Trang Chủ TRANG CHỦ NHỮNG CUỘC ĐỜI SÓNG GIÓ

NHỮNG CUỘC ĐỜI SÓNG GIÓ

1063
0
SHARE

Cái tiểu bang tôi đang sống có những cánh đồng trồng bắp và đậu nành bát ngát tận chân trời. Mùa hè, chạy dọc theo hai bên đường, chập chùng một màu xanh của lá non, của những vạt bắp, vạt đậu đưọc trồng thẳng tắp. Thỉnh thoảng lắm mới thấy ẩn hiện sau những rặng cây phía xa xa, một đôi căn nhà bằng gỗ sồi, vài con bò tơ mập mạp nhởn nhơ ăn cỏ sau bờ dậu. Khung cảnh ở đấy đẹp và thơ mộng như trong phim, trong cổ tích. Sự thanh bình, hiền hòa chừng như cũng muốn tỏa ra trên ngọn gió thổi mơn man trên cánh đồng. Có thể nói thật khó lòng để mà tưởng tượng rằng nơi đây đã từng là những bãi chiến trường đầy sóng gió vào thời kỳ Bắc Nam nội chiến của Hoa Kỳ.

Căn nhà của bên sui gia tôi cũng thật đẹp và thơ mộng. Cái kết hợp giữa cổ điển và hiện đại tuyệt mỹ đến nỗi trong một bài tùy bút về đời sống, cảnh và người ở tại đây làm tôi phải viết về nó. “Khu vườn rộng thênh thang với những hàng thông và táo nằm phía bên trong dãy hàng rào đôi, thỉnh thoảng có chàng tuấn mã yên lặng đứng cúi đầu với đôi mắt thật u buồn. Mùa nắng ấm, cỏ mềm như trải thảm. Sang đông, tuyết phủ trắng mịn. Ngôi nhà xây bằng đámàu hồng nằm trên triền dốc cao nhìn xuống mặt đường. Ở cuối vườn có thêm kho thóc lớn dành cho hai chú ngựa, một trắng, một nâu nhạt…”

Lúc mới sang đây, thấy nhà có ngựa, có ngỗng, một cách thật hết sức quê mùa, tôi cứ tưởng nuôi ngựa cũng giống như nuôi ngỗng. Hay như nuôi chó nuôi mèo. Muốn nuôi thì đi mua, đem đi kiểm tra, chích ngừa rồi làm khai sinh cho chúng là đủ. Tôi hoàn toàn không biết sống ngay giữa thành phố, dẫu là cái thành phố không lớn lắm, nhưng theo luật lệ của Hoa Kỳ, muốn nuôi những loại thú như ngựa, kangooroo…, thì phải được sự đồng ý cả sở thú y lẫn thị trưởng. Nhưng đã từ lâu rồi, những loại giấy phép ấy cũng không còn được cấp nữa, nên có thể nói chẳng còn được mấy căn nhà ở trong phố có kiểu hàng rào đôi để ngựa chạy như vậy.

images (1)

Bà sui gia tôi học phi ngựa từ lúc còn con gái. Bốn đứa con trong nhà, đứa nào cũng được bà huấn luyện cho. Hai con nhóc cháu ngoại tôi khi vừa hơn ba tuổi cũng đã được bà nội cho ngồi chung trên lưng ngựa cho quen và lên bốn thì tự giữ cương một mình. Dẫn mấy con bé đi chợ, cho chúng phi ngựa giả, tôi thực tập… English for today những chữ chẳng bao giờ học với ai và cũng chẳng biết học để làm gì, saddle, bridle, rein… Hai con nhóc còn chỉ thêm cho tôi, walk là đi chậm, trot là đi nước kiệu, canter là đi nước kiệu nhanh, gallop là phi nước đại và khoe là đã biết trotcanter từ lâu, đang chuyển sang tập gallop. Năm nào đến lễ Độc Lập, bà nội cũng diện trang phục cao bồi viễn tây, một tay cầm lá quốc kỳ, tay kia nắm cương ngựa, phi một mạch vòng quanh vùng trông đẹp như mơ.

Mới sang Mỹ, lại không đi làm nên ở thành phố này tôi không có bạn, trừ những người mới quen trong nhà thờ. Khi rảnh, bà sui gia hay rủ tôi qua nhà chơi, mùa đông thì nấu nướng ăn uống, mùa hè cũng ăn uống nấu nướng nhưng thêm mục… tập cho tôi cưỡi ngựa. Nhưng mặc dầu biết ở Hoa Kỳ nếu muốn học hành “thiệt” để trở thành bác sĩ, kỹ sư dù có đắt hơn đôi ba quốc gia khác vẫn còn nhiều cơ hội có thể xin được học bỗng, hay mượn được tiền của chính phủ, chứ học ba cái trò chỉ để giải trí như lái phi cơ, bắn súng hay cưỡi ngựa mà không tiền thì… đừng hòng; vậy mà tôi vẫn cứ… õng ẹo. Sẵn thầy, sẵn ngựa, muốn học giờ nào thì học, lại còn được đãi ăn bánh uống cà phê, nhưng “bị” năn nỉ dữ lắm, năm khi mười họa tôi mới nai nịt, mặc jeans, thắng đôi bốt cao bồi nhảy lên lưng con ngựa… mập như con bò để tập. Bà sui tôi bảo dành con ngựa này cho tôi vì nó đã được huấn luyện rất kỹ và vì… mập nên chậm chạp, ít làm tôi sợ!

Tôi hay đùa bảo tập cưỡi ngựa thiệt giống như tập… viết văn! Vốn hiền lành, không láu cá vặt như… tôi, nên bà thật thà đáp mỗi thứ có cái khó riêng nhưng nếu tập luyện thường xuyên thì sẽ thấy dễ. Bà làm tôi suýt phì cười. Sui gia, tuổi tác cách nhau gần cả con giáp, nhưng dường như cách sống của bà coi bộ trẻ trung hơn tôi nhiều lắm. Từ Yoga, phi ngựa, bắn cung tên, bowling, bơi lội, cho đến trượt tuyết, trượt roller skates…, môn nào bà chơi cũng hay. Có nhiều lúc thấy những môn thể thao lành mạnh bà giỏi quá, tôi cứ ước ao phải chi mình cũng biết kha khá để tham gia cùng.

Nhưng nghĩ thì nghĩ… cho vui vậy thôi, chứ ngày này qua tháng khác tôi vẫn chẳng thay đổi gì cả. Nghe rủ đi bơi, đi đánh tennis thì tôi vẫn cứ từ chối đay đảy. Những tháng gần đây, coi bộ thấy khó mà làm cho tôi năng động hơn, khó mà làm cho tôi thành… thể tháo gia được, thỉnh thoảng bà chạy sang rủ tôi và hai con nhóc đi chỗ nọ chỗ kia, giới thiệu cho tôi biết những phong cảnh đẹp của thành phố, hay ngoại ô gần chỗ chúng tôi ở. Và tuần rồi không biết có phải vì “áy náy lương tâm” sau khi “bắt” tôi học cách ghìm và thả lỏng cương ngựa suốt cả buổi chiều muốn vẹo xương sống hay không, mà bà đưa tôi đi thăm một di tích lịch sử có liên quan đến một cú vượt, hay nói đúng hơn là cú phóng bằng ngựa ngang qua cái trũng sâu của một người, “người hùng” Jesse James.

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Cái trũng được gọi là Devils Gulch có chiều ngang độ hơn hai mươi feet (khoảng hơn sáu mét), độ sâu chừng ba mươi feet (khoảng chín mét). Ngày nay người ta đã làm một cái cầu bắc ngang qua trũng và có xây thêm những con đường bằng đá dẫn từ đáy vực lên đỉnh núi. Cây cỏ và hoa cũng được trồng thật đẹp ở chung quanh vì Devils Gulch đã trở thành một khu di tích dành cho khách du lịch. Lúc đứng trên cầu nhìn quanh, tôi đã không ngăn nổi chuyện phải thả một viên đá xuống để thử nghe độ rơi và đo lường chiều sâu của vực thẳm. Bà sui gia hỏi tôi có tin chuyện Jesse James là thật hay không. Tôi đành cười không biết trả lời thế nào. Vì với một người chỉ dám leo lên lưng con ngựa… mập thù lù để walk chậm chạp như rùa, chưa bao giờ đủ can đảm “trot” một vài nước kiệu, thì câu chuyện thoát thân như… phim cao bồi của chàng tướng cướp được kể đi kể lại cả trăm năm nay làm tôi chẳng dám nói mình tin hay ngờ.

Sau khi đi một vòng hết khu vực chỗ Jesse James thoát hiểm, tôi vào đọc đi đọc lại câu chuyện huyền thoại in bằng chữ lớn treo trên tường của gian hàng bán đồ lưu niệm. Chuyện kể vào tháng chín năm 1876, sau khi cướp hụt một nhà băng tại Northfield, Minnesota, tướng cướp khét tiếng Jesse James đã bị cảnh sát rượt đuổi, dí chạy sát tới một miệng vực tại thị trấn Garretson thuộc tiểu bang South Dakota này. Chạy thục mạng cho đến lúc trước mặt là tuyệt lộ, sau lưng là cảnh sát, là nhà tù, coi bộ chắc đàng nào cũng chết, người hùng băng đảng này bèn quyết định làm một cú liều mạng. Chàng đã ghìm người trên yên, lấy hết tốc lực để lao về phía trước, dùng chân thúc hông cho con ngựa phải tung mình lên cao, và “ào” một cái, cả ngựa lẫn người nhảy một phát, hay nói đúng hơn là bay một phát ngang qua cái trũng tử thần một cách thần kỳ, rồi biến mất trước sự kinh ngạc, bàng hoàng của cảnh sát.

Từ năm 1921 cho đến gần đây là năm 2007 Hollywood đã làm vô số phim ảnh về cuộc đời của Jesse James, và có lẽ trong tương lai vẫn còn tiếp tục nếu tình cờ có đạo diễn nào đó lật lại hồ sơ chàng tướng cướp này. Một trong những tài tử gạo cội đóng Jesse James có Tyron Power (trong bộ phim cùng tên, 1939 cùng với Henry Fonda vai Frank James, anh trai của Jesse), Reed Hadley (“I shot Jesse James”, 1949), Robert Wagner (“The True Story of Jesse James, 1957), Brad Pitt (“The Assasination of Jesse James by Coward Robert Ford”, 2007)… Vân vân và vân vân.

Jesse-James-Dupree-Michael-

Jesse James là lãnh tụ của một băng cướp nổi tiếng James-Younger Gang, chuyên cướp nhà băng, cướp tàu, và cũng là kẻ giết người khét tiếng ở tiểu bang Missouri vào thời nội chiến của Hoa Kỳ (1861-1865). Được sinh ra trong một gia đình khá giả vào ngày 5/9/1847, tại Kearney, Missouri, Jesse có một anh trai tên Frank, người sau này đã vào sanh ra tử cùng mình, và cô em gái Susan. Bố Jesse James là một mục sư thuộc về giáo hội Baptist. Sau khi dời nhà qua California làm giáo sĩ, lo cho những người đi tìm vàng thời Gold Rush, ông Robert James đã qua đời tại đó, để lại người vợ trẻ, Zerelda, và ba con thơ. Lúc ấy Jesse chỉ mới vừa lên ba tuổi. Vài năm sau mẹ ông tái giá với Benjamin Simms một người giàu có trong vùng, nhưng ông không thích những đứa con riêng của vợ, nên bà phải đưa con đến ở với người khác. Tuy nhiên về sau thì bà Zerelda cũng ly dị và dẫn con về lại nông trại cũ. Bà tái hôn thêm lần nữa với Dr. Reuben Samuel, có thêm bốn người con với ông.

Khi cuộc nội chiến đẫm máu xảy ra giữa chính quyền liên bang miền Bắc và giới chủ nô ở miền Nam xảy ra, Missouri là một tiểu bang biên giới, nằm trong bốn tiểu bang không tuyên bố ly khai, nhất quyết chống lại chính quyền liên bang, và cũng là nơi gia đình của Jesse trú ngụ. Như miền đông tiểu bang Kentucky, những cuộc chiến đẫm máu đã xảy ra tại khu vực phía tây Missouri. Anh trai của Jesse đã tham gia vào lực lượng du kích ngay khi nội chiến xảy ra. Vào mùa hè 1863, nông trại của gia đình Jesse bị thiêu rụi vì lính liên bang kiếm không ra được Frank. Bố dượng của Jesse đã bị tra tấn tàn nhẫn, sau đó bị giết và treo lên một cành cây ngay trước mắt Jesse, lúc ấy đang nấp trong một bụi rậm.

Cậu thiếu niên mười sáu tuổi Jesse sau đó đã theo anh mình tham gia vào nhóm du kích Willam Quantrill và nhóm “Bloody Bill” Anderson, chính thức dự vào những cuộc tàn sát, bắn giết dữ dội. Sau khi Anderson bị giết, Frank theo nhóm Quantrill về Kentucky, và Jesse về Texas theo nhóm của Archie Clement.

Tháng năm 1865 Jesse bị bắn vào ngực trọng thương ngay khi quân kháng chiến đầu hàng. Chiến tranh chấm dứt, nhiều du kích quân buông vũ khí trở lại đời sống dân thường nhưng hai anh em James thì không. Jesse đã cùng với anh nhanh chóng trở thành tướng cướp. Có rất nhiều câu chuyện huyền thoại đã được dệt lên trong thời gian Jesse làm thủ lãnh băng nhóm cướp nhà băng, cướp tàu. Nhiều sử gia và nhiều nhà văn cho rằng việc đẩy Jesse và Frank biến thành kẻ cướp giật, giết người không gớm tay xuất phát từ sự tức giận trước những hành động bạo tàn của quân đội chính quyền liên bang đối với gia đình mình. Một trong những người đó có John Newman Edward, phóng viên kiêm chủ bút tờ Kansas City Times viết về Jesse, biện hộ cho việc làm của Jesse và coi Jesse như một anh hùng, tương tự kiểu cướp của nhà giàu phân cho nhà nghèo như Robin Hood, như Lương Sơn Bạc. Tuy nhiên, hầu hết các sử gia khác đều không chấp nhận những biện luận ấy, và đưa ra những bằng chứng Jesse không hề làm những nghĩa cử hào hùng như John Newman Edward đã viết.

Sau vụ cướp nhà băng ở Northfield không thành, băng nhóm của Jesse gần như tan rã, chỉ có hai anh em Jesse trốn thoát được và ẩn náu tại Tennessee dưới tên khác như Thomas Howard, B. J. Woodson, vân vân. Frank buông súng, nhưng Jesse không cầm lòng. Năm 1879, Jesse lập ra một băng mới và trở lại con đường cướp của giết người đầy tội ác còn hơn trước. Ngay từ những năm trước cảnh sát và chính quyền liên bang đã có những cuộc truy lùng ráo riết để bắt anh em nhà James. Giá mạng sống của Jesse được treo là mười ngàn (khoảng chừng hơn hai trăm năm mươi ngàn thời giá hiện tại). Và cái giải thưởng béo bở này đã làm Bob (tên tắt của Robert Ford), một đàn em của Jesse đã quyết định ra tay. Thông qua chị mình là Mathar Bolton, anh em nhà Ford liên lạc với thống đốc Crittiden thỏa thuận nếu họ bắn được Jesse thì cả hai cùng được nhận giải thưởng và được giảm tội. Thống đốc Critteden đã bằng lòng nên vào ngày 03 tháng 04 năm 1882, Bob Ford lọt vào nhà riêng của Jesse ở Missouri, bắn Jesse một phát từ phía sau, xuyên qua bức tranh treo trong phòng khách trúng ngay vào sọ. Jesse chết ở tuổi ba mươi bốn.

Huyền thoại về Jesse, ngoài cú bay qua trũng như… thần điêu đại hiệp, chuyện Jesse bị bắn cũng gây xôn xao và câu chuyện được bàn tán cả trăm năm sau đó. Nhiều dư luận cho rằng Jesse đã thoát hiểm lần thứ hai, chạy về sống tại Texas đến năm 1951. Đến nỗi vào năm 1995, xác của chính Jesse và hai người khác, một tại Kansas, một tại Texas đã bị đào lên để thử nghiệm DNA. Và chuyện của Jesse làm đau đầu người cùng thời, làm rùm beng trong giới viết lách đời sau, nhưng… Holywood thì “phấn khởi hồ hởi” vì đã dựng lên được một mớ phim. Riêng dân South Dokota, vốn ít được nhắc nhở, nên chuyện “người hùng” này thoát hiểm tại Garretson xem ra có vẻ như là một trong những “biểu tượng” của tiểu bang. Rốt cuộc lại chỉ có tôi nhà quê nhà mùa, không mấy khi xem phim cao bồi viễn tây ngoại trừ vài ba phim của Clint Eastwod và phim truyền hình thuở còn con nít Wild Wild West, khi được bà sui gia dẫn đi coi cái vực thẳm, thấy mình hình như hơi… thiếu kiến thức, nên lúc về nhà phải google lại để xem về con người và câu chuyện huyền thoại này.

Tuy nhiên đang lúc đọc những tài liệu về Jesse James, khi không tôi chợt nhớ đến hai người, một tại Hòa Lan từng là tướng cướp khét tiếng ở miền tây Việt Nam, và một tại Hoa Kỳ từng là trùm băng đảng xã hội đen ở Oregon. Cả hai câu chuyện về họ chừng cũng mang hơi hướm huyển thoại vì sau khi “cải tà qui chánh”, đã trở lại đạo và trở thành những người hữu ích vừa cho nhà thờ vừa cho cộng đồng.

Tôi đã không trả lời có tin hay không tin chuyện của Jesse vì Jesse sống và chết hơn cả một trăm năm nay, nhưng tôi từng gặp một trong hai người vừa nhắc ở trên, cũng như được nghe tận tai những câu chuyện đời từ chính họ. Ngay bây giờ, khi vào internet gõ cái tên “Tâm Conetto”, hoặc vào Facebook, gõ “Tam Vo”, tôi bảo đảm trăm phần trăm người đọc sẽ tìm thấy bài viết của đài Châu Á Tự Do RFA, sẽ được xem video của Người Việt TV, nghe hoặc xem một số Utube của những nhà thờ tại Nam Hàn, tại Úc châu do chính người mục sư này kể lại câu chuyện thật của mình. Đồng thời cũng có thể thấy một số criminal records, những tội trạng mà ông đã làm trong quá khứ do cảnh sát và tòa án Oregon đưa lên.

Mục sư Tâm Conetto sinh năm 1970 tại Khánh Hậu, Long An. Mang hai giòng máu Việt-Ý trong người vì ba ông là chiến binh người Mỹ gốc Ý tại Việt Nam trước năm 1975. Lúc lên năm tuổi, mẹ ông đã cho ông làm con nuôi một gia đình tại Hậu Nghĩa cho đến lúc có chương trình định cư tại Mỹ theo diện con lai mới mang ông về nhà. Năm 1988 ông sang Mỹ với diện đoàn tụ gia đình do người dì đã liên lạc được với ba ông tại California. Sống ở Việt Nam, Tâm Conetto là người “không giống ai”, bị hàng xóm láng giềng và nhất là nhà cầm quyền thuở ấy hất hủi, khinh rẻ, lại thiếu thốn tình thương cả cha lẫn mẹ trong nhiều năm liền, cho đến khi sang Hoa Kỳ ông lại càng “không giống ai” bởi Mỹ không ra Mỹ, Việt không ra Việt, Ý cũng chẳng ra Ý. Ba ông đã gọi ông là “thằng mixed up”.

Cậu thiếu niên có gương mặt nhìn vào là biết ngay không thuần chủng, lúc định cư tại xứ sở mới, học hành chẳng đến đâu, nghề ngỗng chẳng có, tiếng Anh càng không, đã thấy cuộc đời mình dường như “mixed up” nhiều hơn, lộn xộn nhiều hơn chính những gì cậu đã trải qua và đã tưởng. Khó chịu hơn nữa là cậu không bao giờ quên được mối hận khi cả cha lẫn mẹ đều bỏ rơi mình. Cậu liên miên nghĩ đến chuyện phải trả thù, phải làm cho mẹ và gia đình càng khổ càng tốt. Thỉnh thoảng nếu hai chữ hạnh phúc hiện ra trong trí, cậu đơn giản cho rằng chỉ khi có tiền, thật nhiều tiền trong tay, muốn làm gì cũng được thì hạnh phúc sẽ đến với mình. Và hệt như những thiếu niên hư hỏng khác, từ quán bi da, quán rượu, Tâm Conetto tập tành uống bia uống rượu, tập tành hút á phiện, chích choác, cho đến lúc đã lún sâu vào con đường nghiện ngập không cách gì rút chân ra khỏi, thì cậu bắt đầu đi ăn cắp, sau đó cướp giật, và cuối cùng là gia nhập vào băng đảng, thật sự trở thành một người buôn bán ma túy chuyên nghiệp.

Tâm Conetto đã vào tù ra khám nhiều lần với những tội trạng không lớn lắm tại địa phương. Nhưng cho đến một ngày, tương tự như Jesse James bị một đàn em “set up”, bán đứng cho cảnh sát, thay vì bị bắn một phát chết ngay tại chỗ giống Jesse thì Tâm vào tù. Lần này bản án là năm năm. Tội danh buôn bán ma túy và chứa chấp vũ khí bất hợp pháp.

Cuộc đời chàng trai trẻ, ở vào cái tuổi hai mươi mốt, có một cô bạn gái cùng giới giang hồ, cùng có với nhau một đứa con gái, bắt đầu nhận lờ mờ nhận ra con đường mình đi hình như có điều gì trúc trắc. Bắt đầu lờ mờ thấy hình như mình khó có thể có một người bạn “thập tử nhất sinh” chia sẻ những gánh nặng với mình, lờ mờ hiểu ra rằng “tứ hải giai huynh đệ” trong giới đâm chém, bắn giết là chuyện hi hữu. Khi gọi điện thoại ra ngoài cho bạn bè giang hồ nhiều lần mà không ai bắt phone, hoàn toàn rơi vào thất vọng, nhận ra sự cô đơn, lạc lõng, bơ vơ, cậu bắt đầu thèm có được một mái ấm gia đình. Đến lúc ấy cậu mới biết tình thương thật sự, hạnh phúc thật sự chỉ đến từ những con người yêu thương mình mà thôi.

Ở trong tù, chàng thanh niên buồn bã nhớ đến người cha nuôi, một người thật tâm thương cậu, nhớ đến mẹ ruột người mà cậu đã làm khổ không ít lần, nhớ đến nỗi kinh hoàng của người em trai mỗi lần cậu về thăm vẫn nơm nớp sợ không biết mình sẽ bị anh cho ăn đòn lúc nào. Cậu lại nhớ đến người bạn gái nhiều lần bị chính mình đánh đến dập cả mặt vì ghen, vì tưởng cô có người khác, trong khi chỉ vì cô cũng đã bắt đầu thay đổi, đã thức tỉnh để sống cách đàng hoàng, không còn rượu chè hút xách như trước nữa.

Trong nỗi đớn đau tột cùng ấy, tình cờ chàng thanh niên này vớ được một cuốn sách có bìa da màu đen, trong ruột chữ nhỏ bằng tiếng Việt đã bị mất nhiều trang do những bạn tù trước xé ra hút thuốc. Buồn tình cậu mở ra đọc mà chẳng biết mình đang đọc cuốn sách gì. Chỉ mang máng thấy nó quen quen. Chỉ mang máng nhớ mình có thấy nó ở đâu đó ở nhà người cha nuôi ngày trước. Nhưng rồi cậu lại quên nó đi. Mãi cho đến vài tháng sau, nhân một lúc bị dọn phòng cho giám thị khám, bất ngờ nhìn thấy lại cuốn sách, Tâm Conetto mới ngạc nhiên hỏi tại sao lại có sách tiếng Việt trong tù. Người ta cho biết có thể hỏi xin ở bên ngoài. Thế là ngoài Kim Dung, và vài ba sách khác, cậu có thêm cuốn Kinh Thánh.

Tâm Conetto đọc đi đọc lại nhiều lần, đến những đoạn nói về lòng thống hối và sự ăn năn trong cuốn sách ấy, lòng cũng bỗng bùng lên sự ăn năn thống hối. Cậu nhớ lại những tội lỗi mình đã làm trong quá khứ, hiểu ra sự đau đớn của những người bị mình làm khốn đốn. Cuối cùng cậu đã quỳ xuống cầu xin sự tha thứ của Thượng Đế, cầu xin thầm sự tha thứ từ những nạn nhân của mình. Sáng hôm sau cậu gọi điện thoại cho mẹ, nói với mẹ lời xin lỗi.

Những tháng ngày sau đó là những tháng ngày người thanh niên này quyết tâm hối cải, trở thành người tù gương mẫu. Một thời gian sau cậu bỗng nảy ra ý định viết thư cho người cảnh sát giám hộ mình (probation officer) xin gặp bà. Tại buổi gặp gỡ ấy Tâm Conetto cho bà biết từ nay cậu là người đã biết về tình yêu của Thượng Đế, biết về tình yêu của gia đình và biết về tình yêu của con người đối với con người nên quyết chí sẽ sống tử tế hơn. Cậu còn tỏ ý muốn xin được giảm án, được tự do trở về. Người cảnh sát giám hộ của Tâm Conetto ngỡ ngàng nhìn người thanh niên rồi hỏi có bị điên không mà muốn làm điều không thể thực hiện được như vậy. Bà cho biết bản án đã được định và vị thẩm phán ở phiên tòa hôm ấy là người rất khó tính, rất ghét chính Tâm nên làm sao mà xin tha.

Nhưng một tuần sau, người phụ nữ tóc vàng này trở lại khám đường, gọi Tâm ra vào bảo chuẩn bị để bà chở về nhà. Lùng bùng cả hai tai, không tin nổi những gì mình đã nghe, người thanh niên yêu cầu được biết lý do vì sao mình được thả về. Người giám hộ cho biết chính bà là người đã viết thư cho quan tòa và lấy danh dự của mình làm bảo đảm cho Tâm, và hứa rằng nếu người thanh niên này trốn hoặc trở lại con đường cũ thì chính bà sẽ vào tù.

hn2

Người thanh niên, cựu trùm du đãng, nhờ lời hứa một người không những đã chẳng thân thiết, chẳng cùng giòng máu, mà còn lại là cảnh sát giám hộ của mình, mà được tha ra khỏi tù sớm hơn hằng mấy năm trời. Thề với lòng, thề với Thượng Đế sẽ sống một đời sống vì người khác cậu nhất quyết theo học Thần học. Sau khi bị đồng bọn cũ trở lại đòi thanh toán, thêm một điều khiến Tâm thêm sự khẳng định vì sau khi cậu đáp “nếu muốn bắn thì cứ bắn nếu như Thượng Đế muốn tôi chết”, đồng bọn cũ của cậu đã ngỡ ngàng bỏ đi bởi cho rẳng “thằng Halffy đã điên rồi”.

Kể từ năm 1993 cho đến bây giờ, đại ca “Halffy”, tên gọi trong giới giang hồ dành cho Tâm Conetto đã trở thành mục sư Thanh Tâm Conetto. Ngoài công việc giảng dạy tại thành phố Kensocola, tiểu bang Florida, làm việc cho chương trình Liberty Fellowhip của Charity Chapel thuộc Hội Thánh Tin Lành Hoa Kỳ, ông đã đi khắp nơi để nói chuyện với giới trẻ, nhất là những trung tâm giáo dục thanh thiếu niên, dựa trên những kinh nghiệm của chính mình. Ông cũng từng được mời về Việt Nam, đến các trường cải huấn, các trung tâm cai nghiện cho giới trẻ để khuyên họ trở về con đường ngay thẳng. Điều ông thường xuyên kêu gọi thanh thiếu niên là hãy nghĩ đến tình yêu cha mẹ, tình yêu anh chị em trong nhà. Ông cũng kêu gọi các bậc phụ huynh hãy dành thì giờ và có trách nhiệm với con cái mình, đừng để trẻ em phải rơi vào những con đường không bao giờ nên đi như ông đã từng đi.

Tôi chưa gặp mục sư Tâm Conetto ngoài đời, hẳn nhiên cũng không thể gặp Jesse James, nhưng câu chuyện của cả hai làm tôi suy nghĩ nhiều ngày. Và rồi lan man từ chuyện ngựa sang chuyện người, từ chuyện gangster Mỹ sang chuyện trùm xã hội đen Việt Nam, tôi lại nhớ đến lời ba tôi nhận xét về chuyện anh hùng Lương Sơn Bạc. Ông bảo “ăn cướp thì cho dẫu là với mục đích nào, cũng vẫn là ăn cướp. Việc thiện và nghĩa cử xuất phát từ lòng nhân ái, lòng thương yêu, nên khi tặng của cải vật chất được làm ra từ mồ hôi nước mắt, từ sức lực của chính mình cho người khác thì mới nên gọi là nghĩa, là thiện”. Ba tôi là người luôn trọng nghĩa khí nhưng ông vẫn không thích cách “giúp đời” của Robin Hood, của Lương Sơn Bạc. Ông nói bởi biết đâu trong những lần gọi là đánh cướp của bọn nhà giàu ác đức, thì có những lần cướp oan của người làm ăn lương thiện.

“Anh hùng” Jesse James bị bắn ở tuổi ba mươi bốn, để lại cho đời những “huyền thoại” lành ít dữ nhiều. Tôi tự hỏi không biết có bao nhiêu người dân Hoa Kỳ không thích chuyện người “anh hùng” này, nhưng có lẽ chuyện của mục sư Tâm Conetto là một “happy ending” của một cuộc đời đầy sóng gió, nên muốn chia cùng với bạn ngày hôm nay.

        HOÀNG NGA

 

   

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên