Trang Chủ BIỆN GIÁO CUỘC HỘI THOẠI THÚ VỊ

CUỘC HỘI THOẠI THÚ VỊ

603
0
SHARE

 

 

RAVI ZACHARIAS

Bông Sen và Thập Tự Giá

Đức Chúa Giê-su Trò chuyện cùng đức Phật

 

“Ravi sử dụng phương pháp học thuật nhưng giàu hình ảnh cho biện giáo học. Cuộc đối thoại được tác giả viết ra trong vở kịch độc nhất này sẽ giáo dục, làm mê hoặc và khai sáng độc giả – và tất cả những người mà độc giả chia sẻ – trong nhiều năm về sau.”

Bruce Wilkingson, Tác giả sách bán chạy nhất của New York Times, sách The Prayer of Jabez

 

“Các tác phẩm của Ravi Zacharias là một nguồn tài nguyên đầy sức sống trong căn nhà của chúng tôi, và ấn bản mới này trong kho tri thức của chúng tôi khác biệt đầy hấp dẫn: một cuộc gặp gỡ rất thật, rất kịch tính của những khối óc mà qua đó lẽ thật phúc âm – và lý luận chặt chẽ của tiến sĩ Zacharias – tỏa sáng cách rõ ràng đầy thú vị.”

Frank Peretti

“Ravi Zacharias là nhà lý luận hàng đầu và là nhà biện giáo Cơ Đốc xuất sắc. Bằng sách Đóa Sen và Thập Giá, Zacharias chứng minh ông cũng là một tác giả văn chương giàu tưởng tượng và đầy tài năng. Cuộc đối thoại đầy cuốn hút này không những xóa tan mọi bối rối về những lời công bố của Đấng Christ và đức Phật, nhưng cũng cung cấp cho độc giả một tài liệu đọc mang tính giải trí cao.”

Chuck Colson

 

 

Đóa Sen Và Thập Giá

 

Đức Chúa Giê-su Trò chuyện cùng đức Phật

 

RAVI ZACHARIAS

 

Multnomah Publishers Sisters, Oregon

 

ĐÓA SEN VÀ THẬP GIÁ

Được xuất bản bởi Multnomah Publishers, Inc.

 

Xuất bản liên kết cùng cục văn học thuộc

Wolgemuth & Associates, Inc., 8600 Crestgate Circle, Orlando, FL 32819

 

© 2001 bởi Ravi Zacharias

Mã số tiêu chuẩn quốc tế cho sách ISBN: 1-57673-854-X

Thiết kế bìa bởi Cơ quan thuộc Bill Chiaravelle

Ảnh bìa bởi Photodisc

Trích dẫn Kinh Thánh từ:

Kinh Thánh, New International Version

© 1973, 1884 bởi Thánh Kinh Hội Quốc Tế,

Sử dụng với sự cho phép của Zondervan Publishing House

Multnomah là tên thương mại của Multnomah Publishers, Inc.,

Và được đăng ký tại Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ.

Biểu tượng in trên sách là tên thương mại của Multnomah Publishers, Inc.

In tại Hợp chúng quốc Hoa Kỳ

 

ĐĂNG KÝ BẢN QUYỀN

Không một phần nào của sách này được tái xuất bản, lưu trữ trong hệ thống truy tìm, hoặc truyền phát, dưới bất kỳ dạng thức hoặc phương cách nào – điện tử, cơ khí, sao chụp, thu âm, hoặc phương cách khác – mà không có sự đồng ý trước bằng văn bản.

Để biết thêm thông tin:

MULTNOMAH PUBLISHERS, INC.

POST OFFICE BOX 1720

SISTERS, OREGON 97759

01 02 03 04 05 06 07 08 09 – 10 9 8 7 6 5 4 3 2 1 0

 

 

Dành tặng những con người tử tế và hào phóng tại Malaysia, Ấn Độ, Singapore, và Thái Lan về tình bạn, lòng mến khách, và nguồn cảm hứng của họ.

Lời cảm ơn

Xin dành lời cảm ơn chân thành đến những người đã hy sinh và dùng tài trí của họ để giúp đỡ tôi hoàn thành quyển sách này.

Gửi Don Jacobson, về ý tưởng một câu chuyện kể theo phong cách hội thoại giúp khám phá sự khác biệt giữa hai hệ thống niềm tin nhưng vẫn giữ sự tôn trọng cho cả hai.

Gửi Rod Morris, về công tác biên tập rất nhạy bén và đầy năng lực.

Gửi toàn thể nhân sự Multnomah, về sự khích lệ và quả quyết của họ.

Gửi các độc giả đã gửi những góp ý rất chân thành.

Gửi Margie, vợ tôi, người biên tập và phê bình yêu thích của tôi.

Gửi các nhà sư và sư ni, về những cuộc nói chuyện đầy nhiệt huyết và cởi mở về những vấn đề rất khó. Tôi sẽ biết ơn họ mãi mãi.

Gửi những con người tuyệt vời tại Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, và Singapore đã hy sinh thời gian tiếp đón nghiên cứu của tôi và khiến những chuyến ở lại của tôi thật đáng nhớ.

Đây là một hành trình tư tưởng và tưởng tượng đầy bổ ích – và do đó Đấng tôi biết ơn nhất chính là Đức Chúa Trời.

Giới thiệu

Viết ra quyển sách này là một trải nghiệm thật lạ thường. Tôi đã dành rất nhiều thì giờ trò chuyện cùng các nhà sư và các bậc thầy đạo Phật tại các ngôi đền. Những cuộc thảo luận của chúng tôi luôn luôn thân ái và thú vị. Sau nhiều tách trà, chúng tôi nán lại và nói về những câu hỏi sâu sắc nhất và những câu trả lời trái ngược về cuộc sống.

Có được mối liên hệ thân thiết với những người đạo Phật, tôi nhận ra thật khó để nêu bật sự khác biệt giữa Phật Giáo và Cơ Đốc Giáo mà không làm mất lòng đối phương. Những sự khác biệt này thật không dễ chịu, nhưng chúng có thật. Thậm chí câu trả lời mà các nhà sư đáp lại cho tôi cũng không nhất quán tùy theo trường phái Phật Giáo mà họ đại diện. Có những lúc sự mất kiên nhẫn xuất hiện trên gương mặt khi đối diện với những câu hỏi khó và câu trả lời của họ thì không giống nhau. Nhưng dù có những sự khác biệt, họ vẫn cảm thấy dễ chịu bởi vì đối với họ sự đồng thuận không quan trọng bằng việc theo đuổi sự đồng thuận.

Tôi sẽ luôn luôn biết ơn sự nhã nhặn và hiếu khách họ đã dành cho tôi. Mặc dù chúng tôi có những câu trả lời hoàn toàn khác nhau về những câu hỏi nền tảng của cuộc sống, nhưng đó không phải là lý do để chúng tôi ngừng đưa ra những câu hỏi khó nhằm tránh né sự khó chịu.

Mặc dù một quyển sách như thế này có thể nghiêng về một phía nào đó, tuy nhiên sách vẫn chứa đựng những quan niệm nền tảng nhất. Chính vì vậy, ít nhất tôi tin rằng tôi đã trình bày các ý tưởng một cách công bằng và suy xét chúng thật cẩn thận. Rất nhiều người mà tôi đã nói chuyện sẽ đọc quyển sách này, và tôi mong chờ đáp ứng từ họ.

Đức Chúa Giê-su và đức Phật không thể cùng là chân lý. Đóa sen là biểu tượng của Phật Giáo; thập giá là biểu tượng của đức tin Cơ Đốc. Đằng sau hai biểu tượng ấy là hai niềm tin hoàn toàn trái ngược. Tôi xin yêu cầu quý độc giả hãy xem xét thông điệp của mỗi bên, sử dụng cả con tim lẫn khối óc. Việc này đáng để thực hiện bởi vì nó sẽ định đoạt số phận của bạn. Một ngày nọ chúng ta đều sẽ nhận ra rằng lễ phép và chân thành không phải là giấy phép để chúng ta mắc sai lầm. Lẽ thật cần được tìm hiểu và cam kết. Kết luận của chúng ta cần phải tuân theo Lẽ Thật được kiểm chứng. Bị còng tay bởi sự dối trá chính là điều tồi tệ nhất của mọi tù nhân.

Nguyện Đức Chúa Trời của mọi lẽ thật dẫn dắt bạn vào Lẽ Thật khiến bạn được dự do.

Phần mở đầu

Ánh hồng ban mai đầu tiên nhè nhẹ vươn ra khi tôi bước lên con thuyền đuôi dài sau khi đã ngã giá với người lái thuyền. Nét mặt vui tươi và nước da ngâm của ông cũng đủ nói lên một câu chuyện. Nụ cười toe toét không một chiếc răng của ông vốn là ước mơ của một họa sĩ tranh biếm họa, và chiếc lược nhiều năm đã không viếng thăm cái đầu thưa thớt tóc của ông. Nếu có người phải thức dậy vào giờ sớm như thế này thì bóng dáng của ông hơn hẳn một chiếc đồng hồ.

Ông đồng ý cho tôi một chuyến đi dọc theo dòng sông Mê Nam nổi tiếng (các phương tiện thông tin đại chúng bằng tiếng Anh tại Thái Lan thường dịch con sông này là “Sông của các vị vua”). Chúng tôi đi qua những nhánh kênh ngập tràn sự sống, lấm tấm những mái nhà tôn dọc hai bên bờ, nơi sinh sống của đại bộ phận cư dân của thành phố siêu lớn này. Một cảm giác hoài cổ dâng tràn trong tôi khi đám đông còn buồn ngủ bắt đầu khuấy động khung cảnh các ngôi đền chùa xoắn ốc vươn xa đến cuối bầu trời. Cứ như thời gian giao thoa tại đây; quá khứ, hiện tại và tương lai cùng hòa quyện vào bản giao hưởng. Không khí buổi sáng thơm phức đủ loại mùi, từ mùi sả đến mùi nước mắm, tất cả được chuẩn bị cho một ngày tiêu thụ. Vâng, ẩm thực tại đây thỏa mãn khẩu vị của hầu như mọi du khách. Đây là thành phố tôi thường xuyên ghé thăm và dân cư tại đây thuộc hàng quyến rũ nhất thế giới. Nụ cười, nét duyên dáng, và thiện chí của họ khó có thể tìm được ở một nơi nào khác. Thái độ thảnh thơi đối với cuộc sống được thể hiện rõ nét qua đặc tính văn hóa nơi đây, và những người lạ nhoẻn miệng cười khiến bạn cảm thấy được chào đón, kể cả khi họ muốn lừa bạn mua một chiếc đồng hồ giả hoặc một bộ phim bị sao chép bất hợp pháp.

Lục địa này cho tôi cảm giác như đang ở nhà nhất, bởi vì nơi đây nhắc cho tôi nhớ về nơi tôi đã sinh ra. Nhưng có một điều ở tại đây khiến tôi phải đặt ra những câu hỏi khó về cuộc sống. Trong nền văn hóa này, những cử chỉ bày tỏ sự tôn kính nhất được hòa trộn với sự phóng túng nhục dục không biết xấu hổ. Tôi nhìn thấy một nhà sư bước đi phía xa, trên tay cầm một chiếc tô đi khất thực, nhưng tôi cũng thấy một người đàn ông suốt ngày đi mời mọc  du khách, dùng những tấm hình phụ nữ gợi cảm quyến dụ họ đi vào một nhà thổ gần đó. Anh ta làm việc ấy từ rạng sáng đến tối mịt, bảy ngày một tuần. Hai hình ảnh đối lập đứng kề nhau: một nhà sư, nghiêm khắc trên con đường theo đuổi cõi niết bàn; một người đàn ông, với nụ cười gian giảo, hứa hẹn về một loại vui sướng khác.

Tại đây, niềm đam mê văn hóa không thể thiếu việc viếng thăm một loạt các ngôi chùa – Chùa Phật ngọc, Chùa đức Phật ngồi tựa lưng, tượng Phật vàng, và một danh sách dài các ngôi chùa khác. Nhưng cũng tại đây, báo chí có một giọng điệu thật ảm đạm. Họ công bố thu nhập từ mại dâm vượt trội hơn ngân sách quốc gia. Tại đây, ma túy và AIDS đã tàn phá người dân, và các chính trị gia chân thành đang cố gắng chống lại tệ nạn này. Nhưng cũng chính thành phố này đã bị những kẻ cơ hội hám tiền lợi dụng, họ đã đem vô số con người đến và hứa hẹn về những cuộc vui điên cuồng nhằm thỏa mãn mọi thèm khát trên đời.

Và cứ thế tôi ngồi trên con thuyền nghe tiếng máy nổ, trên người phủ lên một lớp bụi nước, tôi cảm thấy như đang trôi dạt giữa biển cả cảm xúc. Làm thế nào một người có thể nói về cõi đời đời khi cả tôn giáo lẫn lối sống phóng túng đều biện luận rằng không có điều gì là mãi mãi? Sự pha trộn kỳ quặc giữa vinh quang và ô nhục của nhân loại trong một mô hình thu nhỏ này thắp lên một loạt những câu hỏi khó.

Khi chúng tôi tiến vào con kênh, được nhìn thấy gần như trực diện nơi sinh sống của những cư dân đôi bên bờ, tôi không thể rũ bỏ khỏi tâm trí bài báo mà tôi đã đọc vào ngày hôm trước. Đó là câu chuyện về một phụ nữ trẻ đẹp đã rời gia đình đi kiếm sống để rồi phải trả một cái giá nặng nề: sự tàn phá của AIDS. Câu chuyện được tóm lại như sau:

Tuổi mười bảy, cô gái trẻ đẹp tên Priya quyết định chuyển đến thành phố lớn để làm việc. Chỉ vài giờ sau khi đến nơi, chính người bạn mà trước đó đã quyến dụ cô bằng một số tiền lớn đã nhẫn tâm hãm hiếp cô. Việc này đã bắt đầu cho chuỗi ngày đau khổ và bi kịch vô kể trong mười bốn năm tiếp theo. Như để bù đắp cho tấm lòng bị xé nát của Priya, “người bạn” đó đã tìm cho cô một công việc làm thợ may. Tuy nhiên, thậm chí tại đó Priya cũng không được giải thoát khỏi sự cướp bóc của những người có chung số phận với cô. Không lâu sau, cô bị lạm dụng cho những mục đích lệch lạc, chỉ khác một điều – cô được trả tiền để thỏa mãn những dục vọng lầm lạc. Đến tuổi hai mươi ba, cô trở thành một gái mại dâm thực thụ, được quản lý bởi một nhóm du đảng, những kẻ cùng chia chác lợi lộc.

Số phận giáng một đòn mạnh tay vào ngày cô có thai. Cô phải ngưng công việc trong ít tháng. Điều không thể tránh khỏi, căng thẳng tài chính ập đến và cô dường như không thể chờ đợi để sinh đứa bé, sau đó cho đứa bé ở một nơi nào đó rồi quay trở lại với cuộc sống bẩn thỉu đã giam cầm cô.

Song một cú sốc khác nguy hại hơn đang chờ đợi: Cô phát hiện mình đã nhiễm HIV. Cô không thể dừng cuộc sống hiện tại, bởi vì cô cần tiền chữa bệnh và níu kéo cuộc sống. Bị chai sạn và đầy thù hận, cô tiếp tục bán thân  cho hàng trăm khách hàng khác, trong đó có nhân viên ngân hàng, doanh nhân và bác sĩ, những người ấy cô có ghi lại thông tin. Cô biết rằng cô đang ký giấy đảm bảo cho cái chết của từng người một, nhưng cô đã chìm ngập trong tuyệt vọng, và cuộc sống của cô đã mất tất cả giá trị.

Cuối cùng, cô không thể che giấu chiếc mặt nạ bệnh tật của mình. Những chỗ giộp nổi lên khắp người cô. Cô đành phải dùng đến những phương pháp liều mạng hòng chữa khỏi căn bệnh, thậm chí cô đã luộc một con cóc và uống lấy nước luộc, một thông lệ mà dân làng tin có thể chữa khỏi cho cô. Nhiều lần cô tự vẫn nhưng thất bại. Cuối cùng, Priya tự chuốc độc, và lần này cô đốt nhà và nằm xuống lần cuối, thân thể cô phủ kín trong lửa.

Thân thể từng rất đẹp đẽ giờ chỉ còn là một đống tro. Thậm chí không ai dám đến gần tro cốt của cô vì sợ lây nhiễm. Cô đã chết một cái chết đơn độc. Tuy vậy, cách đó không xa, những người khác cũng đang chơi trò chơi chết người này, họ nghĩ rằng đó sẽ không bao giờ là cái kết của họ.

 

Làm sao tôi có thể quên câu chuyện này? Khi nhớ về nó lòng tôi nặng trĩu. Phải chăng một vài gương mặt mà tôi nhìn thấy sáng nay cũng đang tiến về một tương lai đáng sợ này? Tôi được kể rằng hàng trăm, nếu không phải là hàng nghìn người đã chuyển đến thành phố này trong những năm qua, và vô số người đang đi theo kịch bản này.

Lạy Chúa Giê-su, nếu Priya đã đem thân thể đổ nát và tấm lòng đau đớn của cô đến với Ngài, thì Ngài sẽ nói gì với cô? (Thực tế đã có rất nhiều phụ nữ trong hoàn cảnh tương tự đã đến với Đức Chúa Giê-su.)

Và đức Phật đã nói gì với cô, vì đây là nơi có 95 phần trăm dân số theo đạo Phật? Thú vị thay, những ngương mặt đau khổ chính là điều đã khiến Tất-đạt-đa Cồ-đàm (tên khi sanh ra của đức Phật) tìm kiếm câu trả lời cho sự sầu khổ, và trên con đường tìm kiếm câu trả lời đó, ngài đã trở thành đức Phật, “Bậc Giác Ngộ.”

Những câu hỏi như một thác nước tuôn tràn trong tôi, còn tâm trí tôi thì bị cuốn vào một cơn lốc của những câu trả lời khả thi. Tôi tự hỏi, đức Phật và Đức Chúa Giê-su sẽ nói gì với nhau nếu họ cùng ngồi trên chiếc thuyền này với tôi, cùng ngửi thấy mùi cay, cùng chứng kiến cảnh tượng cùng cực, cùng lắng nghe những âm thanh sống động, và cùng bàn về cảnh ngộ khó khăn của cô gái trẻ trên đây? Rất nhiều học giả Phật Giáo đã nêu lên những nét tương đồng trong lời dạy của Đức Chúa Giê-su và đức Phật; một học giả lỗi lạc thậm chí còn gọi họ là “anh em” với nhau. Phải chăng đó là một bức chân dung chân thực? Hay có phải vị học giả này, cùng với các vị học giả khác, đã hoàn toàn không nhận ra những sự khác biệt căn bản?

Tôi để trí tưởng tượng của tôi bay bổng và mường tượng về một cuộc nói chuyện như vậy.

 

 

Đóa Sen Và Thập Giá

 

Đức Chúa Giê-su Trò chuyện cùng đức Phật

 

Đức Chúa Giê-su: Priya, hãy đến đây ngồi bên cạnh ta. Tên con thật đáng yêu – Priya, nghĩa là “người yêu” hoặc “người được yêu.” Song sự thanh tĩnh của ban mai không thể làm cho tiếng gào thét trong tấm lòng của của con yên lặng phải không?

Priya: Khi nghĩ về cái tên của con, con không thể ngăn một nụ cười, thậm chí với cái cách mà Ngài đã gọi tên con. Dẫu vậy, thật là lạ khi Ngài nhắc đến tên con. Con chưa từng dùng tên thật của mình với những ai đã biết về bề mặt không đáng yêu của cuộc sống con. Đôi khi con tự hỏi liệu con có biết tên thật của một ai ở ngoài kia hay không. Điều con biết đó là nếu bây giờ các anh chị ruột nhìn thấy con… con không biết họ sẽ gọi con là gì.

Đức Chúa Giê-su: Gần đây con có gặp cha mẹ không?

Priya: Không. Họ chỉ gửi tin nhắn cho con. Họ mong chờ nghe được ngày nào đó con sẽ chết.

Đức Chúa Giê-su: Ta đã nghĩ về cha mẹ con khi ta nhìn thấy con chống chọi trong đau khổ tại đây. Những cái tên, ít nhất trong tâm trí của các bậc phụ huynh, biểu hiện cho niềm hy vọng về một số phận nào đó. Ta chắc rằng cái kết này không phải là điều mà họ đã tưởng tượng… một tấm lòng đầy đau khổ, cô đơn, bị xé nát và chỉ mong được chết.

Priya: Khi mỗi một nhịp tim là một cú đấm đầy đau đớn thì lý do gì để con muốn nó tiếp tục tồn tại? Ngài biết một câu nói trong nền văn hóa này khi sự việc không tốt xảy ra – cơ bản nó có nghĩa là “Đừng lo” hoặc “Mọi việc rồi sẽ ổn thôi.” Khi lớn lên con đã nghe câu ấy hàng chục lần mỗi ngày. Nhưng con không tin câu nói đó nữa. Cuộc sống không “trở nên ổn.” Mỗi tiếng tích tắc của đồng hồ càng khiến con mong mỏi một ngày mà con không còn phải lắng nghe âm thanh ấy nữa.

Vâng, cái chết được chào đón. Thực ra con đã cố, nhưng…

Đức Chúa Giê-su: Hỡi Priya, gương mặt của con đã nói lên điều ấy. Cả thân thể con giống như một vết thương hở của quá khứ.

Mặc dù vậy, con đã gợi lên một lẽ thật vượt thời gian, đó là thời gian không phải là điều phù du. Nó không bao giờ trôi qua mà không để lại một dấu vết trong tấm lòng – có khi là một cơn đau nhói, có khi là một cái chạm nhẹ nhàng, có khi là vết đinh kẹp mạnh, có khi là một vết thương gây chết người. Nhưng dù gì đi nữa, thời gian luôn luôn để lại một vết hằn.

Priya: Người ta không nghĩ về điều đó khi họ còn trẻ và vô tư. Nhưng họ sẽ sớm cảm nhận những vết hằn ấy ở sâu bên trong.

Đức Chúa Giê-su: Hỡi Priya, chính vì thế những giây phút này đây không phải là vô nghĩa khi con đã gần kết thúc cuộc đời mình, nhưng ngược lại, nó có thể thay đổi kết cuộc câu chuyện đời con.

Đây, hãy dùng ít nước. Miệng con khô rồi, và đi trên thuyền trong một ngày nóng bức như thế này càng khiến con thêm khát.

Priya: Nước uống của con ở trong túi. Hãy để con dùng nước ấy… Ngài không nên chạm vào. Ôi, cảm ơn Ngài! Ngài thật tốt bụng.

Đức Chúa Giê-su: Không cần quá lâu, phải không con, để nhận ra rằng thậm chí những người mà con tin cậy cũng đã sử dụng và lạm dụng con đến nỗi đối với họ con chẳng là gì hơn ngoài thân xác một con người. Thật chẳng lạ khi những con chim ăn xác chết không bao giờ nán lại khi cái xác đã được ăn hết.

Thời gian không phải là điều phù du.

Nó không bao giờ trôi qua mà không để lại một dấu vết trong tấm lòng

Priya: Thưa Chúa Giê-su, đôi khi lòng con đầy giận dữ đối với họ, nhưng thành thật mà nói, đôi khi con cảm thấy quá mệt mỏi để giận dữ… quá mệt mỏi để sống.

Đức Chúa Giê-su: Ta hiểu. Nhưng không chỉ những người khác đâu Priya ạ. Họ là mục tiêu tự nhiên, nhưng con cũng nhận ra điều gì đó từ chính bản thân mình. Và có lẽ điều khó chấp nhận nhất đó là chính cha mẹ của con đã khá sẵn sàng nhìn con lâm vào cái nghề này. Thực ra họ đã khuyến khích con. Chính vòng tay nuôi dưỡng con đã đẩy con vào cái móc chết người của những kẻ đi tìm khoái lạc; giờ đây tội lỗi đó phải khiến họ chết ngạt.

Priya: Làm sao con người có thể thật ngu ngốc, thật điên rồ?

Đức Chúa Giê-su: Đó là sự giả dối của lòng người… và của ma quỷ. Nó dụ dỗ con cũng như cách nó đã dụ dỗ người khác từng chút một. Việc này thật phổ biến.

Con biết đấy, khi sự tưởng tượng bị đánh lừa – đó là bước khởi đầu – và ý chí ngừng kháng cự, hậu quả là tâm trí bị giam cầm mà không hề nhận biết. Khi ý chí càng suy sụp thì tâm trí càng bị giam cầm. Cuối cùng con sẽ làm điều con không muốn, và không làm điều con nên làm. Khi ấy con sẽ cảm thấy thật khốn khổ!

Priya: Để bảo vệ cho cha mẹ, con phải nói rằng đây là những gì đang diễn ra tại ngôi làng nhỏ của con, thưa Ngài. Rất nhiều phụ huynh đưa con gái của họ vào con đường này. Con không bào chữa cho họ, nhưng con cho rằng tất cả chỉ vì kiếm ăn. Con không biết. Có nhiều điều con không hiểu.

Đức Chúa Giê-su: Không chỉ trong văn hóa và trong những ngôi làng nhỏ của con đâu, Priya ạ. Có được thế gian nhưng đánh mất linh hồn đã trở thành một tệ nạn của toàn nhân loại kể từ khi con người lần đầu tiên nỗ lực xây dựng danh tiếng cho chính họ. Có một con đường dường như chánh đáng đối với con, cha mẹ con, cũng như mọi người khác, nhưng kết cục của con đường ấy là sự chết – vâng, thậm chí là sự chết tâm linh.

Giờ con biết rằng con đã tìm cách thỏa mãn cơn đói ở sai nơi chốn. Ta đã nói nhiều lần rằng: Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời.

Priya: Những lời ấy thật lạ lẫm đối với con.

Đức Chúa Giê-su: Ta biết điều ấy. Nhưng ta muốn giúp con hiểu ý nghĩa của câu nói đó. Ta muốn ban cho con sự sống và sự tha thứ, một lời hứa cho một tương lai tươi sáng, để dù thân thể con khô tàn và chết, nhưng con sẽ vẫn sống.

Đức Phật: Ta không thể yên lặng được nữa, thưa ngài Giê-xu. Đã đến lúc ta cần phải ngắt lời. Ta cũng cảm thấy thương cảm cho người phụ nữ này, và ta không muốn cô ta bị phân tâm bởi những gì ngài nói. Sự chết tâm linh, Lời của Đức Chúa Trời, sự tha thứ – đó là những thứ chống đỡ cho sự yếu đuối tâm linh. Những điều đó không có thật nhưng chỉ là ảo tưởng!

Và bởi vì có sự tham gia của ma quỷ trong câu chuyện này, ta không còn tin vào những điều trên trong điều kiện giác ngộ của ta. Chỉ những người thiếu trưởng thành hoặc thiếu hiểu biết mới bám vào những điều sai lầm kia. Ta xin lỗi vì quá thẳng thắn, nhưng chúng ta cần tìm kiếm lẽ thật và quay lưng với sự lừa dối.

 

Cố gắng tìm kiếm câu trả lời trong vòng xoay nghiệp chướng giống như đặt tay vào trong một chậu keo và rồi cố gắng lau sạch chất keo ấy

 

Đức Chúa Giê-su: Thật ra, ta đang tự hỏi ngài đã im lặng trong bao lâu. Thưa ngài Tất-đạt-đa Cồ-đàm, sự trực tính của ngài rất được hoan nghênh. Và các môn đệ của ngài biết rõ rằng tranh luận và bất đồng ý kiến không hoàn toàn là điều xa lạ đối với ngài. Ta biết chắc rằng ngài có nhiều điều để nói tại đây. Nhưng ta có một lời yêu cầu. Chúng ta đều nói rằng lẽ thật cần được theo đuổi dù lẽ thật có dẫn ta đi đến đâu – ta cho rằng ngài muốn nói điều đó bao gồm cả lời nói và hành động.

Đức Phật: Đúng là thế.

Cả cuộc đời của ta được định hình bởi những vấn đề như thế. Và chắc chắn ta đã tranh luận thẳng thắn với các đối thủ của ta.

Thưa ngài Giê-su, ngài biết đấy, từ khi sinh ra ta đã sống trong cung điện. Ta hiểu rằng giàu có và thịnh vượng không làm con người thỏa mãn – về điểm này ta đồng ý với ngài. Priya đáng ra phải biết điều này bởi gia đình cô đã rất quen thuộc với đạo ta.

Nhưng thưa ngài Giê-su, tất cả những điều trên không làm con người thỏa mãn vì một lý do khác với lý do mà ngài đã quy gán. Ta đã nhìn thấy những cảnh tượng đau lòng khi ta còn nhỏ, và ta đã vượt lên bằng tình thương. Ta có thể lý giải những điều mà người phụ nữ này đang trải qua.

Cô gái, tuy con không nhận ra, nhưng những điều con đã trải qua đều là kết quả của những gì con đã gieo. Con không thoát khỏi món nợ khi con được sinh ra, và con sẽ không thoát khỏi món nợ khi con chết. Con được sinh ra với một nửa chén; một nửa còn lại do con đổ vào. Và chính hành động, lời nói và việc làm của con đều phải được trả giá.

Đức Chúa Giê-su: “Đều phải được trả giá?” Hãy nhìn chúng dân ở đôi bên bờ sông – bị cướp bóc, phiền muộn, tất cả đều cố gắng để sinh sống. Khắc vào trong nhận thức của họ là món nợ khổng lồ mà ngài đang nói. Thưa ngài Tất-đạt-đa Cồ-đàm, ngài đang đặt một gánh nặng không thể chịu nổi lên nhân loại!

Làm sao con người trả nợ? Họ trả nợ bằng gì? Và họ trả nợ cho ai? Chủ nợ ám ảnh nhưng không có thật.

Đức Phật: Nhưng ta không tùy tiện dựng lên triết lý này. Nhiều năm suy luận đã dẫn đến điều này. Ta nên bắt đầu giải thích từ đâu?

Ta đồng ý với ngài rằng một người không dễ thoát khỏi sự kìm kẹp của những điều rối rắm từ sự lựa chọn của họ trong quá khứ. Hãy nhìn xem Priya, đây, một người rên siết dưới gánh nặng.

Nhưng ta đã tìm thấy một con đường. Và đó là sự đẹp đẽ. Ta đã lặp lại câu trả lời nhiều lần rồi.

Ta xin giải thích cho cả hai quý vị. Luật nhân quả tồn tại trong nhận thức của con người. Quy luật này không liên quan gì với Đức Chúa Trời hoặc ma quỷ. Sự tồn tại của họ dù có hay không thì cũng hoàn toàn vô hình. Hỡi Priya, tình trạng đạo đức đi theo con lúc sinh ra là điều không liên quan đến con – ít nhất điều đó sẽ khiến con cảm thấy an lòng.

Nhưng sự suy sụp đạo đức của con trong hiện tại là bởi vì cách sống của con – con phải có trách nhiệm đối với nó. Con được sanh ra mang theo một món nợ của người khác. Sự lựa chọn của con đó là làm giảm món nợ hoặc phải trả giá cho món nợ đó.

Đó là nghiệp chướng – nghiệp chướng của những kiếp sống đã qua và nghiệp chướng của riêng con. Sự kết hợp giữa những gì được kế thừa và những gì đã được sử dụng giống như một bánh xe sẽ khiến con bị nghiền nát hoặc cũng có thể khiến con thoát khỏi sự lặp đi lặp lại của bánh xe đó khi con sống một cuộc sống thuần khiết. Con sẽ không thoát khỏi hậu quả của những việc mình đã làm.

Mặc dù vậy, vẫn còn có hy vọng! Tổng kết của những việc tốt và việc xấu của con sẽ xuất hiện lại trong một kiếp sống khác. Con đã ký gửi vào một tài khoản mà con sẽ lấy ra trong một cuộc đời hồi sinh.

Priya: Vậy con sẽ được đầu thai để có cơ hội trả nợ phải không?

Đức Phật: Không hẳn đơn giản như thế. Con đã dùng sai từ đầu thai. Nói một cách chính xác, con không được tạo thành con người một lần nữa… con được hồi sinh bởi vì con không trở lại làm chính mình. Một kiếp sống khác sẽ hiện ra sau khi con chết. Đó là sự khác biệt giữa điều mà ta gọi là “hồi sinh” và điều người Hin-đu gọi là “đầu thai.” Ta dạy rằng một sự nhận thức khác sẽ được sinh ra cùng với sự đạo đức tích lũy gặt lấy từ món nợ của con.

Priya: Việc này thật khó hiểu. Cùng một lúc niềm hy vọng lớn lao nhất của con cũng là một vấn đề nan giải. Con và các bạn thường nói về điều này. Nghiệp chướng của ai đang hành động khi mà mỗi cuộc sống bị vây lấy bởi quá nhiều nghiệp chướng? Con tự hỏi: Có phải cha mẹ con đang trả giá cho những kiếp sống trước qua bi kịch của con? Có phải các khách hàng của con đang trả giá khi con bán thân thể chết chóc của con cho họ? Vậy còn đứa con mà con đã từ bỏ? Có phải đó là nghiệp chướng của đứa trẻ, thậm chí trước khi nó biết được tốt xấu? Ý con là, cố gắng tìm kiếm câu trả lời trong vòng xoay nghiệp chướng giống như đặt tay vào trong một chậu keo và rồi cố gắng lau sạch chất keo ấy. Chạm tay đến đâu thì chỗ ấy đều nhớp nháp và không thể lau sạch được.

Đức Phật: Ta có một thuật ngữ cho tất cả điều này: duyên khởi. Priya ạ, khởi nguồn của con phụ thuộc vào vô số nguyên nhân.

Nhưng điều đó thật quá phức tạp để nói vào lúc này, và thẳng thắn mà nói, con phải quên đi quá khứ. Con không thể làm gì để thay đổi quá khứ. Cũng đừng nghĩ về tương lai; tất cả đều là sự tích trữ. Hãy đối diện với hiện tại. Hãy giải phóng con khỏi mọi ảo tưởng về Đức Chúa Trời, sự tha thứ và cuộc sống con người sau cái chết. Hãy đầu tư vào một cuộc sống thiện lành hơn là làm việc ác. Đó là niềm hy vọng duy nhất của con. Hãy làm con tim của con thuần khiết, và nhờ đó sẽ bù đắp mọi hành động và tư tưởng không thuần khiết.

Đức Chúa Giê-su: Thưa ngài Tất-đạt-đa Cồ-đàm, ta có thể thấy cuộc thảo luận này sẽ đưa chúng ta đi xa. Có lẽ bởi vì Priya muốn tìm câu trả lời cho cuộc sống, cô ấy sẽ không phiền nếu ta và ngài nói chuyện và cô ấy lắng nghe. Nhưng chúng ta hãy đảm bảo không bàn luận xa khỏi những gì cô ấy cần biết. Và nhân tiện, Priya ạ, con đã nói rất hay: keo dính trên tay không thể lau khỏi.

Đức Phật: Thưa ngài Giê-su, ta phải nói một vài điều ngay đây. Điều đầu tiên thật khó xử, nhưng tốt hơn nên nói ra ngay từ đầu.

Những ai định nghĩa lẽ thật bằng niên lịch sẽ chạm trán Đấng tạo ra thời gian

 

Sau khi giác ngộ, ta đã không cho phép các môn đồ gọi ta là Tất-đạt-đa Cồ-đàm. Thật không phải lẽ khi gọi một người ở cấp bậc này bằng tên thông thường của họ. Ta sẽ cho phép Ngài làm điều đó, tuy nhiên, đó là vì lòng tôn trọng ta dành cho ngài. Nhưng ta không cho phép Priya gọi ta như thế. Ngài thấy đấy, tên của ta là Tất-đạt-đa Cồ-đàm, đức Phật. Ta đã chạm đến đỉnh cao tri thức và khôn ngoan.

Điều thứ hai đó là ta sẽ rất vui khi được cùng ngài bàn về một loạt các vấn đề. Nhưng thưa ngài Giê-su, ngài thấy đấy, thậm chí ở những điều ngài vừa nói, ngài đang lừa dối Priya. Các môn đệ đầu tiên của ta cũng đã vấp phải sai lầm giống như ngài. Ngài nói rằng chúng ta cần phải giải quyết “những nhu cầu cá nhân” của cô ấy… đó chính là sự khác biệt cốt lõi giữa ta và ngài. Ý tưởng về sự “cá nhân” này là một ảo tưởng. Nếu ngài không phiền, ta muốn hồi tưởng lại hành trình tâm linh của ta để giúp ngài hiểu ý ta muốn nói. Sau đó ta sẽ lắng nghe ngài, như ta luôn dạy rằng một người cần phải tôn trọng tôn giáo của người khác.

Đức Chúa Giê-su: Mặc dù vậy, ta muốn làm rõ một điều. Đúng là ngài luôn kêu gọi sự tôn trọng đối với những tôn giáo khác. Nhưng ngài cũng cảnh báo các môn đồ của ngài phải chối bỏ sự sai trái trong các tôn giáo khác. Mặc dù ngài theo đạo Hin-đu khi sinh ra, nhưng chẳng phải ngài đã chối bỏ một số tín lý của đạo Hin-đu bởi vì ngài có những khác biệt sâu sắc hay sao?

Đức Phật: Vâng, nhưng có lẽ chúng ta có thể nói về điều đó sau. Ta thấy rằng ta cần phải cẩn trọng hơn trong lời nói tại đây.

Như ta đã nói, ta đã có một cuộc sống khá an nhàn. Ta có ba cung điện, mỗi cái dùng cho một mùa. Hãy dừng ta lại nếu ngài đã biết về điều này.

Đức Chúa Giê-su: Vâng, ta có biết, và thật ra ta biết rõ hơn ngài có thể nhận ra, tuy nhiên ta nghĩ rằng thật tốt nếu để Priya lắng nghe điều đó từ ngài.

Đức Phật: Ta đã sống trong một gia đình hạnh phúc với vô số tiện nghi vật chất. Cha mẹ đã cho ta một cuộc sống được che chở. Thật ra, chỉ bảy ngày sau khi sinh ta ra, mẹ của ta đã chết và ta được nuôi bởi một người dì, cha ta đã cưới người dì ấy sau khi mẹ ta mất. Khi vẫn còn khá trẻ, ta đã cưới người em họ tên Da-du-đà-la. Cô ấy là một người vợ tận tụy. Cha mẹ của ta hy vọng rất nhiều nơi hai ta, và họ muốn ta được che chở khỏi mọi đau đớn và khổ cực.

À! Có một từ khóa thưa ngài Giê-su: đau khổ! Từ rất lâu trước khi ngài đến thế giới này – nói chính xác thì hơn năm thế kỷ trước khi ngài sinh ra – ta đã đấu tranh với vấn đề này. Lời giải đáp cho vấn đề này đã trở thành mục tiêu tìm kiếm cao cả nhất của cả cuộc đời ta.

Đức Chúa Giê-su: Sự theo đuổi ấy rõ ràng đã truyền cảm hứng cho các môn đệ của ngài. Nhưng ta nghĩ một điều quan trọng trước khi ngài tiếp tục, chúng ta cần phải chôn vùi ý niệm “từ rất lâu trước khi ta sinh ra.”

Nhiều thế kỷ trước khi sự đau khổ trở thành sự theo đuổi của ngài, một nhà quyền quí  thời  xưa,  tên là Gióp đã ngày đêm vật lộn với sự đau khổ. Ta không chắc ngài có biết về người đàn ông này. Hỡi Priya, thực ra ta phải nói thêm rằng ông ta chịu đau khổ mặc dầu ông ta là một người đạo đức chính trực. Quý vị có thể tưởng tượng linh hồn ông ta tìm kiếm, cố gắng tìm ra lời giải.

Làm sao thời gian có thể tranh luận cùng cõi vô tận?

Thưa ngài Tất-đạt-đa Cồ-đàm, câu trả lời mà ông ta tìm thấy hoàn toàn khác biệt với câu trả lời của ông. Và trong câu chuyện của Gióp, Sa-tan giữ vai trò then chốt – cũng như cách hắn đã làm trong câu chuyện của ngài, bất kể ngài có cảm thấy không thoải mái với ý niệm về ma quỷ.

Đức Phật: Câu chuyện này hẳn phải xảy ra rất lâu trước thời của ta, bởi vì ta chưa từng nghe về Gióp.

Đức Chúa Giê-su: Và nếu phải nói về ai có trước ai, một đầy tớ được chọn khác của ta là Áp-ra-ham, người đã sống rất lâu trước thời của ngài. Ông ta đã sống rất thọ, và ta biết sự yếu đuối của tuổi già đặc biệt khiến ngài cảm thấy khó nhọc. Tuy nhiên khi Áp-ra-ham nghĩ rằng cuộc sống của ông đã gần kết thúc, Đức Chúa Trời làm một phép lạ. Lịch sử hiện đại và những nỗi đau khổ của nó phải quay lại lắng nghe những gì đã xảy ra trong gia đình của Áp-ra-ham.

Ta nói tất cả những điều này có ý rằng: Áp-ra-ham đã đến trước ngài hơn hai nghìn năm. Và cần phải nhớ rằng, Ta là Đấng Tự Hữu trước khi có Áp-ra-ham.

Đó là lý do Giăng Báp-tít, người công bố về sự đến của ta, đã nói về ta rằng: “Đấng đến sau ta lớn hơn ta bởi vì ngài có trước ta.”

Vậy nếu ngài không phiền thì thời gian không được là yếu tố đo lường sự thâm niên tại đây. Những ai định nghĩa lẽ thật bằng niên lịch sẽ chạm trán Đấng tạo ra thời gian.

Đức Phật: Đó thật là một câu trả lời, thưa ngài Giê-su! Ta phải lưu tâm đến vấn đề này bởi vì môn đồ của ta thật tự hào khi xác định cuộc sống tạm bợ của ta trên đất xảy ra trước ngài. Nhưng ta hiểu lập luận của Ngài: Làm sao thời gian có thể tranh luận cùng cõi vô tận?

Dù thế nào đi nữa, qua cuộc sống của ta, ta đã nhìn thấy rất nhiều cảnh tượng khiến ta đau xót vô cùng. Tuổi già (như ngài đã chỉ ra)! Than ôi, những điều ấy đã khiến tôi đau khổ làm sao. Nhìn một thân thể ngày một yếu đi khiến tôi phải ngừng lại. Nhưng tất cả đều nhợt nhạt khi tôi suy nghĩ đến cảnh tượng tiếp theo: sự chết! Một sự thật đau đớn và đau ốm làm sao.

Rồi đến điều thứ ba, đau ốm! Bệnh tật. Đau đớn. Làm sao ta rũ bỏ chúng?

Tất cả những điều đó khuấy động ta không nói nên lời. Ta không thể sống mà không đối diện với nỗi khổ não của những thực tại trên. Ta biết ta phải rời gia đình để tìm kiếm lời giải thích cho những điều bí ẩn kia.

Khi đang suy nghĩ về vấn đề đó, ta nhìn thấy một nhà tu khổ hạnh lang thang sống bằng sự chu cấp ít ỏi. Có lẽ đó là câu trả lời, ta nghĩ. Ta cũng nên làm như thế.

Khi cha ta nghe rằng ta muốn ra đi, ông ấy đã sốc như cái cây bị một con voi đâm vào, và bằng một giọng nói pha lẫn nước mắt, ông ấy đã nài xin ta đừng đi. Ta không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc ra đi và tìm kiếm câu trả lời. Vâng, ta đã rời vợ Da-du-đà-la, và ta đã ra đi trong chính cái đêm con trai ta sinh ra. Ta đặt tên cho nó là La-hầu-la, nghĩa là “chướng ngại,” bởi vì nó là một chướng ngại cho cuộc tìm kiếm bình an của ta. Vợ, con cái, cha mẹ – tất cả đều là những sự gắn bó mà ta phải rời khỏi để tìm kiếm bình an thật.

Priya: Thưa ngài đáng tôn, con luôn luôn ngưỡng mộ ngài về điều đó.

Đức Phật: Ta không làm điều đó để được ngưỡng mộ. Ta làm điều đó bởi vì ta muốn tìm kiếm lời giải đáp.

 

Translated by Vinh Hien

(còn nữa)

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên