Trang Chủ BIỆN GIÁO Sách Rô-ma

Sách Rô-ma

344
0
SHARE

Thư Rô-ma

Rô-ma  một sách trong Kinh Thánh Tân Ước. Sách được viết dưới hình thức một bức thư gởi cho các tín hữu đang sống tại Rome (Rô-ma), thủ đô của Đế quốc La-mã vào thế kỷ thứ nhất; do đó, sách Rô-ma thường được gọi là thư Rô-ma.

Rô-ma là thư tín dài nhất trong Kinh Thánh Tân Ước. Đây cũng là bức thư tóm lược những tín lý thần học quan trọng của Cơ Đốc giáo.

Mục lục

·         1Tác Giả

·         2Mục Đích

·         3Niên Đại

·         4Nơi Viết

·         5Độc Giả

·         6Đặc Điểm

·         7Sơ Lược Nội Dung

·         8Bố Cục

·         9Ảnh Hưởng

·         10Tóm Tắt

·         11Tài Liệu Tham Khảo

Tác Giả

Tác giả thư Rô-ma là Sứ đồ Phao-lô. Chi tiết này được ghi lại trong những câu đầu tiên của bức thư này (Rô-ma 1:1-7). Ngoài ra, lời chào ở cuối thư gởi cho những cá nhân mà tác giả quen biết cũng giúp xác định tác giả của bức thư này là Sứ đồ Phao-lô (Rô-ma 16). Tuy nhiên, người đã trực tiếp chép những lời Sứ đồ Phao-lô truyền đạt thành một bức thư là Tẹt-tiu (Rô-ma 16:22).

Mục Đích

Trong phần cuối của bức thư, Sứ đồ Phao-lô cho biết ông đã hoàn tất công việc truyền giáo tại khu vực phía Đông của Địa Trung Hải, ông đang chuẩn bị đi Giê-ru-sa-lem mang theo tiền của các tín hữu tại vùng Ma-xê-đoan và A-chai đã quyên góp để giúp cho các tín hữu nghèo tại Giê-ru-sa-lem (Rô-ma 15:25-26). Sứ đồ Phao-lô nói với các tín hữu tại Rô-ma rằng sau khi đến Giê-ru-sa-lem, ông dự định đến Tây Ban Nha để mở mang công việc truyền giáo tại đó. Tây Ban Nha lúc đó là lãnh thổ của Đế quốc La Mã nằm về phía tây của Địa Trung Hải. Sứ đồ Phao-lô nói rằng ông sẽ đến thăm các tín hữu tại Rô-ma và nhờ họ đưa ông sang Tây Ban Nha (Rô-ma 15:23-24).

Một trong những lý do khiến Sứ đồ Phao-lô muốn đến Rô-ma bởi vì Đức Chúa Trời đã chọn ông làm sứ giả để truyền Phúc Âm của Ngài cho các dân tộc ngoại quốc và cho các vua (Công Vụ 9:15). Rô-ma là thủ đô của La Mã và Hoàng Đế uy quyền nhất của thế giới vào lúc đó đang ngự tại đây. Trong trách nhiệm Chúa giao cho mình, Sứ đồ Phao-lô hoạch định chương trình đến Rô-ma để thực hiện sứ mạng Chúa đã giao cho ông là điều hợp lý.

Thư Rô-ma được Sứ đồ Phao-lô viết cho một Hội Thánh không phải do ông sáng lập và Sứ đồ Phao-lô cũng chưa bao giờ đến đó. Sứ đồ Phao-lô đã dùng bức thư này để giải thích cho các tín hữu tại Rô-ma những tín lý thần học mà Sứ đồ Phao-lô đang rao giảng; và có lẽ cũng để giúp những tín hữu tại Rô-ma – những người chưa quen biết ông – hiểu quan điểm của Sứ đồ Phao-lô về Phúc Âm của Chúa. Bức thư giải thích cho các tín hữu tại Rô-ma rằng mặc dù Cơ-đốc giáo xuất phát từ Do Thái giáo, nhưng đức tin nơi Đức Chúa Jesus là điều kiện cần thiết duy nhất để nhận được sự cứu rỗi từ Đức Chúa Trời.

Niên Đại

Dựa vào những chi tiết được ghi lại trong thư Rô-ma, các nhà nghiên cứu cho rằng thư Rô-ma được viết trong khoảng thời gian từ năm 55-58 S.C.

Chi tiết về việc Sứ đồ Phao-lô chuẩn bị đi Giê-ru-sa-lem mang theo tiền quyên góp của các tín hữu tại vùng Ma-xê-đoan và A-chai để giúp cho các tín hữu nghèo tại Giê-ru-sa-lem được ghi lại trong Rô-ma 15:25-26 phù hợp với ký thuật trong sách Công Vụ. Công Vụ chương 20 chép rằng Sứ đồ Phao-lô đã đến thăm xứ Ma-xê-đoan, rồi đến Hy Lạp (Greek) nghỉ tại đó ba tháng (Công Vụ 20:1-3). Sau đó, khi gần đến lúc xuống tàu về Sy-ri, để đi Giê-ru-sa-lem, do bị người Do Thái tìm cách hãm hại nên Sứ đồ Phao-lô không khởi hành đi Sy-ri từ Hy Lạp, nhưng phải quay trở lại Ma-xê-đoan, xuống Phi-líp, đến Trô-ách, thăm viếng và từ biệt vài nơi khác, rồi mới chuẩn bị đi Giê-ru-sa-lem (Công Vụ 20:3-6; 20:13-16; 20:22). Công Vụ 19:21 cũng cho biết Sứ đồ Phao-lô đã dự định sau khi hoàn tất những công việc tại Giê-ru-sa-lem, ông sẽ đến Rô-ma. Vì thư Rô-ma là thư tín dài nhất của Sứ đồ Phao-lô và thư được viết như một luận án trình bày những tín lý thần học quan trọng, do đó bức thư không thể được viết cách vội vàng trên hành trình gồm những chuyến đi liên tục; vì vậy thư Rô-ma có lẽ đã được viết trong khoảng thời gian ba tháng lúc Sứ đồ Phao-lô nghỉ qua mùa đông và chờ tàu tại Hy Lạp (Công Vụ 20:2-3).

Dựa vào những tài liệu lịch sử hiện có, thời gian sớm nhất mà Sứ đồ Phao-lô có thể đã viết thư Rô-ma là vào khoảng năm nào?

Trong chương cuối của thư Rô-ma, Sứ đồ Phao-lô đã gởi lời chào thăm Bê-rít-sin và A-qui-la, là hai người đã cùng làm việc với Sứ đồ Phao-lô – trong nghề nghiệp cũng như trong công tác truyền giáo. Sứ đồ Phao-lô cho biết Bê-rít-sin và A-qui-la đã từng liều chết để cứu mạng Sứ đồ Phao-lô (Rô-ma 16:3-4).

Theo ký thuật trong sách Công Vụ, Sứ đồ Phao-lô đã gặp Bê-rít-sin và A-qui-la lần đầu tiên tại thành phố Cô-rinh-tô. Việc này xảy ra sau khi Hoàng đế Claudius đã ra lệnh trục xuất tất cả những người Do Thái khỏi Rô-ma. Bê-rít-sin và A-qui-la đã rời Rô-ma đến tỵ nạn tại Cô-rinh-tô và đã gặp Sứ đồ Phao-lô tại đó (Công Vụ 18:1-2). Bê-rít-sin và A-qui-la là đồng nghiệp với Sứ đồ Phao-lô. Nghề nghiệp của họ là may trại. Sứ đồ Phao-lô đã hợp tác với hai người này hành nghề trong thời gian đầu khi Sứ đồ Phao-lô đến hầu việc Chúa tại Cô-rinh-tô (Công Vụ 18:3). Sứ đồ Phao-lô làm việc vào những ngày trong tuần và đến cuối tuần thì ông giảng dạy (Công Vụ 18:4). Tuy nhiên, sau khi có Ti-mô-thê và Si-la đến giúp, Sứ đồ Phao-lô đã dành trọn thời gian cho công việc truyền giáo (Công Vụ 18:5). Sau một thời gian cùng làm việc và hầu việc Chúa tại Cô-rinh-tô, Bê-rít-sin và A-qui-la đã theo Sứ đồ Phao-lô đến Ê-phê-sô và hai người đã ở lại Ê-phê-sô (Công Vụ 18:5); còn Sứ đồ Phao-lô tiếp tục đến Sê-sa-rê rồi trở về Giê-ru-sa-lem (Công Vụ 18:5).

Sử gia La Mã Gaius Suetonius Tranquillus (68-122 S.C.) cho biết Hoàng đế Claudius đã ra lệnh trục xuất người Do Thái khỏi Rô-ma vào năm 49 S.C.; và chỉ sau khi Hoàng đế Claudius mất vào năm 54 S.C., lệnh cấm này mới được bãi bỏ. Lúc Sứ đồ Phao-lô viết thư Rô-ma, Bê-rít-sin và A-qui-la đã trở về sống tại Rô-ma, và trong bức thư Sứ đồ Phao-lô đã gởi lời thăm họ (Rô-ma 16:3-4). Do đó, thời gian sớm nhất mà thư Rô-ma có thể được viết là năm 55 S.C., một năm sau khi Hoàng đế Claudius qua đời. Tuy nhiên, căn cứ trên phương tiện di chuyển và thông tin trong thế kỷ thứ nhất rất chậm; hơn nữa chúng ta không rõ Bê-rít-sin và A-qui-la đã trở về lại Rô-ma lập tức ngay sau khi lệnh cấm được hủy bỏ hay không; cho nên thư Rô-ma có thể đã được viết vài năm sau năm 55 S.C.

Có một chi tiết khác giúp xác định khoảng thời gian trễ nhất mà thư Rô-ma được viết, đó là thời gian Phê-tu được bổ nhiệm làm Tổng Đốc tại Sy-ria. Như đã trình bày ở phần trên, thư Rô-ma được viết trước khi Sứ đồ Phao-lô đến Giê-ru-sa-lem. Công Vụ chương 21 cho biết một thời gian không rõ bao lâu sau khi Sứ đồ Phao-lô về đến Giê-ru-sa-lem, các nhà lãnh đạo Do Thái đã vu cáo khiến Sứ đồ Phao-lô bị quân đội La Mã bắt giữ. Sứ đồ Phao-lô bị giam tại Giê-ru-sa-lem một thời gian ngắn rồi được chuyển đến Sê-sa-rê. Tổng đốc Phê-lít đã cho giam Sứ đồ Phao-lô tại Sê-sa-rê suốt hai năm trước khi Tổng đốc Phê-tu đến thay thế cho ông (Công Vụ 24:27).

Theo các sử gia, Tổng đốc Phê-tu được bổ nhiệm làm Tổng đốc tại vùng Giu-đê vào năm 60 S.C. Trước đó hai năm là năm 58 S.C. Thư Rô-ma được viết trước khi Sứ đồ Phao-lô đến Giê-ru-sa-lem và trước khi ông bị bắt. Thời gian đi lại sau khi bức thư được viết cho đến lúc Sứ đồ Phao-lô về đến Giê-ru-sa-lem phải mất vài tháng. Thêm vào đó, Công Vụ 20:16 cho biết rằng Sứ đồ Phao-lô muốn đến Giê-ru-sa-lem trước ngày lễ Ngũ Tuần; do đó Thư Rô-ma có lẽ đã được viết vào mùa đông cuối năm 57 S.C., hoặc chậm nhất là đầu năm 58 S.C.

Nơi Viết

Mặc dù trong thư Rô-ma, Sứ đồ Phao-lô không nói rõ bức thư đã được viết tại đâu; tuy nhiên dựa trên những ký thuật trong sách Công Vụ và trong thư Rô-ma phần lớn các nhà nghiên cứu đều cho rằng thư Rô-ma đã được viết tại thành phố Cô-rinh-tô của Hy Lạp. Có vài chi tiết trong Kinh Thánh ủng hộ quan điểm này.

Thứ nhất, Sứ đồ Phao-lô đã gởi gắm Phê-bê, một nữ chấp sự của Hội Thánh Xen-cơ-rê, cho Hội Thánh Rô-ma (Rô-ma 16:1-2). Xen-cơ-rê là một trong hai hải cảng chính của thành phố Cô-rinh-tô. Có lẽ Phê-bê là người đã nhận bức thư này từ Sứ đồ Phao-lô tại Cô-rinh-tô rồi mang đến cho Hội Thánh Rô-ma.

Thứ hai, Sứ đồ Phao-lô nhắc đến việc ông mang tiền từ các Hội Thánh ở vùng Ma-xê-đoan và A-chai về giúp Hội Thánh Giê-ru-sa-lem. A-chai là tên của vùng đất thuộc Hy Lạp, mà thành phố Cô-rinh-tô là thủ phủ của khu vực này (II Cô-rinh-tô 1:1). Sau đó, Sứ đồ Phao-lô đã đến Phi-líp, Trô-ách, Mi-lê, gặp gỡ các nhà lãnh đạo của Hội Thánh Ê-phê-sô; tuy nhiên bức thư không nhắc đến tiền quyên góp của những Hội Thánh này; hơn nữa thời gian Sứ đồ Phao-lô thăm những nơi này rất ngắn, không đủ để Sứ đồ Phao-lô viết một bức thư dài như thư Rô-ma; và do đó có lẽ bức thư đã được viết tại Cô-rinh-tô.

Thứ ba, ký thuật trong Rô-ma 16:23 cho biết thư Rô-ma được Sứ đồ Phao-lô viết tại nhà của Gai-út. Theo I Cô-rinh-tô 1:14-15, Sứ đồ Phao-lô chỉ làm phép báp-tem cho vài tín hữu tại Hội Thánh Cô-rinh-tô; và một trong những người đó là Gai-út. Có thể Gai-út, tín hữu mà Sứ đồ Phao-lô đã làm báp têm tại Hội Thánh Cô-rinh-tô, đã mời Sứ đồ Phao-lô ở tại nhà mình khi Sứ đồ Phao-lô nghỉ chờ tàu tại cảng Cô-rinh-tô của Hy Lạp. Và theo ký thuật trong Rô-ma 16:23, thư Rô-ma đã được viết tại đây.

Dựa vào những dữ kiện trên, thành phố Cô-rinh-tô là nơi thích hợp nhất mà thư Rô-ma đã được viết.

Độc Giả

Thư Rô-ma được gởi cho các tín hữu tại thành phố Rô-ma (1:6-7). Cho đến hiện nay, các tài liệu lịch sử trong và ngoài Hội Thánh, lẫn những ký thuật trong Kinh Thánh, đều không nói rõ Hội Thánh Rô-ma đã được thành lập từ khi nào và ai là người đầu tiên đã truyền giáo tại đây. Tuy nhiên, tác giả sách Công Vụ đã ghi lại trong ngày lễ Ngũ Tuần đầu tiên tại Giê-ru-sa-lem có những người Do Thái từ Rô-ma đã đến nghe Sứ đồ Phi-e-rơ giảng (Công Vụ 2:10). Có thể một số kiều bào Do Thái sống tại Rô-ma đã tin nhận Đức Chúa Jesus trong dịp này, và họ đã trở về Rô-ma giới thiệu Chúa cho những người khác.

Một giả thuyết khác dựa trên lời truyền khẩu cho rằng Sứ đồ Phi-e-rơ đã đến truyền giáo tại Rô-ma vào giữa thập niên 40 S.C. khi vua Hê-rốt Ac-críp-ba bách hại Hội Thánh. Tuy nhiên đây chỉ là những lời truyền khẩu, không có sử liệu uy tín ủng hộ giả thuyết này. Hơn nữa, vào đầu thập niên 40 S.C. có lẽ đã có nhiều người tin Chúa tại Rô-ma. Sử gia Cassius Dio (155-235) của La Mã đã viết rằng vào năm 41 S.C. Hoàng đế Claudius đã công bố một sắc lệnh cấm những người Do Thái nhóm họp nhiều nơi tại Rô-ma. Có thể sắc lệnh này liên quan đến sự nhóm họp của những tín hữu Cơ Đốc là người Do Thái nhóm tại nhà riêng. Đến năm 49 S.C. Hoàng đế Claudius công bố một sắc lệnh khác trục xuất tất cả những người Do Thái khỏi Rô-ma. Như đã nhắc đến ở những phần trước, sau khi Hoàng đế Claudius băng hà, những lệnh cấm đó bị bãi bỏ và những tín hữu gốc Do Thái đã trở lại Rô-ma.

Trước năm 49 S.C., có lẽ phần lớn tín hữu trong Hội Thánh Rô-ma là người Do Thái; tuy nhiên sau năm 54 S.C., thành phần tín hữu người ngoại quốc có lẽ đông hơn những tín hữu gốc Do Thái. Đây chính là bối cảnh của một số vấn đề mà Sứ đồ Phao-lô đề cập trong bức thư.

Đặc Điểm

Thư Rô-ma là bản tóm lược tín lý thần học căn bản của Cơ Đốc giáo. Thư được viết cẩn thận, chính xác, với những lập luận chặt chẽ của một người hiểu rõ Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo, được diễn đạt với những từ ngữ chuyên môn trong ngành luật. Tuy nhiên, thư Rô-ma không phải là một bản văn khô khan và nhàm chán nhưng chứa đựng những bất ngờ, những nghịch lý, những lập luận sắc sảo, sinh động, được diễn đạt với giọng văn thể hiện sự đam mê thích thú với chủ đề. Dầu vậy, những đề tài được đề cập trong thư Rô-ma tương đối khó hiểu với nhiều người. Chính Sứ đồ Phi-e-rơ đã xác nhận rằng Sứ đồ Phao-lô đã được Chúa ban sự khôn ngoan để viết thư cho các Hội Thánh, tuy nhiên trong những bức thư của Sứ đồ Phao-lô có những phần khó hiểu mà những người thiếu hiểu biết và không vững trong đức tin đã giải thích sai lạc (II Phi-e-rơ 3:15-16). Thư Rô-ma chắc chắn là một trong những bức thư của Sứ đồ Phao-lô mà Sứ đồ Phi-e-rơ đã nhắc trong những câu Kinh Thánh nói trên.

Sơ Lược Nội Dung

Nội dung thư Rô-ma trình bày lời giải đáp cho một câu hỏi căn bản đó là Đức Chúa Trời sẽ phân xử mỗi người chúng ta như thế nào trong ngày phán xét cuối cùng? Có phải vì chúng ta đã sống đạo đức hoặc chúng ta đã tuân giữ luật pháp hay không? Nếu đúng như vậy, cuộc đời của chúng ta có lẽ là những chuỗi ngày căng thẳng bất tận bởi vì ai ai cũng biết rằng mình không hoàn hảo, những sai phạm cũng như những lỗi lầm của mình cứ lập đi lập lại mãi; do đó Luật Pháp sẽ trở thành một sự nguyền rủa cho chúng ta, bởi vì Luật Pháp sẽ được dùng để viết cáo trạng cho chúng ta.

Tuy nhiên, đó không phải là ý định của Đức Chúa Trời cho đời sống của mỗi người. Thư Rô-ma cho chúng ta biết chúng ta được đảm bảo có được một cơ hội để đứng trước Đức Chúa Trời và nhận một phán quyết tốt đẹp từ nơi Ngài. Sự bảo đảm đó không dựa trên những gì chúng ta làm nhưng dựa trên trên những gì Đức Chúa Trời đã làm. Qua sự chết của Đức Chúa Jesus, Đấng đã chịu hình phạt thay cho nhân loại, Đức Chúa Trời ban cho chúng ta ân điển cứu chuộc của Ngài. Sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời là một món quà mà chúng ta không thể làm bất cứ điều gì để đạt được nhưng chúng ta chỉ tiếp nhận bằng đức tin (Rô-ma 1:17).

Sứ đồ Phao-lô đã đặt chủ đề được cứu rỗi bởi đức tin đối kháng với sự dạy dỗ của một số tín hữu gốc Do Thái – là những người chủ trương theo Luật Pháp – đã muốn thêm luật cắt bì vào ân điển. Vô tình hay cố ý, họ làm vô hiệu hóa ân điển của Đức Chúa Trời. Nếu mỗi người phải làm một điều gì đó để xứng đáng nhận ân điển của Đức Chúa Trời thì ân điển đó không còn là một quà tặng miễn phí nữa; và điều đó cũng ám chỉ rằng sự hy sinh của Đức Chúa Jesus không có giá trị đủ để cứu chuộc nhân loại. Để trình bày những lập luận của mình, Sứ đồ Phao-lô đã đưa ra một số luận đề so sánh giữa đức tin với việc làm, Đức Thánh Linh với xác thịt, tự do với nô lệ.

Khi giải bày chủ đề được cứu rỗi bởi đức tin, Sứ đồ Phao-lô cho biết tất cả mọi người, người Do Thái cũng như người ngoại quốc, người có tôn giáo cũng như người không có tôn giáo, đều khiếm khuyết trước tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời; họ là những tội nhân và sẽ bị đoán phạt (1:18-3:30). Đức Chúa Trời, vì yêu thương loài người, đã thiết lập một chương trình ban ân điển cứu rỗi cho mọi người. Mọi người có thể nhận ân điển cứu chuộc đó với đức tin tin nơi sự hy sinh của Đức Chúa Jesus là Đấng đã nhận hình phạt thay cho tội lỗi của chính mình (3:21-4:25). Khi tin nhận Đức Chúa Jesus, tội nhân được kể là công chính, được ban cho một địa vị mới để sống một cuộc đời mới trong Chúa qua sự soi dẫn của Đức Thánh Linh (5:1-8:39). Kế tiếp, Sứ đồ Phao-lô giải thích vị trí của người Do Thái trong chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời và thái độ của họ với Đức Chúa Jesus là một phần trong kế hoạch cứu rỗi toàn nhân loại (9:1-11:36). Sau đó, Sứ đồ Phao-lô đưa ra những lời khuyên về nếp sống của người tin Chúa. Đó là nếp sống đặt căn bản trên tình yêu thương. Người tin Chúa cần ý thức mình là một chi thể trong thân thể của Chúa và đời sống của mỗi người sẽ ảnh hưởng đến Chúa, đến những chi thể khác. Do đó, người tin Chúa cần có thái độ thích hợp với nhau, với nhà cầm quyền, với những người thấp kém và yếu đuối hơn mình (12:1-15:13). Phần kết của bức thư ghi lại những lời chào thăm dành cho một số tín hữu tại Rô-ma và những lời tôn ngợi Đức Chúa Trời (15:14-16:27).

Khi trình bày chủ đề được cứu rỗi bởi đức tin, Sứ đồ Phao-lô đã đề cập đến một số khái niệm thần học liên quan đến Đức Chúa Trời như:

·         Sự tể trị của Đức Chúa Trời.

·         Sự công bình của Đức Chúa Trời.

·         Luật pháp của Đức Chúa Trời.

·         Quyền năng của Đức Chúa Trời.

·         Sự nhân từ của Đức Chúa Trời.

·         Ân điển của Đức Chúa Trời.

Bố Cục

·         Phần mở đầu (1:1-17)

·         Nhu cầu cần được cứu rỗi của nhân loại (1:18-3:20)

·         Phương cách cứu rỗi nhân loại của Đức Chúa Trời (3:21-4:25)

·         Đời sống mới trong Đấng Christ (5:1-8:39)

·         Người Do Thái trong chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời (9:1-11:36)

·         Nếp sống của người tin Chúa (12:1-15:13)

·         Lời chào thăm và kết luận (15:14-16:27)

Ảnh Hưởng

Trong lĩnh vực thần học, thư Rô-ma được xem là một bản tóm lược hoàn chỉnh về Phúc Âm của Đấng Christ trong Tân Ước. Nhận định về thư Rô-ma, Martin Luther đã viết: “Thư tín này là phần chính yếu của Tân Ước và là Phúc Âm thuần khiết nhất. Thư Rô-ma quan trọng đến nỗi những người tin Chúa không phải chỉ nên thuộc lòng từng chữ một nhưng cũng phải suy gẫm hằng ngày, vì đó là thức ăn của linh hồn”. John Calvin, một nhà Cải Chánh khác, đã viết: “Nếu chúng ta hiểu được thư tín này, một lối đi đã được mở ra cho chúng ta để hiểu cả Kinh Thánh.”

Về phương diện lịch sử, thư Rô-ma gắn liền với những biến chuyển quan trọng trong Hội Thánh.

Trước hết, thư Rô-ma là sách quan trọng trong lịch sử Hội Thánh vì đây là một trong những sách được viết đầu tiên sau khi Hội Thánh được thành lập. Theo các tài liệu hiện có, thư Rô-ma đã được viết trước các Phúc Âm Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca, Giăng, và trước cả sách Công Vụ. Trong bối cảnh của Hội Thánh thời ban đầu, vào những thập niên đầu tiên của Hội Thánh, các tín hữu trong các Hội Thánh ngoại quốc biết rất ít về Đức Chúa Jesus và sự dạy dỗ của Ngài, thư Rô-ma đã giúp cho các tín hữu hiểu được những khái niệm căn bản về đức tin nơi Chúa và nếp sống thích hợp của một người tinChúa.

Tuy nhiên, thư Rô-ma không chỉ giúp ích cho các tín hữu trong Hội Thánh thời ban đầu nhưng đã ảnh hưởng rất nhiều trên Hội Thánh trong những năm về sau.

Năm 386 S.C., Augustine đã tin Chúa sau khi đọc Rô-ma 13:13-14. Sau đó, Augustine đã viết một luận đề về bản chất tự nhiên của con người và nguồn gốc của tội lỗi, dựa trên những điều mà Sứ đồ Phao-lô đã đề cập trong Rô-ma chương 5 và 7. Tác phẩm của Augustine đã định hình thần học Tây phương trong suốt nhiều thế kỷ.

Năm 1516, Martin Luther đã khám phá tín lý về việc được xưng công bình chỉ bởi đức tin, được Sứ đồ Phao-lô giải thích trong Rô-ma 1:17. Martin Luther là người khởi xướng Phong trào Cải Chánh, dẫn đến việc hình thành Giáo Hội Tin Lành.

Năm 1718, John Wesley, người khai sáng Hội Thánh Tin Lành Giám Lý, nhờ đọc lời giới thiệu sách Rô-ma do Martin Luther viết, đã quy phục Chúa. Từ John Wesley, phong trào Phục Hưng của Hội Thánh Tin Lành đã bắt đầu tại Anh, và sau đó lan rộng trở thành phong trào truyền giáo khắp thế giới trong những thế kỷ kế tiếp.

Năm 1918, Karl Barth xuất bản cuốn chú giải sách Rô-ma. Trong bối cảnh nhiều người ngây thơ đồng hóa sự tiến triển về văn hóa với ý muốn của Đức Chúa Trời, Karl Barth, dựa vào thư Rô-ma, nhấn mạnh rằng Đức Chúa Trời không chấp nhận bất kỳ một nổ lực nào của con người để thay thế cho ân điển của Ngài.

Tóm Tắt

Rô-ma là một sách trong Tân Ước, được viết dưới dạng một bức thư, trình bày về quyền năng và ân điển của Đức Chúa Trời dành cho mọi người. Chủ đề của thư Rô-ma là mọi người đều là tội nhân, nhưng bởi đức tin nơi Đức Chúa Jesus, tội nhân có thể được xưng là công chính trước mặt Đức Chúa Trời, để nhận được ân điển cứu rỗi của Ngài và sự sống đời đời. Sứ điệp trong thư Rô-ma là nguồn động lực và là niềm khích lệ cho nhiều người, trong các Hội Thánh từ xưa cho tới nay.

TỔNG QUAN SÁCH RÔ-MA

Tác giả: Rô-ma 1:1 xác nhận tác giả của sách là sứ đồ Phao-lô. Rô-ma 16:22 cho thấy Phao-lô nhờ một người tên Tẹt-tiu để chép lại lời ông. (So sánh 1 Cô-rinh-to 16:21; Giê-rê-mi 36:18)

Thời gian viết: Nhiều khả năng sách Rô-ma được viết vào 56-58 Trước Công Nguyên

Mục đích viết: Giống như các thư tín khác của Phao-lô gửi cho các hội thánh, mục đích của sách là công bố vinh quang của Chúa Giê-xu Christ bằng sự dạy dỗ giáo lý, khuyên răn và khích lệ người đọc. Phao-lô có sự quan tâm đặc biệt đến những người nhận thư này – “tất cả những người yêu dấu của Đức Chúa Trời tại thành Rô-ma, là những người được gọi làm thánh đồ” (Rô-ma 1:7). Vì chính Phao-lô cũng là người Rô-ma nên ông có tấm lòng đặc biệt với cộng đồng tín hữu tại đây. Cho đến thời điểm này ông vẫn chưa đến thăm hội thánh, nên lá thư này cũng như là lời giới thiệu với họ.

Các câu Kinh Thánh then chốt:

Rô-ma 1:16, “Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì đây là quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu mọi người tin, trước là người Do Thái, sau là người Hi Lạp.”

Rô-ma 3:9-11, “Vậy thì sao? Chúng ta có điều gì tốt hơn không? Hoàn toàn không; vì chúng tôi đã xác nhận rằng cả người Do Thái và Hi Lạp đều ở dưới quyền lực của tội lỗi, như có lời chép: “Chẳng có một ai công chính cả, dù một người cũng không. Chẳng có một người nào hiểu biết, chẳng có một người nào tìm kiếm Đức Chúa Trời.’”

Rô-ma 3:21, “Nhưng bây giờ, sự công chính của Đức Chúa Trời đã được bày tỏ ngoài luật pháp. Điều nầy đã được luật pháp và các nhà tiên tri làm chứng.”

Rô-ma 3:23: “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất vinh quang của Đức Chúa Trời.”

Rô-ma 5:8, “Nhưng Đức Chúa Trời bày tỏ lòng yêu thương của Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân thì Đấng Christ đã chết thay cho chúng ta.”

Rô-ma 6:23, “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết, nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đấng Christ Jêsus, Chúa chúng ta.”

Rô-ma 8:9, “Nhưng nếu Thánh Linh của Đức Chúa Trời thật sự ở trong anh em thì anh em không sống theo xác thịt, mà sống theo Thánh Linh; còn ai không có Thánh Linh của Đấng Christ thì người ấy chẳng thuộc về Ngài.”

Rô-ma 8:28: “Chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho những người được gọi theo ý định của Ngài.”

Rô-ma 8:37-39, “Trái lại, trong mọi sự ấy chúng ta nhờ Đấng yêu thương mình mà toàn thắng. Vì tôi đoan chắc rằng dù sự chết, sự sống, các thiên sứ, các bậc cầm quyền, việc hiện tại, việc tương lai, các quyền lực, chiều cao, chiều sâu, hoặc một tạo vật nào cũng không thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ Jêsus, Chúa chúng ta.”

Rô-ma 10:9-10, “Vậy nếu miệng anh em xưng Đức Chúa Jêsus là Chúa, và lòng anh em tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ cõi chết sống lại thì anh em sẽ được cứu. 10Vì ai tin trong lòng thì được xưng công chính, ai tuyên xưng nơi miệng thì được cứu rỗi.”

Rô-ma 12:1, “Vậy thưa anh em, bởi sự thương xót của Đức Chúa Trời, tôi nài xin anh em dâng thân thể mình làm sinh tế sống, thánh khiết và đẹp lòng Đức Chúa Trời, đó là sự thờ phượng phải lẽ của anh em.”

Rô-ma 12:19, “Thưa anh em yêu dấu, đừng tự tay mình báo thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời; vì có lời Chúa phán: “Sự trả thù thuộc về Ta, Ta sẽ báo ứng.”

Rô-ma 16:17, “Thưa anh em, tôi khuyên anh em hãy coi chừng những kẻ lập bè đảng và gây vấp phạm, chống lại sự dạy dỗ mà anh em đã học. Hãy tránh xa họ đi.”

Tóm lược: Phao-lô vui mừng vì cuối cùng cũng được chăm sóc hội thánh này, và mọi người đều biết vậy (Rô-ma 1:8-15). Lá thư cho người Rô-ma này được viết tại Cô-rinh-tô ngay trước khi Phao-lô lên đường đi Giê-ru-sa-lem để mang cứu trợ đến với những người nghèo nơi đó. Ông định đi tới Rô-ma rồi sau đó là Tây Ban Nha (Rô-ma 15:24), nhưng kế hoạch bị gián đoạn vì ông bị bắt tại Giê-ru-sa-lem. Là tù nhân, cuối cùng ông sẽ bị chuyển đến Rô-ma. Nhiều khả năng Phê-bê, tín hữu tại Sen-cơ-rê gần Cô-rinh-tô (Rô-ma 16:1), là người đã mang thư đến Rô-ma.

Sách Rô-ma chủ yếu bàn về vấn đề giáo lý và có thể chia thành bốn phần: nhu cầu công chính, 1:18–3:20; sự ban cho công chính, 3:21–8:39; biện luận cho sự công chính, 9:1–11:36; thực hành sự công chính, 12:1–15:13. Chủ đề chính của sách này rõ ràng bàn về sự công chính. Được Đức Thánh Linh dẫn dắt, trước hết Phao-lô kết án tất cả mọi người đều có tội. Ông bày tỏ lòng khao khát muốn giảng lẽ thật lời Chúa cho tín hữu tại Rô-ma. Ông muốn đảm bảo rằng họ đang đi đúng đường. Ông nhấn mạnh rằng mình không hổ thẹn bởi phúc âm (Rô-ma 1:16) vì là quyền phép cứu mọi kẻ tin.

Sách Rô-ma cho chúng at biết về Chúa, Ngài là ai và Ngài đã làm gì. Sách cũng cho chúng ta biết về Chúa Giê-xu Christ và sự chết Ngài đã làm trọn. Sách cho chúng ta biết về bản thân mình, chúng ta như thế nào nếu không có Đấng Christ và chúng ta là ai sau khi tin Chúa. Phao-lô chỉ ra rằng Chúa không yêu cầu nhân loại phải làm ngay thẳng đời sống của mình trước khi đến với Đấng Christ. Trong khi chúng ta còn là kẻ có tội thì Chúa đã chết cho chúng ta trên thập tự giá vì tội lỗi của chúng ta rồi.

Liên hệ với các sách khác: Phao-lô sử dụng những con người trong Cựu Ước và các sự kiện để minh họa cho lẽ thật vinh quang này trong sách Rô-ma. Áp-ra-ham đã tin và ông được gọi là công chính bởi đức tin đó, không phải bởi việc làm (Rô-ma 4:1-5). Trong Rô-ma 4:6-9, Phao-lô nói đến Đa-vít cũng để nhắc lại lẽ thật đó: “Phước cho người nào lỗi lầm được thứ tha, tội lỗi được khỏa lấp! Phước cho người mà Chúa không kể là có tội!” (Thi thiên 32:1). Phao-lô dùng A-đam để giải thích cho người Rô-ma về giáo lý nguyên tội. Ông cũng dùng Sa-ra và I-sác, đứa con theo lời hứa, để minh họa nguyên tắc Cơ Đốc nhân là con của lời hứa thánh của Đức Chúa Trời qua Đấng Christ. Trong chương 9-11, Phao-lô nhắc lại lịch sử dân tộc Y-sơ-ra-ên và tuyên bố rằng Chúa không hoàn toàn từ bỏ dân Y-sơ-ra-ên (Rô-ma 11:11-12), nhưng cho pháp họ “vấp ngã” cho đến khi nào toàn bộ dân ngoại được đưa đến sự cứu rỗi.

Áp dụng thực tế: Sách Rô-ma nói rõ rằng chúng ta không thể làm gì để cứu chính mình được. Tất cả những việc “lành” mà chúng ta đã làm chỉ là chiếc áo nhơ trước mặt Chúa. Chúng ta chết vì những vi phạm và phạm tội nhiều đến nỗi chỉ có ân điển và lòng thương xót của Chúa có thể cứu chúng ta. Chúa đã thể hiện lòng ân điển và lòng thương xót đó bằng cách sai Con Ngài, Chúa Giê-xu Christ đến để chết thế cho chúng ta trên thập tự. Khi chúng ta quay trở về với Đấng Christ, chúng ta không còn bị bản chất tội lỗi kiểm soát nhưng được Đức Thánh Linh điều khiển. Nếu chúng ta xưng nhận Chúa Giê-xu là Chúa, và tin Ngài đã sống lại từ cõi chết, chúng ta được cứu và được tái sinh. Chúng ta từ đó phải sống cuộc đời dâng lên cho Chúa như một của lễ sống. Thờ phượng Chúa là Đấng cứu chuộc phải là khao khát lớn nhất của chúng ta. Có lẽ sự áp dụng tốt nhất trong sách Rô-ma là Rô-ma 1:16: sống không hổ thẹn về phúc âm. Thay vì hổ thẹn, chúng ta hãy trung tín rao truyền danh Ngài!

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên