Kết thúc loạt bài này, tôi xin chia sẻ với bạn một số lời khuyên thiết thực đã giúp tôi duy trì sự tập trung trong khi cầu nguyện và có những cuộc trò chuyện ý nghĩa với Chúa.
Làm thế nào để cầu nguyện lâu hơn?
Giống như bất kỳ cuộc trò chuyện nào, lời cầu nguyện phải chứa nội dung. Tuy nhiên, trước khi nói về điều này một cách chi tiết, có một điểm quan trọng cần nhắc lại về thời gian cầu nguyện. Nhiều người nghĩ rằng cầu nguyện 2 tiếng vào buổi sáng có nghĩa là chúng ta phải nói gì đó trong suốt 2 tiếng.
Nhưng điều này không hoàn toàn đúng vì thì giờ cầu nguyện buổi sáng bao gồm việc đọc Kinh Thánh, suy ngẫm Lời Chúa và đặt ra những câu hỏi khi suy ngẫm về phân đoạn Kinh Thánh mà mình đã đọc. Tất cả những việc này là một phần trong thời gian tĩnh nguyện. Vì vậy, bạn có thể thấy thật dễ dàng biết bao khi dành ngần ấy thời gian để cầu nguyện buổi sáng.
Vậy, đây là một số lời khuyên về cách lấp đầy lời cầu nguyện của bạn:
1. Tránh những cụm từ chung chung như “xin ban phước cho người nghèo”, “xin tha thứ cho tội lỗi của con”, “xin chúc phước cho hội thánh của con”, v.v. Khi sếp của bạn ở cơ quan gọi điện và muốn bạn báo cáo về một dự án mà bạn đang thực hiện, bạn sẽ không nói, “Mọi thứ đều ổn cả”. Bạn biết sếp của mình không tìm kiếm một tuyên bố chung chung, và bạn sẽ cung cấp một mô tả chi tiết về những gì bạn đã làm. Tương tự như vậy, trong cuộc trò chuyện với Chúa, bạn cần phải cực kỳ rõ ràng trong những gì bạn nói với Ngài.
2. Hãy cầu xin sự giúp đỡ một cách cụ thể. Khi gặp khó khăn, bạn thường nói, “Chúa ơi, xin hãy giải quyết vấn đề của con”; nói như vậy thì hơi mơ hồ. Bạn nên nói cụ thể những gì đã xảy ra với mình và sau đó cầu xin Chúa giúp đỡ. Bạn không cần nói với Chúa phải làm gì và làm như thế nào mà chỉ cần nương cậy nơi sự khôn ngoan của Ngài.
3. Bạn cần liệt kê cụ thể những điều mà bạn biết ơn. Khi bạn muốn cảm ơn Chúa vì lòng nhân từ bao la của Ngài đối với bạn, thì những lời như, “Chúa ơi, con cảm ơn Ngài vì mọi phước lành của Ngài,” thực sự nghe có vẻ khá hời hợt. Sẽ có ý nghĩa hơn nhiều đối với bạn và Chúa nếu bạn ghi nhớ từng phước lành của Ngài và liệt kê chúng ra một cách cụ thể.
4. Bạn cần phải ăn năn tội lỗi của mình. Khi bạn cầu xin Chúa tha thứ cho những lỗi lầm của mình, chỉ đơn giản nói, “Lạy Chúa, xin tha thứ cho (tất cả) tội lỗi của con,” là quá chung chung. Nói như vậy không thể hiện được chiều sâu của sự ăn năn chân thành và thái độ khiêm nhường của một người cần sự tha thứ. Cần phải nêu rõ từng tội lỗi, chẳng hạn: “Hôm nay con đã thô lỗ với vợ”, “Con đã mất bình tĩnh và quát mắng con trai mình” hoặc “Con đã nói xấu hàng xóm của mình”, v.v.
5. Hãy cầu nguyện cho người khác một cách chi tiết. Khi bạn cầu xin Chúa giúp đỡ người khác, hãy tránh những cụm từ như – “Lạy Chúa, xin chăm sóc người nghèo đói”, “xin hãy giúp đỡ hàng xóm của con” hoặc “xin chúc phước cho hội thánh của con”. Thay vào đó, hãy nêu đích danh người đó và vấn đề của họ. Ví dụ, “Chúa ơi, Ngài biết người phụ nữ này, cô ấy đã mất chồng” hoặc “đã mất việc”. Khi cầu nguyện cho hội thánh, hãy ghi ra tên của các thành viên; những người mẹ, những người cha, mọi đứa trẻ, tất cả các lãnh đạo, chấp sự, mục sư, và cầu nguyện cho mọi nhu cầu mà bạn biết. Đó không phải là một lời cầu nguyện vài ba phút. Nêu tên từng người khi cầu nguyện giúp hình thành một mối liên kết giữa bạn và người này, tạo ra ý thức trách nhiệm của bạn dành cho họ. Chúa thường soi dẫn chúng ta để hiểu được nhu cầu của những người cần được cầu nguyện, và Ngài sẽ cho chúng ta biết điều gì là tốt nhất để cầu nguyện cho họ.
Trên thực tế, cầu nguyện cho nhu cầu cụ thể của từng người sẽ khiến chúng ta dành thời gian cá nhân của mình để giúp đỡ họ trong lúc họ cần.
Như chúng ta đã thảo luận, mục đích của việc cầu nguyện không phải là thông báo cho Chúa biết chuyện gì đang xảy ra. Tuy nhiên, Ngài có thể cho chúng ta biết làm thế nào chúng ta có thể hợp tác với Ngài để lời cầu nguyện của chúng ta cho người khác được đáp lời.
Chúa sẽ làm việc với những trường hợp mà chúng ta trình bày rõ ràng với Ngài trong khi cầu nguyện. Bằng cách cầu nguyện cho những điều cụ thể, chúng ta đang mời Chúa hành động. Và Ngài thường chọn đáp lại những lời cầu nguyện của chúng ta bằng cách hành động qua chúng ta. Chúa tôn trọng sự lựa chọn của chúng ta. Ngài cho chúng ta tự do lựa chọn cầu nguyện cho ai và cầu nguyện về điều gì. Và Ngài đẹp lòng khi chúng ta chọn cầu nguyện cho người khác.
Một lần nữa, xin nói rõ ở đây rằng, Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ thúc đẩy chúng ta hoặc can thiệp vào những lĩnh vực mà chúng ta không mời Ngài làm việc. Chúa không phá cửa để xông vào. Sa-tan có thể làm vậy, nhưng Chúa luôn gõ cửa và đợi bạn mở cửa mời Ngài. Khi bạn trình bày những nhu cầu cụ thể, Chúa sẽ hành động trong lĩnh vực cụ thể đó.
Nếu bạn đang cầu nguyện cho hội thánh và thực sự quan tâm đến hội thánh của mình, bạn sẽ đầu tư sức lực của mình cho những người đang cần sự giúp đỡ. Bạn càng làm điều đó, bạn sẽ càng yêu mến gia đình đức tin của mình và Chúa càng có thể hành động qua bạn nhiều hơn. Nhưng đây không phải là kết quả của những lời cầu nguyện ngắn ngủi, nhanh chóng, nửa vời được thực hiện vì nghĩa vụ thay vì sự tận hiến.
Vượt qua những trở ngại trong đời sống cầu nguyện
Trở ngại #1: Những cụm từ thuộc nằm lòng
Một lời cầu nguyện kiểu truyền thống, thường có những cụm từ được lặp đi lặp lại một cách vô thức và đôi khi được nói ra một cách không kiểm soát [do quen miệng]. Khi bạn đã quen với lối cầu nguyện như vậy, bạn thậm chí không cần phải suy nghĩ và não bộ của bạn sẽ chuyển sang chế độ nghỉ tạm thời. Tuy nhiên, nếu lời cầu nguyện của bạn là một cuộc trò chuyện, thì bạn cần phải suy nghĩ trước rồi nói sau.
Trở ngại #2: Cầu nguyện kiểu trang trọng
Cầu nguyện không phải là những lời kinh kệ khô khan hay không có cảm xúc. Lời cầu nguyện phải là sự giao tiếp chân thật, sâu sắc, thực tế và liên kết với Đức Chúa Trời. Cầu nguyện thực sự là khi bạn bày tỏ cảm xúc thật của mình thay vì giả vờ là mình ổn. Chúa không muốn chúng ta giả vờ. Cho dù bạn giỏi diễn kịch đến đâu, Ngài biết tất cả những ưu điểm cũng như những khuyết điểm của bạn và những nhu cầu sâu xa nhất của bạn.
Trở ngại #3: Sợ hãi
Trong khi một số người chỉ đơn giản là không muốn mở lòng với Chúa, thì những người khác lại sợ thú nhận với Ngài cảm xúc của họ. Bạn không cần phải sợ khi nói chuyện một cách chân thành với Chúa về các vấn đề của mình. Ngài yêu sự chân thành và luôn muốn giúp đỡ chúng ta. Ví dụ, nếu bạn gặp khó khăn trong việc tập trung vào Chúa khi cầu nguyện, thì hãy thành thật với Ngài về điều đó, “Chúa ơi, con muốn tin, nhưng con đang phải đấu tranh nội tâm. Xin Chúa dạy con tin. Xin dạy con cách tập trung sự chú ý của con vào Ngài, chứ không phải vào nan đề.”
Trở ngại #4: Thiếu tôn kính
Khi cầu nguyện, bạn cần có một ý thức nghiêm túc về Đấng mà bạn đang thưa chuyện. Nếu bạn không thể ghi nhớ rằng bạn đang nói chuyện với Đức Chúa Trời Chí Thánh, Vua của cõi hoàn vũ, bạn có thể nói chuyện với Ngài mà không có sự tôn kính. Chúng ta có thể nói chuyện với Ngài như nói chuyện với một người bạn thân, nhưng chúng ta không thể hành xử với Ngài như một người bạn đồng trang lứa với mình. Trong Kinh Thánh, chúng ta thấy ngay cả các nhà tiên tri vĩ đại của Đức Chúa Trời như Môi-se, Ê-sai, Đa-ni-ên và Sứ-đồ Giăng cũng phải sấp mặt xuống trước sự hiện diện của một Đức Chúa Trời thánh khiết. Chúa vĩ đại và thánh khiết đến nỗi họ chỉ đơn giản là cảm thấy mình không xứng ở trước sự hiện diện của Ngài cho đến khi một thiên sứ chạm vào họ và ban cho họ sức mạnh để tự đứng trên đôi chân của mình. Nếu bạn có vinh dự được đứng trước chủ tịch thành phố, bạn không phải đang đối diện với một người bình thường nữa mà là một người có địa vị bắt buộc bạn phải đối xử với họ một cách tôn trọng. Và khi gặp gỡ Chúa, bạn phải hiểu rằng bạn đang bước vào nơi thiêng liêng nhất. Bạn đang thưa chuyện với Đức Chúa Trời – Đấng Tạo Hóa của vũ trụ, Vua muôn vua và Chúa của các chúa. Biết điều này sẽ giúp bạn duy trì sự tập trung trong khi cầu nguyện.
Các thiên sứ cũng phải che mặt trước sự hiện diện của Ngài, và đây là những thiên sứ thánh. Vì vậy, chúng ta là ai mà bước vào sự hiện diện của Ngài nhưng không có sự tôn kính?
Hãy tóm lược những gì chúng ta vừa nói với nhau trong bài viết này:
Lời cầu nguyện của bạn sẽ hiệu quả hơn nếu:
- Bạn sử dụng những lời lẽ chân thành, tươi mới thay vì những cụm từ lặp đi lặp lại cách sáo rỗng.
- Bạn kỷ luật tâm trí của mình, và bạn có ý thức về Đấng mà bạn đang thưa chuyện. Điều này sẽ giữ bạn khỏi những suy nghĩ vẩn vơ.
- Bạn liệt kê một cách cụ thể – những phước lành, tội lỗi, nan đề và nhu cầu – thay vì sử dụng những cụm từ chung chung.
- Bạn không ngừng cầu nguyện, tích lũy kinh nghiệm và ngày càng tiến vào những nơi sâu nhiệm trong Đức Chúa Trời. Hãy nhớ rằng, kiến thức lý thuyết về cầu nguyện không giúp bạn trở thành một chiến sĩ cầu nguyện.
Chúng ta sẽ kết thúc loạt bài này tại đây, tôi muốn đưa ra cho bạn lời khuyên này: hãy tập chú vào Đức Chúa Trời, quyền năng và thần tính của Ngài. Đừng rời mắt khỏi Ngài, thì đời sống bạn sẽ được biến đổi.
Hãy cầu nguyện cùng tôi:
Lạy Chúa là Đức Chúa Trời và Cha Thiên Thượng của chúng con!
Chúng con ca ngợi Ngài vì cách Ngài quan tâm đến chúng con, cách Ngài đáp lời cầu nguyện của chúng con và luôn chuẩn bị điều gì đó tốt hơn cho chúng con. Chúng con xin Ngài mở mắt và giúp chúng con nhìn thấy bàn tay của Ngài trong cuộc đời mình, để chúng con không từ chối những gì Ngài ban cho chúng con. Xin giúp chúng con luôn thưa “vâng” với Ngài và bước đi trong đường lối của Ngài. Chúng con phó cuộc đời mình trong bàn tay chăm sóc của Ngài.
Amen!
Biên tập: Eunice Tu
Nguồn: hope.study/unlimited-power-of-prayer