hay trạng thái nguyên thủy sự sống tự nhiên của loài chim.

Tuy nhiên, chúng ta được cho biết tất cả chúng ta cần phải “hòa mình với tự nhiên.” Như Dave Hunt  đã từng nói.  Hãy cố gắng hòa hợp với Mẹ Thiên Nhiên/Mẹ Tự Nhiên.

Tôi suy đoán rằng COVID-19 có thể là một điều tốt và tự nhiên. Đó là cách của Mẹ Thiên Nhiên  cân bằng dân số thông qua bệnh tật và cái chếtMẹ Thiên Nhiên cũng là tác giả của một loạt bệnh tự nhiên “tốt và trong sáng” khác như ung thư, nhiễm trùng, các bệnh nan y v.v…  Có thật vậy không?

Không. Chủ Nghĩa Tự Nhiên không giải quyết được mớ hỗn độn mà chúng ta đang mắc phải. Nó là một phần của mớ hỗn độn này!

Vì vậy, nếu tất cả những nỗ lực của nhân loại để giải quyết tình trạng tồi tệ của nó thông qua chủ nghĩa duy vật khoa học, thuyết tiến hóa và quay trở lại Chủ Nghĩa Tự Nhiên đều thất bại, bạn có thể nghĩ rằng con người sẽ bỏ cuộc và quay trở lại với Đấng Tạo hóa?

Không đời nào! Mặc dù các nhà triết học tự nhận là người vô thần và theo thuyết bất khả tri, họ phải – và phải – chuyển sang tôn giáo trong nhiệm vụ giải quyết mớ hỗn độn mà chúng ta đang mắc phải. Họ lý ​​luận rằng Đức Chúa Trời của Kinh Thánh không tồn tại, con người vẫn còn với tư cách là sinh vật tự ý thức cao nhất. Vì vậy, vị trí của con người làm cho con người bước vào trong địa hạt của thần thánh.

-Điều đó được gọi là thuyết phiếm thần (Pantheism).

THUYẾT PHIẾM THẦN

Lý thuyết này dẫn đến sự tự tôn cao bản ngã như một yếu tố cần thiết để giải quyết những vấn đề mà chỉ một Đức Chúa Trời toàn năng mới có thể giải quyết. Nó chủ trương rằng nhận ra tính chất thần linh của chính mình là vô cùng quan trọng. Ralph Waldo Emerson, nhà triết học nổi loạn đi theo thuyết phiếm thần rất được ngưỡng mộ, đã chỉ ra cách:

“Không có gì là thiêng liêng ngoài sự chính trực của tâm trí chúng ta. Tôi phải làm gì với sự thiêng liêng của các truyền thống nếu tôi sống nội tâm? … Không có luật nào có thể thiêng liêng đối với tôi ngoài bản chất [giống như thần thánh] của tôi …. Tôi tránh xa cha, mẹ, vợ và anh em trai của tôi, khi tính chất thần linh trong tôi thức dậy. Hãy xem Chúa Giê-su tốt hơn những người khác vì Ngài đã từ chối lắng nghe người khác… ”.

Andrews lưu ý một đặc điểm khác, có lẽ là đặc điểm cơ bản liên quan đến thuyết phiếm thần. Thuyết phiếm thần hoàn toàn mang tính chủ quan, được điều khiển bởi trực giác và cảm giác; điều này không thể được chứng minh hoặc bác bỏ. Ông  trích dẫn việc Emerson lấy cảm xúc cá nhân trở thành trọng tài phán xét điều ông ấy sẵn sàng chấp nhận hay từ chối. Ví dụ Bữa ăn tối cuối cùng của Chúa với các sứ đồ nằm dưới sự xem xét cẩn thận của Emerson, ông phát biểu: “Nếu tôi tin rằng điều đó là do Chúa Giê-su ra lệnh cho các môn đồ của Ngài, và Ngài thậm chí đã dự tính thực hiện vĩnh viễn phương thức tưởng niệm này theo mọi cách có thể chấp nhận được…, nhưng khi đưa vào thực nghiệm thì điều đó làm tôi bực mình, nó không phù họp với cảm xúc của tôi, vì thế  tôi không nên áp dụng nó. Tôi không nên tham gia tiệc thánh!”
Khi nói đến điều này, chỉ có hai lựa chọn: thuyết hữu thần theo KinhThánh thánh và thuyết phiếm thần. Thuyết hữu thần theo Kinh Thánh liên quan đến Đức Chúa Trời, Đấng bày tỏ chính Ngài trong Kinh Thánh. Chỉ có một mình Ngài là Đức Chúa Trời, Đấng đã tạo ra mọi thứ. Ngài không phải là một phần của sự sáng tạo— Ngài hoàn toàn là “chủ thể khác”, tồn tại vĩnh viễn bên ngoài những gì Ngài đã tạo ra. Nếu Đức Chúa Trời là một phần của sự sáng tạo, thì Ngài sẽ là một phần của “mớ hỗn độn” mà chúng ta đang ở trong đó, mà Ngài thì không. Ngài chính là giải pháp duy nhất của chúng ta.

Thuyết Phiếm thần, như chúng ta đã lưu ý trước đó, là niềm tin rằng Chúa ở trong mọi thứ và do đó mọi thứ là Chúa. Việc bác bỏ thuyết hữu thần theo Kinh Thánh khiến cho nhân loại đi theo  thuyết phiếm thần. Tất cả các nhà triết học tôi đã đề cập trước (và nhiều nhà triết học khác mà tôi không đề cập) đều là những người theo thuyết phiếm thần. Họ từ chối Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh và tìm kiếm tính chất thần linh của riêng mình.

Samuel Andrews, người viết cuốn sách vào năm 1898, Cơ đốc giáo và Chống Cơ đốc giáo Trong Xung Đột Cuối Cùng, mà tôi đang trích dẫn, ghi lại niềm tin vào thuyết phiếm thần của các triết gia Đức đã tràn ngập thế giới  thông qua nghệ thuật, khoa học, văn học và tôn giáo. Andrews viết, “Như trước đây, một số bằng chứng đã được đưa ra cho thấy thuyết Phiếm thần, dưới một số hình thức của nó, không chỉ lan tràn trong triết học hiện đại mà ngày càng thâm nhập vào tôn giáo, khoa học, văn học và tất cả các lĩnh vực của con người. Đa số được làm quen với các nguyên tắc của nó qua các tạp chí, báo, qua các bài giảng và bục giảng. Sự phổ biến của nó được thể hiện ở mức độ nhanh chóng mà các hệ thống như Khoa học Cơ đốc giáo, Khoa học Tâm thần, Thông thiên học, và những hệ thống khác có liên quan đến đã lan truyền trong các cộng đồng Cơ đốc giáo. Vì thuyết phiếm thần hay phiếm thần giáo là quan điểm cho rằng Đức Chúa Trời là tất cả mọi thứ / tất cả mọi người và cho rằng tất cả mọi người và tất cả mọi vật là Đức Chúa Trời.. Nó gieo rắc bầu không khí tràn đầy các quan điểm của nó, và nhiều người vô hình trung bị ảnh hưởng bởi nó mà không hề hay biết.”

Đây là nơi mà tất cả (thế giới và một bộ phận của cộng đồng hội thánh) đều hướng tới.

Thuyết phiếm thần không chỉ được cổ xúy bởi lời kêu gọi con người “trở thành thần linh” mà còn được củng cố bằng hành động chính trị, đặc biệt là trong các nền dân chủ. Làm thế nào mà điều đó xảy ra?

THỂ CHẾ DÂN CHỦ

Andrews viết, “… sự phát triển của thể chế Dân chủ (Democracy)  để chuẩn bị đường lối của Antichrist bằng cách làm cho ý chí của quần chúng trở thành tối thượng, cả về sự lựa chọn của những người cai trị cũng như bản chất và mức độ cai trị của họ; và bằng cách đưa ra biểu hiện hợp pháp cho ý muốn đó.

“Khi một người dân bầu ra các nhà lập pháp của mình, luật pháp sẽ là điều mà đa số cử tri yêu cầu. Trước đây, giữa tất cả các quốc gia Cơ đốc giáo, luật pháp như vậy, phần lớn dựa trên các nguyên tắc Cơ đốc giáo, và liên quan đến việc thừa nhận thẩm quyền của Đức Chúa Trời. Miễn là thẩm quyền này, như được tuyên bố trong Kinh Thánh hoặc bởi Giáo hội, được công nhận, thì ý muốn của người dân không phải là tối thượng; nhưng khi bị phủ nhận, uy thế tối thượng  này càng ngày càng mở rộng. Khi đó, nếu niềm tin trở nên chung chung, hoặc rằng không có Đức Chúa Trời, Đấng ban Luật pháp, hoặc không thể hiện ý chí của Ngài là Đấng có thẩm quyền tối hậu, thì nguyên tắc nào sẽ xác định đặc tính và giới hạn của pháp luật? Nguyên tắc duy nhất là lợi ích công đồng hay bất cứ điều gì được cho là đúng theo cái nhìn của số đông người.” [Nói cách khác, để được bầu hoặc tái cử, các chính trị gia thường chạy theo ý muốn của cử tri. Đó chắc chắn là xu hướng chính trị ngày nay tại Mỹ và phương Tây!]

Một lần nữa, hãy nhớ rằng, cuốn sách của Andrews đã được viết cách đây 120 năm và chúng ta chỉ đang chạm vào một số điều mà ông ấy tiết lộ trong thời đại của mình, nhưng cuốn sách của ông trông giống như được cập nhật. Một cách vô hình trung, tác giả trở thành nhà bình luận tin tức trong thời đại của chúng ta. Và đây sẽ không phải là tin giả!

Bài viết này chủ yếu tập trung vào thế giới và nơi nó đang hướng tới. Trong phần 2, trọng tâm chính sẽ là hội thánh bao gồm hội thánh chân chính và hội thánh tự xưng, và sự bội đạo (cũng sẽ bao gồm những tín đồ chân chính).

Tôi bắt đầu thông điệp này bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của Lai thế học, đặc biệt là giá trị của nó trong việc bảo vệ các tín hữu chống lại việc bị lừa dối, bao gồm cả việc bị lôi kéo và vô tình đóng góp vào tôn giáo và vương quốc của Antichrist. Thảm hại thay, điều này đang xảy ra ngày nay với tỷ lệ đáng kinh ngạc khi sự trở lại của Cứu Chúa chúng ta là Chúa Giê-Su Christ đang đến rất gần.

 

TBC (The Berean Call)

Chú thích:

Eschatology (lai thế học) là giáo lý về những điều cuối cùng. Ban đầu nó là một thuật ngữ phương Tây, dùng để chỉ niềm tin của người Do Thái, Cơ đốc giáo và Hồi giáo về sự kết thúc của lịch sử, sự sống lại của người chết, sự phán xét cuối cùng, kỷ nguyên của Đấng Christ, và các vấn đề thần học.

Materialism (Chủ nghĩa duy vật) được định nghĩa là “mối quan tâm đến những thứ vật chất hơn là những thứ thuộc về trí tuệ hoặc tinh thần”. Nếu một Cơ đốc nhân bận tâm đến những thứ vật chất, điều đó chắc chắn là sai lầm. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể có của cải vật chất, nhưng nỗi ám ảnh về việc có được và chăm sóc “đồ vật” là một điều nguy hiểm đối với Cơ đốc nhân.

Pantheism (Thuyết phiếm thần / phiếm thần giáo) là quan điểm cho rằng Đức Chúa Trời là tất cả mọi thứ và tất cả mọi người và cho rằng tất cả mọi người và tất cả mọi vật là Đức Chúa Trời. Thuyết phiếm thần tương tự như tín ngưỡng đa thần (niềm tin vào nhiều thần linh), nhưng vượt xa đa thần giáo dạy rằng tất cả mọi vật đều là Đức Chúa Trời. Một cây là Đức Chúa Trời, một tảng đá là Đức Chúa Trời, một con vật là Đức Chúa Trời, bầu trời là Đức Chúa Trời, mặt trời là Đức Chúa Trời, bạn cũng là Đức Chúa Trời … Thuyết phiếm thần là giả thuyết của đằng sau những dị giáo và những tôn giáo sai lạc (ví dụ, Ấn Độ giáo và Phật giáo ở một mức độ nào đó, những hội đoàn và những giáo hội thống nhất dị giáo, và những tín đồ của “Mẹ thiên nhiên”).

Agnosticism (Thuyết bất khả tri) là quan điểm triết học cho rằng tính đúng hay sai của một số tuyên bố nhất định – đặc biệt là các tuyên bố thần học về sự tồn tại của Đức Chúa Trời hay các vị thần – là chưa biết và không thể biết được hay không mạch lạc.

Naturalism (Chủ nghĩa tự nhiên) là ý tưởng hoặc niềm tin rằng chỉ các quy luật và lực lượng tự nhiên (trái ngược với các quy luật siêu nhiên hoặc tâm linh) vận hành trong vũ trụ. Những người theo chủ nghĩa tự nhiên khẳng định rằng các quy luật tự nhiên là quy luật duy nhất chi phối cấu trúc và hành vi của thế giới tự nhiên, và vũ trụ luôn thay đổi ở mọi giai đoạn đều là sản phẩm của các quy luật này.

Chủ nghĩa tự nhiên cũng tin rằng tất cả những gì tồn tại trong vũ trụ là vật chất. Không có linh hồn; chúng ta chỉ là một tập hợp phức tạp của các tế bào thần kinh. Không có Đấng Tạo Hóa. Chủ nghĩa tự nhiên tin vào sự tiến hóa. Và những trải nghiệm như nỗi đau, niềm vui, vẻ đẹp và cảm giác về bản thân không thực sự tồn tại. Chúng chỉ đơn thuần là các phản ứng sinh lý.

Democracy (Dân chủ) là một phương pháp ra quyết định tập thể trong đó mọi thành viên đều có quyền ngang nhau khi tham gia ra quyết định. Dân chủ cũng để chỉ một hình thức nhà nước trong đó mọi thành viên đều tham gia vào việc ra quyết định về các vấn đề của mình, thường bằng cách bỏ phiếu để bầu người đại diện trong quốc hội hoặc thể chế tương tự. Dân chủ được định nghĩa thêm như “chính quyền của nhân dân, đặc biệt là: sự thống trị của số đông” hoặc “một chính phủ trong đó quyền lực tối cao được trao cho người dân và thực hiện bởi họ trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua một hệ thống đại diện thường liên quan đến việc tổ chức định kỳ các cuộc bầu cử tự do.”

 

 

 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên