Trang Chủ BIỆN GIÁO Bài Viết Còn Đang Hiệu Đính

Bài Viết Còn Đang Hiệu Đính

879
0
SHARE

Dẫn nhập

KINH THÁNH là quyển sách quan trọng nhất trên thế giới. Đây chính là niềm tin quyết của người Cơ Đốc cũng như của các lãnh đạo chính trị chín chắn, các hoàng tộc và những người tri thức nổi tiếng. Vua George V nước Anh đã tuyên bố: “Kinh Thánh… về phương diện thế tục, là báu vật hàng đầu của quốc gia, còn trên phương diện tâm linh, đây chính là sách giá trị nhất mà thế giới có thể mua được bằng tiền.”[1] Tại lễ đăng quang của nữ hoàng Elizabeth II, trong khi bà cầm quyển Kinh Thánh để thể hiện đức tin và lòng trung thành, tổng giám mục Canterbury đã tuyên bố: “Đây là sự khôn ngoan, đây là Luật Hoàng Gia, đây là Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời.”[2]

Patrick Henry, nhà ái quốc Hoa Kỳ nổi tiếng với câu nói bất hủ: “Hãy cho tôi tự do, hoặc cho tôi cái chết,” ông đã nói về Kinh Thánh rằng: “Quyển sách này đáng giá hơn mọi quyển sách khác từng được in ra.”[3] Bằng những lời tương tự, tiểu thuyết gia người Nga Fyodor Dostoevsky sau khi giới thiệu về việc đọc trọn bộ Kinh Thánh bản dịch tiếng Nga đã tuyên bố: “Trước hết, người ta biết chắc rằng nhân loại không có được và cũng không thể có được một quyển sách nào khác vĩ đại như Kinh Thánh.”[4]

Trong thời gian gần đây, Billy Graham đã nói về Kinh Thánh rằng: “Không một quyển sách nào khác có thể chạm đến sự khôn ngoan uyên bác, vẻ đẹp đầy thi vị, hoặc tính chính xác của lịch sử và lời tiên tri trong Kinh Thánh… Kinh Thánh tiêu biểu cho mọi kiến thức mà con người cần để lấp đầy khao khát trong tâm hồn và giải quyết mọi vấn đề… Tôi muốn được thấm đẫm trong Kinh Thánh. Tôi muốn thuộc lòng Kinh Thánh trước khi tôi chết.”[5] Chắc chắn cụm từ thường được nhắc đi nhắc lại trong các bài giảng của ông đó là: “Kinh Thánh dạy rằng…”

Đối với Cơ Đốc Nhân Lời Chúa là vô giá, được minh chứng qua việc những người tin Chúa sẵn lòng hy sinh mạng sống của họ để có được Lời Chúa. Trong thời kỳ hội thánh bị bắt bớ dữ dội năm 303 sau CN, hoàng đế La-mã Diocletian kiên quyết tiêu hủy Kinh Thánh. Tất cả mọi bản sao Kinh Thánh khi phát hiện đều bị đốt cháy. Hàng nghìn Cơ Đốc nhân và gia đình của họ đã tử đạo vì sở hữu những phần của Lời Chúa. Cuộc bách hại và tiêu hủy Kinh Thánh tiếp tục diễn ra trong hai năm, sau đó một chiếc cột chiến thắng được dựng lên trên đống tro tàn của một quyển Kinh Thánh, trên cây cột viết những lời cáo thị rằng Kinh Thánh đã “biến mất.” Nhưng chỉ hai mươi năm sau, hoàng đế Constantine tuyên bố rằng Kinh Thánh chính là thẩm phán không thể sai lầm của lẽ thật. Kẻ thù của Đức Chúa Trời đã nhiều lần cố gắng tiêu hủy Kinh Thánh bằng nhiều cách khác nhau. Nhưng Đức Chúa Trời đã bảo tồn Kinh Thánh – đôi khi bằng một cái giá quá lớn mà dân sự của Ngài phải trả, một cái giá mà đối với họ chẳng đáng chi khi so sánh với báu vật Lời Chúa.

Địa vị cao quý mà người tin Chúa dành cho Kinh Thánh đã khiến cho họ có biệt danh “Dân có Kinh Thánh.” Có lẽ Muhammad là người đầu tiên đặt ra biệt danh này chủ yếu dành cho người Do Thái nhưng cũng dành cho Cơ Đốc nhân bởi vì cả hai đối tượng này đều rất coi trọng sự mặc khải được ghi chép trong Kinh Thánh. Người Hồi Giáo cũng được xếp vào biệt danh này bởi vị trí đặc biệt mà cả ba tôn giáo dành cho các bản Kinh Thánh của họ so với các tác phẩm văn chương khác trong mỗi tôn giáo.

Đối với người Do Thái, Kinh Thánh của họ chính là sự mặc khải trọn vẹn của Đức Chúa Trời cho dân tộc của Ngài. Nhưng đối với Cơ Đốc Nhân, vị trí đó thuộc về Đấng Christ, Ngài là Đức Chúa Trời, Đấng đã đến thế gian để bày tỏ chính Ngài cho nhân loại (Hêb. 1:2). Thật vậy, Đấng Christ chính là Đức Chúa Trời hằng sống và là thẩm quyền cuối cùng của hội thánh. Tuy nhiên điều này không làm giảm đi thẩm quyền của Kinh Thánh. Bởi vì ngoài Kinh Thánh có phương cách nào giúp chúng ta nhận biết Đấng Christ? Và bằng cách nào Đấng Christ thực thi thẩm quyền nếu không có Lời Chúa, đặc biệt khi Ngài còn tại thế? Về sau, chúng ta sẽ thấy sự kết nối bên trong giữa Lời Chúa được bày tỏ qua thân vị của Đức Chúa Giê-su và Lời Chúa được bày tỏ qua Kinh Thánh.

Kinh Thánh là điều thiết yếu của Cơ Đốc giáo bởi vì Kinh Thánh ghi lại sự kiện Đức Chúa Trời can thiệp vào dòng lịch sử nhằm cứu rỗi nhân loại. Song không chỉ là một câu chuyện lịch sử về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, chính Kinh Thánh cũng là một phần trong công tác cứu rỗi đó. Lời Chúa cho chúng ta biết ý nghĩa chức vụ của Đức Chúa Giê-su và bày tỏ phương cách để chúng ta tiếp nhận sự cứu rỗi của Ngài.

Cơ Đốc giáo hoàn toàn cần có Kinh Thánh được minh họa qua việc so sánh Kinh Thánh với các sách của Đạo Hindu. Nếu mọi sách của Đạo Hindu bị tiêu hủy và trên đất không còn ai theo Đạo Hindu, nghĩa là Đạo Hindu hoàn toàn biến mất khỏi nhận thức con người, thì người ta vẫn tin rằng Đạo Hindu hoàn toàn có thể trỗi dậy lần nữa bởi vì cơ bản đó là một lối sống. Người ta cũng suy xét như vậy đối với những tôn giáo khác. Tuy nhiên, nếu mọi bản sao Kinh Thánh đều bị xóa sạch và mọi Cơ Đốc Nhân nếu không còn trên mặt đất, kể cả những gì được lịch sử nhắc đến cũng không còn, khi ấy Đạo Cơ Đốc không thể trỗi dậy lần nữa. Tại sao? Bởi vì Cơ Đốc Giáo hơn cả một lối sống. Đó là một tôn giáo có trong lịch sử được thành lập dựa trên công tác của Đức Chúa Trời trong lịch sử nhân loại, và Kinh Thánh ghi lại lịch sử cứu chuộc đó.

Kinh Thánh khác với mọi quyển sách khác bởi vì đó là Lời của Đức Chúa Trời. Các quyển sách khác dù uyên thâm như thế nào cũng đều là lời của con người. Số người tin Kinh Thánh có thẩm quyền không mắc sai lầm đang ngày một gia tăng trên thế giới giữa lúc các hội thánh tự do ngày một giảm và  Cơ Đốc giáo ngày một tăng trưởng mạnh mẽ ở nhiều nơi trên thế giới.

Tuy nhiên vị trí cao quý của Kinh Thánh đối lập đầy quan ngại với vai trò thực tiễn trong đời sống con người. Đặc biệt tại thế giới Tây Phương khi chủ nghĩa đa nguyên tôn giáo ngày một gia tăng kéo theo việc người ta chấp nhận mọi quan niệm, cùng với những lời phê bình tiêu cực của chủ nghĩa duy lý đối với Kinh Thánh, tất cả đang làm xói mòn lòng tin vào thẩm quyền tối thượng của Kinh Thánh, thậm chí tại nhiều hội thánh tốt. Nhiều quan điểm diễn giải Kinh Thánh khác nhau cũng khiến người ta băn khoăn điều Kinh Thánh thực sự dạy dỗ là gì. Tất cả các yếu tố trên gộp lại làm suy yếu Kinh Thánh là trụ cột của đức tin và là nguồn gây dựng đời sống tín hữu.

Quan trọng hơn hết, nhiều người tin Chúa gặp vấn đề vì thiếu niềm tin vào sự linh nghiệm của Kinh Thánh. Chúng ta tôn kính Kinh Thánh là Lời thánh của Đức Chúa Trời, nhưng chúng ta không đọc Kinh Thánh. Khi gặp bối rối trước những vấn đề trong cuộc sống, chúng ta thường tìm kiếm sự giúp đỡ và an ủi từ những điều khác ngoài Kinh Thánh. Có rất nhiều lý do khiến chúng ta mất lòng tin nơi Kinh Thánh. Đầu tiên, chúng ta đang sống trong một xã hội chống đối sự độc đoán. Người ta không muốn bất kỳ ai dạy họ việc phải làm, dù đó là con người hay Thượng đế. Hệ quả là nhiều Cơ Đốc Nhân không làm theo Lời Chúa, không tiếp nhận Lời Chúa vào lòng với thái độ tin cậy vâng lời để được biến đổi đời sống. Chính vì vậy, nhiều người kết luận rằng Kinh Thánh không thật sự linh nghiệm.

Dĩ nhiên, Kinh Thánh đóng vai trò trung tâm trong mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và con người. Duy nhờ Kinh Thánh mà chúng ta có thể nhận biết Chúa, và theo lời Đức Chúa Giê-su phán, đây chính là sự sống đời đời (Giăng 17:3). Kinh Thánh duy trì và nuôi dưỡng đời sống Cơ Đốc để chúng ta được lớn lên trong kinh nghiệm bước đi với Chúa. Vậy nhận định Kinh Thánh là “Quyển sách” lịch sử nhân loại là phù hợp với thực tiễn, và người nào không đặt Kinh Thánh ở đúng vị trí trong cuộc sống sẽ phải chịu tổn thất.

Tuy nhiên quyển sách mà chúng ta gọi là Kinh Thánh là gì? Làm sao con người có Kinh Thánh? Điều gì khiến Kinh Thánh có thẩm quyền? Có phải Kinh Thánh thật sự không sai lầm? Tại sao Kinh Thánh bao gồm sáu mươi sáu sách còn những sách khác thì bị loại? Lời dạy của Kinh Thánh liên hệ thế nào với hội thánh và con người? Làm thế nào chúng ta hiểu được lời dạy trong Kinh Thánh? Chúng ta cần làm gì để kinh nghiệm quyền năng biến đổi của Kinh Thánh? Những câu hỏi trên cùng với những câu hỏi khác chính là chủ đề của bài nghiên cứu này, với mục đích đó là Kinh Thánh sẽ hoàn thành công việc như đã hứa trong đời sống chúng ta.

 

PHẦN I: KINH THÁNH

1

Tại sao Kinh Thánh được gọi là Quyển sách Sự sống?

 

So với mọi quyển sách khác trên thế giới, Kinh Thánh là ĐỘC NHẤT bởi vì những lời trong đó được nạp bằng sự sống và năng quyền của Đức Chúa Trời. Không phải người ta gắn Đức Chúa Trời vào giấy mực hay là cuộn giấy trong thời cổ đại. Nhưng sự hiện diện của Chúa được truyền đạt qua lẽ thật Lời Ngài. Năng quyền độc nhất của Lời Chúa được Cơ Đốc Nhân lẫn những người không tin Chúa kinh nghiệm như nhau. J. B. Phillips, người đầu tiên viết diễn giải Tân Ước, đã làm chứng về kinh nghiệm của chính ông trong việc cẩn thận nghiên cứu Kinh Thánh. Trong lời mở đầu của tác phẩm ông đã viết: “Người biên dịch… luôn bị choáng ngợp bởi phẩm chất hằng sống của tài liệu mà ông đang biên dịch. Chắc chắn một số người chỉ xem Kinh Thánh như là sự tôn sùng đầy mê tín đối với ‘Đức Thánh Linh,’ song hết lần này đến lần khác, tác giả cảm thấy mình như một người thợ điện đang mắc lại hệ thống điện của một căn nhà cổ xưa nhưng không thể ‘tắt lưới điện chính.’”[6]

Tương tự, nhà bác học người Pháp Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) với những triết lý mở đường cho chủ nghĩa giải phóng nhân loại, ông cũng đã cảm thấy choáng ngợp trước động lực độc nhất của Kinh Thánh. Ông viết: “Tôi thừa nhận rằng sự uy nghiêm của Kinh Thánh đã khiến tôi kinh ngạc; sự thánh khiết của các trước giả giả Phúc Âm đã phán với lòng tôi và họ có những phẩm chất của lẽ thật đầy cuốn hút, và hơn thế nữa, thật không thể bắt chước được, rằng nếu Kinh Thánh là do con người sáng tác, thì các trước giả đó chắc hẳn phải vĩ đại hơn các anh hùng vĩ đại nhất.”[7] Ngày nay chúng ta không thể nghe được những lời như thế từ những triết gia hàng đầu, tuy nhiên chắc chắn việc này không phải do Kinh Thánh không còn tác động đến tấm lòng con người nhưng do người ta không còn đọc Kinh Thánh nhiều như trước nữa.

 

NĂNG QUYỀN CỦA LỜI CHÚA

Chúng ta đều nghe câu nói: “Gậy và đá có thể đập vỡ xương tôi, nhưng lời nói không thể làm tôi tổn thương.” Tuy nhiên kinh nghiệm cho thấy nhận định này không hoàn toàn chính xác. Lời nói gây tổn thương, nhưng chúng cũng có thể chữa lành. Thậm chí Kinh Thánh đã viết về lời nói của con người rằng: “Sống chết ở nơi quyền của lưỡi” (Châm 18:21). “Lưỡi hiền lành giống như một cây sự sống; Song lưỡi gian tà làm cho hư nát tâm thần” (15:4). Lời nói con người có sức mạnh như chiếc bánh lái điều khiển được con tàu hoặc như một đám lửa nhỏ có thể làm cháy cả khu rừng (Gia 3:4-6; cũng xem Châm 25:15).

Nếu lời nói con người có sức mạnh như thế thì Lời Chúa lại càng có năng quyền gấp ngàn lần hơn! Dĩ nhiên, lời nói của con người có giới hạn do bản chất tạo vật của con người là hữu hạn. Tuy nhiên Đức Chúa Trời là vô hạn nên lời phán của Ngài có năng quyền vô song. Đức Chúa Giê-su phán cùng các môn đồ rằng: “Những lời ta phán cùng các ngươi đều là thần linh và sự sống” (Giăng 6:63), nghĩa là Lời Chúa phán có năng quyền của Đức Thánh Linh và sự sống. Vào lúc phán ra điều này, nhiều người khi trước theo Chúa đã từ bỏ không còn theo Ngài nữa. Nhưng các môn đồ vì đã tiếp nhận Lời Chúa nên được kinh nghiệm năng quyền của Lời Ngài. Khi Chúa hỏi rằng liệu các môn đồ cũng sẽ thoái lui, Phi-e-rơ quả quyết thay mặt cho mười hai môn đồ mà đáp lại rằng: “Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời” (6:68).

Trước giả sách Hê-bơ-rơ công bố: “Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng” (Hê 4:12). Điều thú vị đó là tác giả sách Hê-bơ-rơ cũng đã dùng từ “sống” để mô tả về chính Đức Chúa Trời (3:12; 9:14; 10:31; 12:22). Đức Chúa Trời hằng sống ban Lời có sự sống của Ngài. Và bởi vì Lời Chúa là lời “sống” nên lời Chúa cũng là lời “linh nghiệm.”

Trong một bản cáo trạng dài lên án các tiên tri giả đã nói những lời “không làm ích gì” cho dân Ngài, Đức Chúa Trời công bố năng quyền trong lời chân thật của Ngài: “Lời ta há chẳng như lửa, như búa đập vỡ đá sao?” (Giê 23:29, 32). Đức Chúa Trời phán cùng tiên tri Giê-rê-mi rằng: “Nầy, ta sẽ khiến lời ta nên như lửa trong miệng ngươi, dân nầy sẽ như củi, và lửa ấy sẽ nuốt nó” (5:14). Có lúc vị tiên tri này từ chối công bố Lời mà Chúa đã truyền cho ông, ông cảm nhận lời Chúa như “lửa đốt cháy” trong “lòng” và trong “xương” (20:9).

Xuyên suốt Kinh Thánh, Đức Chúa Trời thực hiện ý muốn của Ngài bằng lời năng quyền. Tất cả sự bao la của vũ trụ được tạo nên nhờ lời phán của Chúa. Tám lần trong Sáng thế ký 1 viết rằng: “Đức Chúa Trời phán…” Như tác giả Kinh Thánh viết rằng: “Thế gian đã làm nên bởi lời của Đức Chúa Trời”  (Hê 11:3). Tác giả Thi thiên khẳng định: “Các từng trời được làm nên bởi lời Đức Giê-hô-va” (Thi 33:6). “Lời có quyền phép Ngài” tiếp tục nâng đỡ muôn vật để chúng được tồn tại (Hêb. 1:3).

Lời Chúa giống như những người đưa tin đầy năng quyền chạy đi khắp trái đất để hoàn thành ý muốn Chúa. “Ngài ra lịnh mình trên đất, Lời của Ngài chạy rất mau” (Thi. 147:15). Sứ đồ Phao-lô đã cầu nguyện rằng: “Vả lại, hỡi anh em, hãy cầu nguyện cho chúng tôi, hầu cho đạo Chúa được đồn ra và được sáng danh, như thể ở trong anh em vậy” (2 Tê. 3:1). Trong thời cổ đại, khi dân sự của Đức Chúa Trời kêu cầu Chúa giữa lúc gian truân (là hậu quả của những tội lỗi mà họ đã phạm), trước giả Thi Thiên đã nói rằng: “Ngài ra lệnh chữa họ lành, rút họ khỏi cái huyệt” (Thi 107: 19-20). Và khi Lời Chúa “chạy” thì chạy cách đầy năng quyền và hiệu quả. “Lời nói của ta… đã ra từ miệng ta, thì chẳng trở về luống nhưng, mà chắc sẽ làm trọn điều ta muốn, thuận lợi công việc ta đã sai khiến nó” (Ê-sai 55:11).

Hội thánh đầu tiên gặp nhiều bắt bớ. Bắt đầu từ một nhóm nhỏ những con người tầm thường mà chẳng có ai là “vĩ nhân” theo chuẩn mực con người, mặc dầu vậy họ đã chiến thắng mọi thù địch. Việc hội thánh giảng đạo phúc âm là “lời” của Chúa đã ảnh hưởng đến cả thế giới thời bấy giờ. “Đạo Đức Chúa Trời càng ngày càng tràn ra” (Công 6:7); “đạo Đức Chúa Trời tấn tới rất nhiều, càng ngày càng tràn thêm ra” (Công 12:24); “Ấy vậy, nhờ quyền phép của Chúa, đạo bèn đồn ra, càng ngày càng được thắng” (Công 19:20). Sứ đồ Phao-lô bị giam vào ngục vì đã làm chứng cho Đấng Christ, là điều mà rất nhiều tín hữu đã phải chịu xuyên suốt lịch sử hội thánh, nhưng Phao-lô viết rằng: “đạo của Đức Chúa Trời không hề bị trói đâu” (2 Ti. 2:9). Tù đày có thể tạm dừng chuyển động của người đưa tin, nhưng nó không thể ngăn cản quyền năng của sứ điệp của Chúa. Thực tế như trong trường hợp của Phao-lô, tù đày lại “giúp thêm sự tấn tới cho đạo Tin lành” (Phi-líp 1:12).

Đức Chúa Giê-su Christ chính là Lời của Đức Chúa Trời, đích thân Ngài đã đến với con người. “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời… Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta” (Giăng 1:1, 14). Ngôi Lời nhập thể, Con Đức Chúa Trời có sự hiện diện đầy năng quyền của Đức Chúa Trời, chính vì vậy những lời Đức Chúa Giê-su phán dầy dẫy năng quyền của Đức Chúa Trời. Đến lúc tận cùng của trái đất, trời sẽ mở ra và Đấng đắc thắng, tức là Vua muôn vua và Chúa các chúa, danh Ngài là “Lời của Đức Chúa Trời,” sẽ đến cưỡi trên một con ngựa trắng để hủy phá mọi nước bởi lưỡi gươm bén ra từ miệng Ngài (Khải 19:11-16). Cảnh tượng này không khác gì đích thân Ngôi Lời của Đức Chúa Trời thi hành quyền năng Ngài bởi lời thẩm quyền từ chính miệng của Ngài. Lời ra từ miệng Đức Chúa Trời có năng quyền của Ngôi Lời nhập thể.

 

SỰ SỐNG QUA LỜI CỦA CHÚA

Đức Chúa Trời, tác giả đích thực của Kinh Thánh, chính là “Đức Chúa Trời hằng sống.” Duy Chúa là Đấng tự hữu, và mọi sự sống khác đều phụ thuộc vào Ngài.  Trước giả Thi Thiên đã nói rằng: “Vì nguồn sự sống ở nơi Chúa” (Thi. 36:9). Mọi tạo vật đều do Chúa tạo tựng và ban cho sự sống. Chính vì vậy hễ ai quay khỏi Chúa thì chắc nhận lấy sự chết. Rất nhiều người đã quay khỏi Chúa và nhận lấy sự chết. Thay vì lấy lòng biết ơn mà nhận biết Chúa và sự sống tốt lành mà Chúa đã ban, những con người đầu tiên đã không vâng lời Chúa. Kể từ đó, cội nguồn sự sống bị cắt đứt khỏi con người, Kinh Thánh kể sự tồn tại của họ là “sự chết.”

Bất kỳ ai khi nhìn vào tình trạng nhân loại ngày nay đều nhận thấy sự thật này. Xung đột và đau khổ ngày một gia tăng. Còn ở những nơi không có xung đột hay đau khổ thì thẳm sâu trong tấm lòng con người không có sự yên ổn, một tấm lòng không thỏa lòng khiến người ta không ngừng theo đuổi khoái lạc, quyền lực, hoặc một hình thức tâm linh nào đó. Điều con người cần nhất chính là sự sống, sự sống mà Đức Chúa Trời đã định cho con người. Ngài ban sự sống ấy cho những ai nhận lấy, và Ngài thực hiện qua Lời Chúa.

Ở vùng Cận Đông thời cổ đại, người ta tìm kiếm những nguồn lực của sự sống, điều mà họ cho rằng có liên hệ với các thần linh, thông qua phép thuật bùa chú hoặc các nghi lễ tôn giáo. Ngược lại, tuyển dân của Đức Chúa Trời có được sự sống nhờ vào mối liên hệ phải lẽ với Đức Chúa Trời qua Lời Chúa. Môi-se lập ra hai con đường cho tuyển dân  Y-sơ-ra-ên, một là con đường sự sống và thịnh vượng, hai là con đường sự chết và đầy trắc trở. Kết quả hoặc hậu quả là do họ có làm theo hay là chối bỏ Lời Chúa (Phục. 30:15-20). Lời mà Môi-se nhận lấy từ Đức Chúa Trời “chẳng phải một lời nói vô giá… nhưng nó là sự sống” (32:47). Các tiên tri cũng đã tuyên bố rằng sự sống là do bước đi trung tín theo các luật lệ và mạng lệnh của Chúa (ví dụ, Êxê 18:9; 20:11). A-mốt nhìn thấy trước ngày phán xét của Đức Chúa Trời sẽ có đói kém, “chẳng phải là đói về bánh, cũng chẳng phải khát về nước, bèn là về nghe lời của Đức Giê-hô-va.” Hậu quả là con người sẽ “đi dông dài từ biển nầy đến biển khác” bởi vì nền tảng sự sống của họ đã bị cất đi (A-mốt 8:11-12).

Con người ngày nay cũng chịu những hậu quả tương tự khi quay khỏi Lời Chúa để làm theo ý riêng. Lẽ thật nền tảng xuyên suốt Kinh Thánh không hề thay đổi: Là những tạo vật của Đức Chúa Trời, chúng ta không tự có sự sống. Sự sống có được là bởi ân điển của Đức Chúa Trời. Chính Đức Chúa Giê-su, Ngài vừa là con người nhưng cũng là Đức Chúa Trời, đã áp dụng lời Môi-se cho chính Ngài: “Loài người sống chẳng phải nhờ bánh mà thôi, nhưng loài người sống nhờ mọi lời bởi miệng Đức Giê-hô-va mà ra” (Phục 8:3; Ma-thi-ơ 4:4).

Sự sống tìm được nơi Đức Chúa Trời và được ban cho qua Con Ngài. Đức Chúa Giê-su phán: “Ta là sự sống lại và sự sống,” và “Ta là… sự sống” (Giăng 11:25; 14:6). Vậy các môn đồ đầu tiên đã tin và nhận thấy lẽ thật này là đúng đắn, họ tuyên xưng rằng “trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người” (1:4). Đối với các môn đồ, Đức Chúa Giê-su chính là “Chúa [hoặc ‘Đấng sáng tạo’ hoặc ‘người tiên phong’] của sự sống” (Công. 3:15).

Nhưng chính Chúa, Đấng ban sự sống, đã phó chính Ngài thông qua Lời hằng sống của Đức Chúa Trời. Sứ đồ Giăng đã viết rằng: “Điều có từ trước hết, là điều chúng tôi đã nghe, điều mắt chúng tôi đã thấy, điều chúng tôi đã ngắm và tay chúng tôi đã rờ, về Lời sự sống” (1 Giăng 1:1). “Lời sự sống” chính là Ngôi Lời nhập thể, Đấng mà các sứ đồ đã nhìn thấy và tay họ đã rờ đến Ngài. Nhưng đó cũng là điều mà họ đã “nghe” (1:3). Các sứ đồ công bố sứ điệp sự sống mà họ đã được nghe. Các tín hữu đầu tiên được khích lệ phải giữ vững “lời sự sống” (Phi-líp 2:16; cũng xem Công 5:20). Lời được truyền đạt bằng ngôn ngữ con người là “lời sự sống” khi những lời ấy công bố sứ điệp sự sống thật nơi Đấng Christ. Hơn thế nữa, khi lời sự sống được công bố, lời ấy tạo nên sự sống cho những ai tiếp nhận.

Lời Chúa có năng quyền “tái sanh,” là phép lạ biến đổi một con người khi họ đã chết về mặt tâm linh. Trong ngụ ngôn người ra đi gieo giống, Đức Chúa Giê-su ví sánh Lời Đức Chúa Trời như hạt giống (Lu-ca 8:11). Hạt lúa mì hoặc hạt ngô trông  bề ngoài như không có sự sống, nhưng khi được gieo xuống đất thì sản sinh thành một cây có sự sống. Cũng vậy, Kinh Thánh, Lời Chúa được viết thành sách, trông vẻ bề ngoài cũng giống như những quyển sách khác, nhưng khi được trồng trong lòng người thì có năng quyền kỳ diệu để sản sinh sự sống tâm linh. Cũng với hình ảnh hạt giống, Phi-e-rơ đã viết rằng: “Anh em đã được lại sanh, chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống chẳng hư nát, là bởi lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời” (1 Phi-e-rơ 1:23). Lẽ thật này được kinh nghiệm theo nhiều cách khác nhau: “Ấy chính Ngài theo ý muốn mình, đã dùng lời chân thật sanh chúng ta” (Gia-cơ 1:18). “Vừa lúc ban đầu, Ngài đã chọn anh em bởi sự nên thánh của Thánh Linh, và bởi tin lẽ thật, đặng ban sự cứu rỗi cho anh em” (2 Tê. 2:13). Đức Chúa Trời tiếp tục thu hút con người tiếp nhận Lời Ngài để được sự sống và sự cứu rỗi: “Hãy chăm chỉ nghe ta, hãy ăn của ngon… Hãy nghiêng tai, và đến cùng ta; hãy nghe ta, thì linh hồn các ngươi được sống” (Ê-sai 55:2-3).

Qua chức vụ, sứ đồ Phao-lô đã giảng dạy và trải nghiệm năng quyền Lời Chúa trong việc đem tha nhân đến với cuộc sống mới và sự cứu rỗi. Phao-lô nói rằng: “lời giảng về thập tự giá… là quyền phép của Đức Chúa Trời” (1 Côr. 1:18). “Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin”  (Rô-ma 1:16).

Sự sống chỉ được tìm thấy trong sự gắn kết với Đấng Christ, và sự gắn kết ấy chỉ có được trong đức tin nhờ Lời năng quyền của Đức Chúa Trời. Như Phao-lô đã viết: “Như vậy, đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Christ được rao giảng” (Rô-ma 10:17). Nói cách khác, sứ điệp lời Chúa chính là năng quyền kích hoạt đức tin.

Giáo phụ Augustine (354 – 430) đã nói về năng quyền sản sinh sự sống của Lời Chúa qua chính trải nghiệm của ông. Sau khi kể về câu chuyện linh hồn của ông chịu đau đớn và giằng xé giữa một bên là bản ngã tội lỗi và một bên là Chúa, ông đã viết về những gì đã xảy ra:

Khóc lóc với tấm lòng đầy đau đớn và đắng cay, đột nhiên tôi nghe một giọng nói vang lên từ căn nhà gần đó, giọng của một bé trai hoặc gái (tôi không rõ) cứ lặp đi lặp lại câu nói: “Hãy cầm lấy và đọc, hãy cầm lấy và đọc”… Tôi nhìn dòng nước mắt và đứng lên. Tôi hiểu tiếng nói ấy là một mệnh lệnh từ Chúa dành cho tôi phải mở quyển sách và đọc chương đầu tiên mà tôi tìm thấy… Tôi cầm lấy quyển sách [sách tông đồ], mở ra và đọc thầm đoạn văn đầu tiên mà mắt tôi nhìn thấy: “Chớ nộp mình vào sự quá độ và say sưa, buông tuồng và bậy bạ, rầy rà và ghen ghét; nhưng hãy mặc lấy Đức Chúa Jêsus Christ, chớ chăm nom về xác thịt mà làm cho phỉ lòng dục nó” (Rô-ma 13:13-14)… Đột nhiên, đến chữ cuối cùng của câu Kinh Thánh này, một tia sáng thiên thượng chiếu soi vào tấm lòng đầy lo âu của tôi. Mọi bóng tối nghi ngờ đều bị xua tan.[8]

Năng quyền của lẽ thật được ghi lại trong Kinh Thánh cũng đem đến sự sống mới cho Martin Luther. Ông đã thực hiện tất cả mọi điều mà một “tu sĩ tốt” của Giáo hội Công Giáo La-mã thời bấy giờ cần phải làm để xoa dịu tấm lòng bất an của mình. Sau đó ông được phong làm giáo sư Kinh Thánh tại Đại học Wittenberg. Trong vai trò mới của mình, ông nghiên cứu và giảng dạy sách Rô-ma. Trong quá trình nghiên cứu Kinh Thánh, tấm lòng của ông bị thu hút bởi khái niệm “sự công bình của Đức Chúa Trời,” là điều mà sứ đồ Phao-lô tuyên bố đã được bày tỏ trong phúc âm (Rô-ma 1:16-17). “Tôi vô cùng khao khát được hiểu thư tín của Phao-lô dành cho người Rô-ma, tuy nhiên có một điều ngăn trở tôi đó là khái niệm ‘sự công bình của Đức Chúa Trời,’ bởi vì tôi hiểu rằng đó là sự công bình mà chính Đức Chúa Trời là sự công bình và Ngài hành động trong sự công bình đó để hành phạt người không công bình… Tôi suy ngẫm ngày và đêm cho đến khi… tôi nhận ra lẽ thật đó là sự công bình của Đức Chúa Trời là sự công bình mà, chỉ nhờ ân điển và sự thương xót của Ngài. Chúa xưng công chính cho chúng ta bởi đức tin. Ngay sau đó tôi cảm thấy chính tôi được lại sanh và bước qua cánh cổng thiên đàng… Phần Kinh Thánh này của Phao-lô đối với tôi như mở ra cánh cổng vào thiên đàng.”[9]

Niềm tin vào năng quyền ban cho sự sống của Lời Chúa đã khiến việc công bố Lời Chúa trở nên nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với hội thánh đầu tiên. Phao-lô nhiều lần cầu nguyện để hội thánh được dạn dĩ rao giảng Lời Chúa (Ê-phê-sô 6:19-20; Cô-lô-se 4:3). Khao khát lớn nhất của Phao-lô đó là “đạo Chúa được đồn ra và được sáng danh” trong chức vụ của ông (2 Tê. 3:1). Sự công bố Lời Chúa và minh chứng về quyền năng ban cho sự sống của Lời Chúa trong thế gian đã giúp cho hội thánh đắc thắng và phát triển trong một thế giới bị bao trùm bởi sự tăm tối thuộc linh. Ngày nay cũng vậy.

Có một giáo sĩ  gần như chỉ dùng Kinh Thánh cho lời chứng cá nhân của mình từng được các bạn của ông hỏi rằng: “Ông sẽ làm gì khi một người chưa được cứu không chấp nhận thẩm quyền của Kinh Thánh?” Vị giáo sĩ đáp: “Nếu trong một trận chiến tôi có một thanh gươm Đa-mách loại tốt với hai lưỡi thật sắc bén, tôi sẽ không để thanh gươm ở yên trong vỏ chỉ vì đối thủ của tôi không tin rằng thanh gươm ấy sắc bén.”

Việc này không có nghĩa rằng những nghiên cứu về tính đáng tin cậy của Kinh Thánh là không có giá trị. Lý do để tin vào Kinh Thánh thường giúp người ta lắng nghe lẽ thật Kinh Thánh. Nhưng chúng ta phải luôn nhớ rằng “gươm Thánh Linh” không phải là lời nói của con người hay thậm chí là lý luận của chúng ta. Ngược lại, Kinh Thánh chính là Lời của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Giê-su phán rằng Đức Thánh Linh cáo trách thế gian “về tội lỗi, về sự công bình và về sự phán xét” (Giăng 16:8). Sự nhận biết về tội lỗi, và sự công chính của Đức Chúa Trời được tìm thấy nơi Đức Chúa Giê-su, và về sự phán xét sẽ đến là những lẽ thật mà con người cần nhận biết để tiếp nhận sự sống đời đời. Đó cũng là những lẽ thật đánh động đến tấm lòng chân thành của con người. Một tín hữu người Phi Châu đã nói rằng: “Kinh Thánh nói cho tôi biết về tấm lòng của tôi.” Đó cũng là những lẽ thật có năng quyền của Đức Thánh Linh.

Một nhà vật lý  tài năng đã khám phá điều này khi gặp gỡ D. L. Moody. Ông thừa nhận rằng ông chỉ đến nghe  Moody thuyết giảng để mua vui cho mình. “Tôi biết ngài ấy không phải là một học giả, và tôi cảm thấy chắc chắn rằng tôi có thể tìm thấy nhiều khiếm khuyết trong lập luận của ông. Nhưng tôi nhận ra rằng tôi không thể nhắm vào ông. Từ đầu đến cuối buổi diễn thuyết, ông ấy đã bắn vào tôi những câu Kinh Thánh như thể những viên đạn phát ra từ khẩu súng trường đi thẳng vào tim tôi. Tôi có thể nói rằng năng quyền của Moody đó là  ông ta có Kinh Thánh trong miệng.”[10]

Sự linh nghiệm của Lời Chúa để đem người khác đến với sự cứu rỗi đã lý giải tại sao nhiều kẻ thù của phúc âm đã thất bại trong việc xóa bỏ Kinh Thánh. Trong cuộc bắt bớ tàn khốc cuối cùng trước khi Cơ Đốc Giáo được hợp pháp hóa tại Đế quốc La-mã, chính quyền La-mã đã nghĩ cách để dẹp tan dứt điểm đạo Chúa. Khi một tín hữu đã bỏ đạo, ông này là thành viên  trong hội đồng của hoàng đế  nghe hội đồng này nói  về việc cần phải thiêu cháy mọi tín hữu Cơ Đốc, ông đáp lại rằng: “Thật vô ích khi thiêu đốt mọi Cơ Đốc Nhân, bởi nếu ngày nay quý vị tàn sát mọi Cơ Đốc Nhân nhưng vẫn để sót lại một bản sao Kinh Thánh thì ngày mai hội thánh Cơ Đốc sẽ trỗi dậy một lần nữa.” Chính vì vậy mà hoàng đế La-mã đã ra sắc lệnh tiêu hủy mọi bản sao Kinh Thánh.

(còn nữa)

 

 

 

 

 

3

Sự Khải Thị Phổ Quát Là Gì?

Theo một nghĩa nào đó, chủ đề của Kinh Thánh là thực tế về sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời làm cho chính Ngài được nhận biết để chúng ta là những tạo vật thông minh của Ngài có thể hiểu biết Ngài và thiết lập mối liên hệ cá nhân với Ngài. Bởi vì Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo và bảo tồn hoàn vũ. Các tạo vật tự làm chứng về lẽ thật này. Do đó, Kinh Thánh mô tả sự khải thị của Đức Chúa Trời thông qua những con đường – có thể được phân loại là sự mặc khải phổ quát và sự mặc khải đặc biệt. Sự mặc khải chung hay khải thị phổ quát thì luôn có sẵn cho tất cả mọi người trong suốt mọi thời đại. Còn sự khải thị đặc biệt là khải thị mà Đức Chúa Trời ban cho những con người cụ thể trong một thời gian đặc biệt. Những phạm trù này đôi khi được dán nhãn tương ứng là mặc khải “tự nhiên” và “siêu nhiên”, cho thấy rằng mặc khải phổ quát được truyền đạt thông qua các hiện tượng tự nhiên trong khi mặc khải đặc biệt được truyền đạt thông qua sự can thiệp siêu nhiên. Cả hai hình thức mặc khải này được đề cập trong Thi thiên 19. Đa-vít viết, “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời,

Bầu trời giãi tỏ công việc tay Ngài làm.

Ngày nầy giảng cho ngày kia,

Đêm nầy tỏ sự tri thức cho đêm nọ.

Chẳng có tiếng, chẳng có lời nói;

Cũng không ai nghe tiếng của chúng nó.

Dây đo chúng nó bủa khắp trái đất,

Và lời nói chúng nó truyền đến cực địa.

Nơi chúng nó Ngài đã đóng trại cho mặt trời” (câu 1-4)

Các câu này bày tỏ rằng các tạo vật bày tỏ ra sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Đa-vít cũng viết, “Luật pháp của Đức Giê-hô-va là trọn vẹn, bổ linh hồn lại; Sự chứng cớ Đức Giê-hô-va là chắc chắn, làm cho kẻ ngu dại trở nên khôn ngoan.  Giềng mối của Đức Giê-hô-va là ngay thẳng, làm cho lòng vui mừng; Điều răn của Đức Giê-hô-va trong sạch, làm cho mắt sáng sủa.  Sự kính sợ Đức Giê-hô-va là trong sạch, hằng còn đến đời đời; Các mạng lịnh của Đức Giê-hô-va là chân thật, thảy đều công bình cả.  Các điều ấy quí hơn vàng, thật báu hơn vàng ròng; Lại ngọt hơn mật, hơn nước ngọt của tàng ong.  Các điều ấy dạy cho kẻ tôi tớ Chúa được thông hiểu;

Ai gìn giữ lấy, được phần thưởng lớn thay.” (câu 7-11) Trong những câu này tác giả đề cập đến những giá trị của “luật pháp Đức Giê-hô-va.”

CÁC HÌNH THỨC VÀ NỘI DUNG CỦA KHẢI THỊ PHỔ QUÁT

Kinh Thánh dạy rằng Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài cho tất cả mọi người xuyên qua các công trình sáng tạo kỳ diệu của Ngài và đặc biệt là xuyên qua con người của chúng ta. Nhận thức về thế giới và vũ trụ mênh mông rộng lớn vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta chắc chắn sẽ gợi lên câu hỏi, “tất cả những điều này đến từ đâu?” Cho đến nay những nhà tư tưởng suy ngẫm về câu hỏi đó đã luôn trả lời rằng chúng đến bởi Đức Chúa Trời. Chính sự tồn tại của vũ trụ đòi hỏi một “nguyên nhân” cuối cùng – phải có một Đấng sáng tạo. Tất cả sự hài hòa, phức hợp của toàn thể vũ trụ chỉ chúng ta đến với một Đấng thiết kế hết sức khôn ngoan.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa duy vật, cả hai đều phủ nhận những gì thuộc về siêu nhiên, đã ảnh hưởng đến một số người khiến họ phủ nhận sự tồn tại của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên những bằng chứng từ công trình sáng tạo thuyết phục chúng ta nhận biết sự thực hữu của Ngài. Thuyết Big Bang phổ biến về nguồn gốc của vũ trụ chỉ ra sự khởi đầu và vô hình trung chỉ về một Đấng Sáng tạo. Các thiết kế phức hợp và phức tạp trong tự nhiên ngày càng đưa ra bằng chứng về việc có một Nhà thiết kế cực kỳ thông minh cho cả vũ trụ này.

Tất cả những sự bày tỏ trên đây khiến cho Henry Wadsworth Longfellow đã viết, “Thế giới tự nhiên là sự mặc khải về Đức Chúa Trời; nghệ thuật là sự bày tỏ về con người.”1 Những công việc  của cá nhân bày tỏ ra khả năng của người đó, vì vậy toàn thể vũ trụ phô bày ra các thuộc tính của Đức Chúa Trời. “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời,

Bầu trời giãi tỏ công việc tay Ngài làm.”

(Thi thiên 19:1)

“Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” đề cập đến chính bản chất của Đức Chúa Trời được hiển hiện. Đây là sự phô bày các đặc tánh của Ngài.

 

Phao-lô viết rằng thế giới tự nhiên bày tỏ ra các thuộc tính của Thiên Chúa. Khi giảng dạy cho những người mà không nhận được bất kỳ sự mặc khải đặc biệt nào, ông nói, “Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi, bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được, vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa; song cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm.” (Rô-ma 1:19-21)

Sự sáng tạo của Đức Chúa Trời bày tỏ “quyền năng đời đời” và “bản chất thần thánh” – các phẩm chất này bày tỏ Ngài là Đức Chúa Trời và Ngài xứng đáng để các tạo vật thờ phượng. Mặc dù Ngài không phải là một phần của tự nhiên, như một số tôn giáo khẳng định, và mặc dù Ngài vô hình, nhưng Đức Chúa Trời vẫn được bày tỏ trong công việc của Ngài. Chúng mang dấu ấn của Ngài rõ ràng đến nỗi không ai có thể thoát khỏi sự thật về sự tồn tại của Ngài. Richard Wurmbrand (1909-2001), một người nổi tiếng về sự chịu khổ vì Phúc âm trong tư cách là một nhà truyền giáo dưới chế độ cộng sản tại đất nước Romania, ông đã kể một cuộc đối thoại của cặp vợ chồng người Nga là những nhà điêu khắc và đã được dạy cả đời rằng không có Chúa sau đây:

Một lần nọ, chúng tôi thực hiện việc điêu khắc pho tượng của Stalin, vợ tôi hỏi: “Chồng ơi, ngón tay cái thế nào? Nếu chúng ta không thể đối lập ngón tay cái với các ngón tay khác – nếu các ngón tay của bàn tay giống như ngón chân – chúng ta không thể cầm một cái búa, một cái vồ, một cuốn sách, một mẩu bánh mì hay bất kỳ dụng cụ nào. Cuộc sống của con người sẽ là cực kỳ khó khăn nếu không có ngón tay cái nhỏ bé này. Nào, ai đã tạo ra ngón tay cái? Cả hai chúng ta được học về chủ nghĩa Mác ở trường dạy rằng bầu trời và mặt đất tự nhiên mà có. Chúng không phải là tạo vật của Thiên Chúa. Tôi học như thế và được bảo phải tin như thế. Nhưng nếu Thiên Chúa không sáng tạo bầu trời và mặt đất, và Ngài chỉ tạo ra ngón tay cái mà thôi, thì Ngài cũng sẽ đáng được ca ngợi vì điều nhỏ bé này.

Chúng ta ca ngợi Edison, Bell và Stephenson là những người phát minh ra bóng đèn điện, điện thoại, đường ray xe lửa và những điều khác. Nhưng tại sao chúng ta không ca ngợi người làm ra ngón tay cái? Nếu Edison không có ngón tay cái, liệu ông ta có phát minh ra được thứ gì không? Vậy nên điều đúng đắn là thờ phượng Thiên Chúa là Đấng làm nên ngón tay cái.

Ông chồng nghe vợ nói và trở nên rất giận dữ… “Đừng nói cách ngu muội. Bà đã được dạy rằng không có Đức Chúa Trời. Bà không biết là ngôi nhà chúng ta có bị nghe trộm hay sao, chúng ta sẽ có thể gặp vào rắc rối với những lời nói của bà. Hãy ghi nhớ một lần và mãi mãi rằng không có Thiên Chúa. Ở trên thiên đường không có ai cả.”

Người vợ trả lời, “Đây là một điều ngạc nhiên hơn nữa. Nếu trên thiên đàng có Đức Chúa Trời toàn năng mà tổ tiên chúng ta tin tưởng trong sự ngu ngốc, và điều tự nhiên là chúng ta có những ngón tay cái. Đức Chúa Trời toàn năng có thể làm được mọi điều, vì vậy Ngài có thể tạo ra ngón tay cái nữa. Nhưng nếu trên thiên đàng không có ai, thì đối với tôi, tôi quyết định tôn thờ hết cả tấm lòng mình với “Không có ai” là người đã tạo ra ngón tay cái.

Bạn nghĩ sao về câu chuyện này?

Ngay cả các quá trình liên tục của tự nhiên để duy trì sự sống và hoạt động cũng cung cấp bằng chứng về sự hiện diện của Đức Chúa Trời.  “Ngài cứ làm chứng luôn về mình, tức là giáng phước cho, làm mưa từ trời xuống, ban cho các ngươi mùa màng nhiều hoa quả, đồ ăn dư dật, và lòng đầy vui mừng.” (Công vụ 14:17, cũng xem 17:24-27). Chúng ta thường gọi các thảm họa là “hành động của Chúa” nhưng các sứ đồ công bố rằng những hoạt động bình thường có lợi của thiên nhiên mà chúng ta thường coi là bằng chứng về sự thực tại của Chúa. Ví dụ như Chúa Giê-su dạy rằng chim trời và hoa huệ ngoài đồng vẫn được Cha thiên thượng chăm sóc (Ma-thi-ơ 6:26-30). Các hiện tượng của tự nhiên bày tỏ ra sự thực hữu của Thiên Chúa và một số điều về thuộc tánh của Ngài cho tất cả mọi người, “Mặt trời ra từ phương trời nầy. Chạy vòng giáp đến phương trời kia; Chẳng chi tránh khỏi hơi nóng mặt trời được.” (Thi thiên 19:6)

Vượt ra ngoài sự phức tạp của cơ thể, như chúng ta thấy trong cuộc đàm thoại của cặp vợ chồng người Nga về ngón tay cái, bản chất con người chúng ta bày tỏ ra các thuộc tánh của Đức Chúa Trời. Khi nói chuyện với cư dân thành A-thên, là những người thờ vô số thần tượng, trong đó có “thần không biết,” Phao-lô phản đối việc thờ phượng tất cả các bàn thờ do con người tạo ra bằng cách chỉ vào bản chất của chúng ta. “Vì tại trong Ngài, chúng ta được sống, động, và có, y như xưa một vài thi nhân của các ngươi có nói rằng: Chúng ta cũng là dòng dõi của Ngài. Vậy, bởi chúng ta là dòng dõi Đức Chúa Trời, thì chớ nên ngờ rằng Chúa giống như vàng, bạc, hay là đá, bởi công nghệ và tài xảo của người ta chạm trổ nên” (Công vụ 17:28-29). Phao-lô nói rằng nếu chúng ta là những tạo vật của Đức Chúa Trời, thì ít nhất Ngài cũng kỳ diệu như chúng ta, và điều đó có nghĩa rằng Ngài là một thân vị sống động.

Trước đó nhiều thế kỷ, tiên tri Ê-sai cảnh báo những người nghĩ rằng họ sẽ thoát khỏi trách nhiệm về những hành động xấu xa của họ. Ông viết, “Khốn thay cho những kẻ giấu kín mưu mình cách thẳm sâu khỏi Đức Giê-hô-va, làm việc mình trong xó tối, và nói rằng: Ai thấy ta, ai biết ta?  Các ngươi thật là trái ngược quá, há nên xem người thợ gốm như đất sét sao? Đồ vật há được nói về kẻ làm nên mình rằng: Nó chẳng làm ra ta? Cái bình há được nói về kẻ tạo mình rằng: Nó chẳng có trí hiểu đâu” (Ê-sai 29:15-16). Tương tự như vậy, trước giả Thi thiên cũng viết, “Hỡi kẻ ngu dại, bao giờ các ngươi mới khôn ngoan?

Đấng đã gắn tai há sẽ chẳng nghe sao? Đấng đã nắn con mắt há sẽ chẳng thấy ư?”  (Thi thiên 94:8-9). Về bản chất, Đức Chúa Trời phán, “Hãy nhìn vào chính các ngươi. Bản chất và những khả năng của các ngươi chỉ đến Ta, Đấng tạo dựng các ngươi, Đấng vĩ đại hơn các ngươi.”

Một cách khác mà sự mặc khải phổ quát khẳng định sự hiện hữu của Đức Chúa Trời là tiến trình lịch sử loài người, mà Ngài kiểm soát. Là Đấng kiểm soát lịch sử, Ngài bày tỏ chính Ngài trong những sự kiện của con người. Khi giảng cho cư dân A-thên trên ngọn đồi Mars, Phao-lô công bố rằng, “Ngài đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người và khiến ở khắp trên mặt đất, định trước thì giờ đời người ta cùng giới hạn chỗ ở, hầu cho tìm kiếm Đức Chúa Trời, và hết sức rờ tìm cho được, dẫu Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta.  Vì tại trong Ngài, chúng ta được sống, động, và có, y như xưa một vài thi nhân của các ngươi có nói rằng: Chúng ta cũng là dòng dõi của Ngài” (Công vụ 17:26-28). Nê-bu-cát-nết-sa là vua của đế quốc Ba-by-lôn phải học tập khó khăn để cuối cùng nhận biết rằng “Đấng Rất Cao cai trị trong nước của loài người, và Ngài muốn ban cho ai tùy ý” (Đa-ni-ên 4:32, cũng xem 4:34-37). Lẽ thật trong Châm ngôn 14:34, “Sự công bình làm cho nước cao trọng; Song tội lỗi là sự hổ thẹn cho các dân tộc” là điều hiển nhiên đối với tất cả những học sinh có tư duy về lịch sử.

Luật pháp mà Đức Chúa Trời viết một cách tự nhiên trong lòng con người là một sự khẳng định khác về mặc khải phổ quát. Đấng sang tạo quyền năng cũng là Đấng ban cho luật đạo đức và phán xét. Mỗi người đều có cảm nhận về điều đúng và sai. “Vả, dân ngoại vốn không có luật pháp, khi họ tự nhiên làm những việc luật pháp dạy biểu, thì những người ấy dầu không có luật pháp, cũng tự nên luật pháp cho mình.  Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ: Chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vực mình” (Rô-ma 2:14-15).

Vị sứ đồ cũng nói rằng chúng ta dùng tri thức về đúng sai để phán xét người khác, nhưng tiếc rằng nó không có sức mạnh để khiến chúng ta thực hiện những gì đúng. Ông kết luận, “hỡi người kia, ngươi là ai mặc lòng, hễ đoán xét kẻ khác thì không thể chữa mình được; vì trong khi đoán xét họ, ngươi cũng lên án cho chính mình ngươi nữa, bởi ngươi đoán xét họ, mà cũng làm các việc như họ” (2:1). Immanuel Kant đi tới kết luận rằng có hai điều  lấp đầy tấm lòng con người: “bầu trời đầy sao ở trên và luật đạo đức bên trong.” Mặc dù  từ chối thẩm quyền của Kinh Thánh, cảm giác về “lẽ phải” này đã khiến ông  tin vào thực tại của Chúa. C. S. Lewis đã làm chứng rằng thực tế về luật đạo đức này đã đưa Immanuel Kant ra khỏi chủ nghĩa vô thần.

Một số nhà khoa học xã hội phản đối rằng luật đạo đức mà chúng ta tìm cách vận hành thông qua lương tâm của mình chỉ là sản phẩm của xã hội chúng ta. Họ nói rằng chúng được đặt ở đó bởi môi trường giáo dục của chúng ta. Đúng vậy, chúng ta có thể đã học được một số quy tắc cư xử có thể chấp nhận được từ cha mẹ mình hoặc từ những người khác, nhưng điều này không chứng minh rằng: thực tế của các qui luật này là sản phẩm của thầy giáo, hay bảng cửu chương, mà chúng ta đã học ở trường học, là sản phẩm của giáo viên chúng ta.

Hơn nữa, mặc dù có sự khác biệt đáng kể về quy tắc đạo đức giữa các xã hội, nhưng có những điểm tương đồng đáng kinh ngạc ở các cấp độ cơ bản. Chúng ta thường nghe rằng ở một số nền văn hóa, kẻ trộm hoặc kẻ gian xảo được đánh giá cao, trong khi ở những nền văn hóa khác, chúng bị xem là những kẻ vô lại, bị ruồng bỏ. Ngày hôm nay nhiều người tin rằng các tiêu chuẩn đạo đức là hoàn toàn mang tính cá nhân. Họ nói không có mã phổ quát của điều đúng và sai ràng buộc tất cả mọi người. Nhưng thử nghiệm thực sự về ý thức đạo đức của chúng ta với tư cách là con người không nằm ở những gì chúng ta đưa ra trong các hành động đối với người khác hoặc thậm chí ở những gì bản thân chúng ta nghĩ là đạo đức hay vô đạo đức. Sự mặc khải thực sự  của các qui luật đánh giá điều đúng điều sai đến trong những gì chúng ta giải thích có liên quan đến chính bản thân. Một kẻ cắp có thể nhận được sự tôn trọng giữa vòng một số người của nó, khi nó ăn cắp của người khác, nhưng nó không chấp thuận ăn cắp khi điều đó chống lại chính bản thân! Tương tự như vậy, việc giết người khác có thể là một điều vinh dự đối với một số người, nhưng có ai cảm thấy điều đó là tốt khi người bạn thân nhất của mình bị giết hoặc chính bản thân mình bị giết không? Khi được đánh giá theo cách này, chúng ta nhanh chóng thấy rõ rằng mặc dù các tiêu chí đạo đức của chúng ta có phần bị xoay chuyển vì tội lỗi, nhưng các tiêu chuẩn sâu xa của đúng và sai vẫn là điều phổ biến đối với tất cả mọi người.

Cảm giác đúng và sai, và cảm giác khó chịu xuất hiện khi chúng ta vi phạm tiêu chuẩn nào đó, thì làm chứng cho mọi người về một Đức Chúa Trời tạo ý thức đạo đức trong tâm trí con người. “ý thức ở trong tôi là tôi mắc một món nợ,” Robert Browning đã viết, “Bạn phải bảo đảm rằng phải có một ai đó sẵn sàng trả món nợ khi đến hạn. Tất cả đều đi đến điều này: đến hạn phải trả nợ. Chúng ta phải tìm kiếm người chấp nhận trả nợ khi đến hạn.”

Nếu một mình chúng ta là người xây dựng nên bản chất đạo đức của chúng ta, thì tội lỗi sẽ không có vấn đề gì – chỉ cần thay đổi tiêu chuẩn, và ý thức về đạo đức sẽ không còn nữa, cùng với cảm giác tội lỗi cho những hành động không phù hợp. Nhưng chỉ những kẻ giết người – mà chúng ta thừa nhận là bất thường – mới có khả năng sống mà không có lương tâm đạo đức. Mỗi người bình thường đều có một ý thức về “trách nhiệm” đạo đức, đó là định nghĩa rằng họ đang “đáp trả” một người nào đó bên ngoài mình- Môt ai đó đã viết ra một tiêu chuẩn về sự công bình trong tấm lòng của tất cả mọi người.

HIỆU ỨNG CỦA MẶC KHẢI PHỔ QUÁT

(Hiệu ứng: sự biến đổi của một hệ thống nào đó khi chịu tác động của một tác nhân nhất định.

Effect: hiệu ứng, đó  kết quả của một sự tác động.)

 

Bởi vì có sự mặc khải phổ quát dẫn đến thực tế là mọi người có một số kiến thức không chỉ đơn giản về một vị thần, nhưng là một Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật của Kinh Thánh. Phao-lô đã giải thích điều này cho cư dân ở A-thên, “Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới và mọi vật trong đó, là Chúa của trời đất, chẳng ngự tại đền thờ bởi tay người ta dựng nên đâu. Ngài cũng chẳng dùng tay người ta hầu việc Ngài dường như có cần đến sự gì, vì Ngài là Đấng ban sự sống, hơi sống, muôn vật cho mọi loài. Ngài đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người và khiến ở khắp trên mặt đất, định trước thì giờ đời người ta cùng giới hạn chỗ ở » (Công vụ 17 :24-26). Vì vậy mọi người phải “tìm kiếm Đức Chúa Trời, và hết sức rờ tìm cho được, dẫu Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta” (câu 27).

Những lời của Phao-lô về sự khải thị của Đức Chúa Trời cho những ai từ chối Ngài thậm chí còn rõ ràng hơn kiến thức của họ về Đức Chúa Trời: “Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi, bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được, vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa; song cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm” (Rô-ma 1:19-21). Đó là tri thức về Đức Chúa Trời chân thật được nhìn thấy từ những lời của vị sứ đồ nói với những người “biết Đức Chúa Trời mà không làm sang danh Ngài.”  Họ biết Đức Chúa Trời, nhưng không tôn kính Ngài (câu 21). Họ là những người “không tin kính và mọi sự không công bình của những người dùng sự không công bình mà bắt hiếp lẽ thật” (câu 18). Các hình tượng và những tà thần họ thờ lạy là kết quả của hành động từ chối Đức Chúa Trời, và thay thế vào đó là các triết lý, suy nghĩ của riêng họ và lựa chọn thờ lạy các thần hư không khác. “Họ tự xưng mình là khôn ngoan, mà trở nên điên dại…vì họ đã đổi lẽ thật Đức Chúa Trời lấy sự dối trá, kính thờ và hầu việc loài chịu dựng nên thế cho Đấng dựng nên, là Đấng đáng khen ngợi đời đời! A-men” (1:22, 25)

Mục đích của mặc khải phổ quát là khiến con người tìm kiếm Đức Chúa Trời trong tình trạng tội lỗi của con người.  Vấn đề cơ bản ở đây không nằm trong trí tuệ, nhưng là ý chí. Tội lỗi đã đi vào thế giới khi tổ phụ con người bị cám dỗ muốn trở nên ngang bằng Đức Chúa Trời (Sáng. 3:5). Con người từ chối đầu phục Đức Chúa Trời chân thật. Họ chọn chính mình làm trung tâm thay vì nhường vị trí đó cho Đấng tối cao. Từ cơ sở không đúng đắn và biến thái này, họ tìm cách xây dựng một triết lý sống thỏa mãn. Họ đưa ra ý nghĩa riêng của họ cho dữ liệu của sự mặc khải chung hơn là thừa nhận Đức Chúa Trời và tìm cách hiểu mọi thứ từ quan điểm của Ngài.

Tuy nhiên, sự mặc khải phổ quát vẫn phục vụ các mục đích của Đức Chúa Trời. Bởi vì tri thức về Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật đã được ban cho các tạo vật và đến với mỗi người. “bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được” (1:20). Không ai có thể biện minh được trước mặt Thiên Chúa là tôi không biết Ngài. “Vả, dân ngoại vốn không có luật pháp, khi họ tự nhiên làm những việc luật pháp dạy biểu, thì những người ấy dầu không có luật pháp, cũng tự nên luật pháp cho mình. 15 Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ: Chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vực mình. 16 Ấy là điều sẽ hiện ra trong ngày Đức Chúa Trời bởi Đức Chúa Jêsus Christ mà xét đoán những việc kín nhiệm của loài người, y theo Tin lành tôi” (2:14-16). Một ngày trong tương lai mọi người sẽ ra trước mặt Chúa để được phán xét – đây là điều mà Phao-lô luận giải. Vị trí không thể bào chữa của mọi người được thể hiện rõ ràng bởi thực tế là tất cả họ đều có xu hướng đánh giá người khác bằng ý thức bẩm sinh của họ về đúng và sai. Họ cáo buộc người khác làm điều sai, thì chính những cáo buộc này cũng chỉ thẳng về phía họ. “Vậy, hỡi người kia, ngươi là ai mặc lòng, hễ đoán xét kẻ khác thì không thể chữa mình được; vì trong khi đoán xét họ, ngươi cũng lên án cho chính mình ngươi nữa, bởi ngươi đoán xét họ, mà cũng làm các việc như họ 2 Vả, chúng ta biết rằng sự phán xét của Đức Chúa Trời đối với kẻ làm những việc như thế, là hiệp với lẽ thật. 3 Hỡi người đoán xét kẻ phạm những việc dường ấy mà mình cũng phạm kia, vậy ngươi tưởng rằng chính mình ngươi sẽ tránh khỏi sự phán xét của Đức Chúa Trời sao?”  (2 :1-3). Trong khi mặc khải phổ quát không nói với chúng ta về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời và giải pháp xử lý vấn đề tội lỗi của con người, thì nó chỉ ra nhu cầu này.

 

Sự mặc khải phổ quát cũng   góp phần bảo tồn xã hội và văn hóa loài người. Những ý tưởng về lẽ thật và sự giả dối, công lý và bất công, giúp duy trì trật tự giữa các dân tộc, có nguồn gốc từ sự mặc khải này. Nói ngắn gọn, sự mặc khải phổ quát giúp kiểm tra xu hướng tội lỗi ngăn ngừa sự hỗn loạn và thoái hóa của xã hội loài người. Còn nếu để bản chất con người phóng túng theo tội lỗi thì sẽ sớm đưa nền văn minh đến chỗ kết thúc.

Ngoài ra, thực tế là tất cả mọi người nhận thức về Thiên Chúa qua sự mặc khải phổ phục vụ cho nhiệm vụ truyền giáo. Phao-lô nhận thấy cư dân ở A-thên có “đầy dẫy các hình tượng” trong đó bao gồm luôn vị “thần không biết”. Vì vậy ông sử dụng nhận thức này của người A-thên để chỉ cho họ một Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật được bày tỏ qua Chúa Giê-su Christ (Công vụ 17:16-31). Mặc dù thực tế là nhiều người trong thời gian gần đây không đưa ra cùng một bằng chứng công khai về bản chất tôn giáo như người A-thên với các thần tượng của họ. Kinh Thánh dạy về sự mặc khải phổ quát nói rằng khi họ nhận thức về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, và điều này đóng vai trò như một điểm liên hệ khi chúng ta làm chứng cho họ.

 

 

4

Mặc Khải Đặc Biệt Là Gì?

NHU CẦU CHO MẶC KHẢI ĐẶC BIỆT

 

Trong khi bản chất tự nhiên của con người và cõi sáng tạo bày tỏ một số điều về Đức Chúa Trời. Tuy nhiên những điều này không được thiết kế để chúng ta có thể hiểu biết đầy đủ về Ngài và ý muốn Ngài cho chúng ta. Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta cho chính Ngài. Đức Chúa Trời sáng tạo chúng ta để chúng ta thiết lập mối quan hệ với Ngài. Nhìn vào sự xinh đẹp và trật tự hài hòa trong vườn Ê-đen, A-đam và Ê-va biết đến các tác phẩm của Đức Chúa Trời, nhưng nếu muốn nhận biết Ngài cách cá nhân họ phải giữ mối tương giao gần gũi với Ngài. Từ buổi bình minh của lịch sử con người, Đức Chúa Trời không chỉ bày tỏ chính Ngài qua cõi sáng tạo, nhưng cũng bày tỏ trực tiếp bằng các lời của Ngài.

Ngắm nhìn cõi sáng tạo và suy ngẫm về bản chất của chúng, có thể sẽ không bao giờ giúp cho A-đam và Ê-va đi đến chỗ nhận biết ý muốn Đức Chúa Trời và mục đích Ngài dành cho cuộc đời của họ là cai quản trái đất (Sáng thế ký 1:26-28), và chăm sóc khu vườn (2:15). Đức Chúa Trời đã giao nhiệm vụ này cho họ thông qua các lời (words). Chúng ta không biết đầy đủ các chi tiết về sự giao tiếp giữa Đức Chúa Trời với tổ phụ loài người. Tuy nhiên từ “đi ngang”  trong Sáng thế ký 3:8, “Lối chiều,nghe tiếng Giê-hô-va Đức Chúa Trời đi ngang qua vườn, A-đam và vợ ẩn mình giữa bụi cây, để tránh mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời” cho biết rằng đó là một sự xuất hiện thường xuyên của Ngài. Từ này cũng được dùng khi đề cập đến sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong đền tạm. Vì vậy một người nghiên cứu Kinh Thánh kết luận rằng vườn Ê-đen cũng như đền tạm là nơi chốn Đức Chúa Trời hiện diện, và rằng “có thể một cuộc trò chuyện hàng ngày giữa Đấng Toàn năng và các sinh vật của Ngài là thông lệ”1   Vì vậy, ngay từ ban đầu, mặc khải phổ quát thông qua tự nhiên đã cung cấp nền tảng cho giao tiếp bằng lời nói cá nhân.

 

Sự xâm nhập của tội lỗi vào thế giới làm tăng nhu cầu giao tiếp cá nhân. Thông qua tự nhiên và lương tâm, lịch sử bày tỏ rằng con người đi đến một nhận thức là có Đức Chúa Trời, và Ngài thiết lập thế giới loài người trên những nguyên tắc của luật đạo đức. Con người cũng có ý thức là không ai có thể sống và thực hành kiên định trên những luật này. Nhưng không nơi nào trong tự nhiên hay trong chính con người mà chúng ta tìm ra lối thoát cho tình huống khó xử này.

Lịch sử của các tôn giáo bày tỏ rằng khi con người không nhận được khải thị đặc biệt của Đức Chúa Trời, họ không tìm thấy sự giải thoát thực sự khỏi cảm giác tội lỗi. Các tôn giáo được xây dựng lên để tìm câu trả lời, nhưng ngoại trừ sự khải thị đặc biệt, thì những người sùng đạo vẫn còn bị mắc kẹt với những kiến thức họ có trong khải thị phổ quát. Họ biết họ phải sống theo những tiêu chuẩn rõ ràng, cụ thể. Nhưng họ không thể. Do đó họ thiết lập nhiều phương cách để bù đắp cho sự thất bại của họ.

Không thể tránh khỏi các tôn giáo được thành lập dựa trên sự mặc khải phổ quát là những tôn giáo của công đức/việc làm. Không nhận được sự khải thị đặc biệt về sự tha thứ của Đức Chúa Trời xuyên qua Đấng Christ, họ không bao giờ được yên nghỉ với những gánh nặng của tội lỗi. Trước giả Thi thiên đã viết, “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Bầu trời giãi tỏ công việc tay Ngài làm” (Thi. 19:1) và “Luật pháp của Đức Giê-hô-va là trọn vẹn, bổ linh hồn lại” (Thi. 19:7).

Sự mặc khải đặc biệt bổ sung một số chân lý còn thiếu trong sự khải thị phổ quát về Đức Chúa Trời trong cõi sáng tạo, và nó cũng khiến cho con người có khả năng để nhìn xem các lẽ thật trong sự mặc khải phổ quát chính xác. Cho đến khi một người được phục hòa với Đức Chúa Trời nhờ vào mối liên hệ cá nhân với Chúa Giê-su Christ, thì người người đó mới có thể nhìn xem thế giới trong lăng kính của Đức Chúa Trời. Chỉ có sự soi sáng của Đức Chúa Trời mới có thể mở đôi mắt bị mù vì tội lỗi.  Người nào nói đến sư vinh hiển của Đức Chúa Trời trong các từng trời là một người tin kính Ngài. Nhưng một người vô thần nhìn vào các từng trời, anh ta sẽ đưa ra một kết luận khác. John Calvin, nhà cải chánh vĩ đại của Pháp, đã minh họa một cách khéo léo sự cần thiết của khải thị đặc biệt cho một người đọc “quyển sách của tự nhiên” một cách chính xác, “Cũng giống như những người đàn ông già hoặc mắt mờ và những người có thị lực yếu, nếu bạn ném trước mặt họ một tập sách đẹp nhất, ngay cả khi họ nhận ra đó là một loại văn bản nào đó, nhưng họ khó có thể đọc ra hai từ, nhưng với sự hỗ trợ của kính đeo mắt họ sẽ bắt đầu đọc một cách rõ ràng; vì vậy  tập họp những  hiểu biết về Đức Chúa Trời còn lộn xộn trong tâm trí chúng ta qua mặc khải phổ quát thì Kinh Thánh đã giải tán sự buồn tẻ của chúng ta, cho chúng ta thấy rõ một Đức Chúa Trời chân thật.”2                                                                                                                           Sự mặc khải đặc biệt mà qua đó Đức Chúa Trời giao tiếp trực tiếp theo cách cá nhân, do đó rất quan trọng đối với đời sống con người. Từ buổi ban đầu con người được tạo dựng để giao tiếp với Đức Chúa Trời. Khi tội lỗi bước vào trong dòng dõi loài người, nó phá vỡ sự thông công này. Nhưng kế hoạch của Đức Chúa Trời yêu thương là phục hồi sự gãy đổ. Điều này đòi hỏi Đức Chúa Trời của ân điển phán với chúng ta qua sự mặc khải đặc biệt.

 

NHỮNG HÌNH THỨC CỦA SỰ MẶC KHẢI ĐẶC BIỆT

Đức Chúa Trời giao tiếp với chúng ta bằng cách nào? Một số học giả nói rằng Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài trong các hành động quyền năng xuyên suốt lịch sử, và không qua Lời. Một số khác chỉ ra rằng sự mặc khải cá nhân về Đức Chúa Trời được bày tỏ trong Đấng Christ. Bởi vì Đấng Christ được gọi là Ngôi Lời (Giăng 1:1), họ lập luận rằng những lời của Kinh Thánh không phải là Ngôi Lời. Những quan điểm như thế đòi hỏi chúng ta phải tra xét cẩn thận những gì Kinh Thánh nói về sự mặc khải đặc biệt của Đức Chúa Trời.

Trước giả sách Hê-bơ-rơ công bố, “Đời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách, 2 rồi đến những ngày sau rốt nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài, là Con mà Ngài đã lập lên kế tự muôn vật, lại bởi Con mà Ngài đã dựng nên thế gian » (Hê-bơ-rơ 1 :1-2). Tại tuyên bố này gợi ý, mặc khải đặc biệt cũng bao gồm một loạt các phương pháp khác, lên đến đỉnh điểm là sự xuất hiện của Con Đức Chúa Trời.

Các biểu hiện về Đức Chúa Trời mà con người có thể nhìn thấy được (Theophanies).

Phương cách nổi bật mà Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài từ buổi bình minh của lịch sử được ghi lại trong Kinh Thánh là thông qua các biểu hiện có thể nhìn thấy được cho con người về Đức Chúa Trời. Từ theophany  có nguồn gốc từ hai từ Hy-lạp là Theos (Đức Chúa Trời) và phaino (hiển thị hoặc xuất hiện). Vì vậy Theophany là sự xuất hiện của Đức Chúa Trời.

Trong một số trường hợp các hình thức của sự xuất hiện Đức Chúa Trời không được bày tỏ. Ví dụ, khi Kinh Thánh ký thuật, “Đức Giê-hô-va hiện ra cùng Áp-ram” (Sáng. 12:7). Trong những trường hợp khác Kinh văn chỉ ra rằng Đức Chúa Trời đã có những hình thức khác nhau để làm cho chính Ngài được biểu hiện. Trong một cơ hội, Áp-ra-ham bày tỏ long hiếu khách chào mửng ba người đàn ông đến trong nhà trại của mình. Hai người trong số họ là thiên sứ, nhưng người thứ ba là chính Đức Chúa Trời. “Áp-ra-ham nhưng mắt lên, thấy ba người đứng trước mặt. Vừa khi thấy, bèn bắt từ cửa trại chạy đến trước mặt ba người đó, sấp mình xuống đất” (Sáng. 18:2). “các đấng bèn từ đó đi qua hướng Sô-đôm; nhưng Áp-ra-ham hãy còn đứng chầu trước mặt Đức Giê-hô-va.  Áp-ra-ham lại gần và thưa rằng: Chúa sẽ diệt người công bình luôn với người độc ác sao?” (câu 22-23). “Lối chiều, hai thiên sứ đến Sô-đôm; lúc đó, Lót đương ngồi tại cửa thành. Khi Lót thấy hai thiên sứ đến, đứng dậy mà đón rước và sấp mình xuống đất” (19:1).

Con người bí ẩn mà đã vật lộn với Gia-cốp tại Phê-ni-ên cũng là một trong những hình thức hiện ra của Đức Chúa Trời. Gia-cốp đã nói, “Tôi đã thấy Đức Chúa Trời đối mặt cùng tôi và linh hồn tôi được giải cứu” (câu 30).
Nhiều lần sự  hiện ra của Đức Chúa Trời được Kinh Thánh mô tả là “Thiên sứ của Đức Giê-hô-va.”  Chúng ta đọc trong Xuất. 3:2, “Thiên sứ của Đức Giê-hô-va hiện ra cùng người (Môi-se) trong ngọn lửa, giữa bụi gai kia.”  Và thiên sứ này cũng hiện ra trong hình dáng của một con người, và Kinh văn làm cho điều này sáng tỏ người đó không phải là thiên sứ bình thường. Một số điều về sự xuất hiện của thiên sứ hoặc thông điệp tiên tri của ông đã nói với A-ga khi bà đang trốn chạy trong sa mạc, “Thiên sứ của Đức Giê-hô-va dạy nàng rằng: Ngươi hãy trở về chủ ngươi …

Nàng gọi Đức Giê-hô-va mà đã phán cùng mình, danh là “Đức Chúa Trời hay đoái xem,” vì nàng nói rằng: Chính tại đây, tôi há chẳng có thấy được Đấng đoái xem tôi sao?” (Sáng. 16:9-13). Từ sự hiện ra đáng kinh sợ, cùng với lời tiên tri và cách mà “thiên sứ của Đức Giê-hô-va cũng lên theo trong ngọn lửa của bàn thờ” (Các quan xét 13:20), cha mẹ của Sam-sôn  biết đó là thiên sứ của Đức Giê-hô-va, và cũng là Đấng họ nhận biết là Đức Giê-hô-va (Các quan xét 13:3-23; cũng xem 6:11-24).

 

Mặc dù không phải là “theophanies” theo nghĩa đen, thiên sứ đã xuất hiện trong các giấc mơ (Sáng. 31:11-13) và nói chuyện với từng cá nhân mà không có bất kỳ hình dáng rõ ràng nào (ví dụ, 22:11-12). Nhiều sinh viên trường Kinh Thánh tin rằng thiên sứ của Đức Giê-hô-va không phải ai khác nhưng là chính là Con Đức Chúa Trời mà sau này đã giáng sinh tại Bết-lê-hem. Mặc dù điều này có thể không được kết luận, nhưng thực tế là Ngài có thể tha thứ tội lỗi và việc Ngài mang danh Đức Chúa Trời cho thấy rõ ràng rằng Ngài là sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Theo một nghĩa khác, sự xuất hiện của Đấng Christ trong thân xác con người cũng là một biểu hiện về Đức Chúa Trời mà con người có thể nhìn thấy được, nhưng nó khác với tất cả những điều còn lại. Trong những trường hợp khác, Đức Chúa Trời chỉ mặc lấy một hình dạng khi Chúa Giê-su giáng sinh, Đức Chúa Trời Con đã mặc lấy chính Ngài trong bản chất con người xác thực.

 

Các giấc mơ và khải tượng

Mặc dù các giấc mơ không đóng vai trò chính trong sự mặc khải, vào một số trường hợp quan trọng, đặc biệt là trong sách Sáng thế ký và Đa-ni-ên, Đức Chúa Trời truyền thông điệp đến các đầy tớ Ngài thông qua các giấc mơ. Một trường hợp được nhiều người biết đến là Gia-cốp nhìn thấy một cái thang từ đất nối lên đến trời (Sáng. 28:12-16) và giấc mơ của Giô-sép liên quan đến vị trí lãnh đạo trong tương lai của ông (Sáng. 37:5-7, 9). Sa-lô-môn trong 1 Các vua 3:5 và Giô-sép, chồng của Ma-ri cũng nhận được các giấc mơ mà qua đó Đức Chúa Trời bày tỏ khải thị thiên thượng.

Các giấc mơ không chỉ giới hạn trong dân sự của Đức Chúa Trời, Ngài cũng bày tỏ kế hoạch tương lai của Ngài trong giấc mơ cho Pha-ra-ôn ở Ai-cập và Nê-bu-cát-nết-sa ở Ba-by-lôn (Sáng. 41:1-7; Đa-ni-ên 2:3, 31-35). Tuy nhiên trong cả hai trường hợp này sự giải thích giấc mơ thuộc về người của Đức Chúa Trời. Hầu hết những giấc mơ mặc khải này đều bao gồm lời nói của Đức Chúa Trời, nhưng với giấc mơ của Giô-sép chỉ bày tỏ về chính ông và các anh em của ông.

Các khải tượng phổ biến hơn nhiều như một phương tiện mặc khải, đặc biệt là đối với các nhà tiên tri. Trong một số trường hợp những gì đượcnhìn thấy được mô tả trong một cảnh tượng. Ê-xê-chi-ên đã nhìn thấy đền thờ Giê-ru-sa-lem trong một khải tượng (Ê-xê-chi-ên 8:3). Tuy nhiên những gì A-mốt nhìn thấy liên quan đến Israel (A-mốt 1:1) và cũng liên quan đến việc nghe hoặc nhận thức các lời. Các khải tượng thường được nối kết với các tiên tri nhiều đến nỗi họ được gọi là “những người nhìn thấy” (ví dụ, 2 Sa-mu-ên 24:11; 1 Sử ký 9:22; 2 Sử ký 16:7; 29:30).

Giao tiếp trực tiếp

Đức Chúa Trời thường xuyên phán trực tiếp với con người. Các cụm từ này thường xuyên xuất hiện trong Kinh Thánh: Đức Chúa Trời phán, có lời của Đức Giê-hô-va đến với tôi. Trong một số trường hợp dường như đây là tiếng nói có thể nghe được bằng tai, như Phao-lô nghe một tiếng phán từ trên cao (Công vụ 9:4) và chàng trai trẻ tuổi Sa-mu-ên nghe tiếng phán của Chúa (1 Sa-mu-ên 3:4, 6, 8, 10-14). Trong những trường hợp khác, dường như là một tiếng nói từ bên trong hướng dẫn dân sự của Đức Chúa Trời giống như khi chúng ta giữ yên lặng trong khi cầu nguyện với Chúa và nghe tiếng Ngài phán. Khi một thiên sứ của Chúa ra lệnh cho Phi-líp đuổi theo hoạn quan Ê-thi-ô-pi (Công vụ 8:29), hay khi Đức Thánh Linh bảo Phi-e-rơ rằng có ba người đang tìm ông (Công vụ 10:19), hay khi hội thánh sai phái Phao-lô và Ba-na-ba đi truyền giáo (13:2). Những trường hợp này có thể là nghe được tiếng nói của Đức Chúa Trời từ bên trong. Loại tiết lộ này có thể là những gì Phao-lô nhận được từ Đấng Christ trong thời gian ông ở sa mạc A-ra-bi (Ga-la-ti 1:11-17).

Một trường hợp duy nhất Đức Chúa Trời nói chuyện trực tiếp với Môi-se được ghi trong Xuất Ê-díp-tô ký 33:11, “Đức Giê-hô-va đối diện phán cùng Môi-se, như một người nói chuyện cùng bạn hữu mình.” Khi Mi-ri-am và A-rôn đặt câu hỏi về uy quyền của Môi-se, Đức Chúa Trời phán rằng Ngài nói chuyện với họ xuyên qua các khải tượng và giấc mơ, nhưng với Môi-se thì khác. Đức Chúa Trời nói về Môi-se: “Tôi tớ Môi-se ta không có như vậy, người thật trung tín trong cả nhà ta. Ta nói chuyện cùng người miệng đối miệng, một cách rõ ràng, không lời đố, và người thấy hình Đức Giê-hô-va” (Dân số ký 12:7-8). Điều này bày tỏ sự thân mật trực tiếp giữa Đức Chúa Trời và Môi-se.

Các thiên sứ

Thỉnh thoảng Đức Chúa Trời dùng các thiên sứ để truyền đạt sự mặc khải của Ngài. Họ xuất hiện trong vai trò này, đặc biệt là khi Đức Chúa Trời khởi đầu một công việc mới.  Ví dụ Luật pháp được ban cho bởi Môi-se, nhưng qua trung gian là các thiên sứ. “các ngươi đã nhận luật pháp truyền bởi các thiên sứ, nhưng không giữ lấy” (Công vụ 7:53; Ga-la-ti 3:19). Một thiên sứ đã thông báo tin mừng về sự giáng sinh của Cứu Chúa (Lu-ca 2:10, 13). Một trong những trường hợp sinh động nhất là sự bày tỏ của thiên sứ với Đa-ni-ên. Trong hai tình huống Đức Chúa Trời trả lời sự cầu nguyện của Đa-ni-ên về Israel bằng cách gửi thông điệp thông qua các thiên sứ, một trong các thiên sứ đó là Gáp-ri-ên (Đa-ni-ên 9:2-21; 10:10-21). Trong khi các thiên sứ vượt trội hơn con người về nhiều mặt, thì họ vẫn chỉ là những sứ giả (người đưa tin) cho Lời của Đức Chúa Trời, không phải là tác giả của thông điệp. Sự giới hạn của thiên sứ về tri thức được sứ đồ Phi-e-rơ đề cập đến: “những người nhờ Đức Thánh Linh từ trên trời sai xuống, mà giảng Tin lành cho anh em; các thiên sứ cũng ước ao xem thấu những sự đó” (1 Phi-e-rơ 1:12).

Các phép lạ

 

Khi Đức Chúa Trời truyền đạt lời Ngài trực tiếp cho con người, Ngài thường đưa ra bằng chứng về sự hiện diện của Ngài bằng cách thực hiện các phép lạ. Bởi một phép màu, chúng ta đang đề cập đến một hành động khác với những sự kiện thông thường. Thông thường Đức Chúa Trời vận hành vũ trụ của Ngài theo cái mà chúng ta gọi là “các quy luật tự nhiên,” mà Ngài đã thiết lập như một phần của tạo vật. Phép lạ xảy ra khi Đức Chúa Trời chọn hành động một cách phi thường với mục đích bày tỏ chính Ngài.

Ngôn ngữ Kinh Thánh cho các phép lạ cho thấy chức năng mặc khải của chúng. Nói về những phép lạ của Chúa Giê-su, Phi-e-rơ mô tả chúng là “những phép lạ, những điều kỳ diệu và những dấu lạ” (Công vụ 2:22). Đây không phải là ám chỉ đến ba loại hành vi khác nhau, mà là cùng một hành động được nhìn từ ba quan điểm. Thuật ngữ “phép lạ” xem hành động như một sự phô trương quyền lực. Từ quan điểm của nhân vật nổi bật của họ và sự ngạc nhiên gợi lên, họ là “kỳ quan.” Và từ “dấu hiệu” chỉ trực tiếp đến mục đích của chúng như những sự kiện mặc khải. Các dấu hiệu trong Kinh Thánh giống như những con trỏ hướng sự chú ý của chúng ta đến một điều gì đó.

 

Theo những lời tiên tri trong Cựu Ước, Đấng Mê-si sẽ đến và làm phép lạ như những dấu hiệu chỉ ra vị thần cứu thế của Ngài. Vì lý do này, người Do Thái liên tục hỏi Chúa Giê-su, “Ngài cho chúng tôi thấy dấu hiệu nào?” (Giăng 2:18; xem thêm Ma-thi-ơ 12:38; 16: 1). Phép lạ chữa lành người bại liệt (Mác 2) minh họa ba khía cạnh này của một phép lạ. Rõ ràng, quyền năng của Đức Chúa Trời đã được thể hiện khi người đàn ông bại liệt nằm trên giường đứng dậy và bước đi (2:12). Hiệu quả của sự ngạc nhiên được thấy trong lời này, “Kẻ bại đứng dậy, tức thì vác giường đi ra trước mặt thiên hạ; đến nỗi ai nấy đều lấy làm lạ, ngợi khen Đức Chúa Trời, mà rằng: Chúng tôi chưa hề thấy việc thể nầy” (Mác 2:12). Nhưng điểm cuối cùng của phép lạ đã được Chúa Giê-su tuyên bố: “để các ngươi có thể biết rằng Con Người có thẩm quyền trên đất để tha tội” (2:10). Quyền hành này chỉ thuộc về Đức Chúa Trời; do đó phép lạ là một sự mặc khải về thần tính của Chúa Giê-su Christ.

Phép lạ liên quan đến sự mặc khải theo hai cách quan trọng. Đầu tiên, họ chỉ ra thực tế rằng sự mặc khải đang xảy ra. Chúng khiến chúng ta ngồi dậy và chú ý rằng Chúa đang làm việc. Thứ hai, chúng tiết lộ điều gì đó về bản chất của quyền năng Đức Chúa Trời và mục đích mà Ngài sử dụng quyền năng đó. Mặc dù trong một số trường hợp, khó có thể thấy gì hơn bằng chứng về quyền năng của Đức Chúa Trời đối với thiên nhiên, như trong việc Chúa Giê-su biến nước thành rượu (Giăng 2). Hầu hết các phép lạ của Chúa Giê-su đều tiết lộ quyền năng của Đức Chúa Trời để chiến thắng tội lỗi và các tác động của nó.  Việc chữa lành người bệnh bại và phục hồi thị lực cho người mù đều dẫn đến sự đắc thắng của Đức Chúa Trời trên sự đau khổcủa tội lỗi. Việc La-xa-rơ và những người khác đã chết sống lại đã thông báo sự thật rằng quyền lực tối thượng của tội lỗi đã bị phá vỡ, và sự chết, kẻ thù cuối cùng của nhân loại, có thể bị đánh bại bởi quyền năng của Đức Chúa Trời. Sự phục sinh của Đấng Christ được miêu tả như là một minh chứng cuối cùng về quyền năng kỳ diệu siêu nhiên của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 2: 19-20).

Trong khi phép lạ là một hình thức mặc khải, ý nghĩa đầy đủ của chúng chỉ được biết đến qua Kinh Thánh. Vì vậy, các phép lạ được coi là dấu hiệu chỉ ra các sứ giả của Lời. Như Phi-e-rơ đã viết, “Hỡi người Y-sơ-ra-ên, hãy nghe lời nầy: Đức Chúa Giê-su ở Na-xa-rét, tức là Người mà Đức Chúa Trời đã dùng làm việc quyền phép, sự lạ và dấu lạ ở giữa các ngươi, để làm chứng cho Người trong vòng các ngươi, như chính các ngươi đều biết. Người đó bị nộp theo ý định trước và sự biết trước của Đức Chúa Trời, các ngươi đã mượn tay độc ác mà đóng đinh Người trên thập tự giá và giết đi. Nhưng Đức Chúa Trời đã khiến Người sống lại, bứt đứt dây trói của sự chết, vì nó không thể giữ Người lại dưới quyền nó” (Công. 2:22-24). Các phép lạ “chứng thực” hoặc “công nhận” Con Người của Đấng Christ cho dân chúng. Họ đã chứng thực về Con Người của Ngài và do đó cũng là lời của Ngài, lời đó tuyên bố ý muốn và mục đích của Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô viết rằng những công việc kỳ diệu mà Đức Chúa Trời thực hiện qua ông là “dấu hiệu của một sứ đồ chân chính” (2 Côr. 12:12). Những “dấu kỳ, phép lạ” này đã chứng thực Phao-lô là sứ đồ của Đấng Christ và do đó khẳng định rằng sự dạy dỗ của ông là đến từ Đức Chúa Trời.

 

Ngôi vị của Đấng Christ

Trước giả sách Hê-bơ-rơ tuyên bố rằng “trong những ngày cuối cùng này, Đức Chúa Trời đã phán cùng chúng ta qua Con Ngài” (Hêb. 1:2). Trong Lời này, sự mặc khải của Đức Chúa Trời đạt đến cực điểm. “Nhiều phần” trong lời nói của Đức Chúa Trời mà trước đây đã được tiết lộ qua “nhiều cách” chỉ là những mảnh vụn chỉ ra sự tái lâm của Ngài “trong Đấng ấy được cất giấu tất cả kho tàng của sự khôn ngoan và sự hiểu biết” (Cô-lô-se 2: 3).

Trong sự Nhập thể, chúng ta có thêm kiến ​​thức về Đức Chúa Trời khi Ngài bày tỏ chính Ngài theo một cách khác biệt. Vì Đấng Christ đã không mặc khải về Đức Chúa Trời nhiều như Ngài là sự mặc khải. Ngài là Đức Chúa Trời nhập thể, tức là Đức Chúa Trời trong thân xác con người. Tiếp nhận kiến ​​thức về một người con trai là một điều, nhưng điều này không bao giờ so sánh với việc gặp gỡ chính người đó.

Trong Chúa Giê-su Christ, thế giới đối đầu với chính Đức Chúa Trời. Giăng tuyên bố rằng,  “Chẳng hề ai thấy Đức Chúa Trời; chỉ Con một ở trong lòng Cha, là Đấng đã giãi bày Cha cho chúng ta biết” (Giăng 1:18). Điều này không nên hiểu có nghĩa là Chúa Giê-su chỉ đơn giản là một người dạy về lẽ thật thiêng liêng hơn tất cả những người thầy trước đây. Ngài đã “giải thích” Đức Chúa Trời theo nghĩa rằng ai nhìn Ngài là thấy Đức Chúa Trời. Ngài nói với Phi-líp, “Ai đã thấy Ta là thấy Cha” (14: 9). Ngài có thể nói điều này bởi vì  “sự đầy dẫy của bổn tánh Đức Chúa Trời thảy đều ở trong Đấng ấy (Đấng Christ) như có hình” (Cô-lô-se 2:9).

Sự mặc khải của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ đã được ban cho qua sự dạy dỗ của Chúa Giê-su. Ngài được công nhận là Giáo sư từ Đức Chúa Trời đến (Giăng 3:2), nói những lời của Đức Chúa Trời mà trước đây chưa ai nói. Nhưng ngoài lời nói, Đức Chúa Trời còn phán qua Con Người và công việc của Chúa Giê-su, mà cao điểm là thập tự giá và sự phục sinh. Trong sự hy sinh của Chúa Giê-su vì tội lỗi của nhân loại, Đức Chúa Trời bày tỏ tình yêu thương vô hạn của Ngài, đồng thời cũng là sự thánh khiết và công bình của Ngài. Chúa Giê-su không chỉ đơn giản là trọng tâm lớn nhất của sự mặc khải; Ngài còn là chủ đề của mọi sự mặc khải. Kinh Thánh làm chứng cho Ngài (Giăng 5:39). Các tiên tri trước đó đã nói về Ngài, “Về sự cứu rỗi đó, các đấng tiên tri đã tìm tòi suy xét, và đã nói tiên tri về ân điển định sẵn cho anh em:  nghĩa là tìm cho biết thời kỳ nào và thời kỳ cách nào mà Thánh Linh Đấng Christ ở trong lòng mình đã chỉ cho, là khi làm chứng trước về sự đau đớn của Đấng Christ và về sự vinh hiển sẽ theo sau” (1 Phi 1:10-11; xem thêm Khải 19:10).

Một hình thức cuối cùng của sự mặc khải là Lời được viết ra. Phần lớn Kinh Thánh là bản ghi chép về sự mặc khải, được đưa ra dưới nhiều hình thức mà chúng ta đã biết. Các giấc mơ và khải tượng đã được ghi lại, và việc truyền đạt trực tiếp lời của Đức Chúa Trời cho các tiên tri đã được viết ra. Khi Đức Chúa Trời nói chuyện trực tiếp với con người, họ ý thức được sự kiểm soát của Ngài. Khi những giấc mơ và khải tượng xảy ra, các cá nhân về cơ bản là những người tiếp nhận thông điệp của Chúa một cách thụ động. Rõ ràng là khi Đức Chúa Trời viết Mười Điều Răn bằng ngón tay của Ngài trên bảng đá, Môi-se không thể làm gì khác hơn là mang chúng đến cho tuyển dân.

Mặt khác, trái ngược với những người ý thức được quyền uy áp đảo của Đức Chúa Trời trong việc ban sự mặc khải của Ngài cho họ, một số trước giả viết Kinh Thánh có thể không có ý thức như vậy. Tuy nhiên Thánh Linh của Đức Chúa Trời hoạt động bên trong và thông qua tính cách của họ để bày tỏ lẽ thật của Ngài. Tâm trí và cảm xúc của họ hoàn toàn tham gia trong tiến trình này khi họ ghi lại lẽ thật của Đức Chúa Trời.  Thánh Linh của Đức Chúa Trời điều khiển họ để những gì họ viết ra chính là những gì Đức Chúa Trời muốn truyền đạt. Chúng ta có thể nói rằng trong hình thức tôn kính này, Đức Chúa Trời và con người được kết hợp chặt chẽ.

Điều tự nhiên là sự mặc khải đó chủ yếu xảy ra vào thời Tân Ước khi Đức Chúa Trời bởi Thánh Linh của Ngài bắt đầu ngự trị bên trong các tín đồ.

Tất cả những hình thức mặc khải này cho thấy rằng có một sự tiến bộ cơ bản trong các loại mặc khải được sử dụng trong suốt chiều dài lịch sử. Tất cả những phương pháp này, ngoại trừ sự mặc khải thông qua Con Đức Chúa Trời, có thể được tóm gọn lại dưới ba hình thức — sự hiện ra của Đức Chúa Trời; một số kiểu truyền thông trực tiếp hoặc lời tiên tri; và sự thần cảm hay sự soi dẫn. Chúng tiến từ cái bên ngoài đến bên trong, từ những sự khác biệt đến sự gần gũi thân mật. Điều này rõ ràng theo sau sự tiến triển của toàn bộ mối quan hệ của Đức Chúa Trời với loài người. Trong Vườn Địa Đàng, A-đam và Ê-va bị xa cách Đức Chúa Trời vì tội lỗi. Nhưng qua sự cứu chuộc trong Đấng Christ, Đức Chúa Trời đưa các tín nhân đến gần Ngài và bởi Thánh Linh của Ngài, Ngài ngự trong lòng con người trong mối tương giao sâu đậm. Tuy nhiên, mặc dù có những khác biệt về hình thức và các mối quan hệ, Kinh Thánh không bao giờ phân biệt giá trị mặc khải của mỗi hình thức. Tất cả đều được Đức Chúa Trời bày tỏ như nhau.

Một số sự kiện về sự mặc khải đặc biệt có thể được ghi nhận. Đầu tiên, sự mặc khải đặc biệt là hành động và lời nói. Trái ngược với nhiều học giả xem sự mặc khải đặc biệt của Đức Chúa Trời chỉ ở trong “những hành động quyền năng” của Đức Chúa Trời. Các hình thức khác nhau mà Đức Chúa Trời dùng để giao tiếp với dân Ngài chứng tỏ Ngài đã sử dụng cả hành động và lời nói. Tất cả các hình thức được đề cập có thể được phân loại theo một hoặc cả hai tiêu đề này. Nếu không có sự giải thích của Đức Chúa Trời về các hành động của Ngài, chúng ta sẽ không hiểu được đầy đủ. Nhiều người đã chứng kiến ​​cuộc xuất hành ra khỏi Ai Cập, sự giam cầm của người Babylon đối với Israel, sự chết của Đấng Christ, hoặc ngôi mộ trống. Nhưng tất cả sự kiện không có ý nghĩa như nhau. Ví dụ chỉ có sự mặc khải của Đức Chúa Trời mới cho chúng ta biết rằng việc Đấng Christ bị đóng đinh là “vì tội lỗi của chúng ta.” Trừ khi Đức Chúa Trời tiết lộ ý nghĩa của các hành động của Ngài, chúng ta không bao giờ có thể chắc chắn về ý nghĩa đầy đủ của chúng.

Một sự bộc lộ qua lời nói cũng cần thiết cho một mối quan hệ cá nhân. Trong một tình huống giả định thì có thể một số người sẽ chọn điếc thay vì mù. Nhưng trên thực tế, người mù ít bị rối loạn cảm xúc hơn người điếc. Lý do liên quan đến tầm quan trọng của lời nói đối với mối quan hệ cá nhân được Bernard Ramm giải thích, “Các mối quan hệ cá nhân nồng thắm bị cuốn vào bởi những cuộc trò chuyện, và người nào khiếm thính thì không thể trải nghiệm nó. Thế giới không âm thanh còn bực bội hơn nhiều so với một thế giới không có thị giác.” Phim truyền hình là giải trí nhưng một bộ phim truyền hình bị cướp mất đi âm thanh thì cạn kiệt ý nghĩa. Trong cuộc sống cũng như trong phim truyền hình, từ ngữ chuyển tải những ý nghĩa; nó cần thiết cho mối quan hệ nồng ấm của tình bạn. Sự mặc khải đặc biệt của Đức Chúa Trời được thiết kế cho mối tương giao cá nhân. Và điều này đòi hỏi những lời được nói ra để chúng ta có thể hiểu các hành động của Đức Chúa Trời và phản hồi phù hợp.

Thứ hai, sự mặc khải đặc biệt mang tính cá nhân và bằng lời nói. Sự thật rằng Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời là chủ đề của chương sau. Nhưng ở đây cần lưu ý đơn giản rằng việc chúng ta xem xét các hình thức mặc khải đặc biệt chứng tỏ rằng không có sự phân đôi giữa Đấng Christ với tư cách là Ngôi Lời của Đức Chúa Trời và Lời phán của Đức Chúa Trời. Một số người có thể tập trung vào những lời trong Kinh Thánh mà không cần tương giao với Lời Hằng Sống là Chúa Giê-su mà Kinh Thánh nói đến. Một số người Do Thái vào thời Chúa Giê-su chăm chú nghiên cứu Kinh Thánh vì tin rằng nhờ đó nhận được sự sống. Nhưng Chúa Giê-su bảo họ: “Chính những lời Kinh Thánh này làm chứng về Ta; nhưng  các ngươi không muốn đến cùng Ta, để được sự sống” (Giăng 5: 39-40). Thật không may, một số người “tin Kinh Thánh” biết nhiều về Kinh Thánh, nhưng họ không có mối quan hệ sống động với Đấng Christ.

Theo Kinh Thánh, không thể có sự phân cách thực sự giữa lời được viết ra và Ngôi Lời (Lời đã thành người). Trong giao tiếp với một người khác, lời nói của họ là cách chúng ta biết được suy nghĩ và cảm xúc của người đó. Theo nghĩa thực tế, lời nói của một người là sự mở rộng của cá nhân đó khi người đó tìm cách thu hẹp khoảng cách giữa mình và người khác. Vì vậy, Đức Chúa Trời hằng sống đã đến thế gian trong thân vị của Con Ngài để bày tỏ lòng và trí của Ngài cho nhân loại qua phương tiện ngôn ngữ.

Thứ ba, mặc khải đặc biệt chỉ có thể hiểu được trong bối cảnh của mặc khải phổ quát. Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài trong công việc của tay Ngài và trong mối giao tiếp cá nhân. Trên thực tế, người nghệ sĩ, kiến ​​trúc sư, chúng ta đều bày tỏ về bản thân trong những gì chúng ta làm. Bàn làm việc của một người có gọn gàng hay lộn xộn hay không cũng tiết lộ điều gì đó về cá nhân đó. Một họa sĩ cũng giao tiếp bằng lời với gia đình và bạn bè của mình, và những lời đó không chỉ đơn giản là để các bức tranh của anh nói thay cho anh. Vì vậy, Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài trong sự tráng lệ và tuyệt vời của các công trình tạo dựng và cũng trong sự giao tiếp trực tiếp và cá nhân với con người.

Đây là tình huống của A-đam và Ê-va trong vườn địa đàng. Như Warfield giải thích, “Ấn tượng mạnh mẽ mà Kinh Thánh truyền đạt cho chúng ta là tổ phụ con người ở với Chúa trong vườn Ê-đen, và vui vẻ trong mối tương giao với Ngài tức thì, chứ không chỉ đơn thuần là suy ngẫm trong sự hiệp thông  ….  con người có được cái nhìn trực tiếp về Đức Chúa Trời và được nói chuyện trực tiếp với Ngài.”

Sự xâm nhập của tội lỗi đem đến sự xa cách thuộc linh khỏi Đức Chúa Trời và cùng với đó là sự mất mát tai hại về mối giao tiếp cá nhân. Giống như A-đam, tội nhân cảm thấy không thoải mái trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Sự thánh khiết của Ngài đã khiến dân Y-sơ-ra-ên cầu xin Môi-se nói chuyện với Đức Chúa Trời thay cho họ. Nhưng trong tình yêu thương, Đức Chúa Trời đã tìm kiếm những con người tội lỗi, Ngài ban ân điển đưa họ trở lại mối tương giao đã được thiết kế. Lịch sử Kinh Thánh tiết lộ rằng sự giao tiếp này đã phát triển và sẽ phát triển cho đến khi một ngày nào đó các tín nhân sẽ được về nhà sống trong sự hiện diện của Ngài.

Về bản chất sự mặc khải đặc biệt của Đức Chúa Trời và sự giao tiếp cá nhân của thuộc về nhau. Chúa phát ngôn lời của Ngài và hành động trong lịch sử để khôi phục mối quan hệ của chúng ta với Ngài. Nhưng nếu không có sự hiểu biết về Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa Toàn Năng và Đấng cai trị vạn vật, Đấng công bình và tốt lành, thì những bài học trên đây không thể hiểu được hoặc đáng tin cậy. Sẽ khó chấp nhận Ngài là Đấng Cứu Chuộc nếu chúng ta không biết Ngài cũng là Đấng Tạo Hóa.

KẾT LUẬN

Nhiều người sống như thể không có Đức Chúa Trời, và một số người loại trừ Chúa theo quan điểm và học thuyết của họ. Nhưng các cuộc khảo sát hiện đại cũng như lịch sử nhân loại đã chứng minh sự thật trong Kinh Thánh rằng con người công nhận sự thực hữu của Đức Chúa Trời (mặc dù không phải lúc nào họ cũng thừa nhận điều đó). Ngài đã tạo ra chúng ta để biết Ngài, và do đó Ngài làm cho chính Ngài được biết đến. Sự mặc khải của Ngài đáp ứng đầy đủ các câu hỏi của chúng ta về ý nghĩa của sự tồn tại con người. Qua thế giới tự nhiên, Ngài bày tỏ sự tồn tại vĩnh cửu và quyền năng toàn năng của Ngài. Qua hành động và lời nói đặc biệt của Ngài, Ngài truyền đạt thuộc tính của Ngài như một Đức Chúa Trời của tình yêu thương. Tất cả những gì Ngài bày tỏ chính Ngài để chúng ta có thể biết Ngài, Đấng được biết là Đấng tự hữu và hằng hữu.

còn nữa

 

 

[1]

[2]

[3]

[4]

[5]

[6]

[7]

[8]

[9]

[10]

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên