Trang Chủ BIỆN GIÁO Nếu Đức Chúa Trời…?

Nếu Đức Chúa Trời…?

402
0
SHARE

Nếu Đức Chúa Trời là toàn năng và luôn yêu thương, tại sao Ngài không nhậm lời cầu nguyện của tôi?

Một số người xem việc tin Chúa như một phương kế để có được mọi thứ theo ý muốn của họ. Họ cho rằng tin Chúa để tránh những hậu quả xấu và gìn giữ hạnh phúc bản thân. Khi Đức Chúa Trời dường như không đem đến những gì họ mong muốn này, họ đâm ra thất vọng và vỡ mộng. Vấn đề chính ở đây là những người như vậy có cái nhìn chưa trưởng thành về sự cầu nguyện. Cầu nguyện là một phương tiện để tương giao với Đức Chúa Trời, bày tỏ tình yêu của chúng ta thông qua việc kính mến, xưng tội và tạ ơn. Quả thật, sự cầu xin có một vị trí trong lời cầu nguyện. Nhưng những lời cầu nguyện trọng đại trong Kinh Thánh tập trung nhiều hơn vào sự phát triển các phẩm chất thiêng liêng hơn là những lợi ích vật chất của cá nhân.

Tuy nhiên, Chúa có thể và thực sự đáp lời sự cầu nguyện. Trong đời sống Cơ đốc nhân của mình, tôi đã thấy Đức Chúa Trời trả lời nhiều sự cầu xin của tôi theo những cách mà Ngài bày tỏ qua sự can thiệp siêu nhiên. Cách đây vài năm, tôi đã đánh mất chiếc nhẫn cưới trong một chuyến leo núi. Khi tôi phát hiện ra rằng nó đã bị mất, tôi đã tìm kiếm nó trong xe hơi người bạn, quần áo và các thiết bị của tôi, cầu mong rằng món đồ nhỏ này sẽ được tìm thấy. Sau vài ngày, tôi gọi cho Timberline Lodge, nơi chúng tôi đậu xe ở Mount Hood, để xem liệu ai đó có thể đã tìm thấy chiếc nhẫn của tôi hay không. Tôi lấy làm ngạc nhiên, họ có tìm thấy một chiếc nhẫn và nó khớp với mô tả mà tôi đưa ra! Vài ngày sau, chiếc nhẫn được gửi đến qua đường bưu điện, tôi tạ ơn Chúa đã đáp lời cầu nguyện tôi!

Nhưng nếu Đức Chúa Trời có thể đáp ứng mọi lời cầu nguyện của chúng ta, tại sao Ngài không làm như vậy? Sau đây là năm lý do tại sao lời cầu nguyện của chúng ta đôi khi dường như  thất bại.

Thứ nhất, đôi khi Đức Chúa Trời không nhậm lời cầu nguyện của chúng ta vì đức tin của chúng ta chưa đủ. Khi các môn đồ hỏi tại sao họ không thể giải cứu một cậu bé khỏi sự trói buộc của ma quỷ, Chúa Giê-su giải thích rằng đó là vì họ có quá ít đức tin. “Ấy là tại các ngươi ít đức tin: Vì ta nói thật cùng các ngươi, nếu các ngươi có đức tin bằng một hột cải, sẽ khiến núi nầy rằng: Hãy dời đây qua đó, thì nó liền dời qua, và không có sự gì mà các ngươi chẳng làm được” (Ma-thi-ơ 17:20).

Thứ nhì, đôi khi vì tội lỗi trong cuộc sống chúng ta khiến lời cầu nguyện của chúng ta không Đức Chúa Trời không nhậm. Trước giả Thi thiên có viết, “Nếu lòng tôi có chú về tội ác, Ắt Chúa chẳng nghe tôi” (Thi thiên 66:18). Sẽ chẳng ích gì khi tìm kiếm sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời nếu chúng ta không muốn thừa nhận tội lỗi mà mình đã nhận biết.

Thứ ba, Đức Chúa Trời có thể không nhậm lời cầu nguyện của chúng ta vì những mối quan hệ giữa người với người bị đổ vỡ, không thể hàn gắn. Phi-e-rơ chỉ bảo những người nam Cơ đốc sống với vợ theo cách hiểu biết, trao cho họ sự tôn trọng với tư cách là người thừa kế ân sủng sự sống “hầu cho không điều gì làm rối loạn sự cầu nguyện của anh em” (1 Phi-e-rơ 3:7).

Thứ tư, đôi khi Đức Chúa Trời trì hoãn sự đáp lời cho đến một thời điểm thích hợp hơn. Trong một số trường hợp, không phải Đức Chúa Trời không đáp lời lời cầu nguyện của chúng ta, nhưng sự đáp lời sẽ được đưa ra sau đó, phù hợp với thời điểm của Ngài.

Thứ năm, những mục đích lớn lao hơn của Đức Chúa Trời đôi khi được hoàn thành nhờ lời cầu nguyện không được nhậm. Phao-lô đã cầu nguyện ba lần hầu cho Đức Chúa Trời sẽ giải cứu ông khỏi “một cái giằm xóc vào thịt” (2 Cô-rinh-tô 12:7-8). Nhưng Đức Chúa Trời không nhậm lời cầu nguyện của Phao-lô. Thay vào đó, Chúa đã dạy cho ông ta một bài học quan trọng: “Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cô-rinh-tô 12:9). Lời cầu nguyện chưa được nhậm có thể giúp chúng ta biết về sự trọn vẹn của Đấng Christ trong một tình huống khó khăn.

Đôi khi không có lý do rõ ràng nào khiến Đức Chúa Trời không nhậm lời cầu nguyện của chúng ta. Tuy nhiên, khi không có sự đáp lời, chúng ta có cơ hội chứng tỏ đức tin kiên nhẫn, bền bỉ và đức tin không dời đổi vào sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời liên quan đến kinh nghiệm hàng ngày của đời sống Cơ đốc nhân chúng ta ở mức độ nào?

Hầu hết các Cơ đốc nhân đều đồng ý rằng Đức Chúa Trời có can dự vào cuộc sống của chúng ta ở một mức độ nào đó. Một số coi Chúa là Đấng khá xa vời. Họ tin rằng Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên thế giới và kế đến, bên cạnh những chuyến viếng thăm và bày tỏ không thường xuyên, Ngài cho phép nó tự vận hành. Những gì xảy ra trong cuộc sống của chúng ta,  phụ thuộc vào chúng ta. Những người khác thấy Đức Chúa Trời tham gia tích cực hơn, quan phòng dẫn dắt mọi người đi theo con đường sự sống mà Ngài đã xác định một cách thần hựu.

Kinh Thánh khẳng định rằng Đức Chúa Trời chủ động can dự vào đời sống chúng ta, thông qua việc thực thi quyền tể trị để hoàn thành các mục đích của Ngài qua. Phao-lô viết, “Ấy cũng là trong Ngài mà chúng ta đã nên kẻ dự phần kế nghiệp, như đã định trước cho chúng ta được điều đó, theo mạng của Đấng làm mọi sự hiệp với ý quyết đoán” (Ê-phê-sô 1:11). Từ “định trước” có nghĩa là Đức Chúa Trời đã “vạch ranh giới” cho cuộc đời chúng ta. Cụm từ “mọi sự” cho thấy rằng Đức Chúa Trời quyết định trong sự quan phòng tất cả những gì diễn ra trong cuộc sống của chúng ta. Không có gì dành chỗ cho cơ hội và hoàn cảnh. Đức Chúa Trời là Đấng “liên kết chặt chẽ/điều khiển” lịch sử. Ngài làm việc thông qua các phương tiện tự nhiên, thông qua con người để hoàn thành các mục đích của Ngài.

Sự can dự của Đức Chúa Trời vào đời sống con người được thể hiện rõ qua Truyền đạo 3:1, “Phàm sự gì có thì tiết; mọi việc dưới trời có kỳ định.” Các câu 2-8 chỉ ra rằng có kỳ định theo ý Chúa cho tất cả các sự kiện của cuộc sống. Phao-lô đã viết, “Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định” (Rô-ma 8:28). Một lần nữa, hãy lưu ý cụm từ “mọi sự.” Đức Chúa Trời can dự vào kinh nghiệm của chúng ta ở mức độ nào? Dựa vào Kinh thánh, chúng ta có thể biết rằng Đức Chúa Trời can dự vào đời sống chúng ta cách hoàn toàn. Không có điều gì trong đời sống chúng ta mà không được quyết định bởi nghị định thần hựu của Đức Chúa Trời.

Sự khẳng định về giáo lý này đặt ra một câu hỏi khác: Nếu Đức Chúa Trời có quyền tể trị tuyệt đối trên chúng ta, thì Ngài chẳng phải Ngài  chịu trách nhiệm về tội lỗi và sai lầm của chúng ta sao? Không, vì quyền tể trị của Đức Chúa Trời không bao giờ phủ nhận trách nhiệm mà con người phải gánh chịu cho những việc làm của họ. Một ví dụ điển hình về điều này được thấy trong sự kiện Đấng Christ bị đóng đinh. Phi-e-rơ nói rằng Chúa Giê-su bị phản bội và bị đóng đinh bởi “mục đích đã định của Đức Chúa Trời” (Công vụ 2:23; xem Lu-ca 22:22; Công vụ 4:28). Nhưng Ngài cũng khiển trách những người bất kính bởi những hành động của họ mà Ngài đã bị đưa đến thập tự giá “Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham … đã làm vinh hiển đầy tớ Ngài là Đức Chúa Giê-su, là Đấng mà các ngươi đã bắt nộp và chối bỏ trước mặt Phi-lát, trong khi người có ý tha Ngài ra” (3:13-14).

Những lời dạy trong Kinh thánh về quyền tể trị của Đức Chúa Trời và trách nhiệm của con người phải được quân bình cách thận trọng. Trong quyền tể trị tuyệt đối của Ngài, Đức Chúa Trời đã định trước tất cả những gì xảy ra. Nhưng quyền tể trị của Đức Chúa Trời không loại bỏ trách nhiệm của con người đối với việc làm của họ. Tội lỗi và sai lầm diễn ra trong cuộc sống của chúng ta là do chính chúng ta lựa chọn. Đức Chúa Trời, Đấng toàn hảo và thánh khiết, không đáng trách.

 

tham khảo: UNDERSTANDING CHRISTIAN THEOLOGY

 

 

 

 

 

 

 

 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên