Trang Chủ BIỆN GIÁO Cầu Nguyện Theo Ý Chúa?

Cầu Nguyện Theo Ý Chúa?

275
0
SHARE

Khi Chúa không đáp lời

Kỳ này, chúng ta sẽ tiếp tục bàn về những khó khăn mà chúng ta có thể gặp phải trong đời sống cầu nguyện. Hãy cùng xem xét lý do tại sao đôi khi Chúa không nhậm lời cầu nguyện của chúng ta.

Tất cả chúng ta đều muốn Chúa nhậm lời cầu nguyện của mình. Nên khi điều đó không xảy ra, chúng ta có thể cảm thấy rất chán nản và thất vọng. Vì vậy, tôi nghĩ điều cực kỳ quan trọng là chúng ta phải hiểu được lý do tại sao Ngài không đáp lời.

Khi Chúa im lặng, dường như Ngài muốn dạy chúng ta điều gì đó. Khi cầu nguyện với Chúa, hầu hết mọi người đều nói, “xin ban cho con (cái này/cái kia)”, “xin ban phước cho con”, “xin giúp đỡ con”, v.v. Tôi không nói là chúng ta đừng bao giờ cầu nguyện như vậy. Nếu ai đó đang đau bệnh, thì họ thực sự cần được chữa lành. Nếu ai đó mất việc, thì họ thực sự đang gặp khó khăn về tài chính. Nếu ai đó sắp ly hôn, thì đây là một cuộc khủng hoảng thực sự trong đời sống của họ.

Không phải Chúa thích nhìn chúng ta đau khổ. Với tư cách là những cá nhân, đang sống trong một nền văn hóa và một xã hội tồn tại trên đất này, chúng ta khác xa với ý định và mục đích ban đầu mà chúng ta được dựng nên. Chúng ta đã bị khuất phục bởi tội lỗi và thậm chí không biết nhìn nhận thế giới xung quanh một cách chính xác. Chúng ta đã trở nên ích kỷ đến mức không thể tưởng tượng nổi. Đôi mắt của chúng ta bị mù lòa đến mức không nhìn thấy những gì đang xảy ra trong thế giới xung quanh bởi vì chúng ta quá tập trung vào bản thân. Điều này bộc lộ ngay từ thời thơ ấu khi con trẻ đánh nhau và tranh giành một món đồ chơi. “Cha ơi, anh hai lấy đồ chơi của con!” “Của con!” “Của con!” “Của con!”

Đây là vấn đề thực sự trong cách cầu nguyện của chúng ta – chủ nghĩa vị kỷ hoặc tính tự cho mình là trung tâm. Chúng ta có khuynh hướng chỉ nghĩ đến mình và do đó chỉ cầu xin cho bản thân mình. Nếu Đức Chúa Trời đáp lại tất cả những lời cầu nguyện đó, thì Ngài sẽ khuyến khích sự ích kỷ, điều hoàn toàn trái ngược với bản chất của Ngài.

Hãy xem xét một vài phân đoạn Kinh Thánh quan trọng:

Vì Con Người đã đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ, và hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người.” (Mác 10:45)

Nếu ai đến theo Ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa thì không thể làm môn đồ Ta.” (Lu-ca 14:26)

Đức Chúa Giê-xu đáp: ‘Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết tâm trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi.’ Ấy là điều răn thứ nhất và quan trọng hơn hết. Còn điều răn thứ hai cũng giống như vậy: ‘Ngươi phải yêu người lân cận như chính mình.’” (Ma-thi-ơ 22:37-39)

Chúa Giê-xu đến không phải để người ta phục vụ Ngài nhưng để Ngài phục vụ người ta, và Ngài kêu gọi chúng ta cũng làm như vậy.

Kinh Thánh nói Đức Chúa Trời xứng đáng để chúng ta yêu mến Ngài hết lòng, hết linh hồn và hết tâm trí. Chúng ta được mời gọi yêu mến Ngài hơn chính mạng sống mình và yêu tha nhân như chính mình. Nói một cách thực tế, nếu bạn cầu nguyện 10 phút cho nhu cầu của mình, hãy cố gắng dành 10 phút tiếp theo để cầu nguyện cho nhu cầu của những người xung quanh. Hãy biến việc nghe và hiểu Lời Chúa thành hành động thực tế. Nếu bạn mua một đôi giày cho mình, cũng hãy mua một đôi khác cho người đang cần.

Phần lớn thời gian, chúng ta lo lắng về lợi ích trong đời này của mình, nhưng Chúa quan tâm đến lợi ích của chúng ta trong cõi đời đời. Đôi khi Chúa không trả lời chúng ta theo cách chúng ta muốn, và đôi khi Ngài không nhậm lời cầu nguyện của chúng ta. Chúa quan tâm sâu sắc đến chúng ta, nhưng những ưu tiên của chúng ta không phải lúc nào cũng phù hợp với ưu tiên của Ngài. Chúng ta sẽ lạm dụng các phước lành của Chúa nếu Ngài ban cho chúng ta bất cứ điều gì chúng ta cầu xin. Chúng ta dễ có những động cơ bị bóp méo và chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng mình. Tuy nhiên, nếu chúng ta bắt chước Chúa Giê-xu, sử dụng những ơn lành Chúa ban vì lợi ích của người khác, thì Đức Chúa Trời sẽ muốn ban ơn cho chúng ta nhiều hơn nữa.

“…khi các ngươi đưa tay lên, thì Ta che mắt khỏi các ngươi. Cho dù các ngươi có cầu nguyện nhiều, Ta cũng chẳng nghe. Vì tay các ngươi đẫm máu. Hãy rửa cho sạch, hãy thanh tẩy chính mình! Hãy loại bỏ những việc ác khỏi mắt Ta; Đừng làm điều ác nữa. Hãy học làm lành, tìm kiếm công lý; Giúp đỡ người bị áp bức, xét xử công minh cho kẻ mồ côi, bênh vực lý lẽ người góa bụa.” (Ê-sai 1:15-17)

Nếu có ai nói: “Tôi yêu thương Đức Chúa Trời” mà lại ghét anh em mình thì người ấy là kẻ nói dối. Vì người nào không yêu thương anh em mình thấy thì không thể yêu thương Đức Chúa Trời mà mình không thấy được. Chúng ta đã nhận nơi Ngài điều răn nầy: Ai yêu thương Đức Chúa Trời thì cũng phải yêu thương anh em mình.” (1 Giăng 4:20-21)

Ê-sai cho chúng ta biết lý do tại sao Đức Chúa Trời không lắng nghe hoặc không đáp lại lời cầu nguyện của chúng ta. Đôi tay bạn có thể không vấy máu, nhưng nếu chúng ta không học làm điều lành, chăm sóc trẻ mồ côi, giúp đỡ người nghèo khó thì lời cầu nguyện của chúng ta sẽ không đẹp lòng Chúa. Sứ-đồ Giăng cũng khá thẳng thắn khi nói rằng nếu chúng ta tuyên bố mình yêu Chúa mà không yêu người, thì thực ra chúng ta đang nói dối.

Khi một người chỉ biết cầu nguyện cho bản thân mình, điều này cho thấy một lối sống và suy nghĩ vị kỷ, về cơ bản điều này trái ngược với sự dạy dỗ của Cơ-đốc giáo. Đức Chúa Trời muốn chúng ta không chỉ nói những điều đúng đắn mà còn làm những điều đúng đắn nữa.

Điều đáng lưu ý là có hai hình thức cầu nguyện:

1. Cầu nguyện nài xin là khi bạn cầu xin một điều gì đó liên quan đến nhu cầu trong đời sống mình—ví dụ: công việc, xe cộ, chuyện học hành, gia đình, hoặc sức khỏe của bạn…

2. Cầu thay là khi bạn thay mặt người khác cầu xin một điều gì đó cho họ. Thường điều bạn cầu xin không liên quan đến của cải vật chất, mà là sự cứu rỗi của ai đó.

Hình thức cầu nguyện thứ hai đặc biệt làm đẹp lòng Chúa, và Ngài muốn chúng ta cầu nguyện cho người khác xuất phát từ sự quan tâm mà chúng ta dành cho họ.

Chúng tôi có một cháu gái 5 tuổi và vợ tôi mua rất nhiều thứ cho cháu. Con bé lớn nhanh – nhanh đến nỗi quần áo vợ tôi mua cho cháu có khi không kịp mặc. Một hôm, khi thấy vợ tôi mang hai đôi giày từ cửa hàng về nhà, tôi hỏi cô ấy, “Sao em mua nhiều thế? Con bé sẽ lớn rất nhanh và không kịp mang tới đôi thứ hai.” Vợ tôi trả lời đôi thứ hai là dành cho con gái nhà hàng xóm. Họ cũng có một bé gái 5 tuổi, nhưng hoàn cảnh sống không tốt bằng chúng tôi. Tôi nghĩ đây chính xác là điều mà Chúa Giê-xu muốn thấy trong đời sống của chúng ta. Nếu bạn có hai chiếc áo, hãy cho một chiếc, và nếu bạn có hai đôi giày, hãy làm tương tự. Chắc chắn đây chính là điều mà Chúa Giê-xu có ý nói đến khi Ngài dạy rằng chúng ta phải yêu thương người lân cận mình.

Vậy, ai sống mà chỉ tập trung cầu nguyện cho những mong ước nhất thời của mình sẽ không đẹp lòng Chúa. Điều này bắt nguồn từ sự ích kỷ. Tuy nhiên, có một loại cầu nguyện nuôi dưỡng một lối sống hoàn toàn khác. Cầu nguyện như thế này làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, và Ngài thích nghe cũng như thích đáp lại những lời cầu nguyện như thế. Loại cầu nguyện này bắt nguồn từ sự quan tâm đến người khác.

Ví dụ trong Kinh Thánh

Chúng ta đã bàn về lời cầu nguyện của Môi-se trước đây (được ghi lại trong Xuất Ê-díp-tô Ký 32:9-14). Hãy quay trở lại câu chuyện đó. Chuyện gì đã xảy ra khi ấy?

Bị bao bọc bởi bóng tối trên Núi Si-nai, Môi-se đã vắng mặt trong 40 ngày. Dân sự mất niềm tin rằng Môi-se sẽ trở lại và tự làm cho mình một thần tượng, một con bê vàng, mà họ nói là sẽ đưa họ trở lại Ai Cập. Chúa bảo Môi-se tránh sang một bên, vì Ngài có ý định tiêu diệt dân này ngay lập tức vì tội phản nghịch. Nhưng Môi-se đã cầu xin sự cứu rỗi cho họ. Ông xưng nhận tội lỗi và sự cứng đầu của họ, rồi cầu xin Chúa thương xót họ.

Môi-se kêu cầu Giê-hô-va Đức Chúa Trời của mình rằng: “Lạy Đức Giê-hô-va, tại sao cơn thịnh nộ Ngài lại nổi lên với dân Ngài, là dân mà Ngài đã dùng quyền uy lớn lao và cánh tay mạnh mẽ đem ra khỏi đất Ai Cập? Tại sao lại để cho người Ai Cập nói: ‘Ngài cố ý đem họ ra khỏi đây để giết chết họ trong núi, và tiêu diệt họ khỏi mặt đất’? Cầu xin Chúa nguôi giận và từ bỏ ý định giáng họa cho dân Ngài.”” (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:11-12)

Điều Môi-se quan tâm nhất là danh Chúa được vinh hiển, kế hoạch của Ngài được hoàn thành và quyền uy của Ngài trước mặt các dân khác. Lời cầu nguyện này rất đẹp lòng Đức Chúa Trời. Bài kiểm tra này cho thấy tôi tớ của Đức Chúa Trời có lòng quan tâm và lòng trắc ẩn sâu sắc đối với dân sự, và Đức Chúa Trời rất vui lòng nhậm lời cầu nguyện của ông.

Nói thêm về mục đích của việc cầu nguyện

Đây là điều cần ghi nhớ:

Mục đích của việc cầu nguyện không chỉ đơn thuần là tập trung vào bản thân chúng ta, nhưng tập trung chủ yếu vào Chúa và những người khác. Điều này giúp chúng ta có thái độ đúng đắn và mở lòng đón nhận câu trả lời từ Chúa. Ngay cả trước khi chúng ta cầu nguyện với Chúa để biết Ngài, Ngài đã biết chúng ta và có một kế hoạch cho chúng ta.

Vì những người Ngài đã biết trước thì Ngài cũng định sẵn cho họ trở nên giống như hình ảnh Con Ngài, để Con ấy được làm Con trưởng giữa nhiều anh em.” (Rô-ma 8:29)

Ngay cả trước khi bạn và tôi được sinh ra, Đức Chúa Trời đã định rằng chúng ta sẽ trở nên giống như Con Ngài. Bản chất của Đấng Christ được thể hiện rõ ràng nhất ở một người cầu nguyện và chúc phước cho kẻ thù của mình. Đây là những gì chính Chúa Giê-xu đã nói:

Nhưng Ta bảo các con: Hãy thương yêu kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các con để các con được trở nên con của Cha các con ở trên trời, vì Ngài khiến mặt trời mọc lên chiếu sáng kẻ gian ác lẫn người lương thiện, ban mưa cho người công chính lẫn người bất chính.” (Ma-thi-ơ 5:44-45)

Có thể cầu nguyện cho kẻ thù của bạn là một bước tiến lớn để trở nên trưởng thành về mặt thuộc linh. Trưởng thành thuộc linh là hiểu được ý nghĩa của Phúc Âm trong đời sống mình và chia sẻ cùng một tin lành đó cho mọi người mà bạn tiếp xúc. Điều đó có nghĩa là sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai gặp khó khăn, ngay cả khi người đó đã làm tổn thương bạn trước đây.

Bạn đã sẵn sàng để bắt đầu cầu nguyện cho nhu cầu và sự cứu rỗi của những người xung quanh mình chưa?

Bây giờ chúng ta hãy tóm tắt một chút thái độ của Chúa đối với lời cầu nguyện của chúng ta:

  • Chúa không thích một đời sống ích kỷ trong sự cầu nguyện.
  • Chúa muốn chúng ta tập trung vào Ngài trong lúc cầu nguyện.
  • Chúa khuyến khích chúng ta cầu nguyện cho nhu cầu và sự cứu rỗi của người lân cận.

Lời cầu nguyện như vậy phải xuất phát từ mối quan tâm của chúng ta dành cho họ (chứ không phải kiểu máy móc).

  • Chúa đẹp lòng khi chúng ta cầu thay cho kẻ thù mình.

Nếu xuất phát từ tấm lòng chân thành, thì lời cầu nguyện như vậy chứng tỏ sự trưởng thành về mặt thuộc linh của một người. Điều đó thể hiện qua hành động thương xót đối với những người đã làm điều sai quấy với chúng ta.

Và đây là một câu nói đáng suy ngẫm nữa: càng cầu nguyện cho người khác, bạn càng sẵn lòng giúp đỡ họ.

Hãy cầu nguyện với tôi:

Kính lạy Đức Chúa Trời yêu dấu của chúng con, chúng con biết ơn Ngài về những lẽ thật trong sự cầu nguyện mà Ngài đã bày tỏ cho chúng con qua loạt bài này.

Xin Chúa giúp chúng con luôn tin tưởng, trông cậy vào Ngài và không nghi ngờ tình yêu của Ngài. Xin giúp chúng con biết sống vì sự vinh hiển của Chúa. Xin giúp chúng con bỏ lại sau lưng mọi ích kỷ ngăn trở chúng con hoàn toàn hiệp nhất với Ngài. Nguyện kế hoạch của Ngài được làm trọn trong đời sống của chúng con.

Amen!

Biên tập: Eunice Tu

Nguồn: hope.study/unlimited-power-of-prayer; hoithanh.com

SHARE
Bài trướcTiếng Anh Suki
Bài sauEnglish Oct. 27

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên