Trang Chủ LỜI CHỨNG CÁ NHÂN Lời Chứng Cá Nhân

Lời Chứng Cá Nhân

796
0
SHARE
GIA ĐÌNH TÔI ĐƯỢC GỌI RA KHỎI QUÊ HƯƠNG
Giống như tổ phụ người Do Thái lắng nghe tiếng gọi của Chúa, “Con hãy ra khỏi quê hương…” Tại sao? Gia đình tôi cũng vậy. Tại sao? Có những câu hỏi không có lời đáp ngoại trừ câu, “Đó là tiếng gọi từ Trời. Đó là nhờ ơn Trời cứu. Đó hồng ân. Đó là sự lựa chọn từ trên.”
Cảm tạ Đức Chúa Trời về ân điển lạ lùng của Chúa dành cho gia đình và dòng họ của tôi. Từ giữa những người đồng hương, cả làng, cả quận, cả tỉnh, cả nước, Đức Chúa Trời đã mở lòng mở trí để ông bà cha mẹ tôi dạn dĩ đón nhận tin lành từ Trời. Đây là tin lành từ Trời, không phải là đạo Mỹ, không phải là quân đội Mỹ đến xâm lăng Việt Nam. Bây giờ mọi sự rõ ràng, có mấy triệu người Việt đã được Đức Chúa Trời dẫn đưa đến Mỹ, ngay từ đầu tất cả các gia đình Việt tị nạn đều được một gia đình người Mỹ theo Tin lành hay Công Giáo tiếp đón, giúp đỡ để sớm hội nhập. Những người Việt tha hương chúng tôi biết ơn người Mỹ đã tiếp đón chúng tôi. Cảm ơn người Mỹ đã đón nhận đạo Trời trước và đã can đảm đem tin lành từ Trời đến với người Việt. Tin Lành đến Việt Nam hơn 100 năm trước đây. Công Giáo đến Việt Nam hơn 300 năm trước đây. Người Công Giáo đã đem đến cho người Việt cơ hội biết chọn la-tinh hoá chữ Việt trở thành quốc ngữ Việt ngày nay. Và Tin Lành đã đem đến cho người Việt quyển Kinh Thánh được dịch theo tính cách người Quảng Nam hiểu được để chọn thờ Trời.
Người dân Quảng Nam may mắn nghe được tin lành trước tiên và một số người đã dạn dĩ rao truyền tin lành cho bà con. Từ Quảng Nam tin lành đã được truyền ra bắc, xuống nam, lên miến núi, xuống đồng bằng. Nhờ đó có những sự thay đổi lớn đã xảy ra trong tâm hồn nhiều người Việt, trong đó có gia đình tôi. Nếu ông bà cha mẹ tôi không chịu tin nhận Chúa và theo Chúa thì chưa chắc bản thân tôi tin nhận Chúa, rồi con cháu tôi cũng nhờ đó tin Chúa và biết ơn Chúa như đang thấy ngày nay. Biết ơn Chúa, nhớ ơn Trời là mối quan tâm lớn hơn hết của lòng tôi.
Tôi nghĩ đến ông bà tôi là trái đầu mùa đức tin, người đã sáng suốt và can đảm tiếp nhận Chúa trước hết trong dòng họ chúng tôi. Giống như ban đầu Đức Chúa Trời đã chọn và đã gọi Abraham, Isaac rồi Jacob và sau đó là dòng giống Israel. Đó là sự lựa chọn, là sự kêu gọi, là sự biệt riêng. Đó là ơn Trời… ban cho, kêu gọi. Đó là sự mầu nhiệm quan phòng. Đó là chương trình Chúa Trời chinh phục tấm lòng nhân loại. Nhờ đó tôi và gia đình tôi sớm nhận biết Chúa và thờ phượng Chúa. Tôi gọi đó là sống đức tin, là thờ Trời, tin Trời, cầu Trời và sẵn sàng để chầu Trời.
Ý nghĩ đầu tiên về Đức Chúa Trời của một người chính là điều quan trọng nhất đối với người đó. (A. W. Tozer). Tương lai và số phận của một người, tùy thuộc vào thái độ của người đó đối với Đức Chúa Trời.
Càng ngày càng đọc, càng suy nghĩ đến mối quan hệ của con người với Đức Chúa Trời là điều quan trọng, tôi thấy tôi càng muốn suy nghĩ và muốn viết về Trời. Tôi đang sưu tầm những quyển sách có chủ đề về Đức Chúa Trời. Nhưng phần lớn các sách về Đức Chúa Trời tôi đọc đều do người Mỹ viết ra. Tôi chưa thấy Việt Nam có nhà thần học. Tôi muốn dự phần viết, dịch, phổ biến, đào tạo thêm những người Việt sâu nhiệm đạo Trời.
Chúa Cứu Thế Jesus đã chỉ dẫn hướng đi: Sự cứu rỗi bởi người Do Thái mà đến.
Như vậy, sự cứu rỗi không đến từ người Ấn Độ, không đến từ người Hoa và cũng không đến từ người Việt Nam.Giống như cây có cội, nước có nguồn, tôi đã cùng gia đình tìm được nguồn gốc của mình. Tôi không mất gốc, tôi đã tìm được cội nguồn.
Gia đình tôi cảm tạ ân điển thương xót của Đức Chúa Trời.
Sinh ra và lớn lên giữa lòng quê hương Việt, tôi đã sớm biết đến Đức Chúa Trời của Kinh Thánh, Đức Chúa Trời là Cha của Chúa Jesus. Đấng đã tiết lộ sự cứu rỗi bởi người Do Thái mà đến. Tôi biết đến Chúa Trời nhờ sự dạy dỗ và truyền thụ từ Hội Thánh Tin Lành Việt Nam. Điều tốt nhất mà Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp xuất phát từ nước Mỹ đã làm cho Hội Thánh Việt Nam là đã mở Trường Kinh Thánh trước hết từ Đà Nẵng, rồi sau đó dọn đến Nha Trang, đã đào tạo các Mục Sư, các thầy Truyền Đạo, các Giáo Sĩ cho người Việt Nam bản xứ. Kịp thời theo ý Chúa. Đến lúc những người đến từ nước ngoài lần lượt ra đi. Ở lại chỉ còn những người sống giữa quê hương. Một số ít người được ra đi, nhiều người còn ở lại. Người ở lại kẻ ra đi đều nằm trong chương trình của Chúa.
Vấn đề quan trọng tôi nghĩ là ảnh hưởng của đạo Trời trên quê hương Việt Nam. Người Việt chịu ảnh hưởng của đạo Phật, và đạo Khổng hơn là ảnh hưởng của đạo Chúa. Người Việt cũng chưa hiểu sự giống nhau và sự khác nhau giữa đạo Công Giáo và đạo Tin Lành. Tôi thấy sự khác nhau giữa Tin Lành và Công Giáo như sự khác nhau giữ Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Như sự khác nhau giữa Pháp và Mỹ. Như sự khác nhau giữa nước Thái Lan và nước Nam Hàn. Tôi thấy “xem trái biết cây” là nhận xét rất hay, rất đúng.
Tôi cảm ơn Chúa vì Chúa đã chọn gia đình tôi theo ánh sáng của Tin Lành trong Kinh Thánh. Từ quê hương lúc nhỏ tôi đã sớm học thuộc lòng Kinh Thánh là lời của Chúa, tôi học thuộc lòng Bảng Mười Điều Răn, Bảng Tín Điều Các Sứ Đồ, Bài Cầu Nguyện Chung. Tôi học thuộc lòng Đại Điều Răn, Đại Mạng Lịnh. Tôi ngạc nhiên và cảm kích trước Bài Giảng Trên Núi mà Chúa Jesus đã dạy. Tôi học thuộc lòng câu Kinh Thánh Giăng 3:16 và cả 100 câu gốc khác.
Tôi ghi nhớ những câu Kinh Thánh: Matthew 5:11-12; 6:33; 7: 12, 21.
“Vậy, ai nghe lời Ta và làm theo thì giống như một người khôn ngoan, xây nhà mình trên vầng đá. Dù có mưa tuôn xuống, lũ lụt tràn đến, gió xô mạnh, nhà ấy vẫn đứng vững, vì đã được xây trên vầng đá. Còn ai nghe lời Ta, nhưng không làm theo, thì giống như người dại dột, xây nhà trên cát. Khi mưa tuôn xuống, lũ lụt tràn đến, gió xô mạnh thì nhà ấy sẽ sập, thiệt hại nặng nề.”
Tôi để ý giá trị của Tin Lành không phải là nghe rồi thôi nhưng là tin nhận và làm theo.
Tôi nghe nói đến việc hãy giữ tấm lòng của con hơn hết, hãy giữ ngày nghĩ làm nên ngày thánh, hãy giữ mình, luôn cả bầy mà anh em được giao làm người chăm sóc. Tôi được dạy hãy thăm viếng kẻ mồ côi và người góa bụa trong cơn khốn khó của họ và giữ mình khỏi sự ô uế của thế gian. Cảm ơn Chúa, tôi được sinh ra trong một gia đình có đạo, có lời Chúa dạy nuôi sống linh hồn. Người tin Chúa không phải là người vô tội nhưng là người có ít tội và biết nhanh chóng ăn năn tội. Người tin Chúa là người ý thức mình được tha nợ và dễ dàng tha nợ cho người khác. Giống như người ít gieo ác thì ít gặt ác. Người gieo thiện nhiều thì gặt thiện nhiều. Từ nhỏ tôi đã hiểu câu nói,
Vì ai đã được ban cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều; và ai đã được giao cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều hơn. Luke 12:48.
Tôi cũng cảm phục câu nói của Chúa Jesus,
Quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không đổi lại và nên như đứa trẻ, thì chẳng được vào nước thiên đàng đâu. Vậy, hễ ai trở nên khiêm nhường như đứa trẻ nầy, sẽ là lớn hơn hết trong nước thiên đàng. Hễ ai vì danh ta chịu tiếp một đứa trẻ thể nầy, tức là chịu tiếp ta. Matthew 18:2-4.
Làm sao để chúng ta có thể trở nên như trẻ thơ? Sống như trẻ thơ là một bài học lớn cho người tin Chúa.
Được biết Chúa để tin nhận Chúa từ khi còn bé thơ là một phước hạnh lớn lao. Trẻ thơ dễ tiếp nhận Chúa hơn người lớn. Trẻ thơ khiêm nhường, dễ dạy, dễ quên, dễ nhớ, dễ tha, dễ yêu. Tôi thích ý nghĩ của Chúa Jesus khi Ngài phán hỏi những người không thích nghe tiếng hát trẻ thơ, “Vậy chớ các ngươi chưa hề đọc lời nầy: Chúa đã được ngợi khen bởi miệng con trẻ và con đương bú hay sao?”
Trở nên như trẻ thơ cũng là đã được tái sanh. Sự tái sanh của đạo Trời hoàn toàn khác với chữ tái sanh theo kiểu luân hồi chuyển kiếp. Sự tái sinh không đến từ sự cố gắng tu thân ép xác, nhưng là từ quyền năng tái tạo của chính Đức Chúa Trời. “Không sanh bởi khí huyết, hoặc bởi tình dục, hoặc bởi ý người, nhưng sanh bởi Đức Chúa Trời vậy.” Tái sanh là sự đổi mới hoàn toàn từ trong ra ngoài do quyền năng tác động của Đức Thánh Linh trong lòng người ăn năn từ bỏ hình tượng để quay về với Đức Chúa Trời hằng sống. Một cuộc đổi đời. Giống như đứa con hoang đàng trở về nhà Cha. Ngay trong cuộc đời nầy.
Tôi nhớ lại ở làng quê tôi lúc còn nhỏ, tôi đã thấy nhà thờ. Nhà thờ Tin Lành hiếm có. Các tín đồ như bầy chiên nhỏ đã tự nguyện góp phần xây dựng nhà thờ. Ước gì mỗi làng thôn Việt Nam đều có nhà thờ. Gia đình tôi đã có thói quen đi nhà thờ, nhà thờ nhỏ nhưng gần gủi thân thương, chúng tôi gọi là Hội Thánh nhà, ở đó có ông bà Mục Sư, có thầy cô truyền đạo, có các chấp sự, có các anh chị đứng đầu nhóm nhỏ, có lớp học trường chúa nhật, có thi Kinh Thánh, có giữ lễ giáng sinh, lễ phục sinh, lễ thăng thiên. Nhà thờ nhỏ nhưng không thiếu các sinh họat tùy theo lứa tuổi. Tôi nhớ Hội Thánh có phát quà, có phần thưởng cuối năm. Tôi nhớ gia đình chúng tôi có thói quen hằng tuần đi thờ phượng Chúa, không sót tuần nào, có hát thánh ca, cầu nguyện, nghe giảng lời Chúa, dâng hiến tiền bạc, có cơ hội cùng các tín đồ đóng góp xây dựng Hội Thánh. Tôi không quên những buổi nhóm cầu nguyện buổi tối tại nhà thờ, tại nhà các tín hữu khác luân phiên. Mọi người đều quay quần với nhau quanh bếp lửa Kinh Thánh nằm giữa chuồng chiên, và ai nấy đều thấy Chúa Jesus ngồi ở giữa nói lời êm diệu thân thương y như người chăn hiền lành, gọi tên từng con chiên nhỏ…
Ngày ấy, cái thuở hàn vi, tôi được ăn cháo ngheo do người tín đồ bắt lượm từ dưới bãi cát bờ biển, tôi được ăn cá nục tươi được nấu từ ngoài biển mang về, tôi được ăn cháo đường nấu từ củ môn sáp, tôi ăn bắp, ăn khoai lang, tôi thèm được bửa ăn cơm trắng không có độn khoai. Tôi nhớ những vị ngon đặc biệt của con cá, con cua, con tôm của quê hương. Ở Mỹ bây giờ tôi không thể nào có được cái vị ngọt, mùi thơm quê hương ngày đó. Làm sao để tìm được những bầu không khí và kỷ niệm thời niên thiếu, trẻ thơ?
Làng quê tôi sinh ra và lớn lên nằm giữa vùng cát trắng giữa sông và biển. Tôi thường chạy ra bờ biển buổi chiều để gặp gỡ người quen bè bạn khi những ngư phủ mang cá trở về bờ trên những chiếc ghe, chèo bằng tay, bằng buồm, không có máy. Tôi cũng chạy xuống sông để bơi lội, để câu cá. Chúng tôi sống rất gần gủi với thiên nhiên. Thiên nhiên quê hương chúng tôi không chỉ có đẹp nhưng cũng có đủ nhu cầu cơm ăn, áo mặc, nhà ở, ruộng đồng, cây cối, không khí trong lành, gió mát, để tôi và gia đình tôi lớn lên sinh sống hồn nhiên. Tôi nhớ đến tiền nhân, nhớ đến hai ba đời cho đến đời ông nội, tôi cũng không biết bà nội vì bà đã chết lâu rồi, tôi chắc những người Việt ba con dòng họ ngày xưa cũng sống hiền hòa như thế ở quê hương. Nghèo mà tự do hơn là giàu mà nô lệ. Thiếu mà vui hơn là dư mà lo lắng.
Tôi cũng lớn lên giữa bầu không khí thờ phượng Đức Chúa Trời với quyển Kinh Thánh trong tay. Tôi nhớ đến quyển Kinh Thánh toàn bộ do cụ Phan Khôi và các Giáo Sĩ dự phần phiên dịch từ Pháp Văn hay Anh Văn sang tiếng Việt, từ năm 1925, một năm rất xưa nhưng lại có ngôn ngữ rất gần, rất hiện đại. Cho đến nay tôi vẫn thích dùng bản văn và giảng luận dựa trên bản Kinh Thánh nầy. Tôi cũng được lớn lên trong những lời dạy răn đe không hút thuốc, không uống rượu, không xem xi-nê, không đọc tiểu thuyết. Lòng tôi tràn ngập tình thương. Tôi thương mọi người. Tôi thương ông thầy dạy văn, ông thầy dạy vạn vật. Tôi học trường Trung Học Đức Trí do Giáo Hội Công Giáo xây dựng. Sao mà ông thầy giỏi thế? Tài thế? Tôi thương Chúa, thương cha mẹ, thương anh chị em. Tôi không hề thấy khổ… Có lẽ đó là nhờ ơn Trời, ơn Chúa. Tôi nhớ lời Kinh Thánh dạy, “Hãy dạy trẻ em con đường nó phải theo, để khi trở về già, nó sẽ không hề lìa khỏi đó.”
Người Việt cũng biết nghe theo lời Kinh Thánh, “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi.”
Triết lý giáo dục của Kinh Thánh là khôn ngoan hơn những nhà giáo dục Tây Phương hôm nay:
“Đừng bỏ qua việc răn dạy trẻ thơ;
Dù đánh nó bằng roi, nó sẽ chẳng chết đâu.
Khi con đánh nó bằng roi,
Là giải cứu linh hồn nó khỏi âm phủ. » (Châm Ngôn 23 :13-14).
Ấy chính là nhờ Kinh Thánh. Nhờ Chúa của Kinh Thánh.
Tôi nghĩ nếu từ nhỏ tôi không biết Chúa thì khi lớn lên linh hồn và đời sống tôi sẽ bị cuốn hút vào dòng đời không phương hướng, không có ánh sáng và không có hy vọng. Tôi có những người bạn trôi theo đời, chết sớm rồi, không thấy tương lai. Đây là lý do tôi thấy tầm quan trọng của việc giáo dục cho thiếu nhi, thấy con đường của Chúa, và hướng đi lên của mỗi linh hồn. Mỗi trẻ em đều cần biết chắc hướng đi.
Tôi đã sống giữa bầu không khí ngây thơ, học hành, cấp 1, cấp 2, cấp 3, thi Tú Tài 1, rồi khó khăn thi Tú Tài 2. Tôi cũng trải qua những ngày quê tôi có trận lụt lớn chết người trôi sông, những ngày xa quê chạy ra thành phố để tránh chiến tranh, để tiếp tục đi học. Rồi tôi cùng các em đi kiếm việc làm, có em đi lính. Tôi đi học tiếng Anh ở Hội Việt Mỹ vào buổi tối ở Đà Nẵng, quê ngoại, để mong kiếm được việc làm. Tôi không muốn mang ách với kẻ chẳng tin. Tôi được làm thông dịch viên, tôi vào làm việc ở doanh trại lính. Tôi mặc đồ lính. Tôi trải qua những ngày chiến tranh Việt Nam có bóng người lính Mỹ, có cô du kích bị phỏng vấn. Tôi được hoãn dịch, tôi không nhập ngũ… Chiến tranh ác liệt, bom đạn đổ xuống, có nhiều người chết. Tôi trôi theo dòng đời có Chúa dẫn đưa. Tôi không ngờ trước Chúa đã dẫn tôi đi. Chúa đã bảo vệ tôi và gia đình tôi. Giống như có bao nhiêu người Việt khác đang được Chúa dưa dẫn trên thiên lộ lịch trình mà ít người biết, cũng như tôi không biết.
Cũng như nhiều người Việt, tôi không biết đến tổ tiên tôi, từ đời ông cố, ông tông, ông tổ… đến từ đâu, sống ở miền nào trước đó. Ít có người biết rằng mọi người Việt là dòng dõi của một gia đình đến từ họ Nguyễn, rồi trước đó là họ nào, họ nào, lên đến dòng họ có tên của ông Adam và bà Ê-va.
Sau khi thi đậu Tú Tài tôi may mắn được gia đình và Hội Thánh hướng dẫn, tôi đã xin gia nhập Viện Thần Học Kinh Thánh ở Nha Trang để học làm thầy truyền đạo Tin Lành. Tôi được bổ nhiệm tập sự giảng đạo ở Chu Lai, ở Bình Sơn (Quảng Ngãi), và sau ba năm tôi được trở về Viện để học tiếp thi tốt nghiệp. Giữa chiến tranh đẩm máu vậy mà tôi cảm thấy bình an. Nhờ ơn Chúa tôi được lập gia đình với người tôi yêu, người đẹp trong mắt tôi, người không thích làm thơ, không có tâm hồn thi sĩ, nhưng chỉ là người con gái quê hương Quảng Đà mà Chúa đã chọn làm vợ cho tôi. Cha mẹ tôi đồng ý và đứng ra xin hỏi, xin cưới cho tôi. Tôi có lễ cưới ở Nha Trang, ngay lúc còn theo đuổi học đường. Tôi biết chính Chúa đã lập gia đình cho tôi. Chúa chuẩn bị mọi sự cho tôi. Cảm ơn Chúa vì người vợ Chúa kết hiệp cho tôi nên nghĩa vợ chồng cũng tin Chúa và lớn lên trong gia đình có Chúa, giúp tôi thuận lợi trong đời sống và chức vụ hầu việc Chúa. Sau nầy tôi mới biết rõ hơn. Bạn muốn có tương lai hãy lập gia đình trong Chúa. Đó là cách xây nhà trên đá.
Lời Chúa là đường đi, là lẽ thật là sự sống. Gia đình nào rồi cũng giống như ngôi nhà nằm phơi mình giữa bốn mùa xuân hạ thu đông. Có lúc gia đình của bạn sẽ có mưa sa, nước chảy, gió lay xô động nhà ấy. Nhà bạn sẽ không sập nếu nó được xây trên vầng đá vững vàng. Chúa Jesus là vầng đá duy nhất vững chắc nhất mà thế giới tin tưởng, trường tồn.
Lập gia đình là sáng kiến hay của Đức Chúa Trời. Từ gia đình đến dòng dõi. Chúa biệt riêng những dòng dõi thờ Trời để tạo ra Nước Trời. Chúa thương người nam và người nữ. Chúa đặt tình yêu trong lòng trai gái. Chúa ban tình cảm, khả năng sinh đẻ. Sự thủy chung, tình nghĩa, trách nhiệm, bổn phận, là chất keo gắn kết, gìn giữ sự bền lâu sống sót của định chế gia đình. Không có điều gì chúng ta đang sở hữu từ bản thân và gia đình mà không đến từ Chúa. Không khí gia đình là ơn ban từ Trời, không thể quên. Tôi hãnh diện và thích khoe về gia đình tôi.
Rồi tôi được bổ nhiệm làm Chủ Tọa Hội Thánh Tin Lành ở Đà Lạt, sau chiến tranh. Tôi nhớ năm ấy tôi bước vào tuổi 26. Mới có đứa con gái đầu lòng. Rồi chúng tôi lần lượt có thêm 2 đứa con trai ở Đà Lạt. Thông minh, khỏe mạnh. Tôi nghĩ đến Ơn Trời không biên giới. Tôi thấy mình trưởng thành nhanh chóng. Tôi thấy một hướng đi. Mấy năm sau tôi bị bắt đi tù, và gần 6 năm khó khăn xa gia đình, xa Hội Thánh, tôi được trả tự do. Đức Chúa Trời đã dùng cả những năm tháng xa gia đình như thế để đào tạo và rèn luyện tôi cho công việc của Ngài. Vào thời kỳ những năm tháng nầy, tôi không thấy tương lai. Xung quanh tôi có nhiều người cũng vậy, chịu đựng và chờ đợi. Tôi chờ đợi Chúa dẫn đường. Thời gian trở nên dài ra, đi chậm, chúng tôi tiếp bước đi theo sự dắt dẫn của Chúa khi gia đình nhỏ chúng tôi dọn nhà về sống ở Sài Gòn. Bởi đức tin. Rồi Chúa cho chúng tôi có nhà riêng, có công việc thích hợp tự do và không ngờ, mấy năm sau đó, năm 1994, chúng tôi được mời đi Mỹ. Một Hội Thánh Báp-tít người Việt ở thành phố Dallas đã bảo lãnh cho gia đình tôi. Chúa đã dẫn chúng tôi ra đi. Trở thành người tha hương. Từ Đà Lạt đến Dallas. Từ Nước Việt đến Nước Mỹ. Từng bước nhẹ nhàng. Giống như một cuốn phim đầy hình ảnh, màu sắc sống động, có tối có sáng, có ngày có đêm, có đợi có chờ, có buồn có vui, có lo lắng, có yên tâm. Tôi đã sống những ngày trời trên đất gian nan.
Chúa đã dùng mọi hoàn cảnh để đào tạo tôi, rèn luyện tôi, sử dụng tôi. Tôi luôn nhớ câu nói Chúa dạy, “Việc ta làm bây giờ con không biết, nhưng về sau con sẽ biết.” Thật là những kinh nghiệm quý báu trong cuộc đời có Chúa dẫn đưa. Tôi nghĩ đến đời nầy, tôi cũng nghĩ đến đời sau. Đời sau không chỉ là sau khi tôi chết, nhưng đời sau cũng là con, là cháu của tôi, là thế hệ kế thừa của những người thân. Tôi được ơn Chúa để sống lâu và thấy con, thấy cháu của mình đến đời thứ ba, thứ tư. Tôi đã trải qua thân phận Việt Nam nhiều đau khổ mà người dân Mỹ hay con cháu của nhiều gia đình khác trên thế giới chưa từng trải qua. Sự dẫn đưa của Chúa là có thật. Phước cho người nào đã mời Chúa vào lòng và mời Chúa vào nhà.
Mục sư Nguyễn Văn Huệ

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên