Trang Chủ TRANG CHỦ Hiểu Biết Thần Học Cơ Đốc – phần 1

Hiểu Biết Thần Học Cơ Đốc – phần 1

7227
0
SHARE

Nguyên tác: UNDERSTANDING CHRISTIAN THEOLOGY

Tác giả:  Robert L. Saucy Distinguished Professor of Systematic Theology Talbot School of Theology, La Mirada, California

 

HIỂU BIẾT THẦN HỌC CƠ ĐỐC

PHẦN I: KINH THÁNH

 

Giới thiệu

  1. Tại Sao Kinh Thánh Được Gọi Là Sách Sự Sống?
  2. Khải thị thần thượng là gì?
  3. Khải thị phổ quát là gì?
  4. Khải thị đặc biệt là gì?
  5. Giáo huấn của Kinh Thánh là duy nhất?
  6. Còn Cách Nào Khác để chứng minh Kinh thánh là duy nhất?
  7. Kinh Thánh là Lời soi dẫn của Đức Chúa Trời?
  8. Quan điểm của Đấng Christ về Kinh Thánh?
  9. Kinh Thánh Là Quyển sách của Con Người?
  10. Kinh Thánh Đáng Tin Cậy?
  11. Kinh Thánh Tự Mâu Thuẫn?
  12. Hội Thánh Tin Điều Gì Về Kinh Thánh?
  13. Những Sách nào Thuộc Về Kinh Thánh?
  14. Ngày Nay Kinh Thánh Có Quan Trọng Không?

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Giới thiệu

KINH THÁNH là quyển sách quan trọng nhất trên thế giới. Đây chính là niềm tin quyết của người Cơ Đốc cũng như của các lãnh đạo chính trị chín chắn, các hoàng tộc và những người tri thức nổi tiếng. Vua George V nước Anh đã tuyên bố: “Kinh Thánh… về phương diện thế tục, là báu vật hàng đầu của quốc gia, còn trên phương diện tâm linh, đây chính là sách giá trị nhất mà thế giới có thể mua được bằng tiền.”[1] Tại lễ đăng quang của nữ hoàng Elizabeth II, trong khi bà cầm quyển Kinh Thánh để thể hiện đức tin và lòng trung thành, tổng giám mục Canterbury đã tuyên bố: “Đây là sự khôn ngoan, đây là Luật Hoàng Gia, đây là Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời.”[2]

Patrick Henry, nhà ái quốc Hoa Kỳ nổi tiếng với câu nói bất hủ: “Hãy cho tôi tự do, hoặc cho tôi cái chết,” ông đã nói về Kinh Thánh rằng: “Quyển sách này đáng giá hơn mọi quyển sách khác từng được in ra.”[3] Bằng những lời tương tự, tiểu thuyết gia người Nga Fyodor Dostoevsky sau khi giới thiệu về việc đọc trọn bộ Kinh Thánh bản dịch tiếng Nga đã tuyên bố: “Trước hết, người ta biết chắc rằng nhân loại không có được và cũng không thể có được một quyển sách nào khác vĩ đại như Kinh Thánh.”[4]

Trong thời gian gần đây, Billy Graham đã nói về Kinh Thánh rằng: “Không một quyển sách nào khác có thể chạm đến sự khôn ngoan uyên bác, vẻ đẹp đầy thi vị, hoặc tính chính xác của lịch sử và lời tiên tri trong Kinh Thánh… Kinh Thánh tiêu biểu cho mọi kiến thức mà con người cần để lấp đầy khao khát trong tâm hồn và giải quyết mọi vấn đề… Tôi muốn được thấm đẫm trong Kinh Thánh. Tôi muốn thuộc lòng Kinh Thánh trước khi tôi chết.”[5] Chắc chắn cụm từ thường được nhắc đi nhắc lại trong các bài giảng của ông đó là: “Kinh Thánh dạy rằng…”

Đối với Cơ Đốc Nhân Lời Chúa là vô giá, được minh chứng qua việc những người tin Chúa sẵn lòng hy sinh mạng sống của họ để có được Lời Chúa. Trong thời kỳ hội thánh bị bắt bớ dữ dội năm 303 sau CN, hoàng đế La-mã Diocletian kiên quyết tiêu hủy Kinh Thánh. Tất cả mọi bản sao Kinh Thánh khi phát hiện đều bị đốt cháy. Hàng nghìn Cơ Đốc nhân và gia đình của họ đã tử đạo vì sở hữu những phần của Lời Chúa. Cuộc bách hại và tiêu hủy Kinh Thánh tiếp tục diễn ra trong hai năm, sau đó một chiếc cột chiến thắng được dựng lên trên đống tro tàn của một quyển Kinh Thánh, trên cây cột viết những lời cáo thị rằng Kinh Thánh đã “biến mất.” Nhưng chỉ hai mươi năm sau, hoàng đế Constantine tuyên bố rằng Kinh Thánh chính là thẩm phán không thể sai lầm của lẽ thật. Kẻ thù của Đức Chúa Trời đã nhiều lần cố gắng tiêu hủy Kinh Thánh bằng nhiều cách khác nhau. Nhưng Đức Chúa Trời đã bảo tồn Kinh Thánh – đôi khi bằng một cái giá quá lớn mà dân sự của Ngài phải trả, một cái giá mà đối với họ chẳng đáng chi khi so sánh với báu vật Lời Chúa.

Địa vị cao quý mà người tin Chúa dành cho Kinh Thánh đã khiến cho họ có biệt danh “Dân có Kinh Thánh.” Có lẽ Muhammad là người đầu tiên đặt ra biệt danh này chủ yếu dành cho người Do Thái nhưng cũng dành cho Cơ Đốc nhân bởi vì cả hai đối tượng này đều rất coi trọng sự mặc khải được ghi chép trong Kinh Thánh. Người Hồi Giáo cũng được xếp vào biệt danh này bởi vị trí đặc biệt mà cả ba tôn giáo dành cho các bản Kinh Thánh của họ so với các tác phẩm văn chương khác trong mỗi tôn giáo.

Đối với người Do Thái, Kinh Thánh của họ chính là sự mặc khải trọn vẹn của Đức Chúa Trời cho dân tộc của Ngài. Nhưng đối với Cơ Đốc Nhân, vị trí đó thuộc về Đấng Christ, Ngài là Đức Chúa Trời, Đấng đã đến thế gian để bày tỏ chính Ngài cho nhân loại (Hêb. 1:2). Thật vậy, Đấng Christ chính là Đức Chúa Trời hằng sống và là Đấng có  thẩm quyền tối hậu trên hội thánh. Tuy nhiên điều này không làm giảm đi thẩm quyền của Kinh Thánh. Bởi vì ngoài Kinh Thánh có phương cách nào giúp chúng ta nhận biết Đấng Christ? Và bằng cách nào Đấng Christ thực thi thẩm quyền nếu không có Lời Chúa, đặc biệt khi Ngài còn tại thế? Về sau, chúng ta sẽ thấy sự kết nối bên trong giữa Lời Chúa được bày tỏ qua thân vị của Đức Chúa Giê-su và Lời Chúa được bày tỏ qua Kinh Thánh.

Kinh Thánh là điều thiết yếu của Cơ Đốc giáo bởi vì Kinh Thánh ghi lại sự kiện Đức Chúa Trời can thiệp vào dòng lịch sử nhằm cứu rỗi nhân loại. Song không chỉ là một câu chuyện lịch sử về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, chính Kinh Thánh cũng là một phần trong công tác cứu rỗi đó. Lời Chúa cho chúng ta biết ý nghĩa chức vụ của Đức Chúa Giê-su và bày tỏ phương cách để chúng ta tiếp nhận sự cứu rỗi của Ngài.

Cơ Đốc giáo hoàn toàn cần có Kinh Thánh được minh họa qua việc so sánh Kinh Thánh với các sách của Đạo Hindu. Nếu mọi sách của Đạo Hindu bị tiêu hủy và trên đất không còn ai theo Đạo Hindu, nghĩa là Đạo Hindu hoàn toàn biến mất khỏi nhận thức con người, thì người ta vẫn tin rằng Đạo Hindu hoàn toàn có thể trỗi dậy lần nữa bởi vì cơ bản đó là một lối sống. Người ta cũng suy xét như vậy đối với những tôn giáo khác. Tuy nhiên, nếu mọi bản sao Kinh Thánh đều bị xóa sạch và mọi Cơ Đốc Nhân nếu không còn trên mặt đất, kể cả những gì được lịch sử nhắc đến cũng không còn, khi ấy Đạo Cơ Đốc không thể trỗi dậy lần nữa. Tại sao? Bởi vì Cơ Đốc Giáo hơn cả một lối sống. Đó là một tôn giáo có trong lịch sử được thành lập dựa trên công tác của Đức Chúa Trời trong lịch sử nhân loại, và Kinh Thánh ghi lại lịch sử cứu chuộc đó.

Kinh Thánh khác với mọi quyển sách khác bởi vì đó là Lời của Đức Chúa Trời. Các quyển sách khác dù uyên thâm như thế nào cũng đều là lời của con người. Số người tin Kinh Thánh có thẩm quyền không mắc sai lầm đang ngày một gia tăng trên thế giới giữa lúc các hội thánh tự do ngày một giảm và  Cơ Đốc giáo ngày một tăng trưởng mạnh mẽ ở nhiều nơi trên thế giới.

Tuy nhiên vị trí cao quý của Kinh Thánh đối lập đầy quan ngại với vai trò thực tiễn trong đời sống con người. Đặc biệt tại thế giới Tây Phương khi chủ nghĩa đa nguyên tôn giáo ngày một gia tăng kéo theo việc người ta chấp nhận mọi quan niệm, cùng với những lời phê bình tiêu cực của chủ nghĩa duy lý đối với Kinh Thánh, tất cả đang làm xói mòn lòng tin vào thẩm quyền tối thượng của Kinh Thánh, thậm chí tại nhiều hội thánh tốt. Nhiều quan điểm diễn giải Kinh Thánh khác nhau cũng khiến người ta băn khoăn điều Kinh Thánh thực sự dạy dỗ là gì. Tất cả các yếu tố trên gộp lại làm suy yếu Kinh Thánh là trụ cột của đức tin và là nguồn gây dựng đời sống tín hữu.

Quan trọng hơn hết, nhiều người tin Chúa gặp vấn đề vì thiếu niềm tin vào sự linh nghiệm của Kinh Thánh. Chúng ta tôn kính Kinh Thánh là Lời thánh của Đức Chúa Trời, nhưng chúng ta không đọc Kinh Thánh. Khi gặp bối rối trước những vấn đề trong cuộc sống, chúng ta thường tìm kiếm sự giúp đỡ và an ủi từ những điều khác ngoài Kinh Thánh. Có rất nhiều lý do khiến chúng ta mất lòng tin nơi Kinh Thánh. Đầu tiên, chúng ta đang sống trong một xã hội chống đối sự độc đoán. Người ta không muốn bất kỳ ai dạy họ việc phải làm, dù đó là con người hay Thượng đế. Hệ quả là nhiều Cơ Đốc Nhân không làm theo Lời Chúa, không tiếp nhận Lời Chúa vào lòng với thái độ tin cậy vâng lời để được biến đổi đời sống. Chính vì vậy, nhiều người kết luận rằng Kinh Thánh không thật sự linh nghiệm.

Dĩ nhiên, Kinh Thánh đóng vai trò trung tâm trong mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và con người. Duy nhờ Kinh Thánh mà chúng ta có thể nhận biết Chúa, và theo lời Đức Chúa Giê-su phán, đây chính là sự sống đời đời (Giăng 17:3). Kinh Thánh duy trì và nuôi dưỡng đời sống Cơ Đốc để chúng ta được lớn lên trong kinh nghiệm bước đi với Chúa. Vậy nhận định Kinh Thánh là “Quyển sách” lịch sử nhân loại là phù hợp với thực tiễn, và người nào không đặt Kinh Thánh ở đúng vị trí trong cuộc sống sẽ phải chịu tổn thất.

Tuy nhiên quyển sách mà chúng ta gọi là Kinh Thánh là gì? Làm sao con người có Kinh Thánh? Điều gì khiến Kinh Thánh có thẩm quyền? Có phải Kinh Thánh thật sự không sai lầm? Tại sao Kinh Thánh bao gồm sáu mươi sáu sách còn những sách khác thì bị loại? Lời dạy của Kinh Thánh liên hệ thế nào với hội thánh và con người? Làm thế nào chúng ta hiểu được lời dạy trong Kinh Thánh? Chúng ta cần làm gì để kinh nghiệm quyền năng biến đổi của Kinh Thánh? Những câu hỏi trên cùng với những câu hỏi khác chính là chủ đề của bài nghiên cứu này, với mục đích đó là Kinh Thánh sẽ hoàn thành công việc như đã hứa trong đời sống chúng ta.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHẦN I: KINH THÁNH

1

Tại sao Kinh Thánh được gọi là Quyển sách Sự sống?

 

So với mọi quyển sách khác trên thế giới, Kinh Thánh là ĐỘC NHẤT bởi vì những lời trong đó được nạp bằng sự sống và năng quyền của Đức Chúa Trời. Không phải người ta gắn Đức Chúa Trời vào giấy mực hay là cuộn giấy trong thời cổ đại. Nhưng sự hiện diện của Chúa được truyền đạt qua lẽ thật Lời Ngài. Năng quyền độc nhất của Lời Chúa được Cơ Đốc Nhân lẫn những người không tin Chúa kinh nghiệm như nhau. J. B. Phillips, người đầu tiên viết diễn giải Tân Ước, đã làm chứng về kinh nghiệm của chính ông trong việc cẩn thận nghiên cứu Kinh Thánh. Trong lời mở đầu của tác phẩm ông đã viết: “Người biên dịch… luôn bị choáng ngợp bởi phẩm chất hằng sống của tài liệu mà ông đang biên dịch. Chắc chắn một số người chỉ xem Kinh Thánh như là sự tôn sùng đầy mê tín đối với ‘Đức Thánh Linh,’ song hết lần này đến lần khác, tác giả cảm thấy mình như một người thợ điện đang mắc lại hệ thống điện của một căn nhà cổ xưa nhưng không thể ‘tắt lưới điện chính.’”[6]

Tương tự, nhà bác học người Pháp Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) với những triết lý mở đường cho chủ nghĩa giải phóng nhân loại, ông cũng đã cảm thấy choáng ngợp trước động lực độc nhất của Kinh Thánh. Ông viết: “Tôi thừa nhận rằng sự uy nghiêm của Kinh Thánh đã khiến tôi kinh ngạc; sự thánh khiết của các trước giả giả Phúc Âm đã phán với lòng tôi và họ có những phẩm chất của lẽ thật đầy cuốn hút, và hơn thế nữa, thật không thể bắt chước được, rằng nếu Kinh Thánh là do con người sáng tác, thì các trước giả đó chắc hẳn phải vĩ đại hơn các anh hùng vĩ đại nhất.”[7] Ngày nay chúng ta không thể nghe được những lời như thế từ những triết gia hàng đầu, tuy nhiên chắc chắn việc này không phải do Kinh Thánh không còn tác động đến tấm lòng con người nhưng do người ta không còn đọc Kinh Thánh nhiều như trước nữa.

 

NĂNG QUYỀN CỦA LỜI CHÚA

Chúng ta đều nghe câu nói: “Gậy và đá có thể đập vỡ xương tôi, nhưng lời nói không thể làm tôi tổn thương.” Tuy nhiên kinh nghiệm cho thấy nhận định này không hoàn toàn chính xác. Lời nói gây tổn thương, nhưng chúng cũng có thể chữa lành. Thậm chí Kinh Thánh đã viết về lời nói của con người rằng: “Sống chết ở nơi quyền của lưỡi” (Châm 18:21). “Lưỡi hiền lành giống như một cây sự sống; Song lưỡi gian tà làm cho hư nát tâm thần” (15:4). Lời nói con người có sức mạnh như chiếc bánh lái điều khiển được con tàu hoặc như một đám lửa nhỏ có thể làm cháy cả khu rừng (Gia 3:4-6; cũng xem Châm 25:15).

Nếu lời nói con người có sức mạnh như thế thì Lời Chúa lại càng có năng quyền gấp ngàn lần hơn! Dĩ nhiên, lời nói của con người có giới hạn do bản chất tạo vật của con người là hữu hạn. Tuy nhiên Đức Chúa Trời là vô hạn nên lời phán của Ngài có năng quyền vô song. Đức Chúa Giê-su phán cùng các môn đồ rằng: “Những lời ta phán cùng các ngươi đều là thần linh và sự sống” (Giăng 6:63), nghĩa là Lời Chúa phán có năng quyền của Đức Thánh Linh và sự sống. Vào lúc phán ra điều này, nhiều người khi trước theo Chúa đã từ bỏ không còn theo Ngài nữa. Nhưng các môn đồ vì đã tiếp nhận Lời Chúa nên được kinh nghiệm năng quyền của Lời Ngài. Khi Chúa hỏi rằng liệu các môn đồ cũng sẽ thoái lui, Phi-e-rơ quả quyết thay mặt cho mười hai môn đồ mà đáp lại rằng: “Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời” (6:68).

Trước giả sách Hê-bơ-rơ công bố: “Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng” (Hê 4:12). Điều thú vị đó là tác giả sách Hê-bơ-rơ cũng đã dùng từ “sống” để mô tả về chính Đức Chúa Trời (3:12; 9:14; 10:31; 12:22). Đức Chúa Trời hằng sống ban Lời có sự sống của Ngài. Và bởi vì Lời Chúa là lời “sống” nên lời Chúa cũng là lời “linh nghiệm.”

Trong một bản cáo trạng dài lên án các tiên tri giả đã nói những lời “không làm ích gì” cho dân Ngài, Đức Chúa Trời công bố năng quyền trong lời chân thật của Ngài: “Lời ta há chẳng như lửa, như búa đập vỡ đá sao?” (Giê 23:29, 32). Đức Chúa Trời phán cùng tiên tri Giê-rê-mi rằng: “Nầy, ta sẽ khiến lời ta nên như lửa trong miệng ngươi, dân nầy sẽ như củi, và lửa ấy sẽ nuốt nó” (5:14). Có lúc vị tiên tri này từ chối công bố Lời mà Chúa đã truyền cho ông, ông cảm nhận lời Chúa như “lửa đốt cháy” trong “lòng” và trong “xương” (20:9).

Xuyên suốt Kinh Thánh, Đức Chúa Trời thực hiện ý muốn của Ngài bằng lời năng quyền. Tất cả sự bao la của vũ trụ được tạo nên nhờ lời phán của Chúa. Tám lần trong Sáng thế ký 1 viết rằng: “Đức Chúa Trời phán…” Như tác giả Kinh Thánh viết rằng: “Thế gian đã làm nên bởi lời của Đức Chúa Trời”  (Hê 11:3). Tác giả Thi thiên khẳng định: “Các từng trời được làm nên bởi lời Đức Giê-hô-va” (Thi 33:6). “Lời có quyền phép Ngài” tiếp tục nâng đỡ muôn vật để chúng được tồn tại (Hêb. 1:3).

Lời Chúa giống như những người đưa tin đầy năng quyền chạy đi khắp trái đất để hoàn thành ý muốn Chúa. “Ngài ra lịnh mình trên đất, Lời của Ngài chạy rất mau” (Thi. 147:15). Sứ đồ Phao-lô đã cầu nguyện rằng: “Vả lại, hỡi anh em, hãy cầu nguyện cho chúng tôi, hầu cho đạo Chúa được đồn ra và được sáng danh, như thể ở trong anh em vậy” (2 Tê. 3:1). Trong thời cổ đại, khi dân sự của Đức Chúa Trời kêu cầu Chúa giữa lúc gian truân (là hậu quả của những tội lỗi mà họ đã phạm), trước giả Thi Thiên đã nói rằng: “Ngài ra lệnh chữa họ lành, rút họ khỏi cái huyệt” (Thi 107: 19-20). Và khi Lời Chúa “chạy” thì chạy cách đầy năng quyền và hiệu quả. “Lời nói của ta… đã ra từ miệng ta, thì chẳng trở về luống nhưng, mà chắc sẽ làm trọn điều ta muốn, thuận lợi công việc ta đã sai khiến nó” (Ê-sai 55:11).

Hội thánh đầu tiên gặp nhiều bắt bớ. Bắt đầu từ một nhóm nhỏ những con người tầm thường mà chẳng có ai là “vĩ nhân” theo chuẩn mực con người, mặc dầu vậy họ đã chiến thắng mọi thù địch. Việc hội thánh giảng đạo phúc âm là “lời” của Chúa đã ảnh hưởng đến cả thế giới thời bấy giờ. “Đạo Đức Chúa Trời càng ngày càng tràn ra” (Công 6:7); “đạo Đức Chúa Trời tấn tới rất nhiều, càng ngày càng tràn thêm ra” (Công 12:24); “Ấy vậy, nhờ quyền phép của Chúa, đạo bèn đồn ra, càng ngày càng được thắng” (Công 19:20). Sứ đồ Phao-lô bị giam vào ngục vì đã làm chứng cho Đấng Christ, là điều mà rất nhiều tín hữu đã phải chịu xuyên suốt lịch sử hội thánh, nhưng Phao-lô viết rằng: “đạo của Đức Chúa Trời không hề bị trói đâu” (2 Ti. 2:9). Tù đày có thể tạm dừng chuyển động của người đưa tin, nhưng nó không thể ngăn cản quyền năng của sứ điệp của Chúa. Thực tế như trong trường hợp của Phao-lô, tù đày lại “giúp thêm sự tấn tới cho đạo Tin lành” (Phi-líp 1:12).

Đức Chúa Giê-su Christ chính là Lời của Đức Chúa Trời, đích thân Ngài đã đến với con người. “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời… Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta” (Giăng 1:1, 14). Ngôi Lời nhập thể, Con Đức Chúa Trời có sự hiện diện đầy năng quyền của Đức Chúa Trời, chính vì vậy những lời Đức Chúa Giê-su phán dầy dẫy năng quyền của Đức Chúa Trời. Đến lúc tận cùng của trái đất, trời sẽ mở ra và Đấng đắc thắng, tức là Vua muôn vua và Chúa các chúa, danh Ngài là “Lời của Đức Chúa Trời,” sẽ đến cưỡi trên một con ngựa trắng để hủy phá mọi nước bởi lưỡi gươm bén ra từ miệng Ngài (Khải 19:11-16). Cảnh tượng này không khác gì đích thân Ngôi Lời của Đức Chúa Trời thi hành quyền năng Ngài bởi lời thẩm quyền từ chính miệng của Ngài. Lời ra từ miệng Đức Chúa Trời có năng quyền của Ngôi Lời nhập thể.

 

SỰ SỐNG QUA LỜI CỦA CHÚA

Đức Chúa Trời, tác giả đích thực của Kinh Thánh, chính là “Đức Chúa Trời hằng sống.” Duy Chúa là Đấng tự hữu, và mọi sự sống khác đều phụ thuộc vào Ngài.  Trước giả Thi Thiên đã nói rằng: “Vì nguồn sự sống ở nơi Chúa” (Thi. 36:9). Mọi tạo vật đều do Chúa tạo tựng và ban cho sự sống. Chính vì vậy hễ ai quay khỏi Chúa thì chắc nhận lấy sự chết. Rất nhiều người đã quay khỏi Chúa và nhận lấy sự chết. Thay vì lấy lòng biết ơn mà nhận biết Chúa và sự sống tốt lành mà Chúa đã ban, những con người đầu tiên đã không vâng lời Chúa. Kể từ đó, cội nguồn sự sống bị cắt đứt khỏi con người, Kinh Thánh kể sự tồn tại của họ là “sự chết.”

Bất kỳ ai khi nhìn vào tình trạng nhân loại ngày nay đều nhận thấy sự thật này. Xung đột và đau khổ ngày một gia tăng. Còn ở những nơi không có xung đột hay đau khổ thì thẳm sâu trong tấm lòng con người không có sự yên ổn, một tấm lòng không thỏa lòng khiến người ta không ngừng theo đuổi khoái lạc, quyền lực, hoặc một hình thức tâm linh nào đó. Điều con người cần nhất chính là sự sống, sự sống mà Đức Chúa Trời đã định cho con người. Ngài ban sự sống ấy cho những ai nhận lấy, và Ngài thực hiện qua Lời Chúa.

Ở vùng Cận Đông thời cổ đại, người ta tìm kiếm những nguồn lực của sự sống, điều mà họ cho rằng có liên hệ với các thần linh, thông qua phép thuật bùa chú hoặc các nghi lễ tôn giáo. Ngược lại, tuyển dân của Đức Chúa Trời có được sự sống nhờ vào mối liên hệ phải lẽ với Đức Chúa Trời qua Lời Chúa. Môi-se lập ra hai con đường cho tuyển dân  Y-sơ-ra-ên, một là con đường sự sống và thịnh vượng, hai là con đường sự chết và đầy trắc trở. Kết quả hoặc hậu quả là do họ có làm theo hay là chối bỏ Lời Chúa (Phục. 30:15-20). Lời mà Môi-se nhận lấy từ Đức Chúa Trời “chẳng phải một lời nói vô giá… nhưng nó là sự sống” (32:47). Các tiên tri cũng đã tuyên bố rằng sự sống là do bước đi trung tín theo các luật lệ và mạng lệnh của Chúa (ví dụ, Êxê 18:9; 20:11). A-mốt nhìn thấy trước ngày phán xét của Đức Chúa Trời sẽ có đói kém, “chẳng phải là đói về bánh, cũng chẳng phải khát về nước, bèn là về nghe lời của Đức Giê-hô-va.” Hậu quả là con người sẽ “đi dông dài từ biển nầy đến biển khác” bởi vì nền tảng sự sống của họ đã bị cất đi (A-mốt 8:11-12).

Con người ngày nay cũng chịu những hậu quả tương tự khi quay khỏi Lời Chúa để làm theo ý riêng. Lẽ thật nền tảng xuyên suốt Kinh Thánh không hề thay đổi: Là những tạo vật của Đức Chúa Trời, chúng ta không tự có sự sống. Sự sống có được là bởi ân điển của Đức Chúa Trời. Chính Đức Chúa Giê-su, Ngài vừa là con người nhưng cũng là Đức Chúa Trời, đã áp dụng lời Môi-se cho chính Ngài: “Loài người sống chẳng phải nhờ bánh mà thôi, nhưng loài người sống nhờ mọi lời bởi miệng Đức Giê-hô-va mà ra” (Phục 8:3; Ma-thi-ơ 4:4).

Sự sống tìm được nơi Đức Chúa Trời và được ban cho qua Con Ngài. Đức Chúa Giê-su phán: “Ta là sự sống lại và sự sống,” và “Ta là… sự sống” (Giăng 11:25; 14:6). Vậy các môn đồ đầu tiên đã tin và nhận thấy lẽ thật này là đúng đắn, họ tuyên xưng rằng “trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người” (1:4). Đối với các môn đồ, Đức Chúa Giê-su chính là “Chúa [hoặc ‘Đấng sáng tạo’ hoặc ‘người tiên phong’] của sự sống” (Công. 3:15).

Nhưng chính Chúa, Đấng ban sự sống, đã phó chính Ngài thông qua Lời hằng sống của Đức Chúa Trời. Sứ đồ Giăng đã viết rằng: “Điều có từ trước hết, là điều chúng tôi đã nghe, điều mắt chúng tôi đã thấy, điều chúng tôi đã ngắm và tay chúng tôi đã rờ, về Lời sự sống” (1 Giăng 1:1). “Lời sự sống” chính là Ngôi Lời nhập thể, Đấng mà các sứ đồ đã nhìn thấy và tay họ đã rờ đến Ngài. Nhưng đó cũng là điều mà họ đã “nghe” (1:3). Các sứ đồ công bố sứ điệp sự sống mà họ đã được nghe. Các tín hữu đầu tiên được khích lệ phải giữ vững “lời sự sống” (Phi-líp 2:16; cũng xem Công 5:20). Lời được truyền đạt bằng ngôn ngữ con người là “lời sự sống” khi những lời ấy công bố sứ điệp sự sống thật nơi Đấng Christ. Hơn thế nữa, khi lời sự sống được công bố, lời ấy tạo nên sự sống cho những ai tiếp nhận.

Lời Chúa có năng quyền “tái sanh,” là phép lạ biến đổi một con người khi họ đã chết về mặt tâm linh. Trong ngụ ngôn người ra đi gieo giống, Đức Chúa Giê-su ví sánh Lời Đức Chúa Trời như hạt giống (Lu-ca 8:11). Hạt lúa mì hoặc hạt ngô trông  bề ngoài như không có sự sống, nhưng khi được gieo xuống đất thì sản sinh thành một cây có sự sống. Cũng vậy, Kinh Thánh, Lời Chúa được viết thành sách, trông vẻ bề ngoài cũng giống như những quyển sách khác, nhưng khi được trồng trong lòng người thì có năng quyền kỳ diệu để sản sinh sự sống tâm linh. Cũng với hình ảnh hạt giống, Phi-e-rơ đã viết rằng: “Anh em đã được lại sanh, chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống chẳng hư nát, là bởi lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời” (1 Phi-e-rơ 1:23). Lẽ thật này được kinh nghiệm theo nhiều cách khác nhau: “Ấy chính Ngài theo ý muốn mình, đã dùng lời chân thật sanh chúng ta” (Gia-cơ 1:18). “Vừa lúc ban đầu, Ngài đã chọn anh em bởi sự nên thánh của Thánh Linh, và bởi tin lẽ thật, đặng ban sự cứu rỗi cho anh em” (2 Tê. 2:13). Đức Chúa Trời tiếp tục thu hút con người tiếp nhận Lời Ngài để được sự sống và sự cứu rỗi: “Hãy chăm chỉ nghe ta, hãy ăn của ngon… Hãy nghiêng tai, và đến cùng ta; hãy nghe ta, thì linh hồn các ngươi được sống” (Ê-sai 55:2-3).

Qua chức vụ, sứ đồ Phao-lô đã giảng dạy và trải nghiệm năng quyền Lời Chúa trong việc đem tha nhân đến với cuộc sống mới và sự cứu rỗi. Phao-lô nói rằng: “lời giảng về thập tự giá… là quyền phép của Đức Chúa Trời” (1 Côr. 1:18). “Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin”  (Rô-ma 1:16).

Sự sống chỉ được tìm thấy trong sự gắn kết với Đấng Christ, và sự gắn kết ấy chỉ có được trong đức tin nhờ Lời năng quyền của Đức Chúa Trời. Như Phao-lô đã viết: “Như vậy, đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Christ được rao giảng” (Rô-ma 10:17). Nói cách khác, sứ điệp lời Chúa chính là năng quyền kích hoạt đức tin.

Giáo phụ Augustine (354 – 430) đã nói về năng quyền sản sinh sự sống của Lời Chúa qua chính trải nghiệm của ông. Sau khi kể về câu chuyện linh hồn của ông chịu đau đớn và giằng xé giữa một bên là bản ngã tội lỗi và một bên là Chúa, ông đã viết về những gì đã xảy ra:

Khóc lóc với tấm lòng đầy đau đớn và đắng cay, đột nhiên tôi nghe một giọng nói vang lên từ căn nhà gần đó, giọng của một bé trai hoặc gái (tôi không rõ) cứ lặp đi lặp lại câu nói: “Hãy cầm lấy và đọc, hãy cầm lấy và đọc”… Tôi nhìn dòng nước mắt và đứng lên. Tôi hiểu tiếng nói ấy là một mệnh lệnh từ Chúa dành cho tôi phải mở quyển sách và đọc chương đầu tiên mà tôi tìm thấy… Tôi cầm lấy quyển sách [sách tông đồ], mở ra và đọc thầm đoạn văn đầu tiên mà mắt tôi nhìn thấy: “Chớ nộp mình vào sự quá độ và say sưa, buông tuồng và bậy bạ, rầy rà và ghen ghét; nhưng hãy mặc lấy Đức Chúa Jêsus Christ, chớ chăm nom về xác thịt mà làm cho phỉ lòng dục nó” (Rô-ma 13:13-14)… Đột nhiên, đến chữ cuối cùng của câu Kinh Thánh này, một tia sáng thiên thượng chiếu soi vào tấm lòng đầy lo âu của tôi. Mọi bóng tối nghi ngờ đều bị xua tan.[8]

Năng quyền của lẽ thật được ghi lại trong Kinh Thánh cũng đem đến sự sống mới cho Martin Luther. Ông đã thực hiện tất cả mọi điều mà một “tu sĩ tốt” của Giáo hội Công Giáo La-mã thời bấy giờ cần phải làm để xoa dịu tấm lòng bất an của mình. Sau đó ông được phong làm giáo sư Kinh Thánh tại Đại học Wittenberg. Trong vai trò mới của mình, ông nghiên cứu và giảng dạy sách Rô-ma. Trong quá trình nghiên cứu Kinh Thánh, tấm lòng của ông bị thu hút bởi khái niệm “sự công bình của Đức Chúa Trời,” là điều mà sứ đồ Phao-lô tuyên bố đã được bày tỏ trong phúc âm (Rô-ma 1:16-17). “Tôi vô cùng khao khát được hiểu thư tín của Phao-lô dành cho người Rô-ma, tuy nhiên có một điều ngăn trở tôi đó là khái niệm ‘sự công bình của Đức Chúa Trời,’ bởi vì tôi hiểu rằng đó là sự công bình mà chính Đức Chúa Trời là sự công bình và Ngài hành động trong sự công bình đó để hành phạt người không công bình… Tôi suy ngẫm ngày và đêm cho đến khi… tôi nhận ra lẽ thật đó là sự công bình của Đức Chúa Trời là sự công bình mà, chỉ nhờ ân điển và sự thương xót của Ngài. Chúa xưng công chính cho chúng ta bởi đức tin. Ngay sau đó tôi cảm thấy chính tôi được lại sanh và bước qua cánh cổng thiên đàng… Phần Kinh Thánh này của Phao-lô đối với tôi như mở ra cánh cổng vào thiên đàng.”[9]

Niềm tin vào năng quyền ban cho sự sống của Lời Chúa đã khiến việc công bố Lời Chúa trở nên nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với hội thánh đầu tiên. Phao-lô nhiều lần cầu nguyện để hội thánh được dạn dĩ rao giảng Lời Chúa (Ê-phê-sô 6:19-20; Cô-lô-se 4:3). Khao khát lớn nhất của Phao-lô đó là “đạo Chúa được đồn ra và được sáng danh” trong chức vụ của ông (2 Tê. 3:1). Sự công bố Lời Chúa và minh chứng về quyền năng ban cho sự sống của Lời Chúa trong thế gian đã giúp cho hội thánh đắc thắng và phát triển trong một thế giới bị bao trùm bởi sự tăm tối thuộc linh. Ngày nay cũng vậy.

Có một giáo sĩ  gần như chỉ dùng Kinh Thánh cho lời chứng cá nhân của mình từng được các bạn của ông hỏi rằng: “Ông sẽ làm gì khi một người chưa được cứu không chấp nhận thẩm quyền của Kinh Thánh?” Vị giáo sĩ đáp: “Nếu trong một trận chiến tôi có một thanh gươm Đa-mách loại tốt với hai lưỡi thật sắc bén, tôi sẽ không để thanh gươm ở yên trong vỏ chỉ vì đối thủ của tôi không tin rằng thanh gươm ấy sắc bén.”

Việc này không có nghĩa rằng những nghiên cứu về tính đáng tin cậy của Kinh Thánh là không có giá trị. Lý do để tin vào Kinh Thánh thường giúp người ta lắng nghe lẽ thật Kinh Thánh. Nhưng chúng ta phải luôn nhớ rằng “gươm Thánh Linh” không phải là lời nói của con người hay thậm chí là lý luận của chúng ta. Ngược lại, Kinh Thánh chính là Lời của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Giê-su phán rằng Đức Thánh Linh cáo trách thế gian “về tội lỗi, về sự công bình và về sự phán xét” (Giăng 16:8). Sự nhận biết về tội lỗi, và sự công chính của Đức Chúa Trời được tìm thấy nơi Đức Chúa Giê-su, và về sự phán xét sẽ đến là những lẽ thật mà con người cần nhận biết để tiếp nhận sự sống đời đời. Đó cũng là những lẽ thật đánh động đến tấm lòng chân thành của con người. Một tín hữu người Phi Châu đã nói rằng: “Kinh Thánh nói cho tôi biết về tấm lòng của tôi.” Đó cũng là những lẽ thật có năng quyền của Đức Thánh Linh.

Một nhà vật lý  tài năng đã khám phá điều này khi gặp gỡ D. L. Moody. Ông thừa nhận rằng ông chỉ đến nghe  Moody thuyết giảng để mua vui cho mình. “Tôi biết ngài ấy không phải là một học giả, và tôi cảm thấy chắc chắn rằng tôi có thể tìm thấy nhiều khiếm khuyết trong lập luận của ông. Nhưng tôi nhận ra rằng tôi không thể nhắm vào ông. Từ đầu đến cuối buổi diễn thuyết, ông ấy đã bắn vào tôi những câu Kinh Thánh như thể những viên đạn phát ra từ khẩu súng trường đi thẳng vào tim tôi. Tôi có thể nói rằng năng quyền của Moody đó là  ông ta có Kinh Thánh trong miệng.”[10]

Sự linh nghiệm của Lời Chúa để đem người khác đến với sự cứu rỗi đã lý giải tại sao nhiều kẻ thù của phúc âm đã thất bại trong việc xóa bỏ Kinh Thánh. Trong cuộc bắt bớ tàn khốc cuối cùng trước khi Cơ Đốc Giáo được hợp pháp hóa tại Đế quốc La-mã, chính quyền La-mã đã nghĩ cách để dẹp tan dứt điểm đạo Chúa. Khi một tín hữu đã bỏ đạo, ông này là thành viên  trong hội đồng của hoàng đế  nghe hội đồng này nói  về việc cần phải thiêu cháy mọi tín hữu Cơ Đốc, ông đáp lại rằng: “Thật vô ích khi thiêu đốt mọi Cơ Đốc Nhân, bởi nếu ngày nay quý vị tàn sát mọi Cơ Đốc Nhân nhưng vẫn để sót lại một bản sao Kinh Thánh thì ngày mai hội thánh Cơ Đốc sẽ trỗi dậy một lần nữa.” Chính vì vậy mà hoàng đế La-mã đã ra sắc lệnh tiêu hủy mọi bản sao Kinh Thánh.

 

 

3

Sự Khải Thị Phổ Quát Là Gì?

Theo một nghĩa nào đó, chủ đề của Kinh Thánh là thực tế về sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời làm cho chính Ngài được nhận biết để chúng ta là những tạo vật thông minh của Ngài có thể hiểu biết Ngài và thiết lập mối liên hệ cá nhân với Ngài. Bởi vì Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo và bảo tồn hoàn vũ. Các tạo vật tự làm chứng về lẽ thật này. Do đó, Kinh Thánh mô tả sự khải thị của Đức Chúa Trời thông qua những con đường – có thể được phân loại là sự mặc khải phổ quát và sự mặc khải đặc biệt. Sự mặc khải chung hay khải thị phổ quát thì luôn có sẵn cho tất cả mọi người trong suốt mọi thời đại. Còn sự khải thị đặc biệt là khải thị mà Đức Chúa Trời ban cho những con người cụ thể trong một thời gian đặc biệt. Những phạm trù này đôi khi được dán nhãn tương ứng là mặc khải “tự nhiên” và “siêu nhiên”, cho thấy rằng mặc khải phổ quát được truyền đạt thông qua các hiện tượng tự nhiên trong khi mặc khải đặc biệt được truyền đạt thông qua sự can thiệp siêu nhiên. Cả hai hình thức mặc khải này được đề cập trong Thi thiên 19. Đa-vít viết, “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời,

Bầu trời giãi tỏ công việc tay Ngài làm.

Ngày nầy giảng cho ngày kia,

Đêm nầy tỏ sự tri thức cho đêm nọ.

Chẳng có tiếng, chẳng có lời nói;

Cũng không ai nghe tiếng của chúng nó.

Dây đo chúng nó bủa khắp trái đất,

Và lời nói chúng nó truyền đến cực địa.

Nơi chúng nó Ngài đã đóng trại cho mặt trời” (câu 1-4)

Các câu này bày tỏ rằng các tạo vật bày tỏ ra sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Đa-vít cũng viết, “Luật pháp của Đức Giê-hô-va là trọn vẹn, bổ linh hồn lại; Sự chứng cớ Đức Giê-hô-va là chắc chắn, làm cho kẻ ngu dại trở nên khôn ngoan.  Giềng mối của Đức Giê-hô-va là ngay thẳng, làm cho lòng vui mừng; Điều răn của Đức Giê-hô-va trong sạch, làm cho mắt sáng sủa.  Sự kính sợ Đức Giê-hô-va là trong sạch, hằng còn đến đời đời; Các mạng lịnh của Đức Giê-hô-va là chân thật, thảy đều công bình cả.  Các điều ấy quí hơn vàng, thật báu hơn vàng ròng; Lại ngọt hơn mật, hơn nước ngọt của tàng ong.  Các điều ấy dạy cho kẻ tôi tớ Chúa được thông hiểu;

Ai gìn giữ lấy, được phần thưởng lớn thay.” (câu 7-11) Trong những câu này tác giả đề cập đến những giá trị của “luật pháp Đức Giê-hô-va.”

CÁC HÌNH THỨC VÀ NỘI DUNG CỦA KHẢI THỊ PHỔ QUÁT

Kinh Thánh dạy rằng Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài cho tất cả mọi người xuyên qua các công trình sáng tạo kỳ diệu của Ngài và đặc biệt là xuyên qua con người của chúng ta. Nhận thức về thế giới và vũ trụ mênh mông rộng lớn vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta chắc chắn sẽ gợi lên câu hỏi, “tất cả những điều này đến từ đâu?” Cho đến nay những nhà tư tưởng suy ngẫm về câu hỏi đó đã luôn trả lời rằng chúng đến bởi Đức Chúa Trời. Chính sự tồn tại của vũ trụ đòi hỏi một “nguyên nhân” cuối cùng – phải có một Đấng sáng tạo. Tất cả sự hài hòa, phức hợp của toàn thể vũ trụ chỉ chúng ta đến với một Đấng thiết kế hết sức khôn ngoan.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa duy vật, cả hai đều phủ nhận những gì thuộc về siêu nhiên, đã ảnh hưởng đến một số người khiến họ phủ nhận sự tồn tại của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên những bằng chứng từ công trình sáng tạo thuyết phục chúng ta nhận biết sự thực hữu của Ngài. Thuyết Big Bang phổ biến về nguồn gốc của vũ trụ chỉ ra sự khởi đầu và vô hình trung chỉ về một Đấng Sáng tạo. Các thiết kế phức hợp và phức tạp trong tự nhiên ngày càng đưa ra bằng chứng về việc có một Nhà thiết kế cực kỳ thông minh cho cả vũ trụ này.

Tất cả những sự bày tỏ trên đây khiến cho Henry Wadsworth Longfellow đã viết, “Thế giới tự nhiên là sự mặc khải về Đức Chúa Trời; nghệ thuật là sự bày tỏ về con người.”1 Những công việc  của cá nhân bày tỏ ra khả năng của người đó, vì vậy toàn thể vũ trụ phô bày ra các thuộc tính của Đức Chúa Trời. “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời,

Bầu trời giãi tỏ công việc tay Ngài làm.”

(Thi thiên 19:1)

“Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” đề cập đến chính bản chất của Đức Chúa Trời được hiển hiện. Đây là sự phô bày các đặc tánh của Ngài.

 

Phao-lô viết rằng thế giới tự nhiên bày tỏ ra các thuộc tính của Thiên Chúa. Khi giảng dạy cho những người mà không nhận được bất kỳ sự mặc khải đặc biệt nào, ông nói, “Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi, bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được, vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa; song cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm.” (Rô-ma 1:19-21)

Sự sáng tạo của Đức Chúa Trời bày tỏ “quyền năng đời đời” và “bản chất thần thánh” – các phẩm chất này bày tỏ Ngài là Đức Chúa Trời và Ngài xứng đáng để các tạo vật thờ phượng. Mặc dù Ngài không phải là một phần của tự nhiên, như một số tôn giáo khẳng định, và mặc dù Ngài vô hình, nhưng Đức Chúa Trời vẫn được bày tỏ trong công việc của Ngài. Chúng mang dấu ấn của Ngài rõ ràng đến nỗi không ai có thể thoát khỏi sự thật về sự tồn tại của Ngài. Richard Wurmbrand (1909-2001), một người nổi tiếng về sự chịu khổ vì Phúc âm trong tư cách là một nhà truyền giáo dưới chế độ cộng sản tại đất nước Romania, ông đã kể một cuộc đối thoại của cặp vợ chồng người Nga là những nhà điêu khắc và đã được dạy cả đời rằng không có Chúa sau đây:

Một lần nọ, chúng tôi thực hiện việc điêu khắc pho tượng của Stalin, vợ tôi hỏi: “Chồng ơi, ngón tay cái thế nào? Nếu chúng ta không thể đối lập ngón tay cái với các ngón tay khác – nếu các ngón tay của bàn tay giống như ngón chân – chúng ta không thể cầm một cái búa, một cái vồ, một cuốn sách, một mẩu bánh mì hay bất kỳ dụng cụ nào. Cuộc sống của con người sẽ là cực kỳ khó khăn nếu không có ngón tay cái nhỏ bé này. Nào, ai đã tạo ra ngón tay cái? Cả hai chúng ta được học về chủ nghĩa Mác ở trường dạy rằng bầu trời và mặt đất tự nhiên mà có. Chúng không phải là tạo vật của Thiên Chúa. Tôi học như thế và được bảo phải tin như thế. Nhưng nếu Thiên Chúa không sáng tạo bầu trời và mặt đất, và Ngài chỉ tạo ra ngón tay cái mà thôi, thì Ngài cũng sẽ đáng được ca ngợi vì điều nhỏ bé này.

Chúng ta ca ngợi Edison, Bell và Stephenson là những người phát minh ra bóng đèn điện, điện thoại, đường ray xe lửa và những điều khác. Nhưng tại sao chúng ta không ca ngợi người làm ra ngón tay cái? Nếu Edison không có ngón tay cái, liệu ông ta có phát minh ra được thứ gì không? Vậy nên điều đúng đắn là thờ phượng Thiên Chúa là Đấng làm nên ngón tay cái.

Ông chồng nghe vợ nói và trở nên rất giận dữ… “Đừng nói cách ngu muội. Bà đã được dạy rằng không có Đức Chúa Trời. Bà không biết là ngôi nhà chúng ta có bị nghe trộm hay sao, chúng ta sẽ có thể gặp vào rắc rối với những lời nói của bà. Hãy ghi nhớ một lần và mãi mãi rằng không có Thiên Chúa. Ở trên thiên đường không có ai cả.”

Người vợ trả lời, “Đây là một điều ngạc nhiên hơn nữa. Nếu trên thiên đàng có Đức Chúa Trời toàn năng mà tổ tiên chúng ta tin tưởng trong sự ngu ngốc, và điều tự nhiên là chúng ta có những ngón tay cái. Đức Chúa Trời toàn năng có thể làm được mọi điều, vì vậy Ngài có thể tạo ra ngón tay cái nữa. Nhưng nếu trên thiên đàng không có ai, thì đối với tôi, tôi quyết định tôn thờ hết cả tấm lòng mình với “Không có ai” là người đã tạo ra ngón tay cái.

Bạn nghĩ sao về câu chuyện này?

Ngay cả các quá trình liên tục của tự nhiên để duy trì sự sống và hoạt động cũng cung cấp bằng chứng về sự hiện diện của Đức Chúa Trời.  “Ngài cứ làm chứng luôn về mình, tức là giáng phước cho, làm mưa từ trời xuống, ban cho các ngươi mùa màng nhiều hoa quả, đồ ăn dư dật, và lòng đầy vui mừng.” (Công vụ 14:17, cũng xem 17:24-27). Chúng ta thường gọi các thảm họa là “hành động của Chúa” nhưng các sứ đồ công bố rằng những hoạt động bình thường có lợi của thiên nhiên mà chúng ta thường coi là bằng chứng về sự thực tại của Chúa. Ví dụ như Chúa Giê-su dạy rằng chim trời và hoa huệ ngoài đồng vẫn được Cha thiên thượng chăm sóc (Ma-thi-ơ 6:26-30). Các hiện tượng của tự nhiên bày tỏ ra sự thực hữu của Thiên Chúa và một số điều về thuộc tánh của Ngài cho tất cả mọi người, “Mặt trời ra từ phương trời nầy. Chạy vòng giáp đến phương trời kia; Chẳng chi tránh khỏi hơi nóng mặt trời được.” (Thi thiên 19:6)

Vượt ra ngoài sự phức tạp của cơ thể, như chúng ta thấy trong cuộc đàm thoại của cặp vợ chồng người Nga về ngón tay cái, bản chất con người chúng ta bày tỏ ra các thuộc tánh của Đức Chúa Trời. Khi nói chuyện với cư dân thành A-thên, là những người thờ vô số thần tượng, trong đó có “thần không biết,” Phao-lô phản đối việc thờ phượng tất cả các bàn thờ do con người tạo ra bằng cách chỉ vào bản chất của chúng ta. “Vì tại trong Ngài, chúng ta được sống, động, và có, y như xưa một vài thi nhân của các ngươi có nói rằng: Chúng ta cũng là dòng dõi của Ngài. Vậy, bởi chúng ta là dòng dõi Đức Chúa Trời, thì chớ nên ngờ rằng Chúa giống như vàng, bạc, hay là đá, bởi công nghệ và tài xảo của người ta chạm trổ nên” (Công vụ 17:28-29). Phao-lô nói rằng nếu chúng ta là những tạo vật của Đức Chúa Trời, thì ít nhất Ngài cũng kỳ diệu như chúng ta, và điều đó có nghĩa rằng Ngài là một thân vị sống động.

Trước đó nhiều thế kỷ, tiên tri Ê-sai cảnh báo những người nghĩ rằng họ sẽ thoát khỏi trách nhiệm về những hành động xấu xa của họ. Ông viết, “Khốn thay cho những kẻ giấu kín mưu mình cách thẳm sâu khỏi Đức Giê-hô-va, làm việc mình trong xó tối, và nói rằng: Ai thấy ta, ai biết ta?  Các ngươi thật là trái ngược quá, há nên xem người thợ gốm như đất sét sao? Đồ vật há được nói về kẻ làm nên mình rằng: Nó chẳng làm ra ta? Cái bình há được nói về kẻ tạo mình rằng: Nó chẳng có trí hiểu đâu” (Ê-sai 29:15-16). Tương tự như vậy, trước giả Thi thiên cũng viết, “Hỡi kẻ ngu dại, bao giờ các ngươi mới khôn ngoan?

Đấng đã gắn tai há sẽ chẳng nghe sao? Đấng đã nắn con mắt há sẽ chẳng thấy ư?”  (Thi thiên 94:8-9). Về bản chất, Đức Chúa Trời phán, “Hãy nhìn vào chính các ngươi. Bản chất và những khả năng của các ngươi chỉ đến Ta, Đấng tạo dựng các ngươi, Đấng vĩ đại hơn các ngươi.”

Một cách khác mà sự mặc khải phổ quát khẳng định sự hiện hữu của Đức Chúa Trời là tiến trình lịch sử loài người, mà Ngài kiểm soát. Là Đấng kiểm soát lịch sử, Ngài bày tỏ chính Ngài trong những sự kiện của con người. Khi giảng cho cư dân A-thên trên ngọn đồi Mars, Phao-lô công bố rằng, “Ngài đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người và khiến ở khắp trên mặt đất, định trước thì giờ đời người ta cùng giới hạn chỗ ở, hầu cho tìm kiếm Đức Chúa Trời, và hết sức rờ tìm cho được, dẫu Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta.  Vì tại trong Ngài, chúng ta được sống, động, và có, y như xưa một vài thi nhân của các ngươi có nói rằng: Chúng ta cũng là dòng dõi của Ngài” (Công vụ 17:26-28). Nê-bu-cát-nết-sa là vua của đế quốc Ba-by-lôn phải học tập khó khăn để cuối cùng nhận biết rằng “Đấng Rất Cao cai trị trong nước của loài người, và Ngài muốn ban cho ai tùy ý” (Đa-ni-ên 4:32, cũng xem 4:34-37). Lẽ thật trong Châm ngôn 14:34, “Sự công bình làm cho nước cao trọng; Song tội lỗi là sự hổ thẹn cho các dân tộc” là điều hiển nhiên đối với tất cả những học sinh có tư duy về lịch sử.

Luật pháp mà Đức Chúa Trời viết một cách tự nhiên trong lòng con người là một sự khẳng định khác về mặc khải phổ quát. Đấng sang tạo quyền năng cũng là Đấng ban cho luật đạo đức và phán xét. Mỗi người đều có cảm nhận về điều đúng và sai. “Vả, dân ngoại vốn không có luật pháp, khi họ tự nhiên làm những việc luật pháp dạy biểu, thì những người ấy dầu không có luật pháp, cũng tự nên luật pháp cho mình.  Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ: Chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vực mình” (Rô-ma 2:14-15).

Vị sứ đồ cũng nói rằng chúng ta dùng tri thức về đúng sai để phán xét người khác, nhưng tiếc rằng nó không có sức mạnh để khiến chúng ta thực hiện những gì đúng. Ông kết luận, “hỡi người kia, ngươi là ai mặc lòng, hễ đoán xét kẻ khác thì không thể chữa mình được; vì trong khi đoán xét họ, ngươi cũng lên án cho chính mình ngươi nữa, bởi ngươi đoán xét họ, mà cũng làm các việc như họ” (2:1). Immanuel Kant đi tới kết luận rằng có hai điều  lấp đầy tấm lòng con người: “bầu trời đầy sao ở trên và luật đạo đức bên trong.” Mặc dù  từ chối thẩm quyền của Kinh Thánh, cảm giác về “lẽ phải” này đã khiến ông  tin vào thực tại của Chúa. C. S. Lewis đã làm chứng rằng thực tế về luật đạo đức này đã đưa Immanuel Kant ra khỏi chủ nghĩa vô thần.

Một số nhà khoa học xã hội phản đối rằng luật đạo đức mà chúng ta tìm cách vận hành thông qua lương tâm của mình chỉ là sản phẩm của xã hội chúng ta. Họ nói rằng chúng được đặt ở đó bởi môi trường giáo dục của chúng ta. Đúng vậy, chúng ta có thể đã học được một số quy tắc cư xử có thể chấp nhận được từ cha mẹ mình hoặc từ những người khác, nhưng điều này không chứng minh rằng: thực tế của các qui luật này là sản phẩm của thầy giáo, hay bảng cửu chương, mà chúng ta đã học ở trường học, là sản phẩm của giáo viên chúng ta.

Hơn nữa, mặc dù có sự khác biệt đáng kể về quy tắc đạo đức giữa các xã hội, nhưng có những điểm tương đồng đáng kinh ngạc ở các cấp độ cơ bản. Chúng ta thường nghe rằng ở một số nền văn hóa, kẻ trộm hoặc kẻ gian xảo được đánh giá cao, trong khi ở những nền văn hóa khác, chúng bị xem là những kẻ vô lại, bị ruồng bỏ. Ngày hôm nay nhiều người tin rằng các tiêu chuẩn đạo đức là hoàn toàn mang tính cá nhân. Họ nói không có mã phổ quát của điều đúng và sai ràng buộc tất cả mọi người. Nhưng thử nghiệm thực sự về ý thức đạo đức của chúng ta với tư cách là con người không nằm ở những gì chúng ta đưa ra trong các hành động đối với người khác hoặc thậm chí ở những gì bản thân chúng ta nghĩ là đạo đức hay vô đạo đức. Sự mặc khải thực sự của các qui luật đánh giá điều đúng điều sai đến trong những gì chúng ta giải thích có liên quan đến chính bản thân. Một kẻ cắp có thể nhận được sự tôn trọng giữa vòng một số người của nó, khi nó ăn cắp của người khác, nhưng nó không chấp thuận ăn cắp khi điều đó chống lại chính bản thân! Tương tự như vậy, việc giết người khác có thể là một điều vinh dự đối với một số người, nhưng có ai cảm thấy điều đó là tốt khi người bạn thân nhất của mình bị giết hoặc chính bản thân mình bị giết không? Khi được đánh giá theo cách này, chúng ta nhanh chóng thấy rõ rằng mặc dù các tiêu chí đạo đức của chúng ta có phần bị xoay chuyển vì tội lỗi, nhưng các tiêu chuẩn sâu xa của đúng và sai vẫn là điều phổ biến đối với tất cả mọi người.

Cảm giác đúng và sai, và cảm giác khó chịu xuất hiện khi chúng ta vi phạm tiêu chuẩn nào đó, thì làm chứng cho mọi người về một Đức Chúa Trời tạo ý thức đạo đức trong tâm trí con người. “ý thức ở trong tôi là tôi mắc một món nợ,” Robert Browning đã viết, “Bạn phải bảo đảm rằng phải có một ai đó sẵn sàng trả món nợ khi đến hạn. Tất cả đều đi đến điều này: đến hạn phải trả nợ. Chúng ta phải tìm kiếm người chấp nhận trả nợ khi đến hạn.”

Nếu một mình chúng ta là người xây dựng nên bản chất đạo đức của chúng ta, thì tội lỗi sẽ không có vấn đề gì – chỉ cần thay đổi tiêu chuẩn, và ý thức về đạo đức sẽ không còn nữa, cùng với cảm giác tội lỗi cho những hành động không phù hợp. Nhưng chỉ những kẻ giết người – mà chúng ta thừa nhận là bất thường – mới có khả năng sống mà không có lương tâm đạo đức. Mỗi người bình thường đều có một ý thức về “trách nhiệm” đạo đức, đó là định nghĩa rằng họ đang “đáp trả” một người nào đó bên ngoài mình- Môt ai đó đã viết ra một tiêu chuẩn về sự công bình trong tấm lòng của tất cả mọi người.

HIỆU ỨNG CỦA MẶC KHẢI PHỔ QUÁT

(Hiệu ứng: sự biến đổi của một hệ thống nào đó khi chịu tác động của một tác nhân nhất định.

Effect: hiệu ứng, là kết quả của một sự tác động.)

 

Bởi vì có sự mặc khải phổ quát dẫn đến thực tế là mọi người có một số kiến thức không chỉ đơn giản về một vị thần, nhưng là một Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật của Kinh Thánh. Phao-lô đã giải thích điều này cho cư dân ở A-thên, “Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới và mọi vật trong đó, là Chúa của trời đất, chẳng ngự tại đền thờ bởi tay người ta dựng nên đâu. Ngài cũng chẳng dùng tay người ta hầu việc Ngài dường như có cần đến sự gì, vì Ngài là Đấng ban sự sống, hơi sống, muôn vật cho mọi loài. Ngài đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người và khiến ở khắp trên mặt đất, định trước thì giờ đời người ta cùng giới hạn chỗ ở » (Công vụ 17 :24-26). Vì vậy mọi người phải “tìm kiếm Đức Chúa Trời, và hết sức rờ tìm cho được, dẫu Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta” (câu 27).

Những lời của Phao-lô về sự khải thị của Đức Chúa Trời cho những ai từ chối Ngài thậm chí còn rõ ràng hơn kiến thức của họ về Đức Chúa Trời: “Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi, bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được, vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa; song cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm” (Rô-ma 1:19-21). Đó là tri thức về Đức Chúa Trời chân thật được nhìn thấy từ những lời của vị sứ đồ nói với những người “biết Đức Chúa Trời mà không làm sang danh Ngài.”  Họ biết Đức Chúa Trời, nhưng không tôn kính Ngài (câu 21). Họ là những người “không tin kính và mọi sự không công bình của những người dùng sự không công bình mà bắt hiếp lẽ thật” (câu 18). Các hình tượng và những tà thần họ thờ lạy là kết quả của hành động từ chối Đức Chúa Trời, và thay thế vào đó là các triết lý, suy nghĩ của riêng họ và lựa chọn thờ lạy các thần hư không khác. “Họ tự xưng mình là khôn ngoan, mà trở nên điên dại…vì họ đã đổi lẽ thật Đức Chúa Trời lấy sự dối trá, kính thờ và hầu việc loài chịu dựng nên thế cho Đấng dựng nên, là Đấng đáng khen ngợi đời đời! A-men” (1:22, 25)

Mục đích của mặc khải phổ quát là khiến con người tìm kiếm Đức Chúa Trời trong tình trạng tội lỗi của con người.  Vấn đề cơ bản ở đây không nằm trong trí tuệ, nhưng là ý chí. Tội lỗi đã đi vào thế giới khi tổ phụ con người bị cám dỗ muốn trở nên ngang bằng Đức Chúa Trời (Sáng. 3:5). Con người từ chối đầu phục Đức Chúa Trời chân thật. Họ chọn chính mình làm trung tâm thay vì nhường vị trí đó cho Đấng tối cao. Từ cơ sở không đúng đắn và biến thái này, họ tìm cách xây dựng một triết lý sống thỏa mãn. Họ đưa ra ý nghĩa riêng của họ cho dữ liệu của sự mặc khải chung hơn là thừa nhận Đức Chúa Trời và tìm cách hiểu mọi thứ từ quan điểm của Ngài.

Tuy nhiên, sự mặc khải phổ quát vẫn phục vụ các mục đích của Đức Chúa Trời. Bởi vì tri thức về Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật đã được ban cho các tạo vật và đến với mỗi người. “bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được” (1:20). Không ai có thể biện minh được trước mặt Thiên Chúa là tôi không biết Ngài. “Vả, dân ngoại vốn không có luật pháp, khi họ tự nhiên làm những việc luật pháp dạy biểu, thì những người ấy dầu không có luật pháp, cũng tự nên luật pháp cho mình.  Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ: Chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vực mình.  Ấy là điều sẽ hiện ra trong ngày Đức Chúa Trời bởi Đức Chúa Jêsus Christ mà xét đoán những việc kín nhiệm của loài người, y theo Tin lành tôi” (2:14-16). Một ngày trong tương lai mọi người sẽ ra trước mặt Chúa để được phán xét – đây là điều mà Phao-lô luận giải. Vị trí không thể bào chữa của mọi người được thể hiện rõ ràng bởi thực tế là tất cả họ đều có xu hướng đánh giá người khác bằng ý thức bẩm sinh của họ về đúng và sai. Họ cáo buộc người khác làm điều sai, thì chính những cáo buộc này cũng chỉ thẳng về phía họ. “Vậy, hỡi người kia, ngươi là ai mặc lòng, hễ đoán xét kẻ khác thì không thể chữa mình được; vì trong khi đoán xét họ, ngươi cũng lên án cho chính mình ngươi nữa, bởi ngươi đoán xét họ, mà cũng làm các việc như họ  Vả, chúng ta biết rằng sự phán xét của Đức Chúa Trời đối với kẻ làm những việc như thế, là hiệp với lẽ thật.  Hỡi người đoán xét kẻ phạm những việc dường ấy mà mình cũng phạm kia, vậy ngươi tưởng rằng chính mình ngươi sẽ tránh khỏi sự phán xét của Đức Chúa Trời sao?”  (2 :1-3). Trong khi mặc khải phổ quát không nói với chúng ta về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời và giải pháp xử lý vấn đề tội lỗi của con người, thì nó chỉ ra nhu cầu này.

 

Sự mặc khải phổ quát cũng   góp phần bảo tồn xã hội và văn hóa loài người. Những ý tưởng về lẽ thật và sự giả dối, công lý và bất công, giúp duy trì trật tự giữa các dân tộc, có nguồn gốc từ sự mặc khải này. Nói ngắn gọn, sự mặc khải phổ quát giúp kiểm tra xu hướng tội lỗi ngăn ngừa sự hỗn loạn và thoái hóa của xã hội loài người. Còn nếu để bản chất con người phóng túng theo tội lỗi thì sẽ sớm đưa nền văn minh đến chỗ kết thúc.

Ngoài ra, thực tế là tất cả mọi người nhận thức về Thiên Chúa qua sự mặc khải phổ phục vụ cho nhiệm vụ truyền giáo. Phao-lô nhận thấy cư dân ở A-thên có “đầy dẫy các hình tượng” trong đó bao gồm luôn vị “thần không biết”. Vì vậy ông sử dụng nhận thức này của người A-thên để chỉ cho họ một Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật được bày tỏ qua Chúa Giê-su Christ (Công vụ 17:16-31). Mặc dù thực tế là nhiều người trong thời gian gần đây không đưa ra cùng một bằng chứng công khai về bản chất tôn giáo như người A-thên với các thần tượng của họ. Kinh Thánh dạy về sự mặc khải phổ quát nói rằng khi họ nhận thức về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, và điều này đóng vai trò như một điểm liên hệ khi chúng ta làm chứng cho họ.

 

 

4

Mặc Khải Đặc Biệt Là Gì?

NHU CẦU CHO MẶC KHẢI ĐẶC BIỆT

 

Trong khi bản chất tự nhiên của con người và cõi sáng tạo bày tỏ một số điều về Đức Chúa Trời. Tuy nhiên những điều này không được thiết kế để chúng ta có thể hiểu biết đầy đủ về Ngài và ý muốn Ngài cho chúng ta. Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta cho chính Ngài. Đức Chúa Trời sáng tạo chúng ta để chúng ta thiết lập mối quan hệ với Ngài. Nhìn vào sự xinh đẹp và trật tự hài hòa trong vườn Ê-đen, A-đam và Ê-va biết đến các tác phẩm của Đức Chúa Trời, nhưng nếu muốn nhận biết Ngài cách cá nhân họ phải giữ mối tương giao gần gũi với Ngài. Từ buổi bình minh của lịch sử con người, Đức Chúa Trời không chỉ bày tỏ chính Ngài qua cõi sáng tạo, nhưng cũng bày tỏ trực tiếp bằng các lời của Ngài.

Ngắm nhìn cõi sáng tạo và suy ngẫm về bản chất của chúng, có thể sẽ không bao giờ giúp cho A-đam và Ê-va đi đến chỗ nhận biết ý muốn Đức Chúa Trời và mục đích Ngài dành cho cuộc đời của họ là cai quản trái đất (Sáng thế ký 1:26-28), và chăm sóc khu vườn (2:15). Đức Chúa Trời đã giao nhiệm vụ này cho họ thông qua các lời (words). Chúng ta không biết đầy đủ các chi tiết về sự giao tiếp giữa Đức Chúa Trời với tổ phụ loài người. Tuy nhiên từ “đi ngang”  trong Sáng thế ký 3:8, “Lối chiều, nghe tiếng Giê-hô-va Đức Chúa Trời đi ngang qua vườn, A-đam và vợ ẩn mình giữa bụi cây, để tránh mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời” cho biết rằng đó là một sự xuất hiện thường xuyên của Ngài. Từ này cũng được dùng khi đề cập đến sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong đền tạm. Vì vậy một người nghiên cứu Kinh Thánh kết luận rằng vườn Ê-đen cũng như đền tạm là nơi chốn Đức Chúa Trời hiện diện, và rằng “có thể một cuộc trò chuyện hàng ngày giữa Đấng Toàn năng và các sinh vật của Ngài là thông lệ”1   Vì vậy, ngay từ ban đầu, mặc khải phổ quát thông qua tự nhiên đã cung cấp nền tảng cho giao tiếp bằng lời nói cá nhân.

 

Sự xâm nhập của tội lỗi vào thế giới làm tăng nhu cầu giao tiếp cá nhân. Thông qua tự nhiên và lương tâm, lịch sử bày tỏ rằng con người đi đến một nhận thức là có Đức Chúa Trời, và Ngài thiết lập thế giới loài người trên những nguyên tắc của luật đạo đức. Con người cũng có ý thức là không ai có thể sống và thực hành kiên định trên những luật này. Nhưng không nơi nào trong tự nhiên hay trong chính con người mà chúng ta tìm ra lối thoát cho tình huống khó xử này.

Lịch sử của các tôn giáo bày tỏ rằng khi con người không nhận được khải thị đặc biệt của Đức Chúa Trời, họ không tìm thấy sự giải thoát thực sự khỏi cảm giác tội lỗi. Các tôn giáo được xây dựng lên để tìm câu trả lời, nhưng ngoại trừ sự khải thị đặc biệt, thì những người sùng đạo vẫn còn bị mắc kẹt với những kiến thức họ có trong khải thị phổ quát. Họ biết họ phải sống theo những tiêu chuẩn rõ ràng, cụ thể. Nhưng họ không thể. Do đó họ thiết lập nhiều phương cách để bù đắp cho sự thất bại của họ.

Không thể tránh khỏi các tôn giáo được thành lập dựa trên sự mặc khải phổ quát là những tôn giáo của công đức/việc làm. Không nhận được sự khải thị đặc biệt về sự tha thứ của Đức Chúa Trời xuyên qua Đấng Christ, họ không bao giờ được yên nghỉ với những gánh nặng của tội lỗi. Trước giả Thi thiên đã viết, “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Bầu trời giãi tỏ công việc tay Ngài làm” (Thi. 19:1) và “Luật pháp của Đức Giê-hô-va là trọn vẹn, bổ linh hồn lại” (Thi. 19:7).

Sự mặc khải đặc biệt bổ sung một số chân lý còn thiếu trong sự khải thị phổ quát về Đức Chúa Trời trong cõi sáng tạo, và nó cũng khiến cho con người có khả năng để nhìn xem các lẽ thật trong sự mặc khải phổ quát chính xác. Cho đến khi một người được phục hòa với Đức Chúa Trời nhờ vào mối liên hệ cá nhân với Chúa Giê-su Christ, thì người người đó mới có thể nhìn xem thế giới trong lăng kính của Đức Chúa Trời. Chỉ có sự soi sáng của Đức Chúa Trời mới có thể mở đôi mắt bị mù vì tội lỗi.  Người nào nói đến sư vinh hiển của Đức Chúa Trời trong các từng trời là một người tin kính Ngài. Nhưng một người vô thần nhìn vào các từng trời, anh ta sẽ đưa ra một kết luận khác. John Calvin, nhà cải chánh vĩ đại của Pháp, đã minh họa một cách khéo léo sự cần thiết của khải thị đặc biệt cho một người đọc “quyển sách của tự nhiên” một cách chính xác, “Cũng giống như những người đàn ông già hoặc mắt mờ và những người có thị lực yếu, nếu bạn ném trước mặt họ một tập sách đẹp nhất, ngay cả khi họ nhận ra đó là một loại văn bản nào đó, nhưng họ khó có thể đọc ra hai từ, nhưng với sự hỗ trợ của kính đeo mắt họ sẽ bắt đầu đọc một cách rõ ràng; vì vậy  tập họp những  hiểu biết về Đức Chúa Trời còn lộn xộn trong tâm trí chúng ta qua mặc khải phổ quát thì Kinh Thánh đã giải tán sự buồn tẻ của chúng ta, cho chúng ta thấy rõ một Đức Chúa Trời chân thật.”2                                                                                                                           Sự mặc khải đặc biệt mà qua đó Đức Chúa Trời giao tiếp trực tiếp theo cách cá nhân, do đó rất quan trọng đối với đời sống con người. Từ buổi ban đầu con người được tạo dựng để giao tiếp với Đức Chúa Trời. Khi tội lỗi bước vào trong dòng dõi loài người, nó phá vỡ sự thông công này. Nhưng kế hoạch của Đức Chúa Trời yêu thương là phục hồi sự gãy đổ. Điều này đòi hỏi Đức Chúa Trời của ân điển phán với chúng ta qua sự mặc khải đặc biệt.

 

NHỮNG HÌNH THỨC CỦA SỰ MẶC KHẢI ĐẶC BIỆT

Đức Chúa Trời giao tiếp với chúng ta bằng cách nào? Một số học giả nói rằng Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài trong các hành động quyền năng xuyên suốt lịch sử, và không qua Lời. Một số khác chỉ ra rằng sự mặc khải cá nhân về Đức Chúa Trời được bày tỏ trong Đấng Christ. Bởi vì Đấng Christ được gọi là Ngôi Lời (Giăng 1:1), họ lập luận rằng những lời của Kinh Thánh không phải là Ngôi Lời. Những quan điểm như thế đòi hỏi chúng ta phải tra xét cẩn thận những gì Kinh Thánh nói về sự mặc khải đặc biệt của Đức Chúa Trời.

Trước giả sách Hê-bơ-rơ công bố, “Đời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách,  rồi đến những ngày sau rốt nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài, là Con mà Ngài đã lập lên kế tự muôn vật, lại bởi Con mà Ngài đã dựng nên thế gian » (Hê-bơ-rơ 1 :1-2). Tại tuyên bố này gợi ý, mặc khải đặc biệt cũng bao gồm một loạt các phương pháp khác, lên đến đỉnh điểm là sự xuất hiện của Con Đức Chúa Trời.

Các biểu hiện về Đức Chúa Trời mà con người có thể nhìn thấy được (Theophanies).

Phương cách nổi bật mà Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài từ buổi bình minh của lịch sử được ghi lại trong Kinh Thánh là thông qua các biểu hiện có thể nhìn thấy được cho con người về Đức Chúa Trời. Từ theophany  có nguồn gốc từ hai từ Hy-lạp là Theos (Đức Chúa Trời) và phaino (hiển thị hoặc xuất hiện). Vì vậy Theophany là sự xuất hiện của Đức Chúa Trời.

Trong một số trường hợp các hình thức của sự xuất hiện Đức Chúa Trời không được bày tỏ. Ví dụ, khi Kinh Thánh ký thuật, “Đức Giê-hô-va hiện ra cùng Áp-ram” (Sáng. 12:7). Trong những trường hợp khác Kinh văn chỉ ra rằng Đức Chúa Trời đã có những hình thức khác nhau để làm cho chính Ngài được biểu hiện. Trong một cơ hội, Áp-ra-ham bày tỏ long hiếu khách chào mửng ba người đàn ông đến trong nhà trại của mình. Hai người trong số họ là thiên sứ, nhưng người thứ ba là chính Đức Chúa Trời. “Áp-ra-ham nhưng mắt lên, thấy ba người đứng trước mặt. Vừa khi thấy, bèn bắt từ cửa trại chạy đến trước mặt ba người đó, sấp mình xuống đất” (Sáng. 18:2). “các đấng bèn từ đó đi qua hướng Sô-đôm; nhưng Áp-ra-ham hãy còn đứng chầu trước mặt Đức Giê-hô-va.  Áp-ra-ham lại gần và thưa rằng: Chúa sẽ diệt người công bình luôn với người độc ác sao?” (câu 22-23). “Lối chiều, hai thiên sứ đến Sô-đôm; lúc đó, Lót đương ngồi tại cửa thành. Khi Lót thấy hai thiên sứ đến, đứng dậy mà đón rước và sấp mình xuống đất” (19:1).

Con người bí ẩn mà đã vật lộn với Gia-cốp tại Phê-ni-ên cũng là một trong những hình thức hiện ra của Đức Chúa Trời. Gia-cốp đã nói, “Tôi đã thấy Đức Chúa Trời đối mặt cùng tôi và linh hồn tôi được giải cứu” (câu 30).
Nhiều lần sự hiện ra của Đức Chúa Trời được Kinh Thánh mô tả là “Thiên sứ của Đức Giê-hô-va.”  Chúng ta đọc trong Xuất. 3:2, “Thiên sứ của Đức Giê-hô-va hiện ra cùng người (Môi-se) trong ngọn lửa, giữa bụi gai kia.”  Và thiên sứ này cũng hiện ra trong hình dáng của một con người, và Kinh văn làm cho điều này sáng tỏ người đó không phải là thiên sứ bình thường. Một số điều về sự xuất hiện của thiên sứ hoặc thông điệp tiên tri của ông đã nói với A-ga khi bà đang trốn chạy trong sa mạc, “Thiên sứ của Đức Giê-hô-va dạy nàng rằng: Ngươi hãy trở về chủ ngươi …

Nàng gọi Đức Giê-hô-va mà đã phán cùng mình, danh là “Đức Chúa Trời hay đoái xem,” vì nàng nói rằng: Chính tại đây, tôi há chẳng có thấy được Đấng đoái xem tôi sao?” (Sáng. 16:9-13). Từ sự hiện ra đáng kinh sợ, cùng với lời tiên tri và cách mà “thiên sứ của Đức Giê-hô-va cũng lên theo trong ngọn lửa của bàn thờ” (Các quan xét 13:20), cha mẹ của Sam-sôn biết đó là thiên sứ của Đức Giê-hô-va, và cũng là Đấng họ nhận biết là Đức Giê-hô-va (Các quan xét 13:3-23; cũng xem 6:11-24).

Mặc dù không phải là “theophanies” theo nghĩa đen, thiên sứ đã xuất hiện trong các giấc mơ (Sáng. 31:11-13) và nói chuyện với từng cá nhân mà không có bất kỳ hình dáng rõ ràng nào (ví dụ, 22:11-12). Nhiều sinh viên trường Kinh Thánh tin rằng thiên sứ của Đức Giê-hô-va không phải ai khác nhưng là chính là Con Đức Chúa Trời mà sau này đã giáng sinh tại Bết-lê-hem. Mặc dù điều này có thể không được kết luận, nhưng thực tế là Ngài có thể tha thứ tội lỗi và việc Ngài mang danh Đức Chúa Trời cho thấy rõ ràng rằng Ngài là sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Theo một nghĩa khác, sự xuất hiện của Đấng Christ trong thân xác con người cũng là một biểu hiện về Đức Chúa Trời mà con người có thể nhìn thấy được, nhưng nó khác với tất cả những điều còn lại. Trong những trường hợp khác, Đức Chúa Trời chỉ mặc lấy một hình dạng khi Chúa Giê-su giáng sinh, Đức Chúa Trời Con đã mặc lấy chính Ngài trong bản chất con người xác thực.

 

Các giấc mơ và khải tượng

Mặc dù các giấc mơ không đóng vai trò chính trong sự mặc khải, vào một số trường hợp quan trọng, đặc biệt là trong sách Sáng thế ký và Đa-ni-ên, Đức Chúa Trời truyền thông điệp đến các đầy tớ Ngài thông qua các giấc mơ. Một trường hợp được nhiều người biết đến là Gia-cốp nhìn thấy một cái thang từ đất nối lên đến trời (Sáng. 28:12-16) và giấc mơ của Giô-sép liên quan đến vị trí lãnh đạo trong tương lai của ông (Sáng. 37:5-7, 9). Sa-lô-môn trong 1 Các vua 3:5 và Giô-sép, chồng của Ma-ri cũng nhận được các giấc mơ mà qua đó Đức Chúa Trời bày tỏ khải thị thiên thượng.

Các giấc mơ không chỉ giới hạn trong dân sự của Đức Chúa Trời, Ngài cũng bày tỏ kế hoạch tương lai của Ngài trong giấc mơ cho Pha-ra-ôn ở Ai-cập và Nê-bu-cát-nết-sa ở Ba-by-lôn (Sáng. 41:1-7; Đa-ni-ên 2:3, 31-35). Tuy nhiên trong cả hai trường hợp này sự giải thích giấc mơ thuộc về người của Đức Chúa Trời. Hầu hết những giấc mơ mặc khải này đều bao gồm lời nói của Đức Chúa Trời, nhưng với giấc mơ của Giô-sép chỉ bày tỏ về chính ông và các anh em của ông.

Các khải tượng phổ biến hơn nhiều như một phương tiện mặc khải, đặc biệt là đối với các nhà tiên tri. Trong một số trường hợp những gì đượcnhìn thấy được mô tả trong một cảnh tượng. Ê-xê-chi-ên đã nhìn thấy đền thờ Giê-ru-sa-lem trong một khải tượng (Ê-xê-chi-ên 8:3). Tuy nhiên những gì A-mốt nhìn thấy liên quan đến Israel (A-mốt 1:1) và cũng liên quan đến việc nghe hoặc nhận thức các lời. Các khải tượng thường được nối kết với các tiên tri nhiều đến nỗi họ được gọi là “những người nhìn thấy” (ví dụ, 2 Sa-mu-ên 24:11; 1 Sử ký 9:22; 2 Sử ký 16:7; 29:30).

Giao tiếp trực tiếp

Đức Chúa Trời thường xuyên phán trực tiếp với con người. Các cụm từ này thường xuyên xuất hiện trong Kinh Thánh: Đức Chúa Trời phán, có lời của Đức Giê-hô-va đến với tôi. Trong một số trường hợp dường như đây là tiếng nói có thể nghe được bằng tai, như Phao-lô nghe một tiếng phán từ trên cao (Công vụ 9:4) và chàng trai trẻ tuổi Sa-mu-ên nghe tiếng phán của Chúa (1 Sa-mu-ên 3:4, 6, 8, 10-14). Trong những trường hợp khác, dường như là một tiếng nói từ bên trong hướng dẫn dân sự của Đức Chúa Trời giống như khi chúng ta giữ yên lặng trong khi cầu nguyện với Chúa và nghe tiếng Ngài phán. Khi một thiên sứ của Chúa ra lệnh cho Phi-líp đuổi theo hoạn quan Ê-thi-ô-pi (Công vụ 8:29), hay khi Đức Thánh Linh bảo Phi-e-rơ rằng có ba người đang tìm ông (Công vụ 10:19), hay khi hội thánh sai phái Phao-lô và Ba-na-ba đi truyền giáo (13:2). Những trường hợp này có thể là nghe được tiếng nói của Đức Chúa Trời từ bên trong. Loại tiết lộ này có thể là những gì Phao-lô nhận được từ Đấng Christ trong thời gian ông ở sa mạc A-ra-bi (Ga-la-ti 1:11-17).

Một trường hợp duy nhất Đức Chúa Trời nói chuyện trực tiếp với Môi-se được ghi trong Xuất Ê-díp-tô ký 33:11, “Đức Giê-hô-va đối diện phán cùng Môi-se, như một người nói chuyện cùng bạn hữu mình.” Khi Mi-ri-am và A-rôn đặt câu hỏi về uy quyền của Môi-se, Đức Chúa Trời phán rằng Ngài nói chuyện với họ xuyên qua các khải tượng và giấc mơ, nhưng với Môi-se thì khác. Đức Chúa Trời nói về Môi-se: “Tôi tớ Môi-se ta không có như vậy, người thật trung tín trong cả nhà ta. Ta nói chuyện cùng người miệng đối miệng, một cách rõ ràng, không lời đố, và người thấy hình Đức Giê-hô-va” (Dân số ký 12:7-8). Điều này bày tỏ sự thân mật trực tiếp giữa Đức Chúa Trời và Môi-se.

Các thiên sứ

Thỉnh thoảng Đức Chúa Trời dùng các thiên sứ để truyền đạt sự mặc khải của Ngài. Họ xuất hiện trong vai trò này, đặc biệt là khi Đức Chúa Trời khởi đầu một công việc mới.  Ví dụ Luật pháp được ban cho bởi Môi-se, nhưng qua trung gian là các thiên sứ. “các ngươi đã nhận luật pháp truyền bởi các thiên sứ, nhưng không giữ lấy” (Công vụ 7:53; Ga-la-ti 3:19). Một thiên sứ đã thông báo tin mừng về sự giáng sinh của Cứu Chúa (Lu-ca 2:10, 13). Một trong những trường hợp sinh động nhất là sự bày tỏ của thiên sứ với Đa-ni-ên. Trong hai tình huống Đức Chúa Trời trả lời sự cầu nguyện của Đa-ni-ên về Israel bằng cách gửi thông điệp thông qua các thiên sứ, một trong các thiên sứ đó là Gáp-ri-ên (Đa-ni-ên 9:2-21; 10:10-21). Trong khi các thiên sứ vượt trội hơn con người về nhiều mặt, thì họ vẫn chỉ là những sứ giả (người đưa tin) cho Lời của Đức Chúa Trời, không phải là tác giả của thông điệp. Sự giới hạn của thiên sứ về tri thức được sứ đồ Phi-e-rơ đề cập đến: “những người nhờ Đức Thánh Linh từ trên trời sai xuống, mà giảng Tin lành cho anh em; các thiên sứ cũng ước ao xem thấu những sự đó” (1 Phi-e-rơ 1:12).

Các phép lạ

 

Khi Đức Chúa Trời truyền đạt lời Ngài trực tiếp cho con người, Ngài thường đưa ra bằng chứng về sự hiện diện của Ngài bằng cách thực hiện các phép lạ. Bởi một phép màu, chúng ta đang đề cập đến một hành động khác với những sự kiện thông thường. Thông thường Đức Chúa Trời vận hành vũ trụ của Ngài theo cái mà chúng ta gọi là “các quy luật tự nhiên,” mà Ngài đã thiết lập như một phần của tạo vật. Phép lạ xảy ra khi Đức Chúa Trời chọn hành động một cách phi thường với mục đích bày tỏ chính Ngài.

Ngôn ngữ Kinh Thánh cho các phép lạ cho thấy chức năng mặc khải của chúng. Nói về những phép lạ của Chúa Giê-su, Phi-e-rơ mô tả chúng là “những phép lạ, những điều kỳ diệu và những dấu lạ” (Công vụ 2:22). Đây không phải là ám chỉ đến ba loại hành vi khác nhau, mà là cùng một hành động được nhìn từ ba quan điểm. Thuật ngữ “phép lạ” xem hành động như một sự phô trương quyền lực. Từ quan điểm của nhân vật nổi bật của họ và sự ngạc nhiên gợi lên, họ là “kỳ quan.” Và từ “dấu hiệu” chỉ trực tiếp đến mục đích của chúng như những sự kiện mặc khải. Các dấu hiệu trong Kinh Thánh giống như những con trỏ hướng sự chú ý của chúng ta đến một điều gì đó.

 

Theo những lời tiên tri trong Cựu Ước, Đấng Mê-si sẽ đến và làm phép lạ như những dấu hiệu chỉ ra vị thần cứu thế của Ngài. Vì lý do này, người Do Thái liên tục hỏi Chúa Giê-su, “Ngài cho chúng tôi thấy dấu hiệu nào?” (Giăng 2:18; xem thêm Ma-thi-ơ 12:38; 16: 1). Phép lạ chữa lành người bại liệt (Mác 2) minh họa ba khía cạnh này của một phép lạ. Rõ ràng, quyền năng của Đức Chúa Trời đã được thể hiện khi người đàn ông bại liệt nằm trên giường đứng dậy và bước đi (2:12). Hiệu quả của sự ngạc nhiên được thấy trong lời này, “Kẻ bại đứng dậy, tức thì vác giường đi ra trước mặt thiên hạ; đến nỗi ai nấy đều lấy làm lạ, ngợi khen Đức Chúa Trời, mà rằng: Chúng tôi chưa hề thấy việc thể nầy” (Mác 2:12). Nhưng điểm cuối cùng của phép lạ đã được Chúa Giê-su tuyên bố: “để các ngươi có thể biết rằng Con Người có thẩm quyền trên đất để tha tội” (2:10). Quyền hành này chỉ thuộc về Đức Chúa Trời; do đó phép lạ là một sự mặc khải về thần tính của Chúa Giê-su Christ.

Phép lạ liên quan đến sự mặc khải theo hai cách quan trọng. Đầu tiên, họ chỉ ra thực tế rằng sự mặc khải đang xảy ra. Chúng khiến chúng ta ngồi dậy và chú ý rằng Chúa đang làm việc. Thứ hai, chúng tiết lộ điều gì đó về bản chất của quyền năng Đức Chúa Trời và mục đích mà Ngài sử dụng quyền năng đó. Mặc dù trong một số trường hợp, khó có thể thấy gì hơn bằng chứng về quyền năng của Đức Chúa Trời đối với thiên nhiên, như trong việc Chúa Giê-su biến nước thành rượu (Giăng 2). Hầu hết các phép lạ của Chúa Giê-su đều tiết lộ quyền năng của Đức Chúa Trời để chiến thắng tội lỗi và các tác động của nó.  Việc chữa lành người bệnh bại và phục hồi thị lực cho người mù đều dẫn đến sự đắc thắng của Đức Chúa Trời trên sự đau khổcủa tội lỗi. Việc La-xa-rơ và những người khác đã chết sống lại đã thông báo sự thật rằng quyền lực tối thượng của tội lỗi đã bị phá vỡ, và sự chết, kẻ thù cuối cùng của nhân loại, có thể bị đánh bại bởi quyền năng của Đức Chúa Trời. Sự phục sinh của Đấng Christ được miêu tả như là một minh chứng cuối cùng về quyền năng kỳ diệu siêu nhiên của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 2: 19-20).

Trong khi phép lạ là một hình thức mặc khải, ý nghĩa đầy đủ của chúng chỉ được biết đến qua Kinh Thánh. Vì vậy, các phép lạ được coi là dấu hiệu chỉ ra các sứ giả của Lời. Như Phi-e-rơ đã viết, “Hỡi người Y-sơ-ra-ên, hãy nghe lời nầy: Đức Chúa Giê-su ở Na-xa-rét, tức là Người mà Đức Chúa Trời đã dùng làm việc quyền phép, sự lạ và dấu lạ ở giữa các ngươi, để làm chứng cho Người trong vòng các ngươi, như chính các ngươi đều biết. Người đó bị nộp theo ý định trước và sự biết trước của Đức Chúa Trời, các ngươi đã mượn tay độc ác mà đóng đinh Người trên thập tự giá và giết đi. Nhưng Đức Chúa Trời đã khiến Người sống lại, bứt đứt dây trói của sự chết, vì nó không thể giữ Người lại dưới quyền nó” (Công. 2:22-24). Các phép lạ “chứng thực” hoặc “công nhận” Con Người của Đấng Christ cho dân chúng. Họ đã chứng thực về Con Người của Ngài và do đó cũng là lời của Ngài, lời đó tuyên bố ý muốn và mục đích của Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô viết rằng những công việc kỳ diệu mà Đức Chúa Trời thực hiện qua ông là “dấu hiệu của một sứ đồ chân chính” (2 Côr. 12:12). Những “dấu kỳ, phép lạ” này đã chứng thực Phao-lô là sứ đồ của Đấng Christ và do đó khẳng định rằng sự dạy dỗ của ông là đến từ Đức Chúa Trời.

Ngôi vị của Đấng Christ

Trước giả sách Hê-bơ-rơ tuyên bố rằng “trong những ngày cuối cùng này, Đức Chúa Trời đã phán cùng chúng ta qua Con Ngài” (Hêb. 1:2). Trong Lời này, sự mặc khải của Đức Chúa Trời đạt đến cực điểm. “Nhiều phần” trong lời nói của Đức Chúa Trời mà trước đây đã được tiết lộ qua “nhiều cách” chỉ là những mảnh vụn chỉ ra sự tái lâm của Ngài “trong Đấng ấy được cất giấu tất cả kho tàng của sự khôn ngoan và sự hiểu biết” (Cô-lô-se 2: 3).

Trong sự Nhập thể, chúng ta có thêm kiến ​​thức về Đức Chúa Trời khi Ngài bày tỏ chính Ngài theo một cách khác biệt. Vì Đấng Christ đã không mặc khải về Đức Chúa Trời nhiều như Ngài là sự mặc khải. Ngài là Đức Chúa Trời nhập thể, tức là Đức Chúa Trời trong thân xác con người. Tiếp nhận kiến ​​thức về một người con trai là một điều, nhưng điều này không bao giờ so sánh với việc gặp gỡ chính người đó.

Trong Chúa Giê-su Christ, thế giới đối đầu với chính Đức Chúa Trời. Giăng tuyên bố, “Chẳng hề ai thấy Đức Chúa Trời; chỉ Con một ở trong lòng Cha, là Đấng đã giãi bày Cha cho chúng ta biết” (Giăng 1:18). Điều này không nên hiểu có nghĩa là Chúa Giê-su chỉ đơn giản là một người dạy về lẽ thật thiêng liêng hơn tất cả những người thầy trước đây. Ngài đã “giải thích” Đức Chúa Trời theo nghĩa rằng ai nhìn Ngài là thấy Đức Chúa Trời. Ngài nói với Phi-líp, “Ai đã thấy Ta là thấy Cha” (14: 9). Ngài có thể nói điều này bởi vì “sự đầy dẫy của bổn tánh Đức Chúa Trời thảy đều ở trong Đấng ấy (Đấng Christ) như có hình” (Cô-lô-se 2:9).

Sự mặc khải của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ đã được ban cho qua sự dạy dỗ của Chúa Giê-su. Ngài được công nhận là Giáo sư từ Đức Chúa Trời đến (Giăng 3:2), nói những lời của Đức Chúa Trời mà trước đây chưa ai nói. Nhưng ngoài lời nói, Đức Chúa Trời còn phán qua Con Người và công việc của Chúa Giê-su, mà cao điểm là thập tự giá và sự phục sinh. Trong sự hy sinh của Chúa Giê-su vì tội lỗi của nhân loại, Đức Chúa Trời bày tỏ tình yêu thương vô hạn của Ngài, đồng thời cũng là sự thánh khiết và công bình của Ngài. Chúa Giê-su không chỉ đơn giản là trọng tâm lớn nhất của sự mặc khải; Ngài còn là chủ đề của mọi sự mặc khải. Kinh Thánh làm chứng cho Ngài (Giăng 5:39). Các tiên tri trước đó đã nói về Ngài, “Về sự cứu rỗi đó, các đấng tiên tri đã tìm tòi suy xét, và đã nói tiên tri về ân điển định sẵn cho anh em:  nghĩa là tìm cho biết thời kỳ nào và thời kỳ cách nào mà Thánh Linh Đấng Christ ở trong lòng mình đã chỉ cho, là khi làm chứng trước về sự đau đớn của Đấng Christ và về sự vinh hiển sẽ theo sau” (1 Phi. 1:10-11; xem thêm Khải 19:10).

Một hình thức cuối cùng của sự mặc khải là Lời được viết ra. Phần lớn Kinh Thánh là bản ghi chép về sự mặc khải, được đưa ra dưới nhiều hình thức mà chúng ta đã biết. Các giấc mơ và khải tượng đã được ghi lại, và việc truyền đạt trực tiếp lời của Đức Chúa Trời cho các tiên tri đã được viết ra. Khi Đức Chúa Trời nói chuyện trực tiếp với con người, họ ý thức được sự kiểm soát của Ngài. Khi những giấc mơ và khải tượng xảy ra, các cá nhân về cơ bản là những người tiếp nhận thông điệp của Chúa một cách thụ động. Rõ ràng là khi Đức Chúa Trời viết Mười Điều Răn bằng ngón tay của Ngài trên bảng đá, Môi-se không thể làm gì khác hơn là mang chúng đến cho tuyển dân.

Mặt khác, trái ngược với những người ý thức được quyền uy áp đảo của Đức Chúa Trời trong việc ban sự mặc khải của Ngài cho họ, một số trước giả viết Kinh Thánh có thể không có ý thức như vậy. Tuy nhiên Thánh Linh của Đức Chúa Trời hoạt động bên trong và thông qua tính cách của họ để bày tỏ lẽ thật của Ngài. Tâm trí và cảm xúc của họ hoàn toàn tham gia trong tiến trình này khi họ ghi lại lẽ thật của Đức Chúa Trời.  Thánh Linh của Đức Chúa Trời điều khiển họ để những gì họ viết ra chính là những gì Đức Chúa Trời muốn truyền đạt. Chúng ta có thể nói rằng trong hình thức tôn kính này, Đức Chúa Trời và con người được kết hợp chặt chẽ.

Điều tự nhiên là sự mặc khải đó chủ yếu xảy ra vào thời Tân Ước khi Đức Chúa Trời bởi Thánh Linh của Ngài bắt đầu ngự trị bên trong các tín đồ.

Tất cả những hình thức mặc khải này cho thấy rằng có một sự tiến bộ cơ bản trong các loại mặc khải được sử dụng trong suốt chiều dài lịch sử. Tất cả những phương pháp này, ngoại trừ sự mặc khải thông qua Con Đức Chúa Trời, có thể được tóm gọn lại dưới ba hình thức — sự hiện ra của Đức Chúa Trời; một số kiểu truyền thông trực tiếp hoặc lời tiên tri; và sự thần cảm hay sự soi dẫn. Chúng tiến từ cái bên ngoài đến bên trong, từ những sự khác biệt đến sự gần gũi thân mật. Điều này rõ ràng theo sau sự tiến triển của toàn bộ mối quan hệ của Đức Chúa Trời với loài người. Trong Vườn Địa Đàng, A-đam và Ê-va bị xa cách Đức Chúa Trời vì tội lỗi. Nhưng qua sự cứu chuộc trong Đấng Christ, Đức Chúa Trời đưa các tín nhân đến gần Ngài và bởi Thánh Linh của Ngài, Ngài ngự trong lòng con người trong mối tương giao sâu đậm. Tuy nhiên, mặc dù có những khác biệt về hình thức và các mối quan hệ, Kinh Thánh không bao giờ phân biệt giá trị mặc khải của mỗi hình thức. Tất cả đều được Đức Chúa Trời bày tỏ như nhau.

Một số sự kiện về sự mặc khải đặc biệt có thể được ghi nhận. Đầu tiên, sự mặc khải đặc biệt là hành động và lời nói. Trái ngược với nhiều học giả xem sự mặc khải đặc biệt của Đức Chúa Trời chỉ ở trong “những hành động quyền năng” của Đức Chúa Trời. Các hình thức khác nhau mà Đức Chúa Trời dùng để giao tiếp với dân Ngài chứng tỏ Ngài đã sử dụng cả hành động và lời nói. Tất cả các hình thức được đề cập có thể được phân loại theo một hoặc cả hai tiêu đề này. Nếu không có sự giải thích của Đức Chúa Trời về các hành động của Ngài, chúng ta sẽ không hiểu được đầy đủ. Nhiều người đã chứng kiến ​​cuộc xuất hành ra khỏi Ai Cập, sự giam cầm của người Babylon đối với Israel, sự chết của Đấng Christ, hoặc ngôi mộ trống. Nhưng tất cả sự kiện không có ý nghĩa như nhau. Ví dụ chỉ có sự mặc khải của Đức Chúa Trời mới cho chúng ta biết rằng việc Đấng Christ bị đóng đinh là “vì tội lỗi của chúng ta.” Trừ khi Đức Chúa Trời tiết lộ ý nghĩa của các hành động của Ngài, chúng ta không bao giờ có thể chắc chắn về ý nghĩa đầy đủ của chúng.

Một sự bộc lộ qua lời nói cũng cần thiết cho một mối quan hệ cá nhân. Trong một tình huống giả định thì có thể một số người sẽ chọn điếc thay vì mù. Nhưng trên thực tế, người mù ít bị rối loạn cảm xúc hơn người điếc. Lý do liên quan đến tầm quan trọng của lời nói đối với mối quan hệ cá nhân được Bernard Ramm giải thích, “Các mối quan hệ cá nhân nồng thắm bị cuốn vào bởi những cuộc trò chuyện, và người nào khiếm thính thì không thể trải nghiệm nó. Thế giới không âm thanh còn bực bội hơn nhiều so với một thế giới không có thị giác.” Phim truyền hình là giải trí nhưng một bộ phim truyền hình bị cướp mất đi âm thanh thì cạn kiệt ý nghĩa. Trong cuộc sống cũng như trong phim truyền hình, từ ngữ chuyển tải những ý nghĩa; nó cần thiết cho mối quan hệ nồng ấm của tình bạn. Sự mặc khải đặc biệt của Đức Chúa Trời được thiết kế cho mối tương giao cá nhân. Và điều này đòi hỏi những lời được nói ra để chúng ta có thể hiểu các hành động của Đức Chúa Trời và phản hồi phù hợp.

Thứ hai, sự mặc khải đặc biệt mang tính cá nhân và bằng lời nói. Sự thật rằng Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời là chủ đề của chương sau. Nhưng ở đây cần lưu ý đơn giản rằng việc chúng ta xem xét các hình thức mặc khải đặc biệt chứng tỏ rằng không có sự phân đôi giữa Đấng Christ với tư cách là Ngôi Lời của Đức Chúa Trời và Lời phán của Đức Chúa Trời. Một số người có thể tập trung vào những lời trong Kinh Thánh mà không cần tương giao với Lời Hằng Sống là Chúa Giê-su mà Kinh Thánh nói đến. Một số người Do Thái vào thời Chúa Giê-su chăm chú nghiên cứu Kinh Thánh vì tin rằng nhờ đó nhận được sự sống. Nhưng Chúa Giê-su bảo họ: “Chính những lời Kinh Thánh này làm chứng về Ta; nhưng các ngươi không muốn đến cùng Ta, để được sự sống” (Giăng 5: 39-40). Thật không may, một số người “tin Kinh Thánh” biết nhiều về Kinh Thánh, nhưng họ không có mối quan hệ sống động với Đấng Christ.

Theo Kinh Thánh, không thể có sự phân cách thực sự giữa lời được viết ra và Ngôi Lời (Lời đã thành người). Trong giao tiếp với một người khác, lời nói của họ là cách chúng ta biết được suy nghĩ và cảm xúc của người đó. Theo nghĩa thực tế, lời nói của một người là sự mở rộng của cá nhân đó khi người đó tìm cách thu hẹp khoảng cách giữa mình và người khác. Vì vậy, Đức Chúa Trời hằng sống đã đến thế gian trong thân vị của Con Ngài để bày tỏ lòng và trí của Ngài cho nhân loại qua phương tiện ngôn ngữ.

Thứ ba, mặc khải đặc biệt chỉ có thể hiểu được trong bối cảnh của mặc khải phổ quát. Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài trong công việc của tay Ngài và trong mối giao tiếp cá nhân. Trên thực tế, người nghệ sĩ, kiến ​​trúc sư, chúng ta đều bày tỏ về bản thân trong những gì chúng ta làm. Bàn làm việc của một người có gọn gàng hay lộn xộn hay không cũng tiết lộ điều gì đó về cá nhân đó. Một họa sĩ cũng giao tiếp bằng lời với gia đình và bạn bè của mình, và những lời đó không chỉ đơn giản là để các bức tranh của anh nói thay cho anh. Vì vậy, Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài trong sự tráng lệ và tuyệt vời của các công trình tạo dựng và cũng trong sự giao tiếp trực tiếp và cá nhân với con người.

Đây là tình huống của A-đam và Ê-va trong vườn địa đàng. Như Warfield giải thích, “Ấn tượng mạnh mẽ mà Kinh Thánh truyền đạt cho chúng ta là tổ phụ con người ở với Chúa trong vườn Ê-đen, và vui vẻ trong mối tương giao với Ngài tức thì, chứ không chỉ đơn thuần là suy ngẫm trong sự hiệp thông…con người có cái nhìn trực tiếp về Đức Chúa Trời và được nói chuyện trực tiếp với Ngài.”

Sự xâm nhập của tội lỗi đem đến sự xa cách thuộc linh khỏi Đức Chúa Trời và cùng với đó là sự mất mát tai hại về mối giao tiếp cá nhân. Giống như A-đam, tội nhân cảm thấy không thoải mái trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Sự thánh khiết của Ngài đã khiến dân Y-sơ-ra-ên cầu xin Môi-se nói chuyện với Đức Chúa Trời thay cho họ. Nhưng trong tình yêu thương, Đức Chúa Trời đã tìm kiếm những con người tội lỗi, Ngài ban ân điển đưa họ trở lại mối tương giao đã được thiết kế. Lịch sử Kinh Thánh tiết lộ rằng sự giao tiếp này đã phát triển và sẽ phát triển cho đến khi một ngày nào đó các tín nhân sẽ được về nhà sống trong sự hiện diện của Ngài.

Về bản chất sự mặc khải đặc biệt của Đức Chúa Trời và sự giao tiếp cá nhân của thuộc về nhau. Chúa phát ngôn lời của Ngài và hành động trong lịch sử để khôi phục mối quan hệ của chúng ta với Ngài. Nhưng nếu không có sự hiểu biết về Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa Toàn Năng và Đấng cai trị vạn vật, Đấng công bình và tốt lành, thì những bài học trên đây không thể hiểu được hoặc đáng tin cậy. Sẽ khó chấp nhận Ngài là Đấng Cứu Chuộc nếu chúng ta không biết Ngài cũng là Đấng Tạo Hóa.

KẾT LUẬN

Nhiều người sống như thể không có Đức Chúa Trời, và một số người loại trừ Chúa theo quan điểm và học thuyết của họ. Nhưng các cuộc khảo sát hiện đại cũng như lịch sử nhân loại đã chứng minh sự thật trong Kinh Thánh rằng con người công nhận sự thực hữu của Đức Chúa Trời (mặc dù không phải lúc nào họ cũng thừa nhận điều đó). Ngài đã tạo ra chúng ta để biết Ngài, và do đó Ngài làm cho chính Ngài được biết đến. Sự mặc khải của Ngài đáp ứng đầy đủ các câu hỏi của chúng ta về ý nghĩa của sự tồn tại con người. Qua thế giới tự nhiên, Ngài bày tỏ sự tồn tại vĩnh cửu và quyền năng toàn năng của Ngài. Qua hành động và lời nói đặc biệt của Ngài, Ngài truyền đạt thuộc tính của Ngài như một Đức Chúa Trời của tình yêu thương. Tất cả những gì Ngài bày tỏ chính Ngài để chúng ta có thể biết Ngài, Đấng được biết là Đấng tự hữu và hằng hữu.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5
 Giáo Huấn Của Kinh Thánh  Là Duy Nhất?

 

KINH THÁNH TUYÊN BỐ là sự mặc khải đặc biệt từ Đức Chúa Trời, chính là Lời của Đức Chúa Trời. Nhưng các nhóm tôn giáo khác cũng tuyên bố rằng các bản văn của họ được tiết lộ bởi Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, người Hồi giáo tin rằng sách Kinh Koran được soi dẫn từ vị thần của họ; họ nói rằng thiên sứ trưởng Gáp-ri-ên đã tiết lộ điều đó cho Mô-ha-mét. Người Mormon tin rằng Joseph Smith đã nhận được một sự mặc khải trực tiếp từ Đức Chúa Trời được khắc trên những tấm bảng vàng, sau đó ông đã biên dịch và xuất bản chúng với tên gọi là Sách Mormon. Các tôn giáo khác cũng có những tác phẩm mà họ xem là thánh. Những tín đồ của họ xem những tác phẩm này truyền đạt những chân lý về những điều cơ bản.

Bởi vì những tác phẩm khác nhau này có những thông điệp khác nhau, nên tất cả chúng không thể đến từ Đức Chúa Trời là Đấng không thể nói dối. Vậy thì làm sao chúng ta có thể biết được “sách kinh” nào trên thực tế là tiếng nói của Đức Chúa Trời? Tất nhiên, chúng ta không thể để một số người có thẩm quyền cao hơn nói với chúng ta rằng “Đây là tiếng nói của Đức Chúa Trời” hoặc “Đây không phải”. Nếu có ai đưa ra quyết định như vậy, người đó phải là người có thẩm quyền trên Đức Chúa Trời. Nhưng điều này là không thể nếu chúng ta chấp nhận định nghĩa chung về Đức Chúa Trời là Đấng Tối cao.

Tiếng nói của Đức Chúa Trời đến với chúng ta phải được chứng minh là xác thực. Nghĩa là, khi Đức Chúa Trời phán chúng ta là tạo vật của Ngài, chúng ta phải có khả năng nhận ra lời Ngài là tiếng phán của Đức Chúa Trời. Chúng phải nổi bật so với những tiếng nói khác. Điều chúng ta tìm thấy chính là khi chúng ta so sánh Kinh Thánh với những lời tuyên bố khác. Kinh Thánh mang dấu ấn của một cuốn sách siêu nhiên. Chương này thảo luận về những lời dạy độc nhất của Kinh Thánh và chương 6 xem xét một số sự kiện khác về Kinh Thánh nhằm chỉ ra đặc tính siêu nhiên của nó.

Khi xem xét những lời dạy trọng tâm của Kinh Thánh, chúng ta thấy rằng phạm vi và uy quyền của chúng vượt xa tất cả các tác phẩm khác của con người. Tất cả những lời hay nhất của các bậc thầy, đơn giản là không thể so sánh với những giáo huấn trong Kinh Thánh. Như F. W. Farrar đã viết, “Những vấn đề nào mà cuốn sách này chưa được khám phá? Độ sâu nào mà chưa được thăm dò? Độ cao nào mà chưa được xác định? Lời an ủi nào mà chưa được nói ra? Lương tâm nào mà chưa bị khiển trách? Tấm lòng nào mà chưa được chạm đến?”1

Chúng ta tìm kiếm một chân lý trong thế gian; để chọn lấy

Cái tốt đẹp, cái trong sáng, cái đẹp đẽ

Từ bảng đá khắc chữ và cuộn giấy viết

Từ tất cả những cánh đồng hoa cằn cỗi của tâm hồn;

Và, khi những người tìm kiếm điều tốt nhất đang mòn mỏi

Chúng ta quay lại với đầy những câu hỏi,

Để tìm thấy nơi tất cả các nhà hiền triết đã nói

Có phải tất cả được tìm thấy trong Quyển Sách mà những bà mẹ chúng ta đã đọc.2

Bên cạnh việc Kinh Thánh vượt xa các tác phẩm của con người trong phạm vi rộng lớn về thông điệp, lẽ thật cốt yếu của Kinh Thánh thực sự trái ngược với suy nghĩ tự nhiên của con người. Toàn bộ thông điệp của Kinh Thánh minh họa rõ ràng lời tuyên bố của Đức Chúa Trời qua tiên tri Ê-sai: “Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta. Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu” (Ê-sai. 55: 8-9).

 

KHÁI NIỆM VỀ ĐỨC CHÚA TRỜI

 

Từ đầu đến cuối, Kinh Thánh tập trung vào Đức Chúa Trời. Quan điểm này của Đa-vít được ghi trong 1 Sử-ký 29:11, “Hỡi Đức Giê-hô-va sự cao cả, quyền năng, vinh quang, toàn thắng, và oai nghi đáng qui về Ngài; vì muôn vật trên các từng trời và dưới đất đều thuộc về Ngài. Đức Giê-hô-va ôi! nước thuộc về Ngài; Ngài được tôn cao làm Chúa tể của muôn vật.” Ngài là Đức Chúa Trời quyền năng, Đấng cai trị vũ trụ, hướng mọi vật đến mục đích cuối cùng của chúng vì sự vinh hiển của Ngài.

Ngoài ra, Đức Chúa Trời là Đấng hoàn toàn thánh khiết, và sự thánh khiết của Ngài đã tôn cao Ngài lên xa khỏi con người tội lỗi. Sau khi hình dung về Đức Chúa Trời trong sự thánh khiết đáng kinh ngạc, Ê-sai đáp: “Khốn nạn cho tôi! Xong đời tôi rồi!” (Ê-sai 6:5). Cùng với tội lỗi, chúng ta không thể tồn tại trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, cùng với sự thánh khiết của Ngài, Ngài có lòng nhân từ, tình yêu thương và lòng thương xót vô hạn. “Đức Giê-hô-va làm lành cho muôn người,” Đa-vít tuyên bố, “sự từ bi Ngài giáng trên các vật Ngài làm nên” (Thi. 145: 9). Trong sự thánh khiết, yêu thương và công bình, Đức Chúa Trời đã vạch ra một kế hoạch cứu rỗi cho những con người tội lỗi chúng ta.

Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh, đặc biệt là trong sự thánh khiết của Ngài, trái ngược với con người tội lỗi là lẽ tự nhiên; do đó Ngài không phải là một phát minh của con người, như nhiều người đã khẳng định. Nhà biện giáo Cơ đốc Cohn Chapman đã nói, “Điều khó chịu về Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh là Ngài thường xuyên cắt ngang những ước muốn và khao khát cá nhân của chúng ta. Ngài không cho phép chúng ta ích kỷ và luôn đối đầu với chúng ta bằng một tiêu chuẩn cao không thể thỏa hiệp. Đây không phải là kiểu Đức Chúa Trời mà con người làm ra khi con người đặt mục tiêu làm ra một vị thần theo ảnh tượng của chính mình.”3

Bản chất của Đức Chúa Trời là mầu nhiệm mà không một con người nào có thể hiểu hết được. Trong suốt lịch sử, con người đã tin vào nhiều vị thần (đa thần) hoặc một vị thần Nhất thể duy nhất. Chỉ riêng Kinh Thánh trình bày về Đức Chúa Trời duy nhất, đồng thời cũng là một Đức Chúa Trời Ba ngôi — Cha, Con và Thánh Linh. Khái niệm Ba Ngôi này về Đức Chúa Trời không mâu thuẫn với lý trí của con người, như một số người suy nghĩ. Ba Ngôi không có nghĩa là có ba Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là một Đấng Thánh tồn tại đời đời trong ba thân vị. Mặc dù không phải là một sự trái ngược phi lý, nhưng khái niệm về Đức Chúa Trời Ba Ngôi Hiệp Một không hoàn toàn dễ hiểu đối với tâm trí con người, cũng như không được tìm thấy trong bất kỳ tôn giáo nào khác. Tất cả những điều này lập luận rằng Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh  không phải là một sự trình bày, diễn đạt từ con người mà là một sự mặc khải thiên thượng.

Hơn nữa, về bản chất ba ngôi, Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh trả lời cho sự tìm kiếm của con người về sự hiểu biết Đức Chúa Trời và mối quan hệ với Ngài sâu sắc hơn bất kỳ tôn giáo nào khác. Niềm tin vào một vị thần tối cao được tìm thấy trong nhiều tôn giáo, thậm chí một số tôn giáo có nhiều vị thần thấp hơn. Nhưng các vị thần trong các hệ thống tín ngưỡng đó siêu phàm và xa vời đến mức không thể biết được. Giống như một trong những vị thần của người A-thên vào thời của sứ đồ Phao-lô là một “thần không biết” (Công vụ 17:23). Người Hindu, khi mô tả bản chất của một vị thần, đã sử dụng những cách diễn đạt như “Bóng tối thánh” hoặc “Đấng mà không ai có thể nói lên được.”4 Đối với người theo đạo Phật, bất cứ thực tại nào cũng không thể được định nghĩa hoặc mô tả. Họ nói rằng chúng tôi chỉ có thể giữ một “sự im lặng kính phục” khi đối mặt với những điều không thể biết được.5 Tương tự như vậy, các tôn giáo Phi châu cổ xưa chỉ nói về một “chủ thể không biết”6. Sự nhấn mạnh của Hồi giáo về quyền năng siêu đẳng nơi thần của họ là thánh Allah. Họ cũng xem Allah như là một vị thần trong tự nhiên thần giáo, về cơ bản nằm ngoài tầm hiểu biết với ít sự liên kết với con người và không có đặc tính tình yêu thương!7

Sự hiểu biết của Do Thái giáo về Đức Chúa Trời, dựa trên Cựu Ước, có nhiều điểm tương đồng với Đức Chúa Trời của Cơ đốc giáo. Nhưng sự bác bỏ của Do Thái giáo về bản chất Ba Ngôi của Đức Chúa Trời cũng dẫn đến một Đức Chúa Trời khác xa, khi so sánh với Đức Chúa Trời của Cơ đốc giáo, là Cha, Con và Thánh Linh. Môi-se chỉ được phép nhìn lướt qua phía sau sự vinh quang của Đức Chúa Trời, nhưng trong Chúa Giê-su, Đức Chúa Trời đã đích thân bước vào dòng lịch sử nhân loại. Phi-líp đã nói, “Lạy Chúa, xin chỉ Cha cho chúng tôi, thì đủ rồi” (Giăng 14: 8, xem thêm 1:14, 18). Chỉ khi Đức Thánh Linh là Đức Chúa Trời chứ không phải là một tạo vật, thì nhờ Ngài chúng ta mới có thể có mối tương giao mật thiết với chính Đức Chúa Trời. “Niềm tin tôn giáo không thể hài lòng với bất kỳ điều gì kém hơn Đức Chúa Trời. Trong Đấng Christ, chính Đức Chúa Trời đến với chúng ta, và qua Đức Thánh Linh, Ngài truyền đạt chính Ngài cho chúng ta.”8

Đức Chúa Trời duy nhất trong Kinh Thánh đáp ứng nhu cầu của chúng ta không chỉ về sự mặc khải mà còn cả về sự cứu chuộc. Nhà cải chánh vĩ đại Martin Luther đã nói rất đúng, “Không có cách nào khác hơn là thông qua một thân vị đời đời, chúng ta có thể được cứu khỏi sự sa ngã khủng khiếp của tội lỗi và sự chết đời đời; chỉ một thân vị như vậy mới có thể có quyền trên tội lỗi và sự chết, để bôi xóa tội lỗi của chúng ta và thay vào đó ban cho chúng ta sự công bình và sự sống đời đời; không một thiên sứ hay tạo vật nào có thể làm điều này, nhưng phải do chính Đức Chúa Trời làm.” Chỉ có Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh mới ban sự cứu chuộc và đó chính là Đức Chúa Trời mà chúng ta phải thờ phượng.

Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh, là Cha, Con và Thánh Linh, cũng là lời giải thích duy nhất về một Đức Chúa Trời yêu thương đời đời. Một Đức Chúa Trời duy nhất không thể bày tỏ tình yêu thương trong mối quan hệ cá nhân nếu không tạo ra một đối tượng cho tình yêu thương của Ngài. Chỉ khi có những mối quan hệ cá nhân với chính Đức Chúa Trời thì Ngài mới có thể là Đức Chúa Trời – Ngài là “tình yêu thương” với bản chất từ ​​muôn thuở. Chỉ khi Đức Chúa Trời có sự liên kết trong bản thể của Ngài thì Ngài mới có thể cung cấp một mô hình cho sự hiệp nhất trong mối liên hệ giữa chúng ta với nhau (xem Giăng 17:21-22).

Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh cũng đáp ứng nhu cầu về một Đấng siêu việt — tể trị trên tạo vật và lịch sử như là một Đấng có toàn quyền — và về một Đấng đang hiện diện với chúng ta. Con người luôn có xu hướng đánh mất Đức Chúa Trời bởi một trong hai tà thuyết. Thứ nhất, Ngài có thể bị lạc trong một sự trừu tượng đến nỗi Ngài hầu như không thể được biết đến, điều này đúng trong nhiều tôn giáo của con người. Thứ hai, Ngài có thể được coi là nội tại bên trong sự sáng tạo đến mức về cơ bản Ngài bị lu mờ bởi chính các tiến trình của tự nhiên và lịch sử, như trong thuyết phiếm thần và thần học tiến trình (process theology). Chỉ có Đức Chúa Trời Ba Ngôi bước vào lịch sử để bày tỏ chính Ngài, đồng thời vẫn ở bên ngoài lịch sử với tư cách là một Đức Chúa Trời siêu việt.9

Bởi vì Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh nằm ngoài lý trí của con người, do đó Ngài không thể là sản phẩm từ sự sáng chế của con người. Như một người đã cảnh báo cách đây nhiều năm, “khi một người phủ nhận giáo lý cơ bản của Cơ đốc giáo (Đức Chúa Trời Ba Ngôi), người đó có thể đánh mất linh hồn của mình, nhưng khi cố gắng để hiểu thấu đáo giáo lý này, người đó có thể sẽ mất trí khôn.”10 Là những người tin Chúa, chúng ta vui mừng được thờ phượng Đức Chúa Trời là Đấng tối cao, vĩ đại và bản chất của Ngài chúng ta không thể hiểu hết được bằng trí óc hữu hạn của mình. Vì chính trong bản chất ba ngôi của Ngài, Ngài làm thỏa mãn ước muốn sâu xa nhất trong lòng chúng ta vì một mối quan hệ với Ngài là Đức Chúa Trời ở trên chúng ta, vì chúng ta và ở trong chúng ta.

 

 

KHÁI NIỆM VỀ ĐẤNG CHRIST

Trong tất cả các tác phẩm thánh của các tôn giáo khác, không có người nào giống như Chúa Giê-su Christ. Được sinh ra bởi một nữ đồng trinh trong một nơi thấp hèn, Ngài là Con của Đức Chúa Trời. Ngài là Đấng tạo dựng muôn vật, nhưng Ngài đã chết trên cây thập tự bởi tay của con người. J.N.D Anderson tóm tắt vị trí độc nhất của Đấng Christ trong vòng tất cả các tôn giáo. “Các tôn giáo khác, thực sự, có thể bao gồm cả việc tin rằng Đức Chúa Trời, hoặc một trong các vị thần, hiện thân một lần hoặc nhiều lần, trong hình dạng con người, hoặc trong một số ‘vật chất nào đó – ánh sáng thánh’ đã truyền từ một cá nhân này sang một người kế thừa thuộc thế hệ khác. Nhưng chỉ riêng Cơ đốc giáo dám tuyên bố rằng ‘Đấng duy nhất, toàn tại, toàn tri, là căn nguyên của mọi sự tồn tại’ đã can thiệp cách độc nhất vào sự sáng tạo của mình, không phải bằng cách giả định hình dạng đơn thuần hay vẻ ngoài của một con người, mà bằng cách thực sự trở thành Con Người trong hình dạng bằng xương bằng thịt; không phải bằng cách sống và giảng dạy đơn thuần, nhưng bằng cách thực sự chết như một người phạm tội trọng ‘cho loài người chúng ta và cho sự cứu rỗi của chúng ta’ và đã đóng ấn cho lẽ thật này bằng cách sống lại từ cõi chết.”

Đấng Christ là duy nhất về nguồn gốc và về bản chất Con Người và sự sống của Ngài. Ngài đã bước đi trên đất trong những hình thái bình thường của một con người. Tuy nhiên, Ngài không phạm tội (Giăng 8:46). Ngài không bao giờ phải xin lỗi khi cầu xin sự tha thứ cho bất cứ điều gì Ngài đã làm. Những người đương thời đã kinh ngạc trước sự dạy dỗ của Ngài. “Chẳng hề có người nào đã nói như người nầy!” (Giăng 7:46). “Vì Ngài dạy như là có quyền, chớ không giống các thầy thông giáo” (Ma-thi-ơ 7:29). Ngài không bao giờ xin lời khuyên hay sự cho phép của con ngưởi. Những phép lạ Ngài làm cũng chỉ ra sự độc nhất vô nhị. “Người nầy là ai, mà gió và biển đều vâng lịnh người?” (Ma-thi-ơ 8:27). “Người ta chẳng bao giờ nghe nói có ai mở mắt kẻ mù từ thuở sanh ra” (Giăng 9:32).

Các nhà lãnh đạo tôn giáo khác tuyên bố dạy về cách sống mà họ tìm thấy. Nhưng Đấng Christ tuyên bố Ngài là con đường, là sự sống (Giăng 14:6). Người Hồi giáo giải thích rằng Mô-ha-mét là một tiên tri truyền đạt sự mặc khải của Allah; ông không phải là nền tảng cho đức tin của họ. Đức Phật cũng đã không kêu gọi mọi người đến với ông. Khi ông chết, những môn đệ đã hỏi làm thế nào để họ có thể nhớ đến ông. Câu trả lời của ông là “có nhớ đến tôi hay không thì không quan trọng. Điều cốt yếu là nằm ở lời dạy của tôi.” Nhưng không lâu trước khi Chúa Giê-su qua đời, khi thiết lập Tiệc thánh, Ngài đã truyền lệnh cho các môn đồ, “Hãy làm điều này để nhớ đến Ta” (Lu-ca 22:19).

Griffith Thomas đã chỉ ra rằng “Cơ đốc giáo là tôn giáo duy nhất trên thế giới nương dựa vào chính Đấng đã sáng lập ra nó.” Ông nói thêm, “Không có lời nào trong sự dạy dỗ của Ngài mà Ngài không khiến cho con người phụ thuộc vào chính Ngài theo một cách nào đó.” Điều này là tất nhiên, bởi vì không có người sáng lập tôn giáo nào trong lịch sử khẳng định rằng họ là Chân Thần duy nhất. Một số người đã nói về Chúa Giê-su, “Nếu không phải là quyền lực siêu phàm nói với chúng ta tại đây, thì đó chắc chắn là sự kiêu ngạo siêu phàm.”

Tuy nhiên, trong tất cả sự hoàn hảo về đạo đức, sự dạy dỗ có thẩm quyền và việc thi hành phép lạ của Chúa Giê-su, Ngài chưa bao giờ tỏ ra kiêu hãnh hay tỏ thái độ xa cách với mọi người. John Stott nói rằng có một sự nghịch lý ở Đấng Christ mà không thể giải thích theo cách tự nhiên được. “Không hề có một chút gì về sự tự cho mình là quan trọng. Ngài rất khiêm nhường. Chính nghịch lý này đã khiến mọi người bối rối. Ngài kết hợp trong chính Ngài lòng tự trọng cao nhất và sự hy sinh lớn nhất. Ngài biết chính Ngài là Chúa của tất cả mọi người, nhưng Ngài tự nguyện trở thành tôi tớ cho tất cả mọi người. Ngài nói rằng Ngài sẽ phán xét thế gian, nhưng Ngài đã rửa chân cho các môn đồ của mình.”

Có phải các trước giả Phúc âm đã dựng nên một bức chân dung của một người như vậy, hay họ đang tường thuật lại những gì họ đã thấy, sự mặc khải độc nhất của Đức Chúa Trời? Bức chân dung rất hạn chế về Ngài được các trước giả Kinh Thánh làm chứng cho những người sau này. Việc đọc truyện thần thoại của các dân tộc khác nhau cho thấy xu hướng của con người muốn tô điểm sự thật bằng trí tưởng tượng bay bổng. Ngay cả những tác phẩm bên ngoài Kinh Thánh nói về Chúa Giê-su, kể về thời niên thiếu của Ngài, miêu tả Ngài như một thần đồng thời thơ ấu hướng dẫn các thầy của Ngài những bí ẩn trong bảng chữ cái và làm kinh ngạc gia đình và bạn cùng lứa bằng những việc làm siêu phàm. Theo những sách thứ kinh này, vào một dịp nọ khi mới 5 tuổi, Chúa Giê-su được cho là đã tạo hình mười hai con chim sẻ bằng đất sét vào ngày Sa-bát. Khi Giô-sép hỏi về việc làm như vậy trong ngày thánh, Chúa Giê-su đã vỗ tay và chim sẻ bay đi hót líu lo.

Ngược lại, Kinh Thánh miêu tả những phép lạ của Đấng Christ với sự rõ ràng, đơn giản. Mục đích của chúng không phải để mua vui cho khán giả hoặc giải trí cho những người hiếu kỳ, nhưng để chứng tỏ sự vinh hiển của Cha phù hợp với mục tiêu của cuộc đời Ngài. Leon Morris chỉ ra một thực tế đáng kinh ngạc là không ai trong số những người viết các sách Phúc âm tường thuật về Chúa Giê-su mà đã từng tôn vinh Ngài. Họ thỉnh thoảng tường thuật Ngài được nhiều người ca ngợi, nhưng bản thân họ không khen ngợi Ngài một lời nào. Điều này thật khó giải thích nếu những lời kể của họ là những câu chuyện phóng đại nhằm làm cho Chúa Giê-su trở thành một điều gì đó khác hơn một con người. Một số người cho rằng các trước giả Kinh Thánh đã tôn thờ Đấng Christ giống như Đức Phật được các đệ tử của ông tôn thờ! Lưu ý rằng phải đến nhiều thế kỷ sau khi Đức Phật mất, ông mới được coi là một vị thánh và chỉ trong một phạm vi giới hạn. Nhưng bức chân dung về Chúa Giê-su trong Thánh Kinh là Con của Đức Chúa Trời được viết trong khi những người biết Ngài vẫn còn sống trong suốt thời gian Ngài còn trên đất.

Tất cả các bằng chứng đều chỉ ra một thực tế là các trước giả Phúc Âm đã cho chúng ta một lời tường thuật khách quan về con người độc nhất này ở giữa vòng họ đang sống. Họ làm như vậy vì họ muốn người khác tin vào sự trung thực của các sách phúc âm. Hơn nữa, Con Người (Christ) mà họ mô tả là quá siêu việt đến mức khiến người ta không nghĩ rằng Ngài có thể được sáng tạo ra từ các tác giả bình thường, đặc biệt là những ngư dân vùng Ga-li-lê. Ngay cả Jean-Jacques Rousseau (1712-1778), nhà triết học đã mở đường cho chủ nghĩa tự do nhân văn, cũng thừa nhận nguồn gốc siêu nhiên của phúc âm. Ông nói “Phúc âm bày tỏ một lẽ thật quá vĩ đại, nổi bật, và hoàn hảo không thể bắt chước và người phát minh ra nó còn đáng thán phục hơn một anh hùng.” Nếu các trước giả Phúc âm nghĩ ra câu chuyện hư cấu, thì chúng ta phải thừa nhận lời của Robert Dabney nói rằng “những kẻ nói dối này đã tạo ra một hình mẫu về lẽ thật cao quý nhất và đẹp nhất từng thấy ở loài người. Hơn nữa, họ đã sử dụng tất cả nghệ thuật kỳ diệu để tạo nên một bức chân dung tưởng tượng mà kết quả là lên án sự giả dối của chính họ.”

Có lẽ hầu hết tất cả hình ảnh Đấng Christ được các trước giả Kinh Thánh miêu tả đều khó chịu đối với con người mang bản chất tội lỗi, đến nỗi không thể tin rằng người ta có thể hoặc sẽ bịa ra một ý tưởng về một Đấng như vậy. H.G. Wells, mặc dù không phải là một Cơ đốc nhân chính thống, nói rằng Chúa Giê-su “giống như một thợ săn đạo đức đang đào bới nhân loại ra khỏi những cái hang ẩn náu mà họ đã sống cho đến nay …. Có lạ gì khi con người bị lóa mắt và mù lòa đã phản đối chống lại Ngài? … Chúng ta sẽ ngạc nhiên biết bao khi có thể hiểu biết hết về người đàn ông Ga-li-lê này!”

BẢN GHI CHÉP TRONG KINH THÁNH VỀ CON NGƯỜI

Ai sẽ vẽ một bức tranh về những người như chúng ta tìm thấy trong Kinh thánh? Xu hướng của con người là đề cao bản thân hơn những gì họ thực sự là, hoặc hạ thấp bản thân mình xuống dưới bản chất thực sự của họ. Học giả người Hà Lan Desiderius Erasmus (1466-1536) hỏi, “Con người đối với con người hoặc là thần linh hoặc là sói dữ?”

Một mặt, các triết học và thần học của con người thường đưa con người lên cấp độ thần thánh. Nhà triết học Hy Lạp Heraclitus (khoảng năm 540-480 trước CN) tuyên bố, “Các vị thần là những người bất tử, và loài người là những vị thần phàm trần.” Rất lâu sau đó, nhà triết học người Đức Georg Hegel (1770-1831) đã nói về “thần tính tiềm ẩn” của tất cả mọi người, và các nhà thần học nói về tia lửa thần thánh trong những người cần được thổi bùng lên thành ngọn lửa.

Mặt khác, với ảnh hưởng gần đây của quá trình tiến hóa tự nhiên, các nhà triết học coi con người là quý tộc của động vật. Theo một số nhà tiến hóa, chúng ta chỉ là những sinh vật phức tạp mà hành động của chúng được kiểm soát bởi môi trường của chúng ta, giống như những con chó của Pavlov được huấn luyện để phản ứng với một số tác nhân nhất định.

Sự vĩ đại của con người – sự tự do, sự sáng tạo, khả năng bay lên trên thế giới bằng tâm linh của chúng ta – và sự ràng buộc của chúng ta đối với môi trường tự nhiên như các sinh vật trên trái đất khiến chúng ta cảm thấy bối rối về bản chất của chính mình. Những câu hỏi lớn mà tất cả con người đặt ra – Tôi là ai? Tôi đến từ đâu? Mục đích tồn tại của tôi là gì? —Không bao giờ có thể trả lời được từ nghiên cứu về tự nhiên. Chỉ có sự mặc khải từ Đấng Tạo Hóa mới có thể trả lời câu hỏi của chúng ta. Và không nơi nào ngoại trừ trong Kinh Thánh, chúng ta tìm thấy một bức tranh về bản chất con người giải thích cho thực tế tồn tại của con người.”

Chúng ta là những tạo vật trên đất (Sáng thế Ký 2:7), nhưng chúng ta cũng được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời (1:27). Chúng ta thuộc về thế giới này, và do đó chúng ta phải lao động để duy trì môi trường tự nhiên như ngôi nhà của mình. Nhưng chúng ta cũng được tạo dựng để tương giao với Đức Chúa Trời, và do đó nếu không có mối tương giao này chúng ta không bao giờ có thể hài lòng với bản chất con người của mình.

Nhưng nan đề về con người hiện tại không chỉ bắt nguồn từ bản chất của chúng ta là những tạo vật được tạo ra. Nó đến từ tội lỗi. Nếu chúng ta là ảnh tượng của Đức Chúa Trời, tại sao chúng ta không hành động giống như Đức Chúa Trời? Một lần nữa Kinh Thánh cung cấp câu trả lời theo cách mà chúng ta không mong đợi từ những trước giả. Theo Kinh Thánh, phẩm chất của chúng ta bị hoen ố vì tội lỗi là cái mà chúng ta phải chịu trách nhiệm. Để chắc chắn, chúng ta phải nhận ra sự thất bại của mình trong những việc chúng ta làm. Chúng ta phải nhận ra sự “vô nhân đạo” của mình đối với người khác. Nhưng nếu không có sự mặc khải thiên thượng, mọi người sẽ cố gắng giải thích lỗ hổng này bằng sự thiếu hiểu biết hoặc qua một số dấu hiệu tiến hóa từ một động vật hung dữ. Tất cả những lời giải thích này giúp con người hoàn toàn thoát khỏi trách nhiệm tội lỗi; họ không thừa nhận sự nổi loạn cố ý chống nghịch lại Đức Chúa Trời. Khi tội lỗi được xem như là sản phẩm đáng thương của môi trường tiến hóa, thì loài người trở nên thấp kém hơn con người vốn được tạo nên.

Tuy nhiên, Kinh Thánh tuyên bố rằng chúng ta là những tội nhân phải chịu trách nhiệm. Kinh Thánh xác nhận sự tự do của con người, quyền để hành động và những hành vi ngang ngược của con người. Con người là cao quý, nhưng họ sa vào tội lỗi. Theo lời của nhà thần học Reinhold Niebuhr, “Quan điểm của Cơ đốc giáo về bản chất con người có liên quan đến một  tuyên bố địa vị cao hơn của con người so với các tạo vật khác đồng thời xem cái xấu của con người nghiêm trọng hơn so với các loài khác.” Hơn nữa, Kinh Thánh trình bày tình trạng con người một cách hoàn hảo. Mặc dù con người không làm trò đồi bại, nhưng ngay cả những anh hùng đức tin cũng không thể che giấu được những điểm yếu của họ. Những con người vĩ đại của đức tin được cho là những tội nhân cần sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

Có lẽ sự mô tả trong Kinh Thánh về sự xáo trộn nội tâm trong ý thức của chúng ta cung cấp một bằng chứng sâu sắc nhất về kiến ​​thức siêu nhiên của bản chất con người chúng ta. Robert Dabney viết về bức tranh trong Kinh Thánh về “sự mặc khải sâu sắc và sầu muộn của ý thức bên trong chúng ta”, bao gồm sự trống rỗng của những mưu cầu trần thế mà chúng ta bị thúc đẩy bởi lương tâm hư hỏng, những vi phạm tội lỗi của lương tâm và dục vọng, nhưng lại bất lực trong việc thực hiện đổi mới đạo đức. Sau đó, ông thấm thía hỏi: “Bằng sự khôn ngoan nào mà cuốn sách này đã tiết lộ một cái nhìn sâu sắc hơn, trung thực hơn và thấu suốt hơn bất kỳ một triết lý nhân sinh nào, một cái nhìn thấu vào sâu thẳm bên trong lương tâm khốn khổ chúng ta? Khi tâm hồn tội lỗi của con người tìm kiếm một chân lý cho nó trong mọi tiếng rên rỉ hối hận và nỗi thống khổ của mình, há đó chẳng phải là từ tiếng nói của Đấng mà đôi mắt của Ngài đang nhìn thấu đến, dò xét lòng của những đứa con loài người?”

 

KHÁI NIỆM CỦA KINH THÁNH VỀ SỰ CỨU CHUỘC

Tất cả các tôn giáo đều cung cấp một số phương cách để giải thoát cuộc sống đau khổ của con người và mang lại hòa bình và hạnh phúc. Nhưng sự cứu rỗi được bày tỏ trong Kinh Thánh  chỉ nói về một phương cách thiên thượng duy nhất. Các phương cách “cứu rỗi” khác nhau được tìm thấy trong các tôn giáo trên thế giới đều dựa trên một khái niệm: Sự giải thoát đến từ những nỗ lực của con người. Điều này được minh họa trong câu chuyện sau đây về một số người theo đạo Hindu.

Chúng tôi quay lưng lại với dòng sông và đến một bãi đất trống, lần theo con đường mòn bằng đá giữa các cánh đồng, được bao bởi bức tường đất sét thấp và những bụi gai. Trời bắt đầu nắng lên với mỗi bước chân đạp trên con đường đất bụi. Sau một lúc, chúng tôi gặp một người đàn ông trẻ tuổi, nằm thẳng trên mặt đất và dường như đang tập thể dục. Anh ta chồm dậy, vươn tay trái về phía sau hết mức có thể, nhặt một viên đá từ một đống đá nhỏ nằm ở đó, rồi nằm thẳng người trên mặt đất, vươn tay phải về phía trước càng xa càng tốt, và đặt viên đá đó lên một đống đá nhỏ tương tự …. Tiến sĩ Govindam giải thích với tôi rằng người thanh niên này không được phép nói chừng nào anh ta còn say mê với hình thức parikrama (vòng luân hồi) đặc biệt đáng khen này. 108 viên sỏi phải được thu lượm và sau đó di chuyển từng viên sỏi đến một chỗ nào đó, như cách mà người thanh niên đã làm, theo chiều dài của cơ thể mỗi lần. Sau khi tất cả 108 viên sỏi đã được di chuyển với khoảng cách khoảng hai bước chân, thì chu kỳ này lập lại với từng viên sỏi. Vậy thì phải mất bao lâu để thực hiện việc làm này theo cách này? Có lẽ vài tuần, hoặc vài tháng. Chúng tôi đi qua những người mộ đạo khác là người chọn cách chuộc tội này, trong số đó có một góa phụ già. Tiến sĩ Govindam giải thích với chúng tôi rằng có lẽ bà ấy đang làm việc đó để nhận lấy công đức cho chồng mình ở thế giới bên kia …. Nhiều tuần sau đó, chúng tôi thấy bà ấy vẫn ở đó cách nơi mà chúng tôi đã nhìn thấy bà lần đầu tiên vài kilômet. Bà ấy dường như yếu đến nỗi cứ sau hai mươi mét là bà ấy nằm kiệt sức bên cạnh đống đá nhỏ của mình?”

Cho dù là theo con đường chính nghĩa của người Hindu, kỷ luật theo Bát chánh đạo của Phật giáo, hay là cầu nguyện và ăn chay của người Hồi giáo, tất cả các tôn giáo ngoài Kinh Thánh đều tìm cách tìm kiếm sự cứu rỗi bằng các việc làm. Cách nghĩ phổ biến là để vào được thiên đường phải “làm tốt nhất những gì mình có thể.” Điều này dễ hiểu khi chúng ta nhận ra rằng những người này có ý thức hay vô thức về bản chất sa ngã của mình, đang bị ràng buộc bởi tội lỗi. Tình trạng của họ được mô tả trong lần phạm tội đầu tiên của tổ phụ loài người: “Ngươi sẽ như Đức Chúa Trời” (Sáng 3: 5). Thật khó để một “vị thần” thừa nhận rằng mình không thể làm được gì cho bản thân!

Tuy nhiên, trong một số tôn giáo, mọi người tin vào những vị thần cứu tinh là những người ban sự cứu rỗi cho các tín đồ của họ. Hình thức Phật giáo được chấp nhận rộng rãi nhất ở Nhật Bản dựa trên câu chuyện về Amita, người đã tích lũy một kho công đức khổng lồ trên đường đến với Phật đến mức ông ấy đã thề sẽ ban sự tái sinh cho tất cả những ai tin vào ông ấy và liên tục lặp lại cụm từ “A Di Đà Phật”. Khái niệm vị thần cứu tinh cũng phổ biến ở Ai Cập cổ đại và vùng Lưỡng Hà.

Tuy nhiên, ngay cả khi người ta tin vào những vị thần cứu tinh, thì họ vẫn tin rằng công đức là cần thiết để được các vị thần ban ơn. Hơn nữa, họ không có cách nào để đối phó một cách nghiêm túc với thực tế rõ ràng của tội lỗi. Như Leon Morris đã chỉ ra, “Những nhà tư tưởng sâu sắc nhất trong nhân loại luôn nghĩ rằng sự tha thứ thực sự chỉ có thể có được khi sự quan tâm thích đáng được trả theo luật đạo đức …. Chúng ta hẳn đã không thấy đây là điều mà Đức Chúa Trời đã gieo vào sâu thẳm trong lòng con người sao. Đối mặt với một tội ác ghê tởm, ngay cả những người vô cảm nhất trong vòng chúng ta cũng có thể thốt lên rằng: ‘Điều đó đáng bị trừng phạt!’” Không có cảm giác được thỏa mãn về sự công bình trong các tôn giáo sai lầm.

Sự cứu rỗi được mô tả trong Kinh Thánh khác nhau như thế nào! Mong muốn tự nhiên của con người trong việc tìm kiếm công đức để nhận được sự cứu rỗi là hoàn toàn không thể; vì mọi vinh quang trong sự cứu rỗi đều thuộc về Đức Chúa Trời. Theo lịch sử thì thực tế về tội lỗi và hình phạt dành cho nó được xác nhận đầy đủ. Sự cứu rỗi được thực hiện bởi tình yêu thương vô tận của Đức Chúa Trời theo một cách mà vẫn bảo tồn sự thánh khiết của Ngài. Sự thánh khiết của Đức Chúa Trời đòi hỏi sự công bình trong việc trừng phạt tội lỗi; và tình yêu thương của Ngài đáp ứng điều đó qua sự hy sinh của Con Ngài. “Đức Chúa Giê-su Christ, là Đấng Đức Chúa Trời đã lập làm của lễ chuộc tội, bởi đức tin trong huyết Đấng ấy. Ngài đã bày tỏ sự công bình mình như vậy, vì đã bỏ qua các tội phạm trước kia, trong buổi Ngài nhịn nhục; tức là Ngài đã tỏ sự công bình Ngài trong thời hiện tại, tỏ ra mình là công bình và xưng công bình kẻ nào tin đến Đức Chúa Giê-su” (Rô-ma 3: 25-26). Vì vậy, trái ngược với các phương cách khắc phục sự khốn khổ của con người do tội lỗi gây ra bằng cách cố gắng tìm kiếm sự phục hồi từ bản chất sa ngã là điều không thể, hoặc phương cách đặt sự thánh khiết và công bình của Đức Chúa Trời qua một bên đều là vô ích. “Phương cách cứu rỗi được đưa ra để con người tham gia vào trong sự toàn năng, tình yêu và sự khôn ngoan của chính Đức Chúa Trời, vừa để thỏa mãn sự công bình tuyệt đối của Ngài, vừa để khôi phục lại sự hư hoại của con người do tội lỗi; vì vậy sự giải cứu này sẽ đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu của thiên đàng, và là mọi điều cần thiết cho nhân loại.”

 

Sự chết Con Đức Chúa Trời, như là phương tiện cứu rỗi, trái ngược với tất cả những tôn giáo khác. Ajith Fernando, một học giả Cơ đốc giáo đã phục vụ nhiều năm ở Sri Lanka, kể về một “nhà văn Phật giáo nổi tiếng”, người đã nói với ông rằng “Đức Phật cao cả hơn Chúa Giê-su bởi vì Chúa Giê-su đã bị đánh bại đến nỗi phải chết trong trận chiến cho sự công chính của con người.” Từ điển bách khoa Do Thái khẳng định, “Không có Đấng Mê-si-a nào mà người Do Thái biết lại có thể chịu chết như vậy; vì ‘Kẻ nào bị treo ắt bị Đức Chúa Trời rủa sả’ (Phục truyền 21:23), là một ‘sự xúc phạm đến Đức Chúa Trời” (Targum, Rashi). Tương tự như vậy, người Hồi giáo cũng từ chối lẽ thật về Chúa Giê-su bị đóng đinh. Kinh Koran nói, “Chúng tôi đã giết Đấng Mê-si-a là Chúa Giê-su, con trai của Ma-ri, Sứ đồ của Allah.’ Họ đã không giết Ngài, cũng không đóng đinh Ngài, nhưng họ nghĩ rằng họ đã làm như vậy” (Sura 4: 156). Rõ ràng thập tự giá của Đấng Christ, như Phao-lô đã viết là “sự người Giu-đa lấy làm gương xấu, dân ngoại cho là rồ dại” (1 Côr. 1:23). Nhưng đó là “quyền phép của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời” cho sự cứu chuộc (1:24).

Hơn nữa, sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời không bắt nguồn từ những câu chuyện thần thoại hay những ý tưởng khai sáng, mà là trong lịch sử.  Những lời của Gresham Machen đã tóm tắt sự độc đáo về lời dạy cứu rỗi trong Kinh Thánh. “Theo Kinh Thánh, sự cứu rỗi không phải là điều được khám phá ra, mà là điều đã xảy ra. Do đó thể hiện tính độc nhất của Kinh Thánh. Tất cả các ý tưởng trong Cơ đốc giáo có thể được tìm thấy trong một số tôn giáo khác, nhưng ý tưởng của các tôn giáo khác thì không có trong Cơ đốc giáo. Vì Cơ đốc giáo không phụ thuộc vào các ý niệm phức tạp, nhưng dựa trên lời tường thuật về một sự kiện. Nếu không có sự kiện đó, thế giới, trong cái nhìn của Đấng Christ, hoàn toàn tối tăm, và nhân loại bị hư mất bởi tội lỗi. Không thể có sự cứu chuộc bằng việc khám phá ra lẽ thật vĩnh cửu, vì lẽ thật vĩnh cửu mang lại sự tuyệt vọng, bởi vì tội lỗi. Nhưng một diện mạo mới được khoác lên cuộc sống bởi điều phước hạnh mà Đức Chúa Trời đã làm khi ban chính Con một của Ngài.

Sự cứu chuộc ấy quá xa lạ đối với con người tự nhiên, nhưng lại rất vĩ đại và thỏa mãn những khát vọng sâu thẳm trong lòng của tất cả mọi người đến nỗi nó không thể được tạo ra bởi loài người. Phao-lô, người đã cố gắng tự cứu mình bằng những việc làm của con người, đã tóm tắt tính chất siêu nhiên về sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời: “Vì Đức Chúa Trời đã nhốt mọi người trong sự bạn nghịch, đặng thương xót hết thảy.  Ôi! sâu nhiệm thay là sự giàu có, khôn ngoan và thông biết của Đức Chúa Trời! Sự phán xét của Ngài nào ai thấu được, đường nẻo của Ngài nào ai hiểu được!” (Rô-ma 11: 32-33).

 

 

 

 

 

 

 

 

                                                                          7

Kinh Thánh Là Lời Soi Dẫn Của Đức Chúa Trời?

 

 

TRÁI NGƯỢC VỚI những hình tượng ngoại giáo “có miệng, nhưng … không nói được” (Thi Thiên 115:5; 135:15-16), “Nếu có ai kêu cầu, thì thần chẳng trả lời, và không cứu khỏi nạn được” (Ê-sai 46:7).  Đức Chúa Trời của Kinh Thánh thì giao tiếp với dân sự của Ngài qua lời phán.  Bản chất Đức Chúa Trời vốn dĩ liên quan đến Ngôi Lời và Ngôi Lời thể hiện Ngài. “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời.” (Giăng 1:1).   Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi Ngài giao tiếp với dân sự của Ngài trong suốt lịch sử bằng lời, như trước giả thư Hê-bơ-rơ đã từng tuyên bố.  “Đời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách, rồi đến những ngày sau rốt nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài, là Con mà Ngài đã lập lên kế tự muôn vật, lại bởi Con mà Ngài đã dựng nên thế gian.” (Hê-bơ-rơ 1:1-2). Vì Đức Chúa Trời của chúng ta là một Đức Chúa Trời phán dạy qua lời, vậy thì ngày nay Ngài có còn nói chuyện với dân sự của Ngài không?  Và nếu có, chúng ta có thể nghe thấy lời của Ngài ở đâu hoặc bằng cách nào?

Theo trước giả sách Hê-bơ-rơ, các nhà tiên tri dưới sự soi dẫn của Đức Thánh Linh đã viết những lời của Đức Chúa Trời.  Sự việc này đạt đến đỉnh điểm khi con trai của Đức Chúa Trời, người không chỉ nói những lời của một tiên tri, nhưng bản thân con trai ấy còn chính là Ngôi Lời của Đức Chúa Trời được bày tỏ trong lịch sử.  Như chúng ta sẽ thấy trong chương này, lời tiên tri của Đức Chúa Trời đã được viết ra và lưu giữ trong các tác phẩm thiêng liêng được gọi là Kinh Thánh.  Kết quả là dân sự của Đức Chúa Trời trong Cựu ước và Tân ước đều đã xác định Kinh Thánh là “Lời của Đức Chúa Trời”.

Trong suốt lịch sử hội thánh, các tín hữu hiếm khi thắc mắc về lẽ thật này.  Nhưng trong thời kỳ Khai Sáng, đã đề cao lý trí của con người trong việc tìm kiếm chân lý thông qua cái gọi là phương pháp khoa học, sự thật đấy đã bị nhiều người phủ nhận.  Đối với một số người, Kinh Thánh chỉ là một bản ghi chép về kinh nghiệm tôn giáo của con người.  Số khác xác định các phần của Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, chẳng hạn như những phần được giới thiệu bởi công thức “Chúa phán như vậy”, hoặc “Lời của Chúa đã đến … phán như vậy.”  Nhiều người nói Kinh Thánh chỉ chứa đựng hoặc làm chứng cho Ngôi Lời, nhưng không phải là chính bản thân của Ngôi Lời.  Họ nói rằng chỉ khi Đức Thánh Linh phán với họ qua Ngôi Lời thì Kinh Thánh mới trở thành Lời của Đức Chúa Trời.

Đây là một vấn đề quan trọng.  Vì nếu Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, thì bất chấp hình thức con người của Kinh Thánh, chúng ta có Lời Đức Chúa Trời ở dạng khách quan, hình dáng cụ thể và đó là những tạo vật của Ngài, chúng ta phải vâng theo lời ấy.  Mặt khác, nếu Kinh Thánh chỉ là lời của con người, không chừng sẽ được tâng bốc theo cách nào đó, thì vì một lý do nào đó chúng ta nhất định phải tìm kiếm Lời Chúa trong và đằng sau những lời của con người, hoặc có thể – theo như một số người gợi ý, tìm kiếm ngay cả trong các tác phẩm tôn giáo khác.

Chương này thảo luận về lời chứng của Kinh Thánh xung quanh bản chất của nó.  Điều này nghe có vẻ giống như lý luận luẩn quẩn theo một vòng tròn, tìm cách xác định bản chất của Kinh Thánh bằng những tuyên bố của chính Kinh Thánh.  Chúng ta sẽ nói nhiều hơn về phương pháp này trong phần thảo luận của chúng ta về tính cách đáng tin cậy trong chương 10.  Nhưng chúng ta có thể phải lưu ý hai quan điểm được đưa ra ở đây.

Quan điểm thứ nhất, nếu chúng ta cho phép một người tự làm chứng và không tán thành việc bị bác bỏ thì lời chứng của anh ta là giả dối, như vậy chúng ta cũng không thể cho phép Kinh Thánh tự làm chứng cho Kinh Thánh?  Mặc dù Chúa Giê-su có những nhân chứng khác. Ngài cũng đã làm chứng cho chính Ngài.  “Đức Chúa Giê-su đáp rằng: Dẫu ta tự làm chứng về mình, nhưng lời chứng ta là đáng tin…” (Giăng 8:14).  Sự đáng tin cậy của Kinh Thánh được chứng thực bằng những bằng chứng bên ngoài và bên trong.  Do đó, Kinh Thánh xứng đáng được chú ý trong các tuyên bố về chính Kinh Thánh.

Quan điểm thứ hai, Cơ đốc nhân biết rằng Kinh Thánh là nền tảng của tất cả các giáo lý quan trọng của đức tin, chẳng hạn như thần tính của Đấng Christ và sự cứu rỗi qua sự chết cũng như sự phục sinh của Ngài.  Nếu chúng ta chấp nhận Kinh Thánh là kim chỉ nam dẫn chúng ta đến lẽ thật trong những giáo lý trên, chẳng lẽ chúng ta cũng không nên chấp nhận những lời dạy của Kinh Thánh về bản chất của chính Kinh Thánh sao?

 

Ý NGHĨA VỀ “LỜI CỦA CHÚA”

Nói “Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời” không có nghĩa là Lời của Đức Chúa Trời chỉ giới hạn trong Kinh Thánh.  Lời nói của Đức Chúa Trời được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.  Ví dụ, tác giả Thi Thiên viết rằng: “Ngài ra lịnh mình trên đất, Lời của Ngài chạy rất mau. Ngài cho mưa tuyết như lông chiên; Rải sương-móc trắng khác nào tro.  Ngài ném giá từng miếng; Ai chịu nổi được sự lạnh-lẽo của Ngài?  Ngài ra lịnh làm cho tuyết giá tan ra, khiến gió thổi, nước bèn chảy.” (Thi Thiên 147:15-18).  Rõ ràng “lời” trong phân đoạn trích trên không phải là   Kinh Thánh.  Và trong lời tuyên bố sau cũng vậy “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta…” (Giăng 1:14), Ngôi Lời ở đây là chỉ về Đấng Christ.

Vì thế, Lời Chúa rộng hơn sự mặc khải bằng miệng hoặc bằng văn tự.  Điều đó có thể được định nghĩa là sự tự thể hiện của Đức Chúa Trời, theo Kinh Thánh thì bằng nhiều hình thức khác nhau.  Thứ nhất, đó là quyền năng của Đức Chúa Trời mà Ngài tác động và điều khiển mọi vật theo ý muốn của Ngài (ví dụ, sự sáng tạo trong Sáng Thế Ký 1:3; Thi Thiên 33:6-9; sự phán xét trong Thi Thiên 46:6; Ê-sai 30:30; sự chữa lành trong Ma-thi-ơ 8:8).  Thứ hai, đó là lời nói có thẩm quyền của Đức Chúa Trời mà qua đó Ngài giao tiếp cách cá nhân với các tạo vật của Ngài. Điều thú vị chính là, việc sử dụng “Lời” để thi hành ý muốn của Đức Chúa Trời trên thiên nhiên trong lời tuyên bố sau đây trích từ Thi Thiên 147, chúng ta đọc, “Ngài truyền lời mình cho Gia-cốp, luật-lệ và mạng-lịnh mình cho Y-sơ-ra-ên.” (Thi Thiên 147:19).  Thứ ba, lời của Đức Chúa Trời là sự hiện diện của chính Ngài với các tạo vật.  Tất nhiên, nhân cách của một người được tiết lộ qua cách người đó phát biểu.  (xem trong Ma-thi-ơ 12:34). Vì vậy, Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng “…Đức Giê-hô-va hiện ra cùng Sa-mu-ên, khiến cho người biết lời [của Ngài]” (1 Sa-mu-ên 3:21).  Nhưng cách sử dụng thứ ba này vượt quá mọi ngôn từ về sự bày tỏ của Đức Chúa Trời trong thân vị của Con Ngài là Chúa Giê-su Christ – Ngôi Lời (Giăng 1:1; Khải huyền 19:13).  Cách sử dụng cuối cùng này đưa chúng ta đến sự thật sâu xa rằng “Ngôi Lời” của Đức Chúa Trời không kém gì sự tự mặc khải của Đức Chúa Trời ba ngôi. “Đức Chúa Cha là Đấng tuyên phán; Đức Chúa Con là lời được phán ra; Đức Thánh Linh là lời hà hơi quyền năng … khiến lời đó làm trọn được mục đích của nó.”

 

LỜI CHỨNG CỦA CỰU ƯỚC

Khi Kinh Thánh ghi lại lịch sử mối quan hệ của Đức Chúa Trời với con người, không có gì đáng ngạc nhiên khi trong Cựu Ước, chúng ta thường xuyên thấy đề cập đến lời Đức Chúa Trời như sự giao tiếp bằng lời nói. Ngài không chỉ phát ngôn, nhưng lời của Ngài còn được truyền đạt qua các văn tự của con người, để những gì họ nói và viết đều là những lời của Đức Chúa Trời.

Lời của Chúa đã tuyên phán

Một số từ Hebrew được sử dụng trong Cựu Ước để diễn đạt lời nói hoặc lời của Đức Chúa Trời.  “Miệng” của Đức Chúa Trời được nhắc đến khoảng năm mươi lần như một cơ quan ngôn luận, không chỉ nhấn mạnh đến nguồn gốc trực tiếp lời nói của Ngài mà còn là bản chất của chúng là lời nói. Thông điệp của Giê-rê-mi đến từ “miệng Đức Giê-hô-va” (Giê-rê-mi 9:12). “Tiên tri” là người nói những lời từ miệng của người khác.  Điều này được thể hiện rõ ràng trong sự việc khi Môi-se phàn nàn về khả năng diễn đạt không trôi chảy của mình và A-rôn đã trở thành người phát ngôn cho Môi-se.  “Con phải nói chuyện với người,” Đức Chúa Trời nói với Môi-se và đặt những lời phải nói trên môi miệng A-rôn … A-rôn sẽ nói chuyện với dân chúng thay ngươi; ấy là người đó sẽ nói cùng dân-sự thế cho ngươi, dùng làm miệng ngươi, còn ngươi sẽ dường như Đức Chúa Trời cho người vậy” (Xuất Ê-díp-tô Ký 4:15-16).  Đức Chúa Trời sau đó đã xác định chức vụ cho A-rôn đối với Môi-se bằng những lời này: “còn A-rôn, anh ngươi, sẽ làm tiên-tri của ngươi” (7:1).

Theo cùng một cách trên đây mà Đức Chúa Trời đã phán với Giê-rê-mi: “Nhưng Đức Giê-hô-va lại phán: Chớ nói…Nầy, ta đã đặt những lời ta trong miệng ngươi” (Giê-rê-mi 1:7-9). Sau đó, Giê-rê-mi nói một tiên tri thật là người “đã đứng được trong sự bàn-luận của Đức Giê-hô-va, để được ngắm-xem và nghe lời Ngài” và do đó công bố, “những lời ta đến với dân sự ta” (23:18, 22).

Các tiên tri đã nói với tư cách là “người phát ngôn” của Chúa, hoặc như Đức Chúa Trời đã phán với Giê-rê-mi, “sẽ như miệng ta” (15:19). Những lời cảnh báo về sự phán xét và lời hứa sự cứu rỗi của ông là chắc chắn vì “miệng Đức Giê-hô-va đã phán.” (Ê-sai 1:20,40:5). “Miệng của Đức Giê-hô-va” thường được dịch là “lời nói” hoặc “mệnh lệnh”, do đó nhấn mạnh bản chất lời nói của sự mặc khải của Đức Chúa Trời. “Môi-se kiểm kê họ đúng như lời [nghĩa đen là “miệng”] CHÚA truyền bảo mình.” (Dân số Ký 3:16, NVB). “Cả hội-chúng Y-sơ-ra-ên đi từ đồng vắng Sin, đi từng trạm, tùy theo lịnh [nghĩa đen là “miệng”] Đức Giê-hô-va. (Xuất Ê-díp-tô Ký 17:1).  Hành động của các bộ tộc Y-sơ-ra-ên ở lại phía đông sông Giô-đanh là “theo mạng-lịnh [nghĩa đen là “miệng”] của Đức Giê-hô-va cậy Môi-se truyền cho.” (Giô-suê 22:9). Điều đáng quan tâm trong ví dụ cuối cùng này là thực tế là chúng ta không có ghi chép nào về việc Đức Chúa Trời truyền lệnh cho Môi-se về những người lãnh đạo các bộ tộc Reuben, Gad và nửa bộ tộc Manasseh. Môi-se chỉ đơn giản đã đưa ra chỉ dẫn riêng của mình cho họ (xem Dân-số Ký 32:20-24). Nhưng là tiên tri của Đức Chúa Trời, lời nói từ miệng ông cũng là từ “miệng” của Chúa; những lời đó là lời của Đức Chúa Trời.

Lời Chúa trong Cựu Ước cũng thường được diễn đạt bằng động từ ‘dmar (“bày tỏ hoặc phán”) và các danh từ liên quan của nó, ‘dmer,‘emrd‘imrd, được dịch khác nhau như “lời nói”, “phát biểu” hoặc “lời”. Động từ ‘dmar luôn luôn diễn tả mối quan hệ cá nhân mà trong đó một người thốt ra “những mạng lịnh hợp lý … làm cho người khác có thể nghe và hiểu được.” Khi được Đức Chúa Trời sử dụng, điều đó đề cập đến sự mặc khải. “Các thành ngữ ‘Đức Chúa Trời đã bày tỏ (đã phán),’ ‘Đức Chúa Trời đang bày tỏ (đang phán).’ Và ‘Đức Chúa Trời sẽ bày tỏ (sẽ phán)’, ngụ ý rằng Đức Chúa Trời có thể được nghe thấy trong lĩnh vực tự nhiên và lịch sử, lĩnh vực kinh nghiệm và hiểu biết của con người … [Ngài] có thể phát ngôn để người ta có thể hiểu được. Vì vậy, Đức Chúa Trời thường truyền đạt ý muốn của Ngài cho con người bằng lời nói (ví dụ, “Đức Chúa Trời bèn phán cùng Nô-ê rằng”: Sáng Thế Ký 8: 15). “Vì vậy, [‘dmar] CHÚA phán” là một công thức phổ biến của các tiên tri (hơn 130 lần trong sách Giê-rê-mi), cho thấy rằng họ đang truyền tải một thông điệp giống như một sứ giả của con người mang thông điệp đến.” Các danh từ liên quan với “phán” hoặc “ngôn lời” cũng được dùng trong nội dung lời Đức Chúa Trời phán (ví dụ, Gióp 22:22; 23:12; Thi Thiên 77: 8; Ê-sai 41:26). Điều đặc biệt cần quan tâm là thực tế rằng từ ‘imrd  (“lời”) xuất hiện mười bảy lần trong Thi Thiên 119. Được sử dụng với các thuật ngữ khác như “quy chế”, “điều răn”, “lời chứng” và “giới luật”, rõ ràng trước giả Thi-thiên muốn nói rằng có nhiều hơn một số mặc khải chủ quan cá nhân đến từ Đức Chúa Trời. “Lời” của Đức Chúa Trời là Kinh Thánh được viết ra mà qua đó nhiều ơn phước đã được truyền lại cho các trước giả Thi Thiên.

Từ thông dụng nhất trong Cựu ước dùng để “nói” là động từ dãbar. Danh từ tương ứng của nó, “lời”, cũng có nghĩa là “điều”, “vấn đề”, “sự việc”, như trong “vấn đề mà người ta nói.” Động từ dãbar tập trung vào hoạt động nói, tức là việc tạo ra các từ và câu. Nhưng hoạt động này không làm giảm đi quan trọng của những gì đã được nói. Điều này được thể hiện rõ qua nội dung của cách “nói”, vì trong Kinh Thánh, những thuật ngữ này là những thuật ngữ phổ biến nhất được sử dụng để Đức Chúa Trời phán lời của Ngài. Có khoảng bốn lần cụm từ “CHÚA đã phán,” “CHÚA đã hứa” và “CHÚA đã truyền lệnh” được ghi nhận, trong đó động từ này là dãbar.

Dãbar đặc biệt nổi bật trong mối quan hệ của lời Đức Chúa Trời qua các tiên tri. Đức Chúa Trời đã phán với các tiên tri của Ngài như Ê-sai đã làm chứng. “Đức Giê-hô-va lại phán cùng tôi rằng” (Ê-sai 8:5; xem thêm tại Giê-rê-mi 36: 2; Ê-xê-chi-ên 3:10). Nhưng lời phán của Ngài không chỉ đến với các tiên tri. Lời phán đó cũng thông qua các tiên tri để đến với những người khác, ví dụ: “Đức Giê-hô-va nhờ con trai A-mốt, là Ê-sai, mà phán rằng: Hãy đi, cởi bao gai khỏi lưng ngươi, và lột giày khỏi chân ngươi. Ê-sai vâng lời, đi trần, và chân không” (Ê-sai 20:2, xem thêm  Xuất Ê-díp-tô Ký 9:35; 1 Các Vua 12:15; Giê-rê-mi 37:2; Ê-xê-chi-ên 38:17). Do đó, việc tiếp nhận lời Đức Chúa Trời từ các tiên tri và việc công bố lời ấy có thể được coi là một hành động phát ngôn của Đức Chúa Trời. Như Đa-vít đã nói: “Thần của Đức Giê-hô-va đã cậy miệng ta mà phán, và lời của Ngài ở nơi lưỡi miệng ta” (2 Sa-mu-ên 23:2). Ê-sai đã nói với A-háp những điều mà ông đã nhận được từ Đức Chúa Trời, nhưng quá trình tương tự được mô tả khi chúng ta đọc, “Đức Giê-hô-va lại phán cùng A-cha rằng” (Ê-sai 7:10; xem thêm 7:3-4).

Do đó “lời” mà các nhà tiên tri đã nói là “lời của CHÚA.” Xuất hiện khoảng 240 lần trong Cựu Ước, cụm từ này mô tả cả lời của Đức Chúa Trời cho các nhà tiên tri và lời mà họ đã công bố cho dân chúng (ví dụ, “Có lời Đức Giê-hô-va phán cùng Ô-sê” [Ô-sê 1:1; xem thêm tại Mi-chê 1:1; Sô-phô-nia 1:1], và “hãy để tai vào luật-pháp của Đức Chúa Trời chúng ta!” [Ê-sai 1:10; A-mốt 7:16]). Cụm từ này vì vậy là “một thuật ngữ kỹ thuật cho lời tiên tri về sự mặc khải.”

Các cách sử dụng khác của dãbar cho lời Chúa cũng được tìm thấy. Nói chuyện với Môi-se, A-rôn và Mi-ri-am, Chúa phán rằng, “Hãy nghe rõ lời ta” (Dân-số Ký 12:6). Theo trước giả Thi Thiên, Đức Chúa Trời “Ngài nhớ lại lời thánh Ngài” phán với Áp-ra-ham (Thi Thiên 105:42). Điều quan trọng là sự mô tả Mười Điều Răn cũng là “những lời của giao ước, Mười Điều Răn [nghĩa đen, ‘mười từ’]” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:28; xem thêm Phục truyền Luật lệ Ký 4:13; 10:4), và các mệnh lệnh của Đức Chúa Trời nói chung (ví dụ, Thi Thiên 50:17).

Vậy rõ ràng, Đức Chúa Trời đã bày tỏ chính Ngài qua lời nói. Đức Chúa Trời đã tuyên phán với con người, và trách nhiệm của họ là phải “nghe” hoặc “lắng nghe” tiếng nói của Ngài.

 

Lời thành văn của Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời cũng đã được viết ra. Chính Đức Chúa Trời đã viết ra các nguyên tắc cơ bản trong giao ước của Ngài với dân sự Ngài thời Cựu Ước trong Mười Điều Răn, “trên đó có đủ những lời mà Đức Giê-hô-va đã phán” với Môi-se. (Phục truyền Luật lệ Ký 9:10, VIE2010; xem thêm tại 10:4; 4:13; Xuất Ê-díp-tô Ký 24:12; 31:18; 32:15-16; 34:1). Đức Chúa Trời thường ra lệnh cho người khác viết lời Ngài muốn truyền đạt. Sau khi Y-sơ-ra-ên đánh bại A-ma-léc, Đức Chúa Trời nói với Môi-se, “Hãy chép điều nầy trong sách làm kỷ-niệm, và hãy nói cho Giô-suê biết rằng ta sẽ bôi sạch kỷ-niệm về A-ma-léc trong thiên-hạ.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 17:14). Và Đức Chúa Trời đã hướng dẫn Môi-se viết “bài hát này”, tức là “Bài ca của Môi-se,” “để bài ca nầy dùng làm chứng cho ta nghịch cùng dân Y-sơ-ra-ên” (Phục truyền Luật lệ Ký 31:19). Hành động ghi lại, như những hướng dẫn này chứng minh, là nhằm mục đích bảo tồn lời Chúa cho các thế hệ mai sau.

Môi-se đã viết ra những điều khoản trong giao ước mà Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên. Sau khi kể lại “tất cả những lời của CHÚA và tất cả các giáo lễ” cho mọi người, “Môi-se chép hết mọi lời của Đức Giê-hô-va” (Xuất Ê-díp-tô Ký 24:3-4). Một lần nữa Chúa phán “Đức Giê-hô-va cũng phán cùng Môi-se rằng: Hãy chép các lời nầy; vì theo các lời nầy mà ta lập giao-ước cùng ngươi và cùng Y-sơ-ra-ên.” (34:27). Vào cuối cuộc hành trình trên đất của mình Môi-se đã lặp lại những lời của giao ước với dân chúng khi họ chuẩn bị băng qua sông Giô-đanh vào Đất Hứa (Phục truyền Luật lệ Ký 29:1; 30:1). “Khi Môi-se chép những lời luật-pháp nầy trong một cuốn sách xong rồi, thì ra lịnh cho người Lê-vi: Hãy lấy cuốn sách luật-pháp nầy, để bên hòm giao-ước của Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi. Nó sẽ ở đó làm chứng nghịch cùng ngươi” (Phục truyền Luật lệ Ký 31:24-26; xem thêm 31:9). “Quyển sách luật pháp này” không chỉ là những điều răn và quy chế khác nhau. Như chúng ta đã thấy, Môi-se đã viết tường thuật về sự thất bại của A-ma-léc. Và ông cũng ghi lại cuộc hành trình của dân tộc từ Ai Cập đến Y-sơ-ra-ên (Dân số Ký 33:2). “Sách giao ước,” như nó đã được biết đến (2 Các Vua 23: 3,21; xin xem 2 Sử ký 34:14), không chỉ đơn giản là các quy định của giao ước; nó cũng bao gồm bản ký thuật về hoạt động của các thành viên trong giao ước. Trong lời từ biệt của mình, Giô-suê đã ghi lại việc tái lập giao ước với dân chúng tại Si-chem (Giô-suê 24:25-26). Sau đó, các ghi chép lịch sử về hành động của các vị vua Y-sơ-ra-ên được các tiên tri Sa-mu-ên, Na-than và Gát (1 Sử ký 29:29)7 chấp bút.

Các hướng dẫn để viết Lời Chúa cũng được trao cho các tiên tri sau này. Mệnh lệnh cho Ê-sai đặc biệt có tính hướng dẫn ở chỗ mục đích của việc viết ra phải được trình bày rõ ràng. “Bây giờ, ngươi hãy đi, chạm lời nầy trên bảng nhỏ ở trước mặt họ, hãy chép vào sách, để truyền lại đời sau, mãi mãi không cùng.” (Ê-sai 30:8). Thế hệ của Ê-sai là một “dân bội nghịch” (30: 9) là những người đã từ chối tiếng nói của Đức Chúa Trời. Nhưng lời của Đức Chúa Trời qua tiên tri sẽ vẫn giữ được sức mạnh của nó như là Lời của Đức Chúa Trời khi nói với các thế hệ sau này sau khi Ê-sai qua đời (Ê-sai 8:1). Giê-rê-mi và Ha-ba-cúc cũng được hướng dẫn viết ra những lời tiên tri (Giê-rê-mi 30: 2; 36: 2-4, 27-32; Ha-ba-cúc 2: 2). Các tài liệu tham khảo khác chỉ ra rằng các tiên tri đã viết cũng như nói các thông điệp của họ (ví dụ, Giê-rê-mi 15:13; 45:1; 51:60). Thậm chí toàn bộ sách tiên tri cũng được mô tả là “lời của CHÚA” (ví dụ, Ô-sê 1:1; Mi-chê 1:1; Sô-phô-ni 1:1).

Do đó, Cựu Ước làm chứng rõ ràng cho lẽ thật rằng Đức Chúa Trời phán lời Ngài qua văn tự cũng như lời nói. Hơn nữa, toàn bộ bài viết, không chỉ một số phần, được xác định là Lời Đức Chúa Trời. Điều này thậm chí càng trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta xem xét thái độ của Chúa Giê-su và những người khác trong Tân Ước đối với các sách Cựu Ước. Nhưng nguyên tắc này đã được minh bạch trong chính Cựu Ước. Tất cả Ngũ Kinh, không chỉ một số mệnh lệnh, đều là Lời Đức Chúa Trời. Giô-suê phải làm tất cả những gì được chép trong “quyển sách luật pháp” (Giô-suê 1: 8), trong đó chính ông cũng đã viết nhiều điều. E-xơ-ra đọc “các lời của luật-pháp” (Nê-hê-mi 8:13). Và phần giới thiệu của toàn bộ sách tiên tri đi liền với tuyên bố, “Lời của Chúa đã đến … ngụ ý rằng toàn bộ sách được coi là [‘lời của Chúa’).”8 Không có sự phân biệt nào giữa những tuyên bố trong sách được quy trực tiếp cho Đức Chúa Trời và những bình luận lịch sử của nhà tiên tri. “Ở đây, chúng ta có một sự chuyển tiếp sang quan điểm cuối cùng rằng không chỉ là sách tiên tri, mà toàn bộ Cựu Ước, là Lời của Đức Chúa Trời.”9

LỜI CHỨNG CỦA TÂN ƯỚC

Chúa Giê-su là Lời của Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời đạt đến ý nghĩa đỉnh cao trong Tân Ước khi nó được dùng cho thân vị của Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời (Giăng 1:1). Hơn cả là lời nói hay câu chữ điều này còn truyền tải một thông điệp khái niệm, Lời Đức Chúa Trời là hành động cụ thể của chính Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, Đấng Christ đã đến để hoàn thành luật pháp và các lời tiên tri, không chỉ bằng cách ban cho họ ý nghĩa đầy đủ trong sự dạy dỗ của Ngài mà còn bằng sự sống và cái chết của Ngài (Ma-thi-ơ 5:17). Vì vậy Ngài là “sự cuối-cùng của luật-pháp, đặng xưng mọi kẻ tin là công-bình” (Rô-ma 10:4). Giao ước mới được bày tỏ trong huyết của Ngài. “Nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội” (Ma-thi-ơ 26:28).  Giao ước mới được thực thi trong “những gì diễn ra trong con người Ngài, trong chính cuộc đời mà Ngài đã sống.”10 Chúa Giê-su là Tôi tớ được lời tiên tri nói đến, là người sẽ làm “giao-ước của dân” (Ê-sai 42:6; 49:8, NVB). Ngài mang thông điệp về sự cứu rỗi, nhưng hơn thế nữa, Ngài là “sự công-bình, sự nên thánh, và sự cứu-chuộc” của chúng ta (1 Cô-rinh-tô 1:30), và “chính Ngài là sự hòa-hiệp của chúng ta” (Ê-phê-sô 2:14). Đấng Christ do đó không chỉ đơn giản là Đấng mang đến Lời của Đức Chúa Trời; “Ngài   hợp nhất nó trong thân vị của Ngài, trong tiến trình lịch sử … của cuộc đời và bản thể Ngài.”11

Lời dạy của các Sứ đồ tương đương như Lời của Đức Chúa Trời

Lẽ thật là Chúa Giê-su là hiện thân của Lời của Đức Chúa Trời, tuy nhiên, điều đó không làm lu mờ lời phán của Đức Chúa Trời hay Ngài trở nên kém hơn lời Đức Chúa Trời. Chính Chúa Giê-su đã rao “lời của Đức Chúa Trời” (Giăng 3:34, BPT: xem thêm 7:16; 8:26-28). Cụm từ được phổ biến là “lời của Đức Chúa Trời” được sử dụng trong Tân Ước đề cập đến thông điệp mà các nhân chứng ban đầu đã công bố. Họ mạnh dạn nói “lời Đức Chúa Trời cách dạn-dĩ” (Công-vụ 4:31). Phao-lô và Ba-na-ba công bố “lời của Đức Chúa Trời” trong các nhà hội ở Sa-la-min, “Đến thành Sa-la-min, hai người giảng đạo Đức Chúa Trời trong các nhà hội của người Giu-đa; cũng có Giăng cùng đi để giúp cho. Trải qua cả đảo cho đến thành Ba-phô rồi, gặp một người Giu-đa kia, là tay thuật sĩ và tiên tri giả, tên là Ba-Giê-su, vốn ở với quan trấn thủ tên là Sê-giút Phau-lút là người khôn ngoan. Người nầy đã sai mời Ba-na-ba và Sau-lơ đến, và xin nghe lời Đức Chúa Trời” (Công. 13:5-7). Sau đó họ trở lại để “thăm hết thảy anh em trong các thành mà trước đó họ đã giảng lời Chúa” (15:36).

Phao-lô định cư ở Cô-rinh-tô trong mười tám tháng “dạy lời Đức Chúa Trời” (18:11). Các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca nhận được thông điệp thiêng liêng mà Phao-lô đã tuyên bố với họ là “Lời của Đức Chúa Trời” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13). Sứ đồ Phi-e-rơ viết, “anh em đã được lại sanh, chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống chẳng hư nát, là bởi lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời.  Vì, Mọi xác thịt ví như cỏ. Mọi sự vinh hiển của nó ví như hoa cỏ. Cỏ khô, hoa rụng,

Nhưng lời Chúa còn lại đời đời. Và lời đó là Tin lành đã giảng ra cho anh em” (1 Phi-e-rơ 1:23,25). “Lời của Đức Chúa Trời”, “lời của Chúa,” hoặc “lời” được sử dụng gần như tám mươi lần trong các thông điệp mà các chứng nhân của Hội Thánh đầu tiên công bố về Chúa Giê-su. Ngoài ra, các câu khác cũng đề cập đến sự dạy dỗ của các sứ đồ3 như “lời có ích” (1 Ti-mô-thê 6:3) hay “lời lẽ thật của phúc âm” (word of the truth of the gospel. NKJV) (Cô-lô-se 1:5).

Cựu ước là Lời của Đức Chúa Trời

Các trước giả Tân Ước cũng làm chứng về các cuộn giấy viết của Lời Đức Chúa Trời. Khi nhắc  Ti-mô-thê “biết những lời thánh” từ thời thơ ấu của mình, sứ đồ Phao-lô đã bày tỏ, “Cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời hà hơi vào” (2 Ti-mô-thê 3:15-16). Cụm từ “cả Kinh Thánh” cũng có thể được dịch là “mỗi câu Kinh Thánh,” đề cập đến các phần riêng lẻ. Phao-lô muốn nói đến toàn bộ Kinh Thánh. Điều này sẽ phù hợp với việc ông thường xuyên sử dụng cụm từ “Kinh Thánh có dạy, Kinh Thánh có nói …” (ví dụ, Rô-ma 4:3; 9:17; Ga-la-ti 4:30).

Từ “soi dẫn” ở đây có thể gây hiểu lầm. Hai trong số các nghĩa của nó trong tiếng Anh là “lấp đầy bằng một hoạt ảnh, hoặc nâng cao ảnh hưởng” và “tạo ra hoặc khơi dậy (một cảm giác, suy nghĩ, v.v.).” Cả hai ý nghĩa chính này đều gợi ý rằng “soi dẫn” có nghĩa là ủng hộ hoặc tạo ra điều gì đó trong một điều gì đó khác, cho thấy trong trường hợp này rằng Đức Chúa Trời đã lấp đầy Kinh Thánh bằng sự sống và năng quyền của Ngài. Mặc dù điều này đúng và được dạy trong Hê-bơ-rơ 4:12, nhưng ở đây Phao-lô không đề cập đến tác động của Kinh Thánh, mà là nguồn của chúng — từ Đức Chúa Trời.

Cụm từ “được soi dẫn bởi Chúa” trong tiếng Hy lạp là theopneustos, nó kết hợp danh từ “God” (theos) và tính từ tạo thành từ động từ “hà hơi” (pnẽo). 13Theopneustos luôn có nghĩa bị động là “được Đức Chúa Trời hà hơi,” không phải là “hơi thở của Đức Chúa Trời.” Vậy có nghĩa  Kinh Thánh là sản phẩm của sự thần cảm từ Đức Chúa Trời; những tác phẩm đó đã được Ngài hà hơi vào. Do đó, câu này nhấn mạnh nguồn của Kinh Thánh. Nhưng nó cũng nói lên điều gì đó về bản chất của chúng. Chúng có nguồn gốc từ Đức Chúa Trời, chúng là lời của Ngài. Cần lưu ý rằng mặc dù “tất cả Kinh Thánh” trong 2 Ti-mô-thê 3:16 đề cập cụ thể đến Cựu Ước, nhưng lời dạy của sứ đồ trong các tác phẩm Tân Ước cũng được xem là Kinh Thánh. Chúng cũng được các trước giả khác của Tân Ước xem là Kinh Thánh.

Tân Ước thường kết hợp các tài liệu tham khảo về Cựu Ước với các thông điệp mới về Đấng Christ, gọi cả hai là “lời của Đức Chúa Trời.” Trước giả Hê-bơ-rơ chắc chắn đã bao gồm toàn bộ các tác phẩm Cựu Ước khi ông nói Lời Đức Chúa Trời sống động và quyền năng (Hê-bơ-rơ 4:12). Ngoài ra khi Phao-lô rao giảng, ông thường trích dẫn Cựu Ước để chứng tỏ rằng Chúa Giê-su là Đấng Mê-si đã được hứa ban. Do đó, lời xác nhận của ông về Lời Chúa có bao gồm cả Cựu ước (Cô-lô-se 1:15).

Mặc dù các trước giả Tân Ước không qui cho toàn bộ Cựu Ước là “lời của Đức Chúa Trời”, nhưng có rất nhiều bằng chứng trong Tân Ước cho thấy họ đã coi toàn bộ Cựu Ước là lời của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh Tân Ước thường nói rằng Đức Chúa Trời đã phán qua các trước giả Kinh Thánh là những người đã viết ra Cựu Ước. Và dĩ nhiên, các trước giả Tân Ước cũng thường nói Đức Chúa Trời cũng phán qua các trước giả. Ví dụ, Ma-thi-ơ giới thiệu lời tiên tri trong Cựu Ước về sự ra đời của Chúa Giê-su bằng cách viết, “Những việc nầy xảy ra để ứng nghiệm lời Chúa đã phán bởi tiên tri: ‘Nầy, một trinh nữ sẽ mang thai, và sinh một con trai’” (Ma-thi-ơ 1:22-23). Trong trường hợp này và những trường hợp khác, Cựu Ước được cho là sự giao tiếp trực tiếp từ Đức Chúa Trời (so sánh 2:15) với con người. Tuy nhiên, Cựu Ước là Lời của Đức Chúa Trời ngay cả khi phần trích dẫn là lời của người viết Cựu Ước. Ví dụ, trong Công vụ 4:25 Phi-e-rơ và Giăng nói đến việc Đức Chúa Trời phán “bởi Đức Thánh Linh” trong Thi thiên 2:1-2, nhưng đây thực sự là lời của Đa-vít, vì Đức Chúa Trời đã phán “qua miệng … của Đa-vít.” Đấng Christ đã ứng nghiệm những gì Đức Chúa Trời đã phán, “dùng miệng các tiên tri phán từ thuở trước” (Lu-ca 1:7). Và Thi thiên 95: 7-8 là những lời được Đức Chúa Trời phán ra “qua Đa-vít” (Hê-bơ-rơ 4:7).

Đôi khi các phần của Cựu ước được cho là được Đức Chúa Trời phán trực tiếp mà không có bất kỳ sự liên quan nào đến các trước giả. Một ví dụ là Mười Điều Răn. Ở đây Ma-thi-ơ và Gia-cơ cho biết, được Đức Chúa Trời phán ra, không liên quan đến Môi-se (Ma-thi-ơ 15:4; Gia-cơ 2:11). Ngoài ra, Phao-lô nói rằng Lời Đức Chúa Trời được phán với Pha-ra-ôn (Xuất Ê-díp-tô Ký 9:16) là Kinh Thánh (Rô-ma 9:17).

Ngược lại, Kinh Thánh Cựu ước là lời của Đức Chúa Trời ngay cả khi Đức Chúa Trời không được ghi lại là người phát ngôn. Một minh họa thú vị về sự hiểu biết của Tân Ước về tất cả Kinh Thánh như phát biểu hoặc lời phán của Đức Chúa Trời được trước giả sách Hê-bơ-rơ cung cấp khi ông trích dẫn sáu đoạn Kinh Thánh trong Cựu Ước (Hê-bơ-rơ 1:5-13). Khi giới thiệu mỗi trích dẫn đó, ông viết rằng Chúa đã nói những lời này. Tuy nhiên, bốn người trong số những  (1: 6, 7, 8-9, 10-12) người phát ngôn trong Cựu Ước thực sự là một người khác. Bởi vì những câu này là một phần của Kinh Thánh Cựu ước, chúng đều là lời của Đức Chúa Trời.

Tân Ước là lời của Đức Chúa Trời

Tân ước gọi những tác phẩm thiêng liêng của Cựu Ước là lời Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng có thể gọi Tân Ước là Lời của Đức Chúa Trời? Vì quá trình viết và tập hợp các tác phẩm Tân Ước (trong thế kỷ đầu tiên) vẫn đang diễn ra, nên không có tuyên bố nào mô tả toàn bộ Tân Ước là “Kinh Thánh” hay “Lời của Đức Chúa Trời.” Tuy nhiên, một số yếu tố chỉ ra rằng các trước giả Tân Ước đã xem các tác phẩm của họ cùng thể loại với Kinh Thánh Cựu Ước, điều này có nghĩa Cựu và Tân ước đều là Lời của Đức Chúa Trời.

Các trước giả thường ghi lại lời phán trực tiếp của Đức Chúa Trời. Lời của Đức Chúa Trời đã được nghe khi làm phép báp têm và sự biến hình của Chúa Giê-su (Ma-thi-ơ 3:17; 17:5). Chúa phục sinh đã nói chuyện với Phao-lô trên Đường Đa-mách (Công vụ 9:4) và sau đó (19:9-10; 23:11) cũng như với những người khác (9:11-16; 10:13), và Chúa Giê-su Christ đã nói lời Ngài cho sứ đồ Giăng (Khải huyền 1:17-3:22).

Sự ngang bằng của Tân Ước với Cựu Ước như Lời của Đức Chúa Trời cũng nằm sau lời khuyến khích “đọc” (nghĩa là đọc to) các bức thư sứ đồ trong các nhà hội (Cô-lô-se 4:16; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:27; xem thêm 2 Cô-rinh-tô 1:13). Trong các buổi họp tại nhà nguyện Do Thái, Kinh Thánh Cựu Ước được đọc công khai (Lu-ca 4:16; Công vụ 13:15; 15:21; 2 Cô 3:15). Việc đọc các tác phẩm Tân Ước trong nhà thờ cùng với Cựu Ước chứng tỏ rằng ngay từ đầu chúng đã được xếp ngang hàng với Cựu Ước. Phi-e-rơ đã nói rõ điều này khi ông đề cập đến các thư của Phao-lô cùng với “phần còn lại của Kinh Thánh”. (2 Phi-e-rơ 3:16).

Khi Phao-lô trích dẫn trong 1 Ti-mô-thê 5:18 từ Phục truyền luật lệ ký 25:4 và Lu-ca 10:7, ông gọi chúng là “Kinh Thánh”, do đó chúng ta có thể xếp Cựu ước và Tân ước vào cùng một loại.

Cuốn sách cuối cùng của Kinh Thánh được gọi là “sự mặc khải của Chúa Giê-su Christ, mà Đức Chúa Trời đã ban … cho tôi tớ của Ngài là Giăng” (Khải huyền 1:1). Sau đó, Giăng đã làm chứng rằng ông “làm chứng cho lời của Đức Chúa Trời và cho lời chứng của Chúa Giê-su Christ” (1:2). Vì vậy, toàn bộ Sách Khải huyền là lời của Đức Chúa Trời được Đấng Christ làm chứng cho (22:16, 18, 20), lời tuyên bố ban phước cho người “đọc [người đọc công khai] và những người nghe những lời tiên tri [Sách Khải Huyền]” có thể liên tưởng đến những lời của Chúa Giê-su trong Lu-ca 11:28: “Phước cho những ai nghe lời Đức Chúa Trời và tuân giữ lời ấy.” Lời cảnh báo của Chúa chống lại bất kỳ ai thêm hoặc bớt “những lời tiên tri của sách này” cũng tương tự như lời cảnh báo của Cựu Ước về việc thêm vào các điều răn của Đức Chúa Trời (Phục truyền luật lệ ký 4:2; 12:32). Vì vậy, Sách Khải huyền đã được trình bày rõ ràng như là Lời Đức Chúa Trời.

LỜI THÀNH VĂN VÀ LỜI CÁ NHÂN CỦA CHÚA GIÊ-SU CHRIST

Các nhà thần học chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa duy lý đã nhất quán bác bỏ Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời và thay vào đó khẳng định rằng chỉ có Chúa Giê-su Christ là Lời của Đức Chúa Trời. Vào cuối thế kỷ XIX, F. W. Farrar người đứng đầu của Giáo hội Anh đã trích dẫn lời của một người khác để bày tỏ quan điểm: “Hãy loại bỏ sự thành kiến của những ai chấp nhận lời ghi chép của con người là Lời của Đức Chúa Trời.  Cơ đốc nhân được yêu cầu chỉ tin cậy Đấng Christ, và không kêu cầu với bất cứ ai khác mà chỉ duy Ngài mà thôi.”16 Gần đây hơn, John Barton trong một cách lập luận không phù hợp cho rằng “Chỉ có ‘Kinh Thánh’ là nguồn cho thẩm quyền của Phao-lô. Điều quan trọng đối với Phao-lô là các hành động của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ.”17 Karl Barth đã nói, “Phương trình này: Lời Đức Chúa Trời = Con của Đức Chúa Trời, khiến cho bất cứ giáo lý nào khác có liên quan đến Lời Đức Chúa Trời mà không theo phương trình trên đây đều không thể chấp nhận.” Đối với những người này, Lời của Đức Chúa Trời là sự mặc khải của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ và không có bất kỳ một lời nào khác được chấp nhận.

 

Ngay cả một số tác giả Phúc âm cũng nhấn mạnh đến Đấng Christ là Lời Đức Chúa Trời hơn là về Kinh Thánh. Donald Bloesch, chẳng hạn, viết, “Chúng ta phải ghi nhớ rằng thẩm quyền tối thượng, cuối cùng không phải là Kinh Thánh mà là chính Đức Chúa Trời hằng sống khi chúng ta tìm thấy Ngài trong Chúa Giê-su Christ … Kinh Thánh có thẩm quyền bởi vì nó chỉ ra ngoài quyền lực tuyệt đối của chính nó, là Lời hằng sống và siêu việt của Đức Chúa Trời …. Cũng như Hội thánh phụ thuộc vào Kinh Thánh, nên đến lượt mình Kinh Thánh lại phụ thuộc vào Chúa Giê-su Christ, Đấng hiện thân cho tâm trí và lời khuyên của Đức Chúa Trời.”18 Alister McGrath, một nhà truyền giáo Phúc âm người Anh, khẳng định rằng Kinh Thánh không được coi là “sự mặc khải chính nó”, vì chúng là “một kênh mà qua đó Đức Chúa Trời mặc khải chính Ngài trong Chúa Giê-su Christ.” 19 Tuy nhiên, điều này ngược lại với thực tế. Kinh Thánh – như chúng ta đã thấy, rõ ràng là Lời của Đức Chúa Trời.

Đúng, một người không chỉ là lời nói. Nhưng chúng ta phải cẩn thận rằng chúng ta không phân biệt một cách chắc chắn một người từ những lời nói của anh ta. Một số điều cần lưu ý về mối quan hệ của Lời viết của Đức Chúa Trời, Kinh Thánh và Lời nói cá nhân của Chúa Giê-su Christ.

Thứ nhất, lẽ thật rằng Đấng Christ là sự mặc khải sau cùng và cuối cùng của Đức Chúa Trời không làm cho những hình thức mặc khải trước đây của Đức Chúa Trời trở thành điều gì đó khác với Lời mặc khải của Ngài. Như trước giả Hê-bơ-rơ khẳng định, Đức Chúa Trời phán cả “trong các tiên tri” và “trong Con Ngài” (Hê-bơ-rơ 1:1-2). Như chúng ta đã thấy, lời của các nhà tiên tri là lời của Đức Chúa Trời. Trên thực tế, bản thân Kinh Thánh đề cập đến cả Chúa Giê-su Christ và phần Kinh Thánh đã viết là Lời của Đức Chúa Trời, không có sự phân biệt nào ở đây. Ví dụ, Kinh Thánh là “lời sống và linh nghiệm” (Hê-bơ-rơ 4:12). Và Chúa Giê-su nói những lời của chính Ngài là “thần linh và… sự sống” (Giăng 6:63: xem thêm 1 Phi-e-rơ 1:23).

Một số tác giả tranh luận rằng Kinh Thánh là “lời chứng” hay “nhân chứng” cho Lời hằng sống, chứ không phải chính bản thân Lời. Họ chỉ ra rằng chính Chúa Giê-su đã nói rằng Kinh Thánh “làm chứng” về Ngài (Giăng 5:39). Việc Kinh Thánh làm chứng cho Chúa Giê-su Christ có làm cho nó kém hơn Lời Đức Chúa Trời không? Câu trả lời cho câu hỏi này được nhìn thấy khi chúng ta nhớ rằng Chúa Giê-su làm chứng cho chính Ngài (5:31; 8:14). Ngay cả Cha trên trời và Thánh Linh cũng làm chứng cho Ngài (5:37; 8:18; 15:26). Sự làm chứng của chính Ngài và của Đức Chúa Cha và Thánh Linh chắc chắn Ngài là “lời của Đức Chúa Trời.” Lời chứng của những trước giả Kinh Thánh được viết dưới sự soi dẫn của Thánh Linh chỉ đơn giản là sự tiếp tục của lời chứng này và do đó không khác gì Lời của Đức Chúa Trời. Như Chúa Giê-su đã nói với các sứ đồ của Ngài, Thánh Linh “sẽ làm chứng cho Ta và các ngươi cũng sẽ làm chứng” (15:26-27; xem thêm Lu-ca 24:18; Khải Huyền 1:1).

Thứ hai, lời nói của một cá nhân không thể tách rời khỏi người đó, vì chúng “tiết lộ” bản chất của người nói. “Vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra” (Ma-thi-ơ 12:34) và “tấm lòng” ám chỉ điều thực sự ở bên trong chúng ta (Châm ngôn 27:19; 1 Phi-e-rơ 3:15). Do đó, lời nói của chúng ta là biểu hiện của chính chúng ta. Nếu một người nói những lời thô thiển hoặc ngu xuẩn, chúng ta có xu hướng nghĩ rằng bản thân anh ta thô thiển hoặc ngu ngốc. Nếu chúng ta tôn trọng lời nói của một người, chúng ta đang tôn trọng người đó. Vâng theo lời Đức Chúa Trời cho thấy chúng ta tôn trọng và yêu mến Ngài. Vì Chúa Giê-su đã nói, “Ai có các điều răn của ta và vâng giữ lấy, ấy là kẻ yêu mến ta” (Giăng 14:21, xem thêm 14:23-24; 15:10, 14).

Từ ngữ, trên thực tế, là cách quan trọng nhất mà chúng ta giao tiếp. Tất nhiên, chúng ta có thể giao tiếp thông qua các hành động của cơ thể (hay ngôn ngữ của cơ thể), nhưng tính ưu việt của lời nói được thể hiện rõ ràng hơn. Theo quan sát của Walter Ong, chúng ta không thể ngồi và nhìn thẳng vào mặt người khác một cách lặng lẽ mà không cảm thấy mất tự nhiên và thậm chí là khó chịu. Nhưng việc nhìn vào người khác khi chúng ta trò chuyện với người đó là điều hoàn toàn tự nhiên.20

Là con người, chúng ta được tạo ra để chia sẻ bản thân với người khác trong giao tiếp bằng lời nói. Lời nói của chúng ta thể hiện những gì chúng ta đang có và suy nghĩ trong tâm trí.

Theo cách tương tự, lời của Đức Chúa Trời không khác gì sự mở rộng của chính Ngài trong việc giao tiếp với chúng ta. Các trước giả của Kinh Thánh đã được Đức Thánh Linh điều khiển khi họ viết và do đó, lời của họ là sản phẩm của sự thần cảm từ Đức Chúa Trời – hay được Ngài hà hơi (2 Ti-mô-thê 3:16). Và vì vậy những lời đó không khác gì những lời của Đức Chúa Trời.

Sự thật này được thấy khi gần đến ngày kết thúc cuộc sống trên đất, Chúa Giê-su nói với các môn đồ của Ngài, “Ta còn có nhiều chuyện nói với các ngươi nữa; nhưng bây giờ những điều đó cao quá sức các ngươi. Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và tỏ-bày… Mọi sự Cha có, đều là của ta; nên ta nói rằng Ngài sẽ lấy điều thuộc về ta mà rao-bảo cho các ngươi vậy” (Giăng 16:12-15). Đức Thánh Linh sẽ tiếp tục dạy những gì Đấng Christ đã dạy các môn đồ. Ngài sẽ tiết lộ cho họ ý nghĩa đầy đủ về cái chết và sự phục sinh của Đấng Christ mà các môn đồ chỉ có thể hiểu được sau khi những sự kiện đó xảy ra. Do đó, những nhân chứng ban đầu đã công bố phúc âm của Đấng Christ là Lời của Đức Chúa Trời vì thực tế đó là sự giảng dạy của Đấng Christ qua Thánh Linh. Các lá thư gửi cho bảy hội thánh trong Khải huyền 2-3 là những ví dụ rõ ràng về tiến trình này. Chúa Giê-su Christ đã nói những lời của từng lá thư đến mỗi hội thánh, và kết thúc bằng lời tuyên bố: “Ai có tai, hãy nghe lời Đức Thánh Linh phán cùng các Hội Thánh” (2:7, 11, 17, 29; 3:6, 13, 22). Những lời của sứ đồ Giăng viết được xem là lời Chúa, tức là những lời của Đức Chúa Trời bày tỏ và truyền đạt qua Con Ngài. Vì vậy, lời phán của Đức Chúa Trời được viết trong Kinh Thánh không thể tách rời với Lời cá nhân của Chúa Giê-su.  Kinh Thánh, Lời được viết ra, là sự bày tỏ về Đấng Christ. Ngài là Lời hằng sống.

 

Ý NGHĨA CỦA KINH THÁNH LÀ “LỜI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI”

Liệu Kinh Thánh có phải là lời mặc khải của Đức Chúa Trời hay là những tác phẩm của con người chỉ làm chứng cho Chúa Giê-su Christ? Niềm tin rằng Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời có ý nghĩa gì? Các câu trả lời sâu hơn cho những câu hỏi này sẽ được trình bày rõ ràng trong các chương sau, nhưng một số hàm ý quan trọng cần được lưu ý ở đây.

Trước tiên, nếu Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, thì chúng ta có một sự mặc khải khách quan bằng lời nói về Đức Chúa Trời trong lịch sử nhân loại ngày nay. Lời của Ngài không chỉ đơn giản là lời nói bên trong của Ngài đối với tấm long con người mà chúng ta có thể dễ dàng nhầm lẫn với ý nghĩ của chúng ta. Tất nhiên, Đức Chúa Trời bởi Thánh Linh của Ngài nói lời của Ngài đến với tấm lòng của chúng ta, chỉ khi đó chúng ta mới thực sự có thể tiếp nhận được. Nhưng Lời của Ngài được ban cho chúng ta trong Kinh Thánh.

Nếu không có Kinh Thánh như một sự mặc khải khách quan của Đức Chúa Trời trong lịch sử, chúng ta sẽ khó biết được nội dung thực sự của Lời Ngài. Nếu Kinh Thánh chỉ là nhân chứng cho Ngôi Lời, thì Ngôi Lời là gì? Câu trả lời thông thường là Đấng Christ. Nhưng Đấng Christ là ai và điều gì được tiết lộ về Ngài? Nếu các tác phẩm của Kinh Thánh chỉ là những lời lẽ khó hiểu của con người, nếu chúng chỉ là một tài liệu của con người thì phải được nộp cho phương pháp nghiên cứu lịch sử-phê phán của con người để biết điều gì đã thực sự xảy ra, thì làm sao chúng ta biết được nội dung thực sự của chúng? Nghĩa là, làm sao nội dung của Kin h Thánh có thể xác định chắc chắn là lời vô ngộ hay chỉ là lời của con người?

Nếu ghi chép trong Kinh Thánh về sự chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su Christ giống như một câu chuyện thần thoại, thì chúng ta không bao giờ có thể chắc chắn rằng các bản ghi chép này là đúng đắn. Nhưng nếu Kinh Thánh là Lời khách quan của Đức Chúa Trời, thì trách nhiệm của chúng ta là tìm cách hiểu và tiếp nhận nó trong sự vâng lời.

Thứ hai, nếu Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời, thì chúng ta phải nghe Kinh Thánh như lời Đức Chúa Trời phán với chúng ta. Chúng ta bày tỏ chính mình cho người khác qua lời nói của mình thì Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài cho chúng ta qua Kinh Thánh để chúng ta có thể nhận biết Ngài. Vì những lời của Kinh Thánh không chỉ đơn giản là lời của những trước giả ghi chép  mà là lời của Đức Chúa Trời hằng sống. Lời này vẫn tiếp tục sống động như khi chúng được viết ra lần đầu tiên. Những lời của tiên tri Ê-sai có thể đã bị những người đương thời bác bỏ, nhưng khi viết chúng trong Kinh Thánh, chúng sẽ “truyền lại các đời sau, mãi mãi không cùng” (Ê-sai 30:8; xem thêm 8:16). Lời Chúa vẫn liên tục được phát ngôn, và một ngày nào đó mọi người sẽ lắng nghe. Đức Chúa Trời vẫn đang “phán” Lời cảnh báo của Ngài về sự cứng long của con người. Lời cảnh báo lần đầu tiên được nói với dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng (Dân-số Ký 14:22-23), sau đó được trước giả Thi-thiên viết lại (Thi-thiên 95:11), và sau đó được gửi đến các độc giả của Sách Hê-bơ-rơ (Hê-bơ-rơ 4:7). Đức Chúa Trời đã ban một số chỉ dẫn cụ thể cho một số người nhất định, những chỉ dẫn đó không thể áp dụng cho chúng ta ngày nay, nhưng lời dạy của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh vẫn truyền đạt lẽ thật của Ngài đến bây giờ. Cha mẹ đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho con cái, chẳng hạn như thời gian đi ngủ, nhưng những hướng dẫn đó không còn được áp dụng khi trẻ đã trưởng thành. Nhưng điểm chính yếu của những hướng dẫn đó – rằng mọi người cần nghỉ ngơi hợp lý – vẫn có giá trị đối với người lớn. Tương tự như vậy, Đức Chúa Trời nói lẽ thật của Ngài với chúng ta theo cách mới mỗi ngày qua những lời Kinh Thánh.

Thứ ba, vì Kinh Thánh là Lời khách quan của Đức Chúa Trời, nên nó luôn luôn là như vậy. Do đó, thật sai lầm khi nói rằng Kinh Thánh trở thành Lời của Đức Chúa Trời khi Ngài dùng nó để nói với ai đó. Kinh Thánh là Lời hằng sống của Đức Chúa Trời, cho dù người ta có công nhận nó như vậy hay không. Chúa Giê-su đã nói những lời của Đức Chúa Trời, nhưng nhiều người không nhận ra những lời đó bởi vì như Ngài đã nói, họ không thể “nghe lời Ta” (Giăng 8:43). Vì vậy, thay vì chờ đợi Kinh Thánh trở thành Lời Đức Chúa Trời, chúng ta nhận ra rằng đó là Lời của Ngài. Vì vậy, chúng ta cùng trước giả Thi-thiên cầu nguyện rằng, “Xin mở mắt tôi để tôi được nhìn thấy những điều lạ lùng trong luật pháp của Chúa” (Thi Thiên 119:18). Đó là, chúng ta cầu xin Đức Chúa Trời cho phép chúng ta hiểu những gì Ngài đã phán trong Kinh Thánh. Trách nhiệm của chúng ta là vâng theo lời của Chúa Giê-su là “hãy coi chừng về cách các ngươi nghe” (Lu-ca 8:18).

PHẦN KẾT LUẬN

Vì lời nói là nền tảng của mối quan hệ của chúng ta với người khác, nên chúng cũng nằm trong mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời. Lời của Ngài được hiện diện trong thân vị và chức vụ của Đấng Christ. Nhưng nó cũng được đưa ra dưới dạng lời nói và văn bản để chúng ta có thể biết Ngài và những gì Ngài đòi hỏi ở chúng ta. Do đó, Đức Chúa Trời nhìn chúng ta trong Đấng Christ qua lời thành văn của Ngài là Kinh Thánh, và chúng ta đáp lại điều này. Dấu hiệu  thật của các môn đồ của Chúa Giê-su là “họ đã giữ lời Cha” (Giăng 17: 6; xem thêm 8:51; 15:10). Dân sự trong thời kỳ Cựu Ước đã ràng buộc với Ngài trong giao ước khi họ nghe lời Ngài và đáp lại rằng: “Chúng tôi xin làm mọi việc ĐỨC GIÊ-HÔ-VA đã phán dặn” (Xuất Ê-díp-tô Ký 19: 8; xem thêm 24:7). Do đó, bản sắc của dân sự Đức Chúa Trời nằm trong cuộc đàm thoại mà họ tiếp tục với Đức Chúa Trời, lắng nghe Lời Ngài và vâng theo Lời Ngài. Theo lời chứng của cả Cựu ước và Tân ước, những lời thành văn trong Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời. Vì vậy, mối quan hệ của chúng ta với Ngài tùy thuộc vào việc chúng ta có Lời của Đức Chúa Trời hay không.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

8

Đấng Christ Quan Niệm Thế Nào Về Kinh Thánh?

CÁC CƠ ĐỐC NHÂN LUÔN LUÔN tin rằng những lời của Chúa Giê-su là hoàn toàn có thẩm quyền và đáng tin cậy. Trong khi Ngài còn ở trên đất, Ngài tuyên bố chỉ nói những lời của Đức Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài đến thế gian. “Đạo lý của ta chẳng phải bởi ta, nhưng bởi Đấng đã sai ta đến.” (Giăng 7:16; xin xem thêm 8:28; 12:49). Các sách Phúc âm ghi lại rằng “đoàn dân lấy đạo Ngài làm lạ; vì Ngài dạy như là có quyền” (Ma-thi-ơ 7:28-29). Chính Ngài đánh giá về những lời dạy của Ngài, khi phán rằng: “Trời đất sẽ qua đi, xong lời ta không bao giờ qua đâu.” (Mác 13:31). Những lời phán của Ngài sẽ phán xét loài người nơi ngày sau cùng. (Giăng 12:48). Chỉ những ai nghe lời Ngài và đem ra thực hành mới vượt qua thử thách cuối cùng của cuộc đời (Ma-thi-ơ 7:24–25).

Một số người có tư tưởng rằng những lời dạy của Chúa Giê-su, được in bằng màu đỏ trong một số Kinh Thánh, bằng cách nào đó thì có thẩm quyền hơn phần còn lại của Kinh Thánh. Tất cả Kinh Thánh đều có thẩm quyền, bởi vì như đã thảo luận trong chương trước, Đức Chúa Trời chính là Tác giả của Kinh Thánh. Tuy nhiên, những lời dạy của Chúa Giê-su vẫn đặc biệt quan trọng vì Ngài là chính là — Con Đức Chúa Trời. Vì Ngài là Chúa của chúng ta, nên điều quan trọng là chúng ta phải đặc biệt chú ý đến những gì Ngài đã nói về Kinh Thánh. Thái độ của Ngài đối với Lời của Đức Chúa Trời cũng phải là thái độ của chúng ta.

 

SỰ NỔI BẬT CỦA KINH THÁNH TRONG CUỘC ĐỜI CỦA CHÚA GIÊ-SU

Chúa Giê-su Thường Xuyên Sử Dụng Kinh Thánh

Cho dù Ngài đang chiến đấu với Sa-tan trong khi Ngài chịu cám dỗ, khi giảng dạy cho đám đông bên bờ biển, hay khi chỉ dẫn các môn đồ của Ngài, những lời của Chúa Giê-su đều được nhấn mạnh đến việc trích dẫn từ Kinh Thánh Cựu Ước. Những lời đó luôn ở trên môi Ngài trong lời cầu nguyện, ngay cả trong sự thương khó của Ngài trên thập tự giá. Tâm trí của Ngài ngập tràn những lời Kinh Thánh đến nỗi Ngài dùng những lời đó để bày tỏ cảm xúc của chính Ngài. Nỗi thống khổ của Đa-vít nhiều thế kỷ trước đó đã trở thành biểu hiện cho nỗi đau đớn tột cùng của chính Ngài khi Ngài kêu lên từ thập tự giá, “Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?” (Ma-thi-ơ 27:46). Và khi Ngài chết, Ngài đã phán theo lời của tác giả Thi thiên: “Tôi phó thác thần linh tôi vào tay Chúa” (Thi thiên 31:5; Lu-ca 23:46). Ngay cả sau khi Ngài sống lại, Ngài cũng đã giải thích Kinh Thánh (24: 44–45).

Trong bản dịch King James, bốn sách Phúc âm bao gồm 3.779 câu. Theo Graham Scroggie, thì trong đó có 1.934 câu hầu hết hoặc một phần là chứa những lời phán của Đấng Christ.1 Trong số 1.934 câu này có khoảng 180 câu, hoặc khoảng một phần mười là trích dẫn hoặc ám chỉ đến Kinh Thánh Cựu Ước. Ngay cả điều này cũng không cung cấp cho chúng ta bức tranh đầy đủ, vì như John W. Wenham lưu ý rằng, “Trong nhiều đoạn văn, đơn giản là không có cách nào để phân biệt giữa sự ám chỉ có ý thức của Chúa Giê-su đối với Cựu Ước và cách sử dụng bình thường, theo thói quen của Ngài đối với lời phán và hình thức tư tưởng trong Cựu Ước. Lời Kinh Thánh đã xuyên thấu qua tâm trí của Đấng Christ.”2

Nhiều đề cập đến Kinh Thánh của Chúa bao gồm toàn bộ phạm vi lịch sử Cựu Ước. Trong số đó rất nhiều người và sự kiện mà Chúa Giê-su đề cập đến là việc tạo dựng A-đam và Ê-va và định chế hôn nhân (Ma-thi-ơ 19:4-6), cái chết của A-bên (23:35), thời kỳ Nô-ê và cơn Đại hồng thủy (24:37-38), sự hủy diệt của Sô-đôm (Lu-ca 17:29), Áp-ra-ham (Giăng 8:56). Y-sác và Gia-cốp (Ma-thi-ơ 8:11), sự xuất hiện của Đức Chúa Trời trong bụi gai cháy (Mác 12:26), cuộc đời của Đa-vít (Ma-thi-ơ 12:3), Sa-lô-môn (12:42), chức vụ của Ê-li (Lu-ca 4:25), và sự tử đạo của tiên tri Xa-cha-ri (Ma-thi-ơ 23:35). Ông cũng đề cập đến sự cung ứng kỳ diệu của Đức Chúa Trời về ma-na (Giăng 6:49), cái chết của vợ Lót (Lu-ca 17:31-32), con rắn đồng (Giăng 3:14), Giô-na và con cá lớn (Ma-thi-ơ 12:40).

Việc Chúa Giê-su đề cập đến những sự kiện này và những nhân vật trong Cựu Ước không chỉ đơn giản là những giải thích phụ thêm vào sự dạy dỗ của Ngài. Nhiều người trong số những nhân vật và sự kiện này đã báo trước về chức vụ thiên sai của Ngài và các sự kiện trong tương lai của những ngày sau rốt. Đa-vít, Sa-lô-môn, Giô-na và những người khác, là những hình ảnh của chính Ngài, và con rắn bằng đồng là tượng trưng cho sự cứu rỗi của Ngài thông qua thập tự giá. Thời kỳ của Nô-ê là tượng trưng cho sự phán xét chung cuộc hầu đến.

Một số người nói rằng việc Chúa Giê-su đề cập đến những sự kiện này không có nghĩa là Ngài coi chúng là lịch sử. Sau hết, điều này được lập luận rằng, người ta có thể sử dụng truyền thuyết làm minh họa cho lẽ thật thuộc linh. Tuy nhiên, cách Chúa Giê-su trích dẫn những sự kiện này trong sự dạy dỗ của Ngài để xác nhận tính thực tế lịch sử của chúng. Việc Chúa Giê-su đề cập đến chế độ một vợ một chồng (Ma-thi-ơ 19:4-5; Mác 10:6-8) chắc chắn ngụ ý tính lịch sử của câu chuyện buổi đầu Sáng thế về A-đam và Ê-va. Chúa Giê-su tuyên bố rằng “Ðến ngày phán xét, dân thành Ni-ni-ve sẽ đứng dậy với dòng dõi nầy mà lên án nó, vì dân ấy đã nghe lời Giô-na giảng và ăn năn;” (Ma-thi-ơ 12:41) sẽ là vô nghĩa trừ khi có “người dân của Ni-ni-ve” thực sự đã từng nghe một nhân vật lịch sử tên là Giô-na. Như T.T. Perowne đã viết, không thể “giả sử Ngài nói rằng những người tưởng tượng mà giảng dạy tưởng tượng về một nhà tiên tri tưởng tượng đã ăn năn trong tưởng tượng, sẽ trỗi dậy vào ngày hôm đó [phán xét] và lên án việc ăn năn thật của những người nghe thật của Ngài.”3 Lời tuyên bố tương tự rằng trong ngày phán xét thì dân thành Sô-đôm sẽ bị nhẹ hơn đối với dân thành Ca-bê-na-um, là những người đã thấy những công việc kỳ diệu của Ngài nhưng không chịu ăn năn (11: 23–24), cho thấy rõ ràng tính lịch sử của biến cố tại Sô-đôm. Điều tương tự cũng phải nói là về việc Ngài đề cập đến cơn Đại hồng thủy như một bức tranh về sự phán xét hầu đến. Việc so sánh sự chết và sự sống lại của chính Ngài với “ba ngày ba đêm trong bụng cá lớn” của Giô-na (12:40) tùy thuộc vào kinh nghiệm thực tế của Giô-na.

Những ví dụ này và những ví dụ khác, chẳng hạn như các liên quan đến Áp-ra-ham (Giăng 8:56-58) và Ê-li và Ê-li-sê (Lu-ca 4:25-27), cho thấy rằng Chúa Giê-su, trái với nhiều người chỉ trích Kinh Thánh, đã chấp nhận tính lịch sử của toàn bộ Cựu Ước. Theo lời dạy của Chúa Giê-su, thì Đức Chúa Trời đã tạo ra hai con người đầu tiên là A-đam và Ê-va (Ma-thi-ơ 19:4), Ca-in và A-bên (Lu-ca 11:51), và có một trận lụt vào thời kỳ Nô-ê. Sô-đôm và Gô-mô-rơ đã bị lửa thiêu hủy, và sự việc của vợ Lót là biến cố có thật trong lịch sử (17:29–32). Tương tự, các phép lạ của Ê-li (4:25–26) và ghi chép bị nhiều chế giễu về Giô-na và con cá lớn (Ma-thi-ơ 12:40–41) là các sự kiện lịch sử đáng tin cậy. Không có tài liệu nào cho thấy Chúa Giê-su đã từng ám chỉ rằng bất kỳ con người và sự kiện nào mà Cựu Ước trình bày một cách trung thực như lịch sử đều là những ghi chép chính xác về thực tế.

Trái ngược với quan điểm của nhiều học giả hiện đại, Chúa Giê-su khẳng định quyền tác giả của Môi-se đối với năm sách đầu tiên của Kinh Thánh, thường được gọi là Luật pháp. Chúa Giê-su đề cập đến Môi-se là người viết Luật pháp khoảng hai mươi lần, và Ngài đã trích dẫn Môi-se mười sáu lần. Ngài đã hỏi một cách cường điều “Môi-se há chẳng ban luật pháp cho các ngươi sao?” (Giăng 7:19). Ngoài ra, thuyết tự do cho rằng Sách Ê-sai được viết bởi hai hoặc nhiều tác giả là trái với sự dạy dỗ của Chúa Giê-su. Theo các học giả tự do, Ê-sai 1–39 được viết bởi một người và các chương 40-66 được viết bởi một Ê-sai thứ hai hoặc đệ nhị Ê-sai (và một số gán cho các chương từ 56-66 là “Ê-sai” thứ ba). Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã đưa ra những tuyên bố từ tất cả các phần của sách cho Ê-sai. Trong một trường hợp, Chúa Giê-su đã trích dẫn từ cả Ê-sai 53 và Ê-sai 6, kể cả về tiên tri Ê-sai (Giăng 12:38-41).

Khái niệm về Kinh Thánh của Chúa Giê-su bao gồm toàn bộ Cựu Ước, như được thấy khi Ngài đề cập đến “Luật pháp Môi-se và các sách Tiên tri và Thi thiên” (Lu-ca 24:44). Vào thời điểm đó, một cách đề cập đến Cựu Ước là nói đến sự phân chia ba phần của sách gồm: Luật pháp, Các Lời tiên tri và các sách Văn thơ. Thi thiên là cuốn sách đầu tiên trong bộ sách Văn thơ. Do đó, Chúa Giê-su đã nói về toàn bộ Cựu Ước, coi tất cả ba phần đó là “Kinh Thánh” (24:45). Toàn bộ Kinh Thánh cũng được mô tả là Luật pháp và các lời tiên tri (Ma-thi-ơ 5:17), hoặc đơn giản là “Luật pháp” (5:18; Giăng 10:34).4

Sự hiểu biết rộng rãi của Chúa Giê-su đối với Kinh Thánh và đặc biệt là vị trí trung tâm của nó trong tất cả sự dạy dỗ và chức vụ của Ngài dẫn đến kết luận rằng Ngài hoàn toàn tin tưởng và thực hành trong cuộc sống của chính mình. Trích dẫn Kinh Thánh được ghi lại đầu tiên của Ngài, “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Ðức Chúa Trời.” (Ma-thi-ơ 4:4; xin xem Phục truyền Luật lệ Ký 8:3). Charles Haddon Spurgeon từng nói với giáo đoàn của mình, “Thật là diễm phúc khi được ăn sâu vào chính linh hồn của Kinh Thánh cho đến tận cuối cùng, bạn nói chuyện bằng ngôn ngữ Kinh Thánh, và tâm linh bạn được thấm nhuần những lời của Chúa, đến nổi máu của bạn là sự sống Kinh Thánh và chính linh hồn của Kinh Thánh chảy ra từ bạn.”5 Không ai làm gương tốt hơn cho điều này như Chúa Giê-su.

 

SỰ CÔNG NHẬN CỦA CHÚA GIÊ-SU VỀ THẨM QUYỀN CỦA KINH THÁNH

Cá Nhân Chúa Giê-su Phục Tùng Kinh Thánh

Sự tôn trọng của Chúa Giê-su đối với Kinh Thánh không chỉ thể hiện qua số lần được tìm thấy nơi môi miệng Ngài. Nó cũng được thấy trong sự phục tùng của Ngài đối với thẩm quyền của Kinh Thánh. Bắt đầu bằng sự cám dỗ của Sa-tan, Chúa Giê-su nhận ra rằng Kinh Thánh đã đưa ra những mệnh lệnh trái ngược với những gì ma quỷ đang yêu cầu, và Ngài quyết tâm vâng theo Lời của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 4:4, 6-7,10). Ngài biết rằng ý muốn của Đức Chúa Trời dành cho Đấng Mê-si đã được báo trước trong Cựu Ước là để Ngài phải chịu đau khổ và chết. Vì vậy, Ngài đã chống lại sự từ chối của Phi-e-rơ đối với lẽ thật này, khi nhìn nhận đó là sự cám dỗ đến từ Sa-tan (16:23).

Các hành động của Ngài thường bị các nhà lãnh đạo tôn giáo buộc tội rằng Ngài đã vi phạm các điều răn của Luật pháp (Mác 2:24-28; 3:4; Lu-ca 13:14-17). Nhưng câu trả lời của Chúa Giê-su luôn luôn giống nhau. Nếu họ hiểu ý nghĩa thực sự của luật pháp, họ sẽ nhận ra rằng Ngài không vi phạm các điều luật theo bất kỳ cách nào (Giăng 7:21-24). Theo Chúa Giê-su, những vấn đề này nảy sinh vì các thầy dạy luật đã phát triển những truyền thống thực sự làm sai lệch Lời của Đức Chúa Trời (Mat 15:6). Ví dụ, Chúa Giê-su thấy rằng những giới hạn của Bộ luật Do Thái, là những quy tắc do các giáo sư Do Thái đặt ra để tuân giữ các điều răn, thực sự có tác dụng ngăn cản người khác tuân giữ điều răn yêu thương người lân cận vào ngày Sa-bát (Mác 3:1-4). Bởi vì Ngài hoàn toàn phục tùng Lời của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su có thể nói với các đối thủ của Ngài, “Ai trong các ngươi kết tội được Ta [chứng minh Ta có tội]?” nhưng không ai có thể làm như vậy (Giăng 8:46; xem thêm 18:23). Học giả Tân Ước Adolph Schlatter đã ghi nhận một cách chính xác, “Chúa Giê-su nhìn thấy toàn bộ sự kêu gọi đời sống của Ngài trong Kinh Thánh—đó không phải là điều không liên quan mà hoàn toàn là trọng tâm trong đời sống của Ngài…. Toàn bộ ý chí của Ngài bị tiêu hao với điều này: để làm theo những gì mà từng điều răn đã truyền. Đây là Một Người—đầu tiên trong lịch sử—không chỉ hiểu biết Lời mà còn thực hiện được.”6

Có lẽ còn hơn cả việc Ngài tuân theo các mệnh lệnh công chính của Luật pháp Đức Chúa Trời dành cho dân Ngài, sự phục tùng của Chúa Giê-su đối với Kinh Thánh được thể hiện rõ ràng qua cách Ngài xem chính Ngài là sự ứng nghiệm của Lời Kinh Thánh đó. Ngài phán trong Kinh Thánh, “hãy làm chứng về Ta” (Giăng 5:39) Và với hai người ở làng Em-ma-út, Ngài phán: “Ấy đó là điều mà khi ta còn ở với các ngươi, ta bảo các ngươi rằng mọi sự đã chép về ta trong luật pháp Môi-se, các sách tiên tri, cùng các Thi Thiên phải được ứng nghiệm” (Lu-ca 24:44).

Sự phục tùng của Ngài đối với Kinh Thánh cũng được nhìn thấy qua cách mà những lời tiên tri đã buộc Ngài phải đi trên con đường đau khổ cho đến chết. Tại lễ báp têm của Ngài, Ngài nói với Giăng Báp-tít, “vì chúng ta nên làm cho trọn mọi việc công bình như vậy.” (Ma-thi-ơ 3:15), nghĩa là, việc làm báp têm cho Ta là điều cần thiết để Ta có thể hoàn thành công việc của Ta trong sự vâng lời với tư cách là Tôi tớ của Chúa. Vào cuối cuộc đời trên đất của Ngài, Chúa Giê-su nói với các môn đồ của Ngài rằng: “Nầy, chúng ta lên thành Giê-ru-sa-lem, mọi điều mà các đấng tiên tri đã chép về Con người sẽ ứng nghiệm. Vì Ngài sẽ bị nộp cho dân ngoại… sau khi đánh đòn rồi, thì giết Ngài đi; đến ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại.” (Lu-ca 18:31-33). “Ngài đã bị kể vào hàng kẻ dữ’. Lời ấy phải ứng nghiệm về chính mình ta. Thật vậy, sự đã chỉ về ta hầu được trọn” (22:37). Sự phục tùng của Ngài đối với vai trò đau khổ mà Cựu Ước đã tiên tri được thấy khi Ngài bị bắt tại Ghết-sê-ma-nê. Khi một trong những môn đồ của Ngài cố gắng bảo vệ Ngài bằng một thanh gươm, nhưng Chúa Giê-su bảo môn đồ đó hãy đặt thanh gươm trở lại vị trí cũ, và nói rằng Ngài có thể cầu xin Cha mình ban cho mười hai đội thiên sứ để bảo vệ Ngài. Ngài từ chối sự trợ giúp như vậy, và giải thích, “Nếu vậy, thế nào cho ứng nghiệm lời Kinh Thánh đã chép rằng việc nầy tất phải xảy đến?” (Ma-thi-ơ 26:54). Như vậy có thể thấy rằng Chúa Giê-su biết trước và Ngài chấp nhận chương trình của Cha thiên thượng.

“Không có tuyên bố rõ ràng nào trong đó Ngài chấp nhận Kinh Thánh Cựu Ước là lời của Đức Chúa Trời có thể ngang bằng với sự lệ thuộc của chính Ngài vào một kế hoạch vĩ đại mà sự mặc khải trước đây ban cho Y-sơ-ra-ên đã hình thành nên trạng thái chuẩn bị này.”7

 

Chúa Giê-su sử dụng Kinh Thánh trong sự giảng dạy của Ngài

Bên cạnh việc thể hiện niềm tin của Ngài vào thẩm quyền của Kinh Thánh bằng cách phục tùng Kinh Thánh trong cuộc sống của chính Ngài, Chúa Giê-su đã sử dụng Kinh Thánh là thẩm quyền tối hậu trong sự dạy dỗ của Ngài. Mặc dù chính Ngài là Lời mặc khải tối hậu của Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 1:3) và mặc dù Ngài đã nhận được sự mặc khải từ Cha (Ma-thi-ơ 11:27), phần lớn sự dạy dỗ của Ngài dựa trên những lời trong Kinh Thánh Cựu Ước. Điều này đặc biệt rõ ràng trong các cuộc tranh luận của Ngài với những người đặt câu hỏi:

 

Các ngươi chưa đọc những gì Đa-vít đã làm phải không? (Ma-thi-ơ 12:3)

Hay là các ngươi không đọc? (12:5)

Các ngươi há chưa đọc sao? (19:4)

Các ngươi chưa hề đọc lời này sao? (21:16)

Các ngươi há chưa hề đọc lời trong Kinh Thánh sao? (21:42)

Các ngươi há không đọc lời Đức Chúa Trời phán sao? (22:31)

Môi-se đã dạy các ngươi điều gì? (Mác 10:3)

Trong luật pháp có chép điều gì? Ngươi đọc gì trong đó? (Lu-ca 10:26)

Vậy thì điều đó viết  gì? (20:17)

Trong luật pháp của các ngươi chép điều gì? (Giăng 8:17)

Điều đó không được chép trong Luật pháp của các ngươi sao? (10:34)

Nhiều lời dạy khác của Chúa Giê-su được giới thiệu bằng những lời tuyên bố tương tự, trong đó Ngài kêu gọi sự chú ý đến Cựu Ước một cách rõ ràng. Nhưng những điều này không có nghĩa là kể tất cả câu chuyện, vì phần lớn Cựu Ước thiết lập nền tảng cho sự dạy dỗ của Ngài mà không có đề cập cụ thể về nó.

Các chủ đề cơ bản về sự dạy dỗ của Chúa Giê-su cũng như những chủ đề có tính chất ngẫu nhiên hơn được xây dựng dựa trên Cựu Ước. Lời tuyên bố của Ngài về vương quốc thiên đàng bắt nguồn từ lời tiên tri của Đa-ni-ên rằng “Đức Chúa Trời trên trời sẽ thiết lập một vương quốc” (Đa-ni-ên 2:44). Trong cuộc trò chuyện của Ngài với Ni-cô-đêm, Chúa Giê-su ám chỉ rằng lẽ thật về sự tái sanh bởi Đức Thánh Linh (Giăng 3:3-8) lẽ ra Ni-cô-đêm là một người cai trị trong Y-sơ-ra-ên phải biết, bởi vì Ê-xê-chi-ên và những người khác đã nói về điều đó (Ê-xê-chi-ên 36:25-27). Chúa Giê-su đề cập đến Đại nạn trong tương lai (Mác 13:14) mà Đa-ni-ên đã viết về nó (Đa-ni-ên 9:27; 11:31; 12:11). Và sự mô tả của Chúa Giê-su về hình phạt đời đời như là điều kiện “đó là nơi sâu bọ chúng nó chẳng hề chết, và là nơi lửa chẳng hề tắt” (Mác 9:48) trích từ Ê-sai 66:24.

Để trả lời câu hỏi của những người Pha-ri-si về việc ly hôn, Chúa Giê-su đã căn cứ thần học về hôn nhân của Ngài dựa trên lời giải trình của sách Sáng thế ký về sự Sáng tạo. Đức Chúa Trời đã tạo ra người nam và người nữ nữ và cả hai trở nên một thịt. Đây là sự dạy dỗ của Kinh Thánh, và vì vậy đây là ý muốn của Đức Chúa Trời (Mat 19: 4-6). Vào một dịp khác, Chúa Giê-su đã tóm tắt sự hiểu biết của Ngài về bổn phận tối thượng của con người trước mặt Đức Chúa Trời trong những lời dạy của Phục truyền luật lệ ký 6:5: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến CHÚA, là Ðức Chúa Trời ngươi.” (Ma-thi-ơ 22:37). Ngay cả điều gọi là Luật Vàng— hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ, “vì ấy là luật pháp và lời tiên tri.” (7:12).

Những lời đã được tiên tri Ê-sai nói nhiều thế kỷ trước cho dân sự vào thời của Ngài cũng được áp dụng cho các thầy thông giáo và người Pha-ri-si vào thế kỷ thứ nhất: “Dân nầy lấy môi miếng thờ kính ta; Nhưng lòng chúng nó xa ta lắm. Sự chúng nó thờ lạy ta là vô ích, Vì chúng nó dạy theo những điều răn mà chỉ bởi người ta đặt ra.” (Mat 15:8-9; trích Ê-sai 29:13). Sự phán xét thiêng thượng về sự mù quáng thuộc linh vì đã khước từ lẽ thật được tiên tri Ê-sai tuyên bố (Ê-sai 6:9-10) vẫn có thể áp dụng cho thế hệ từ chối sự dạy dỗ của Ngài (Mác 3:12).

Đôi khi đó chỉ là một cụm từ hoặc ý nghĩ ngắn gọn có thể áp dụng cho một tình huống nhất định. Chúa Giê-su nói đến cụm từ “chiên không có người chăn” (được dùng nhiều lần trong Cựu Ước) là một mô tả rất thích hợp về đoàn dân đông trong thời của Ngài (Dân số Ký 27:17; Ê-xê-chi-ên 34:5; Ma-thi-ơ 9:36). Ngài cảnh báo đừng chiếm chỗ ngồi danh dự kẻo có người xứng đáng hơn (Lu-ca 14:7-11), lẽ thật này đã được tìm thấy trong Châm ngôn 25:6-7. Câu nói nổi tiếng của Ngài, “Các ngươi thường có kẻ nghèo ở cùng mình” (Ma-thi-ơ 26:11) dựa trên một tuyên bố có hiệu lực trong Phục truyền luật lệ ký 15:11. Những lời dạy của Chúa Giê-su về việc một hòn đá bị những thợ xây dựng từ chối và những ai vấp phải nó sẽ bị dập nát và nó sẽ nghiền nát những người mà nó rơi xuống là được lấy từ Cựu Ước (Ma-thi-ơ 21:42,44; Ê-sai 8:14-15; Đa-ni-ên 2:34,44). Những trích dẫn và lời ám chỉ như vậy về Cựu Ước có thể được nhân lên nhiều lần.

Trên hết, Chúa Giê-su dùng Kinh Thánh để giải thích con người và sứ mệnh của Ngài ở thế gian. Chúng ta đã được nhắc nhớ rằng, sau khi Phục sinh, Ngài đã sử dụng toàn bộ Cựu Ước để chỉ dẫn các môn đồ của Ngài về những điều liên quan đến chính Ngài. Nhưng trước đó rất lâu, Ngài đã nói đến sự ứng nghiệm của Kinh Thánh nơi chính Ngài. Ngài đã đến, Ngài phán, “không phải… phá Luật pháp hay là Lời tiên tri,” song để làm ứng nghiệm.” (Ma-thi-ơ 5:17). Chức vụ của Giăng Báp-tít là chỉ về Ngài, đã ứng nghiệm lời tiên tri của Ê-sai rằng một sứ giả sẽ được sai đến để dọn đường trước mặt Chúa (Ma-thi-ơ 11:10; Ê-sai 40:3). Và Chúa Giê-su đã giới thiệu chức vụ của Ngài tại Na-xa-rét bằng cách lấy cuộn sách trong nhà hội và đọc từ Ê-sai 61:1, “Thần của Chúa ngự trên ta: Vì CHÚA đã xức dầu cho ta đặng truyền Tin Lành cho kẻ nghèo;” (Lu-ca 4:18) Sau đó, Ngài nói những lời này đã được ứng nghiệm trong chính Ngài (4:21). Vào một dịp khác, khi các môn đồ của Giăng đặt câu hỏi liệu Ngài có thực sự là “Đấng Sẽ Đến” hay không, Chúa Giê-su đã xác thực danh tính của Ngài bằng cách chỉ vào các phép lạ của Ngài, điều này làm ứng nghiệm lời tiên tri mà Ê-sai đã nói tiên tri về Đấng Mê-si và thời gian của Ngài trên đất (Ma-thi-ơ 11:1-6; Ê-sai 35:5-6).

Không chỗ nào trong Kinh Thánh mà sự giải thích của Chúa Giê-su về các hành động của Ngài là sự ứng nghiệm của Kinh Thánh rõ ràng hơn là trong các sự kiện xung quanh Sự Đóng đinh. Ngài bị từ chối bởi các nhà lãnh đạo Do Thái (Ma-thi-ơ 21:42; Thi thiên 118:22); Ngài bị phản bội bởi một trong các môn đồ của Ngài (Giăng 13:18; Thi thiên 41:9); các môn đồ của Ngài bị phân tán khi Ngài bị bắt (Ma-thi-ơ 26:31; Xa-cha-ri 13:7); Sự chết thế của Ngài (Mác 10:45; Ê-sai 53:10-11)—tất cả những gì mà Chúa Giê-su nói đều được ứng nghiệm Lời tiên tri của Đức Chúa Trời về chính Ngài.

Chỉ một thời gian ngắn trước khi Ngài chết, “Ðức Chúa Giê-su biết mọi việc đã được trọn rồi, hầu cho lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, thì phán rằng: “Ta khát’” (Giăng 19:28). Ngay cả lời tuyên bố khá ngẫu nhiên của người viết thi thiên về nước uống khó chịu mà Người Đầy tớ Thống khổ của Đức Chúa Trời sẽ nhận được từ những kẻ bắt bớ Ngài cũng phải được ứng nghiệm trong Ngài (Thi thiên 69:21).

Khi Ðức Chúa Giê-su chịu lấy giấm ấy rồi, “bèn phán rằng: ‘Mọi việc đã được trọn’; rồi Ngài gục đầu mà trút linh hồn.” (Giăng 19:30). Tất cả những lời tiên tri trong Kinh Thánh nói về sự sống và cái chết của Ngài đã được ứng nghiệm. Là người Tôi tớ vâng lời, Ngài phải làm trọn những điều đó vì là những Lời của Cha trên trời của Ngài.8

Những gì Chúa Giê-su tin về Kinh Thánh là đặc biệt rõ ràng trong phản ứng của Ngài đối với những người thách thức sự dạy dỗ của Ngài. Trong một số trường hợp, Ngài tìm cách mở rộng tầm mắt của họ trước sự thật bằng cách sử dụng những câu hỏi thăm dò. Trong những cuộc đối đầu này với những kẻ chống đối, Chúa Giê-su luôn luôn cậy vào Kinh Thánh là thẩm quyền tối hậu của Ngài.

Trong dụ ngôn về vườn nho, Ngài đã kể một câu chuyện rõ ràng là châm chích vào lương tâm của những người nghe Ngài, những người đang khước từ Ngài là Con Đức Chúa Trời (Lu-ca 20:16-17). Trong câu chuyện, kết quả của sự khước từ là việc dời chuyển vườn nho, mà vườn nho là tượng trưng cho vương quốc, vương quốc này bị dời chuyển từ những người Do Thái không tin trong thời kỳ của Ngài cho những người khác sẽ tiếp nhận sứ giả chân thật của Đức Chúa Trời. Khi những người nghe từ chối sự ám chỉ của Ngài trong câu chuyện thì la lên rằng, “Ðức Chúa Trời nào nỡ vậy!” (20:16), Chúa Giê-su phản bác lại bằng cách cậy vào Kinh Thánh: “Vậy thì điều này được viết như thế nào? ‘Hòn đá thợ xây nhà bỏ ra, Trở nên đá góc nhà, nghĩa là gì’?” (20:17). Đối với Chúa Giê-su, câu Kinh Thánh Cựu Ước này áp dụng cho hoàn cảnh hiện tại của Ngài, và bởi vì Kinh Thánh có thẩm quyền tuyệt đối, nên sự phản đối của những người nghe Ngài đã bị bác bỏ.

Những kẻ chống đối Ngài thường xuyên tìm cách gài bẫy Ngài bằng những câu hỏi khôn khéo.10 Có một lần, những người Sa-đu-sê, là những người không tin vào sự Phục sinh, nghĩ rằng họ đã bác bỏ được sự Phục sinh bằng cách đưa ra câu hỏi về người phụ nữ giả định là đã kết hôn liên tiếp với bảy anh em (Ma-thi-ơ 22:23-33). Họ muốn biết người phụ nữ này sẽ là vợ của ai sau khi phục sinh.

Chúa Giê-su đáp lại bằng lời tuyên bố: “Ðức Chúa Jêsus đáp rằng: Các ngươi lầm, vì không hiểu Kinh Thánh, và cũng không hiểu quyền phép Ðức Chúa Trời thể nào.” (22:29), và Ngài tiếp tục cho họ một bài học ngắn gọn để sự hiểu biết đúng đắn về Kinh Thánh: “Về sự sống lại của kẻ chết, Các ngươi há không đọc lời Ðức Chúa Trời phán về sự sống lại của kẻ chết rằng: ‘Ta là Ðức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Ðức Chúa Trời của Y-sác, Ðức Chúa Trời của Gia-cốp, hay sao’? Ðức Chúa Trời không phải là Chúa của kẻ chết, nhưng của kẻ sống.” (22:31-32). Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp đã qua đời từ lâu, khi Đức Chúa Trời nói với Môi-se tại bụi gai cháy rằng Ngài là Đức Chúa Trời của họ (Xuất 3:6), điều này cho thấy họ vẫn tồn tại và có sự sống sau khi chết. Điều thú vị cần lưu ý là, theo Chúa Giê-su, Đức Chúa Trời đã nói bằng những từ có thể “đọc được”, tức là Kinh Thánh.

Vào một dịp khác, khi những người Pha-ri-si thách thức Chúa Giê-su về việc làm của các môn đồ Ngài trong ngày Sa-bát, thì Chúa Giê-su đã đáp lại bằng những lời: “Các ngươi không đọc trong Luật Pháp sao? (Ma-thi-ơ 12:5). Lỗi của họ không chỉ là bỏ qua Kinh Thánh, mà còn là không hiểu ý nghĩa của nó. Vì vậy, Chúa đã dạy họ, “Nhưng nếu các ngươi biết điều này có nghĩa là gì, ‘Ta muốn lòng nhân từ, không phải của tế lễ,’ thì các ngươi đã không kết án người vô tội” (12:7; trích dẫn Ô-sê 6:6).

Một lần nữa khi bị những kẻ chống đối thách thức Ngài, Chúa Giê-su đã trích dẫn Kinh Thánh như cách yêu cầu giúp đỡ của tòa án tối hậu của Ngài. Khi những người Pha-ri-si thử Ngài bằng câu hỏi, “Người đàn ông ly dị vợ vì bất cứ lý do gì có hợp pháp không?” Chúa Giê-su đáp: “Các ngươi chưa đọc sao…?” và sau đó Ngài trích dẫn lời giải thích trong Sáng thế ký về hôn nhân đầu tiên cho thấy ý định của Đức Chúa Trời (Mat 19:4-6). Ngay cả khi đáp lại lời buộc tội phạm thượng nghiêm trọng (“ngươi là người, mà tự xưng là Ðức Chúa Trời.” (Giăng 10:33), Chúa Giê-su đã cậy vào Cựu Ước, hỏi rằng: “Điều đó đã không được ghi trong Luật pháp của các ngươi sao?” (10:34).

Đối với Chúa Giê-su, Kinh Thánh là thẩm quyền tối thượng. Không thể bác bỏ việc sử dụng Kinh Thánh đúng cách, và cũng không bao giờ Ngài đặt câu hỏi rằng bất kỳ phần nào là có thẩm quyền. Nếu Kinh Thánh đã nói điều gì, thì điều đó là có thẩm quyền.

 

SỰ DẠY DỖ CỦA ĐẤNG CHRIST VỀ SỰ SOI DẪN CỦA KINH THÁNH

Đối với Đấng Christ, Kinh Thánh Cựu Ước là lời của chính Đức Chúa Trời. Điều thú vị là chúng a không có hồ sơ nào về bất kỳ người nào cùng thời với Chúa Giê-su, kể cả những người chống đối Ngài, từng đặt câu hỏi về sự tin cậy vào Kinh Thánh này, vì họ cũng đánh giá cao về Kinh Thánh, tin rằng Kinh Thánh là những tác phẩm thiêng liêng. Kết quả là chúng ta không có bất kỳ sự giảng dạy đáng kể nào của Đấng Christ về bản chất của Kinh Thánh, vì điều này đã được nhiều người biết đến và chấp nhận. Tuy nhiên, Ngài đã đưa ra một số tuyên bố về Kinh Thánh giúp chúng ta hiểu sâu hơn về sự hiểu biết của Ngài về bản chất được soi dẫn của Kinh Thánh.

 

Hai tuyên bố then chốt

Ma-thi-ơ 5:17-18. Bởi vì Chúa Giê-su chú trọng nhiều hơn đến thái độ của tấm lòng và ít chú trọng đến việc tuân theo các chi tiết của Luật pháp bề ngoài hơn là các giáo sư đương thời với Ngài, câu hỏi về tính chính thống trong Kinh Thánh của Ngài chắc chắn đã dấy lên trong tâm trí của nhiều người. Do đó, Ngài đã tuyên bố bằng những lời bày tỏ rõ ràng quan điểm của Ngài về Kinh Thánh: ” Các ngươi đừng tưởng ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri; ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn. Vì ta nói thật cùng các ngươi, đương khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi được cho đến khi mọi sự được trọn.” (Ma-thi-ơ 5:17-18).

“Luật pháp” và “Tiên tri” (5:17) hay đơn giản là “Luật pháp” (5:18) vào thời Chúa Giê-su là hai cách dùng để chỉ toàn bộ các tác phẩm Cựu Ước.11 Những bài tác phẩm này đều hướng đến Ngài, hoàn toàn là đúng sự thật và sẽ được hoàn thành đầy đủ. Để nhấn mạnh quan điểm của Ngài, Chúa Giê-su đã đề cập đến chữ cái nhỏ nhất là yod trong bảng chữ cái Do Thái, chữ này nhỏ hơn chữ cái i trong tiếng Anh, và đến một nét nhỏ để phân biệt một chữ cái này với chữ cái khác của tiếng Do Thái nhỏ hơn, nhưng có thể so sánh với nét phân biệt giữa chữ E với chữ F, hoặc có thể chỉ là một phần tô điểm nhỏ của một chữ cái tiếng Do Thái. Những lời của Chúa Giê-su tương đương với trong tiếng Anh có thể là, “không một chữ t nào mà bị bỏ gạch ngang hoặc một chữ i nào mà không được đánh dấu chấm.”

Điều này chỉ ra thẩm quyền của Kinh Thánh đến từng chi tiết nhỏ nhất. Mọi điều được viết trong Kinh Thánh đều là chân thật.

Giăng 10:34-36. Những gì Chúa Giê-su nghĩ về Kinh Thánh được thể hiện rõ ràng trong lời tuyên bố của Ngài để bênh vực cho lời tuyên bố của Ngài là Đức Chúa Trời. Để đáp lại những kẻ chống đối Ngài, Chúa Giê-su thường đáp lại lời cáo buộc phạm thượng bằng cách cậy vào Kinh Thánh: “Ðức Chúa Jêsus đáp rằng: Trong luật pháp của các ngươi há chẳng chép rằng: Ta đã phán: Các ngươi là các thần, hay sao? Nếu luật pháp gọi những kẻ được lời Ðức Chúa Trời phán đến là các thần, và nếu Kinh Thánh không thể bỏ được, thì ta đây, là Ðấng Cha đã biệt ra thánh, và sai xuống thế gian, nói: Ta là Con Ðức Chúa Trời, cớ sao các ngươi cáo ta là nói lộng ngôn?” (Giăng 10:34–36).

Lời trích dẫn của Chúa Giê-su được trích từ Thi thiên 82:6, nơi mà tác giả thi thiên gọi các vị quan xét của Y-sơ-ra-ên được xem là “các thần”. Mặc dù Chúa Giê-su không trích dẫn cách diễn đạt song song trong thi thiên, “các con trai của Đấng Chí Cao,” Ngài có thể cho rằng những người nghe Ngài sẽ hiểu được đoạn văn và sẽ biết rằng “các thần” và “các con trai của Đấng Chí Cao” là cùng ý với nhau. Khi trích dẫn đoạn văn này, Chúa Giê-su đã lập luận từ cái nhỏ hơn đến cái lớn hơn. Về bản chất, Ngài nói: “Nếu Kinh Thánh gọi các vị quan xét là những người phục vụ như là phương tiện của Lời Đức Chúa Trời là “các thần”, thì tại sao các ngươi có thể buộc tội Ta là phạm thượng khi Ta tự xưng là Con Đức Chúa Trời?” Chúa Giê-su chắc chắn tự nhận mình là Con Đức Chúa Trời theo nghĩa cao hơn nhiều so với các quan xét thời xưa, nhưng Kinh Thánh gọi loài người là “các thần” nên đã khiến những kẻ chống đối Ngài phải lùi bước trước sự buộc tội phạm thượng lập tức. Ngài muốn làm cho họ dừng lại và xem xét đầy đủ hơn về quyền của Ngài khi tuyên bố rằng Ngài là Con Đức Chúa Trời (10:37-38).

Tuy nhiên, điểm chính cho cuộc thảo luận của chúng ta là trong lời tuyên bố của Ngài “Kinh Thánh không thể bỏ được” (10:35). Như đã đề cập phía trên, thì trích dẫn này về “các thần” được trích từ Thi thiên 82:6, mà Chúa Giê-su gọi là “Luật pháp” (10:34), do đó cho thấy rằng Ngài xem tất cả Cựu Ước là có thẩm quyền. “Luật pháp” và “Kinh Thánh”—những thuật ngữ mà Ngài sử dụng đồng nghĩa—không thể bị “phá bỏ”, nghĩa là chúng sẽ không mất đi hiệu lực và không còn ràng buộc nữa. Kinh Thánh không thể bị vô hiệu hoặc hủy bỏ.

 

Đức Chúa Trời là Tác Giả của Kinh Thánh

Đối với Chúa Giê-su, thẩm quyền của Kinh Thánh dựa trên sự xác tín của Ngài đó là Đức Chúa Trời là Tác giả tối thượng của Kinh Thánh, mặc dù các trước giả con người có liên quan. Để trả lời một câu hỏi liên quan đến hôn nhân và ly dị, Chúa Giê-su trích dẫn những lời được viết bởi trước giả của sách Sáng thế ký, Nhưng những lời này cơ bản là những lời của Đức Chúa Trời, vì Chúa Giê-su đã tuyên bố, “Đấng dựng nên loài người… đã nói” (Ma-thi-ơ 19:4-5).

Nhiều lần Chúa Giê-su gọi Kinh Kinh là sản phẩm của lời tiên tri, mà Cựu Ước đã tuyên bố là lời nói của Đức Chúa Trời thông qua các phương tiện con người. Ví dụ, trong Mác 7:6 Chúa Giê-su đã giới thiệu câu trích dẫn của Ngài về Ê-sai 29:13 bằng cách nói, “Ê-sai đã làm đúng lời tiên tri.” Chúa Giê-su nói “sự hoang tàn ghê tởm” đã được “nói đến qua nhà tiên tri Đa-ni-ên” (Ma-thi-ơ 24:15). Điều này cho thấy, Đa-ni-ên là phương tiện để Đức Chúa Trời phán lời tiên tri này. Thường thì Chúa Giê-su chỉ giới thiệu đơn giản những trích dẫn trong Kinh Thánh với những từ như “Môi-se đã nói” (Mác 7:10). Chỗ khác, thì Chúa Giê-su cho thấy rằng một số câu trong Cựu Ước đã được Đức Chúa Trời phán trực tiếp, vì thế đã khẳng định thẩm quyền thiên thượng tuyệt đối của Kinh Thánh.

Chúa Giê-su cũng dạy rằng các tác phẩm chưa thành hình nên Tân Ước sẽ được Đức Thánh Linh soi dẫn. Khi Ngài nói với các môn đồ, sẽ là những sứ đồ của Hội Thánh ban đầu, Ngài hứa rằng Đức Thánh Linh sẽ “khiến các ngươi nhớ lại tất cả những gì ta đã phán với các ngươi” (Giăng 14:26). Rồi Ngài lại phán: “Ta còn có nhiều chuyện nói với các ngươi nữa; nhưng bây giờ những điều đó cao quá sức các ngươi. Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật…và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến. Ấy chính Ngài sẽ làm sáng danh ta, vì Ngài sẽ lấy điều thuộc về ta mà rao bảo cho các ngươi.” (16:12-14). Mặc dù những lời hứa này về sự dạy dỗ của Thánh Linh có thể được áp dụng theo nghĩa định hướng đối với công việc soi sáng của Thánh Linh trong đời sống của các tín đồ, về tầm quan trọng thực sự của những lời dạy dỗ đó, như DA Carson diễn giải, “không phải để giải thích cách người đọc vào cuối thế kỷ thứ nhất được Thánh Linh dạy dỗ, nhưng để giải thích cho độc giả vào cuối thế kỷ thứ nhất cách mà các nhân chứng đầu tiên, là các môn đồ đầu tiên đã hiểu chính xác và đầy đủ về lẽ thật của Đức Chúa Giê-su Christ.”12

 

Tính vô ngộ của Kinh Thánh

Kinh Thánh không cho thấy dấu hiệu Chúa Giê-su phân biệt giữa những phần Kinh Thánh trình bày về lẽ thật thuộc linh và những vấn đề khác có vẻ không quan trọng hơn, chẳng hạn như các chi tiết về lịch sử hoặc khoa học. Mặc dù đôi khi Chúa Giê-su sử dụng thuật ngữ “Kinh Thánh” để chỉ các đoạn văn cụ thể, như chúng ta đã thấy, thì Ngài cũng đề cập đến toàn bộ Kinh Thánh khi tuyên bố, “Ta nói thật cùng các ngươi, đương khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi được cho đến khi mọi sự được trọn” (Ma-thi-ơ 5:18) và  Kinh Thánh không thể bị “hủy bỏ” (Giăng 10:35). Việc Ngài liên tục đề cập đến “Kinh Thánh” với ngụ ý Đức Chúa Trời là tác giả (ví dụ: Ma-thi-ơ 21:42; Lu-ca 4:21; Giăng 5:39) và những lời tuyên bố của Ngài rằng “Kinh Thánh” phải được ứng nghiệm (ví dụ, Ma-thi-ơ 26:54) chỉ ra rằng toàn bộ Cựu Ước, chứ không chỉ một số phần nhất định của nó, là vô ngộ.

Hai điều thiêng liêng đối với người Do Thái trong thời Đấng Christ—là Kinh Thánh và đền thờ. Khi Ngài tiên tri về đền thờ sẽ bị phá hủy, thì Chúa Giê-su bị buộc tội là nói chống lại đền thờ. Nhưng Ngài chưa bao giờ bị buộc tội vì đã thốt ra một lời nào chống lại Kinh Thánh, điều mà người Do Thái cho là có thẩm quyền tuyệt đối với mọi từ được mô tả là “lẽ thật được mặc khải của Đức Chúa Trời.”13

 

THÁI ĐỘ CỦA CHÚNG TA ĐỐI VỚI SỰ GIẢNG DẠY CỦA ĐẤNG CHRIST

Rõ ràng Chúa Giê-su đánh giá cao về Kinh Thánh. Mặc dù được viết bởi các trước giả con người, nhưng suy cho cùng thì Đức Chúa Trời chính là tác giả và vì thế Kinh Thánh chính là Lời của Đức Chúa Trời.

Một số cố gắng né tránh bằng chứng được trình bày trong chương này bằng cách nói rằng những người viết đã ghi lại quan điểm của họ về Kinh Thánh hơn là niềm tin của Chúa Giê-su. Nói cách khác, các trước giả Phúc Âm, các học giả này khẳng định, đặt quan điểm riêng của họ vào miệng Chúa Giêsu. Vì vậy, chúng tôi thực sự không biết Chúa Giê-su nghĩ gì về Kinh Thánh. Cần lưu ý hai điểm trong việc đáp lại lời giải thích này. Thứ nhất, cách Chúa Giê-su bày tỏ quan điểm về Kinh Thánh xuyên suốt mọi điều Ngài đã dạy và đã làm, để phủ nhận lời giải thích đó là điều đáng tin hầu dẫn đến sự bi quan hoàn toàn về bất kỳ kiến thức lịch sử nào về Ngài. Thứ hai, cách Chúa Giê-su sử dụng Cựu Ước, đôi khi theo những cách rất xác nguyên văn, để giải thích về chính Ngài và công việc của Ngài nên nhiều khả năng khiến cho các môn đồ viết sách Phúc Âm bám theo sự hiểu biết của Chúa Giê-su hơn là tự mình bịa ra.

Những người khác tin rằng thái độ của Chúa Giê-su đối với Kinh Thánh chỉ đơn giản là chỗ dựa cho niềm tin của những người đương thời với Ngài. Ngài cậy vào thẩm quyền của Cựu Ước vì khán giả của Ngài tin rằng điều đó được soi dẫn, chứ không phải vì Ngài đã làm như vậy. Một lời giải thích như vậy không thuyết phục, ít nhất là hai lần. Thứ nhất, các ghi chép của Phúc Âm cho thấy rõ rằng Chúa Giê-su đã không ngần ngại thách thức những người đương thời với Ngài khi Ngài không đồng ý với họ. Tại sao Ngài phải đáp ứng trường hợp cáo buộc sai trái của họ về Kinh Thánh? Thứ hai, không thể tin rằng Ngài có thể nhiều lần liên hệ chính Ngài và chức vụ của Ngài như là sự ứng nghiệm của Cựu Ước, đồng thời tin rằng chúng chỉ là những tác phẩm của con người chứa đầy ngụy biện.

Vẫn còn những người khác tìm cách giải thích những lời dạy của Chúa Giê-su bằng cách tuyên bố rằng khi Ngài trở thành một con người, sự hiểu biết của Ngài bị hạn chế. Hạn chế này bao gồm khả năng mắc sai lầm trong tư tưởng. Có thể nói nhiều điều để trả lời cho ý kiến này, nhưng một lần nữa phải có đũ hai nhận xét. Đầu tiên, giới hạn không nhất thiết liên quan đến sai lầm. Nhưng thứ hai, và quan trọng hơn là Chúa Giê-su đã khẳng định luôn nói sự thật. Nếu Ngài đã nhầm lẫn về Kinh Thánh mà Ngài đặt nền tảng cho sự dạy dỗ của Ngài, thì thật khó hiểu tại sao những lời của Ngài về các vấn đề khác lại được tin cậy.

Không có cách nào làm nổi bật ngụ ý của những lời dạy rõ ràng này của Đấng Christ. Chúng ta biết đến Đấng Christ và tin cậy Ngài vì cớ số phận đời đời của chúng ta chỉ thông qua Kinh Thánh. Vì vậy, đức tin của chúng ta nơi Ngài về bản chất thì được liên kết với đức tin của chúng ta vào tính chân thật của Kinh Thánh. Nếu chúng ta tin vào sự ghi chép của Kinh Thánh về Đấng Christ—rằng Ngài là Đấng mà Ngài đã nói, tức là, Ngài chính là sự mặc khải của Đức Chúa Trời, lẽ thật nhập thể—thì chúng ta phải chấp nhận Ngài như là Vị Thầy có thẩm quyền của chúng ta trong mọi sự, kể cả bản chất của Kinh Thánh. Như ai đó đã nói, “Ngôi Lời Nhập thể đặt ấn tín của Ngài trên Ngôi Lời được Viết ra. Ngôi Lời Nhập thể là Đức Chúa Trời; do đó, sự soi dẫn của Cựu Ước được chứng thực bởi chính Đức Chúa Trời.” Vì vậy, với Đấng Christ, chúng ta phải tin rằng Kinh Thánh là Lời được soi dẫn của Đức Chúa Trời và tất cả những gì Kinh Thánh dạy đều là lẽ thật và có thẩm quyền.

 

 

 

 

 

9

KINH THÁNH LÀ QUYỂN SÁCH CỦA CON NGƯỜI?

 

 

KINH THÁNH, như chúng ta thấy, nhấn mạnh nhiều lần về bản chất là lời Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, quyền tác giả thiên thượng của Kinh Thánh thường bị các học giả phê bình bác bỏ. Kết quả là, những người Tin Lành khi nghiên cứu về bản chất của lời Chúa thường có xu hướng tập trung vào đặc tính thiên thượng và tính vô ngộ của Kinh Thánh. Nhưng việc nhận biết Kinh Thánh là lời Đức Chúa Trời đồng thời cũng là lời con người là cần thiết. Hơn thế nữa, những đặc tính của con người trong Kinh Thánh cũng đóng góp vào giá trị của nó.

 

TÍNH CÁCH CON NGƯỜI TRONG KINH THÁNH

Người Hồi Giáo cho rằng sách thánh của họ – kinh Koran được viết từ trên trời gửi xuống cho Muhammad. Tuy nhiên, không có học giả Cơ Đốc nào tuyên bố như vậy về Kinh Thánh ngoại trừ một vài người trong quá khứ. Ngoài rất nhiều đề cập về các trước giả con người, nhân tố con người trong các sách là rất hiển nhiên. Được viết qua nhiều thế kỷ, phạm vi trải nghiệm của con người, sự đa dạng về nội dung và hình thức văn học của Kinh Thánh thì không có bất kỳ cuốn sách nào có thể so sánh được. Văn xuôi, thơ ca, lịch sử, thần học, văn tường thuật, dụ ngôn, châm ngôn, khải thị, gia phả, luật pháp và thư tín — tất cả và hơn thế nữa đều có trong Kinh Thánh, và tất cả đều là những hình thức viết tiêu biểu của con người vào thời đại của họ. Ví dụ, các bản giao ước trong Cựu Ước giống với các hiệp ước Hittite cổ đại. Ngoài ra, các hướng dẫn về cách cư xử của các tín nhân ở các vị trí khác nhau trong gia đình, cái gọi là “quy tắc gia đình” trong các thư tín Tân Ước (ví dụ, Ê-phê-sô 5: 22-33, 6: 1- 9; Cô-lô-se 3:18-4:1) tương tự như các quy tắc ứng xử đương thời có trước đó.

Như chúng ta đã thấy, Kinh Thánh ghi lại những lời của Đức Chúa Trời phán với con người bằng những câu giới thiệu như “CHÚA phán như vầy”, cũng như những giải thích được soi dẫn về những lời phán này và việc làm của Đức Chúa Trời trong lịch sử. Nhưng những đáp ứng mang tính suy gẫm với lời phán và hành động của Đức Chúa Trời từ phía dân sự Ngài cũng là một phần của Kinh Thánh. Những lời kêu cầu của trước giả Thi thiên cho sự giải cứu của Đức Chúa Trời khỏi kẻ thù mình, cũng như câu cảm thán của ông, “Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài là năng-lực tôi, tôi yêu-mến Ngài.” (Thi thiên 18:1), đều là một phần của Kinh Thánh.

Hơn cả việc phục vụ như những phương tiện truyền đạt ngôn ngữ con người, các trước giả Kinh Thánh là những con người thật đang bày tỏ những ý tưởng qua tâm trí và tính cách cá nhân. Phong cách thơ của các trước giả Thi Thiên đối lập với cấu trúc phân tích và logic trong các thư tín của sứ đồ Phao-lô. Các sách của sứ đồ Giăng và Lu-ca khác nhau về từ vựng và văn phong. Giê-rê-mi thường được gọi là “nhà tiên tri than khóc” vì sự thê lương và u sầu bày tỏ trong các sách của ông.  Phao-lô đề cập đến tiên tri Ê-sai, “Ê-sai nói về dân Y-sơ-ra-ên mà kêu lên rằng…” trong sứ điệp của mình (Rô-ma 9:27), và ở một nơi khác, “Ê-sai nói cách bạo dạn” (10:20). Ê-sai đang truyền thông lời Đức Chúa Trời, nhưng toàn bộ con người của vị tiên tri – tâm trí, cảm xúc, và ý chí – đều dự phần trong tiến trình này.

 

Ngoài những khác biệt trong văn phong và từ ngữ, tính cách của trước giả thường dự phần trực tiếp vào sứ điệp khi họ viết về kinh nghiệm đầu tiên của mình. Khải tượng của Ê-sai về “Chúa ngồi trên ngôi cao-sang” (Ê-sai 6:1) có liên hệ trực tiếp đến sự kêu gọi cá nhân của ông vào chức vụ (6:7-8). Đa-vít bày tỏ kinh nghiệm của mình khi ông viết: “Trước tôi trẻ, rày đã già, nhưng chẳng hề thấy người công bình bị bỏ, hay là dòng-dõi người đi ăn mày” (Thi thiên 37:25). Các nền văn hóa mà các trước giả đã sống thể hiện qua các sách của họ. Nhiều trích dẫn và minh họa của Phao-lô từ (cuộc sống thời La Mã – quân đội, thể thao và luật pháp – thể hiện bối cảnh lịch sử cá nhân của ông. Nhân tố con người của các trước giả cũng dự phần vào chính nội dung và mục đích bảnviết tay của họ. Theo lời của JI Packer, Kinh Thánh đã “được định hình bởi trước giả, thể hiện ra mục đích giáo huấn, mối quan tâm cá nhân, và thần học tổng thể của họ.”

 

Sự thật kép rằng Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời và cũng là lời của con người đòi hỏi cần có một lời giải thích về mối quan hệ của Đức Chúa Trời và các trước giả (là con người) trong quá trình viết ra nó, trong điều thường được gọi là “sự thần cảm của Kinh Thánh.” “Sự thần cảm” của Kinh Thánh đã được giải thích theo một số cách. Ngoại trừ quan điểm “viết lại” thì tất cả đều đồng ý về nhân tố con người đầy đủ trong Kinh Thánh. Sự khác biệt chỉ nằm ở cấp độ và bản chất trong  sự liên kết thiên thượng.

QUAN ĐIỂM CHO RẰNG KINH THÁNH LÀ LỜI CỦA CON NGƯỜI

 

Tuy nhiên, trong suy nghĩ của một số người, điều chủ yếu không phải là những sai sót hiện hữu mà đơn giản chỉ là nhân tố con người trong Kinh Thánh khiến Kinh Thánh không được xem là Lời Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời được coi là rất khác với con người chúng ta, “hoàn toàn khác”, đến nỗi Lời Ngài phán trong Đấng Christ không bao giờ có thể được diễn đạt bằng ngôn ngữ của con người. Như Karl Barth, một người nổi bật trong quan điểm này, đã bày tỏ điều đó: “Trong Kinh Thánh, chúng ta luôn quan tâm đến việc con người cố gắng lặp lại và tái tạo Lời của Đức Chúa Trời (tức là Lời trong Đấng Christ) trong suy nghĩ và cách diễn đạt của con người, trong hoàn cảnh nhất định của con người…Trong một trường hợp, chúng ta đọc: Chúa phán; trong một trường hợp khác là Phao-lô nói. Đây là hai điều khác nhau.”2

 

Đối với nhiều người khác, nhân tố con người đơn giản là không tương thích với chân lý tuyệt đối. Họ tranh luận rằng mọi người đều bị giới hạn bởi bối cảnh văn hóa của họ. Nhận định của chúng ta về chân lý là tương đối với bối cảnh lịch sử hạn chế của chúng ta và vì thế luôn luôn không trọn vẹn. Theo quan điểm này, nhân tố con người của các trước giả Kinh Thánh, bất chấp sự đồng công của Đức Thánh Linh, cũng chỉ là một nhân chứng khó tin cho sự mặc khải thiên thượng.

Mặc dù có sự bất đồng về mức độ mà sự sai sót của con người ảnh hưởng đến mức độ đáng tin cậy và tính chân thực của Kinh Thánh, những người giữ quan điểm này sẽ đồng ý với tuyên bố của học giả Công giáo La Mã Hans Ming rằng Kinh Thánh “rõ ràng là lời của con người: được thu thập, viết xuống, từng câu một nhấn mạnh khá rõ bởi những cá nhân và được phát triển theo những cách khác nhau. Thế nên không phải là không có thiếu sót và lỗi, che giấu và nhầm lẫn, hạn chế và sai sót.”3

Một số nhà lý luận tự do đã nhấn mạnh yếu tố con người của Kinh Thánh đến mức về cơ bản họ phủ nhận sự thần cảm thiên thượng. Họ quan niệm rằng những người viết Kinh Thánh là những người bẩm sinh có sự thông sáng về tôn giáo, và “sự thần cảm” của họ có thể so sánh với những gì chúng ta có thể liên tưởng đến như một nghệ sĩ, nhà thơ hoặc nhạc sĩ “được truyền cảm hứng.”

Tuy nhiên, hầu hết các học giả Cơ Đốc nhận thấy một số tác động thiên thượng trong việc viết Kinh Thánh, mặc dù nhiều người nhấn mạnh vào yếu tố con người khi tính đến việc chấp nhận tính chất thần thượng trọn vẹn của nó. Các quan điểm sau đây là ba quan điểm khác nhau về sự tiếp cận với sự thần cảm. Đầu tiên, một số người nói rằng các trước giả Kinh Thánh được thần cảm theo cùng một cách mà những tín hữu khác được soi dẫn để hầu việc Ngài. Theo quan điểm này, thì sự soi dẫn chủ yếu chỉ về công việc của Đức Chúa Trời trên các trước giả Kinh Thánh là điều tương tự như việc Ngài ban ân tứ trên các tín hữu.

 

Sự tác động của Đức Chúa Trời trên các trước giả Kinh Thánh tương tự như cách Ngài ban các ân tứ thuộc linh cho các tín hữu. Như cách người ta nghĩ, quan điểm này được nêu theo nhiều cách khác nhau. Có người nói là “sự khơi dậy ân tứ tiên tri.”4 Tuy nhiên, cũng ân tứ tiên tri đó đang vận hành trong hội thánh ngày nay và vì thế không chỉ về một công tác đặc biệt duy nhất trên các trước giả Kinh Thánh.

Hầu hết nói về những “loại” hoặc “mức độ” khác nhau của sự thần cảm thường liên quan đến bản chất của những tài liệu theo Kinh Thánh. Những bài thánh ca của mọi thời đại trong hội thánh, như những bài được viết bởi Isaac Watts, Charles Wesley, Augustus Toplady và Reginald Heber được cho là có “cùng sự thần cảm” như một số trước giả Thi Thiên chỉ đơn giản là khích lệ sự ngợi khen Chúa. Nếu những bài thánh ca này được viết trong thời vua Đa-vit và những vị vua kế vị (dù nội dung có phần khác vì sự đến của Đấng Christ vẫn còn nằm ở tương lai) “thì không nghi ngờ gì rằng những bài thánh ca đó đã nằm trong thơ thánh Do Thái.”5

Một lời giải thích gần đây về sự thần cảm cũng thuộc loại này thì đồng nhất sự thần cảm với việc “một giáo viên truyền cảm hứng cho học viên mình.” Cũng vậy Đức Chúa Trời soi dẫn cho các trước giả Kinh Thánh qua mối quan hệ của Ngài với họ và cộng đồng mà họ thuộc về, và đặc biệt là qua hành động cứu rỗi cao cả của Ngài, bao gồm cả sự cứu chuộc Y-sơ-ra-ên khỏi ách nô lệ và sự sống, sự chết, và sự sống lại của Chúa Cứu Thế Giê-su. Sự soi dẫn này nâng cao các khả năng nhưng “không đảm bảo là không lỗi, vì các người trung gian, dù là được Đức Chúa Trời soi dẫn, cũng vẫn có thể mắc lỗi.

Theo quan điểm này thì sự soi dẫn tương tự vẫn đang hiện hữu trong Hội Thánh ngày nay. Nhưng bởi vì Kinh Thánh ghi lại những hành động được Đức Chúa Trời mặc khải đặc biệt trong lịch sử, nên được xem là quy chuẩn cho thần học Cơ Đốc.

Khái niệm về sự soi dẫn này không phù hợp với lời chứng phong phú của Kinh Thánh rằng mặc dù Kinh Thánh được viết bởi con người và do đó là sách của con người, nhưng nó cũng là Lời của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, sự soi dẫn không chỉ liên quan đến tác động thiêng liêng đối với các trước giả con người mà còn tạo nên đặc trưng của sản phẩm cuối cùng.

Các tác phẩm thiêng liêng (“cả Kinh Thánh”) được Đức Chúa Trời soi dẫn (2 Ti-mô-thê 3:16). Nói tóm lại, quan điểm về sự soi dẫn này nhầm lẫn công việc độc đáo của Thánh Linh trong sự soi dẫn trên Kinh Thánh với công việc phổ quát của Ngài là soi sáng và dạy dỗ trong các tác phẩm được soi dẫn. Nó nhầm lẫn giữa việc ban Lời Đức Chúa Trời, sự mặc khải của Ngài, với chức vụ soi sáng để hiểu được sự mặc khải đó.

Sự vĩ đại của các bài thánh ca, bài viết hoặc bài giảng Cơ Đốc của các cá nhân không phải là trước giả Kinh Thánh là kết quả của công việc sau này và chỉ được xác định bằng cách họ bày tỏ trung thực lẽ thật được Đức Chúa Trời bày tỏ trong Kinh Thánh. Thứ hai, Kinh Thánh được soi dẫn vì nó “trở thành” Lời của Đức Chúa Trời. Quan điểm này về hoạt động soi dẫn của Đức Chúa Trời trên các trước giả Kinh Thánh cũng tương tự như quan điểm trước đó. Tuy nhiên, nó nhấn mạnh nhiều hơn đến sự khác biệt giữa sự mặc khải của Đức Chúa Trời về Lời Ngài trong sự gặp gỡ cá nhân và các bản viết Kinh Thánh.

Kinh Thánh không trực tiếp là Lời bày tỏ của Đức Chúa Trời trong bất kỳ tuyên bố nào của Kinh Thánh. Đúng hơn là Đức Chúa Trời sử dụng Kinh Thánh để bày tỏ chính Ngài cho các cá nhân. Karl Barth thể hiện khái niệm về sự soi dẫn này. “Sự soi dẫn bằng lời nói không có nghĩa là không thể sai được về đặc điểm ngôn ngữ, lịch sử và thần học của nó trong ngôn ngữ của con người. Nó có nghĩa là ngôn ngữ sai sót của con người cũng được Chúa sử dụng và phải được tiếp nhận và nghe bất chấp những sai sót đó.”

Những người theo trường phái này tin rằng Đức Chúa Trời đã tác động đến những trước giả Kinh Thánh để trở thành những nhân chứng đặc biệt cho những công tác vĩ đại của Ngài trên thế giới, đặc biệt là sự mặc khải của Ngài trong Đấng Christ. Sự ảnh hưởng này đã khiến những trước giả  viết về những sự kiện  và cuộc gặp gỡ của chính họ với Chúa qua những sự kiện đó. Đức Chúa Trời tiếp tục dùng ngôn ngữ của họ để bày tỏ chính Ngài qua những cuộc gặp gỡ cá nhân với con người ngày nay. Khi các cá nhân nghe tiếng của Đức Chúa Trời qua Kinh Thánh, thì tiếng nói đó “trở thành” Lời của Đức Chúa Trời.

Theo một số học giả, các nhà tiên tri và sứ đồ đã sử dụng những câu chuyện thần thoại như những câu chuyện về phép lạ để truyền đạt lẽ thật thuộc linh. Phần lớn những gì có vẻ như là báo cáo lịch sử phải được giải tỏa ra khỏi huyền thoại, hoặc lột bỏ trang phục thần thoại của nó để có được lẽ thật thuộc linh thực sự được truyền tải.

Theo quan điểm này, vì không thể xem là giống nhau bất kỳ câu nói nào của Kinh Thánh với lời Chúa, nên rất khó để có thể thực sự biết được đâu là điều Chúa nói, Theodore Engelder  nói rằng những người ủng hộ quan điểm này về Kinh Thánh “từ chối tin rằng Đức Chúa Trời đã thực hiện phép lạ ban cho chúng ta một bản Kinh Thánh không lỗi qua sự soi dẫn, nhưng [họ] sẵn sàng tin rằng Đức Chúa Trời hàng ngày vẫn đang thực hiện phép lạ vĩ đại hơn là cho phép loài người tìm và thấy trong ngôn từ thiếu sót của con người Lời vô ngộ của Đức Chúa Trời.”

Rõ ràng là sự giải thích như vậy về sự soi dẫn, nằm ngoài sự hỗ trợ trong Kinh Thánh, khiến cho việc nghe Lời Đức Chúa Trời trở thành một vấn đề rất chủ quan. Những người khác nhau có thể nghe nó theo cách khác nhau, và chúng ta không có cách nào để quyết định ai đang nghe nó một cách chính xác. Một lần nữa, giống như đã đề cập trước đây, cách giải thích về sự soi dẫn này nhầm lẫn giữa việc soi dẫn đặc biệt liên quan đến việc truyền đạt sự mặc khải với việc soi sáng.

Quan điểm thứ ba cho rằng Kinh Thánh được soi dẫn đủ để thực hiện mục đích truyền đạt chân lý cứu rỗi một cách trọn vẹn. Bản chất thực tế và mức độ ảnh hưởng của Đức Chúa Trời trong toàn bộ Kinh Thánh có phần khác nhau giữa những người ủng hộ quan điểm này.

Họ có xu hướng nói về “sự soi dẫn” của Đức Chúa Trời đối với toàn bộ Kinh Thánh, nhưng họ không tập trung nhiều vào tính chân thật của Kinh Thánh mà chỉ tập trung vào tính đầy đủ để hoàn thành mục đích cứu rỗi. Họ nói, Kinh Thánh được soi dẫn và do đó không thể sai lầm, theo nghĩa là Kinh Thánh đáng tin cậy để hoàn thành những gì Đức Chúa Trời đã định.

Một vấn đề với quan điểm này là khó biết phần nào của Kinh Thánh phù hợp với mục đích cứu rỗi này và phần nào thì không. Nói chung, các vấn đề về khoa học và lịch sử được coi là ngoại vi đối với thông điệp cứu rỗi của Kinh Thánh và do đó không thể sai lầm. Quan điểm này, mà một số người gọi là “sự soi dẫn hạn chế”, có một số vấn đề.

Đầu tiên, Kinh Thánh tuyên bố rõ ràng rằng “cả Kinh Thánh đều được soi dẫn” (2 Ti-mô-thê 3:16). Không có chỗ nào trong Kinh Thánh nói rằng sự soi dẫn hay sự chính xác tuyệt đối chỉ giới hạn trong những vấn đề thuộc về “đức tin và sự thực hành.”

Thứ hai, không ai có thể chỉ ra cách chúng ta có thể xác định rõ ràng ranh giới giữa vấn đề đức tin và không đức tin. Chẳng hạn, sự phục sinh của Chúa Giê-su là vấn đề của lịch sử hay của “đức tin”? Ví dụ, nếu có một số khó khăn về mặt lịch sử trong việc thống nhất các lời tường thuật của bốn trước giả Phúc Âm, thì chúng ta có thể nói đơn giản rằng phần tường thuật đó có sai sót về lịch sử và bằng cách nào đó vẫn duy trì sự việc có thật về sự phục sinh của Ngài đến dưới sự soi dẫn không thể sai lầm của Đức Chúa Trời?

Sự tách biệt như vậy dường như là không thể. Nếu lịch sử được chép không đúng sự thật, làm sao chúng ta có thể khẳng định rằng sự phục sinh của Chúa Giê-su là một vấn đề của “đức tin” — ngoại trừ dựa trên một số điều ngoài phần ghi chép của Kinh Thánh?

Một trong những lý do khiến Cơ Đốc Giáo vượt trội hơn các tôn giáo khác là nó có nguồn gốc từ lịch sử hơn là thần thoại. Loại trừ lịch sử khỏi sự soi dẫn vì một số xác suất chưa được giải đáp là làm suy yếu sự thật này. Tại sao Đức Chúa Trời phải tác động một cách siêu nhiên đến các trước giả Kinh Thánh trong việc giải thích tôn giáo của họ về các hành động cứu rỗi lịch sử của Ngài, cho chúng ta ý nghĩa của chúng không thể sai lầm, trong khi các trước giả đó ghi lại những sai sót lịch sử?

Thực tế quan trọng nhất là Kinh Thánh quan tâm đến nhu cầu tâm linh, nhưng cũng dạy chúng ta hiểu và sống trọn cuộc đời cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời— “nhân loại, thế giới, thiên nhiên, lịch sử, nguồn gốc và đích đến của họ, quá khứ và tương lai của họ ‘. Mọi điều Kinh Thánh nói đều liên quan đến thông điệp cứu chuộc tổng thể của Kinh Thánh và là Lời của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta.                                                                                                      

 

KINH THÁNH LÀ LỜI CỦA CẢ CON NGƯỜI VÀ ĐỨC CHÚA TRỜI?

Cho đến thời kỳ Khai Sáng của thế kỷ thứ mười tám, hầu hết các tín hữu đều có sự hiểu biết chung rằng Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời và cũng là lời của con người. Một tín lý theo Kinh Thánh về các trước giả con người liên quan với việc phải giải trình về yếu tố thiên thượng và, với kết quả là Kinh Thánh mang những đặc điểm chân thực của cả hai. Khái niệm Kinh Thánh về sự soi dẫn Theo chính Kinh Thánh sự soi dẫn của Kinh Thánh tập trung vào hai lẽ thật – tiến trình và kết quả của nó.

 

Khái niệm của Kinh Thánh về sự thần cảm

Như đã lưu ý trước đó, khi sứ đồ Phao-lô viết rằng “cả Kinh Thánh đều được soi dẫn” (nghĩa đen là “Đức Chúa Trời hà hơi”, 2 Ti-mô-thê 3:16); sự nhấn mạnh nằm ở kết quả của sự soi dẫn hoặc bản chất của chính Kinh Thánh. Đó là những bài viết do Đức Chúa Trời hà hơi.

Nhưng để tạo ra kết quả này, chắc hẳn Đức Chúa Trời cũng đã tác động trên trước giả con người. Do đó, khái niệm về sự soi dẫn của Kinh Thánh cũng nói lên sự kiểm soát thiên thượng này.

Kết hợp hai khái niệm về tiến trình và kết quả này lại với nhau, chúng ta có thể định nghĩa sự soi dẫn là công việc siêu nhiên của Đức Thánh Linh trên các trước giả Kinh Thánh để họ sử dụng hoàn toàn tính cách và phong cách viết của mình, họ đã viết chính xác những gì Đức Chúa Trời đã định cho họ viết và do đó Kinh Thánh là lời của Đức Chúa Trời cũng là lời của con người. ”

 

Benjamin B. Warfield, người bảo vệ mạnh mẽ khái niệm Tin Lành về sự soi dẫn vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, đã nói như thế này: “Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời theo nghĩa là lời Chúa, mặc dù được viết bởi con người và mang những dấu tích về nguồn gốc từ con người không thể xóa được, tuy nhiên, Kinh Thánh được viết ra dưới ảnh hưởng của Đức Thánh Linh cũng là những lời của Đức Chúa Trời, thể hiện đầy đủ suy nghĩ và ý muốn của Ngài.”12

Sự hiểu biết về sự soi dẫn này thường bị mô tả sai thành “học thuyết chính tả”, như thể các trước giả con người chỉ đơn giản làm việc như những thư ký của Đức Thánh Linh.

Trong khi một số người nhấn mạnh khía cạnh thiên thượng của Kinh Thánh đã giữ quan điểm này, thì đây chưa bao giờ là quan điểm tầm thường của Hội Thánh. Một số người trong Hội Thánh đầu tiên nói về việc Chúa Thánh Linh hành động trên các trước giả Kinh Thánh như một nhạc công chơi đàn hạc hoặc đàn lia, và thánh phụ vĩ đại của Hội Thánh – Augustine đã viết rằng Chúa đã sử dụng các trước giả con người “như thể họ chính là ngón tay của Ngài?”13

Tương tự như vậy, John Calvin gọi các trước giả Kinh Thánh là “người bồi bút”. Và “những thư ký của Đức Thánh Linh”. Tuy nhiên, những tác giả này không có ý định sử dụng những ẩn dụ này để dạy một học thuyết chính tả về sự soi dẫn, vì điều đó đã phủ nhận việc Đức Chúa Trời sử dụng toàn bộ nhân tính của những người được gọi là trước giả. Thay vào đó, họ chỉ muốn nhấn mạnh sản phẩm cuối cùng là Lời trọn vẹn không lỗi của Đức Chúa Trời.

“Học thuyết chính tả” này là một người rơm. Có thể nói rằng không có nhà thần học Tin Lành nào, từ thời Cải Chách cho đến nay, đã từng tin theo học thuyết đó; và chắc chắn các Hội Thánh Tin Lành hiện đại cũng vậy… Đúng là nhiều nhà thần học thế kỷ mười sáu và mười bảy đã nói về Kinh Thánh là “do Đức Thánh Linh viết.” Nhưng tất cả những gì họ muốn nói là các trước giả đã viết từng chữ những gì Chúa dự định.

Việc sử dụng thuật ngữ “viết chính tả” luôn luôn là nghĩa bóng. Bằng chứng cho điều này nằm ở chỗ, khi các nhà thần học này tự hỏi, phương thức hoạt động của Thánh Linh trong tâm trí các trước giả là gì, thì họ đều đưa ra câu trả lời không phải là viết chính tả, mà là hỗ trợ, và duy trì quan điểm đúng đắn rằng Đức Chúa Trời đã hoàn toàn điều chỉnh hoạt động soi dẫn của Ngài cho phù hợp với tâm trí, cách nhìn, tính khí, sở thích, thói quen văn chương và phong cách riêng của mỗi trước giả.16

Sự kiểm soát của Thánh Linh đối với các trước giả con người

Quan điểm cho rằng Kinh Thánh vừa là lời của con người vừa là Lời không thể sai lầm của Đức Chúa Trời cần được giải thích. Như đã nói ở trên, lý do khiến nhiều người từ chối Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời là vì đặc điểm con người của Kinh Thánh. Nếu là con người, họ nói, sai sót là chắc chắn không thể tránh khỏi. Vậy làm sao Kinh Thánh cũng là Lời của Đức Chúa Trời không hề sai sót? Có lẽ vấn đề còn nhiều hơn cả việc không sai sót hoặc không đúng là câu hỏi về làm thế nào Kinh Thánh có thể vừa là lời con người đồng thời cũng là lời Đức Chúa Trời. Câu trả lời đòi hỏi cả sự hiểu biết về bản chất con người và sự tri thức về sự mầu nhiệm của phép lạ thiên thượng.

Tư tưởng “nhân vô thập toàn” cần phải được loại bỏ. Câu nói “con người là sai sót” không đúng bằng “con người là phạm tội.” Vì nếu những câu này là đúng, thì Đấng Christ, Đấng không phạm tội, đã không phải là con người và tín hữu sẽ không phải những con người trên thiên đàng. Nhưng, dĩ nhiên, Đấng Christ hoàn toàn là con người, và chúng ta sẽ vẫn là con người trong sự vinh hiển. Trong thực tế, tội lỗi và sai sót không phải là một phần của bản chất con người; đúng ra, đó là những khiếm khuyết trong bản chất như một hậu quả của Sự Sa Ngã. Chúng hướng tới chiều kích cá nhân của bản chất con người như bệnh tật đối với thể chất – những rối loạn của tự nhiên hơn là những phần bản chất của nó. Như Chúa của chúng ta đã chứng minh trong cuộc đời của Ngài trên đất, bản chất thật của con người trong mối tương giao với Đức Chúa Trời, như ý định của Tạo hóa, không liên quan đến tội lỗi hay sai lầm. Được tạo ra theo hình ảnh của Đức Chúa Trời trong mối tương giao với Ngài, nhân loại được tạo dựng với bản chất để tương giao với Đức Chúa Trời trong lẽ thật. Như Kinh Thánh dạy, những người viết Kinh Thánh không phải tự lực cánh sinh trong quá trình viết Lời Đức Chúa Trời. Đức Thánh Linh vận hành một cách độc đáo và kỳ diệu trong quá trình soi dẫn để sửa chữa khuyết điểm tội lỗi của họ, hướng dẫn họ nói và viết chính xác những gì Đức Chúa Trời muốn.

Sự ảnh hưởng đặc biệt này của Đức Chúa Trời có lẽ thấy rõ nhất trong câu nói của Phi-e-rơ: “Vì chẳng hề có lời tiên-tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời.” (2 Phi-e-rơ 1:21). Với từ “tiên tri” Phi-e-rơ có ý nói về toàn bộ Cựu Ước và không chỉ đơn giản là riêng các tiên tri.7 Kinh Thánh, theo như sự dạy dỗ của vị sứ đồ, không bao giờ là kết quả của sự thôi thúc trong tâm trí của trước giả. Theo cách diễn giải của Eugene Peterson, lời Chúa “không phải là thứ gì đó được pha chế trong lòng người.” 18 Lời Chúa bắt nguồn từ việc con người được Thánh Linh của Đức Chúa Trời “đưa đi” theo. Từ Hi Lạp được dịch là “đưa đi” được dùng cho một chiếc thuyền buồm được gió đưa đi (Công Vụ 27:15,17). Khi gió thổi, con thuyền di chuyển, khi gió dừng, con thuyền dừng. Chúng ta cũng có thể nghĩ đến một mảnh gỗ trôi dạt theo dòng nước. Tốc độ trôi và hướng di chuyển hoàn toàn phụ thuộc vào dòng nước “mang theo nó”. Cụm từ “được Đức Thánh Linh đưa đi” gợi ý rằng các trước giả Kinh Thánh là công cụ trong tay của Thánh Linh đầy sáng tạo của Đức Chúa Trời. Ngài hướng dẫn họ điều họ cần viết ra. Điều này không có ý nói họ thụ động, như cái máy đánh chữ. Nhưng hoạt động của họ nằm dưới năng quyền kiểm soát của Đức Thánh Linh. Khi họ viết dưới sự vận hành của Thánh Linh, họ biết rằng mình không chỉ đơn giản thể hiện suy nghĩ của loài người. Như Warfield đã lưu ý, các nhà tiên tri “biết rằng Thánh Linh là Đấng soi dẫn họ không phải là thần tự nhiên của quốc gia họ.” Tư tưởng của Đức Chúa Trời vượt quá suy nghĩ của con người tội lỗi như “trời cao hơn đất” (Ê-sai. 55: 8-9). Kinh Thánh nhiều lần làm chứng rằng đó là lời được Đức Chúa Trời phán ra qua con người. Các trước giả con người đã viết những gì Đức Chúa Trời muốn họ viết, vì vậy theo một nghĩa rất thực tế, Ngài là tác giả của các sách cũng giống như các trước giả đã viết ra chúng. Bản chất sự vận hành của Thánh Linh với các trước giả Kinh Thánh rất khác nhau, hoặc như trước giả sách Hê-bơ-rơ đã nói, Đức Chúa Trời phán theo “nhiều cách” (Hê 1:1). Có những lúc, sự vận hành của Thánh Linh được trải nghiệm một cách gián tiếp hơn những lúc khác. Trong một số trường hợp, Đức Chúa Trời đã truyền đạt Lời của Ngài cho các trước giả Kinh Thánh bằng lời phán dễ nghe như Ngài đã làm với Môi-se, người “đã nghe tiếng [của Đức Chúa Trời] phán với mình từ ngai thi ân” (Dân số ký 7:89; xem thêm Xuất 4:12; 19: 3-6; 1 Sa-mu-ên 3: 4-14; Ê-sai 6: 8-9; Khải huyền 14:13). Đôi khi Ngài truyền đạt Lời của Ngài như Ngài đã làm với Đa-ni-ên, trong những giấc mơ và khải tượng, hoặc bằng cách sai thiên sứ đến truyền Lời Ngài (Dân. 7:1; 8:1; 9:21-22). Trong những trường hợp khác, những người tiếp nhận Lời Ngài trải qua trạng thái phấn chấn về tâm linh có thể được mô tả như một trạng thái xuất thần (Khải 1:10; xem thêm Công vụ 10:10; 22:17; 2Cô 12:2-4). Tuy nhiên, thường thì, các trước giả Kinh Thánh vẫn hoàn toàn minh mẫn khi đối thoại với Chúa (Ê-sai 6:11; Giê 14:13).

 

Điển hình là các nhà tiên tri đã nhận được lời Đức Chúa Trời qua những gợi ý bên trong, có lẽ cũng đúng với những giấc mơ và khải tượng.” Những mô tả này về Thánh Linh, sự vận hành đặc biệt trên phần Kinh Thánh mà các trước giả con người chủ yếu tiếp thu như một lời tiên tri. Nhưng Đức Thánh Linh cũng dự phần trong những phần Kinh Thánh mà trước giả con người dự phần tích cực và sự tác động thiên thượng là không trực tiếp. Các Thi Thiên thể hiện kinh nghiệm cá nhân của người viết và các phần lịch sử liên quan đến nghiên cứu của người viết đại diện cho thể loại này. Trong các Thư Tín, sứ đồ chỉ dạy Lời Chúa mà không đề cập đến việc Lời Chúa đến với họ như thế nào. Nói chung, có thể nói rằng ảnh hưởng của Thánh Linh khác với những lần được đề cập ở trên là nhũng lúc sự vận hành của Ngài rõ ràng hơn. Tuy nhiên, việc phủ nhận sự tham gia của Ngài trong những trường hợp này là một sai lầm, thường mắc phải giữa các học giả phê bình cao hơn, khi toàn bộ năng lực trong tính cách con người đã tích cực sáng tạo trong quá trình viết ra Kinh Thánh hoặc khi các trước giả sử dụng các tư liệu khác bao gồm những nguồn tư liệu không thuộc Kinh Thánh. Bruce Demhest và Gordon Lewis đã gọi sai lầm này là “ngụy biện đơn nguyên”, tức là “nếu một trước giả nghiên cứu và sử dụng các nguồn tư liệu khác, thì thông điệp của người đó rốt cuộc không phải từ Chúa.”21 Đáp lại, họ tuyên bố rằng: “Đức Chúa Trời vận hành không chỉ quan phòng trong mọi điều sắp xảy ra, mà còn trong việc giám sát việc viết Kinh Thánh, chẳng hạn như sách Tin Lành Lu-ca (1:1-4) và trong việc sử dụng các nguồn kinh điển và không kinh điển khác”.

Quá trình vận hành trong những trường hợp này được gọi là “hoạt động chấn động, trong đó Thần của Đức Chúa Trời vận hành” trong, cùng với và thông qua “hoạt động của con người” theo cách để truyền thông về tác phẩm (tức là Kinh Thánh) những phẩm chất siêu phàm một cách rõ ràng. Nói cách khác, Thánh Linh điều khiển nhà tiên tri hoặc sứ đồ khi họ nói hoặc viết để những gì họ viết ra cũng là lời của Đức Chúa Trời. Không phải là Ngài đứng bên ngoài khả năng người, chỉ can thiệp trong một số thời điểm nhất định để tránh sai sót hoặc bất cập khác. Thay vào đó, như Warfield nói, Đức Thánh Linh “làm việc liên tục trong, cùng và bên họ, nâng đỡ, hướng dẫn, điều khiển, thêm sức, để họ vượt lên chính mình và dưới sự soi dẫn của Ngài, họ làm công việc của Ngài để đạt được mục tiêu của Ngài. Quá trình soi dẫn này diễn ra như thế nào vẫn chưa được hiểu biết đầy đủ, nhưng phải luôn được thừa nhận. Augustine nói về khả năng của ma quỉ đã để mưu phản Ngài vào lòng Giu-đa để phản bội Chúa Giê-su (Giăng 13:2) thật đáng để suy ngẫm về mối liên hệ này. “Việc để (vào lòng) như vậy muốn nói về thuộc linh và được nhập vào không phải bằng tai, mà là thông qua suy nghĩ; và do đó không phải qua thuộc thể, mà là thuộc linh… Nhưng làm thế nào những việc như vậy được thực hiện, vì những gợi ý từ tà linh phải được đưa ra, và hòa lẫn với những suy nghĩ của con người đến nỗi con người tự nói ra chúng, làm sao người đó có thể biết được? Chúng ta cũng không thể nghi ngờ rằng những lời gợi ý tốt cũng giống như sự khôn ngoan đến từ thánh linh cũng theo cùng một cách thức không thể quan sát và là thuộc linh, ‘Câu hỏi về quá trình soi dẫn dường như liên quan đến câu hỏi về cách thức Đức Chúa Trời vận hành trong con người chúng ta để hoàn thành ý muốn của Ngài. Khi Kinh Thánh dạy chúng ta “làm nên” sự cứu chuộc mình, bởi vì Đức Chúa Trời “cảm động” trong chúng ta (Phi-líp 2:13), thì rõ ràng, điều đó dạy rằng bằng cách nào đó chúng ta và Đức Chúa Trời có thể cùng hoạt động mà không phủ nhận giá trị của nhau. Liên quan đến lời nói, những lời của Chúa Giê-su đem lại một ví dụ thú vị. Ngài tuyên bố sẽ nói những lời được Cha Ngài dạy cho Ngài (Giăng 7:16; 8:28) và Ngài tuyên bố rằng Ngài đã nói mà không có bất kỳ sai sót nào. Tiến trình này được giải thích trong Giăng 3:34: “Vì Đấng mà Đức Chúa Trời đã sai đến thì rao truyền lời của Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Trời ban Thánh Linh cho Ngài không chừng mực, cho thấy hình ảnh Chúa Giê-su được ban ân tứ Thánh Linh không chừng mực (nghĩa là vượt xa bất cứ tiên tri nào khác) để Ngài nói lời của Đức Chúa Trời một cách hoàn hảo. Tất nhiên, ân tứ của Thánh Linh vận hành trong Chúa Giê-su trong con người của Ngài. Vì vậy, trong con người, Ngài đã nói một cách chủ động và tự do mà không có cảm giác “đọc chính tả” từ Cha Ngài. Thế nên, lời nói của Ngài là lời nói của con người và đồng thời cũng là lời của Đức Chúa Trời.

Điều tương tự có thể đúng với các tín hữu trong trạng thái vinh hiển hoàn toàn trên thiên đàng. Họ sẽ liên hệ chặt chẽ với Đức Chúa Trời và được Ngài thêm sức để lời của Chúa chúng ta rằng “xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi” (Lu-ca 22:42) sẽ luôn luôn đúng. Rõ ràng, lúc bấy giờ, ý muốn và hành động của họ cũng là ý muốn và hành động của Đức Chúa Trời. Tương tự, họ sẽ chỉ nói ra lẽ thật, là điều được xem là biểu hiện của Đức Chúa Trời vì Ngài là nguồn của mọi chân lý. Do đó những lời chân thật được nói từ sự tự do thật của con người cũng sẽ là lời chân lý của Ngài. Sự nhập thể của Con Đức Chúa Trời – sự đến của Ngài trên thế gian trong bản chất con người vô tội đem lại một sự tương đồng thú vị với phép lạ về công việc của Đức Chúa Trời trong việc viết ra Kinh Thánh. Đức Thánh Linh đã đến trên Ma-ry, một con người thực sự và bất toàn. Tuy nhiên, qua bà, với sự phát triển bình thường của một bào thai siêu nhiên, Con Thiên Chúa đã được sinh ra với bản chất con người thực sự. Ngài mang đầy đủ các đặc tính của một người cũng như của Đức Chúa Trời. Ngay cả yếu tố tội lỗi trong Ma-ri đã bị loại bỏ để không làm ô nhiễm Chúa, vì vậy những tội lỗi và bất toàn của các trước giả con người đã bị loại bỏ và những gì được viết ra là không có sai sót.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA YẾU TỐ CON NGƯỜI TRONG KINH THÁNH

Những dấu ấn chung về yếu tố con người trong Kinh Thánh — vẻ trần tục trong phần lớn lịch sử và cách kể chuyện, cách diễn đạt của con người về các vấn đề và phước lành trong cuộc sống, sự đơn giản của Kinh Thánh — tất cả kết hợp lại khiến chúng ta tự hỏi liệu đây cũng là Lời của Đức Chúa Trời. Liệu Lời Đức Chúa Trời có nên vương giả hơn, sâu sắc hơn, thần bí hơn, siêu việt hơn, mang tính giáo lý hơn (cái gì đó giống như một thần học hệ thống tốt)? Tuy nhiên, bản chất của Kinh Thánh hoàn toàn phù hợp với mục đích của Đức Chúa Trời, sự mặc khải, không phải là tri thức, mà là sự cứu chuộc và cuộc sống thực. Như Richard Gaffin giải thích, “Sự mặc khải không có quá nhiều kiến thức liên quan đến bản chất của Đức Chúa Trời, con người và thế giới vì đó là sự giải thích được sự soi dẫn thiên thượng về hoạt động cứu chuộc loài người của Đức Chúa Trời để họ có thể thờ phượng và phụng sự Ngài trên thế gian. Vì vậy, Kinh Thánh, với tư cách là Lời mặc khải của Đức Chúa Trời, trước hết và trên hết là một cuốn sách lịch sử mở ra câu chuyện của Đức Chúa Trời, các mục đích cứu chuộc trong lịch sử. Sự cứu rỗi không phải là một hệ thống triết học hay đạo đức trừu tượng, mà là thực tế lịch sử của Đức Chúa Trời, những hành động cứu rỗi. Yếu tố con người của nhiều trước giả Kinh Thánh đại diện cho các nền văn hóa khác nhau chứng tỏ thực tế này. Bằng cách phán Lời Ngài qua kinh nghiệm đầy đủ của con người trong những hoàn cảnh lịch sử đa dạng, Đức Chúa Trời đã thích nghi với sự hiểu biết của con người chúng ta. Kiến thức về lẽ thật thiên thượng được truyền đạt thông qua giảng dạy. Vì vậy, chúng ta tìm thấy các phần giáo lý trong Kinh Thánh, chẳng hạn như phần lớn Sách Rô-ma. Nhưng sự nhận biết Chúa chỉ đạt được thông qua sự dự phần của toàn bộ con người của trước giả — trí tuệ, cảm xúc và hành động.

Những kiến thức đó chỉ được truyền đạt thông qua cuộc sống cụ thể. Vì vậy, Kinh Thánh thực hiện nhiều hơn là chỉ bày tỏ Đức Chúa Trời cho chúng ta. Kinh Thánh cũng bày tỏ những kinh nghiệm của dân sự với Ngài để thấy cách thực hành lẽ thật trong cuộc sống của chúng ta như thế nào. Các ẩn dụ của Chúa Giê-su cũng có cùng mục đích. Các thể loại văn học khác nhau trong Kinh Thánh cũng có cùng một mục đích dạy dỗ, vì chân lý được truyền đạt không chỉ qua các phần tín lý và các phần tường thuật lịch sử, mà còn qua thơ ca, tục ngữ, chuyện kể, lời tiên tri, v.v. Do đó những yếu tố con người trong lời Chúa là hoàn toàn phù hợp để truyền đạt sứ điệp cứu chuộc của Đức Chúa Trời. Yếu tố con người trong lịch sử Kinh Thánh cho phép chúng ta nắm bắt được điều gì đó về sự vĩ đại và phạm vi chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời từ đầu đến cuối. Những trang sử mở cho phép chúng ta học biết lẽ thật không chỉ từ sự giảng dạy bằng lời nói mà còn từ kinh nghiệm của người khác. Sau khi đọc phần lịch sử về Chúa, về con người, không ai có thể nghi ngờ thực tế của tội lỗi và nhu cầu của sự cứu chuộc. Các thể loại văn chương trong Kinh Thánh và hình thức lịch sử cũng giúp Kinh Thánh phù hợp để truyền thông đến mọi đối tượng. Sự đơn giản của sứ điệp trong câu chuyện dù là độc giả đơn sơ mới đọc lần đầu cũng có thể nắm bắt được.

KẾT LUẬN

Kinh Thánh với tư cách vừa là Lời của Đức Chúa Trời vừa là lời của con người thực sự là một cuốn sách kỳ diệu. Như đã thảo luận, bản chất thần thượng và con người của Kinh Thánh có thể được ví như sự kết hợp giữa thần tánh và nhân tánh trong Chúa Giê-su Christ, Đấng vừa thực sự là người vừa thực sự là Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, sự khác biệt ở chỗ, thần tánh và nhân tánh của Đấng Christ được hợp nhất trong một thân vị, trong khi với Kinh Thánh, Đức Thánh Linh không hợp nhất với bản chất con người trong sự soi dẫn của Kinh Thánh. Nhưng như Warfield giải thích, Kinh Thánh và Đấng Christ giống nhau ở chỗ cả hai đều là sự kết hợp giữa con người và thiên thượng dẫn đến một sản phẩm không lỗi. “Trong trường hợp thân vị của Chúa chúng ta, nhân tánh vẫn thực sự là nhân tánh dù Ngài không bao giờ phạm tội hoặc sai lầm vì bản chất đó không bao giờ vận hành ngoài sự kết hợp giữa thần tánh với bản chất đã được mang lại; như vậy trong trường hợp tạo ra Kinh Thánh bằng hành động kết hợp của các yếu tố con người và Thiên Thượng, các yếu tố con người đã hoạt động như các yếu tố con người, và đã để lại dấu ấn của họ trên sản phẩm như vậy, nhưng không mang lỗi… bởi vì họ không vận hành ngoài các yếu tố thần thượng,… nhưng ở dưới sự hướng dẫn không mệt mỏi của các yếu tố đó.”27

 

Có lẽ suy nghĩ chính xác nhất về Kinh Thánh là những lời của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta đã phán qua dân sự của Ngài dưới sự điều khiển của Thánh Linh. Mặc dù các ấn bản bằng chữ đỏ của Kinh Thánh có thể hữu ích trong việc ghi lại những lời trích dẫn của Chúa chúng ta, nhưng chúng cũng có thể gây hiểu lầm khi cho rằng những lời lịch sử của Chúa Giê-su có chất lượng khác biệt so với những lời được soi dẫn của các trước giả con người. Như chúng ta đã thấy, tất cả Kinh Thánh được viết dưới sự điều khiển của Đức Thánh Linh đều là lời của Đức Chúa Trời và vừa là lời của con người. Điều này không có nghĩa là hạ thấp ý nghĩa của lời Chúa Giê-su. Thay vào đó, nó đề cao tính cách siêu nhiên của Kinh Thánh. Đấng Christ, mặc dù có nhân tánh, là Đấng siêu nhiên. Và tương tự, Kinh Thánh, mặc dù do con người viết ra, nhưng có tính siêu nhiên bởi vì Chúa Thánh Linh có quyền kiểm soát siêu việt trên các trước giả.

 

 

 

 

 

– 10 –

Kinh Thánh có đáng tin cậy không?

 

VÌ KINH THÁNH là Lời của Đức Chúa Trời được bày tỏ qua lời nói của con người, điều này có nghĩa là Kinh Thánh đúng và không có sai sót phải không? Vâng, bởi vì Đức Chúa Trời là “Đức Chúa Trời của lẽ thật” (Thi 31:5). Nếu Kinh Thánh thực sự là lời của Ngài, thì Kinh Thánh hoàn toàn là chân thật và không có sai sót.

Mặc dù các Cơ đốc nhân thừa nhận sự trung thực của Đức Chúa Trời, nhưng lại kết luận rằng Kinh Thánh là hoàn toàn đúng và không có sai sót nào thì ngày nay bị nhiều người phủ nhận, ngay cả trong số những người giảng về Lời Đức Chúa Trời và khẳng định là sự soi dẫn của cả Kinh Thánh. Trong một số trường hợp, họ áp dụng các thuật ngữ “vô ngộ” và “tính không thể sai lầm” cho Kinh Thánh, nhưng họ nói rằng những từ này có nghĩa là Kinh Thánh có thể bao gồm những sai sót thực tế trong những vấn đề không liên quan trực tiếp đến đức tin và việc thực hành đời sống Cơ đốc.

Ví dụ, I. Howard Marshall giải thích rằng “mục đích của Kinh Thánh là hướng dẫn mọi người đến với sự cứu rỗi và lối sống liên quan.” Sau đó, ông nói, “‘Không thể sai lầm’ có nghĩa là Kinh Thánh hoàn toàn đáng tin cậy cho các mục đích mà Đức Chúa Trời đã soi dẫn nó.'”1 Một số học giả áp dụng thuật ngữ “vô ngộ” cho những gì tác giả dự định giảng dạy. Nói cách khác, như Clark Pinnock viết, “Kinh Thánh sai sót nhưng lại không dạy.… về sự vô ngộ mà đề cập đến…. sự dạy dỗ hơn là cho tất cả các thành phần được sử dụng trong công thức của nó”.2 Theo Donald Bloesch, Kinh Thánh “đã không sai lầm trong những gì tuyên bố, nhưng điều này không có nghĩa là Kinh Thánh không có lỗi trong việc ghi chép dữ liệu lịch sử hoặc trong thế giới quan của họ, hiện đã lỗi thời.”

Vì vậy, chúng ta cần xem xét kỹ vấn đề về tính trung thực của Kinh Thánh. Câu hỏi đặt ra là: Kinh Thánh có vô ngộ trong tất cả những gì nó khẳng định trong mọi lĩnh vực hay chỉ trong những vấn đề đó liên quan trực tiếp đến sự cứu rỗi và lối sống Cơ đốc của chúng ta?

 

LỜI DẠY CỦA KINH THÁNH VỀ TÍNH TRUNG THỰC

Bởi vì các thuật ngữ “tính vô ngộ” và “sự vô ngộ” không được sử dụng trong Kinh Thánh để mô tả bản chất riêng của Kinh Thánh, một số người phản đối việc sử dụng như vậy, cho rằng những thuật ngữ đó vượt ra ngoài sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các thuật ngữ không thực sự được sử dụng trong Kinh Thánh tuy vậy vẫn có thể truyền đạt lẽ thật trong Kinh Thánh. Ví dụ, từ “Ba ngôi” không được tìm thấy trong Kinh Thánh, nhưng các tín đồ chính thống trong suốt lịch sử của hội thánh đã công nhận nó là một sự mô tả chính xác về Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh.

Tương tự, câu hỏi liệu Kinh Thánh có sai sót hay “vô ngộ” được chuyển tải qua các thuật ngữ khác. Mặt tích cực của khái niệm “vô ngộ” liên quan đến “lẽ thật,” đây rõ ràng là một thuật ngữ trong Kinh Thánh. Nếu Kinh Thánh là vô ngộ thì điều đó hoàn toàn đúng. Do đó, câu hỏi đặt ra là Kinh Thánh có dạy về tính trung thực, tức là nó hoàn toàn đúng không?

Làm thế nào để chúng ta trả lời câu hỏi này? Hai phương pháp tiếp cận dẫn đến kết luận trái ngược nhau. Một người đề xuất rằng chúng ta kiểm tra tất cả các dữ liệu của Kinh Thánh để xác định học thuyết của chúng ta về sự linh ứng và tính vô ngộ. Những lời dạy trong Kinh Thánh về bản chất của Kinh Thánh và tất cả những gì thường được gọi là các hiện tượng trong Kinh Thánh phải được kết hợp với nhau để xác định bản chất về sự linh hứng của Kinh Thánh.

Phương pháp khác bắt đầu với những lời dạy của Kinh Thánh về những chủ đề sự soi dẫn và tính chân thật của chính Kinh Thánh. Sự giải thích cẩn thận được thực hiện đối với mọi điều Kinh Thánh dạy về bản chất của nó. Sự tổng kết của lời dạy này về cơ bản trở thành học thuyết về nguồn cảm hứng của chúng ta.

Sự khác biệt trong hai phương pháp có thể được minh họa trong cách họ giải quyết một số vấn đề cụ thể trong Kinh Thánh. Ví dụ, Chúa Giê-su gọi hạt cải là hạt “nhỏ hơn tất cả các loại hạt khác” (Ma-thi-ơ 13:32). Tuy nhiên, thực vật học, cho biết có những hạt thực sự nhỏ hơn hạt cải. Đi xuyên qua tuyên bố trong phần Kinh Thánh này, thì không hoàn toàn đúng về mặt khoa học, phương pháp đầu tiên tuyên bố rằng nguồn cảm hứng của Kinh Thánh phải có bản chất như vậy đó là nó bao gồm một số “lỗi” như lỗi này.

Lời tuyên bố của Phao-lô rằng “tất cả Kinh Thánh đều được soi dẫn” (2 Ti-mô-thê 3:16) do đó phải được giải thích theo một số cách hạn chế để tránh cho kiểu “sai lầm” này. Nói cách khác, nếu chúng ta tìm thấy những điểm không chính xác về lịch sử và khoa học trong Kinh Thánh hoặc những tuyên bố của một tác giả mà chúng ta không thể hài hòa với những lời của những tác giả khác, chúng ta phải xác định nguồn cảm hứng phù hợp với những sai sót giả định này.

Vấn đề với phương pháp này là nghiên cứu và kiến thức của con người là tiêu chuẩn của lẽ thật mà theo đó một câu Kinh Thánh được tuyên bố là đúng hay sai. Lời phát biểu của Đức Chúa Trời phải phù hợp với kiến thức đương thời của chúng ta. Nhưng lịch sử của ngành học thuật Kinh Thánh chứng minh rằng nhiều điều bị coi là sai sót trong những ngày trước đó đã được chứng minh là chính xác khi thông tin mới nhận được từ khảo cổ học và nghiên cứu về các ngôn ngữ và bản thảo Kinh Thánh. Do đó, có vẻ rất tự tin khi đưa ra phán quyết cuối cùng về những điều này ngày nay khi mà ngày mai sẽ có nhiều thông tin hơn có thể mang đến ánh sáng mới trên những vấn đề này.

Phương pháp thứ hai, là tìm cách để hiểu tín lý được truyền cảm hứng từ những tuyên bố trực tiếp trong Kinh Thánh về chủ đề này, cũng phải giải quyết những vấn đề như là vấn đề hạt cải. Nhưng phương pháp này trước hết phải xác định những gì Kinh Thánh dạy về chính nó, sau đó tìm cách hài hòa các vấn đề như là hạt cải với lời dạy đó. Giả sử ngay thời điểm nghiên cứu Kinh Thánh cẩn thận cho thấy rằng Chúa Giê-su Christ và các tác giả Kinh Thánh giảng dạy về sự soi dẫn đầy đủ của tất cả Kinh Thánh, thì phương pháp này tìm kiếm lời giải thích về vấn đề phù hợp với sự dạy dỗ này. Nếu một vấn đề được tìm thấy mà không có giải pháp thích hợp, nó không được coi là cơ sở thích hợp để thay đổi sự giảng dạy rõ ràng của Kinh Thánh. Cần phải thừa nhận sự hạn chế của kiến thức con người hiện tại của chúng ta.

Cách chúng ta tiếp cận các tín lý khác nhau của Kinh Thánh có thể giúp xác định quan điểm nào trong hai quan điểm này là đúng. Những người theo phái Phúc Âm luôn khẳng định thần tính hoàn toàn và sự vô tội của Đấng Christ, dựa trên những tuyên bố trực tiếp, chẳng hạn như Giăng 1:1, nơi mà Ngài được xác định rõ ràng là Đức Chúa Trời. Nhưng giả sử chúng ta tìm cách xác định xem Ngài có thực sự là Đức Chúa Trời hay không bằng cách xem xét tất cả các tuyên bố về Ngài. Chúa Giê-su nói với người cai trị trẻ tuổi giàu có rằng: “Sao ngươi gọi ta là nhơn lành? Chỉ có một Ðấng nhơn lành, là Ðức Chúa Trời”(Lu-ca 18:19). Một tuyên bố như vậy có thể được hiểu là biến Chúa Giê-su trở thành một người kém hơn Đức Chúa Trời, hoặc thậm chí biến Ngài trở thành tội nhân.

Vào một dịp khác, Chúa Giê-su thú nhận không biết về ngày Ngài tái lâm, nói rằng “chỉ một mình Cha” biết thông tin này (Mác 13:32). Vì một trong những thuộc tính của Đức Chúa Trời là sự toàn tri, một số người có thể kết luận từ câu này rằng Chúa Giê-su không phải là Đức Chúa Trời. Nhưng nhà thờ đã không sử dụng những câu như thế này để sửa đổi niềm tin của họ vào thần tính trọn vẹn của Đấng Christ. Các học giả tin tưởng đã giải thích những câu này theo những cách hài hòa với sự dạy dỗ rõ ràng về thần tính của Đấng Christ và sự vô tội của Ngài.

Phương pháp thông thường để hiểu sự giảng dạy của Kinh Thánh về một chủ đề nhất định luôn là bắt đầu bằng những lời tuyên bố rõ ràng liên quan đến chủ đề đó. Sau khi đã hiểu những gì được giảng dạy một cách rõ ràng, các dữ liệu khác có thể giúp làm sáng tỏ thêm sự giảng dạy cơ bản, nhưng không được phép phủ nhận sự giảng dạy đó. Những tuyên bố được thảo luận ở trên dường như đặt ra câu hỏi về thần tính của Đấng Christ giúp chúng ta hiểu Ngài đầy đủ hơn với tư cách vừa là Đức Chúa Trời và vừa là con người. Tương tự, các hiện tượng trong Kinh Thánh giúp chúng ta hiểu đầy đủ hơn về bản chất của nó. Phao-lô truyên bố Kinh Thánh là được Đức Chúa Trời hà hơi (2 Ti-mô-thê 3:16) có thể suy nghĩ rằng Kinh Thánh là do Ngài sai khiến. Nhưng Kinh Thánh bày tỏ rõ ràng những cá tính khác nhau của người viết và những tính cách khác nhau của con người, khiến cho chúng ta từ chối thuyết linh ứng sai khiến để ủng hộ sự hiểu biết bao gồm sự tham gia chân chính của con người. Do đó, sự hiểu biết bổ sung từ các dữ liệu khác có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lời dạy cơ bản, nhưng không thể được phép phủ nhận lời dạy đó.

 

Ý Nghĩa của “Lẽ Thật” trong Kinh Thánh

Trước khi chúng ta xem lời chứng về tính trung thực của Kinh Thánh, chúng ta cần phải xác định Kinh Thánh có nghĩa là “lẽ thật” hay “thật”. Từ ngữ trong tiếng Do Thái của Kinh Thánh Cựu ước (emet) có ý niệm cơ bản là “sự chắc chắn” hay “sự hiển nhiên.” Trên cơ sở của ý nghĩa này, nhiều người nói rằng lẽ thật theo ý nghĩa Kinh Thánh có nghĩa là sự tin cậy hoặc sự thành tín. Nó bảy tỏ một người có thể bị phụ thuộc vào, một người mà một người khác có thể đặt niềm tin hoàn toàn, giống như ý nghĩa của từ “true” trong câu nói, “Tôi sẽ thành thật với bạn.” Vì vậy, điều ngược lại với sự thật là không thành thật, không đáng tin cậy hoặc lừa dối. Do đó, người ta lập luận rằng sự thật liên quan đến con người trong mối quan hệ với những người khác (người ta có thể tin tưởng vào lời nói hoặc hành động của họ), chứ không phải sự kiện khách quan hoặc những lời tuyên bố. Theo quan điểm này, thì trọng tâm là sự tin cậy, không phải tính thực tế. Kinh Thánh được cho là đúng, nghĩa là xác thực và đáng tin cậy trong việc hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời là dẫn đưa con người đến sự cứu rỗi. Do đó, theo cách hiểu này, các khái niệm về lẽ thật và sai lầm trong Kinh Thánh không tập trung vào việc liệu điều gì đó có trùng hợp một cách khách quan với thực tế hay không.

Đáp lại, cần phải lưu ý rằng mặc dù ý nghĩa ban đầu của một từ thì cung cấp thông tin về lịch sử quá khứ của nó, nhưng nó không xác định nghĩa của nó trong một giai đoạn lịch sử tiếp theo. Khi xem xét việc sử dụng từ “lẽ thật” trong Kinh Thánh, chúng ta thấy rằng nó không chỉ đề cập đến sự thành tín mà còn đề cập đến tính thực tế theo nghĩa phù hợp với các sự kiện hoặc thực tế.

Đúng là ở nhiều nơi trong Cựu Ước emet có nghĩa là trung thành. Chân thật là một đặc tính của Đức Chúa Trời: “Sự chơn thật Ngài là cái khiên và cái can của ngươi.” (Thi 91:4); Ngài “giữ lòng thành thực đời đời” (146:6, NIV); “Vì lòng thành tín của ta, ta sẽ ban thưởng cho họ” (Ê-sai. 61:8, NIV; xin xem thêm Sáng thế ký 24:27; Xuất 34:6; Thi 31:5; Giê 4:2; Xa-cha-ri 8:8). Hành động của Ngài là thành thật hoặc đáng tin cậy: “Công việc của tay Ngài là thành tín và công bình ”(Thi 111:7, NIV). Ý nghĩa tương tự của từ emet cũng được áp dụng cho con người, mặc dù ít thường xuyên hơn nhiều. Giô-suê khuyên dân Y-sơ-ra-ên “hãy kính sợ Ðức Giê-hô-va, và phục sự Ngài cách thành tâm và chân thật; (hay sự trung tín)” (Giô-suê 24:14; xem thêm Xuất 18:21, “người chân thật,” hoặc “người đáng tin cậy”, NIV). Với điều gì đó cùng ý nghĩa, “lẽ thật” được áp dụng cho các vật thể. Trong những trường hợp này, trung thành có nghĩa là đáng tin cậy hoặc chắc chắn. Yêu cầu của Ra-háp về một “lời cam đoan về sự chân thật” (Giô-suê 2:12) biểu thị một lời yêu cầu mà bà có thể tin cậy. Tương tự, “phần thưởng đích thực” (Châm. 11:18) là điều chắc chắn.

Hai cách sử dụng cuối cùng rõ ràng là đang hướng tới ý nghĩa của “lẽ thật” biểu hiện tính chân thật thực tế. “Phần thưởng thực sự” là phần thưởng sẽ được chứng minh là đúng hoặc thực tế trong tương lai. Ý nghĩa này là “sự thật”—là điều phù hợp với thực tế, trái ngược với những gì là giả dối, sai lầm hoặc lừa dối—là rất rõ ràng trong nhiều cách sử dụng của emet. “Sự thật” là từ được dùng trong các vấn đề về tư pháp. “Xét xử chân thật” (Xa-cha-ri 8:16), và “thực thi công lý chân thật” (7:9). Trong cả hai trường hợp, lời kêu gọi dành cho “các phán quyết phù hợp với emet, với sự kiện thực tế, để chúng chứng minh là đúng và chính xác.” Trong các vấn đề về phán quyết, điều tra kỹ lưỡng được yêu cầu để xem liệu “điều đó có đúng không và sự việc mới được thành lập.” (Phục. 13:14; xem thêm 17:4, “điều đó đúng và…. chắc chắn”; và 22:20). Do đó, các nhân chứng được khen ngợi vì sự trung thực của họ (Châm. 14:25; Giê. 42:5).

Lời phát biểu của một người cũng được mô tả bởi sự chân thật. “Hãy nói chân thật với nhau” (Xa-cha-ri 8:16; xin xem thêm Châm. 8:7; Dân. 11:2). Trong Thi thiên 15:2, nói “chân thật” tương phản với việc vu khống hoặc đưa ra những báo cáo dối trá và ác ý. Tương tự như vậy, Giê-rê-mi than thở về Giê-ru-sa-lem, nói rằng: “Ai nấy gạt gẫm kẻ lân cận mình, chẳng nói sự chơn thật. Chúng nó luyện tập lưỡi mình mà nói dối” (Giê-rê-mi 9:5). Nhà tiên tri Mi-chê được triệu tập để nói “không có gì khác ngoài sự thật nhân danh CHÚA” (1 Các vua. 22:16). “Môi chân thật” được khen ngợi, nhưng “lưỡi dối trá” và “môi nói dối” bị lên án (Châm. 12:19,22) Rõ ràng trong những câu này, sự thật liên quan đến sự thực tế hoặc phù hợp với thực tế chứ không phải là hư cấu.

Do đó, khái niệm về sự chân thật trong Cựu Ước bao gồm ý tưởng cơ bản về một điều gì đó chắc chắn và có thể tin cậy. Điều chính yếu là một thuộc tính cá nhân, chứng tỏ sự trung thành và đáng tin cậy. Nhưng nó cũng biểu hiện ý tưởng về sự phù hợp với thực tế, nghĩa là, sự chân thật là trái ngược với những gì giả dối. Thực ra hai suy nghĩ này hợp nhất với nhau. Như Roger Nicole đã chỉ ra, “Bởi vì sự chân thật là phù hợp với thực tế nên sự tin tưởng có thể được đặt vào nó hoặc ở người khẳng định nó, và bởi vì một người trung thành nên họ sẽ cẩn thận đưa ra những tuyên bố thành thật.”5

Quan niệm về lẽ thật của Tân Ước tiếp nối từ Cựu ước, mặc dù ý nghĩa của sự phù hợp với thực tế là điểm nhấn chính yếu. Trong văn học Hy Lạp, từ aletheia (“lẽ thật”) dùng để chỉ sự vật như chúng vốn có, tức là những gì phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, chính từ này lại dịch từ emet của tiếng Do Thái trong bản Septuagint, là bản dịch tiếng Hy Lạp của Tân Ước. Các tác giả Tân Ước đã sử dụng thuật ngữ Hy Lạp này với cùng ý nghĩa mà nó có trong Cựu Ước.6 Yếu tố trí tuệ là nổi bật, nhưng quan niệm về sự chân thật theo ý nghĩa của sự trung thành hoặc sự tin cậy thì cũng hiện diện trong nhiều cách sử dụng. Tuy nhiên, tư tưởng thứ hai này cũng thường được thể hiện trong Tân Ước bằng một nhóm từ liên quan đến pistos (“đáng tin cậy”, “trung thành”, “đáng tin tưởng”).

Ý tưởng nào chiếm ưu thế trong mỗi lần xuất hiện của từ “sự thật” trong Tân Ước thường rất khó xác định. Tuy nhiên, một số nghĩa rộng có thể được phân biệt, mặc dù chúng có thể trùng lặp.7 Sự thật là độ tin cậy hoặc độ tin tưởng vẫn là rõ ràng trong một số cách sử dụng, đặc biệt là những ý tưởng đề cập đến Đức Chúa Trời, nhưng cũng có lúc đề cập đến con người. “Hãy để cho sự thật của Đức Chúa Trời được nhìn thấy” (Rô-ma 3:4), một tuyên bố về những lời hứa trong giao ước của Đức Chúa Trời với Y-sơ-ra-ên, biểu hiện sự tin cậy của Ngài, sự thành tín của Ngài với Lời Ngài, tương tự như lời tuyên bố trong câu trước về sự thành tín của Đức Chúa Trời (3:3). Một ý nghĩa tương tự cũng được thấy trong những lời phán về chức vụ tôi tớ của Đấng Christ “nhân danh lẽ thật (sự tin cậy, sự thành tín của Đức Chúa Trời để xác nhận những lời đã hứa được ban cho với tổ phụ” (15: 8). Là “con cái của sự sáng”, các tín đồ phải sản sinh ra “bông trái của ánh sáng [mà] bao gồm tất cả sự tốt lành, và sự công bình và lẽ thật” (Ê-phê-sô 5:9). Đây là ý nghĩa của “lẽ thật rõ ràng tương tự như emet trong Cựu Ước ghi chép về sự trung thành của Ê-xê-chia”: Ông đã làm “điều tốt, điều đúng và trung tín [emet] trước mặt CHÚA, là Đức Chúa Trời của mình” (2 Sử. 31:20, NIV).

Tuy nhiên, sự nhấn mạnh chính yếu trong những lần xuất hiện của từ “sự thật” ở các hình thức khác nhau của nó (tức là danh từ, trạng từ, tính từ), là về những gì phù hợp với thực tế. Sự thật sẽ phân biệt điều gì là thực tế có thật, hoặc là chân thật với điều gì là giả dối. Đây là một người Y-sơ-ra-ên chân thật, trong người này không có gì là giả dối” (Giăng 1:47, NIV; xem thêm 1:9, “ánh sáng thật” 4:23, “những người thờ phượng thật” 8:31, “vậy thì ngươi là môn đồ thật”). Nó mô tả cái thực đối ngược với cái ảo. “Những gì thiên sứ đang làm là có thật, nhưng Phi-e-rơ nghĩ rằng ông đang nhìn thấy một khải tượng” (Công vụ 12:9). Phục vụ “trong lẽ thật” trái ngược với phục vụ giả vờ (Phi-líp 1:18). Đức Chúa Trời là “Đức Chúa Trời chân thật [thật].” trái ngược với các thần giả mạo (Giăng 17:3).

Tính thực tế được thể hiện rõ khi từ “thành thật” được sử dụng cho nhân chứng hoặc lời khai của một người. Một nhân chứng thật nói theo thực tế (5:31-32; 8:13-14; Tít 1:13). Phù hợp với sự kiện cũng được thấy trong sự đối lập giữa sự thật và sự giả dối. Phao-lô tuyên bố, “Tôi nói sự thật…. Tôi không nói dối” (Rô-ma 9:1; xin xem thêm Công vụ 26:25; 1 Ti-mô-thê 2:7). “Vậy, hãy bỏ sự nói dối sang một bên, hãy nói sự thật” (Ê-phê-sô 4:25). Và “nói sự thật” (4:15) trái ngược với “mưu đồ gian dối” (4:14). “Kẻ nói dối” không có “lẽ thật ” trong mình (1 Giăng 2:4; xin xem thêm 1:6; Gia-cơ 3:14). Sự thật trái ngược với sự dối trá được thấy rõ qua những lời dạy của Chúa Giê-su liên quan đến ma quỷ: “Vừa lúc ban đầu nó đã là kẻ giết người, chẳng bền giữ được lẽ thật, và không có lẽ thật trong nó đâu. Khi nó nói dối, thì nói theo tánh riêng mình, vì nó vốn là kẻ nói dối và là cha sự nói dối.” (Giăng 8:44). Ngay cả khi điều ngược lại không được đề cập đến, thì rõ ràng sự thật có nghĩa là điều không giả dối hoặc không sai lầm. Khi Chúa Giê-su hỏi ai đã chạm vào Ngài, người phụ nữ được chữa lành “sấp mình xuống trước mặt Ngài và nói cho Ngài biết toàn bộ sự thật” (Mác 5:33).

Khái niệm về chân lý như là sự phù hợp với thực tế này nổi bật trong suốt Tân Ước. Các tác giả khẳng định rằng thông điệp của họ là đúng vì nó dựa trên những điều thực sự đã xảy ra. Họ nhiều lần khẳng định rằng họ là nhân chứng của Đấng Christ và công trình cứu rỗi của Ngài (Công 1:22; 2:32; 3:15; 5:32; 10:39; 1 Phi 5:1-2; 2 Phi 1:16 -18;1 Giăng 1:1-3). Sự khẳng định của Phao-lô về sự phục sinh của Đấng Christ dựa trên lẽ thật rằng Ngài đã thực sự hiện ra với mọi người. Và điều này có thể dễ dàng được xác minh, vì hầu hết họ vẫn còn sống khi lời khẳng định được đưa ra (xin xem 1 Cô. 15:1-8, đặc biệt là câu 6).

Khái niệm về chân lý của Tân Ước cũng bao gồm ý tưởng về thực tại tối hậu. Theo nghĩa này thì ý nghĩ không phải là sự thật để phân biệt với cái không thực hay giả, mà là sự phân biệt với một cái gì đó mang tính biểu tượng hoặc chỉ là cái bóng của thực tại siêu phàm hoặc thiêng liêng. Đền tạm Cựu ước trên đất chỉ là bản sao của đền tạm “thật” trên trời (Hê-bơ-rơ 8:2; 9:24). Quan trọng nhất là lẽ thật theo nghĩa này đến bởi Đấng Christ. Giăng viết rằng “ân điển và lẽ thật bởi Ðức Chúa Jêsus Christ mà đến.” (Giăng 1:17, NIV). Điều này không phải để phủ nhận rằng ân điển và lẽ thật đã hiện diện trong các giao dịch của Đức Chúa Trời trong Cựu Ước. Nhưng với sự xuất hiện của Đấng Christ, thực tại thiêng liêng của lẽ thật hiện diện trong Cựu Ước đã được bày tỏ đầy đủ. Ngài là “con một từ Cha, đầy ân điển và lẽ thật” (1:14). Vì Ngài là thực tại hoàn toàn về lẽ thật của Đức Chúa Trời bày tỏ trong thế gian, nên Ngài đã nói lẽ thật, và Ngài cũng có thể nói, “Ta là…. lẽ thật” (14:6). Và như Phao-lô đã viết, “lẽ thật ở trong Chúa Giê-su” (Ê-phê-sô 4:21).

Từ những cách sử dụng khác nhau của từ “lẽ thật” trong Cựu ước và Tân ước, rõ ràng là lẽ thật bao hàm một số ý tưởng—sự tin cậy hoặc sự trung thành, sự phù hợp với thực tế hoặc thực sự, và thực tại thiêng liêng. Mặc dù một ý tưởng có thể là chính yếu trong một đoạn văn cụ thể, nhưng các chủ đề khác nhau này được liên kết với nhau. Một người đáng tin cậy hoặc trung thực sẽ nói phù hợp với thực tế, tức là người này sẽ không nói dối. Ngay cả sự mặc khải tối hậu về “lẽ thật” của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ không phải là không liên quan đến sự thật được bày tỏ trước đây qua các vị tiên tri (Hê-bơ-rơ 1:1-2).

Lẽ thật theo nghĩa Kinh Thánh là tối hậu là một sự hoàn hảo của chính Đức Chúa Trời. Tất cả lẽ thật đều đến từ Đức Chúa Trời. Hành động của Ngài là bày tỏ của lẽ thật của Ngài, về sự thành tín bất biến của Ngài. Vì vậy, lời của Ngài cũng đáng tin cậy; Ngài luôn luôn hành động phù hợp với những gì Ngài nói, nghĩa là, lời nói của Ngài luôn luôn phù hợp với thực tế; đó là thực sự. Vì vậy, Ngài không thể nói dối (Tít 1:2; Hê-bơ-rơ 6:18). Vì mọi thứ được tạo ra bởi Đức Chúa Trời và tìm thấy mục đích cuối cùng của nó trong ý định của Đức Chúa Trời, nên lẽ thật phải được phản ảnh trong đời sống của con người. Các mạng lịnh của Đức Chúa Trời là sự bày tỏ ý muốn của Ngài. Chúng phản ảnh lẽ thật của Đức Chúa Trời, và như sứ đồ viết, là “hiện thân…. của lẽ thật” (Rô-ma 2:20). Do đó, người ta được kêu gọi “[bước đi] trong lẽ thật” (2 Giăng 4; 3 Giăng 3–4), thực hành lẽ thật (Giăng 3:21;1 Giăng 1:6) và nói lẽ thật (Ê-phê-sô 4:15, 25). Một khái niệm về lẽ thật như vậy mà định nghĩa của nó được bắt nguồn cuối cùng là từ chính Đức Chúa Trời cho thấy sự hoàn hảo của các đặc tính của nó—sự tin cậy, sự phù hợp với thực tế, và sự thực tại thiêng liêng tối hậu.

 

Lời Chứng của Kinh Thánh về Lẽ Thật

Kinh Thánh thường xuyên làm chứng cho tính trung thực của nó. Việc xác định Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời rõ ràng là một lời khẳng định về tính trung thực, vì Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của lẽ thật. Và tuyên bố của Phao-lô về sự soi dẫn của Kinh Thánh bởi Thánh Linh của Đức Chúa Trời (2 Ti-mô-thê 3:16)—và lời tuyên bố của Chúa Giê-su rằng “không một chấm hay một nét nhỏ nhất nào (của Luật pháp hoặc Kinh Thánh) sẽ qua đi” (Mat 5:18) và “Kinh Thánh không thể bị hủy bỏ được” (Giăng 10:35)—ngụ ý rõ ràng về sự trung thực.

Ngoài ra, một số tuyên bố trong Kinh Thánh đề cập rõ ràng đến tính trung thực của nó. Chẳng hạn, tác giả thi thiên khi suy ngẫm sâu sắc về giá trị và sự thú vị của Kinh Thánh trong Thi thiên 119 đã tuyên bố: “Luật pháp của Ngài là chân thật” (119:142), “tất cả các điều răn của Ngài đều là chân thật” (119:151), và “sự tổng cộng của Lời Ngài là chân thật” (119:160). Từ “tổng cộng” trong câu cuối cùng chỉ ra rằng “lẽ thật” là một đặc điểm của toàn bộ Kinh Thánh. Như Derek Kidner nói, việc sử dụng cùng một từ cho việc tổng điều tra dân số (ví dụ, Xuất. 30:12; Dân số 1:2) “cho thấy rằng ‘tổng của’ không phải là một cách nói ‘chung chung’, nhưng đúng hơn, ‘mỗi phần của’ lời Đức Chúa Trời đều là lẽ thật.” Chắc chắn, người viết thi thiên vui thích Lời Đức Chúa Trời trong suốt Thi thiên (119:16, 24, 47, 70, 77, 143, 174) cho thấy rằng “sự chân thật” có một ý nghĩa cá nhân hoặc hiện sinh đối với tác giả. Tác giả thấy chúng là trung thành và đáng tin cậy trong những cuộc đấu tranh của cuộc đời tác giả. Nhưng như Anthony Thiselton lưu ý, “Cùng một tác giả Thi thiên coi luật pháp của Đức Chúa Trời như ngọn đèn và ánh sáng (câu 105) cho người tin nhận biết tình trạng thực sự của sự việc, và do đó không thể loại bỏ ý nghĩa của lẽ thật là sự phù hợp với thực tế từ những tuyên bố này. Những tín đồ nhận thấy Kinh Thánh đáng tin cậy về mặt cá nhân trong đời sống bởi vì Kinh Thánh là lẽ thật trên thực tế và Kinh Thánh diễn tả thực tế. Trong cuộc tấn công của Đức Chúa Trời chống lại các tiên tri giả vào thời Giê-rê-mi, vấn đề rõ ràng là sự thật đối nghịch với sự giả dối. Các tiên tri giả “nhân danh Ta mà nói tiên tri giả dối” (Giê 23:25), “nhưng hãy để kẻ có lời Ta nói lời Ta trong lẽ thật” (23:28; xin xem thêm 1 Vua. 17:24).

Trong Tân Ước thì phúc âm thường được cho là có đặc điểm của lẽ thật. Đó là “lời lẽ thật” (Ê-phê-sô 1:13, NIV; Cô-lô-se 1:5). Kinh Thánh Cựu Ước là “hiện thân của sự tri thức và lẽ thật” (Rô-ma 2:20). Quan trọng nhất là Chúa Giê-su khẳng định rằng “Lời của Ngài là lẽ thật” (Giăng 17:17) Theo lời của Thiselton,” Lời này của Đức Chúa Trời có giá trị, có hiệu quả, không hề sai, thực sự phù hợp với thực tế. Tất cả những điều này là chính xác vì nó là lời mặc khải của chính Đức Chúa Trời.”10

Ngoài những tuyên bố rõ ràng về tính trung thực của Kinh Thánh, thì những tuyên bố khác trong Kinh Thánh đề cập đến sự hoàn hảo của Kinh Thánh. Như tác giả thi thiên đã tuyên bố, “Lời của CHÚA là lời trong sạch, Dường như bạc đã thét trong nồi dót bằng gốm, luyện đến bảy lần” (Thi 12:6). Tiếng Hê-bơ-rơ dịch là “trong sạch” được dùng ở nơi khác để mô tả một kim loại, chẳng hạn như vàng, không lẫn tạp chất (Xuất 25:11, 17, 24, 29). Nó cũng được dùng để chỉ tấm lòng trong sạch (Thi 51:10; Ê-xê-chi-ên 36:25) hoặc sự trong sạch theo nghi lễ (Lê. 10:10, 14; 13:13, 17; Phục. 14:11, 20; Mal. 1:11). Để nhấn mạnh sự trong sạch của Lời Đức Chúa Trời, Đa-vít đã viết rằng nó giống như bạc được “tinh luyện bảy lần” (Thi 12:6). Số bảy có lẽ để bày tỏ “một cách mạnh mẽ của khái niệm về sự trong sạch tuyệt đối, hoàn toàn không bị tạp chất hoặc không hoàn hảo.”

Đa-vít cũng viết, “Còn Ðức Chúa Trời, các đường lối Ngài là trọn vẹn; Lời của Ðức Giê-hô-va đã được luyện cho sạch; Ngài là cái khiên cho những kẻ nào nương náu mình nơi Ngài.” (18:30). Tiếng Hê-bơ-rơ dịch là “thử luyện” (“hoàn hảo.”NIV) thường được sử dụng để tinh luyện, nấu chảy, thử nghiệm hoặc chứng minh là kim loại. Lời Đức Chúa Trời đã được thử nghiệm và cho thấy là hoàn toàn trong sạch và hoàn toàn đáng tin cậy. Như câu gợi ý, Lời Đức Chúa Trời phù hợp với hành động của Ngài. “Đường lối” của Ngài là “không chỗ trách được” nghĩa là “hoàn hảo” (NIV); Lời của Ngài đã được “thử luyện” nghĩa là “không có tì vết.” Điều này đã được thử nghiệm và chứng minh về chất lượng của Lời Đức Chúa Trời được nâng cao trong 119:140, nơi nó được mô tả là “rất tinh sạch” (hoặc “đã thử luyện,” như trong 18:30). Châm ngôn 30:5 nói, “Mọi lời của Đức Chúa Trời đều được thét luyện (nghĩa là, hoàn hảo, NIV).” Trước sự tinh sạch của Lời Đức Chúa Trời, Agur cảnh báo, “Chớ thêm chi vào các lời Ngài. E Ngài quở trách ngươi, và ngươi bị cầm nói dối chăng” (30:6). Sự tương phản với lời nói dối cho thấy rằng sự trong sạch của Lời đã được Đức Chúa Trời thử nghiệm và thử luyện không chỉ đề cập đến việc người tin Chúa thấy Lời ấy đáng tin cậy trong cuộc sống, mà còn nói rằng đó là sự thật trái ngược với sự giả dối.

Trong Châm-ngôn 8:8, sự khôn ngoan được nhân cách hóa như một cá nhân, đã nói: “Mọi lời nói của miệng tôi đều ở trong sự công chính; chẳng có điều gì quanh co hay gian trá trong đó.” Việc sử dụng từ “công chính” trong 12:17 và Thi Thiên 52:3 đối lập với sự giả dối và gian dối cho thấy rằng lời nói “công chính” là bao gồm lời nói trung thực.

Điều thú vị là Kinh Thánh không bao giờ giới hạn tuyên bố về tính trung thực của Kinh Thánh đối với một số giáo lý (chẳng hạn như những giáo lý liên quan trực tiếp đến sự cứu rỗi) trong khi không khẳng định tính trung thực của những giáo lý khác. Nhưng điều này có nghĩa là Kinh Thánh vô ngộ phải không? Tính trung thực, đặc biệt là sự tin cậy, được áp dụng cho những con người có đời sống chủ yếu là được mô tả bởi thuộc tính này, nhưng không hoàn hảo. Tuy nhiên, điều này không thể nói về Chúa. Vì chính khái niệm về lẽ thật được đặt nền tảng ở trong Ngài, nên ý nghĩa của “lẽ thật” không bao hàm sự bất toàn. Bản thân sự không đáng tin cậy hoặc không phù hợp với thực tế thì không bao giờ là một phần của sự thật. Bởi vì Đức Chúa Trời là chân thật, sự trung thực trong sự mặc khải của Ngài trong các hành động và lời nói thì không bao giờ được mô tả bởi sự giả dối. Đức Thánh Linh, nhờ Lời Đức Chúa Trời đã trở nên hiện hữu, cũng được gọi là Thần lẽ thật (Giăng 14:17; 15:26; 16:13; 1 Giăng 4:6). Vì Kinh Thánh được viết bởi những người được “Đức Thánh Linh cảm động” (2 Phi-e-rơ 1:21) nên những gì họ viết là Lời của Đức Chúa Trời, nên khó có thể kết luận điều gì khác ngoài việc Kinh Thánh là đúng trong mỗi phần.

 

 

Ý NGHĨA CỦA SỰ VÔ NGỘ TRONG KINH THÁNH

Trong quá khứ, thuật ngữ truyền thống được sử dụng để mô tả tính trung thực của Kinh Thánh là vô ngộ. Tuy nhiên, vì vô ngộ nên có thể mang ý nghĩa “ảnh hưởng hoặc tác động”, với một số người, như đã lưu ý trước đó, việc sử dụng từ này trong Kinh Thánh để cho thấy rằng Kinh Thánh có hiệu quả trong việc hoàn thành mục đích mang lại sự cứu rỗi. Vì vậy, theo quan điểm này, không có nghĩa là không có lỗi. Vì lý do này, hầu hết những ai đề cập đến tính trung thực của Kinh Thánh đều đề cập đến tính vô ngộ của Kinh Thánh.

Định Nghĩa về Sự Vô Ngộ

Theo ngôn ngữ riêng của Kinh Thánh, sự vô ngộ được định nghĩa tốt nhất là “tính trung thực”. Có nghĩa là các nguyên bản của Kinh Thánh đều đúng trong mọi điều đã nói về mọi vấn đề. David Dockery định nghĩa sự vô ngộ theo cách này: “Kinh Thánh (trong các nguyên bản) được giải nghĩa một cách chính xác theo cách mà nền văn hóa và phương tiện giao tiếp đã được phát triển vào thời điểm được viết ra của nó sẽ hoàn toàn đúng (và do đó không thể sai lầm) trong tất cả những gì nó khẳng định, ở mức độ chính xác mà người viết mong đợi, trong mọi vấn đề liên quan đến Đức Chúa Trời và sự sáng tạo của Ngài.”13

Bởi vì Kinh Thánh là lẽ thật, không chỉ đáng tin tưởng nghĩa là đáng tin cậy; nhưng cũng phù hợp với thực tế. Tất nhiên, nhiều câu trong Kinh Thánh không phải là những câu nói thực tế mà sự thật có thể được đo lường bằng sự phù hợp với thực tế bên ngoài, chẳng hạn như sự kiện lịch sử. Ví dụ, những lời cầu nguyện, những mạng lịnh và những lời khuyên nhủ không trực tiếp khẳng định những lời đề nghị có thể được xác minh trực tiếp ngoại trừ ý nghĩa của những tuyên bố đã thực sự được đưa ra. Kevin Vanhoozer giải thích cách gọi tất cả các hình thức phát biếu là “hành vi lời nói”, là cách mà ngay cả những hành vi lời nói đó không phải là những lời đề nghị tuy nhiên có thể được cho là đúng nếu những thực tế nhất định được bao hàm trong đó. Ví dụ, lời khuyến khích “Ngợi khen Chúa” ngụ ý sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, sự đáng ngợi khen của Ngài và mối quan hệ nhất định giữa Ngài và dân sự của Ngài khiến cho việc ngợi khen là điều đúng đắn. Sự trung thực của sự khuyến khích để ca ngợi Chúa, do đó dựa trên thực tế mặc nhiên. Bởi vì tất cả Kinh Thánh đều là Lời của Đức Chúa Trời, “Các hành vi lời nói” của Ngài đều vô ngộ, bao gồm các mạng lịnh, những lời hứa, các điều cảnh báo, những lời cầu nguyện, và vâng vâng.15

Một Số Tiêu Chuẩn Cần Thiết của Sự Vô Ngộ

Để tránh hiểu lầm về tính vô ngộ, chúng ta cần đặt ra một số câu hỏi khi xem xét các câu trong Kinh Thánh. Đầu tiên, là trước giả con người đã mô tả câu nói đó là thật, nghĩa là trước giả này chỉ đơn giản là thuật lại những gì ai đó đã nói nhưng có thể là không đúng sự thật? Việc Sa-tan tuyên bố với Ê-va, “Chắc chắn ngươi sẽ không chết” (Sáng 3:4), chứng tỏ rằng Kinh Thánh bao gồm những điều sai sự thật. Và Kinh Thánh ghi lại chính xác những lời phát biểu của những người bạn của Gióp, mặc dù họ đã sai khi buộc tội Gióp về một số tội nghiêm trọng. Thông thường, ngữ cảnh làm rõ liệu một tuyên bố có được hiểu là sự thật hay không. Tuy nhiên, Kinh Thánh vẫn vô ngộ ở chỗ là thuật lại cách trung thực và chính xác những gì đã được nói hoặc những gì đã xảy ra.

Thứ hai, trước giả dự định nói bằng ngôn ngữ bình dân hay bằng ngôn ngữ khoa học kỹ thuật? Chúng ta nói về mặt trời mọc và lặn, nhưng về mặt khoa học chúng ta biết rằng trái đất chuyển động chứ không phải mặt trời. Chúng tôi không buộc tội những người viết báo hoặc phóng viên dự báo thời tiết trên truyền hình đã sai khi họ đưa tin về thời điểm bình minh và hoàng hôn.

Thứ ba, có phải trước giả đã nói tròn con số không? Nếu con số là một ước lượng hợp lý, thì không có sự sai sự thật nào liên quan. Trong nhiều tình huống—dân số của các thành phố, quy mô đám đông, khoảng cách hàng dặm—người ta sử dụng số tròn, nhưng chúng tôi không nói rằng những tuyên bố đó là sai. Nguyên tắc tương tự cũng áp dụng cho trích dẫn của trường hợp khác. Chúng có thể là những câu trích dẫn chính xác từng từ, hoặc chúng có thể là những câu diễn giải cung cấp ý chính của ý nghĩa ban đầu mà không bao gồm sai sót.

Thứ tư, trước giả có ý định nói theo nghĩa đen hay thông qua minh họa của lời nói? Một số người sẽ nói rằng các trước giả Kinh Thánh tổ chức một vũ trụ học sai lầm khi nói về “bốn góc của trái đất” (Ê-sai 11:12) hoặc “các cửa sổ trên trời” (Sáng 7:11, KJV). Tuy nhiên, khi từ ngữ như vậy mà được hiểu theo nghĩa bóng, như nó đã được mong đợi một cách chắc chắn, thì không có sai sót nào liên quan.

Một số người phản đối tín lý về sự vô ngộ bằng cách kêu gọi sự chú ý đến một số cấu trúc ngữ pháp trong tiếng Do Thái hoặc tiếng Hy Lạp không tuân theo các mẫu câu thông thường. Như Nicole giải thích, “Chúng tôi có các câu bị treo lơ lửng [không được hoàn thành khi bắt đầu]; chúng tôi có những động từ mà chủ ngữ đang trong hồ nghi; chúng tôi có những hình thức của lời nói có thể đã bị kết án bởi một nhà văn phạm tiếng Do Thái hoặc tiếng Hy Lạp cổ.” Tuy nhiên, ngữ pháp không phải là vấn đề của lẽ thật mà là sự phù hợp với quy ước ngôn ngữ của con người, vốn có thể thay đổi và dao động theo thời gian. Trong mọi trường hợp, cho dù người đó nói và viết với khả năng văn phạm tốt thì không liên quan gì đến tính trung thực của một tuyên bố. Hơn nữa, những lý do chính đáng thường có thể được tìm thấy trong những trường hợp mà người viết Kinh Thánh thay đổi từ cách diễn đạt ngữ pháp bình thường. Trong một số trường hợp, nó là kết quả của việc chuyển các cấu trúc tiếng Do Thái sang ngôn ngữ Hy Lạp, thì những cấu trúc đó không phù hợp với ngữ pháp Hy Lạp chuẩn.

Do đó, sự vô ngộ có nghĩa là khi xem xét đầy đủ các tuyên bố của Kinh Thánh theo ý nghĩa và mục đích sử dụng của chúng bởi các trước giả loài người, thì Kinh Thánh hoàn toàn đáng tin cậy trong tất cả những gì Kinh Thánh nêu ra. Sự dạy dỗ chính yếu của Kinh Thánh liên quan đến chương trình cứu chuộc vĩ đại của Đức Chúa Trời thông qua Chúa Giê-su Christ. Nhưng khi cung ứng sự cứu rỗi này, thì Đức Chúa Trời đã xâm chiếm thế giới của chúng ta để đối phó với chúng ta trong bối cảnh lịch sử và địa lý của chúng ta. Do đó, sự ghi chép về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời chạm đến các lĩnh vực kiến thức khác cũng như lẽ thật thuộc linh. Toàn bộ bản ghi chép này là Lời của Đức Chúa Trời được soi dẫn, nên Lời của Đức Chúa Trời không thể sai lầm. Điều này không có nghĩa là các trước giả biết nhiều về lịch sử và khoa học hơn những người ngày nay, cũng không có nghĩa là họ là những chuyên gia trong mọi lĩnh vực kiến thức. Thay vào đó, điều đó có nghĩa là Đức Chúa Trời đã bảo vệ những điều đó để không gây hiểu lầm cho chúng ta trong bất kỳ tuyên bố nào, cho dù có vẻ tầm thường đến mức nào.

TẦM QUAN TRỌNG VỀ SỰ VÔ NGỘ CỦA KINH THÁNH

Kể từ thời đại Khai sáng vào thế kỷ thứ mười tám, câu hỏi về tính vô ngộ của Kinh Thánh đã được tranh luận giữa các Cơ đốc nhân. Nhiều năng lượng đã bị tiêu tốn và giấy mực đổ ra ngay cả trong số những người rao giảng phúc âm thì đã phải vật lộn với vấn đề này trong vài thập kỷ qua. Tính vô ngộ hay sự trung thực của Kinh Thánh có thực sự quan trọng đối với đức tin Cơ đốc không? Tất nhiên, tin vào tính vô ngộ thì không đảm bảo rằng người đó sẽ giải nghĩa Kinh Thánh một cách chính xác, bằng chứng thực tế là một số giáo phái chẳng hạn như Chứng nhân Giê-hô-va đã khẳng định tính vô ngộ. Nhưng Kinh Thánh, không phải cách giải nghĩa của chúng ta về chúng, là vô ngộ. Tuy nhiên, sự vô ngộ cung cấp một cơ sở hợp lý cần thiết cho thẩm quyền tuyệt đối của cả Kinh Thánh.

Sự vô ngộ có nghĩa là tất cả Kinh Thánh đều có thẩm quyền nếu Kinh Thánh có sai sót thì thẩm quyền của nó bị hạn chế. Tất nhiên, nhiều người có thể nói rằng Kinh Thánh chỉ có thẩm quyền trong những lời dạy liên quan đến sự cứu rỗi. Tuy nhiên, khi nói điều này, thì người đó giới hạn thẩm quyền của Kinh Thánh.

Những lời của J. I. Packer về tầm quan trọng của sự vô ngộ liên quan đến việc trình bày Kinh Thánh là điều rất đáng được suy nghĩ. Khi chúng tôi khẳng định tính vô ngộ của Kinh Thánh, Packer lưu ý, “Chúng tôi không được 1) phủ nhận, coi thường hoặc tùy tiện tương đối hóa bất cứ điều gì mà các trước giả Kinh Thánh dạy, cũng như 2) coi nhẹ bất kỳ những ngụ ý thực tế nào đối với việc thờ phượng và phụng sự mà sự dạy dỗ của họ mang lại, cũng không 3) cắt bỏ nút thắt của bất kỳ vấn đề nào về sự hài hòa của Kinh Thánh, thực tế hay thần học, bằng cách cho phép chúng ta cho rằng các trước giả được soi dẫn không nhất thiết phải nhất quán với chính họ hoặc với nhau.”17

Bằng cách khẳng định tính vô ngộ của Kinh Thánh, chúng ta tự đặt mình dưới thẩm quyền của tất cả những lời dạy trong Kinh Thánh. Khi nói rằng Kinh Thánh có những sai sót làm hạn chế thẩm quyền của Kinh Thánh và có thể dẫn đến những phiên bản Cơ đốc giáo bị giảm bớt và bị bóp méo.”18

Nếu chúng ta chấp nhận sai sót trong một số phần của Kinh Thánh, thì điều này đặt ra câu hỏi về toàn bộ. Đúng, một sai sót trong một tuyên bố không nhất thiết có nghĩa là sai sót đó tồn tại trong toàn bộ Kinh Thánh. Nhưng sự tồn tại của một sai sót trong Kinh Thánh mở ra khả năng cho các sai sót khác. Vì vậy, có thể nói rằng Kinh Thánh có những sai sót làm suy giảm lòng tin của chúng ta đối với toàn bộ Kinh Thánh.

Một số học viên Kinh Thánh nói rằng sự vô ngộ chỉ liên quan đến các vấn đề về đức tin và việc thực hành, không thể xác minh được lẽ thật của chúng. Nhưng về mặt lô-gích, thì điều này nảy sinh câu hỏi là làm thế nào những vấn đề tâm linh có thể tin cậy được. Tại sao một người không phải tín đồ nên chấp nhận những phần thiêng liêng đó trong Kinh Thánh nói về Đức Chúa Trời và sự chết của Đấng Christ là sự thay thế cho tội nhân, những lời dạy này không thể kiểm tra được, khi mà người đó được cho biết rằng chính những lĩnh vực đó có thể chứng thực được, chẳng hạn như lịch sử hoặc khoa học, có chứa đựng những điểm không chính xác không?

Một khi sai sót được thừa nhận ngay cả trong lĩnh vực rất hạn chế, thì xu hướng này cho rằng nếu sai sót nhiều hơn thì cũng sẽ được thừa nhận. Lúc đầu, một số nhà thần học đặt câu hỏi về các vấn đề thuộc tính trung thực của lịch sử, nhưng ngay sau đó họ đã nghi ngờ về các khía cạnh thần học và đạo đức của Kinh Thánh. Như Carl Henry viết, “Rõ ràng là các học giả loại bỏ tính đáng tin cậy của lịch sử Kinh Thánh đã sớm tạo ra một cái cớ chia rẻ cho việc loại bỏ các yếu tố tín lý.”19 Ví dụ, vào năm 1905 William Newton Clark đã viết rằng chỉ những lời dạy thần học và đạo đức của Chúa Giê-su là có thẩm quyền.20 Theo đó, thực tế về ma quỷ trong chức vụ của Chúa Giê-su— là một vấn đề thần học và đạo đức—đã bị bác bỏ như một điều đã được khoa học hóa trước đó. Những lời chỉ trích mang tính duy lý đối với Kinh Thánh sau đó dẫn đến việc Harry Emerson Fosdick nói rằng chỉ có cuộc đời của Chúa Giê-su là “có giá trị vĩnh cửu.”21 Đi xa hơn nữa, một số người coi Chúa Giê-su chỉ là một nguồn cảm hứng.

Điều này không có nghĩa là tất cả những ai phủ nhận tính trung thực của tất cả Kinh Thánh thì đều hạn chế thẩm quyền của Kinh Thánh. Tuy nhiên, nó chỉ ra rằng việc khẳng định ngay cả một số sai sót trong Kinh Thánh cũng khiến cho về nguyên tắc, rất khó để ngăn những người khác tìm ra thêm.

Vô Ngộ Có Nghĩa Kinh Thánh Là Thẩm Quyền Tối Hậu

Không chỉ tuân theo sự vô ngộ của Kinh Thánh mà nghĩa là cả Kinh Thánh đều có thẩm quyền. Có lẽ còn quan trọng hơn, nó còn khẳng định rằng Lời của Đức Chúa Trời chứ không phải lý trí của con người là thẩm quyền cuối cùng hoặc tối hậu. Khi chấp nhận những sai sót trong Kinh Thánh thì ngay lập tức câu hỏi được đặt ra, Ai là người quyết định điều gì là đúng và điều gì sai trong Kinh Thánh? Chẳng phải nhà phê bình Kinh Thánh nói rằng một câu Kinh Thánh nào đó là sai thì người đó đang tự đặt mình vào sai vị trí như là người có thẩm quyền đối với Kinh Thánh sao? Hội đồng Quốc tế về sự vô ngộ của Kinh Thánh đã ghi nhận một cách khéo léo thực tế này trong việc xác định lượng “Tuyên bố Chicago về sự vô ngộ của Kinh Thánh”: Kết quả của việc thực hiện bước này [phủ nhận toàn bộ tính trung thực của Kinh Thánh] thì Kinh Thánh mà Đức Chúa Trời ban cho sẽ bị mất thẩm quyền, và thay vì có mọi thẩm quyền thì Kinh Thánh bị giảm đi thẩm quyền trong nội dung theo yêu cầu của cách lý luận phê bình và theo nguyên tắc có thể giảm thậm chí còn đi xa hơn nữa một khi người đó đã bắt đầu. Điều này có nghĩa là lúc bấy giờ từ tận cùng của lý trí độc lập có thẩm quyền, trái ngược với sự dạy dỗ trong Kinh Thánh. Tuyên bố Chicago sau đó khẳng định rằng việc phủ nhận tính vô ngộ dẫn đến một chủ nghĩa chủ quan không ổn định. Những lời của Nicole xứng đáng được mọi tín đồ chú ý: Điều tối quan trọng trong toàn bộ cuộc thảo luận này là sự công nhận uy quyền của Đức Chúa Trời trong các lời truyền tụng thiêng liêng. Chúng ta có phục tùng tiếng nói của Đức Chúa Trời là Đấng đã phán một cách vô điều kiện không? Hay là, chúng ta sẽ kiên quyết sàng lọc thông điệp của Kinh Thánh, chỉ chấp nhận những gì có thể chấp nhận và tự do từ chối những gì không phù hợp với tiêu chí định kiến của chúng ta?24

KẾT LUẬN

Kinh Thánh tuyên bố về tính trung thực tuyệt đối và sự trong sạch hoàn hảo của Kinh Thánh, nghĩa là về tính vô ngộ của Kinh Thánh. Không nơi nào trong Kinh Thánh chỉ ra rằng những lời dạy này chỉ liên quan đến một số phần hoặc một số chủ đề nhất định. Do đó, việc tuân theo những lời dạy của Kinh Thánh đòi hỏi sự công nhận về tính vô ngộ của Kinh Thánh. Hơn nữa, tín lý này duy trì một cách hợp lý về thẩm quyền tối hậu của tất cả Kinh Thánh. Chỉ có lẽ thật mới có thẩm quyền, và bởi vì Kinh Thánh hoàn toàn là chân thật nên mạng lịnh của Kinh Thánh là thẩm quyền tối thượng.

 

 

 

  1. Kinh Thánh Có Tự Mâu Thuẫn Không?

 

 

NGƯỜI TA CÓ THỂ NGHĨ rằng vì Kinh Thánh là lẽ thật, nên tất cả nội dung của nó sẽ dễ dàng hòa hợp vớinhau một cách hoàn hảo. Tuy nhiên, người học Kinh Thánh cẩn thận chắc chắn sẽ gặp phải những vấn đề trong việc nghiên cứu Kinh Thánh dường như không phù hợp với sự soi dẫn thiên thượng. Một phần nào đó của Kinh Thánh có vẻ khó hòa hợp với phần khác, và một số dữ liệu trong Kinh Thánh có vẻ không phù hợp với học thuật thế tục. Nếu Kinh Thánh là những gì họ cho là—Lời Đức Chúa Trời được soi dẫn, thì chúng ta giải thích những vấn đề rõ rành rành này như thế nào và chúng ta nên phản ứng ra sao?

 

NGUYÊN NHÂN CỦA CÁC VẤN ĐỀ TRONG KINH THÁNH

Khi xem xét bản chất của Kinh Thánh, không khó để hiểu tại sao chúng ta có thể gặp một số vấn đề. Theo người viết sách Hê-bơ-rơ, sự mặc khải của Đức Chúa Trời có trong Kinh Thánh đã đi vào lịch sử từ “cách đây rất lâu” cho đến “những ngày cuối cùng này” (Hê-bơ-rơ 1:1-2). Việc viết Kinh Thánh kéo dài hàng thế kỷ, trong thời gian đó thì Đức Chúa Trời phán với dân sự Ngài theo bối cảnh lịch sử và nền văn hoá đa dạng của họ. Mặc dù có những bước tiến lớn trong ngành nghiên cứu khảo cổ học và lịch sử nhầm thu hẹp khoảng cách lịch sử và văn hóa hiện hữu giữa chúng ta và thời Kinh Thánh, kiến thức của chúng ta về thế giới cổ đại vẫn chưa hoàn chỉnh. Do đó, những đặc tính rất con người của Kinh Thánh cần thiết cho sự hiểu biết của dân sự Đức Chúa Trời trong suốt lịch sử, khiến chúng ta có thể gặp phải một số dữ liệu trong Kinh Thánh làm cho chúng ta vẫn khó hiểu và khó hài hòa để có thể hoàn toàn hài lòng.

Đôi khi có cảm giác rằng những vấn đề này có khởi đầu gần đây, nó bắt nguồn từ việc sử dụng phương pháp luận khoa học hiện đại hoặc khám phá khoa học và lịch sử. Tuy nhiên, các học giả tin vào Kinh Thánh đã nhận thức được những vấn đề này trong nhiều thế kỷ và đã tìm cách giải quyết những vấn đề đó theo sự soi dẫn của Kinh Thánh. Với thực tế này, sẽ rất hữu ích nếu xem xét ngắn gọn động lực đằng sau thì phần lớn xu hướng hiện đại nhầm mục đích là phủ nhận tính vô ngộ của Kinh Thánh.

 

Các Tiền Giả Định Về Thuyết Chống Siêu Nhiên

Việc đề cao lý trí của con người như là tiêu chuẩn cao nhất của chân lý trong thời đại Khai sáng vào thế kỷ mười tám đã dẫn đến sự nở rộ vào thế kỷ mười chín của phương pháp nghiên cứu Kinh Thánh phê bình lịch sử. Cách tiếp cận này cho rằng “thực tế là không thay đổi về hình thức và tính cách / đồng nhất và phổ quát / phổ biến / phổ thông, rằng nó có thể dễ dàng tiếp cận được với lý trí và sự thẩm định / sự nghiên cứu của con người, rằng tất cả các sự kiện lịch sử và tự nhiên diễn ra bên trong nó về là trong nguyên tắc có thể so sánh được bằng phép loại suy / quá trình suy luận, và kinh nghiệm hiện tại của con người về thực tế có thể cung cấp các tiêu chí khách quan bằng cách Điều gì có thể xảy ra hoặc không thể xảy ra trong quá khứ sẽ được xác định.”1 Nguyên tắc này sau đó đã được sửa đổi ở một số phương diện. Ví dụ, người ta thừa nhận rằng tất cả các sự kiện lịch sử theo một nghĩa nào đó là duy nhất và do đó không thể hoàn toàn tương tự với các sự kiện trước đó. Hơn nữa, có thể có ý nghĩa trong một sự kiện không thể kiểm chứng một cách khách quan, chẳng hạn như các giá trị cao nhất trong đời sống, bao gồm, ví dụ, sự công bình và tình yêu thương.2

Tuy nhiên, nguyên tắc cơ bản rằng chỉ duy lý trí của con người mới có thể xác định điều gì là thật và đúng, và hệ quả là thế giới quan phản tự nhiên, vẫn là trung tâm của nhiều lời chỉ trích Kinh Thánh ngày nay và cung cấp tiêu chí cho nhiều cáo buộc về sai lầm trong Kinh Thánh ngay cả ngày nay. Như Richard Purtill giải thích, “Nếu các câu chuyện kể trong Kinh Thánh mà không có các câu chuyện về các sự kiện phép lạ hoặc không đề cập đến Đức Chúa Trời, các thiên sứ, v.v., thì lịch sử Kinh Thánh có lẽ sẽ được coi là thiết lập vững chắc hơn nhiều so với phần lớn lịch sử, như là, của Hy Lạp cổ và La Mã. Nhưng vì các câu chuyện trong Kinh Thánh có đề cập đến phép lạ và có liên quan đến việc đề cập đến Đức Chúa Trời, thiên sứ và ma quỷ, v.v., rồi những vấn đề quan tâm khác hơn là chỉ hoàn toàn những nhân vật lịch sử đi vào bức tranh này…. [Những người theo chủ nghĩa hiện đại] bị thuyết phục như một phần trong thế giới quan chung của họ đó là phép lạ không thể xảy ra”3 Howard Vos tóm tắt vấn đề một cách thẳng thừng. “Chủ nghĩa hoài nghi thái quá của nhiều nhà thần học tự do không bắt nguồn từ việc đánh giá cẩn thận các dữ liệu sẵn có, mà là từ khuynh hướng tội ác chống lại siêu nhiên.”4

Niềm tin cho rằng lý trí của con người là phương tiện để xác định chân lý không những chỉ ảnh hưởng đến lịch sử, mà còn ảnh hưởng đến các vấn đề đạo đức và tôn giáo. Mặc dù được khẳng định một cách khá thẳng thừng, nhưng nguyên tắc cơ bản của một tác giả thế kỷ mười chín vẫn được nhiều người ngày nay áp dụng: “Nếu chúng ta tìm thấy ngay cả trong Kinh Thánh bất cứ điều gì khiến chúng ta nhầm lẫn giữa nhận thức đúng và sai, thì điều này đối với chúng ta dường như ít xứng đáng và trong sạch hơn là đặc tính của Đức Chúa Trời; nếu sau khi suy nghĩ kiên nhẫn nhất và tập trung cầu nguyện tích cực, mà nó vẫn giữ lại phương diện này, thì chúng ta không được đầu hàng trước nó xem như sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời cho chúng ta, vì nó không đáp ứng nhu cầu của sự mặc khải sớm hơn và thiêng liêng hơn mà Ngài đã ban cho chúng ta bằng chính tâm linh và lương tâm của chúng ta, là điều vốn dĩ làm chứng về Ngài.”5

Bởi vì một số quy định của Luật pháp Môi-se được ghi lại trong Xuất Ê-díp-tô Ký 21-23 cho thấy sự phản ánh hiện trạng trong xã hội Y-sơ-ra-ên lúc bấy giờ (ví dụ, chế độ nô lệ) và cả “lòng nhân từ và sự công bình của Đức Chúa Trời”, Paul Achtemeier kết luận rằng đoạn Kinh Thánh này xuất phát từ hai nguồn, một nguồn tự nhiên (từ đời sống của người Do Thái) và sự mặc khải khác (từ Đức Chúa Trời).6 Các nhà truyền giáo luôn hiểu rằng phân đoạn này là sự mặc khải vô ngộ về Đức Chúa Trời yêu thương, Đấng đã khôn ngoan hòa hợp các quy định của Ngài với dân sự của Ngài tại thời điểm đó trong lịch sử. Nhưng Achtemeier bác bỏ điều này và thay vào đó là đề xuất ý kiến của riêng mình về việc mặc khải của Đức Chúa Trời sẽ như thế nào.

Tất cả điều này cho thấy sự thật rằng sự kết ước tôn giáo của chúng ta trên thực tế ảnh hưởng đến cách chúng ta quan niệm về Kinh Thánh thế nào. Tuy nhiên, các nhà phê bình luôn tìm cách phủ nhận thực tế này. Ví dụ, John Barton đã khẳng định rằng “các quy tắc cơ bản để phê bình Kinh Thánh hiệu quả chỉ phụ thuộc vào lý luận đúng đắn…. Sự kết ước tôn giáo của các nhà phê bình hoàn toàn không liên quan đến việc đánh giá tác phẩm của họ.”7 Tuy nhiên, rất khó để phủ nhận những lời sau đây của nhà truyền giáo J. I. Packer. “Khi bạn bắt gặp một quan điểm ngày nay về Kinh Thánh, thì bạn gặp nhiều thứ hơn là một quan điểm về Kinh Thánh. Những gì bạn thấy là một quan điểm tổng quát về Đức Chúa Trời và thế giới, tức là, một thần học tổng quát, vừa là một bản thể luận, là tuyên bố những gì có, và một nhận thức luận, là cho biết làm thế nào chúng ta biết những gì có…. Mọi quan điểm của Kinh Thánh…. qua phân tích chứng minh để đúc kết lại một quan điểm tổng quát về Đức Chúa Trời và con người.”8

Đúng vậy, có những vấn đề khó hiểu thực sự trong Kinh Thánh mà những học viên đặc niềm tin vào Kinh Thánh không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nhiều sự công kích hiện đại chống lại tính trung thực của Kinh Thánh không phải xuất phát từ dữ liệu chứng minh rằng những lời tuyên bố trong Kinh Thánh là mâu thuẫn hoặc trái với thực tế, mà là từ những giả định về triết học và thần học từ phía những người phiên dịch. Mặc dù có thể đưa ra nhiều lời giải thích khác nhau cho những giả định cơ bản ảnh hưởng đến thái độ của chúng ta đối với Kinh Thánh, Chúa Giê-su gợi ý rằng ước muốn cơ bản trong lòng chúng ta mới là điều đóng vai trò then chốt. “Nếu ai khứng làm theo ý muốn của Ðức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo lý ta có phải là bởi Ðức Chúa Trời, hay là ta nói theo ý ta.” (Giăng 7:17). Chúa Giê-su nói rằng việc hiểu biết lời dạy của Ngài là đúng hay không không thể được quyết định bởi cái gọi là cuộc tranh luận hợp lý khách quan, mà tùy thuộc vào sự lựa chọn đạo đức. D. A. Carson nói về việc nhận biết ý muốn của Đức Chúa Trời sẽ áp dụng cho toàn bộ sự mặc khải thiên thượng của Đức Chúa Trời. “Sự kết ước đức tin được nhìn thấy trước ​​ở đây, sự lựa chọn đạo đức này, là cơ bản đúng đắn, và không thể đưa ra bất kỳ thái độ nào khiến chúng ta trở nên như những người đoán xét đường lối của Đức Chúa Trời…. Con người hữu hạn và sa ngã không thể tự đặt mình trên một nền tảng chắc chắn nào đó bên ngoài lẽ thật và do đó có được lợi thế để từ đó họ có thể đánh giá nó. Sự mặc khải thiêng liêng chỉ có thể được đánh giá, như cái nó vốn có, từ bên trong.”9

Trong chừng mực nào đó mà chúng ta không tán thành những lời dạy của Kinh Thánh và không tuân theo những lời dạy đó, thì ở mức độ đó, chúng ta chắc chắn sẽ tìm thấy lý do để phủ nhận rằng Kinh Thánh là sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Chúng ta chắc chắn phải tìm cách hài hòa suy nghĩ của mình với cách chúng ta chọn để sống. Chúng ta nên nhớ nguyên tắc này khi suy nghĩ về những trường hợp khó hiểu trong Kinh Thánh, vì như đã nói, “Lý do tại sao chúng ta tìm thấy rất nhiều chỗ tối trong Kinh Thánh, phần lớn là vì có quá nhiều chỗ tối trong tâm hồn chúng ta.”10

 

Nguyên Nhân Xác Thực Của Các Vấn Đề Trong Kinh Thánh

Như đã lưu ý, nhiều vấn đề khó hiểu trong Kinh Thánh nảy sinh vì Kinh Thánh là một tài liệu cổ, được viết trong bối cảnh của các nền văn hóa khác với nền văn hóa của chúng ta. Ví dụ, các phương pháp tính toán khác nhau có thể đã được sử dụng. Điều này đặc biệt đúng đối với diễn biến trình tự của các niên đại. Cách tính trọng lượng có thể thay đổi theo thời gian, gây khó khăn trong việc hài hòa sự giải trình này với sự giải trình khác trừ khi biết được sự thay đổi. Chúng ta có thể chưa hiểu đầy đủ ý nghĩa của một số từ, thành ngữ, cấu trúc ngữ pháp hoặc các khía cạnh khác của các ngôn ngữ và phong cách viết trong Kinh Thánh cổ đại.

Vì vậy, chúng ta không nên ngạc nhiên rằng có một số vấn đề tồn tại nhất định. Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã hành động thông qua những con người thật để viết ra Kinh Thánh. Ngài không loại bỏ nhân cách của họ hay đưa họ ra khỏi hoàn cảnh lịch sử để rồi đặt họ lên một hình thức bình diện đặc biệt nào đó, nơi mà họ đều suy nghĩ và thể hiện bản thân giống nhau. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu mọi thứ không ngay lập tức xuất hiện trong sự thống nhất hoàn toàn. Trên thực tế, thống nhất như vậy có thể được coi là bằng chứng chống lại tính xác thực của Kinh Thánh, cho thấy rằng những người viết ra đã có sự thông đồng và giả mạo từ phía những người đã viết ra nó.

 

GÓC NHÌN VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ NAN GIẢI TRONG KINH THÁNH

Việc thảo luận về tất cả các vấn đề hiển nhiên trong Kinh Thánh nằm ngoài phạm vi của công việc này. Có thể tham khảo một số công trình giải quyết hầu hết những sự khó hiểu, đặc biệt là những vấn đề khó hiểu thường được nêu lên để chống lại học thuyết về sự vô ngộ, có thể đã được tham khảo. Một trong những cuốn sách mở rộng nhất là Bách khoa Toàn thư về những vấn đề khó hiểu trong Kinh Thánh của Gleason Archer.11 Bàn luận về những vấn đề khó hiểu cũng có thể được tìm thấy trong nhiều bài bình luận do những người theo thuyết vô ngộ theo phái phúc âm viết ra. Một cái nhìn ngắn gọn về một số ví dụ điển hình và các câu trả lời đã được đề xuất sẽ rất hữu ích.

 

Những Vấn Đề Về Lịch Sử

Một số vấn đề khó hiểu thuộc lịch sử nảy sinh từ thông tin bên ngoài Kinh Thánh, và những vấn đề khó hiểu khác bắt nguồn từ những mâu thuẫn nội bộ được khẳng đinh. Những cáo buộc từ bên ngoài Kinh Thánh thường xuất phát từ thuyết giả định chống lại siêu nhiên. Ví dụ, giả sử về sự tiến hóa của con người và nền văn hóa, một số tác giả khẳng định rằng năm cuốn sách đầu tiên của Kinh Thánh (Ngũ Kinh) không thể có từ thời Môi-se vì khi đó hầu hết mọi người đều mù chữ và Môi-se không biết viết. Nhưng sau đó Bộ luật Hammurabi được phát hiện, và vì nó được viết vào khoảng năm 1728 trước Công nguyên, nên những phản đối về quyền tác giả của Môi-se đối với bộ Ngũ kinh đã bị bãi bỏ.

Những phản đối tương tự về độ tin cậy tính lịch sử của Kinh Thánh đã được nghiên cứu khảo cổ học đánh bại. Theo nhà khảo cổ học William F. Albright, “Cho đến gần đây, đó là kiểu cách giữa các nhà sử học Kinh Thánh khi luận giải các chuỗi sự kiện về chế độ tộc trưởng trong Sáng thế ký [11-50] như thể những câu chuyện đó là tác phẩm nhân tạo của những người viết sử Israel về Chế độ Quân chủ Phân biệt hoặc những câu chuyện bịa đặt được kể bằng trí tưởng tượng, những câu ngâm vè xung quanh lửa trại của người Y-sơ-ra-ên suốt nhiều thế kỷ sau khi họ chiếm được xứ…. Những khám phá khảo cổ học kể từ năm 1925 đã thay đổi tất cả điều này. Ngoài một số người bảo thủ trong số các học giả lớn tuổi, hiếm có nhà sử học Kinh Thánh nào không bị ấn tượng bởi sự tích lũy nhanh chóng các thông tin dữ liệu hỗ trợ sự lịch sử đáng kể của truyền thống gia trưởng.”12

Sự tồn tại của người Hê-tít, được đề cập nhiều lần trong Kinh Thánh, đã được luận giải với thái độ nghi ngờ lớn cho đến khi khai quật vào năm 1906 Tại một nơi cách chín mươi dậm của Ankara, Thổ Nhĩ Kì về hướng Đông, hóa ra là thủ đô của Đế chế người Hê-tít. Quy mô của thành Ni-ni-ve, “một thành rất lớn, đi mất ba ngày đường” (Giô-na 3:3) đã bị Voltaire chế giễu như một lỗi trắng trợn. Nhưng khảo cổ học sau đó đã xác nhận đây là câu nói trong Kinh Thánh.

Những lời phản đối lặp đi lặp lại, thường thường dựa trên “những giả định sai lầm và những kế hoạch phi thực tế, giả tạo của quá trình phát triển lịch sử”,13 đã bị lật tẩy bởi những bằng chứng rõ ràng của nghiên cứu khảo cổ. Một trong những nhà khảo cổ học được kính trọng nhất trong nửa cuối thế kỷ hai mươi, là học giả người Do Thái Nelson Glueck, đã quả quyết tuyên bố những phát hiện của ông liên quan đến độ tin cậy lịch sử của Kinh Thánh: “Thực tế là…. có thể khẳng định một cách dứt khoát rằng không có khám phá khảo cổ nào đã từng phủ nhận tài liệu tham khảo trong Kinh Thánh. Chỉ số phát hiện khảo cổ học…. xác nhận trong phác thảo rõ ràng hoặc chi tiết chính xác của các tuyên bố lịch sử trong Kinh Thánh.”14 Một số vấn đề lịch sử vẫn giữ nguyên ở đó, nhưng đây là những câu hỏi chưa được giải đáp, cần thêm thông tin. Không có bằng chứng nào chống lại sự vô ngộ của Kinh Thánh.

Cũng có thể giải thích hợp lý khi tất cả thông tin được nhận biết liên quan đến những mâu thuẫn lịch sử được cho là trong Kinh Thánh. Sự khác biệt trong các lời giải trình của Phúc Âm về cùng một sự việc là nguồn gốc của các vấn đề đối với một số người. Một trong những mối quan tâm phổ biến nhất là sự phủ nhận của Phi-e-rơ và tiếng gà gáy. Theo lời kể của Mác, thì gà gáy hai lần (14:30,72), trong khi Ma-thi-ơ và Lu-ca chỉ tuyên bố rằng trước khi gà gáy, thì Phi-e-rơ sẽ chối Chúa ba lần (Ma-thi-ơ 26:34, 74-75; Lu-ca 22:34, 60–61).

Tuy nhiên, không có mâu thuẫn nào tồn tại ở đây. Ma-thi-ơ và Lu-ca không nói tiếng gà  gáy một lần mà ngược lại với Mác thì hai lần. Họ chỉ đơn giản là đề cập đến tiếng gà gáy. Khi chúng ta nhớ rằng “gà gáy” là một thành ngữ mang tính tục ngữ chỉ về buổi sáng sớm, các giải trình này có thể được hài hòa một cách dễ dàng. Theo Mác 13:35, chiếc đồng hồ thứ ba trong số bốn chiếc đồng hồ ban đêm của người La Mã được định rõ là “lúc sáng sớm” hoặc “tiếng gà gáy”. Nhưng gà trống cũng thích gáy sớm hơn, từ nửa đêm trở đi. Ma-thi-ơ và Lu-ca đã cho chúng ta điểm chính về lời tiên đoán của Chúa Giê-su rằng Phi-e-rơ sẽ chối Chúa ba lần trước sáng sớm, được báo hiệu bằng tiếng gà gáy đã được nhiều người biết đến. Mặt khác, Mác thuật lại những lời Chúa Giê-su nói chi tiết hơn. Vì vậy, cả hai giải trình đều đúng.

Một vấn đề tương tự thường được nêu ra liên quan đến số lượng các thiên sứ tại ngôi mộ của Chúa Giê-su. Các nhà phê bình chỉ ra rằng Ma-thi-ơ và Mác chỉ đề cập đến một thiên sứ tại mộ Chúa Giê-su (Ma-thi-ơ 28:2-5: Mác 16:5), trong khi Lu-ca và Giăng đề cập đến hai thiên sứ (Lu-ca 24:4; Giăng 20:12). Một lần nữa, không có mâu thuẫn nào được liên quan, bởi vì sự hiện diện của hai thiên sứ chắc chắn không mâu thuẫn với thực tế là một thiên sứ có mặt. Hai giải trình có thể dễ dàng được coi là bổ sung cho nhau.15

Các vấn đề về sự thay đổi trong các giải trình, chẳng hạn như những vấn đề vừa nêu ra, nói chung có thể được giải quyết nếu chúng ta ghi nhớ nguyên tắc rằng sự khác biệt có thể có nhưng mà không có mâu thuẫn. Người viết có thể đã được Đức Thánh Linh hướng dẫn để đưa ra một điểm nhấn khác hoặc một phần khác của cuộc trò chuyện.

Vấn đề cũng có thể được giải quyết khi chúng ta nhận ra rằng hai sự trình bày có thể không nói về điều gì đó theo cùng một nghĩa. Câu chuyện được kể về một người có tính hoài nghi, người này đã khó chịu vì những sai sót được cho là / nghĩ rằng có trong Kinh Thánh. Khi được yêu cầu nêu ra một lỗi cụ thể, anh ta trả lời rằng với tư cách là một người buôn bán gỗ, anh ta đã tìm ra kích thước của con tàu của Nô-ê và bao nhiêu mét gỗ đã được dùng vào đó. Anh ngạc nhiên về kích thước của con tàu. Tuy nhiên, sau đó, anh ta đã mở cuốn Kinh Thánh của mình và tình cờ đọc được nơi những người Lê-vi khiêng chiếc hòm giao ước trên vai và mang nó đi khắp nơi trong đồng vắng. “Thật là một sự ngu ngốc”, anh ta nói, “điều đó đã khiến tôi tức giận, và tôi đã không bao giờ nhìn đọc đến cuốn sách đó nữa.”16 Rõ ràng, anh ta đã không tự hỏi mình liệu “hòm” có cùng ý nghĩa trong mỗi đoạn văn hay không.

Một ví dụ nghiêm trọng hơn xảy ra liên quan đến việc liệu Giăng Báp-tít có phải là Ê-li hay không. Khi được hỏi liệu ông có phải là Ê-li không, Giăng Báp-tít trả lời: “Tôi không phải” (Giăng 1:21). Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã tuyên bố rõ ràng rằng Giăng là Ê-li (Ma-thi-ơ 11:14). Tình huống khó xử này được giải quyết khi chúng ta nhận ra rằng Chúa Giê-su không ám chỉ Giăng Báp-tít và Ê-li theo cùng một ý nghĩa. Người Do Thái, nhớ rằng Ê-li đã được đem lên trời trong một cỗ xe ngựa lửa trong khi còn sống (2 Các vua 2:11), họ mong đợi cùng một Ê-li đó sẽ trở lại để ứng nghiệm lời tiên tri của Ma-la-chi (Ma-la-chi 4:5). Giăng không phải là Ê-li theo nghĩa này, và vì vậy Giăng đã đúng khi trả lời là không phải. Một phương diện khác, liên quan đến sự ra đời của Giăng, thiên sứ đã tuyên bố rằng Giăng sẽ đến “trong linh hồn và quyền năng của Ê-li” để ứng nghiệm lời tiên đoán của Ma-la-chi. Hầu biết rằng Giăng đã ứng nghiệm một cách khái quát lời tiên đoán của Ma-la-chi về Ê-li như là một người báo trước về ngày Chúa đến, nên Chúa Giê-su có thể xác định đúng Giăng là Ê-li.”17

Khi đối mặt với sự khác biệt rõ ràng, chúng ta cũng phải hỏi xem Kinh Thánh đang nói về cùng một sự kiện hay một sự kiện tương tự nhưng khác nhau vấn đề. Vì các môn đồ vẫn đặt câu hỏi rằng họ có thể kiếm đủ thức ăn ở đâu để cho bốn ngàn người ăn (Ma-thi-ơ 15:32-33) sau khi họ đã chứng kiến ​​phép lạ cho năm ngàn người ăn, nên nhiều nhà phê bình coi câu chuyện của bốn ngàn người là không có gì khác hơn là một “sự lặp lại”, hoặc sự nhắc lại của báo cáo trước đó về việc cho năm nghìn người ăn (14:15-21), mà theo họ, dẫn đến một sự mâu thuẫn rõ ràng. Tuy nhiên, không có gì ngăn cản việc hiểu rằng Ma-thi-ơ đang tường thuật hai sự việc có phần giống nhau, nhưng lại khác nhau. Trong báo cáo đầu tiên, có năm cái bánh và hai con cá, còn lại mười hai cái giỏ, và năm ngàn người được cho ăn. Trong khi báo cáo thứ hai, thì có bảy cái bánh và một vài con cá nhỏ, bảy cái thúng còn lại, và bốn ngàn người được cho ăn. Mối quan tâm của các môn đồ về việc thức ăn sẽ đến từ đâu sau khi Chúa Giê-su cho năm nghìn người ăn một cách kỳ diệu có thể được giải thích bởi sự khó khăn liên tục của họ trong việc hiểu và tin Chúa Giê-su.18

Cũng cần phải nhận ra rằng những người viết Kinh Thánh thường sử dụng các phương pháp tính toán khác với các phương pháp được sử dụng ngày nay. Điều này đặc biệt đúng đối với ngày tháng. Có một số bằng chứng cho thấy Năm Mới lần đầu tiên được tính là bắt đầu từ mùa thu và sau đó được đổi thành mùa xuân. Tuy nhiên, Năm Mới tôn giáo thì bắt đầu với Lễ Vượt Qua vào mùa xuân không thay thế hoàn toàn Năm Mới dân sự bắt đầu vào mùa thu.19 Tất nhiên, chúng ta cũng làm điều gì đó tương tự khi sử dụng lịch tài chính và lịch dân sự không trùng nhau.

Người cổ đại cũng sử dụng các phương pháp khác nhau để tính niên hiệu trị vì của các vị vua của họ. Theo một hệ thống, bất kỳ khoảng thời gian nào của năm dương lịch đều được coi là triều đại của một năm. Vì vậy, ví dụ, sử dụng lịch của chúng ta, nếu một vị vua lên ngôi vào tháng 12 của một năm, thì vị vua ấy đã hoàn thành năm đầu tiên của mình vào cuối tháng 12 và bắt đầu năm thứ hai vào ngày 1 tháng một. Theo hệ thống khác, thì năm cai trị đầu tiên sẽ được tính bắt đầu từ tháng Giêng mà không kể đến tháng nào của năm trước nhà vua đã trị vì.20

Các nhà ghi chép cổ đại của vùng Cận Đông cũng không lập danh sách theo thứ tự niên đại về những người cai trị của họ như chúng ta ngày nay. Họ chỉ đơn giản liệt kê các triều đại của từng vị vua liên tiếp mà không đồng bộ hóa chúng với nhau. Các triều đại của một số vị vua của Y-sơ-ra-ên chồng chéo lên nhau. Khi những quan điểm cốt lõi này được công nhận, các vấn đề về niên đại được cho là sẽ biến mất. Một ví dụ về điều này được thấy trong giấy Chỉ thảo Turin của các vị vua Ai Cập. Các triều đại thế kỷ XIII-XVII liệt kê hơn 150 nhà cai trị có tổng thời gian trị vì ít nhất 450 năm. Nhưng từ các nguồn khác, thì cho biết rằng 150 nhà cai trị này và 450 năm trị vì của họ thực sự chỉ phù hợp với khoảng 216 năm vì một số vị vua trị vì cùng thời. Như Kitchen và Mitchell lưu ý rằng, “Cần phải nhấn mạnh trong mọi trường hợp, Kinh Thánh hay thứ kinh, đó là một câu hỏi về tính không chính xác, mà là về các phương pháp hiện có trong thời cổ đại.”21

Các nhà biên niên sử trong Kinh Thánh lo ngại “để làm rõ ý nghĩa bên trong của lịch sử như là liệt kê…. Điều này yêu cầu trình bày chi tiết mối quan hệ của một dân tộc với Đức Chúa Trời của họ và cho thấy ảnh hưởng không thể tránh khỏi trong lịch sử của đặc tính của mối quan hệ đó.”22 Các tác giả Kinh Thánh đôi khi di chuyển qua lại theo trình tự thời gian trong việc ghi lại các sự kiện lịch sử; họ thực hiện mục đích này là phát triển các chủ đề cụ thể. Tuy nhiên, thực tế niên đại là mối quan tâm thứ yếu đối với họ nhưng không có nghĩa là họ không quan tâm đến độ chính xác. Như Craig Blomberg nói, “Một phân tích cẩn thận cho thấy rằng không có hai sách Phúc âm nào mâu thuẫn với nhau về niên đại cả.”23 Lời tuyên bố của dân Y-sơ-ra-ên trong Cựu Ước rằng họ đã thực sự gặp Đức Chúa Trời trong lịch sử chắc chắn sẽ gợi ý sự quan tâm cẩn thận về tính chính xác của lịch sử. Hơn nữa, tính chính xác của Kinh Thánh ngày càng được kiểm chứng bởi học giả gần đây.”24

Một số vấn đề cũng có thể xuất phát từ sự hiểu biết không đầy đủ của chúng ta về ngôn ngữ Kinh Thánh cổ đại về ý nghĩa và cách sử dụng từ ngữ hoặc cách sử dụng ngữ pháp. Chẳng hạn, theo 1 Sa-mu-ên 28:6 Sau-lơ “đã cầu xin CHÚA,” nhưng không nhận được câu trả lời và do đó đã tìm kiếm một phương tiện trung gian ở Ên-đô-rơ. Tuy nhiên, 1 Sử ký 10:13-14 nói rằng ông đã cầu hỏi qua trung gian “và không cầu hỏi CHÚA” (chữ nghiêng được thêm vào). Sự mâu thuẫn rõ ràng này nhanh chóng được giải quyết khi chúng ta để ý rằng các từ trong tiếng Do Thái khác nhau về việc “cầu hỏi” đã được tìm thấy trong những đoạn văn này. Từ ngữ trong Sa-mu-ên chỉ đơn giản có nghĩa là “hỏi, cầu hỏi hoặc thỉnh cầu.” Từ được người chép sử sử dụng, trong khi nó mang ý nghĩa là “để cầu hỏi,” cũng được sử dụng chủ yếu trong thần học, đặc biệt là trong các sách Sử ký sử 1 và 2, để bày tỏ “một sự kết ước trung thành, tích cực, tận tụy với Đức Giê-hô-va.”25 Vì vậy, mặc dù Sau-lơ đã hỏi Chúa về thông tin trước khi chuyển sang tìm kiếm phương tiện trung gian của Ên-đô-rơ, như tác giả 1 Sa-mu-ên đã viết, người viết sử cũng đúng khi cho rằng toàn bộ thái độ của Sau-lơ trong sự việc này không phải là “tìm kiếm” Chúa theo ý nghĩa của một tấm lòng trung thành thật lòng.

Sự mâu thuẫn rõ ràng liên quan đến việc liệu những người đi cùng Phao-lô “nghe thấy tiếng Chúa phán với Phao-lô (Công vụ 9:7, NRSV) hay “không nghe tiếng phán” (22:9, NRSV) có thể dễ dàng giải quyết được khi xem xét cấu trúc ngữ pháp tiếng Hy Lạp của hai câu nói này. Trong 9:7, dạng ngữ pháp (dạng thuộc cách) của những gì đã được nghe, tức là “giọng nói”, chỉ đơn giản rằng âm thanh được nghe mà không có dấu hiệu cho thấy đã hiểu được điều gì. Tuy nhiên, trong 22:9, “giọng nói” ở dạng ngữ pháp là (dạng đối cách) thể hiện sự e ngại về thông điệp được nghe. Mặc dù có sự khác biệt rõ ràng này, vẫn còn rõ ràng trong một số bản dịch hiện đại, được giải quyết dễ dàng với sự hiểu biết về ngữ pháp của ngôn ngữ Kinh Thánh, nhưng có thể các vấn đề khác vẫn còn là do sự hiểu biết về ngôn ngữ không đầy đủ của chúng ta về ý nghĩa của các từ, cụm từ và ngữ pháp trong các ngôn ngữ Kinh Thánh.

Những vấn đề khó hiểu khác trong Kinh Thánh là do sai sót của những người sao chép. Như đã thảo luận ở phần sau, các bản chép tay từ các bản Kinh Thánh hiện tại của chúng ta được dịch ra rất gần với các tác phẩm gốc, nhưng chúng vẫn là bản sao. Không có máy in ấn và các phương tiện sao chép hiện đại khác, trước tiên, các thầy thông giáo đã sao chép Kinh Thánh nhiều lần bằng tay. Trừ khi chúng ta đặt ra khả năng tuyệt vời của những người sao chép tương tự như nguồn cảm hứng của các tác giả gốc, con người không thể tạo ra dù chỉ một bản sao hoàn hảo. Ngay cả với các kỹ năng kỹ thuật của chúng ta về chương trình kiểm tra lỗi chính tả của máy tính và các công cụ hỗ trợ khác, bao gồm cả những người hiệu đính lành nghề, thì các lỗi vẫn có thể xảy ra. Người ta chỉ nghĩ đến việc đọc các tài liệu viết tay, nhưng một số tài liệu đã bị sờn và bị ố vàng do sử dụng, và việc sao chép chúng một cách hoàn hảo lại nhận ra sự bất khả thi để có các bản sao hoàn hảo.

Việc xem xét cẩn thận các bản sao đầu tiên của Kinh Thánh cho thấy bằng chứng về những sai lầm điển hình đã mắc phải khi sao chép một tài liệu.26 Việc bỏ sót các chữ cái hoặc từ cần thiết (lối viết lược bớt âm tiết trùng nhau) hoặc lặp lại nhầm lẫn (chữ chép lặp lại thừa) có thể dễ dàng xảy ra khi mắt của người sao chép di chuyển qua lại từ tài liệu người đó đang đọc sang tài liệu mới mà người đó đang viết. Các từ bị bỏ sót khi mắt người viết trượt xuống từ dòng này sang dòng khác hoặc được lặp lại hoặc được nối sai với nhau hoặc bị tách thành hai. Việc chuyển đổi vị trí của các từ cũng có thể dễ dàng xảy ra, như có thể xảy ra trong 2 Sa-mu-ên 8:17, trong đó A-hi-mê-léc được cho là con trai của A-bia-tha trong khi 1 Sa-mu-ên 22:20 nói ngược lại—A-bia-tha là con trai của A-hi-mê-léc.

Chính hình thức của các tài liệu được viết bằng tay bởi các cá nhân khác nhau làm tăng thêm sự khó hiểu trong việc tạo ra các bản sao hoàn hảo. Ví dụ, một số chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Do Thái có bề ngoài khá giống nhau. Trong chữ viết tay, có thể dễ nhầm lẫn một số chữ cái này, nhiều khi chữ “r” và “n” đôi khi rất khó phân biệt trong chữ viết tay của một số nhà văn nói tiếng Anh. Mặc dù các con số được viết bằng chữ trong văn bản tiếng Do Thái của chúng ta, nhưng có bằng chứng về hệ thống các dấu hiệu bằng con số ban đầu trong thời kỳ Cựu Ước. Các nét dọc được sử dụng để biểu thị các chữ số và các nét ngang để biểu thị hàng chục, được viết một nét bên trên chữ kia để cho bội số của mười. Trong một hệ thập phân như vậy, có thể dễ dàng thấy những sai lầm vô ý có thể được thực hiện như thế nào ngay cả khi chúng ta có thể dễ dàng bỏ đi hoặc thêm một số không vào một số lớn. Sau đó, thì các chữ cái trong bảng chữ cái cũng được sử dụng cho các con số, do đó khiến các con số có thể bị sao chép một cách sai trật vì chữ cái này bị nhầm lẫn với chữ cái khác trong một tài liệu bị mòn hoặc bị nhòe.27

Một ví dụ rõ ràng được tìm thấy trong các con số được ghi trong 2 Các Vua 24:8 và 2 Sử Ký 36:9. Theo lời kể của các Vua, Giê-hô-gia-kin trở thành vua khi mới mười tám tuổi và trị vì ba tháng trước khi bị lưu đầy. Tuy nhiên, câu này trong sách Sử ký nói rằng ông ta chỉ mới tám tuổi khi ông ta bắt đầu trị vì, và ông ta đã trị vì ba tháng mười ngày. Đây rõ ràng là một mâu thuẫn do lỗi của người sao chép. Vì số mười tám được viết bằng tiếng Do Thái là “tám” và “mười”, có vẻ như rõ ràng là “mười” đã bị đặt sai vị trí. Chính xác là nó đã được kết hợp với tám trong số mười tám của Các vua—tạo ra số mười tám—nhưng nó đã bị bỏ qua trong sách Sử ký và được sử dụng lại sau đó là mười ngày. Trên thực tế, một số bản viết tay tiếng Hy Lạp và tiếng Sy-ri của 2 Sử ký 36:9 ghi lại rằng Giê-rô-bô-am mới là mười tám tuổi, như trong 2 Các Vua 24:8.

Trong một số trường hợp, việc sao chép được thực hiện bởi người ghi chép bằng cách là có người khác đọc to bản văn gốc. Vấn đề là một số từ nghe giống nhau khi phát âm bằng lời nói, nhưng có cách viết và nghĩa khác nhau (ví dụ, “cân” và “cách”; và “ở đó” và “của họ”) cũng có trong tiếng Do Thái và tiếng Hy Lạp và điều này có thể dễ dàng giải thích vì một số lỗi khi sao chép.

Hầu hết các sự khác biệt được nói đến trong Kinh Thánh thì liên quan đến những cái tên, ngày tháng hoặc con số. Đây là những điều dễ dẫn đến sự sai lạc nhất vì chúng không thể được xác định từ bối cảnh. Đó là, “tên, ngày tháng và con số cụ thể là những mục không thể được dự đoán về mặt ngữ pháp trong một câu, hoặc được nhớ bởi lý do của trật tự từ hoặc ý nghĩa chung.”28 Ví dụ, nếu chúng ta đang sao chép một câu có tên thị trưởng của một thành phố, chúng ta có thể dễ dàng viết “Joe” thành “John” nếu chúng ta không biết về ông ta một cách cá riêng tư. Cả hai đều phù hợp với câu. Mặt khác, nếu chúng ta đang sao chép một câu về nữ hoàng, chúng ta sẽ không viết “Joe” hoặc “John” bởi vì chúng ta sẽ cảm nhận được ngay điều gì đó phi lô-gích và sẽ kiểm tra lại những gì chúng ta đang viết. Điều này cũng đúng với các con số và ngày tháng. Chúng ta có thể dễ dàng viết năm 1046 thay vì 1064 cho một sự kiện mà bản thân chúng ta không hề biết đền. Nhiều sai sót trong việc truyền tải các tài liệu Cựu Ước nằm trong những lĩnh vực này vì không có ý nghĩa cụ thể đối với người sao chép. Mặc dù vậy, so với hầu hết các tác phẩm cổ đại có độ dài đáng kể khác, thì Kinh Thánh chứa đựng tương đối ít câu hỏi liên quan ngay cả trong những lĩnh vực này.29

 

Những Vấn Đề Về Khoa Học

Hầu hết những vấn đề được gọi là khoa học trong Kinh Thánh đều bắt nguồn từ cách tiếp cận thực tế nghĩa nghĩa là loại trừ cái siêu nhiên. Phép lạ bị bác bỏ cho rằng như là chuyện thần thoại vì chúng mâu thuẫn với các quy luật tự nhiên. Tuy nhiên, khi sự tồn tại của Đức Chúa Trời được chấp nhận, chúng ta không có lý do chính đáng nào để phủ nhận sự can thiệp siêu nhiên của Ngài trong sự sáng tạo của Ngài như Ngài mong muốn. Vẫn khăng khăng cho rằng điều mà Kinh Thánh gọi là hoạt động của ma quỷ thì đó là mê tín dị đoan là dựa trên niềm tin vào những sự giả định chưa được chứng minh chứ không phải dựa trên khoa học chân chính.

Vì sự tiến hóa chưa bao giờ được chứng minh một cách khoa học, nên không có cơ sở nào để buộc tội Kinh Thánh có lỗi liên quan đến sự sáng tạo. Các nhà khoa học tin cậy Kinh Thánh và ngày càng có nhiều người ủng hộ thuyết tiến hóa khẳng định rằng thuyết tiến hóa chỉ là một lý thuyết chưa được chứng minh. Vài năm trước Gerald A. Kerkut, người không phải là người tạo tạo Kinh Thánh, đã viết tác phảm Những Tác Động của Sự Tiến Hóa (Elmsford, NY: Pergamon, 1960). Trong đó, ông đưa ra bảy nguyên tắc cơ bản của thuyết tiến hóa. Theo Kerkut, không điều nào trong số bảy điều này đã từng được chứng minh. Gần đây, với sự hiểu biết ngày càng tăng về thiết kế tuyệt vời của các dạng sống và sự phụ thuộc lẫn nhau được hiệu chỉnh một cách tinh vi của các bộ phận của chúng, tính hợp lý của khái niệm tiến hóa tự nhiên càng bị đặt nhiều nghi vấn và thiếu sự hỗ trợ thực tế của nó.30

Một số tuyên bố mang tính biệt lập đôi khi được nêu lên như là ví dụ cho thấy Kinh Thánh thiếu kiến thức chính xác về khoa học. Một trong những trường hợp kinh điển là lời Chúa Giê-su tuyên bố rằng hạt cải “nhỏ hơn tất cả các loại hạt khác” (Ma-thi-ơ 13:32). Vì các nhà thực vật học biết rằng hạt phong lan nhỏ hơn, họ nói rằng Chúa Giê-su đã nhầm. Tuy nhiên, trong số những hạt giống mà người Do Thái gieo trong vườn hoặc ruộng của họ, hạt cải là hạt nhỏ nhất. Theo Gleason Archer, “Chưa ai chứng minh được rằng người Palestine cổ đại đã trồng bất cứ thứ gì có hạt nhỏ hơn hạt cải đen”. Vì vậy, nó trở thành tục ngữ khi nói nó là hạt giống nhỏ nhất (17:20; Lu-ca 17:6), và tuyên bố của Chúa Giê-su phải được hiểu trong khung cảnh này. Tuyên bố của Ngài chỉ có thể bị buộc tội nếu Ngài có ý định đưa ra một tuyên bố khoa học bao hàm tất cả các mầm sống của mọi tạo vật.

Một số người cũng thấy một lỗi của lời tuyên bố của trong Lê-vi Ký 11:6 rằng con thỏ “nhai lại”. Có thể có một số giải thích. Đúng như vậy, thỏ không nhai thức ăn bằng cách nuốt thức ăn mà không nhai kỹ và sau đó sẽ nôn ra để nhai kỹ hơn. Tuy nhiên, chuyển động quai hàm của nó tương tự như chuyển động của các loài động vật nhai lại. Cũng có thể thuật ngữ tiếng Do Thái được dịch là “nhai lại” không có nghĩa chính xác với ý nghĩa của cụm từ của chúng ta. Lạc đà và lửng đá (còn gọi là con thỏ) cũng được cho là loài nhai lại, nhưng về mặt kỹ thuật thì chúng không làm như vậy. Cuối cùng, một số người đã giải thích rằng loài thỏ tham gia quá trình “bữa ăn nhẹ”. Đôi khi chúng đi phân có hình dạng khác nhau rồi sau đó chúng ăn lại. Một số loại thực phẩm khó tiêu hóa được vi khuẩn tác động trong lần đầu tiên đi qua ruột và sau đó có thể được tiêu hóa tốt hơn ở lần thứ hai. Như vậy thỏ đang nhai mà không đưa thức ăn tươi vào miệng.”31

Khi các câu nói trong Kinh Thánh được hiểu với ý nghĩa dự định, thì không một câu nào trong số đó được chứng minh là sai. Điều này càng tuyệt vời hơn khi chúng ta xem xét về nhiều lỗi kỹ thuật xuất hiện trong các tác phẩm của con người cổ đại.

 

Các Vấn Đề Về Tín Lý và Đạo Đức

Trong hầu hết các trường hợp, các câu hỏi về những tuyên bố đối với tín lý và đạo đức trong Kinh Thánh sẽ dễ dàng được giải quyết khi chúng ta hiểu bết cách đầy đủ những gì Kinh Thánh thực sự muốn nói. Tuy nhiên, trong những trường hợp khác, vấn đề khó hiểu nảy sinh khi có người chỉ trích Kinh Thánh chỉ đơn giản là không đồng ý vớ vấn đề đạo đức của Kinh Thánh. Chúng ta chỉ có thể ghi nhận những điều này chỉ là những vấn đề đối với sự soi dẫn nếu chúng ta cho rằng quan điểm của người phản đối là không thể sai lầm.

Sự xúi giục về việc kiểm tra dân số của Đa-vít thường được coi là một mâu thuẫn thần học. Trong 2 Sa-mu-ên 24:1, chúng ta đọc rằng Đức Chúa Trời đã xúi giục Đa-vít kiểm tra dân số Y-sơ-ra-ên và Giu-đa. Tuy nhiên, trong 1 Sử-ký 21:1 Sa-tan được cho là đã “xúi giục Đa-vít kiểm tra dân số Y-sơ-ra-ên”. Một số người nói rằng đây là dấu hiệu của hai thần học, một là Đức Chúa Trời kiểm soát thế giới và một là Satan kiểm soát. Một nhà phê bình khác tin rằng người chép sử đã sửa lại lời tuyên bố trước đó của Sa-mu-ên “rõ ràng với niềm tin tuyệt đối rằng sự hiểu biết của ông là chính xác hơn. Rõ ràng là ông không tin rằng Đức Chúa Trời đã xúi giục Đa-vít thực hiện một cuộc điều tra dân số để bày tỏ sự tức giận của ông đối với Y-sơ-ra-ên.”32

Tuy nhiên, giải pháp thì không khó, khi chúng ta hiểu điều gì đó về mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và Sa-tan. Đức Chúa Trời thường cho phép Sa-tan thực hiện những việc làm xấu xa của mình vì một số mục đích lớn hơn. Vì vậy, Đức Chúa Trời trong trường hợp này được trình bày như là nguyên nhân cuối cùng khiến Sa-tan thúc giục Đa-vít thực hiện hành động này. Các tình huống song song được tìm thấy trong việc Đức Chúa Trời cho phép Sa-tan tấn công Gióp (Gióp 1:12; 2:6) và trong việc Ngài sai ác linh đến gây rắc rối cho Sau-lơ (1 Sa-mu-ên 16:14). Điều cần nhớ là đối với các tác giả Kinh Thánh, không có gì nằm ngoài quyền tể trị của Đức Chúa Trời.

Để tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề như vậy, điều quan trọng là chúng ta phải hiểu biết đầy đủ về sự dạy dỗ trong Kinh Thánh về một chủ đề nhất định. Một câu Kinh Thánh thường đưa ra một mặt của vấn đề, và một câu khác nhìn nó từ một khía cạnh khác. Trong khi hai bên có vẻ mâu thuẫn, nhưng trên thực tế, chúng là một phần của toàn bộ sự thật.

Chúng ta cũng phải tìm cách để hiểu các từ trong ngữ cảnh riêng của chúng. Vấn đề khó hiểu được cho là giữa Phao-lô và Gia-cơ về việc biện luận có thể dễ dàng giải quyết khi chúng ta xem xét cách họ sử dụng những từ ngữ tương tự nhau. Phao-lô tuyên bố rằng chúng ta được xưng công bình bởi đức tin mà không cần việc làm (Rô-ma 4:5; Ê-phê-sô 2:8-9), nhưng Gia-cơ tuyên bố rằng sự xưng công bình đến bởi đức tin và việc làm (Gia-cơ 2:24). Tuy nhiên, nếu chúng ta xem xét việc sử dụng các từ “đức tin” và “việc làm”, chúng ta thấy rằng sự biện luận của Gia-cơ và Phao-lô không có nghĩa hoàn toàn giống nhau.

Gia-cơ đã sử dụng từ “đức tin” theo hai nghĩa. Theo một nghĩa nào đó, nó có nghĩa là loại tinh thần đồng ý mà ngay cả ma quỷ cũng có (2:19). Ông nói, đức tin hay niềm tin như vậy là không đủ khả năng để cứu. Thay vào đó, nó phải là một đức tin đang sống và đưa ra bằng chứng về cuộc sống trong các việc làm. “Việc làm” đối với Gia-cơ là việc thực hành đức tin cứu rỗi.

Mặt khác, bởi “đức tin”, Phao-lô muốn nói là một niềm tin thực sự của vấn đề trong hành động. Ông nói về một đức tin hàng động thông qua tình yêu thương (Ga-la-ti 5:6). Khi phản đối “việc làm” và “đức tin”, Phao-lô muốn nói đến những việc làm có tính chất hợp pháp mà mọi người cho rằng họ có thể đạt được công lao trước mặt Chúa.

Vì vậy, khi chúng ta xem xét ý nghĩa của những từ này trong ngữ cảnh của chúng, cả Phao-lô và Gia-cơ đều tin như vậy. Mỗi người đều nhấn mạnh một khía cạnh nhất định của lẽ thật. Phao-lô tin rằng các cá nhân chỉ được cứu bởi đức tin, một đức tin sống và hành động. Gia-cơ cũng tin rằng mọi người được cứu bởi đức tin, đức tin này còn hơn cả sự đồng tình về mặt tinh thần, một đức tin có việc làm.

Một số nhà phê bình nói rằng Cựu Ước cho phép chế độ đa thê, trong khi Tân Ước thì không. Trong khi Cựu Ước trình bày rằng một số dân sự của Đức Chúa Trời bao gồm cả những người lãnh đạo có nhiều hơn một người vợ, nhưng Kinh Thánh không bao giờ dạy rằng đây là ý định của Đức Chúa Trời đối với hôn nhân. Trên thực tế, Kinh Thánh cung cấp nhiều bằng chứng cho thấy đây không phải là lý muốn của Đức Chúa Trời.33

Một vấn đề khác liên quan đến mạng lệnh của Đức Chúa Trời đối với dân Y-sơ-ra-ên là phải tiệt diệt kẻ thù của họ khi họ đã chinh phục Đất Hứa (Phục. 20:16-18). Và rất nhiều thi thiên ghi lại những lời cầu nguyện rằng Đức Chúa Trời sẽ tiêu diệt kẻ thù của họ (ví dụ, Thi. 55, 59, 79, 109, 137). Những đoạn văn này dường như đang bày tỏ cho những hành động và thái độ trái với đạo đức, và chúng dường như mâu thuẫn với những câu nói rằng những người tin Chúa phải yêu kẻ thù của họ (Lu-ca 6:35–36).

Một số yếu tố có thể được nhận thấy về những vấn đề được cho là vô đạo đức này. Trong suốt Kinh Thánh, Đức Chúa Trời không chỉ được xem là Đức Chúa Trời của tình yêu thương vô hạn, mà còn là Đức Chúa Trời của sự phán xét công bình. Chắc chắn không có sự thay đổi nào giữa Cựu Ước và Tân Ước khi chúng ta xem xét thực tế của sự phán xét trong tương lai đã được báo trước một cách rõ ràng trong Tân Ước (Khải. 19:11-21). Trên thực tế, Chúa Giê-su nói về sự hủy diệt đời đời của những người từ chối đến với Đức Chúa Trời hơn bất kỳ tác giả Tân Ước nào.

Những tiếng kêu cứu đòi sự báo thù của Đức Chúa Trời, mà những người viết thi thiên nêu lên để chống lại kẻ thù và mục đích công khai của Đức Chúa Trời, là bằng chứng về việc dân sự Ngài chia sẻ mối quan tâm của Ngài đối với sự công bình và lẽ thật. Họ chỉ ra thời điểm mà tội lỗi sẽ bị hạ gục và sự công bình sẽ chiến thắng.

Mạng lịnh của Đức Chúa Trời là giết chết người Ca-na-an sẽ dễ hiểu hơn khi chúng ta nhận ra chiều sâu của sự sa đọa của họ. Đức Chúa Trời đã không chống lại họ cho đến khi tội lỗi của họ đạt đến mức thấp không thể phục hồi (Sáng. 15:16; Lêvi. 18:24–30). Và rồi, vì họ nghiện tất cả các hình thức tội lỗi gớm ghiếc đã tiêm nhiễm vào xã hội của họ, Đức Chúa Trời đã đưa ra phán xét trên họ thông qua dân sự của Ngài. William Arndt mô tả trường hợp này rất tốt.

Các bộ lạc Ca-na-an bởi những thói xấu xa vô đạo đức của họ đã làm cho cái chén tội lỗi của họ đến tràn trề. Khi hình phạt đến, nó giáng xuống tất cả cư dân, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em. Lỗi không phải là của Đức Chúa Trời; nhưng nó biến họ trở thành những người đã chà đạp dưới chân các luật công bằng và chính trực. Khi những người đàn ông đưa bản thân và gia đình họ lên một con tàu, rồi chèo thuyền ra biển để có một chuyến đi chơi vui vẻ, và biến con tàu đó trở thành một nơi đầy dẫy sự gớm ghiếc và trụy lạc, và sau đó tất cả đều chết trong một cơn bão rất mạnh bất ngờ ập xuống họ, ai là người đáng trách? Bạn sẽ buộc tội Đức Chúa Trời vì đã không phân biệt đối xử giữa người lớn và trẻ em? Một khía cạnh đáng sợ của tội lỗi là sự khốn nạn mà nó tạo ra giống như một cơn xoáy nước, mà sức hút của nó sẽ hút mọi vật thể gần đó xuống đáy sâu. Đó là phụ nữ Ca-na-an phóng túng và là công cụ khiến dân Y-sơ-ra-ên rời bỏ con đường chân lý và sự trong sạch, hay là đối với những đứa trẻ thà chết từ khi còn nhỏ hơn là khi lớn lên sẽ trở thành như những kẻ sùng bái thần tượng và trụy lạc, là những vấn đề chính chỉ cần đề cập đến là đầy dủ ở đây.34

Khi chúng ta xem xét phạm vi đầy đủ của bản chất đạo đức của Đức Chúa Trời như đã được dạy trong Kinh Thánh, thì những phân đoạn này không còn gây ra vấn đề khó khăn gì nữa. Họ đối diện với thực tế nghiêm khắc của sự phán xét; những điều họ làm chỉ có thể được gọi là vô đạo đức nếu chúng ta chuẩn bị để khẳng định tiêu chuẩn đạo đức của chính mình trước mặt Đức Chúa Trời.

 

BẢN VĂN GỐC VÔ NGỘ KHÔNG CÒN

Một đòn đánh có vẻ như đang nói lên sự phản đối quan điểm về sự soi dẫn không thể sai lầm là vấn đề rằng chúng ta không sở hữu các bản gốc của Kinh Thánh. Các bản chép tay bằng tiếng Do Thái và tiếng Hy Lạp của Kinh Thánh mà chúng ta sở hữu không phải là bản sao hoàn hảo của bản gốc, vì vậy chúng ta không có một văn bản hoàn toàn vô ngộ để nhận xét. Một số người cho rằng không có lý do gì để tranh cãi về tính không sai lầm, tức là sự soi dẫn vô ngộ của Kinh Thánh khi mà chúng ta đơn giản là không có cuốn Kinh Thánh gốc như vậy.

Mặc dù lúc đầu suy luận này có vẻ hợp lý, nhưng suy nghĩ sâu hơn thì thấy rằng nó đã bỏ qua các sự kiện quan trọng. Thứ nhất, niềm tin của chúng ta vào sự soi dẫn không thể sai lầm không phụ thuộc vào nhu cầu tạo ra bản văn gốc của Kinh Thánh. Thay vào đó thì niềm tin của chúng ta dựa vào lẽ thật mà Đấng Christ và các tác giả Kinh Thánh đã dạy nó.

Thứ hai, niềm tin vào sự vô ngộ của các nguyên bản vẫn có giá trị đối với chúng ta ngay cả khi chúng đã bị diệt vong. Thước bàn và thước cuộn của chúng ta không chính xác tuyệt đối; chúng là những giá trị gần đúng với các tiêu chuẩn tổng thể được duy trì bởi Cục Tiêu chuẩn Quốc gia ở Washington, D.C. Chúng ta có thể không nhận biết rằng có một tiêu chuẩn như vậy tồn tại; tuy nhiên, thước bàn và thước cuộn của chúng ta có giá trị bởi vì chúng dựa trên một tiêu chuẩn tuyệt đối. Tương tự như vậy, những cuốn Kinh Thánh hiện tại của chúng ta—ngay cả với những sai sót nhỏ—vẫn có giá trị vì có một tiêu chuẩn tuyệt đối đằng sau chúng.

Niềm tin vào sự vô ngộ của các bản chép tay nguyên thủy của Kinh Thánh là sự kiểm soát cuối cùng trong việc chúng ta tìm kiếm một hướng dẫn tuyệt đối đáng tin cậy về lẽ thật. Nếu chúng ta tin rằng Kinh Thánh nguyên bản là không thể sai lầm, thì chúng ta chỉ có thể tự do thay đổi các bản dịch Kinh Thánh ở những nơi mà khoa học nghiên cứu nguyên bản khiến chúng ta tin rằng sự thay đổi đó đưa chúng ta đến gần hơn với các bản văn gốc. Những người không tin rằng các nguyên bản là vô ngộ thì cảm giác rằng họ có thể bác bỏ bất kỳ điều gì trong Kinh Thánh mà họ cho là sai, theo như được đánh giá bởi một số tiêu chuẩn bên ngoài về lẽ thật. Việc tin rằng các bản chép tay gốc của Kinh Thánh là chắc chắn vô ngộ sẽ ảnh hưởng đến thái độ của chúng ta đối với Kinh Thánh và việc chúng ta sử dụng Kinh Thánh.

Chúng ta cũng phải nhớ rằng Kinh Thánh hiện tại của chúng ta gần với nguyên bản như thế nào. Chúng ta đã nói về những khác biệt nhỏ nhất định trong các bản sao cổ mà chúng ta sở hữu. Nhưng số lượng lớn các bản sao đang tồn tại và độ tin cậy chung của những người sao chép đã giúp các học giả có thể xác định chắc chắn việc đọc bản văn gốc ở hầu hết mọi nơi. Một trong những người có thẩm quyền lớn nhất về các bản viết tay Tân Ước, Ngài Frederic Kenyon của Bảo tàng Anh quốc, đã khẳng định cách đây vài thập kỷ, “Không thể khẳng định quá mạnh mẽ rằng bản chất nội dung của bản văn Kinh Thánh là chắc chắn: Đặc biệt là trường hợp này đối với Tân Ước. Số lượng bản viết tay của Tân ước, của các bản dịch ban đầu từ nó, và các trích dẫn từ nó trong những tác giả lâu đời nhất của Hội thánh, thì rất lớn đó là trên thực tế chắc chắn rằng khả năng đọc hết thực sự của mọi đoạn văn là rất đáng ngờ, đó là nó vẫn được lưu giữ trong một số người này hoặc người khác của những nhà chức trách cổ đại này. Điều này có thể được hiểu là không có cuốn sách cổ nào khác trên thế giới này.35

Gần đây hơn, Douglas Stuart đã tóm tắt tình hình liên quan đến những từ gốc của Kinh Thánh. “Người ta lập luận rằng 99 phần trăm các từ gốc trong Tân Ước có thể khôi phục được với mức độ chính xác rất cao. Trong trường hợp của Cựu Ước, con số này có thể giống 95 phần trăm. Khi những từ có thể khôi phục được với mức độ chính xác rất cao được thêm vào, chúng ta có thể tự tin rằng chúng ta có thể đọc, suy ngẫm và hành động dựa trên những gì thực tế tương đương với bản gốc. Không có lĩnh vực đức tin hay thực hành Cơ đốc giáo nào thực sự đứng vững hoặc sụp đổ vì dựa trên cơ sở các nghiên cứu bản văn.”36

Một số người có thể hỏi, “Tại sao Đức Chúa Trời trong sự quan phòng của Ngài lại không lưu giữ các bản sao gốc để dân sự Ngài sở hữu chúng trong suốt lịch sử?” Tất nhiên, câu trả lời cho câu hỏi này chỉ có Ngài biết. Tuy nhiên, có hai suy nghĩ, rất hữu ích. Nếu các bản sao gốc tiếp tục tồn tại, dân sự của Đức Chúa Trời có thể đã tôn vinh chúng như những di vật và thờ phượng chúng như họ đã từng làm con rắn bằng đồng mà cuối cùng Ê-xê-chia đã phá hủy (2 Vua. 18:4). Ngoài ra, nghi ngờ về việc liệu một bản sao cụ thể có thực sự là từ bản gốc không sẽ chắc chắn nảy sinh và không bao giờ có thể được giải quyết, khiến cho việc chắc chắn là không thể. Một người thông minh thậm chí có thể thay đổi bản văn. Vì vậy, sở hữu các tác phẩm gốc có thể là một nguồn tranh cãi không hồi kết hơn là một phước lành.

 

SỰ SUY XÉT SAU CÙNG

Khi xem xét những vấn đề khó hiểu ở trong Kinh Thánh, chúng ta nên ghi nhớ một số suy nghĩ.

 

Một Số Vấn Đề Nhỏ

Khi chúng ta xem xét Kinh Thánh – được viết cách đây rất lâu bởi hơn bốn mươi trước giả trong khoảng thời gian một ngàn năm trăm năm – khả năng sai sót và sai lệch dường như là vô hạn. Những sai sót trong việc tường thuật lịch sử, trong việc giải thích các hiện tượng, trong các học thuyết tâm linh, sự cường điệu, vân vân, – tất cả đều có thể dễ dàng được hình dung trong một tác phẩm như Kinh Thánh. So với vô số sai sót trong tác phẩm của các tác giả cổ đại, thì Kinh Thánh không gặp khó khăn gì một cách đáng kinh ngạc. Nhận xét sau đây rất đáng xem xét. “Môi-se đã được học biết tất cả sự khôn ngoan của người Ai Cập. Điều gì đã bảo toàn ông khi viết Ngũ kinh, ông không chấp nhận niên đại của người Ai Cập cổ đại mà sau này Manetho chắc chắn đã ghi lại trong các tác phẩm của mình và được cho là bắt đầu từ 30.000 năm trước Đấng Christ? Điều gì đã ảnh hưởng đến việc Daniel, người giỏi về khoa học Chaldean, bịt tai trước những câu chuyện ngụ ngôn quái dị của người Chaldean về sự sáng tạo ra thế giới? Paul đã làm quen với khoa học tốt nhất trong thời đại của mình. Tại sao chúng ta không tìm thấy điều gì trong các bài phát biểu hoặc các bức thư của ông ấy giống như việc Augustine bác bỏ học thuyết về các sự tương phản truyệt đối một cách khinh bỉ, hoặc theo quan điểm của Ambrose cho rằng mặt trời tự hút nước để nó có thể tự làm mát và làm mới mình khỏi sức nóng phi thường của nó?”37

 

Nhiều Khó Khăn Đã Được Loại Bỏ

Một thực tế thứ hai cần nhớ là khi hiểu biết của chúng ta về thế giới cổ đại ngày càng tăng, thì số lượng các vấn đề trong Kinh Thánh đã giảm xuống. Như đã đề cập ở trên, nhiều vấn đề của Kinh Thánh được nêu ra nhầm chống lại tính trung thực của nó đã đi theo hướng khác khi nghiên cứu học thuật về lịch sử, khảo cổ học và ngôn ngữ học đã nâng cao hiểu biết của chúng ta về thế giới cổ đại. Thực tế này sẽ khiến bất kỳ ai do dự khi khẳng định một sai sót đã được chứng minh ngày nay trừ khi người ấy chuẩn bị tuyên bố rằng anh ta có dữ liệu đầy đủ liên quan đến mọi thứ có liên quan đến một vấn đề cụ thể và cách giải thích của anh ta về dữ liệu đó là không thể sai. Chúng ta nên xem xét kỹ các vấn đề chưa được giải quyết, nhận ra rằng khi tất cả dữ liệu được thông hiểu, thì bản văn ở đây cũng sẽ được coi là trung thực.

 

Không Cần Thiết Để Giải Quyết Tất Cả Các Vấn Đề Trong Kinh Thánh

Những vấn đề trong Kinh Thánh đã và sẽ không còn nghi ngờ gì nữa sẽ tiếp tục được giảm bớt nhờ sự gia tăng kiến thức nên khiến các tín đồ hài lòng với việc không thể giải quyết được tất cả các vấn đề ngày nay. Nó cũng khuyến khích chúng ta không nên cố gắng đưa ra các hình thức gượng giải để giải cứu học thuyết về sự vô ngộ. Lời khuyên của Benjamin Warfield được thực hiện tốt. “Khả năng sản sinh của mỗi cá nhân chúng ta trong các diễn giải thích hợp, cái nhìn sâu sắc của cá nhân chúng ta trong việc diễn giải chân lý, khả năng hiểu biết của cá nhân chúng ta không phải là thước đo của chân lý. Nếu chúng ta không thể hòa hợp mà không bị căng thẳng, thì chúng ta nên hãy để yên đó sự không hài hòa.”38 Giáo lý về tính vô ngộ của Kinh Thánh không phụ thuộc vào khả năng chứng minh điều đó của chúng ta, mà dựa vào sự dạy dỗ của chính nó về nguồn soi dẫn đầy trọn của nó, bao gồm cả giáo lý của Chúa chúng ta.39 Lập trường của Packer đối với vấn đề này là đáng khen ngợi đối với tất cả những người tin. “Không phải nghi ngờ gì về việc Kinh Thánh nói đúng, nhưng chính xác thì chúng ta nên nói gì về những nhân vật và sự kiện được đề cập đến trong Kinh Thánh thì không phải lúc nào cũng rõ ràng vì thiếu thông tin bổ sung. Tôi không tin rằng sự tôn vinh Đức Chúa Trời đòi hỏi tôi phải có một câu trả lời, và một câu trả lời đầy đủ cho mọi thứ.”

 

KẾT LUẬN

Như chúng ta đã thấy trong vài chương trước, Kinh Thánh dạy rằng nó là sản phẩm từ sự hà hơi của Đức Chúa Trời (2 Tim. 3:16) và do đó toàn bộ Kinh Thánh là lẽ thật. Những tuyên bố như vậy, cũng như bằng chứng tràn ngập về nguồn gốc siêu nhiên của Kinh Thánh, đã khiến hầu hết các tín đồ trong suốt lịch sử của hội thánh tin cậy vào sự vô ngộ tuyệt đối của Kinh Thánh bản gốc. Khi gặp những sự khó hiểu mà họ không thể giải thích được, thái độ của họ là của Augustine được bày tỏ trong một bức thư gửi Jerome. “Và nếu trong những bài viết này, tôi cảm thấy bối rối bởi bất cứ điều gì có vẻ trái ngược với sự thật đối với tôi, tôi không ngần ngại cho rằng hoặc MS. (bản thảo) bị lỗi, hoặc người dịch không hiểu được ý nghĩa của những gì đã nói, hoặc bản thân tôi đã không hiểu được nó.”41

Thái độ của Augustine bày tỏ là một thái độ tin cậy nên tác có động quan trọng đến sự tiếp cận của chúng ta đối với các vấn đề của Kinh Thánh. Dựa vào tất cả các bằng chứng, chúng ta nên sẵn lòng tin tưởng vào tính trung thực của Kinh Thánh mặc dù chúng ta không thể giải thích mọi thứ. Như William Arndt lưu ý, sự tin tưởng như vậy là phù hợp, vì mối quan hệ của chúng ta với tư cách là những con người hữu hạn, tội lỗi đối với Cha thiên thượng. “Một đứa trẻ lễ phép, ngoan ngoãn, đáng yêu sẽ làm gì khi nghe người cha nhận xét thì trên mặt nó tỏ vẻ phản đối? Thay vì chỉ trích và lên án lời nói của người cha là sai, thì đứa trẻ sẽ yêu cầu người cha giải thích. Nếu chúng ta tìm thấy những vấp váp trở ngại trong Kinh Thánh, thì chúng ta hãy giữ thái độ của một đứa trẻ đáng yêu như vậy.”42 Tôi có thể nói thêm rằng ngay cả khi người cha vì lý do chính đáng nào đó quyết định không đưa ra lời giải thích vào lúc đó, thì sự tin tưởng vẫn luôn phục tùng.

Việc xem xét một cách thẳng thắn tất cả những gì Kinh Thánh dạy về bản thân nó sẽ tạo ra một học thuyết vô ngộ. Không có dữ liệu nào bác bỏ thực tế này.

 

 

  1. Hội Thánh Tin Điều Gì Về Kinh Thánh?

 

 

 

 

CÁC TÍN HỮU NGÀY NAY đứng trong truyền thống lâu đời của đức tin. Lẽ thật của phúc âm mà hội thánh được xây dựng là thuộc về chúng ta hôm nay bởi vì  nhiều tín hữu đã nhanh chóng nắm giữ cùng một phúc âm được mô tả là ”đức tin đã truyền cho các thánh đồ một lần đủ cả” (Giu-đe 3). Như chúng ta đã thấy trong các chương trước, thì trong suốt thời kỳ Kinh Thánh, dân sự của Đức Chúa Trời tin rằng Kinh Thánh là sự mặc khải của Đức Chúa Trời, do Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã phán qua ngòi bút của các trước giả. Do đó, họ thể hiện tính chân thật của Lời của Đức Chúa Trời. Kể từ thời Tân Ước, hội thánh có tiếp tục chấp nhận Kinh Thánh theo cách tương tự không?

 

Nhiều người bác bỏ tính trung thực của Kinh Thánh. Họ cho rằng tín lý “không thể sai lầm” như hiện nay được nắm giữ bởi những nhà truyền giáo phúc âm thì không phải là quan điểm lịch sử của Cơ đốc giáo.”1 Người ta lập luận rằng ý tưởng về sự không thể sai lầm này bắt nguồn từ nhiều áp lực khác nhau của giáo hội sau Cuộc cải chánh. Sự xung đột với tòa thánh Rô-ma về việc liệu giáo hội hay Kinh Thánh là thẩm quyền tối hậu của các tín đồ. Sự xuất hiện của thời đại khoa học và thời đại của chủ nghĩa duy lý gắn liền với thời đại Khai sáng được cho là đã khiến nhiều nhà thần học chính thống tán thành tính “không thể sai lầm” của Kinh Thánh.

 

Thời hiện đại, “sự kiên định mạnh mẽ về tính “không thể sai lầm” của Kinh Thánh trong lĩnh vực khoa học và dữ kiện lịch sử” thì được cho là có liên quan đến “lối tư duy hiện đại” và “có sự khác biệt lớn so với lối tư duy của người Hê-bơ-rơ cổ đại.”2 Theo những người phản đối sự không thể sai lầm của Kinh Thánh cho rằng khi các giáo phụ của Hội thánh khẳng định sự “không thể sai lầm” thì họ chỉ nói về lẽ thật thuộc linh liên quan đến sự cứu rỗi chứ không nói về các chi tiết lịch sử, khoa học và địa lý. Theo lời của một người ủng hộ quan điểm này, “Các giáo phụ đã … tin rằng Kinh Thánh thì không thể sai lầm… và Kinh Thánh là cái kho lưu trữ điều “không thể sai lầm” về tôn giáo mặc khải. Nhưng … [họ] nhận ra những giới hạn và điều kiện thời gian của nó liên quan đến việc phát triển liên tục về nhận thức của con người và kiến thức thực tế.”Theo cách hiểu này, khi Đức Chúa Trời bày tỏ lẽ thật về sự cứu rỗi thì Ngài đã chấp nhận những quan điểm đương thời của các trước giả về các vấn đề khác. Luận điểm sai trật này thường được cho rằng có sự phân biệt giữa hình thức và chức năng của Kinh Thánh trong cách trình bày thông điệp về sự cứu rỗi, “Kinh Thánh là không thể sai lầm”. Nhưng mục đích này được thực hiện thông qua hình thức các bản ghi chép của con người thì không hoàn toàn là không thể sai lầm.

 

 

 

 

HỘI THÁNH BAN ĐẦU

 

 

Câu hỏi về thẩm quyền và tính “không thể sai lầm” của Kinh Thánh đã không nhận được sự giải thích có hệ thống rõ ràng trong hội thánh ban đầu; lí do đơn giản là vì không có sự tranh cãi về những vấn đề này. Hơn một thế kỷ trước, James Bannerman đã giải thích về “Niềm tin vào Hội thánh ban đầu”, và vào sự “không thể sai lầm của Kinh Thánh”. Niềm tin này đã không gây khó khăn và để đòi hỏi sự bảo vệ bằng những lời giải thích và ý kiến chung để cần sự hỗ trợ từ những lập luận. “Không có tranh cãi hay lý thuyết nào được đòi hỏi để thỏa mãn đức tin của các Cơ đốc nhân.”4 Geoffrey Bromiley, một Sử gia của hội thánh đã bày tỏ sự đồng tình với điều này. Ông cho biết, “Chúng tôi bị công kích cùng một lúc”, “bởi các trước giả (trong hội thánh ban đầu) đã chấp nhận sự soi dẫn và thẩm quyền của Kinh Thánh như một điều hiển nhiên”5. Mặc dù chưa được trình bày đầy đủ, nhưng các tác giả thời kỳ này đã cung cấp bằng chứng xác đáng về niềm tin của các Cơ đốc nhân chính thống đối với Kinh Thánh.

 

 

 

Quan điểm của Hội thánh ban đầu về sự soi dẫn của Thánh Linh

 

Rõ ràng là các giáo phụ của hội thánh đầu tiên đều cùng quan điểm là toàn bộ Kinh Thánh đều được Đức Thánh Linh soi dẫn. Vào cuối thế kỷ thứ nhất, Clement ở Rô-ma đã viết thư cho các tín hữu tại Cô-rinh-tô có liên quan đến bức thư Cô-rinh-tô đầu tiên của Phao-lô: “Để chắc chắn rằng dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh, Phao-lô đã viết cho các tín hữu về chính mình, và Sê-pha, và A-bô-lô.” Một lần nữa, Phao-lô viết, “Các anh em đã học Kinh Thánh là sách chứa đựng lẽ thật và được Đức Thánh Linh soi dẫn.” Clement giới thiệu các phần của Thi thiên, nói rằng, “Đây là cách mà Chúa Giê-su Christ nói với chúng ta thông qua Đức Thánh Linh.”6 Vào đầu thế kỷ thứ hai, Polycarp là giám mục của Hội thánh tại Smyrna, đã gọi Kinh Thánh là “Lời phán của Chúa.”7

 

 

 

Tương tự, nhà hùng biện Justin Martyr ở thế kỷ thứ hai đã khẳng định niềm tin của mình vào sự soi dẫn thần thượng của Kinh Thánh. “Các nhà tiên tri được soi dẫn bởi không chủ thể nào khác hơn là Lời thần thượng.”8.  “Một lần nữa, cũng giống như tiên tri Ê-sai, được soi dẫn bởi Linh tiên tri, đã nói: “Tôi đã dang tay ra đối với những người không vâng lời và chối cãi.”9 Các nhà tiên tri đã nói trước điều gì sẽ xảy ra “được phán bởi Thần linh thiên thượng”10

 

Irenaeus (khoảng 140-202), người được gọi là “vĩ đại nhất trong tất cả các tác giả và học giả Cơ đốc của thế kỷ thứ hai,”11 đã khẳng định mạnh mẽ về nguồn soi dẫn và thẩm quyền của Kinh Thánh. Irenaeus gọi “Kinh Thánh là của Chúa.” “Nếu chúng ta không thể nhận thức rõ những lời giải thích về mọi điều trong Kinh Thánh…. chúng ta nên để những điều thuộc về bản chất nguyên thủy đó cho Đức Chúa Trời, là Đấng đã tạo ra chúng ta. Đồng thời cũng được đảm bảo một cách đúng đắn nhất rằng Kinh Thánh thực sự hoàn hảo. Vì những lời đó được phán ra bởi Lời của Đức Chúa Trời và bởi Thánh Linh của Ngài.”12

 

Cùng một niềm tin mạnh mẽ vào sự soi dẫn của Kinh Thánh, điều này được tiếp tục ở thế kỷ thứ ba như đã thấy trong lời chứng của hai học giả vĩ đại người Alexandria. Clement ở thành Alexandria (khoảng năm 150-211) đã tuyên bố, “Tiên tri Giê-rê-mi, người được ban cho sự khôn ngoan tột đỉnh, hay đúng hơn là do Đức Thánh Linh ngự trong Giê-rê-mi để bày tỏ Đức Chúa Trời.”13 Một lần nữa, ông viết, “Vì chúng ta có các nguồn như là nguồn từ lời dạy dỗ và từ Chúa, cả hai đều bởi các tiên tri, bởi các sách Phúc âm và bởi các sứ đồ được ban phước.”14 Origen (khoảng 185-254) thì tuyên bố và đã nói cho các hội thánh vào thời của mình rằng, “Chính Thánh Linh đã soi dẫn từng mỗi  thánh đồ, dù là tiên tri hay sứ đồ; và không có một Thánh Linh nào ở trong những con người của thời kỳ cổ đại, và một Thánh Linh nào khác trong những người được soi dẫn khi Đấng Christ giáng sinh. Điều này đã được dạy cách rất rõ ràng trong khắp các hội thánh. Ông cũng viết, “Bản thân Kinh Thánh là thần thượng, tức là đã được Thần linh của Đức Chúa Trời soi dẫn…. Kinh Thánh được viết ra bởi Thánh linh của Đức Chúa Trời.”15

 

Theo nhà thần học Gregory ở thành Nyssa (khoảng năm 335-394), cho rằng: “Tất cả những điều Kinh Thánh nói đều là lời phán của Thánh Linh.”16 Vị giám mục ở Bắc Phi là Augustine (khoảng năm 354-430), ông thường được biết đến là nhà thần học vĩ đại nhất của hội thánh đầu tiên, đã xác chứng rõ ràng về niềm tin của mình là vào nguồn gốc thiên thượng của Kinh Thánh. Ông nói, thẩm quyền tác giả của sách Sáng thế ký là Đức Chúa Trời và thông qua Môi-se được lựa chọn để viết ra. “Tôi sẽ không đề cập đến những ai nghĩ rằng Môi-se có thể đã nói điều gì đó không đúng sự thật. Nhưng trong Chúa, những người mà tôi muốn được kết hợp…. là những người quan tâm lẽ thật của Chúa…. Cùng với họ, tôi sẽ tiếp cận những lời trong Kinh Thánh để tìm kiếm trong đó ý muốn của Chúa, thông qua tôi tớ Ngài và thông qua ngòi bút của họ mà Chúa đã truyền đạt những điều đó cho chúng tôi.”17 Khi trả lời những người chỉ trích Cơ đốc giáo vì cho rằng Kinh Thánh không có bất kỳ tác phẩm nào từ chính tay của Chúa Giê-su viết ra, thì Augustine nói đến sứ điệp của Chúa Giê-su thông qua các sứ đồ. “Khi những môn đồ đó đã viết về những vấn đề mà Ngài đã tuyên bố và phán dạy họ, thì không thể nói rằng Chúa đã không viết gì về chính Ngài. Vì sự thật là các môn đồ như là các chi thể của Ngài (trong thân thể Ngài) chỉ hoàn tất những gì đã trở nên quen thuộc từ các câu nói được lập đi lập lại của Người đứng đầu là Chúa. Bởi vì tất cả những gì Ngài muốn truyền đạt cho chúng ta, những chủ đề chúng ta quan tâm về các hành động và lời nói của chính Ngài, thì Ngài đã truyền lệnh cho các môn đồ viết xuống. Ngài đã sử dụng các môn đồ như thể họ là chính tay của Ngài vậy.”18

Bằng chứng tương tự cho niềm tin vào sự soi dẫn thiêng liêng của Kinh Thánh có thể được trích dẫn từ các nhà lãnh đạo khác của Hội thánh đầu tiên, bao gồm Tertullian (khoảng 155-220), Hippolytus (mất năm 236), Cyprian (195-258) và Jerome (khoảng năm 374-419).19 Như Geoffrey Bromiley đã nói, “Các giáo phụ này đã chấp nhận sự soi dẫn thiêng liêng của Kinh Thánh, dù là Cựu ước hay Tân ước thì cũng có thể được chứng minh một cách dễ dàng nhất.”20

Khi giải thích khái niệm về sự soi dẫn của họ, các giáo phụ ban đầu nhấn mạnh đến quyền thiêng liêng của tác giả của Kinh Thánh. Chẳng hạn như nhà hùng biện Cơ đốc giáo là Athenagoras đã nói về Thần linh hà hơi thông qua các trước giả con người, cũng như ngay khi một nghệ sĩ sử dụng ống sáo để thổi ra tiếng sáo.21 Đây là Phép ẩn dụ về các nhạc cụ thì cũng được sử dụng bởi những người khác. Justin Martyr đã ví Thần linh thiêng liêng như một “miếng gảy đàn đến từ  thiên đàng và sử dụng những người công chính như một nhạc cụ là đàn hạc hoặc đàn lia.”22 Việc tra cứu Kinh Thánh cũng được thực hiện bởi Thánh Linh.23 Tuyên bố của Augustine được trích dẫn ở trên, trong đó ông nói rằng Đấng Christ đã sử dụng các sứ đồ như “bàn tay của chính mình”. Điều này cũng có thể được hiểu là các trước giả con người hoàn toàn thụ động trong quá trình được soi dẫn. Vào thế kỷ thứ sáu, Gregory the Great đã tổng kết các loại tư tưởng này bằng cách khẳng định rằng, “Câu hỏi về quyền tác giả của con người không có liên quan gì nhiều. Nếu chúng ta biết ai là tác giả đích thực của mỗi tác phẩm và chúng ta hiểu những gì Ngài nói với chúng ta, thì tại sao chúng ta phải tò mò tìm hiểu “ngòi bút” nào đã viết những lời thiêng liêng trên giấy? ”24

Mặc dù có sự thống nhất chung từ các giáo phụ của hội thánh ban đầu, khi nhấn mạnh đến nguồn gốc thiêng liêng của Kinh Thánh. Họ đã không dành vị trí thích đáng cho các trước giả con người, nhưng rõ ràng là họ không loại trừ sự tham gia chân chính của con người. Ngay cả những người nhấn mạnh quyền thiêng liêng của tác giả và thẩm quyền của Kinh Thánh với những tuyên bố như những điều được trích dẫn cũng không có ý ám chỉ rằng các trước giả con người hoàn toàn thụ động.

Theo J. N. D. Kelly, là người có thẩm quyền về tư tưởng Cơ Đốc Giáo. Truyền thống chính thống của hội thánh ban đầu “nói chung… đã cẩn thận tránh bị dính líu đến vai trò của [những người viết Kinh Thánh] hoàn toàn là thụ động.”25 Bằng chứng là ông chỉ ra lời giải thích của Hippolytus rằng “khi Lời Chúa cảm động các tiên tri thì có tác dụng là làm rõ khải tượng của họ và chỉ dẫn sự hiểu biết của họ.26 Tương tự, Origen gợi ý rằng “chức năng của Thánh Linh là khiến [các Trước giả Kinh Thánh] hiểu ra sự thật rõ ràng hơn mà không làm mất đi ý chí tự do của họ trong bất kỳ trường hợp nào.”27 Chrysostom (khoảng năm 347-407) và Cyril ở Alexandria đã thực hiện “phần lớn sự đóng góp cá nhân của Môi-se, Giăng và Phao-lô trong bài viết thực tế về các tác phẩm của họ,” và Jerome (khoảng 374-419) đã chỉ ra sự khác biệt về phong cách và bối cảnh văn hóa chung mà các trước giả khác nhau thể hiện trong các tác phẩm của họ.28 Augustine thừa nhận rằng các tước giả Phúc Âm đã sử dụng ký ức của chính họ để viết ra tác phẩm. Tuy nhiên, ký ức của họ đã được Thánh Linh cảm thúc và bảo vệ khỏi sai lầm.29 Ngay cả Gregory có vẻ cũng từ chối bất kỳ ý nghĩa nào được nói ra từ các trước giả con người mà có liên quan đến Sách Gióp. Trước giả của cuốn sách này không được biết đến và do đó không thể có bất kỳ mối liên hệ cụ thể nào trong việc giải thích cuốn sách này. Tuy nhiên, nói chung là trong khi ghi nhận sự đóng góp của các trước giả con người về việc viết ra Kinh Thánh thì các giáo phụ ban đầu đã không nghiên cứu cách sâu sắc về bản chất tác động của Thánh Linh đối với họ. Họ chỉ nhấn mạnh đơn giản về Đức Chúa Trời với tư cách là Tác giả của Kinh Thánh.

 

Câu Hỏi Về Tính Không Thể Sai Lầm Của Kinh Thánh (sự vô ngộ của Kinh Thánh) Trong Hội Thánh Ban Đầu

Các giáo phụ của hội thánh đầu tiên có tin rằng Kinh Thánh luôn đúng trong mọi phương diện, kể cả lịch sử và khoa học không? Mặc dù họ không bàn luận chi tiết về chủ đề của sự vô ngộ (không thể sai lầm) của Kinh Thánh, đó là hệ quả tự nhiên của niềm tin chắc chắn rằng Đức Chúa Trời là Tác giả của Kinh Thánh. Mặc dù không phải là người biện hộ cho sự vô ngộ của Kinh Thánh, nhưng Bruce Vawter tuyên bố. “Sẽ là vô nghĩa nếu đặt câu hỏi rằng sự vô ngộ của Kinh Thánh, đúng hơn là hình thức tuyệt đối là sự thuyết phục phổ biến từ ban đầu của thời kỳ Cơ Đốc giáo, và từ thời kỳ Do Thái giáo trước đó. Đối với các Giáo phụ và các Ra-bi nói chung, việc chép lại Kinh Thánh mà bị sai bất kỳ lỗi nào là không thể tưởng tượng được; nếu là lời của Đức Chúa Trời thì lời đó phải là chân thật, bất kể nó được biết đến là sự mầu nhiệm về sự mặc khải thiêng liêng hoặc giới thiệu về dữ liệu khoa học tự nhiên, hoặc cho dù nó bắt nguồn từ sự quan sát của con người hay ghi chép lại sự kiện của lịch sử.30

Lời tuyên bố trong các tác phẩm của các giáo phụ ban đầu minh chứng rõ ràng cho kết luận của Vawter, Clement ở Rô-ma (khoảng 30-95) đã viết trong thư gửi tín hữu Cô-rinh-tô, “Bạn đã học biết Kinh Thánh chứa đựng lẽ thật và được Đức Thánh Linh soi dẫn. Bạn nhận ra rằng trong đó không có gì sai hoặc gây hiểu lầm.”31 Irenaeus tuyên bố rằng “không ai có ý thức bình thường mà có thể cho phép họ [những người phản đối Phúc âm Lu-ca là đáng tin cậy] chấp nhận một số điều được Lu-ca kể lại là đúng, và gạt những người khác sang một bên, như thể anh ta không biết lẽ thật.”32 Hơn nữa, cũng theo Irenaeus, chúng ta nên “được đảm bảo một cách đúng đắn nhất rằng Kinh Thánh thực sự hoàn hảo, vì chúng đã được phán ra bởi Lời  của Đức Chúa Trời và Thánh Linh của Ngài.”33 Justin Martyr đã mạnh dạn khẳng định trong đối thoại của mình với Trypho, “Tôi hoàn toàn tin chắc rằng Kinh Thánh không mâu thuẫn với Kinh Thánh.” Dù có trưng dẫn một trường hợp nào đó có vẻ mâu thuẫn, ông nói thêm, “Tôi sẽ phải thừa nhận rằng tôi không hiểu điều đã được ghi chép nảy, và sẽ cố gắng thuyết phục những người suy nghĩ rằng Kinh Thánh mâu thuẫn, hơn thế nữa là cùng quan điểm với tôi.”34

Origen cũng tuyên bố rằng mặc dù có thể xuất hiện mâu thuẩn trong Kinh Thánh “đối với những người không có lỗ tai để nghe”, nhưng trên thực tế “không có mâu thuẩn …. [Cả hai] thực sự là một sự hòa hợp hoàn hảo.”35 Athanasius (khoảng năm 293–373) khẳng định tính vô ngộ về mọi khía cạnh của Kinh Thánh khi ông viết, “Tuy nhiên, chúng tôi là những người mở rộng độ chính xác của Thánh Linh đến từng nét chữ và ý nghĩa, sẽ không bao giờ chấp nhận sự xác nhận ngầm…. ngay cả những vấn đề nhỏ nhất đã được xử lý một cách bừa bãi của những người ghi chép lại và do đó đã in trí cho đến ngày nay”36 Chrysostom cũng viết về sự thần cảm của tất cả các chi tiết trong Kinh Thánh. Đối với những nhân vật được tìm thấy trong Kinh Thánh “một đống chà là hoặc một chuỗi các tên” và chuyển cho họ bằng cách nói “chúng chỉ là những cái tên, chẳng có ích lợi gì gì trong đó”, Chrysostom trả lời, “Đừng thốt ra điều bỉ ổi như vậy. Đức Chúa Trời phán, và bạn trơ tráo nói, không có gì ích lợi trong những lời nói đó.”37 Một lần nữa, ông viết, “Với Kinh Thánh… thì không giống như vậy. Vàng thì không nói dối trước mặt chúng ta là nó được trộn lẫn với đất; thay vì nói vàng chính là vàng.”38 Chrysostom rõ ràng là không đồng tình với ý kiến ​​của nhiều người ngày nay rằng sự vô ngộ của Kinh Thánh chỉ giới hạn trong lẽ thật thuộc linh chứ không phải những vấn đề khác.

Augustine cũng đã xác nhận cho tính trung thực của toàn bộ Kinh Thánh. Đề cập đến sáu mươi sáu sách kinh điển, ông nói, “Trong số các sách này, tôi tin xác quyết rằng các trước giả hoàn toàn không có sai sót.”39 Ở chỗ khác, ông viết, “Vì vậy, mọi điều được viết trong Kinh Thánh phải được tin tưởng tuyệt đối.”40 Niềm tin của Augustine vào sự vô ngộ  của Kinh Thánh đã ảnh hưởng đến những tuyên bố trong Kinh Thánh có liên quan đến khoa học. “Dù thế nào đi nữa, họ [các nhà khoa học] có thể dễ dàng chứng minh là đúng về bản chất vật lý.” Augustine nói, “chúng ta phải chứng tỏ khả năng hòa hợp đối với Kinh Thánh, và bất cứ điều gì họ khẳng định trong các luận thuyết của họ là trái với những điều này trong Kinh Thánh của chúng ta… hoặc chúng ta phải chứng minh điều đó cũng như hoặc chúng ta có thể là hoàn toàn thất bại, hoặc trong tất cả các sự kiện, chúng ta không chút do dự dù là điều nhỏ nhất phải tin rằng nó là như vậy.”41

Trong bức thư gửi Jerome, Augustine bác bỏ luận điểm của Jerome rằng một người tốt (Paul) có thể chối bỏ ý thức trách nhiệm. “Đối với tôi, dường như đây là hậu quả rất tai hại chắc chắn cập theo niềm tin của chúng ta đó là bất cứ điều gì sai lạc đều được tìm thấy trong các sách thánh…. Vì nếu các bạn đã từng tin vào điều thiêng liêng từ một tuyên bố sai lạc như vậy, cũng như từ trong cách thực hiện, thì sẽ không có bất cứ câu nào trong các sách này được lưu lại, mà nếu xuất hiện điều nào đó khó khăn trong thực hành hoặc khó tin tưởng, thì có thể không được giải thích bởi cùng một nguyên tắc nguy hại, như một tuyên bố cách cố ý trong đó, và theo ý thức trách nhiệm, tác giả đã tuyên bố những gì không đúng sự thật.”42

Nhằm vào tuyên bố này, một số người phản đối sự vô ngộ trong Kinh Thánh đã cố gắng miêu tả khái niệm “sai lầm” trong Kinh Thánh của Augustine như là hành động cố ý nói dối. Jack Rogers và Donald McKim viết, “Sai lầm, là vì Augustine, có liên quan đến lời kể cố ý và lừa dối mà tác giả biết là không đúng sự thật. Chính trong bối cảnh nghiêm túc về đạo lý đó, ông đã tuyên bố rằng ‘các tác giả Kinh Thánh hoàn toàn không mắc lỗi.’ Ông đã không áp dụng khái niệm về sự sai lầm cho các vấn đề nảy sinh từ sự hạn chế của con người về kiến thức, các quan điểm khác nhau trong việc ký thuật lại các sự kiện, hoặc lịch sử hoặc điều kiện văn hóa của các tác giả.”43

Tuy nhiên, bức thư bổ sung của Augustine cho Jerome cho thấy rằng ông không có ý định hạn chế “sai lầm” vì sự lừa dối có chủ ý. Như đã nói ở trên, thì sau khi tuyên bố rằng, các tác giả Kinh Thánh “hoàn toàn không có sai lầm”, Augustine tiếp tục:

Đối với tất cả các tác phẩm [phi Kinh Thánh] khác, khi đọc chúng, dù có sự vượt trội của các tác giả này đối với bản thân tôi về sự thiêng liêng và kiến thức đến đâu, thì tôi cũng không chấp nhận lời dạy dựa trên cơ sở ý kiến của họ là đúng; nhưng chỉ vì họ đã thành công trong việc thuyết phục sự phán đoán của tôi về sự thật của nó hoặc bằng chính những tác phẩm kinh điển này, hoặc bằng những lập luận đề cập đến lý trí của tôi. Tôi tin anh trai của tôi vì đã cho rằng, đây là ý kiến của riêng bạn cũng như của tôi. Tôi không cần thiết phải nói rằng tôi không đề nghị bạn muốn những quyển sách này được đọc giống như những sách của các tiên tri hoặc của các sứ đồ, điều liên quan là có thể sẽ sai lầm khi hồ nghi những sách này hoàn toàn không sai lầm. Hãy tránh xa sự kiêu ngạo từ lòng đạo đức khiêm tốn đó và chỉ đánh giá về bản thân mà tôi biết bạn có.44

Trong lời gợi ý, Jerome đã không muốn các tác phẩm của mình bị cho là “không có sai sót” giống như Kinh Thánh, rõ ràng là Augustine không có ý duy nhất là “không cố ý lừa dối.” Trong mối liên quan đó, các tác phẩm của Jerome có “sai sót” ông có thể nói với Jerome là các tác phẩm có chứa đựng “sự lừa dối có chủ ý,” một lời cáo buộc mà Augustine sẽ không bao giờ thực hiện được đối với Jerome. Augustine viết, “Bây giờ nếu tôi biết cuộc sống và cuộc trò chuyện của bạn, thì tôi không tin bạn đã nói những gì có ý định giả tạo và lừa dối, càng hợp lý hơn khi tôi tin vào Sứ đồ Phao-lô, vì ông đã không suy nghĩ điều này mà lại chấp nhận điều khác.”45 Để khẳng định rằng Kinh Thánh là vô ngộ chỉ có trong nhận thức, thì việc họ không cố ý lừa dối khiến Kinh Thánh không khác với hầu hết các tác phẩm của con người. Vì có thể nói an toàn rằng hầu hết các tác giả con người không viết với mục đích cố ý để đánh lừa. Vì vậy, có thể yên tâm nói rằng hầu hết các trước giả con người không cố ý viết những lời lừa dối.

Những người khác gợi ý rằng những lời tuyên bố của Augustine về nơi ở của Đức Chúa Trời đối với nhân loại chúng ta trong việc viết Kinh Thánh, (chẳng hạn như “một người mẹ khom lưng đối với con mình, rồi nói rằng như vậy để không khiến chúng ta bị tụt lùi đằng sau đối với tình trạng yếu đuối của chúng ta.”46) chỉ ra sự khác biệt trong thực tế hoặc sự thiếu “hài hòa trong tất cả các hình thức ngôn từ của nó.” Điều đặc biệt này được cho là để áp dụng với nhận thức của Augustine về các giải trình khác nhau của các trước giả Phúc âm, trong đó ông viết rằng Đức Thánh Linh “cho phép người này biên soạn câu chuyện của mình theo cách này, và người khác thì theo cách khác.”47 Tuy nhiên, không có tuyên bố nào của Augustine có ảnh hưởng hơn bất kỳ tuyên bố nào của các trước giả Phúc âm bị mắc sai lầm có thể được viện dẫn.48 Trên thực tế, mục đích tuyên bố của Augustine trong sự hài hòa của các Phúc âm là sự bác bỏ những người tìm cách làm mất uy tín của Cơ đốc giáo bằng cách chỉ ra những điểm khác biệt.” Và khi thực hiện kế hoạch này để dẫn đến kết thúc thành công, chúng ta phải chứng minh rằng các tác giả được đề cập không có bất kỳ sự đối kháng nào với nhau. Vì những kẻ chống đối này có thói quen là thêm vào lời cáo buộc nghiêm trọng trong tất cả những phản đối vô ích của họ, cụ thể là những người truyền bá phúc âm không hòa hợp với nhau.”49

Theo lời của nhà sử học John Woodbridge, thì sau đó Augustine đã tiến hành “một công việc hầu như trở nên việc làm hòa hợp đau đớn [để bổ sung] lời giải thích này đến lời giải thích khác để chứng minh rằng không có ‘lời giải trình mâu thuẫn nào’ (I, 35, 54) tồn tại trong các tuyên bố bằng lời của các Nhà truyền giáo khi được giải thích một cách hợp lý.”50

Sự thừa nhận của ông về sự đa dạng trong các giải trình Phúc âm (mà ông đã nhận ra là bổ sung chớ không là mâu thuẫn), và sự thừa nhận của ông về hiện tượng chứ không phải là ngôn ngữ kỹ thuật trong mô tả thiên nhiên, cả hai đều không làm sáng tỏ khái niệm về sự thích nghi của Augustine có nghĩa là sự thích nghi sai lầm. Đúng hơn, nó đề cập đến “cách thức hoặc phương thức của sự mặc khải, sự ban cho khôn ngoan của Đức Chúa Trời vô hạn dưới hình thái hữu hạn, chứ không phải đặc tính của sự mặc khải hay vấn đề được bày tỏ.”51 Ý nghĩa của sự thích nghi này, được Origen và Chrysostom cũng như những người khác giảng dạy, được nhìn thấy qua sự so sánh các văn bản của họ về Ngôi Lời với Đấng Christ, là Lời hằng sống. Cũng như John Hannah giải thích, “Vì sự thích nghi của Lời hằng sống không liên quan đến sự ô nhiễm tội lỗi trong bất kỳ nhận thức bẩm sinh nào, nên sự thích nghi của Thánh Linh trong lời được viết ra phải được quan niệm tương tự (so the Spirit’s accommodation in the written word must be similarly conceived), như Origen đã đề nghị. Chắc chắn, Hội thánh ban đầu tin vào sự thích nghi nhưng không tỏ thái độ phản đối trước sự sai sót trong lời được viết hoặc Lời hằng sống. Hành động hạ mình là sự đáp ứng khiêm nhường được nhận thức bởi con người lầm lỗi, chứ không phải là sự kết hợp của bản chất sai lầm của con người. Vì Đấng Christ đã không gánh lấy tội lỗi của loài người khi nhập thể, nên Thánh Linh cũng không khuất phục trước sự thấp hèn đó trong việc truyền đạt Kinh Thánh.”52

Những tác phẩm này và các tác phẩm khác của Augustine cung cấp bằng chứng rõ ràng về niềm tin vững chắc của ông vào tính tuyệt đối không thể sai lầm của Kinh Thánh.53 Ngay cả Hans Küng, một học giả Công giáo La Mã, cũng thừa nhận rằng Augustine “cho con người chỉ là công cụ của Đức Thánh Linh; duy chỉ Thánh Linh quyết định nội dung và hình thức của các bản văn trong Kinh Thánh, kết quả là toàn bộ Kinh Thánh không có mâu thuẫn, sai lầm và sai sót, hoặc phải được duy trì bằng cách hài hòa, hình thức ngụ ngôn hoặc thần bí hóa. Ảnh hưởng của Thánh Augustine liên quan đến sự soi dẫn và sự vô ngộ của Kinh Thánh đã thịnh hành trong suốt thời kỳ Trung cổ và ngay cả trong thời kỳ hiện đại.”54 Do đó, học thuyết của Augustine về sự thần cảm của Kinh Thánh, bao gồm cả sự vô ngộ của Kinh Thánh trong mọi vấn đề, là nền tảng cho niềm tin chung của các giáo phụ thời kỳ đầu của hội thánh.

 

HỘI THÁNH THỜI KỲ TRUNG CỔ

Hội thánh thời kỳ trung cổ có hai quan điểm về Kinh Thánh:  thứ nhất là có một cái nhìn cao cả (nhìn thấy những điều thuộc về thiên thượng như Ê-sai nhìn thấy khải tượng cao sang về Chúa trong Ê-sai chương 6) về sự thần cảm của Kinh Thánh, và thứ hai là có cái nhìn giảm bớt đi quyền năng của Kinh Thánh trong đời sống. Đã có một sự nỗ lực đáng kể để xác định thẩm quyền của Kinh Thánh trong mối tương quan với các thẩm quyền khác trong giáo hội. Đặc biệt là trong giai đoạn sau của thời kỳ này (từ thế kỷ thứ mười một đến thế kỷ thứ mười bốn), sự ảnh hưởng của triết học với sự nhấn mạnh vào lý trí đã dẫn đến một cách tiếp cận học thuật đối với việc nghiên cứu học thuyết Cơ đốc với những hình thức phức tạp và sự khác biệt tinh vi của nó. Do đó, vị trí của Kinh Thánh bị suy giảm có thể được nhìn thấy trong một số nhận xét điển hình của Martin Luther về một số nhân vật hàng đầu của thời kỳ này. Khi nhận xét về Peter Lombard, là nhà thần học được chú ý ở thế kỷ thứ mười hai, Luther viết rằng ông “xứng đáng với tư cách là một nhà thần học; không ai sánh bằng ông ấy. Ông đã nghiên cứu về Augustine, Ambrose, Gregory, và tất cả các hội đồng học thuật. Ông là một người vĩ đại. Nếu ông ta tình cờ đến với Kinh Thánh, thì chắc chắn ông ấy là người vĩ đại nhất.”55 Đối với Luther thì Thomas Aquinas (1224–1274)   là một “người nói chuyện phiếm” vì những liên hệ nhất quán của ông với Aristotle, triết gia Hy Lạp (384-322 TCN). Aristotle   được Aquinas trân trọng gọi là “Nhà triết học”. Cảm giác của Luther đối với sự pha trộn giữa triết học và lẽ thật của Kinh Thánh ở Aquinas thể hiện rõ qua việc ông mô tả Aristotle là “‘kẻ ngoại giáo” (ngoài những danh xưng khác)56

Mặc dù không chú trọng đến Kinh Thánh trong đời sống của hội thánh suốt thời kỳ này, nhưng các tuyên bố của các nhà lãnh đạo giáo hội chứng tỏ rằng họ có một tầm nhìn đúng đắn về sự thần cảm của Kinh Thánh là “lời của Đức Thánh Linh”, theo Giáo hoàng Leo the Great của thế kỷ thứ năm.57 Vào thế kỷ tiếp theo, Gregory the Great (540-604) cũng đã đánh giá về Kinh Thánh, “Hãy tin xác quyết rằng Đức Thánh Linh là tác giả của Kinh Thánh. Bởi vì, Ngài đã truyền cảm hứng cho những điều này và tất cả đều được viết ra…. Kinh Thánh là lời của Đức Thánh Linh.”58

Anselm, tổng giám mục của Giáo hội Anh (1093-1109) nói, “Vì tôi chắc chắn rằng nếu tôi nói bất cứ điều gì mâu thuẫn với Kinh Thánh một cách rõ ràng, thì đó là sai, và nếu tôi nhận thức điều này, tôi không muốn nắm giữ nó.”59 Ngay cả với Thomas Aquinas, trong thế giới hiện đại  được ca tụng là “hoàng tử học thuật”. Ông cũng là một nhà thần học, viết nhiều bình luận về các phần của Kinh Thánh. Tác phẩm thần học mang tính học thuật của ông là Thần học Tổng hợp. Theo lời của một học giả, mặc dù tác phẩm đó chứa rất ít trích dẫn từ Kinh Thánh, nhưng nó được xây dựng “trên tảng đá của Lời thiên thượng”. Đối với sự hiểu biết của mình về sự thần cảm của Kinh Thánh, Thomas Aquinas khẳng định rằng, “Tất cả những gì được nói đến trong Kinh Thánh đều là lời phán của Đức Chúa Trời.”60 Ông tin vào thẩm quyền tuyệt đối của Kinh Thánh. Niềm tin đó được thể hiện qua những lời này của ông: “Chúng ta phải tuân giữ những gì đã được ghi chép trong Kinh Thánh như là một nguyên tắc đức tin tuyệt vời để chúng ta không thêm gì vào đó, không làm giảm giá trị và không thay đổi điều gì thông qua việc giải kinh tồi tệi.”61

John Wycliffe (1320-1384), sử gia và là người tiền thân của Cuộc Cải chánh, tin tưởng mạnh mẽ vào thẩm quyền tối hậu của Kinh Thánh trong mọi vấn đề. Đối với Wycliffe, ông “cực kỳ khinh bỉ những nhà thần học coi thường Kinh Thánh. Nếu bất kỳ người nào như vậy tìm thấy những mâu thuẫn hoặc sai sót trong Kinh Thánh, thì sự thiếu hiểu biết của họ chính là lỗi chứ không phải do bản văn Kinh Thánh có lỗi…. Kinh Thánh không chỉ chứa đựng tất cả giáo lý Cơ đốc, nhưng nói chung là tất cả lẽ thật. Đó là một “bộ sách bách khoa toàn thư thiên thượng,” một bản tóm tắt sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời.”62

Tính năng động của Lời Đức Chúa Trời trong các hội thánh chắc chắn đã bị lu mờ ở nhiều nơi suốt trong thời kỳ Trung cổ. Rất ít người thực sự đọc Kinh Thánh bởi vì hầu hết mọi người không có thể biết đọc hoặc biết viết. Tuy nhiên, dân chúng và các học giả đã tin hoàn toàn vào sự vô ngộ của Kinh Thánh vì nó là lời được thần cảm. Một học giả đã nói về thời kỳ trung cổ, “Trong suốt những thế kỷ này, không ai nghi ngờ về toàn bộ Kinh Thánh là lời của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời chính là tác giả của Kinh Thánh, cũng như các người ghi chép đã viết dưới sự thần cảm của Thánh Linh Đức Chúa Trời, và do đó, những quyển sách này hoàn toàn không có sai sót và mâu thuẫn, ngay cả khi trường hợp này dường như xuất hiện đâu đó.”63

 

CÁC NHÀ CẢI CHÁNH

Lời kêu gọi quan trọng của các Nhà Cải chánh đối với Kinh Thánh là duy Kinh Thánh. Họ khẳng định mạnh mẽ rằng chỉ có Kinh Thánh là thẩm quyền tuyệt đối của chúng ta. Điều này đương nhiên kéo theo sự nhấn mạnh mới về Kinh Thánh. Đối với những Nhà Cải chánh “Kinh Thánh không chỉ đơn thuần là một cuốn sách nguồn gốc về sự dạy dỗ của Cơ Đốc giáo được sử dụng trong chủ nghĩa duy lý hợp pháp…. bởi các học giả, giáo hội và nhà kinh điển. Nó là cuốn sách dẫn chúng ta đến với Đấng Christ.”64 Các khía cạnh con người của Kinh Thánh cũng được các Nhà Cải cách đánh giá cao hơn những người tiền nhiệm của họ, và ý nghĩa của nó được cho là đơn giản hơn so với sự đa dạng của nhiều ý nghĩa phức tạp (ví dụ, ngụ ngôn) được thấy trong các tác phẩm của các nhà thông giải thời kỳ Trung cổ. Trên hết, những Nhà Cải chánh khi chống lại thẩm quyền hội thánh đã nhấn mạnh đến vai trò của Đức Thánh Linh trong việc giúp các tín đồ giải thích Kinh Thánh một cách chính xác.65

Luther tin rằng sự soi dẫn của Kinh Thánh liên quan đến sự vô ngộ của ngôn từ dường như rõ ràng từ những tuyên bố sau đây: “Nhưng quả thật, mọi người đều biết rằng đôi khi họ [các giáo phụ] đã sai lầm như loài người vẫn mắc phải; do đó, tôi sẵn sàng tin tưởng họ chỉ khi họ chứng minh quan điểm của mình đến từ Kinh Thánh, mà Kinh Thánh thì chưa bao giờ sai lầm.”66 “Lời của Đức Chúa Trời là hoàn hảo: nó quý giá và thánh khiết: chính nó là lẽ thật. Không có sự giả dối trong đó.”67 “Không chỉ những ngôn từ mà cả những cách diễn đạt được Đức Thánh Linh và Kinh Thánh sử dụng đều là thiêng liêng.”68 “Không thể nào Kinh Thánh tự mâu thuẫn với chính nó; nó chỉ tỏ ra như vậy đối với những kẻ đạo đức giả vô tri và cố chấp.”69 “Một chữ cái, dù chỉ là một tiêu đề nhỏ trong Kinh Thánh, cũng có ý nghĩa đối với chúng ta hơn cả trời và đất. Vì vậy, chúng ta không thể cho phép thay đổi dù chỉ là chi tiết nhỏ nhất.”70 “Do đó, chúng ta phải luôn bằng lòng với chúng [văn tự], và bám vào chúng như lời của Đức Chúa Trời cách hoàn toàn rõ ràng, chính xác, chắc chắn, không bao giờ có thể lừa dối chúng ta hoặc khiến cho chúng ta mắc sai lầm.”71

John Calvin (1509–1564) cũng bày tỏ niềm tin mạnh mẽ vào sự soi dẫn và tính trung thực của từng lời trong Kinh Thánh. “Do đó, Kinh Thánh có đủ thẩm quyền đối với các tín đồ chỉ khi con người coi họ như là ra từ thiên đàng, như thể đã được nghe những lời hằng sống của Đức Chúa Trời vậy.”72 Các sứ đồ là “những người ghi chép chắc chắn và xác thực của Đức Thánh Linh, và do đó, các tác phẩm của họ được coi là lời nói của Đức Chúa Trời.”73 Nhận xét về lời của sứ đồ “tất cả Kinh Thánh đều bởi Đức Chúa Trời soi dẫn” (2 Ti-mô-thê 3:16), Calvin viết rằng, “Đây là ý nghĩa của mệnh đề đầu tiên, rằng chúng ta chịu ơn Kinh Thánh sự tôn kính như thể chúng ta mắc nợ Đức Chúa Trời, vì nó có nguồn gốc duy nhất từ Đức Chúa Trời và không có điều gì bắt nguồn từ loài người lẫn lộn với nó.”74 Calvin không phủ nhận sự tham gia của quyền tác giả của con người; ông chỉ đơn giản là chỉ ra nguồn gốc thiêng liêng nền tảng của Kinh Thánh mà thôi.

Những lời tôn kính của người viết thi thiên trong Thi thiên 119:140 (“Lời Chúa rất là tinh sạch, nên kẻ tôi tớ Chúa yêu mến lời ấy”), Calvin nói, “Và người ấy khẳng định rằng lòng yêu mến của mình đối với lời Đức Chúa Trời không phải là sự hấp tấp, hay mù quáng và thiếu suy xét, mà là người đó yêu mến lời ấy, bởi vì lời đó giống như vàng hoặc bạc đã được tinh luyện, lời đó tinh khiết và không có một tí cặn bẩn nào…. khi lời đó [bày tỏ lẽ thật] được so sánh với vàng đã tinh luyện,… thì lời đó tỏa sáng tinh khiết khỏi mọi điều nhơ bẩn.”75

Cả Luther và Calvin đều thừa nhận rằng Đức Chúa Trời đã cung ứng chính Ngài cho con người trong việc truyền đạt Lời của Ngài. Nhưng giống như các giáo phụ đã nói về “sự cung ứng” của Đức Chúa Trời, Luther và Calvin chỉ đơn giản đề cập đến tính nhân văn của các tác phẩm, tương tự như sự hiện đến của Con Đức Chúa Trời và sự cư ngụ của Ngài giữa chúng ta trong xác thịt con người. Trái ngược với sự hùng biện của một số tác phẩm cổ đại đã nhận được sự chú ý mới vào thời kỳ Phục hưng, Luther đã viết rằng “Kinh Thánh bề ngoài thì có vẻ không hào nhoáng, không thu hút sự chú ý, thiếu vẻ đẹp trọn vẹn và sự hấp dẫn.”76 Nhưng sự cung ứng hay sự giản dị này không có nghĩa là tất cả các từ đều không được soi dẫn và chính xác như nhau, như một số ý kiến ​​sai lầm.77 Đối với Luther nói thêm, “Bạn khó có thể tưởng tượng rằng bất kỳ ai lại có thể gán thêm đức tin vào Lời thiêng liêng như vậy, bởi vì nó không có chút gì hào quang hay sự quyến rũ nào. Tuy nhiên, đức tin thì đến từ lời thiêng liêng này, nhờ sức mạnh bên trong của nó mà không cần đến bất kỳ vẻ đáng yêu bên ngoài nào.”78 Tương tự như vậy, những bình luận nổi tiếng của Luther về việc liệu một số tác phẩm nhất định có nên được coi là kinh điển hay không, tức là, liệu chúng có phải là một phần của Kinh Thánh hay không, thì không có liên quan đến niềm tin của ông vào tính vô ngộ của Kinh Thánh. Tất cả các bản văn của Kinh Thánh là những lời được soi dẫn thiêng thượng của Đức Chúa Trời soi dẫn; câu hỏi mà Luther đưa ra chỉ đơn giản là những cuốn sách nào thuộc thể loại đó.

Bởi vì Luther và Calvin nhấn mạnh Đấng Christ hằng sống và sự cứu rỗi của Ngài là chủ đề của Kinh Thánh và dạy rằng sự bảo đảm về tính trung thực và thẩm quyền của Kinh Thánh chỉ đến thông qua lời chứng của Đức Thánh Linh bên trong lòng, nhiều người đã cố gắng tranh luận rằng những Nhà Cải chánh chỉ tin vào thông điệp của Kinh Thánh, chứ không phải lời chứng, là không thể sai lầm. Tuy nhiên, lời chứng của cả hai ông chứng tỏ rõ ràng họ không có sự tách bạch nào giữa thông điệp với các từ. Chẳng hạn, Luther đã nói, “Tin và đọc Kinh Thánh có nghĩa là chúng ta phải nghe Lời từ miệng của Đấng Christ. Khi điều đó xảy ra với bạn, thì bạn nhận biết rằng đây không chỉ là lời nói của con người, mà thực sự là Lời của Đức Chúa Trời.”79 Tương tự như vậy, việc Calvin nhấn mạnh vào lời chứng của Thánh Linh về lẽ thật của Lời không làm giảm niềm tin của ông vào sự soi dẫn và thẩm quyền của hình thức hoặc của lời nói mà lẽ thật đó được truyền đạt. Như Woodbridge nói, “Calvin kết hợp thẩm quyền của Đấng Christ, Lời hằng sống, với lời chứng của Thánh Linh hoặc Kinh Thánh, là Lời được viết ra; ông nêu bật vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc xác nhận thẩm quyền của Kinh Thánh đối với chúng ta. Kinh Thánh cũng có thẩm quyền vì Đức Chúa Trời, là nguồn của lẽ thật, là tác giả chính của Kinh Thánh.”80

Những lời thú tội và sách giáo lý của các hội thánh trong thời kỳ đầu của thời kỳ Cải chánh cho thấy rằng họ rất tin tưởng vào sự vô ngộ của Kinh Thánh. Mặc dù sự bảo vệ về độ tin cậy của Kinh Thánh không được nêu rõ trong các tác phẩm này, vì điều này không có gì bất đồng đối với tòa thánh Rôma, nên niềm tin như vậy là hiển nhiên. Chẳng hạn, Lời thú tội Belgic (1561) khẳng định rằng “không thể cáo buộc điều gì” chống lại Kinh Thánh. Đó là “quy tắc không thể sai lầm” và các Cơ đốc nhân tin rằng “không nghi ngờ gì nữa, tất cả mọi thứ đều chứa đựng trong đó.”81

 

SAU CUỘC CẢI CHÁNH VÀ HỘI THÁNH HIỆN ĐẠI

 

Niềm tin vào sự soi dẫn và sự sự vô ngộ của Kinh Thánh do các Nhà Cải chánh và những người lãnh đạo Công giáo La Mã nắm giữ tiếp tục vào thời kỳ sau Cải chánh. Tuy nhiên, những điều kiện lịch sử mới đã bắt đầu tác động đến cách thể hiện học thuyết này, đặc biệt là trong giáo hội Tin lành và sau đó là giáo Công giáo. Những phát triển này bao gồm năm điều sau:

. Cuộc tranh luận về vấn đề thẩm quyền giữa người Tin lành và người Công giáo, trong đó người Công giáo yêu cầu người Tin lành chỉ ra thế nào mà các bản sao bị lỗi của Kinh Thánh có thể thực hiện chức năng của nó mà không cần đến thẩm quyền của Giáo hội La Mã.

. Chủ nghĩa duy lý, vốn tuyên bố rằng chân lý phải được xây dựng trên nền tảng của lý trí.

. Thông qua các phong trào chủ nghĩa duy lý kẻ thù địch đã tấn công vào sự tin cậy của Kinh Thánh, bao gồm Chủ nghĩa xã hội vào thế kỷ 17 và Chủ nghĩa thần giáo vào cuối thế kỷ 17 và 18.

. Những phát triển mới trong khoa học, đã đặt câu hỏi về nhiều khía cạnh của lịch sử Kinh Thánh (ví dụ, ngày Sáng tạo, trận Đại Hồng thủy, nguồn gốc của tất cả loài người từ thời Nô-ê).

. Sự sẵn sàng ngày càng tăng của những người trong các hội thánh để làm giảm độ tin cậy của Kinh Thánh bằng cách chấp nhận quan điểm của khoa học và lý trí.

Trước những áp lực này, các nhà giảng dạy chính thống tin lành ngày càng cảm thấy bị ép buộc phải bảo vệ tính chân thật của Kinh Thánh, nhưng đôi khi họ sử dụng những lập luận đáng ngờ. Một số người nhấn mạnh đến quyền tác giả thiêng liêng của Kinh Thánh đến mức họ cổ súy cho thuyết “đọc cho viết” về sự soi dẫn.82

Bất chấp những cuộc tấn công này, sự hiểu biết truyền thống về sự soi dẫn và tính vô ngộ của Kinh Thánh vẫn được duy trì trong suốt thời kỳ hậu Cải chánh và thời kỳ hiện đại tiếp theo. Chẳng hạn như, Samuel Rutherford là một trong những người lập khung nền cho Lời xưng tội Westminster (1645-1646), đã viết rằng, “Khi viết ra mỗi câu nói ngắn gọn, tiêu đề hoặc từ ngữ trong Kinh Thánh [những trước giả Kinh Thánh] thì ngay lập tức được soi dẫn, như chi tiết của vấn đề, cách diễn đạt cụm từ, phương thức mệnh lệnh, nghiêm trang, từng bậc [nguyên văn] và tất cả.”83

Các nhà lãnh đạo tin lành ở thế kỷ 18 cũng tuyên xưng niềm tin lịch sử liên quan đến Kinh Thánh. John Wesley (1703-1791) đã tuyên bố, “Nếu có bất kỳ sai lầm nào trong Kinh Thánh, có thể có đến cả ngàn. Nếu có một sự giả dối trong cuốn sách đó, thì nó không đến từ Đức Chúa Trời chân thật”84 Jonathan Edwards (1703-1798), được nhiều người công nhận là nhà thần học vĩ đại nhất nước Mỹ và được kính trọng vì khả năng hiểu biết của ông, đã làm cho tâm trí tự do bối rối bởi sự tin tưởng kiên định của ông đối với Kinh Thánh. Ông “hoàn toàn chấp nhận truyền thống do những Nhà Cải chánh thiết lập về tính ưu việt và thẩm quyền của Kinh Thánh, và ông có thể tiếp cận các tác phẩm Kinh Thánh với … sự tin chắc về tính vô ngộ và chân lý theo nghĩa đen của chúng.”85

Lời thú tội của New Hampshire năm 1833 tóm tắt niềm tin tương tự giữa những người theo giáo phái Baptists. Các nhân vật như Princetonians, Archibald Alexander, Charles Hodge, A.A Hodge nổi tiếng của thế kỷ 19, và trên hết là Benjamin B. Warfield (có chức vụ kéo dài đến đầu thế kỷ 20), luôn kiên định đối với sự vô ngộ của Kinh Thánh. Những người tin lành ngày nay vẫn tiếp tục bảo vệ học thuyết này. Vào cuối thập niên 1970 và 1980, những thành viên Hội đồng Quốc tế về tính vô ngộ Kinh Thánh đã mạnh mẽ ủng hộ tính vô ngộ của Kinh Thánh.

 

KẾT LUẬN

Câu hỏi về bản chất của Kinh Thánh và liệu nó có đúng hay không cuối cùng sẽ phụ thuộc vào chính lời chứng của Kinh Thánh. Nhưng cách Đức Thánh Linh đã dẫn dắt dân sự của Ngài lắng nghe và vâng theo lời chứng đó trong sự xưng tội của họ là rất quan trọng. Như W. Robert Godfrey đã tuyên bố rõ ràng, “Phê bình Kinh Thánh và thần học tạo thành tâm điểm của chiến tuyến cho những người đấu tranh bảo vệ tính vô ngộ của Kinh Thánh. Sức mạnh của tâm điểm đó cuối cùng sẽ quyết định kết quả của cuộc chiến đấu để nhận biết bản chất của Kinh Thánh. Tuy nhiên, trong cuộc xung đột này, lịch sử về thái độ của hội thánh đối với Kinh Thánh đã trở thành cái sườn quan trọng của chiến tuyến.”86

Một số người cố gắng làm cho sự vô ngộ của Kinh Thánh trở thành là một học thuyết mới được tạo ra bởi những người theo chủ nghĩa chính thống để đáp ứng tư tưởng khoa học mới của thời hiện đại thì bị mâu thuẫn với những lời dạy của các nhà lãnh đạo vĩ đại của Cơ Đốc giáo chính thống trong suốt lịch sử. Việc các học giả theo chủ nghĩa tự do cũng thừa nhận tính trung thực của Kinh Thánh là sự xác tín lịch sử của Hội thánh. Kirsopp Lake, là học giả Kinh Thánh đáng kính của Đại học Harvard vào đầu thế kỷ 20, không mấy tôn trọng tính chính xác của Kinh Thánh. Tuy nhiên, ông ấy đã viết như sau:

Đó là một sai lầm thường mắc phải đối với những người có học thức, những người tình cờ mắc phải nhưng ít hiểu biết về thần học lịch sử, khi cho rằng chủ nghĩa chính thống là một hình thức tư tưởng mới lạ. Điều này không thuộc loại hình thức nào cả; nó là sự tồn tại một phần nhỏ và không được giáo dục của một nền thần học đã từng được phổ biến bởi tất cả các Cơ Đốc nhân. Chẳng hạn, có bao nhiêu người trong các hội thánh Cơ Đốc giáo vào thế kỷ thứ 18 nghi ngờ sự soi dẫn không thể sai lầm của toàn bộ Kinh Thánh? Có lẽ là một số ít, rất ít. Không ai, người theo chủ nghĩa chính thống có thể sai; Tôi nghĩ rằng chính ông ta. Nhưng chính chúng ta là những người đã rời xa truyền thống, chứ không phải ông ta, và tôi lấy làm tiếc cho số phận của bất kỳ ai cố gắng tranh luận với người theo chủ nghĩa chính thống trên cơ sở quyền lực. Kinh Thánh và cốt lỗi thần học của hội thánh thì đứng về phía chính thống.87

Các giáo phụ của chúng ta trong đức tin đã để lại cho chúng ta một niềm tin trung thành và luôn can đảm về bản chất của Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời được soi dẫn cách siêu nhiên. Ghi chép về thái độ và sự thực hành của họ liên quan đến Kinh Thánh cũng chứa đựng nhiều điều để các tín đồ hiện đại noi theo. Họ nhìn vào Kinh Thánh một cách đúng đắn để nhận thấy Đấng Christ, rồi nhận ra rằng Ngài và sự cứu rỗi của Ngài là chủ đề của Kinh Thánh. Tuy nhiên, cả hai điều này không có sự ngăn cách nào giữa Ngôi Lời nhập thể và Ngôi Lời đã được viết ra. Hơn nữa, không có gì trong Kinh Thánh là ngoại lai; tất cả đều hữu ích trong việc hoàn thành mục đích tiết kiệm của nó. Như Thanh giáo thế kỷ 16 William Whitaker đã nhận xét, “Mặc dù có thể thừa nhận rằng tất cả các lịch sử [Kinh Thánh] đều không hữu ích và cần thiết như nhau, bởi vì nhiều người có thể được cứu mà không cần biết nhiều lịch sử; nhưng trên thực tế, chúng không chỉ hữu ích, mà cũng cần thiết. Vì mặc dù tất cả chúng không phải là điều kiện cần thiết cho sự tồn tại của đức tin, nhưng chúng đóng góp rất nhiều vào việc tốt đẹp hơn của nó.”88 Và như Augustine đã nói, “Kinh Thánh không dạy gì ngoài lòng yêu thương cứu giúp,” và tất cả những điều được dạy trong Kinh Thánh “đều có giá trị trong việc nuôi dưỡng và cung ứng lòng yêu thương cứu giúp và loại bỏ lòng tham lam.”89

Các bậc tiền bối của chúng ta trong đức tin cũng dạy chúng ta về sự cần thiết tuyệt đối của công việc Thánh Linh để Kinh Thánh trở thành lời ban sự sống cho chúng ta. Không có điều hoàn hảo nào có thể làm mất hiệu lực của tín lý duy nhất này, như hội thánh đôi khi đã chứng minh. Lời sinh ra quyền năng ban sự sống chỉ khi nó được tiếp nhận thông qua quyền năng của Đức Thánh Linh. Tương tự, sự bảo đảm cuối cùng về tính chân thật của Lời không dựa vào lý trí của con người mà dựa vào lời chứng của Đức Thánh Linh ở trong lòng.

Những người tin Chúa ngày nay làm tốt việc chú ý đến những gì mà các bậc tiền bối của chúng ta đã tin về bản chất Kinh Thánh là lời vô ngộ siêu nhiên của Đức Chúa Trời. Như lời chứng sau đây của Billy Graham minh họa thế này, sức mạnh và hiệu quả của hội thánh trên thế giới này phụ thuộc vào thái độ của chúng ta đối với Kinh Thánh. “Vào tháng 8 năm 1949, tôi ngập tràn nghi ngờ về mọi thứ đến nỗi khi tôi đang đứng giảng và phát biểu, thì tôi tự hỏi rằng: ‘Tôi tự hỏi liệu đó có phải là sự thật không. Tôi tự hỏi liệu mình có thể thực sự nói điều đó một cách chân thành hay không.’… Sau đó, tôi đem theo Kinh Thánh lên vùng núi cao ở Sierra Nevada của California. Tôi mở nó ra và quỳ xuống. Tôi nói, “Thưa Cha,” “Con không thể hiểu nhiều điều trong cuốn sách này. Con không thể hiểu mọi vấn đề trên phương diện lý trí được; nhưng con chấp nhận nó bởi đức tin là Lời có thẩm quyền, được soi dẫn bởi Đức Chúa Trời hằng sống.” Một tháng sau ở Los Angeles, tôi nhận ra rằng cuốn sách này đã trở thành thanh gươm trong tay tôi. Nơi mà lý luận của con người thất bại, thì Lời Đức Chúa Trời đã thực hiện công việc đó.”90

 

 

13

KINH THÁNH GỒM NHỮNG SÁCH NÀO?

 

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHÚNG TA BIẾT những sách nào thuộc về Kinh Thánh? Kinh Thánh của chúng ta có bao gồm một số sách mà không nên có trong đó không? Có phải một số sách bị loại ra đáng lẽ phải được đưa vào không?

 

Kinh của Tin lành có sáu mươi sáu sách, trong khi Kinh Thánh của Công giáo La Mã và Chính thống giáo Đông phương có thêm một số sách, thường được gọi là Ngụy kinh. Tôbia, một trong những sách được gọi là Ngụy kinh, nói rằng, “Việc bố thí cứu cho khỏi chết và tẩy sạch mọi tội lỗi” (Tôbia 12: 9). Một sách khác, Huấn ca, còn được gọi là Sirach, nói, “Ách và dây cương mới ghì được cổ lừa, cực hình và những cuộc tra khảo mới gò được đứa ở bất lương” (Huấn ca 33:26). Những tuyên bố này có được Đức Thánh Linh soi dẫn không? Chúng thuộc hay không thuộc về Kinh Thánh? Kinh Thánh của chúng ta có thiếu điều gì không nếu không bao gồm các sách Ngụy kinh?

Làm thế nào mà con dân Đức Chúa Trời lại coi các tác phẩm trong Kinh Thánh  là Sách Thánh trong khi nhiều tác phẩm khác thì không? Tiêu chí nào được sử dụng để quyết định nên đưa sách nào vào? Ai có thẩm quyền để chấp nhận một số sách nhất định mà không phải tất cả các sách? Đây là những vấn đề về “tính kinh điển” được xem xét trong chương này.

 

Ý TƯỞNG VỀ KINH ĐIỂN

 

Ý nghĩa của thuật ngữ canon

 

Thuật ngữ Canon (kinh điển) có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp kanon, ban đầu có nghĩa là “một thanh đo thẳng”1 và sau đó có nghĩa là “một tiêu chuẩn hoặc thước đo.” Vì vậy, nó mang ý tưởng về một quy chuẩn có thẩm quyền. Ví dụ, các tiêu chuẩn có thẩm quyền trong đạo đức, nghệ thuật hoặc ngữ pháp được gọi là canon. Phao-lô dùng thuật ngữ này để chỉ về quy tắc trong tư cách đạo đức (Ga-la-ti 6:16).

Trong thời kỳ đầu của Hội thánh hậu Sứ đồ, thuật ngữ canon được áp dụng cho “bản tóm tắt sự dạy dỗ Cơ đốc, là bản được cho là sao chép lại những gì mà chính các sứ đồ đã dạy.”2 Được gọi là ‘quy tắc của đức tin’ hoặc “quy tắc của lẽ thật”, bản tóm tắt này dựa trên Kinh Thánh, vì vậy nó là “biểu mẫu cho việc giải thích Kinh Thánh của Giáo hội vào thế kỷ thứ hai và thứ ba.”3

 

Bởi vì thanh đo có thể được đánh dấu theo đơn vị chiều dài như thước kẻ và thước đo hiện tại của chúng ta, canon cũng có nghĩa là một chuỗi hoặc danh sách. Theo nghĩa này, canon đã được áp dụng vào Kinh Thánh như một danh sách gồm các sách được con dân Đức Chúa Trời công nhận là thuộc về Kinh Thánh. Những sách được công nhận trong Kinh Thánh được gọi là “kinh điển” và một bộ gồm những sách đó gọi là “kinh điển của Kinh Thánh.” Athanasius, giám mục vào thế kỷ thứ tư ở Alexandria, có lẽ là người đầu tiên áp dụng thuật ngữ này cho Kinh Thánh trong một bức thư được lưu hành vào năm 367 S.C. Như là một sự mặc khải thiên thượng, kinh điển Kinh Thánh là “quy tắc đức tin” cuối cùng hoặc là thẩm quyền cuối cùng để đánh giá tất cả các giáo lý và thực hành của Cơ đốc giáo.

 

Khái niệm về Kinh điển hóa

 

Một số người từ chối sự thần cảm của Kinh Thánh và xem Kinh Thánh chủ yếu là các tác phẩm của con người nhằm bày tỏ đức tin của họ như là nhân chứng cho sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Cũng chính những người này nói rằng việc xác định sách nào thuộc về Kinh Thánh cũng chỉ là nỗ lực của con người, giống như bất kỳ quyết định nào trong Hội thánh ngày nay. Do đó, một số tác phẩm hữu ích không kém về trải nghiệm tôn giáo của con người đã bị bỏ qua. Tuy nhiên, họ nói, Đức Chúa Trời đã sử dụng các sách trong Kinh Thánh để bày tỏ chính Ngài cho chúng ta.4

 

Mặt khác, người Công giáo La mã nói rằng Giáo hội La mã đã ban tặng địa vị kinh điển cho các sách trong Kinh Thánh. Họ cho rằng Giáo hội La Mã đại diện cho uy quyền không thể sai lầm của Đấng Christ và do đó có quyền xác định phạm vi của kinh điển.

 

Theo những người Tin lành, thì chính Đức Chúa Trời đã ban thẩm quyền cho các tác phẩm bởi sự soi dẫn của Đức Thánh Linh. Mặc dù độc đáo về nội dung, nhưng cấu trúc và nội dung của Kinh Thánh giống với các tài liệu cổ khác nhau nói về một nhà cai trị uy quyền phán với thần dân của mình bằng chỉ thị có thẩm quyền mang tính quy chuẩn hoặc kinh điển. Do đó, kinh điển Kinh Thánh được hiểu rõ nhất như là các tài liệu giao ước do Đức Chúa Trời ban nhằm bày tỏ các chỉ dẫn kinh điển cấu trúc lại tất cả các khía cạnh của cuộc sống, trước là cho dân tộc của Ngài sống dưới “giao ước cũ” trong thời Cựu ước (hay “giao ước cũ”, xem 2 Côr. 3:14), và sau là cho những ai sống trong “giao ước mới” kể từ khi Đấng Christ giáng sinh.5 Do đó, khi truyền đạt những lời giao ước kinh điển của Ngài, những người viết Kinh Thánh được soi dẫn đã tôn cao Đức Chúa Trời tối cao với tư cách là những sứ giả đến với dân sự của Ngài.

 

Để thực hiện chức năng như một kinh điển cho cộng đồng giao ước, các tác phẩm cũng phải được mọi người công nhận. Vì vậy, Đức Chúa Trời làm việc một cách toàn vẹn trong dân sự của Ngài để công nhận những tác phẩm này đến từ Ngài và từ đó các tác phẩm này cuối cùng có được thẩm quyền. Mặc dù không dễ để giải thích được vì bản chất thiêng liêng bên trong, nhưng việc làm này trong con dân Đức Chúa Trời có thể hình dung được khi người ta nhận ra rằng đây chính là Lời có cùng thẩm quyền mạnh mẽ đã tạo nên một cộng đồng dân Chúa ngay từ ban đầu.

Theo quan điểm này, thì không có một Giáo hội nghị nào có thể cấp thẩm quyền cho Kinh Thánh , vì nó đã có thẩm quyền là Lời được soi dẫn của Đức Chúa Trời. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là công nhận nó như vậy. Như J. I. Packer nói, “Giáo hội không cho chúng ta kinh điển Tân Ước nhiều hơn Ngài Isaac Newton cho chúng ta lực hấp dẫn. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta lực hấp dẫn bởi công trình sáng tạo của Ngài, và tương tự, Ngài ban cho chúng ta kinh điển Tân Ước bằng cách soi dẫn những sách riêng lẻ nhằm tạo nên kinh điển Tân ước.”6

 

Quan điểm này nhấn mạnh rằng không có thẩm quyền nào vượt lên trên chính Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, làm thế nào một Giáo hội có thể nói rằng một tác phẩm cụ thể nào đó là Lời Đức Chúa Trời nếu nó không dựa trên cơ sở của lời có thẩm quyền từ Đức Chúa Trời? Nhưng tất nhiên, một tác phẩm được cho là từ Đức Chúa Trời sẽ phải được thừa nhận trước khi nó có thể được sử dụng như một kinh điển. Vì vậy, chúng ta kết luận rằng sự mặc khải có thẩm quyền từ Đức Chúa Trời, Lời thành văn của Ngài, hoặc là lời tự xác thực hoặc là chúng ta không còn cách nào khác để phân biệt Lời Ngài từ những lời khác.

Như sứ đồ Phao-lô đã dạy, Đức Thánh Linh bày tỏ lẽ thật thuộc linh và chỉ những ai tiếp nhận sự dạy dỗ của Ngài mới nhận ra điều đó (1 Côr. 2: 10-16). Chúa Giê-su nói rằng chỉ những ai “sẵn lòng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời… mới biết đạo lý ta có phải là bởi Đức Chúa Trời, hay là ta nói theo ý ta” (Giăng 7:17). Ngài lại nói, “Chiên ta nghe tiếng ta, ta quen nó, và nó theo ta” (10:27). Đối với một quyết định không thể sai lầm về Lời của Đức Chúa Trời, Ngài đã chỉ cho con người về chính Ngài, mà không phải về bất kỳ thẩm quyền nào từ con người.

Lời tuyên bố của Giáo hội Công giáo La Mã về việc quyết định không thể sai lầm của kinh điển là một trong những tranh cãi lớn trong cuộc Cải chánh. Những nhận xét của Calvin được đưa ra để đáp lại lời tuyên bố đó vẫn còn hữu ích cho chúng ta ngày nay.

Một sai lầm nguy hiểm nhất phổ biến rộng rãi là Kinh Thánh  chỉ có trọng lượng khi nó được thừa nhận nhờ vào sự đồng ý của Giáo hội. Như thể lẽ thật đời đời và bất khả xâm phạm của Đức Chúa Trời phụ thuộc vào quyết định của con người! Người ta đã chế nhạo Đức Thánh Linh khi hỏi: Ai có thể bảo đảm với chúng ta rằng Kinh Thánh  đã được ban xuống toàn bộ và nguyên vẹn cho đến tận ngày nay của chúng ta? Ai có thể thuyết phục chúng ta nhận một sách nào đó trong sự tôn kính nhưng lại loại trừ một sách khác, trừ khi Giáo hội quy định một quy tắc chắc chắn cho tất cả những vấn đề này? Họ nói rằng Kinh Thánh  có được sự tôn kính và những sách nào được xác định là thuộc về Kinh Thánh  đều phụ thuộc vào sự quyết định của Giáo hội.

Nhưng những người nói như vậy đã bị phản đối chỉ bằng một lời của sứ đồ. Ông làm chứng rằng Hội thánh “được dựng lên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri” (Ê-phê-sô 2:20). Nếu sự dạy dỗ của các đấng tiên tri và các sứ đồ là nền tảng, thì điều này phải có thẩm quyền trước khi Hội thánh tồn tại …. Nếu ngay từ đầu, Hội thánh Cơ đốc được thành lập dựa trên các lời của các đấng tiên tri và lời rao giảng của các sứ đồ, dù các sự dạy dỗ này được tìm thấy ở bất cứ đâu, thì việc chấp nhận nó chắc chắn phải có trước Hội thánh. Do đó, hoàn toàn sai lầm khi cho rằng thẩm quyền quyết định Kinh Thánh  nằm ở Hội thánh và cho rằng sự chắc chắn của Kinh Thánh  phụ thuộc vào sự đồng ý của Hội thánh. Vì vậy, trong khi Hội thánh tiếp nhận và ban cho dấu ấn chấp thuận Kinh Thánh  là lẽ thật của Đức Chúa Trời, như một bổn phận ngoan đạo, thì Hội thánh không ngần ngại sùng kính Kinh Thánh . Đối với câu hỏi của họ – Làm thế nào chúng ta có thể yên tâm rằng điều này đến từ Đức Chúa Trời nếu chúng ta không nhờ đến sự xác nhận của Hội thánh? – như thể ai đó đã hỏi: Đến bao giờ chúng ta mới học cách phân biệt ánh sáng với bóng tối, trắng với đen, ngọt ngào với cay đắng? Thật vậy, Kinh Thánh  thể hiện đầy đủ bằng chứng rõ ràng về lẽ thật của chính nó như những điều trắng và đen có màu riêng của chúng, hoặc những điều ngọt ngào và cay đắng có mùi vị riêng của chúng.

Và chắc chắn Kinh Thánh  xứng đáng với chúng ta, nó đạt được nhờ lời chứng của Đức Thánh Linh. Do đó, qua sự soi sáng bởi quyền năng của Ngài, chúng ta không thể dựa vào chính chúng ta cũng như sự quyết định của bất kỳ ai khác để cho rằng Kinh Thánh  là từ Đức Chúa Trời; nhưng vượt lên trên sự quyết định của con người, chúng ta khẳng định với một sự chắc chắn… rằng Kinh Thánh  được ban cho chúng ta từ chính miệng của Đức Chúa Trời qua công việc của loài người.7

Quá trình lịch sử thực tế của việc thu thập các sách kinh điển đã làm sáng tỏ điều này, như Packer giải thích liên quan đến kinh điển Tân Ước. “Đã có một người đề nghị với các Cơ đốc nhân của thế kỷ thứ hai, thứ ba hoặc thứ tư rằng bằng cách này [quá trình công nhận các sách kinh điển] Hội thánh đã tạo ra một kinh điển cho chính mình, việc chọn ra một số tác phẩm Cơ đốc có chất lượng tốt và ban thẩm quyền như một định chuẩn đức tin cho tương lai, họ sẽ lắc đầu và ngạc nhiên khi mà bất cứ ai cũng có thể tưởng tượng ra một ý tưởng quá sai lầm và xa sự thật. Niềm tin rằng các tác phẩm của các sứ đồ được soi dẫn, và do đó có thẩm quyền về bản chất, là giả thiết của toàn bộ cuộc thẩm tra của họ.”8

Tóm lại, trong việc công nhận kinh điển, dân sự của Đức Chúa Trời đã nhận biết Lời Chúa được ban cho để làm chuẩn mực cho đức tin và đời sống của họ. Mục sư Cải cách Thụy Sĩ ở thế kỷ 19, Louis Gaussen, người nổi tiếng với quan điểm về sự linh ứng của Kinh Thánh , đã minh họa sự hình thành kinh điển bằng bức ảnh một người phụ nữ đi dạo quanh khu vườn với người chủ vườn. Khi họ đi dạo dọc theo con đường, ngừời chủ ấy tặng cô ấy hết bông hoa này đến bông hoa khác cho đến khi anh ấy gom được cả bó hoa cho cô ấy. Bó hoa là có thật và được ngắm nhìn cách vui thích ngay khi cô ấy nhận được những bông hoa đầu tiên. Theo cách tương tự, kinh điển đã tồn tại trong vòng dân sự của Đức Chúa Trời ngay từ khi Ngài ban những bản văn đầu tiên được soi dẫn. Đức Chúa Trời đã ban cho dân sự của Ngài những sách mà Ngài muốn đưa vào kinh điển Kinh Thánh .9

 

KINH ĐIỂN CỰU ƯỚC

 

Khi sách Ma-la-chi, là cuốn sách kinh điển cuối cùng của Cựu ước, được viết ra (có lẽ vào khoảng năm 432 T.C), thì lời tiên tri kinh điển trong thời kỳ hậu lưu đày không còn nữa. Chúng ta không biết bao lâu sau khi sách Ma-la-chi được viết ra, kinh điển Cựu ước được công nhận, mặc dù nó đã có từ trước thời đại Tân ước.10

Tuy nhiên, một số tác giả nói rằng sự công nhận kinh điển Cựu ước xảy ra muộn hơn nhiều. Ví dụ, Ngũ kinh được cho là tổng hợp của nhiều bản truyền thống khác nhau được viết muộn hơn nhiều so với thời Môi-se. Theo quan điểm này, Sách Đa-ni-ên được viết bởi một tác giả vô danh vào thời Mac-ca-bê khoảng năm 165 T.C. Do đó, quan điểm này đặt ra ba giai đoạn trong quá trình hình thành kinh điển: Ngũ kinh được kết thúc vào khoảng năm 400 T.C, các sách Tiên tri vào khoảng năm 200 T.C, và các sách Văn thơ vào cuối thế kỷ thứ nhất sau Chúa.

 

Tuy nhiên, bằng chứng lịch sử cho quá trình kinh điển ủng hộ cho cách hiểu truyền thống. Hơn nữa, người ta ngày càng công nhận rằng cuộc thảo luận về kinh điển tại Hội nghị Jamnia vào năm 90 S.C “không có gì khác hơn là xem xét lại các tranh luận về hai trong số các sách Văn thơ là (Truyền đạo và Nhã-ca) — giống như Luther sau này xem xét các tranh luận về sách Gia-cơ.”11 Vấn đề không phải là có nên thêm một số sách nhất định vào kinh điển hay không, mà là liệu có nên giữ lại một số sách nhất định hay không. Các thành viên của hội nghị không có cuộc thảo luận nghiêm túc nào về việc thêm sách mới hoặc loại trừ bất kỳ sách nào đã được công nhận trước đó. Một học giả kết luận rằng Hội nghị Jamnia “không đem lại ảnh hưởng gì đến các cuộc thảo luận của người Do Thái về Kinh điển.”12

 

Lịch sử hình thành Kinh điển Cựu ước

 

Kinh Thánh  không cung cấp cho chúng ta một lịch sử đầy đủ về việc chấp nhận từng sách trong Cựu ước và một danh sách gồm các sách tạo thành kinh điển Kinh Thánh . Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì các tác phẩm đã được con dân Chúa công nhận khi chúng được thu nhận. Không cần người lãnh đạo hoặc hội đồng nào làm cho chúng thành kinh điển. Như Dunbar nói, “Không có bằng chứng lịch sử nào chứng minh cho quy chuẩn của các sách trong Kinh Thánh  [tức là quy chuẩn thuộc về Kinh Thánh ]. Các tài liệu tham khảo sớm nhất cho các sách trong Kinh Thánh  (hoặc các phần của sách) đã xem các sách trong Kinh Thánh  là có thẩm quyền.”13 Tuy nhiên, chúng ta cần tìm những ví dụ về việc tiếp nhận các tác phẩm kinh điển để minh họa điều gì đó về sự hình thành kinh điển.

Việc hình thành kinh điển bắt đầu từ các sách của Môi-se, được chứng minh trong Xuất Ê-díp-tô Ký 24: 3-4: “Môi-se bèn đến thuật lại cho dân sự mọi lời phán của Đức Giê-hô-va và các luật lệ, thì chúng đồng thinh đáp rằng: Chúng tôi sẽ làm mọi lời Đức Giê-hô-va phán dạy. Môi-se chép hết mọi lời của Đức Giê-hô-va.” Sau đó, chúng ta được cho biết rằng “Khi Môi-se chép những lời luật pháp nầy trong một cuốn sách xong rồi, thì ra lịnh cho người Lê-vi khiêng hòm giao ước của Đức Giê-hô-va mà rằng: Hãy lấy cuốn sách luật pháp nầy, để bên hòm giao ước của Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi. Nó sẽ ở đó làm chứng nghịch cùng ngươi” (Phục truyền 31: 24-26).

Sách của Môi-se được xem là quy chuẩn của đức tin và thực hành dành cho dân Y-sơ-ra-ên. Nó phải được đọc cho họ vào những thời điểm đã định để họ “cẩn thận làm theo các lời của luật pháp này” (31: 10-12). Giô-suê được bảo, “hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong” (Giô-suê 1: 8; xem thêm 11:15). Vua Y-sơ-ra-ên phải có một bản sao Luật pháp riêng để “bản ấy phải ở bên vua trọn đời, vua phải đọc ở trong, để tập biết kính sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình, cẩn thận làm theo các lời của luật pháp nầy, và hết thảy điều răn nầy” (Phục-truyền 17: 18-19). Trong suốt lịch sử của Y-sơ-ra-ên, vận mệnh của các vị vua và quốc gia được quyết định bởi thái độ của họ đối với sự mặc khải về ý muốn của Đức Chúa Trời được viết trong sách Luật pháp (ví dụ, 1 Các Vua 2: 3; 3:14; 2 Các Vua 17: 7 -13; 21: 7-9; 23: 2-3; 2 Sử ký 33: 8; Đa-ni-ên 9:11).

Môi-se nói rằng trong tương lai sẽ có các đấng tiên tri dấy lên để nói Lời Đức Chúa Trời giữa vòng dân sự (Phục truyền 18: 15-22). Việc những người trong Cựu ước công nhận một danh sách các tác giả tiên tri như vậy được thấy trong việc họ chấp nhận các bản văn thánh. Những lời của Giô-suê đã được viết “trong sách luật pháp của Đức Chúa Trời” (Giô-suê 24:26). Sa-mu-ên cũng “tuyên giảng luật pháp của nước tại trước mặt dân sự, chép trong một cuốn sách mà người để trước mặt Đức Giê-hô-va”, hành động thứ hai (chép vào trong sách) cho thấy quyền hạn của các tác giả đối với dân sự Đức Chúa Trời. Những tác giả của sách Các Vua và Sử Ký đã biết nhiều tác phẩm tiên tri bao gồm toàn bộ lịch sử của Y-sơ-ra-ên từ Đa-vít đến thời lưu đày (1 Sử-ký 29:29; 2 Sử-ký 9; 29). Hết tiên tri này đến tiên tri khác đã đem lời Đức Chúa Trời đến với dân Y-sơ-ra-ên, và phần lớn những gì họ viết dưới sự soi dẫn của Đức Thánh Linh đã được thêm vào các tác phẩm kinh điển. Ê-sai gọi những lời của mình là “lời chứng” và “luật lệ” có thẩm quyền về sự mặc khải của Đức Chúa Trời (Ê-sai 8:16).14 Tương tự như vậy, Giê-rê-mi hướng dẫn việc chép lại mọi lời Đức Chúa Trời phán với ông (Giê-rê-mi 36). Đa-ni-ên, một người trẻ tuổi cùng thời với Giê-rê-mi, không chỉ công nhận lời của Giê-rê-mi là “lời của Đức Chúa Trời”, mà còn tìm thấy lời của ông “trong các sách tiên tri” và “sách luật pháp của Môi-se” (Đa-ni-ên 9: 2, 6, 11). Tham chiếu về “các sách” thường được xem là tham chiếu đầu tiên về bộ kinh điển gồm các sách thánh.

Bằng chứng về một kinh điển được công nhận cũng được thấy trong việc sử dụng các tác phẩm trước đó bởi một số tác giả. Các sách của Môi-se được đề cập trong suốt Cựu Ước (Giô-suê 1: 7; 1 Các Vua 2: 3; Mal. 4: 4). Lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên từ Sáng thế ký đến Các Vua được ghi lại trong Sử ký (1 Sử 1: 1-2: 15). Những câu châm ngôn và bài hát của Sa-lô-môn được đề cập trong I Các Vua 4:32, và Đa-ni-ên đề cập đến Giê-rê-mi (Đa-ni-ên 9: 2). Đã nhiều hơn một lần, các nhà tiên tri đã cảnh báo dân Y-sơ-ra-ên bằng cách ám chỉ tổ phụ của họ, là những người đã không nghe lời của các nhà tiên tri trước đó (Ô-sê 6: 5; Xa-cha-ri, 1: 4-5: 7: 12).

Khi thời kỳ chức vụ tiên tri trong Cựu Ước kết thúc, thì các tác phẩm kinh điển cũng dừng lại. Theo truyền thống của người Do Thái, Đức Thánh Linh, Đấng đã soi dẫn các tác phẩm kinh điển, đã chấm dứt chức vụ đó vào thời những nhà tiên tri hậu lưu đày. “Kể từ khi các nhà tiên tri cuối cùng là A-ghê, Xa-cha-ri và Ma-la-chi chết, Đức Thánh Linh đã không còn hành động giữa vòng dân Y-sơ-ra-ên” (T. Sota, 13, 2).15 Theo Mac-ca-bê thứ nhất chương 9: 23, 27 ngụ ý rằng vào năm 100 T.C, đã có một khoảng thời gian suy đồi kể từ thời các tiên tri: “Sau khi ông Giu-đa (Mac-ca-bê) qua đời… Quả là một thời kỳ gian nan khốn khổ cho Y-sơ-ra-ên, như chưa từng thấy bao giờ, kể từ ngày không còn vị tiên tri nào xuất hiện nữa.” Tương tự như vậy, sử gia Do Thái Josephus đã viết vào thế kỷ thứ nhất sau Chúa, “Kể từ khi Môi-se qua đời cho đến khi Artaxerxes (464-424 T.C, thời các nhà tiên tri hậu lưu đày) … (và) cho đến thời đại của chúng ta, lịch sử hoàn chỉnh đã được viết ra nhưng không được coi là đáng tin cậy bằng với những ghi chép trước đó, vì không còn sự kế vị của các nhà tiên tri.”16 Niềm tin rằng một khoảng thời gian dài, thường được gọi là “thời kỳ im lặng,” trôi qua giữa sự chấm dứt của lời tiên tri trong Cựu ước và sự ra đời của nó một lần nữa trong Tân ước, cùng với sự tiên đoán về sự xuất hiện của một Nhà tiên tri trung thành, là điều phổ biến trong suốt thời kỳ giao thời và các giáo phụ Hội thánh đầu tiên.17

 

Tiêu chuẩn cho tính Kinh điển của Cựu ước

Câu hỏi tại sao một số sách nhất định được công nhận là kinh điển trong khi những sách khác thì không đã nhận được những câu trả lời khác nhau, phần lớn tùy thuộc vào những gì người ta tin về bản chất của Kinh Thánh. Như đã đề cập trước đó, một số người nói rằng việc hình thành kinh điển là một nỗ lực của con người, dựa trên ý tưởng rằng Kinh Thánh chỉ là sự thể hiện đức tin của con người. Để trình bày ý kiến ​​này, một học giả nói, “Trong số lượng lớn các văn học Hê-bơ-rơ, những sách của Cựu ước được lựa chọn vì vẻ đẹp văn học hoặc sự hấp dẫn mang tính dân tộc của chúng, bởi vì chúng đã góp phần duy trì sự sống còn của quốc gia và sự thờ phượng Đức Giê-hô-va.”18 Ông nói thêm, quá trình này hơi lộn xộn. “Đây chỉ là một sự tình cờ trong việc lưu truyền mà chỉ có tài liệu kinh điển này … đã đến với chúng ta. Đây chỉ là một phần nhỏ của văn học Hê-bơ-rơ được đề cập trong Kinh Thánh như: lịch sử các vua Y-sơ-ra-ên, lịch sử các vua Giu-đa (I Các Vua 14:19, 29, v.v.), và tuyển tập thơ (Giô-suê 10:13; 2 Sa-mu-ên 1:18; Dân số ký 21:14). Nhiều tác phẩm khác đã bị thất lạc mà không được đề cập đến, như đã xảy ra trong tất cả các nền văn học cổ đại.”19

Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, các tác phẩm trong Kinh Thánh được con dân Đức Chúa Trời chấp nhận là có thẩm quyền với niềm tin rằng các tác phẩm này được Ngài soi dẫn và là lời của Đức Chúa Trời. Những người đồng tình với quan điểm này lưu ý bốn yếu tố sau trong việc xác định những sách nào thuộc về Cựu Ước.20

Tác giả tiên tri. Nhiều sách trong Cựu Ước tuyên bố rõ ràng về các tác giả tiên tri. Nhiều tác giả sau này được xác định là nhà tiên tri (ví dụ, A-ghê 1: 3; Xa-cha-ri 1: 1). Mặc dù không phải tất cả các sách được cho là được viết bởi các nhà tiên tri, nhưng những tiên tri sau này đã đề cập đến Đức Chúa Trời Đấng phán với dân sự của Ngài thông qua các đấng tiên tri trước đó (Xa-cha-ri 1: 4; 7:12). Điều này có thể nói lên rằng tất cả các tác phẩm được công nhận trước đó được xem là đến từ các đấng tiên tri.

Quan trọng hơn, ở một số chỗ, Tân Ước đã đề cập đến một phần hoặc tất cả các sách trong Cựu Ước là lời tiên tri. Tác giả của sách Hê-bơ-rơ tuyên bố, “Đời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách” (Hê. 1: 1). Phi-e-rơ đề cập đến “lời của các đấng tiên tri” (2 Phi. 1:19, NIV), là nói về các đấng tiên tri trong Cựu Ước. Khi Chúa Giê-su bị bắt, Ngài đã nói, “Nhưng mọi điều ấy phải xảy đến, hầu cho những lời các đấng tiên tri đã chép được ứng nghiệm” (Mat. 26:56). Sau khi Ngài sống lại, Ngài đã quở trách các môn đồ vì không tin “lời các đấng tiên tri đã nói” (Lu-ca 24:25). Sự đề cập của Phi-e-rơ về “Lời tiên tri trong Kinh Thánh” là “bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời” (2 Phi. 1: 20-21), cho biết rằng cả Kinh Thánh được Đức Chúa Trời soi dẫn (2 Ti. 3:16) cũng có thể được gọi là lời tiên tri .

 

Lời chứng của Đức Thánh Linh. Ngoài bản chất vốn có của một tác phẩm kinh điển là lời được soi dẫn bởi Đức Chúa Trời, còn có sự công nhận bởi con dân Đức Chúa Trời về một tác phẩm được cho là kinh điển. Nói cách khác, sự hình thành kinh điển liên quan đến cả sự mặc khải thiêng thượng và sự công nhận của con người. Làm thế nào mà con người có thể nhận ra rằng một người nào đó là tiên tri thực sự của Đức Chúa Trời để tác phẩm của họ được cho là Lời có thẩm quyền từ Đức Chúa Trời? Mặc dù một số người, giống như Môi-se, đã được ban cho năng quyền thiên thượng để thực hiện các việc siêu nhiên, câu trả lời cuối cùng là Đức Thánh Linh đã làm chứng cho lẽ thật của sự mặc khải bởi chính Ngài trong lòng của những người sẵn lòng tiếp nhận nó. Như đã nói trước đó, Chúa Giê-su đã phán trong lời dạy của mình, “Nếu ai khứng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo lý ta có phải là bởi Đức Chúa Trời, hay là ta nói theo ý ta” (Giăng 7:17).

Sự chăm sóc thiên thượng. Một yếu tố khác trong sự hình thành kinh điển là sự quan phòng của Đức Chúa Trời. Việc bảo tồn các tác phẩm Kinh Thánh trong suốt nhiều thế kỷ giữa một quốc gia thường không vâng lời và bị lưu đày cũng như bị bức hại từ kẻ thù là lời chứng cho sự bảo vệ thành tín của Đức Chúa Trời. Ngoài ra còn có sự bảo tồn các lời tiên tri nhất định trong số những lời được thần cảm khác đã được nói ra và có thể thậm chí được viết xuống. Giống như chúng ta không có tất cả những lời mà Chúa Giê-su đã nói, cũng vậy các tiên tri chắc chắn cũng đã từng nói những thông điệp được thần cảm mà không được viết xuống hoặc, nếu được viết xuống, cũng không được bao gồm trong số các tác phẩm kinh điển. Nhưng Đức Chúa Trời đã bảo tồn chính xác những gì Ngài xem là hữu ích cho con dân Ngài mà không cần thêm bất kỳ điều gì khác vào.

Sự xác nhận của Đấng Christ. Việc xác nhận cuối cùng về tính kinh điển của các tác phẩm trong Cựu Ước là lời chứng của Đấng Christ. Như đã lưu ý trong Chương 8, Chúa Giê-su liên tục làm chứng về thẩm quyền của “Kinh Thánh” (ví dụ: Giăng 10:35) và trích dẫn chúng trong lời dạy của Ngài (Mat. 21:42; 26:54; Giăng 5:39). Khi nói về “Kinh Thánh” hoặc “luật pháp và các lời tiên tri” hoặc “luật pháp”, chắc chắn là Chúa Giê-su đang đề cập đến bộ sưu tập các tác phẩm thánh nổi tiếng được công nhận là kinh điển giữa vòng những người Do Thái trong thời đó. Các sứ đồ trong thời Tân Ước, là những người được Chúa Giê-su giao phó sứ mệnh đem lời mặc khải có thẩm quyền đến nhiều nơi, cũng đã công nhận “Kinh Thánh” là Lời của Đức Chúa Trời mang tính kinh điển.

 

Phạm vi Kinh điển Cựu ước

 

Lời chứng của người Do Thái. Trong Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, Cựu Ước gồm có hai mươi bốn sách được chia thành ba phần: (1) Torah (sách luật pháp), bao gồm năm sách của Môi-se (Sáng-thế Ký, Xuất Ê-díp-tô Ký, Lê-vi Ký, Dân-số Ký, Phục-truyền Luật-lệ Ký); (2) Các sách tiên tri, được chia thành bốn “Tiền Tiên tri” (Giô-suê, Các Quan Xét, Sa-mu-ên, Các Vua) và bốn “ Hậu Tiên tri” (Ê-sai, Giê-rê-mi, Ê-xê-chi-ên, và sách của Mười hai Tiên tri, đây là các Tiểu Tiên tri, được đặt tên như vậy vì độ dài của sách tương đối ngắn); và (3) Các sách Văn thơ (Thi-thiên, Châm-ngôn, Gióp, Nhã-ca, Ru-tơ, Ca-thương, Truyền-đạo, Ê-xơ-tê, Đa-ni-ên, và E-xơ-ra – Nê-hê-mi (được xem như một sách).

Viết vào thế kỷ thứ nhất sau Chúa, Josephus đề cập đến việc Kinh Thánh được chia thành ba phần có tổng cộng hai mươi hai sách là những sách được soi dẫn. Đây cũng giống như Kinh Thánh gồm hai mươi bốn sách, trong đó Các Quan xét và Ru-tơ được tính là một sách và Giê-rê-mi và Ca-thương được tính là một sách.

Một trong những tài liệu tham khảo sớm nhất trong truyền thống Do Thái về việc Kinh Thánh gồm 24 sách được chia thành ba phần là trong Baba Bathra 14b-15a, là một đoạn trong Talmud có niên đại từ 70-200 S.C. Việc liệt kê các sách trong mỗi phần của ba phần này được tuân theo các bản chép tay của người Do Thái sau này và Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ hiện nay, mặc dù thứ tự các sách trong phần các sách Tiên tri và các sách Văn thơ có phần khác nhau. Sự thay đổi thứ tự này xảy ra vì các sách được viết trên các cuộn giấy riêng biệt và không buộc lại với nhau. Tuy nhiên, thứ tự của năm sách đầu tiên được cố định, do trình tự thời gian của chúng.

Không rõ chính xác khi nào Kinh Thánh gồm ba phần được chia này trở thành tiêu chuẩn. Mặc dù Tân Ước đề cập đến, như chúng ta đã thấy, tất cả Cựu Ước là được viết bởi “các đấng tiên tri”, nó cũng thường đề cập đến Kinh Thánh gồm hai phần, “Luật pháp hoặc các lời tiên tri” (Mat. 5:17; 7:12; Rô-ma 3:21) hoặc “Môi-se và các đấng tiên tri” (Lu-ca 16:29). Tuy nhiên, việc Chúa Giê-su đề cập đến “Luật pháp Môi-se, các sách Tiên tri và Thi thiên” trong Lu-ca 24:44, có thể chỉ ra điều gì đó về Kinh Thánh gồm ba phần, trong đó Thi thiên là tác phẩm nổi bật nhất trong “Các sách Văn thơ”. Huấn ca, tác phẩm ngụy kinh vào thế kỷ thứ hai trước Chúa, đề cập đến “sách Luật pháp, các sách Tiên tri và các sách khác của tổ phụ chúng ta,” có lẽ là một sự đề cập đến Kinh Thánh gồm ba phần.

Do đó, bằng chứng từ truyền thống Do Thái chỉ ra một kinh điển gồm hai mươi bốn sách Cựu Ước, giống hệt với bộ kinh điển của Tin lành gồm ba mươi chín sách. Trong ba mươi chín sách, Sách của “Mười hai vị tiên tri” được gọi là sách của mười hai Tiểu Tiên tri và bốn sách của Sa-mu-ên, Các Vua, Sử Ký và E-xơ-ra – Nê-hê-mi trở thành tám sách.

Lời chứng của Cơ đốc nhân. Tân Ước cũng đưa ra cùng một sự xác nhận cho kinh điển Cựu Ước. Khi họ lặp đi lặp lại thuật ngữ “Kinh Thánh” —thuật ngữ này thường dùng để chỉ một về một đoạn Kinh Thánh nhất định nhưng cũng được dùng cho toàn bộ Cựu ước (Giăng 2:22; Công vụ 18:24; 2 Ti-mô-thê 3:16; 2 Phi-e-rơ 1: 20) —hoặc “Kinh Thánh” (ở dạng số nhiều) (Công vụ 17: 2, 11; Rô-ma 1: 2; 15: 4), mà các tác giả của Hội thánh đầu tiên, bắt đầu từ những người Do Thái, đề cập một cách rõ ràng đến các tác phẩm thánh được công nhận bởi dân tộc của họ.

Tân ước bao gồm khoảng 250 câu trích dẫn và trên 900 câu ám chỉ đến Cựu ước.21 Các học giả có những ước tính khác nhau, tùy thuộc vào việc liệu một số lời tuyên bố nào đó được trích dẫn trực tiếp hay được diễn giải lại. Trong những tham chiếu đó, mọi phần Kinh Thánh trong Cựu ước đều được nói đến. Roger Nicole cho rằng Tân Ước có 278 “câu trích dẫn cụ thể (từ Cựu ước) và những ám chỉ trực tiếp” đến từ Cựu Ước. Trong số đó, ông nói 94 câu là từ sách Luật pháp, 99 câu từ các sách Tiên tri và 85 câu từ các sách Văn thơ.22 Chỉ có Các Quan Xét, Ru-tơ, Nhã-ca, Truyền-đạo, Ê-xơ-tê, E-xơ-ra – Nê-hê-mi, Sử Ký, Áp-đia, Na-hum và Sô-phô-ni không được trích dẫn trong Tân Ước. Ba sách Tiên tri (Áp-đia, Na-hum và Sô-phô-ni), tất nhiên, là một phần của một sách trong Kinh điển của người Do Thái, đó là sách của Mười hai Tiên tri. Việc một số sách không được trích dẫn rõ ràng không có nghĩa là chúng không được coi là một phần của Kinh điển. Trên thực tế, khi chúng ta xem xét danh sách các đoạn Kinh Thánh gợi nhớ đến Cựu Ước (ám chỉ), được gợi ý bởi một số học giả, tất cả ba mươi chín sách trong Cựu Ước đều được nhắc đến.23

Trong một số trường hợp, thật rất khó để tìm ra một câu trích dẫn từ một đoạn Kinh Thánh cụ thể trong Cựu ước. Ví dụ, mặc dù được giới thiệu là “Kinh Thánh” đã chép, nhưng lời tuyên bố của Chúa Giê-su, “Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình” (Giăng 7:38), không thể được tìm thấy một cách rõ ràng trong Cựu Ước. Tuy nhiên, ẩn dụ về nước phước lành thiêng thượng được hứa ban qua sự đỗ đầy Thánh Linh được tìm thấy trong một số đoạn văn, bao gồm Ê-sai 44: 3. Do đó, một số trích dẫn có thể là sự kết hợp của những lời dạy trong một số đoạn Kinh Thánh Cựu ước.

Một số người cho rằng các tác giả Tân Ước cũng trích dẫn các tác phẩm ngụy tạo và ngụy kinh được cho là có thẩm quyền. Ví dụ, Giu-đe 14-15 đề cập đến lời tiên tri của Hê-nóc, lời tiên tri này thường được trích dẫn từ tác phẩm ngụy tạo 1 Hê-nóc 1: 9. Tuy nhiên, cả Giu-đe và tác giả sách I Hê-nóc đều có thể lấy từ lời truyền khẩu. Tuy nhiên, ngay cả khi Giu-đe đã trích dẫn từ I Hê-nóc, điều này không có nghĩa là sách Hê-nóc là kinh điển. Ba lần sứ đồ Phao-lô đã trích dẫn các tác giả thế tục —triết gia Epimenides trong Công vụ 17:28 và Tít 1:12, và nhà soạn kịch Menander trong I Cô-rinh-tô 15: 33 — nhưng điều đó không có nghĩa là các tác phẩm của những người đó được xem như một phần của Kinh Thánh.

Tiếp theo thời đại Tân Ước, Hội thánh đầu tiên “tự giới hạn mình trong những sách kinh điển truyền thống của người Do Thái, như chúng ta thấy trong danh sách của Melito ở Sardis (160 SCN), và của Origen, Athanasius, Cyril ở  Giê-ru-sa-lem, và của những người khác.”24 Tuy nhiên, như được thảo luận trong phần sau, một số nhà lãnh đạo cũng bị lôi cuốn bởi các tác phẩm phi kinh điển của người Do Thái, đôi khi trích dẫn chúng như là “Kinh Thánh”. Các nhà Cải cách, theo sau Athanasius (khoảng 293-373 S.C) và những người khác, đã tái khẳng định cách mạnh mẽ các sách kinh điển truyền thống của người Do Thái là những tác phẩm kinh điển duy nhất của Cựu ước.25

Câu hỏi về Ngụy tạo và Ngụy kinh. “Ngụy tạo,” có nghĩa là “những lời sai lầm”, là tên được đặt cho một nhóm lớn các tác phẩm của người Do Thái được viết từ ​​năm 200 T.C đến năm 200 S.C. Một số các tác phẩm này tuyên bố là được viết bởi A-đam, Hê-nóc, Môi-se và E-xơ-ra. Phần nhiều trong số những tác phẩm này là lịch sử huyền thoại, giấc mơ khải huyền và khải tượng, được viết để duy trì đức tin của người Do Thái trong thời kỳ chịu khổ. Tuy nhiên, những tuyên bố sai lầm của những tác phẩm này về thẩm quyền thiên thượng, cùng với tính chất huyền ảo của một số câu chuyện và một số giáo lý sai lầm hoàn toàn, đã khiến người Do Thái không thể chấp nhận những tác phẩm này như một phần của kinh điển Kinh Thánh.

Mối quan tâm của chúng ta chủ yếu là về các sách ngụy kinh, mà cả Giáo hội Công giáo La mã và Chính thống giáo Đông phương đều cho là kinh điển. Mặc dù thuật ngữ “Apocrypha” xuất phát từ một từ Hy Lạp có nghĩa là “huyền bí”, nó được áp dụng cho những tác phẩm mà người Tin lành coi là phi kinh điển.26 Những tác phẩm này, còn được gọi là deutero-canonical (“đệ nhị kinh điển”), được Giáo hội Công giáo La Mã công nhận là kinh điển tại Hội đồng Trent vào ngày 8 tháng 4 năm 1548, với việc tuyên bố anathema (dứt phép thông công) đối với bất kỳ ai từ chối chúng.

Một số Giáo phụ của Hội thánh đầu tiên đã công nhận Ngụy kinh như một phần của Kinh Thánh, và những người khác sử dụng chúng cho mục đích tĩnh nguyện hoặc giảng dạy nhưng không xem chúng là kinh điển. Chúng được đưa vào bản Septuagint, bản dịch Cựu ước bằng tiếng Hy Lạp, được xuất bản từ năm ​​150 đến năm 250 trước Chúa. Tuy nhiên, không chắc chắn rằng Ngụy kinh là một phần của ấn bản Septuagint vào thế kỷ thứ nhất sau Chúa. Điều quan trọng là vào giữa thế kỷ thứ nhất và thứ tư, hình dạng sách đã thay đổi từ sách cuộn sang sách đóng. Với các cuộn giấy viết, những sách được thêm vào này, mà người Do Thái coi là hữu ích nhưng không phải là kinh điển, được tách biệt với những sách khác. Tuy nhiên, việc đưa chúng vào bản tiếng Hy Lạp chắc chắn đã góp phần vào việc chúng được sử dụng trong Hội thánh đầu tiên, đặc biệt khi nhiều người trong Hội thánh bên ngoài vùng Palestine không quen thuộc với kinh điển tiếng Hê-bơ-rơ. Tuy nhiên, nói chung, thực tế là một số Giáo phụ của Hội thánh đầu tiên (ví dụ, Clement ở La Mã, Clement ở Alexandria, và Jerome) đã trích dẫn Ngụy kinh thường xuyên đã cung cấp chút ít hỗ trợ cho việc những sách này được coi là Kinh Thánh.27

Việc Hội thánh sử dụng các sách Ngụy kinh đã tăng lên phần nào sau thời kỳ đầu này, nhưng danh sách các sách kinh điển, với một số thay đổi, vẫn là các sách kinh điển truyền thống của người Do Thái. Với sự công nhận của Augustine, các sách ngụy kinh đã được sử dụng trong Giáo hội, mặc dù không rõ là ông xem chúng có thẩm quyền ngang hàng với các sách kinh điển khác hay không. Chúng vẫn là kinh điển thứ cấp cho đến khi, như đã ghi chú, Giáo hội Công giáo La Mã chính thức công bố chúng là các sách kinh điển vào thời điểm Cải chánh.

Được viết từ năm 200 T.C đến năm 100 S.C, các tác phẩm Ngụy kinh phản ánh tình trạng tôn giáo, chính trị và xã hội trong những năm giữa Cựu ước và Tân ước. Tuy nhiên, có một số lý do để từ chối chúng là kinh điển.

Thứ nhất, không có danh sách các sách Cựu Ước nào của người Do Thái chứa những sách ngụy kinh này.

Thứ hai, trong khi Đấng Christ và các tác giả Tân Ước trích dẫn từ Cựu Ước, họ không bao giờ trích dẫn từ các Ngụy kinh như là Kinh Thánh có thẩm quyền, mặc dù họ biết về những sách này.

Thứ ba, trong bốn thế kỷ đầu tiên, tất cả danh sách các sách kinh điển, với một vài ngoại lệ nhỏ, đều loại trừ những sách này.

Thứ tư, nội dung của các sách Ngụy kinh chống lại tính kinh điển của chúng. Các giáo lý sai lầm được dùng trong giảng dạy, chẳng hạn như trích dẫn từ Tôbia 12: 8-9, được ghi chú ở đầu chương này, dạy rằng việc bố thí dùng để chuộc tội (cũng là Huấn ca [Sirach] 3:30). Cũng dạy về việc cầu nguyện và dâng hiến cho người chết, điều này được cho là ủng hộ cho giáo lý về ngục luyện tội (2 Mac. 12: 41-45). Huấn ca 33: 25-27 biện minh cho sự tàn ác đối với nô lệ, và khinh miệt quyền phụ nữ được thấy trong Huấn ca 22: 3 (“sinh con gái là một sự thiệt thòi”) và 42:14 (“đàn ông gian ác tốt hơn đàn bà tốt bụng”). Ngoài ra, các sai sót lịch sử, văn học dân gian và thần thoại được tìm thấy trong một số sách Ngụy kinh.

Thứ năm, họ không tuyên bố gì về sự soi dẫn; trên thực tế, họ thậm chí còn ám chỉ đến sự vắng mặt của các đấng tiên tri tại Y-sơ-ra-ên (1 Mac. 9:27).

 

KINH ĐIỂN TÂN ƯỚC

 

Tân ước, giống như Cựu ước, không có chỗ nào trong Tân ước nói đến danh sách các sách sẽ được đưa vào Kinh Thánh Tân ước. Do đó, việc xác định kinh điển Tân ước của chúng ta phải đến từ các yếu tố thần học được tìm thấy trong cả Kinh Thánh Cựu ước và Tân ước cũng như lời chứng của các Cơ đốc nhân trong lịch sử của Hội thánh. Quá trình này kéo dài vài thế kỷ.

 

Lịch sử Hình thành Kinh điển Tân ước

Việc chấp nhận Kinh điển Kinh Thánh Cựu ước đã tạo tiền đề cho sự hình thành Kinh điển Tân ước. Không có gì nghi ngờ, việc các Cơ đốc nhân thời Tân Ước đã sớm nhận được những lời dạy của Chúa Giê-su là có thẩm quyền ngang bằng (hoặc lớn hơn) so với những lời dạy của các đấng tiên tri trong Cựu Ước (Giăng 1:17; Hê-bơ-rơ 1: 2; 2: 3). Do đó, những lời dạy và việc làm của Chúa Giê-su đã hình thành nên những yếu tố đầu tiên của một “kinh điển” mới cho các môn đồ của Ngài. Sự hình thành kinh điển cũng được chính Chúa Giê-su cho phép khi Ngài chọn các sứ đồ làm nhân chứng có thẩm quyền của Ngài (Mác 3:14; Công vụ 10: 39-42). Là đại diện có thẩm quyền của Đấng Christ, các sứ đồ là trụ cột và nền móng của Hội thánh (Ma-thi-ơ 16:18; Ê-phê-sô 2:20; Khải huyền 21:14). Do đó, những lời dạy của các sứ đồ được coi là có thẩm quyền, như đã thấy trong mạng lệnh của Phao-lô đối với các Cơ đốc nhân ở Tê-sa-lô-ni-ca phải “vâng giữ những điều dạy dỗ mà chúng tôi đã truyền cho anh em, hoặc bằng lời nói, hoặc bằng thơ từ của chúng tôi” (2 Tê. 2:15; xem thêm 1 Cô. 14:37).

 

Việc truyền miệng của các sứ đồ đương nhiên có một ưu tiên lịch sử nhất định, nhưng, như H. N. Ridderbos lưu ý, các tài liệu thành văn đã trở thành hình thức cuối cùng cho các lời dạy của các sứ đồ. “Theo thời gian Hội thánh bắt đầu được mở rộng trên toàn thế giới, các sứ đồ chỉ có thể liên lạc với các Hội thánh bằng thư từ. Và khi các sứ đồ qua đời, thì việc truyền khẩu cũng giảm đi tính chính xác và trở nên ít đáng tin cậy hơn, vì vậy việc ấn định các lời dạy thành văn của các sứ đồ đương nhiên có tầm quan trọng hơn.”28

Khi một số tác giả Tân Ước yêu cầu các bức thư của họ nên được lưu hành và đọc trong các Hội thánh, điều này có nghĩa là họ đang đặt các tác phẩm của họ ngang hàng với Kinh Thánh Cựu Ước, vốn thường được đọc trong các Hội thánh. Và chắc chắn là các bản sao cũng được viết ra để các nơi khác cũng có thể có cùng những sách giống nhau. Việc Phi-e-rơ tham khảo các thư tín của Phao-lô cùng với “những phần Kinh Thánh khác” (2 Phi 3:16) đã đặt các tác phẩm của Phao-lô ngang hàng với Cựu ước và có thể thấy rằng Phi-e-rơ đã thêm chúng vào trong Kinh Thánh.

Các Giáo phụ vào thời Hội thánh hậu sứ đồ đã bắt tay vào các vấn đề thực tế và đạo đức của Hội thánh đang mở rộng và do đó có rất ít thời gian để xem xét về tính kinh điển của Kinh Thánh. Vì vậy, họ đã không đưa ra bất kỳ tuyên bố rõ ràng nào về tính kinh điển. Thẩm quyền tối thượng của họ là Đấng Christ và sự mặc khải của Đức Chúa Trời về Ngài được cả các nhà tiên tri Cựu Ước và các sứ đồ Tân ước công bố. Lúc đầu, các tài liệu tham khảo “Kinh Thánh” của các Giáo phụ trong Hội thánh đề cập đến Cựu ước, mặc dù họ coi các tác phẩm của các sứ đồ có thẩm quyền ngang với Cựu ước. Vào giữa thế kỷ thứ hai, Polycarp, Barnabas và 2 Clement đã trích dẫn Tân Ước. Theo Justin Martyr (khoảng năm 100-165), đây cũng là một phong tục đối với các Cơ đốc nhân khi họ gặp nhau vào các ngày Chủ nhật để nghe đọc “hồi ký” của các sứ đồ (đề cập đến các sách Phúc âm) hoặc các sách của các đấng tiên tri (Cựu ước). Vì vậy, các sách Tân ước bắt đầu được thay thế như các sách kinh điển cùng với kinh điển Cựu ước.29

Vào thế kỷ thứ hai, một số phong trào bên ngoài, đặc biệt là Thuyết Ngộ Giáo và Thuyết Nhị Nguyên, đã thách thức phạm vi của kinh điển Tân Ước. Nỗ lực của người theo Thuyết Ngộ Giáo là để có nhiều tác phẩm Ngộ đạo được công nhận là phù hợp với giáo lý của các sứ đồ và nỗ lực của những người theo Thuyết Nhị Nguyên là để giới hạn kinh điển trong phạm vi của mười thư tín Phao-lô và một bản chỉnh sửa của Lu-ca,  rõ ràng tất cả những điều này đã thúc đẩy Hội thánh suy xét một cách có ý thức hơn về giới hạn và phạm vị của các tác phẩm đích thực của các sứ đồ.”30

Theo Eusebius (khoảng năm 260-339), Giáo hội đã thảo luận về ba loại tác phẩm: “được công nhận”, “bị tranh luận” và “dị giáo.”31 Trong số những sách được công nhận thuộc về Tân Ước, có bảy sách ở trong tình trạng tranh luận trong một thời gian, vì một số lời dạy trong đó hoặc vì chúng chưa được biết đến rộng rãi ở cả phương Đông và phương Tây. Chúng bao gồm Hê-bơ-rơ, Gia-cơ, 2 Phi-e-rơ, 2 Giăng, 3 Giăng, Giu-đe và Khải Huyền. Trong trường hợp của sách Hê-bơ-rơ, việc cho rằng quyền tác giả thuộc về các sứ đồ là điều không chắc chắn. Tuy nhiên, theo lời chứng ban đầu, khi sự thật về những cuốn sách này được biết đến, tất cả đều được xem là kinh điển. Lời chứng đầu tiên cho tính kinh điển của hai mươi bảy sách trong Tân Ước là trong một bức thư của Athanasius (đề năm 367 S.C). Với cùng một danh sách các sách kinh điển được đưa ra tại Hội nghị thứ ba ở Carthage vào năm 397 và được đưa ra một lần nữa trong một Hội nghị khác ở Carthage vào năm 419. Dunbar kết luận rằng “thật là thích hợp … khi nói về kinh điển [Tân Ước] đã đạt được hình thức hiện tại của nó trong hầu hết các Hội thánh trong suốt thế kỷ thứ năm.”32

 

Tiêu chuẩn cho Tính Kinh điển của Tân Ước

Vì các sứ đồ được công nhận là người đại diện có thẩm quyền của Chúa Giê-su Christ, nên tiêu chuẩn chính để công nhận một sách trong Tân Ước là sách kinh điển là liệu sách đó có được viết bởi một sứ đồ hay một cộng sự của sứ đồ mà những lời dạy của họ phù hợp với những lời dạy của một sứ đồ hay không. Lời chứng được thành văn hay truyền khẩu của các sứ đồ về những lời dạy và việc làm của Đấng Christ là “nền tảng” của Hội thánh sơ khai và là quy chuẩn cuối cùng của đức tin và thực hành. Vì vậy, chẳng hạn, Justin Martyr đã nói Phúc âm Mác là “Hồi ký của Phi-e-rơ.” Tiêu chuẩn về sự phù hợp với giáo lý của các sứ đồ được thấy rõ trong lời tuyên bố của Tertullian người chống lại thuyết Nhị Nguyên. “Tôi tuyên bố rằng tác giả của các tác phẩm phúc âm là các sứ đồ, và nhiệm vụ công bố phúc âm này được giao cho các sứ đồ bởi chính Chúa. Nếu tác giả của các tác phẩm phúc âm này là những người thuộc hàng các sứ đồ, thì họ sẽ không bao giờ đứng riêng lẻ, nhưng là những nguời cộng sự của các sứ đồ hoặc là những môn đồ của các sứ đồ.”33

Sự phù hợp với giáo lý của các sứ đồ là tiêu chuẩn thiết yếu cũng được chứng minh bởi thực tế là nhiều tác phẩm Ngộ đạo phi kinh điển được cho là của các sứ đồ khác nhau nhằm cố gắng xác nhận những tác phẩm đó là có thẩm quyền.

Trong những trường hợp mà quyền tác giả không được biết đến (chẳng hạn như Sách Hê-bơ-rơ), thì tác phẩm được đánh giá bằng cách xem nó có phù hợp với “quy chuẩn của đức tin” hay phù hợp với tính chính thống được thừa nhận theo lời dạy truyền thống của các sứ đồ hay không. Ngoài ra, thực tế thì việc tác phẩm được xem là có thẩm quyền và được các Hội thánh sử dụng rộng rãi và liên tục đã đóng một phần trong việc xác định tính kinh điển của nó.

 

KẾT LUẬN

 

Việc thiết lập kinh điển của Kinh Thánh Cựu ước và Tân ước là công việc của Đức Chúa Trời trước hết là mặc khải chính Ngài và sau đó cho phép con dân Ngài nhận ra Lời mặc khải của Ngài, bằng cách xác nhận các dấu hiệu và lời chứng của Thánh Linh trong lòng họ.

 

Sự mặc khải đặc biệt của Đức Chúa Trời trong cả Cựu ước và Tân ước về bản chất là sự kết nối kế hoạch cứu chuộc của Ngài tập trung vào Đấng Christ. Các đấng tiên tri được Đức Thánh Linh soi dẫn (I Phi-e-rơ 1:11) đã dọn đường cho sự đến của Đấng Mê-si-a và sự cứu rỗi qua chính Ngài. Các sứ đồ, được Chúa Giê-su cho phép và được Thánh Linh soi dẫn, để công bố và viết về Chúa Giê-su thành Na-xa-rét và các công việc của Ngài như là sự hoàn thành lời hứa tiên tri đã chép trước đó. Bản ghi chép được thần cảm về các hành động cứu rỗi lịch sử của Đức Chúa Trời, mà đỉnh cao là công việc của Đấng Christ trên thập tự giá, qua đó xác định phạm vi của kinh điển.

 

 

 

 

 

14

KINH THÁNH CÓ QUAN TRỌNG VÀO NGÀY NAY?

 

 

 

THẦN HỌC GIA TỰ DO Don Cupitt khẳng định rằng “con người hiện đại muốn sống cuộc sống của riêng họ, có nghĩa là đưa ra các quy tắc của riêng họ, định hướng lối đi cho cuộc sống do chính họ chọn.”1 Quyền lực trong thời đại của chúng ta là một khái niệm tiêu cực, đàn áp. Tuy nhiên, một trong những sự thật của lịch sử nói rằng với tư cách là con người hữu hạn, chúng ta chắc chắn sẽ phải phục vụ một số quyền lực nhất định. Hoặc là chúng ta sẽ sống dưới quyền của Đức Chúa Trời, Đấng tạo dựng nên chúng ta, hoặc là chúng ta sẽ sống dưới quyền một vị thần nào đó, người mà cuối cùng hóa ra lại là chính chúng ta. Như Seneca (khoảng năm 4 trước Công nguyên – 65 sau CN), chính khách và nhà triết học La Mã, đã chỉ ra rằng, nếu chúng ta là thẩm quyền riêng của chính mình, chúng ta tự nô lệ cho chính mình, đó là sự trói buộc tồi tệ nhất. 2

Tự do đích thực, theo Kinh Thánh và lẽ thường là điều đó chỉ đến khi chúng ta phục tùng thẩm quyền của Đấng Tạo Hóa, Đấng yêu thương các tạo vật của Ngài và đã mặc khải cho họ cách có được sự sống sung mãn mà Ngài đã tạo ra. Không ai tự do hơn Chúa Giê-su, người biết ý muốn của Cha Ngài và luôn làm theo ý muốn đó. “Bởi ta chẳng nói theo ý riêng ta; nhưng Cha sai ta đến, đã truyền lịnh cho ta phải nói điều chi và phải nói thể nào. Ta biết mạng lịnh Cha, ấy là sự sống đời đời.” (Giăng 12: 49-50; xem thêm 5:30; 8:28-29; 14:31). Chúa Giê-su hứa sẽ ban sự tự do và sự sống giống như vậy cho những ai vâng phục Ngài và sự dạy dỗ của Ngài. “Vậy, nếu Đức Con giải phóng các người, thì các người mới thật sự được tự do” (8:36, NVB). Sự tự do đó sẽ được nhận ra thông qua việc vâng phục Lời Ngài: “Nếu các ngươi hằng ở trong đạo ta… các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông-tha các ngươi” (8:31-32).

Sự tự do, điều mà được mong muốn ngày nay, sự tự do dẫn đến sự sống sung mãn, chỉ có được khi chúng ta vâng phục quyền bính của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ, là điều đã được truyền đạt cho chúng ta trong Lời Ngài. Vì Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, nên điều tối quan trọng là chúng ta phải vâng phục thẩm quyền của Kinh Thánh.

Satan là kẻ thù của chúng ta, nó làm tất cả những gì có thể thông qua nhiều cách khác nhau để cản trở chúng ta trong việc trở nên hoàn toàn vâng phục Đức Chúa Trời và Lời Ngài. Thành công của nó trong việc cản trở này thể hiện ở việc thực tế rằng Kinh Thánh, mặc dù là một cuốn sách bán chạy nhất, nhưng hiếm khi được nhiều người đọc hoặc nghiên cứu và thậm chí còn bị coi thường.

 

Những điều gì làm cho Kinh Thánh trở nên có thẩm quyền trong cuộc sống của chúng ta ? Chúng ta nhất định phải làm ba điều này: tôn cao Kinh Thánh như thẩm quyền tối thượng của chúng ta, hiểu rõ thông điệp của Kinh Thánh để nó có thể thực hiện chức năng như uy quyền của chúng ta, và cho phép nó điều khiển cuộc sống của chúng ta.

 

TÔN CAO KINH THÁNH NHƯ THẨM QUYỀN TỐI THƯỢNG

CỦA CHÚNG TA

Phải công nhận một điều rằng Kinh Thánh được mặc khải là Lời của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã ban để cứu rỗi và hướng dẫn chúng ta trong trần thế. Tuy nhiên, đây lại là một vấn đề khác cho việc xác minh rằng làm thế nào thẩm quyền của Đức Chúa Trời qua Lời Ngài thực sự bao phủ đời sống chúng ta. Nói một cách khác, làm sao chúng ta có thể biết được ý muốn có thẩm quyền của Đức Chúa Trời? Cách một người trả lời câu hỏi này sẽ xác định xem liệu anh ấy hoặc cô ấy có đặt Kinh Thánh lên làm thẩm quyền tối thượng của mình hay không.

Qua nhiều thế kỷ, con người đã trả lời câu hỏi này theo một trong ba cách: Ý muốn của Đức Chúa Trời được xác định bởi kinh nghiệm thuộc linh của con người, hoặc bởi sự dạy dỗ có thẩm quyền của nhà thờ, hoặc bởi chính Kinh Thánh được Đức Thánh Linh dạy dỗ. Một số người có thể chấp nhận nhiều hơn một trong số những điều này là lời phán của Đức Chúa Trời, nhưng chắc chắn chỉ có một điều có thể được coi là tối hậu và đó là kết luận cuối cùng.

 

 

Kinh Nghiệm Thuộc Linh Của Con Người 

Trong cách tiếp cận này, uy quyền của Đức Chúa Trời sẽ chỉ được tìm thấy trong các ý kiến chủ quan của cá nhân. Kinh Thánh cũng như lời chứng của dân sự Đức Chúa Trời có thể hữu ích trong quá trình này, nhưng kinh nghiệm của mỗi cá nhân cuối cùng mới xác nhận nhận ý muốn của Đức Chúa Trời.

Theo quan điểm này, Kinh Thánh có thẩm quyền ở mức độ phù hợp với lý trí. Điều này có thể mang ý nghĩa là chuyển giao sự dạy dỗ và dữ liệu trong Kinh Thánh cho những kết luận mới nhất của các phương pháp tiếp cận lịch sử – phê bình đối với Kinh Thánh. Hoặc nó có thể mang nghĩa là điều chỉnh Kinh Thánh phù hợp với những tư tưởng chủ đạo của nền văn hóa hiện đại.

Ý kiến này liên quan đến thẩm quyền của Kinh Thánh thường được những người khước từ sự thần cảm trọn vẹn và tính chất vô ngộ của Kinh Thánh nắm giữ. Họ cảm thấy rằng một số thẩm quyền bên ngoài Kinh Thánh nhất định phải cho họ biết cụ thể nơi nào Kinh Thánh nói lẽ thật của Đức Chúa Trời và nơi nào chỉ là lời nói của một trước giả sai lầm. Kiến thức và lý trí của con người đóng vai trò là tòa phúc thẩm cuối cùng để quyết định cho các lẽ thật trong Kinh Thánh.

Quan điểm này thậm chí còn được chấp nhận từ một số người tuyên bố tin vào sự thần cảm thiên thượng. Ví dụ, một số người dạy rằng đồng tính luyến ái, khi được thực hành trong các mối quan hệ cam kết, là được tán thành trong Kinh Thánh. Kể cả trong trường hợp có một số người nói rằng vai trò của nam giới và phụ nữ hoàn toàn có thể hoán đổi cho nhau trong gia đình và trong hội thánh.  Kinh nghiệm của con người mang một vai trò mạnh mẽ nếu không muốn nói là quyết định. Phần sau đây được một nhà truyền giáo viết gửi cho biên tập viên của một tạp chí Cơ đốc nổi tiếng dành cho những sinh viên đại học. “Vào một thời điểm lịch sử khi xã hội thế tục bắt đầu dậy sóng các vấn đề liên quan đến sự bất công hàng thế kỷ đối với phụ nữ, thật không khôn ngoan và không công bằng khi các ấn phẩm truyền giáo nhấn mạnh những đoạn Kinh Thánh liên quan đến sự bất bình đẳng cổ xưa giữa các giới. Bằng cách tiếp tục theo một lộ trình như vậy, những người truyền đạo sẽ chỉ thêm dầu vào quan niệm thế tục được phổ biến bấy giờ rằng nhà thờ Cơ đốc là một tổ chức lỗi thời dành riêng cho việc duy trì hiện trạng, cho dù hiện trạng đó có thể là bất công và vô nhân đạo đến mức nào.”3

Gần đây hơn, một trưởng lão của một hội thánh tin lành đã thừa nhận với đồng nghiệp của tôi rằng anh ấy sẽ xấu hổ khi đọc lời dạy của Phao-lô về vợ và chồng trong Ê-phê-sô 5:21-33 cho những người mà ông mời đến nhà thờ.

Những thí dụ minh họa này phản ánh về sự khuất phục của các thầy giảng tin lành đối với các quan điểm văn hóa đương thời. Nhưng những người khác đang đề xuất “tiêu chí ngoài sức thuyết phục” hợp lý hơn để xác định thẩm quyền của các bản văn Kinh Thánh.4 Sử dụng các yếu tố văn hóa thực dụng “ngoài Kinh Thánh” được cho là nằm sau Tân Ước về mối quan hệ vợ chồng. Một nhà nghiên cứu về phúc âm kết luận rằng các yếu tố thực dụng không còn xuất hiện trong văn hóa đương đại và do đó ngày nay giáo huấn trong Ê-phê-sô 5 nên được hiểu là “một loại danh dự” và “sự tôn trọng” để người vợ thể hiện với chồng mình.5 Đây rõ ràng là những hiểu biết đi ngược với Kinh Thánh. Cho dù những khám phá lịch sử và khoa học, đã làm tăng sự hiểu biết của chúng ta về các phần của Kinh Thánh. Nhưng phải hết sức lưu ý đừng để sự hiểu biết và lý trí của con người chiếm đoạt thẩm quyền của Kinh Thánh. Theo lời của nhà thần học John Frame, “Những gì chúng ta giải thích về giáo huấn của Kinh Thánh phải chiếm ưu thế, ngay cả khi dường như có mâu thuẫn. Điều này phải vượt lên trên những gì chúng ta giải thích về mặc khải phổ quát … một khi chúng ta tin chắc rằng Kinh Thánh dạy x, chúng ta phải tin điều đó, ngay cả khi sự mặc khải phổ quát dường như dạy rằng không phải x.”6

Đối với một số người, tư tưởng duy lý trở thành thẩm quyền tôn giáo tối thượng, thậm chí trên cả Kinh Thánh. Một số khác thì lại xem quyền bính là cảm xúc tôn giáo hoặc những trải nghiệm mang tính thần bí nào đó. Sự nổi bật của kiểu suy nghĩ này được thể hiện rõ trong tác phẩm gần đây Lửa Từ Trời, được nhà thần học tự do Harvey Cox chấp bút. Nhìn lại cuộc xung độ tôn giáo trong ba thế kỷ qua giữa khoa học hiện đại và tôn giáo truyền thống, Cox nói rằng cuộc đấu tranh tiếp theo sẽ là giữa Phái Cơ-yếu  (những người chú trọng vào vào lẽ thật được nhận thức) và chủ nghĩa kinh nghiệm – một loại trải nghiệm tâm linh cá nhân như kiểu như uống cà phê tự phục vụ mà trong đó các lẽ thật được chấp nhận khi “đụng chạm” tới  những kinh nghiệm hàng ngày của cá nhân.7

Nhưng dựa trên cơ sở nào, chúng ta có thể kết luận rằng một kinh nghiệm nào đó của con người (lý trí hoặc tình cảm) là sự diễn đạt có thẩm quyền cho Lời phán từ Đức Chúa Trời? Và kinh nghiệm của ai sẽ được coi là quy chuẩn? Thay vì phán xét Kinh Thánh, kinh nghiệm của con người chúng ta phải được phán xét và biến đổi từ quy chuẩn đó. Kinh Thánh phải được tiếp nhận như là Lời khách quan của Đức Chúa Trời, đứng trên chúng ta để tất cả kinh nghiệm của con người được khuất phục trước nó.

 

Thẩm Quyền Giảng Dạy của Giáo Hội

Cách tiếp cận thứ hai đối với thẩm quyền của Kinh Thánh nói rằng thẩm quyền của Kinh Thánh được truyền đạt cho chúng ta qua thẩm quyền của giáo hội. Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo (1994), do Giáo hoàng John Paul Đệ Nhị khởi xướng và được ban hành dưới sự chỉ đạo của ông, tuyên bố rằng mặc khải thiêng liêng của phúc âm được truyền tải dưới hai hình thức: Thánh Kinh  và Thánh Truyền (sacred tradition: truyền thống thiêng liêng).8 Trong khi theo truyền thống chúng được xem như hai nguồn mặc khải riêng biệt, tuy nhiên có một khuynh hướng  trong giáo hội Công Giáo gần đây xem chúng như một.  Trích dẫn một tài liệu từ Công đồng chung Vatican II, Sách Giáo lý tuyên bố, “Thánh Truyền và Kinh Thánh tạo nên một kho tàng thiêng liêng duy nhất về Lời Chúa.”9 Mọi điều trong truyền thống giáo hội được cho là được tìm thấy trong Kinh Thánh một cách rõ ràng hoặc ẩn ý.10

Theo quan điểm này, cơ quan giảng dạy của Giáo Hội, được gọi là Huấn quyền của Giáo Hội, có nhiệm vụ, với tư cách là người kế vị các sứ đồ, đưa ra cách giải thích xác thực về Lời Chúa (nghĩa là Kinh Thánh và Thánh Truyền), khi được quy định là tín điều, đều được xem là chân lý không thể sai lầm.11 Chân lý không thể sai lầm này sau đó trở thành một phần của truyền thống hoặc lẽ thật thiên thượng. Giáo hội La Mã, đảm nhận vai trò là người thông dịch, giải thích đáng tin về Thánh Truyền và Kinh Thánh, do đó làm thẩm quyền trung gian của sự mặc khải thiêng liêng về Lời Đức Chúa Trời cho dân Ngài. Như Sách Giáo Lý Công giáo giải thích, “Thánh Truyền, Kinh Thánh, và Huấn Quyền của Giáo Hội được kết nối chặt chẽ đến nỗi một trong hai không thể đứng vững nếu không có cái khác…. Giáo hội với giáo lý, cuộc sống và sự thờ phượng của mình đã tồn tại và truyền lại cho mọi thế hệ đi sau về tất cả những gì bản thân Giáo hội đang làm và tin tưởng.”12 Nhà văn Công giáo Mark Shea cũng giải thích điều này về mối quan hệ của Kinh Thánh với giáo hội và Thánh truyền.

Đức tin Công giáo có thể đồng ý rằng Kinh Thánh là đủ. Nhưng nó cũng cảnh báo rằng có sự phân biệt giữa vật chất và sự đầy đủ về hình thức. Sự khác biệt là gì? Nói một cách đơn giản, đó là sự khác biệt giữa việc có một đống gạch đủ lớn để xây một ngôi nhà và có một ngôi nhà bằng gạch. Sự đầy đủ về vật chất có nghĩa là tất cả những viên gạch cần thiết để xây dựng giáo lý đều có trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, nó cũng dạy rằng vì ý nghĩa của Kinh Thánh không phải lúc nào cũng rõ ràng và đôi khi một giáo lý được ngụ ý hơn là rõ ràng, nên những thứ khác ngoài Kinh Thánh đã được các sứ đồ truyền lại cho chúng ta như: Truyền thống thiêng liêng (là cái cối giã chứa đựng các viên gạch với nhau theo đúng thứ tự và vị trí) và Huấn quyền hoặc thẩm quyền giảng dạy của Giáo hội (là cái bay trong tay của Người Thầy xây dựng). Tổng hợp lại, ba điều này — Sách Thánh, Thánh Truyền và Huấn Quyền — là đủ để biết lẽ thật được mặc khải của Đức Chúa Trời.13

 

 

Công Giáo La Mã không đơn độc trong việc khẳng định sự vô ngộ của thánh truyền cùng với Kinh Thánh. Timothy Ware, trong một tác phẩm phổ biến về Nhà thờ Chính thống, đã nói một cách cụ thể, “Các định nghĩa giáo lý của một Công đồng Đại kết là không thể sai lầm. Do đó, cái nhìn của Nhà thờ Chính thống, tuyên bố về đức tin do bảy hội đồng đưa ra, cùng với Kinh Thánh, là một thẩm quyền bền vững và không thể thay đổi.”14 Vì vậy, một số giáo lý của hội thánh được đặt cùng với Kinh Thánh là có thẩm quyền tối thượng ngang nhau.

Một số người Tin Lành ngày nay đang khuyến khích các Cơ đốc nhân dành một nơi tôn trọng hơn cho truyền thống. Họ chỉ ra một cách đúng đắn rằng những giáo lý lịch sử chính thống về các nguyên lý trung tâm của đức tin Cơ đốc có thể giúp bảo vệ giáo hội trước những nguy cơ tuân theo các chuẩn mực văn hóa phổ biến. Họ cũng hy vọng rằng sự cương quyết này sẽ mang lại sự đoàn kết hơn nữa trong một giáo hội bị rạn nứt trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa thế tục. Tuy nhiên, đôi khi họ cương quyết đánh giá cao truyền thống đến nỗi gần như làm mờ  nhạt địa vị độc tôn của Kinh Thánh là thẩm quyền tối thượng. Một ví dụ về điều này được nhìn thấy trong tác phẩm gần đây Tìm Lại Truyền Thống Và Đổi Mới Truyền Giáo, của Daniel H. Williams, một mục sư Báp-tít được phong chức. Ông này cũng giảng dạy về các giáo phụ và thần học lịch sử tại Đại học Loyola Chicago. Ông thường xuyên liên kết Kinh Thánh và các giáo phụ của Hội thánh đầu tiên lại với nhau như một thẩm quyền chuẩn mực cho các tín hữu. Ông đề cập đến “nền tảng duy nhất về tông đồ và giáo phụ.”15 Ông nói lần nữa: “Giống như Kinh Thánh, Thánh truyền của  giáo hội có nguồn gốc từ chính Đức Chúa Trời ba ngôi, đến với chúng ta từ  Cha, thông qua Con trong Thánh Linh. Kinh Thánh và Thánh truyền không phải là hai nguồn khác nhau của thẩm quyền và lẽ thật.”16 Có tuyên bố rằng “Thánh truyền ban đầu của giáo hội cung cấp cơ sở để xác định nền tảng của nó”17 nghe có vẻ gần giống với quan điểm của giáo hội Công giáo rằng nhà thờ là cần thiết để làm trung gian cho thẩm quyền của Kinh Thánh đối với các Cơ đốc nhân.

 

 

Chỉ Có Duy Nhất Kinh Thánh

Quan điểm thứ ba cho rằng Đức Thánh Linh bày tỏ quyền bính Ngài cho dân Ngài chỉ qua Kinh Thánh. Giáo lý Tin lành cổ điển này được gọi là Sola Scriptura  (Duy nhất Kinh Thánh) được nêu rõ trong Tuyên xưng Đức tin của các nhà thờ Pháp chịu ảnh hưởng của John Calvin vào năm 1559: “Chúng tôi tin rằng Lời trong những cuốn sách này đã đến từ Đức Chúa Trời, và đây là Kinh Thánh có thẩm quyền của Ngài, chứ không phải là sản phẩm của loài người. Và nó là quy luật của mọi lẽ thật, chứa đựng tất cả những gì cần thiết cho việc phụng sự Đức Chúa Trời và sự cứu rỗi của chúng ta. Con người hay thậm chí các thiên sứ cũng không được thêm vào, hay lấy đi hoặc thay đổi nó. Theo đó, không có thẩm quyền nào, dù là cổ xưa, hay tục lệ, hoặc những con số, hoặc sự khôn ngoan của loài người, hoặc những phán xét, hoặc tuyên ngôn, hoặc sắc lệnh, hoặc nghị định, hoặc hội đồng, hoặc khải tượng, hoặc phép lạ, không được chống lại những lời Kinh Thánh này, nhưng ngược lại, tất cả mọi thứ đó nên được kiểm tra, điều tiết và cải cách theo Kinh Thánh.”18

Thuật ngữ Sola Scriptura cũng đề cập đến sự đầy đủ của Kinh Thánh, nghĩa là Kinh Thánh chứa đựng tất cả lẽ thật cần thiết cho sự cứu rỗi và đời sống tâm linh. Đối với những người vô tín đang tìm kiếm sự chỉ dẫn, Ê-sai đã tuyên bố, “Một dân-tộc há chẳng nên cầu hỏi Đức Chúa Trời mình sao? Hãy theo luật pháp và lời chứng! Nếu dân chẳng nói như vậy, chắc sẽ chẳng có rạng-đông cho nó” (Ê-sai 8:19-20). Những lời này của Ê-sai là một câu nói yêu thích của John Wesley khi ông “tìm cách thực hiện mệnh lệnh của mình là mọi sự dạy dỗ phải được Kinh Thánh thử nghiệm.”19

Tương tự như vậy, Chúa Giê-su liên tục xem Kinh Thánh là thẩm quyền cuối cùng của Đức Chúa Trời. Để đáp lại lời yêu cầu của người đàn ông giàu có rằng ai đó từ cõi chết được sống lại để cảnh báo anh em của ông ta về sự phán xét của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su chỉ nhấn mạnh vào thẩm quyền và sự đầy đủ của Kinh Thánh. “Nếu không nghe Môi-se và các đấng tiên-tri, thì dầu có ai từ kẻ chết sống lại, chúng nó cũng chẳng tin vậy” (Lu-ca 16:31). Câu trả lời của Ngài đối với những người hỏi Ngài là minh chứng cho việc Ngài liên tục sử dụng Kinh Thánh như một vị thẩm phán tối cao của lẽ thật trong các cuộc đối đầu với họ: “Các ngươi lầm, vì không hiểu Kinh Thánh” (Ma-thi-ơ 22:29). Ngài đã nói về Kinh Thánh, “Ấy là Kinh-Thánh làm chứng về ta vậy” (Giăng 5:39).

Điều đáng kể nhất là những lần Chúa Giê-su bác bỏ những truyền thống đã được xây dựng xung quanh Kinh Thánh bởi các nhà lãnh đạo Do Thái giáo. Khi được hỏi vì sao các môn đồ theo Ngài “phạm lời truyền-khẩu của người xưa?” Chúa Giê-su đã trả lời rằng, “Còn các ngươi sao cũng vì cớ lời truyền-khẩu mình mà phạm điều-răn của Đức Chúa Trời? Như vậy, các ngươi đã vì lời truyền-khẩu mình mà bỏ lời Đức Chúa Trời.” (Ma-thi-ơ 15:2-3, 6). Sau đó, Chúa Giê-su trích dẫn những lời của Ê-sai, mà quở trách những người này vì “chúng nó dạy theo những điều-răn mà chỉ bởi người ta đặt ra” (15:7-9; xem thêm Mác 7: 5-13). Nhiều lần trong Bài giảng trên núi, Chúa Giê-su phán, “Các ngươi đã nghe … song ta nói cùng các ngươi ….” Chắc chắn Ngài đến đặng làm trọn vẹn luật pháp và các truyền thống tốt đẹp đã có từ lâu đời trong Kinh Thánh. Ngài dạy, “Các ngươi có nghe lời phán rằng: Hãy yêu người lân-cận, và hãy ghét kẻ thù-nghịch mình. Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù-nghịch, và cầu-nguyện cho kẻ bắt-bớ các ngươi” (Ma-thi-ơ 5:43-44).

Ngoài ra, các sứ đồ cũng tuyên bố Kinh Thánh như là tòa phúc thẩm cuối cùng của họ. Phao-lô gửi lời khen đến các tín đồ ở Bê-rê vì họ “ngày nào cũng tra xem Kinh Thánh, để xét lời giảng [lời giảng của Phao-lô] có thật chăng.” (Công vụ 17:11). Vị sứ đồ này cũng mong muốn rằng người Cô-rinh-tô “chớ vượt qua lời đã chép” (1 Cô-rinh-tô 4:6), nghĩa là chỉ nên sống đúng theo Kinh Thánh.20 Chỉ duy Kinh Thánh là đủ cho các tín đồ. Như Phao-lô đã viết thư gửi cho người con trai thuộc linh của mình, “từ khi con còn thơ-ấu đã biết Kinh-thánh vốn có thể khiến con khôn-ngoan để được cứu bởi đức-tin trong Đức Chúa Giê-su-Christ. Cả Kinh-Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn, có ích cho sự dạy-dỗ, bẻ-trách, sửa-trị, dạy người trong sự công-bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành” (2 Ti-mô-thê 3:15-17). Chrysostom, nhà thuyết giáo vĩ đại ở thế kỷ thứ tư và là một giáo phụ, đã diễn giải những lời của sứ đồ Phao-lô theo cách sau: “Con hãy xem Kinh Thánh như một người thầy, thay vì xem ta như thế; từ đó con có thể học bất cứ điều gì ngươi muốn biết”21

Dường như sẽ hợp lý rằng nếu xem các lời dạy của chức vụ sứ đồ có thẩm quyền, là lời mặc khải của Đức Chúa Trời nằm bên ngoài Kinh Thánh, thì chúng ta có thể mong đợi lời dạy của các tiên tri trong Cựu Ước cũng có thẩm quyền tương tự. Tuy nhiên, Tân Ước không đưa ra bằng chứng nào để xem lời dạy của các tiên tri mà không viết thành văn tự có thẩm quyền ngang bằng với Kinh Thánh. Trên thực tế, như chúng ta đã thấy, nó chỉ ra mối nguy hiểm khi đặt lời truyền khẩu bên ngoài Kinh Thánh ngang hàng với Lời được viết ra.

Sự thật là dân sự của Đức Chúa Trời phải vâng phục những lời dạy có thẩm quyền của các sứ đồ (và của các nhà tiên tri trong Cựu Ước), dù bằng văn tự hay lời nói. Vì vậy, Phao-lô khuyến khích các tín đồ tại Tê-sa-lô-ni-ca “Hỡi anh em, vậy thì hãy đứng vững, hãy vâng-giữ những điều dạy-dỗ mà chúng tôi đã truyền cho anh em, hoặc bằng lời nói, hoặc bằng thơ-từ của chúng tôi” (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:15; xem thêm 3:6; 1 Cô-rinh-tô 11:2). Ti-mô-thê đã truyền lại cho người khác những điều ông đã “nghe” từ sứ đồ Phao-lô, chứ không chỉ những điều ông đã đọc trong các thư tín của Phao-lô (2 Ti-mô-thê 2:2). Sự dạy dỗ ngay thẳng của các tiên tri hay sứ đồ đều có thẩm quyền, dù được nói hay viết, vì nó đang truyền đạt ý muốn của Đức Chúa Trời. Nhưng sau thời đại các sứ đồ, sự dạy dỗ duy nhất có thể được chứng thực giống như chức vụ các sứ đồ chính là những gì chúng ta có dưới dạng văn tự. Không có bằng chứng Kinh Thánh nào về sự kế thừa chức vụ của các sứ đồ. Chúng ta phải cảnh giác với những người đưa ra cách giải thích  Kinh Thánh và thêm cách giải thích đó vào việc phát triển các tín điều mà họ gán cho là không thể sai lầm. Những người được trao trọng trách chuyển giao truyền thống sứ đồ cho các thế hệ nối tiếp không bao giờ được gọi là “sứ đồ.” Thay vào đó, với tư cách là những người thầy và người rao giảng, họ phải trung thành công bố đức tin của các sứ đồ vốn “đã được truyền cho các thánh một lần đủ rồi” (Giu-đe 3). Do đó, lời của các sứ đồ tiếp tục được giảng dạy trong hội thánh thông qua Kinh Thánh có thẩm quyền chứ không phải trong cơ quan giảng dạy của giáo hội. Như Oscar Cullmann đã nói, “Các sứ đồ không thể có bất kỳ người kế vị nào có thể thay thế để làm người mang mặc khải cho các thế hệ mai sau, nhưng hầu hết đều tự mình tiếp tục hoàn thành chức vụ trong hội thánh ngày nay (lưu ý: trong hội thánh, chứ không phải nhờ hội thánh.) Lời của các sứ đồ được Chúa Giê-su đề cập trong Giăng 17:20, “kẻ sẽ nghe lời họ mà tin đến Con nữa.” Hay nói một cách khác:  lời thành văn của các sứ đồ được chúng ta tiếp nhận để đi đến chỗ tin cậy Chúa Giê-su.”22

Lẽ thật này được sinh ra từ sự công nhận của giáo hội về một quy điển Kinh Thánh (xem chương 13, đọc chú thích bên dưới). Khi xác định một quy điển khép kín của Kinh Thánh, nhà thờ đã phân biệt giữa sự mặc khải kinh điển và tất cả các truyền thống tiếp theo. Về bản chất, giáo hội cho rằng truyền thống tiếp theo phải vâng phục sự kiểm soát của Kinh Thánh.

Trên thực tế, đây là lời chứng của một số nhà lãnh đạo vĩ đại của hội thánh. Chắc chắn, đôi khi các giáo phụ đầu tiên nói về “quy tắc của đức tin” là truyền thống được giáo hội dạy, bởi vì vẫn chưa có “sự phân biệt rõ ràng giữa truyền thống truyền khẩu của các sứ đồ và các cuộn giấy chữ viết của các sứ đồ.” Tuy nhiên, vào giữa thế kỷ thứ hai, rõ ràng là các lời khẩu truyền của các sứ đồ, vốn đã được hội thánh thế hệ thứ nhất nghe thấy và truyền lại cho những người khác, đã trở nên bị ô nhiễm bởi các truyền thuyết không đáng tin cậy. Sau đó, Tân Ước là sách ghi lại những lời dạy của các sứ đồ, cùng với Cựu Ứớc, dần dần trở thành Quyển Sách có thẩm quyền quyết định duy nhất.

Những tuyên bố sau đây là ví dụ về nhân chứng lịch sử cho niềm tin vào học thuyết của Sola Scriptura. Athanasius, nhà thần học ở thế kỷ thứ tư, đã viết, “Quả thật, Kinh Thánh được Đức Chúa Trời hà hơi vào, có khả năng tự cung cấp cho việc rao giảng lẽ thật.”. Cyril (khoảng năm 315-387), giám mục của nhà thờ ở Jerusalem tuyên bố, “Liên quan đến các bí ẩn thiêng liêng của đức tin, không ít sách có thể được truyền lại mà không có trong Kinh Thánh …. Ngay cả đối với tôi hay bất cứ ai nói với bạn những điều này, đừng sẵn sàng chấp nhận, trừ khi bạn nhận được từ Kinh Thánh bằng chứng về những điều mà chúng tôi công bố. Sự cứu rỗi mà chúng ta tin thì không được chứng minh bằng lý luận khôn ngoan của con người mà là từ Kinh Thánh.” Augustine, có lẽ là nhà thần học có ảnh hưởng nhất, được cả Công Giáo và Tin Lành tôn trọng, đã viết, “Có một ranh giới rõ ràng ngăn cách tất cả các sản phẩm tiếp theo thời các sứ đồ khỏi các sách kinh điển có thẩm quyền của Cựu và Tân Ước. Trong vô số sách được viết ra sau này đôi khi chúng ta có thể tìm thấy lẽ thật giống như trong Kinh Thánh, nhưng chúng không có cùng một thẩm quyền. Kinh Thánh có một sự thiêng liêng riêng của chính nó.” Ngay cả nhà thần học Công giáo vĩ đại thế kỷ mười ba, Thomas Aquinas, cũng tin tưởng rõ ràng vào Sola Scriptura. Ông tuyên bố rằng “chúng tôi chỉ tin những người kế vị các sứ đồ và tiên tri khi họ nói với chúng tôi những điều mà các sứ đồ và tiên tri đã viết lại trong các quyển sách của họ.”

Chúng ta đã thấy rằng thuật ngữ Sola Scriptura có nghĩa là Kinh Thánh là thẩm quyền cuối cùng và tối thượng dành cho các tín nhân, và rằng Kinh Thánh là đủ cho sự cứu rỗi và sự sống của Cơ đốc nhân. Ý nghĩa thứ ba của Sola Scriptura là sự rõ ràng của Kinh Thánh (đôi khi được gọi là sự minh bạch). Điều này có nghĩa là những tín đồ bình thường có thể hiểu Kinh Thánh và áp dụng nó trong cách sống để vâng phục Chúa. Mọi người không cần những thông dịch viên đặc biệt nào để giải thích cho họ biết điều gì là lẽ thật.

Một ví dụ thú vị về sự thật này là những người ở thành Bê-rê. Sau khi Phao-lô và Si-la rao giảng phúc âm ở đó, thái độ của họ là: “những người nầy có ý hẳn hoi hơn người Tê-sa-lô-ni-ca, đều sẵn lòng chịu lấy đạo, ngày nào cũng tra xem Kinh Thánh, để xét lời giảng có thật chăng” (Công vụ 17:11). Những người Bê-rê có thể hiểu được sự công bố của phúc âm được rao giảng cho họ, nhưng họ cũng có thể hiểu được Kinh Thánh được viết trước đó và đánh giá xem liệu sứ điệp của các sứ đồ có phù hợp với Kinh Thánh hay không. Không có lý do gì để tin rằng các bức thư của các sứ đồ vẫn phải áp dụng theo cách này. Hầu hết các thư tín của Tân Ước không được gửi đến các nhà lãnh đạo hội thánh, mà cho toàn thể hội thánh, phù hợp với suy nghĩ rằng chúng có thể được tất cả mọi thành viên trong hội thánh hiểu. Thư tín của Phao-lô được “gửi cho hết thảy các thánh đồ trong Đức Chúa Giê-su Christ, ở thành Phi-líp, cùng cho các giám mục và các chấp sự” (Phi-líp 1:1; cũng xem Ga-la-ti 1:2; 1 Côr. 1:2).  Như lời chú thích của Phao-lô cho các tín hữu ở Cô-lô-se chỉ ra rằng, những thư tín của ông được nơi nhận đọc, rồi sau đó phải được chuyển tiếp cho các hội thánh khác đọc: “Anh em đọc thơ nầy rồi, hãy đưa cho Hội-thánh Lao-đi-xê đọc với, anh em cũng phải đọc thơ ở Lao-đi-xê gởi đến nữa” (Cô-lô-se 4:16).  Vị sứ đồ tin rằng các thư tín của ông gửi đến thì hội thánh có thể hiểu được, điều đó được thể hiện trong những lời này: “Vì chúng tôi chẳng viết cho anh em sự gì khác hơn những điều anh em đọc trong thơ chúng tôi và chính mình anh em nhận biết; và tôi lại mong anh em nhận biết cho đến cuối-cùng” (2 Cô-rinh-tô 1:13).

Tương tự như vậy, Cựu Ước nhấn mạnh trách nhiệm của các tín nhân là đọc và hiểu Kinh Thánh. Mọi người phải có khả năng hiểu được Lời Chúa khi Môi-se truyền cho họ, “Khá ân-cần dạy-dỗ điều đó cho con-cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy” (Phục truyền. 6:7). Chắc chắn mọi tín nhân chân thật đều “lấy làm vui-vẻ về luật-pháp của Đức Giê-hô-va” và “suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm” (Thi Thiên 1:2).

Dĩ nhiên, những bằng chứng về sự hiểu biết rõ ràng Kinh Thánh của dân sự Chúa cũng sẽ không phủ nhận vai trò của những người thầy giữa vòng họ là giúp mọi người hiểu biết rõ hơn về Lời Đức Chúa Trời. Nhưng không có một dấu hiệu nào trong Kinh Thánh xác định rằng bất kỳ cá nhân nào cũng phải phụ thuộc vào một người thầy có thẩm quyền  để hiểu được lẽ thật cơ bản của Kinh Thánh. Ở đây không có lời biện hộ nào mà một người nào đó có thể nói với Chúa trong ngày phán xét cuối cùng, “Tôi đã không vâng theo Lời Ngài bởi vì Ngài đã khiến tôi phải phụ thuộc vào một người thầy và ông ấy đã dạy tôi một cách sai trái.” Trên thực tế, bằng chứng cụ thể cho sự rõ ràng của Lời Đức Chúa Trời được thấy trong việc Phao-lô quở trách các tín đồ Ga-la-ti vì đã nghe các giáo sư giả, và mạng lệnh của ông truyền cho họ là từ chối “bất cứ người nào” (kể cả chính ông) “truyền cho anh em một tin-lành nào khác với Tin-lành anh em đã nhận” (Ga-la-ti 1:9).

 

 

Phần kết luận

Với niềm tin rằng chỉ Kinh Thánh là thẩm quyền cuối cùng của tín đồ là điều cốt yếu đối với Cơ đốc giáo. Vì chỉ khi thẩm quyền của Kinh Thánh có chỗ đứng tối cao hơn thẩm quyền của cá nhân và ngay cả nhà thờ, thì chúng ta mới có thể thực sự được giải quyết bằng Lời Chúa chứ không phải lời của chính mình.

Như một số người tin rằng, có sự kế thừa ở sứ đồ, điều đó tiếp tục diễn ra trong suốt lịch sử Hội thánh với ân tứ giảng dạy đúng đắn như các sứ đồ ban đầu – những trước giả đã viết Kinh Thánh, thì sự dạy dỗ của Hội Thánh tự nó trở thành Lời mặc khải của Đức Chúa Trời. Hội Thánh không còn đứng dưới Ngôi Lời, nhưng thay vào đó Hội Thánh nói chính Ngôi Lời. Những nhận xéat sau đây của Rudolph J. Ehrlich về lập trường của Giáo hội Công giáo La Mã trong vấn đề này giúp làm sáng tỏ tình huống sau. “Sự giải thích của thẩm phám về Lời Đức Chúa Trời được Đức Thánh Linh trợ giúp ngăn  không cho phép sai lầm, khiến câu hỏi ai có thẩm quyền đối với ai [Giáo hội hay Lời Chúa] trở nên vô ích vì trong hệ thống La Mã, vấn đề này không thực sự nảy sinh. Điều quan trọng hơn nhiều là câu hỏi liệu có sự đồng nhất gần như của Truyền thống (và Kinh Thánh thuộc về Truyền Thống và chứa đựng nó theo một cách đặc biệt) với toàn bộ bản thể, giáo huấn và hành động của Giáo hội không có nghĩa là sau cùng không phải Truyền Thống (theo bất kỳ nghĩa nào của thuật ngữ) hay Thánh Kinh là nguồn của mặc khải mà là chính Giáo hội. Trong mọi trường hợp, làm sao Thánh Kinh có thể đứng trước Giáo hội với tư cách là bề trên của nó và phán xét Giáo hội, khi toàn bộ bản thể, sự dạy dỗ và hành động của Giáo hội được đánh đồng với Truyền thống mà Thánh Kinh thuộc về?” 28

Chỉ khi nào sự khác biệt giữa công việc của Đức Thánh Linh trong sự soi dẫn của Kinh Thánh được công nhận là khác với công việc của Ngài trong chức vụ giảng dạy của hội thánh, thì hội thánh mới có thể nghe một lời từ Chúa hơn là tiếng nói của chính mình.29 John Calvin viết rằng chúng ta phải phân biệt giữa các sứ đồ và những người kế vị họ. Ông nói, các sứ đồ, “là những người ghi chép chắc chắn và chân thật của Đức Thánh Linh, và do đó, các tác phẩm của họ được coi là lời tiên tri của Đức Chúa Trời; nhưng nhiệm vụ duy nhất của những người khác là giảng dạy những gì được cung cấp và niêm phong trong Kinh Thánh.” 30

Việc công nhận thẩm quyền cuối cùng của Kinh Thánh không phủ nhận giá trị của sự dạy dỗ từ hội thánh và các sắc lệnh của các công đồng lịch sử. Hội thánh được kêu gọi trở thành “trụ và nền của lẽ thật” (1 Ti-mô-thê 3:15), để giảng dạy và duy trì lẽ thật của Đức Chúa Trời, nhưng đồng thời hội thánh vẫn ở dưới quyền của Kinh Thánh. Sự dạy dỗ của Hội thánh phải luôn được đánh giá dựa trên lẽ thật của Kinh Thánh, vì lịch sử cho thấy rõ ràng rằng sự dạy dỗ đó không phải lúc nào cũng phù hợp với Kinh Thánh. Ngay cả các tác phẩm của các tổ phụ thời kỳ hậu môn đồ đầu tiên, những người mà vì sự gần gũi của họ với các sứ đồ nên thường được coi là mang cho chúng ta Cơ đốc giáo chuẩn mực, thì tác phẩm của họ cũng phải được công nhận là khác với Kinh Thánh. Đề cập đến học thuyết quan trọng nhất về sự cứu rỗi, một học giả gần đây nói, “Mặc dù những tác giả này [các tổ phụ của môn đồ] có tính liên tục lịch sử chặt chẽ với Tân Ước, nhưng giờ đây chúng ta bước sang một thế giới khác.” Thế giới này là của các tác giả hội thánh đầu tiên bao gồm “những quan điểm không rõ ràng về tội lỗi và sự cứu chuộc.” 31

Chỉ khi Kinh Thánh được coi là Lời không thể sai lầm của Đức Chúa Trời và có thẩm quyền cuối cùng đối với suy nghĩ, cảm xúc và hành động của chúng ta, thì chúng ta mới có thể thực sự sống theo Lời Chúa. Chỉ qua một Lời khách quan, là đáp ứng nhu cầu của chúng ta, thì Chúa  mới có thể thực hiện uy quyền lãnh đạo của Ngài trên chúng ta.

 

HIỂU BIẾT THÔNG ĐIỆP CỦA KINH THÁNH

Kinh Thánh chỉ có thể có vị trí đúng đắn trong cuộc sống của chúng ta nếu chúng ta hiểu thông điệp của Kinh Thánh. Vì vậy, chúng ta thấy trước giả Thi-thiên đang cầu nguyện lặp đi lặp lại, “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin chỉ dạy tôi con đường luật lệ Chúa… Xin hãy ban cho tôi sự thông sáng, thì tôi sẽ vâng theo luật pháp Chúa” (Thi Thiên 119:33-34; xin xem thêm 119:12, 26-27, 64, 66, 73, 108, 124-125, 135, 144, 171). Cuối cùng chính Đức Chúa Tời “dạy sự tri-thức cho loài người” (94:10). Nhưng cùng với việc cầu xin sự chỉ dẫn của Chúa, trước giả Thi thiên cũng đã tích cực tham gia vào Lời, suy gẫm về Lời ấy (119: 15, 48, 78, 99) và siêng năng xem xét Lời ấy (119: 95). Việc hiểu biết đúng đắn về Kinh Thánh, qua đó Đức Chúa Trời thông tri chân lý sống của Ngài, bao gồm cả hoạt động của Đức Chúa Trời và của chính chúng ta.

 

Chức vụ Giảng dạy về Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời

Sự cần thiết của chức vụ giảng dạy của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời và lẽ thật của Ngài chỉ có thể được tiết lộ bởi Đức Chúa Trời. Vì nó vượt qua sự suy nghĩ của con người, liên quan đến “sự mắt chưa thấy, tai chưa nghe, và lòng người chưa nghĩ đến,” (1 Cô-rinh-tô 2:9). Thông qua sự mặc khải và sự soi dẫn, Đức Chúa Trời truyền đạt lẽ thật của Ngài cho chúng ta một cách khách quan, đưa nó vào lĩnh vực lịch sử nhân loại. Nhưng chính Ngài cũng phải nói lời đó với tâm hồn chúng ta, vì sự giao tiếp cá nhân với người khác cuối cùng là Thánh Linh với linh con người, trong trường hợp này là Thánh Linh của Đức Chúa Trời với linh của chúng ta. Được tạo ra theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, chúng ta được tạo dựng để tương giao với Đức Chúa Trời. Sự hiện diện của tội lỗi trong cuộc sống của chúng ta chỉ đơn giản khiến chúng ta càng phải bắt buộc điều chỉnh tâm hồn mình để nghe Thánh Linh của Đức Chúa Trời. (Về những ảnh hưởng của tội lỗi đối với sự hiểu biết thuộc linh của chúng ta, xin xem 2 Cô-rinh-tô 4:3-4; Ê-phê-sô 4:18; và Hê-bơ-rơ 5:11).

Chức vụ của Thánh Linh được sứ đồ Phao-lô bày tỏ rõ ràng trong 1 Cô-rinh-tô 2:11-13. “Vả, nếu không phải là thần linh trong lòng người, thì ai biết sự trong lòng người? Cũng một lẽ ấy, nếu không phải là Thánh Linh của Đức Chúa Trời, thì chẳng ai biết sự trong Đức Chúa Trời. Về phần chúng ta… Thánh Linh từ Đức Chúa Trời đến, hầu được hiểu biết những ơn mà chúng ta nhận lãnh bởi Đức Chúa Trời; chúng ta nói về ơn đó… cậy sự khôn ngoan… Đức Thánh Linh đã dạy.” Vị sứ đồ công bố sứ điệp bằng những lời do Thánh Linh dạy, và chỉ nhờ chính Thánh Linh mà những người nghe ông mới có thể “hiểu biết những ơn mà chúng ta nhận lãnh bởi Đức Chúa Trời.”

Bản chất chức vụ giảng dạy của Thánh Linh. Khi chúng ta nói về chức vụ giảng dạy hoặc sự soi sáng của Đức Thánh Linh, là chúng ta đang bước vào một lẽ thật quan trọng và một lẽ thật vẫn còn được kết hợp một cách sai lầm với nhau hoặc tách thành hai. Việc chuyển đổi các từ ngữ là trường hợp có thể dễ dàng xảy ra sai lầm, như đã xảy ra trong 2 Sa-mu-ên 8:17, nơi A-hi-mê-léc được cho là con trai của A-bia-tha trong khi 1 Sa-mu-ên 22:20 thì ngược lại – A-bia-tha là con trai của A-hi-mê-léc.

Chính hình thức của các tài liệu được viết bằng tay bởi các cá nhân khác nhau làm tăng thêm khó khăn trong việc tạo ra các bản sao hoàn chỉnh. Ví dụ, một số chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Do Thái có mặt chữ khá giống nhau. Trong chữ viết tay, có thể dễ dàng nhầm lẫn một số chữ cái, nhiều khi chữ “r” và “n” đôi khi rất khó phân biệt trong chữ viết tay của một số nhà văn nói tiếng Anh. Mặc dù các con số được viết bằng chữ trong văn bản tiếng Do Thái của chúng ta, nhưng có bằng chứng về hệ thống dấu hiệu các con số ban đầu trong thời kỳ Cựu Ước. Các nét dọc được sử dụng để biểu thị các chữ số và các nét ngang để biểu thị hàng chục, được viết một bên nằm trên một số khác cho bội số của mười. Trong một hệ thống thập phân như vậy, có thể dễ dàng thấy những sai lầm vô ý có thể được xảy ra như thế nào ngay cả khi chúng ta có thể dễ dàng bỏ đi hoặc thêm số 0 vào một số lớn. Tiếp đến, các ký tự trong bảng chữ cái cũng được sử dụng cho các con số, do đó khiến các con số có thể bị sao chép một cách sai lầm vì một chữ cái này bị nhầm lẫn với chữ cái khác trong một tài liệu bị mòn hoặc nhòe. 27

Một ví dụ rõ ràng được tìm thấy trong các con số được ghi lại trong 2 Các Vua 24: 8 và 2 Sử Ký 36: 9. Theo lời kể của sách Các Vua, Giê-hô-gia-kin trở thành vua khi mới mười tám tuổi và trị vì ba tháng trước khi bị bắt. Tuy nhiên, câu kinh văn trong Sử Ký cho biết rằng ông ấy chỉ mới tám tuổi khi ông ấy bắt đầu trị vì và ông ấy đã trị vì ba tháng mười ngày. Đây rõ ràng là một mâu thuẫn do lỗi của người sao chép. Vì số mười tám được viết bằng tiếng Do Thái là “tám” và “mười”, có vẻ như rõ ràng là “mười” đã bị đặt sai vị trí. Chính xác là nó đã được nối với tám trong Các Vua – tạo thành mười tám – nhưng nó đã bị bỏ qua trong Sử Ký và được chép là sau mười ngày. Trên thực tế, một số bản dịch tiếng Hy Lạp và tiếng Syriac của 2 Sử ký 36:9 ghi lại rằng Giê-hô-gia-kin mới mười tám tuổi, như trong 2 Các Vua 24:8.

Trong một số trường hợp, việc sao chép được thực hiện bởi người ghi chép khi người khác đọc to văn bản. Vấn đề ở đây là một số từ nghe giống nhau khi phát âm bằng lời nói, nhưng lại có cách viết và nghĩa khác nhau (ví dụ, “weigh (cân nặng)” với “way (cách thức)”; hay “there (đó)” và “their (của họ)”) những trường hợp này cũng có trong tiếng Do Thái và tiếng Hy Lạp và sai lầm này có thể dễ dàng giải thích vì một số lỗi sao chép.

Hầu hết các sai lệch được phát hiện trong Kinh Thánh liên quan đến tên, ngày tháng hoặc con số. Đây là những đối tượng dễ dẫn đến những sự bại hoại nhất vì chúng không thể được xác định từ bối cảnh. Đó là, “tên, ngày tháng và con số cụ thể là những mục không thể được nói trước về mặt ngữ pháp trong một câu, hoặc không thể nhớ được bởi thứ tự từ hoặc ý nghĩa chung.”28 Ví dụ, nếu chúng ta đang ghi chép lại một câu chứa tên thị trưởng của một thành phố, chúng ta có thể dễ dàng viết “Joe” thành “John” nếu chúng ta không biết ông ấy. Cả hai đều phù hợp với câu văn. Mặt khác, nếu chúng ta đang ghi chép một câu nói về nữ hoàng, chúng ta sẽ không viết “Joe” hoặc “John” bởi vì chúng ta sẽ cảm nhận được điều gì đó phi logic ngay lập tức và kiểm tra lại những gì chúng ta đang viết. Điều này cũng tương tự với các con số và ngày tháng. Chúng ta có thể dễ dàng viết năm 1046 thay vì 1064 cho một sự kiện mà bản thân chúng ta không hề quen biết. Nhiều sai sót trong việc truyền tải các tài liệu Cựu Ước nằm trong những lĩnh vực này không có ý nghĩa cụ thể đối với người sao chép. Mặc dù vậy, so với hầu hết các tác phẩm cổ có độ dài đáng kể khác, Kinh Thánh chứa đựng tương đối ít câu hỏi ngay cả trong những lĩnh vực này.29

 

Vấn đề khoa học

Hầu hết những vấn đề được gọi là khoa học trong Kinh Thánh đều bắt nguồn từ cách tiếp cận thực tế loại trừ siêu nhiên. Phép màu bị bác bỏ như quan điểm huyền thoại vì chúng mâu thuẫn với các quy luật tự nhiên. Tuy nhiên, khi sự tồn tại của Đức Chúa Trời được chấp nhận, chúng ta không có lý do chính đáng nào để phủ nhận sự can thiệp siêu nhiên của Ngài vào sự sáng tạo của Ngài theo ý muốn của Ngài. Để nhấn mạnh rằng điều mà Kinh Thánh gọi hoạt động của ma quỷ là mê tín dị đoan dựa trên niềm tin vào các tiền giả định chưa được chứng minh và không dựa trên khoa học chân chính.

Vì sự tiến hóa chưa bao giờ được chứng minh một cách khoa học, nên không có cơ sở nào để đánh giá Kinh Thánh bằng việc dựa trên cuộc sống của tất cả các tín đồ về sức khỏe và sự tăng trưởng thuộc linh để cho thấy rằng mọi tín đồ có thể hiểu được những lời dạy cơ bản của Kinh Thánh. Những lẽ thật ban đến sự sống của Đức Chúa Trời trong Lời Ngài giống như kho tàng của sự khôn ngoan, mà Sa-lô-môn đã nói: “Nếu con tìm nó như tiền-bạc, và kiếm nó như bửu vật ẩn bí, bấy giờ con sẽ hiểu biết sự kính sợ Đức Giê-hô-va, và tìm được điều tri thức của Đức Chúa Trời” (Châm Ngôn 2:4-5). Sự hiểu biết về Lời Đức Chúa Trời được ban phát ra cho tất cả những ai sẵn sàng nỗ lực tìm kiếm và khai thác Lời Đức Chúa Trời. Nếu không có cố gắng thì sẽ hoàn toàn đi vào cuộc tranh luận về việc giải thích Kinh Thánh, những nguyên tắc chung sau đây rất hữu ích mà bạn cần ghi nhớ khi theo đuổi nhiệm vụ quan trọng nhất là hiểu được lẽ thật về sự sống trong Kinh Thánh.

Cách diễn giải tự nhiên. Đức Chúa Trời đã soi dẫn các tác giả Kinh Thánh viết bằng ngôn ngữ bình thường của con người, chứ không phải bằng một thứ ngôn ngữ khó hiểu nào đó mà chúng ta cần chìa khóa để mở ra ý nghĩa. Như mọi ngôn ngữ của loài người, chúng ta nắm bắt được thông điệp của Kinh Thánh bằng cách chú ý lắng nghe ý nghĩa của các từ và mối quan hệ của chúng trong câu. Cũng như trong ngôn ngữ thông thường, Kinh Thánh sử dụng các từ theo nhiều nghĩa bóng như mô phỏng, ẩn dụ, cường điệu và ngụ ngôn. Khi tìm cách phân biệt nghĩa đen với nghĩa bóng, chúng ta phải sử dụng tất cả sự dạy dỗ của Kinh Thánh cũng như kiến thức của chúng ta về thế giới về chúng ta để không loại trừ điều siêu nhiên trong sự hiểu biết của chúng ta về thực tại. Chẳng hạn, khi Kinh Thánh đề cập đến việc Đức Chúa Trời cưỡi trên một chê-ru-bim (2 Sa-mu-ên 22:11), chúng ta không nên vội vàng kết luận rằng chê-ru-bim có nghĩa bóng chỉ đơn giản là vì chúng ta chưa có trải nghiệm về chê-ru-bim.

Các nhà văn cũng vậy mỗi cuốn sách họ viết đều nằm trong một bối cảnh lịch sử và văn hóa nhất định, nhằm mục đích để người đọc hiểu những gì họ đã viết. Vì vậy bằng mọi cách chúng ta phải đặt mình vào vị trí của những người viết và những người đọc ban đầu của sách Kinh Thánh càng nhiều càng tốt. Đôi khi, việc tìm kiếm sự trợ giúp về bối cảnh lịch sử của một văn tự có thể hữu ích, nhưng phần lớn ý nghĩa của văn tự có thể được xác định bằng cách nghiên cứu cẩn thận và so sánh với các phần khác của Kinh Thánh.

Cách diễn giải tình huống. Kinh Thánh là bản ghi chép về sự tác động của Đức Chúa Trời với dân Ngài trong lịch sử, kéo dài nhiều thế kỷ. Khi kế hoạch cứu chuộc của Ngài mở ra, liền có sự tiến triển liên quan đến sự thay đổi. Ví dụ, Luật pháp Môi-se với nhiều quy định pháp lý đã kết thúc với Đấng Christ (Ga-la-ti 3:24-25). Vì vậy, khi tiếp cận bất kỳ đoạn văn nào, điều quan trọng là phải hỏi: Đoạn văn này được viết cho ai? Tất cả các sách trong Kinh Thánh đều có ý nghĩa và mang lại lợi ích cho chúng ta ngày nay trong việc hiểu biết Đức Chúa Trời và mối quan hệ của Ngài với chúng ta. Nhưng cũng như trong các điều răn chi tiết của Luật pháp Môi-se, mọi sự bày tỏ không thể áp dụng cho chúng ta ngày nay theo cùng một cách mà sự bày tỏ đó đã được nói với những người mà chính sự bày tỏ đã giải quyết trước khi công việc của Đấng Christ hoàn thành.

Chúng ta cũng phải đặt câu hỏi liệu một chỉ dẫn nào đó được dự định là phổ cập (cho mọi người tại mọi thời điểm) hay liệu nó là một biểu hiện cụ thể, có giới hạn trong thời gian đó của một nguyên tắc phổ quát. Chẳng hạn, chúng ta có tuân theo mệnh lệnh của sứ đồ là “Hãy lấy cái hôn thánh mà chào hết thảy anh em” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:26) không? Kiến thức về các phong tục khác nhau trong thời điểm của Kinh Thánh và cách chúng liên quan đến các lẽ thật thuộc linh nói chung sẽ giúp chúng ta phân loại các biểu hiện văn hóa khỏi lẽ thật vĩnh cửu mà Đức Chúa Trời đang truyền đạt.

Cách diễn giải toàn diện. Thomas Watson, giáo sư của Thanh giáo, đã chỉ ra có lẽ nguyên tắc quan trọng nhất để hiểu Kinh Thánh khi ông nói, “Kinh Thánh là người thông dịch chính nó, hay đúng hơn là Thánh Linh nói trong đó. Không gì có thể cắt được viên kim cương ngoài viên kim cương; không gì có thể giải thích Kinh Thánh ngoài Kinh Thánh.”33

Mặc dù được viết bởi nhiều trước giả con người qua nhiều thế kỷ, nhưng Kinh Thánh vẫn là một tổng thể hài hòa thống nhất, bởi vì nó được viết đồng thời bởi tác giả là Thần lẽ thật duy nhất. Vì vậy, các phần khác nhau của Kinh Thánh không tồn tại một cách biệt lập; chúng là một phần của toàn bộ sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Vì vậy, mỗi phần nên được giải thích là liên quan đến toàn bộ Kinh Thánh. Chẳng hạn, việc Chúa Giê-su cấm chúng ta đoán xét người khác (Ma-thi-ơ 7:1) phải được hiểu là liên quan đến sự dạy dỗ của Ngài về kỷ luật hội thánh (18:15-17). Sự thống nhất của Kinh Thánh được biểu hiện ở kiến thức về các tác phẩm trước đó thường giúp hiểu được các tác phẩm sau này. Và nhiều điều được bày tỏ trước đó được phát triển đầy đủ hơn khi chương trình cứu rỗi lịch sử của Đức Chúa Trời được mở ra.

Cách giải thích của thần học. Sự hiểu biết ngay thật về Kinh Thánh cũng đòi hỏi chúng ta phải liên tục ghi nhớ những lời của Chúa chúng ta, cách cụ thể, sự thật như Chúa Giê-su đã nói, “Kinh Thánh… làm chứng về Ta” (Giăng 5:39). Do đó, sự giải thích đúng đắn về một đoạn văn sẽ hòa hợp với sự mặc khải của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ và sẽ cho chúng ta biết điều gì đó về Ngài và công việc của Ngài. Vì “mọi kho tàng của sự khôn ngoan và tri thức” đều được cất giấu trong Đấng Christ (Cô-lô-se 2:2-3, VIE2010).

Cách giải thích tương hổ. Bởi vì tất cả chúng ta đều có thể sai lệch và mang theo nền tảng văn hóa của mình với những quan điểm hạn chế và đôi khi sai lầm, sự hỗ trợ lẫn nhau của các tín đồ khác rất có giá trị trong việc tìm hiểu Kinh Thánh. Vì vậy, sứ đồ đã tuyên bố: “Cũng hãy để lời của Đấng Christ sống sung mãn trong lòng anh em; hãy dùng tất cả sự khôn ngoan để dạy và khuyên bảo nhau” (Cô-lô-se 3:16, VIE2010). Điều này bao gồm việc lắng nghe những giáo viên có năng khiếu trong hội thánh của chúng tôi cũng như học hỏi từ những giáo viên tài năng mà Đức Chúa Trời đã ban cho hội thánh trong suốt nhiều thế kỷ. Sự hiểu biết tốt nhất về Kinh Thánh có nhiều khả năng đến từ các học viên Kinh Thánh mài giũa từng thứ hơn là từ các thông dịch viên được xem như là “kỵ binh cô độc”.

Rõ ràng là bất cứ điều gì cũng đòi hỏi thời gian và nỗ lực học tập hơn là sự hiểu biết hời hợt về Kinh Thánh. Nhưng nếu chúng ta có một bức thư từ một người mà chúng ta yêu quý, ngay cả khi nó được viết bằng một ngôn ngữ khác, chúng ta vẫn sẽ cố gắng hết sức để hiểu nội dung của nó. Bản chất của Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời và biết lẽ thật đem lại sự sống cho cuộc sống của chúng ta chắc chắn sẽ khiến chúng ta phải nỗ lực rất nhiều.34

 

SỬ DỤNG KINH THÁNH NHƯ UY QUYỀN CỦA CHÚNG TA

Điều mà người ta tin chắc chắn sẽ chứng tỏ chính nó trong cuộc sống này, “hãy gìn giữ [tấm lòng] của con, vì [các nguồn] sự sống xuất phát từ đó.” (Châm ngôn 4:23, NVB). Được nhận biết kho tàng thiêng liêng mà Chúa chúng ta đã ban cho chúng ta trong Lời của Ngài, chúng ta nên bày tỏ lẽ thật của Kinh Thánh cả trong cộng đồng dân sự của Đức Chúa Trời và trong đời sống cá nhân của chúng ta.

 

 

Lời Chúa trong Hội thánh                                                    

Julius Wellhausen là một nhà phê bình Kinh Thánh người Đức, người cách đây gần một thế kỷ đã phá hoại khái niệm về nguồn cảm hứng của Kinh Thánh thông qua quan điểm của ông về Ngũ kinh như một tổng hợp của các truyền thống cũ. Tuy nhiên, ông nhận ra rõ ràng tầm quan trọng của việc coi trọng thẩm quyền của Kinh Thánh trong chức vụ của hội thánh. Vì vậy, ông đã từ chức tại Khoa Thần học ở Griefswald, Đức, và đưa ra lời giải thích sau đây trong lá thư từ chức: “Tôi trở thành nhà thần học bởi vì tôi quan tâm đến cách xử lý khoa học của Kinh Thánh; điều đó khiến tôi dần dần nhận ra rằng một giáo sư thần học cũng có nhiệm vụ thực tế là trang bị cho sinh viên để phục vụ trong Giáo hội Tin Lành, và tôi đã không hoàn thành nhiệm vụ thực tế này, nhưng đúng hơn, bất chấp tất cả sự dự trù về phía tôi, tôi đã bất lực trước những người nghe tôi với văn phòng của họ.”35

Nếu chúng ta tin rằng Kinh Thánh là sự mặc khải trơ trọi về lẽ thật cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho nhân loại, thì chúng ta phải dành cho Kinh Thánh một vị trí trung tâm trong cộng đồng dân sự của Đức Chúa Trời. Và đây chính xác là những gì chúng ta tìm thấy trong Kinh Thánh. Như sự thờ phượng của dân Y-sơ-ra-ên bắt đầu bằng việc nghe Đức Chúa Trời (“Hỡi Y-sơ-ra-ên, hãy nghe!” Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4), nên sự thờ phượng của hội thánh bắt đầu bằng việc lắng nghe tiếng Chúa qua Lời Ngài. Vì vậy, các tín đồ ban đầu đã “bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ” (Công vụ 2:42). Lời quan trọng đến nỗi sự phát triển của hội thánh về cơ bản là tương đồng với sự lớn mạnh trong Ngôi Lời: “Đạo Đức Chúa Trời càng ngày càng tràn ra, số môn đồ tại thành Giê-ru-sa-lem thêm lên nhiều lắm. Cũng có rất nhiều thầy tế-lễ vâng-theo đạo nữa.” (6:7; xem thêm 12:24; 19:20). C. E. B. Cranfield không nói quá trường hợp này khi ông kết luận rằng “việc nghe Lời Chúa, nghe những gì Chúa của hội thánh muốn nói với hội thánh của mình trong tình hình thực tế hiện tại, là nhiệm vụ chính yếu của hội thánh.”36

Các tín đồ trong hội thánh đầu tiên đã nghe Lời Đức Chúa Trời khi Lời được đọc công khai và được rao giảng. Phao-lô buộc Ti-mô-thê, một mục sư trẻ tuổi, phải “Hãy chăm-chỉ đọc sách, khuyên-bảo, dạy-dỗ, cho đến chừng ta đến.” (1 Ti-mô-thê 4:13). Như đã nói trước đó, sứ đồ mong muốn các lá thư của mình được đọc công khai trong các hội thánh (Cô-lô-se 4:16; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:27). Sách Khải Huyền cũng được đọc một cách công khai, vì nó đề cập đến “cùng những kẻ nghe” nó (Khải huyền 1: 3). Việc đọc Kinh Thánh công khai thừa nhận tầm quan trọng của chúng, đồng thời tạo ra tác động khi người ta lắng nghe một cách cẩn thận và chăm chú vào những lời nói, thực tế là lời của Đức Chúa Trời.

Việc rao giảng và dạy Lời cũng có ý nghĩa trong đời sống hội thánh theo Kinh Thánh. Nhiệm vụ của người rao giảng không chỉ là công bố Lời, mà còn giúp dân chúng đáp lại Lời ấy bằng cách áp dụng Lời ấy vào những nhu cầu khác nhau của họ. Nếu Kinh Thánh hoạt động như Lời có thẩm quyền của Đức Chúa Trời trong việc rao giảng, thì Kinh Thánh không thể chỉ được sử dụng như một nguồn tài liệu để người thuyết giảng nói những gì họ nghĩ rằng dân chúng cần nghe hoặc những gì họ muốn nghe. Thay vào đó, nó có nghĩa là lắng nghe Kinh Thánh để hiểu những gì Đức Chúa Trời biết dân chúng cần. Ai đó đã nói rõ rằng nhiệm vụ của người rao giảng là giảng giải Kinh Thánh theo cách mà trên thực tế, Chúa của hội thánh đang tổ chức một cuộc trò chuyện với dân sự của Ngài. Mặc dù các phương pháp rao giảng hoặc phong cách truyền tải cụ thể có thể được mở để đánh giá, nhưng niềm tin vào Kinh Thánh là phương tiện mà Đức Chúa Trời phán Lời cứu rỗi của Ngài cho thế giới và cho dân sự của Ngài khiến cho việc công bố và nghe Kinh Thánh có tầm quan trọng tối cao đối với giáo hội.

 

Lời Chúa trong đời sống cá nhân

Sự tăng trưởng thuộc linh và sức khỏe chỉ có thể nhận được khi chúng ta ăn nuốt Lời Đức Chúa Trời thường xuyên, ngoài việc nghe Lời Đức Chúa Trời được rao giảng trong nhà thờ. Đối với nhiều tín đồ, đây là một nhiệm vụ khó khăn. Thời gian của chúng ta bị lấp đầy với các hoạt động khác. Nhưng điều gì quan trọng hơn là nuôi dưỡng cuộc sống của chúng ta bằng những lời biến đổi cuộc sống của Đức Chúa Trời? Một số thì có sự cố gắng, thường xuyên dành thời gian cho Kinh Thánh, nhưng mất động lực vì họ nói, “Kinh Thánh không hoạt động.”

Điều quan trọng cần nhớ là Kinh Thánh không phải là một lá bùa hộ mệnh hay một cuốn sách ma thuật. Hiệu quả của việc ban sự sống mạnh mẽ của Kinh Thánh chỉ dựa vào thực tế rằng chúng là những lời của Đức Chúa Trời hằng sống, là sự thể hiện của chính  Ngài. Dân sự của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh đã thể hiện sự tôn trọng tuyệt vời đối với Lời Đức Chúa Trời, nhưng họ luôn tìm lại sức sống của Lời và ban cho nguồn của nó sự vinh hiển – chính Đức Chúa Trời hằng sống. Song trước giả Thi thiên đề cao Lời này trong Thi Thiên 119 đã tuyên bố, “Tôi chẳng hề quên giềng-mối Chúa, vì nhờ đó Chúa làm cho tôi được sống” (câu 93, phần in nghiêng được thêm vào; xem câu 25, 40, 159).

Đến với Kinh Thánh không bao giờ là đến với một “điều gì đó” mà trong “Điều gì đó không có hiệu quả”. Mà đến với Kinh Thánh là đến với một Người, hay có lẽ khéo léo hơn, là một Người đến với chúng ta được mặc bởi Lời của Ngài. Donald Miller nói rất đúng, “Nếu Đức Chúa Trời phán qua Kinh Thánh, chúng ta nên lắng nghe tiếng Ngài ở đó. Chúng ta chỉ có thể nghe tại nơi mà Ngài đã chọn để nói. Tôi có thể thích Ngài nói ở nơi khác, nhưng nếu Kinh Thánh là nơi Ngài đã nói thì đó là nơi tôi phải lắng nghe. Do đó, chúng ta không nên tuyệt vọng khi nghe tiếng nói của Đức Chúa Trời qua Kinh Thánh cho đến khi chúng ta tiếp xúc trực tiếp và trung thành với Kinh Thánh để Kinh Thánh có thể làm việc của chúng trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng có bao nhiêu [người] đọc hoặc nghiên cứu Kinh Thánh một cách chuyên tâm và có hệ thống.”37

Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi nhận ra điều Kinh Thánh luôn dạy, đó là, phước lành của Đức Chúa Trời được hứa ban không quá nhiều qua việc đọc hoặc học Kinh Thánh, mà là cho việc suy ngẫm về chúng. Người được phước, theo Thi-thiên 1:1-2, là người “suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm” về Lời Đức Chúa Trời (xin xem thêm Giô-suê 1:6-8). Suy ngẫm về Lời có nghĩa là nghiền ngẫm và cầu nguyện về lẽ thật và ý nghĩa của nó đối với cuộc sống của chúng ta cho đến khi nó chạm đến trái tim chúng ta, tức là “nguồn sự sống” của cuộc đời chúng ta (Châm Ngôn 4:23).

Sức mạnh của sự suy ngẫm được nhìn thấy trong nỗ lực của bác sĩ tâm lý Paul Meier nhằm tìm kiếm mối tương quan giữa trạng thái tâm lý của một người và đời sống tinh thần của họ. Ông yêu cầu mỗi sinh viên chủng viện trong lớp mà ông dạy phải hoàn thành một bài kiểm tra tâm lý tiêu chuẩn và một bảng câu hỏi về đời sống tâm linh. Ban đầu anh thừa nhận sự ngạc nhiên và thất vọng. Những sinh viên đã theo đạo Cơ Đốc trong nhiều năm chỉ khỏe mạnh và hạnh phúc hơn một chút so với những sinh viên đã theo đạo trong thời gian ngắn hơn. Sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Tuy nhiên, sự thất vọng của ông đã chuyển sang niềm vui khi ông tìm ra nhân tố quan trọng tạo nên sự khác biệt. Sự khác biệt đó là suy ngẫm hàng ngày hoặc gần như hàng ngày về Kinh Thánh. Trong khi Meier thừa nhận rằng việc đổi mới tâm trí thông qua Kinh Thánh có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là từ những người bạn theo đạo Cơ đốc, ông kết luận, “Suy ngẫm hàng ngày về Kinh Thánh, với ứng dụng cá nhân, là phương tiện hữu hiệu nhất để đạt được niềm vui cá nhân, sự bình an, và sự trưởng thành về cảm xúc …. Trung bình, mất khoảng ba năm nghiền ngẫm Kinh Thánh hàng ngày để mang lại đủ thay đổi trong cách suy nghĩ và hành vi của một người để tạo ra sức khỏe tinh thần và hạnh phúc.”38

Martin Luther đã mô tả sức mạnh của việc suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời trong việc mang lại sự biến đổi cuộc sống. “Vì những lời hứa này của Đức Chúa Trời là những lời thánh khiết, chân thật, công bình, tự do và ôn hòa, đầy sự tốt lành, nên linh hồn con người bám lấy chúng với đức tin vững chắc. Khi đó con người sẽ được kết hợp chặt chẽ cùng với Lời Chúa và được Lời hấp thụ hoàn toàn đến nỗi không chỉ dừng lại ở việc chia sẻ tất cả quyền năng của Lời nhưng cũng sẽ bị Lời làm cho thỏa mãn và say đắm. Nếu một cái chạm vào của Đấng Christ giúp ta được chữa lành, thì cái chạm đầy thuộc linh dịu dàng nhất này sẽ còn nhiều hơn thế nào nữa, Lời của Đức Chúa Trời được hấp thụ, sẽ truyền đạt cho linh hồn mọi điều thuộc về Lời.”39

 

KẾT LUẬN

Để đặt câu hỏi, Kinh Thánh có quan trọng không? Phần nào giống như hỏi, thực phẩm có quan trọng không? Nói một cách đơn giản, chúng ta không thể trải nghiệm cuộc sống thuộc linh mà không có Lời Chúa còn hơn là chúng ta có thể trải nghiệm cuộc sống vật chất mà không có thức ăn. Kinh Thánh cho biết về Đấng Christ, và Đức Thánh Linh mở mắt chúng ta để thấy những điều kỳ diệu của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Kinh Thánh là ánh sáng của chúng ta (Thi Thiên 119:105), thức ăn của chúng ta (1 Phi-e-rơ 2:2; Hê-bơ-rơ 5:11-14), thuốc chữa bệnh (Thi Thiên 19:7; 119:93), thanh gươm của chúng ta cho trận chiến thuộc linh (Ê-phê-sô 6:17) và hạt giống được cấm sâu trong lòng có khả năng cứu chuộc (Gia-cơ 1:21; 1 Phi-e-rơ 1:23). Tóm lại, đó là tất cả những gì chúng ta cần, như John Newton, một nhà buôn nô lệ đã cải đạo, viết trong bài thơ này.

  Kinh Thánh quý giá? Thật là một kho báu

                                             Lời Chúa có đủ khả năng không!

                                            Tất cả những gì tôi muốn cho cuộc sống hoặc niềm vui,

                                            Thức ăn và thuốc men, khiên và kiếm;                                           

Hãy để cho thế gian đánh giá tôi là đáng thương-

tôi chỉ cần Christ, và chỉ duy Ngài, (ngoài Ngài ra) tôi không cần thêm gì nữa.40

 

(hết phần một)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguyên tác: UNDERSTANDING CHRISTIAN THEOLOGY

Tác giả:  Robert L. Saucy Distinguished Professor of Systematic Theology Talbot School of Theology, La Mirada, California

 

HIỂU BIẾT THẦN HỌC CƠ ĐỐC

PHẦN I: KINH THÁNH

 

Giới thiệu

  1. Tại Sao Kinh Thánh Được Gọi Là Sách Sự Sống?
  2. Khải thị thần thượng là gì?
  3. Khải thị phổ quát là gì?
  4. Khải thị đặc biệt là gì?
  5. Giáo huấn của Kinh Thánh là duy nhất?
  6. Còn Cách Nào Khác để chứng minh Kinh thánh là duy nhất?
  7. Kinh Thánh là Lời soi dẫn của Đức Chúa Trời?
  8. Quan điểm của Đấng Christ về Kinh Thánh?
  9. Kinh Thánh Là Quyển sách của Con Người?
  10. Kinh Thánh Đáng Tin Cậy?
  11. Kinh Thánh Tự Mâu Thuẫn?
  12. Hội Thánh Tin Điều Gì Về Kinh Thánh?
  13. Những Sách nào Thuộc Về Kinh Thánh?
  14. Ngày Nay Kinh Thánh Có Quan Trọng Không?

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Giới thiệu

KINH THÁNH là quyển sách quan trọng nhất trên thế giới. Đây chính là niềm tin quyết của người Cơ Đốc cũng như của các lãnh đạo chính trị chín chắn, các hoàng tộc và những người tri thức nổi tiếng. Vua George V nước Anh đã tuyên bố: “Kinh Thánh… về phương diện thế tục, là báu vật hàng đầu của quốc gia, còn trên phương diện tâm linh, đây chính là sách giá trị nhất mà thế giới có thể mua được bằng tiền.”[1] Tại lễ đăng quang của nữ hoàng Elizabeth II, trong khi bà cầm quyển Kinh Thánh để thể hiện đức tin và lòng trung thành, tổng giám mục Canterbury đã tuyên bố: “Đây là sự khôn ngoan, đây là Luật Hoàng Gia, đây là Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời.”[2]

Patrick Henry, nhà ái quốc Hoa Kỳ nổi tiếng với câu nói bất hủ: “Hãy cho tôi tự do, hoặc cho tôi cái chết,” ông đã nói về Kinh Thánh rằng: “Quyển sách này đáng giá hơn mọi quyển sách khác từng được in ra.”[3] Bằng những lời tương tự, tiểu thuyết gia người Nga Fyodor Dostoevsky sau khi giới thiệu về việc đọc trọn bộ Kinh Thánh bản dịch tiếng Nga đã tuyên bố: “Trước hết, người ta biết chắc rằng nhân loại không có được và cũng không thể có được một quyển sách nào khác vĩ đại như Kinh Thánh.”[4]

Trong thời gian gần đây, Billy Graham đã nói về Kinh Thánh rằng: “Không một quyển sách nào khác có thể chạm đến sự khôn ngoan uyên bác, vẻ đẹp đầy thi vị, hoặc tính chính xác của lịch sử và lời tiên tri trong Kinh Thánh… Kinh Thánh tiêu biểu cho mọi kiến thức mà con người cần để lấp đầy khao khát trong tâm hồn và giải quyết mọi vấn đề… Tôi muốn được thấm đẫm trong Kinh Thánh. Tôi muốn thuộc lòng Kinh Thánh trước khi tôi chết.”[5] Chắc chắn cụm từ thường được nhắc đi nhắc lại trong các bài giảng của ông đó là: “Kinh Thánh dạy rằng…”

Đối với Cơ Đốc Nhân Lời Chúa là vô giá, được minh chứng qua việc những người tin Chúa sẵn lòng hy sinh mạng sống của họ để có được Lời Chúa. Trong thời kỳ hội thánh bị bắt bớ dữ dội năm 303 sau CN, hoàng đế La-mã Diocletian kiên quyết tiêu hủy Kinh Thánh. Tất cả mọi bản sao Kinh Thánh khi phát hiện đều bị đốt cháy. Hàng nghìn Cơ Đốc nhân và gia đình của họ đã tử đạo vì sở hữu những phần của Lời Chúa. Cuộc bách hại và tiêu hủy Kinh Thánh tiếp tục diễn ra trong hai năm, sau đó một chiếc cột chiến thắng được dựng lên trên đống tro tàn của một quyển Kinh Thánh, trên cây cột viết những lời cáo thị rằng Kinh Thánh đã “biến mất.” Nhưng chỉ hai mươi năm sau, hoàng đế Constantine tuyên bố rằng Kinh Thánh chính là thẩm phán không thể sai lầm của lẽ thật. Kẻ thù của Đức Chúa Trời đã nhiều lần cố gắng tiêu hủy Kinh Thánh bằng nhiều cách khác nhau. Nhưng Đức Chúa Trời đã bảo tồn Kinh Thánh – đôi khi bằng một cái giá quá lớn mà dân sự của Ngài phải trả, một cái giá mà đối với họ chẳng đáng chi khi so sánh với báu vật Lời Chúa.

Địa vị cao quý mà người tin Chúa dành cho Kinh Thánh đã khiến cho họ có biệt danh “Dân có Kinh Thánh.” Có lẽ Muhammad là người đầu tiên đặt ra biệt danh này chủ yếu dành cho người Do Thái nhưng cũng dành cho Cơ Đốc nhân bởi vì cả hai đối tượng này đều rất coi trọng sự mặc khải được ghi chép trong Kinh Thánh. Người Hồi Giáo cũng được xếp vào biệt danh này bởi vị trí đặc biệt mà cả ba tôn giáo dành cho các bản Kinh Thánh của họ so với các tác phẩm văn chương khác trong mỗi tôn giáo.

Đối với người Do Thái, Kinh Thánh của họ chính là sự mặc khải trọn vẹn của Đức Chúa Trời cho dân tộc của Ngài. Nhưng đối với Cơ Đốc Nhân, vị trí đó thuộc về Đấng Christ, Ngài là Đức Chúa Trời, Đấng đã đến thế gian để bày tỏ chính Ngài cho nhân loại (Hêb. 1:2). Thật vậy, Đấng Christ chính là Đức Chúa Trời hằng sống và là Đấng có  thẩm quyền tối hậu trên hội thánh. Tuy nhiên điều này không làm giảm đi thẩm quyền của Kinh Thánh. Bởi vì ngoài Kinh Thánh có phương cách nào giúp chúng ta nhận biết Đấng Christ? Và bằng cách nào Đấng Christ thực thi thẩm quyền nếu không có Lời Chúa, đặc biệt khi Ngài còn tại thế? Về sau, chúng ta sẽ thấy sự kết nối bên trong giữa Lời Chúa được bày tỏ qua thân vị của Đức Chúa Giê-su và Lời Chúa được bày tỏ qua Kinh Thánh.

Kinh Thánh là điều thiết yếu của Cơ Đốc giáo bởi vì Kinh Thánh ghi lại sự kiện Đức Chúa Trời can thiệp vào dòng lịch sử nhằm cứu rỗi nhân loại. Song không chỉ là một câu chuyện lịch sử về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, chính Kinh Thánh cũng là một phần trong công tác cứu rỗi đó. Lời Chúa cho chúng ta biết ý nghĩa chức vụ của Đức Chúa Giê-su và bày tỏ phương cách để chúng ta tiếp nhận sự cứu rỗi của Ngài.

Cơ Đốc giáo hoàn toàn cần có Kinh Thánh được minh họa qua việc so sánh Kinh Thánh với các sách của Đạo Hindu. Nếu mọi sách của Đạo Hindu bị tiêu hủy và trên đất không còn ai theo Đạo Hindu, nghĩa là Đạo Hindu hoàn toàn biến mất khỏi nhận thức con người, thì người ta vẫn tin rằng Đạo Hindu hoàn toàn có thể trỗi dậy lần nữa bởi vì cơ bản đó là một lối sống. Người ta cũng suy xét như vậy đối với những tôn giáo khác. Tuy nhiên, nếu mọi bản sao Kinh Thánh đều bị xóa sạch và mọi Cơ Đốc Nhân nếu không còn trên mặt đất, kể cả những gì được lịch sử nhắc đến cũng không còn, khi ấy Đạo Cơ Đốc không thể trỗi dậy lần nữa. Tại sao? Bởi vì Cơ Đốc Giáo hơn cả một lối sống. Đó là một tôn giáo có trong lịch sử được thành lập dựa trên công tác của Đức Chúa Trời trong lịch sử nhân loại, và Kinh Thánh ghi lại lịch sử cứu chuộc đó.

Kinh Thánh khác với mọi quyển sách khác bởi vì đó là Lời của Đức Chúa Trời. Các quyển sách khác dù uyên thâm như thế nào cũng đều là lời của con người. Số người tin Kinh Thánh có thẩm quyền không mắc sai lầm đang ngày một gia tăng trên thế giới giữa lúc các hội thánh tự do ngày một giảm và  Cơ Đốc giáo ngày một tăng trưởng mạnh mẽ ở nhiều nơi trên thế giới.

Tuy nhiên vị trí cao quý của Kinh Thánh đối lập đầy quan ngại với vai trò thực tiễn trong đời sống con người. Đặc biệt tại thế giới Tây Phương khi chủ nghĩa đa nguyên tôn giáo ngày một gia tăng kéo theo việc người ta chấp nhận mọi quan niệm, cùng với những lời phê bình tiêu cực của chủ nghĩa duy lý đối với Kinh Thánh, tất cả đang làm xói mòn lòng tin vào thẩm quyền tối thượng của Kinh Thánh, thậm chí tại nhiều hội thánh tốt. Nhiều quan điểm diễn giải Kinh Thánh khác nhau cũng khiến người ta băn khoăn điều Kinh Thánh thực sự dạy dỗ là gì. Tất cả các yếu tố trên gộp lại làm suy yếu Kinh Thánh là trụ cột của đức tin và là nguồn gây dựng đời sống tín hữu.

Quan trọng hơn hết, nhiều người tin Chúa gặp vấn đề vì thiếu niềm tin vào sự linh nghiệm của Kinh Thánh. Chúng ta tôn kính Kinh Thánh là Lời thánh của Đức Chúa Trời, nhưng chúng ta không đọc Kinh Thánh. Khi gặp bối rối trước những vấn đề trong cuộc sống, chúng ta thường tìm kiếm sự giúp đỡ và an ủi từ những điều khác ngoài Kinh Thánh. Có rất nhiều lý do khiến chúng ta mất lòng tin nơi Kinh Thánh. Đầu tiên, chúng ta đang sống trong một xã hội chống đối sự độc đoán. Người ta không muốn bất kỳ ai dạy họ việc phải làm, dù đó là con người hay Thượng đế. Hệ quả là nhiều Cơ Đốc Nhân không làm theo Lời Chúa, không tiếp nhận Lời Chúa vào lòng với thái độ tin cậy vâng lời để được biến đổi đời sống. Chính vì vậy, nhiều người kết luận rằng Kinh Thánh không thật sự linh nghiệm.

Dĩ nhiên, Kinh Thánh đóng vai trò trung tâm trong mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và con người. Duy nhờ Kinh Thánh mà chúng ta có thể nhận biết Chúa, và theo lời Đức Chúa Giê-su phán, đây chính là sự sống đời đời (Giăng 17:3). Kinh Thánh duy trì và nuôi dưỡng đời sống Cơ Đốc để chúng ta được lớn lên trong kinh nghiệm bước đi với Chúa. Vậy nhận định Kinh Thánh là “Quyển sách” lịch sử nhân loại là phù hợp với thực tiễn, và người nào không đặt Kinh Thánh ở đúng vị trí trong cuộc sống sẽ phải chịu tổn thất.

Tuy nhiên quyển sách mà chúng ta gọi là Kinh Thánh là gì? Làm sao con người có Kinh Thánh? Điều gì khiến Kinh Thánh có thẩm quyền? Có phải Kinh Thánh thật sự không sai lầm? Tại sao Kinh Thánh bao gồm sáu mươi sáu sách còn những sách khác thì bị loại? Lời dạy của Kinh Thánh liên hệ thế nào với hội thánh và con người? Làm thế nào chúng ta hiểu được lời dạy trong Kinh Thánh? Chúng ta cần làm gì để kinh nghiệm quyền năng biến đổi của Kinh Thánh? Những câu hỏi trên cùng với những câu hỏi khác chính là chủ đề của bài nghiên cứu này, với mục đích đó là Kinh Thánh sẽ hoàn thành công việc như đã hứa trong đời sống chúng ta.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHẦN I: KINH THÁNH

1

Tại sao Kinh Thánh được gọi là Quyển sách Sự sống?

 

So với mọi quyển sách khác trên thế giới, Kinh Thánh là ĐỘC NHẤT bởi vì những lời trong đó được nạp bằng sự sống và năng quyền của Đức Chúa Trời. Không phải người ta gắn Đức Chúa Trời vào giấy mực hay là cuộn giấy trong thời cổ đại. Nhưng sự hiện diện của Chúa được truyền đạt qua lẽ thật Lời Ngài. Năng quyền độc nhất của Lời Chúa được Cơ Đốc Nhân lẫn những người không tin Chúa kinh nghiệm như nhau. J. B. Phillips, người đầu tiên viết diễn giải Tân Ước, đã làm chứng về kinh nghiệm của chính ông trong việc cẩn thận nghiên cứu Kinh Thánh. Trong lời mở đầu của tác phẩm ông đã viết: “Người biên dịch… luôn bị choáng ngợp bởi phẩm chất hằng sống của tài liệu mà ông đang biên dịch. Chắc chắn một số người chỉ xem Kinh Thánh như là sự tôn sùng đầy mê tín đối với ‘Đức Thánh Linh,’ song hết lần này đến lần khác, tác giả cảm thấy mình như một người thợ điện đang mắc lại hệ thống điện của một căn nhà cổ xưa nhưng không thể ‘tắt lưới điện chính.’”[6]

Tương tự, nhà bác học người Pháp Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) với những triết lý mở đường cho chủ nghĩa giải phóng nhân loại, ông cũng đã cảm thấy choáng ngợp trước động lực độc nhất của Kinh Thánh. Ông viết: “Tôi thừa nhận rằng sự uy nghiêm của Kinh Thánh đã khiến tôi kinh ngạc; sự thánh khiết của các trước giả giả Phúc Âm đã phán với lòng tôi và họ có những phẩm chất của lẽ thật đầy cuốn hút, và hơn thế nữa, thật không thể bắt chước được, rằng nếu Kinh Thánh là do con người sáng tác, thì các trước giả đó chắc hẳn phải vĩ đại hơn các anh hùng vĩ đại nhất.”[7] Ngày nay chúng ta không thể nghe được những lời như thế từ những triết gia hàng đầu, tuy nhiên chắc chắn việc này không phải do Kinh Thánh không còn tác động đến tấm lòng con người nhưng do người ta không còn đọc Kinh Thánh nhiều như trước nữa.

 

NĂNG QUYỀN CỦA LỜI CHÚA

Chúng ta đều nghe câu nói: “Gậy và đá có thể đập vỡ xương tôi, nhưng lời nói không thể làm tôi tổn thương.” Tuy nhiên kinh nghiệm cho thấy nhận định này không hoàn toàn chính xác. Lời nói gây tổn thương, nhưng chúng cũng có thể chữa lành. Thậm chí Kinh Thánh đã viết về lời nói của con người rằng: “Sống chết ở nơi quyền của lưỡi” (Châm 18:21). “Lưỡi hiền lành giống như một cây sự sống; Song lưỡi gian tà làm cho hư nát tâm thần” (15:4). Lời nói con người có sức mạnh như chiếc bánh lái điều khiển được con tàu hoặc như một đám lửa nhỏ có thể làm cháy cả khu rừng (Gia 3:4-6; cũng xem Châm 25:15).

Nếu lời nói con người có sức mạnh như thế thì Lời Chúa lại càng có năng quyền gấp ngàn lần hơn! Dĩ nhiên, lời nói của con người có giới hạn do bản chất tạo vật của con người là hữu hạn. Tuy nhiên Đức Chúa Trời là vô hạn nên lời phán của Ngài có năng quyền vô song. Đức Chúa Giê-su phán cùng các môn đồ rằng: “Những lời ta phán cùng các ngươi đều là thần linh và sự sống” (Giăng 6:63), nghĩa là Lời Chúa phán có năng quyền của Đức Thánh Linh và sự sống. Vào lúc phán ra điều này, nhiều người khi trước theo Chúa đã từ bỏ không còn theo Ngài nữa. Nhưng các môn đồ vì đã tiếp nhận Lời Chúa nên được kinh nghiệm năng quyền của Lời Ngài. Khi Chúa hỏi rằng liệu các môn đồ cũng sẽ thoái lui, Phi-e-rơ quả quyết thay mặt cho mười hai môn đồ mà đáp lại rằng: “Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời” (6:68).

Trước giả sách Hê-bơ-rơ công bố: “Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng” (Hê 4:12). Điều thú vị đó là tác giả sách Hê-bơ-rơ cũng đã dùng từ “sống” để mô tả về chính Đức Chúa Trời (3:12; 9:14; 10:31; 12:22). Đức Chúa Trời hằng sống ban Lời có sự sống của Ngài. Và bởi vì Lời Chúa là lời “sống” nên lời Chúa cũng là lời “linh nghiệm.”

Trong một bản cáo trạng dài lên án các tiên tri giả đã nói những lời “không làm ích gì” cho dân Ngài, Đức Chúa Trời công bố năng quyền trong lời chân thật của Ngài: “Lời ta há chẳng như lửa, như búa đập vỡ đá sao?” (Giê 23:29, 32). Đức Chúa Trời phán cùng tiên tri Giê-rê-mi rằng: “Nầy, ta sẽ khiến lời ta nên như lửa trong miệng ngươi, dân nầy sẽ như củi, và lửa ấy sẽ nuốt nó” (5:14). Có lúc vị tiên tri này từ chối công bố Lời mà Chúa đã truyền cho ông, ông cảm nhận lời Chúa như “lửa đốt cháy” trong “lòng” và trong “xương” (20:9).

Xuyên suốt Kinh Thánh, Đức Chúa Trời thực hiện ý muốn của Ngài bằng lời năng quyền. Tất cả sự bao la của vũ trụ được tạo nên nhờ lời phán của Chúa. Tám lần trong Sáng thế ký 1 viết rằng: “Đức Chúa Trời phán…” Như tác giả Kinh Thánh viết rằng: “Thế gian đã làm nên bởi lời của Đức Chúa Trời”  (Hê 11:3). Tác giả Thi thiên khẳng định: “Các từng trời được làm nên bởi lời Đức Giê-hô-va” (Thi 33:6). “Lời có quyền phép Ngài” tiếp tục nâng đỡ muôn vật để chúng được tồn tại (Hêb. 1:3).

Lời Chúa giống như những người đưa tin đầy năng quyền chạy đi khắp trái đất để hoàn thành ý muốn Chúa. “Ngài ra lịnh mình trên đất, Lời của Ngài chạy rất mau” (Thi. 147:15). Sứ đồ Phao-lô đã cầu nguyện rằng: “Vả lại, hỡi anh em, hãy cầu nguyện cho chúng tôi, hầu cho đạo Chúa được đồn ra và được sáng danh, như thể ở trong anh em vậy” (2 Tê. 3:1). Trong thời cổ đại, khi dân sự của Đức Chúa Trời kêu cầu Chúa giữa lúc gian truân (là hậu quả của những tội lỗi mà họ đã phạm), trước giả Thi Thiên đã nói rằng: “Ngài ra lệnh chữa họ lành, rút họ khỏi cái huyệt” (Thi 107: 19-20). Và khi Lời Chúa “chạy” thì chạy cách đầy năng quyền và hiệu quả. “Lời nói của ta… đã ra từ miệng ta, thì chẳng trở về luống nhưng, mà chắc sẽ làm trọn điều ta muốn, thuận lợi công việc ta đã sai khiến nó” (Ê-sai 55:11).

Hội thánh đầu tiên gặp nhiều bắt bớ. Bắt đầu từ một nhóm nhỏ những con người tầm thường mà chẳng có ai là “vĩ nhân” theo chuẩn mực con người, mặc dầu vậy họ đã chiến thắng mọi thù địch. Việc hội thánh giảng đạo phúc âm là “lời” của Chúa đã ảnh hưởng đến cả thế giới thời bấy giờ. “Đạo Đức Chúa Trời càng ngày càng tràn ra” (Công 6:7); “đạo Đức Chúa Trời tấn tới rất nhiều, càng ngày càng tràn thêm ra” (Công 12:24); “Ấy vậy, nhờ quyền phép của Chúa, đạo bèn đồn ra, càng ngày càng được thắng” (Công 19:20). Sứ đồ Phao-lô bị giam vào ngục vì đã làm chứng cho Đấng Christ, là điều mà rất nhiều tín hữu đã phải chịu xuyên suốt lịch sử hội thánh, nhưng Phao-lô viết rằng: “đạo của Đức Chúa Trời không hề bị trói đâu” (2 Ti. 2:9). Tù đày có thể tạm dừng chuyển động của người đưa tin, nhưng nó không thể ngăn cản quyền năng của sứ điệp của Chúa. Thực tế như trong trường hợp của Phao-lô, tù đày lại “giúp thêm sự tấn tới cho đạo Tin lành” (Phi-líp 1:12).

Đức Chúa Giê-su Christ chính là Lời của Đức Chúa Trời, đích thân Ngài đã đến với con người. “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời… Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta” (Giăng 1:1, 14). Ngôi Lời nhập thể, Con Đức Chúa Trời có sự hiện diện đầy năng quyền của Đức Chúa Trời, chính vì vậy những lời Đức Chúa Giê-su phán dầy dẫy năng quyền của Đức Chúa Trời. Đến lúc tận cùng của trái đất, trời sẽ mở ra và Đấng đắc thắng, tức là Vua muôn vua và Chúa các chúa, danh Ngài là “Lời của Đức Chúa Trời,” sẽ đến cưỡi trên một con ngựa trắng để hủy phá mọi nước bởi lưỡi gươm bén ra từ miệng Ngài (Khải 19:11-16). Cảnh tượng này không khác gì đích thân Ngôi Lời của Đức Chúa Trời thi hành quyền năng Ngài bởi lời thẩm quyền từ chính miệng của Ngài. Lời ra từ miệng Đức Chúa Trời có năng quyền của Ngôi Lời nhập thể.

 

SỰ SỐNG QUA LỜI CỦA CHÚA

Đức Chúa Trời, tác giả đích thực của Kinh Thánh, chính là “Đức Chúa Trời hằng sống.” Duy Chúa là Đấng tự hữu, và mọi sự sống khác đều phụ thuộc vào Ngài.  Trước giả Thi Thiên đã nói rằng: “Vì nguồn sự sống ở nơi Chúa” (Thi. 36:9). Mọi tạo vật đều do Chúa tạo tựng và ban cho sự sống. Chính vì vậy hễ ai quay khỏi Chúa thì chắc nhận lấy sự chết. Rất nhiều người đã quay khỏi Chúa và nhận lấy sự chết. Thay vì lấy lòng biết ơn mà nhận biết Chúa và sự sống tốt lành mà Chúa đã ban, những con người đầu tiên đã không vâng lời Chúa. Kể từ đó, cội nguồn sự sống bị cắt đứt khỏi con người, Kinh Thánh kể sự tồn tại của họ là “sự chết.”

Bất kỳ ai khi nhìn vào tình trạng nhân loại ngày nay đều nhận thấy sự thật này. Xung đột và đau khổ ngày một gia tăng. Còn ở những nơi không có xung đột hay đau khổ thì thẳm sâu trong tấm lòng con người không có sự yên ổn, một tấm lòng không thỏa lòng khiến người ta không ngừng theo đuổi khoái lạc, quyền lực, hoặc một hình thức tâm linh nào đó. Điều con người cần nhất chính là sự sống, sự sống mà Đức Chúa Trời đã định cho con người. Ngài ban sự sống ấy cho những ai nhận lấy, và Ngài thực hiện qua Lời Chúa.

Ở vùng Cận Đông thời cổ đại, người ta tìm kiếm những nguồn lực của sự sống, điều mà họ cho rằng có liên hệ với các thần linh, thông qua phép thuật bùa chú hoặc các nghi lễ tôn giáo. Ngược lại, tuyển dân của Đức Chúa Trời có được sự sống nhờ vào mối liên hệ phải lẽ với Đức Chúa Trời qua Lời Chúa. Môi-se lập ra hai con đường cho tuyển dân  Y-sơ-ra-ên, một là con đường sự sống và thịnh vượng, hai là con đường sự chết và đầy trắc trở. Kết quả hoặc hậu quả là do họ có làm theo hay là chối bỏ Lời Chúa (Phục. 30:15-20). Lời mà Môi-se nhận lấy từ Đức Chúa Trời “chẳng phải một lời nói vô giá… nhưng nó là sự sống” (32:47). Các tiên tri cũng đã tuyên bố rằng sự sống là do bước đi trung tín theo các luật lệ và mạng lệnh của Chúa (ví dụ, Êxê 18:9; 20:11). A-mốt nhìn thấy trước ngày phán xét của Đức Chúa Trời sẽ có đói kém, “chẳng phải là đói về bánh, cũng chẳng phải khát về nước, bèn là về nghe lời của Đức Giê-hô-va.” Hậu quả là con người sẽ “đi dông dài từ biển nầy đến biển khác” bởi vì nền tảng sự sống của họ đã bị cất đi (A-mốt 8:11-12).

Con người ngày nay cũng chịu những hậu quả tương tự khi quay khỏi Lời Chúa để làm theo ý riêng. Lẽ thật nền tảng xuyên suốt Kinh Thánh không hề thay đổi: Là những tạo vật của Đức Chúa Trời, chúng ta không tự có sự sống. Sự sống có được là bởi ân điển của Đức Chúa Trời. Chính Đức Chúa Giê-su, Ngài vừa là con người nhưng cũng là Đức Chúa Trời, đã áp dụng lời Môi-se cho chính Ngài: “Loài người sống chẳng phải nhờ bánh mà thôi, nhưng loài người sống nhờ mọi lời bởi miệng Đức Giê-hô-va mà ra” (Phục 8:3; Ma-thi-ơ 4:4).

Sự sống tìm được nơi Đức Chúa Trời và được ban cho qua Con Ngài. Đức Chúa Giê-su phán: “Ta là sự sống lại và sự sống,” và “Ta là… sự sống” (Giăng 11:25; 14:6). Vậy các môn đồ đầu tiên đã tin và nhận thấy lẽ thật này là đúng đắn, họ tuyên xưng rằng “trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người” (1:4). Đối với các môn đồ, Đức Chúa Giê-su chính là “Chúa [hoặc ‘Đấng sáng tạo’ hoặc ‘người tiên phong’] của sự sống” (Công. 3:15).

Nhưng chính Chúa, Đấng ban sự sống, đã phó chính Ngài thông qua Lời hằng sống của Đức Chúa Trời. Sứ đồ Giăng đã viết rằng: “Điều có từ trước hết, là điều chúng tôi đã nghe, điều mắt chúng tôi đã thấy, điều chúng tôi đã ngắm và tay chúng tôi đã rờ, về Lời sự sống” (1 Giăng 1:1). “Lời sự sống” chính là Ngôi Lời nhập thể, Đấng mà các sứ đồ đã nhìn thấy và tay họ đã rờ đến Ngài. Nhưng đó cũng là điều mà họ đã “nghe” (1:3). Các sứ đồ công bố sứ điệp sự sống mà họ đã được nghe. Các tín hữu đầu tiên được khích lệ phải giữ vững “lời sự sống” (Phi-líp 2:16; cũng xem Công 5:20). Lời được truyền đạt bằng ngôn ngữ con người là “lời sự sống” khi những lời ấy công bố sứ điệp sự sống thật nơi Đấng Christ. Hơn thế nữa, khi lời sự sống được công bố, lời ấy tạo nên sự sống cho những ai tiếp nhận.

Lời Chúa có năng quyền “tái sanh,” là phép lạ biến đổi một con người khi họ đã chết về mặt tâm linh. Trong ngụ ngôn người ra đi gieo giống, Đức Chúa Giê-su ví sánh Lời Đức Chúa Trời như hạt giống (Lu-ca 8:11). Hạt lúa mì hoặc hạt ngô trông  bề ngoài như không có sự sống, nhưng khi được gieo xuống đất thì sản sinh thành một cây có sự sống. Cũng vậy, Kinh Thánh, Lời Chúa được viết thành sách, trông vẻ bề ngoài cũng giống như những quyển sách khác, nhưng khi được trồng trong lòng người thì có năng quyền kỳ diệu để sản sinh sự sống tâm linh. Cũng với hình ảnh hạt giống, Phi-e-rơ đã viết rằng: “Anh em đã được lại sanh, chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống chẳng hư nát, là bởi lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời” (1 Phi-e-rơ 1:23). Lẽ thật này được kinh nghiệm theo nhiều cách khác nhau: “Ấy chính Ngài theo ý muốn mình, đã dùng lời chân thật sanh chúng ta” (Gia-cơ 1:18). “Vừa lúc ban đầu, Ngài đã chọn anh em bởi sự nên thánh của Thánh Linh, và bởi tin lẽ thật, đặng ban sự cứu rỗi cho anh em” (2 Tê. 2:13). Đức Chúa Trời tiếp tục thu hút con người tiếp nhận Lời Ngài để được sự sống và sự cứu rỗi: “Hãy chăm chỉ nghe ta, hãy ăn của ngon… Hãy nghiêng tai, và đến cùng ta; hãy nghe ta, thì linh hồn các ngươi được sống” (Ê-sai 55:2-3).

Qua chức vụ, sứ đồ Phao-lô đã giảng dạy và trải nghiệm năng quyền Lời Chúa trong việc đem tha nhân đến với cuộc sống mới và sự cứu rỗi. Phao-lô nói rằng: “lời giảng về thập tự giá… là quyền phép của Đức Chúa Trời” (1 Côr. 1:18). “Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin”  (Rô-ma 1:16).

Sự sống chỉ được tìm thấy trong sự gắn kết với Đấng Christ, và sự gắn kết ấy chỉ có được trong đức tin nhờ Lời năng quyền của Đức Chúa Trời. Như Phao-lô đã viết: “Như vậy, đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Christ được rao giảng” (Rô-ma 10:17). Nói cách khác, sứ điệp lời Chúa chính là năng quyền kích hoạt đức tin.

Giáo phụ Augustine (354 – 430) đã nói về năng quyền sản sinh sự sống của Lời Chúa qua chính trải nghiệm của ông. Sau khi kể về câu chuyện linh hồn của ông chịu đau đớn và giằng xé giữa một bên là bản ngã tội lỗi và một bên là Chúa, ông đã viết về những gì đã xảy ra:

Khóc lóc với tấm lòng đầy đau đớn và đắng cay, đột nhiên tôi nghe một giọng nói vang lên từ căn nhà gần đó, giọng của một bé trai hoặc gái (tôi không rõ) cứ lặp đi lặp lại câu nói: “Hãy cầm lấy và đọc, hãy cầm lấy và đọc”… Tôi nhìn dòng nước mắt và đứng lên. Tôi hiểu tiếng nói ấy là một mệnh lệnh từ Chúa dành cho tôi phải mở quyển sách và đọc chương đầu tiên mà tôi tìm thấy… Tôi cầm lấy quyển sách [sách tông đồ], mở ra và đọc thầm đoạn văn đầu tiên mà mắt tôi nhìn thấy: “Chớ nộp mình vào sự quá độ và say sưa, buông tuồng và bậy bạ, rầy rà và ghen ghét; nhưng hãy mặc lấy Đức Chúa Jêsus Christ, chớ chăm nom về xác thịt mà làm cho phỉ lòng dục nó” (Rô-ma 13:13-14)… Đột nhiên, đến chữ cuối cùng của câu Kinh Thánh này, một tia sáng thiên thượng chiếu soi vào tấm lòng đầy lo âu của tôi. Mọi bóng tối nghi ngờ đều bị xua tan.[8]

Năng quyền của lẽ thật được ghi lại trong Kinh Thánh cũng đem đến sự sống mới cho Martin Luther. Ông đã thực hiện tất cả mọi điều mà một “tu sĩ tốt” của Giáo hội Công Giáo La-mã thời bấy giờ cần phải làm để xoa dịu tấm lòng bất an của mình. Sau đó ông được phong làm giáo sư Kinh Thánh tại Đại học Wittenberg. Trong vai trò mới của mình, ông nghiên cứu và giảng dạy sách Rô-ma. Trong quá trình nghiên cứu Kinh Thánh, tấm lòng của ông bị thu hút bởi khái niệm “sự công bình của Đức Chúa Trời,” là điều mà sứ đồ Phao-lô tuyên bố đã được bày tỏ trong phúc âm (Rô-ma 1:16-17). “Tôi vô cùng khao khát được hiểu thư tín của Phao-lô dành cho người Rô-ma, tuy nhiên có một điều ngăn trở tôi đó là khái niệm ‘sự công bình của Đức Chúa Trời,’ bởi vì tôi hiểu rằng đó là sự công bình mà chính Đức Chúa Trời là sự công bình và Ngài hành động trong sự công bình đó để hành phạt người không công bình… Tôi suy ngẫm ngày và đêm cho đến khi… tôi nhận ra lẽ thật đó là sự công bình của Đức Chúa Trời là sự công bình mà, chỉ nhờ ân điển và sự thương xót của Ngài. Chúa xưng công chính cho chúng ta bởi đức tin. Ngay sau đó tôi cảm thấy chính tôi được lại sanh và bước qua cánh cổng thiên đàng… Phần Kinh Thánh này của Phao-lô đối với tôi như mở ra cánh cổng vào thiên đàng.”[9]

Niềm tin vào năng quyền ban cho sự sống của Lời Chúa đã khiến việc công bố Lời Chúa trở nên nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với hội thánh đầu tiên. Phao-lô nhiều lần cầu nguyện để hội thánh được dạn dĩ rao giảng Lời Chúa (Ê-phê-sô 6:19-20; Cô-lô-se 4:3). Khao khát lớn nhất của Phao-lô đó là “đạo Chúa được đồn ra và được sáng danh” trong chức vụ của ông (2 Tê. 3:1). Sự công bố Lời Chúa và minh chứng về quyền năng ban cho sự sống của Lời Chúa trong thế gian đã giúp cho hội thánh đắc thắng và phát triển trong một thế giới bị bao trùm bởi sự tăm tối thuộc linh. Ngày nay cũng vậy.

Có một giáo sĩ  gần như chỉ dùng Kinh Thánh cho lời chứng cá nhân của mình từng được các bạn của ông hỏi rằng: “Ông sẽ làm gì khi một người chưa được cứu không chấp nhận thẩm quyền của Kinh Thánh?” Vị giáo sĩ đáp: “Nếu trong một trận chiến tôi có một thanh gươm Đa-mách loại tốt với hai lưỡi thật sắc bén, tôi sẽ không để thanh gươm ở yên trong vỏ chỉ vì đối thủ của tôi không tin rằng thanh gươm ấy sắc bén.”

Việc này không có nghĩa rằng những nghiên cứu về tính đáng tin cậy của Kinh Thánh là không có giá trị. Lý do để tin vào Kinh Thánh thường giúp người ta lắng nghe lẽ thật Kinh Thánh. Nhưng chúng ta phải luôn nhớ rằng “gươm Thánh Linh” không phải là lời nói của con người hay thậm chí là lý luận của chúng ta. Ngược lại, Kinh Thánh chính là Lời của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Giê-su phán rằng Đức Thánh Linh cáo trách thế gian “về tội lỗi, về sự công bình và về sự phán xét” (Giăng 16:8). Sự nhận biết về tội lỗi, và sự công chính của Đức Chúa Trời được tìm thấy nơi Đức Chúa Giê-su, và về sự phán xét sẽ đến là những lẽ thật mà con người cần nhận biết để tiếp nhận sự sống đời đời. Đó cũng là những lẽ thật đánh động đến tấm lòng chân thành của con người. Một tín hữu người Phi Châu đã nói rằng: “Kinh Thánh nói cho tôi biết về tấm lòng của tôi.” Đó cũng là những lẽ thật có năng quyền của Đức Thánh Linh.

Một nhà vật lý  tài năng đã khám phá điều này khi gặp gỡ D. L. Moody. Ông thừa nhận rằng ông chỉ đến nghe  Moody thuyết giảng để mua vui cho mình. “Tôi biết ngài ấy không phải là một học giả, và tôi cảm thấy chắc chắn rằng tôi có thể tìm thấy nhiều khiếm khuyết trong lập luận của ông. Nhưng tôi nhận ra rằng tôi không thể nhắm vào ông. Từ đầu đến cuối buổi diễn thuyết, ông ấy đã bắn vào tôi những câu Kinh Thánh như thể những viên đạn phát ra từ khẩu súng trường đi thẳng vào tim tôi. Tôi có thể nói rằng năng quyền của Moody đó là  ông ta có Kinh Thánh trong miệng.”[10]

Sự linh nghiệm của Lời Chúa để đem người khác đến với sự cứu rỗi đã lý giải tại sao nhiều kẻ thù của phúc âm đã thất bại trong việc xóa bỏ Kinh Thánh. Trong cuộc bắt bớ tàn khốc cuối cùng trước khi Cơ Đốc Giáo được hợp pháp hóa tại Đế quốc La-mã, chính quyền La-mã đã nghĩ cách để dẹp tan dứt điểm đạo Chúa. Khi một tín hữu đã bỏ đạo, ông này là thành viên  trong hội đồng của hoàng đế  nghe hội đồng này nói  về việc cần phải thiêu cháy mọi tín hữu Cơ Đốc, ông đáp lại rằng: “Thật vô ích khi thiêu đốt mọi Cơ Đốc Nhân, bởi nếu ngày nay quý vị tàn sát mọi Cơ Đốc Nhân nhưng vẫn để sót lại một bản sao Kinh Thánh thì ngày mai hội thánh Cơ Đốc sẽ trỗi dậy một lần nữa.” Chính vì vậy mà hoàng đế La-mã đã ra sắc lệnh tiêu hủy mọi bản sao Kinh Thánh.

 

 

3

Sự Khải Thị Phổ Quát Là Gì?

Theo một nghĩa nào đó, chủ đề của Kinh Thánh là thực tế về sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời làm cho chính Ngài được nhận biết để chúng ta là những tạo vật thông minh của Ngài có thể hiểu biết Ngài và thiết lập mối liên hệ cá nhân với Ngài. Bởi vì Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo và bảo tồn hoàn vũ. Các tạo vật tự làm chứng về lẽ thật này. Do đó, Kinh Thánh mô tả sự khải thị của Đức Chúa Trời thông qua những con đường – có thể được phân loại là sự mặc khải phổ quát và sự mặc khải đặc biệt. Sự mặc khải chung hay khải thị phổ quát thì luôn có sẵn cho tất cả mọi người trong suốt mọi thời đại. Còn sự khải thị đặc biệt là khải thị mà Đức Chúa Trời ban cho những con người cụ thể trong một thời gian đặc biệt. Những phạm trù này đôi khi được dán nhãn tương ứng là mặc khải “tự nhiên” và “siêu nhiên”, cho thấy rằng mặc khải phổ quát được truyền đạt thông qua các hiện tượng tự nhiên trong khi mặc khải đặc biệt được truyền đạt thông qua sự can thiệp siêu nhiên. Cả hai hình thức mặc khải này được đề cập trong Thi thiên 19. Đa-vít viết, “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời,

Bầu trời giãi tỏ công việc tay Ngài làm.

Ngày nầy giảng cho ngày kia,

Đêm nầy tỏ sự tri thức cho đêm nọ.

Chẳng có tiếng, chẳng có lời nói;

Cũng không ai nghe tiếng của chúng nó.

Dây đo chúng nó bủa khắp trái đất,

Và lời nói chúng nó truyền đến cực địa.

Nơi chúng nó Ngài đã đóng trại cho mặt trời” (câu 1-4)

Các câu này bày tỏ rằng các tạo vật bày tỏ ra sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Đa-vít cũng viết, “Luật pháp của Đức Giê-hô-va là trọn vẹn, bổ linh hồn lại; Sự chứng cớ Đức Giê-hô-va là chắc chắn, làm cho kẻ ngu dại trở nên khôn ngoan.  Giềng mối của Đức Giê-hô-va là ngay thẳng, làm cho lòng vui mừng; Điều răn của Đức Giê-hô-va trong sạch, làm cho mắt sáng sủa.  Sự kính sợ Đức Giê-hô-va là trong sạch, hằng còn đến đời đời; Các mạng lịnh của Đức Giê-hô-va là chân thật, thảy đều công bình cả.  Các điều ấy quí hơn vàng, thật báu hơn vàng ròng; Lại ngọt hơn mật, hơn nước ngọt của tàng ong.  Các điều ấy dạy cho kẻ tôi tớ Chúa được thông hiểu;

Ai gìn giữ lấy, được phần thưởng lớn thay.” (câu 7-11) Trong những câu này tác giả đề cập đến những giá trị của “luật pháp Đức Giê-hô-va.”

CÁC HÌNH THỨC VÀ NỘI DUNG CỦA KHẢI THỊ PHỔ QUÁT

Kinh Thánh dạy rằng Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài cho tất cả mọi người xuyên qua các công trình sáng tạo kỳ diệu của Ngài và đặc biệt là xuyên qua con người của chúng ta. Nhận thức về thế giới và vũ trụ mênh mông rộng lớn vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta chắc chắn sẽ gợi lên câu hỏi, “tất cả những điều này đến từ đâu?” Cho đến nay những nhà tư tưởng suy ngẫm về câu hỏi đó đã luôn trả lời rằng chúng đến bởi Đức Chúa Trời. Chính sự tồn tại của vũ trụ đòi hỏi một “nguyên nhân” cuối cùng – phải có một Đấng sáng tạo. Tất cả sự hài hòa, phức hợp của toàn thể vũ trụ chỉ chúng ta đến với một Đấng thiết kế hết sức khôn ngoan.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa duy vật, cả hai đều phủ nhận những gì thuộc về siêu nhiên, đã ảnh hưởng đến một số người khiến họ phủ nhận sự tồn tại của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên những bằng chứng từ công trình sáng tạo thuyết phục chúng ta nhận biết sự thực hữu của Ngài. Thuyết Big Bang phổ biến về nguồn gốc của vũ trụ chỉ ra sự khởi đầu và vô hình trung chỉ về một Đấng Sáng tạo. Các thiết kế phức hợp và phức tạp trong tự nhiên ngày càng đưa ra bằng chứng về việc có một Nhà thiết kế cực kỳ thông minh cho cả vũ trụ này.

Tất cả những sự bày tỏ trên đây khiến cho Henry Wadsworth Longfellow đã viết, “Thế giới tự nhiên là sự mặc khải về Đức Chúa Trời; nghệ thuật là sự bày tỏ về con người.”1 Những công việc  của cá nhân bày tỏ ra khả năng của người đó, vì vậy toàn thể vũ trụ phô bày ra các thuộc tính của Đức Chúa Trời. “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời,

Bầu trời giãi tỏ công việc tay Ngài làm.”

(Thi thiên 19:1)

“Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” đề cập đến chính bản chất của Đức Chúa Trời được hiển hiện. Đây là sự phô bày các đặc tánh của Ngài.

 

Phao-lô viết rằng thế giới tự nhiên bày tỏ ra các thuộc tính của Thiên Chúa. Khi giảng dạy cho những người mà không nhận được bất kỳ sự mặc khải đặc biệt nào, ông nói, “Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi, bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được, vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa; song cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm.” (Rô-ma 1:19-21)

Sự sáng tạo của Đức Chúa Trời bày tỏ “quyền năng đời đời” và “bản chất thần thánh” – các phẩm chất này bày tỏ Ngài là Đức Chúa Trời và Ngài xứng đáng để các tạo vật thờ phượng. Mặc dù Ngài không phải là một phần của tự nhiên, như một số tôn giáo khẳng định, và mặc dù Ngài vô hình, nhưng Đức Chúa Trời vẫn được bày tỏ trong công việc của Ngài. Chúng mang dấu ấn của Ngài rõ ràng đến nỗi không ai có thể thoát khỏi sự thật về sự tồn tại của Ngài. Richard Wurmbrand (1909-2001), một người nổi tiếng về sự chịu khổ vì Phúc âm trong tư cách là một nhà truyền giáo dưới chế độ cộng sản tại đất nước Romania, ông đã kể một cuộc đối thoại của cặp vợ chồng người Nga là những nhà điêu khắc và đã được dạy cả đời rằng không có Chúa sau đây:

Một lần nọ, chúng tôi thực hiện việc điêu khắc pho tượng của Stalin, vợ tôi hỏi: “Chồng ơi, ngón tay cái thế nào? Nếu chúng ta không thể đối lập ngón tay cái với các ngón tay khác – nếu các ngón tay của bàn tay giống như ngón chân – chúng ta không thể cầm một cái búa, một cái vồ, một cuốn sách, một mẩu bánh mì hay bất kỳ dụng cụ nào. Cuộc sống của con người sẽ là cực kỳ khó khăn nếu không có ngón tay cái nhỏ bé này. Nào, ai đã tạo ra ngón tay cái? Cả hai chúng ta được học về chủ nghĩa Mác ở trường dạy rằng bầu trời và mặt đất tự nhiên mà có. Chúng không phải là tạo vật của Thiên Chúa. Tôi học như thế và được bảo phải tin như thế. Nhưng nếu Thiên Chúa không sáng tạo bầu trời và mặt đất, và Ngài chỉ tạo ra ngón tay cái mà thôi, thì Ngài cũng sẽ đáng được ca ngợi vì điều nhỏ bé này.

Chúng ta ca ngợi Edison, Bell và Stephenson là những người phát minh ra bóng đèn điện, điện thoại, đường ray xe lửa và những điều khác. Nhưng tại sao chúng ta không ca ngợi người làm ra ngón tay cái? Nếu Edison không có ngón tay cái, liệu ông ta có phát minh ra được thứ gì không? Vậy nên điều đúng đắn là thờ phượng Thiên Chúa là Đấng làm nên ngón tay cái.

Ông chồng nghe vợ nói và trở nên rất giận dữ… “Đừng nói cách ngu muội. Bà đã được dạy rằng không có Đức Chúa Trời. Bà không biết là ngôi nhà chúng ta có bị nghe trộm hay sao, chúng ta sẽ có thể gặp vào rắc rối với những lời nói của bà. Hãy ghi nhớ một lần và mãi mãi rằng không có Thiên Chúa. Ở trên thiên đường không có ai cả.”

Người vợ trả lời, “Đây là một điều ngạc nhiên hơn nữa. Nếu trên thiên đàng có Đức Chúa Trời toàn năng mà tổ tiên chúng ta tin tưởng trong sự ngu ngốc, và điều tự nhiên là chúng ta có những ngón tay cái. Đức Chúa Trời toàn năng có thể làm được mọi điều, vì vậy Ngài có thể tạo ra ngón tay cái nữa. Nhưng nếu trên thiên đàng không có ai, thì đối với tôi, tôi quyết định tôn thờ hết cả tấm lòng mình với “Không có ai” là người đã tạo ra ngón tay cái.

Bạn nghĩ sao về câu chuyện này?

Ngay cả các quá trình liên tục của tự nhiên để duy trì sự sống và hoạt động cũng cung cấp bằng chứng về sự hiện diện của Đức Chúa Trời.  “Ngài cứ làm chứng luôn về mình, tức là giáng phước cho, làm mưa từ trời xuống, ban cho các ngươi mùa màng nhiều hoa quả, đồ ăn dư dật, và lòng đầy vui mừng.” (Công vụ 14:17, cũng xem 17:24-27). Chúng ta thường gọi các thảm họa là “hành động của Chúa” nhưng các sứ đồ công bố rằng những hoạt động bình thường có lợi của thiên nhiên mà chúng ta thường coi là bằng chứng về sự thực tại của Chúa. Ví dụ như Chúa Giê-su dạy rằng chim trời và hoa huệ ngoài đồng vẫn được Cha thiên thượng chăm sóc (Ma-thi-ơ 6:26-30). Các hiện tượng của tự nhiên bày tỏ ra sự thực hữu của Thiên Chúa và một số điều về thuộc tánh của Ngài cho tất cả mọi người, “Mặt trời ra từ phương trời nầy. Chạy vòng giáp đến phương trời kia; Chẳng chi tránh khỏi hơi nóng mặt trời được.” (Thi thiên 19:6)

Vượt ra ngoài sự phức tạp của cơ thể, như chúng ta thấy trong cuộc đàm thoại của cặp vợ chồng người Nga về ngón tay cái, bản chất con người chúng ta bày tỏ ra các thuộc tánh của Đức Chúa Trời. Khi nói chuyện với cư dân thành A-thên, là những người thờ vô số thần tượng, trong đó có “thần không biết,” Phao-lô phản đối việc thờ phượng tất cả các bàn thờ do con người tạo ra bằng cách chỉ vào bản chất của chúng ta. “Vì tại trong Ngài, chúng ta được sống, động, và có, y như xưa một vài thi nhân của các ngươi có nói rằng: Chúng ta cũng là dòng dõi của Ngài. Vậy, bởi chúng ta là dòng dõi Đức Chúa Trời, thì chớ nên ngờ rằng Chúa giống như vàng, bạc, hay là đá, bởi công nghệ và tài xảo của người ta chạm trổ nên” (Công vụ 17:28-29). Phao-lô nói rằng nếu chúng ta là những tạo vật của Đức Chúa Trời, thì ít nhất Ngài cũng kỳ diệu như chúng ta, và điều đó có nghĩa rằng Ngài là một thân vị sống động.

Trước đó nhiều thế kỷ, tiên tri Ê-sai cảnh báo những người nghĩ rằng họ sẽ thoát khỏi trách nhiệm về những hành động xấu xa của họ. Ông viết, “Khốn thay cho những kẻ giấu kín mưu mình cách thẳm sâu khỏi Đức Giê-hô-va, làm việc mình trong xó tối, và nói rằng: Ai thấy ta, ai biết ta?  Các ngươi thật là trái ngược quá, há nên xem người thợ gốm như đất sét sao? Đồ vật há được nói về kẻ làm nên mình rằng: Nó chẳng làm ra ta? Cái bình há được nói về kẻ tạo mình rằng: Nó chẳng có trí hiểu đâu” (Ê-sai 29:15-16). Tương tự như vậy, trước giả Thi thiên cũng viết, “Hỡi kẻ ngu dại, bao giờ các ngươi mới khôn ngoan?

Đấng đã gắn tai há sẽ chẳng nghe sao? Đấng đã nắn con mắt há sẽ chẳng thấy ư?”  (Thi thiên 94:8-9). Về bản chất, Đức Chúa Trời phán, “Hãy nhìn vào chính các ngươi. Bản chất và những khả năng của các ngươi chỉ đến Ta, Đấng tạo dựng các ngươi, Đấng vĩ đại hơn các ngươi.”

Một cách khác mà sự mặc khải phổ quát khẳng định sự hiện hữu của Đức Chúa Trời là tiến trình lịch sử loài người, mà Ngài kiểm soát. Là Đấng kiểm soát lịch sử, Ngài bày tỏ chính Ngài trong những sự kiện của con người. Khi giảng cho cư dân A-thên trên ngọn đồi Mars, Phao-lô công bố rằng, “Ngài đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người và khiến ở khắp trên mặt đất, định trước thì giờ đời người ta cùng giới hạn chỗ ở, hầu cho tìm kiếm Đức Chúa Trời, và hết sức rờ tìm cho được, dẫu Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta.  Vì tại trong Ngài, chúng ta được sống, động, và có, y như xưa một vài thi nhân của các ngươi có nói rằng: Chúng ta cũng là dòng dõi của Ngài” (Công vụ 17:26-28). Nê-bu-cát-nết-sa là vua của đế quốc Ba-by-lôn phải học tập khó khăn để cuối cùng nhận biết rằng “Đấng Rất Cao cai trị trong nước của loài người, và Ngài muốn ban cho ai tùy ý” (Đa-ni-ên 4:32, cũng xem 4:34-37). Lẽ thật trong Châm ngôn 14:34, “Sự công bình làm cho nước cao trọng; Song tội lỗi là sự hổ thẹn cho các dân tộc” là điều hiển nhiên đối với tất cả những học sinh có tư duy về lịch sử.

Luật pháp mà Đức Chúa Trời viết một cách tự nhiên trong lòng con người là một sự khẳng định khác về mặc khải phổ quát. Đấng sang tạo quyền năng cũng là Đấng ban cho luật đạo đức và phán xét. Mỗi người đều có cảm nhận về điều đúng và sai. “Vả, dân ngoại vốn không có luật pháp, khi họ tự nhiên làm những việc luật pháp dạy biểu, thì những người ấy dầu không có luật pháp, cũng tự nên luật pháp cho mình.  Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ: Chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vực mình” (Rô-ma 2:14-15).

Vị sứ đồ cũng nói rằng chúng ta dùng tri thức về đúng sai để phán xét người khác, nhưng tiếc rằng nó không có sức mạnh để khiến chúng ta thực hiện những gì đúng. Ông kết luận, “hỡi người kia, ngươi là ai mặc lòng, hễ đoán xét kẻ khác thì không thể chữa mình được; vì trong khi đoán xét họ, ngươi cũng lên án cho chính mình ngươi nữa, bởi ngươi đoán xét họ, mà cũng làm các việc như họ” (2:1). Immanuel Kant đi tới kết luận rằng có hai điều  lấp đầy tấm lòng con người: “bầu trời đầy sao ở trên và luật đạo đức bên trong.” Mặc dù  từ chối thẩm quyền của Kinh Thánh, cảm giác về “lẽ phải” này đã khiến ông  tin vào thực tại của Chúa. C. S. Lewis đã làm chứng rằng thực tế về luật đạo đức này đã đưa Immanuel Kant ra khỏi chủ nghĩa vô thần.

Một số nhà khoa học xã hội phản đối rằng luật đạo đức mà chúng ta tìm cách vận hành thông qua lương tâm của mình chỉ là sản phẩm của xã hội chúng ta. Họ nói rằng chúng được đặt ở đó bởi môi trường giáo dục của chúng ta. Đúng vậy, chúng ta có thể đã học được một số quy tắc cư xử có thể chấp nhận được từ cha mẹ mình hoặc từ những người khác, nhưng điều này không chứng minh rằng: thực tế của các qui luật này là sản phẩm của thầy giáo, hay bảng cửu chương, mà chúng ta đã học ở trường học, là sản phẩm của giáo viên chúng ta.

Hơn nữa, mặc dù có sự khác biệt đáng kể về quy tắc đạo đức giữa các xã hội, nhưng có những điểm tương đồng đáng kinh ngạc ở các cấp độ cơ bản. Chúng ta thường nghe rằng ở một số nền văn hóa, kẻ trộm hoặc kẻ gian xảo được đánh giá cao, trong khi ở những nền văn hóa khác, chúng bị xem là những kẻ vô lại, bị ruồng bỏ. Ngày hôm nay nhiều người tin rằng các tiêu chuẩn đạo đức là hoàn toàn mang tính cá nhân. Họ nói không có mã phổ quát của điều đúng và sai ràng buộc tất cả mọi người. Nhưng thử nghiệm thực sự về ý thức đạo đức của chúng ta với tư cách là con người không nằm ở những gì chúng ta đưa ra trong các hành động đối với người khác hoặc thậm chí ở những gì bản thân chúng ta nghĩ là đạo đức hay vô đạo đức. Sự mặc khải thực sự của các qui luật đánh giá điều đúng điều sai đến trong những gì chúng ta giải thích có liên quan đến chính bản thân. Một kẻ cắp có thể nhận được sự tôn trọng giữa vòng một số người của nó, khi nó ăn cắp của người khác, nhưng nó không chấp thuận ăn cắp khi điều đó chống lại chính bản thân! Tương tự như vậy, việc giết người khác có thể là một điều vinh dự đối với một số người, nhưng có ai cảm thấy điều đó là tốt khi người bạn thân nhất của mình bị giết hoặc chính bản thân mình bị giết không? Khi được đánh giá theo cách này, chúng ta nhanh chóng thấy rõ rằng mặc dù các tiêu chí đạo đức của chúng ta có phần bị xoay chuyển vì tội lỗi, nhưng các tiêu chuẩn sâu xa của đúng và sai vẫn là điều phổ biến đối với tất cả mọi người.

Cảm giác đúng và sai, và cảm giác khó chịu xuất hiện khi chúng ta vi phạm tiêu chuẩn nào đó, thì làm chứng cho mọi người về một Đức Chúa Trời tạo ý thức đạo đức trong tâm trí con người. “ý thức ở trong tôi là tôi mắc một món nợ,” Robert Browning đã viết, “Bạn phải bảo đảm rằng phải có một ai đó sẵn sàng trả món nợ khi đến hạn. Tất cả đều đi đến điều này: đến hạn phải trả nợ. Chúng ta phải tìm kiếm người chấp nhận trả nợ khi đến hạn.”

Nếu một mình chúng ta là người xây dựng nên bản chất đạo đức của chúng ta, thì tội lỗi sẽ không có vấn đề gì – chỉ cần thay đổi tiêu chuẩn, và ý thức về đạo đức sẽ không còn nữa, cùng với cảm giác tội lỗi cho những hành động không phù hợp. Nhưng chỉ những kẻ giết người – mà chúng ta thừa nhận là bất thường – mới có khả năng sống mà không có lương tâm đạo đức. Mỗi người bình thường đều có một ý thức về “trách nhiệm” đạo đức, đó là định nghĩa rằng họ đang “đáp trả” một người nào đó bên ngoài mình- Môt ai đó đã viết ra một tiêu chuẩn về sự công bình trong tấm lòng của tất cả mọi người.

HIỆU ỨNG CỦA MẶC KHẢI PHỔ QUÁT

(Hiệu ứng: sự biến đổi của một hệ thống nào đó khi chịu tác động của một tác nhân nhất định.

Effect: hiệu ứng, là kết quả của một sự tác động.)

 

Bởi vì có sự mặc khải phổ quát dẫn đến thực tế là mọi người có một số kiến thức không chỉ đơn giản về một vị thần, nhưng là một Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật của Kinh Thánh. Phao-lô đã giải thích điều này cho cư dân ở A-thên, “Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới và mọi vật trong đó, là Chúa của trời đất, chẳng ngự tại đền thờ bởi tay người ta dựng nên đâu. Ngài cũng chẳng dùng tay người ta hầu việc Ngài dường như có cần đến sự gì, vì Ngài là Đấng ban sự sống, hơi sống, muôn vật cho mọi loài. Ngài đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người và khiến ở khắp trên mặt đất, định trước thì giờ đời người ta cùng giới hạn chỗ ở » (Công vụ 17 :24-26). Vì vậy mọi người phải “tìm kiếm Đức Chúa Trời, và hết sức rờ tìm cho được, dẫu Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta” (câu 27).

Những lời của Phao-lô về sự khải thị của Đức Chúa Trời cho những ai từ chối Ngài thậm chí còn rõ ràng hơn kiến thức của họ về Đức Chúa Trời: “Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi, bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được, vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa; song cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm” (Rô-ma 1:19-21). Đó là tri thức về Đức Chúa Trời chân thật được nhìn thấy từ những lời của vị sứ đồ nói với những người “biết Đức Chúa Trời mà không làm sang danh Ngài.”  Họ biết Đức Chúa Trời, nhưng không tôn kính Ngài (câu 21). Họ là những người “không tin kính và mọi sự không công bình của những người dùng sự không công bình mà bắt hiếp lẽ thật” (câu 18). Các hình tượng và những tà thần họ thờ lạy là kết quả của hành động từ chối Đức Chúa Trời, và thay thế vào đó là các triết lý, suy nghĩ của riêng họ và lựa chọn thờ lạy các thần hư không khác. “Họ tự xưng mình là khôn ngoan, mà trở nên điên dại…vì họ đã đổi lẽ thật Đức Chúa Trời lấy sự dối trá, kính thờ và hầu việc loài chịu dựng nên thế cho Đấng dựng nên, là Đấng đáng khen ngợi đời đời! A-men” (1:22, 25)

Mục đích của mặc khải phổ quát là khiến con người tìm kiếm Đức Chúa Trời trong tình trạng tội lỗi của con người.  Vấn đề cơ bản ở đây không nằm trong trí tuệ, nhưng là ý chí. Tội lỗi đã đi vào thế giới khi tổ phụ con người bị cám dỗ muốn trở nên ngang bằng Đức Chúa Trời (Sáng. 3:5). Con người từ chối đầu phục Đức Chúa Trời chân thật. Họ chọn chính mình làm trung tâm thay vì nhường vị trí đó cho Đấng tối cao. Từ cơ sở không đúng đắn và biến thái này, họ tìm cách xây dựng một triết lý sống thỏa mãn. Họ đưa ra ý nghĩa riêng của họ cho dữ liệu của sự mặc khải chung hơn là thừa nhận Đức Chúa Trời và tìm cách hiểu mọi thứ từ quan điểm của Ngài.

Tuy nhiên, sự mặc khải phổ quát vẫn phục vụ các mục đích của Đức Chúa Trời. Bởi vì tri thức về Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật đã được ban cho các tạo vật và đến với mỗi người. “bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được” (1:20). Không ai có thể biện minh được trước mặt Thiên Chúa là tôi không biết Ngài. “Vả, dân ngoại vốn không có luật pháp, khi họ tự nhiên làm những việc luật pháp dạy biểu, thì những người ấy dầu không có luật pháp, cũng tự nên luật pháp cho mình.  Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ: Chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vực mình.  Ấy là điều sẽ hiện ra trong ngày Đức Chúa Trời bởi Đức Chúa Jêsus Christ mà xét đoán những việc kín nhiệm của loài người, y theo Tin lành tôi” (2:14-16). Một ngày trong tương lai mọi người sẽ ra trước mặt Chúa để được phán xét – đây là điều mà Phao-lô luận giải. Vị trí không thể bào chữa của mọi người được thể hiện rõ ràng bởi thực tế là tất cả họ đều có xu hướng đánh giá người khác bằng ý thức bẩm sinh của họ về đúng và sai. Họ cáo buộc người khác làm điều sai, thì chính những cáo buộc này cũng chỉ thẳng về phía họ. “Vậy, hỡi người kia, ngươi là ai mặc lòng, hễ đoán xét kẻ khác thì không thể chữa mình được; vì trong khi đoán xét họ, ngươi cũng lên án cho chính mình ngươi nữa, bởi ngươi đoán xét họ, mà cũng làm các việc như họ  Vả, chúng ta biết rằng sự phán xét của Đức Chúa Trời đối với kẻ làm những việc như thế, là hiệp với lẽ thật.  Hỡi người đoán xét kẻ phạm những việc dường ấy mà mình cũng phạm kia, vậy ngươi tưởng rằng chính mình ngươi sẽ tránh khỏi sự phán xét của Đức Chúa Trời sao?”  (2 :1-3). Trong khi mặc khải phổ quát không nói với chúng ta về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời và giải pháp xử lý vấn đề tội lỗi của con người, thì nó chỉ ra nhu cầu này.

 

Sự mặc khải phổ quát cũng   góp phần bảo tồn xã hội và văn hóa loài người. Những ý tưởng về lẽ thật và sự giả dối, công lý và bất công, giúp duy trì trật tự giữa các dân tộc, có nguồn gốc từ sự mặc khải này. Nói ngắn gọn, sự mặc khải phổ quát giúp kiểm tra xu hướng tội lỗi ngăn ngừa sự hỗn loạn và thoái hóa của xã hội loài người. Còn nếu để bản chất con người phóng túng theo tội lỗi thì sẽ sớm đưa nền văn minh đến chỗ kết thúc.

Ngoài ra, thực tế là tất cả mọi người nhận thức về Thiên Chúa qua sự mặc khải phổ phục vụ cho nhiệm vụ truyền giáo. Phao-lô nhận thấy cư dân ở A-thên có “đầy dẫy các hình tượng” trong đó bao gồm luôn vị “thần không biết”. Vì vậy ông sử dụng nhận thức này của người A-thên để chỉ cho họ một Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật được bày tỏ qua Chúa Giê-su Christ (Công vụ 17:16-31). Mặc dù thực tế là nhiều người trong thời gian gần đây không đưa ra cùng một bằng chứng công khai về bản chất tôn giáo như người A-thên với các thần tượng của họ. Kinh Thánh dạy về sự mặc khải phổ quát nói rằng khi họ nhận thức về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, và điều này đóng vai trò như một điểm liên hệ khi chúng ta làm chứng cho họ.

 

 

4

Mặc Khải Đặc Biệt Là Gì?

NHU CẦU CHO MẶC KHẢI ĐẶC BIỆT

 

Trong khi bản chất tự nhiên của con người và cõi sáng tạo bày tỏ một số điều về Đức Chúa Trời. Tuy nhiên những điều này không được thiết kế để chúng ta có thể hiểu biết đầy đủ về Ngài và ý muốn Ngài cho chúng ta. Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta cho chính Ngài. Đức Chúa Trời sáng tạo chúng ta để chúng ta thiết lập mối quan hệ với Ngài. Nhìn vào sự xinh đẹp và trật tự hài hòa trong vườn Ê-đen, A-đam và Ê-va biết đến các tác phẩm của Đức Chúa Trời, nhưng nếu muốn nhận biết Ngài cách cá nhân họ phải giữ mối tương giao gần gũi với Ngài. Từ buổi bình minh của lịch sử con người, Đức Chúa Trời không chỉ bày tỏ chính Ngài qua cõi sáng tạo, nhưng cũng bày tỏ trực tiếp bằng các lời của Ngài.

Ngắm nhìn cõi sáng tạo và suy ngẫm về bản chất của chúng, có thể sẽ không bao giờ giúp cho A-đam và Ê-va đi đến chỗ nhận biết ý muốn Đức Chúa Trời và mục đích Ngài dành cho cuộc đời của họ là cai quản trái đất (Sáng thế ký 1:26-28), và chăm sóc khu vườn (2:15). Đức Chúa Trời đã giao nhiệm vụ này cho họ thông qua các lời (words). Chúng ta không biết đầy đủ các chi tiết về sự giao tiếp giữa Đức Chúa Trời với tổ phụ loài người. Tuy nhiên từ “đi ngang”  trong Sáng thế ký 3:8, “Lối chiều, nghe tiếng Giê-hô-va Đức Chúa Trời đi ngang qua vườn, A-đam và vợ ẩn mình giữa bụi cây, để tránh mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời” cho biết rằng đó là một sự xuất hiện thường xuyên của Ngài. Từ này cũng được dùng khi đề cập đến sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong đền tạm. Vì vậy một người nghiên cứu Kinh Thánh kết luận rằng vườn Ê-đen cũng như đền tạm là nơi chốn Đức Chúa Trời hiện diện, và rằng “có thể một cuộc trò chuyện hàng ngày giữa Đấng Toàn năng và các sinh vật của Ngài là thông lệ”1   Vì vậy, ngay từ ban đầu, mặc khải phổ quát thông qua tự nhiên đã cung cấp nền tảng cho giao tiếp bằng lời nói cá nhân.

 

Sự xâm nhập của tội lỗi vào thế giới làm tăng nhu cầu giao tiếp cá nhân. Thông qua tự nhiên và lương tâm, lịch sử bày tỏ rằng con người đi đến một nhận thức là có Đức Chúa Trời, và Ngài thiết lập thế giới loài người trên những nguyên tắc của luật đạo đức. Con người cũng có ý thức là không ai có thể sống và thực hành kiên định trên những luật này. Nhưng không nơi nào trong tự nhiên hay trong chính con người mà chúng ta tìm ra lối thoát cho tình huống khó xử này.

Lịch sử của các tôn giáo bày tỏ rằng khi con người không nhận được khải thị đặc biệt của Đức Chúa Trời, họ không tìm thấy sự giải thoát thực sự khỏi cảm giác tội lỗi. Các tôn giáo được xây dựng lên để tìm câu trả lời, nhưng ngoại trừ sự khải thị đặc biệt, thì những người sùng đạo vẫn còn bị mắc kẹt với những kiến thức họ có trong khải thị phổ quát. Họ biết họ phải sống theo những tiêu chuẩn rõ ràng, cụ thể. Nhưng họ không thể. Do đó họ thiết lập nhiều phương cách để bù đắp cho sự thất bại của họ.

Không thể tránh khỏi các tôn giáo được thành lập dựa trên sự mặc khải phổ quát là những tôn giáo của công đức/việc làm. Không nhận được sự khải thị đặc biệt về sự tha thứ của Đức Chúa Trời xuyên qua Đấng Christ, họ không bao giờ được yên nghỉ với những gánh nặng của tội lỗi. Trước giả Thi thiên đã viết, “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Bầu trời giãi tỏ công việc tay Ngài làm” (Thi. 19:1) và “Luật pháp của Đức Giê-hô-va là trọn vẹn, bổ linh hồn lại” (Thi. 19:7).

Sự mặc khải đặc biệt bổ sung một số chân lý còn thiếu trong sự khải thị phổ quát về Đức Chúa Trời trong cõi sáng tạo, và nó cũng khiến cho con người có khả năng để nhìn xem các lẽ thật trong sự mặc khải phổ quát chính xác. Cho đến khi một người được phục hòa với Đức Chúa Trời nhờ vào mối liên hệ cá nhân với Chúa Giê-su Christ, thì người người đó mới có thể nhìn xem thế giới trong lăng kính của Đức Chúa Trời. Chỉ có sự soi sáng của Đức Chúa Trời mới có thể mở đôi mắt bị mù vì tội lỗi.  Người nào nói đến sư vinh hiển của Đức Chúa Trời trong các từng trời là một người tin kính Ngài. Nhưng một người vô thần nhìn vào các từng trời, anh ta sẽ đưa ra một kết luận khác. John Calvin, nhà cải chánh vĩ đại của Pháp, đã minh họa một cách khéo léo sự cần thiết của khải thị đặc biệt cho một người đọc “quyển sách của tự nhiên” một cách chính xác, “Cũng giống như những người đàn ông già hoặc mắt mờ và những người có thị lực yếu, nếu bạn ném trước mặt họ một tập sách đẹp nhất, ngay cả khi họ nhận ra đó là một loại văn bản nào đó, nhưng họ khó có thể đọc ra hai từ, nhưng với sự hỗ trợ của kính đeo mắt họ sẽ bắt đầu đọc một cách rõ ràng; vì vậy  tập họp những  hiểu biết về Đức Chúa Trời còn lộn xộn trong tâm trí chúng ta qua mặc khải phổ quát thì Kinh Thánh đã giải tán sự buồn tẻ của chúng ta, cho chúng ta thấy rõ một Đức Chúa Trời chân thật.”2                                                                                                                           Sự mặc khải đặc biệt mà qua đó Đức Chúa Trời giao tiếp trực tiếp theo cách cá nhân, do đó rất quan trọng đối với đời sống con người. Từ buổi ban đầu con người được tạo dựng để giao tiếp với Đức Chúa Trời. Khi tội lỗi bước vào trong dòng dõi loài người, nó phá vỡ sự thông công này. Nhưng kế hoạch của Đức Chúa Trời yêu thương là phục hồi sự gãy đổ. Điều này đòi hỏi Đức Chúa Trời của ân điển phán với chúng ta qua sự mặc khải đặc biệt.

 

NHỮNG HÌNH THỨC CỦA SỰ MẶC KHẢI ĐẶC BIỆT

Đức Chúa Trời giao tiếp với chúng ta bằng cách nào? Một số học giả nói rằng Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài trong các hành động quyền năng xuyên suốt lịch sử, và không qua Lời. Một số khác chỉ ra rằng sự mặc khải cá nhân về Đức Chúa Trời được bày tỏ trong Đấng Christ. Bởi vì Đấng Christ được gọi là Ngôi Lời (Giăng 1:1), họ lập luận rằng những lời của Kinh Thánh không phải là Ngôi Lời. Những quan điểm như thế đòi hỏi chúng ta phải tra xét cẩn thận những gì Kinh Thánh nói về sự mặc khải đặc biệt của Đức Chúa Trời.

Trước giả sách Hê-bơ-rơ công bố, “Đời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách,  rồi đến những ngày sau rốt nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài, là Con mà Ngài đã lập lên kế tự muôn vật, lại bởi Con mà Ngài đã dựng nên thế gian » (Hê-bơ-rơ 1 :1-2). Tại tuyên bố này gợi ý, mặc khải đặc biệt cũng bao gồm một loạt các phương pháp khác, lên đến đỉnh điểm là sự xuất hiện của Con Đức Chúa Trời.

Các biểu hiện về Đức Chúa Trời mà con người có thể nhìn thấy được (Theophanies).

Phương cách nổi bật mà Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài từ buổi bình minh của lịch sử được ghi lại trong Kinh Thánh là thông qua các biểu hiện có thể nhìn thấy được cho con người về Đức Chúa Trời. Từ theophany  có nguồn gốc từ hai từ Hy-lạp là Theos (Đức Chúa Trời) và phaino (hiển thị hoặc xuất hiện). Vì vậy Theophany là sự xuất hiện của Đức Chúa Trời.

Trong một số trường hợp các hình thức của sự xuất hiện Đức Chúa Trời không được bày tỏ. Ví dụ, khi Kinh Thánh ký thuật, “Đức Giê-hô-va hiện ra cùng Áp-ram” (Sáng. 12:7). Trong những trường hợp khác Kinh văn chỉ ra rằng Đức Chúa Trời đã có những hình thức khác nhau để làm cho chính Ngài được biểu hiện. Trong một cơ hội, Áp-ra-ham bày tỏ long hiếu khách chào mửng ba người đàn ông đến trong nhà trại của mình. Hai người trong số họ là thiên sứ, nhưng người thứ ba là chính Đức Chúa Trời. “Áp-ra-ham nhưng mắt lên, thấy ba người đứng trước mặt. Vừa khi thấy, bèn bắt từ cửa trại chạy đến trước mặt ba người đó, sấp mình xuống đất” (Sáng. 18:2). “các đấng bèn từ đó đi qua hướng Sô-đôm; nhưng Áp-ra-ham hãy còn đứng chầu trước mặt Đức Giê-hô-va.  Áp-ra-ham lại gần và thưa rằng: Chúa sẽ diệt người công bình luôn với người độc ác sao?” (câu 22-23). “Lối chiều, hai thiên sứ đến Sô-đôm; lúc đó, Lót đương ngồi tại cửa thành. Khi Lót thấy hai thiên sứ đến, đứng dậy mà đón rước và sấp mình xuống đất” (19:1).

Con người bí ẩn mà đã vật lộn với Gia-cốp tại Phê-ni-ên cũng là một trong những hình thức hiện ra của Đức Chúa Trời. Gia-cốp đã nói, “Tôi đã thấy Đức Chúa Trời đối mặt cùng tôi và linh hồn tôi được giải cứu” (câu 30).
Nhiều lần sự hiện ra của Đức Chúa Trời được Kinh Thánh mô tả là “Thiên sứ của Đức Giê-hô-va.”  Chúng ta đọc trong Xuất. 3:2, “Thiên sứ của Đức Giê-hô-va hiện ra cùng người (Môi-se) trong ngọn lửa, giữa bụi gai kia.”  Và thiên sứ này cũng hiện ra trong hình dáng của một con người, và Kinh văn làm cho điều này sáng tỏ người đó không phải là thiên sứ bình thường. Một số điều về sự xuất hiện của thiên sứ hoặc thông điệp tiên tri của ông đã nói với A-ga khi bà đang trốn chạy trong sa mạc, “Thiên sứ của Đức Giê-hô-va dạy nàng rằng: Ngươi hãy trở về chủ ngươi …

Nàng gọi Đức Giê-hô-va mà đã phán cùng mình, danh là “Đức Chúa Trời hay đoái xem,” vì nàng nói rằng: Chính tại đây, tôi há chẳng có thấy được Đấng đoái xem tôi sao?” (Sáng. 16:9-13). Từ sự hiện ra đáng kinh sợ, cùng với lời tiên tri và cách mà “thiên sứ của Đức Giê-hô-va cũng lên theo trong ngọn lửa của bàn thờ” (Các quan xét 13:20), cha mẹ của Sam-sôn biết đó là thiên sứ của Đức Giê-hô-va, và cũng là Đấng họ nhận biết là Đức Giê-hô-va (Các quan xét 13:3-23; cũng xem 6:11-24).

Mặc dù không phải là “theophanies” theo nghĩa đen, thiên sứ đã xuất hiện trong các giấc mơ (Sáng. 31:11-13) và nói chuyện với từng cá nhân mà không có bất kỳ hình dáng rõ ràng nào (ví dụ, 22:11-12). Nhiều sinh viên trường Kinh Thánh tin rằng thiên sứ của Đức Giê-hô-va không phải ai khác nhưng là chính là Con Đức Chúa Trời mà sau này đã giáng sinh tại Bết-lê-hem. Mặc dù điều này có thể không được kết luận, nhưng thực tế là Ngài có thể tha thứ tội lỗi và việc Ngài mang danh Đức Chúa Trời cho thấy rõ ràng rằng Ngài là sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Theo một nghĩa khác, sự xuất hiện của Đấng Christ trong thân xác con người cũng là một biểu hiện về Đức Chúa Trời mà con người có thể nhìn thấy được, nhưng nó khác với tất cả những điều còn lại. Trong những trường hợp khác, Đức Chúa Trời chỉ mặc lấy một hình dạng khi Chúa Giê-su giáng sinh, Đức Chúa Trời Con đã mặc lấy chính Ngài trong bản chất con người xác thực.

 

Các giấc mơ và khải tượng

Mặc dù các giấc mơ không đóng vai trò chính trong sự mặc khải, vào một số trường hợp quan trọng, đặc biệt là trong sách Sáng thế ký và Đa-ni-ên, Đức Chúa Trời truyền thông điệp đến các đầy tớ Ngài thông qua các giấc mơ. Một trường hợp được nhiều người biết đến là Gia-cốp nhìn thấy một cái thang từ đất nối lên đến trời (Sáng. 28:12-16) và giấc mơ của Giô-sép liên quan đến vị trí lãnh đạo trong tương lai của ông (Sáng. 37:5-7, 9). Sa-lô-môn trong 1 Các vua 3:5 và Giô-sép, chồng của Ma-ri cũng nhận được các giấc mơ mà qua đó Đức Chúa Trời bày tỏ khải thị thiên thượng.

Các giấc mơ không chỉ giới hạn trong dân sự của Đức Chúa Trời, Ngài cũng bày tỏ kế hoạch tương lai của Ngài trong giấc mơ cho Pha-ra-ôn ở Ai-cập và Nê-bu-cát-nết-sa ở Ba-by-lôn (Sáng. 41:1-7; Đa-ni-ên 2:3, 31-35). Tuy nhiên trong cả hai trường hợp này sự giải thích giấc mơ thuộc về người của Đức Chúa Trời. Hầu hết những giấc mơ mặc khải này đều bao gồm lời nói của Đức Chúa Trời, nhưng với giấc mơ của Giô-sép chỉ bày tỏ về chính ông và các anh em của ông.

Các khải tượng phổ biến hơn nhiều như một phương tiện mặc khải, đặc biệt là đối với các nhà tiên tri. Trong một số trường hợp những gì đượcnhìn thấy được mô tả trong một cảnh tượng. Ê-xê-chi-ên đã nhìn thấy đền thờ Giê-ru-sa-lem trong một khải tượng (Ê-xê-chi-ên 8:3). Tuy nhiên những gì A-mốt nhìn thấy liên quan đến Israel (A-mốt 1:1) và cũng liên quan đến việc nghe hoặc nhận thức các lời. Các khải tượng thường được nối kết với các tiên tri nhiều đến nỗi họ được gọi là “những người nhìn thấy” (ví dụ, 2 Sa-mu-ên 24:11; 1 Sử ký 9:22; 2 Sử ký 16:7; 29:30).

Giao tiếp trực tiếp

Đức Chúa Trời thường xuyên phán trực tiếp với con người. Các cụm từ này thường xuyên xuất hiện trong Kinh Thánh: Đức Chúa Trời phán, có lời của Đức Giê-hô-va đến với tôi. Trong một số trường hợp dường như đây là tiếng nói có thể nghe được bằng tai, như Phao-lô nghe một tiếng phán từ trên cao (Công vụ 9:4) và chàng trai trẻ tuổi Sa-mu-ên nghe tiếng phán của Chúa (1 Sa-mu-ên 3:4, 6, 8, 10-14). Trong những trường hợp khác, dường như là một tiếng nói từ bên trong hướng dẫn dân sự của Đức Chúa Trời giống như khi chúng ta giữ yên lặng trong khi cầu nguyện với Chúa và nghe tiếng Ngài phán. Khi một thiên sứ của Chúa ra lệnh cho Phi-líp đuổi theo hoạn quan Ê-thi-ô-pi (Công vụ 8:29), hay khi Đức Thánh Linh bảo Phi-e-rơ rằng có ba người đang tìm ông (Công vụ 10:19), hay khi hội thánh sai phái Phao-lô và Ba-na-ba đi truyền giáo (13:2). Những trường hợp này có thể là nghe được tiếng nói của Đức Chúa Trời từ bên trong. Loại tiết lộ này có thể là những gì Phao-lô nhận được từ Đấng Christ trong thời gian ông ở sa mạc A-ra-bi (Ga-la-ti 1:11-17).

Một trường hợp duy nhất Đức Chúa Trời nói chuyện trực tiếp với Môi-se được ghi trong Xuất Ê-díp-tô ký 33:11, “Đức Giê-hô-va đối diện phán cùng Môi-se, như một người nói chuyện cùng bạn hữu mình.” Khi Mi-ri-am và A-rôn đặt câu hỏi về uy quyền của Môi-se, Đức Chúa Trời phán rằng Ngài nói chuyện với họ xuyên qua các khải tượng và giấc mơ, nhưng với Môi-se thì khác. Đức Chúa Trời nói về Môi-se: “Tôi tớ Môi-se ta không có như vậy, người thật trung tín trong cả nhà ta. Ta nói chuyện cùng người miệng đối miệng, một cách rõ ràng, không lời đố, và người thấy hình Đức Giê-hô-va” (Dân số ký 12:7-8). Điều này bày tỏ sự thân mật trực tiếp giữa Đức Chúa Trời và Môi-se.

Các thiên sứ

Thỉnh thoảng Đức Chúa Trời dùng các thiên sứ để truyền đạt sự mặc khải của Ngài. Họ xuất hiện trong vai trò này, đặc biệt là khi Đức Chúa Trời khởi đầu một công việc mới.  Ví dụ Luật pháp được ban cho bởi Môi-se, nhưng qua trung gian là các thiên sứ. “các ngươi đã nhận luật pháp truyền bởi các thiên sứ, nhưng không giữ lấy” (Công vụ 7:53; Ga-la-ti 3:19). Một thiên sứ đã thông báo tin mừng về sự giáng sinh của Cứu Chúa (Lu-ca 2:10, 13). Một trong những trường hợp sinh động nhất là sự bày tỏ của thiên sứ với Đa-ni-ên. Trong hai tình huống Đức Chúa Trời trả lời sự cầu nguyện của Đa-ni-ên về Israel bằng cách gửi thông điệp thông qua các thiên sứ, một trong các thiên sứ đó là Gáp-ri-ên (Đa-ni-ên 9:2-21; 10:10-21). Trong khi các thiên sứ vượt trội hơn con người về nhiều mặt, thì họ vẫn chỉ là những sứ giả (người đưa tin) cho Lời của Đức Chúa Trời, không phải là tác giả của thông điệp. Sự giới hạn của thiên sứ về tri thức được sứ đồ Phi-e-rơ đề cập đến: “những người nhờ Đức Thánh Linh từ trên trời sai xuống, mà giảng Tin lành cho anh em; các thiên sứ cũng ước ao xem thấu những sự đó” (1 Phi-e-rơ 1:12).

Các phép lạ

 

Khi Đức Chúa Trời truyền đạt lời Ngài trực tiếp cho con người, Ngài thường đưa ra bằng chứng về sự hiện diện của Ngài bằng cách thực hiện các phép lạ. Bởi một phép màu, chúng ta đang đề cập đến một hành động khác với những sự kiện thông thường. Thông thường Đức Chúa Trời vận hành vũ trụ của Ngài theo cái mà chúng ta gọi là “các quy luật tự nhiên,” mà Ngài đã thiết lập như một phần của tạo vật. Phép lạ xảy ra khi Đức Chúa Trời chọn hành động một cách phi thường với mục đích bày tỏ chính Ngài.

Ngôn ngữ Kinh Thánh cho các phép lạ cho thấy chức năng mặc khải của chúng. Nói về những phép lạ của Chúa Giê-su, Phi-e-rơ mô tả chúng là “những phép lạ, những điều kỳ diệu và những dấu lạ” (Công vụ 2:22). Đây không phải là ám chỉ đến ba loại hành vi khác nhau, mà là cùng một hành động được nhìn từ ba quan điểm. Thuật ngữ “phép lạ” xem hành động như một sự phô trương quyền lực. Từ quan điểm của nhân vật nổi bật của họ và sự ngạc nhiên gợi lên, họ là “kỳ quan.” Và từ “dấu hiệu” chỉ trực tiếp đến mục đích của chúng như những sự kiện mặc khải. Các dấu hiệu trong Kinh Thánh giống như những con trỏ hướng sự chú ý của chúng ta đến một điều gì đó.

 

Theo những lời tiên tri trong Cựu Ước, Đấng Mê-si sẽ đến và làm phép lạ như những dấu hiệu chỉ ra vị thần cứu thế của Ngài. Vì lý do này, người Do Thái liên tục hỏi Chúa Giê-su, “Ngài cho chúng tôi thấy dấu hiệu nào?” (Giăng 2:18; xem thêm Ma-thi-ơ 12:38; 16: 1). Phép lạ chữa lành người bại liệt (Mác 2) minh họa ba khía cạnh này của một phép lạ. Rõ ràng, quyền năng của Đức Chúa Trời đã được thể hiện khi người đàn ông bại liệt nằm trên giường đứng dậy và bước đi (2:12). Hiệu quả của sự ngạc nhiên được thấy trong lời này, “Kẻ bại đứng dậy, tức thì vác giường đi ra trước mặt thiên hạ; đến nỗi ai nấy đều lấy làm lạ, ngợi khen Đức Chúa Trời, mà rằng: Chúng tôi chưa hề thấy việc thể nầy” (Mác 2:12). Nhưng điểm cuối cùng của phép lạ đã được Chúa Giê-su tuyên bố: “để các ngươi có thể biết rằng Con Người có thẩm quyền trên đất để tha tội” (2:10). Quyền hành này chỉ thuộc về Đức Chúa Trời; do đó phép lạ là một sự mặc khải về thần tính của Chúa Giê-su Christ.

Phép lạ liên quan đến sự mặc khải theo hai cách quan trọng. Đầu tiên, họ chỉ ra thực tế rằng sự mặc khải đang xảy ra. Chúng khiến chúng ta ngồi dậy và chú ý rằng Chúa đang làm việc. Thứ hai, chúng tiết lộ điều gì đó về bản chất của quyền năng Đức Chúa Trời và mục đích mà Ngài sử dụng quyền năng đó. Mặc dù trong một số trường hợp, khó có thể thấy gì hơn bằng chứng về quyền năng của Đức Chúa Trời đối với thiên nhiên, như trong việc Chúa Giê-su biến nước thành rượu (Giăng 2). Hầu hết các phép lạ của Chúa Giê-su đều tiết lộ quyền năng của Đức Chúa Trời để chiến thắng tội lỗi và các tác động của nó.  Việc chữa lành người bệnh bại và phục hồi thị lực cho người mù đều dẫn đến sự đắc thắng của Đức Chúa Trời trên sự đau khổcủa tội lỗi. Việc La-xa-rơ và những người khác đã chết sống lại đã thông báo sự thật rằng quyền lực tối thượng của tội lỗi đã bị phá vỡ, và sự chết, kẻ thù cuối cùng của nhân loại, có thể bị đánh bại bởi quyền năng của Đức Chúa Trời. Sự phục sinh của Đấng Christ được miêu tả như là một minh chứng cuối cùng về quyền năng kỳ diệu siêu nhiên của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 2: 19-20).

Trong khi phép lạ là một hình thức mặc khải, ý nghĩa đầy đủ của chúng chỉ được biết đến qua Kinh Thánh. Vì vậy, các phép lạ được coi là dấu hiệu chỉ ra các sứ giả của Lời. Như Phi-e-rơ đã viết, “Hỡi người Y-sơ-ra-ên, hãy nghe lời nầy: Đức Chúa Giê-su ở Na-xa-rét, tức là Người mà Đức Chúa Trời đã dùng làm việc quyền phép, sự lạ và dấu lạ ở giữa các ngươi, để làm chứng cho Người trong vòng các ngươi, như chính các ngươi đều biết. Người đó bị nộp theo ý định trước và sự biết trước của Đức Chúa Trời, các ngươi đã mượn tay độc ác mà đóng đinh Người trên thập tự giá và giết đi. Nhưng Đức Chúa Trời đã khiến Người sống lại, bứt đứt dây trói của sự chết, vì nó không thể giữ Người lại dưới quyền nó” (Công. 2:22-24). Các phép lạ “chứng thực” hoặc “công nhận” Con Người của Đấng Christ cho dân chúng. Họ đã chứng thực về Con Người của Ngài và do đó cũng là lời của Ngài, lời đó tuyên bố ý muốn và mục đích của Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô viết rằng những công việc kỳ diệu mà Đức Chúa Trời thực hiện qua ông là “dấu hiệu của một sứ đồ chân chính” (2 Côr. 12:12). Những “dấu kỳ, phép lạ” này đã chứng thực Phao-lô là sứ đồ của Đấng Christ và do đó khẳng định rằng sự dạy dỗ của ông là đến từ Đức Chúa Trời.

Ngôi vị của Đấng Christ

Trước giả sách Hê-bơ-rơ tuyên bố rằng “trong những ngày cuối cùng này, Đức Chúa Trời đã phán cùng chúng ta qua Con Ngài” (Hêb. 1:2). Trong Lời này, sự mặc khải của Đức Chúa Trời đạt đến cực điểm. “Nhiều phần” trong lời nói của Đức Chúa Trời mà trước đây đã được tiết lộ qua “nhiều cách” chỉ là những mảnh vụn chỉ ra sự tái lâm của Ngài “trong Đấng ấy được cất giấu tất cả kho tàng của sự khôn ngoan và sự hiểu biết” (Cô-lô-se 2: 3).

Trong sự Nhập thể, chúng ta có thêm kiến ​​thức về Đức Chúa Trời khi Ngài bày tỏ chính Ngài theo một cách khác biệt. Vì Đấng Christ đã không mặc khải về Đức Chúa Trời nhiều như Ngài là sự mặc khải. Ngài là Đức Chúa Trời nhập thể, tức là Đức Chúa Trời trong thân xác con người. Tiếp nhận kiến ​​thức về một người con trai là một điều, nhưng điều này không bao giờ so sánh với việc gặp gỡ chính người đó.

Trong Chúa Giê-su Christ, thế giới đối đầu với chính Đức Chúa Trời. Giăng tuyên bố, “Chẳng hề ai thấy Đức Chúa Trời; chỉ Con một ở trong lòng Cha, là Đấng đã giãi bày Cha cho chúng ta biết” (Giăng 1:18). Điều này không nên hiểu có nghĩa là Chúa Giê-su chỉ đơn giản là một người dạy về lẽ thật thiêng liêng hơn tất cả những người thầy trước đây. Ngài đã “giải thích” Đức Chúa Trời theo nghĩa rằng ai nhìn Ngài là thấy Đức Chúa Trời. Ngài nói với Phi-líp, “Ai đã thấy Ta là thấy Cha” (14: 9). Ngài có thể nói điều này bởi vì “sự đầy dẫy của bổn tánh Đức Chúa Trời thảy đều ở trong Đấng ấy (Đấng Christ) như có hình” (Cô-lô-se 2:9).

Sự mặc khải của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ đã được ban cho qua sự dạy dỗ của Chúa Giê-su. Ngài được công nhận là Giáo sư từ Đức Chúa Trời đến (Giăng 3:2), nói những lời của Đức Chúa Trời mà trước đây chưa ai nói. Nhưng ngoài lời nói, Đức Chúa Trời còn phán qua Con Người và công việc của Chúa Giê-su, mà cao điểm là thập tự giá và sự phục sinh. Trong sự hy sinh của Chúa Giê-su vì tội lỗi của nhân loại, Đức Chúa Trời bày tỏ tình yêu thương vô hạn của Ngài, đồng thời cũng là sự thánh khiết và công bình của Ngài. Chúa Giê-su không chỉ đơn giản là trọng tâm lớn nhất của sự mặc khải; Ngài còn là chủ đề của mọi sự mặc khải. Kinh Thánh làm chứng cho Ngài (Giăng 5:39). Các tiên tri trước đó đã nói về Ngài, “Về sự cứu rỗi đó, các đấng tiên tri đã tìm tòi suy xét, và đã nói tiên tri về ân điển định sẵn cho anh em:  nghĩa là tìm cho biết thời kỳ nào và thời kỳ cách nào mà Thánh Linh Đấng Christ ở trong lòng mình đã chỉ cho, là khi làm chứng trước về sự đau đớn của Đấng Christ và về sự vinh hiển sẽ theo sau” (1 Phi. 1:10-11; xem thêm Khải 19:10).

Một hình thức cuối cùng của sự mặc khải là Lời được viết ra. Phần lớn Kinh Thánh là bản ghi chép về sự mặc khải, được đưa ra dưới nhiều hình thức mà chúng ta đã biết. Các giấc mơ và khải tượng đã được ghi lại, và việc truyền đạt trực tiếp lời của Đức Chúa Trời cho các tiên tri đã được viết ra. Khi Đức Chúa Trời nói chuyện trực tiếp với con người, họ ý thức được sự kiểm soát của Ngài. Khi những giấc mơ và khải tượng xảy ra, các cá nhân về cơ bản là những người tiếp nhận thông điệp của Chúa một cách thụ động. Rõ ràng là khi Đức Chúa Trời viết Mười Điều Răn bằng ngón tay của Ngài trên bảng đá, Môi-se không thể làm gì khác hơn là mang chúng đến cho tuyển dân.

Mặt khác, trái ngược với những người ý thức được quyền uy áp đảo của Đức Chúa Trời trong việc ban sự mặc khải của Ngài cho họ, một số trước giả viết Kinh Thánh có thể không có ý thức như vậy. Tuy nhiên Thánh Linh của Đức Chúa Trời hoạt động bên trong và thông qua tính cách của họ để bày tỏ lẽ thật của Ngài. Tâm trí và cảm xúc của họ hoàn toàn tham gia trong tiến trình này khi họ ghi lại lẽ thật của Đức Chúa Trời.  Thánh Linh của Đức Chúa Trời điều khiển họ để những gì họ viết ra chính là những gì Đức Chúa Trời muốn truyền đạt. Chúng ta có thể nói rằng trong hình thức tôn kính này, Đức Chúa Trời và con người được kết hợp chặt chẽ.

Điều tự nhiên là sự mặc khải đó chủ yếu xảy ra vào thời Tân Ước khi Đức Chúa Trời bởi Thánh Linh của Ngài bắt đầu ngự trị bên trong các tín đồ.

Tất cả những hình thức mặc khải này cho thấy rằng có một sự tiến bộ cơ bản trong các loại mặc khải được sử dụng trong suốt chiều dài lịch sử. Tất cả những phương pháp này, ngoại trừ sự mặc khải thông qua Con Đức Chúa Trời, có thể được tóm gọn lại dưới ba hình thức — sự hiện ra của Đức Chúa Trời; một số kiểu truyền thông trực tiếp hoặc lời tiên tri; và sự thần cảm hay sự soi dẫn. Chúng tiến từ cái bên ngoài đến bên trong, từ những sự khác biệt đến sự gần gũi thân mật. Điều này rõ ràng theo sau sự tiến triển của toàn bộ mối quan hệ của Đức Chúa Trời với loài người. Trong Vườn Địa Đàng, A-đam và Ê-va bị xa cách Đức Chúa Trời vì tội lỗi. Nhưng qua sự cứu chuộc trong Đấng Christ, Đức Chúa Trời đưa các tín nhân đến gần Ngài và bởi Thánh Linh của Ngài, Ngài ngự trong lòng con người trong mối tương giao sâu đậm. Tuy nhiên, mặc dù có những khác biệt về hình thức và các mối quan hệ, Kinh Thánh không bao giờ phân biệt giá trị mặc khải của mỗi hình thức. Tất cả đều được Đức Chúa Trời bày tỏ như nhau.

Một số sự kiện về sự mặc khải đặc biệt có thể được ghi nhận. Đầu tiên, sự mặc khải đặc biệt là hành động và lời nói. Trái ngược với nhiều học giả xem sự mặc khải đặc biệt của Đức Chúa Trời chỉ ở trong “những hành động quyền năng” của Đức Chúa Trời. Các hình thức khác nhau mà Đức Chúa Trời dùng để giao tiếp với dân Ngài chứng tỏ Ngài đã sử dụng cả hành động và lời nói. Tất cả các hình thức được đề cập có thể được phân loại theo một hoặc cả hai tiêu đề này. Nếu không có sự giải thích của Đức Chúa Trời về các hành động của Ngài, chúng ta sẽ không hiểu được đầy đủ. Nhiều người đã chứng kiến ​​cuộc xuất hành ra khỏi Ai Cập, sự giam cầm của người Babylon đối với Israel, sự chết của Đấng Christ, hoặc ngôi mộ trống. Nhưng tất cả sự kiện không có ý nghĩa như nhau. Ví dụ chỉ có sự mặc khải của Đức Chúa Trời mới cho chúng ta biết rằng việc Đấng Christ bị đóng đinh là “vì tội lỗi của chúng ta.” Trừ khi Đức Chúa Trời tiết lộ ý nghĩa của các hành động của Ngài, chúng ta không bao giờ có thể chắc chắn về ý nghĩa đầy đủ của chúng.

Một sự bộc lộ qua lời nói cũng cần thiết cho một mối quan hệ cá nhân. Trong một tình huống giả định thì có thể một số người sẽ chọn điếc thay vì mù. Nhưng trên thực tế, người mù ít bị rối loạn cảm xúc hơn người điếc. Lý do liên quan đến tầm quan trọng của lời nói đối với mối quan hệ cá nhân được Bernard Ramm giải thích, “Các mối quan hệ cá nhân nồng thắm bị cuốn vào bởi những cuộc trò chuyện, và người nào khiếm thính thì không thể trải nghiệm nó. Thế giới không âm thanh còn bực bội hơn nhiều so với một thế giới không có thị giác.” Phim truyền hình là giải trí nhưng một bộ phim truyền hình bị cướp mất đi âm thanh thì cạn kiệt ý nghĩa. Trong cuộc sống cũng như trong phim truyền hình, từ ngữ chuyển tải những ý nghĩa; nó cần thiết cho mối quan hệ nồng ấm của tình bạn. Sự mặc khải đặc biệt của Đức Chúa Trời được thiết kế cho mối tương giao cá nhân. Và điều này đòi hỏi những lời được nói ra để chúng ta có thể hiểu các hành động của Đức Chúa Trời và phản hồi phù hợp.

Thứ hai, sự mặc khải đặc biệt mang tính cá nhân và bằng lời nói. Sự thật rằng Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời là chủ đề của chương sau. Nhưng ở đây cần lưu ý đơn giản rằng việc chúng ta xem xét các hình thức mặc khải đặc biệt chứng tỏ rằng không có sự phân đôi giữa Đấng Christ với tư cách là Ngôi Lời của Đức Chúa Trời và Lời phán của Đức Chúa Trời. Một số người có thể tập trung vào những lời trong Kinh Thánh mà không cần tương giao với Lời Hằng Sống là Chúa Giê-su mà Kinh Thánh nói đến. Một số người Do Thái vào thời Chúa Giê-su chăm chú nghiên cứu Kinh Thánh vì tin rằng nhờ đó nhận được sự sống. Nhưng Chúa Giê-su bảo họ: “Chính những lời Kinh Thánh này làm chứng về Ta; nhưng các ngươi không muốn đến cùng Ta, để được sự sống” (Giăng 5: 39-40). Thật không may, một số người “tin Kinh Thánh” biết nhiều về Kinh Thánh, nhưng họ không có mối quan hệ sống động với Đấng Christ.

Theo Kinh Thánh, không thể có sự phân cách thực sự giữa lời được viết ra và Ngôi Lời (Lời đã thành người). Trong giao tiếp với một người khác, lời nói của họ là cách chúng ta biết được suy nghĩ và cảm xúc của người đó. Theo nghĩa thực tế, lời nói của một người là sự mở rộng của cá nhân đó khi người đó tìm cách thu hẹp khoảng cách giữa mình và người khác. Vì vậy, Đức Chúa Trời hằng sống đã đến thế gian trong thân vị của Con Ngài để bày tỏ lòng và trí của Ngài cho nhân loại qua phương tiện ngôn ngữ.

Thứ ba, mặc khải đặc biệt chỉ có thể hiểu được trong bối cảnh của mặc khải phổ quát. Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài trong công việc của tay Ngài và trong mối giao tiếp cá nhân. Trên thực tế, người nghệ sĩ, kiến ​​trúc sư, chúng ta đều bày tỏ về bản thân trong những gì chúng ta làm. Bàn làm việc của một người có gọn gàng hay lộn xộn hay không cũng tiết lộ điều gì đó về cá nhân đó. Một họa sĩ cũng giao tiếp bằng lời với gia đình và bạn bè của mình, và những lời đó không chỉ đơn giản là để các bức tranh của anh nói thay cho anh. Vì vậy, Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài trong sự tráng lệ và tuyệt vời của các công trình tạo dựng và cũng trong sự giao tiếp trực tiếp và cá nhân với con người.

Đây là tình huống của A-đam và Ê-va trong vườn địa đàng. Như Warfield giải thích, “Ấn tượng mạnh mẽ mà Kinh Thánh truyền đạt cho chúng ta là tổ phụ con người ở với Chúa trong vườn Ê-đen, và vui vẻ trong mối tương giao với Ngài tức thì, chứ không chỉ đơn thuần là suy ngẫm trong sự hiệp thông…con người có cái nhìn trực tiếp về Đức Chúa Trời và được nói chuyện trực tiếp với Ngài.”

Sự xâm nhập của tội lỗi đem đến sự xa cách thuộc linh khỏi Đức Chúa Trời và cùng với đó là sự mất mát tai hại về mối giao tiếp cá nhân. Giống như A-đam, tội nhân cảm thấy không thoải mái trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Sự thánh khiết của Ngài đã khiến dân Y-sơ-ra-ên cầu xin Môi-se nói chuyện với Đức Chúa Trời thay cho họ. Nhưng trong tình yêu thương, Đức Chúa Trời đã tìm kiếm những con người tội lỗi, Ngài ban ân điển đưa họ trở lại mối tương giao đã được thiết kế. Lịch sử Kinh Thánh tiết lộ rằng sự giao tiếp này đã phát triển và sẽ phát triển cho đến khi một ngày nào đó các tín nhân sẽ được về nhà sống trong sự hiện diện của Ngài.

Về bản chất sự mặc khải đặc biệt của Đức Chúa Trời và sự giao tiếp cá nhân của thuộc về nhau. Chúa phát ngôn lời của Ngài và hành động trong lịch sử để khôi phục mối quan hệ của chúng ta với Ngài. Nhưng nếu không có sự hiểu biết về Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa Toàn Năng và Đấng cai trị vạn vật, Đấng công bình và tốt lành, thì những bài học trên đây không thể hiểu được hoặc đáng tin cậy. Sẽ khó chấp nhận Ngài là Đấng Cứu Chuộc nếu chúng ta không biết Ngài cũng là Đấng Tạo Hóa.

KẾT LUẬN

Nhiều người sống như thể không có Đức Chúa Trời, và một số người loại trừ Chúa theo quan điểm và học thuyết của họ. Nhưng các cuộc khảo sát hiện đại cũng như lịch sử nhân loại đã chứng minh sự thật trong Kinh Thánh rằng con người công nhận sự thực hữu của Đức Chúa Trời (mặc dù không phải lúc nào họ cũng thừa nhận điều đó). Ngài đã tạo ra chúng ta để biết Ngài, và do đó Ngài làm cho chính Ngài được biết đến. Sự mặc khải của Ngài đáp ứng đầy đủ các câu hỏi của chúng ta về ý nghĩa của sự tồn tại con người. Qua thế giới tự nhiên, Ngài bày tỏ sự tồn tại vĩnh cửu và quyền năng toàn năng của Ngài. Qua hành động và lời nói đặc biệt của Ngài, Ngài truyền đạt thuộc tính của Ngài như một Đức Chúa Trời của tình yêu thương. Tất cả những gì Ngài bày tỏ chính Ngài để chúng ta có thể biết Ngài, Đấng được biết là Đấng tự hữu và hằng hữu.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5
 Giáo Huấn Của Kinh Thánh  Là Duy Nhất?

 

KINH THÁNH TUYÊN BỐ là sự mặc khải đặc biệt từ Đức Chúa Trời, chính là Lời của Đức Chúa Trời. Nhưng các nhóm tôn giáo khác cũng tuyên bố rằng các bản văn của họ được tiết lộ bởi Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, người Hồi giáo tin rằng sách Kinh Koran được soi dẫn từ vị thần của họ; họ nói rằng thiên sứ trưởng Gáp-ri-ên đã tiết lộ điều đó cho Mô-ha-mét. Người Mormon tin rằng Joseph Smith đã nhận được một sự mặc khải trực tiếp từ Đức Chúa Trời được khắc trên những tấm bảng vàng, sau đó ông đã biên dịch và xuất bản chúng với tên gọi là Sách Mormon. Các tôn giáo khác cũng có những tác phẩm mà họ xem là thánh. Những tín đồ của họ xem những tác phẩm này truyền đạt những chân lý về những điều cơ bản.

Bởi vì những tác phẩm khác nhau này có những thông điệp khác nhau, nên tất cả chúng không thể đến từ Đức Chúa Trời là Đấng không thể nói dối. Vậy thì làm sao chúng ta có thể biết được “sách kinh” nào trên thực tế là tiếng nói của Đức Chúa Trời? Tất nhiên, chúng ta không thể để một số người có thẩm quyền cao hơn nói với chúng ta rằng “Đây là tiếng nói của Đức Chúa Trời” hoặc “Đây không phải”. Nếu có ai đưa ra quyết định như vậy, người đó phải là người có thẩm quyền trên Đức Chúa Trời. Nhưng điều này là không thể nếu chúng ta chấp nhận định nghĩa chung về Đức Chúa Trời là Đấng Tối cao.

Tiếng nói của Đức Chúa Trời đến với chúng ta phải được chứng minh là xác thực. Nghĩa là, khi Đức Chúa Trời phán chúng ta là tạo vật của Ngài, chúng ta phải có khả năng nhận ra lời Ngài là tiếng phán của Đức Chúa Trời. Chúng phải nổi bật so với những tiếng nói khác. Điều chúng ta tìm thấy chính là khi chúng ta so sánh Kinh Thánh với những lời tuyên bố khác. Kinh Thánh mang dấu ấn của một cuốn sách siêu nhiên. Chương này thảo luận về những lời dạy độc nhất của Kinh Thánh và chương 6 xem xét một số sự kiện khác về Kinh Thánh nhằm chỉ ra đặc tính siêu nhiên của nó.

Khi xem xét những lời dạy trọng tâm của Kinh Thánh, chúng ta thấy rằng phạm vi và uy quyền của chúng vượt xa tất cả các tác phẩm khác của con người. Tất cả những lời hay nhất của các bậc thầy, đơn giản là không thể so sánh với những giáo huấn trong Kinh Thánh. Như F. W. Farrar đã viết, “Những vấn đề nào mà cuốn sách này chưa được khám phá? Độ sâu nào mà chưa được thăm dò? Độ cao nào mà chưa được xác định? Lời an ủi nào mà chưa được nói ra? Lương tâm nào mà chưa bị khiển trách? Tấm lòng nào mà chưa được chạm đến?”1

Chúng ta tìm kiếm một chân lý trong thế gian; để chọn lấy

Cái tốt đẹp, cái trong sáng, cái đẹp đẽ

Từ bảng đá khắc chữ và cuộn giấy viết

Từ tất cả những cánh đồng hoa cằn cỗi của tâm hồn;

Và, khi những người tìm kiếm điều tốt nhất đang mòn mỏi

Chúng ta quay lại với đầy những câu hỏi,

Để tìm thấy nơi tất cả các nhà hiền triết đã nói

Có phải tất cả được tìm thấy trong Quyển Sách mà những bà mẹ chúng ta đã đọc.2

Bên cạnh việc Kinh Thánh vượt xa các tác phẩm của con người trong phạm vi rộng lớn về thông điệp, lẽ thật cốt yếu của Kinh Thánh thực sự trái ngược với suy nghĩ tự nhiên của con người. Toàn bộ thông điệp của Kinh Thánh minh họa rõ ràng lời tuyên bố của Đức Chúa Trời qua tiên tri Ê-sai: “Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta. Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu” (Ê-sai. 55: 8-9).

 

KHÁI NIỆM VỀ ĐỨC CHÚA TRỜI

 

Từ đầu đến cuối, Kinh Thánh tập trung vào Đức Chúa Trời. Quan điểm này của Đa-vít được ghi trong 1 Sử-ký 29:11, “Hỡi Đức Giê-hô-va sự cao cả, quyền năng, vinh quang, toàn thắng, và oai nghi đáng qui về Ngài; vì muôn vật trên các từng trời và dưới đất đều thuộc về Ngài. Đức Giê-hô-va ôi! nước thuộc về Ngài; Ngài được tôn cao làm Chúa tể của muôn vật.” Ngài là Đức Chúa Trời quyền năng, Đấng cai trị vũ trụ, hướng mọi vật đến mục đích cuối cùng của chúng vì sự vinh hiển của Ngài.

Ngoài ra, Đức Chúa Trời là Đấng hoàn toàn thánh khiết, và sự thánh khiết của Ngài đã tôn cao Ngài lên xa khỏi con người tội lỗi. Sau khi hình dung về Đức Chúa Trời trong sự thánh khiết đáng kinh ngạc, Ê-sai đáp: “Khốn nạn cho tôi! Xong đời tôi rồi!” (Ê-sai 6:5). Cùng với tội lỗi, chúng ta không thể tồn tại trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, cùng với sự thánh khiết của Ngài, Ngài có lòng nhân từ, tình yêu thương và lòng thương xót vô hạn. “Đức Giê-hô-va làm lành cho muôn người,” Đa-vít tuyên bố, “sự từ bi Ngài giáng trên các vật Ngài làm nên” (Thi. 145: 9). Trong sự thánh khiết, yêu thương và công bình, Đức Chúa Trời đã vạch ra một kế hoạch cứu rỗi cho những con người tội lỗi chúng ta.

Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh, đặc biệt là trong sự thánh khiết của Ngài, trái ngược với con người tội lỗi là lẽ tự nhiên; do đó Ngài không phải là một phát minh của con người, như nhiều người đã khẳng định. Nhà biện giáo Cơ đốc Cohn Chapman đã nói, “Điều khó chịu về Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh là Ngài thường xuyên cắt ngang những ước muốn và khao khát cá nhân của chúng ta. Ngài không cho phép chúng ta ích kỷ và luôn đối đầu với chúng ta bằng một tiêu chuẩn cao không thể thỏa hiệp. Đây không phải là kiểu Đức Chúa Trời mà con người làm ra khi con người đặt mục tiêu làm ra một vị thần theo ảnh tượng của chính mình.”3

Bản chất của Đức Chúa Trời là mầu nhiệm mà không một con người nào có thể hiểu hết được. Trong suốt lịch sử, con người đã tin vào nhiều vị thần (đa thần) hoặc một vị thần Nhất thể duy nhất. Chỉ riêng Kinh Thánh trình bày về Đức Chúa Trời duy nhất, đồng thời cũng là một Đức Chúa Trời Ba ngôi — Cha, Con và Thánh Linh. Khái niệm Ba Ngôi này về Đức Chúa Trời không mâu thuẫn với lý trí của con người, như một số người suy nghĩ. Ba Ngôi không có nghĩa là có ba Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là một Đấng Thánh tồn tại đời đời trong ba thân vị. Mặc dù không phải là một sự trái ngược phi lý, nhưng khái niệm về Đức Chúa Trời Ba Ngôi Hiệp Một không hoàn toàn dễ hiểu đối với tâm trí con người, cũng như không được tìm thấy trong bất kỳ tôn giáo nào khác. Tất cả những điều này lập luận rằng Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh  không phải là một sự trình bày, diễn đạt từ con người mà là một sự mặc khải thiên thượng.

Hơn nữa, về bản chất ba ngôi, Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh trả lời cho sự tìm kiếm của con người về sự hiểu biết Đức Chúa Trời và mối quan hệ với Ngài sâu sắc hơn bất kỳ tôn giáo nào khác. Niềm tin vào một vị thần tối cao được tìm thấy trong nhiều tôn giáo, thậm chí một số tôn giáo có nhiều vị thần thấp hơn. Nhưng các vị thần trong các hệ thống tín ngưỡng đó siêu phàm và xa vời đến mức không thể biết được. Giống như một trong những vị thần của người A-thên vào thời của sứ đồ Phao-lô là một “thần không biết” (Công vụ 17:23). Người Hindu, khi mô tả bản chất của một vị thần, đã sử dụng những cách diễn đạt như “Bóng tối thánh” hoặc “Đấng mà không ai có thể nói lên được.”4 Đối với người theo đạo Phật, bất cứ thực tại nào cũng không thể được định nghĩa hoặc mô tả. Họ nói rằng chúng tôi chỉ có thể giữ một “sự im lặng kính phục” khi đối mặt với những điều không thể biết được.5 Tương tự như vậy, các tôn giáo Phi châu cổ xưa chỉ nói về một “chủ thể không biết”6. Sự nhấn mạnh của Hồi giáo về quyền năng siêu đẳng nơi thần của họ là thánh Allah. Họ cũng xem Allah như là một vị thần trong tự nhiên thần giáo, về cơ bản nằm ngoài tầm hiểu biết với ít sự liên kết với con người và không có đặc tính tình yêu thương!7

Sự hiểu biết của Do Thái giáo về Đức Chúa Trời, dựa trên Cựu Ước, có nhiều điểm tương đồng với Đức Chúa Trời của Cơ đốc giáo. Nhưng sự bác bỏ của Do Thái giáo về bản chất Ba Ngôi của Đức Chúa Trời cũng dẫn đến một Đức Chúa Trời khác xa, khi so sánh với Đức Chúa Trời của Cơ đốc giáo, là Cha, Con và Thánh Linh. Môi-se chỉ được phép nhìn lướt qua phía sau sự vinh quang của Đức Chúa Trời, nhưng trong Chúa Giê-su, Đức Chúa Trời đã đích thân bước vào dòng lịch sử nhân loại. Phi-líp đã nói, “Lạy Chúa, xin chỉ Cha cho chúng tôi, thì đủ rồi” (Giăng 14: 8, xem thêm 1:14, 18). Chỉ khi Đức Thánh Linh là Đức Chúa Trời chứ không phải là một tạo vật, thì nhờ Ngài chúng ta mới có thể có mối tương giao mật thiết với chính Đức Chúa Trời. “Niềm tin tôn giáo không thể hài lòng với bất kỳ điều gì kém hơn Đức Chúa Trời. Trong Đấng Christ, chính Đức Chúa Trời đến với chúng ta, và qua Đức Thánh Linh, Ngài truyền đạt chính Ngài cho chúng ta.”8

Đức Chúa Trời duy nhất trong Kinh Thánh đáp ứng nhu cầu của chúng ta không chỉ về sự mặc khải mà còn cả về sự cứu chuộc. Nhà cải chánh vĩ đại Martin Luther đã nói rất đúng, “Không có cách nào khác hơn là thông qua một thân vị đời đời, chúng ta có thể được cứu khỏi sự sa ngã khủng khiếp của tội lỗi và sự chết đời đời; chỉ một thân vị như vậy mới có thể có quyền trên tội lỗi và sự chết, để bôi xóa tội lỗi của chúng ta và thay vào đó ban cho chúng ta sự công bình và sự sống đời đời; không một thiên sứ hay tạo vật nào có thể làm điều này, nhưng phải do chính Đức Chúa Trời làm.” Chỉ có Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh mới ban sự cứu chuộc và đó chính là Đức Chúa Trời mà chúng ta phải thờ phượng.

Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh, là Cha, Con và Thánh Linh, cũng là lời giải thích duy nhất về một Đức Chúa Trời yêu thương đời đời. Một Đức Chúa Trời duy nhất không thể bày tỏ tình yêu thương trong mối quan hệ cá nhân nếu không tạo ra một đối tượng cho tình yêu thương của Ngài. Chỉ khi có những mối quan hệ cá nhân với chính Đức Chúa Trời thì Ngài mới có thể là Đức Chúa Trời – Ngài là “tình yêu thương” với bản chất từ ​​muôn thuở. Chỉ khi Đức Chúa Trời có sự liên kết trong bản thể của Ngài thì Ngài mới có thể cung cấp một mô hình cho sự hiệp nhất trong mối liên hệ giữa chúng ta với nhau (xem Giăng 17:21-22).

Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh cũng đáp ứng nhu cầu về một Đấng siêu việt — tể trị trên tạo vật và lịch sử như là một Đấng có toàn quyền — và về một Đấng đang hiện diện với chúng ta. Con người luôn có xu hướng đánh mất Đức Chúa Trời bởi một trong hai tà thuyết. Thứ nhất, Ngài có thể bị lạc trong một sự trừu tượng đến nỗi Ngài hầu như không thể được biết đến, điều này đúng trong nhiều tôn giáo của con người. Thứ hai, Ngài có thể được coi là nội tại bên trong sự sáng tạo đến mức về cơ bản Ngài bị lu mờ bởi chính các tiến trình của tự nhiên và lịch sử, như trong thuyết phiếm thần và thần học tiến trình (process theology). Chỉ có Đức Chúa Trời Ba Ngôi bước vào lịch sử để bày tỏ chính Ngài, đồng thời vẫn ở bên ngoài lịch sử với tư cách là một Đức Chúa Trời siêu việt.9

Bởi vì Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh nằm ngoài lý trí của con người, do đó Ngài không thể là sản phẩm từ sự sáng chế của con người. Như một người đã cảnh báo cách đây nhiều năm, “khi một người phủ nhận giáo lý cơ bản của Cơ đốc giáo (Đức Chúa Trời Ba Ngôi), người đó có thể đánh mất linh hồn của mình, nhưng khi cố gắng để hiểu thấu đáo giáo lý này, người đó có thể sẽ mất trí khôn.”10 Là những người tin Chúa, chúng ta vui mừng được thờ phượng Đức Chúa Trời là Đấng tối cao, vĩ đại và bản chất của Ngài chúng ta không thể hiểu hết được bằng trí óc hữu hạn của mình. Vì chính trong bản chất ba ngôi của Ngài, Ngài làm thỏa mãn ước muốn sâu xa nhất trong lòng chúng ta vì một mối quan hệ với Ngài là Đức Chúa Trời ở trên chúng ta, vì chúng ta và ở trong chúng ta.

 

 

KHÁI NIỆM VỀ ĐẤNG CHRIST

Trong tất cả các tác phẩm thánh của các tôn giáo khác, không có người nào giống như Chúa Giê-su Christ. Được sinh ra bởi một nữ đồng trinh trong một nơi thấp hèn, Ngài là Con của Đức Chúa Trời. Ngài là Đấng tạo dựng muôn vật, nhưng Ngài đã chết trên cây thập tự bởi tay của con người. J.N.D Anderson tóm tắt vị trí độc nhất của Đấng Christ trong vòng tất cả các tôn giáo. “Các tôn giáo khác, thực sự, có thể bao gồm cả việc tin rằng Đức Chúa Trời, hoặc một trong các vị thần, hiện thân một lần hoặc nhiều lần, trong hình dạng con người, hoặc trong một số ‘vật chất nào đó – ánh sáng thánh’ đã truyền từ một cá nhân này sang một người kế thừa thuộc thế hệ khác. Nhưng chỉ riêng Cơ đốc giáo dám tuyên bố rằng ‘Đấng duy nhất, toàn tại, toàn tri, là căn nguyên của mọi sự tồn tại’ đã can thiệp cách độc nhất vào sự sáng tạo của mình, không phải bằng cách giả định hình dạng đơn thuần hay vẻ ngoài của một con người, mà bằng cách thực sự trở thành Con Người trong hình dạng bằng xương bằng thịt; không phải bằng cách sống và giảng dạy đơn thuần, nhưng bằng cách thực sự chết như một người phạm tội trọng ‘cho loài người chúng ta và cho sự cứu rỗi của chúng ta’ và đã đóng ấn cho lẽ thật này bằng cách sống lại từ cõi chết.”

Đấng Christ là duy nhất về nguồn gốc và về bản chất Con Người và sự sống của Ngài. Ngài đã bước đi trên đất trong những hình thái bình thường của một con người. Tuy nhiên, Ngài không phạm tội (Giăng 8:46). Ngài không bao giờ phải xin lỗi khi cầu xin sự tha thứ cho bất cứ điều gì Ngài đã làm. Những người đương thời đã kinh ngạc trước sự dạy dỗ của Ngài. “Chẳng hề có người nào đã nói như người nầy!” (Giăng 7:46). “Vì Ngài dạy như là có quyền, chớ không giống các thầy thông giáo” (Ma-thi-ơ 7:29). Ngài không bao giờ xin lời khuyên hay sự cho phép của con ngưởi. Những phép lạ Ngài làm cũng chỉ ra sự độc nhất vô nhị. “Người nầy là ai, mà gió và biển đều vâng lịnh người?” (Ma-thi-ơ 8:27). “Người ta chẳng bao giờ nghe nói có ai mở mắt kẻ mù từ thuở sanh ra” (Giăng 9:32).

Các nhà lãnh đạo tôn giáo khác tuyên bố dạy về cách sống mà họ tìm thấy. Nhưng Đấng Christ tuyên bố Ngài là con đường, là sự sống (Giăng 14:6). Người Hồi giáo giải thích rằng Mô-ha-mét là một tiên tri truyền đạt sự mặc khải của Allah; ông không phải là nền tảng cho đức tin của họ. Đức Phật cũng đã không kêu gọi mọi người đến với ông. Khi ông chết, những môn đệ đã hỏi làm thế nào để họ có thể nhớ đến ông. Câu trả lời của ông là “có nhớ đến tôi hay không thì không quan trọng. Điều cốt yếu là nằm ở lời dạy của tôi.” Nhưng không lâu trước khi Chúa Giê-su qua đời, khi thiết lập Tiệc thánh, Ngài đã truyền lệnh cho các môn đồ, “Hãy làm điều này để nhớ đến Ta” (Lu-ca 22:19).

Griffith Thomas đã chỉ ra rằng “Cơ đốc giáo là tôn giáo duy nhất trên thế giới nương dựa vào chính Đấng đã sáng lập ra nó.” Ông nói thêm, “Không có lời nào trong sự dạy dỗ của Ngài mà Ngài không khiến cho con người phụ thuộc vào chính Ngài theo một cách nào đó.” Điều này là tất nhiên, bởi vì không có người sáng lập tôn giáo nào trong lịch sử khẳng định rằng họ là Chân Thần duy nhất. Một số người đã nói về Chúa Giê-su, “Nếu không phải là quyền lực siêu phàm nói với chúng ta tại đây, thì đó chắc chắn là sự kiêu ngạo siêu phàm.”

Tuy nhiên, trong tất cả sự hoàn hảo về đạo đức, sự dạy dỗ có thẩm quyền và việc thi hành phép lạ của Chúa Giê-su, Ngài chưa bao giờ tỏ ra kiêu hãnh hay tỏ thái độ xa cách với mọi người. John Stott nói rằng có một sự nghịch lý ở Đấng Christ mà không thể giải thích theo cách tự nhiên được. “Không hề có một chút gì về sự tự cho mình là quan trọng. Ngài rất khiêm nhường. Chính nghịch lý này đã khiến mọi người bối rối. Ngài kết hợp trong chính Ngài lòng tự trọng cao nhất và sự hy sinh lớn nhất. Ngài biết chính Ngài là Chúa của tất cả mọi người, nhưng Ngài tự nguyện trở thành tôi tớ cho tất cả mọi người. Ngài nói rằng Ngài sẽ phán xét thế gian, nhưng Ngài đã rửa chân cho các môn đồ của mình.”

Có phải các trước giả Phúc âm đã dựng nên một bức chân dung của một người như vậy, hay họ đang tường thuật lại những gì họ đã thấy, sự mặc khải độc nhất của Đức Chúa Trời? Bức chân dung rất hạn chế về Ngài được các trước giả Kinh Thánh làm chứng cho những người sau này. Việc đọc truyện thần thoại của các dân tộc khác nhau cho thấy xu hướng của con người muốn tô điểm sự thật bằng trí tưởng tượng bay bổng. Ngay cả những tác phẩm bên ngoài Kinh Thánh nói về Chúa Giê-su, kể về thời niên thiếu của Ngài, miêu tả Ngài như một thần đồng thời thơ ấu hướng dẫn các thầy của Ngài những bí ẩn trong bảng chữ cái và làm kinh ngạc gia đình và bạn cùng lứa bằng những việc làm siêu phàm. Theo những sách thứ kinh này, vào một dịp nọ khi mới 5 tuổi, Chúa Giê-su được cho là đã tạo hình mười hai con chim sẻ bằng đất sét vào ngày Sa-bát. Khi Giô-sép hỏi về việc làm như vậy trong ngày thánh, Chúa Giê-su đã vỗ tay và chim sẻ bay đi hót líu lo.

Ngược lại, Kinh Thánh miêu tả những phép lạ của Đấng Christ với sự rõ ràng, đơn giản. Mục đích của chúng không phải để mua vui cho khán giả hoặc giải trí cho những người hiếu kỳ, nhưng để chứng tỏ sự vinh hiển của Cha phù hợp với mục tiêu của cuộc đời Ngài. Leon Morris chỉ ra một thực tế đáng kinh ngạc là không ai trong số những người viết các sách Phúc âm tường thuật về Chúa Giê-su mà đã từng tôn vinh Ngài. Họ thỉnh thoảng tường thuật Ngài được nhiều người ca ngợi, nhưng bản thân họ không khen ngợi Ngài một lời nào. Điều này thật khó giải thích nếu những lời kể của họ là những câu chuyện phóng đại nhằm làm cho Chúa Giê-su trở thành một điều gì đó khác hơn một con người. Một số người cho rằng các trước giả Kinh Thánh đã tôn thờ Đấng Christ giống như Đức Phật được các đệ tử của ông tôn thờ! Lưu ý rằng phải đến nhiều thế kỷ sau khi Đức Phật mất, ông mới được coi là một vị thánh và chỉ trong một phạm vi giới hạn. Nhưng bức chân dung về Chúa Giê-su trong Thánh Kinh là Con của Đức Chúa Trời được viết trong khi những người biết Ngài vẫn còn sống trong suốt thời gian Ngài còn trên đất.

Tất cả các bằng chứng đều chỉ ra một thực tế là các trước giả Phúc Âm đã cho chúng ta một lời tường thuật khách quan về con người độc nhất này ở giữa vòng họ đang sống. Họ làm như vậy vì họ muốn người khác tin vào sự trung thực của các sách phúc âm. Hơn nữa, Con Người (Christ) mà họ mô tả là quá siêu việt đến mức khiến người ta không nghĩ rằng Ngài có thể được sáng tạo ra từ các tác giả bình thường, đặc biệt là những ngư dân vùng Ga-li-lê. Ngay cả Jean-Jacques Rousseau (1712-1778), nhà triết học đã mở đường cho chủ nghĩa tự do nhân văn, cũng thừa nhận nguồn gốc siêu nhiên của phúc âm. Ông nói “Phúc âm bày tỏ một lẽ thật quá vĩ đại, nổi bật, và hoàn hảo không thể bắt chước và người phát minh ra nó còn đáng thán phục hơn một anh hùng.” Nếu các trước giả Phúc âm nghĩ ra câu chuyện hư cấu, thì chúng ta phải thừa nhận lời của Robert Dabney nói rằng “những kẻ nói dối này đã tạo ra một hình mẫu về lẽ thật cao quý nhất và đẹp nhất từng thấy ở loài người. Hơn nữa, họ đã sử dụng tất cả nghệ thuật kỳ diệu để tạo nên một bức chân dung tưởng tượng mà kết quả là lên án sự giả dối của chính họ.”

Có lẽ hầu hết tất cả hình ảnh Đấng Christ được các trước giả Kinh Thánh miêu tả đều khó chịu đối với con người mang bản chất tội lỗi, đến nỗi không thể tin rằng người ta có thể hoặc sẽ bịa ra một ý tưởng về một Đấng như vậy. H.G. Wells, mặc dù không phải là một Cơ đốc nhân chính thống, nói rằng Chúa Giê-su “giống như một thợ săn đạo đức đang đào bới nhân loại ra khỏi những cái hang ẩn náu mà họ đã sống cho đến nay …. Có lạ gì khi con người bị lóa mắt và mù lòa đã phản đối chống lại Ngài? … Chúng ta sẽ ngạc nhiên biết bao khi có thể hiểu biết hết về người đàn ông Ga-li-lê này!”

BẢN GHI CHÉP TRONG KINH THÁNH VỀ CON NGƯỜI

Ai sẽ vẽ một bức tranh về những người như chúng ta tìm thấy trong Kinh thánh? Xu hướng của con người là đề cao bản thân hơn những gì họ thực sự là, hoặc hạ thấp bản thân mình xuống dưới bản chất thực sự của họ. Học giả người Hà Lan Desiderius Erasmus (1466-1536) hỏi, “Con người đối với con người hoặc là thần linh hoặc là sói dữ?”

Một mặt, các triết học và thần học của con người thường đưa con người lên cấp độ thần thánh. Nhà triết học Hy Lạp Heraclitus (khoảng năm 540-480 trước CN) tuyên bố, “Các vị thần là những người bất tử, và loài người là những vị thần phàm trần.” Rất lâu sau đó, nhà triết học người Đức Georg Hegel (1770-1831) đã nói về “thần tính tiềm ẩn” của tất cả mọi người, và các nhà thần học nói về tia lửa thần thánh trong những người cần được thổi bùng lên thành ngọn lửa.

Mặt khác, với ảnh hưởng gần đây của quá trình tiến hóa tự nhiên, các nhà triết học coi con người là quý tộc của động vật. Theo một số nhà tiến hóa, chúng ta chỉ là những sinh vật phức tạp mà hành động của chúng được kiểm soát bởi môi trường của chúng ta, giống như những con chó của Pavlov được huấn luyện để phản ứng với một số tác nhân nhất định.

Sự vĩ đại của con người – sự tự do, sự sáng tạo, khả năng bay lên trên thế giới bằng tâm linh của chúng ta – và sự ràng buộc của chúng ta đối với môi trường tự nhiên như các sinh vật trên trái đất khiến chúng ta cảm thấy bối rối về bản chất của chính mình. Những câu hỏi lớn mà tất cả con người đặt ra – Tôi là ai? Tôi đến từ đâu? Mục đích tồn tại của tôi là gì? —Không bao giờ có thể trả lời được từ nghiên cứu về tự nhiên. Chỉ có sự mặc khải từ Đấng Tạo Hóa mới có thể trả lời câu hỏi của chúng ta. Và không nơi nào ngoại trừ trong Kinh Thánh, chúng ta tìm thấy một bức tranh về bản chất con người giải thích cho thực tế tồn tại của con người.”

Chúng ta là những tạo vật trên đất (Sáng thế Ký 2:7), nhưng chúng ta cũng được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời (1:27). Chúng ta thuộc về thế giới này, và do đó chúng ta phải lao động để duy trì môi trường tự nhiên như ngôi nhà của mình. Nhưng chúng ta cũng được tạo dựng để tương giao với Đức Chúa Trời, và do đó nếu không có mối tương giao này chúng ta không bao giờ có thể hài lòng với bản chất con người của mình.

Nhưng nan đề về con người hiện tại không chỉ bắt nguồn từ bản chất của chúng ta là những tạo vật được tạo ra. Nó đến từ tội lỗi. Nếu chúng ta là ảnh tượng của Đức Chúa Trời, tại sao chúng ta không hành động giống như Đức Chúa Trời? Một lần nữa Kinh Thánh cung cấp câu trả lời theo cách mà chúng ta không mong đợi từ những trước giả. Theo Kinh Thánh, phẩm chất của chúng ta bị hoen ố vì tội lỗi là cái mà chúng ta phải chịu trách nhiệm. Để chắc chắn, chúng ta phải nhận ra sự thất bại của mình trong những việc chúng ta làm. Chúng ta phải nhận ra sự “vô nhân đạo” của mình đối với người khác. Nhưng nếu không có sự mặc khải thiên thượng, mọi người sẽ cố gắng giải thích lỗ hổng này bằng sự thiếu hiểu biết hoặc qua một số dấu hiệu tiến hóa từ một động vật hung dữ. Tất cả những lời giải thích này giúp con người hoàn toàn thoát khỏi trách nhiệm tội lỗi; họ không thừa nhận sự nổi loạn cố ý chống nghịch lại Đức Chúa Trời. Khi tội lỗi được xem như là sản phẩm đáng thương của môi trường tiến hóa, thì loài người trở nên thấp kém hơn con người vốn được tạo nên.

Tuy nhiên, Kinh Thánh tuyên bố rằng chúng ta là những tội nhân phải chịu trách nhiệm. Kinh Thánh xác nhận sự tự do của con người, quyền để hành động và những hành vi ngang ngược của con người. Con người là cao quý, nhưng họ sa vào tội lỗi. Theo lời của nhà thần học Reinhold Niebuhr, “Quan điểm của Cơ đốc giáo về bản chất con người có liên quan đến một  tuyên bố địa vị cao hơn của con người so với các tạo vật khác đồng thời xem cái xấu của con người nghiêm trọng hơn so với các loài khác.” Hơn nữa, Kinh Thánh trình bày tình trạng con người một cách hoàn hảo. Mặc dù con người không làm trò đồi bại, nhưng ngay cả những anh hùng đức tin cũng không thể che giấu được những điểm yếu của họ. Những con người vĩ đại của đức tin được cho là những tội nhân cần sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

Có lẽ sự mô tả trong Kinh Thánh về sự xáo trộn nội tâm trong ý thức của chúng ta cung cấp một bằng chứng sâu sắc nhất về kiến ​​thức siêu nhiên của bản chất con người chúng ta. Robert Dabney viết về bức tranh trong Kinh Thánh về “sự mặc khải sâu sắc và sầu muộn của ý thức bên trong chúng ta”, bao gồm sự trống rỗng của những mưu cầu trần thế mà chúng ta bị thúc đẩy bởi lương tâm hư hỏng, những vi phạm tội lỗi của lương tâm và dục vọng, nhưng lại bất lực trong việc thực hiện đổi mới đạo đức. Sau đó, ông thấm thía hỏi: “Bằng sự khôn ngoan nào mà cuốn sách này đã tiết lộ một cái nhìn sâu sắc hơn, trung thực hơn và thấu suốt hơn bất kỳ một triết lý nhân sinh nào, một cái nhìn thấu vào sâu thẳm bên trong lương tâm khốn khổ chúng ta? Khi tâm hồn tội lỗi của con người tìm kiếm một chân lý cho nó trong mọi tiếng rên rỉ hối hận và nỗi thống khổ của mình, há đó chẳng phải là từ tiếng nói của Đấng mà đôi mắt của Ngài đang nhìn thấu đến, dò xét lòng của những đứa con loài người?”

 

KHÁI NIỆM CỦA KINH THÁNH VỀ SỰ CỨU CHUỘC

Tất cả các tôn giáo đều cung cấp một số phương cách để giải thoát cuộc sống đau khổ của con người và mang lại hòa bình và hạnh phúc. Nhưng sự cứu rỗi được bày tỏ trong Kinh Thánh  chỉ nói về một phương cách thiên thượng duy nhất. Các phương cách “cứu rỗi” khác nhau được tìm thấy trong các tôn giáo trên thế giới đều dựa trên một khái niệm: Sự giải thoát đến từ những nỗ lực của con người. Điều này được minh họa trong câu chuyện sau đây về một số người theo đạo Hindu.

Chúng tôi quay lưng lại với dòng sông và đến một bãi đất trống, lần theo con đường mòn bằng đá giữa các cánh đồng, được bao bởi bức tường đất sét thấp và những bụi gai. Trời bắt đầu nắng lên với mỗi bước chân đạp trên con đường đất bụi. Sau một lúc, chúng tôi gặp một người đàn ông trẻ tuổi, nằm thẳng trên mặt đất và dường như đang tập thể dục. Anh ta chồm dậy, vươn tay trái về phía sau hết mức có thể, nhặt một viên đá từ một đống đá nhỏ nằm ở đó, rồi nằm thẳng người trên mặt đất, vươn tay phải về phía trước càng xa càng tốt, và đặt viên đá đó lên một đống đá nhỏ tương tự …. Tiến sĩ Govindam giải thích với tôi rằng người thanh niên này không được phép nói chừng nào anh ta còn say mê với hình thức parikrama (vòng luân hồi) đặc biệt đáng khen này. 108 viên sỏi phải được thu lượm và sau đó di chuyển từng viên sỏi đến một chỗ nào đó, như cách mà người thanh niên đã làm, theo chiều dài của cơ thể mỗi lần. Sau khi tất cả 108 viên sỏi đã được di chuyển với khoảng cách khoảng hai bước chân, thì chu kỳ này lập lại với từng viên sỏi. Vậy thì phải mất bao lâu để thực hiện việc làm này theo cách này? Có lẽ vài tuần, hoặc vài tháng. Chúng tôi đi qua những người mộ đạo khác là người chọn cách chuộc tội này, trong số đó có một góa phụ già. Tiến sĩ Govindam giải thích với chúng tôi rằng có lẽ bà ấy đang làm việc đó để nhận lấy công đức cho chồng mình ở thế giới bên kia …. Nhiều tuần sau đó, chúng tôi thấy bà ấy vẫn ở đó cách nơi mà chúng tôi đã nhìn thấy bà lần đầu tiên vài kilômet. Bà ấy dường như yếu đến nỗi cứ sau hai mươi mét là bà ấy nằm kiệt sức bên cạnh đống đá nhỏ của mình?”

Cho dù là theo con đường chính nghĩa của người Hindu, kỷ luật theo Bát chánh đạo của Phật giáo, hay là cầu nguyện và ăn chay của người Hồi giáo, tất cả các tôn giáo ngoài Kinh Thánh đều tìm cách tìm kiếm sự cứu rỗi bằng các việc làm. Cách nghĩ phổ biến là để vào được thiên đường phải “làm tốt nhất những gì mình có thể.” Điều này dễ hiểu khi chúng ta nhận ra rằng những người này có ý thức hay vô thức về bản chất sa ngã của mình, đang bị ràng buộc bởi tội lỗi. Tình trạng của họ được mô tả trong lần phạm tội đầu tiên của tổ phụ loài người: “Ngươi sẽ như Đức Chúa Trời” (Sáng 3: 5). Thật khó để một “vị thần” thừa nhận rằng mình không thể làm được gì cho bản thân!

Tuy nhiên, trong một số tôn giáo, mọi người tin vào những vị thần cứu tinh là những người ban sự cứu rỗi cho các tín đồ của họ. Hình thức Phật giáo được chấp nhận rộng rãi nhất ở Nhật Bản dựa trên câu chuyện về Amita, người đã tích lũy một kho công đức khổng lồ trên đường đến với Phật đến mức ông ấy đã thề sẽ ban sự tái sinh cho tất cả những ai tin vào ông ấy và liên tục lặp lại cụm từ “A Di Đà Phật”. Khái niệm vị thần cứu tinh cũng phổ biến ở Ai Cập cổ đại và vùng Lưỡng Hà.

Tuy nhiên, ngay cả khi người ta tin vào những vị thần cứu tinh, thì họ vẫn tin rằng công đức là cần thiết để được các vị thần ban ơn. Hơn nữa, họ không có cách nào để đối phó một cách nghiêm túc với thực tế rõ ràng của tội lỗi. Như Leon Morris đã chỉ ra, “Những nhà tư tưởng sâu sắc nhất trong nhân loại luôn nghĩ rằng sự tha thứ thực sự chỉ có thể có được khi sự quan tâm thích đáng được trả theo luật đạo đức …. Chúng ta hẳn đã không thấy đây là điều mà Đức Chúa Trời đã gieo vào sâu thẳm trong lòng con người sao. Đối mặt với một tội ác ghê tởm, ngay cả những người vô cảm nhất trong vòng chúng ta cũng có thể thốt lên rằng: ‘Điều đó đáng bị trừng phạt!’” Không có cảm giác được thỏa mãn về sự công bình trong các tôn giáo sai lầm.

Sự cứu rỗi được mô tả trong Kinh Thánh khác nhau như thế nào! Mong muốn tự nhiên của con người trong việc tìm kiếm công đức để nhận được sự cứu rỗi là hoàn toàn không thể; vì mọi vinh quang trong sự cứu rỗi đều thuộc về Đức Chúa Trời. Theo lịch sử thì thực tế về tội lỗi và hình phạt dành cho nó được xác nhận đầy đủ. Sự cứu rỗi được thực hiện bởi tình yêu thương vô tận của Đức Chúa Trời theo một cách mà vẫn bảo tồn sự thánh khiết của Ngài. Sự thánh khiết của Đức Chúa Trời đòi hỏi sự công bình trong việc trừng phạt tội lỗi; và tình yêu thương của Ngài đáp ứng điều đó qua sự hy sinh của Con Ngài. “Đức Chúa Giê-su Christ, là Đấng Đức Chúa Trời đã lập làm của lễ chuộc tội, bởi đức tin trong huyết Đấng ấy. Ngài đã bày tỏ sự công bình mình như vậy, vì đã bỏ qua các tội phạm trước kia, trong buổi Ngài nhịn nhục; tức là Ngài đã tỏ sự công bình Ngài trong thời hiện tại, tỏ ra mình là công bình và xưng công bình kẻ nào tin đến Đức Chúa Giê-su” (Rô-ma 3: 25-26). Vì vậy, trái ngược với các phương cách khắc phục sự khốn khổ của con người do tội lỗi gây ra bằng cách cố gắng tìm kiếm sự phục hồi từ bản chất sa ngã là điều không thể, hoặc phương cách đặt sự thánh khiết và công bình của Đức Chúa Trời qua một bên đều là vô ích. “Phương cách cứu rỗi được đưa ra để con người tham gia vào trong sự toàn năng, tình yêu và sự khôn ngoan của chính Đức Chúa Trời, vừa để thỏa mãn sự công bình tuyệt đối của Ngài, vừa để khôi phục lại sự hư hoại của con người do tội lỗi; vì vậy sự giải cứu này sẽ đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu của thiên đàng, và là mọi điều cần thiết cho nhân loại.”

 

Sự chết Con Đức Chúa Trời, như là phương tiện cứu rỗi, trái ngược với tất cả những tôn giáo khác. Ajith Fernando, một học giả Cơ đốc giáo đã phục vụ nhiều năm ở Sri Lanka, kể về một “nhà văn Phật giáo nổi tiếng”, người đã nói với ông rằng “Đức Phật cao cả hơn Chúa Giê-su bởi vì Chúa Giê-su đã bị đánh bại đến nỗi phải chết trong trận chiến cho sự công chính của con người.” Từ điển bách khoa Do Thái khẳng định, “Không có Đấng Mê-si-a nào mà người Do Thái biết lại có thể chịu chết như vậy; vì ‘Kẻ nào bị treo ắt bị Đức Chúa Trời rủa sả’ (Phục truyền 21:23), là một ‘sự xúc phạm đến Đức Chúa Trời” (Targum, Rashi). Tương tự như vậy, người Hồi giáo cũng từ chối lẽ thật về Chúa Giê-su bị đóng đinh. Kinh Koran nói, “Chúng tôi đã giết Đấng Mê-si-a là Chúa Giê-su, con trai của Ma-ri, Sứ đồ của Allah.’ Họ đã không giết Ngài, cũng không đóng đinh Ngài, nhưng họ nghĩ rằng họ đã làm như vậy” (Sura 4: 156). Rõ ràng thập tự giá của Đấng Christ, như Phao-lô đã viết là “sự người Giu-đa lấy làm gương xấu, dân ngoại cho là rồ dại” (1 Côr. 1:23). Nhưng đó là “quyền phép của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời” cho sự cứu chuộc (1:24).

Hơn nữa, sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời không bắt nguồn từ những câu chuyện thần thoại hay những ý tưởng khai sáng, mà là trong lịch sử.  Những lời của Gresham Machen đã tóm tắt sự độc đáo về lời dạy cứu rỗi trong Kinh Thánh. “Theo Kinh Thánh, sự cứu rỗi không phải là điều được khám phá ra, mà là điều đã xảy ra. Do đó thể hiện tính độc nhất của Kinh Thánh. Tất cả các ý tưởng trong Cơ đốc giáo có thể được tìm thấy trong một số tôn giáo khác, nhưng ý tưởng của các tôn giáo khác thì không có trong Cơ đốc giáo. Vì Cơ đốc giáo không phụ thuộc vào các ý niệm phức tạp, nhưng dựa trên lời tường thuật về một sự kiện. Nếu không có sự kiện đó, thế giới, trong cái nhìn của Đấng Christ, hoàn toàn tối tăm, và nhân loại bị hư mất bởi tội lỗi. Không thể có sự cứu chuộc bằng việc khám phá ra lẽ thật vĩnh cửu, vì lẽ thật vĩnh cửu mang lại sự tuyệt vọng, bởi vì tội lỗi. Nhưng một diện mạo mới được khoác lên cuộc sống bởi điều phước hạnh mà Đức Chúa Trời đã làm khi ban chính Con một của Ngài.

Sự cứu chuộc ấy quá xa lạ đối với con người tự nhiên, nhưng lại rất vĩ đại và thỏa mãn những khát vọng sâu thẳm trong lòng của tất cả mọi người đến nỗi nó không thể được tạo ra bởi loài người. Phao-lô, người đã cố gắng tự cứu mình bằng những việc làm của con người, đã tóm tắt tính chất siêu nhiên về sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời: “Vì Đức Chúa Trời đã nhốt mọi người trong sự bạn nghịch, đặng thương xót hết thảy.  Ôi! sâu nhiệm thay là sự giàu có, khôn ngoan và thông biết của Đức Chúa Trời! Sự phán xét của Ngài nào ai thấu được, đường nẻo của Ngài nào ai hiểu được!” (Rô-ma 11: 32-33).

 

 

 

 

 

 

 

 

                                                                          7

Kinh Thánh Là Lời Soi Dẫn Của Đức Chúa Trời?

 

 

TRÁI NGƯỢC VỚI những hình tượng ngoại giáo “có miệng, nhưng … không nói được” (Thi Thiên 115:5; 135:15-16), “Nếu có ai kêu cầu, thì thần chẳng trả lời, và không cứu khỏi nạn được” (Ê-sai 46:7).  Đức Chúa Trời của Kinh Thánh thì giao tiếp với dân sự của Ngài qua lời phán.  Bản chất Đức Chúa Trời vốn dĩ liên quan đến Ngôi Lời và Ngôi Lời thể hiện Ngài. “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời.” (Giăng 1:1).   Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi Ngài giao tiếp với dân sự của Ngài trong suốt lịch sử bằng lời, như trước giả thư Hê-bơ-rơ đã từng tuyên bố.  “Đời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách, rồi đến những ngày sau rốt nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài, là Con mà Ngài đã lập lên kế tự muôn vật, lại bởi Con mà Ngài đã dựng nên thế gian.” (Hê-bơ-rơ 1:1-2). Vì Đức Chúa Trời của chúng ta là một Đức Chúa Trời phán dạy qua lời, vậy thì ngày nay Ngài có còn nói chuyện với dân sự của Ngài không?  Và nếu có, chúng ta có thể nghe thấy lời của Ngài ở đâu hoặc bằng cách nào?

Theo trước giả sách Hê-bơ-rơ, các nhà tiên tri dưới sự soi dẫn của Đức Thánh Linh đã viết những lời của Đức Chúa Trời.  Sự việc này đạt đến đỉnh điểm khi con trai của Đức Chúa Trời, người không chỉ nói những lời của một tiên tri, nhưng bản thân con trai ấy còn chính là Ngôi Lời của Đức Chúa Trời được bày tỏ trong lịch sử.  Như chúng ta sẽ thấy trong chương này, lời tiên tri của Đức Chúa Trời đã được viết ra và lưu giữ trong các tác phẩm thiêng liêng được gọi là Kinh Thánh.  Kết quả là dân sự của Đức Chúa Trời trong Cựu ước và Tân ước đều đã xác định Kinh Thánh là “Lời của Đức Chúa Trời”.

Trong suốt lịch sử hội thánh, các tín hữu hiếm khi thắc mắc về lẽ thật này.  Nhưng trong thời kỳ Khai Sáng, đã đề cao lý trí của con người trong việc tìm kiếm chân lý thông qua cái gọi là phương pháp khoa học, sự thật đấy đã bị nhiều người phủ nhận.  Đối với một số người, Kinh Thánh chỉ là một bản ghi chép về kinh nghiệm tôn giáo của con người.  Số khác xác định các phần của Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, chẳng hạn như những phần được giới thiệu bởi công thức “Chúa phán như vậy”, hoặc “Lời của Chúa đã đến … phán như vậy.”  Nhiều người nói Kinh Thánh chỉ chứa đựng hoặc làm chứng cho Ngôi Lời, nhưng không phải là chính bản thân của Ngôi Lời.  Họ nói rằng chỉ khi Đức Thánh Linh phán với họ qua Ngôi Lời thì Kinh Thánh mới trở thành Lời của Đức Chúa Trời.

Đây là một vấn đề quan trọng.  Vì nếu Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, thì bất chấp hình thức con người của Kinh Thánh, chúng ta có Lời Đức Chúa Trời ở dạng khách quan, hình dáng cụ thể và đó là những tạo vật của Ngài, chúng ta phải vâng theo lời ấy.  Mặt khác, nếu Kinh Thánh chỉ là lời của con người, không chừng sẽ được tâng bốc theo cách nào đó, thì vì một lý do nào đó chúng ta nhất định phải tìm kiếm Lời Chúa trong và đằng sau những lời của con người, hoặc có thể – theo như một số người gợi ý, tìm kiếm ngay cả trong các tác phẩm tôn giáo khác.

Chương này thảo luận về lời chứng của Kinh Thánh xung quanh bản chất của nó.  Điều này nghe có vẻ giống như lý luận luẩn quẩn theo một vòng tròn, tìm cách xác định bản chất của Kinh Thánh bằng những tuyên bố của chính Kinh Thánh.  Chúng ta sẽ nói nhiều hơn về phương pháp này trong phần thảo luận của chúng ta về tính cách đáng tin cậy trong chương 10.  Nhưng chúng ta có thể phải lưu ý hai quan điểm được đưa ra ở đây.

Quan điểm thứ nhất, nếu chúng ta cho phép một người tự làm chứng và không tán thành việc bị bác bỏ thì lời chứng của anh ta là giả dối, như vậy chúng ta cũng không thể cho phép Kinh Thánh tự làm chứng cho Kinh Thánh?  Mặc dù Chúa Giê-su có những nhân chứng khác. Ngài cũng đã làm chứng cho chính Ngài.  “Đức Chúa Giê-su đáp rằng: Dẫu ta tự làm chứng về mình, nhưng lời chứng ta là đáng tin…” (Giăng 8:14).  Sự đáng tin cậy của Kinh Thánh được chứng thực bằng những bằng chứng bên ngoài và bên trong.  Do đó, Kinh Thánh xứng đáng được chú ý trong các tuyên bố về chính Kinh Thánh.

Quan điểm thứ hai, Cơ đốc nhân biết rằng Kinh Thánh là nền tảng của tất cả các giáo lý quan trọng của đức tin, chẳng hạn như thần tính của Đấng Christ và sự cứu rỗi qua sự chết cũng như sự phục sinh của Ngài.  Nếu chúng ta chấp nhận Kinh Thánh là kim chỉ nam dẫn chúng ta đến lẽ thật trong những giáo lý trên, chẳng lẽ chúng ta cũng không nên chấp nhận những lời dạy của Kinh Thánh về bản chất của chính Kinh Thánh sao?

 

Ý NGHĨA VỀ “LỜI CỦA CHÚA”

Nói “Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời” không có nghĩa là Lời của Đức Chúa Trời chỉ giới hạn trong Kinh Thánh.  Lời nói của Đức Chúa Trời được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.  Ví dụ, tác giả Thi Thiên viết rằng: “Ngài ra lịnh mình trên đất, Lời của Ngài chạy rất mau. Ngài cho mưa tuyết như lông chiên; Rải sương-móc trắng khác nào tro.  Ngài ném giá từng miếng; Ai chịu nổi được sự lạnh-lẽo của Ngài?  Ngài ra lịnh làm cho tuyết giá tan ra, khiến gió thổi, nước bèn chảy.” (Thi Thiên 147:15-18).  Rõ ràng “lời” trong phân đoạn trích trên không phải là   Kinh Thánh.  Và trong lời tuyên bố sau cũng vậy “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta…” (Giăng 1:14), Ngôi Lời ở đây là chỉ về Đấng Christ.

Vì thế, Lời Chúa rộng hơn sự mặc khải bằng miệng hoặc bằng văn tự.  Điều đó có thể được định nghĩa là sự tự thể hiện của Đức Chúa Trời, theo Kinh Thánh thì bằng nhiều hình thức khác nhau.  Thứ nhất, đó là quyền năng của Đức Chúa Trời mà Ngài tác động và điều khiển mọi vật theo ý muốn của Ngài (ví dụ, sự sáng tạo trong Sáng Thế Ký 1:3; Thi Thiên 33:6-9; sự phán xét trong Thi Thiên 46:6; Ê-sai 30:30; sự chữa lành trong Ma-thi-ơ 8:8).  Thứ hai, đó là lời nói có thẩm quyền của Đức Chúa Trời mà qua đó Ngài giao tiếp cách cá nhân với các tạo vật của Ngài. Điều thú vị chính là, việc sử dụng “Lời” để thi hành ý muốn của Đức Chúa Trời trên thiên nhiên trong lời tuyên bố sau đây trích từ Thi Thiên 147, chúng ta đọc, “Ngài truyền lời mình cho Gia-cốp, luật-lệ và mạng-lịnh mình cho Y-sơ-ra-ên.” (Thi Thiên 147:19).  Thứ ba, lời của Đức Chúa Trời là sự hiện diện của chính Ngài với các tạo vật.  Tất nhiên, nhân cách của một người được tiết lộ qua cách người đó phát biểu.  (xem trong Ma-thi-ơ 12:34). Vì vậy, Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng “…Đức Giê-hô-va hiện ra cùng Sa-mu-ên, khiến cho người biết lời [của Ngài]” (1 Sa-mu-ên 3:21).  Nhưng cách sử dụng thứ ba này vượt quá mọi ngôn từ về sự bày tỏ của Đức Chúa Trời trong thân vị của Con Ngài là Chúa Giê-su Christ – Ngôi Lời (Giăng 1:1; Khải huyền 19:13).  Cách sử dụng cuối cùng này đưa chúng ta đến sự thật sâu xa rằng “Ngôi Lời” của Đức Chúa Trời không kém gì sự tự mặc khải của Đức Chúa Trời ba ngôi. “Đức Chúa Cha là Đấng tuyên phán; Đức Chúa Con là lời được phán ra; Đức Thánh Linh là lời hà hơi quyền năng … khiến lời đó làm trọn được mục đích của nó.”

 

LỜI CHỨNG CỦA CỰU ƯỚC

Khi Kinh Thánh ghi lại lịch sử mối quan hệ của Đức Chúa Trời với con người, không có gì đáng ngạc nhiên khi trong Cựu Ước, chúng ta thường xuyên thấy đề cập đến lời Đức Chúa Trời như sự giao tiếp bằng lời nói. Ngài không chỉ phát ngôn, nhưng lời của Ngài còn được truyền đạt qua các văn tự của con người, để những gì họ nói và viết đều là những lời của Đức Chúa Trời.

Lời của Chúa đã tuyên phán

Một số từ Hebrew được sử dụng trong Cựu Ước để diễn đạt lời nói hoặc lời của Đức Chúa Trời.  “Miệng” của Đức Chúa Trời được nhắc đến khoảng năm mươi lần như một cơ quan ngôn luận, không chỉ nhấn mạnh đến nguồn gốc trực tiếp lời nói của Ngài mà còn là bản chất của chúng là lời nói. Thông điệp của Giê-rê-mi đến từ “miệng Đức Giê-hô-va” (Giê-rê-mi 9:12). “Tiên tri” là người nói những lời từ miệng của người khác.  Điều này được thể hiện rõ ràng trong sự việc khi Môi-se phàn nàn về khả năng diễn đạt không trôi chảy của mình và A-rôn đã trở thành người phát ngôn cho Môi-se.  “Con phải nói chuyện với người,” Đức Chúa Trời nói với Môi-se và đặt những lời phải nói trên môi miệng A-rôn … A-rôn sẽ nói chuyện với dân chúng thay ngươi; ấy là người đó sẽ nói cùng dân-sự thế cho ngươi, dùng làm miệng ngươi, còn ngươi sẽ dường như Đức Chúa Trời cho người vậy” (Xuất Ê-díp-tô Ký 4:15-16).  Đức Chúa Trời sau đó đã xác định chức vụ cho A-rôn đối với Môi-se bằng những lời này: “còn A-rôn, anh ngươi, sẽ làm tiên-tri của ngươi” (7:1).

Theo cùng một cách trên đây mà Đức Chúa Trời đã phán với Giê-rê-mi: “Nhưng Đức Giê-hô-va lại phán: Chớ nói…Nầy, ta đã đặt những lời ta trong miệng ngươi” (Giê-rê-mi 1:7-9). Sau đó, Giê-rê-mi nói một tiên tri thật là người “đã đứng được trong sự bàn-luận của Đức Giê-hô-va, để được ngắm-xem và nghe lời Ngài” và do đó công bố, “những lời ta đến với dân sự ta” (23:18, 22).

Các tiên tri đã nói với tư cách là “người phát ngôn” của Chúa, hoặc như Đức Chúa Trời đã phán với Giê-rê-mi, “sẽ như miệng ta” (15:19). Những lời cảnh báo về sự phán xét và lời hứa sự cứu rỗi của ông là chắc chắn vì “miệng Đức Giê-hô-va đã phán.” (Ê-sai 1:20,40:5). “Miệng của Đức Giê-hô-va” thường được dịch là “lời nói” hoặc “mệnh lệnh”, do đó nhấn mạnh bản chất lời nói của sự mặc khải của Đức Chúa Trời. “Môi-se kiểm kê họ đúng như lời [nghĩa đen là “miệng”] CHÚA truyền bảo mình.” (Dân số Ký 3:16, NVB). “Cả hội-chúng Y-sơ-ra-ên đi từ đồng vắng Sin, đi từng trạm, tùy theo lịnh [nghĩa đen là “miệng”] Đức Giê-hô-va. (Xuất Ê-díp-tô Ký 17:1).  Hành động của các bộ tộc Y-sơ-ra-ên ở lại phía đông sông Giô-đanh là “theo mạng-lịnh [nghĩa đen là “miệng”] của Đức Giê-hô-va cậy Môi-se truyền cho.” (Giô-suê 22:9). Điều đáng quan tâm trong ví dụ cuối cùng này là thực tế là chúng ta không có ghi chép nào về việc Đức Chúa Trời truyền lệnh cho Môi-se về những người lãnh đạo các bộ tộc Reuben, Gad và nửa bộ tộc Manasseh. Môi-se chỉ đơn giản đã đưa ra chỉ dẫn riêng của mình cho họ (xem Dân-số Ký 32:20-24). Nhưng là tiên tri của Đức Chúa Trời, lời nói từ miệng ông cũng là từ “miệng” của Chúa; những lời đó là lời của Đức Chúa Trời.

Lời Chúa trong Cựu Ước cũng thường được diễn đạt bằng động từ ‘dmar (“bày tỏ hoặc phán”) và các danh từ liên quan của nó, ‘dmer,‘emrd‘imrd, được dịch khác nhau như “lời nói”, “phát biểu” hoặc “lời”. Động từ ‘dmar luôn luôn diễn tả mối quan hệ cá nhân mà trong đó một người thốt ra “những mạng lịnh hợp lý … làm cho người khác có thể nghe và hiểu được.” Khi được Đức Chúa Trời sử dụng, điều đó đề cập đến sự mặc khải. “Các thành ngữ ‘Đức Chúa Trời đã bày tỏ (đã phán),’ ‘Đức Chúa Trời đang bày tỏ (đang phán).’ Và ‘Đức Chúa Trời sẽ bày tỏ (sẽ phán)’, ngụ ý rằng Đức Chúa Trời có thể được nghe thấy trong lĩnh vực tự nhiên và lịch sử, lĩnh vực kinh nghiệm và hiểu biết của con người … [Ngài] có thể phát ngôn để người ta có thể hiểu được. Vì vậy, Đức Chúa Trời thường truyền đạt ý muốn của Ngài cho con người bằng lời nói (ví dụ, “Đức Chúa Trời bèn phán cùng Nô-ê rằng”: Sáng Thế Ký 8: 15). “Vì vậy, [‘dmar] CHÚA phán” là một công thức phổ biến của các tiên tri (hơn 130 lần trong sách Giê-rê-mi), cho thấy rằng họ đang truyền tải một thông điệp giống như một sứ giả của con người mang thông điệp đến.” Các danh từ liên quan với “phán” hoặc “ngôn lời” cũng được dùng trong nội dung lời Đức Chúa Trời phán (ví dụ, Gióp 22:22; 23:12; Thi Thiên 77: 8; Ê-sai 41:26). Điều đặc biệt cần quan tâm là thực tế rằng từ ‘imrd  (“lời”) xuất hiện mười bảy lần trong Thi Thiên 119. Được sử dụng với các thuật ngữ khác như “quy chế”, “điều răn”, “lời chứng” và “giới luật”, rõ ràng trước giả Thi-thiên muốn nói rằng có nhiều hơn một số mặc khải chủ quan cá nhân đến từ Đức Chúa Trời. “Lời” của Đức Chúa Trời là Kinh Thánh được viết ra mà qua đó nhiều ơn phước đã được truyền lại cho các trước giả Thi Thiên.

Từ thông dụng nhất trong Cựu ước dùng để “nói” là động từ dãbar. Danh từ tương ứng của nó, “lời”, cũng có nghĩa là “điều”, “vấn đề”, “sự việc”, như trong “vấn đề mà người ta nói.” Động từ dãbar tập trung vào hoạt động nói, tức là việc tạo ra các từ và câu. Nhưng hoạt động này không làm giảm đi quan trọng của những gì đã được nói. Điều này được thể hiện rõ qua nội dung của cách “nói”, vì trong Kinh Thánh, những thuật ngữ này là những thuật ngữ phổ biến nhất được sử dụng để Đức Chúa Trời phán lời của Ngài. Có khoảng bốn lần cụm từ “CHÚA đã phán,” “CHÚA đã hứa” và “CHÚA đã truyền lệnh” được ghi nhận, trong đó động từ này là dãbar.

Dãbar đặc biệt nổi bật trong mối quan hệ của lời Đức Chúa Trời qua các tiên tri. Đức Chúa Trời đã phán với các tiên tri của Ngài như Ê-sai đã làm chứng. “Đức Giê-hô-va lại phán cùng tôi rằng” (Ê-sai 8:5; xem thêm tại Giê-rê-mi 36: 2; Ê-xê-chi-ên 3:10). Nhưng lời phán của Ngài không chỉ đến với các tiên tri. Lời phán đó cũng thông qua các tiên tri để đến với những người khác, ví dụ: “Đức Giê-hô-va nhờ con trai A-mốt, là Ê-sai, mà phán rằng: Hãy đi, cởi bao gai khỏi lưng ngươi, và lột giày khỏi chân ngươi. Ê-sai vâng lời, đi trần, và chân không” (Ê-sai 20:2, xem thêm  Xuất Ê-díp-tô Ký 9:35; 1 Các Vua 12:15; Giê-rê-mi 37:2; Ê-xê-chi-ên 38:17). Do đó, việc tiếp nhận lời Đức Chúa Trời từ các tiên tri và việc công bố lời ấy có thể được coi là một hành động phát ngôn của Đức Chúa Trời. Như Đa-vít đã nói: “Thần của Đức Giê-hô-va đã cậy miệng ta mà phán, và lời của Ngài ở nơi lưỡi miệng ta” (2 Sa-mu-ên 23:2). Ê-sai đã nói với A-háp những điều mà ông đã nhận được từ Đức Chúa Trời, nhưng quá trình tương tự được mô tả khi chúng ta đọc, “Đức Giê-hô-va lại phán cùng A-cha rằng” (Ê-sai 7:10; xem thêm 7:3-4).

Do đó “lời” mà các nhà tiên tri đã nói là “lời của CHÚA.” Xuất hiện khoảng 240 lần trong Cựu Ước, cụm từ này mô tả cả lời của Đức Chúa Trời cho các nhà tiên tri và lời mà họ đã công bố cho dân chúng (ví dụ, “Có lời Đức Giê-hô-va phán cùng Ô-sê” [Ô-sê 1:1; xem thêm tại Mi-chê 1:1; Sô-phô-nia 1:1], và “hãy để tai vào luật-pháp của Đức Chúa Trời chúng ta!” [Ê-sai 1:10; A-mốt 7:16]). Cụm từ này vì vậy là “một thuật ngữ kỹ thuật cho lời tiên tri về sự mặc khải.”

Các cách sử dụng khác của dãbar cho lời Chúa cũng được tìm thấy. Nói chuyện với Môi-se, A-rôn và Mi-ri-am, Chúa phán rằng, “Hãy nghe rõ lời ta” (Dân-số Ký 12:6). Theo trước giả Thi Thiên, Đức Chúa Trời “Ngài nhớ lại lời thánh Ngài” phán với Áp-ra-ham (Thi Thiên 105:42). Điều quan trọng là sự mô tả Mười Điều Răn cũng là “những lời của giao ước, Mười Điều Răn [nghĩa đen, ‘mười từ’]” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:28; xem thêm Phục truyền Luật lệ Ký 4:13; 10:4), và các mệnh lệnh của Đức Chúa Trời nói chung (ví dụ, Thi Thiên 50:17).

Vậy rõ ràng, Đức Chúa Trời đã bày tỏ chính Ngài qua lời nói. Đức Chúa Trời đã tuyên phán với con người, và trách nhiệm của họ là phải “nghe” hoặc “lắng nghe” tiếng nói của Ngài.

 

Lời thành văn của Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời cũng đã được viết ra. Chính Đức Chúa Trời đã viết ra các nguyên tắc cơ bản trong giao ước của Ngài với dân sự Ngài thời Cựu Ước trong Mười Điều Răn, “trên đó có đủ những lời mà Đức Giê-hô-va đã phán” với Môi-se. (Phục truyền Luật lệ Ký 9:10, VIE2010; xem thêm tại 10:4; 4:13; Xuất Ê-díp-tô Ký 24:12; 31:18; 32:15-16; 34:1). Đức Chúa Trời thường ra lệnh cho người khác viết lời Ngài muốn truyền đạt. Sau khi Y-sơ-ra-ên đánh bại A-ma-léc, Đức Chúa Trời nói với Môi-se, “Hãy chép điều nầy trong sách làm kỷ-niệm, và hãy nói cho Giô-suê biết rằng ta sẽ bôi sạch kỷ-niệm về A-ma-léc trong thiên-hạ.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 17:14). Và Đức Chúa Trời đã hướng dẫn Môi-se viết “bài hát này”, tức là “Bài ca của Môi-se,” “để bài ca nầy dùng làm chứng cho ta nghịch cùng dân Y-sơ-ra-ên” (Phục truyền Luật lệ Ký 31:19). Hành động ghi lại, như những hướng dẫn này chứng minh, là nhằm mục đích bảo tồn lời Chúa cho các thế hệ mai sau.

Môi-se đã viết ra những điều khoản trong giao ước mà Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên. Sau khi kể lại “tất cả những lời của CHÚA và tất cả các giáo lễ” cho mọi người, “Môi-se chép hết mọi lời của Đức Giê-hô-va” (Xuất Ê-díp-tô Ký 24:3-4). Một lần nữa Chúa phán “Đức Giê-hô-va cũng phán cùng Môi-se rằng: Hãy chép các lời nầy; vì theo các lời nầy mà ta lập giao-ước cùng ngươi và cùng Y-sơ-ra-ên.” (34:27). Vào cuối cuộc hành trình trên đất của mình Môi-se đã lặp lại những lời của giao ước với dân chúng khi họ chuẩn bị băng qua sông Giô-đanh vào Đất Hứa (Phục truyền Luật lệ Ký 29:1; 30:1). “Khi Môi-se chép những lời luật-pháp nầy trong một cuốn sách xong rồi, thì ra lịnh cho người Lê-vi: Hãy lấy cuốn sách luật-pháp nầy, để bên hòm giao-ước của Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi. Nó sẽ ở đó làm chứng nghịch cùng ngươi” (Phục truyền Luật lệ Ký 31:24-26; xem thêm 31:9). “Quyển sách luật pháp này” không chỉ là những điều răn và quy chế khác nhau. Như chúng ta đã thấy, Môi-se đã viết tường thuật về sự thất bại của A-ma-léc. Và ông cũng ghi lại cuộc hành trình của dân tộc từ Ai Cập đến Y-sơ-ra-ên (Dân số Ký 33:2). “Sách giao ước,” như nó đã được biết đến (2 Các Vua 23: 3,21; xin xem 2 Sử ký 34:14), không chỉ đơn giản là các quy định của giao ước; nó cũng bao gồm bản ký thuật về hoạt động của các thành viên trong giao ước. Trong lời từ biệt của mình, Giô-suê đã ghi lại việc tái lập giao ước với dân chúng tại Si-chem (Giô-suê 24:25-26). Sau đó, các ghi chép lịch sử về hành động của các vị vua Y-sơ-ra-ên được các tiên tri Sa-mu-ên, Na-than và Gát (1 Sử ký 29:29)7 chấp bút.

Các hướng dẫn để viết Lời Chúa cũng được trao cho các tiên tri sau này. Mệnh lệnh cho Ê-sai đặc biệt có tính hướng dẫn ở chỗ mục đích của việc viết ra phải được trình bày rõ ràng. “Bây giờ, ngươi hãy đi, chạm lời nầy trên bảng nhỏ ở trước mặt họ, hãy chép vào sách, để truyền lại đời sau, mãi mãi không cùng.” (Ê-sai 30:8). Thế hệ của Ê-sai là một “dân bội nghịch” (30: 9) là những người đã từ chối tiếng nói của Đức Chúa Trời. Nhưng lời của Đức Chúa Trời qua tiên tri sẽ vẫn giữ được sức mạnh của nó như là Lời của Đức Chúa Trời khi nói với các thế hệ sau này sau khi Ê-sai qua đời (Ê-sai 8:1). Giê-rê-mi và Ha-ba-cúc cũng được hướng dẫn viết ra những lời tiên tri (Giê-rê-mi 30: 2; 36: 2-4, 27-32; Ha-ba-cúc 2: 2). Các tài liệu tham khảo khác chỉ ra rằng các tiên tri đã viết cũng như nói các thông điệp của họ (ví dụ, Giê-rê-mi 15:13; 45:1; 51:60). Thậm chí toàn bộ sách tiên tri cũng được mô tả là “lời của CHÚA” (ví dụ, Ô-sê 1:1; Mi-chê 1:1; Sô-phô-ni 1:1).

Do đó, Cựu Ước làm chứng rõ ràng cho lẽ thật rằng Đức Chúa Trời phán lời Ngài qua văn tự cũng như lời nói. Hơn nữa, toàn bộ bài viết, không chỉ một số phần, được xác định là Lời Đức Chúa Trời. Điều này thậm chí càng trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta xem xét thái độ của Chúa Giê-su và những người khác trong Tân Ước đối với các sách Cựu Ước. Nhưng nguyên tắc này đã được minh bạch trong chính Cựu Ước. Tất cả Ngũ Kinh, không chỉ một số mệnh lệnh, đều là Lời Đức Chúa Trời. Giô-suê phải làm tất cả những gì được chép trong “quyển sách luật pháp” (Giô-suê 1: 8), trong đó chính ông cũng đã viết nhiều điều. E-xơ-ra đọc “các lời của luật-pháp” (Nê-hê-mi 8:13). Và phần giới thiệu của toàn bộ sách tiên tri đi liền với tuyên bố, “Lời của Chúa đã đến … ngụ ý rằng toàn bộ sách được coi là [‘lời của Chúa’).”8 Không có sự phân biệt nào giữa những tuyên bố trong sách được quy trực tiếp cho Đức Chúa Trời và những bình luận lịch sử của nhà tiên tri. “Ở đây, chúng ta có một sự chuyển tiếp sang quan điểm cuối cùng rằng không chỉ là sách tiên tri, mà toàn bộ Cựu Ước, là Lời của Đức Chúa Trời.”9

LỜI CHỨNG CỦA TÂN ƯỚC

Chúa Giê-su là Lời của Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời đạt đến ý nghĩa đỉnh cao trong Tân Ước khi nó được dùng cho thân vị của Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời (Giăng 1:1). Hơn cả là lời nói hay câu chữ điều này còn truyền tải một thông điệp khái niệm, Lời Đức Chúa Trời là hành động cụ thể của chính Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, Đấng Christ đã đến để hoàn thành luật pháp và các lời tiên tri, không chỉ bằng cách ban cho họ ý nghĩa đầy đủ trong sự dạy dỗ của Ngài mà còn bằng sự sống và cái chết của Ngài (Ma-thi-ơ 5:17). Vì vậy Ngài là “sự cuối-cùng của luật-pháp, đặng xưng mọi kẻ tin là công-bình” (Rô-ma 10:4). Giao ước mới được bày tỏ trong huyết của Ngài. “Nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội” (Ma-thi-ơ 26:28).  Giao ước mới được thực thi trong “những gì diễn ra trong con người Ngài, trong chính cuộc đời mà Ngài đã sống.”10 Chúa Giê-su là Tôi tớ được lời tiên tri nói đến, là người sẽ làm “giao-ước của dân” (Ê-sai 42:6; 49:8, NVB). Ngài mang thông điệp về sự cứu rỗi, nhưng hơn thế nữa, Ngài là “sự công-bình, sự nên thánh, và sự cứu-chuộc” của chúng ta (1 Cô-rinh-tô 1:30), và “chính Ngài là sự hòa-hiệp của chúng ta” (Ê-phê-sô 2:14). Đấng Christ do đó không chỉ đơn giản là Đấng mang đến Lời của Đức Chúa Trời; “Ngài   hợp nhất nó trong thân vị của Ngài, trong tiến trình lịch sử … của cuộc đời và bản thể Ngài.”11

Lời dạy của các Sứ đồ tương đương như Lời của Đức Chúa Trời

Lẽ thật là Chúa Giê-su là hiện thân của Lời của Đức Chúa Trời, tuy nhiên, điều đó không làm lu mờ lời phán của Đức Chúa Trời hay Ngài trở nên kém hơn lời Đức Chúa Trời. Chính Chúa Giê-su đã rao “lời của Đức Chúa Trời” (Giăng 3:34, BPT: xem thêm 7:16; 8:26-28). Cụm từ được phổ biến là “lời của Đức Chúa Trời” được sử dụng trong Tân Ước đề cập đến thông điệp mà các nhân chứng ban đầu đã công bố. Họ mạnh dạn nói “lời Đức Chúa Trời cách dạn-dĩ” (Công-vụ 4:31). Phao-lô và Ba-na-ba công bố “lời của Đức Chúa Trời” trong các nhà hội ở Sa-la-min, “Đến thành Sa-la-min, hai người giảng đạo Đức Chúa Trời trong các nhà hội của người Giu-đa; cũng có Giăng cùng đi để giúp cho. Trải qua cả đảo cho đến thành Ba-phô rồi, gặp một người Giu-đa kia, là tay thuật sĩ và tiên tri giả, tên là Ba-Giê-su, vốn ở với quan trấn thủ tên là Sê-giút Phau-lút là người khôn ngoan. Người nầy đã sai mời Ba-na-ba và Sau-lơ đến, và xin nghe lời Đức Chúa Trời” (Công. 13:5-7). Sau đó họ trở lại để “thăm hết thảy anh em trong các thành mà trước đó họ đã giảng lời Chúa” (15:36).

Phao-lô định cư ở Cô-rinh-tô trong mười tám tháng “dạy lời Đức Chúa Trời” (18:11). Các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca nhận được thông điệp thiêng liêng mà Phao-lô đã tuyên bố với họ là “Lời của Đức Chúa Trời” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13). Sứ đồ Phi-e-rơ viết, “anh em đã được lại sanh, chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống chẳng hư nát, là bởi lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời.  Vì, Mọi xác thịt ví như cỏ. Mọi sự vinh hiển của nó ví như hoa cỏ. Cỏ khô, hoa rụng,

Nhưng lời Chúa còn lại đời đời. Và lời đó là Tin lành đã giảng ra cho anh em” (1 Phi-e-rơ 1:23,25). “Lời của Đức Chúa Trời”, “lời của Chúa,” hoặc “lời” được sử dụng gần như tám mươi lần trong các thông điệp mà các chứng nhân của Hội Thánh đầu tiên công bố về Chúa Giê-su. Ngoài ra, các câu khác cũng đề cập đến sự dạy dỗ của các sứ đồ3 như “lời có ích” (1 Ti-mô-thê 6:3) hay “lời lẽ thật của phúc âm” (word of the truth of the gospel. NKJV) (Cô-lô-se 1:5).

Cựu ước là Lời của Đức Chúa Trời

Các trước giả Tân Ước cũng làm chứng về các cuộn giấy viết của Lời Đức Chúa Trời. Khi nhắc  Ti-mô-thê “biết những lời thánh” từ thời thơ ấu của mình, sứ đồ Phao-lô đã bày tỏ, “Cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời hà hơi vào” (2 Ti-mô-thê 3:15-16). Cụm từ “cả Kinh Thánh” cũng có thể được dịch là “mỗi câu Kinh Thánh,” đề cập đến các phần riêng lẻ. Phao-lô muốn nói đến toàn bộ Kinh Thánh. Điều này sẽ phù hợp với việc ông thường xuyên sử dụng cụm từ “Kinh Thánh có dạy, Kinh Thánh có nói …” (ví dụ, Rô-ma 4:3; 9:17; Ga-la-ti 4:30).

Từ “soi dẫn” ở đây có thể gây hiểu lầm. Hai trong số các nghĩa của nó trong tiếng Anh là “lấp đầy bằng một hoạt ảnh, hoặc nâng cao ảnh hưởng” và “tạo ra hoặc khơi dậy (một cảm giác, suy nghĩ, v.v.).” Cả hai ý nghĩa chính này đều gợi ý rằng “soi dẫn” có nghĩa là ủng hộ hoặc tạo ra điều gì đó trong một điều gì đó khác, cho thấy trong trường hợp này rằng Đức Chúa Trời đã lấp đầy Kinh Thánh bằng sự sống và năng quyền của Ngài. Mặc dù điều này đúng và được dạy trong Hê-bơ-rơ 4:12, nhưng ở đây Phao-lô không đề cập đến tác động của Kinh Thánh, mà là nguồn của chúng — từ Đức Chúa Trời.

Cụm từ “được soi dẫn bởi Chúa” trong tiếng Hy lạp là theopneustos, nó kết hợp danh từ “God” (theos) và tính từ tạo thành từ động từ “hà hơi” (pnẽo). 13Theopneustos luôn có nghĩa bị động là “được Đức Chúa Trời hà hơi,” không phải là “hơi thở của Đức Chúa Trời.” Vậy có nghĩa  Kinh Thánh là sản phẩm của sự thần cảm từ Đức Chúa Trời; những tác phẩm đó đã được Ngài hà hơi vào. Do đó, câu này nhấn mạnh nguồn của Kinh Thánh. Nhưng nó cũng nói lên điều gì đó về bản chất của chúng. Chúng có nguồn gốc từ Đức Chúa Trời, chúng là lời của Ngài. Cần lưu ý rằng mặc dù “tất cả Kinh Thánh” trong 2 Ti-mô-thê 3:16 đề cập cụ thể đến Cựu Ước, nhưng lời dạy của sứ đồ trong các tác phẩm Tân Ước cũng được xem là Kinh Thánh. Chúng cũng được các trước giả khác của Tân Ước xem là Kinh Thánh.

Tân Ước thường kết hợp các tài liệu tham khảo về Cựu Ước với các thông điệp mới về Đấng Christ, gọi cả hai là “lời của Đức Chúa Trời.” Trước giả Hê-bơ-rơ chắc chắn đã bao gồm toàn bộ các tác phẩm Cựu Ước khi ông nói Lời Đức Chúa Trời sống động và quyền năng (Hê-bơ-rơ 4:12). Ngoài ra khi Phao-lô rao giảng, ông thường trích dẫn Cựu Ước để chứng tỏ rằng Chúa Giê-su là Đấng Mê-si đã được hứa ban. Do đó, lời xác nhận của ông về Lời Chúa có bao gồm cả Cựu ước (Cô-lô-se 1:15).

Mặc dù các trước giả Tân Ước không qui cho toàn bộ Cựu Ước là “lời của Đức Chúa Trời”, nhưng có rất nhiều bằng chứng trong Tân Ước cho thấy họ đã coi toàn bộ Cựu Ước là lời của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh Tân Ước thường nói rằng Đức Chúa Trời đã phán qua các trước giả Kinh Thánh là những người đã viết ra Cựu Ước. Và dĩ nhiên, các trước giả Tân Ước cũng thường nói Đức Chúa Trời cũng phán qua các trước giả. Ví dụ, Ma-thi-ơ giới thiệu lời tiên tri trong Cựu Ước về sự ra đời của Chúa Giê-su bằng cách viết, “Những việc nầy xảy ra để ứng nghiệm lời Chúa đã phán bởi tiên tri: ‘Nầy, một trinh nữ sẽ mang thai, và sinh một con trai’” (Ma-thi-ơ 1:22-23). Trong trường hợp này và những trường hợp khác, Cựu Ước được cho là sự giao tiếp trực tiếp từ Đức Chúa Trời (so sánh 2:15) với con người. Tuy nhiên, Cựu Ước là Lời của Đức Chúa Trời ngay cả khi phần trích dẫn là lời của người viết Cựu Ước. Ví dụ, trong Công vụ 4:25 Phi-e-rơ và Giăng nói đến việc Đức Chúa Trời phán “bởi Đức Thánh Linh” trong Thi thiên 2:1-2, nhưng đây thực sự là lời của Đa-vít, vì Đức Chúa Trời đã phán “qua miệng … của Đa-vít.” Đấng Christ đã ứng nghiệm những gì Đức Chúa Trời đã phán, “dùng miệng các tiên tri phán từ thuở trước” (Lu-ca 1:7). Và Thi thiên 95: 7-8 là những lời được Đức Chúa Trời phán ra “qua Đa-vít” (Hê-bơ-rơ 4:7).

Đôi khi các phần của Cựu ước được cho là được Đức Chúa Trời phán trực tiếp mà không có bất kỳ sự liên quan nào đến các trước giả. Một ví dụ là Mười Điều Răn. Ở đây Ma-thi-ơ và Gia-cơ cho biết, được Đức Chúa Trời phán ra, không liên quan đến Môi-se (Ma-thi-ơ 15:4; Gia-cơ 2:11). Ngoài ra, Phao-lô nói rằng Lời Đức Chúa Trời được phán với Pha-ra-ôn (Xuất Ê-díp-tô Ký 9:16) là Kinh Thánh (Rô-ma 9:17).

Ngược lại, Kinh Thánh Cựu ước là lời của Đức Chúa Trời ngay cả khi Đức Chúa Trời không được ghi lại là người phát ngôn. Một minh họa thú vị về sự hiểu biết của Tân Ước về tất cả Kinh Thánh như phát biểu hoặc lời phán của Đức Chúa Trời được trước giả sách Hê-bơ-rơ cung cấp khi ông trích dẫn sáu đoạn Kinh Thánh trong Cựu Ước (Hê-bơ-rơ 1:5-13). Khi giới thiệu mỗi trích dẫn đó, ông viết rằng Chúa đã nói những lời này. Tuy nhiên, bốn người trong số những  (1: 6, 7, 8-9, 10-12) người phát ngôn trong Cựu Ước thực sự là một người khác. Bởi vì những câu này là một phần của Kinh Thánh Cựu ước, chúng đều là lời của Đức Chúa Trời.

Tân Ước là lời của Đức Chúa Trời

Tân ước gọi những tác phẩm thiêng liêng của Cựu Ước là lời Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng có thể gọi Tân Ước là Lời của Đức Chúa Trời? Vì quá trình viết và tập hợp các tác phẩm Tân Ước (trong thế kỷ đầu tiên) vẫn đang diễn ra, nên không có tuyên bố nào mô tả toàn bộ Tân Ước là “Kinh Thánh” hay “Lời của Đức Chúa Trời.” Tuy nhiên, một số yếu tố chỉ ra rằng các trước giả Tân Ước đã xem các tác phẩm của họ cùng thể loại với Kinh Thánh Cựu Ước, điều này có nghĩa Cựu và Tân ước đều là Lời của Đức Chúa Trời.

Các trước giả thường ghi lại lời phán trực tiếp của Đức Chúa Trời. Lời của Đức Chúa Trời đã được nghe khi làm phép báp têm và sự biến hình của Chúa Giê-su (Ma-thi-ơ 3:17; 17:5). Chúa phục sinh đã nói chuyện với Phao-lô trên Đường Đa-mách (Công vụ 9:4) và sau đó (19:9-10; 23:11) cũng như với những người khác (9:11-16; 10:13), và Chúa Giê-su Christ đã nói lời Ngài cho sứ đồ Giăng (Khải huyền 1:17-3:22).

Sự ngang bằng của Tân Ước với Cựu Ước như Lời của Đức Chúa Trời cũng nằm sau lời khuyến khích “đọc” (nghĩa là đọc to) các bức thư sứ đồ trong các nhà hội (Cô-lô-se 4:16; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:27; xem thêm 2 Cô-rinh-tô 1:13). Trong các buổi họp tại nhà nguyện Do Thái, Kinh Thánh Cựu Ước được đọc công khai (Lu-ca 4:16; Công vụ 13:15; 15:21; 2 Cô 3:15). Việc đọc các tác phẩm Tân Ước trong nhà thờ cùng với Cựu Ước chứng tỏ rằng ngay từ đầu chúng đã được xếp ngang hàng với Cựu Ước. Phi-e-rơ đã nói rõ điều này khi ông đề cập đến các thư của Phao-lô cùng với “phần còn lại của Kinh Thánh”. (2 Phi-e-rơ 3:16).

Khi Phao-lô trích dẫn trong 1 Ti-mô-thê 5:18 từ Phục truyền luật lệ ký 25:4 và Lu-ca 10:7, ông gọi chúng là “Kinh Thánh”, do đó chúng ta có thể xếp Cựu ước và Tân ước vào cùng một loại.

Cuốn sách cuối cùng của Kinh Thánh được gọi là “sự mặc khải của Chúa Giê-su Christ, mà Đức Chúa Trời đã ban … cho tôi tớ của Ngài là Giăng” (Khải huyền 1:1). Sau đó, Giăng đã làm chứng rằng ông “làm chứng cho lời của Đức Chúa Trời và cho lời chứng của Chúa Giê-su Christ” (1:2). Vì vậy, toàn bộ Sách Khải huyền là lời của Đức Chúa Trời được Đấng Christ làm chứng cho (22:16, 18, 20), lời tuyên bố ban phước cho người “đọc [người đọc công khai] và những người nghe những lời tiên tri [Sách Khải Huyền]” có thể liên tưởng đến những lời của Chúa Giê-su trong Lu-ca 11:28: “Phước cho những ai nghe lời Đức Chúa Trời và tuân giữ lời ấy.” Lời cảnh báo của Chúa chống lại bất kỳ ai thêm hoặc bớt “những lời tiên tri của sách này” cũng tương tự như lời cảnh báo của Cựu Ước về việc thêm vào các điều răn của Đức Chúa Trời (Phục truyền luật lệ ký 4:2; 12:32). Vì vậy, Sách Khải huyền đã được trình bày rõ ràng như là Lời Đức Chúa Trời.

LỜI THÀNH VĂN VÀ LỜI CÁ NHÂN CỦA CHÚA GIÊ-SU CHRIST

Các nhà thần học chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa duy lý đã nhất quán bác bỏ Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời và thay vào đó khẳng định rằng chỉ có Chúa Giê-su Christ là Lời của Đức Chúa Trời. Vào cuối thế kỷ XIX, F. W. Farrar người đứng đầu của Giáo hội Anh đã trích dẫn lời của một người khác để bày tỏ quan điểm: “Hãy loại bỏ sự thành kiến của những ai chấp nhận lời ghi chép của con người là Lời của Đức Chúa Trời.  Cơ đốc nhân được yêu cầu chỉ tin cậy Đấng Christ, và không kêu cầu với bất cứ ai khác mà chỉ duy Ngài mà thôi.”16 Gần đây hơn, John Barton trong một cách lập luận không phù hợp cho rằng “Chỉ có ‘Kinh Thánh’ là nguồn cho thẩm quyền của Phao-lô. Điều quan trọng đối với Phao-lô là các hành động của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ.”17 Karl Barth đã nói, “Phương trình này: Lời Đức Chúa Trời = Con của Đức Chúa Trời, khiến cho bất cứ giáo lý nào khác có liên quan đến Lời Đức Chúa Trời mà không theo phương trình trên đây đều không thể chấp nhận.” Đối với những người này, Lời của Đức Chúa Trời là sự mặc khải của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ và không có bất kỳ một lời nào khác được chấp nhận.

 

Ngay cả một số tác giả Phúc âm cũng nhấn mạnh đến Đấng Christ là Lời Đức Chúa Trời hơn là về Kinh Thánh. Donald Bloesch, chẳng hạn, viết, “Chúng ta phải ghi nhớ rằng thẩm quyền tối thượng, cuối cùng không phải là Kinh Thánh mà là chính Đức Chúa Trời hằng sống khi chúng ta tìm thấy Ngài trong Chúa Giê-su Christ … Kinh Thánh có thẩm quyền bởi vì nó chỉ ra ngoài quyền lực tuyệt đối của chính nó, là Lời hằng sống và siêu việt của Đức Chúa Trời …. Cũng như Hội thánh phụ thuộc vào Kinh Thánh, nên đến lượt mình Kinh Thánh lại phụ thuộc vào Chúa Giê-su Christ, Đấng hiện thân cho tâm trí và lời khuyên của Đức Chúa Trời.”18 Alister McGrath, một nhà truyền giáo Phúc âm người Anh, khẳng định rằng Kinh Thánh không được coi là “sự mặc khải chính nó”, vì chúng là “một kênh mà qua đó Đức Chúa Trời mặc khải chính Ngài trong Chúa Giê-su Christ.” 19 Tuy nhiên, điều này ngược lại với thực tế. Kinh Thánh – như chúng ta đã thấy, rõ ràng là Lời của Đức Chúa Trời.

Đúng, một người không chỉ là lời nói. Nhưng chúng ta phải cẩn thận rằng chúng ta không phân biệt một cách chắc chắn một người từ những lời nói của anh ta. Một số điều cần lưu ý về mối quan hệ của Lời viết của Đức Chúa Trời, Kinh Thánh và Lời nói cá nhân của Chúa Giê-su Christ.

Thứ nhất, lẽ thật rằng Đấng Christ là sự mặc khải sau cùng và cuối cùng của Đức Chúa Trời không làm cho những hình thức mặc khải trước đây của Đức Chúa Trời trở thành điều gì đó khác với Lời mặc khải của Ngài. Như trước giả Hê-bơ-rơ khẳng định, Đức Chúa Trời phán cả “trong các tiên tri” và “trong Con Ngài” (Hê-bơ-rơ 1:1-2). Như chúng ta đã thấy, lời của các nhà tiên tri là lời của Đức Chúa Trời. Trên thực tế, bản thân Kinh Thánh đề cập đến cả Chúa Giê-su Christ và phần Kinh Thánh đã viết là Lời của Đức Chúa Trời, không có sự phân biệt nào ở đây. Ví dụ, Kinh Thánh là “lời sống và linh nghiệm” (Hê-bơ-rơ 4:12). Và Chúa Giê-su nói những lời của chính Ngài là “thần linh và… sự sống” (Giăng 6:63: xem thêm 1 Phi-e-rơ 1:23).

Một số tác giả tranh luận rằng Kinh Thánh là “lời chứng” hay “nhân chứng” cho Lời hằng sống, chứ không phải chính bản thân Lời. Họ chỉ ra rằng chính Chúa Giê-su đã nói rằng Kinh Thánh “làm chứng” về Ngài (Giăng 5:39). Việc Kinh Thánh làm chứng cho Chúa Giê-su Christ có làm cho nó kém hơn Lời Đức Chúa Trời không? Câu trả lời cho câu hỏi này được nhìn thấy khi chúng ta nhớ rằng Chúa Giê-su làm chứng cho chính Ngài (5:31; 8:14). Ngay cả Cha trên trời và Thánh Linh cũng làm chứng cho Ngài (5:37; 8:18; 15:26). Sự làm chứng của chính Ngài và của Đức Chúa Cha và Thánh Linh chắc chắn Ngài là “lời của Đức Chúa Trời.” Lời chứng của những trước giả Kinh Thánh được viết dưới sự soi dẫn của Thánh Linh chỉ đơn giản là sự tiếp tục của lời chứng này và do đó không khác gì Lời của Đức Chúa Trời. Như Chúa Giê-su đã nói với các sứ đồ của Ngài, Thánh Linh “sẽ làm chứng cho Ta và các ngươi cũng sẽ làm chứng” (15:26-27; xem thêm Lu-ca 24:18; Khải Huyền 1:1).

Thứ hai, lời nói của một cá nhân không thể tách rời khỏi người đó, vì chúng “tiết lộ” bản chất của người nói. “Vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra” (Ma-thi-ơ 12:34) và “tấm lòng” ám chỉ điều thực sự ở bên trong chúng ta (Châm ngôn 27:19; 1 Phi-e-rơ 3:15). Do đó, lời nói của chúng ta là biểu hiện của chính chúng ta. Nếu một người nói những lời thô thiển hoặc ngu xuẩn, chúng ta có xu hướng nghĩ rằng bản thân anh ta thô thiển hoặc ngu ngốc. Nếu chúng ta tôn trọng lời nói của một người, chúng ta đang tôn trọng người đó. Vâng theo lời Đức Chúa Trời cho thấy chúng ta tôn trọng và yêu mến Ngài. Vì Chúa Giê-su đã nói, “Ai có các điều răn của ta và vâng giữ lấy, ấy là kẻ yêu mến ta” (Giăng 14:21, xem thêm 14:23-24; 15:10, 14).

Từ ngữ, trên thực tế, là cách quan trọng nhất mà chúng ta giao tiếp. Tất nhiên, chúng ta có thể giao tiếp thông qua các hành động của cơ thể (hay ngôn ngữ của cơ thể), nhưng tính ưu việt của lời nói được thể hiện rõ ràng hơn. Theo quan sát của Walter Ong, chúng ta không thể ngồi và nhìn thẳng vào mặt người khác một cách lặng lẽ mà không cảm thấy mất tự nhiên và thậm chí là khó chịu. Nhưng việc nhìn vào người khác khi chúng ta trò chuyện với người đó là điều hoàn toàn tự nhiên.20

Là con người, chúng ta được tạo ra để chia sẻ bản thân với người khác trong giao tiếp bằng lời nói. Lời nói của chúng ta thể hiện những gì chúng ta đang có và suy nghĩ trong tâm trí.

Theo cách tương tự, lời của Đức Chúa Trời không khác gì sự mở rộng của chính Ngài trong việc giao tiếp với chúng ta. Các trước giả của Kinh Thánh đã được Đức Thánh Linh điều khiển khi họ viết và do đó, lời của họ là sản phẩm của sự thần cảm từ Đức Chúa Trời – hay được Ngài hà hơi (2 Ti-mô-thê 3:16). Và vì vậy những lời đó không khác gì những lời của Đức Chúa Trời.

Sự thật này được thấy khi gần đến ngày kết thúc cuộc sống trên đất, Chúa Giê-su nói với các môn đồ của Ngài, “Ta còn có nhiều chuyện nói với các ngươi nữa; nhưng bây giờ những điều đó cao quá sức các ngươi. Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và tỏ-bày… Mọi sự Cha có, đều là của ta; nên ta nói rằng Ngài sẽ lấy điều thuộc về ta mà rao-bảo cho các ngươi vậy” (Giăng 16:12-15). Đức Thánh Linh sẽ tiếp tục dạy những gì Đấng Christ đã dạy các môn đồ. Ngài sẽ tiết lộ cho họ ý nghĩa đầy đủ về cái chết và sự phục sinh của Đấng Christ mà các môn đồ chỉ có thể hiểu được sau khi những sự kiện đó xảy ra. Do đó, những nhân chứng ban đầu đã công bố phúc âm của Đấng Christ là Lời của Đức Chúa Trời vì thực tế đó là sự giảng dạy của Đấng Christ qua Thánh Linh. Các lá thư gửi cho bảy hội thánh trong Khải huyền 2-3 là những ví dụ rõ ràng về tiến trình này. Chúa Giê-su Christ đã nói những lời của từng lá thư đến mỗi hội thánh, và kết thúc bằng lời tuyên bố: “Ai có tai, hãy nghe lời Đức Thánh Linh phán cùng các Hội Thánh” (2:7, 11, 17, 29; 3:6, 13, 22). Những lời của sứ đồ Giăng viết được xem là lời Chúa, tức là những lời của Đức Chúa Trời bày tỏ và truyền đạt qua Con Ngài. Vì vậy, lời phán của Đức Chúa Trời được viết trong Kinh Thánh không thể tách rời với Lời cá nhân của Chúa Giê-su.  Kinh Thánh, Lời được viết ra, là sự bày tỏ về Đấng Christ. Ngài là Lời hằng sống.

 

Ý NGHĨA CỦA KINH THÁNH LÀ “LỜI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI”

Liệu Kinh Thánh có phải là lời mặc khải của Đức Chúa Trời hay là những tác phẩm của con người chỉ làm chứng cho Chúa Giê-su Christ? Niềm tin rằng Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời có ý nghĩa gì? Các câu trả lời sâu hơn cho những câu hỏi này sẽ được trình bày rõ ràng trong các chương sau, nhưng một số hàm ý quan trọng cần được lưu ý ở đây.

Trước tiên, nếu Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, thì chúng ta có một sự mặc khải khách quan bằng lời nói về Đức Chúa Trời trong lịch sử nhân loại ngày nay. Lời của Ngài không chỉ đơn giản là lời nói bên trong của Ngài đối với tấm long con người mà chúng ta có thể dễ dàng nhầm lẫn với ý nghĩ của chúng ta. Tất nhiên, Đức Chúa Trời bởi Thánh Linh của Ngài nói lời của Ngài đến với tấm lòng của chúng ta, chỉ khi đó chúng ta mới thực sự có thể tiếp nhận được. Nhưng Lời của Ngài được ban cho chúng ta trong Kinh Thánh.

Nếu không có Kinh Thánh như một sự mặc khải khách quan của Đức Chúa Trời trong lịch sử, chúng ta sẽ khó biết được nội dung thực sự của Lời Ngài. Nếu Kinh Thánh chỉ là nhân chứng cho Ngôi Lời, thì Ngôi Lời là gì? Câu trả lời thông thường là Đấng Christ. Nhưng Đấng Christ là ai và điều gì được tiết lộ về Ngài? Nếu các tác phẩm của Kinh Thánh chỉ là những lời lẽ khó hiểu của con người, nếu chúng chỉ là một tài liệu của con người thì phải được nộp cho phương pháp nghiên cứu lịch sử-phê phán của con người để biết điều gì đã thực sự xảy ra, thì làm sao chúng ta biết được nội dung thực sự của chúng? Nghĩa là, làm sao nội dung của Kin h Thánh có thể xác định chắc chắn là lời vô ngộ hay chỉ là lời của con người?

Nếu ghi chép trong Kinh Thánh về sự chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su Christ giống như một câu chuyện thần thoại, thì chúng ta không bao giờ có thể chắc chắn rằng các bản ghi chép này là đúng đắn. Nhưng nếu Kinh Thánh là Lời khách quan của Đức Chúa Trời, thì trách nhiệm của chúng ta là tìm cách hiểu và tiếp nhận nó trong sự vâng lời.

Thứ hai, nếu Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời, thì chúng ta phải nghe Kinh Thánh như lời Đức Chúa Trời phán với chúng ta. Chúng ta bày tỏ chính mình cho người khác qua lời nói của mình thì Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài cho chúng ta qua Kinh Thánh để chúng ta có thể nhận biết Ngài. Vì những lời của Kinh Thánh không chỉ đơn giản là lời của những trước giả ghi chép  mà là lời của Đức Chúa Trời hằng sống. Lời này vẫn tiếp tục sống động như khi chúng được viết ra lần đầu tiên. Những lời của tiên tri Ê-sai có thể đã bị những người đương thời bác bỏ, nhưng khi viết chúng trong Kinh Thánh, chúng sẽ “truyền lại các đời sau, mãi mãi không cùng” (Ê-sai 30:8; xem thêm 8:16). Lời Chúa vẫn liên tục được phát ngôn, và một ngày nào đó mọi người sẽ lắng nghe. Đức Chúa Trời vẫn đang “phán” Lời cảnh báo của Ngài về sự cứng long của con người. Lời cảnh báo lần đầu tiên được nói với dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng (Dân-số Ký 14:22-23), sau đó được trước giả Thi-thiên viết lại (Thi-thiên 95:11), và sau đó được gửi đến các độc giả của Sách Hê-bơ-rơ (Hê-bơ-rơ 4:7). Đức Chúa Trời đã ban một số chỉ dẫn cụ thể cho một số người nhất định, những chỉ dẫn đó không thể áp dụng cho chúng ta ngày nay, nhưng lời dạy của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh vẫn truyền đạt lẽ thật của Ngài đến bây giờ. Cha mẹ đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho con cái, chẳng hạn như thời gian đi ngủ, nhưng những hướng dẫn đó không còn được áp dụng khi trẻ đã trưởng thành. Nhưng điểm chính yếu của những hướng dẫn đó – rằng mọi người cần nghỉ ngơi hợp lý – vẫn có giá trị đối với người lớn. Tương tự như vậy, Đức Chúa Trời nói lẽ thật của Ngài với chúng ta theo cách mới mỗi ngày qua những lời Kinh Thánh.

Thứ ba, vì Kinh Thánh là Lời khách quan của Đức Chúa Trời, nên nó luôn luôn là như vậy. Do đó, thật sai lầm khi nói rằng Kinh Thánh trở thành Lời của Đức Chúa Trời khi Ngài dùng nó để nói với ai đó. Kinh Thánh là Lời hằng sống của Đức Chúa Trời, cho dù người ta có công nhận nó như vậy hay không. Chúa Giê-su đã nói những lời của Đức Chúa Trời, nhưng nhiều người không nhận ra những lời đó bởi vì như Ngài đã nói, họ không thể “nghe lời Ta” (Giăng 8:43). Vì vậy, thay vì chờ đợi Kinh Thánh trở thành Lời Đức Chúa Trời, chúng ta nhận ra rằng đó là Lời của Ngài. Vì vậy, chúng ta cùng trước giả Thi-thiên cầu nguyện rằng, “Xin mở mắt tôi để tôi được nhìn thấy những điều lạ lùng trong luật pháp của Chúa” (Thi Thiên 119:18). Đó là, chúng ta cầu xin Đức Chúa Trời cho phép chúng ta hiểu những gì Ngài đã phán trong Kinh Thánh. Trách nhiệm của chúng ta là vâng theo lời của Chúa Giê-su là “hãy coi chừng về cách các ngươi nghe” (Lu-ca 8:18).

PHẦN KẾT LUẬN

Vì lời nói là nền tảng của mối quan hệ của chúng ta với người khác, nên chúng cũng nằm trong mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời. Lời của Ngài được hiện diện trong thân vị và chức vụ của Đấng Christ. Nhưng nó cũng được đưa ra dưới dạng lời nói và văn bản để chúng ta có thể biết Ngài và những gì Ngài đòi hỏi ở chúng ta. Do đó, Đức Chúa Trời nhìn chúng ta trong Đấng Christ qua lời thành văn của Ngài là Kinh Thánh, và chúng ta đáp lại điều này. Dấu hiệu  thật của các môn đồ của Chúa Giê-su là “họ đã giữ lời Cha” (Giăng 17: 6; xem thêm 8:51; 15:10). Dân sự trong thời kỳ Cựu Ước đã ràng buộc với Ngài trong giao ước khi họ nghe lời Ngài và đáp lại rằng: “Chúng tôi xin làm mọi việc ĐỨC GIÊ-HÔ-VA đã phán dặn” (Xuất Ê-díp-tô Ký 19: 8; xem thêm 24:7). Do đó, bản sắc của dân sự Đức Chúa Trời nằm trong cuộc đàm thoại mà họ tiếp tục với Đức Chúa Trời, lắng nghe Lời Ngài và vâng theo Lời Ngài. Theo lời chứng của cả Cựu ước và Tân ước, những lời thành văn trong Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời. Vì vậy, mối quan hệ của chúng ta với Ngài tùy thuộc vào việc chúng ta có Lời của Đức Chúa Trời hay không.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

8

Đấng Christ Quan Niệm Thế Nào Về Kinh Thánh?

CÁC CƠ ĐỐC NHÂN LUÔN LUÔN tin rằng những lời của Chúa Giê-su là hoàn toàn có thẩm quyền và đáng tin cậy. Trong khi Ngài còn ở trên đất, Ngài tuyên bố chỉ nói những lời của Đức Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài đến thế gian. “Đạo lý của ta chẳng phải bởi ta, nhưng bởi Đấng đã sai ta đến.” (Giăng 7:16; xin xem thêm 8:28; 12:49). Các sách Phúc âm ghi lại rằng “đoàn dân lấy đạo Ngài làm lạ; vì Ngài dạy như là có quyền” (Ma-thi-ơ 7:28-29). Chính Ngài đánh giá về những lời dạy của Ngài, khi phán rằng: “Trời đất sẽ qua đi, xong lời ta không bao giờ qua đâu.” (Mác 13:31). Những lời phán của Ngài sẽ phán xét loài người nơi ngày sau cùng. (Giăng 12:48). Chỉ những ai nghe lời Ngài và đem ra thực hành mới vượt qua thử thách cuối cùng của cuộc đời (Ma-thi-ơ 7:24–25).

Một số người có tư tưởng rằng những lời dạy của Chúa Giê-su, được in bằng màu đỏ trong một số Kinh Thánh, bằng cách nào đó thì có thẩm quyền hơn phần còn lại của Kinh Thánh. Tất cả Kinh Thánh đều có thẩm quyền, bởi vì như đã thảo luận trong chương trước, Đức Chúa Trời chính là Tác giả của Kinh Thánh. Tuy nhiên, những lời dạy của Chúa Giê-su vẫn đặc biệt quan trọng vì Ngài là chính là — Con Đức Chúa Trời. Vì Ngài là Chúa của chúng ta, nên điều quan trọng là chúng ta phải đặc biệt chú ý đến những gì Ngài đã nói về Kinh Thánh. Thái độ của Ngài đối với Lời của Đức Chúa Trời cũng phải là thái độ của chúng ta.

 

SỰ NỔI BẬT CỦA KINH THÁNH TRONG CUỘC ĐỜI CỦA CHÚA GIÊ-SU

Chúa Giê-su Thường Xuyên Sử Dụng Kinh Thánh

Cho dù Ngài đang chiến đấu với Sa-tan trong khi Ngài chịu cám dỗ, khi giảng dạy cho đám đông bên bờ biển, hay khi chỉ dẫn các môn đồ của Ngài, những lời của Chúa Giê-su đều được nhấn mạnh đến việc trích dẫn từ Kinh Thánh Cựu Ước. Những lời đó luôn ở trên môi Ngài trong lời cầu nguyện, ngay cả trong sự thương khó của Ngài trên thập tự giá. Tâm trí của Ngài ngập tràn những lời Kinh Thánh đến nỗi Ngài dùng những lời đó để bày tỏ cảm xúc của chính Ngài. Nỗi thống khổ của Đa-vít nhiều thế kỷ trước đó đã trở thành biểu hiện cho nỗi đau đớn tột cùng của chính Ngài khi Ngài kêu lên từ thập tự giá, “Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?” (Ma-thi-ơ 27:46). Và khi Ngài chết, Ngài đã phán theo lời của tác giả Thi thiên: “Tôi phó thác thần linh tôi vào tay Chúa” (Thi thiên 31:5; Lu-ca 23:46). Ngay cả sau khi Ngài sống lại, Ngài cũng đã giải thích Kinh Thánh (24: 44–45).

Trong bản dịch King James, bốn sách Phúc âm bao gồm 3.779 câu. Theo Graham Scroggie, thì trong đó có 1.934 câu hầu hết hoặc một phần là chứa những lời phán của Đấng Christ.1 Trong số 1.934 câu này có khoảng 180 câu, hoặc khoảng một phần mười là trích dẫn hoặc ám chỉ đến Kinh Thánh Cựu Ước. Ngay cả điều này cũng không cung cấp cho chúng ta bức tranh đầy đủ, vì như John W. Wenham lưu ý rằng, “Trong nhiều đoạn văn, đơn giản là không có cách nào để phân biệt giữa sự ám chỉ có ý thức của Chúa Giê-su đối với Cựu Ước và cách sử dụng bình thường, theo thói quen của Ngài đối với lời phán và hình thức tư tưởng trong Cựu Ước. Lời Kinh Thánh đã xuyên thấu qua tâm trí của Đấng Christ.”2

Nhiều đề cập đến Kinh Thánh của Chúa bao gồm toàn bộ phạm vi lịch sử Cựu Ước. Trong số đó rất nhiều người và sự kiện mà Chúa Giê-su đề cập đến là việc tạo dựng A-đam và Ê-va và định chế hôn nhân (Ma-thi-ơ 19:4-6), cái chết của A-bên (23:35), thời kỳ Nô-ê và cơn Đại hồng thủy (24:37-38), sự hủy diệt của Sô-đôm (Lu-ca 17:29), Áp-ra-ham (Giăng 8:56). Y-sác và Gia-cốp (Ma-thi-ơ 8:11), sự xuất hiện của Đức Chúa Trời trong bụi gai cháy (Mác 12:26), cuộc đời của Đa-vít (Ma-thi-ơ 12:3), Sa-lô-môn (12:42), chức vụ của Ê-li (Lu-ca 4:25), và sự tử đạo của tiên tri Xa-cha-ri (Ma-thi-ơ 23:35). Ông cũng đề cập đến sự cung ứng kỳ diệu của Đức Chúa Trời về ma-na (Giăng 6:49), cái chết của vợ Lót (Lu-ca 17:31-32), con rắn đồng (Giăng 3:14), Giô-na và con cá lớn (Ma-thi-ơ 12:40).

Việc Chúa Giê-su đề cập đến những sự kiện này và những nhân vật trong Cựu Ước không chỉ đơn giản là những giải thích phụ thêm vào sự dạy dỗ của Ngài. Nhiều người trong số những nhân vật và sự kiện này đã báo trước về chức vụ thiên sai của Ngài và các sự kiện trong tương lai của những ngày sau rốt. Đa-vít, Sa-lô-môn, Giô-na và những người khác, là những hình ảnh của chính Ngài, và con rắn bằng đồng là tượng trưng cho sự cứu rỗi của Ngài thông qua thập tự giá. Thời kỳ của Nô-ê là tượng trưng cho sự phán xét chung cuộc hầu đến.

Một số người nói rằng việc Chúa Giê-su đề cập đến những sự kiện này không có nghĩa là Ngài coi chúng là lịch sử. Sau hết, điều này được lập luận rằng, người ta có thể sử dụng truyền thuyết làm minh họa cho lẽ thật thuộc linh. Tuy nhiên, cách Chúa Giê-su trích dẫn những sự kiện này trong sự dạy dỗ của Ngài để xác nhận tính thực tế lịch sử của chúng. Việc Chúa Giê-su đề cập đến chế độ một vợ một chồng (Ma-thi-ơ 19:4-5; Mác 10:6-8) chắc chắn ngụ ý tính lịch sử của câu chuyện buổi đầu Sáng thế về A-đam và Ê-va. Chúa Giê-su tuyên bố rằng “Ðến ngày phán xét, dân thành Ni-ni-ve sẽ đứng dậy với dòng dõi nầy mà lên án nó, vì dân ấy đã nghe lời Giô-na giảng và ăn năn;” (Ma-thi-ơ 12:41) sẽ là vô nghĩa trừ khi có “người dân của Ni-ni-ve” thực sự đã từng nghe một nhân vật lịch sử tên là Giô-na. Như T.T. Perowne đã viết, không thể “giả sử Ngài nói rằng những người tưởng tượng mà giảng dạy tưởng tượng về một nhà tiên tri tưởng tượng đã ăn năn trong tưởng tượng, sẽ trỗi dậy vào ngày hôm đó [phán xét] và lên án việc ăn năn thật của những người nghe thật của Ngài.”3 Lời tuyên bố tương tự rằng trong ngày phán xét thì dân thành Sô-đôm sẽ bị nhẹ hơn đối với dân thành Ca-bê-na-um, là những người đã thấy những công việc kỳ diệu của Ngài nhưng không chịu ăn năn (11: 23–24), cho thấy rõ ràng tính lịch sử của biến cố tại Sô-đôm. Điều tương tự cũng phải nói là về việc Ngài đề cập đến cơn Đại hồng thủy như một bức tranh về sự phán xét hầu đến. Việc so sánh sự chết và sự sống lại của chính Ngài với “ba ngày ba đêm trong bụng cá lớn” của Giô-na (12:40) tùy thuộc vào kinh nghiệm thực tế của Giô-na.

Những ví dụ này và những ví dụ khác, chẳng hạn như các liên quan đến Áp-ra-ham (Giăng 8:56-58) và Ê-li và Ê-li-sê (Lu-ca 4:25-27), cho thấy rằng Chúa Giê-su, trái với nhiều người chỉ trích Kinh Thánh, đã chấp nhận tính lịch sử của toàn bộ Cựu Ước. Theo lời dạy của Chúa Giê-su, thì Đức Chúa Trời đã tạo ra hai con người đầu tiên là A-đam và Ê-va (Ma-thi-ơ 19:4), Ca-in và A-bên (Lu-ca 11:51), và có một trận lụt vào thời kỳ Nô-ê. Sô-đôm và Gô-mô-rơ đã bị lửa thiêu hủy, và sự việc của vợ Lót là biến cố có thật trong lịch sử (17:29–32). Tương tự, các phép lạ của Ê-li (4:25–26) và ghi chép bị nhiều chế giễu về Giô-na và con cá lớn (Ma-thi-ơ 12:40–41) là các sự kiện lịch sử đáng tin cậy. Không có tài liệu nào cho thấy Chúa Giê-su đã từng ám chỉ rằng bất kỳ con người và sự kiện nào mà Cựu Ước trình bày một cách trung thực như lịch sử đều là những ghi chép chính xác về thực tế.

Trái ngược với quan điểm của nhiều học giả hiện đại, Chúa Giê-su khẳng định quyền tác giả của Môi-se đối với năm sách đầu tiên của Kinh Thánh, thường được gọi là Luật pháp. Chúa Giê-su đề cập đến Môi-se là người viết Luật pháp khoảng hai mươi lần, và Ngài đã trích dẫn Môi-se mười sáu lần. Ngài đã hỏi một cách cường điều “Môi-se há chẳng ban luật pháp cho các ngươi sao?” (Giăng 7:19). Ngoài ra, thuyết tự do cho rằng Sách Ê-sai được viết bởi hai hoặc nhiều tác giả là trái với sự dạy dỗ của Chúa Giê-su. Theo các học giả tự do, Ê-sai 1–39 được viết bởi một người và các chương 40-66 được viết bởi một Ê-sai thứ hai hoặc đệ nhị Ê-sai (và một số gán cho các chương từ 56-66 là “Ê-sai” thứ ba). Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã đưa ra những tuyên bố từ tất cả các phần của sách cho Ê-sai. Trong một trường hợp, Chúa Giê-su đã trích dẫn từ cả Ê-sai 53 và Ê-sai 6, kể cả về tiên tri Ê-sai (Giăng 12:38-41).

Khái niệm về Kinh Thánh của Chúa Giê-su bao gồm toàn bộ Cựu Ước, như được thấy khi Ngài đề cập đến “Luật pháp Môi-se và các sách Tiên tri và Thi thiên” (Lu-ca 24:44). Vào thời điểm đó, một cách đề cập đến Cựu Ước là nói đến sự phân chia ba phần của sách gồm: Luật pháp, Các Lời tiên tri và các sách Văn thơ. Thi thiên là cuốn sách đầu tiên trong bộ sách Văn thơ. Do đó, Chúa Giê-su đã nói về toàn bộ Cựu Ước, coi tất cả ba phần đó là “Kinh Thánh” (24:45). Toàn bộ Kinh Thánh cũng được mô tả là Luật pháp và các lời tiên tri (Ma-thi-ơ 5:17), hoặc đơn giản là “Luật pháp” (5:18; Giăng 10:34).4

Sự hiểu biết rộng rãi của Chúa Giê-su đối với Kinh Thánh và đặc biệt là vị trí trung tâm của nó trong tất cả sự dạy dỗ và chức vụ của Ngài dẫn đến kết luận rằng Ngài hoàn toàn tin tưởng và thực hành trong cuộc sống của chính mình. Trích dẫn Kinh Thánh được ghi lại đầu tiên của Ngài, “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Ðức Chúa Trời.” (Ma-thi-ơ 4:4; xin xem Phục truyền Luật lệ Ký 8:3). Charles Haddon Spurgeon từng nói với giáo đoàn của mình, “Thật là diễm phúc khi được ăn sâu vào chính linh hồn của Kinh Thánh cho đến tận cuối cùng, bạn nói chuyện bằng ngôn ngữ Kinh Thánh, và tâm linh bạn được thấm nhuần những lời của Chúa, đến nổi máu của bạn là sự sống Kinh Thánh và chính linh hồn của Kinh Thánh chảy ra từ bạn.”5 Không ai làm gương tốt hơn cho điều này như Chúa Giê-su.

 

SỰ CÔNG NHẬN CỦA CHÚA GIÊ-SU VỀ THẨM QUYỀN CỦA KINH THÁNH

Cá Nhân Chúa Giê-su Phục Tùng Kinh Thánh

Sự tôn trọng của Chúa Giê-su đối với Kinh Thánh không chỉ thể hiện qua số lần được tìm thấy nơi môi miệng Ngài. Nó cũng được thấy trong sự phục tùng của Ngài đối với thẩm quyền của Kinh Thánh. Bắt đầu bằng sự cám dỗ của Sa-tan, Chúa Giê-su nhận ra rằng Kinh Thánh đã đưa ra những mệnh lệnh trái ngược với những gì ma quỷ đang yêu cầu, và Ngài quyết tâm vâng theo Lời của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 4:4, 6-7,10). Ngài biết rằng ý muốn của Đức Chúa Trời dành cho Đấng Mê-si đã được báo trước trong Cựu Ước là để Ngài phải chịu đau khổ và chết. Vì vậy, Ngài đã chống lại sự từ chối của Phi-e-rơ đối với lẽ thật này, khi nhìn nhận đó là sự cám dỗ đến từ Sa-tan (16:23).

Các hành động của Ngài thường bị các nhà lãnh đạo tôn giáo buộc tội rằng Ngài đã vi phạm các điều răn của Luật pháp (Mác 2:24-28; 3:4; Lu-ca 13:14-17). Nhưng câu trả lời của Chúa Giê-su luôn luôn giống nhau. Nếu họ hiểu ý nghĩa thực sự của luật pháp, họ sẽ nhận ra rằng Ngài không vi phạm các điều luật theo bất kỳ cách nào (Giăng 7:21-24). Theo Chúa Giê-su, những vấn đề này nảy sinh vì các thầy dạy luật đã phát triển những truyền thống thực sự làm sai lệch Lời của Đức Chúa Trời (Mat 15:6). Ví dụ, Chúa Giê-su thấy rằng những giới hạn của Bộ luật Do Thái, là những quy tắc do các giáo sư Do Thái đặt ra để tuân giữ các điều răn, thực sự có tác dụng ngăn cản người khác tuân giữ điều răn yêu thương người lân cận vào ngày Sa-bát (Mác 3:1-4). Bởi vì Ngài hoàn toàn phục tùng Lời của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su có thể nói với các đối thủ của Ngài, “Ai trong các ngươi kết tội được Ta [chứng minh Ta có tội]?” nhưng không ai có thể làm như vậy (Giăng 8:46; xem thêm 18:23). Học giả Tân Ước Adolph Schlatter đã ghi nhận một cách chính xác, “Chúa Giê-su nhìn thấy toàn bộ sự kêu gọi đời sống của Ngài trong Kinh Thánh—đó không phải là điều không liên quan mà hoàn toàn là trọng tâm trong đời sống của Ngài…. Toàn bộ ý chí của Ngài bị tiêu hao với điều này: để làm theo những gì mà từng điều răn đã truyền. Đây là Một Người—đầu tiên trong lịch sử—không chỉ hiểu biết Lời mà còn thực hiện được.”6

Có lẽ còn hơn cả việc Ngài tuân theo các mệnh lệnh công chính của Luật pháp Đức Chúa Trời dành cho dân Ngài, sự phục tùng của Chúa Giê-su đối với Kinh Thánh được thể hiện rõ ràng qua cách Ngài xem chính Ngài là sự ứng nghiệm của Lời Kinh Thánh đó. Ngài phán trong Kinh Thánh, “hãy làm chứng về Ta” (Giăng 5:39) Và với hai người ở làng Em-ma-út, Ngài phán: “Ấy đó là điều mà khi ta còn ở với các ngươi, ta bảo các ngươi rằng mọi sự đã chép về ta trong luật pháp Môi-se, các sách tiên tri, cùng các Thi Thiên phải được ứng nghiệm” (Lu-ca 24:44).

Sự phục tùng của Ngài đối với Kinh Thánh cũng được nhìn thấy qua cách mà những lời tiên tri đã buộc Ngài phải đi trên con đường đau khổ cho đến chết. Tại lễ báp têm của Ngài, Ngài nói với Giăng Báp-tít, “vì chúng ta nên làm cho trọn mọi việc công bình như vậy.” (Ma-thi-ơ 3:15), nghĩa là, việc làm báp têm cho Ta là điều cần thiết để Ta có thể hoàn thành công việc của Ta trong sự vâng lời với tư cách là Tôi tớ của Chúa. Vào cuối cuộc đời trên đất của Ngài, Chúa Giê-su nói với các môn đồ của Ngài rằng: “Nầy, chúng ta lên thành Giê-ru-sa-lem, mọi điều mà các đấng tiên tri đã chép về Con người sẽ ứng nghiệm. Vì Ngài sẽ bị nộp cho dân ngoại… sau khi đánh đòn rồi, thì giết Ngài đi; đến ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại.” (Lu-ca 18:31-33). “Ngài đã bị kể vào hàng kẻ dữ’. Lời ấy phải ứng nghiệm về chính mình ta. Thật vậy, sự đã chỉ về ta hầu được trọn” (22:37). Sự phục tùng của Ngài đối với vai trò đau khổ mà Cựu Ước đã tiên tri được thấy khi Ngài bị bắt tại Ghết-sê-ma-nê. Khi một trong những môn đồ của Ngài cố gắng bảo vệ Ngài bằng một thanh gươm, nhưng Chúa Giê-su bảo môn đồ đó hãy đặt thanh gươm trở lại vị trí cũ, và nói rằng Ngài có thể cầu xin Cha mình ban cho mười hai đội thiên sứ để bảo vệ Ngài. Ngài từ chối sự trợ giúp như vậy, và giải thích, “Nếu vậy, thế nào cho ứng nghiệm lời Kinh Thánh đã chép rằng việc nầy tất phải xảy đến?” (Ma-thi-ơ 26:54). Như vậy có thể thấy rằng Chúa Giê-su biết trước và Ngài chấp nhận chương trình của Cha thiên thượng.

“Không có tuyên bố rõ ràng nào trong đó Ngài chấp nhận Kinh Thánh Cựu Ước là lời của Đức Chúa Trời có thể ngang bằng với sự lệ thuộc của chính Ngài vào một kế hoạch vĩ đại mà sự mặc khải trước đây ban cho Y-sơ-ra-ên đã hình thành nên trạng thái chuẩn bị này.”7

 

Chúa Giê-su sử dụng Kinh Thánh trong sự giảng dạy của Ngài

Bên cạnh việc thể hiện niềm tin của Ngài vào thẩm quyền của Kinh Thánh bằng cách phục tùng Kinh Thánh trong cuộc sống của chính Ngài, Chúa Giê-su đã sử dụng Kinh Thánh là thẩm quyền tối hậu trong sự dạy dỗ của Ngài. Mặc dù chính Ngài là Lời mặc khải tối hậu của Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 1:3) và mặc dù Ngài đã nhận được sự mặc khải từ Cha (Ma-thi-ơ 11:27), phần lớn sự dạy dỗ của Ngài dựa trên những lời trong Kinh Thánh Cựu Ước. Điều này đặc biệt rõ ràng trong các cuộc tranh luận của Ngài với những người đặt câu hỏi:

 

Các ngươi chưa đọc những gì Đa-vít đã làm phải không? (Ma-thi-ơ 12:3)

Hay là các ngươi không đọc? (12:5)

Các ngươi há chưa đọc sao? (19:4)

Các ngươi chưa hề đọc lời này sao? (21:16)

Các ngươi há chưa hề đọc lời trong Kinh Thánh sao? (21:42)

Các ngươi há không đọc lời Đức Chúa Trời phán sao? (22:31)

Môi-se đã dạy các ngươi điều gì? (Mác 10:3)

Trong luật pháp có chép điều gì? Ngươi đọc gì trong đó? (Lu-ca 10:26)

Vậy thì điều đó viết  gì? (20:17)

Trong luật pháp của các ngươi chép điều gì? (Giăng 8:17)

Điều đó không được chép trong Luật pháp của các ngươi sao? (10:34)

Nhiều lời dạy khác của Chúa Giê-su được giới thiệu bằng những lời tuyên bố tương tự, trong đó Ngài kêu gọi sự chú ý đến Cựu Ước một cách rõ ràng. Nhưng những điều này không có nghĩa là kể tất cả câu chuyện, vì phần lớn Cựu Ước thiết lập nền tảng cho sự dạy dỗ của Ngài mà không có đề cập cụ thể về nó.

Các chủ đề cơ bản về sự dạy dỗ của Chúa Giê-su cũng như những chủ đề có tính chất ngẫu nhiên hơn được xây dựng dựa trên Cựu Ước. Lời tuyên bố của Ngài về vương quốc thiên đàng bắt nguồn từ lời tiên tri của Đa-ni-ên rằng “Đức Chúa Trời trên trời sẽ thiết lập một vương quốc” (Đa-ni-ên 2:44). Trong cuộc trò chuyện của Ngài với Ni-cô-đêm, Chúa Giê-su ám chỉ rằng lẽ thật về sự tái sanh bởi Đức Thánh Linh (Giăng 3:3-8) lẽ ra Ni-cô-đêm là một người cai trị trong Y-sơ-ra-ên phải biết, bởi vì Ê-xê-chi-ên và những người khác đã nói về điều đó (Ê-xê-chi-ên 36:25-27). Chúa Giê-su đề cập đến Đại nạn trong tương lai (Mác 13:14) mà Đa-ni-ên đã viết về nó (Đa-ni-ên 9:27; 11:31; 12:11). Và sự mô tả của Chúa Giê-su về hình phạt đời đời như là điều kiện “đó là nơi sâu bọ chúng nó chẳng hề chết, và là nơi lửa chẳng hề tắt” (Mác 9:48) trích từ Ê-sai 66:24.

Để trả lời câu hỏi của những người Pha-ri-si về việc ly hôn, Chúa Giê-su đã căn cứ thần học về hôn nhân của Ngài dựa trên lời giải trình của sách Sáng thế ký về sự Sáng tạo. Đức Chúa Trời đã tạo ra người nam và người nữ nữ và cả hai trở nên một thịt. Đây là sự dạy dỗ của Kinh Thánh, và vì vậy đây là ý muốn của Đức Chúa Trời (Mat 19: 4-6). Vào một dịp khác, Chúa Giê-su đã tóm tắt sự hiểu biết của Ngài về bổn phận tối thượng của con người trước mặt Đức Chúa Trời trong những lời dạy của Phục truyền luật lệ ký 6:5: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến CHÚA, là Ðức Chúa Trời ngươi.” (Ma-thi-ơ 22:37). Ngay cả điều gọi là Luật Vàng— hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ, “vì ấy là luật pháp và lời tiên tri.” (7:12).

Những lời đã được tiên tri Ê-sai nói nhiều thế kỷ trước cho dân sự vào thời của Ngài cũng được áp dụng cho các thầy thông giáo và người Pha-ri-si vào thế kỷ thứ nhất: “Dân nầy lấy môi miếng thờ kính ta; Nhưng lòng chúng nó xa ta lắm. Sự chúng nó thờ lạy ta là vô ích, Vì chúng nó dạy theo những điều răn mà chỉ bởi người ta đặt ra.” (Mat 15:8-9; trích Ê-sai 29:13). Sự phán xét thiêng thượng về sự mù quáng thuộc linh vì đã khước từ lẽ thật được tiên tri Ê-sai tuyên bố (Ê-sai 6:9-10) vẫn có thể áp dụng cho thế hệ từ chối sự dạy dỗ của Ngài (Mác 3:12).

Đôi khi đó chỉ là một cụm từ hoặc ý nghĩ ngắn gọn có thể áp dụng cho một tình huống nhất định. Chúa Giê-su nói đến cụm từ “chiên không có người chăn” (được dùng nhiều lần trong Cựu Ước) là một mô tả rất thích hợp về đoàn dân đông trong thời của Ngài (Dân số Ký 27:17; Ê-xê-chi-ên 34:5; Ma-thi-ơ 9:36). Ngài cảnh báo đừng chiếm chỗ ngồi danh dự kẻo có người xứng đáng hơn (Lu-ca 14:7-11), lẽ thật này đã được tìm thấy trong Châm ngôn 25:6-7. Câu nói nổi tiếng của Ngài, “Các ngươi thường có kẻ nghèo ở cùng mình” (Ma-thi-ơ 26:11) dựa trên một tuyên bố có hiệu lực trong Phục truyền luật lệ ký 15:11. Những lời dạy của Chúa Giê-su về việc một hòn đá bị những thợ xây dựng từ chối và những ai vấp phải nó sẽ bị dập nát và nó sẽ nghiền nát những người mà nó rơi xuống là được lấy từ Cựu Ước (Ma-thi-ơ 21:42,44; Ê-sai 8:14-15; Đa-ni-ên 2:34,44). Những trích dẫn và lời ám chỉ như vậy về Cựu Ước có thể được nhân lên nhiều lần.

Trên hết, Chúa Giê-su dùng Kinh Thánh để giải thích con người và sứ mệnh của Ngài ở thế gian. Chúng ta đã được nhắc nhớ rằng, sau khi Phục sinh, Ngài đã sử dụng toàn bộ Cựu Ước để chỉ dẫn các môn đồ của Ngài về những điều liên quan đến chính Ngài. Nhưng trước đó rất lâu, Ngài đã nói đến sự ứng nghiệm của Kinh Thánh nơi chính Ngài. Ngài đã đến, Ngài phán, “không phải… phá Luật pháp hay là Lời tiên tri,” song để làm ứng nghiệm.” (Ma-thi-ơ 5:17). Chức vụ của Giăng Báp-tít là chỉ về Ngài, đã ứng nghiệm lời tiên tri của Ê-sai rằng một sứ giả sẽ được sai đến để dọn đường trước mặt Chúa (Ma-thi-ơ 11:10; Ê-sai 40:3). Và Chúa Giê-su đã giới thiệu chức vụ của Ngài tại Na-xa-rét bằng cách lấy cuộn sách trong nhà hội và đọc từ Ê-sai 61:1, “Thần của Chúa ngự trên ta: Vì CHÚA đã xức dầu cho ta đặng truyền Tin Lành cho kẻ nghèo;” (Lu-ca 4:18) Sau đó, Ngài nói những lời này đã được ứng nghiệm trong chính Ngài (4:21). Vào một dịp khác, khi các môn đồ của Giăng đặt câu hỏi liệu Ngài có thực sự là “Đấng Sẽ Đến” hay không, Chúa Giê-su đã xác thực danh tính của Ngài bằng cách chỉ vào các phép lạ của Ngài, điều này làm ứng nghiệm lời tiên tri mà Ê-sai đã nói tiên tri về Đấng Mê-si và thời gian của Ngài trên đất (Ma-thi-ơ 11:1-6; Ê-sai 35:5-6).

Không chỗ nào trong Kinh Thánh mà sự giải thích của Chúa Giê-su về các hành động của Ngài là sự ứng nghiệm của Kinh Thánh rõ ràng hơn là trong các sự kiện xung quanh Sự Đóng đinh. Ngài bị từ chối bởi các nhà lãnh đạo Do Thái (Ma-thi-ơ 21:42; Thi thiên 118:22); Ngài bị phản bội bởi một trong các môn đồ của Ngài (Giăng 13:18; Thi thiên 41:9); các môn đồ của Ngài bị phân tán khi Ngài bị bắt (Ma-thi-ơ 26:31; Xa-cha-ri 13:7); Sự chết thế của Ngài (Mác 10:45; Ê-sai 53:10-11)—tất cả những gì mà Chúa Giê-su nói đều được ứng nghiệm Lời tiên tri của Đức Chúa Trời về chính Ngài.

Chỉ một thời gian ngắn trước khi Ngài chết, “Ðức Chúa Giê-su biết mọi việc đã được trọn rồi, hầu cho lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, thì phán rằng: “Ta khát’” (Giăng 19:28). Ngay cả lời tuyên bố khá ngẫu nhiên của người viết thi thiên về nước uống khó chịu mà Người Đầy tớ Thống khổ của Đức Chúa Trời sẽ nhận được từ những kẻ bắt bớ Ngài cũng phải được ứng nghiệm trong Ngài (Thi thiên 69:21).

Khi Ðức Chúa Giê-su chịu lấy giấm ấy rồi, “bèn phán rằng: ‘Mọi việc đã được trọn’; rồi Ngài gục đầu mà trút linh hồn.” (Giăng 19:30). Tất cả những lời tiên tri trong Kinh Thánh nói về sự sống và cái chết của Ngài đã được ứng nghiệm. Là người Tôi tớ vâng lời, Ngài phải làm trọn những điều đó vì là những Lời của Cha trên trời của Ngài.8

Những gì Chúa Giê-su tin về Kinh Thánh là đặc biệt rõ ràng trong phản ứng của Ngài đối với những người thách thức sự dạy dỗ của Ngài. Trong một số trường hợp, Ngài tìm cách mở rộng tầm mắt của họ trước sự thật bằng cách sử dụng những câu hỏi thăm dò. Trong những cuộc đối đầu này với những kẻ chống đối, Chúa Giê-su luôn luôn cậy vào Kinh Thánh là thẩm quyền tối hậu của Ngài.

Trong dụ ngôn về vườn nho, Ngài đã kể một câu chuyện rõ ràng là châm chích vào lương tâm của những người nghe Ngài, những người đang khước từ Ngài là Con Đức Chúa Trời (Lu-ca 20:16-17). Trong câu chuyện, kết quả của sự khước từ là việc dời chuyển vườn nho, mà vườn nho là tượng trưng cho vương quốc, vương quốc này bị dời chuyển từ những người Do Thái không tin trong thời kỳ của Ngài cho những người khác sẽ tiếp nhận sứ giả chân thật của Đức Chúa Trời. Khi những người nghe từ chối sự ám chỉ của Ngài trong câu chuyện thì la lên rằng, “Ðức Chúa Trời nào nỡ vậy!” (20:16), Chúa Giê-su phản bác lại bằng cách cậy vào Kinh Thánh: “Vậy thì điều này được viết như thế nào? ‘Hòn đá thợ xây nhà bỏ ra, Trở nên đá góc nhà, nghĩa là gì’?” (20:17). Đối với Chúa Giê-su, câu Kinh Thánh Cựu Ước này áp dụng cho hoàn cảnh hiện tại của Ngài, và bởi vì Kinh Thánh có thẩm quyền tuyệt đối, nên sự phản đối của những người nghe Ngài đã bị bác bỏ.

Những kẻ chống đối Ngài thường xuyên tìm cách gài bẫy Ngài bằng những câu hỏi khôn khéo.10 Có một lần, những người Sa-đu-sê, là những người không tin vào sự Phục sinh, nghĩ rằng họ đã bác bỏ được sự Phục sinh bằng cách đưa ra câu hỏi về người phụ nữ giả định là đã kết hôn liên tiếp với bảy anh em (Ma-thi-ơ 22:23-33). Họ muốn biết người phụ nữ này sẽ là vợ của ai sau khi phục sinh.

Chúa Giê-su đáp lại bằng lời tuyên bố: “Ðức Chúa Jêsus đáp rằng: Các ngươi lầm, vì không hiểu Kinh Thánh, và cũng không hiểu quyền phép Ðức Chúa Trời thể nào.” (22:29), và Ngài tiếp tục cho họ một bài học ngắn gọn để sự hiểu biết đúng đắn về Kinh Thánh: “Về sự sống lại của kẻ chết, Các ngươi há không đọc lời Ðức Chúa Trời phán về sự sống lại của kẻ chết rằng: ‘Ta là Ðức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Ðức Chúa Trời của Y-sác, Ðức Chúa Trời của Gia-cốp, hay sao’? Ðức Chúa Trời không phải là Chúa của kẻ chết, nhưng của kẻ sống.” (22:31-32). Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp đã qua đời từ lâu, khi Đức Chúa Trời nói với Môi-se tại bụi gai cháy rằng Ngài là Đức Chúa Trời của họ (Xuất 3:6), điều này cho thấy họ vẫn tồn tại và có sự sống sau khi chết. Điều thú vị cần lưu ý là, theo Chúa Giê-su, Đức Chúa Trời đã nói bằng những từ có thể “đọc được”, tức là Kinh Thánh.

Vào một dịp khác, khi những người Pha-ri-si thách thức Chúa Giê-su về việc làm của các môn đồ Ngài trong ngày Sa-bát, thì Chúa Giê-su đã đáp lại bằng những lời: “Các ngươi không đọc trong Luật Pháp sao? (Ma-thi-ơ 12:5). Lỗi của họ không chỉ là bỏ qua Kinh Thánh, mà còn là không hiểu ý nghĩa của nó. Vì vậy, Chúa đã dạy họ, “Nhưng nếu các ngươi biết điều này có nghĩa là gì, ‘Ta muốn lòng nhân từ, không phải của tế lễ,’ thì các ngươi đã không kết án người vô tội” (12:7; trích dẫn Ô-sê 6:6).

Một lần nữa khi bị những kẻ chống đối thách thức Ngài, Chúa Giê-su đã trích dẫn Kinh Thánh như cách yêu cầu giúp đỡ của tòa án tối hậu của Ngài. Khi những người Pha-ri-si thử Ngài bằng câu hỏi, “Người đàn ông ly dị vợ vì bất cứ lý do gì có hợp pháp không?” Chúa Giê-su đáp: “Các ngươi chưa đọc sao…?” và sau đó Ngài trích dẫn lời giải thích trong Sáng thế ký về hôn nhân đầu tiên cho thấy ý định của Đức Chúa Trời (Mat 19:4-6). Ngay cả khi đáp lại lời buộc tội phạm thượng nghiêm trọng (“ngươi là người, mà tự xưng là Ðức Chúa Trời.” (Giăng 10:33), Chúa Giê-su đã cậy vào Cựu Ước, hỏi rằng: “Điều đó đã không được ghi trong Luật pháp của các ngươi sao?” (10:34).

Đối với Chúa Giê-su, Kinh Thánh là thẩm quyền tối thượng. Không thể bác bỏ việc sử dụng Kinh Thánh đúng cách, và cũng không bao giờ Ngài đặt câu hỏi rằng bất kỳ phần nào là có thẩm quyền. Nếu Kinh Thánh đã nói điều gì, thì điều đó là có thẩm quyền.

 

SỰ DẠY DỖ CỦA ĐẤNG CHRIST VỀ SỰ SOI DẪN CỦA KINH THÁNH

Đối với Đấng Christ, Kinh Thánh Cựu Ước là lời của chính Đức Chúa Trời. Điều thú vị là chúng a không có hồ sơ nào về bất kỳ người nào cùng thời với Chúa Giê-su, kể cả những người chống đối Ngài, từng đặt câu hỏi về sự tin cậy vào Kinh Thánh này, vì họ cũng đánh giá cao về Kinh Thánh, tin rằng Kinh Thánh là những tác phẩm thiêng liêng. Kết quả là chúng ta không có bất kỳ sự giảng dạy đáng kể nào của Đấng Christ về bản chất của Kinh Thánh, vì điều này đã được nhiều người biết đến và chấp nhận. Tuy nhiên, Ngài đã đưa ra một số tuyên bố về Kinh Thánh giúp chúng ta hiểu sâu hơn về sự hiểu biết của Ngài về bản chất được soi dẫn của Kinh Thánh.

 

Hai tuyên bố then chốt

Ma-thi-ơ 5:17-18. Bởi vì Chúa Giê-su chú trọng nhiều hơn đến thái độ của tấm lòng và ít chú trọng đến việc tuân theo các chi tiết của Luật pháp bề ngoài hơn là các giáo sư đương thời với Ngài, câu hỏi về tính chính thống trong Kinh Thánh của Ngài chắc chắn đã dấy lên trong tâm trí của nhiều người. Do đó, Ngài đã tuyên bố bằng những lời bày tỏ rõ ràng quan điểm của Ngài về Kinh Thánh: ” Các ngươi đừng tưởng ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri; ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn. Vì ta nói thật cùng các ngươi, đương khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi được cho đến khi mọi sự được trọn.” (Ma-thi-ơ 5:17-18).

“Luật pháp” và “Tiên tri” (5:17) hay đơn giản là “Luật pháp” (5:18) vào thời Chúa Giê-su là hai cách dùng để chỉ toàn bộ các tác phẩm Cựu Ước.11 Những bài tác phẩm này đều hướng đến Ngài, hoàn toàn là đúng sự thật và sẽ được hoàn thành đầy đủ. Để nhấn mạnh quan điểm của Ngài, Chúa Giê-su đã đề cập đến chữ cái nhỏ nhất là yod trong bảng chữ cái Do Thái, chữ này nhỏ hơn chữ cái i trong tiếng Anh, và đến một nét nhỏ để phân biệt một chữ cái này với chữ cái khác của tiếng Do Thái nhỏ hơn, nhưng có thể so sánh với nét phân biệt giữa chữ E với chữ F, hoặc có thể chỉ là một phần tô điểm nhỏ của một chữ cái tiếng Do Thái. Những lời của Chúa Giê-su tương đương với trong tiếng Anh có thể là, “không một chữ t nào mà bị bỏ gạch ngang hoặc một chữ i nào mà không được đánh dấu chấm.”

Điều này chỉ ra thẩm quyền của Kinh Thánh đến từng chi tiết nhỏ nhất. Mọi điều được viết trong Kinh Thánh đều là chân thật.

Giăng 10:34-36. Những gì Chúa Giê-su nghĩ về Kinh Thánh được thể hiện rõ ràng trong lời tuyên bố của Ngài để bênh vực cho lời tuyên bố của Ngài là Đức Chúa Trời. Để đáp lại những kẻ chống đối Ngài, Chúa Giê-su thường đáp lại lời cáo buộc phạm thượng bằng cách cậy vào Kinh Thánh: “Ðức Chúa Jêsus đáp rằng: Trong luật pháp của các ngươi há chẳng chép rằng: Ta đã phán: Các ngươi là các thần, hay sao? Nếu luật pháp gọi những kẻ được lời Ðức Chúa Trời phán đến là các thần, và nếu Kinh Thánh không thể bỏ được, thì ta đây, là Ðấng Cha đã biệt ra thánh, và sai xuống thế gian, nói: Ta là Con Ðức Chúa Trời, cớ sao các ngươi cáo ta là nói lộng ngôn?” (Giăng 10:34–36).

Lời trích dẫn của Chúa Giê-su được trích từ Thi thiên 82:6, nơi mà tác giả thi thiên gọi các vị quan xét của Y-sơ-ra-ên được xem là “các thần”. Mặc dù Chúa Giê-su không trích dẫn cách diễn đạt song song trong thi thiên, “các con trai của Đấng Chí Cao,” Ngài có thể cho rằng những người nghe Ngài sẽ hiểu được đoạn văn và sẽ biết rằng “các thần” và “các con trai của Đấng Chí Cao” là cùng ý với nhau. Khi trích dẫn đoạn văn này, Chúa Giê-su đã lập luận từ cái nhỏ hơn đến cái lớn hơn. Về bản chất, Ngài nói: “Nếu Kinh Thánh gọi các vị quan xét là những người phục vụ như là phương tiện của Lời Đức Chúa Trời là “các thần”, thì tại sao các ngươi có thể buộc tội Ta là phạm thượng khi Ta tự xưng là Con Đức Chúa Trời?” Chúa Giê-su chắc chắn tự nhận mình là Con Đức Chúa Trời theo nghĩa cao hơn nhiều so với các quan xét thời xưa, nhưng Kinh Thánh gọi loài người là “các thần” nên đã khiến những kẻ chống đối Ngài phải lùi bước trước sự buộc tội phạm thượng lập tức. Ngài muốn làm cho họ dừng lại và xem xét đầy đủ hơn về quyền của Ngài khi tuyên bố rằng Ngài là Con Đức Chúa Trời (10:37-38).

Tuy nhiên, điểm chính cho cuộc thảo luận của chúng ta là trong lời tuyên bố của Ngài “Kinh Thánh không thể bỏ được” (10:35). Như đã đề cập phía trên, thì trích dẫn này về “các thần” được trích từ Thi thiên 82:6, mà Chúa Giê-su gọi là “Luật pháp” (10:34), do đó cho thấy rằng Ngài xem tất cả Cựu Ước là có thẩm quyền. “Luật pháp” và “Kinh Thánh”—những thuật ngữ mà Ngài sử dụng đồng nghĩa—không thể bị “phá bỏ”, nghĩa là chúng sẽ không mất đi hiệu lực và không còn ràng buộc nữa. Kinh Thánh không thể bị vô hiệu hoặc hủy bỏ.

 

Đức Chúa Trời là Tác Giả của Kinh Thánh

Đối với Chúa Giê-su, thẩm quyền của Kinh Thánh dựa trên sự xác tín của Ngài đó là Đức Chúa Trời là Tác giả tối thượng của Kinh Thánh, mặc dù các trước giả con người có liên quan. Để trả lời một câu hỏi liên quan đến hôn nhân và ly dị, Chúa Giê-su trích dẫn những lời được viết bởi trước giả của sách Sáng thế ký, Nhưng những lời này cơ bản là những lời của Đức Chúa Trời, vì Chúa Giê-su đã tuyên bố, “Đấng dựng nên loài người… đã nói” (Ma-thi-ơ 19:4-5).

Nhiều lần Chúa Giê-su gọi Kinh Kinh là sản phẩm của lời tiên tri, mà Cựu Ước đã tuyên bố là lời nói của Đức Chúa Trời thông qua các phương tiện con người. Ví dụ, trong Mác 7:6 Chúa Giê-su đã giới thiệu câu trích dẫn của Ngài về Ê-sai 29:13 bằng cách nói, “Ê-sai đã làm đúng lời tiên tri.” Chúa Giê-su nói “sự hoang tàn ghê tởm” đã được “nói đến qua nhà tiên tri Đa-ni-ên” (Ma-thi-ơ 24:15). Điều này cho thấy, Đa-ni-ên là phương tiện để Đức Chúa Trời phán lời tiên tri này. Thường thì Chúa Giê-su chỉ giới thiệu đơn giản những trích dẫn trong Kinh Thánh với những từ như “Môi-se đã nói” (Mác 7:10). Chỗ khác, thì Chúa Giê-su cho thấy rằng một số câu trong Cựu Ước đã được Đức Chúa Trời phán trực tiếp, vì thế đã khẳng định thẩm quyền thiên thượng tuyệt đối của Kinh Thánh.

Chúa Giê-su cũng dạy rằng các tác phẩm chưa thành hình nên Tân Ước sẽ được Đức Thánh Linh soi dẫn. Khi Ngài nói với các môn đồ, sẽ là những sứ đồ của Hội Thánh ban đầu, Ngài hứa rằng Đức Thánh Linh sẽ “khiến các ngươi nhớ lại tất cả những gì ta đã phán với các ngươi” (Giăng 14:26). Rồi Ngài lại phán: “Ta còn có nhiều chuyện nói với các ngươi nữa; nhưng bây giờ những điều đó cao quá sức các ngươi. Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật…và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến. Ấy chính Ngài sẽ làm sáng danh ta, vì Ngài sẽ lấy điều thuộc về ta mà rao bảo cho các ngươi.” (16:12-14). Mặc dù những lời hứa này về sự dạy dỗ của Thánh Linh có thể được áp dụng theo nghĩa định hướng đối với công việc soi sáng của Thánh Linh trong đời sống của các tín đồ, về tầm quan trọng thực sự của những lời dạy dỗ đó, như DA Carson diễn giải, “không phải để giải thích cách người đọc vào cuối thế kỷ thứ nhất được Thánh Linh dạy dỗ, nhưng để giải thích cho độc giả vào cuối thế kỷ thứ nhất cách mà các nhân chứng đầu tiên, là các môn đồ đầu tiên đã hiểu chính xác và đầy đủ về lẽ thật của Đức Chúa Giê-su Christ.”12

 

Tính vô ngộ của Kinh Thánh

Kinh Thánh không cho thấy dấu hiệu Chúa Giê-su phân biệt giữa những phần Kinh Thánh trình bày về lẽ thật thuộc linh và những vấn đề khác có vẻ không quan trọng hơn, chẳng hạn như các chi tiết về lịch sử hoặc khoa học. Mặc dù đôi khi Chúa Giê-su sử dụng thuật ngữ “Kinh Thánh” để chỉ các đoạn văn cụ thể, như chúng ta đã thấy, thì Ngài cũng đề cập đến toàn bộ Kinh Thánh khi tuyên bố, “Ta nói thật cùng các ngươi, đương khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi được cho đến khi mọi sự được trọn” (Ma-thi-ơ 5:18) và  Kinh Thánh không thể bị “hủy bỏ” (Giăng 10:35). Việc Ngài liên tục đề cập đến “Kinh Thánh” với ngụ ý Đức Chúa Trời là tác giả (ví dụ: Ma-thi-ơ 21:42; Lu-ca 4:21; Giăng 5:39) và những lời tuyên bố của Ngài rằng “Kinh Thánh” phải được ứng nghiệm (ví dụ, Ma-thi-ơ 26:54) chỉ ra rằng toàn bộ Cựu Ước, chứ không chỉ một số phần nhất định của nó, là vô ngộ.

Hai điều thiêng liêng đối với người Do Thái trong thời Đấng Christ—là Kinh Thánh và đền thờ. Khi Ngài tiên tri về đền thờ sẽ bị phá hủy, thì Chúa Giê-su bị buộc tội là nói chống lại đền thờ. Nhưng Ngài chưa bao giờ bị buộc tội vì đã thốt ra một lời nào chống lại Kinh Thánh, điều mà người Do Thái cho là có thẩm quyền tuyệt đối với mọi từ được mô tả là “lẽ thật được mặc khải của Đức Chúa Trời.”13

 

THÁI ĐỘ CỦA CHÚNG TA ĐỐI VỚI SỰ GIẢNG DẠY CỦA ĐẤNG CHRIST

Rõ ràng Chúa Giê-su đánh giá cao về Kinh Thánh. Mặc dù được viết bởi các trước giả con người, nhưng suy cho cùng thì Đức Chúa Trời chính là tác giả và vì thế Kinh Thánh chính là Lời của Đức Chúa Trời.

Một số cố gắng né tránh bằng chứng được trình bày trong chương này bằng cách nói rằng những người viết đã ghi lại quan điểm của họ về Kinh Thánh hơn là niềm tin của Chúa Giê-su. Nói cách khác, các trước giả Phúc Âm, các học giả này khẳng định, đặt quan điểm riêng của họ vào miệng Chúa Giêsu. Vì vậy, chúng tôi thực sự không biết Chúa Giê-su nghĩ gì về Kinh Thánh. Cần lưu ý hai điểm trong việc đáp lại lời giải thích này. Thứ nhất, cách Chúa Giê-su bày tỏ quan điểm về Kinh Thánh xuyên suốt mọi điều Ngài đã dạy và đã làm, để phủ nhận lời giải thích đó là điều đáng tin hầu dẫn đến sự bi quan hoàn toàn về bất kỳ kiến thức lịch sử nào về Ngài. Thứ hai, cách Chúa Giê-su sử dụng Cựu Ước, đôi khi theo những cách rất xác nguyên văn, để giải thích về chính Ngài và công việc của Ngài nên nhiều khả năng khiến cho các môn đồ viết sách Phúc Âm bám theo sự hiểu biết của Chúa Giê-su hơn là tự mình bịa ra.

Những người khác tin rằng thái độ của Chúa Giê-su đối với Kinh Thánh chỉ đơn giản là chỗ dựa cho niềm tin của những người đương thời với Ngài. Ngài cậy vào thẩm quyền của Cựu Ước vì khán giả của Ngài tin rằng điều đó được soi dẫn, chứ không phải vì Ngài đã làm như vậy. Một lời giải thích như vậy không thuyết phục, ít nhất là hai lần. Thứ nhất, các ghi chép của Phúc Âm cho thấy rõ rằng Chúa Giê-su đã không ngần ngại thách thức những người đương thời với Ngài khi Ngài không đồng ý với họ. Tại sao Ngài phải đáp ứng trường hợp cáo buộc sai trái của họ về Kinh Thánh? Thứ hai, không thể tin rằng Ngài có thể nhiều lần liên hệ chính Ngài và chức vụ của Ngài như là sự ứng nghiệm của Cựu Ước, đồng thời tin rằng chúng chỉ là những tác phẩm của con người chứa đầy ngụy biện.

Vẫn còn những người khác tìm cách giải thích những lời dạy của Chúa Giê-su bằng cách tuyên bố rằng khi Ngài trở thành một con người, sự hiểu biết của Ngài bị hạn chế. Hạn chế này bao gồm khả năng mắc sai lầm trong tư tưởng. Có thể nói nhiều điều để trả lời cho ý kiến này, nhưng một lần nữa phải có đũ hai nhận xét. Đầu tiên, giới hạn không nhất thiết liên quan đến sai lầm. Nhưng thứ hai, và quan trọng hơn là Chúa Giê-su đã khẳng định luôn nói sự thật. Nếu Ngài đã nhầm lẫn về Kinh Thánh mà Ngài đặt nền tảng cho sự dạy dỗ của Ngài, thì thật khó hiểu tại sao những lời của Ngài về các vấn đề khác lại được tin cậy.

Không có cách nào làm nổi bật ngụ ý của những lời dạy rõ ràng này của Đấng Christ. Chúng ta biết đến Đấng Christ và tin cậy Ngài vì cớ số phận đời đời của chúng ta chỉ thông qua Kinh Thánh. Vì vậy, đức tin của chúng ta nơi Ngài về bản chất thì được liên kết với đức tin của chúng ta vào tính chân thật của Kinh Thánh. Nếu chúng ta tin vào sự ghi chép của Kinh Thánh về Đấng Christ—rằng Ngài là Đấng mà Ngài đã nói, tức là, Ngài chính là sự mặc khải của Đức Chúa Trời, lẽ thật nhập thể—thì chúng ta phải chấp nhận Ngài như là Vị Thầy có thẩm quyền của chúng ta trong mọi sự, kể cả bản chất của Kinh Thánh. Như ai đó đã nói, “Ngôi Lời Nhập thể đặt ấn tín của Ngài trên Ngôi Lời được Viết ra. Ngôi Lời Nhập thể là Đức Chúa Trời; do đó, sự soi dẫn của Cựu Ước được chứng thực bởi chính Đức Chúa Trời.” Vì vậy, với Đấng Christ, chúng ta phải tin rằng Kinh Thánh là Lời được soi dẫn của Đức Chúa Trời và tất cả những gì Kinh Thánh dạy đều là lẽ thật và có thẩm quyền.

 

 

 

 

 

9

KINH THÁNH LÀ QUYỂN SÁCH CỦA CON NGƯỜI?

 

 

KINH THÁNH, như chúng ta thấy, nhấn mạnh nhiều lần về bản chất là lời Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, quyền tác giả thiên thượng của Kinh Thánh thường bị các học giả phê bình bác bỏ. Kết quả là, những người Tin Lành khi nghiên cứu về bản chất của lời Chúa thường có xu hướng tập trung vào đặc tính thiên thượng và tính vô ngộ của Kinh Thánh. Nhưng việc nhận biết Kinh Thánh là lời Đức Chúa Trời đồng thời cũng là lời con người là cần thiết. Hơn thế nữa, những đặc tính của con người trong Kinh Thánh cũng đóng góp vào giá trị của nó.

 

TÍNH CÁCH CON NGƯỜI TRONG KINH THÁNH

Người Hồi Giáo cho rằng sách thánh của họ – kinh Koran được viết từ trên trời gửi xuống cho Muhammad. Tuy nhiên, không có học giả Cơ Đốc nào tuyên bố như vậy về Kinh Thánh ngoại trừ một vài người trong quá khứ. Ngoài rất nhiều đề cập về các trước giả con người, nhân tố con người trong các sách là rất hiển nhiên. Được viết qua nhiều thế kỷ, phạm vi trải nghiệm của con người, sự đa dạng về nội dung và hình thức văn học của Kinh Thánh thì không có bất kỳ cuốn sách nào có thể so sánh được. Văn xuôi, thơ ca, lịch sử, thần học, văn tường thuật, dụ ngôn, châm ngôn, khải thị, gia phả, luật pháp và thư tín — tất cả và hơn thế nữa đều có trong Kinh Thánh, và tất cả đều là những hình thức viết tiêu biểu của con người vào thời đại của họ. Ví dụ, các bản giao ước trong Cựu Ước giống với các hiệp ước Hittite cổ đại. Ngoài ra, các hướng dẫn về cách cư xử của các tín nhân ở các vị trí khác nhau trong gia đình, cái gọi là “quy tắc gia đình” trong các thư tín Tân Ước (ví dụ, Ê-phê-sô 5: 22-33, 6: 1- 9; Cô-lô-se 3:18-4:1) tương tự như các quy tắc ứng xử đương thời có trước đó.

Như chúng ta đã thấy, Kinh Thánh ghi lại những lời của Đức Chúa Trời phán với con người bằng những câu giới thiệu như “CHÚA phán như vầy”, cũng như những giải thích được soi dẫn về những lời phán này và việc làm của Đức Chúa Trời trong lịch sử. Nhưng những đáp ứng mang tính suy gẫm với lời phán và hành động của Đức Chúa Trời từ phía dân sự Ngài cũng là một phần của Kinh Thánh. Những lời kêu cầu của trước giả Thi thiên cho sự giải cứu của Đức Chúa Trời khỏi kẻ thù mình, cũng như câu cảm thán của ông, “Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài là năng-lực tôi, tôi yêu-mến Ngài.” (Thi thiên 18:1), đều là một phần của Kinh Thánh.

Hơn cả việc phục vụ như những phương tiện truyền đạt ngôn ngữ con người, các trước giả Kinh Thánh là những con người thật đang bày tỏ những ý tưởng qua tâm trí và tính cách cá nhân. Phong cách thơ của các trước giả Thi Thiên đối lập với cấu trúc phân tích và logic trong các thư tín của sứ đồ Phao-lô. Các sách của sứ đồ Giăng và Lu-ca khác nhau về từ vựng và văn phong. Giê-rê-mi thường được gọi là “nhà tiên tri than khóc” vì sự thê lương và u sầu bày tỏ trong các sách của ông.  Phao-lô đề cập đến tiên tri Ê-sai, “Ê-sai nói về dân Y-sơ-ra-ên mà kêu lên rằng…” trong sứ điệp của mình (Rô-ma 9:27), và ở một nơi khác, “Ê-sai nói cách bạo dạn” (10:20). Ê-sai đang truyền thông lời Đức Chúa Trời, nhưng toàn bộ con người của vị tiên tri – tâm trí, cảm xúc, và ý chí – đều dự phần trong tiến trình này.

 

Ngoài những khác biệt trong văn phong và từ ngữ, tính cách của trước giả thường dự phần trực tiếp vào sứ điệp khi họ viết về kinh nghiệm đầu tiên của mình. Khải tượng của Ê-sai về “Chúa ngồi trên ngôi cao-sang” (Ê-sai 6:1) có liên hệ trực tiếp đến sự kêu gọi cá nhân của ông vào chức vụ (6:7-8). Đa-vít bày tỏ kinh nghiệm của mình khi ông viết: “Trước tôi trẻ, rày đã già, nhưng chẳng hề thấy người công bình bị bỏ, hay là dòng-dõi người đi ăn mày” (Thi thiên 37:25). Các nền văn hóa mà các trước giả đã sống thể hiện qua các sách của họ. Nhiều trích dẫn và minh họa của Phao-lô từ (cuộc sống thời La Mã – quân đội, thể thao và luật pháp – thể hiện bối cảnh lịch sử cá nhân của ông. Nhân tố con người của các trước giả cũng dự phần vào chính nội dung và mục đích bảnviết tay của họ. Theo lời của JI Packer, Kinh Thánh đã “được định hình bởi trước giả, thể hiện ra mục đích giáo huấn, mối quan tâm cá nhân, và thần học tổng thể của họ.”

 

Sự thật kép rằng Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời và cũng là lời của con người đòi hỏi cần có một lời giải thích về mối quan hệ của Đức Chúa Trời và các trước giả (là con người) trong quá trình viết ra nó, trong điều thường được gọi là “sự thần cảm của Kinh Thánh.” “Sự thần cảm” của Kinh Thánh đã được giải thích theo một số cách. Ngoại trừ quan điểm “viết lại” thì tất cả đều đồng ý về nhân tố con người đầy đủ trong Kinh Thánh. Sự khác biệt chỉ nằm ở cấp độ và bản chất trong  sự liên kết thiên thượng.

QUAN ĐIỂM CHO RẰNG KINH THÁNH LÀ LỜI CỦA CON NGƯỜI

 

Tuy nhiên, trong suy nghĩ của một số người, điều chủ yếu không phải là những sai sót hiện hữu mà đơn giản chỉ là nhân tố con người trong Kinh Thánh khiến Kinh Thánh không được xem là Lời Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời được coi là rất khác với con người chúng ta, “hoàn toàn khác”, đến nỗi Lời Ngài phán trong Đấng Christ không bao giờ có thể được diễn đạt bằng ngôn ngữ của con người. Như Karl Barth, một người nổi bật trong quan điểm này, đã bày tỏ điều đó: “Trong Kinh Thánh, chúng ta luôn quan tâm đến việc con người cố gắng lặp lại và tái tạo Lời của Đức Chúa Trời (tức là Lời trong Đấng Christ) trong suy nghĩ và cách diễn đạt của con người, trong hoàn cảnh nhất định của con người…Trong một trường hợp, chúng ta đọc: Chúa phán; trong một trường hợp khác là Phao-lô nói. Đây là hai điều khác nhau.”2

 

Đối với nhiều người khác, nhân tố con người đơn giản là không tương thích với chân lý tuyệt đối. Họ tranh luận rằng mọi người đều bị giới hạn bởi bối cảnh văn hóa của họ. Nhận định của chúng ta về chân lý là tương đối với bối cảnh lịch sử hạn chế của chúng ta và vì thế luôn luôn không trọn vẹn. Theo quan điểm này, nhân tố con người của các trước giả Kinh Thánh, bất chấp sự đồng công của Đức Thánh Linh, cũng chỉ là một nhân chứng khó tin cho sự mặc khải thiên thượng.

Mặc dù có sự bất đồng về mức độ mà sự sai sót của con người ảnh hưởng đến mức độ đáng tin cậy và tính chân thực của Kinh Thánh, những người giữ quan điểm này sẽ đồng ý với tuyên bố của học giả Công giáo La Mã Hans Ming rằng Kinh Thánh “rõ ràng là lời của con người: được thu thập, viết xuống, từng câu một nhấn mạnh khá rõ bởi những cá nhân và được phát triển theo những cách khác nhau. Thế nên không phải là không có thiếu sót và lỗi, che giấu và nhầm lẫn, hạn chế và sai sót.”3

Một số nhà lý luận tự do đã nhấn mạnh yếu tố con người của Kinh Thánh đến mức về cơ bản họ phủ nhận sự thần cảm thiên thượng. Họ quan niệm rằng những người viết Kinh Thánh là những người bẩm sinh có sự thông sáng về tôn giáo, và “sự thần cảm” của họ có thể so sánh với những gì chúng ta có thể liên tưởng đến như một nghệ sĩ, nhà thơ hoặc nhạc sĩ “được truyền cảm hứng.”

Tuy nhiên, hầu hết các học giả Cơ Đốc nhận thấy một số tác động thiên thượng trong việc viết Kinh Thánh, mặc dù nhiều người nhấn mạnh vào yếu tố con người khi tính đến việc chấp nhận tính chất thần thượng trọn vẹn của nó. Các quan điểm sau đây là ba quan điểm khác nhau về sự tiếp cận với sự thần cảm. Đầu tiên, một số người nói rằng các trước giả Kinh Thánh được thần cảm theo cùng một cách mà những tín hữu khác được soi dẫn để hầu việc Ngài. Theo quan điểm này, thì sự soi dẫn chủ yếu chỉ về công việc của Đức Chúa Trời trên các trước giả Kinh Thánh là điều tương tự như việc Ngài ban ân tứ trên các tín hữu.

 

Sự tác động của Đức Chúa Trời trên các trước giả Kinh Thánh tương tự như cách Ngài ban các ân tứ thuộc linh cho các tín hữu. Như cách người ta nghĩ, quan điểm này được nêu theo nhiều cách khác nhau. Có người nói là “sự khơi dậy ân tứ tiên tri.”4 Tuy nhiên, cũng ân tứ tiên tri đó đang vận hành trong hội thánh ngày nay và vì thế không chỉ về một công tác đặc biệt duy nhất trên các trước giả Kinh Thánh.

Hầu hết nói về những “loại” hoặc “mức độ” khác nhau của sự thần cảm thường liên quan đến bản chất của những tài liệu theo Kinh Thánh. Những bài thánh ca của mọi thời đại trong hội thánh, như những bài được viết bởi Isaac Watts, Charles Wesley, Augustus Toplady và Reginald Heber được cho là có “cùng sự thần cảm” như một số trước giả Thi Thiên chỉ đơn giản là khích lệ sự ngợi khen Chúa. Nếu những bài thánh ca này được viết trong thời vua Đa-vit và những vị vua kế vị (dù nội dung có phần khác vì sự đến của Đấng Christ vẫn còn nằm ở tương lai) “thì không nghi ngờ gì rằng những bài thánh ca đó đã nằm trong thơ thánh Do Thái.”5

Một lời giải thích gần đây về sự thần cảm cũng thuộc loại này thì đồng nhất sự thần cảm với việc “một giáo viên truyền cảm hứng cho học viên mình.” Cũng vậy Đức Chúa Trời soi dẫn cho các trước giả Kinh Thánh qua mối quan hệ của Ngài với họ và cộng đồng mà họ thuộc về, và đặc biệt là qua hành động cứu rỗi cao cả của Ngài, bao gồm cả sự cứu chuộc Y-sơ-ra-ên khỏi ách nô lệ và sự sống, sự chết, và sự sống lại của Chúa Cứu Thế Giê-su. Sự soi dẫn này nâng cao các khả năng nhưng “không đảm bảo là không lỗi, vì các người trung gian, dù là được Đức Chúa Trời soi dẫn, cũng vẫn có thể mắc lỗi.

Theo quan điểm này thì sự soi dẫn tương tự vẫn đang hiện hữu trong Hội Thánh ngày nay. Nhưng bởi vì Kinh Thánh ghi lại những hành động được Đức Chúa Trời mặc khải đặc biệt trong lịch sử, nên được xem là quy chuẩn cho thần học Cơ Đốc.

Khái niệm về sự soi dẫn này không phù hợp với lời chứng phong phú của Kinh Thánh rằng mặc dù Kinh Thánh được viết bởi con người và do đó là sách của con người, nhưng nó cũng là Lời của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, sự soi dẫn không chỉ liên quan đến tác động thiêng liêng đối với các trước giả con người mà còn tạo nên đặc trưng của sản phẩm cuối cùng.

Các tác phẩm thiêng liêng (“cả Kinh Thánh”) được Đức Chúa Trời soi dẫn (2 Ti-mô-thê 3:16). Nói tóm lại, quan điểm về sự soi dẫn này nhầm lẫn công việc độc đáo của Thánh Linh trong sự soi dẫn trên Kinh Thánh với công việc phổ quát của Ngài là soi sáng và dạy dỗ trong các tác phẩm được soi dẫn. Nó nhầm lẫn giữa việc ban Lời Đức Chúa Trời, sự mặc khải của Ngài, với chức vụ soi sáng để hiểu được sự mặc khải đó.

Sự vĩ đại của các bài thánh ca, bài viết hoặc bài giảng Cơ Đốc của các cá nhân không phải là trước giả Kinh Thánh là kết quả của công việc sau này và chỉ được xác định bằng cách họ bày tỏ trung thực lẽ thật được Đức Chúa Trời bày tỏ trong Kinh Thánh. Thứ hai, Kinh Thánh được soi dẫn vì nó “trở thành” Lời của Đức Chúa Trời. Quan điểm này về hoạt động soi dẫn của Đức Chúa Trời trên các trước giả Kinh Thánh cũng tương tự như quan điểm trước đó. Tuy nhiên, nó nhấn mạnh nhiều hơn đến sự khác biệt giữa sự mặc khải của Đức Chúa Trời về Lời Ngài trong sự gặp gỡ cá nhân và các bản viết Kinh Thánh.

Kinh Thánh không trực tiếp là Lời bày tỏ của Đức Chúa Trời trong bất kỳ tuyên bố nào của Kinh Thánh. Đúng hơn là Đức Chúa Trời sử dụng Kinh Thánh để bày tỏ chính Ngài cho các cá nhân. Karl Barth thể hiện khái niệm về sự soi dẫn này. “Sự soi dẫn bằng lời nói không có nghĩa là không thể sai được về đặc điểm ngôn ngữ, lịch sử và thần học của nó trong ngôn ngữ của con người. Nó có nghĩa là ngôn ngữ sai sót của con người cũng được Chúa sử dụng và phải được tiếp nhận và nghe bất chấp những sai sót đó.”

Những người theo trường phái này tin rằng Đức Chúa Trời đã tác động đến những trước giả Kinh Thánh để trở thành những nhân chứng đặc biệt cho những công tác vĩ đại của Ngài trên thế giới, đặc biệt là sự mặc khải của Ngài trong Đấng Christ. Sự ảnh hưởng này đã khiến những trước giả  viết về những sự kiện  và cuộc gặp gỡ của chính họ với Chúa qua những sự kiện đó. Đức Chúa Trời tiếp tục dùng ngôn ngữ của họ để bày tỏ chính Ngài qua những cuộc gặp gỡ cá nhân với con người ngày nay. Khi các cá nhân nghe tiếng của Đức Chúa Trời qua Kinh Thánh, thì tiếng nói đó “trở thành” Lời của Đức Chúa Trời.

Theo một số học giả, các nhà tiên tri và sứ đồ đã sử dụng những câu chuyện thần thoại như những câu chuyện về phép lạ để truyền đạt lẽ thật thuộc linh. Phần lớn những gì có vẻ như là báo cáo lịch sử phải được giải tỏa ra khỏi huyền thoại, hoặc lột bỏ trang phục thần thoại của nó để có được lẽ thật thuộc linh thực sự được truyền tải.

Theo quan điểm này, vì không thể xem là giống nhau bất kỳ câu nói nào của Kinh Thánh với lời Chúa, nên rất khó để có thể thực sự biết được đâu là điều Chúa nói, Theodore Engelder  nói rằng những người ủng hộ quan điểm này về Kinh Thánh “từ chối tin rằng Đức Chúa Trời đã thực hiện phép lạ ban cho chúng ta một bản Kinh Thánh không lỗi qua sự soi dẫn, nhưng [họ] sẵn sàng tin rằng Đức Chúa Trời hàng ngày vẫn đang thực hiện phép lạ vĩ đại hơn là cho phép loài người tìm và thấy trong ngôn từ thiếu sót của con người Lời vô ngộ của Đức Chúa Trời.”

Rõ ràng là sự giải thích như vậy về sự soi dẫn, nằm ngoài sự hỗ trợ trong Kinh Thánh, khiến cho việc nghe Lời Đức Chúa Trời trở thành một vấn đề rất chủ quan. Những người khác nhau có thể nghe nó theo cách khác nhau, và chúng ta không có cách nào để quyết định ai đang nghe nó một cách chính xác. Một lần nữa, giống như đã đề cập trước đây, cách giải thích về sự soi dẫn này nhầm lẫn giữa việc soi dẫn đặc biệt liên quan đến việc truyền đạt sự mặc khải với việc soi sáng.

Quan điểm thứ ba cho rằng Kinh Thánh được soi dẫn đủ để thực hiện mục đích truyền đạt chân lý cứu rỗi một cách trọn vẹn. Bản chất thực tế và mức độ ảnh hưởng của Đức Chúa Trời trong toàn bộ Kinh Thánh có phần khác nhau giữa những người ủng hộ quan điểm này.

Họ có xu hướng nói về “sự soi dẫn” của Đức Chúa Trời đối với toàn bộ Kinh Thánh, nhưng họ không tập trung nhiều vào tính chân thật của Kinh Thánh mà chỉ tập trung vào tính đầy đủ để hoàn thành mục đích cứu rỗi. Họ nói, Kinh Thánh được soi dẫn và do đó không thể sai lầm, theo nghĩa là Kinh Thánh đáng tin cậy để hoàn thành những gì Đức Chúa Trời đã định.

Một vấn đề với quan điểm này là khó biết phần nào của Kinh Thánh phù hợp với mục đích cứu rỗi này và phần nào thì không. Nói chung, các vấn đề về khoa học và lịch sử được coi là ngoại vi đối với thông điệp cứu rỗi của Kinh Thánh và do đó không thể sai lầm. Quan điểm này, mà một số người gọi là “sự soi dẫn hạn chế”, có một số vấn đề.

Đầu tiên, Kinh Thánh tuyên bố rõ ràng rằng “cả Kinh Thánh đều được soi dẫn” (2 Ti-mô-thê 3:16). Không có chỗ nào trong Kinh Thánh nói rằng sự soi dẫn hay sự chính xác tuyệt đối chỉ giới hạn trong những vấn đề thuộc về “đức tin và sự thực hành.”

Thứ hai, không ai có thể chỉ ra cách chúng ta có thể xác định rõ ràng ranh giới giữa vấn đề đức tin và không đức tin. Chẳng hạn, sự phục sinh của Chúa Giê-su là vấn đề của lịch sử hay của “đức tin”? Ví dụ, nếu có một số khó khăn về mặt lịch sử trong việc thống nhất các lời tường thuật của bốn trước giả Phúc Âm, thì chúng ta có thể nói đơn giản rằng phần tường thuật đó có sai sót về lịch sử và bằng cách nào đó vẫn duy trì sự việc có thật về sự phục sinh của Ngài đến dưới sự soi dẫn không thể sai lầm của Đức Chúa Trời?

Sự tách biệt như vậy dường như là không thể. Nếu lịch sử được chép không đúng sự thật, làm sao chúng ta có thể khẳng định rằng sự phục sinh của Chúa Giê-su là một vấn đề của “đức tin” — ngoại trừ dựa trên một số điều ngoài phần ghi chép của Kinh Thánh?

Một trong những lý do khiến Cơ Đốc Giáo vượt trội hơn các tôn giáo khác là nó có nguồn gốc từ lịch sử hơn là thần thoại. Loại trừ lịch sử khỏi sự soi dẫn vì một số xác suất chưa được giải đáp là làm suy yếu sự thật này. Tại sao Đức Chúa Trời phải tác động một cách siêu nhiên đến các trước giả Kinh Thánh trong việc giải thích tôn giáo của họ về các hành động cứu rỗi lịch sử của Ngài, cho chúng ta ý nghĩa của chúng không thể sai lầm, trong khi các trước giả đó ghi lại những sai sót lịch sử?

Thực tế quan trọng nhất là Kinh Thánh quan tâm đến nhu cầu tâm linh, nhưng cũng dạy chúng ta hiểu và sống trọn cuộc đời cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời— “nhân loại, thế giới, thiên nhiên, lịch sử, nguồn gốc và đích đến của họ, quá khứ và tương lai của họ ‘. Mọi điều Kinh Thánh nói đều liên quan đến thông điệp cứu chuộc tổng thể của Kinh Thánh và là Lời của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta.                                                                                                      

 

KINH THÁNH LÀ LỜI CỦA CẢ CON NGƯỜI VÀ ĐỨC CHÚA TRỜI?

Cho đến thời kỳ Khai Sáng của thế kỷ thứ mười tám, hầu hết các tín hữu đều có sự hiểu biết chung rằng Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời và cũng là lời của con người. Một tín lý theo Kinh Thánh về các trước giả con người liên quan với việc phải giải trình về yếu tố thiên thượng và, với kết quả là Kinh Thánh mang những đặc điểm chân thực của cả hai. Khái niệm Kinh Thánh về sự soi dẫn Theo chính Kinh Thánh sự soi dẫn của Kinh Thánh tập trung vào hai lẽ thật – tiến trình và kết quả của nó.

 

Khái niệm của Kinh Thánh về sự thần cảm

Như đã lưu ý trước đó, khi sứ đồ Phao-lô viết rằng “cả Kinh Thánh đều được soi dẫn” (nghĩa đen là “Đức Chúa Trời hà hơi”, 2 Ti-mô-thê 3:16); sự nhấn mạnh nằm ở kết quả của sự soi dẫn hoặc bản chất của chính Kinh Thánh. Đó là những bài viết do Đức Chúa Trời hà hơi.

Nhưng để tạo ra kết quả này, chắc hẳn Đức Chúa Trời cũng đã tác động trên trước giả con người. Do đó, khái niệm về sự soi dẫn của Kinh Thánh cũng nói lên sự kiểm soát thiên thượng này.

Kết hợp hai khái niệm về tiến trình và kết quả này lại với nhau, chúng ta có thể định nghĩa sự soi dẫn là công việc siêu nhiên của Đức Thánh Linh trên các trước giả Kinh Thánh để họ sử dụng hoàn toàn tính cách và phong cách viết của mình, họ đã viết chính xác những gì Đức Chúa Trời đã định cho họ viết và do đó Kinh Thánh là lời của Đức Chúa Trời cũng là lời của con người. ”

 

Benjamin B. Warfield, người bảo vệ mạnh mẽ khái niệm Tin Lành về sự soi dẫn vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, đã nói như thế này: “Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời theo nghĩa là lời Chúa, mặc dù được viết bởi con người và mang những dấu tích về nguồn gốc từ con người không thể xóa được, tuy nhiên, Kinh Thánh được viết ra dưới ảnh hưởng của Đức Thánh Linh cũng là những lời của Đức Chúa Trời, thể hiện đầy đủ suy nghĩ và ý muốn của Ngài.”12

Sự hiểu biết về sự soi dẫn này thường bị mô tả sai thành “học thuyết chính tả”, như thể các trước giả con người chỉ đơn giản làm việc như những thư ký của Đức Thánh Linh.

Trong khi một số người nhấn mạnh khía cạnh thiên thượng của Kinh Thánh đã giữ quan điểm này, thì đây chưa bao giờ là quan điểm tầm thường của Hội Thánh. Một số người trong Hội Thánh đầu tiên nói về việc Chúa Thánh Linh hành động trên các trước giả Kinh Thánh như một nhạc công chơi đàn hạc hoặc đàn lia, và thánh phụ vĩ đại của Hội Thánh – Augustine đã viết rằng Chúa đã sử dụng các trước giả con người “như thể họ chính là ngón tay của Ngài?”13

Tương tự như vậy, John Calvin gọi các trước giả Kinh Thánh là “người bồi bút”. Và “những thư ký của Đức Thánh Linh”. Tuy nhiên, những tác giả này không có ý định sử dụng những ẩn dụ này để dạy một học thuyết chính tả về sự soi dẫn, vì điều đó đã phủ nhận việc Đức Chúa Trời sử dụng toàn bộ nhân tính của những người được gọi là trước giả. Thay vào đó, họ chỉ muốn nhấn mạnh sản phẩm cuối cùng là Lời trọn vẹn không lỗi của Đức Chúa Trời.

“Học thuyết chính tả” này là một người rơm. Có thể nói rằng không có nhà thần học Tin Lành nào, từ thời Cải Chách cho đến nay, đã từng tin theo học thuyết đó; và chắc chắn các Hội Thánh Tin Lành hiện đại cũng vậy… Đúng là nhiều nhà thần học thế kỷ mười sáu và mười bảy đã nói về Kinh Thánh là “do Đức Thánh Linh viết.” Nhưng tất cả những gì họ muốn nói là các trước giả đã viết từng chữ những gì Chúa dự định.

Việc sử dụng thuật ngữ “viết chính tả” luôn luôn là nghĩa bóng. Bằng chứng cho điều này nằm ở chỗ, khi các nhà thần học này tự hỏi, phương thức hoạt động của Thánh Linh trong tâm trí các trước giả là gì, thì họ đều đưa ra câu trả lời không phải là viết chính tả, mà là hỗ trợ, và duy trì quan điểm đúng đắn rằng Đức Chúa Trời đã hoàn toàn điều chỉnh hoạt động soi dẫn của Ngài cho phù hợp với tâm trí, cách nhìn, tính khí, sở thích, thói quen văn chương và phong cách riêng của mỗi trước giả.16

Sự kiểm soát của Thánh Linh đối với các trước giả con người

Quan điểm cho rằng Kinh Thánh vừa là lời của con người vừa là Lời không thể sai lầm của Đức Chúa Trời cần được giải thích. Như đã nói ở trên, lý do khiến nhiều người từ chối Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời là vì đặc điểm con người của Kinh Thánh. Nếu là con người, họ nói, sai sót là chắc chắn không thể tránh khỏi. Vậy làm sao Kinh Thánh cũng là Lời của Đức Chúa Trời không hề sai sót? Có lẽ vấn đề còn nhiều hơn cả việc không sai sót hoặc không đúng là câu hỏi về làm thế nào Kinh Thánh có thể vừa là lời con người đồng thời cũng là lời Đức Chúa Trời. Câu trả lời đòi hỏi cả sự hiểu biết về bản chất con người và sự tri thức về sự mầu nhiệm của phép lạ thiên thượng.

Tư tưởng “nhân vô thập toàn” cần phải được loại bỏ. Câu nói “con người là sai sót” không đúng bằng “con người là phạm tội.” Vì nếu những câu này là đúng, thì Đấng Christ, Đấng không phạm tội, đã không phải là con người và tín hữu sẽ không phải những con người trên thiên đàng. Nhưng, dĩ nhiên, Đấng Christ hoàn toàn là con người, và chúng ta sẽ vẫn là con người trong sự vinh hiển. Trong thực tế, tội lỗi và sai sót không phải là một phần của bản chất con người; đúng ra, đó là những khiếm khuyết trong bản chất như một hậu quả của Sự Sa Ngã. Chúng hướng tới chiều kích cá nhân của bản chất con người như bệnh tật đối với thể chất – những rối loạn của tự nhiên hơn là những phần bản chất của nó. Như Chúa của chúng ta đã chứng minh trong cuộc đời của Ngài trên đất, bản chất thật của con người trong mối tương giao với Đức Chúa Trời, như ý định của Tạo hóa, không liên quan đến tội lỗi hay sai lầm. Được tạo ra theo hình ảnh của Đức Chúa Trời trong mối tương giao với Ngài, nhân loại được tạo dựng với bản chất để tương giao với Đức Chúa Trời trong lẽ thật. Như Kinh Thánh dạy, những người viết Kinh Thánh không phải tự lực cánh sinh trong quá trình viết Lời Đức Chúa Trời. Đức Thánh Linh vận hành một cách độc đáo và kỳ diệu trong quá trình soi dẫn để sửa chữa khuyết điểm tội lỗi của họ, hướng dẫn họ nói và viết chính xác những gì Đức Chúa Trời muốn.

Sự ảnh hưởng đặc biệt này của Đức Chúa Trời có lẽ thấy rõ nhất trong câu nói của Phi-e-rơ: “Vì chẳng hề có lời tiên-tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời.” (2 Phi-e-rơ 1:21). Với từ “tiên tri” Phi-e-rơ có ý nói về toàn bộ Cựu Ước và không chỉ đơn giản là riêng các tiên tri.7 Kinh Thánh, theo như sự dạy dỗ của vị sứ đồ, không bao giờ là kết quả của sự thôi thúc trong tâm trí của trước giả. Theo cách diễn giải của Eugene Peterson, lời Chúa “không phải là thứ gì đó được pha chế trong lòng người.” 18 Lời Chúa bắt nguồn từ việc con người được Thánh Linh của Đức Chúa Trời “đưa đi” theo. Từ Hi Lạp được dịch là “đưa đi” được dùng cho một chiếc thuyền buồm được gió đưa đi (Công Vụ 27:15,17). Khi gió thổi, con thuyền di chuyển, khi gió dừng, con thuyền dừng. Chúng ta cũng có thể nghĩ đến một mảnh gỗ trôi dạt theo dòng nước. Tốc độ trôi và hướng di chuyển hoàn toàn phụ thuộc vào dòng nước “mang theo nó”. Cụm từ “được Đức Thánh Linh đưa đi” gợi ý rằng các trước giả Kinh Thánh là công cụ trong tay của Thánh Linh đầy sáng tạo của Đức Chúa Trời. Ngài hướng dẫn họ điều họ cần viết ra. Điều này không có ý nói họ thụ động, như cái máy đánh chữ. Nhưng hoạt động của họ nằm dưới năng quyền kiểm soát của Đức Thánh Linh. Khi họ viết dưới sự vận hành của Thánh Linh, họ biết rằng mình không chỉ đơn giản thể hiện suy nghĩ của loài người. Như Warfield đã lưu ý, các nhà tiên tri “biết rằng Thánh Linh là Đấng soi dẫn họ không phải là thần tự nhiên của quốc gia họ.” Tư tưởng của Đức Chúa Trời vượt quá suy nghĩ của con người tội lỗi như “trời cao hơn đất” (Ê-sai. 55: 8-9). Kinh Thánh nhiều lần làm chứng rằng đó là lời được Đức Chúa Trời phán ra qua con người. Các trước giả con người đã viết những gì Đức Chúa Trời muốn họ viết, vì vậy theo một nghĩa rất thực tế, Ngài là tác giả của các sách cũng giống như các trước giả đã viết ra chúng. Bản chất sự vận hành của Thánh Linh với các trước giả Kinh Thánh rất khác nhau, hoặc như trước giả sách Hê-bơ-rơ đã nói, Đức Chúa Trời phán theo “nhiều cách” (Hê 1:1). Có những lúc, sự vận hành của Thánh Linh được trải nghiệm một cách gián tiếp hơn những lúc khác. Trong một số trường hợp, Đức Chúa Trời đã truyền đạt Lời của Ngài cho các trước giả Kinh Thánh bằng lời phán dễ nghe như Ngài đã làm với Môi-se, người “đã nghe tiếng [của Đức Chúa Trời] phán với mình từ ngai thi ân” (Dân số ký 7:89; xem thêm Xuất 4:12; 19: 3-6; 1 Sa-mu-ên 3: 4-14; Ê-sai 6: 8-9; Khải huyền 14:13). Đôi khi Ngài truyền đạt Lời của Ngài như Ngài đã làm với Đa-ni-ên, trong những giấc mơ và khải tượng, hoặc bằng cách sai thiên sứ đến truyền Lời Ngài (Dân. 7:1; 8:1; 9:21-22). Trong những trường hợp khác, những người tiếp nhận Lời Ngài trải qua trạng thái phấn chấn về tâm linh có thể được mô tả như một trạng thái xuất thần (Khải 1:10; xem thêm Công vụ 10:10; 22:17; 2Cô 12:2-4). Tuy nhiên, thường thì, các trước giả Kinh Thánh vẫn hoàn toàn minh mẫn khi đối thoại với Chúa (Ê-sai 6:11; Giê 14:13).

 

Điển hình là các nhà tiên tri đã nhận được lời Đức Chúa Trời qua những gợi ý bên trong, có lẽ cũng đúng với những giấc mơ và khải tượng.” Những mô tả này về Thánh Linh, sự vận hành đặc biệt trên phần Kinh Thánh mà các trước giả con người chủ yếu tiếp thu như một lời tiên tri. Nhưng Đức Thánh Linh cũng dự phần trong những phần Kinh Thánh mà trước giả con người dự phần tích cực và sự tác động thiên thượng là không trực tiếp. Các Thi Thiên thể hiện kinh nghiệm cá nhân của người viết và các phần lịch sử liên quan đến nghiên cứu của người viết đại diện cho thể loại này. Trong các Thư Tín, sứ đồ chỉ dạy Lời Chúa mà không đề cập đến việc Lời Chúa đến với họ như thế nào. Nói chung, có thể nói rằng ảnh hưởng của Thánh Linh khác với những lần được đề cập ở trên là nhũng lúc sự vận hành của Ngài rõ ràng hơn. Tuy nhiên, việc phủ nhận sự tham gia của Ngài trong những trường hợp này là một sai lầm, thường mắc phải giữa các học giả phê bình cao hơn, khi toàn bộ năng lực trong tính cách con người đã tích cực sáng tạo trong quá trình viết ra Kinh Thánh hoặc khi các trước giả sử dụng các tư liệu khác bao gồm những nguồn tư liệu không thuộc Kinh Thánh. Bruce Demhest và Gordon Lewis đã gọi sai lầm này là “ngụy biện đơn nguyên”, tức là “nếu một trước giả nghiên cứu và sử dụng các nguồn tư liệu khác, thì thông điệp của người đó rốt cuộc không phải từ Chúa.”21 Đáp lại, họ tuyên bố rằng: “Đức Chúa Trời vận hành không chỉ quan phòng trong mọi điều sắp xảy ra, mà còn trong việc giám sát việc viết Kinh Thánh, chẳng hạn như sách Tin Lành Lu-ca (1:1-4) và trong việc sử dụng các nguồn kinh điển và không kinh điển khác”.

Quá trình vận hành trong những trường hợp này được gọi là “hoạt động chấn động, trong đó Thần của Đức Chúa Trời vận hành” trong, cùng với và thông qua “hoạt động của con người” theo cách để truyền thông về tác phẩm (tức là Kinh Thánh) những phẩm chất siêu phàm một cách rõ ràng. Nói cách khác, Thánh Linh điều khiển nhà tiên tri hoặc sứ đồ khi họ nói hoặc viết để những gì họ viết ra cũng là lời của Đức Chúa Trời. Không phải là Ngài đứng bên ngoài khả năng người, chỉ can thiệp trong một số thời điểm nhất định để tránh sai sót hoặc bất cập khác. Thay vào đó, như Warfield nói, Đức Thánh Linh “làm việc liên tục trong, cùng và bên họ, nâng đỡ, hướng dẫn, điều khiển, thêm sức, để họ vượt lên chính mình và dưới sự soi dẫn của Ngài, họ làm công việc của Ngài để đạt được mục tiêu của Ngài. Quá trình soi dẫn này diễn ra như thế nào vẫn chưa được hiểu biết đầy đủ, nhưng phải luôn được thừa nhận. Augustine nói về khả năng của ma quỉ đã để mưu phản Ngài vào lòng Giu-đa để phản bội Chúa Giê-su (Giăng 13:2) thật đáng để suy ngẫm về mối liên hệ này. “Việc để (vào lòng) như vậy muốn nói về thuộc linh và được nhập vào không phải bằng tai, mà là thông qua suy nghĩ; và do đó không phải qua thuộc thể, mà là thuộc linh… Nhưng làm thế nào những việc như vậy được thực hiện, vì những gợi ý từ tà linh phải được đưa ra, và hòa lẫn với những suy nghĩ của con người đến nỗi con người tự nói ra chúng, làm sao người đó có thể biết được? Chúng ta cũng không thể nghi ngờ rằng những lời gợi ý tốt cũng giống như sự khôn ngoan đến từ thánh linh cũng theo cùng một cách thức không thể quan sát và là thuộc linh, ‘Câu hỏi về quá trình soi dẫn dường như liên quan đến câu hỏi về cách thức Đức Chúa Trời vận hành trong con người chúng ta để hoàn thành ý muốn của Ngài. Khi Kinh Thánh dạy chúng ta “làm nên” sự cứu chuộc mình, bởi vì Đức Chúa Trời “cảm động” trong chúng ta (Phi-líp 2:13), thì rõ ràng, điều đó dạy rằng bằng cách nào đó chúng ta và Đức Chúa Trời có thể cùng hoạt động mà không phủ nhận giá trị của nhau. Liên quan đến lời nói, những lời của Chúa Giê-su đem lại một ví dụ thú vị. Ngài tuyên bố sẽ nói những lời được Cha Ngài dạy cho Ngài (Giăng 7:16; 8:28) và Ngài tuyên bố rằng Ngài đã nói mà không có bất kỳ sai sót nào. Tiến trình này được giải thích trong Giăng 3:34: “Vì Đấng mà Đức Chúa Trời đã sai đến thì rao truyền lời của Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Trời ban Thánh Linh cho Ngài không chừng mực, cho thấy hình ảnh Chúa Giê-su được ban ân tứ Thánh Linh không chừng mực (nghĩa là vượt xa bất cứ tiên tri nào khác) để Ngài nói lời của Đức Chúa Trời một cách hoàn hảo. Tất nhiên, ân tứ của Thánh Linh vận hành trong Chúa Giê-su trong con người của Ngài. Vì vậy, trong con người, Ngài đã nói một cách chủ động và tự do mà không có cảm giác “đọc chính tả” từ Cha Ngài. Thế nên, lời nói của Ngài là lời nói của con người và đồng thời cũng là lời của Đức Chúa Trời.

Điều tương tự có thể đúng với các tín hữu trong trạng thái vinh hiển hoàn toàn trên thiên đàng. Họ sẽ liên hệ chặt chẽ với Đức Chúa Trời và được Ngài thêm sức để lời của Chúa chúng ta rằng “xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi” (Lu-ca 22:42) sẽ luôn luôn đúng. Rõ ràng, lúc bấy giờ, ý muốn và hành động của họ cũng là ý muốn và hành động của Đức Chúa Trời. Tương tự, họ sẽ chỉ nói ra lẽ thật, là điều được xem là biểu hiện của Đức Chúa Trời vì Ngài là nguồn của mọi chân lý. Do đó những lời chân thật được nói từ sự tự do thật của con người cũng sẽ là lời chân lý của Ngài. Sự nhập thể của Con Đức Chúa Trời – sự đến của Ngài trên thế gian trong bản chất con người vô tội đem lại một sự tương đồng thú vị với phép lạ về công việc của Đức Chúa Trời trong việc viết ra Kinh Thánh. Đức Thánh Linh đã đến trên Ma-ry, một con người thực sự và bất toàn. Tuy nhiên, qua bà, với sự phát triển bình thường của một bào thai siêu nhiên, Con Thiên Chúa đã được sinh ra với bản chất con người thực sự. Ngài mang đầy đủ các đặc tính của một người cũng như của Đức Chúa Trời. Ngay cả yếu tố tội lỗi trong Ma-ri đã bị loại bỏ để không làm ô nhiễm Chúa, vì vậy những tội lỗi và bất toàn của các trước giả con người đã bị loại bỏ và những gì được viết ra là không có sai sót.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA YẾU TỐ CON NGƯỜI TRONG KINH THÁNH

Những dấu ấn chung về yếu tố con người trong Kinh Thánh — vẻ trần tục trong phần lớn lịch sử và cách kể chuyện, cách diễn đạt của con người về các vấn đề và phước lành trong cuộc sống, sự đơn giản của Kinh Thánh — tất cả kết hợp lại khiến chúng ta tự hỏi liệu đây cũng là Lời của Đức Chúa Trời. Liệu Lời Đức Chúa Trời có nên vương giả hơn, sâu sắc hơn, thần bí hơn, siêu việt hơn, mang tính giáo lý hơn (cái gì đó giống như một thần học hệ thống tốt)? Tuy nhiên, bản chất của Kinh Thánh hoàn toàn phù hợp với mục đích của Đức Chúa Trời, sự mặc khải, không phải là tri thức, mà là sự cứu chuộc và cuộc sống thực. Như Richard Gaffin giải thích, “Sự mặc khải không có quá nhiều kiến thức liên quan đến bản chất của Đức Chúa Trời, con người và thế giới vì đó là sự giải thích được sự soi dẫn thiên thượng về hoạt động cứu chuộc loài người của Đức Chúa Trời để họ có thể thờ phượng và phụng sự Ngài trên thế gian. Vì vậy, Kinh Thánh, với tư cách là Lời mặc khải của Đức Chúa Trời, trước hết và trên hết là một cuốn sách lịch sử mở ra câu chuyện của Đức Chúa Trời, các mục đích cứu chuộc trong lịch sử. Sự cứu rỗi không phải là một hệ thống triết học hay đạo đức trừu tượng, mà là thực tế lịch sử của Đức Chúa Trời, những hành động cứu rỗi. Yếu tố con người của nhiều trước giả Kinh Thánh đại diện cho các nền văn hóa khác nhau chứng tỏ thực tế này. Bằng cách phán Lời Ngài qua kinh nghiệm đầy đủ của con người trong những hoàn cảnh lịch sử đa dạng, Đức Chúa Trời đã thích nghi với sự hiểu biết của con người chúng ta. Kiến thức về lẽ thật thiên thượng được truyền đạt thông qua giảng dạy. Vì vậy, chúng ta tìm thấy các phần giáo lý trong Kinh Thánh, chẳng hạn như phần lớn Sách Rô-ma. Nhưng sự nhận biết Chúa chỉ đạt được thông qua sự dự phần của toàn bộ con người của trước giả — trí tuệ, cảm xúc và hành động.

Những kiến thức đó chỉ được truyền đạt thông qua cuộc sống cụ thể. Vì vậy, Kinh Thánh thực hiện nhiều hơn là chỉ bày tỏ Đức Chúa Trời cho chúng ta. Kinh Thánh cũng bày tỏ những kinh nghiệm của dân sự với Ngài để thấy cách thực hành lẽ thật trong cuộc sống của chúng ta như thế nào. Các ẩn dụ của Chúa Giê-su cũng có cùng mục đích. Các thể loại văn học khác nhau trong Kinh Thánh cũng có cùng một mục đích dạy dỗ, vì chân lý được truyền đạt không chỉ qua các phần tín lý và các phần tường thuật lịch sử, mà còn qua thơ ca, tục ngữ, chuyện kể, lời tiên tri, v.v. Do đó những yếu tố con người trong lời Chúa là hoàn toàn phù hợp để truyền đạt sứ điệp cứu chuộc của Đức Chúa Trời. Yếu tố con người trong lịch sử Kinh Thánh cho phép chúng ta nắm bắt được điều gì đó về sự vĩ đại và phạm vi chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời từ đầu đến cuối. Những trang sử mở cho phép chúng ta học biết lẽ thật không chỉ từ sự giảng dạy bằng lời nói mà còn từ kinh nghiệm của người khác. Sau khi đọc phần lịch sử về Chúa, về con người, không ai có thể nghi ngờ thực tế của tội lỗi và nhu cầu của sự cứu chuộc. Các thể loại văn chương trong Kinh Thánh và hình thức lịch sử cũng giúp Kinh Thánh phù hợp để truyền thông đến mọi đối tượng. Sự đơn giản của sứ điệp trong câu chuyện dù là độc giả đơn sơ mới đọc lần đầu cũng có thể nắm bắt được.

KẾT LUẬN

Kinh Thánh với tư cách vừa là Lời của Đức Chúa Trời vừa là lời của con người thực sự là một cuốn sách kỳ diệu. Như đã thảo luận, bản chất thần thượng và con người của Kinh Thánh có thể được ví như sự kết hợp giữa thần tánh và nhân tánh trong Chúa Giê-su Christ, Đấng vừa thực sự là người vừa thực sự là Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, sự khác biệt ở chỗ, thần tánh và nhân tánh của Đấng Christ được hợp nhất trong một thân vị, trong khi với Kinh Thánh, Đức Thánh Linh không hợp nhất với bản chất con người trong sự soi dẫn của Kinh Thánh. Nhưng như Warfield giải thích, Kinh Thánh và Đấng Christ giống nhau ở chỗ cả hai đều là sự kết hợp giữa con người và thiên thượng dẫn đến một sản phẩm không lỗi. “Trong trường hợp thân vị của Chúa chúng ta, nhân tánh vẫn thực sự là nhân tánh dù Ngài không bao giờ phạm tội hoặc sai lầm vì bản chất đó không bao giờ vận hành ngoài sự kết hợp giữa thần tánh với bản chất đã được mang lại; như vậy trong trường hợp tạo ra Kinh Thánh bằng hành động kết hợp của các yếu tố con người và Thiên Thượng, các yếu tố con người đã hoạt động như các yếu tố con người, và đã để lại dấu ấn của họ trên sản phẩm như vậy, nhưng không mang lỗi… bởi vì họ không vận hành ngoài các yếu tố thần thượng,… nhưng ở dưới sự hướng dẫn không mệt mỏi của các yếu tố đó.”27

 

Có lẽ suy nghĩ chính xác nhất về Kinh Thánh là những lời của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta đã phán qua dân sự của Ngài dưới sự điều khiển của Thánh Linh. Mặc dù các ấn bản bằng chữ đỏ của Kinh Thánh có thể hữu ích trong việc ghi lại những lời trích dẫn của Chúa chúng ta, nhưng chúng cũng có thể gây hiểu lầm khi cho rằng những lời lịch sử của Chúa Giê-su có chất lượng khác biệt so với những lời được soi dẫn của các trước giả con người. Như chúng ta đã thấy, tất cả Kinh Thánh được viết dưới sự điều khiển của Đức Thánh Linh đều là lời của Đức Chúa Trời và vừa là lời của con người. Điều này không có nghĩa là hạ thấp ý nghĩa của lời Chúa Giê-su. Thay vào đó, nó đề cao tính cách siêu nhiên của Kinh Thánh. Đấng Christ, mặc dù có nhân tánh, là Đấng siêu nhiên. Và tương tự, Kinh Thánh, mặc dù do con người viết ra, nhưng có tính siêu nhiên bởi vì Chúa Thánh Linh có quyền kiểm soát siêu việt trên các trước giả.

 

 

 

 

 

– 10 –

Kinh Thánh có đáng tin cậy không?

 

VÌ KINH THÁNH là Lời của Đức Chúa Trời được bày tỏ qua lời nói của con người, điều này có nghĩa là Kinh Thánh đúng và không có sai sót phải không? Vâng, bởi vì Đức Chúa Trời là “Đức Chúa Trời của lẽ thật” (Thi 31:5). Nếu Kinh Thánh thực sự là lời của Ngài, thì Kinh Thánh hoàn toàn là chân thật và không có sai sót.

Mặc dù các Cơ đốc nhân thừa nhận sự trung thực của Đức Chúa Trời, nhưng lại kết luận rằng Kinh Thánh là hoàn toàn đúng và không có sai sót nào thì ngày nay bị nhiều người phủ nhận, ngay cả trong số những người giảng về Lời Đức Chúa Trời và khẳng định là sự soi dẫn của cả Kinh Thánh. Trong một số trường hợp, họ áp dụng các thuật ngữ “vô ngộ” và “tính không thể sai lầm” cho Kinh Thánh, nhưng họ nói rằng những từ này có nghĩa là Kinh Thánh có thể bao gồm những sai sót thực tế trong những vấn đề không liên quan trực tiếp đến đức tin và việc thực hành đời sống Cơ đốc.

Ví dụ, I. Howard Marshall giải thích rằng “mục đích của Kinh Thánh là hướng dẫn mọi người đến với sự cứu rỗi và lối sống liên quan.” Sau đó, ông nói, “‘Không thể sai lầm’ có nghĩa là Kinh Thánh hoàn toàn đáng tin cậy cho các mục đích mà Đức Chúa Trời đã soi dẫn nó.'”1 Một số học giả áp dụng thuật ngữ “vô ngộ” cho những gì tác giả dự định giảng dạy. Nói cách khác, như Clark Pinnock viết, “Kinh Thánh sai sót nhưng lại không dạy.… về sự vô ngộ mà đề cập đến…. sự dạy dỗ hơn là cho tất cả các thành phần được sử dụng trong công thức của nó”.2 Theo Donald Bloesch, Kinh Thánh “đã không sai lầm trong những gì tuyên bố, nhưng điều này không có nghĩa là Kinh Thánh không có lỗi trong việc ghi chép dữ liệu lịch sử hoặc trong thế giới quan của họ, hiện đã lỗi thời.”

Vì vậy, chúng ta cần xem xét kỹ vấn đề về tính trung thực của Kinh Thánh. Câu hỏi đặt ra là: Kinh Thánh có vô ngộ trong tất cả những gì nó khẳng định trong mọi lĩnh vực hay chỉ trong những vấn đề đó liên quan trực tiếp đến sự cứu rỗi và lối sống Cơ đốc của chúng ta?

 

LỜI DẠY CỦA KINH THÁNH VỀ TÍNH TRUNG THỰC

Bởi vì các thuật ngữ “tính vô ngộ” và “sự vô ngộ” không được sử dụng trong Kinh Thánh để mô tả bản chất riêng của Kinh Thánh, một số người phản đối việc sử dụng như vậy, cho rằng những thuật ngữ đó vượt ra ngoài sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các thuật ngữ không thực sự được sử dụng trong Kinh Thánh tuy vậy vẫn có thể truyền đạt lẽ thật trong Kinh Thánh. Ví dụ, từ “Ba ngôi” không được tìm thấy trong Kinh Thánh, nhưng các tín đồ chính thống trong suốt lịch sử của hội thánh đã công nhận nó là một sự mô tả chính xác về Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh.

Tương tự, câu hỏi liệu Kinh Thánh có sai sót hay “vô ngộ” được chuyển tải qua các thuật ngữ khác. Mặt tích cực của khái niệm “vô ngộ” liên quan đến “lẽ thật,” đây rõ ràng là một thuật ngữ trong Kinh Thánh. Nếu Kinh Thánh là vô ngộ thì điều đó hoàn toàn đúng. Do đó, câu hỏi đặt ra là Kinh Thánh có dạy về tính trung thực, tức là nó hoàn toàn đúng không?

Làm thế nào để chúng ta trả lời câu hỏi này? Hai phương pháp tiếp cận dẫn đến kết luận trái ngược nhau. Một người đề xuất rằng chúng ta kiểm tra tất cả các dữ liệu của Kinh Thánh để xác định học thuyết của chúng ta về sự linh ứng và tính vô ngộ. Những lời dạy trong Kinh Thánh về bản chất của Kinh Thánh và tất cả những gì thường được gọi là các hiện tượng trong Kinh Thánh phải được kết hợp với nhau để xác định bản chất về sự linh hứng của Kinh Thánh.

Phương pháp khác bắt đầu với những lời dạy của Kinh Thánh về những chủ đề sự soi dẫn và tính chân thật của chính Kinh Thánh. Sự giải thích cẩn thận được thực hiện đối với mọi điều Kinh Thánh dạy về bản chất của nó. Sự tổng kết của lời dạy này về cơ bản trở thành học thuyết về nguồn cảm hứng của chúng ta.

Sự khác biệt trong hai phương pháp có thể được minh họa trong cách họ giải quyết một số vấn đề cụ thể trong Kinh Thánh. Ví dụ, Chúa Giê-su gọi hạt cải là hạt “nhỏ hơn tất cả các loại hạt khác” (Ma-thi-ơ 13:32). Tuy nhiên, thực vật học, cho biết có những hạt thực sự nhỏ hơn hạt cải. Đi xuyên qua tuyên bố trong phần Kinh Thánh này, thì không hoàn toàn đúng về mặt khoa học, phương pháp đầu tiên tuyên bố rằng nguồn cảm hứng của Kinh Thánh phải có bản chất như vậy đó là nó bao gồm một số “lỗi” như lỗi này.

Lời tuyên bố của Phao-lô rằng “tất cả Kinh Thánh đều được soi dẫn” (2 Ti-mô-thê 3:16) do đó phải được giải thích theo một số cách hạn chế để tránh cho kiểu “sai lầm” này. Nói cách khác, nếu chúng ta tìm thấy những điểm không chính xác về lịch sử và khoa học trong Kinh Thánh hoặc những tuyên bố của một tác giả mà chúng ta không thể hài hòa với những lời của những tác giả khác, chúng ta phải xác định nguồn cảm hứng phù hợp với những sai sót giả định này.

Vấn đề với phương pháp này là nghiên cứu và kiến thức của con người là tiêu chuẩn của lẽ thật mà theo đó một câu Kinh Thánh được tuyên bố là đúng hay sai. Lời phát biểu của Đức Chúa Trời phải phù hợp với kiến thức đương thời của chúng ta. Nhưng lịch sử của ngành học thuật Kinh Thánh chứng minh rằng nhiều điều bị coi là sai sót trong những ngày trước đó đã được chứng minh là chính xác khi thông tin mới nhận được từ khảo cổ học và nghiên cứu về các ngôn ngữ và bản thảo Kinh Thánh. Do đó, có vẻ rất tự tin khi đưa ra phán quyết cuối cùng về những điều này ngày nay khi mà ngày mai sẽ có nhiều thông tin hơn có thể mang đến ánh sáng mới trên những vấn đề này.

Phương pháp thứ hai, là tìm cách để hiểu tín lý được truyền cảm hứng từ những tuyên bố trực tiếp trong Kinh Thánh về chủ đề này, cũng phải giải quyết những vấn đề như là vấn đề hạt cải. Nhưng phương pháp này trước hết phải xác định những gì Kinh Thánh dạy về chính nó, sau đó tìm cách hài hòa các vấn đề như là hạt cải với lời dạy đó. Giả sử ngay thời điểm nghiên cứu Kinh Thánh cẩn thận cho thấy rằng Chúa Giê-su Christ và các tác giả Kinh Thánh giảng dạy về sự soi dẫn đầy đủ của tất cả Kinh Thánh, thì phương pháp này tìm kiếm lời giải thích về vấn đề phù hợp với sự dạy dỗ này. Nếu một vấn đề được tìm thấy mà không có giải pháp thích hợp, nó không được coi là cơ sở thích hợp để thay đổi sự giảng dạy rõ ràng của Kinh Thánh. Cần phải thừa nhận sự hạn chế của kiến thức con người hiện tại của chúng ta.

Cách chúng ta tiếp cận các tín lý khác nhau của Kinh Thánh có thể giúp xác định quan điểm nào trong hai quan điểm này là đúng. Những người theo phái Phúc Âm luôn khẳng định thần tính hoàn toàn và sự vô tội của Đấng Christ, dựa trên những tuyên bố trực tiếp, chẳng hạn như Giăng 1:1, nơi mà Ngài được xác định rõ ràng là Đức Chúa Trời. Nhưng giả sử chúng ta tìm cách xác định xem Ngài có thực sự là Đức Chúa Trời hay không bằng cách xem xét tất cả các tuyên bố về Ngài. Chúa Giê-su nói với người cai trị trẻ tuổi giàu có rằng: “Sao ngươi gọi ta là nhơn lành? Chỉ có một Ðấng nhơn lành, là Ðức Chúa Trời”(Lu-ca 18:19). Một tuyên bố như vậy có thể được hiểu là biến Chúa Giê-su trở thành một người kém hơn Đức Chúa Trời, hoặc thậm chí biến Ngài trở thành tội nhân.

Vào một dịp khác, Chúa Giê-su thú nhận không biết về ngày Ngài tái lâm, nói rằng “chỉ một mình Cha” biết thông tin này (Mác 13:32). Vì một trong những thuộc tính của Đức Chúa Trời là sự toàn tri, một số người có thể kết luận từ câu này rằng Chúa Giê-su không phải là Đức Chúa Trời. Nhưng nhà thờ đã không sử dụng những câu như thế này để sửa đổi niềm tin của họ vào thần tính trọn vẹn của Đấng Christ. Các học giả tin tưởng đã giải thích những câu này theo những cách hài hòa với sự dạy dỗ rõ ràng về thần tính của Đấng Christ và sự vô tội của Ngài.

Phương pháp thông thường để hiểu sự giảng dạy của Kinh Thánh về một chủ đề nhất định luôn là bắt đầu bằng những lời tuyên bố rõ ràng liên quan đến chủ đề đó. Sau khi đã hiểu những gì được giảng dạy một cách rõ ràng, các dữ liệu khác có thể giúp làm sáng tỏ thêm sự giảng dạy cơ bản, nhưng không được phép phủ nhận sự giảng dạy đó. Những tuyên bố được thảo luận ở trên dường như đặt ra câu hỏi về thần tính của Đấng Christ giúp chúng ta hiểu Ngài đầy đủ hơn với tư cách vừa là Đức Chúa Trời và vừa là con người. Tương tự, các hiện tượng trong Kinh Thánh giúp chúng ta hiểu đầy đủ hơn về bản chất của nó. Phao-lô truyên bố Kinh Thánh là được Đức Chúa Trời hà hơi (2 Ti-mô-thê 3:16) có thể suy nghĩ rằng Kinh Thánh là do Ngài sai khiến. Nhưng Kinh Thánh bày tỏ rõ ràng những cá tính khác nhau của người viết và những tính cách khác nhau của con người, khiến cho chúng ta từ chối thuyết linh ứng sai khiến để ủng hộ sự hiểu biết bao gồm sự tham gia chân chính của con người. Do đó, sự hiểu biết bổ sung từ các dữ liệu khác có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lời dạy cơ bản, nhưng không thể được phép phủ nhận lời dạy đó.

 

Ý Nghĩa của “Lẽ Thật” trong Kinh Thánh

Trước khi chúng ta xem lời chứng về tính trung thực của Kinh Thánh, chúng ta cần phải xác định Kinh Thánh có nghĩa là “lẽ thật” hay “thật”. Từ ngữ trong tiếng Do Thái của Kinh Thánh Cựu ước (emet) có ý niệm cơ bản là “sự chắc chắn” hay “sự hiển nhiên.” Trên cơ sở của ý nghĩa này, nhiều người nói rằng lẽ thật theo ý nghĩa Kinh Thánh có nghĩa là sự tin cậy hoặc sự thành tín. Nó bảy tỏ một người có thể bị phụ thuộc vào, một người mà một người khác có thể đặt niềm tin hoàn toàn, giống như ý nghĩa của từ “true” trong câu nói, “Tôi sẽ thành thật với bạn.” Vì vậy, điều ngược lại với sự thật là không thành thật, không đáng tin cậy hoặc lừa dối. Do đó, người ta lập luận rằng sự thật liên quan đến con người trong mối quan hệ với những người khác (người ta có thể tin tưởng vào lời nói hoặc hành động của họ), chứ không phải sự kiện khách quan hoặc những lời tuyên bố. Theo quan điểm này, thì trọng tâm là sự tin cậy, không phải tính thực tế. Kinh Thánh được cho là đúng, nghĩa là xác thực và đáng tin cậy trong việc hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời là dẫn đưa con người đến sự cứu rỗi. Do đó, theo cách hiểu này, các khái niệm về lẽ thật và sai lầm trong Kinh Thánh không tập trung vào việc liệu điều gì đó có trùng hợp một cách khách quan với thực tế hay không.

Đáp lại, cần phải lưu ý rằng mặc dù ý nghĩa ban đầu của một từ thì cung cấp thông tin về lịch sử quá khứ của nó, nhưng nó không xác định nghĩa của nó trong một giai đoạn lịch sử tiếp theo. Khi xem xét việc sử dụng từ “lẽ thật” trong Kinh Thánh, chúng ta thấy rằng nó không chỉ đề cập đến sự thành tín mà còn đề cập đến tính thực tế theo nghĩa phù hợp với các sự kiện hoặc thực tế.

Đúng là ở nhiều nơi trong Cựu Ước emet có nghĩa là trung thành. Chân thật là một đặc tính của Đức Chúa Trời: “Sự chơn thật Ngài là cái khiên và cái can của ngươi.” (Thi 91:4); Ngài “giữ lòng thành thực đời đời” (146:6, NIV); “Vì lòng thành tín của ta, ta sẽ ban thưởng cho họ” (Ê-sai. 61:8, NIV; xin xem thêm Sáng thế ký 24:27; Xuất 34:6; Thi 31:5; Giê 4:2; Xa-cha-ri 8:8). Hành động của Ngài là thành thật hoặc đáng tin cậy: “Công việc của tay Ngài là thành tín và công bình ”(Thi 111:7, NIV). Ý nghĩa tương tự của từ emet cũng được áp dụng cho con người, mặc dù ít thường xuyên hơn nhiều. Giô-suê khuyên dân Y-sơ-ra-ên “hãy kính sợ Ðức Giê-hô-va, và phục sự Ngài cách thành tâm và chân thật; (hay sự trung tín)” (Giô-suê 24:14; xem thêm Xuất 18:21, “người chân thật,” hoặc “người đáng tin cậy”, NIV). Với điều gì đó cùng ý nghĩa, “lẽ thật” được áp dụng cho các vật thể. Trong những trường hợp này, trung thành có nghĩa là đáng tin cậy hoặc chắc chắn. Yêu cầu của Ra-háp về một “lời cam đoan về sự chân thật” (Giô-suê 2:12) biểu thị một lời yêu cầu mà bà có thể tin cậy. Tương tự, “phần thưởng đích thực” (Châm. 11:18) là điều chắc chắn.

Hai cách sử dụng cuối cùng rõ ràng là đang hướng tới ý nghĩa của “lẽ thật” biểu hiện tính chân thật thực tế. “Phần thưởng thực sự” là phần thưởng sẽ được chứng minh là đúng hoặc thực tế trong tương lai. Ý nghĩa này là “sự thật”—là điều phù hợp với thực tế, trái ngược với những gì là giả dối, sai lầm hoặc lừa dối—là rất rõ ràng trong nhiều cách sử dụng của emet. “Sự thật” là từ được dùng trong các vấn đề về tư pháp. “Xét xử chân thật” (Xa-cha-ri 8:16), và “thực thi công lý chân thật” (7:9). Trong cả hai trường hợp, lời kêu gọi dành cho “các phán quyết phù hợp với emet, với sự kiện thực tế, để chúng chứng minh là đúng và chính xác.” Trong các vấn đề về phán quyết, điều tra kỹ lưỡng được yêu cầu để xem liệu “điều đó có đúng không và sự việc mới được thành lập.” (Phục. 13:14; xem thêm 17:4, “điều đó đúng và…. chắc chắn”; và 22:20). Do đó, các nhân chứng được khen ngợi vì sự trung thực của họ (Châm. 14:25; Giê. 42:5).

Lời phát biểu của một người cũng được mô tả bởi sự chân thật. “Hãy nói chân thật với nhau” (Xa-cha-ri 8:16; xin xem thêm Châm. 8:7; Dân. 11:2). Trong Thi thiên 15:2, nói “chân thật” tương phản với việc vu khống hoặc đưa ra những báo cáo dối trá và ác ý. Tương tự như vậy, Giê-rê-mi than thở về Giê-ru-sa-lem, nói rằng: “Ai nấy gạt gẫm kẻ lân cận mình, chẳng nói sự chơn thật. Chúng nó luyện tập lưỡi mình mà nói dối” (Giê-rê-mi 9:5). Nhà tiên tri Mi-chê được triệu tập để nói “không có gì khác ngoài sự thật nhân danh CHÚA” (1 Các vua. 22:16). “Môi chân thật” được khen ngợi, nhưng “lưỡi dối trá” và “môi nói dối” bị lên án (Châm. 12:19,22) Rõ ràng trong những câu này, sự thật liên quan đến sự thực tế hoặc phù hợp với thực tế chứ không phải là hư cấu.

Do đó, khái niệm về sự chân thật trong Cựu Ước bao gồm ý tưởng cơ bản về một điều gì đó chắc chắn và có thể tin cậy. Điều chính yếu là một thuộc tính cá nhân, chứng tỏ sự trung thành và đáng tin cậy. Nhưng nó cũng biểu hiện ý tưởng về sự phù hợp với thực tế, nghĩa là, sự chân thật là trái ngược với những gì giả dối. Thực ra hai suy nghĩ này hợp nhất với nhau. Như Roger Nicole đã chỉ ra, “Bởi vì sự chân thật là phù hợp với thực tế nên sự tin tưởng có thể được đặt vào nó hoặc ở người khẳng định nó, và bởi vì một người trung thành nên họ sẽ cẩn thận đưa ra những tuyên bố thành thật.”5

Quan niệm về lẽ thật của Tân Ước tiếp nối từ Cựu ước, mặc dù ý nghĩa của sự phù hợp với thực tế là điểm nhấn chính yếu. Trong văn học Hy Lạp, từ aletheia (“lẽ thật”) dùng để chỉ sự vật như chúng vốn có, tức là những gì phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, chính từ này lại dịch từ emet của tiếng Do Thái trong bản Septuagint, là bản dịch tiếng Hy Lạp của Tân Ước. Các tác giả Tân Ước đã sử dụng thuật ngữ Hy Lạp này với cùng ý nghĩa mà nó có trong Cựu Ước.6 Yếu tố trí tuệ là nổi bật, nhưng quan niệm về sự chân thật theo ý nghĩa của sự trung thành hoặc sự tin cậy thì cũng hiện diện trong nhiều cách sử dụng. Tuy nhiên, tư tưởng thứ hai này cũng thường được thể hiện trong Tân Ước bằng một nhóm từ liên quan đến pistos (“đáng tin cậy”, “trung thành”, “đáng tin tưởng”).

Ý tưởng nào chiếm ưu thế trong mỗi lần xuất hiện của từ “sự thật” trong Tân Ước thường rất khó xác định. Tuy nhiên, một số nghĩa rộng có thể được phân biệt, mặc dù chúng có thể trùng lặp.7 Sự thật là độ tin cậy hoặc độ tin tưởng vẫn là rõ ràng trong một số cách sử dụng, đặc biệt là những ý tưởng đề cập đến Đức Chúa Trời, nhưng cũng có lúc đề cập đến con người. “Hãy để cho sự thật của Đức Chúa Trời được nhìn thấy” (Rô-ma 3:4), một tuyên bố về những lời hứa trong giao ước của Đức Chúa Trời với Y-sơ-ra-ên, biểu hiện sự tin cậy của Ngài, sự thành tín của Ngài với Lời Ngài, tương tự như lời tuyên bố trong câu trước về sự thành tín của Đức Chúa Trời (3:3). Một ý nghĩa tương tự cũng được thấy trong những lời phán về chức vụ tôi tớ của Đấng Christ “nhân danh lẽ thật (sự tin cậy, sự thành tín của Đức Chúa Trời để xác nhận những lời đã hứa được ban cho với tổ phụ” (15: 8). Là “con cái của sự sáng”, các tín đồ phải sản sinh ra “bông trái của ánh sáng [mà] bao gồm tất cả sự tốt lành, và sự công bình và lẽ thật” (Ê-phê-sô 5:9). Đây là ý nghĩa của “lẽ thật rõ ràng tương tự như emet trong Cựu Ước ghi chép về sự trung thành của Ê-xê-chia”: Ông đã làm “điều tốt, điều đúng và trung tín [emet] trước mặt CHÚA, là Đức Chúa Trời của mình” (2 Sử. 31:20, NIV).

Tuy nhiên, sự nhấn mạnh chính yếu trong những lần xuất hiện của từ “sự thật” ở các hình thức khác nhau của nó (tức là danh từ, trạng từ, tính từ), là về những gì phù hợp với thực tế. Sự thật sẽ phân biệt điều gì là thực tế có thật, hoặc là chân thật với điều gì là giả dối. Đây là một người Y-sơ-ra-ên chân thật, trong người này không có gì là giả dối” (Giăng 1:47, NIV; xem thêm 1:9, “ánh sáng thật” 4:23, “những người thờ phượng thật” 8:31, “vậy thì ngươi là môn đồ thật”). Nó mô tả cái thực đối ngược với cái ảo. “Những gì thiên sứ đang làm là có thật, nhưng Phi-e-rơ nghĩ rằng ông đang nhìn thấy một khải tượng” (Công vụ 12:9). Phục vụ “trong lẽ thật” trái ngược với phục vụ giả vờ (Phi-líp 1:18). Đức Chúa Trời là “Đức Chúa Trời chân thật [thật].” trái ngược với các thần giả mạo (Giăng 17:3).

Tính thực tế được thể hiện rõ khi từ “thành thật” được sử dụng cho nhân chứng hoặc lời khai của một người. Một nhân chứng thật nói theo thực tế (5:31-32; 8:13-14; Tít 1:13). Phù hợp với sự kiện cũng được thấy trong sự đối lập giữa sự thật và sự giả dối. Phao-lô tuyên bố, “Tôi nói sự thật…. Tôi không nói dối” (Rô-ma 9:1; xin xem thêm Công vụ 26:25; 1 Ti-mô-thê 2:7). “Vậy, hãy bỏ sự nói dối sang một bên, hãy nói sự thật” (Ê-phê-sô 4:25). Và “nói sự thật” (4:15) trái ngược với “mưu đồ gian dối” (4:14). “Kẻ nói dối” không có “lẽ thật ” trong mình (1 Giăng 2:4; xin xem thêm 1:6; Gia-cơ 3:14). Sự thật trái ngược với sự dối trá được thấy rõ qua những lời dạy của Chúa Giê-su liên quan đến ma quỷ: “Vừa lúc ban đầu nó đã là kẻ giết người, chẳng bền giữ được lẽ thật, và không có lẽ thật trong nó đâu. Khi nó nói dối, thì nói theo tánh riêng mình, vì nó vốn là kẻ nói dối và là cha sự nói dối.” (Giăng 8:44). Ngay cả khi điều ngược lại không được đề cập đến, thì rõ ràng sự thật có nghĩa là điều không giả dối hoặc không sai lầm. Khi Chúa Giê-su hỏi ai đã chạm vào Ngài, người phụ nữ được chữa lành “sấp mình xuống trước mặt Ngài và nói cho Ngài biết toàn bộ sự thật” (Mác 5:33).

Khái niệm về chân lý như là sự phù hợp với thực tế này nổi bật trong suốt Tân Ước. Các tác giả khẳng định rằng thông điệp của họ là đúng vì nó dựa trên những điều thực sự đã xảy ra. Họ nhiều lần khẳng định rằng họ là nhân chứng của Đấng Christ và công trình cứu rỗi của Ngài (Công 1:22; 2:32; 3:15; 5:32; 10:39; 1 Phi 5:1-2; 2 Phi 1:16 -18;1 Giăng 1:1-3). Sự khẳng định của Phao-lô về sự phục sinh của Đấng Christ dựa trên lẽ thật rằng Ngài đã thực sự hiện ra với mọi người. Và điều này có thể dễ dàng được xác minh, vì hầu hết họ vẫn còn sống khi lời khẳng định được đưa ra (xin xem 1 Cô. 15:1-8, đặc biệt là câu 6).

Khái niệm về chân lý của Tân Ước cũng bao gồm ý tưởng về thực tại tối hậu. Theo nghĩa này thì ý nghĩ không phải là sự thật để phân biệt với cái không thực hay giả, mà là sự phân biệt với một cái gì đó mang tính biểu tượng hoặc chỉ là cái bóng của thực tại siêu phàm hoặc thiêng liêng. Đền tạm Cựu ước trên đất chỉ là bản sao của đền tạm “thật” trên trời (Hê-bơ-rơ 8:2; 9:24). Quan trọng nhất là lẽ thật theo nghĩa này đến bởi Đấng Christ. Giăng viết rằng “ân điển và lẽ thật bởi Ðức Chúa Jêsus Christ mà đến.” (Giăng 1:17, NIV). Điều này không phải để phủ nhận rằng ân điển và lẽ thật đã hiện diện trong các giao dịch của Đức Chúa Trời trong Cựu Ước. Nhưng với sự xuất hiện của Đấng Christ, thực tại thiêng liêng của lẽ thật hiện diện trong Cựu Ước đã được bày tỏ đầy đủ. Ngài là “con một từ Cha, đầy ân điển và lẽ thật” (1:14). Vì Ngài là thực tại hoàn toàn về lẽ thật của Đức Chúa Trời bày tỏ trong thế gian, nên Ngài đã nói lẽ thật, và Ngài cũng có thể nói, “Ta là…. lẽ thật” (14:6). Và như Phao-lô đã viết, “lẽ thật ở trong Chúa Giê-su” (Ê-phê-sô 4:21).

Từ những cách sử dụng khác nhau của từ “lẽ thật” trong Cựu ước và Tân ước, rõ ràng là lẽ thật bao hàm một số ý tưởng—sự tin cậy hoặc sự trung thành, sự phù hợp với thực tế hoặc thực sự, và thực tại thiêng liêng. Mặc dù một ý tưởng có thể là chính yếu trong một đoạn văn cụ thể, nhưng các chủ đề khác nhau này được liên kết với nhau. Một người đáng tin cậy hoặc trung thực sẽ nói phù hợp với thực tế, tức là người này sẽ không nói dối. Ngay cả sự mặc khải tối hậu về “lẽ thật” của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ không phải là không liên quan đến sự thật được bày tỏ trước đây qua các vị tiên tri (Hê-bơ-rơ 1:1-2).

Lẽ thật theo nghĩa Kinh Thánh là tối hậu là một sự hoàn hảo của chính Đức Chúa Trời. Tất cả lẽ thật đều đến từ Đức Chúa Trời. Hành động của Ngài là bày tỏ của lẽ thật của Ngài, về sự thành tín bất biến của Ngài. Vì vậy, lời của Ngài cũng đáng tin cậy; Ngài luôn luôn hành động phù hợp với những gì Ngài nói, nghĩa là, lời nói của Ngài luôn luôn phù hợp với thực tế; đó là thực sự. Vì vậy, Ngài không thể nói dối (Tít 1:2; Hê-bơ-rơ 6:18). Vì mọi thứ được tạo ra bởi Đức Chúa Trời và tìm thấy mục đích cuối cùng của nó trong ý định của Đức Chúa Trời, nên lẽ thật phải được phản ảnh trong đời sống của con người. Các mạng lịnh của Đức Chúa Trời là sự bày tỏ ý muốn của Ngài. Chúng phản ảnh lẽ thật của Đức Chúa Trời, và như sứ đồ viết, là “hiện thân…. của lẽ thật” (Rô-ma 2:20). Do đó, người ta được kêu gọi “[bước đi] trong lẽ thật” (2 Giăng 4; 3 Giăng 3–4), thực hành lẽ thật (Giăng 3:21;1 Giăng 1:6) và nói lẽ thật (Ê-phê-sô 4:15, 25). Một khái niệm về lẽ thật như vậy mà định nghĩa của nó được bắt nguồn cuối cùng là từ chính Đức Chúa Trời cho thấy sự hoàn hảo của các đặc tính của nó—sự tin cậy, sự phù hợp với thực tế, và sự thực tại thiêng liêng tối hậu.

 

Lời Chứng của Kinh Thánh về Lẽ Thật

Kinh Thánh thường xuyên làm chứng cho tính trung thực của nó. Việc xác định Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời rõ ràng là một lời khẳng định về tính trung thực, vì Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của lẽ thật. Và tuyên bố của Phao-lô về sự soi dẫn của Kinh Thánh bởi Thánh Linh của Đức Chúa Trời (2 Ti-mô-thê 3:16)—và lời tuyên bố của Chúa Giê-su rằng “không một chấm hay một nét nhỏ nhất nào (của Luật pháp hoặc Kinh Thánh) sẽ qua đi” (Mat 5:18) và “Kinh Thánh không thể bị hủy bỏ được” (Giăng 10:35)—ngụ ý rõ ràng về sự trung thực.

Ngoài ra, một số tuyên bố trong Kinh Thánh đề cập rõ ràng đến tính trung thực của nó. Chẳng hạn, tác giả thi thiên khi suy ngẫm sâu sắc về giá trị và sự thú vị của Kinh Thánh trong Thi thiên 119 đã tuyên bố: “Luật pháp của Ngài là chân thật” (119:142), “tất cả các điều răn của Ngài đều là chân thật” (119:151), và “sự tổng cộng của Lời Ngài là chân thật” (119:160). Từ “tổng cộng” trong câu cuối cùng chỉ ra rằng “lẽ thật” là một đặc điểm của toàn bộ Kinh Thánh. Như Derek Kidner nói, việc sử dụng cùng một từ cho việc tổng điều tra dân số (ví dụ, Xuất. 30:12; Dân số 1:2) “cho thấy rằng ‘tổng của’ không phải là một cách nói ‘chung chung’, nhưng đúng hơn, ‘mỗi phần của’ lời Đức Chúa Trời đều là lẽ thật.” Chắc chắn, người viết thi thiên vui thích Lời Đức Chúa Trời trong suốt Thi thiên (119:16, 24, 47, 70, 77, 143, 174) cho thấy rằng “sự chân thật” có một ý nghĩa cá nhân hoặc hiện sinh đối với tác giả. Tác giả thấy chúng là trung thành và đáng tin cậy trong những cuộc đấu tranh của cuộc đời tác giả. Nhưng như Anthony Thiselton lưu ý, “Cùng một tác giả Thi thiên coi luật pháp của Đức Chúa Trời như ngọn đèn và ánh sáng (câu 105) cho người tin nhận biết tình trạng thực sự của sự việc, và do đó không thể loại bỏ ý nghĩa của lẽ thật là sự phù hợp với thực tế từ những tuyên bố này. Những tín đồ nhận thấy Kinh Thánh đáng tin cậy về mặt cá nhân trong đời sống bởi vì Kinh Thánh là lẽ thật trên thực tế và Kinh Thánh diễn tả thực tế. Trong cuộc tấn công của Đức Chúa Trời chống lại các tiên tri giả vào thời Giê-rê-mi, vấn đề rõ ràng là sự thật đối nghịch với sự giả dối. Các tiên tri giả “nhân danh Ta mà nói tiên tri giả dối” (Giê 23:25), “nhưng hãy để kẻ có lời Ta nói lời Ta trong lẽ thật” (23:28; xin xem thêm 1 Vua. 17:24).

Trong Tân Ước thì phúc âm thường được cho là có đặc điểm của lẽ thật. Đó là “lời lẽ thật” (Ê-phê-sô 1:13, NIV; Cô-lô-se 1:5). Kinh Thánh Cựu Ước là “hiện thân của sự tri thức và lẽ thật” (Rô-ma 2:20). Quan trọng nhất là Chúa Giê-su khẳng định rằng “Lời của Ngài là lẽ thật” (Giăng 17:17) Theo lời của Thiselton,” Lời này của Đức Chúa Trời có giá trị, có hiệu quả, không hề sai, thực sự phù hợp với thực tế. Tất cả những điều này là chính xác vì nó là lời mặc khải của chính Đức Chúa Trời.”10

Ngoài những tuyên bố rõ ràng về tính trung thực của Kinh Thánh, thì những tuyên bố khác trong Kinh Thánh đề cập đến sự hoàn hảo của Kinh Thánh. Như tác giả thi thiên đã tuyên bố, “Lời của CHÚA là lời trong sạch, Dường như bạc đã thét trong nồi dót bằng gốm, luyện đến bảy lần” (Thi 12:6). Tiếng Hê-bơ-rơ dịch là “trong sạch” được dùng ở nơi khác để mô tả một kim loại, chẳng hạn như vàng, không lẫn tạp chất (Xuất 25:11, 17, 24, 29). Nó cũng được dùng để chỉ tấm lòng trong sạch (Thi 51:10; Ê-xê-chi-ên 36:25) hoặc sự trong sạch theo nghi lễ (Lê. 10:10, 14; 13:13, 17; Phục. 14:11, 20; Mal. 1:11). Để nhấn mạnh sự trong sạch của Lời Đức Chúa Trời, Đa-vít đã viết rằng nó giống như bạc được “tinh luyện bảy lần” (Thi 12:6). Số bảy có lẽ để bày tỏ “một cách mạnh mẽ của khái niệm về sự trong sạch tuyệt đối, hoàn toàn không bị tạp chất hoặc không hoàn hảo.”

Đa-vít cũng viết, “Còn Ðức Chúa Trời, các đường lối Ngài là trọn vẹn; Lời của Ðức Giê-hô-va đã được luyện cho sạch; Ngài là cái khiên cho những kẻ nào nương náu mình nơi Ngài.” (18:30). Tiếng Hê-bơ-rơ dịch là “thử luyện” (“hoàn hảo.”NIV) thường được sử dụng để tinh luyện, nấu chảy, thử nghiệm hoặc chứng minh là kim loại. Lời Đức Chúa Trời đã được thử nghiệm và cho thấy là hoàn toàn trong sạch và hoàn toàn đáng tin cậy. Như câu gợi ý, Lời Đức Chúa Trời phù hợp với hành động của Ngài. “Đường lối” của Ngài là “không chỗ trách được” nghĩa là “hoàn hảo” (NIV); Lời của Ngài đã được “thử luyện” nghĩa là “không có tì vết.” Điều này đã được thử nghiệm và chứng minh về chất lượng của Lời Đức Chúa Trời được nâng cao trong 119:140, nơi nó được mô tả là “rất tinh sạch” (hoặc “đã thử luyện,” như trong 18:30). Châm ngôn 30:5 nói, “Mọi lời của Đức Chúa Trời đều được thét luyện (nghĩa là, hoàn hảo, NIV).” Trước sự tinh sạch của Lời Đức Chúa Trời, Agur cảnh báo, “Chớ thêm chi vào các lời Ngài. E Ngài quở trách ngươi, và ngươi bị cầm nói dối chăng” (30:6). Sự tương phản với lời nói dối cho thấy rằng sự trong sạch của Lời đã được Đức Chúa Trời thử nghiệm và thử luyện không chỉ đề cập đến việc người tin Chúa thấy Lời ấy đáng tin cậy trong cuộc sống, mà còn nói rằng đó là sự thật trái ngược với sự giả dối.

Trong Châm-ngôn 8:8, sự khôn ngoan được nhân cách hóa như một cá nhân, đã nói: “Mọi lời nói của miệng tôi đều ở trong sự công chính; chẳng có điều gì quanh co hay gian trá trong đó.” Việc sử dụng từ “công chính” trong 12:17 và Thi Thiên 52:3 đối lập với sự giả dối và gian dối cho thấy rằng lời nói “công chính” là bao gồm lời nói trung thực.

Điều thú vị là Kinh Thánh không bao giờ giới hạn tuyên bố về tính trung thực của Kinh Thánh đối với một số giáo lý (chẳng hạn như những giáo lý liên quan trực tiếp đến sự cứu rỗi) trong khi không khẳng định tính trung thực của những giáo lý khác. Nhưng điều này có nghĩa là Kinh Thánh vô ngộ phải không? Tính trung thực, đặc biệt là sự tin cậy, được áp dụng cho những con người có đời sống chủ yếu là được mô tả bởi thuộc tính này, nhưng không hoàn hảo. Tuy nhiên, điều này không thể nói về Chúa. Vì chính khái niệm về lẽ thật được đặt nền tảng ở trong Ngài, nên ý nghĩa của “lẽ thật” không bao hàm sự bất toàn. Bản thân sự không đáng tin cậy hoặc không phù hợp với thực tế thì không bao giờ là một phần của sự thật. Bởi vì Đức Chúa Trời là chân thật, sự trung thực trong sự mặc khải của Ngài trong các hành động và lời nói thì không bao giờ được mô tả bởi sự giả dối. Đức Thánh Linh, nhờ Lời Đức Chúa Trời đã trở nên hiện hữu, cũng được gọi là Thần lẽ thật (Giăng 14:17; 15:26; 16:13; 1 Giăng 4:6). Vì Kinh Thánh được viết bởi những người được “Đức Thánh Linh cảm động” (2 Phi-e-rơ 1:21) nên những gì họ viết là Lời của Đức Chúa Trời, nên khó có thể kết luận điều gì khác ngoài việc Kinh Thánh là đúng trong mỗi phần.

 

 

Ý NGHĨA CỦA SỰ VÔ NGỘ TRONG KINH THÁNH

Trong quá khứ, thuật ngữ truyền thống được sử dụng để mô tả tính trung thực của Kinh Thánh là vô ngộ. Tuy nhiên, vì vô ngộ nên có thể mang ý nghĩa “ảnh hưởng hoặc tác động”, với một số người, như đã lưu ý trước đó, việc sử dụng từ này trong Kinh Thánh để cho thấy rằng Kinh Thánh có hiệu quả trong việc hoàn thành mục đích mang lại sự cứu rỗi. Vì vậy, theo quan điểm này, không có nghĩa là không có lỗi. Vì lý do này, hầu hết những ai đề cập đến tính trung thực của Kinh Thánh đều đề cập đến tính vô ngộ của Kinh Thánh.

Định Nghĩa về Sự Vô Ngộ

Theo ngôn ngữ riêng của Kinh Thánh, sự vô ngộ được định nghĩa tốt nhất là “tính trung thực”. Có nghĩa là các nguyên bản của Kinh Thánh đều đúng trong mọi điều đã nói về mọi vấn đề. David Dockery định nghĩa sự vô ngộ theo cách này: “Kinh Thánh (trong các nguyên bản) được giải nghĩa một cách chính xác theo cách mà nền văn hóa và phương tiện giao tiếp đã được phát triển vào thời điểm được viết ra của nó sẽ hoàn toàn đúng (và do đó không thể sai lầm) trong tất cả những gì nó khẳng định, ở mức độ chính xác mà người viết mong đợi, trong mọi vấn đề liên quan đến Đức Chúa Trời và sự sáng tạo của Ngài.”13

Bởi vì Kinh Thánh là lẽ thật, không chỉ đáng tin tưởng nghĩa là đáng tin cậy; nhưng cũng phù hợp với thực tế. Tất nhiên, nhiều câu trong Kinh Thánh không phải là những câu nói thực tế mà sự thật có thể được đo lường bằng sự phù hợp với thực tế bên ngoài, chẳng hạn như sự kiện lịch sử. Ví dụ, những lời cầu nguyện, những mạng lịnh và những lời khuyên nhủ không trực tiếp khẳng định những lời đề nghị có thể được xác minh trực tiếp ngoại trừ ý nghĩa của những tuyên bố đã thực sự được đưa ra. Kevin Vanhoozer giải thích cách gọi tất cả các hình thức phát biếu là “hành vi lời nói”, là cách mà ngay cả những hành vi lời nói đó không phải là những lời đề nghị tuy nhiên có thể được cho là đúng nếu những thực tế nhất định được bao hàm trong đó. Ví dụ, lời khuyến khích “Ngợi khen Chúa” ngụ ý sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, sự đáng ngợi khen của Ngài và mối quan hệ nhất định giữa Ngài và dân sự của Ngài khiến cho việc ngợi khen là điều đúng đắn. Sự trung thực của sự khuyến khích để ca ngợi Chúa, do đó dựa trên thực tế mặc nhiên. Bởi vì tất cả Kinh Thánh đều là Lời của Đức Chúa Trời, “Các hành vi lời nói” của Ngài đều vô ngộ, bao gồm các mạng lịnh, những lời hứa, các điều cảnh báo, những lời cầu nguyện, và vâng vâng.15

Một Số Tiêu Chuẩn Cần Thiết của Sự Vô Ngộ

Để tránh hiểu lầm về tính vô ngộ, chúng ta cần đặt ra một số câu hỏi khi xem xét các câu trong Kinh Thánh. Đầu tiên, là trước giả con người đã mô tả câu nói đó là thật, nghĩa là trước giả này chỉ đơn giản là thuật lại những gì ai đó đã nói nhưng có thể là không đúng sự thật? Việc Sa-tan tuyên bố với Ê-va, “Chắc chắn ngươi sẽ không chết” (Sáng 3:4), chứng tỏ rằng Kinh Thánh bao gồm những điều sai sự thật. Và Kinh Thánh ghi lại chính xác những lời phát biểu của những người bạn của Gióp, mặc dù họ đã sai khi buộc tội Gióp về một số tội nghiêm trọng. Thông thường, ngữ cảnh làm rõ liệu một tuyên bố có được hiểu là sự thật hay không. Tuy nhiên, Kinh Thánh vẫn vô ngộ ở chỗ là thuật lại cách trung thực và chính xác những gì đã được nói hoặc những gì đã xảy ra.

Thứ hai, trước giả dự định nói bằng ngôn ngữ bình dân hay bằng ngôn ngữ khoa học kỹ thuật? Chúng ta nói về mặt trời mọc và lặn, nhưng về mặt khoa học chúng ta biết rằng trái đất chuyển động chứ không phải mặt trời. Chúng tôi không buộc tội những người viết báo hoặc phóng viên dự báo thời tiết trên truyền hình đã sai khi họ đưa tin về thời điểm bình minh và hoàng hôn.

Thứ ba, có phải trước giả đã nói tròn con số không? Nếu con số là một ước lượng hợp lý, thì không có sự sai sự thật nào liên quan. Trong nhiều tình huống—dân số của các thành phố, quy mô đám đông, khoảng cách hàng dặm—người ta sử dụng số tròn, nhưng chúng tôi không nói rằng những tuyên bố đó là sai. Nguyên tắc tương tự cũng áp dụng cho trích dẫn của trường hợp khác. Chúng có thể là những câu trích dẫn chính xác từng từ, hoặc chúng có thể là những câu diễn giải cung cấp ý chính của ý nghĩa ban đầu mà không bao gồm sai sót.

Thứ tư, trước giả có ý định nói theo nghĩa đen hay thông qua minh họa của lời nói? Một số người sẽ nói rằng các trước giả Kinh Thánh tổ chức một vũ trụ học sai lầm khi nói về “bốn góc của trái đất” (Ê-sai 11:12) hoặc “các cửa sổ trên trời” (Sáng 7:11, KJV). Tuy nhiên, khi từ ngữ như vậy mà được hiểu theo nghĩa bóng, như nó đã được mong đợi một cách chắc chắn, thì không có sai sót nào liên quan.

Một số người phản đối tín lý về sự vô ngộ bằng cách kêu gọi sự chú ý đến một số cấu trúc ngữ pháp trong tiếng Do Thái hoặc tiếng Hy Lạp không tuân theo các mẫu câu thông thường. Như Nicole giải thích, “Chúng tôi có các câu bị treo lơ lửng [không được hoàn thành khi bắt đầu]; chúng tôi có những động từ mà chủ ngữ đang trong hồ nghi; chúng tôi có những hình thức của lời nói có thể đã bị kết án bởi một nhà văn phạm tiếng Do Thái hoặc tiếng Hy Lạp cổ.” Tuy nhiên, ngữ pháp không phải là vấn đề của lẽ thật mà là sự phù hợp với quy ước ngôn ngữ của con người, vốn có thể thay đổi và dao động theo thời gian. Trong mọi trường hợp, cho dù người đó nói và viết với khả năng văn phạm tốt thì không liên quan gì đến tính trung thực của một tuyên bố. Hơn nữa, những lý do chính đáng thường có thể được tìm thấy trong những trường hợp mà người viết Kinh Thánh thay đổi từ cách diễn đạt ngữ pháp bình thường. Trong một số trường hợp, nó là kết quả của việc chuyển các cấu trúc tiếng Do Thái sang ngôn ngữ Hy Lạp, thì những cấu trúc đó không phù hợp với ngữ pháp Hy Lạp chuẩn.

Do đó, sự vô ngộ có nghĩa là khi xem xét đầy đủ các tuyên bố của Kinh Thánh theo ý nghĩa và mục đích sử dụng của chúng bởi các trước giả loài người, thì Kinh Thánh hoàn toàn đáng tin cậy trong tất cả những gì Kinh Thánh nêu ra. Sự dạy dỗ chính yếu của Kinh Thánh liên quan đến chương trình cứu chuộc vĩ đại của Đức Chúa Trời thông qua Chúa Giê-su Christ. Nhưng khi cung ứng sự cứu rỗi này, thì Đức Chúa Trời đã xâm chiếm thế giới của chúng ta để đối phó với chúng ta trong bối cảnh lịch sử và địa lý của chúng ta. Do đó, sự ghi chép về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời chạm đến các lĩnh vực kiến thức khác cũng như lẽ thật thuộc linh. Toàn bộ bản ghi chép này là Lời của Đức Chúa Trời được soi dẫn, nên Lời của Đức Chúa Trời không thể sai lầm. Điều này không có nghĩa là các trước giả biết nhiều về lịch sử và khoa học hơn những người ngày nay, cũng không có nghĩa là họ là những chuyên gia trong mọi lĩnh vực kiến thức. Thay vào đó, điều đó có nghĩa là Đức Chúa Trời đã bảo vệ những điều đó để không gây hiểu lầm cho chúng ta trong bất kỳ tuyên bố nào, cho dù có vẻ tầm thường đến mức nào.

TẦM QUAN TRỌNG VỀ SỰ VÔ NGỘ CỦA KINH THÁNH

Kể từ thời đại Khai sáng vào thế kỷ thứ mười tám, câu hỏi về tính vô ngộ của Kinh Thánh đã được tranh luận giữa các Cơ đốc nhân. Nhiều năng lượng đã bị tiêu tốn và giấy mực đổ ra ngay cả trong số những người rao giảng phúc âm thì đã phải vật lộn với vấn đề này trong vài thập kỷ qua. Tính vô ngộ hay sự trung thực của Kinh Thánh có thực sự quan trọng đối với đức tin Cơ đốc không? Tất nhiên, tin vào tính vô ngộ thì không đảm bảo rằng người đó sẽ giải nghĩa Kinh Thánh một cách chính xác, bằng chứng thực tế là một số giáo phái chẳng hạn như Chứng nhân Giê-hô-va đã khẳng định tính vô ngộ. Nhưng Kinh Thánh, không phải cách giải nghĩa của chúng ta về chúng, là vô ngộ. Tuy nhiên, sự vô ngộ cung cấp một cơ sở hợp lý cần thiết cho thẩm quyền tuyệt đối của cả Kinh Thánh.

Sự vô ngộ có nghĩa là tất cả Kinh Thánh đều có thẩm quyền nếu Kinh Thánh có sai sót thì thẩm quyền của nó bị hạn chế. Tất nhiên, nhiều người có thể nói rằng Kinh Thánh chỉ có thẩm quyền trong những lời dạy liên quan đến sự cứu rỗi. Tuy nhiên, khi nói điều này, thì người đó giới hạn thẩm quyền của Kinh Thánh.

Những lời của J. I. Packer về tầm quan trọng của sự vô ngộ liên quan đến việc trình bày Kinh Thánh là điều rất đáng được suy nghĩ. Khi chúng tôi khẳng định tính vô ngộ của Kinh Thánh, Packer lưu ý, “Chúng tôi không được 1) phủ nhận, coi thường hoặc tùy tiện tương đối hóa bất cứ điều gì mà các trước giả Kinh Thánh dạy, cũng như 2) coi nhẹ bất kỳ những ngụ ý thực tế nào đối với việc thờ phượng và phụng sự mà sự dạy dỗ của họ mang lại, cũng không 3) cắt bỏ nút thắt của bất kỳ vấn đề nào về sự hài hòa của Kinh Thánh, thực tế hay thần học, bằng cách cho phép chúng ta cho rằng các trước giả được soi dẫn không nhất thiết phải nhất quán với chính họ hoặc với nhau.”17

Bằng cách khẳng định tính vô ngộ của Kinh Thánh, chúng ta tự đặt mình dưới thẩm quyền của tất cả những lời dạy trong Kinh Thánh. Khi nói rằng Kinh Thánh có những sai sót làm hạn chế thẩm quyền của Kinh Thánh và có thể dẫn đến những phiên bản Cơ đốc giáo bị giảm bớt và bị bóp méo.”18

Nếu chúng ta chấp nhận sai sót trong một số phần của Kinh Thánh, thì điều này đặt ra câu hỏi về toàn bộ. Đúng, một sai sót trong một tuyên bố không nhất thiết có nghĩa là sai sót đó tồn tại trong toàn bộ Kinh Thánh. Nhưng sự tồn tại của một sai sót trong Kinh Thánh mở ra khả năng cho các sai sót khác. Vì vậy, có thể nói rằng Kinh Thánh có những sai sót làm suy giảm lòng tin của chúng ta đối với toàn bộ Kinh Thánh.

Một số học viên Kinh Thánh nói rằng sự vô ngộ chỉ liên quan đến các vấn đề về đức tin và việc thực hành, không thể xác minh được lẽ thật của chúng. Nhưng về mặt lô-gích, thì điều này nảy sinh câu hỏi là làm thế nào những vấn đề tâm linh có thể tin cậy được. Tại sao một người không phải tín đồ nên chấp nhận những phần thiêng liêng đó trong Kinh Thánh nói về Đức Chúa Trời và sự chết của Đấng Christ là sự thay thế cho tội nhân, những lời dạy này không thể kiểm tra được, khi mà người đó được cho biết rằng chính những lĩnh vực đó có thể chứng thực được, chẳng hạn như lịch sử hoặc khoa học, có chứa đựng những điểm không chính xác không?

Một khi sai sót được thừa nhận ngay cả trong lĩnh vực rất hạn chế, thì xu hướng này cho rằng nếu sai sót nhiều hơn thì cũng sẽ được thừa nhận. Lúc đầu, một số nhà thần học đặt câu hỏi về các vấn đề thuộc tính trung thực của lịch sử, nhưng ngay sau đó họ đã nghi ngờ về các khía cạnh thần học và đạo đức của Kinh Thánh. Như Carl Henry viết, “Rõ ràng là các học giả loại bỏ tính đáng tin cậy của lịch sử Kinh Thánh đã sớm tạo ra một cái cớ chia rẻ cho việc loại bỏ các yếu tố tín lý.”19 Ví dụ, vào năm 1905 William Newton Clark đã viết rằng chỉ những lời dạy thần học và đạo đức của Chúa Giê-su là có thẩm quyền.20 Theo đó, thực tế về ma quỷ trong chức vụ của Chúa Giê-su— là một vấn đề thần học và đạo đức—đã bị bác bỏ như một điều đã được khoa học hóa trước đó. Những lời chỉ trích mang tính duy lý đối với Kinh Thánh sau đó dẫn đến việc Harry Emerson Fosdick nói rằng chỉ có cuộc đời của Chúa Giê-su là “có giá trị vĩnh cửu.”21 Đi xa hơn nữa, một số người coi Chúa Giê-su chỉ là một nguồn cảm hứng.

Điều này không có nghĩa là tất cả những ai phủ nhận tính trung thực của tất cả Kinh Thánh thì đều hạn chế thẩm quyền của Kinh Thánh. Tuy nhiên, nó chỉ ra rằng việc khẳng định ngay cả một số sai sót trong Kinh Thánh cũng khiến cho về nguyên tắc, rất khó để ngăn những người khác tìm ra thêm.

Vô Ngộ Có Nghĩa Kinh Thánh Là Thẩm Quyền Tối Hậu

Không chỉ tuân theo sự vô ngộ của Kinh Thánh mà nghĩa là cả Kinh Thánh đều có thẩm quyền. Có lẽ còn quan trọng hơn, nó còn khẳng định rằng Lời của Đức Chúa Trời chứ không phải lý trí của con người là thẩm quyền cuối cùng hoặc tối hậu. Khi chấp nhận những sai sót trong Kinh Thánh thì ngay lập tức câu hỏi được đặt ra, Ai là người quyết định điều gì là đúng và điều gì sai trong Kinh Thánh? Chẳng phải nhà phê bình Kinh Thánh nói rằng một câu Kinh Thánh nào đó là sai thì người đó đang tự đặt mình vào sai vị trí như là người có thẩm quyền đối với Kinh Thánh sao? Hội đồng Quốc tế về sự vô ngộ của Kinh Thánh đã ghi nhận một cách khéo léo thực tế này trong việc xác định lượng “Tuyên bố Chicago về sự vô ngộ của Kinh Thánh”: Kết quả của việc thực hiện bước này [phủ nhận toàn bộ tính trung thực của Kinh Thánh] thì Kinh Thánh mà Đức Chúa Trời ban cho sẽ bị mất thẩm quyền, và thay vì có mọi thẩm quyền thì Kinh Thánh bị giảm đi thẩm quyền trong nội dung theo yêu cầu của cách lý luận phê bình và theo nguyên tắc có thể giảm thậm chí còn đi xa hơn nữa một khi người đó đã bắt đầu. Điều này có nghĩa là lúc bấy giờ từ tận cùng của lý trí độc lập có thẩm quyền, trái ngược với sự dạy dỗ trong Kinh Thánh. Tuyên bố Chicago sau đó khẳng định rằng việc phủ nhận tính vô ngộ dẫn đến một chủ nghĩa chủ quan không ổn định. Những lời của Nicole xứng đáng được mọi tín đồ chú ý: Điều tối quan trọng trong toàn bộ cuộc thảo luận này là sự công nhận uy quyền của Đức Chúa Trời trong các lời truyền tụng thiêng liêng. Chúng ta có phục tùng tiếng nói của Đức Chúa Trời là Đấng đã phán một cách vô điều kiện không? Hay là, chúng ta sẽ kiên quyết sàng lọc thông điệp của Kinh Thánh, chỉ chấp nhận những gì có thể chấp nhận và tự do từ chối những gì không phù hợp với tiêu chí định kiến của chúng ta?24

KẾT LUẬN

Kinh Thánh tuyên bố về tính trung thực tuyệt đối và sự trong sạch hoàn hảo của Kinh Thánh, nghĩa là về tính vô ngộ của Kinh Thánh. Không nơi nào trong Kinh Thánh chỉ ra rằng những lời dạy này chỉ liên quan đến một số phần hoặc một số chủ đề nhất định. Do đó, việc tuân theo những lời dạy của Kinh Thánh đòi hỏi sự công nhận về tính vô ngộ của Kinh Thánh. Hơn nữa, tín lý này duy trì một cách hợp lý về thẩm quyền tối hậu của tất cả Kinh Thánh. Chỉ có lẽ thật mới có thẩm quyền, và bởi vì Kinh Thánh hoàn toàn là chân thật nên mạng lịnh của Kinh Thánh là thẩm quyền tối thượng.

 

 

 

  1. Kinh Thánh Có Tự Mâu Thuẫn Không?

 

 

NGƯỜI TA CÓ THỂ NGHĨ rằng vì Kinh Thánh là lẽ thật, nên tất cả nội dung của nó sẽ dễ dàng hòa hợp vớinhau một cách hoàn hảo. Tuy nhiên, người học Kinh Thánh cẩn thận chắc chắn sẽ gặp phải những vấn đề trong việc nghiên cứu Kinh Thánh dường như không phù hợp với sự soi dẫn thiên thượng. Một phần nào đó của Kinh Thánh có vẻ khó hòa hợp với phần khác, và một số dữ liệu trong Kinh Thánh có vẻ không phù hợp với học thuật thế tục. Nếu Kinh Thánh là những gì họ cho là—Lời Đức Chúa Trời được soi dẫn, thì chúng ta giải thích những vấn đề rõ rành rành này như thế nào và chúng ta nên phản ứng ra sao?

 

NGUYÊN NHÂN CỦA CÁC VẤN ĐỀ TRONG KINH THÁNH

Khi xem xét bản chất của Kinh Thánh, không khó để hiểu tại sao chúng ta có thể gặp một số vấn đề. Theo người viết sách Hê-bơ-rơ, sự mặc khải của Đức Chúa Trời có trong Kinh Thánh đã đi vào lịch sử từ “cách đây rất lâu” cho đến “những ngày cuối cùng này” (Hê-bơ-rơ 1:1-2). Việc viết Kinh Thánh kéo dài hàng thế kỷ, trong thời gian đó thì Đức Chúa Trời phán với dân sự Ngài theo bối cảnh lịch sử và nền văn hoá đa dạng của họ. Mặc dù có những bước tiến lớn trong ngành nghiên cứu khảo cổ học và lịch sử nhầm thu hẹp khoảng cách lịch sử và văn hóa hiện hữu giữa chúng ta và thời Kinh Thánh, kiến thức của chúng ta về thế giới cổ đại vẫn chưa hoàn chỉnh. Do đó, những đặc tính rất con người của Kinh Thánh cần thiết cho sự hiểu biết của dân sự Đức Chúa Trời trong suốt lịch sử, khiến chúng ta có thể gặp phải một số dữ liệu trong Kinh Thánh làm cho chúng ta vẫn khó hiểu và khó hài hòa để có thể hoàn toàn hài lòng.

Đôi khi có cảm giác rằng những vấn đề này có khởi đầu gần đây, nó bắt nguồn từ việc sử dụng phương pháp luận khoa học hiện đại hoặc khám phá khoa học và lịch sử. Tuy nhiên, các học giả tin vào Kinh Thánh đã nhận thức được những vấn đề này trong nhiều thế kỷ và đã tìm cách giải quyết những vấn đề đó theo sự soi dẫn của Kinh Thánh. Với thực tế này, sẽ rất hữu ích nếu xem xét ngắn gọn động lực đằng sau thì phần lớn xu hướng hiện đại nhầm mục đích là phủ nhận tính vô ngộ của Kinh Thánh.

 

Các Tiền Giả Định Về Thuyết Chống Siêu Nhiên

Việc đề cao lý trí của con người như là tiêu chuẩn cao nhất của chân lý trong thời đại Khai sáng vào thế kỷ mười tám đã dẫn đến sự nở rộ vào thế kỷ mười chín của phương pháp nghiên cứu Kinh Thánh phê bình lịch sử. Cách tiếp cận này cho rằng “thực tế là không thay đổi về hình thức và tính cách / đồng nhất và phổ quát / phổ biến / phổ thông, rằng nó có thể dễ dàng tiếp cận được với lý trí và sự thẩm định / sự nghiên cứu của con người, rằng tất cả các sự kiện lịch sử và tự nhiên diễn ra bên trong nó về là trong nguyên tắc có thể so sánh được bằng phép loại suy / quá trình suy luận, và kinh nghiệm hiện tại của con người về thực tế có thể cung cấp các tiêu chí khách quan bằng cách Điều gì có thể xảy ra hoặc không thể xảy ra trong quá khứ sẽ được xác định.”1 Nguyên tắc này sau đó đã được sửa đổi ở một số phương diện. Ví dụ, người ta thừa nhận rằng tất cả các sự kiện lịch sử theo một nghĩa nào đó là duy nhất và do đó không thể hoàn toàn tương tự với các sự kiện trước đó. Hơn nữa, có thể có ý nghĩa trong một sự kiện không thể kiểm chứng một cách khách quan, chẳng hạn như các giá trị cao nhất trong đời sống, bao gồm, ví dụ, sự công bình và tình yêu thương.2

Tuy nhiên, nguyên tắc cơ bản rằng chỉ duy lý trí của con người mới có thể xác định điều gì là thật và đúng, và hệ quả là thế giới quan phản tự nhiên, vẫn là trung tâm của nhiều lời chỉ trích Kinh Thánh ngày nay và cung cấp tiêu chí cho nhiều cáo buộc về sai lầm trong Kinh Thánh ngay cả ngày nay. Như Richard Purtill giải thích, “Nếu các câu chuyện kể trong Kinh Thánh mà không có các câu chuyện về các sự kiện phép lạ hoặc không đề cập đến Đức Chúa Trời, các thiên sứ, v.v., thì lịch sử Kinh Thánh có lẽ sẽ được coi là thiết lập vững chắc hơn nhiều so với phần lớn lịch sử, như là, của Hy Lạp cổ và La Mã. Nhưng vì các câu chuyện trong Kinh Thánh có đề cập đến phép lạ và có liên quan đến việc đề cập đến Đức Chúa Trời, thiên sứ và ma quỷ, v.v., rồi những vấn đề quan tâm khác hơn là chỉ hoàn toàn những nhân vật lịch sử đi vào bức tranh này…. [Những người theo chủ nghĩa hiện đại] bị thuyết phục như một phần trong thế giới quan chung của họ đó là phép lạ không thể xảy ra”3 Howard Vos tóm tắt vấn đề một cách thẳng thừng. “Chủ nghĩa hoài nghi thái quá của nhiều nhà thần học tự do không bắt nguồn từ việc đánh giá cẩn thận các dữ liệu sẵn có, mà là từ khuynh hướng tội ác chống lại siêu nhiên.”4

Niềm tin cho rằng lý trí của con người là phương tiện để xác định chân lý không những chỉ ảnh hưởng đến lịch sử, mà còn ảnh hưởng đến các vấn đề đạo đức và tôn giáo. Mặc dù được khẳng định một cách khá thẳng thừng, nhưng nguyên tắc cơ bản của một tác giả thế kỷ mười chín vẫn được nhiều người ngày nay áp dụng: “Nếu chúng ta tìm thấy ngay cả trong Kinh Thánh bất cứ điều gì khiến chúng ta nhầm lẫn giữa nhận thức đúng và sai, thì điều này đối với chúng ta dường như ít xứng đáng và trong sạch hơn là đặc tính của Đức Chúa Trời; nếu sau khi suy nghĩ kiên nhẫn nhất và tập trung cầu nguyện tích cực, mà nó vẫn giữ lại phương diện này, thì chúng ta không được đầu hàng trước nó xem như sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời cho chúng ta, vì nó không đáp ứng nhu cầu của sự mặc khải sớm hơn và thiêng liêng hơn mà Ngài đã ban cho chúng ta bằng chính tâm linh và lương tâm của chúng ta, là điều vốn dĩ làm chứng về Ngài.”5

Bởi vì một số quy định của Luật pháp Môi-se được ghi lại trong Xuất Ê-díp-tô Ký 21-23 cho thấy sự phản ánh hiện trạng trong xã hội Y-sơ-ra-ên lúc bấy giờ (ví dụ, chế độ nô lệ) và cả “lòng nhân từ và sự công bình của Đức Chúa Trời”, Paul Achtemeier kết luận rằng đoạn Kinh Thánh này xuất phát từ hai nguồn, một nguồn tự nhiên (từ đời sống của người Do Thái) và sự mặc khải khác (từ Đức Chúa Trời).6 Các nhà truyền giáo luôn hiểu rằng phân đoạn này là sự mặc khải vô ngộ về Đức Chúa Trời yêu thương, Đấng đã khôn ngoan hòa hợp các quy định của Ngài với dân sự của Ngài tại thời điểm đó trong lịch sử. Nhưng Achtemeier bác bỏ điều này và thay vào đó là đề xuất ý kiến của riêng mình về việc mặc khải của Đức Chúa Trời sẽ như thế nào.

Tất cả điều này cho thấy sự thật rằng sự kết ước tôn giáo của chúng ta trên thực tế ảnh hưởng đến cách chúng ta quan niệm về Kinh Thánh thế nào. Tuy nhiên, các nhà phê bình luôn tìm cách phủ nhận thực tế này. Ví dụ, John Barton đã khẳng định rằng “các quy tắc cơ bản để phê bình Kinh Thánh hiệu quả chỉ phụ thuộc vào lý luận đúng đắn…. Sự kết ước tôn giáo của các nhà phê bình hoàn toàn không liên quan đến việc đánh giá tác phẩm của họ.”7 Tuy nhiên, rất khó để phủ nhận những lời sau đây của nhà truyền giáo J. I. Packer. “Khi bạn bắt gặp một quan điểm ngày nay về Kinh Thánh, thì bạn gặp nhiều thứ hơn là một quan điểm về Kinh Thánh. Những gì bạn thấy là một quan điểm tổng quát về Đức Chúa Trời và thế giới, tức là, một thần học tổng quát, vừa là một bản thể luận, là tuyên bố những gì có, và một nhận thức luận, là cho biết làm thế nào chúng ta biết những gì có…. Mọi quan điểm của Kinh Thánh…. qua phân tích chứng minh để đúc kết lại một quan điểm tổng quát về Đức Chúa Trời và con người.”8

Đúng vậy, có những vấn đề khó hiểu thực sự trong Kinh Thánh mà những học viên đặc niềm tin vào Kinh Thánh không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nhiều sự công kích hiện đại chống lại tính trung thực của Kinh Thánh không phải xuất phát từ dữ liệu chứng minh rằng những lời tuyên bố trong Kinh Thánh là mâu thuẫn hoặc trái với thực tế, mà là từ những giả định về triết học và thần học từ phía những người phiên dịch. Mặc dù có thể đưa ra nhiều lời giải thích khác nhau cho những giả định cơ bản ảnh hưởng đến thái độ của chúng ta đối với Kinh Thánh, Chúa Giê-su gợi ý rằng ước muốn cơ bản trong lòng chúng ta mới là điều đóng vai trò then chốt. “Nếu ai khứng làm theo ý muốn của Ðức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo lý ta có phải là bởi Ðức Chúa Trời, hay là ta nói theo ý ta.” (Giăng 7:17). Chúa Giê-su nói rằng việc hiểu biết lời dạy của Ngài là đúng hay không không thể được quyết định bởi cái gọi là cuộc tranh luận hợp lý khách quan, mà tùy thuộc vào sự lựa chọn đạo đức. D. A. Carson nói về việc nhận biết ý muốn của Đức Chúa Trời sẽ áp dụng cho toàn bộ sự mặc khải thiên thượng của Đức Chúa Trời. “Sự kết ước đức tin được nhìn thấy trước ​​ở đây, sự lựa chọn đạo đức này, là cơ bản đúng đắn, và không thể đưa ra bất kỳ thái độ nào khiến chúng ta trở nên như những người đoán xét đường lối của Đức Chúa Trời…. Con người hữu hạn và sa ngã không thể tự đặt mình trên một nền tảng chắc chắn nào đó bên ngoài lẽ thật và do đó có được lợi thế để từ đó họ có thể đánh giá nó. Sự mặc khải thiêng liêng chỉ có thể được đánh giá, như cái nó vốn có, từ bên trong.”9

Trong chừng mực nào đó mà chúng ta không tán thành những lời dạy của Kinh Thánh và không tuân theo những lời dạy đó, thì ở mức độ đó, chúng ta chắc chắn sẽ tìm thấy lý do để phủ nhận rằng Kinh Thánh là sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Chúng ta chắc chắn phải tìm cách hài hòa suy nghĩ của mình với cách chúng ta chọn để sống. Chúng ta nên nhớ nguyên tắc này khi suy nghĩ về những trường hợp khó hiểu trong Kinh Thánh, vì như đã nói, “Lý do tại sao chúng ta tìm thấy rất nhiều chỗ tối trong Kinh Thánh, phần lớn là vì có quá nhiều chỗ tối trong tâm hồn chúng ta.”10

 

Nguyên Nhân Xác Thực Của Các Vấn Đề Trong Kinh Thánh

Như đã lưu ý, nhiều vấn đề khó hiểu trong Kinh Thánh nảy sinh vì Kinh Thánh là một tài liệu cổ, được viết trong bối cảnh của các nền văn hóa khác với nền văn hóa của chúng ta. Ví dụ, các phương pháp tính toán khác nhau có thể đã được sử dụng. Điều này đặc biệt đúng đối với diễn biến trình tự của các niên đại. Cách tính trọng lượng có thể thay đổi theo thời gian, gây khó khăn trong việc hài hòa sự giải trình này với sự giải trình khác trừ khi biết được sự thay đổi. Chúng ta có thể chưa hiểu đầy đủ ý nghĩa của một số từ, thành ngữ, cấu trúc ngữ pháp hoặc các khía cạnh khác của các ngôn ngữ và phong cách viết trong Kinh Thánh cổ đại.

Vì vậy, chúng ta không nên ngạc nhiên rằng có một số vấn đề tồn tại nhất định. Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã hành động thông qua những con người thật để viết ra Kinh Thánh. Ngài không loại bỏ nhân cách của họ hay đưa họ ra khỏi hoàn cảnh lịch sử để rồi đặt họ lên một hình thức bình diện đặc biệt nào đó, nơi mà họ đều suy nghĩ và thể hiện bản thân giống nhau. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu mọi thứ không ngay lập tức xuất hiện trong sự thống nhất hoàn toàn. Trên thực tế, thống nhất như vậy có thể được coi là bằng chứng chống lại tính xác thực của Kinh Thánh, cho thấy rằng những người viết ra đã có sự thông đồng và giả mạo từ phía những người đã viết ra nó.

 

GÓC NHÌN VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ NAN GIẢI TRONG KINH THÁNH

Việc thảo luận về tất cả các vấn đề hiển nhiên trong Kinh Thánh nằm ngoài phạm vi của công việc này. Có thể tham khảo một số công trình giải quyết hầu hết những sự khó hiểu, đặc biệt là những vấn đề khó hiểu thường được nêu lên để chống lại học thuyết về sự vô ngộ, có thể đã được tham khảo. Một trong những cuốn sách mở rộng nhất là Bách khoa Toàn thư về những vấn đề khó hiểu trong Kinh Thánh của Gleason Archer.11 Bàn luận về những vấn đề khó hiểu cũng có thể được tìm thấy trong nhiều bài bình luận do những người theo thuyết vô ngộ theo phái phúc âm viết ra. Một cái nhìn ngắn gọn về một số ví dụ điển hình và các câu trả lời đã được đề xuất sẽ rất hữu ích.

 

Những Vấn Đề Về Lịch Sử

Một số vấn đề khó hiểu thuộc lịch sử nảy sinh từ thông tin bên ngoài Kinh Thánh, và những vấn đề khó hiểu khác bắt nguồn từ những mâu thuẫn nội bộ được khẳng đinh. Những cáo buộc từ bên ngoài Kinh Thánh thường xuất phát từ thuyết giả định chống lại siêu nhiên. Ví dụ, giả sử về sự tiến hóa của con người và nền văn hóa, một số tác giả khẳng định rằng năm cuốn sách đầu tiên của Kinh Thánh (Ngũ Kinh) không thể có từ thời Môi-se vì khi đó hầu hết mọi người đều mù chữ và Môi-se không biết viết. Nhưng sau đó Bộ luật Hammurabi được phát hiện, và vì nó được viết vào khoảng năm 1728 trước Công nguyên, nên những phản đối về quyền tác giả của Môi-se đối với bộ Ngũ kinh đã bị bãi bỏ.

Những phản đối tương tự về độ tin cậy tính lịch sử của Kinh Thánh đã được nghiên cứu khảo cổ học đánh bại. Theo nhà khảo cổ học William F. Albright, “Cho đến gần đây, đó là kiểu cách giữa các nhà sử học Kinh Thánh khi luận giải các chuỗi sự kiện về chế độ tộc trưởng trong Sáng thế ký [11-50] như thể những câu chuyện đó là tác phẩm nhân tạo của những người viết sử Israel về Chế độ Quân chủ Phân biệt hoặc những câu chuyện bịa đặt được kể bằng trí tưởng tượng, những câu ngâm vè xung quanh lửa trại của người Y-sơ-ra-ên suốt nhiều thế kỷ sau khi họ chiếm được xứ…. Những khám phá khảo cổ học kể từ năm 1925 đã thay đổi tất cả điều này. Ngoài một số người bảo thủ trong số các học giả lớn tuổi, hiếm có nhà sử học Kinh Thánh nào không bị ấn tượng bởi sự tích lũy nhanh chóng các thông tin dữ liệu hỗ trợ sự lịch sử đáng kể của truyền thống gia trưởng.”12

Sự tồn tại của người Hê-tít, được đề cập nhiều lần trong Kinh Thánh, đã được luận giải với thái độ nghi ngờ lớn cho đến khi khai quật vào năm 1906 Tại một nơi cách chín mươi dậm của Ankara, Thổ Nhĩ Kì về hướng Đông, hóa ra là thủ đô của Đế chế người Hê-tít. Quy mô của thành Ni-ni-ve, “một thành rất lớn, đi mất ba ngày đường” (Giô-na 3:3) đã bị Voltaire chế giễu như một lỗi trắng trợn. Nhưng khảo cổ học sau đó đã xác nhận đây là câu nói trong Kinh Thánh.

Những lời phản đối lặp đi lặp lại, thường thường dựa trên “những giả định sai lầm và những kế hoạch phi thực tế, giả tạo của quá trình phát triển lịch sử”,13 đã bị lật tẩy bởi những bằng chứng rõ ràng của nghiên cứu khảo cổ. Một trong những nhà khảo cổ học được kính trọng nhất trong nửa cuối thế kỷ hai mươi, là học giả người Do Thái Nelson Glueck, đã quả quyết tuyên bố những phát hiện của ông liên quan đến độ tin cậy lịch sử của Kinh Thánh: “Thực tế là…. có thể khẳng định một cách dứt khoát rằng không có khám phá khảo cổ nào đã từng phủ nhận tài liệu tham khảo trong Kinh Thánh. Chỉ số phát hiện khảo cổ học…. xác nhận trong phác thảo rõ ràng hoặc chi tiết chính xác của các tuyên bố lịch sử trong Kinh Thánh.”14 Một số vấn đề lịch sử vẫn giữ nguyên ở đó, nhưng đây là những câu hỏi chưa được giải đáp, cần thêm thông tin. Không có bằng chứng nào chống lại sự vô ngộ của Kinh Thánh.

Cũng có thể giải thích hợp lý khi tất cả thông tin được nhận biết liên quan đến những mâu thuẫn lịch sử được cho là trong Kinh Thánh. Sự khác biệt trong các lời giải trình của Phúc Âm về cùng một sự việc là nguồn gốc của các vấn đề đối với một số người. Một trong những mối quan tâm phổ biến nhất là sự phủ nhận của Phi-e-rơ và tiếng gà gáy. Theo lời kể của Mác, thì gà gáy hai lần (14:30,72), trong khi Ma-thi-ơ và Lu-ca chỉ tuyên bố rằng trước khi gà gáy, thì Phi-e-rơ sẽ chối Chúa ba lần (Ma-thi-ơ 26:34, 74-75; Lu-ca 22:34, 60–61).

Tuy nhiên, không có mâu thuẫn nào tồn tại ở đây. Ma-thi-ơ và Lu-ca không nói tiếng gà  gáy một lần mà ngược lại với Mác thì hai lần. Họ chỉ đơn giản là đề cập đến tiếng gà gáy. Khi chúng ta nhớ rằng “gà gáy” là một thành ngữ mang tính tục ngữ chỉ về buổi sáng sớm, các giải trình này có thể được hài hòa một cách dễ dàng. Theo Mác 13:35, chiếc đồng hồ thứ ba trong số bốn chiếc đồng hồ ban đêm của người La Mã được định rõ là “lúc sáng sớm” hoặc “tiếng gà gáy”. Nhưng gà trống cũng thích gáy sớm hơn, từ nửa đêm trở đi. Ma-thi-ơ và Lu-ca đã cho chúng ta điểm chính về lời tiên đoán của Chúa Giê-su rằng Phi-e-rơ sẽ chối Chúa ba lần trước sáng sớm, được báo hiệu bằng tiếng gà gáy đã được nhiều người biết đến. Mặt khác, Mác thuật lại những lời Chúa Giê-su nói chi tiết hơn. Vì vậy, cả hai giải trình đều đúng.

Một vấn đề tương tự thường được nêu ra liên quan đến số lượng các thiên sứ tại ngôi mộ của Chúa Giê-su. Các nhà phê bình chỉ ra rằng Ma-thi-ơ và Mác chỉ đề cập đến một thiên sứ tại mộ Chúa Giê-su (Ma-thi-ơ 28:2-5: Mác 16:5), trong khi Lu-ca và Giăng đề cập đến hai thiên sứ (Lu-ca 24:4; Giăng 20:12). Một lần nữa, không có mâu thuẫn nào được liên quan, bởi vì sự hiện diện của hai thiên sứ chắc chắn không mâu thuẫn với thực tế là một thiên sứ có mặt. Hai giải trình có thể dễ dàng được coi là bổ sung cho nhau.15

Các vấn đề về sự thay đổi trong các giải trình, chẳng hạn như những vấn đề vừa nêu ra, nói chung có thể được giải quyết nếu chúng ta ghi nhớ nguyên tắc rằng sự khác biệt có thể có nhưng mà không có mâu thuẫn. Người viết có thể đã được Đức Thánh Linh hướng dẫn để đưa ra một điểm nhấn khác hoặc một phần khác của cuộc trò chuyện.

Vấn đề cũng có thể được giải quyết khi chúng ta nhận ra rằng hai sự trình bày có thể không nói về điều gì đó theo cùng một nghĩa. Câu chuyện được kể về một người có tính hoài nghi, người này đã khó chịu vì những sai sót được cho là / nghĩ rằng có trong Kinh Thánh. Khi được yêu cầu nêu ra một lỗi cụ thể, anh ta trả lời rằng với tư cách là một người buôn bán gỗ, anh ta đã tìm ra kích thước của con tàu của Nô-ê và bao nhiêu mét gỗ đã được dùng vào đó. Anh ngạc nhiên về kích thước của con tàu. Tuy nhiên, sau đó, anh ta đã mở cuốn Kinh Thánh của mình và tình cờ đọc được nơi những người Lê-vi khiêng chiếc hòm giao ước trên vai và mang nó đi khắp nơi trong đồng vắng. “Thật là một sự ngu ngốc”, anh ta nói, “điều đó đã khiến tôi tức giận, và tôi đã không bao giờ nhìn đọc đến cuốn sách đó nữa.”16 Rõ ràng, anh ta đã không tự hỏi mình liệu “hòm” có cùng ý nghĩa trong mỗi đoạn văn hay không.

Một ví dụ nghiêm trọng hơn xảy ra liên quan đến việc liệu Giăng Báp-tít có phải là Ê-li hay không. Khi được hỏi liệu ông có phải là Ê-li không, Giăng Báp-tít trả lời: “Tôi không phải” (Giăng 1:21). Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã tuyên bố rõ ràng rằng Giăng là Ê-li (Ma-thi-ơ 11:14). Tình huống khó xử này được giải quyết khi chúng ta nhận ra rằng Chúa Giê-su không ám chỉ Giăng Báp-tít và Ê-li theo cùng một ý nghĩa. Người Do Thái, nhớ rằng Ê-li đã được đem lên trời trong một cỗ xe ngựa lửa trong khi còn sống (2 Các vua 2:11), họ mong đợi cùng một Ê-li đó sẽ trở lại để ứng nghiệm lời tiên tri của Ma-la-chi (Ma-la-chi 4:5). Giăng không phải là Ê-li theo nghĩa này, và vì vậy Giăng đã đúng khi trả lời là không phải. Một phương diện khác, liên quan đến sự ra đời của Giăng, thiên sứ đã tuyên bố rằng Giăng sẽ đến “trong linh hồn và quyền năng của Ê-li” để ứng nghiệm lời tiên đoán của Ma-la-chi. Hầu biết rằng Giăng đã ứng nghiệm một cách khái quát lời tiên đoán của Ma-la-chi về Ê-li như là một người báo trước về ngày Chúa đến, nên Chúa Giê-su có thể xác định đúng Giăng là Ê-li.”17

Khi đối mặt với sự khác biệt rõ ràng, chúng ta cũng phải hỏi xem Kinh Thánh đang nói về cùng một sự kiện hay một sự kiện tương tự nhưng khác nhau vấn đề. Vì các môn đồ vẫn đặt câu hỏi rằng họ có thể kiếm đủ thức ăn ở đâu để cho bốn ngàn người ăn (Ma-thi-ơ 15:32-33) sau khi họ đã chứng kiến ​​phép lạ cho năm ngàn người ăn, nên nhiều nhà phê bình coi câu chuyện của bốn ngàn người là không có gì khác hơn là một “sự lặp lại”, hoặc sự nhắc lại của báo cáo trước đó về việc cho năm nghìn người ăn (14:15-21), mà theo họ, dẫn đến một sự mâu thuẫn rõ ràng. Tuy nhiên, không có gì ngăn cản việc hiểu rằng Ma-thi-ơ đang tường thuật hai sự việc có phần giống nhau, nhưng lại khác nhau. Trong báo cáo đầu tiên, có năm cái bánh và hai con cá, còn lại mười hai cái giỏ, và năm ngàn người được cho ăn. Trong khi báo cáo thứ hai, thì có bảy cái bánh và một vài con cá nhỏ, bảy cái thúng còn lại, và bốn ngàn người được cho ăn. Mối quan tâm của các môn đồ về việc thức ăn sẽ đến từ đâu sau khi Chúa Giê-su cho năm nghìn người ăn một cách kỳ diệu có thể được giải thích bởi sự khó khăn liên tục của họ trong việc hiểu và tin Chúa Giê-su.18

Cũng cần phải nhận ra rằng những người viết Kinh Thánh thường sử dụng các phương pháp tính toán khác với các phương pháp được sử dụng ngày nay. Điều này đặc biệt đúng đối với ngày tháng. Có một số bằng chứng cho thấy Năm Mới lần đầu tiên được tính là bắt đầu từ mùa thu và sau đó được đổi thành mùa xuân. Tuy nhiên, Năm Mới tôn giáo thì bắt đầu với Lễ Vượt Qua vào mùa xuân không thay thế hoàn toàn Năm Mới dân sự bắt đầu vào mùa thu.19 Tất nhiên, chúng ta cũng làm điều gì đó tương tự khi sử dụng lịch tài chính và lịch dân sự không trùng nhau.

Người cổ đại cũng sử dụng các phương pháp khác nhau để tính niên hiệu trị vì của các vị vua của họ. Theo một hệ thống, bất kỳ khoảng thời gian nào của năm dương lịch đều được coi là triều đại của một năm. Vì vậy, ví dụ, sử dụng lịch của chúng ta, nếu một vị vua lên ngôi vào tháng 12 của một năm, thì vị vua ấy đã hoàn thành năm đầu tiên của mình vào cuối tháng 12 và bắt đầu năm thứ hai vào ngày 1 tháng một. Theo hệ thống khác, thì năm cai trị đầu tiên sẽ được tính bắt đầu từ tháng Giêng mà không kể đến tháng nào của năm trước nhà vua đã trị vì.20

Các nhà ghi chép cổ đại của vùng Cận Đông cũng không lập danh sách theo thứ tự niên đại về những người cai trị của họ như chúng ta ngày nay. Họ chỉ đơn giản liệt kê các triều đại của từng vị vua liên tiếp mà không đồng bộ hóa chúng với nhau. Các triều đại của một số vị vua của Y-sơ-ra-ên chồng chéo lên nhau. Khi những quan điểm cốt lõi này được công nhận, các vấn đề về niên đại được cho là sẽ biến mất. Một ví dụ về điều này được thấy trong giấy Chỉ thảo Turin của các vị vua Ai Cập. Các triều đại thế kỷ XIII-XVII liệt kê hơn 150 nhà cai trị có tổng thời gian trị vì ít nhất 450 năm. Nhưng từ các nguồn khác, thì cho biết rằng 150 nhà cai trị này và 450 năm trị vì của họ thực sự chỉ phù hợp với khoảng 216 năm vì một số vị vua trị vì cùng thời. Như Kitchen và Mitchell lưu ý rằng, “Cần phải nhấn mạnh trong mọi trường hợp, Kinh Thánh hay thứ kinh, đó là một câu hỏi về tính không chính xác, mà là về các phương pháp hiện có trong thời cổ đại.”21

Các nhà biên niên sử trong Kinh Thánh lo ngại “để làm rõ ý nghĩa bên trong của lịch sử như là liệt kê…. Điều này yêu cầu trình bày chi tiết mối quan hệ của một dân tộc với Đức Chúa Trời của họ và cho thấy ảnh hưởng không thể tránh khỏi trong lịch sử của đặc tính của mối quan hệ đó.”22 Các tác giả Kinh Thánh đôi khi di chuyển qua lại theo trình tự thời gian trong việc ghi lại các sự kiện lịch sử; họ thực hiện mục đích này là phát triển các chủ đề cụ thể. Tuy nhiên, thực tế niên đại là mối quan tâm thứ yếu đối với họ nhưng không có nghĩa là họ không quan tâm đến độ chính xác. Như Craig Blomberg nói, “Một phân tích cẩn thận cho thấy rằng không có hai sách Phúc âm nào mâu thuẫn với nhau về niên đại cả.”23 Lời tuyên bố của dân Y-sơ-ra-ên trong Cựu Ước rằng họ đã thực sự gặp Đức Chúa Trời trong lịch sử chắc chắn sẽ gợi ý sự quan tâm cẩn thận về tính chính xác của lịch sử. Hơn nữa, tính chính xác của Kinh Thánh ngày càng được kiểm chứng bởi học giả gần đây.”24

Một số vấn đề cũng có thể xuất phát từ sự hiểu biết không đầy đủ của chúng ta về ngôn ngữ Kinh Thánh cổ đại về ý nghĩa và cách sử dụng từ ngữ hoặc cách sử dụng ngữ pháp. Chẳng hạn, theo 1 Sa-mu-ên 28:6 Sau-lơ “đã cầu xin CHÚA,” nhưng không nhận được câu trả lời và do đó đã tìm kiếm một phương tiện trung gian ở Ên-đô-rơ. Tuy nhiên, 1 Sử ký 10:13-14 nói rằng ông đã cầu hỏi qua trung gian “và không cầu hỏi CHÚA” (chữ nghiêng được thêm vào). Sự mâu thuẫn rõ ràng này nhanh chóng được giải quyết khi chúng ta để ý rằng các từ trong tiếng Do Thái khác nhau về việc “cầu hỏi” đã được tìm thấy trong những đoạn văn này. Từ ngữ trong Sa-mu-ên chỉ đơn giản có nghĩa là “hỏi, cầu hỏi hoặc thỉnh cầu.” Từ được người chép sử sử dụng, trong khi nó mang ý nghĩa là “để cầu hỏi,” cũng được sử dụng chủ yếu trong thần học, đặc biệt là trong các sách Sử ký sử 1 và 2, để bày tỏ “một sự kết ước trung thành, tích cực, tận tụy với Đức Giê-hô-va.”25 Vì vậy, mặc dù Sau-lơ đã hỏi Chúa về thông tin trước khi chuyển sang tìm kiếm phương tiện trung gian của Ên-đô-rơ, như tác giả 1 Sa-mu-ên đã viết, người viết sử cũng đúng khi cho rằng toàn bộ thái độ của Sau-lơ trong sự việc này không phải là “tìm kiếm” Chúa theo ý nghĩa của một tấm lòng trung thành thật lòng.

Sự mâu thuẫn rõ ràng liên quan đến việc liệu những người đi cùng Phao-lô “nghe thấy tiếng Chúa phán với Phao-lô (Công vụ 9:7, NRSV) hay “không nghe tiếng phán” (22:9, NRSV) có thể dễ dàng giải quyết được khi xem xét cấu trúc ngữ pháp tiếng Hy Lạp của hai câu nói này. Trong 9:7, dạng ngữ pháp (dạng thuộc cách) của những gì đã được nghe, tức là “giọng nói”, chỉ đơn giản rằng âm thanh được nghe mà không có dấu hiệu cho thấy đã hiểu được điều gì. Tuy nhiên, trong 22:9, “giọng nói” ở dạng ngữ pháp là (dạng đối cách) thể hiện sự e ngại về thông điệp được nghe. Mặc dù có sự khác biệt rõ ràng này, vẫn còn rõ ràng trong một số bản dịch hiện đại, được giải quyết dễ dàng với sự hiểu biết về ngữ pháp của ngôn ngữ Kinh Thánh, nhưng có thể các vấn đề khác vẫn còn là do sự hiểu biết về ngôn ngữ không đầy đủ của chúng ta về ý nghĩa của các từ, cụm từ và ngữ pháp trong các ngôn ngữ Kinh Thánh.

Những vấn đề khó hiểu khác trong Kinh Thánh là do sai sót của những người sao chép. Như đã thảo luận ở phần sau, các bản chép tay từ các bản Kinh Thánh hiện tại của chúng ta được dịch ra rất gần với các tác phẩm gốc, nhưng chúng vẫn là bản sao. Không có máy in ấn và các phương tiện sao chép hiện đại khác, trước tiên, các thầy thông giáo đã sao chép Kinh Thánh nhiều lần bằng tay. Trừ khi chúng ta đặt ra khả năng tuyệt vời của những người sao chép tương tự như nguồn cảm hứng của các tác giả gốc, con người không thể tạo ra dù chỉ một bản sao hoàn hảo. Ngay cả với các kỹ năng kỹ thuật của chúng ta về chương trình kiểm tra lỗi chính tả của máy tính và các công cụ hỗ trợ khác, bao gồm cả những người hiệu đính lành nghề, thì các lỗi vẫn có thể xảy ra. Người ta chỉ nghĩ đến việc đọc các tài liệu viết tay, nhưng một số tài liệu đã bị sờn và bị ố vàng do sử dụng, và việc sao chép chúng một cách hoàn hảo lại nhận ra sự bất khả thi để có các bản sao hoàn hảo.

Việc xem xét cẩn thận các bản sao đầu tiên của Kinh Thánh cho thấy bằng chứng về những sai lầm điển hình đã mắc phải khi sao chép một tài liệu.26 Việc bỏ sót các chữ cái hoặc từ cần thiết (lối viết lược bớt âm tiết trùng nhau) hoặc lặp lại nhầm lẫn (chữ chép lặp lại thừa) có thể dễ dàng xảy ra khi mắt của người sao chép di chuyển qua lại từ tài liệu người đó đang đọc sang tài liệu mới mà người đó đang viết. Các từ bị bỏ sót khi mắt người viết trượt xuống từ dòng này sang dòng khác hoặc được lặp lại hoặc được nối sai với nhau hoặc bị tách thành hai. Việc chuyển đổi vị trí của các từ cũng có thể dễ dàng xảy ra, như có thể xảy ra trong 2 Sa-mu-ên 8:17, trong đó A-hi-mê-léc được cho là con trai của A-bia-tha trong khi 1 Sa-mu-ên 22:20 nói ngược lại—A-bia-tha là con trai của A-hi-mê-léc.

Chính hình thức của các tài liệu được viết bằng tay bởi các cá nhân khác nhau làm tăng thêm sự khó hiểu trong việc tạo ra các bản sao hoàn hảo. Ví dụ, một số chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Do Thái có bề ngoài khá giống nhau. Trong chữ viết tay, có thể dễ nhầm lẫn một số chữ cái này, nhiều khi chữ “r” và “n” đôi khi rất khó phân biệt trong chữ viết tay của một số nhà văn nói tiếng Anh. Mặc dù các con số được viết bằng chữ trong văn bản tiếng Do Thái của chúng ta, nhưng có bằng chứng về hệ thống các dấu hiệu bằng con số ban đầu trong thời kỳ Cựu Ước. Các nét dọc được sử dụng để biểu thị các chữ số và các nét ngang để biểu thị hàng chục, được viết một nét bên trên chữ kia để cho bội số của mười. Trong một hệ thập phân như vậy, có thể dễ dàng thấy những sai lầm vô ý có thể được thực hiện như thế nào ngay cả khi chúng ta có thể dễ dàng bỏ đi hoặc thêm một số không vào một số lớn. Sau đó, thì các chữ cái trong bảng chữ cái cũng được sử dụng cho các con số, do đó khiến các con số có thể bị sao chép một cách sai trật vì chữ cái này bị nhầm lẫn với chữ cái khác trong một tài liệu bị mòn hoặc bị nhòe.27

Một ví dụ rõ ràng được tìm thấy trong các con số được ghi trong 2 Các Vua 24:8 và 2 Sử Ký 36:9. Theo lời kể của các Vua, Giê-hô-gia-kin trở thành vua khi mới mười tám tuổi và trị vì ba tháng trước khi bị lưu đầy. Tuy nhiên, câu này trong sách Sử ký nói rằng ông ta chỉ mới tám tuổi khi ông ta bắt đầu trị vì, và ông ta đã trị vì ba tháng mười ngày. Đây rõ ràng là một mâu thuẫn do lỗi của người sao chép. Vì số mười tám được viết bằng tiếng Do Thái là “tám” và “mười”, có vẻ như rõ ràng là “mười” đã bị đặt sai vị trí. Chính xác là nó đã được kết hợp với tám trong số mười tám của Các vua—tạo ra số mười tám—nhưng nó đã bị bỏ qua trong sách Sử ký và được sử dụng lại sau đó là mười ngày. Trên thực tế, một số bản viết tay tiếng Hy Lạp và tiếng Sy-ri của 2 Sử ký 36:9 ghi lại rằng Giê-rô-bô-am mới là mười tám tuổi, như trong 2 Các Vua 24:8.

Trong một số trường hợp, việc sao chép được thực hiện bởi người ghi chép bằng cách là có người khác đọc to bản văn gốc. Vấn đề là một số từ nghe giống nhau khi phát âm bằng lời nói, nhưng có cách viết và nghĩa khác nhau (ví dụ, “cân” và “cách”; và “ở đó” và “của họ”) cũng có trong tiếng Do Thái và tiếng Hy Lạp và điều này có thể dễ dàng giải thích vì một số lỗi khi sao chép.

Hầu hết các sự khác biệt được nói đến trong Kinh Thánh thì liên quan đến những cái tên, ngày tháng hoặc con số. Đây là những điều dễ dẫn đến sự sai lạc nhất vì chúng không thể được xác định từ bối cảnh. Đó là, “tên, ngày tháng và con số cụ thể là những mục không thể được dự đoán về mặt ngữ pháp trong một câu, hoặc được nhớ bởi lý do của trật tự từ hoặc ý nghĩa chung.”28 Ví dụ, nếu chúng ta đang sao chép một câu có tên thị trưởng của một thành phố, chúng ta có thể dễ dàng viết “Joe” thành “John” nếu chúng ta không biết về ông ta một cách cá riêng tư. Cả hai đều phù hợp với câu. Mặt khác, nếu chúng ta đang sao chép một câu về nữ hoàng, chúng ta sẽ không viết “Joe” hoặc “John” bởi vì chúng ta sẽ cảm nhận được ngay điều gì đó phi lô-gích và sẽ kiểm tra lại những gì chúng ta đang viết. Điều này cũng đúng với các con số và ngày tháng. Chúng ta có thể dễ dàng viết năm 1046 thay vì 1064 cho một sự kiện mà bản thân chúng ta không hề biết đền. Nhiều sai sót trong việc truyền tải các tài liệu Cựu Ước nằm trong những lĩnh vực này vì không có ý nghĩa cụ thể đối với người sao chép. Mặc dù vậy, so với hầu hết các tác phẩm cổ đại có độ dài đáng kể khác, thì Kinh Thánh chứa đựng tương đối ít câu hỏi liên quan ngay cả trong những lĩnh vực này.29

 

Những Vấn Đề Về Khoa Học

Hầu hết những vấn đề được gọi là khoa học trong Kinh Thánh đều bắt nguồn từ cách tiếp cận thực tế nghĩa nghĩa là loại trừ cái siêu nhiên. Phép lạ bị bác bỏ cho rằng như là chuyện thần thoại vì chúng mâu thuẫn với các quy luật tự nhiên. Tuy nhiên, khi sự tồn tại của Đức Chúa Trời được chấp nhận, chúng ta không có lý do chính đáng nào để phủ nhận sự can thiệp siêu nhiên của Ngài trong sự sáng tạo của Ngài như Ngài mong muốn. Vẫn khăng khăng cho rằng điều mà Kinh Thánh gọi là hoạt động của ma quỷ thì đó là mê tín dị đoan là dựa trên niềm tin vào những sự giả định chưa được chứng minh chứ không phải dựa trên khoa học chân chính.

Vì sự tiến hóa chưa bao giờ được chứng minh một cách khoa học, nên không có cơ sở nào để buộc tội Kinh Thánh có lỗi liên quan đến sự sáng tạo. Các nhà khoa học tin cậy Kinh Thánh và ngày càng có nhiều người ủng hộ thuyết tiến hóa khẳng định rằng thuyết tiến hóa chỉ là một lý thuyết chưa được chứng minh. Vài năm trước Gerald A. Kerkut, người không phải là người tạo tạo Kinh Thánh, đã viết tác phảm Những Tác Động của Sự Tiến Hóa (Elmsford, NY: Pergamon, 1960). Trong đó, ông đưa ra bảy nguyên tắc cơ bản của thuyết tiến hóa. Theo Kerkut, không điều nào trong số bảy điều này đã từng được chứng minh. Gần đây, với sự hiểu biết ngày càng tăng về thiết kế tuyệt vời của các dạng sống và sự phụ thuộc lẫn nhau được hiệu chỉnh một cách tinh vi của các bộ phận của chúng, tính hợp lý của khái niệm tiến hóa tự nhiên càng bị đặt nhiều nghi vấn và thiếu sự hỗ trợ thực tế của nó.30

Một số tuyên bố mang tính biệt lập đôi khi được nêu lên như là ví dụ cho thấy Kinh Thánh thiếu kiến thức chính xác về khoa học. Một trong những trường hợp kinh điển là lời Chúa Giê-su tuyên bố rằng hạt cải “nhỏ hơn tất cả các loại hạt khác” (Ma-thi-ơ 13:32). Vì các nhà thực vật học biết rằng hạt phong lan nhỏ hơn, họ nói rằng Chúa Giê-su đã nhầm. Tuy nhiên, trong số những hạt giống mà người Do Thái gieo trong vườn hoặc ruộng của họ, hạt cải là hạt nhỏ nhất. Theo Gleason Archer, “Chưa ai chứng minh được rằng người Palestine cổ đại đã trồng bất cứ thứ gì có hạt nhỏ hơn hạt cải đen”. Vì vậy, nó trở thành tục ngữ khi nói nó là hạt giống nhỏ nhất (17:20; Lu-ca 17:6), và tuyên bố của Chúa Giê-su phải được hiểu trong khung cảnh này. Tuyên bố của Ngài chỉ có thể bị buộc tội nếu Ngài có ý định đưa ra một tuyên bố khoa học bao hàm tất cả các mầm sống của mọi tạo vật.

Một số người cũng thấy một lỗi của lời tuyên bố của trong Lê-vi Ký 11:6 rằng con thỏ “nhai lại”. Có thể có một số giải thích. Đúng như vậy, thỏ không nhai thức ăn bằng cách nuốt thức ăn mà không nhai kỹ và sau đó sẽ nôn ra để nhai kỹ hơn. Tuy nhiên, chuyển động quai hàm của nó tương tự như chuyển động của các loài động vật nhai lại. Cũng có thể thuật ngữ tiếng Do Thái được dịch là “nhai lại” không có nghĩa chính xác với ý nghĩa của cụm từ của chúng ta. Lạc đà và lửng đá (còn gọi là con thỏ) cũng được cho là loài nhai lại, nhưng về mặt kỹ thuật thì chúng không làm như vậy. Cuối cùng, một số người đã giải thích rằng loài thỏ tham gia quá trình “bữa ăn nhẹ”. Đôi khi chúng đi phân có hình dạng khác nhau rồi sau đó chúng ăn lại. Một số loại thực phẩm khó tiêu hóa được vi khuẩn tác động trong lần đầu tiên đi qua ruột và sau đó có thể được tiêu hóa tốt hơn ở lần thứ hai. Như vậy thỏ đang nhai mà không đưa thức ăn tươi vào miệng.”31

Khi các câu nói trong Kinh Thánh được hiểu với ý nghĩa dự định, thì không một câu nào trong số đó được chứng minh là sai. Điều này càng tuyệt vời hơn khi chúng ta xem xét về nhiều lỗi kỹ thuật xuất hiện trong các tác phẩm của con người cổ đại.

 

Các Vấn Đề Về Tín Lý và Đạo Đức

Trong hầu hết các trường hợp, các câu hỏi về những tuyên bố đối với tín lý và đạo đức trong Kinh Thánh sẽ dễ dàng được giải quyết khi chúng ta hiểu bết cách đầy đủ những gì Kinh Thánh thực sự muốn nói. Tuy nhiên, trong những trường hợp khác, vấn đề khó hiểu nảy sinh khi có người chỉ trích Kinh Thánh chỉ đơn giản là không đồng ý vớ vấn đề đạo đức của Kinh Thánh. Chúng ta chỉ có thể ghi nhận những điều này chỉ là những vấn đề đối với sự soi dẫn nếu chúng ta cho rằng quan điểm của người phản đối là không thể sai lầm.

Sự xúi giục về việc kiểm tra dân số của Đa-vít thường được coi là một mâu thuẫn thần học. Trong 2 Sa-mu-ên 24:1, chúng ta đọc rằng Đức Chúa Trời đã xúi giục Đa-vít kiểm tra dân số Y-sơ-ra-ên và Giu-đa. Tuy nhiên, trong 1 Sử-ký 21:1 Sa-tan được cho là đã “xúi giục Đa-vít kiểm tra dân số Y-sơ-ra-ên”. Một số người nói rằng đây là dấu hiệu của hai thần học, một là Đức Chúa Trời kiểm soát thế giới và một là Satan kiểm soát. Một nhà phê bình khác tin rằng người chép sử đã sửa lại lời tuyên bố trước đó của Sa-mu-ên “rõ ràng với niềm tin tuyệt đối rằng sự hiểu biết của ông là chính xác hơn. Rõ ràng là ông không tin rằng Đức Chúa Trời đã xúi giục Đa-vít thực hiện một cuộc điều tra dân số để bày tỏ sự tức giận của ông đối với Y-sơ-ra-ên.”32

Tuy nhiên, giải pháp thì không khó, khi chúng ta hiểu điều gì đó về mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và Sa-tan. Đức Chúa Trời thường cho phép Sa-tan thực hiện những việc làm xấu xa của mình vì một số mục đích lớn hơn. Vì vậy, Đức Chúa Trời trong trường hợp này được trình bày như là nguyên nhân cuối cùng khiến Sa-tan thúc giục Đa-vít thực hiện hành động này. Các tình huống song song được tìm thấy trong việc Đức Chúa Trời cho phép Sa-tan tấn công Gióp (Gióp 1:12; 2:6) và trong việc Ngài sai ác linh đến gây rắc rối cho Sau-lơ (1 Sa-mu-ên 16:14). Điều cần nhớ là đối với các tác giả Kinh Thánh, không có gì nằm ngoài quyền tể trị của Đức Chúa Trời.

Để tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề như vậy, điều quan trọng là chúng ta phải hiểu biết đầy đủ về sự dạy dỗ trong Kinh Thánh về một chủ đề nhất định. Một câu Kinh Thánh thường đưa ra một mặt của vấn đề, và một câu khác nhìn nó từ một khía cạnh khác. Trong khi hai bên có vẻ mâu thuẫn, nhưng trên thực tế, chúng là một phần của toàn bộ sự thật.

Chúng ta cũng phải tìm cách để hiểu các từ trong ngữ cảnh riêng của chúng. Vấn đề khó hiểu được cho là giữa Phao-lô và Gia-cơ về việc biện luận có thể dễ dàng giải quyết khi chúng ta xem xét cách họ sử dụng những từ ngữ tương tự nhau. Phao-lô tuyên bố rằng chúng ta được xưng công bình bởi đức tin mà không cần việc làm (Rô-ma 4:5; Ê-phê-sô 2:8-9), nhưng Gia-cơ tuyên bố rằng sự xưng công bình đến bởi đức tin và việc làm (Gia-cơ 2:24). Tuy nhiên, nếu chúng ta xem xét việc sử dụng các từ “đức tin” và “việc làm”, chúng ta thấy rằng sự biện luận của Gia-cơ và Phao-lô không có nghĩa hoàn toàn giống nhau.

Gia-cơ đã sử dụng từ “đức tin” theo hai nghĩa. Theo một nghĩa nào đó, nó có nghĩa là loại tinh thần đồng ý mà ngay cả ma quỷ cũng có (2:19). Ông nói, đức tin hay niềm tin như vậy là không đủ khả năng để cứu. Thay vào đó, nó phải là một đức tin đang sống và đưa ra bằng chứng về cuộc sống trong các việc làm. “Việc làm” đối với Gia-cơ là việc thực hành đức tin cứu rỗi.

Mặt khác, bởi “đức tin”, Phao-lô muốn nói là một niềm tin thực sự của vấn đề trong hành động. Ông nói về một đức tin hàng động thông qua tình yêu thương (Ga-la-ti 5:6). Khi phản đối “việc làm” và “đức tin”, Phao-lô muốn nói đến những việc làm có tính chất hợp pháp mà mọi người cho rằng họ có thể đạt được công lao trước mặt Chúa.

Vì vậy, khi chúng ta xem xét ý nghĩa của những từ này trong ngữ cảnh của chúng, cả Phao-lô và Gia-cơ đều tin như vậy. Mỗi người đều nhấn mạnh một khía cạnh nhất định của lẽ thật. Phao-lô tin rằng các cá nhân chỉ được cứu bởi đức tin, một đức tin sống và hành động. Gia-cơ cũng tin rằng mọi người được cứu bởi đức tin, đức tin này còn hơn cả sự đồng tình về mặt tinh thần, một đức tin có việc làm.

Một số nhà phê bình nói rằng Cựu Ước cho phép chế độ đa thê, trong khi Tân Ước thì không. Trong khi Cựu Ước trình bày rằng một số dân sự của Đức Chúa Trời bao gồm cả những người lãnh đạo có nhiều hơn một người vợ, nhưng Kinh Thánh không bao giờ dạy rằng đây là ý định của Đức Chúa Trời đối với hôn nhân. Trên thực tế, Kinh Thánh cung cấp nhiều bằng chứng cho thấy đây không phải là lý muốn của Đức Chúa Trời.33

Một vấn đề khác liên quan đến mạng lệnh của Đức Chúa Trời đối với dân Y-sơ-ra-ên là phải tiệt diệt kẻ thù của họ khi họ đã chinh phục Đất Hứa (Phục. 20:16-18). Và rất nhiều thi thiên ghi lại những lời cầu nguyện rằng Đức Chúa Trời sẽ tiêu diệt kẻ thù của họ (ví dụ, Thi. 55, 59, 79, 109, 137). Những đoạn văn này dường như đang bày tỏ cho những hành động và thái độ trái với đạo đức, và chúng dường như mâu thuẫn với những câu nói rằng những người tin Chúa phải yêu kẻ thù của họ (Lu-ca 6:35–36).

Một số yếu tố có thể được nhận thấy về những vấn đề được cho là vô đạo đức này. Trong suốt Kinh Thánh, Đức Chúa Trời không chỉ được xem là Đức Chúa Trời của tình yêu thương vô hạn, mà còn là Đức Chúa Trời của sự phán xét công bình. Chắc chắn không có sự thay đổi nào giữa Cựu Ước và Tân Ước khi chúng ta xem xét thực tế của sự phán xét trong tương lai đã được báo trước một cách rõ ràng trong Tân Ước (Khải. 19:11-21). Trên thực tế, Chúa Giê-su nói về sự hủy diệt đời đời của những người từ chối đến với Đức Chúa Trời hơn bất kỳ tác giả Tân Ước nào.

Những tiếng kêu cứu đòi sự báo thù của Đức Chúa Trời, mà những người viết thi thiên nêu lên để chống lại kẻ thù và mục đích công khai của Đức Chúa Trời, là bằng chứng về việc dân sự Ngài chia sẻ mối quan tâm của Ngài đối với sự công bình và lẽ thật. Họ chỉ ra thời điểm mà tội lỗi sẽ bị hạ gục và sự công bình sẽ chiến thắng.

Mạng lịnh của Đức Chúa Trời là giết chết người Ca-na-an sẽ dễ hiểu hơn khi chúng ta nhận ra chiều sâu của sự sa đọa của họ. Đức Chúa Trời đã không chống lại họ cho đến khi tội lỗi của họ đạt đến mức thấp không thể phục hồi (Sáng. 15:16; Lêvi. 18:24–30). Và rồi, vì họ nghiện tất cả các hình thức tội lỗi gớm ghiếc đã tiêm nhiễm vào xã hội của họ, Đức Chúa Trời đã đưa ra phán xét trên họ thông qua dân sự của Ngài. William Arndt mô tả trường hợp này rất tốt.

Các bộ lạc Ca-na-an bởi những thói xấu xa vô đạo đức của họ đã làm cho cái chén tội lỗi của họ đến tràn trề. Khi hình phạt đến, nó giáng xuống tất cả cư dân, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em. Lỗi không phải là của Đức Chúa Trời; nhưng nó biến họ trở thành những người đã chà đạp dưới chân các luật công bằng và chính trực. Khi những người đàn ông đưa bản thân và gia đình họ lên một con tàu, rồi chèo thuyền ra biển để có một chuyến đi chơi vui vẻ, và biến con tàu đó trở thành một nơi đầy dẫy sự gớm ghiếc và trụy lạc, và sau đó tất cả đều chết trong một cơn bão rất mạnh bất ngờ ập xuống họ, ai là người đáng trách? Bạn sẽ buộc tội Đức Chúa Trời vì đã không phân biệt đối xử giữa người lớn và trẻ em? Một khía cạnh đáng sợ của tội lỗi là sự khốn nạn mà nó tạo ra giống như một cơn xoáy nước, mà sức hút của nó sẽ hút mọi vật thể gần đó xuống đáy sâu. Đó là phụ nữ Ca-na-an phóng túng và là công cụ khiến dân Y-sơ-ra-ên rời bỏ con đường chân lý và sự trong sạch, hay là đối với những đứa trẻ thà chết từ khi còn nhỏ hơn là khi lớn lên sẽ trở thành như những kẻ sùng bái thần tượng và trụy lạc, là những vấn đề chính chỉ cần đề cập đến là đầy dủ ở đây.34

Khi chúng ta xem xét phạm vi đầy đủ của bản chất đạo đức của Đức Chúa Trời như đã được dạy trong Kinh Thánh, thì những phân đoạn này không còn gây ra vấn đề khó khăn gì nữa. Họ đối diện với thực tế nghiêm khắc của sự phán xét; những điều họ làm chỉ có thể được gọi là vô đạo đức nếu chúng ta chuẩn bị để khẳng định tiêu chuẩn đạo đức của chính mình trước mặt Đức Chúa Trời.

 

BẢN VĂN GỐC VÔ NGỘ KHÔNG CÒN

Một đòn đánh có vẻ như đang nói lên sự phản đối quan điểm về sự soi dẫn không thể sai lầm là vấn đề rằng chúng ta không sở hữu các bản gốc của Kinh Thánh. Các bản chép tay bằng tiếng Do Thái và tiếng Hy Lạp của Kinh Thánh mà chúng ta sở hữu không phải là bản sao hoàn hảo của bản gốc, vì vậy chúng ta không có một văn bản hoàn toàn vô ngộ để nhận xét. Một số người cho rằng không có lý do gì để tranh cãi về tính không sai lầm, tức là sự soi dẫn vô ngộ của Kinh Thánh khi mà chúng ta đơn giản là không có cuốn Kinh Thánh gốc như vậy.

Mặc dù lúc đầu suy luận này có vẻ hợp lý, nhưng suy nghĩ sâu hơn thì thấy rằng nó đã bỏ qua các sự kiện quan trọng. Thứ nhất, niềm tin của chúng ta vào sự soi dẫn không thể sai lầm không phụ thuộc vào nhu cầu tạo ra bản văn gốc của Kinh Thánh. Thay vào đó thì niềm tin của chúng ta dựa vào lẽ thật mà Đấng Christ và các tác giả Kinh Thánh đã dạy nó.

Thứ hai, niềm tin vào sự vô ngộ của các nguyên bản vẫn có giá trị đối với chúng ta ngay cả khi chúng đã bị diệt vong. Thước bàn và thước cuộn của chúng ta không chính xác tuyệt đối; chúng là những giá trị gần đúng với các tiêu chuẩn tổng thể được duy trì bởi Cục Tiêu chuẩn Quốc gia ở Washington, D.C. Chúng ta có thể không nhận biết rằng có một tiêu chuẩn như vậy tồn tại; tuy nhiên, thước bàn và thước cuộn của chúng ta có giá trị bởi vì chúng dựa trên một tiêu chuẩn tuyệt đối. Tương tự như vậy, những cuốn Kinh Thánh hiện tại của chúng ta—ngay cả với những sai sót nhỏ—vẫn có giá trị vì có một tiêu chuẩn tuyệt đối đằng sau chúng.

Niềm tin vào sự vô ngộ của các bản chép tay nguyên thủy của Kinh Thánh là sự kiểm soát cuối cùng trong việc chúng ta tìm kiếm một hướng dẫn tuyệt đối đáng tin cậy về lẽ thật. Nếu chúng ta tin rằng Kinh Thánh nguyên bản là không thể sai lầm, thì chúng ta chỉ có thể tự do thay đổi các bản dịch Kinh Thánh ở những nơi mà khoa học nghiên cứu nguyên bản khiến chúng ta tin rằng sự thay đổi đó đưa chúng ta đến gần hơn với các bản văn gốc. Những người không tin rằng các nguyên bản là vô ngộ thì cảm giác rằng họ có thể bác bỏ bất kỳ điều gì trong Kinh Thánh mà họ cho là sai, theo như được đánh giá bởi một số tiêu chuẩn bên ngoài về lẽ thật. Việc tin rằng các bản chép tay gốc của Kinh Thánh là chắc chắn vô ngộ sẽ ảnh hưởng đến thái độ của chúng ta đối với Kinh Thánh và việc chúng ta sử dụng Kinh Thánh.

Chúng ta cũng phải nhớ rằng Kinh Thánh hiện tại của chúng ta gần với nguyên bản như thế nào. Chúng ta đã nói về những khác biệt nhỏ nhất định trong các bản sao cổ mà chúng ta sở hữu. Nhưng số lượng lớn các bản sao đang tồn tại và độ tin cậy chung của những người sao chép đã giúp các học giả có thể xác định chắc chắn việc đọc bản văn gốc ở hầu hết mọi nơi. Một trong những người có thẩm quyền lớn nhất về các bản viết tay Tân Ước, Ngài Frederic Kenyon của Bảo tàng Anh quốc, đã khẳng định cách đây vài thập kỷ, “Không thể khẳng định quá mạnh mẽ rằng bản chất nội dung của bản văn Kinh Thánh là chắc chắn: Đặc biệt là trường hợp này đối với Tân Ước. Số lượng bản viết tay của Tân ước, của các bản dịch ban đầu từ nó, và các trích dẫn từ nó trong những tác giả lâu đời nhất của Hội thánh, thì rất lớn đó là trên thực tế chắc chắn rằng khả năng đọc hết thực sự của mọi đoạn văn là rất đáng ngờ, đó là nó vẫn được lưu giữ trong một số người này hoặc người khác của những nhà chức trách cổ đại này. Điều này có thể được hiểu là không có cuốn sách cổ nào khác trên thế giới này.35

Gần đây hơn, Douglas Stuart đã tóm tắt tình hình liên quan đến những từ gốc của Kinh Thánh. “Người ta lập luận rằng 99 phần trăm các từ gốc trong Tân Ước có thể khôi phục được với mức độ chính xác rất cao. Trong trường hợp của Cựu Ước, con số này có thể giống 95 phần trăm. Khi những từ có thể khôi phục được với mức độ chính xác rất cao được thêm vào, chúng ta có thể tự tin rằng chúng ta có thể đọc, suy ngẫm và hành động dựa trên những gì thực tế tương đương với bản gốc. Không có lĩnh vực đức tin hay thực hành Cơ đốc giáo nào thực sự đứng vững hoặc sụp đổ vì dựa trên cơ sở các nghiên cứu bản văn.”36

Một số người có thể hỏi, “Tại sao Đức Chúa Trời trong sự quan phòng của Ngài lại không lưu giữ các bản sao gốc để dân sự Ngài sở hữu chúng trong suốt lịch sử?” Tất nhiên, câu trả lời cho câu hỏi này chỉ có Ngài biết. Tuy nhiên, có hai suy nghĩ, rất hữu ích. Nếu các bản sao gốc tiếp tục tồn tại, dân sự của Đức Chúa Trời có thể đã tôn vinh chúng như những di vật và thờ phượng chúng như họ đã từng làm con rắn bằng đồng mà cuối cùng Ê-xê-chia đã phá hủy (2 Vua. 18:4). Ngoài ra, nghi ngờ về việc liệu một bản sao cụ thể có thực sự là từ bản gốc không sẽ chắc chắn nảy sinh và không bao giờ có thể được giải quyết, khiến cho việc chắc chắn là không thể. Một người thông minh thậm chí có thể thay đổi bản văn. Vì vậy, sở hữu các tác phẩm gốc có thể là một nguồn tranh cãi không hồi kết hơn là một phước lành.

 

SỰ SUY XÉT SAU CÙNG

Khi xem xét những vấn đề khó hiểu ở trong Kinh Thánh, chúng ta nên ghi nhớ một số suy nghĩ.

 

Một Số Vấn Đề Nhỏ

Khi chúng ta xem xét Kinh Thánh – được viết cách đây rất lâu bởi hơn bốn mươi trước giả trong khoảng thời gian một ngàn năm trăm năm – khả năng sai sót và sai lệch dường như là vô hạn. Những sai sót trong việc tường thuật lịch sử, trong việc giải thích các hiện tượng, trong các học thuyết tâm linh, sự cường điệu, vân vân, – tất cả đều có thể dễ dàng được hình dung trong một tác phẩm như Kinh Thánh. So với vô số sai sót trong tác phẩm của các tác giả cổ đại, thì Kinh Thánh không gặp khó khăn gì một cách đáng kinh ngạc. Nhận xét sau đây rất đáng xem xét. “Môi-se đã được học biết tất cả sự khôn ngoan của người Ai Cập. Điều gì đã bảo toàn ông khi viết Ngũ kinh, ông không chấp nhận niên đại của người Ai Cập cổ đại mà sau này Manetho chắc chắn đã ghi lại trong các tác phẩm của mình và được cho là bắt đầu từ 30.000 năm trước Đấng Christ? Điều gì đã ảnh hưởng đến việc Daniel, người giỏi về khoa học Chaldean, bịt tai trước những câu chuyện ngụ ngôn quái dị của người Chaldean về sự sáng tạo ra thế giới? Paul đã làm quen với khoa học tốt nhất trong thời đại của mình. Tại sao chúng ta không tìm thấy điều gì trong các bài phát biểu hoặc các bức thư của ông ấy giống như việc Augustine bác bỏ học thuyết về các sự tương phản truyệt đối một cách khinh bỉ, hoặc theo quan điểm của Ambrose cho rằng mặt trời tự hút nước để nó có thể tự làm mát và làm mới mình khỏi sức nóng phi thường của nó?”37

 

Nhiều Khó Khăn Đã Được Loại Bỏ

Một thực tế thứ hai cần nhớ là khi hiểu biết của chúng ta về thế giới cổ đại ngày càng tăng, thì số lượng các vấn đề trong Kinh Thánh đã giảm xuống. Như đã đề cập ở trên, nhiều vấn đề của Kinh Thánh được nêu ra nhầm chống lại tính trung thực của nó đã đi theo hướng khác khi nghiên cứu học thuật về lịch sử, khảo cổ học và ngôn ngữ học đã nâng cao hiểu biết của chúng ta về thế giới cổ đại. Thực tế này sẽ khiến bất kỳ ai do dự khi khẳng định một sai sót đã được chứng minh ngày nay trừ khi người ấy chuẩn bị tuyên bố rằng anh ta có dữ liệu đầy đủ liên quan đến mọi thứ có liên quan đến một vấn đề cụ thể và cách giải thích của anh ta về dữ liệu đó là không thể sai. Chúng ta nên xem xét kỹ các vấn đề chưa được giải quyết, nhận ra rằng khi tất cả dữ liệu được thông hiểu, thì bản văn ở đây cũng sẽ được coi là trung thực.

 

Không Cần Thiết Để Giải Quyết Tất Cả Các Vấn Đề Trong Kinh Thánh

Những vấn đề trong Kinh Thánh đã và sẽ không còn nghi ngờ gì nữa sẽ tiếp tục được giảm bớt nhờ sự gia tăng kiến thức nên khiến các tín đồ hài lòng với việc không thể giải quyết được tất cả các vấn đề ngày nay. Nó cũng khuyến khích chúng ta không nên cố gắng đưa ra các hình thức gượng giải để giải cứu học thuyết về sự vô ngộ. Lời khuyên của Benjamin Warfield được thực hiện tốt. “Khả năng sản sinh của mỗi cá nhân chúng ta trong các diễn giải thích hợp, cái nhìn sâu sắc của cá nhân chúng ta trong việc diễn giải chân lý, khả năng hiểu biết của cá nhân chúng ta không phải là thước đo của chân lý. Nếu chúng ta không thể hòa hợp mà không bị căng thẳng, thì chúng ta nên hãy để yên đó sự không hài hòa.”38 Giáo lý về tính vô ngộ của Kinh Thánh không phụ thuộc vào khả năng chứng minh điều đó của chúng ta, mà dựa vào sự dạy dỗ của chính nó về nguồn soi dẫn đầy trọn của nó, bao gồm cả giáo lý của Chúa chúng ta.39 Lập trường của Packer đối với vấn đề này là đáng khen ngợi đối với tất cả những người tin. “Không phải nghi ngờ gì về việc Kinh Thánh nói đúng, nhưng chính xác thì chúng ta nên nói gì về những nhân vật và sự kiện được đề cập đến trong Kinh Thánh thì không phải lúc nào cũng rõ ràng vì thiếu thông tin bổ sung. Tôi không tin rằng sự tôn vinh Đức Chúa Trời đòi hỏi tôi phải có một câu trả lời, và một câu trả lời đầy đủ cho mọi thứ.”

 

KẾT LUẬN

Như chúng ta đã thấy trong vài chương trước, Kinh Thánh dạy rằng nó là sản phẩm từ sự hà hơi của Đức Chúa Trời (2 Tim. 3:16) và do đó toàn bộ Kinh Thánh là lẽ thật. Những tuyên bố như vậy, cũng như bằng chứng tràn ngập về nguồn gốc siêu nhiên của Kinh Thánh, đã khiến hầu hết các tín đồ trong suốt lịch sử của hội thánh tin cậy vào sự vô ngộ tuyệt đối của Kinh Thánh bản gốc. Khi gặp những sự khó hiểu mà họ không thể giải thích được, thái độ của họ là của Augustine được bày tỏ trong một bức thư gửi Jerome. “Và nếu trong những bài viết này, tôi cảm thấy bối rối bởi bất cứ điều gì có vẻ trái ngược với sự thật đối với tôi, tôi không ngần ngại cho rằng hoặc MS. (bản thảo) bị lỗi, hoặc người dịch không hiểu được ý nghĩa của những gì đã nói, hoặc bản thân tôi đã không hiểu được nó.”41

Thái độ của Augustine bày tỏ là một thái độ tin cậy nên tác có động quan trọng đến sự tiếp cận của chúng ta đối với các vấn đề của Kinh Thánh. Dựa vào tất cả các bằng chứng, chúng ta nên sẵn lòng tin tưởng vào tính trung thực của Kinh Thánh mặc dù chúng ta không thể giải thích mọi thứ. Như William Arndt lưu ý, sự tin tưởng như vậy là phù hợp, vì mối quan hệ của chúng ta với tư cách là những con người hữu hạn, tội lỗi đối với Cha thiên thượng. “Một đứa trẻ lễ phép, ngoan ngoãn, đáng yêu sẽ làm gì khi nghe người cha nhận xét thì trên mặt nó tỏ vẻ phản đối? Thay vì chỉ trích và lên án lời nói của người cha là sai, thì đứa trẻ sẽ yêu cầu người cha giải thích. Nếu chúng ta tìm thấy những vấp váp trở ngại trong Kinh Thánh, thì chúng ta hãy giữ thái độ của một đứa trẻ đáng yêu như vậy.”42 Tôi có thể nói thêm rằng ngay cả khi người cha vì lý do chính đáng nào đó quyết định không đưa ra lời giải thích vào lúc đó, thì sự tin tưởng vẫn luôn phục tùng.

Việc xem xét một cách thẳng thắn tất cả những gì Kinh Thánh dạy về bản thân nó sẽ tạo ra một học thuyết vô ngộ. Không có dữ liệu nào bác bỏ thực tế này.

 

 

  1. Hội Thánh Tin Điều Gì Về Kinh Thánh?

 

 

 

 

CÁC TÍN HỮU NGÀY NAY đứng trong truyền thống lâu đời của đức tin. Lẽ thật của phúc âm mà hội thánh được xây dựng là thuộc về chúng ta hôm nay bởi vì  nhiều tín hữu đã nhanh chóng nắm giữ cùng một phúc âm được mô tả là ”đức tin đã truyền cho các thánh đồ một lần đủ cả” (Giu-đe 3). Như chúng ta đã thấy trong các chương trước, thì trong suốt thời kỳ Kinh Thánh, dân sự của Đức Chúa Trời tin rằng Kinh Thánh là sự mặc khải của Đức Chúa Trời, do Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã phán qua ngòi bút của các trước giả. Do đó, họ thể hiện tính chân thật của Lời của Đức Chúa Trời. Kể từ thời Tân Ước, hội thánh có tiếp tục chấp nhận Kinh Thánh theo cách tương tự không?

 

Nhiều người bác bỏ tính trung thực của Kinh Thánh. Họ cho rằng tín lý “không thể sai lầm” như hiện nay được nắm giữ bởi những nhà truyền giáo phúc âm thì không phải là quan điểm lịch sử của Cơ đốc giáo.”1 Người ta lập luận rằng ý tưởng về sự không thể sai lầm này bắt nguồn từ nhiều áp lực khác nhau của giáo hội sau Cuộc cải chánh. Sự xung đột với tòa thánh Rô-ma về việc liệu giáo hội hay Kinh Thánh là thẩm quyền tối hậu của các tín đồ. Sự xuất hiện của thời đại khoa học và thời đại của chủ nghĩa duy lý gắn liền với thời đại Khai sáng được cho là đã khiến nhiều nhà thần học chính thống tán thành tính “không thể sai lầm” của Kinh Thánh.

 

Thời hiện đại, “sự kiên định mạnh mẽ về tính “không thể sai lầm” của Kinh Thánh trong lĩnh vực khoa học và dữ kiện lịch sử” thì được cho là có liên quan đến “lối tư duy hiện đại” và “có sự khác biệt lớn so với lối tư duy của người Hê-bơ-rơ cổ đại.”2 Theo những người phản đối sự không thể sai lầm của Kinh Thánh cho rằng khi các giáo phụ của Hội thánh khẳng định sự “không thể sai lầm” thì họ chỉ nói về lẽ thật thuộc linh liên quan đến sự cứu rỗi chứ không nói về các chi tiết lịch sử, khoa học và địa lý. Theo lời của một người ủng hộ quan điểm này, “Các giáo phụ đã … tin rằng Kinh Thánh thì không thể sai lầm… và Kinh Thánh là cái kho lưu trữ điều “không thể sai lầm” về tôn giáo mặc khải. Nhưng … [họ] nhận ra những giới hạn và điều kiện thời gian của nó liên quan đến việc phát triển liên tục về nhận thức của con người và kiến thức thực tế.”Theo cách hiểu này, khi Đức Chúa Trời bày tỏ lẽ thật về sự cứu rỗi thì Ngài đã chấp nhận những quan điểm đương thời của các trước giả về các vấn đề khác. Luận điểm sai trật này thường được cho rằng có sự phân biệt giữa hình thức và chức năng của Kinh Thánh trong cách trình bày thông điệp về sự cứu rỗi, “Kinh Thánh là không thể sai lầm”. Nhưng mục đích này được thực hiện thông qua hình thức các bản ghi chép của con người thì không hoàn toàn là không thể sai lầm.

 

 

 

 

HỘI THÁNH BAN ĐẦU

 

 

Câu hỏi về thẩm quyền và tính “không thể sai lầm” của Kinh Thánh đã không nhận được sự giải thích có hệ thống rõ ràng trong hội thánh ban đầu; lí do đơn giản là vì không có sự tranh cãi về những vấn đề này. Hơn một thế kỷ trước, James Bannerman đã giải thích về “Niềm tin vào Hội thánh ban đầu”, và vào sự “không thể sai lầm của Kinh Thánh”. Niềm tin này đã không gây khó khăn và để đòi hỏi sự bảo vệ bằng những lời giải thích và ý kiến chung để cần sự hỗ trợ từ những lập luận. “Không có tranh cãi hay lý thuyết nào được đòi hỏi để thỏa mãn đức tin của các Cơ đốc nhân.”4 Geoffrey Bromiley, một Sử gia của hội thánh đã bày tỏ sự đồng tình với điều này. Ông cho biết, “Chúng tôi bị công kích cùng một lúc”, “bởi các trước giả (trong hội thánh ban đầu) đã chấp nhận sự soi dẫn và thẩm quyền của Kinh Thánh như một điều hiển nhiên”5. Mặc dù chưa được trình bày đầy đủ, nhưng các tác giả thời kỳ này đã cung cấp bằng chứng xác đáng về niềm tin của các Cơ đốc nhân chính thống đối với Kinh Thánh.

 

 

 

Quan điểm của Hội thánh ban đầu về sự soi dẫn của Thánh Linh

 

Rõ ràng là các giáo phụ của hội thánh đầu tiên đều cùng quan điểm là toàn bộ Kinh Thánh đều được Đức Thánh Linh soi dẫn. Vào cuối thế kỷ thứ nhất, Clement ở Rô-ma đã viết thư cho các tín hữu tại Cô-rinh-tô có liên quan đến bức thư Cô-rinh-tô đầu tiên của Phao-lô: “Để chắc chắn rằng dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh, Phao-lô đã viết cho các tín hữu về chính mình, và Sê-pha, và A-bô-lô.” Một lần nữa, Phao-lô viết, “Các anh em đã học Kinh Thánh là sách chứa đựng lẽ thật và được Đức Thánh Linh soi dẫn.” Clement giới thiệu các phần của Thi thiên, nói rằng, “Đây là cách mà Chúa Giê-su Christ nói với chúng ta thông qua Đức Thánh Linh.”6 Vào đầu thế kỷ thứ hai, Polycarp là giám mục của Hội thánh tại Smyrna, đã gọi Kinh Thánh là “Lời phán của Chúa.”7

 

 

 

Tương tự, nhà hùng biện Justin Martyr ở thế kỷ thứ hai đã khẳng định niềm tin của mình vào sự soi dẫn thần thượng của Kinh Thánh. “Các nhà tiên tri được soi dẫn bởi không chủ thể nào khác hơn là Lời thần thượng.”8.  “Một lần nữa, cũng giống như tiên tri Ê-sai, được soi dẫn bởi Linh tiên tri, đã nói: “Tôi đã dang tay ra đối với những người không vâng lời và chối cãi.”9 Các nhà tiên tri đã nói trước điều gì sẽ xảy ra “được phán bởi Thần linh thiên thượng”10

 

Irenaeus (khoảng 140-202), người được gọi là “vĩ đại nhất trong tất cả các tác giả và học giả Cơ đốc của thế kỷ thứ hai,”11 đã khẳng định mạnh mẽ về nguồn soi dẫn và thẩm quyền của Kinh Thánh. Irenaeus gọi “Kinh Thánh là của Chúa.” “Nếu chúng ta không thể nhận thức rõ những lời giải thích về mọi điều trong Kinh Thánh…. chúng ta nên để những điều thuộc về bản chất nguyên thủy đó cho Đức Chúa Trời, là Đấng đã tạo ra chúng ta. Đồng thời cũng được đảm bảo một cách đúng đắn nhất rằng Kinh Thánh thực sự hoàn hảo. Vì những lời đó được phán ra bởi Lời của Đức Chúa Trời và bởi Thánh Linh của Ngài.”12

 

Cùng một niềm tin mạnh mẽ vào sự soi dẫn của Kinh Thánh, điều này được tiếp tục ở thế kỷ thứ ba như đã thấy trong lời chứng của hai học giả vĩ đại người Alexandria. Clement ở thành Alexandria (khoảng năm 150-211) đã tuyên bố, “Tiên tri Giê-rê-mi, người được ban cho sự khôn ngoan tột đỉnh, hay đúng hơn là do Đức Thánh Linh ngự trong Giê-rê-mi để bày tỏ Đức Chúa Trời.”13 Một lần nữa, ông viết, “Vì chúng ta có các nguồn như là nguồn từ lời dạy dỗ và từ Chúa, cả hai đều bởi các tiên tri, bởi các sách Phúc âm và bởi các sứ đồ được ban phước.”14 Origen (khoảng 185-254) thì tuyên bố và đã nói cho các hội thánh vào thời của mình rằng, “Chính Thánh Linh đã soi dẫn từng mỗi  thánh đồ, dù là tiên tri hay sứ đồ; và không có một Thánh Linh nào ở trong những con người của thời kỳ cổ đại, và một Thánh Linh nào khác trong những người được soi dẫn khi Đấng Christ giáng sinh. Điều này đã được dạy cách rất rõ ràng trong khắp các hội thánh. Ông cũng viết, “Bản thân Kinh Thánh là thần thượng, tức là đã được Thần linh của Đức Chúa Trời soi dẫn…. Kinh Thánh được viết ra bởi Thánh linh của Đức Chúa Trời.”15

 

Theo nhà thần học Gregory ở thành Nyssa (khoảng năm 335-394), cho rằng: “Tất cả những điều Kinh Thánh nói đều là lời phán của Thánh Linh.”16 Vị giám mục ở Bắc Phi là Augustine (khoảng năm 354-430), ông thường được biết đến là nhà thần học vĩ đại nhất của hội thánh đầu tiên, đã xác chứng rõ ràng về niềm tin của mình là vào nguồn gốc thiên thượng của Kinh Thánh. Ông nói, thẩm quyền tác giả của sách Sáng thế ký là Đức Chúa Trời và thông qua Môi-se được lựa chọn để viết ra. “Tôi sẽ không đề cập đến những ai nghĩ rằng Môi-se có thể đã nói điều gì đó không đúng sự thật. Nhưng trong Chúa, những người mà tôi muốn được kết hợp…. là những người quan tâm lẽ thật của Chúa…. Cùng với họ, tôi sẽ tiếp cận những lời trong Kinh Thánh để tìm kiếm trong đó ý muốn của Chúa, thông qua tôi tớ Ngài và thông qua ngòi bút của họ mà Chúa đã truyền đạt những điều đó cho chúng tôi.”17 Khi trả lời những người chỉ trích Cơ đốc giáo vì cho rằng Kinh Thánh không có bất kỳ tác phẩm nào từ chính tay của Chúa Giê-su viết ra, thì Augustine nói đến sứ điệp của Chúa Giê-su thông qua các sứ đồ. “Khi những môn đồ đó đã viết về những vấn đề mà Ngài đã tuyên bố và phán dạy họ, thì không thể nói rằng Chúa đã không viết gì về chính Ngài. Vì sự thật là các môn đồ như là các chi thể của Ngài (trong thân thể Ngài) chỉ hoàn tất những gì đã trở nên quen thuộc từ các câu nói được lập đi lập lại của Người đứng đầu là Chúa. Bởi vì tất cả những gì Ngài muốn truyền đạt cho chúng ta, những chủ đề chúng ta quan tâm về các hành động và lời nói của chính Ngài, thì Ngài đã truyền lệnh cho các môn đồ viết xuống. Ngài đã sử dụng các môn đồ như thể họ là chính tay của Ngài vậy.”18

Bằng chứng tương tự cho niềm tin vào sự soi dẫn thiêng liêng của Kinh Thánh có thể được trích dẫn từ các nhà lãnh đạo khác của Hội thánh đầu tiên, bao gồm Tertullian (khoảng 155-220), Hippolytus (mất năm 236), Cyprian (195-258) và Jerome (khoảng năm 374-419).19 Như Geoffrey Bromiley đã nói, “Các giáo phụ này đã chấp nhận sự soi dẫn thiêng liêng của Kinh Thánh, dù là Cựu ước hay Tân ước thì cũng có thể được chứng minh một cách dễ dàng nhất.”20

Khi giải thích khái niệm về sự soi dẫn của họ, các giáo phụ ban đầu nhấn mạnh đến quyền thiêng liêng của tác giả của Kinh Thánh. Chẳng hạn như nhà hùng biện Cơ đốc giáo là Athenagoras đã nói về Thần linh hà hơi thông qua các trước giả con người, cũng như ngay khi một nghệ sĩ sử dụng ống sáo để thổi ra tiếng sáo.21 Đây là Phép ẩn dụ về các nhạc cụ thì cũng được sử dụng bởi những người khác. Justin Martyr đã ví Thần linh thiêng liêng như một “miếng gảy đàn đến từ  thiên đàng và sử dụng những người công chính như một nhạc cụ là đàn hạc hoặc đàn lia.”22 Việc tra cứu Kinh Thánh cũng được thực hiện bởi Thánh Linh.23 Tuyên bố của Augustine được trích dẫn ở trên, trong đó ông nói rằng Đấng Christ đã sử dụng các sứ đồ như “bàn tay của chính mình”. Điều này cũng có thể được hiểu là các trước giả con người hoàn toàn thụ động trong quá trình được soi dẫn. Vào thế kỷ thứ sáu, Gregory the Great đã tổng kết các loại tư tưởng này bằng cách khẳng định rằng, “Câu hỏi về quyền tác giả của con người không có liên quan gì nhiều. Nếu chúng ta biết ai là tác giả đích thực của mỗi tác phẩm và chúng ta hiểu những gì Ngài nói với chúng ta, thì tại sao chúng ta phải tò mò tìm hiểu “ngòi bút” nào đã viết những lời thiêng liêng trên giấy? ”24

Mặc dù có sự thống nhất chung từ các giáo phụ của hội thánh ban đầu, khi nhấn mạnh đến nguồn gốc thiêng liêng của Kinh Thánh. Họ đã không dành vị trí thích đáng cho các trước giả con người, nhưng rõ ràng là họ không loại trừ sự tham gia chân chính của con người. Ngay cả những người nhấn mạnh quyền thiêng liêng của tác giả và thẩm quyền của Kinh Thánh với những tuyên bố như những điều được trích dẫn cũng không có ý ám chỉ rằng các trước giả con người hoàn toàn thụ động.

Theo J. N. D. Kelly, là người có thẩm quyền về tư tưởng Cơ Đốc Giáo. Truyền thống chính thống của hội thánh ban đầu “nói chung… đã cẩn thận tránh bị dính líu đến vai trò của [những người viết Kinh Thánh] hoàn toàn là thụ động.”25 Bằng chứng là ông chỉ ra lời giải thích của Hippolytus rằng “khi Lời Chúa cảm động các tiên tri thì có tác dụng là làm rõ khải tượng của họ và chỉ dẫn sự hiểu biết của họ.26 Tương tự, Origen gợi ý rằng “chức năng của Thánh Linh là khiến [các Trước giả Kinh Thánh] hiểu ra sự thật rõ ràng hơn mà không làm mất đi ý chí tự do của họ trong bất kỳ trường hợp nào.”27 Chrysostom (khoảng năm 347-407) và Cyril ở Alexandria đã thực hiện “phần lớn sự đóng góp cá nhân của Môi-se, Giăng và Phao-lô trong bài viết thực tế về các tác phẩm của họ,” và Jerome (khoảng 374-419) đã chỉ ra sự khác biệt về phong cách và bối cảnh văn hóa chung mà các trước giả khác nhau thể hiện trong các tác phẩm của họ.28 Augustine thừa nhận rằng các tước giả Phúc Âm đã sử dụng ký ức của chính họ để viết ra tác phẩm. Tuy nhiên, ký ức của họ đã được Thánh Linh cảm thúc và bảo vệ khỏi sai lầm.29 Ngay cả Gregory có vẻ cũng từ chối bất kỳ ý nghĩa nào được nói ra từ các trước giả con người mà có liên quan đến Sách Gióp. Trước giả của cuốn sách này không được biết đến và do đó không thể có bất kỳ mối liên hệ cụ thể nào trong việc giải thích cuốn sách này. Tuy nhiên, nói chung là trong khi ghi nhận sự đóng góp của các trước giả con người về việc viết ra Kinh Thánh thì các giáo phụ ban đầu đã không nghiên cứu cách sâu sắc về bản chất tác động của Thánh Linh đối với họ. Họ chỉ nhấn mạnh đơn giản về Đức Chúa Trời với tư cách là Tác giả của Kinh Thánh.

 

Câu Hỏi Về Tính Không Thể Sai Lầm Của Kinh Thánh (sự vô ngộ của Kinh Thánh) Trong Hội Thánh Ban Đầu

Các giáo phụ của hội thánh đầu tiên có tin rằng Kinh Thánh luôn đúng trong mọi phương diện, kể cả lịch sử và khoa học không? Mặc dù họ không bàn luận chi tiết về chủ đề của sự vô ngộ (không thể sai lầm) của Kinh Thánh, đó là hệ quả tự nhiên của niềm tin chắc chắn rằng Đức Chúa Trời là Tác giả của Kinh Thánh. Mặc dù không phải là người biện hộ cho sự vô ngộ của Kinh Thánh, nhưng Bruce Vawter tuyên bố. “Sẽ là vô nghĩa nếu đặt câu hỏi rằng sự vô ngộ của Kinh Thánh, đúng hơn là hình thức tuyệt đối là sự thuyết phục phổ biến từ ban đầu của thời kỳ Cơ Đốc giáo, và từ thời kỳ Do Thái giáo trước đó. Đối với các Giáo phụ và các Ra-bi nói chung, việc chép lại Kinh Thánh mà bị sai bất kỳ lỗi nào là không thể tưởng tượng được; nếu là lời của Đức Chúa Trời thì lời đó phải là chân thật, bất kể nó được biết đến là sự mầu nhiệm về sự mặc khải thiêng liêng hoặc giới thiệu về dữ liệu khoa học tự nhiên, hoặc cho dù nó bắt nguồn từ sự quan sát của con người hay ghi chép lại sự kiện của lịch sử.30

Lời tuyên bố trong các tác phẩm của các giáo phụ ban đầu minh chứng rõ ràng cho kết luận của Vawter, Clement ở Rô-ma (khoảng 30-95) đã viết trong thư gửi tín hữu Cô-rinh-tô, “Bạn đã học biết Kinh Thánh chứa đựng lẽ thật và được Đức Thánh Linh soi dẫn. Bạn nhận ra rằng trong đó không có gì sai hoặc gây hiểu lầm.”31 Irenaeus tuyên bố rằng “không ai có ý thức bình thường mà có thể cho phép họ [những người phản đối Phúc âm Lu-ca là đáng tin cậy] chấp nhận một số điều được Lu-ca kể lại là đúng, và gạt những người khác sang một bên, như thể anh ta không biết lẽ thật.”32 Hơn nữa, cũng theo Irenaeus, chúng ta nên “được đảm bảo một cách đúng đắn nhất rằng Kinh Thánh thực sự hoàn hảo, vì chúng đã được phán ra bởi Lời  của Đức Chúa Trời và Thánh Linh của Ngài.”33 Justin Martyr đã mạnh dạn khẳng định trong đối thoại của mình với Trypho, “Tôi hoàn toàn tin chắc rằng Kinh Thánh không mâu thuẫn với Kinh Thánh.” Dù có trưng dẫn một trường hợp nào đó có vẻ mâu thuẫn, ông nói thêm, “Tôi sẽ phải thừa nhận rằng tôi không hiểu điều đã được ghi chép nảy, và sẽ cố gắng thuyết phục những người suy nghĩ rằng Kinh Thánh mâu thuẫn, hơn thế nữa là cùng quan điểm với tôi.”34

Origen cũng tuyên bố rằng mặc dù có thể xuất hiện mâu thuẩn trong Kinh Thánh “đối với những người không có lỗ tai để nghe”, nhưng trên thực tế “không có mâu thuẩn …. [Cả hai] thực sự là một sự hòa hợp hoàn hảo.”35 Athanasius (khoảng năm 293–373) khẳng định tính vô ngộ về mọi khía cạnh của Kinh Thánh khi ông viết, “Tuy nhiên, chúng tôi là những người mở rộng độ chính xác của Thánh Linh đến từng nét chữ và ý nghĩa, sẽ không bao giờ chấp nhận sự xác nhận ngầm…. ngay cả những vấn đề nhỏ nhất đã được xử lý một cách bừa bãi của những người ghi chép lại và do đó đã in trí cho đến ngày nay”36 Chrysostom cũng viết về sự thần cảm của tất cả các chi tiết trong Kinh Thánh. Đối với những nhân vật được tìm thấy trong Kinh Thánh “một đống chà là hoặc một chuỗi các tên” và chuyển cho họ bằng cách nói “chúng chỉ là những cái tên, chẳng có ích lợi gì gì trong đó”, Chrysostom trả lời, “Đừng thốt ra điều bỉ ổi như vậy. Đức Chúa Trời phán, và bạn trơ tráo nói, không có gì ích lợi trong những lời nói đó.”37 Một lần nữa, ông viết, “Với Kinh Thánh… thì không giống như vậy. Vàng thì không nói dối trước mặt chúng ta là nó được trộn lẫn với đất; thay vì nói vàng chính là vàng.”38 Chrysostom rõ ràng là không đồng tình với ý kiến ​​của nhiều người ngày nay rằng sự vô ngộ của Kinh Thánh chỉ giới hạn trong lẽ thật thuộc linh chứ không phải những vấn đề khác.

Augustine cũng đã xác nhận cho tính trung thực của toàn bộ Kinh Thánh. Đề cập đến sáu mươi sáu sách kinh điển, ông nói, “Trong số các sách này, tôi tin xác quyết rằng các trước giả hoàn toàn không có sai sót.”39 Ở chỗ khác, ông viết, “Vì vậy, mọi điều được viết trong Kinh Thánh phải được tin tưởng tuyệt đối.”40 Niềm tin của Augustine vào sự vô ngộ  của Kinh Thánh đã ảnh hưởng đến những tuyên bố trong Kinh Thánh có liên quan đến khoa học. “Dù thế nào đi nữa, họ [các nhà khoa học] có thể dễ dàng chứng minh là đúng về bản chất vật lý.” Augustine nói, “chúng ta phải chứng tỏ khả năng hòa hợp đối với Kinh Thánh, và bất cứ điều gì họ khẳng định trong các luận thuyết của họ là trái với những điều này trong Kinh Thánh của chúng ta… hoặc chúng ta phải chứng minh điều đó cũng như hoặc chúng ta có thể là hoàn toàn thất bại, hoặc trong tất cả các sự kiện, chúng ta không chút do dự dù là điều nhỏ nhất phải tin rằng nó là như vậy.”41

Trong bức thư gửi Jerome, Augustine bác bỏ luận điểm của Jerome rằng một người tốt (Paul) có thể chối bỏ ý thức trách nhiệm. “Đối với tôi, dường như đây là hậu quả rất tai hại chắc chắn cập theo niềm tin của chúng ta đó là bất cứ điều gì sai lạc đều được tìm thấy trong các sách thánh…. Vì nếu các bạn đã từng tin vào điều thiêng liêng từ một tuyên bố sai lạc như vậy, cũng như từ trong cách thực hiện, thì sẽ không có bất cứ câu nào trong các sách này được lưu lại, mà nếu xuất hiện điều nào đó khó khăn trong thực hành hoặc khó tin tưởng, thì có thể không được giải thích bởi cùng một nguyên tắc nguy hại, như một tuyên bố cách cố ý trong đó, và theo ý thức trách nhiệm, tác giả đã tuyên bố những gì không đúng sự thật.”42

Nhằm vào tuyên bố này, một số người phản đối sự vô ngộ trong Kinh Thánh đã cố gắng miêu tả khái niệm “sai lầm” trong Kinh Thánh của Augustine như là hành động cố ý nói dối. Jack Rogers và Donald McKim viết, “Sai lầm, là vì Augustine, có liên quan đến lời kể cố ý và lừa dối mà tác giả biết là không đúng sự thật. Chính trong bối cảnh nghiêm túc về đạo lý đó, ông đã tuyên bố rằng ‘các tác giả Kinh Thánh hoàn toàn không mắc lỗi.’ Ông đã không áp dụng khái niệm về sự sai lầm cho các vấn đề nảy sinh từ sự hạn chế của con người về kiến thức, các quan điểm khác nhau trong việc ký thuật lại các sự kiện, hoặc lịch sử hoặc điều kiện văn hóa của các tác giả.”43

Tuy nhiên, bức thư bổ sung của Augustine cho Jerome cho thấy rằng ông không có ý định hạn chế “sai lầm” vì sự lừa dối có chủ ý. Như đã nói ở trên, thì sau khi tuyên bố rằng, các tác giả Kinh Thánh “hoàn toàn không có sai lầm”, Augustine tiếp tục:

Đối với tất cả các tác phẩm [phi Kinh Thánh] khác, khi đọc chúng, dù có sự vượt trội của các tác giả này đối với bản thân tôi về sự thiêng liêng và kiến thức đến đâu, thì tôi cũng không chấp nhận lời dạy dựa trên cơ sở ý kiến của họ là đúng; nhưng chỉ vì họ đã thành công trong việc thuyết phục sự phán đoán của tôi về sự thật của nó hoặc bằng chính những tác phẩm kinh điển này, hoặc bằng những lập luận đề cập đến lý trí của tôi. Tôi tin anh trai của tôi vì đã cho rằng, đây là ý kiến của riêng bạn cũng như của tôi. Tôi không cần thiết phải nói rằng tôi không đề nghị bạn muốn những quyển sách này được đọc giống như những sách của các tiên tri hoặc của các sứ đồ, điều liên quan là có thể sẽ sai lầm khi hồ nghi những sách này hoàn toàn không sai lầm. Hãy tránh xa sự kiêu ngạo từ lòng đạo đức khiêm tốn đó và chỉ đánh giá về bản thân mà tôi biết bạn có.44

Trong lời gợi ý, Jerome đã không muốn các tác phẩm của mình bị cho là “không có sai sót” giống như Kinh Thánh, rõ ràng là Augustine không có ý duy nhất là “không cố ý lừa dối.” Trong mối liên quan đó, các tác phẩm của Jerome có “sai sót” ông có thể nói với Jerome là các tác phẩm có chứa đựng “sự lừa dối có chủ ý,” một lời cáo buộc mà Augustine sẽ không bao giờ thực hiện được đối với Jerome. Augustine viết, “Bây giờ nếu tôi biết cuộc sống và cuộc trò chuyện của bạn, thì tôi không tin bạn đã nói những gì có ý định giả tạo và lừa dối, càng hợp lý hơn khi tôi tin vào Sứ đồ Phao-lô, vì ông đã không suy nghĩ điều này mà lại chấp nhận điều khác.”45 Để khẳng định rằng Kinh Thánh là vô ngộ chỉ có trong nhận thức, thì việc họ không cố ý lừa dối khiến Kinh Thánh không khác với hầu hết các tác phẩm của con người. Vì có thể nói an toàn rằng hầu hết các tác giả con người không viết với mục đích cố ý để đánh lừa. Vì vậy, có thể yên tâm nói rằng hầu hết các trước giả con người không cố ý viết những lời lừa dối.

Những người khác gợi ý rằng những lời tuyên bố của Augustine về nơi ở của Đức Chúa Trời đối với nhân loại chúng ta trong việc viết Kinh Thánh, (chẳng hạn như “một người mẹ khom lưng đối với con mình, rồi nói rằng như vậy để không khiến chúng ta bị tụt lùi đằng sau đối với tình trạng yếu đuối của chúng ta.”46) chỉ ra sự khác biệt trong thực tế hoặc sự thiếu “hài hòa trong tất cả các hình thức ngôn từ của nó.” Điều đặc biệt này được cho là để áp dụng với nhận thức của Augustine về các giải trình khác nhau của các trước giả Phúc âm, trong đó ông viết rằng Đức Thánh Linh “cho phép người này biên soạn câu chuyện của mình theo cách này, và người khác thì theo cách khác.”47 Tuy nhiên, không có tuyên bố nào của Augustine có ảnh hưởng hơn bất kỳ tuyên bố nào của các trước giả Phúc âm bị mắc sai lầm có thể được viện dẫn.48 Trên thực tế, mục đích tuyên bố của Augustine trong sự hài hòa của các Phúc âm là sự bác bỏ những người tìm cách làm mất uy tín của Cơ đốc giáo bằng cách chỉ ra những điểm khác biệt.” Và khi thực hiện kế hoạch này để dẫn đến kết thúc thành công, chúng ta phải chứng minh rằng các tác giả được đề cập không có bất kỳ sự đối kháng nào với nhau. Vì những kẻ chống đối này có thói quen là thêm vào lời cáo buộc nghiêm trọng trong tất cả những phản đối vô ích của họ, cụ thể là những người truyền bá phúc âm không hòa hợp với nhau.”49

Theo lời của nhà sử học John Woodbridge, thì sau đó Augustine đã tiến hành “một công việc hầu như trở nên việc làm hòa hợp đau đớn [để bổ sung] lời giải thích này đến lời giải thích khác để chứng minh rằng không có ‘lời giải trình mâu thuẫn nào’ (I, 35, 54) tồn tại trong các tuyên bố bằng lời của các Nhà truyền giáo khi được giải thích một cách hợp lý.”50

Sự thừa nhận của ông về sự đa dạng trong các giải trình Phúc âm (mà ông đã nhận ra là bổ sung chớ không là mâu thuẫn), và sự thừa nhận của ông về hiện tượng chứ không phải là ngôn ngữ kỹ thuật trong mô tả thiên nhiên, cả hai đều không làm sáng tỏ khái niệm về sự thích nghi của Augustine có nghĩa là sự thích nghi sai lầm. Đúng hơn, nó đề cập đến “cách thức hoặc phương thức của sự mặc khải, sự ban cho khôn ngoan của Đức Chúa Trời vô hạn dưới hình thái hữu hạn, chứ không phải đặc tính của sự mặc khải hay vấn đề được bày tỏ.”51 Ý nghĩa của sự thích nghi này, được Origen và Chrysostom cũng như những người khác giảng dạy, được nhìn thấy qua sự so sánh các văn bản của họ về Ngôi Lời với Đấng Christ, là Lời hằng sống. Cũng như John Hannah giải thích, “Vì sự thích nghi của Lời hằng sống không liên quan đến sự ô nhiễm tội lỗi trong bất kỳ nhận thức bẩm sinh nào, nên sự thích nghi của Thánh Linh trong lời được viết ra phải được quan niệm tương tự (so the Spirit’s accommodation in the written word must be similarly conceived), như Origen đã đề nghị. Chắc chắn, Hội thánh ban đầu tin vào sự thích nghi nhưng không tỏ thái độ phản đối trước sự sai sót trong lời được viết hoặc Lời hằng sống. Hành động hạ mình là sự đáp ứng khiêm nhường được nhận thức bởi con người lầm lỗi, chứ không phải là sự kết hợp của bản chất sai lầm của con người. Vì Đấng Christ đã không gánh lấy tội lỗi của loài người khi nhập thể, nên Thánh Linh cũng không khuất phục trước sự thấp hèn đó trong việc truyền đạt Kinh Thánh.”52

Những tác phẩm này và các tác phẩm khác của Augustine cung cấp bằng chứng rõ ràng về niềm tin vững chắc của ông vào tính tuyệt đối không thể sai lầm của Kinh Thánh.53 Ngay cả Hans Küng, một học giả Công giáo La Mã, cũng thừa nhận rằng Augustine “cho con người chỉ là công cụ của Đức Thánh Linh; duy chỉ Thánh Linh quyết định nội dung và hình thức của các bản văn trong Kinh Thánh, kết quả là toàn bộ Kinh Thánh không có mâu thuẫn, sai lầm và sai sót, hoặc phải được duy trì bằng cách hài hòa, hình thức ngụ ngôn hoặc thần bí hóa. Ảnh hưởng của Thánh Augustine liên quan đến sự soi dẫn và sự vô ngộ của Kinh Thánh đã thịnh hành trong suốt thời kỳ Trung cổ và ngay cả trong thời kỳ hiện đại.”54 Do đó, học thuyết của Augustine về sự thần cảm của Kinh Thánh, bao gồm cả sự vô ngộ của Kinh Thánh trong mọi vấn đề, là nền tảng cho niềm tin chung của các giáo phụ thời kỳ đầu của hội thánh.

 

HỘI THÁNH THỜI KỲ TRUNG CỔ

Hội thánh thời kỳ trung cổ có hai quan điểm về Kinh Thánh:  thứ nhất là có một cái nhìn cao cả (nhìn thấy những điều thuộc về thiên thượng như Ê-sai nhìn thấy khải tượng cao sang về Chúa trong Ê-sai chương 6) về sự thần cảm của Kinh Thánh, và thứ hai là có cái nhìn giảm bớt đi quyền năng của Kinh Thánh trong đời sống. Đã có một sự nỗ lực đáng kể để xác định thẩm quyền của Kinh Thánh trong mối tương quan với các thẩm quyền khác trong giáo hội. Đặc biệt là trong giai đoạn sau của thời kỳ này (từ thế kỷ thứ mười một đến thế kỷ thứ mười bốn), sự ảnh hưởng của triết học với sự nhấn mạnh vào lý trí đã dẫn đến một cách tiếp cận học thuật đối với việc nghiên cứu học thuyết Cơ đốc với những hình thức phức tạp và sự khác biệt tinh vi của nó. Do đó, vị trí của Kinh Thánh bị suy giảm có thể được nhìn thấy trong một số nhận xét điển hình của Martin Luther về một số nhân vật hàng đầu của thời kỳ này. Khi nhận xét về Peter Lombard, là nhà thần học được chú ý ở thế kỷ thứ mười hai, Luther viết rằng ông “xứng đáng với tư cách là một nhà thần học; không ai sánh bằng ông ấy. Ông đã nghiên cứu về Augustine, Ambrose, Gregory, và tất cả các hội đồng học thuật. Ông là một người vĩ đại. Nếu ông ta tình cờ đến với Kinh Thánh, thì chắc chắn ông ấy là người vĩ đại nhất.”55 Đối với Luther thì Thomas Aquinas (1224–1274)   là một “người nói chuyện phiếm” vì những liên hệ nhất quán của ông với Aristotle, triết gia Hy Lạp (384-322 TCN). Aristotle   được Aquinas trân trọng gọi là “Nhà triết học”. Cảm giác của Luther đối với sự pha trộn giữa triết học và lẽ thật của Kinh Thánh ở Aquinas thể hiện rõ qua việc ông mô tả Aristotle là “‘kẻ ngoại giáo” (ngoài những danh xưng khác)56

Mặc dù không chú trọng đến Kinh Thánh trong đời sống của hội thánh suốt thời kỳ này, nhưng các tuyên bố của các nhà lãnh đạo giáo hội chứng tỏ rằng họ có một tầm nhìn đúng đắn về sự thần cảm của Kinh Thánh là “lời của Đức Thánh Linh”, theo Giáo hoàng Leo the Great của thế kỷ thứ năm.57 Vào thế kỷ tiếp theo, Gregory the Great (540-604) cũng đã đánh giá về Kinh Thánh, “Hãy tin xác quyết rằng Đức Thánh Linh là tác giả của Kinh Thánh. Bởi vì, Ngài đã truyền cảm hứng cho những điều này và tất cả đều được viết ra…. Kinh Thánh là lời của Đức Thánh Linh.”58

Anselm, tổng giám mục của Giáo hội Anh (1093-1109) nói, “Vì tôi chắc chắn rằng nếu tôi nói bất cứ điều gì mâu thuẫn với Kinh Thánh một cách rõ ràng, thì đó là sai, và nếu tôi nhận thức điều này, tôi không muốn nắm giữ nó.”59 Ngay cả với Thomas Aquinas, trong thế giới hiện đại  được ca tụng là “hoàng tử học thuật”. Ông cũng là một nhà thần học, viết nhiều bình luận về các phần của Kinh Thánh. Tác phẩm thần học mang tính học thuật của ông là Thần học Tổng hợp. Theo lời của một học giả, mặc dù tác phẩm đó chứa rất ít trích dẫn từ Kinh Thánh, nhưng nó được xây dựng “trên tảng đá của Lời thiên thượng”. Đối với sự hiểu biết của mình về sự thần cảm của Kinh Thánh, Thomas Aquinas khẳng định rằng, “Tất cả những gì được nói đến trong Kinh Thánh đều là lời phán của Đức Chúa Trời.”60 Ông tin vào thẩm quyền tuyệt đối của Kinh Thánh. Niềm tin đó được thể hiện qua những lời này của ông: “Chúng ta phải tuân giữ những gì đã được ghi chép trong Kinh Thánh như là một nguyên tắc đức tin tuyệt vời để chúng ta không thêm gì vào đó, không làm giảm giá trị và không thay đổi điều gì thông qua việc giải kinh tồi tệi.”61

John Wycliffe (1320-1384), sử gia và là người tiền thân của Cuộc Cải chánh, tin tưởng mạnh mẽ vào thẩm quyền tối hậu của Kinh Thánh trong mọi vấn đề. Đối với Wycliffe, ông “cực kỳ khinh bỉ những nhà thần học coi thường Kinh Thánh. Nếu bất kỳ người nào như vậy tìm thấy những mâu thuẫn hoặc sai sót trong Kinh Thánh, thì sự thiếu hiểu biết của họ chính là lỗi chứ không phải do bản văn Kinh Thánh có lỗi…. Kinh Thánh không chỉ chứa đựng tất cả giáo lý Cơ đốc, nhưng nói chung là tất cả lẽ thật. Đó là một “bộ sách bách khoa toàn thư thiên thượng,” một bản tóm tắt sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời.”62

Tính năng động của Lời Đức Chúa Trời trong các hội thánh chắc chắn đã bị lu mờ ở nhiều nơi suốt trong thời kỳ Trung cổ. Rất ít người thực sự đọc Kinh Thánh bởi vì hầu hết mọi người không có thể biết đọc hoặc biết viết. Tuy nhiên, dân chúng và các học giả đã tin hoàn toàn vào sự vô ngộ của Kinh Thánh vì nó là lời được thần cảm. Một học giả đã nói về thời kỳ trung cổ, “Trong suốt những thế kỷ này, không ai nghi ngờ về toàn bộ Kinh Thánh là lời của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời chính là tác giả của Kinh Thánh, cũng như các người ghi chép đã viết dưới sự thần cảm của Thánh Linh Đức Chúa Trời, và do đó, những quyển sách này hoàn toàn không có sai sót và mâu thuẫn, ngay cả khi trường hợp này dường như xuất hiện đâu đó.”63

 

CÁC NHÀ CẢI CHÁNH

Lời kêu gọi quan trọng của các Nhà Cải chánh đối với Kinh Thánh là duy Kinh Thánh. Họ khẳng định mạnh mẽ rằng chỉ có Kinh Thánh là thẩm quyền tuyệt đối của chúng ta. Điều này đương nhiên kéo theo sự nhấn mạnh mới về Kinh Thánh. Đối với những Nhà Cải chánh “Kinh Thánh không chỉ đơn thuần là một cuốn sách nguồn gốc về sự dạy dỗ của Cơ Đốc giáo được sử dụng trong chủ nghĩa duy lý hợp pháp…. bởi các học giả, giáo hội và nhà kinh điển. Nó là cuốn sách dẫn chúng ta đến với Đấng Christ.”64 Các khía cạnh con người của Kinh Thánh cũng được các Nhà Cải cách đánh giá cao hơn những người tiền nhiệm của họ, và ý nghĩa của nó được cho là đơn giản hơn so với sự đa dạng của nhiều ý nghĩa phức tạp (ví dụ, ngụ ngôn) được thấy trong các tác phẩm của các nhà thông giải thời kỳ Trung cổ. Trên hết, những Nhà Cải chánh khi chống lại thẩm quyền hội thánh đã nhấn mạnh đến vai trò của Đức Thánh Linh trong việc giúp các tín đồ giải thích Kinh Thánh một cách chính xác.65

Luther tin rằng sự soi dẫn của Kinh Thánh liên quan đến sự vô ngộ của ngôn từ dường như rõ ràng từ những tuyên bố sau đây: “Nhưng quả thật, mọi người đều biết rằng đôi khi họ [các giáo phụ] đã sai lầm như loài người vẫn mắc phải; do đó, tôi sẵn sàng tin tưởng họ chỉ khi họ chứng minh quan điểm của mình đến từ Kinh Thánh, mà Kinh Thánh thì chưa bao giờ sai lầm.”66 “Lời của Đức Chúa Trời là hoàn hảo: nó quý giá và thánh khiết: chính nó là lẽ thật. Không có sự giả dối trong đó.”67 “Không chỉ những ngôn từ mà cả những cách diễn đạt được Đức Thánh Linh và Kinh Thánh sử dụng đều là thiêng liêng.”68 “Không thể nào Kinh Thánh tự mâu thuẫn với chính nó; nó chỉ tỏ ra như vậy đối với những kẻ đạo đức giả vô tri và cố chấp.”69 “Một chữ cái, dù chỉ là một tiêu đề nhỏ trong Kinh Thánh, cũng có ý nghĩa đối với chúng ta hơn cả trời và đất. Vì vậy, chúng ta không thể cho phép thay đổi dù chỉ là chi tiết nhỏ nhất.”70 “Do đó, chúng ta phải luôn bằng lòng với chúng [văn tự], và bám vào chúng như lời của Đức Chúa Trời cách hoàn toàn rõ ràng, chính xác, chắc chắn, không bao giờ có thể lừa dối chúng ta hoặc khiến cho chúng ta mắc sai lầm.”71

John Calvin (1509–1564) cũng bày tỏ niềm tin mạnh mẽ vào sự soi dẫn và tính trung thực của từng lời trong Kinh Thánh. “Do đó, Kinh Thánh có đủ thẩm quyền đối với các tín đồ chỉ khi con người coi họ như là ra từ thiên đàng, như thể đã được nghe những lời hằng sống của Đức Chúa Trời vậy.”72 Các sứ đồ là “những người ghi chép chắc chắn và xác thực của Đức Thánh Linh, và do đó, các tác phẩm của họ được coi là lời nói của Đức Chúa Trời.”73 Nhận xét về lời của sứ đồ “tất cả Kinh Thánh đều bởi Đức Chúa Trời soi dẫn” (2 Ti-mô-thê 3:16), Calvin viết rằng, “Đây là ý nghĩa của mệnh đề đầu tiên, rằng chúng ta chịu ơn Kinh Thánh sự tôn kính như thể chúng ta mắc nợ Đức Chúa Trời, vì nó có nguồn gốc duy nhất từ Đức Chúa Trời và không có điều gì bắt nguồn từ loài người lẫn lộn với nó.”74 Calvin không phủ nhận sự tham gia của quyền tác giả của con người; ông chỉ đơn giản là chỉ ra nguồn gốc thiêng liêng nền tảng của Kinh Thánh mà thôi.

Những lời tôn kính của người viết thi thiên trong Thi thiên 119:140 (“Lời Chúa rất là tinh sạch, nên kẻ tôi tớ Chúa yêu mến lời ấy”), Calvin nói, “Và người ấy khẳng định rằng lòng yêu mến của mình đối với lời Đức Chúa Trời không phải là sự hấp tấp, hay mù quáng và thiếu suy xét, mà là người đó yêu mến lời ấy, bởi vì lời đó giống như vàng hoặc bạc đã được tinh luyện, lời đó tinh khiết và không có một tí cặn bẩn nào…. khi lời đó [bày tỏ lẽ thật] được so sánh với vàng đã tinh luyện,… thì lời đó tỏa sáng tinh khiết khỏi mọi điều nhơ bẩn.”75

Cả Luther và Calvin đều thừa nhận rằng Đức Chúa Trời đã cung ứng chính Ngài cho con người trong việc truyền đạt Lời của Ngài. Nhưng giống như các giáo phụ đã nói về “sự cung ứng” của Đức Chúa Trời, Luther và Calvin chỉ đơn giản đề cập đến tính nhân văn của các tác phẩm, tương tự như sự hiện đến của Con Đức Chúa Trời và sự cư ngụ của Ngài giữa chúng ta trong xác thịt con người. Trái ngược với sự hùng biện của một số tác phẩm cổ đại đã nhận được sự chú ý mới vào thời kỳ Phục hưng, Luther đã viết rằng “Kinh Thánh bề ngoài thì có vẻ không hào nhoáng, không thu hút sự chú ý, thiếu vẻ đẹp trọn vẹn và sự hấp dẫn.”76 Nhưng sự cung ứng hay sự giản dị này không có nghĩa là tất cả các từ đều không được soi dẫn và chính xác như nhau, như một số ý kiến ​​sai lầm.77 Đối với Luther nói thêm, “Bạn khó có thể tưởng tượng rằng bất kỳ ai lại có thể gán thêm đức tin vào Lời thiêng liêng như vậy, bởi vì nó không có chút gì hào quang hay sự quyến rũ nào. Tuy nhiên, đức tin thì đến từ lời thiêng liêng này, nhờ sức mạnh bên trong của nó mà không cần đến bất kỳ vẻ đáng yêu bên ngoài nào.”78 Tương tự như vậy, những bình luận nổi tiếng của Luther về việc liệu một số tác phẩm nhất định có nên được coi là kinh điển hay không, tức là, liệu chúng có phải là một phần của Kinh Thánh hay không, thì không có liên quan đến niềm tin của ông vào tính vô ngộ của Kinh Thánh. Tất cả các bản văn của Kinh Thánh là những lời được soi dẫn thiêng thượng của Đức Chúa Trời soi dẫn; câu hỏi mà Luther đưa ra chỉ đơn giản là những cuốn sách nào thuộc thể loại đó.

Bởi vì Luther và Calvin nhấn mạnh Đấng Christ hằng sống và sự cứu rỗi của Ngài là chủ đề của Kinh Thánh và dạy rằng sự bảo đảm về tính trung thực và thẩm quyền của Kinh Thánh chỉ đến thông qua lời chứng của Đức Thánh Linh bên trong lòng, nhiều người đã cố gắng tranh luận rằng những Nhà Cải chánh chỉ tin vào thông điệp của Kinh Thánh, chứ không phải lời chứng, là không thể sai lầm. Tuy nhiên, lời chứng của cả hai ông chứng tỏ rõ ràng họ không có sự tách bạch nào giữa thông điệp với các từ. Chẳng hạn, Luther đã nói, “Tin và đọc Kinh Thánh có nghĩa là chúng ta phải nghe Lời từ miệng của Đấng Christ. Khi điều đó xảy ra với bạn, thì bạn nhận biết rằng đây không chỉ là lời nói của con người, mà thực sự là Lời của Đức Chúa Trời.”79 Tương tự như vậy, việc Calvin nhấn mạnh vào lời chứng của Thánh Linh về lẽ thật của Lời không làm giảm niềm tin của ông vào sự soi dẫn và thẩm quyền của hình thức hoặc của lời nói mà lẽ thật đó được truyền đạt. Như Woodbridge nói, “Calvin kết hợp thẩm quyền của Đấng Christ, Lời hằng sống, với lời chứng của Thánh Linh hoặc Kinh Thánh, là Lời được viết ra; ông nêu bật vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc xác nhận thẩm quyền của Kinh Thánh đối với chúng ta. Kinh Thánh cũng có thẩm quyền vì Đức Chúa Trời, là nguồn của lẽ thật, là tác giả chính của Kinh Thánh.”80

Những lời thú tội và sách giáo lý của các hội thánh trong thời kỳ đầu của thời kỳ Cải chánh cho thấy rằng họ rất tin tưởng vào sự vô ngộ của Kinh Thánh. Mặc dù sự bảo vệ về độ tin cậy của Kinh Thánh không được nêu rõ trong các tác phẩm này, vì điều này không có gì bất đồng đối với tòa thánh Rôma, nên niềm tin như vậy là hiển nhiên. Chẳng hạn, Lời thú tội Belgic (1561) khẳng định rằng “không thể cáo buộc điều gì” chống lại Kinh Thánh. Đó là “quy tắc không thể sai lầm” và các Cơ đốc nhân tin rằng “không nghi ngờ gì nữa, tất cả mọi thứ đều chứa đựng trong đó.”81

 

SAU CUỘC CẢI CHÁNH VÀ HỘI THÁNH HIỆN ĐẠI

 

Niềm tin vào sự soi dẫn và sự sự vô ngộ của Kinh Thánh do các Nhà Cải chánh và những người lãnh đạo Công giáo La Mã nắm giữ tiếp tục vào thời kỳ sau Cải chánh. Tuy nhiên, những điều kiện lịch sử mới đã bắt đầu tác động đến cách thể hiện học thuyết này, đặc biệt là trong giáo hội Tin lành và sau đó là giáo Công giáo. Những phát triển này bao gồm năm điều sau:

. Cuộc tranh luận về vấn đề thẩm quyền giữa người Tin lành và người Công giáo, trong đó người Công giáo yêu cầu người Tin lành chỉ ra thế nào mà các bản sao bị lỗi của Kinh Thánh có thể thực hiện chức năng của nó mà không cần đến thẩm quyền của Giáo hội La Mã.

. Chủ nghĩa duy lý, vốn tuyên bố rằng chân lý phải được xây dựng trên nền tảng của lý trí.

. Thông qua các phong trào chủ nghĩa duy lý kẻ thù địch đã tấn công vào sự tin cậy của Kinh Thánh, bao gồm Chủ nghĩa xã hội vào thế kỷ 17 và Chủ nghĩa thần giáo vào cuối thế kỷ 17 và 18.

. Những phát triển mới trong khoa học, đã đặt câu hỏi về nhiều khía cạnh của lịch sử Kinh Thánh (ví dụ, ngày Sáng tạo, trận Đại Hồng thủy, nguồn gốc của tất cả loài người từ thời Nô-ê).

. Sự sẵn sàng ngày càng tăng của những người trong các hội thánh để làm giảm độ tin cậy của Kinh Thánh bằng cách chấp nhận quan điểm của khoa học và lý trí.

Trước những áp lực này, các nhà giảng dạy chính thống tin lành ngày càng cảm thấy bị ép buộc phải bảo vệ tính chân thật của Kinh Thánh, nhưng đôi khi họ sử dụng những lập luận đáng ngờ. Một số người nhấn mạnh đến quyền tác giả thiêng liêng của Kinh Thánh đến mức họ cổ súy cho thuyết “đọc cho viết” về sự soi dẫn.82

Bất chấp những cuộc tấn công này, sự hiểu biết truyền thống về sự soi dẫn và tính vô ngộ của Kinh Thánh vẫn được duy trì trong suốt thời kỳ hậu Cải chánh và thời kỳ hiện đại tiếp theo. Chẳng hạn như, Samuel Rutherford là một trong những người lập khung nền cho Lời xưng tội Westminster (1645-1646), đã viết rằng, “Khi viết ra mỗi câu nói ngắn gọn, tiêu đề hoặc từ ngữ trong Kinh Thánh [những trước giả Kinh Thánh] thì ngay lập tức được soi dẫn, như chi tiết của vấn đề, cách diễn đạt cụm từ, phương thức mệnh lệnh, nghiêm trang, từng bậc [nguyên văn] và tất cả.”83

Các nhà lãnh đạo tin lành ở thế kỷ 18 cũng tuyên xưng niềm tin lịch sử liên quan đến Kinh Thánh. John Wesley (1703-1791) đã tuyên bố, “Nếu có bất kỳ sai lầm nào trong Kinh Thánh, có thể có đến cả ngàn. Nếu có một sự giả dối trong cuốn sách đó, thì nó không đến từ Đức Chúa Trời chân thật”84 Jonathan Edwards (1703-1798), được nhiều người công nhận là nhà thần học vĩ đại nhất nước Mỹ và được kính trọng vì khả năng hiểu biết của ông, đã làm cho tâm trí tự do bối rối bởi sự tin tưởng kiên định của ông đối với Kinh Thánh. Ông “hoàn toàn chấp nhận truyền thống do những Nhà Cải chánh thiết lập về tính ưu việt và thẩm quyền của Kinh Thánh, và ông có thể tiếp cận các tác phẩm Kinh Thánh với … sự tin chắc về tính vô ngộ và chân lý theo nghĩa đen của chúng.”85

Lời thú tội của New Hampshire năm 1833 tóm tắt niềm tin tương tự giữa những người theo giáo phái Baptists. Các nhân vật như Princetonians, Archibald Alexander, Charles Hodge, A.A Hodge nổi tiếng của thế kỷ 19, và trên hết là Benjamin B. Warfield (có chức vụ kéo dài đến đầu thế kỷ 20), luôn kiên định đối với sự vô ngộ của Kinh Thánh. Những người tin lành ngày nay vẫn tiếp tục bảo vệ học thuyết này. Vào cuối thập niên 1970 và 1980, những thành viên Hội đồng Quốc tế về tính vô ngộ Kinh Thánh đã mạnh mẽ ủng hộ tính vô ngộ của Kinh Thánh.

 

KẾT LUẬN

Câu hỏi về bản chất của Kinh Thánh và liệu nó có đúng hay không cuối cùng sẽ phụ thuộc vào chính lời chứng của Kinh Thánh. Nhưng cách Đức Thánh Linh đã dẫn dắt dân sự của Ngài lắng nghe và vâng theo lời chứng đó trong sự xưng tội của họ là rất quan trọng. Như W. Robert Godfrey đã tuyên bố rõ ràng, “Phê bình Kinh Thánh và thần học tạo thành tâm điểm của chiến tuyến cho những người đấu tranh bảo vệ tính vô ngộ của Kinh Thánh. Sức mạnh của tâm điểm đó cuối cùng sẽ quyết định kết quả của cuộc chiến đấu để nhận biết bản chất của Kinh Thánh. Tuy nhiên, trong cuộc xung đột này, lịch sử về thái độ của hội thánh đối với Kinh Thánh đã trở thành cái sườn quan trọng của chiến tuyến.”86

Một số người cố gắng làm cho sự vô ngộ của Kinh Thánh trở thành là một học thuyết mới được tạo ra bởi những người theo chủ nghĩa chính thống để đáp ứng tư tưởng khoa học mới của thời hiện đại thì bị mâu thuẫn với những lời dạy của các nhà lãnh đạo vĩ đại của Cơ Đốc giáo chính thống trong suốt lịch sử. Việc các học giả theo chủ nghĩa tự do cũng thừa nhận tính trung thực của Kinh Thánh là sự xác tín lịch sử của Hội thánh. Kirsopp Lake, là học giả Kinh Thánh đáng kính của Đại học Harvard vào đầu thế kỷ 20, không mấy tôn trọng tính chính xác của Kinh Thánh. Tuy nhiên, ông ấy đã viết như sau:

Đó là một sai lầm thường mắc phải đối với những người có học thức, những người tình cờ mắc phải nhưng ít hiểu biết về thần học lịch sử, khi cho rằng chủ nghĩa chính thống là một hình thức tư tưởng mới lạ. Điều này không thuộc loại hình thức nào cả; nó là sự tồn tại một phần nhỏ và không được giáo dục của một nền thần học đã từng được phổ biến bởi tất cả các Cơ Đốc nhân. Chẳng hạn, có bao nhiêu người trong các hội thánh Cơ Đốc giáo vào thế kỷ thứ 18 nghi ngờ sự soi dẫn không thể sai lầm của toàn bộ Kinh Thánh? Có lẽ là một số ít, rất ít. Không ai, người theo chủ nghĩa chính thống có thể sai; Tôi nghĩ rằng chính ông ta. Nhưng chính chúng ta là những người đã rời xa truyền thống, chứ không phải ông ta, và tôi lấy làm tiếc cho số phận của bất kỳ ai cố gắng tranh luận với người theo chủ nghĩa chính thống trên cơ sở quyền lực. Kinh Thánh và cốt lỗi thần học của hội thánh thì đứng về phía chính thống.87

Các giáo phụ của chúng ta trong đức tin đã để lại cho chúng ta một niềm tin trung thành và luôn can đảm về bản chất của Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời được soi dẫn cách siêu nhiên. Ghi chép về thái độ và sự thực hành của họ liên quan đến Kinh Thánh cũng chứa đựng nhiều điều để các tín đồ hiện đại noi theo. Họ nhìn vào Kinh Thánh một cách đúng đắn để nhận thấy Đấng Christ, rồi nhận ra rằng Ngài và sự cứu rỗi của Ngài là chủ đề của Kinh Thánh. Tuy nhiên, cả hai điều này không có sự ngăn cách nào giữa Ngôi Lời nhập thể và Ngôi Lời đã được viết ra. Hơn nữa, không có gì trong Kinh Thánh là ngoại lai; tất cả đều hữu ích trong việc hoàn thành mục đích tiết kiệm của nó. Như Thanh giáo thế kỷ 16 William Whitaker đã nhận xét, “Mặc dù có thể thừa nhận rằng tất cả các lịch sử [Kinh Thánh] đều không hữu ích và cần thiết như nhau, bởi vì nhiều người có thể được cứu mà không cần biết nhiều lịch sử; nhưng trên thực tế, chúng không chỉ hữu ích, mà cũng cần thiết. Vì mặc dù tất cả chúng không phải là điều kiện cần thiết cho sự tồn tại của đức tin, nhưng chúng đóng góp rất nhiều vào việc tốt đẹp hơn của nó.”88 Và như Augustine đã nói, “Kinh Thánh không dạy gì ngoài lòng yêu thương cứu giúp,” và tất cả những điều được dạy trong Kinh Thánh “đều có giá trị trong việc nuôi dưỡng và cung ứng lòng yêu thương cứu giúp và loại bỏ lòng tham lam.”89

Các bậc tiền bối của chúng ta trong đức tin cũng dạy chúng ta về sự cần thiết tuyệt đối của công việc Thánh Linh để Kinh Thánh trở thành lời ban sự sống cho chúng ta. Không có điều hoàn hảo nào có thể làm mất hiệu lực của tín lý duy nhất này, như hội thánh đôi khi đã chứng minh. Lời sinh ra quyền năng ban sự sống chỉ khi nó được tiếp nhận thông qua quyền năng của Đức Thánh Linh. Tương tự, sự bảo đảm cuối cùng về tính chân thật của Lời không dựa vào lý trí của con người mà dựa vào lời chứng của Đức Thánh Linh ở trong lòng.

Những người tin Chúa ngày nay làm tốt việc chú ý đến những gì mà các bậc tiền bối của chúng ta đã tin về bản chất Kinh Thánh là lời vô ngộ siêu nhiên của Đức Chúa Trời. Như lời chứng sau đây của Billy Graham minh họa thế này, sức mạnh và hiệu quả của hội thánh trên thế giới này phụ thuộc vào thái độ của chúng ta đối với Kinh Thánh. “Vào tháng 8 năm 1949, tôi ngập tràn nghi ngờ về mọi thứ đến nỗi khi tôi đang đứng giảng và phát biểu, thì tôi tự hỏi rằng: ‘Tôi tự hỏi liệu đó có phải là sự thật không. Tôi tự hỏi liệu mình có thể thực sự nói điều đó một cách chân thành hay không.’… Sau đó, tôi đem theo Kinh Thánh lên vùng núi cao ở Sierra Nevada của California. Tôi mở nó ra và quỳ xuống. Tôi nói, “Thưa Cha,” “Con không thể hiểu nhiều điều trong cuốn sách này. Con không thể hiểu mọi vấn đề trên phương diện lý trí được; nhưng con chấp nhận nó bởi đức tin là Lời có thẩm quyền, được soi dẫn bởi Đức Chúa Trời hằng sống.” Một tháng sau ở Los Angeles, tôi nhận ra rằng cuốn sách này đã trở thành thanh gươm trong tay tôi. Nơi mà lý luận của con người thất bại, thì Lời Đức Chúa Trời đã thực hiện công việc đó.”90

 

 

13

KINH THÁNH GỒM NHỮNG SÁCH NÀO?

 

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHÚNG TA BIẾT những sách nào thuộc về Kinh Thánh? Kinh Thánh của chúng ta có bao gồm một số sách mà không nên có trong đó không? Có phải một số sách bị loại ra đáng lẽ phải được đưa vào không?

 

Kinh của Tin lành có sáu mươi sáu sách, trong khi Kinh Thánh của Công giáo La Mã và Chính thống giáo Đông phương có thêm một số sách, thường được gọi là Ngụy kinh. Tôbia, một trong những sách được gọi là Ngụy kinh, nói rằng, “Việc bố thí cứu cho khỏi chết và tẩy sạch mọi tội lỗi” (Tôbia 12: 9). Một sách khác, Huấn ca, còn được gọi là Sirach, nói, “Ách và dây cương mới ghì được cổ lừa, cực hình và những cuộc tra khảo mới gò được đứa ở bất lương” (Huấn ca 33:26). Những tuyên bố này có được Đức Thánh Linh soi dẫn không? Chúng thuộc hay không thuộc về Kinh Thánh? Kinh Thánh của chúng ta có thiếu điều gì không nếu không bao gồm các sách Ngụy kinh?

Làm thế nào mà con dân Đức Chúa Trời lại coi các tác phẩm trong Kinh Thánh  là Sách Thánh trong khi nhiều tác phẩm khác thì không? Tiêu chí nào được sử dụng để quyết định nên đưa sách nào vào? Ai có thẩm quyền để chấp nhận một số sách nhất định mà không phải tất cả các sách? Đây là những vấn đề về “tính kinh điển” được xem xét trong chương này.

 

Ý TƯỞNG VỀ KINH ĐIỂN

 

Ý nghĩa của thuật ngữ canon

 

Thuật ngữ Canon (kinh điển) có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp kanon, ban đầu có nghĩa là “một thanh đo thẳng”1 và sau đó có nghĩa là “một tiêu chuẩn hoặc thước đo.” Vì vậy, nó mang ý tưởng về một quy chuẩn có thẩm quyền. Ví dụ, các tiêu chuẩn có thẩm quyền trong đạo đức, nghệ thuật hoặc ngữ pháp được gọi là canon. Phao-lô dùng thuật ngữ này để chỉ về quy tắc trong tư cách đạo đức (Ga-la-ti 6:16).

Trong thời kỳ đầu của Hội thánh hậu Sứ đồ, thuật ngữ canon được áp dụng cho “bản tóm tắt sự dạy dỗ Cơ đốc, là bản được cho là sao chép lại những gì mà chính các sứ đồ đã dạy.”2 Được gọi là ‘quy tắc của đức tin’ hoặc “quy tắc của lẽ thật”, bản tóm tắt này dựa trên Kinh Thánh, vì vậy nó là “biểu mẫu cho việc giải thích Kinh Thánh của Giáo hội vào thế kỷ thứ hai và thứ ba.”3

 

Bởi vì thanh đo có thể được đánh dấu theo đơn vị chiều dài như thước kẻ và thước đo hiện tại của chúng ta, canon cũng có nghĩa là một chuỗi hoặc danh sách. Theo nghĩa này, canon đã được áp dụng vào Kinh Thánh như một danh sách gồm các sách được con dân Đức Chúa Trời công nhận là thuộc về Kinh Thánh. Những sách được công nhận trong Kinh Thánh được gọi là “kinh điển” và một bộ gồm những sách đó gọi là “kinh điển của Kinh Thánh.” Athanasius, giám mục vào thế kỷ thứ tư ở Alexandria, có lẽ là người đầu tiên áp dụng thuật ngữ này cho Kinh Thánh trong một bức thư được lưu hành vào năm 367 S.C. Như là một sự mặc khải thiên thượng, kinh điển Kinh Thánh là “quy tắc đức tin” cuối cùng hoặc là thẩm quyền cuối cùng để đánh giá tất cả các giáo lý và thực hành của Cơ đốc giáo.

 

Khái niệm về Kinh điển hóa

 

Một số người từ chối sự thần cảm của Kinh Thánh và xem Kinh Thánh chủ yếu là các tác phẩm của con người nhằm bày tỏ đức tin của họ như là nhân chứng cho sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Cũng chính những người này nói rằng việc xác định sách nào thuộc về Kinh Thánh cũng chỉ là nỗ lực của con người, giống như bất kỳ quyết định nào trong Hội thánh ngày nay. Do đó, một số tác phẩm hữu ích không kém về trải nghiệm tôn giáo của con người đã bị bỏ qua. Tuy nhiên, họ nói, Đức Chúa Trời đã sử dụng các sách trong Kinh Thánh để bày tỏ chính Ngài cho chúng ta.4

 

Mặt khác, người Công giáo La mã nói rằng Giáo hội La mã đã ban tặng địa vị kinh điển cho các sách trong Kinh Thánh. Họ cho rằng Giáo hội La Mã đại diện cho uy quyền không thể sai lầm của Đấng Christ và do đó có quyền xác định phạm vi của kinh điển.

 

Theo những người Tin lành, thì chính Đức Chúa Trời đã ban thẩm quyền cho các tác phẩm bởi sự soi dẫn của Đức Thánh Linh. Mặc dù độc đáo về nội dung, nhưng cấu trúc và nội dung của Kinh Thánh giống với các tài liệu cổ khác nhau nói về một nhà cai trị uy quyền phán với thần dân của mình bằng chỉ thị có thẩm quyền mang tính quy chuẩn hoặc kinh điển. Do đó, kinh điển Kinh Thánh được hiểu rõ nhất như là các tài liệu giao ước do Đức Chúa Trời ban nhằm bày tỏ các chỉ dẫn kinh điển cấu trúc lại tất cả các khía cạnh của cuộc sống, trước là cho dân tộc của Ngài sống dưới “giao ước cũ” trong thời Cựu ước (hay “giao ước cũ”, xem 2 Côr. 3:14), và sau là cho những ai sống trong “giao ước mới” kể từ khi Đấng Christ giáng sinh.5 Do đó, khi truyền đạt những lời giao ước kinh điển của Ngài, những người viết Kinh Thánh được soi dẫn đã tôn cao Đức Chúa Trời tối cao với tư cách là những sứ giả đến với dân sự của Ngài.

 

Để thực hiện chức năng như một kinh điển cho cộng đồng giao ước, các tác phẩm cũng phải được mọi người công nhận. Vì vậy, Đức Chúa Trời làm việc một cách toàn vẹn trong dân sự của Ngài để công nhận những tác phẩm này đến từ Ngài và từ đó các tác phẩm này cuối cùng có được thẩm quyền. Mặc dù không dễ để giải thích được vì bản chất thiêng liêng bên trong, nhưng việc làm này trong con dân Đức Chúa Trời có thể hình dung được khi người ta nhận ra rằng đây chính là Lời có cùng thẩm quyền mạnh mẽ đã tạo nên một cộng đồng dân Chúa ngay từ ban đầu.

Theo quan điểm này, thì không có một Giáo hội nghị nào có thể cấp thẩm quyền cho Kinh Thánh , vì nó đã có thẩm quyền là Lời được soi dẫn của Đức Chúa Trời. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là công nhận nó như vậy. Như J. I. Packer nói, “Giáo hội không cho chúng ta kinh điển Tân Ước nhiều hơn Ngài Isaac Newton cho chúng ta lực hấp dẫn. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta lực hấp dẫn bởi công trình sáng tạo của Ngài, và tương tự, Ngài ban cho chúng ta kinh điển Tân Ước bằng cách soi dẫn những sách riêng lẻ nhằm tạo nên kinh điển Tân ước.”6

 

Quan điểm này nhấn mạnh rằng không có thẩm quyền nào vượt lên trên chính Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, làm thế nào một Giáo hội có thể nói rằng một tác phẩm cụ thể nào đó là Lời Đức Chúa Trời nếu nó không dựa trên cơ sở của lời có thẩm quyền từ Đức Chúa Trời? Nhưng tất nhiên, một tác phẩm được cho là từ Đức Chúa Trời sẽ phải được thừa nhận trước khi nó có thể được sử dụng như một kinh điển. Vì vậy, chúng ta kết luận rằng sự mặc khải có thẩm quyền từ Đức Chúa Trời, Lời thành văn của Ngài, hoặc là lời tự xác thực hoặc là chúng ta không còn cách nào khác để phân biệt Lời Ngài từ những lời khác.

Như sứ đồ Phao-lô đã dạy, Đức Thánh Linh bày tỏ lẽ thật thuộc linh và chỉ những ai tiếp nhận sự dạy dỗ của Ngài mới nhận ra điều đó (1 Côr. 2: 10-16). Chúa Giê-su nói rằng chỉ những ai “sẵn lòng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời… mới biết đạo lý ta có phải là bởi Đức Chúa Trời, hay là ta nói theo ý ta” (Giăng 7:17). Ngài lại nói, “Chiên ta nghe tiếng ta, ta quen nó, và nó theo ta” (10:27). Đối với một quyết định không thể sai lầm về Lời của Đức Chúa Trời, Ngài đã chỉ cho con người về chính Ngài, mà không phải về bất kỳ thẩm quyền nào từ con người.

Lời tuyên bố của Giáo hội Công giáo La Mã về việc quyết định không thể sai lầm của kinh điển là một trong những tranh cãi lớn trong cuộc Cải chánh. Những nhận xét của Calvin được đưa ra để đáp lại lời tuyên bố đó vẫn còn hữu ích cho chúng ta ngày nay.

Một sai lầm nguy hiểm nhất phổ biến rộng rãi là Kinh Thánh  chỉ có trọng lượng khi nó được thừa nhận nhờ vào sự đồng ý của Giáo hội. Như thể lẽ thật đời đời và bất khả xâm phạm của Đức Chúa Trời phụ thuộc vào quyết định của con người! Người ta đã chế nhạo Đức Thánh Linh khi hỏi: Ai có thể bảo đảm với chúng ta rằng Kinh Thánh  đã được ban xuống toàn bộ và nguyên vẹn cho đến tận ngày nay của chúng ta? Ai có thể thuyết phục chúng ta nhận một sách nào đó trong sự tôn kính nhưng lại loại trừ một sách khác, trừ khi Giáo hội quy định một quy tắc chắc chắn cho tất cả những vấn đề này? Họ nói rằng Kinh Thánh  có được sự tôn kính và những sách nào được xác định là thuộc về Kinh Thánh  đều phụ thuộc vào sự quyết định của Giáo hội.

Nhưng những người nói như vậy đã bị phản đối chỉ bằng một lời của sứ đồ. Ông làm chứng rằng Hội thánh “được dựng lên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri” (Ê-phê-sô 2:20). Nếu sự dạy dỗ của các đấng tiên tri và các sứ đồ là nền tảng, thì điều này phải có thẩm quyền trước khi Hội thánh tồn tại …. Nếu ngay từ đầu, Hội thánh Cơ đốc được thành lập dựa trên các lời của các đấng tiên tri và lời rao giảng của các sứ đồ, dù các sự dạy dỗ này được tìm thấy ở bất cứ đâu, thì việc chấp nhận nó chắc chắn phải có trước Hội thánh. Do đó, hoàn toàn sai lầm khi cho rằng thẩm quyền quyết định Kinh Thánh  nằm ở Hội thánh và cho rằng sự chắc chắn của Kinh Thánh  phụ thuộc vào sự đồng ý của Hội thánh. Vì vậy, trong khi Hội thánh tiếp nhận và ban cho dấu ấn chấp thuận Kinh Thánh  là lẽ thật của Đức Chúa Trời, như một bổn phận ngoan đạo, thì Hội thánh không ngần ngại sùng kính Kinh Thánh . Đối với câu hỏi của họ – Làm thế nào chúng ta có thể yên tâm rằng điều này đến từ Đức Chúa Trời nếu chúng ta không nhờ đến sự xác nhận của Hội thánh? – như thể ai đó đã hỏi: Đến bao giờ chúng ta mới học cách phân biệt ánh sáng với bóng tối, trắng với đen, ngọt ngào với cay đắng? Thật vậy, Kinh Thánh  thể hiện đầy đủ bằng chứng rõ ràng về lẽ thật của chính nó như những điều trắng và đen có màu riêng của chúng, hoặc những điều ngọt ngào và cay đắng có mùi vị riêng của chúng.

Và chắc chắn Kinh Thánh  xứng đáng với chúng ta, nó đạt được nhờ lời chứng của Đức Thánh Linh. Do đó, qua sự soi sáng bởi quyền năng của Ngài, chúng ta không thể dựa vào chính chúng ta cũng như sự quyết định của bất kỳ ai khác để cho rằng Kinh Thánh  là từ Đức Chúa Trời; nhưng vượt lên trên sự quyết định của con người, chúng ta khẳng định với một sự chắc chắn… rằng Kinh Thánh  được ban cho chúng ta từ chính miệng của Đức Chúa Trời qua công việc của loài người.7

Quá trình lịch sử thực tế của việc thu thập các sách kinh điển đã làm sáng tỏ điều này, như Packer giải thích liên quan đến kinh điển Tân Ước. “Đã có một người đề nghị với các Cơ đốc nhân của thế kỷ thứ hai, thứ ba hoặc thứ tư rằng bằng cách này [quá trình công nhận các sách kinh điển] Hội thánh đã tạo ra một kinh điển cho chính mình, việc chọn ra một số tác phẩm Cơ đốc có chất lượng tốt và ban thẩm quyền như một định chuẩn đức tin cho tương lai, họ sẽ lắc đầu và ngạc nhiên khi mà bất cứ ai cũng có thể tưởng tượng ra một ý tưởng quá sai lầm và xa sự thật. Niềm tin rằng các tác phẩm của các sứ đồ được soi dẫn, và do đó có thẩm quyền về bản chất, là giả thiết của toàn bộ cuộc thẩm tra của họ.”8

Tóm lại, trong việc công nhận kinh điển, dân sự của Đức Chúa Trời đã nhận biết Lời Chúa được ban cho để làm chuẩn mực cho đức tin và đời sống của họ. Mục sư Cải cách Thụy Sĩ ở thế kỷ 19, Louis Gaussen, người nổi tiếng với quan điểm về sự linh ứng của Kinh Thánh , đã minh họa sự hình thành kinh điển bằng bức ảnh một người phụ nữ đi dạo quanh khu vườn với người chủ vườn. Khi họ đi dạo dọc theo con đường, ngừời chủ ấy tặng cô ấy hết bông hoa này đến bông hoa khác cho đến khi anh ấy gom được cả bó hoa cho cô ấy. Bó hoa là có thật và được ngắm nhìn cách vui thích ngay khi cô ấy nhận được những bông hoa đầu tiên. Theo cách tương tự, kinh điển đã tồn tại trong vòng dân sự của Đức Chúa Trời ngay từ khi Ngài ban những bản văn đầu tiên được soi dẫn. Đức Chúa Trời đã ban cho dân sự của Ngài những sách mà Ngài muốn đưa vào kinh điển Kinh Thánh .9

 

KINH ĐIỂN CỰU ƯỚC

 

Khi sách Ma-la-chi, là cuốn sách kinh điển cuối cùng của Cựu ước, được viết ra (có lẽ vào khoảng năm 432 T.C), thì lời tiên tri kinh điển trong thời kỳ hậu lưu đày không còn nữa. Chúng ta không biết bao lâu sau khi sách Ma-la-chi được viết ra, kinh điển Cựu ước được công nhận, mặc dù nó đã có từ trước thời đại Tân ước.10

Tuy nhiên, một số tác giả nói rằng sự công nhận kinh điển Cựu ước xảy ra muộn hơn nhiều. Ví dụ, Ngũ kinh được cho là tổng hợp của nhiều bản truyền thống khác nhau được viết muộn hơn nhiều so với thời Môi-se. Theo quan điểm này, Sách Đa-ni-ên được viết bởi một tác giả vô danh vào thời Mac-ca-bê khoảng năm 165 T.C. Do đó, quan điểm này đặt ra ba giai đoạn trong quá trình hình thành kinh điển: Ngũ kinh được kết thúc vào khoảng năm 400 T.C, các sách Tiên tri vào khoảng năm 200 T.C, và các sách Văn thơ vào cuối thế kỷ thứ nhất sau Chúa.

 

Tuy nhiên, bằng chứng lịch sử cho quá trình kinh điển ủng hộ cho cách hiểu truyền thống. Hơn nữa, người ta ngày càng công nhận rằng cuộc thảo luận về kinh điển tại Hội nghị Jamnia vào năm 90 S.C “không có gì khác hơn là xem xét lại các tranh luận về hai trong số các sách Văn thơ là (Truyền đạo và Nhã-ca) — giống như Luther sau này xem xét các tranh luận về sách Gia-cơ.”11 Vấn đề không phải là có nên thêm một số sách nhất định vào kinh điển hay không, mà là liệu có nên giữ lại một số sách nhất định hay không. Các thành viên của hội nghị không có cuộc thảo luận nghiêm túc nào về việc thêm sách mới hoặc loại trừ bất kỳ sách nào đã được công nhận trước đó. Một học giả kết luận rằng Hội nghị Jamnia “không đem lại ảnh hưởng gì đến các cuộc thảo luận của người Do Thái về Kinh điển.”12

 

Lịch sử hình thành Kinh điển Cựu ước

 

Kinh Thánh  không cung cấp cho chúng ta một lịch sử đầy đủ về việc chấp nhận từng sách trong Cựu ước và một danh sách gồm các sách tạo thành kinh điển Kinh Thánh . Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì các tác phẩm đã được con dân Chúa công nhận khi chúng được thu nhận. Không cần người lãnh đạo hoặc hội đồng nào làm cho chúng thành kinh điển. Như Dunbar nói, “Không có bằng chứng lịch sử nào chứng minh cho quy chuẩn của các sách trong Kinh Thánh  [tức là quy chuẩn thuộc về Kinh Thánh ]. Các tài liệu tham khảo sớm nhất cho các sách trong Kinh Thánh  (hoặc các phần của sách) đã xem các sách trong Kinh Thánh  là có thẩm quyền.”13 Tuy nhiên, chúng ta cần tìm những ví dụ về việc tiếp nhận các tác phẩm kinh điển để minh họa điều gì đó về sự hình thành kinh điển.

Việc hình thành kinh điển bắt đầu từ các sách của Môi-se, được chứng minh trong Xuất Ê-díp-tô Ký 24: 3-4: “Môi-se bèn đến thuật lại cho dân sự mọi lời phán của Đức Giê-hô-va và các luật lệ, thì chúng đồng thinh đáp rằng: Chúng tôi sẽ làm mọi lời Đức Giê-hô-va phán dạy. Môi-se chép hết mọi lời của Đức Giê-hô-va.” Sau đó, chúng ta được cho biết rằng “Khi Môi-se chép những lời luật pháp nầy trong một cuốn sách xong rồi, thì ra lịnh cho người Lê-vi khiêng hòm giao ước của Đức Giê-hô-va mà rằng: Hãy lấy cuốn sách luật pháp nầy, để bên hòm giao ước của Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi. Nó sẽ ở đó làm chứng nghịch cùng ngươi” (Phục truyền 31: 24-26).

Sách của Môi-se được xem là quy chuẩn của đức tin và thực hành dành cho dân Y-sơ-ra-ên. Nó phải được đọc cho họ vào những thời điểm đã định để họ “cẩn thận làm theo các lời của luật pháp này” (31: 10-12). Giô-suê được bảo, “hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong” (Giô-suê 1: 8; xem thêm 11:15). Vua Y-sơ-ra-ên phải có một bản sao Luật pháp riêng để “bản ấy phải ở bên vua trọn đời, vua phải đọc ở trong, để tập biết kính sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình, cẩn thận làm theo các lời của luật pháp nầy, và hết thảy điều răn nầy” (Phục-truyền 17: 18-19). Trong suốt lịch sử của Y-sơ-ra-ên, vận mệnh của các vị vua và quốc gia được quyết định bởi thái độ của họ đối với sự mặc khải về ý muốn của Đức Chúa Trời được viết trong sách Luật pháp (ví dụ, 1 Các Vua 2: 3; 3:14; 2 Các Vua 17: 7 -13; 21: 7-9; 23: 2-3; 2 Sử ký 33: 8; Đa-ni-ên 9:11).

Môi-se nói rằng trong tương lai sẽ có các đấng tiên tri dấy lên để nói Lời Đức Chúa Trời giữa vòng dân sự (Phục truyền 18: 15-22). Việc những người trong Cựu ước công nhận một danh sách các tác giả tiên tri như vậy được thấy trong việc họ chấp nhận các bản văn thánh. Những lời của Giô-suê đã được viết “trong sách luật pháp của Đức Chúa Trời” (Giô-suê 24:26). Sa-mu-ên cũng “tuyên giảng luật pháp của nước tại trước mặt dân sự, chép trong một cuốn sách mà người để trước mặt Đức Giê-hô-va”, hành động thứ hai (chép vào trong sách) cho thấy quyền hạn của các tác giả đối với dân sự Đức Chúa Trời. Những tác giả của sách Các Vua và Sử Ký đã biết nhiều tác phẩm tiên tri bao gồm toàn bộ lịch sử của Y-sơ-ra-ên từ Đa-vít đến thời lưu đày (1 Sử-ký 29:29; 2 Sử-ký 9; 29). Hết tiên tri này đến tiên tri khác đã đem lời Đức Chúa Trời đến với dân Y-sơ-ra-ên, và phần lớn những gì họ viết dưới sự soi dẫn của Đức Thánh Linh đã được thêm vào các tác phẩm kinh điển. Ê-sai gọi những lời của mình là “lời chứng” và “luật lệ” có thẩm quyền về sự mặc khải của Đức Chúa Trời (Ê-sai 8:16).14 Tương tự như vậy, Giê-rê-mi hướng dẫn việc chép lại mọi lời Đức Chúa Trời phán với ông (Giê-rê-mi 36). Đa-ni-ên, một người trẻ tuổi cùng thời với Giê-rê-mi, không chỉ công nhận lời của Giê-rê-mi là “lời của Đức Chúa Trời”, mà còn tìm thấy lời của ông “trong các sách tiên tri” và “sách luật pháp của Môi-se” (Đa-ni-ên 9: 2, 6, 11). Tham chiếu về “các sách” thường được xem là tham chiếu đầu tiên về bộ kinh điển gồm các sách thánh.

Bằng chứng về một kinh điển được công nhận cũng được thấy trong việc sử dụng các tác phẩm trước đó bởi một số tác giả. Các sách của Môi-se được đề cập trong suốt Cựu Ước (Giô-suê 1: 7; 1 Các Vua 2: 3; Mal. 4: 4). Lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên từ Sáng thế ký đến Các Vua được ghi lại trong Sử ký (1 Sử 1: 1-2: 15). Những câu châm ngôn và bài hát của Sa-lô-môn được đề cập trong I Các Vua 4:32, và Đa-ni-ên đề cập đến Giê-rê-mi (Đa-ni-ên 9: 2). Đã nhiều hơn một lần, các nhà tiên tri đã cảnh báo dân Y-sơ-ra-ên bằng cách ám chỉ tổ phụ của họ, là những người đã không nghe lời của các nhà tiên tri trước đó (Ô-sê 6: 5; Xa-cha-ri, 1: 4-5: 7: 12).

Khi thời kỳ chức vụ tiên tri trong Cựu Ước kết thúc, thì các tác phẩm kinh điển cũng dừng lại. Theo truyền thống của người Do Thái, Đức Thánh Linh, Đấng đã soi dẫn các tác phẩm kinh điển, đã chấm dứt chức vụ đó vào thời những nhà tiên tri hậu lưu đày. “Kể từ khi các nhà tiên tri cuối cùng là A-ghê, Xa-cha-ri và Ma-la-chi chết, Đức Thánh Linh đã không còn hành động giữa vòng dân Y-sơ-ra-ên” (T. Sota, 13, 2).15 Theo Mac-ca-bê thứ nhất chương 9: 23, 27 ngụ ý rằng vào năm 100 T.C, đã có một khoảng thời gian suy đồi kể từ thời các tiên tri: “Sau khi ông Giu-đa (Mac-ca-bê) qua đời… Quả là một thời kỳ gian nan khốn khổ cho Y-sơ-ra-ên, như chưa từng thấy bao giờ, kể từ ngày không còn vị tiên tri nào xuất hiện nữa.” Tương tự như vậy, sử gia Do Thái Josephus đã viết vào thế kỷ thứ nhất sau Chúa, “Kể từ khi Môi-se qua đời cho đến khi Artaxerxes (464-424 T.C, thời các nhà tiên tri hậu lưu đày) … (và) cho đến thời đại của chúng ta, lịch sử hoàn chỉnh đã được viết ra nhưng không được coi là đáng tin cậy bằng với những ghi chép trước đó, vì không còn sự kế vị của các nhà tiên tri.”16 Niềm tin rằng một khoảng thời gian dài, thường được gọi là “thời kỳ im lặng,” trôi qua giữa sự chấm dứt của lời tiên tri trong Cựu ước và sự ra đời của nó một lần nữa trong Tân ước, cùng với sự tiên đoán về sự xuất hiện của một Nhà tiên tri trung thành, là điều phổ biến trong suốt thời kỳ giao thời và các giáo phụ Hội thánh đầu tiên.17

 

Tiêu chuẩn cho tính Kinh điển của Cựu ước

Câu hỏi tại sao một số sách nhất định được công nhận là kinh điển trong khi những sách khác thì không đã nhận được những câu trả lời khác nhau, phần lớn tùy thuộc vào những gì người ta tin về bản chất của Kinh Thánh. Như đã đề cập trước đó, một số người nói rằng việc hình thành kinh điển là một nỗ lực của con người, dựa trên ý tưởng rằng Kinh Thánh chỉ là sự thể hiện đức tin của con người. Để trình bày ý kiến ​​này, một học giả nói, “Trong số lượng lớn các văn học Hê-bơ-rơ, những sách của Cựu ước được lựa chọn vì vẻ đẹp văn học hoặc sự hấp dẫn mang tính dân tộc của chúng, bởi vì chúng đã góp phần duy trì sự sống còn của quốc gia và sự thờ phượng Đức Giê-hô-va.”18 Ông nói thêm, quá trình này hơi lộn xộn. “Đây chỉ là một sự tình cờ trong việc lưu truyền mà chỉ có tài liệu kinh điển này … đã đến với chúng ta. Đây chỉ là một phần nhỏ của văn học Hê-bơ-rơ được đề cập trong Kinh Thánh như: lịch sử các vua Y-sơ-ra-ên, lịch sử các vua Giu-đa (I Các Vua 14:19, 29, v.v.), và tuyển tập thơ (Giô-suê 10:13; 2 Sa-mu-ên 1:18; Dân số ký 21:14). Nhiều tác phẩm khác đã bị thất lạc mà không được đề cập đến, như đã xảy ra trong tất cả các nền văn học cổ đại.”19

Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, các tác phẩm trong Kinh Thánh được con dân Đức Chúa Trời chấp nhận là có thẩm quyền với niềm tin rằng các tác phẩm này được Ngài soi dẫn và là lời của Đức Chúa Trời. Những người đồng tình với quan điểm này lưu ý bốn yếu tố sau trong việc xác định những sách nào thuộc về Cựu Ước.20

Tác giả tiên tri. Nhiều sách trong Cựu Ước tuyên bố rõ ràng về các tác giả tiên tri. Nhiều tác giả sau này được xác định là nhà tiên tri (ví dụ, A-ghê 1: 3; Xa-cha-ri 1: 1). Mặc dù không phải tất cả các sách được cho là được viết bởi các nhà tiên tri, nhưng những tiên tri sau này đã đề cập đến Đức Chúa Trời Đấng phán với dân sự của Ngài thông qua các đấng tiên tri trước đó (Xa-cha-ri 1: 4; 7:12). Điều này có thể nói lên rằng tất cả các tác phẩm được công nhận trước đó được xem là đến từ các đấng tiên tri.

Quan trọng hơn, ở một số chỗ, Tân Ước đã đề cập đến một phần hoặc tất cả các sách trong Cựu Ước là lời tiên tri. Tác giả của sách Hê-bơ-rơ tuyên bố, “Đời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách” (Hê. 1: 1). Phi-e-rơ đề cập đến “lời của các đấng tiên tri” (2 Phi. 1:19, NIV), là nói về các đấng tiên tri trong Cựu Ước. Khi Chúa Giê-su bị bắt, Ngài đã nói, “Nhưng mọi điều ấy phải xảy đến, hầu cho những lời các đấng tiên tri đã chép được ứng nghiệm” (Mat. 26:56). Sau khi Ngài sống lại, Ngài đã quở trách các môn đồ vì không tin “lời các đấng tiên tri đã nói” (Lu-ca 24:25). Sự đề cập của Phi-e-rơ về “Lời tiên tri trong Kinh Thánh” là “bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời” (2 Phi. 1: 20-21), cho biết rằng cả Kinh Thánh được Đức Chúa Trời soi dẫn (2 Ti. 3:16) cũng có thể được gọi là lời tiên tri .

 

Lời chứng của Đức Thánh Linh. Ngoài bản chất vốn có của một tác phẩm kinh điển là lời được soi dẫn bởi Đức Chúa Trời, còn có sự công nhận bởi con dân Đức Chúa Trời về một tác phẩm được cho là kinh điển. Nói cách khác, sự hình thành kinh điển liên quan đến cả sự mặc khải thiêng thượng và sự công nhận của con người. Làm thế nào mà con người có thể nhận ra rằng một người nào đó là tiên tri thực sự của Đức Chúa Trời để tác phẩm của họ được cho là Lời có thẩm quyền từ Đức Chúa Trời? Mặc dù một số người, giống như Môi-se, đã được ban cho năng quyền thiên thượng để thực hiện các việc siêu nhiên, câu trả lời cuối cùng là Đức Thánh Linh đã làm chứng cho lẽ thật của sự mặc khải bởi chính Ngài trong lòng của những người sẵn lòng tiếp nhận nó. Như đã nói trước đó, Chúa Giê-su đã phán trong lời dạy của mình, “Nếu ai khứng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo lý ta có phải là bởi Đức Chúa Trời, hay là ta nói theo ý ta” (Giăng 7:17).

Sự chăm sóc thiên thượng. Một yếu tố khác trong sự hình thành kinh điển là sự quan phòng của Đức Chúa Trời. Việc bảo tồn các tác phẩm Kinh Thánh trong suốt nhiều thế kỷ giữa một quốc gia thường không vâng lời và bị lưu đày cũng như bị bức hại từ kẻ thù là lời chứng cho sự bảo vệ thành tín của Đức Chúa Trời. Ngoài ra còn có sự bảo tồn các lời tiên tri nhất định trong số những lời được thần cảm khác đã được nói ra và có thể thậm chí được viết xuống. Giống như chúng ta không có tất cả những lời mà Chúa Giê-su đã nói, cũng vậy các tiên tri chắc chắn cũng đã từng nói những thông điệp được thần cảm mà không được viết xuống hoặc, nếu được viết xuống, cũng không được bao gồm trong số các tác phẩm kinh điển. Nhưng Đức Chúa Trời đã bảo tồn chính xác những gì Ngài xem là hữu ích cho con dân Ngài mà không cần thêm bất kỳ điều gì khác vào.

Sự xác nhận của Đấng Christ. Việc xác nhận cuối cùng về tính kinh điển của các tác phẩm trong Cựu Ước là lời chứng của Đấng Christ. Như đã lưu ý trong Chương 8, Chúa Giê-su liên tục làm chứng về thẩm quyền của “Kinh Thánh” (ví dụ: Giăng 10:35) và trích dẫn chúng trong lời dạy của Ngài (Mat. 21:42; 26:54; Giăng 5:39). Khi nói về “Kinh Thánh” hoặc “luật pháp và các lời tiên tri” hoặc “luật pháp”, chắc chắn là Chúa Giê-su đang đề cập đến bộ sưu tập các tác phẩm thánh nổi tiếng được công nhận là kinh điển giữa vòng những người Do Thái trong thời đó. Các sứ đồ trong thời Tân Ước, là những người được Chúa Giê-su giao phó sứ mệnh đem lời mặc khải có thẩm quyền đến nhiều nơi, cũng đã công nhận “Kinh Thánh” là Lời của Đức Chúa Trời mang tính kinh điển.

 

Phạm vi Kinh điển Cựu ước

 

Lời chứng của người Do Thái. Trong Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, Cựu Ước gồm có hai mươi bốn sách được chia thành ba phần: (1) Torah (sách luật pháp), bao gồm năm sách của Môi-se (Sáng-thế Ký, Xuất Ê-díp-tô Ký, Lê-vi Ký, Dân-số Ký, Phục-truyền Luật-lệ Ký); (2) Các sách tiên tri, được chia thành bốn “Tiền Tiên tri” (Giô-suê, Các Quan Xét, Sa-mu-ên, Các Vua) và bốn “ Hậu Tiên tri” (Ê-sai, Giê-rê-mi, Ê-xê-chi-ên, và sách của Mười hai Tiên tri, đây là các Tiểu Tiên tri, được đặt tên như vậy vì độ dài của sách tương đối ngắn); và (3) Các sách Văn thơ (Thi-thiên, Châm-ngôn, Gióp, Nhã-ca, Ru-tơ, Ca-thương, Truyền-đạo, Ê-xơ-tê, Đa-ni-ên, và E-xơ-ra – Nê-hê-mi (được xem như một sách).

Viết vào thế kỷ thứ nhất sau Chúa, Josephus đề cập đến việc Kinh Thánh được chia thành ba phần có tổng cộng hai mươi hai sách là những sách được soi dẫn. Đây cũng giống như Kinh Thánh gồm hai mươi bốn sách, trong đó Các Quan xét và Ru-tơ được tính là một sách và Giê-rê-mi và Ca-thương được tính là một sách.

Một trong những tài liệu tham khảo sớm nhất trong truyền thống Do Thái về việc Kinh Thánh gồm 24 sách được chia thành ba phần là trong Baba Bathra 14b-15a, là một đoạn trong Talmud có niên đại từ 70-200 S.C. Việc liệt kê các sách trong mỗi phần của ba phần này được tuân theo các bản chép tay của người Do Thái sau này và Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ hiện nay, mặc dù thứ tự các sách trong phần các sách Tiên tri và các sách Văn thơ có phần khác nhau. Sự thay đổi thứ tự này xảy ra vì các sách được viết trên các cuộn giấy riêng biệt và không buộc lại với nhau. Tuy nhiên, thứ tự của năm sách đầu tiên được cố định, do trình tự thời gian của chúng.

Không rõ chính xác khi nào Kinh Thánh gồm ba phần được chia này trở thành tiêu chuẩn. Mặc dù Tân Ước đề cập đến, như chúng ta đã thấy, tất cả Cựu Ước là được viết bởi “các đấng tiên tri”, nó cũng thường đề cập đến Kinh Thánh gồm hai phần, “Luật pháp hoặc các lời tiên tri” (Mat. 5:17; 7:12; Rô-ma 3:21) hoặc “Môi-se và các đấng tiên tri” (Lu-ca 16:29). Tuy nhiên, việc Chúa Giê-su đề cập đến “Luật pháp Môi-se, các sách Tiên tri và Thi thiên” trong Lu-ca 24:44, có thể chỉ ra điều gì đó về Kinh Thánh gồm ba phần, trong đó Thi thiên là tác phẩm nổi bật nhất trong “Các sách Văn thơ”. Huấn ca, tác phẩm ngụy kinh vào thế kỷ thứ hai trước Chúa, đề cập đến “sách Luật pháp, các sách Tiên tri và các sách khác của tổ phụ chúng ta,” có lẽ là một sự đề cập đến Kinh Thánh gồm ba phần.

Do đó, bằng chứng từ truyền thống Do Thái chỉ ra một kinh điển gồm hai mươi bốn sách Cựu Ước, giống hệt với bộ kinh điển của Tin lành gồm ba mươi chín sách. Trong ba mươi chín sách, Sách của “Mười hai vị tiên tri” được gọi là sách của mười hai Tiểu Tiên tri và bốn sách của Sa-mu-ên, Các Vua, Sử Ký và E-xơ-ra – Nê-hê-mi trở thành tám sách.

Lời chứng của Cơ đốc nhân. Tân Ước cũng đưa ra cùng một sự xác nhận cho kinh điển Cựu Ước. Khi họ lặp đi lặp lại thuật ngữ “Kinh Thánh” —thuật ngữ này thường dùng để chỉ một về một đoạn Kinh Thánh nhất định nhưng cũng được dùng cho toàn bộ Cựu ước (Giăng 2:22; Công vụ 18:24; 2 Ti-mô-thê 3:16; 2 Phi-e-rơ 1: 20) —hoặc “Kinh Thánh” (ở dạng số nhiều) (Công vụ 17: 2, 11; Rô-ma 1: 2; 15: 4), mà các tác giả của Hội thánh đầu tiên, bắt đầu từ những người Do Thái, đề cập một cách rõ ràng đến các tác phẩm thánh được công nhận bởi dân tộc của họ.

Tân ước bao gồm khoảng 250 câu trích dẫn và trên 900 câu ám chỉ đến Cựu ước.21 Các học giả có những ước tính khác nhau, tùy thuộc vào việc liệu một số lời tuyên bố nào đó được trích dẫn trực tiếp hay được diễn giải lại. Trong những tham chiếu đó, mọi phần Kinh Thánh trong Cựu ước đều được nói đến. Roger Nicole cho rằng Tân Ước có 278 “câu trích dẫn cụ thể (từ Cựu ước) và những ám chỉ trực tiếp” đến từ Cựu Ước. Trong số đó, ông nói 94 câu là từ sách Luật pháp, 99 câu từ các sách Tiên tri và 85 câu từ các sách Văn thơ.22 Chỉ có Các Quan Xét, Ru-tơ, Nhã-ca, Truyền-đạo, Ê-xơ-tê, E-xơ-ra – Nê-hê-mi, Sử Ký, Áp-đia, Na-hum và Sô-phô-ni không được trích dẫn trong Tân Ước. Ba sách Tiên tri (Áp-đia, Na-hum và Sô-phô-ni), tất nhiên, là một phần của một sách trong Kinh điển của người Do Thái, đó là sách của Mười hai Tiên tri. Việc một số sách không được trích dẫn rõ ràng không có nghĩa là chúng không được coi là một phần của Kinh điển. Trên thực tế, khi chúng ta xem xét danh sách các đoạn Kinh Thánh gợi nhớ đến Cựu Ước (ám chỉ), được gợi ý bởi một số học giả, tất cả ba mươi chín sách trong Cựu Ước đều được nhắc đến.23

Trong một số trường hợp, thật rất khó để tìm ra một câu trích dẫn từ một đoạn Kinh Thánh cụ thể trong Cựu ước. Ví dụ, mặc dù được giới thiệu là “Kinh Thánh” đã chép, nhưng lời tuyên bố của Chúa Giê-su, “Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình” (Giăng 7:38), không thể được tìm thấy một cách rõ ràng trong Cựu Ước. Tuy nhiên, ẩn dụ về nước phước lành thiêng thượng được hứa ban qua sự đỗ đầy Thánh Linh được tìm thấy trong một số đoạn văn, bao gồm Ê-sai 44: 3. Do đó, một số trích dẫn có thể là sự kết hợp của những lời dạy trong một số đoạn Kinh Thánh Cựu ước.

Một số người cho rằng các tác giả Tân Ước cũng trích dẫn các tác phẩm ngụy tạo và ngụy kinh được cho là có thẩm quyền. Ví dụ, Giu-đe 14-15 đề cập đến lời tiên tri của Hê-nóc, lời tiên tri này thường được trích dẫn từ tác phẩm ngụy tạo 1 Hê-nóc 1: 9. Tuy nhiên, cả Giu-đe và tác giả sách I Hê-nóc đều có thể lấy từ lời truyền khẩu. Tuy nhiên, ngay cả khi Giu-đe đã trích dẫn từ I Hê-nóc, điều này không có nghĩa là sách Hê-nóc là kinh điển. Ba lần sứ đồ Phao-lô đã trích dẫn các tác giả thế tục —triết gia Epimenides trong Công vụ 17:28 và Tít 1:12, và nhà soạn kịch Menander trong I Cô-rinh-tô 15: 33 — nhưng điều đó không có nghĩa là các tác phẩm của những người đó được xem như một phần của Kinh Thánh.

Tiếp theo thời đại Tân Ước, Hội thánh đầu tiên “tự giới hạn mình trong những sách kinh điển truyền thống của người Do Thái, như chúng ta thấy trong danh sách của Melito ở Sardis (160 SCN), và của Origen, Athanasius, Cyril ở  Giê-ru-sa-lem, và của những người khác.”24 Tuy nhiên, như được thảo luận trong phần sau, một số nhà lãnh đạo cũng bị lôi cuốn bởi các tác phẩm phi kinh điển của người Do Thái, đôi khi trích dẫn chúng như là “Kinh Thánh”. Các nhà Cải cách, theo sau Athanasius (khoảng 293-373 S.C) và những người khác, đã tái khẳng định cách mạnh mẽ các sách kinh điển truyền thống của người Do Thái là những tác phẩm kinh điển duy nhất của Cựu ước.25

Câu hỏi về Ngụy tạo và Ngụy kinh. “Ngụy tạo,” có nghĩa là “những lời sai lầm”, là tên được đặt cho một nhóm lớn các tác phẩm của người Do Thái được viết từ ​​năm 200 T.C đến năm 200 S.C. Một số các tác phẩm này tuyên bố là được viết bởi A-đam, Hê-nóc, Môi-se và E-xơ-ra. Phần nhiều trong số những tác phẩm này là lịch sử huyền thoại, giấc mơ khải huyền và khải tượng, được viết để duy trì đức tin của người Do Thái trong thời kỳ chịu khổ. Tuy nhiên, những tuyên bố sai lầm của những tác phẩm này về thẩm quyền thiên thượng, cùng với tính chất huyền ảo của một số câu chuyện và một số giáo lý sai lầm hoàn toàn, đã khiến người Do Thái không thể chấp nhận những tác phẩm này như một phần của kinh điển Kinh Thánh.

Mối quan tâm của chúng ta chủ yếu là về các sách ngụy kinh, mà cả Giáo hội Công giáo La mã và Chính thống giáo Đông phương đều cho là kinh điển. Mặc dù thuật ngữ “Apocrypha” xuất phát từ một từ Hy Lạp có nghĩa là “huyền bí”, nó được áp dụng cho những tác phẩm mà người Tin lành coi là phi kinh điển.26 Những tác phẩm này, còn được gọi là deutero-canonical (“đệ nhị kinh điển”), được Giáo hội Công giáo La Mã công nhận là kinh điển tại Hội đồng Trent vào ngày 8 tháng 4 năm 1548, với việc tuyên bố anathema (dứt phép thông công) đối với bất kỳ ai từ chối chúng.

Một số Giáo phụ của Hội thánh đầu tiên đã công nhận Ngụy kinh như một phần của Kinh Thánh, và những người khác sử dụng chúng cho mục đích tĩnh nguyện hoặc giảng dạy nhưng không xem chúng là kinh điển. Chúng được đưa vào bản Septuagint, bản dịch Cựu ước bằng tiếng Hy Lạp, được xuất bản từ năm ​​150 đến năm 250 trước Chúa. Tuy nhiên, không chắc chắn rằng Ngụy kinh là một phần của ấn bản Septuagint vào thế kỷ thứ nhất sau Chúa. Điều quan trọng là vào giữa thế kỷ thứ nhất và thứ tư, hình dạng sách đã thay đổi từ sách cuộn sang sách đóng. Với các cuộn giấy viết, những sách được thêm vào này, mà người Do Thái coi là hữu ích nhưng không phải là kinh điển, được tách biệt với những sách khác. Tuy nhiên, việc đưa chúng vào bản tiếng Hy Lạp chắc chắn đã góp phần vào việc chúng được sử dụng trong Hội thánh đầu tiên, đặc biệt khi nhiều người trong Hội thánh bên ngoài vùng Palestine không quen thuộc với kinh điển tiếng Hê-bơ-rơ. Tuy nhiên, nói chung, thực tế là một số Giáo phụ của Hội thánh đầu tiên (ví dụ, Clement ở La Mã, Clement ở Alexandria, và Jerome) đã trích dẫn Ngụy kinh thường xuyên đã cung cấp chút ít hỗ trợ cho việc những sách này được coi là Kinh Thánh.27

Việc Hội thánh sử dụng các sách Ngụy kinh đã tăng lên phần nào sau thời kỳ đầu này, nhưng danh sách các sách kinh điển, với một số thay đổi, vẫn là các sách kinh điển truyền thống của người Do Thái. Với sự công nhận của Augustine, các sách ngụy kinh đã được sử dụng trong Giáo hội, mặc dù không rõ là ông xem chúng có thẩm quyền ngang hàng với các sách kinh điển khác hay không. Chúng vẫn là kinh điển thứ cấp cho đến khi, như đã ghi chú, Giáo hội Công giáo La Mã chính thức công bố chúng là các sách kinh điển vào thời điểm Cải chánh.

Được viết từ năm 200 T.C đến năm 100 S.C, các tác phẩm Ngụy kinh phản ánh tình trạng tôn giáo, chính trị và xã hội trong những năm giữa Cựu ước và Tân ước. Tuy nhiên, có một số lý do để từ chối chúng là kinh điển.

Thứ nhất, không có danh sách các sách Cựu Ước nào của người Do Thái chứa những sách ngụy kinh này.

Thứ hai, trong khi Đấng Christ và các tác giả Tân Ước trích dẫn từ Cựu Ước, họ không bao giờ trích dẫn từ các Ngụy kinh như là Kinh Thánh có thẩm quyền, mặc dù họ biết về những sách này.

Thứ ba, trong bốn thế kỷ đầu tiên, tất cả danh sách các sách kinh điển, với một vài ngoại lệ nhỏ, đều loại trừ những sách này.

Thứ tư, nội dung của các sách Ngụy kinh chống lại tính kinh điển của chúng. Các giáo lý sai lầm được dùng trong giảng dạy, chẳng hạn như trích dẫn từ Tôbia 12: 8-9, được ghi chú ở đầu chương này, dạy rằng việc bố thí dùng để chuộc tội (cũng là Huấn ca [Sirach] 3:30). Cũng dạy về việc cầu nguyện và dâng hiến cho người chết, điều này được cho là ủng hộ cho giáo lý về ngục luyện tội (2 Mac. 12: 41-45). Huấn ca 33: 25-27 biện minh cho sự tàn ác đối với nô lệ, và khinh miệt quyền phụ nữ được thấy trong Huấn ca 22: 3 (“sinh con gái là một sự thiệt thòi”) và 42:14 (“đàn ông gian ác tốt hơn đàn bà tốt bụng”). Ngoài ra, các sai sót lịch sử, văn học dân gian và thần thoại được tìm thấy trong một số sách Ngụy kinh.

Thứ năm, họ không tuyên bố gì về sự soi dẫn; trên thực tế, họ thậm chí còn ám chỉ đến sự vắng mặt của các đấng tiên tri tại Y-sơ-ra-ên (1 Mac. 9:27).

 

KINH ĐIỂN TÂN ƯỚC

 

Tân ước, giống như Cựu ước, không có chỗ nào trong Tân ước nói đến danh sách các sách sẽ được đưa vào Kinh Thánh Tân ước. Do đó, việc xác định kinh điển Tân ước của chúng ta phải đến từ các yếu tố thần học được tìm thấy trong cả Kinh Thánh Cựu ước và Tân ước cũng như lời chứng của các Cơ đốc nhân trong lịch sử của Hội thánh. Quá trình này kéo dài vài thế kỷ.

 

Lịch sử Hình thành Kinh điển Tân ước

Việc chấp nhận Kinh điển Kinh Thánh Cựu ước đã tạo tiền đề cho sự hình thành Kinh điển Tân ước. Không có gì nghi ngờ, việc các Cơ đốc nhân thời Tân Ước đã sớm nhận được những lời dạy của Chúa Giê-su là có thẩm quyền ngang bằng (hoặc lớn hơn) so với những lời dạy của các đấng tiên tri trong Cựu Ước (Giăng 1:17; Hê-bơ-rơ 1: 2; 2: 3). Do đó, những lời dạy và việc làm của Chúa Giê-su đã hình thành nên những yếu tố đầu tiên của một “kinh điển” mới cho các môn đồ của Ngài. Sự hình thành kinh điển cũng được chính Chúa Giê-su cho phép khi Ngài chọn các sứ đồ làm nhân chứng có thẩm quyền của Ngài (Mác 3:14; Công vụ 10: 39-42). Là đại diện có thẩm quyền của Đấng Christ, các sứ đồ là trụ cột và nền móng của Hội thánh (Ma-thi-ơ 16:18; Ê-phê-sô 2:20; Khải huyền 21:14). Do đó, những lời dạy của các sứ đồ được coi là có thẩm quyền, như đã thấy trong mạng lệnh của Phao-lô đối với các Cơ đốc nhân ở Tê-sa-lô-ni-ca phải “vâng giữ những điều dạy dỗ mà chúng tôi đã truyền cho anh em, hoặc bằng lời nói, hoặc bằng thơ từ của chúng tôi” (2 Tê. 2:15; xem thêm 1 Cô. 14:37).

 

Việc truyền miệng của các sứ đồ đương nhiên có một ưu tiên lịch sử nhất định, nhưng, như H. N. Ridderbos lưu ý, các tài liệu thành văn đã trở thành hình thức cuối cùng cho các lời dạy của các sứ đồ. “Theo thời gian Hội thánh bắt đầu được mở rộng trên toàn thế giới, các sứ đồ chỉ có thể liên lạc với các Hội thánh bằng thư từ. Và khi các sứ đồ qua đời, thì việc truyền khẩu cũng giảm đi tính chính xác và trở nên ít đáng tin cậy hơn, vì vậy việc ấn định các lời dạy thành văn của các sứ đồ đương nhiên có tầm quan trọng hơn.”28

Khi một số tác giả Tân Ước yêu cầu các bức thư của họ nên được lưu hành và đọc trong các Hội thánh, điều này có nghĩa là họ đang đặt các tác phẩm của họ ngang hàng với Kinh Thánh Cựu Ước, vốn thường được đọc trong các Hội thánh. Và chắc chắn là các bản sao cũng được viết ra để các nơi khác cũng có thể có cùng những sách giống nhau. Việc Phi-e-rơ tham khảo các thư tín của Phao-lô cùng với “những phần Kinh Thánh khác” (2 Phi 3:16) đã đặt các tác phẩm của Phao-lô ngang hàng với Cựu ước và có thể thấy rằng Phi-e-rơ đã thêm chúng vào trong Kinh Thánh.

Các Giáo phụ vào thời Hội thánh hậu sứ đồ đã bắt tay vào các vấn đề thực tế và đạo đức của Hội thánh đang mở rộng và do đó có rất ít thời gian để xem xét về tính kinh điển của Kinh Thánh. Vì vậy, họ đã không đưa ra bất kỳ tuyên bố rõ ràng nào về tính kinh điển. Thẩm quyền tối thượng của họ là Đấng Christ và sự mặc khải của Đức Chúa Trời về Ngài được cả các nhà tiên tri Cựu Ước và các sứ đồ Tân ước công bố. Lúc đầu, các tài liệu tham khảo “Kinh Thánh” của các Giáo phụ trong Hội thánh đề cập đến Cựu ước, mặc dù họ coi các tác phẩm của các sứ đồ có thẩm quyền ngang với Cựu ước. Vào giữa thế kỷ thứ hai, Polycarp, Barnabas và 2 Clement đã trích dẫn Tân Ước. Theo Justin Martyr (khoảng năm 100-165), đây cũng là một phong tục đối với các Cơ đốc nhân khi họ gặp nhau vào các ngày Chủ nhật để nghe đọc “hồi ký” của các sứ đồ (đề cập đến các sách Phúc âm) hoặc các sách của các đấng tiên tri (Cựu ước). Vì vậy, các sách Tân ước bắt đầu được thay thế như các sách kinh điển cùng với kinh điển Cựu ước.29

Vào thế kỷ thứ hai, một số phong trào bên ngoài, đặc biệt là Thuyết Ngộ Giáo và Thuyết Nhị Nguyên, đã thách thức phạm vi của kinh điển Tân Ước. Nỗ lực của người theo Thuyết Ngộ Giáo là để có nhiều tác phẩm Ngộ đạo được công nhận là phù hợp với giáo lý của các sứ đồ và nỗ lực của những người theo Thuyết Nhị Nguyên là để giới hạn kinh điển trong phạm vi của mười thư tín Phao-lô và một bản chỉnh sửa của Lu-ca,  rõ ràng tất cả những điều này đã thúc đẩy Hội thánh suy xét một cách có ý thức hơn về giới hạn và phạm vị của các tác phẩm đích thực của các sứ đồ.”30

Theo Eusebius (khoảng năm 260-339), Giáo hội đã thảo luận về ba loại tác phẩm: “được công nhận”, “bị tranh luận” và “dị giáo.”31 Trong số những sách được công nhận thuộc về Tân Ước, có bảy sách ở trong tình trạng tranh luận trong một thời gian, vì một số lời dạy trong đó hoặc vì chúng chưa được biết đến rộng rãi ở cả phương Đông và phương Tây. Chúng bao gồm Hê-bơ-rơ, Gia-cơ, 2 Phi-e-rơ, 2 Giăng, 3 Giăng, Giu-đe và Khải Huyền. Trong trường hợp của sách Hê-bơ-rơ, việc cho rằng quyền tác giả thuộc về các sứ đồ là điều không chắc chắn. Tuy nhiên, theo lời chứng ban đầu, khi sự thật về những cuốn sách này được biết đến, tất cả đều được xem là kinh điển. Lời chứng đầu tiên cho tính kinh điển của hai mươi bảy sách trong Tân Ước là trong một bức thư của Athanasius (đề năm 367 S.C). Với cùng một danh sách các sách kinh điển được đưa ra tại Hội nghị thứ ba ở Carthage vào năm 397 và được đưa ra một lần nữa trong một Hội nghị khác ở Carthage vào năm 419. Dunbar kết luận rằng “thật là thích hợp … khi nói về kinh điển [Tân Ước] đã đạt được hình thức hiện tại của nó trong hầu hết các Hội thánh trong suốt thế kỷ thứ năm.”32

 

Tiêu chuẩn cho Tính Kinh điển của Tân Ước

Vì các sứ đồ được công nhận là người đại diện có thẩm quyền của Chúa Giê-su Christ, nên tiêu chuẩn chính để công nhận một sách trong Tân Ước là sách kinh điển là liệu sách đó có được viết bởi một sứ đồ hay một cộng sự của sứ đồ mà những lời dạy của họ phù hợp với những lời dạy của một sứ đồ hay không. Lời chứng được thành văn hay truyền khẩu của các sứ đồ về những lời dạy và việc làm của Đấng Christ là “nền tảng” của Hội thánh sơ khai và là quy chuẩn cuối cùng của đức tin và thực hành. Vì vậy, chẳng hạn, Justin Martyr đã nói Phúc âm Mác là “Hồi ký của Phi-e-rơ.” Tiêu chuẩn về sự phù hợp với giáo lý của các sứ đồ được thấy rõ trong lời tuyên bố của Tertullian người chống lại thuyết Nhị Nguyên. “Tôi tuyên bố rằng tác giả của các tác phẩm phúc âm là các sứ đồ, và nhiệm vụ công bố phúc âm này được giao cho các sứ đồ bởi chính Chúa. Nếu tác giả của các tác phẩm phúc âm này là những người thuộc hàng các sứ đồ, thì họ sẽ không bao giờ đứng riêng lẻ, nhưng là những nguời cộng sự của các sứ đồ hoặc là những môn đồ của các sứ đồ.”33

Sự phù hợp với giáo lý của các sứ đồ là tiêu chuẩn thiết yếu cũng được chứng minh bởi thực tế là nhiều tác phẩm Ngộ đạo phi kinh điển được cho là của các sứ đồ khác nhau nhằm cố gắng xác nhận những tác phẩm đó là có thẩm quyền.

Trong những trường hợp mà quyền tác giả không được biết đến (chẳng hạn như Sách Hê-bơ-rơ), thì tác phẩm được đánh giá bằng cách xem nó có phù hợp với “quy chuẩn của đức tin” hay phù hợp với tính chính thống được thừa nhận theo lời dạy truyền thống của các sứ đồ hay không. Ngoài ra, thực tế thì việc tác phẩm được xem là có thẩm quyền và được các Hội thánh sử dụng rộng rãi và liên tục đã đóng một phần trong việc xác định tính kinh điển của nó.

 

KẾT LUẬN

 

Việc thiết lập kinh điển của Kinh Thánh Cựu ước và Tân ước là công việc của Đức Chúa Trời trước hết là mặc khải chính Ngài và sau đó cho phép con dân Ngài nhận ra Lời mặc khải của Ngài, bằng cách xác nhận các dấu hiệu và lời chứng của Thánh Linh trong lòng họ.

 

Sự mặc khải đặc biệt của Đức Chúa Trời trong cả Cựu ước và Tân ước về bản chất là sự kết nối kế hoạch cứu chuộc của Ngài tập trung vào Đấng Christ. Các đấng tiên tri được Đức Thánh Linh soi dẫn (I Phi-e-rơ 1:11) đã dọn đường cho sự đến của Đấng Mê-si-a và sự cứu rỗi qua chính Ngài. Các sứ đồ, được Chúa Giê-su cho phép và được Thánh Linh soi dẫn, để công bố và viết về Chúa Giê-su thành Na-xa-rét và các công việc của Ngài như là sự hoàn thành lời hứa tiên tri đã chép trước đó. Bản ghi chép được thần cảm về các hành động cứu rỗi lịch sử của Đức Chúa Trời, mà đỉnh cao là công việc của Đấng Christ trên thập tự giá, qua đó xác định phạm vi của kinh điển.

 

 

 

 

 

14

KINH THÁNH CÓ QUAN TRỌNG VÀO NGÀY NAY?

 

 

 

THẦN HỌC GIA TỰ DO Don Cupitt khẳng định rằng “con người hiện đại muốn sống cuộc sống của riêng họ, có nghĩa là đưa ra các quy tắc của riêng họ, định hướng lối đi cho cuộc sống do chính họ chọn.”1 Quyền lực trong thời đại của chúng ta là một khái niệm tiêu cực, đàn áp. Tuy nhiên, một trong những sự thật của lịch sử nói rằng với tư cách là con người hữu hạn, chúng ta chắc chắn sẽ phải phục vụ một số quyền lực nhất định. Hoặc là chúng ta sẽ sống dưới quyền của Đức Chúa Trời, Đấng tạo dựng nên chúng ta, hoặc là chúng ta sẽ sống dưới quyền một vị thần nào đó, người mà cuối cùng hóa ra lại là chính chúng ta. Như Seneca (khoảng năm 4 trước Công nguyên – 65 sau CN), chính khách và nhà triết học La Mã, đã chỉ ra rằng, nếu chúng ta là thẩm quyền riêng của chính mình, chúng ta tự nô lệ cho chính mình, đó là sự trói buộc tồi tệ nhất. 2

Tự do đích thực, theo Kinh Thánh và lẽ thường là điều đó chỉ đến khi chúng ta phục tùng thẩm quyền của Đấng Tạo Hóa, Đấng yêu thương các tạo vật của Ngài và đã mặc khải cho họ cách có được sự sống sung mãn mà Ngài đã tạo ra. Không ai tự do hơn Chúa Giê-su, người biết ý muốn của Cha Ngài và luôn làm theo ý muốn đó. “Bởi ta chẳng nói theo ý riêng ta; nhưng Cha sai ta đến, đã truyền lịnh cho ta phải nói điều chi và phải nói thể nào. Ta biết mạng lịnh Cha, ấy là sự sống đời đời.” (Giăng 12: 49-50; xem thêm 5:30; 8:28-29; 14:31). Chúa Giê-su hứa sẽ ban sự tự do và sự sống giống như vậy cho những ai vâng phục Ngài và sự dạy dỗ của Ngài. “Vậy, nếu Đức Con giải phóng các người, thì các người mới thật sự được tự do” (8:36, NVB). Sự tự do đó sẽ được nhận ra thông qua việc vâng phục Lời Ngài: “Nếu các ngươi hằng ở trong đạo ta… các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông-tha các ngươi” (8:31-32).

Sự tự do, điều mà được mong muốn ngày nay, sự tự do dẫn đến sự sống sung mãn, chỉ có được khi chúng ta vâng phục quyền bính của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ, là điều đã được truyền đạt cho chúng ta trong Lời Ngài. Vì Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, nên điều tối quan trọng là chúng ta phải vâng phục thẩm quyền của Kinh Thánh.

Satan là kẻ thù của chúng ta, nó làm tất cả những gì có thể thông qua nhiều cách khác nhau để cản trở chúng ta trong việc trở nên hoàn toàn vâng phục Đức Chúa Trời và Lời Ngài. Thành công của nó trong việc cản trở này thể hiện ở việc thực tế rằng Kinh Thánh, mặc dù là một cuốn sách bán chạy nhất, nhưng hiếm khi được nhiều người đọc hoặc nghiên cứu và thậm chí còn bị coi thường.

 

Những điều gì làm cho Kinh Thánh trở nên có thẩm quyền trong cuộc sống của chúng ta ? Chúng ta nhất định phải làm ba điều này: tôn cao Kinh Thánh như thẩm quyền tối thượng của chúng ta, hiểu rõ thông điệp của Kinh Thánh để nó có thể thực hiện chức năng như uy quyền của chúng ta, và cho phép nó điều khiển cuộc sống của chúng ta.

 

TÔN CAO KINH THÁNH NHƯ THẨM QUYỀN TỐI THƯỢNG

CỦA CHÚNG TA

Phải công nhận một điều rằng Kinh Thánh được mặc khải là Lời của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã ban để cứu rỗi và hướng dẫn chúng ta trong trần thế. Tuy nhiên, đây lại là một vấn đề khác cho việc xác minh rằng làm thế nào thẩm quyền của Đức Chúa Trời qua Lời Ngài thực sự bao phủ đời sống chúng ta. Nói một cách khác, làm sao chúng ta có thể biết được ý muốn có thẩm quyền của Đức Chúa Trời? Cách một người trả lời câu hỏi này sẽ xác định xem liệu anh ấy hoặc cô ấy có đặt Kinh Thánh lên làm thẩm quyền tối thượng của mình hay không.

Qua nhiều thế kỷ, con người đã trả lời câu hỏi này theo một trong ba cách: Ý muốn của Đức Chúa Trời được xác định bởi kinh nghiệm thuộc linh của con người, hoặc bởi sự dạy dỗ có thẩm quyền của nhà thờ, hoặc bởi chính Kinh Thánh được Đức Thánh Linh dạy dỗ. Một số người có thể chấp nhận nhiều hơn một trong số những điều này là lời phán của Đức Chúa Trời, nhưng chắc chắn chỉ có một điều có thể được coi là tối hậu và đó là kết luận cuối cùng.

 

 

Kinh Nghiệm Thuộc Linh Của Con Người 

Trong cách tiếp cận này, uy quyền của Đức Chúa Trời sẽ chỉ được tìm thấy trong các ý kiến chủ quan của cá nhân. Kinh Thánh cũng như lời chứng của dân sự Đức Chúa Trời có thể hữu ích trong quá trình này, nhưng kinh nghiệm của mỗi cá nhân cuối cùng mới xác nhận nhận ý muốn của Đức Chúa Trời.

Theo quan điểm này, Kinh Thánh có thẩm quyền ở mức độ phù hợp với lý trí. Điều này có thể mang ý nghĩa là chuyển giao sự dạy dỗ và dữ liệu trong Kinh Thánh cho những kết luận mới nhất của các phương pháp tiếp cận lịch sử – phê bình đối với Kinh Thánh. Hoặc nó có thể mang nghĩa là điều chỉnh Kinh Thánh phù hợp với những tư tưởng chủ đạo của nền văn hóa hiện đại.

Ý kiến này liên quan đến thẩm quyền của Kinh Thánh thường được những người khước từ sự thần cảm trọn vẹn và tính chất vô ngộ của Kinh Thánh nắm giữ. Họ cảm thấy rằng một số thẩm quyền bên ngoài Kinh Thánh nhất định phải cho họ biết cụ thể nơi nào Kinh Thánh nói lẽ thật của Đức Chúa Trời và nơi nào chỉ là lời nói của một trước giả sai lầm. Kiến thức và lý trí của con người đóng vai trò là tòa phúc thẩm cuối cùng để quyết định cho các lẽ thật trong Kinh Thánh.

Quan điểm này thậm chí còn được chấp nhận từ một số người tuyên bố tin vào sự thần cảm thiên thượng. Ví dụ, một số người dạy rằng đồng tính luyến ái, khi được thực hành trong các mối quan hệ cam kết, là được tán thành trong Kinh Thánh. Kể cả trong trường hợp có một số người nói rằng vai trò của nam giới và phụ nữ hoàn toàn có thể hoán đổi cho nhau trong gia đình và trong hội thánh.  Kinh nghiệm của con người mang một vai trò mạnh mẽ nếu không muốn nói là quyết định. Phần sau đây được một nhà truyền giáo viết gửi cho biên tập viên của một tạp chí Cơ đốc nổi tiếng dành cho những sinh viên đại học. “Vào một thời điểm lịch sử khi xã hội thế tục bắt đầu dậy sóng các vấn đề liên quan đến sự bất công hàng thế kỷ đối với phụ nữ, thật không khôn ngoan và không công bằng khi các ấn phẩm truyền giáo nhấn mạnh những đoạn Kinh Thánh liên quan đến sự bất bình đẳng cổ xưa giữa các giới. Bằng cách tiếp tục theo một lộ trình như vậy, những người truyền đạo sẽ chỉ thêm dầu vào quan niệm thế tục được phổ biến bấy giờ rằng nhà thờ Cơ đốc là một tổ chức lỗi thời dành riêng cho việc duy trì hiện trạng, cho dù hiện trạng đó có thể là bất công và vô nhân đạo đến mức nào.”3

Gần đây hơn, một trưởng lão của một hội thánh tin lành đã thừa nhận với đồng nghiệp của tôi rằng anh ấy sẽ xấu hổ khi đọc lời dạy của Phao-lô về vợ và chồng trong Ê-phê-sô 5:21-33 cho những người mà ông mời đến nhà thờ.

Những thí dụ minh họa này phản ánh về sự khuất phục của các thầy giảng tin lành đối với các quan điểm văn hóa đương thời. Nhưng những người khác đang đề xuất “tiêu chí ngoài sức thuyết phục” hợp lý hơn để xác định thẩm quyền của các bản văn Kinh Thánh.4 Sử dụng các yếu tố văn hóa thực dụng “ngoài Kinh Thánh” được cho là nằm sau Tân Ước về mối quan hệ vợ chồng. Một nhà nghiên cứu về phúc âm kết luận rằng các yếu tố thực dụng không còn xuất hiện trong văn hóa đương đại và do đó ngày nay giáo huấn trong Ê-phê-sô 5 nên được hiểu là “một loại danh dự” và “sự tôn trọng” để người vợ thể hiện với chồng mình.5 Đây rõ ràng là những hiểu biết đi ngược với Kinh Thánh. Cho dù những khám phá lịch sử và khoa học, đã làm tăng sự hiểu biết của chúng ta về các phần của Kinh Thánh. Nhưng phải hết sức lưu ý đừng để sự hiểu biết và lý trí của con người chiếm đoạt thẩm quyền của Kinh Thánh. Theo lời của nhà thần học John Frame, “Những gì chúng ta giải thích về giáo huấn của Kinh Thánh phải chiếm ưu thế, ngay cả khi dường như có mâu thuẫn. Điều này phải vượt lên trên những gì chúng ta giải thích về mặc khải phổ quát … một khi chúng ta tin chắc rằng Kinh Thánh dạy x, chúng ta phải tin điều đó, ngay cả khi sự mặc khải phổ quát dường như dạy rằng không phải x.”6

Đối với một số người, tư tưởng duy lý trở thành thẩm quyền tôn giáo tối thượng, thậm chí trên cả Kinh Thánh. Một số khác thì lại xem quyền bính là cảm xúc tôn giáo hoặc những trải nghiệm mang tính thần bí nào đó. Sự nổi bật của kiểu suy nghĩ này được thể hiện rõ trong tác phẩm gần đây Lửa Từ Trời, được nhà thần học tự do Harvey Cox chấp bút. Nhìn lại cuộc xung độ tôn giáo trong ba thế kỷ qua giữa khoa học hiện đại và tôn giáo truyền thống, Cox nói rằng cuộc đấu tranh tiếp theo sẽ là giữa Phái Cơ-yếu  (những người chú trọng vào vào lẽ thật được nhận thức) và chủ nghĩa kinh nghiệm – một loại trải nghiệm tâm linh cá nhân như kiểu như uống cà phê tự phục vụ mà trong đó các lẽ thật được chấp nhận khi “đụng chạm” tới  những kinh nghiệm hàng ngày của cá nhân.7

Nhưng dựa trên cơ sở nào, chúng ta có thể kết luận rằng một kinh nghiệm nào đó của con người (lý trí hoặc tình cảm) là sự diễn đạt có thẩm quyền cho Lời phán từ Đức Chúa Trời? Và kinh nghiệm của ai sẽ được coi là quy chuẩn? Thay vì phán xét Kinh Thánh, kinh nghiệm của con người chúng ta phải được phán xét và biến đổi từ quy chuẩn đó. Kinh Thánh phải được tiếp nhận như là Lời khách quan của Đức Chúa Trời, đứng trên chúng ta để tất cả kinh nghiệm của con người được khuất phục trước nó.

 

Thẩm Quyền Giảng Dạy của Giáo Hội

Cách tiếp cận thứ hai đối với thẩm quyền của Kinh Thánh nói rằng thẩm quyền của Kinh Thánh được truyền đạt cho chúng ta qua thẩm quyền của giáo hội. Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo (1994), do Giáo hoàng John Paul Đệ Nhị khởi xướng và được ban hành dưới sự chỉ đạo của ông, tuyên bố rằng mặc khải thiêng liêng của phúc âm được truyền tải dưới hai hình thức: Thánh Kinh  và Thánh Truyền (sacred tradition: truyền thống thiêng liêng).8 Trong khi theo truyền thống chúng được xem như hai nguồn mặc khải riêng biệt, tuy nhiên có một khuynh hướng  trong giáo hội Công Giáo gần đây xem chúng như một.  Trích dẫn một tài liệu từ Công đồng chung Vatican II, Sách Giáo lý tuyên bố, “Thánh Truyền và Kinh Thánh tạo nên một kho tàng thiêng liêng duy nhất về Lời Chúa.”9 Mọi điều trong truyền thống giáo hội được cho là được tìm thấy trong Kinh Thánh một cách rõ ràng hoặc ẩn ý.10

Theo quan điểm này, cơ quan giảng dạy của Giáo Hội, được gọi là Huấn quyền của Giáo Hội, có nhiệm vụ, với tư cách là người kế vị các sứ đồ, đưa ra cách giải thích xác thực về Lời Chúa (nghĩa là Kinh Thánh và Thánh Truyền), khi được quy định là tín điều, đều được xem là chân lý không thể sai lầm.11 Chân lý không thể sai lầm này sau đó trở thành một phần của truyền thống hoặc lẽ thật thiên thượng. Giáo hội La Mã, đảm nhận vai trò là người thông dịch, giải thích đáng tin về Thánh Truyền và Kinh Thánh, do đó làm thẩm quyền trung gian của sự mặc khải thiêng liêng về Lời Đức Chúa Trời cho dân Ngài. Như Sách Giáo Lý Công giáo giải thích, “Thánh Truyền, Kinh Thánh, và Huấn Quyền của Giáo Hội được kết nối chặt chẽ đến nỗi một trong hai không thể đứng vững nếu không có cái khác…. Giáo hội với giáo lý, cuộc sống và sự thờ phượng của mình đã tồn tại và truyền lại cho mọi thế hệ đi sau về tất cả những gì bản thân Giáo hội đang làm và tin tưởng.”12 Nhà văn Công giáo Mark Shea cũng giải thích điều này về mối quan hệ của Kinh Thánh với giáo hội và Thánh truyền.

Đức tin Công giáo có thể đồng ý rằng Kinh Thánh là đủ. Nhưng nó cũng cảnh báo rằng có sự phân biệt giữa vật chất và sự đầy đủ về hình thức. Sự khác biệt là gì? Nói một cách đơn giản, đó là sự khác biệt giữa việc có một đống gạch đủ lớn để xây một ngôi nhà và có một ngôi nhà bằng gạch. Sự đầy đủ về vật chất có nghĩa là tất cả những viên gạch cần thiết để xây dựng giáo lý đều có trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, nó cũng dạy rằng vì ý nghĩa của Kinh Thánh không phải lúc nào cũng rõ ràng và đôi khi một giáo lý được ngụ ý hơn là rõ ràng, nên những thứ khác ngoài Kinh Thánh đã được các sứ đồ truyền lại cho chúng ta như: Truyền thống thiêng liêng (là cái cối giã chứa đựng các viên gạch với nhau theo đúng thứ tự và vị trí) và Huấn quyền hoặc thẩm quyền giảng dạy của Giáo hội (là cái bay trong tay của Người Thầy xây dựng). Tổng hợp lại, ba điều này — Sách Thánh, Thánh Truyền và Huấn Quyền — là đủ để biết lẽ thật được mặc khải của Đức Chúa Trời.13

 

 

Công Giáo La Mã không đơn độc trong việc khẳng định sự vô ngộ của thánh truyền cùng với Kinh Thánh. Timothy Ware, trong một tác phẩm phổ biến về Nhà thờ Chính thống, đã nói một cách cụ thể, “Các định nghĩa giáo lý của một Công đồng Đại kết là không thể sai lầm. Do đó, cái nhìn của Nhà thờ Chính thống, tuyên bố về đức tin do bảy hội đồng đưa ra, cùng với Kinh Thánh, là một thẩm quyền bền vững và không thể thay đổi.”14 Vì vậy, một số giáo lý của hội thánh được đặt cùng với Kinh Thánh là có thẩm quyền tối thượng ngang nhau.

Một số người Tin Lành ngày nay đang khuyến khích các Cơ đốc nhân dành một nơi tôn trọng hơn cho truyền thống. Họ chỉ ra một cách đúng đắn rằng những giáo lý lịch sử chính thống về các nguyên lý trung tâm của đức tin Cơ đốc có thể giúp bảo vệ giáo hội trước những nguy cơ tuân theo các chuẩn mực văn hóa phổ biến. Họ cũng hy vọng rằng sự cương quyết này sẽ mang lại sự đoàn kết hơn nữa trong một giáo hội bị rạn nứt trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa thế tục. Tuy nhiên, đôi khi họ cương quyết đánh giá cao truyền thống đến nỗi gần như làm mờ  nhạt địa vị độc tôn của Kinh Thánh là thẩm quyền tối thượng. Một ví dụ về điều này được nhìn thấy trong tác phẩm gần đây Tìm Lại Truyền Thống Và Đổi Mới Truyền Giáo, của Daniel H. Williams, một mục sư Báp-tít được phong chức. Ông này cũng giảng dạy về các giáo phụ và thần học lịch sử tại Đại học Loyola Chicago. Ông thường xuyên liên kết Kinh Thánh và các giáo phụ của Hội thánh đầu tiên lại với nhau như một thẩm quyền chuẩn mực cho các tín hữu. Ông đề cập đến “nền tảng duy nhất về tông đồ và giáo phụ.”15 Ông nói lần nữa: “Giống như Kinh Thánh, Thánh truyền của  giáo hội có nguồn gốc từ chính Đức Chúa Trời ba ngôi, đến với chúng ta từ  Cha, thông qua Con trong Thánh Linh. Kinh Thánh và Thánh truyền không phải là hai nguồn khác nhau của thẩm quyền và lẽ thật.”16 Có tuyên bố rằng “Thánh truyền ban đầu của giáo hội cung cấp cơ sở để xác định nền tảng của nó”17 nghe có vẻ gần giống với quan điểm của giáo hội Công giáo rằng nhà thờ là cần thiết để làm trung gian cho thẩm quyền của Kinh Thánh đối với các Cơ đốc nhân.

 

 

Chỉ Có Duy Nhất Kinh Thánh

Quan điểm thứ ba cho rằng Đức Thánh Linh bày tỏ quyền bính Ngài cho dân Ngài chỉ qua Kinh Thánh. Giáo lý Tin lành cổ điển này được gọi là Sola Scriptura  (Duy nhất Kinh Thánh) được nêu rõ trong Tuyên xưng Đức tin của các nhà thờ Pháp chịu ảnh hưởng của John Calvin vào năm 1559: “Chúng tôi tin rằng Lời trong những cuốn sách này đã đến từ Đức Chúa Trời, và đây là Kinh Thánh có thẩm quyền của Ngài, chứ không phải là sản phẩm của loài người. Và nó là quy luật của mọi lẽ thật, chứa đựng tất cả những gì cần thiết cho việc phụng sự Đức Chúa Trời và sự cứu rỗi của chúng ta. Con người hay thậm chí các thiên sứ cũng không được thêm vào, hay lấy đi hoặc thay đổi nó. Theo đó, không có thẩm quyền nào, dù là cổ xưa, hay tục lệ, hoặc những con số, hoặc sự khôn ngoan của loài người, hoặc những phán xét, hoặc tuyên ngôn, hoặc sắc lệnh, hoặc nghị định, hoặc hội đồng, hoặc khải tượng, hoặc phép lạ, không được chống lại những lời Kinh Thánh này, nhưng ngược lại, tất cả mọi thứ đó nên được kiểm tra, điều tiết và cải cách theo Kinh Thánh.”18

Thuật ngữ Sola Scriptura cũng đề cập đến sự đầy đủ của Kinh Thánh, nghĩa là Kinh Thánh chứa đựng tất cả lẽ thật cần thiết cho sự cứu rỗi và đời sống tâm linh. Đối với những người vô tín đang tìm kiếm sự chỉ dẫn, Ê-sai đã tuyên bố, “Một dân-tộc há chẳng nên cầu hỏi Đức Chúa Trời mình sao? Hãy theo luật pháp và lời chứng! Nếu dân chẳng nói như vậy, chắc sẽ chẳng có rạng-đông cho nó” (Ê-sai 8:19-20). Những lời này của Ê-sai là một câu nói yêu thích của John Wesley khi ông “tìm cách thực hiện mệnh lệnh của mình là mọi sự dạy dỗ phải được Kinh Thánh thử nghiệm.”19

Tương tự như vậy, Chúa Giê-su liên tục xem Kinh Thánh là thẩm quyền cuối cùng của Đức Chúa Trời. Để đáp lại lời yêu cầu của người đàn ông giàu có rằng ai đó từ cõi chết được sống lại để cảnh báo anh em của ông ta về sự phán xét của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su chỉ nhấn mạnh vào thẩm quyền và sự đầy đủ của Kinh Thánh. “Nếu không nghe Môi-se và các đấng tiên-tri, thì dầu có ai từ kẻ chết sống lại, chúng nó cũng chẳng tin vậy” (Lu-ca 16:31). Câu trả lời của Ngài đối với những người hỏi Ngài là minh chứng cho việc Ngài liên tục sử dụng Kinh Thánh như một vị thẩm phán tối cao của lẽ thật trong các cuộc đối đầu với họ: “Các ngươi lầm, vì không hiểu Kinh Thánh” (Ma-thi-ơ 22:29). Ngài đã nói về Kinh Thánh, “Ấy là Kinh-Thánh làm chứng về ta vậy” (Giăng 5:39).

Điều đáng kể nhất là những lần Chúa Giê-su bác bỏ những truyền thống đã được xây dựng xung quanh Kinh Thánh bởi các nhà lãnh đạo Do Thái giáo. Khi được hỏi vì sao các môn đồ theo Ngài “phạm lời truyền-khẩu của người xưa?” Chúa Giê-su đã trả lời rằng, “Còn các ngươi sao cũng vì cớ lời truyền-khẩu mình mà phạm điều-răn của Đức Chúa Trời? Như vậy, các ngươi đã vì lời truyền-khẩu mình mà bỏ lời Đức Chúa Trời.” (Ma-thi-ơ 15:2-3, 6). Sau đó, Chúa Giê-su trích dẫn những lời của Ê-sai, mà quở trách những người này vì “chúng nó dạy theo những điều-răn mà chỉ bởi người ta đặt ra” (15:7-9; xem thêm Mác 7: 5-13). Nhiều lần trong Bài giảng trên núi, Chúa Giê-su phán, “Các ngươi đã nghe … song ta nói cùng các ngươi ….” Chắc chắn Ngài đến đặng làm trọn vẹn luật pháp và các truyền thống tốt đẹp đã có từ lâu đời trong Kinh Thánh. Ngài dạy, “Các ngươi có nghe lời phán rằng: Hãy yêu người lân-cận, và hãy ghét kẻ thù-nghịch mình. Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù-nghịch, và cầu-nguyện cho kẻ bắt-bớ các ngươi” (Ma-thi-ơ 5:43-44).

Ngoài ra, các sứ đồ cũng tuyên bố Kinh Thánh như là tòa phúc thẩm cuối cùng của họ. Phao-lô gửi lời khen đến các tín đồ ở Bê-rê vì họ “ngày nào cũng tra xem Kinh Thánh, để xét lời giảng [lời giảng của Phao-lô] có thật chăng.” (Công vụ 17:11). Vị sứ đồ này cũng mong muốn rằng người Cô-rinh-tô “chớ vượt qua lời đã chép” (1 Cô-rinh-tô 4:6), nghĩa là chỉ nên sống đúng theo Kinh Thánh.20 Chỉ duy Kinh Thánh là đủ cho các tín đồ. Như Phao-lô đã viết thư gửi cho người con trai thuộc linh của mình, “từ khi con còn thơ-ấu đã biết Kinh-thánh vốn có thể khiến con khôn-ngoan để được cứu bởi đức-tin trong Đức Chúa Giê-su-Christ. Cả Kinh-Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn, có ích cho sự dạy-dỗ, bẻ-trách, sửa-trị, dạy người trong sự công-bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành” (2 Ti-mô-thê 3:15-17). Chrysostom, nhà thuyết giáo vĩ đại ở thế kỷ thứ tư và là một giáo phụ, đã diễn giải những lời của sứ đồ Phao-lô theo cách sau: “Con hãy xem Kinh Thánh như một người thầy, thay vì xem ta như thế; từ đó con có thể học bất cứ điều gì ngươi muốn biết”21

Dường như sẽ hợp lý rằng nếu xem các lời dạy của chức vụ sứ đồ có thẩm quyền, là lời mặc khải của Đức Chúa Trời nằm bên ngoài Kinh Thánh, thì chúng ta có thể mong đợi lời dạy của các tiên tri trong Cựu Ước cũng có thẩm quyền tương tự. Tuy nhiên, Tân Ước không đưa ra bằng chứng nào để xem lời dạy của các tiên tri mà không viết thành văn tự có thẩm quyền ngang bằng với Kinh Thánh. Trên thực tế, như chúng ta đã thấy, nó chỉ ra mối nguy hiểm khi đặt lời truyền khẩu bên ngoài Kinh Thánh ngang hàng với Lời được viết ra.

Sự thật là dân sự của Đức Chúa Trời phải vâng phục những lời dạy có thẩm quyền của các sứ đồ (và của các nhà tiên tri trong Cựu Ước), dù bằng văn tự hay lời nói. Vì vậy, Phao-lô khuyến khích các tín đồ tại Tê-sa-lô-ni-ca “Hỡi anh em, vậy thì hãy đứng vững, hãy vâng-giữ những điều dạy-dỗ mà chúng tôi đã truyền cho anh em, hoặc bằng lời nói, hoặc bằng thơ-từ của chúng tôi” (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:15; xem thêm 3:6; 1 Cô-rinh-tô 11:2). Ti-mô-thê đã truyền lại cho người khác những điều ông đã “nghe” từ sứ đồ Phao-lô, chứ không chỉ những điều ông đã đọc trong các thư tín của Phao-lô (2 Ti-mô-thê 2:2). Sự dạy dỗ ngay thẳng của các tiên tri hay sứ đồ đều có thẩm quyền, dù được nói hay viết, vì nó đang truyền đạt ý muốn của Đức Chúa Trời. Nhưng sau thời đại các sứ đồ, sự dạy dỗ duy nhất có thể được chứng thực giống như chức vụ các sứ đồ chính là những gì chúng ta có dưới dạng văn tự. Không có bằng chứng Kinh Thánh nào về sự kế thừa chức vụ của các sứ đồ. Chúng ta phải cảnh giác với những người đưa ra cách giải thích  Kinh Thánh và thêm cách giải thích đó vào việc phát triển các tín điều mà họ gán cho là không thể sai lầm. Những người được trao trọng trách chuyển giao truyền thống sứ đồ cho các thế hệ nối tiếp không bao giờ được gọi là “sứ đồ.” Thay vào đó, với tư cách là những người thầy và người rao giảng, họ phải trung thành công bố đức tin của các sứ đồ vốn “đã được truyền cho các thánh một lần đủ rồi” (Giu-đe 3). Do đó, lời của các sứ đồ tiếp tục được giảng dạy trong hội thánh thông qua Kinh Thánh có thẩm quyền chứ không phải trong cơ quan giảng dạy của giáo hội. Như Oscar Cullmann đã nói, “Các sứ đồ không thể có bất kỳ người kế vị nào có thể thay thế để làm người mang mặc khải cho các thế hệ mai sau, nhưng hầu hết đều tự mình tiếp tục hoàn thành chức vụ trong hội thánh ngày nay (lưu ý: trong hội thánh, chứ không phải nhờ hội thánh.) Lời của các sứ đồ được Chúa Giê-su đề cập trong Giăng 17:20, “kẻ sẽ nghe lời họ mà tin đến Con nữa.” Hay nói một cách khác:  lời thành văn của các sứ đồ được chúng ta tiếp nhận để đi đến chỗ tin cậy Chúa Giê-su.”22

Lẽ thật này được sinh ra từ sự công nhận của giáo hội về một quy điển Kinh Thánh (xem chương 13, đọc chú thích bên dưới). Khi xác định một quy điển khép kín của Kinh Thánh, nhà thờ đã phân biệt giữa sự mặc khải kinh điển và tất cả các truyền thống tiếp theo. Về bản chất, giáo hội cho rằng truyền thống tiếp theo phải vâng phục sự kiểm soát của Kinh Thánh.

Trên thực tế, đây là lời chứng của một số nhà lãnh đạo vĩ đại của hội thánh. Chắc chắn, đôi khi các giáo phụ đầu tiên nói về “quy tắc của đức tin” là truyền thống được giáo hội dạy, bởi vì vẫn chưa có “sự phân biệt rõ ràng giữa truyền thống truyền khẩu của các sứ đồ và các cuộn giấy chữ viết của các sứ đồ.” Tuy nhiên, vào giữa thế kỷ thứ hai, rõ ràng là các lời khẩu truyền của các sứ đồ, vốn đã được hội thánh thế hệ thứ nhất nghe thấy và truyền lại cho những người khác, đã trở nên bị ô nhiễm bởi các truyền thuyết không đáng tin cậy. Sau đó, Tân Ước là sách ghi lại những lời dạy của các sứ đồ, cùng với Cựu Ứớc, dần dần trở thành Quyển Sách có thẩm quyền quyết định duy nhất.

Những tuyên bố sau đây là ví dụ về nhân chứng lịch sử cho niềm tin vào học thuyết của Sola Scriptura. Athanasius, nhà thần học ở thế kỷ thứ tư, đã viết, “Quả thật, Kinh Thánh được Đức Chúa Trời hà hơi vào, có khả năng tự cung cấp cho việc rao giảng lẽ thật.”. Cyril (khoảng năm 315-387), giám mục của nhà thờ ở Jerusalem tuyên bố, “Liên quan đến các bí ẩn thiêng liêng của đức tin, không ít sách có thể được truyền lại mà không có trong Kinh Thánh …. Ngay cả đối với tôi hay bất cứ ai nói với bạn những điều này, đừng sẵn sàng chấp nhận, trừ khi bạn nhận được từ Kinh Thánh bằng chứng về những điều mà chúng tôi công bố. Sự cứu rỗi mà chúng ta tin thì không được chứng minh bằng lý luận khôn ngoan của con người mà là từ Kinh Thánh.” Augustine, có lẽ là nhà thần học có ảnh hưởng nhất, được cả Công Giáo và Tin Lành tôn trọng, đã viết, “Có một ranh giới rõ ràng ngăn cách tất cả các sản phẩm tiếp theo thời các sứ đồ khỏi các sách kinh điển có thẩm quyền của Cựu và Tân Ước. Trong vô số sách được viết ra sau này đôi khi chúng ta có thể tìm thấy lẽ thật giống như trong Kinh Thánh, nhưng chúng không có cùng một thẩm quyền. Kinh Thánh có một sự thiêng liêng riêng của chính nó.” Ngay cả nhà thần học Công giáo vĩ đại thế kỷ mười ba, Thomas Aquinas, cũng tin tưởng rõ ràng vào Sola Scriptura. Ông tuyên bố rằng “chúng tôi chỉ tin những người kế vị các sứ đồ và tiên tri khi họ nói với chúng tôi những điều mà các sứ đồ và tiên tri đã viết lại trong các quyển sách của họ.”

Chúng ta đã thấy rằng thuật ngữ Sola Scriptura có nghĩa là Kinh Thánh là thẩm quyền cuối cùng và tối thượng dành cho các tín nhân, và rằng Kinh Thánh là đủ cho sự cứu rỗi và sự sống của Cơ đốc nhân. Ý nghĩa thứ ba của Sola Scriptura là sự rõ ràng của Kinh Thánh (đôi khi được gọi là sự minh bạch). Điều này có nghĩa là những tín đồ bình thường có thể hiểu Kinh Thánh và áp dụng nó trong cách sống để vâng phục Chúa. Mọi người không cần những thông dịch viên đặc biệt nào để giải thích cho họ biết điều gì là lẽ thật.

Một ví dụ thú vị về sự thật này là những người ở thành Bê-rê. Sau khi Phao-lô và Si-la rao giảng phúc âm ở đó, thái độ của họ là: “những người nầy có ý hẳn hoi hơn người Tê-sa-lô-ni-ca, đều sẵn lòng chịu lấy đạo, ngày nào cũng tra xem Kinh Thánh, để xét lời giảng có thật chăng” (Công vụ 17:11). Những người Bê-rê có thể hiểu được sự công bố của phúc âm được rao giảng cho họ, nhưng họ cũng có thể hiểu được Kinh Thánh được viết trước đó và đánh giá xem liệu sứ điệp của các sứ đồ có phù hợp với Kinh Thánh hay không. Không có lý do gì để tin rằng các bức thư của các sứ đồ vẫn phải áp dụng theo cách này. Hầu hết các thư tín của Tân Ước không được gửi đến các nhà lãnh đạo hội thánh, mà cho toàn thể hội thánh, phù hợp với suy nghĩ rằng chúng có thể được tất cả mọi thành viên trong hội thánh hiểu. Thư tín của Phao-lô được “gửi cho hết thảy các thánh đồ trong Đức Chúa Giê-su Christ, ở thành Phi-líp, cùng cho các giám mục và các chấp sự” (Phi-líp 1:1; cũng xem Ga-la-ti 1:2; 1 Côr. 1:2).  Như lời chú thích của Phao-lô cho các tín hữu ở Cô-lô-se chỉ ra rằng, những thư tín của ông được nơi nhận đọc, rồi sau đó phải được chuyển tiếp cho các hội thánh khác đọc: “Anh em đọc thơ nầy rồi, hãy đưa cho Hội-thánh Lao-đi-xê đọc với, anh em cũng phải đọc thơ ở Lao-đi-xê gởi đến nữa” (Cô-lô-se 4:16).  Vị sứ đồ tin rằng các thư tín của ông gửi đến thì hội thánh có thể hiểu được, điều đó được thể hiện trong những lời này: “Vì chúng tôi chẳng viết cho anh em sự gì khác hơn những điều anh em đọc trong thơ chúng tôi và chính mình anh em nhận biết; và tôi lại mong anh em nhận biết cho đến cuối-cùng” (2 Cô-rinh-tô 1:13).

Tương tự như vậy, Cựu Ước nhấn mạnh trách nhiệm của các tín nhân là đọc và hiểu Kinh Thánh. Mọi người phải có khả năng hiểu được Lời Chúa khi Môi-se truyền cho họ, “Khá ân-cần dạy-dỗ điều đó cho con-cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy” (Phục truyền. 6:7). Chắc chắn mọi tín nhân chân thật đều “lấy làm vui-vẻ về luật-pháp của Đức Giê-hô-va” và “suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm” (Thi Thiên 1:2).

Dĩ nhiên, những bằng chứng về sự hiểu biết rõ ràng Kinh Thánh của dân sự Chúa cũng sẽ không phủ nhận vai trò của những người thầy giữa vòng họ là giúp mọi người hiểu biết rõ hơn về Lời Đức Chúa Trời. Nhưng không có một dấu hiệu nào trong Kinh Thánh xác định rằng bất kỳ cá nhân nào cũng phải phụ thuộc vào một người thầy có thẩm quyền  để hiểu được lẽ thật cơ bản của Kinh Thánh. Ở đây không có lời biện hộ nào mà một người nào đó có thể nói với Chúa trong ngày phán xét cuối cùng, “Tôi đã không vâng theo Lời Ngài bởi vì Ngài đã khiến tôi phải phụ thuộc vào một người thầy và ông ấy đã dạy tôi một cách sai trái.” Trên thực tế, bằng chứng cụ thể cho sự rõ ràng của Lời Đức Chúa Trời được thấy trong việc Phao-lô quở trách các tín đồ Ga-la-ti vì đã nghe các giáo sư giả, và mạng lệnh của ông truyền cho họ là từ chối “bất cứ người nào” (kể cả chính ông) “truyền cho anh em một tin-lành nào khác với Tin-lành anh em đã nhận” (Ga-la-ti 1:9).

 

 

Phần kết luận

Với niềm tin rằng chỉ Kinh Thánh là thẩm quyền cuối cùng của tín đồ là điều cốt yếu đối với Cơ đốc giáo. Vì chỉ khi thẩm quyền của Kinh Thánh có chỗ đứng tối cao hơn thẩm quyền của cá nhân và ngay cả nhà thờ, thì chúng ta mới có thể thực sự được giải quyết bằng Lời Chúa chứ không phải lời của chính mình.

Như một số người tin rằng, có sự kế thừa ở sứ đồ, điều đó tiếp tục diễn ra trong suốt lịch sử Hội thánh với ân tứ giảng dạy đúng đắn như các sứ đồ ban đầu – những trước giả đã viết Kinh Thánh, thì sự dạy dỗ của Hội Thánh tự nó trở thành Lời mặc khải của Đức Chúa Trời. Hội Thánh không còn đứng dưới Ngôi Lời, nhưng thay vào đó Hội Thánh nói chính Ngôi Lời. Những nhận xéat sau đây của Rudolph J. Ehrlich về lập trường của Giáo hội Công giáo La Mã trong vấn đề này giúp làm sáng tỏ tình huống sau. “Sự giải thích của thẩm phám về Lời Đức Chúa Trời được Đức Thánh Linh trợ giúp ngăn  không cho phép sai lầm, khiến câu hỏi ai có thẩm quyền đối với ai [Giáo hội hay Lời Chúa] trở nên vô ích vì trong hệ thống La Mã, vấn đề này không thực sự nảy sinh. Điều quan trọng hơn nhiều là câu hỏi liệu có sự đồng nhất gần như của Truyền thống (và Kinh Thánh thuộc về Truyền Thống và chứa đựng nó theo một cách đặc biệt) với toàn bộ bản thể, giáo huấn và hành động của Giáo hội không có nghĩa là sau cùng không phải Truyền Thống (theo bất kỳ nghĩa nào của thuật ngữ) hay Thánh Kinh là nguồn của mặc khải mà là chính Giáo hội. Trong mọi trường hợp, làm sao Thánh Kinh có thể đứng trước Giáo hội với tư cách là bề trên của nó và phán xét Giáo hội, khi toàn bộ bản thể, sự dạy dỗ và hành động của Giáo hội được đánh đồng với Truyền thống mà Thánh Kinh thuộc về?” 28

Chỉ khi nào sự khác biệt giữa công việc của Đức Thánh Linh trong sự soi dẫn của Kinh Thánh được công nhận là khác với công việc của Ngài trong chức vụ giảng dạy của hội thánh, thì hội thánh mới có thể nghe một lời từ Chúa hơn là tiếng nói của chính mình.29 John Calvin viết rằng chúng ta phải phân biệt giữa các sứ đồ và những người kế vị họ. Ông nói, các sứ đồ, “là những người ghi chép chắc chắn và chân thật của Đức Thánh Linh, và do đó, các tác phẩm của họ được coi là lời tiên tri của Đức Chúa Trời; nhưng nhiệm vụ duy nhất của những người khác là giảng dạy những gì được cung cấp và niêm phong trong Kinh Thánh.” 30

Việc công nhận thẩm quyền cuối cùng của Kinh Thánh không phủ nhận giá trị của sự dạy dỗ từ hội thánh và các sắc lệnh của các công đồng lịch sử. Hội thánh được kêu gọi trở thành “trụ và nền của lẽ thật” (1 Ti-mô-thê 3:15), để giảng dạy và duy trì lẽ thật của Đức Chúa Trời, nhưng đồng thời hội thánh vẫn ở dưới quyền của Kinh Thánh. Sự dạy dỗ của Hội thánh phải luôn được đánh giá dựa trên lẽ thật của Kinh Thánh, vì lịch sử cho thấy rõ ràng rằng sự dạy dỗ đó không phải lúc nào cũng phù hợp với Kinh Thánh. Ngay cả các tác phẩm của các tổ phụ thời kỳ hậu môn đồ đầu tiên, những người mà vì sự gần gũi của họ với các sứ đồ nên thường được coi là mang cho chúng ta Cơ đốc giáo chuẩn mực, thì tác phẩm của họ cũng phải được công nhận là khác với Kinh Thánh. Đề cập đến học thuyết quan trọng nhất về sự cứu rỗi, một học giả gần đây nói, “Mặc dù những tác giả này [các tổ phụ của môn đồ] có tính liên tục lịch sử chặt chẽ với Tân Ước, nhưng giờ đây chúng ta bước sang một thế giới khác.” Thế giới này là của các tác giả hội thánh đầu tiên bao gồm “những quan điểm không rõ ràng về tội lỗi và sự cứu chuộc.” 31

Chỉ khi Kinh Thánh được coi là Lời không thể sai lầm của Đức Chúa Trời và có thẩm quyền cuối cùng đối với suy nghĩ, cảm xúc và hành động của chúng ta, thì chúng ta mới có thể thực sự sống theo Lời Chúa. Chỉ qua một Lời khách quan, là đáp ứng nhu cầu của chúng ta, thì Chúa  mới có thể thực hiện uy quyền lãnh đạo của Ngài trên chúng ta.

 

HIỂU BIẾT THÔNG ĐIỆP CỦA KINH THÁNH

Kinh Thánh chỉ có thể có vị trí đúng đắn trong cuộc sống của chúng ta nếu chúng ta hiểu thông điệp của Kinh Thánh. Vì vậy, chúng ta thấy trước giả Thi-thiên đang cầu nguyện lặp đi lặp lại, “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin chỉ dạy tôi con đường luật lệ Chúa… Xin hãy ban cho tôi sự thông sáng, thì tôi sẽ vâng theo luật pháp Chúa” (Thi Thiên 119:33-34; xin xem thêm 119:12, 26-27, 64, 66, 73, 108, 124-125, 135, 144, 171). Cuối cùng chính Đức Chúa Tời “dạy sự tri-thức cho loài người” (94:10). Nhưng cùng với việc cầu xin sự chỉ dẫn của Chúa, trước giả Thi thiên cũng đã tích cực tham gia vào Lời, suy gẫm về Lời ấy (119: 15, 48, 78, 99) và siêng năng xem xét Lời ấy (119: 95). Việc hiểu biết đúng đắn về Kinh Thánh, qua đó Đức Chúa Trời thông tri chân lý sống của Ngài, bao gồm cả hoạt động của Đức Chúa Trời và của chính chúng ta.

 

Chức vụ Giảng dạy về Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời

Sự cần thiết của chức vụ giảng dạy của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời và lẽ thật của Ngài chỉ có thể được tiết lộ bởi Đức Chúa Trời. Vì nó vượt qua sự suy nghĩ của con người, liên quan đến “sự mắt chưa thấy, tai chưa nghe, và lòng người chưa nghĩ đến,” (1 Cô-rinh-tô 2:9). Thông qua sự mặc khải và sự soi dẫn, Đức Chúa Trời truyền đạt lẽ thật của Ngài cho chúng ta một cách khách quan, đưa nó vào lĩnh vực lịch sử nhân loại. Nhưng chính Ngài cũng phải nói lời đó với tâm hồn chúng ta, vì sự giao tiếp cá nhân với người khác cuối cùng là Thánh Linh với linh con người, trong trường hợp này là Thánh Linh của Đức Chúa Trời với linh của chúng ta. Được tạo ra theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, chúng ta được tạo dựng để tương giao với Đức Chúa Trời. Sự hiện diện của tội lỗi trong cuộc sống của chúng ta chỉ đơn giản khiến chúng ta càng phải bắt buộc điều chỉnh tâm hồn mình để nghe Thánh Linh của Đức Chúa Trời. (Về những ảnh hưởng của tội lỗi đối với sự hiểu biết thuộc linh của chúng ta, xin xem 2 Cô-rinh-tô 4:3-4; Ê-phê-sô 4:18; và Hê-bơ-rơ 5:11).

Chức vụ của Thánh Linh được sứ đồ Phao-lô bày tỏ rõ ràng trong 1 Cô-rinh-tô 2:11-13. “Vả, nếu không phải là thần linh trong lòng người, thì ai biết sự trong lòng người? Cũng một lẽ ấy, nếu không phải là Thánh Linh của Đức Chúa Trời, thì chẳng ai biết sự trong Đức Chúa Trời. Về phần chúng ta… Thánh Linh từ Đức Chúa Trời đến, hầu được hiểu biết những ơn mà chúng ta nhận lãnh bởi Đức Chúa Trời; chúng ta nói về ơn đó… cậy sự khôn ngoan… Đức Thánh Linh đã dạy.” Vị sứ đồ công bố sứ điệp bằng những lời do Thánh Linh dạy, và chỉ nhờ chính Thánh Linh mà những người nghe ông mới có thể “hiểu biết những ơn mà chúng ta nhận lãnh bởi Đức Chúa Trời.”

Bản chất chức vụ giảng dạy của Thánh Linh. Khi chúng ta nói về chức vụ giảng dạy hoặc sự soi sáng của Đức Thánh Linh, là chúng ta đang bước vào một lẽ thật quan trọng và một lẽ thật vẫn còn được kết hợp một cách sai lầm với nhau hoặc tách thành hai. Việc chuyển đổi các từ ngữ là trường hợp có thể dễ dàng xảy ra sai lầm, như đã xảy ra trong 2 Sa-mu-ên 8:17, nơi A-hi-mê-léc được cho là con trai của A-bia-tha trong khi 1 Sa-mu-ên 22:20 thì ngược lại – A-bia-tha là con trai của A-hi-mê-léc.

Chính hình thức của các tài liệu được viết bằng tay bởi các cá nhân khác nhau làm tăng thêm khó khăn trong việc tạo ra các bản sao hoàn chỉnh. Ví dụ, một số chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Do Thái có mặt chữ khá giống nhau. Trong chữ viết tay, có thể dễ dàng nhầm lẫn một số chữ cái, nhiều khi chữ “r” và “n” đôi khi rất khó phân biệt trong chữ viết tay của một số nhà văn nói tiếng Anh. Mặc dù các con số được viết bằng chữ trong văn bản tiếng Do Thái của chúng ta, nhưng có bằng chứng về hệ thống dấu hiệu các con số ban đầu trong thời kỳ Cựu Ước. Các nét dọc được sử dụng để biểu thị các chữ số và các nét ngang để biểu thị hàng chục, được viết một bên nằm trên một số khác cho bội số của mười. Trong một hệ thống thập phân như vậy, có thể dễ dàng thấy những sai lầm vô ý có thể được xảy ra như thế nào ngay cả khi chúng ta có thể dễ dàng bỏ đi hoặc thêm số 0 vào một số lớn. Tiếp đến, các ký tự trong bảng chữ cái cũng được sử dụng cho các con số, do đó khiến các con số có thể bị sao chép một cách sai lầm vì một chữ cái này bị nhầm lẫn với chữ cái khác trong một tài liệu bị mòn hoặc nhòe. 27

Một ví dụ rõ ràng được tìm thấy trong các con số được ghi lại trong 2 Các Vua 24: 8 và 2 Sử Ký 36: 9. Theo lời kể của sách Các Vua, Giê-hô-gia-kin trở thành vua khi mới mười tám tuổi và trị vì ba tháng trước khi bị bắt. Tuy nhiên, câu kinh văn trong Sử Ký cho biết rằng ông ấy chỉ mới tám tuổi khi ông ấy bắt đầu trị vì và ông ấy đã trị vì ba tháng mười ngày. Đây rõ ràng là một mâu thuẫn do lỗi của người sao chép. Vì số mười tám được viết bằng tiếng Do Thái là “tám” và “mười”, có vẻ như rõ ràng là “mười” đã bị đặt sai vị trí. Chính xác là nó đã được nối với tám trong Các Vua – tạo thành mười tám – nhưng nó đã bị bỏ qua trong Sử Ký và được chép là sau mười ngày. Trên thực tế, một số bản dịch tiếng Hy Lạp và tiếng Syriac của 2 Sử ký 36:9 ghi lại rằng Giê-hô-gia-kin mới mười tám tuổi, như trong 2 Các Vua 24:8.

Trong một số trường hợp, việc sao chép được thực hiện bởi người ghi chép khi người khác đọc to văn bản. Vấn đề ở đây là một số từ nghe giống nhau khi phát âm bằng lời nói, nhưng lại có cách viết và nghĩa khác nhau (ví dụ, “weigh (cân nặng)” với “way (cách thức)”; hay “there (đó)” và “their (của họ)”) những trường hợp này cũng có trong tiếng Do Thái và tiếng Hy Lạp và sai lầm này có thể dễ dàng giải thích vì một số lỗi sao chép.

Hầu hết các sai lệch được phát hiện trong Kinh Thánh liên quan đến tên, ngày tháng hoặc con số. Đây là những đối tượng dễ dẫn đến những sự bại hoại nhất vì chúng không thể được xác định từ bối cảnh. Đó là, “tên, ngày tháng và con số cụ thể là những mục không thể được nói trước về mặt ngữ pháp trong một câu, hoặc không thể nhớ được bởi thứ tự từ hoặc ý nghĩa chung.”28 Ví dụ, nếu chúng ta đang ghi chép lại một câu chứa tên thị trưởng của một thành phố, chúng ta có thể dễ dàng viết “Joe” thành “John” nếu chúng ta không biết ông ấy. Cả hai đều phù hợp với câu văn. Mặt khác, nếu chúng ta đang ghi chép một câu nói về nữ hoàng, chúng ta sẽ không viết “Joe” hoặc “John” bởi vì chúng ta sẽ cảm nhận được điều gì đó phi logic ngay lập tức và kiểm tra lại những gì chúng ta đang viết. Điều này cũng tương tự với các con số và ngày tháng. Chúng ta có thể dễ dàng viết năm 1046 thay vì 1064 cho một sự kiện mà bản thân chúng ta không hề quen biết. Nhiều sai sót trong việc truyền tải các tài liệu Cựu Ước nằm trong những lĩnh vực này không có ý nghĩa cụ thể đối với người sao chép. Mặc dù vậy, so với hầu hết các tác phẩm cổ có độ dài đáng kể khác, Kinh Thánh chứa đựng tương đối ít câu hỏi ngay cả trong những lĩnh vực này.29

 

Vấn đề khoa học

Hầu hết những vấn đề được gọi là khoa học trong Kinh Thánh đều bắt nguồn từ cách tiếp cận thực tế loại trừ siêu nhiên. Phép màu bị bác bỏ như quan điểm huyền thoại vì chúng mâu thuẫn với các quy luật tự nhiên. Tuy nhiên, khi sự tồn tại của Đức Chúa Trời được chấp nhận, chúng ta không có lý do chính đáng nào để phủ nhận sự can thiệp siêu nhiên của Ngài vào sự sáng tạo của Ngài theo ý muốn của Ngài. Để nhấn mạnh rằng điều mà Kinh Thánh gọi hoạt động của ma quỷ là mê tín dị đoan dựa trên niềm tin vào các tiền giả định chưa được chứng minh và không dựa trên khoa học chân chính.

Vì sự tiến hóa chưa bao giờ được chứng minh một cách khoa học, nên không có cơ sở nào để đánh giá Kinh Thánh bằng việc dựa trên cuộc sống của tất cả các tín đồ về sức khỏe và sự tăng trưởng thuộc linh để cho thấy rằng mọi tín đồ có thể hiểu được những lời dạy cơ bản của Kinh Thánh. Những lẽ thật ban đến sự sống của Đức Chúa Trời trong Lời Ngài giống như kho tàng của sự khôn ngoan, mà Sa-lô-môn đã nói: “Nếu con tìm nó như tiền-bạc, và kiếm nó như bửu vật ẩn bí, bấy giờ con sẽ hiểu biết sự kính sợ Đức Giê-hô-va, và tìm được điều tri thức của Đức Chúa Trời” (Châm Ngôn 2:4-5). Sự hiểu biết về Lời Đức Chúa Trời được ban phát ra cho tất cả những ai sẵn sàng nỗ lực tìm kiếm và khai thác Lời Đức Chúa Trời. Nếu không có cố gắng thì sẽ hoàn toàn đi vào cuộc tranh luận về việc giải thích Kinh Thánh, những nguyên tắc chung sau đây rất hữu ích mà bạn cần ghi nhớ khi theo đuổi nhiệm vụ quan trọng nhất là hiểu được lẽ thật về sự sống trong Kinh Thánh.

Cách diễn giải tự nhiên. Đức Chúa Trời đã soi dẫn các tác giả Kinh Thánh viết bằng ngôn ngữ bình thường của con người, chứ không phải bằng một thứ ngôn ngữ khó hiểu nào đó mà chúng ta cần chìa khóa để mở ra ý nghĩa. Như mọi ngôn ngữ của loài người, chúng ta nắm bắt được thông điệp của Kinh Thánh bằng cách chú ý lắng nghe ý nghĩa của các từ và mối quan hệ của chúng trong câu. Cũng như trong ngôn ngữ thông thường, Kinh Thánh sử dụng các từ theo nhiều nghĩa bóng như mô phỏng, ẩn dụ, cường điệu và ngụ ngôn. Khi tìm cách phân biệt nghĩa đen với nghĩa bóng, chúng ta phải sử dụng tất cả sự dạy dỗ của Kinh Thánh cũng như kiến thức của chúng ta về thế giới về chúng ta để không loại trừ điều siêu nhiên trong sự hiểu biết của chúng ta về thực tại. Chẳng hạn, khi Kinh Thánh đề cập đến việc Đức Chúa Trời cưỡi trên một chê-ru-bim (2 Sa-mu-ên 22:11), chúng ta không nên vội vàng kết luận rằng chê-ru-bim có nghĩa bóng chỉ đơn giản là vì chúng ta chưa có trải nghiệm về chê-ru-bim.

Các nhà văn cũng vậy mỗi cuốn sách họ viết đều nằm trong một bối cảnh lịch sử và văn hóa nhất định, nhằm mục đích để người đọc hiểu những gì họ đã viết. Vì vậy bằng mọi cách chúng ta phải đặt mình vào vị trí của những người viết và những người đọc ban đầu của sách Kinh Thánh càng nhiều càng tốt. Đôi khi, việc tìm kiếm sự trợ giúp về bối cảnh lịch sử của một văn tự có thể hữu ích, nhưng phần lớn ý nghĩa của văn tự có thể được xác định bằng cách nghiên cứu cẩn thận và so sánh với các phần khác của Kinh Thánh.

Cách diễn giải tình huống. Kinh Thánh là bản ghi chép về sự tác động của Đức Chúa Trời với dân Ngài trong lịch sử, kéo dài nhiều thế kỷ. Khi kế hoạch cứu chuộc của Ngài mở ra, liền có sự tiến triển liên quan đến sự thay đổi. Ví dụ, Luật pháp Môi-se với nhiều quy định pháp lý đã kết thúc với Đấng Christ (Ga-la-ti 3:24-25). Vì vậy, khi tiếp cận bất kỳ đoạn văn nào, điều quan trọng là phải hỏi: Đoạn văn này được viết cho ai? Tất cả các sách trong Kinh Thánh đều có ý nghĩa và mang lại lợi ích cho chúng ta ngày nay trong việc hiểu biết Đức Chúa Trời và mối quan hệ của Ngài với chúng ta. Nhưng cũng như trong các điều răn chi tiết của Luật pháp Môi-se, mọi sự bày tỏ không thể áp dụng cho chúng ta ngày nay theo cùng một cách mà sự bày tỏ đó đã được nói với những người mà chính sự bày tỏ đã giải quyết trước khi công việc của Đấng Christ hoàn thành.

Chúng ta cũng phải đặt câu hỏi liệu một chỉ dẫn nào đó được dự định là phổ cập (cho mọi người tại mọi thời điểm) hay liệu nó là một biểu hiện cụ thể, có giới hạn trong thời gian đó của một nguyên tắc phổ quát. Chẳng hạn, chúng ta có tuân theo mệnh lệnh của sứ đồ là “Hãy lấy cái hôn thánh mà chào hết thảy anh em” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:26) không? Kiến thức về các phong tục khác nhau trong thời điểm của Kinh Thánh và cách chúng liên quan đến các lẽ thật thuộc linh nói chung sẽ giúp chúng ta phân loại các biểu hiện văn hóa khỏi lẽ thật vĩnh cửu mà Đức Chúa Trời đang truyền đạt.

Cách diễn giải toàn diện. Thomas Watson, giáo sư của Thanh giáo, đã chỉ ra có lẽ nguyên tắc quan trọng nhất để hiểu Kinh Thánh khi ông nói, “Kinh Thánh là người thông dịch chính nó, hay đúng hơn là Thánh Linh nói trong đó. Không gì có thể cắt được viên kim cương ngoài viên kim cương; không gì có thể giải thích Kinh Thánh ngoài Kinh Thánh.”33

Mặc dù được viết bởi nhiều trước giả con người qua nhiều thế kỷ, nhưng Kinh Thánh vẫn là một tổng thể hài hòa thống nhất, bởi vì nó được viết đồng thời bởi tác giả là Thần lẽ thật duy nhất. Vì vậy, các phần khác nhau của Kinh Thánh không tồn tại một cách biệt lập; chúng là một phần của toàn bộ sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Vì vậy, mỗi phần nên được giải thích là liên quan đến toàn bộ Kinh Thánh. Chẳng hạn, việc Chúa Giê-su cấm chúng ta đoán xét người khác (Ma-thi-ơ 7:1) phải được hiểu là liên quan đến sự dạy dỗ của Ngài về kỷ luật hội thánh (18:15-17). Sự thống nhất của Kinh Thánh được biểu hiện ở kiến thức về các tác phẩm trước đó thường giúp hiểu được các tác phẩm sau này. Và nhiều điều được bày tỏ trước đó được phát triển đầy đủ hơn khi chương trình cứu rỗi lịch sử của Đức Chúa Trời được mở ra.

Cách giải thích của thần học. Sự hiểu biết ngay thật về Kinh Thánh cũng đòi hỏi chúng ta phải liên tục ghi nhớ những lời của Chúa chúng ta, cách cụ thể, sự thật như Chúa Giê-su đã nói, “Kinh Thánh… làm chứng về Ta” (Giăng 5:39). Do đó, sự giải thích đúng đắn về một đoạn văn sẽ hòa hợp với sự mặc khải của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ và sẽ cho chúng ta biết điều gì đó về Ngài và công việc của Ngài. Vì “mọi kho tàng của sự khôn ngoan và tri thức” đều được cất giấu trong Đấng Christ (Cô-lô-se 2:2-3, VIE2010).

Cách giải thích tương hổ. Bởi vì tất cả chúng ta đều có thể sai lệch và mang theo nền tảng văn hóa của mình với những quan điểm hạn chế và đôi khi sai lầm, sự hỗ trợ lẫn nhau của các tín đồ khác rất có giá trị trong việc tìm hiểu Kinh Thánh. Vì vậy, sứ đồ đã tuyên bố: “Cũng hãy để lời của Đấng Christ sống sung mãn trong lòng anh em; hãy dùng tất cả sự khôn ngoan để dạy và khuyên bảo nhau” (Cô-lô-se 3:16, VIE2010). Điều này bao gồm việc lắng nghe những giáo viên có năng khiếu trong hội thánh của chúng tôi cũng như học hỏi từ những giáo viên tài năng mà Đức Chúa Trời đã ban cho hội thánh trong suốt nhiều thế kỷ. Sự hiểu biết tốt nhất về Kinh Thánh có nhiều khả năng đến từ các học viên Kinh Thánh mài giũa từng thứ hơn là từ các thông dịch viên được xem như là “kỵ binh cô độc”.

Rõ ràng là bất cứ điều gì cũng đòi hỏi thời gian và nỗ lực học tập hơn là sự hiểu biết hời hợt về Kinh Thánh. Nhưng nếu chúng ta có một bức thư từ một người mà chúng ta yêu quý, ngay cả khi nó được viết bằng một ngôn ngữ khác, chúng ta vẫn sẽ cố gắng hết sức để hiểu nội dung của nó. Bản chất của Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời và biết lẽ thật đem lại sự sống cho cuộc sống của chúng ta chắc chắn sẽ khiến chúng ta phải nỗ lực rất nhiều.34

 

SỬ DỤNG KINH THÁNH NHƯ UY QUYỀN CỦA CHÚNG TA

Điều mà người ta tin chắc chắn sẽ chứng tỏ chính nó trong cuộc sống này, “hãy gìn giữ [tấm lòng] của con, vì [các nguồn] sự sống xuất phát từ đó.” (Châm ngôn 4:23, NVB). Được nhận biết kho tàng thiêng liêng mà Chúa chúng ta đã ban cho chúng ta trong Lời của Ngài, chúng ta nên bày tỏ lẽ thật của Kinh Thánh cả trong cộng đồng dân sự của Đức Chúa Trời và trong đời sống cá nhân của chúng ta.

 

 

Lời Chúa trong Hội thánh                                                    

Julius Wellhausen là một nhà phê bình Kinh Thánh người Đức, người cách đây gần một thế kỷ đã phá hoại khái niệm về nguồn cảm hứng của Kinh Thánh thông qua quan điểm của ông về Ngũ kinh như một tổng hợp của các truyền thống cũ. Tuy nhiên, ông nhận ra rõ ràng tầm quan trọng của việc coi trọng thẩm quyền của Kinh Thánh trong chức vụ của hội thánh. Vì vậy, ông đã từ chức tại Khoa Thần học ở Griefswald, Đức, và đưa ra lời giải thích sau đây trong lá thư từ chức: “Tôi trở thành nhà thần học bởi vì tôi quan tâm đến cách xử lý khoa học của Kinh Thánh; điều đó khiến tôi dần dần nhận ra rằng một giáo sư thần học cũng có nhiệm vụ thực tế là trang bị cho sinh viên để phục vụ trong Giáo hội Tin Lành, và tôi đã không hoàn thành nhiệm vụ thực tế này, nhưng đúng hơn, bất chấp tất cả sự dự trù về phía tôi, tôi đã bất lực trước những người nghe tôi với văn phòng của họ.”35

Nếu chúng ta tin rằng Kinh Thánh là sự mặc khải trơ trọi về lẽ thật cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho nhân loại, thì chúng ta phải dành cho Kinh Thánh một vị trí trung tâm trong cộng đồng dân sự của Đức Chúa Trời. Và đây chính xác là những gì chúng ta tìm thấy trong Kinh Thánh. Như sự thờ phượng của dân Y-sơ-ra-ên bắt đầu bằng việc nghe Đức Chúa Trời (“Hỡi Y-sơ-ra-ên, hãy nghe!” Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4), nên sự thờ phượng của hội thánh bắt đầu bằng việc lắng nghe tiếng Chúa qua Lời Ngài. Vì vậy, các tín đồ ban đầu đã “bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ” (Công vụ 2:42). Lời quan trọng đến nỗi sự phát triển của hội thánh về cơ bản là tương đồng với sự lớn mạnh trong Ngôi Lời: “Đạo Đức Chúa Trời càng ngày càng tràn ra, số môn đồ tại thành Giê-ru-sa-lem thêm lên nhiều lắm. Cũng có rất nhiều thầy tế-lễ vâng-theo đạo nữa.” (6:7; xem thêm 12:24; 19:20). C. E. B. Cranfield không nói quá trường hợp này khi ông kết luận rằng “việc nghe Lời Chúa, nghe những gì Chúa của hội thánh muốn nói với hội thánh của mình trong tình hình thực tế hiện tại, là nhiệm vụ chính yếu của hội thánh.”36

Các tín đồ trong hội thánh đầu tiên đã nghe Lời Đức Chúa Trời khi Lời được đọc công khai và được rao giảng. Phao-lô buộc Ti-mô-thê, một mục sư trẻ tuổi, phải “Hãy chăm-chỉ đọc sách, khuyên-bảo, dạy-dỗ, cho đến chừng ta đến.” (1 Ti-mô-thê 4:13). Như đã nói trước đó, sứ đồ mong muốn các lá thư của mình được đọc công khai trong các hội thánh (Cô-lô-se 4:16; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:27). Sách Khải Huyền cũng được đọc một cách công khai, vì nó đề cập đến “cùng những kẻ nghe” nó (Khải huyền 1: 3). Việc đọc Kinh Thánh công khai thừa nhận tầm quan trọng của chúng, đồng thời tạo ra tác động khi người ta lắng nghe một cách cẩn thận và chăm chú vào những lời nói, thực tế là lời của Đức Chúa Trời.

Việc rao giảng và dạy Lời cũng có ý nghĩa trong đời sống hội thánh theo Kinh Thánh. Nhiệm vụ của người rao giảng không chỉ là công bố Lời, mà còn giúp dân chúng đáp lại Lời ấy bằng cách áp dụng Lời ấy vào những nhu cầu khác nhau của họ. Nếu Kinh Thánh hoạt động như Lời có thẩm quyền của Đức Chúa Trời trong việc rao giảng, thì Kinh Thánh không thể chỉ được sử dụng như một nguồn tài liệu để người thuyết giảng nói những gì họ nghĩ rằng dân chúng cần nghe hoặc những gì họ muốn nghe. Thay vào đó, nó có nghĩa là lắng nghe Kinh Thánh để hiểu những gì Đức Chúa Trời biết dân chúng cần. Ai đó đã nói rõ rằng nhiệm vụ của người rao giảng là giảng giải Kinh Thánh theo cách mà trên thực tế, Chúa của hội thánh đang tổ chức một cuộc trò chuyện với dân sự của Ngài. Mặc dù các phương pháp rao giảng hoặc phong cách truyền tải cụ thể có thể được mở để đánh giá, nhưng niềm tin vào Kinh Thánh là phương tiện mà Đức Chúa Trời phán Lời cứu rỗi của Ngài cho thế giới và cho dân sự của Ngài khiến cho việc công bố và nghe Kinh Thánh có tầm quan trọng tối cao đối với giáo hội.

 

Lời Chúa trong đời sống cá nhân

Sự tăng trưởng thuộc linh và sức khỏe chỉ có thể nhận được khi chúng ta ăn nuốt Lời Đức Chúa Trời thường xuyên, ngoài việc nghe Lời Đức Chúa Trời được rao giảng trong nhà thờ. Đối với nhiều tín đồ, đây là một nhiệm vụ khó khăn. Thời gian của chúng ta bị lấp đầy với các hoạt động khác. Nhưng điều gì quan trọng hơn là nuôi dưỡng cuộc sống của chúng ta bằng những lời biến đổi cuộc sống của Đức Chúa Trời? Một số thì có sự cố gắng, thường xuyên dành thời gian cho Kinh Thánh, nhưng mất động lực vì họ nói, “Kinh Thánh không hoạt động.”

Điều quan trọng cần nhớ là Kinh Thánh không phải là một lá bùa hộ mệnh hay một cuốn sách ma thuật. Hiệu quả của việc ban sự sống mạnh mẽ của Kinh Thánh chỉ dựa vào thực tế rằng chúng là những lời của Đức Chúa Trời hằng sống, là sự thể hiện của chính  Ngài. Dân sự của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh đã thể hiện sự tôn trọng tuyệt vời đối với Lời Đức Chúa Trời, nhưng họ luôn tìm lại sức sống của Lời và ban cho nguồn của nó sự vinh hiển – chính Đức Chúa Trời hằng sống. Song trước giả Thi thiên đề cao Lời này trong Thi Thiên 119 đã tuyên bố, “Tôi chẳng hề quên giềng-mối Chúa, vì nhờ đó Chúa làm cho tôi được sống” (câu 93, phần in nghiêng được thêm vào; xem câu 25, 40, 159).

Đến với Kinh Thánh không bao giờ là đến với một “điều gì đó” mà trong “Điều gì đó không có hiệu quả”. Mà đến với Kinh Thánh là đến với một Người, hay có lẽ khéo léo hơn, là một Người đến với chúng ta được mặc bởi Lời của Ngài. Donald Miller nói rất đúng, “Nếu Đức Chúa Trời phán qua Kinh Thánh, chúng ta nên lắng nghe tiếng Ngài ở đó. Chúng ta chỉ có thể nghe tại nơi mà Ngài đã chọn để nói. Tôi có thể thích Ngài nói ở nơi khác, nhưng nếu Kinh Thánh là nơi Ngài đã nói thì đó là nơi tôi phải lắng nghe. Do đó, chúng ta không nên tuyệt vọng khi nghe tiếng nói của Đức Chúa Trời qua Kinh Thánh cho đến khi chúng ta tiếp xúc trực tiếp và trung thành với Kinh Thánh để Kinh Thánh có thể làm việc của chúng trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng có bao nhiêu [người] đọc hoặc nghiên cứu Kinh Thánh một cách chuyên tâm và có hệ thống.”37

Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi nhận ra điều Kinh Thánh luôn dạy, đó là, phước lành của Đức Chúa Trời được hứa ban không quá nhiều qua việc đọc hoặc học Kinh Thánh, mà là cho việc suy ngẫm về chúng. Người được phước, theo Thi-thiên 1:1-2, là người “suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm” về Lời Đức Chúa Trời (xin xem thêm Giô-suê 1:6-8). Suy ngẫm về Lời có nghĩa là nghiền ngẫm và cầu nguyện về lẽ thật và ý nghĩa của nó đối với cuộc sống của chúng ta cho đến khi nó chạm đến trái tim chúng ta, tức là “nguồn sự sống” của cuộc đời chúng ta (Châm Ngôn 4:23).

Sức mạnh của sự suy ngẫm được nhìn thấy trong nỗ lực của bác sĩ tâm lý Paul Meier nhằm tìm kiếm mối tương quan giữa trạng thái tâm lý của một người và đời sống tinh thần của họ. Ông yêu cầu mỗi sinh viên chủng viện trong lớp mà ông dạy phải hoàn thành một bài kiểm tra tâm lý tiêu chuẩn và một bảng câu hỏi về đời sống tâm linh. Ban đầu anh thừa nhận sự ngạc nhiên và thất vọng. Những sinh viên đã theo đạo Cơ Đốc trong nhiều năm chỉ khỏe mạnh và hạnh phúc hơn một chút so với những sinh viên đã theo đạo trong thời gian ngắn hơn. Sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Tuy nhiên, sự thất vọng của ông đã chuyển sang niềm vui khi ông tìm ra nhân tố quan trọng tạo nên sự khác biệt. Sự khác biệt đó là suy ngẫm hàng ngày hoặc gần như hàng ngày về Kinh Thánh. Trong khi Meier thừa nhận rằng việc đổi mới tâm trí thông qua Kinh Thánh có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là từ những người bạn theo đạo Cơ đốc, ông kết luận, “Suy ngẫm hàng ngày về Kinh Thánh, với ứng dụng cá nhân, là phương tiện hữu hiệu nhất để đạt được niềm vui cá nhân, sự bình an, và sự trưởng thành về cảm xúc …. Trung bình, mất khoảng ba năm nghiền ngẫm Kinh Thánh hàng ngày để mang lại đủ thay đổi trong cách suy nghĩ và hành vi của một người để tạo ra sức khỏe tinh thần và hạnh phúc.”38

Martin Luther đã mô tả sức mạnh của việc suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời trong việc mang lại sự biến đổi cuộc sống. “Vì những lời hứa này của Đức Chúa Trời là những lời thánh khiết, chân thật, công bình, tự do và ôn hòa, đầy sự tốt lành, nên linh hồn con người bám lấy chúng với đức tin vững chắc. Khi đó con người sẽ được kết hợp chặt chẽ cùng với Lời Chúa và được Lời hấp thụ hoàn toàn đến nỗi không chỉ dừng lại ở việc chia sẻ tất cả quyền năng của Lời nhưng cũng sẽ bị Lời làm cho thỏa mãn và say đắm. Nếu một cái chạm vào của Đấng Christ giúp ta được chữa lành, thì cái chạm đầy thuộc linh dịu dàng nhất này sẽ còn nhiều hơn thế nào nữa, Lời của Đức Chúa Trời được hấp thụ, sẽ truyền đạt cho linh hồn mọi điều thuộc về Lời.”39

 

KẾT LUẬN

Để đặt câu hỏi, Kinh Thánh có quan trọng không? Phần nào giống như hỏi, thực phẩm có quan trọng không? Nói một cách đơn giản, chúng ta không thể trải nghiệm cuộc sống thuộc linh mà không có Lời Chúa còn hơn là chúng ta có thể trải nghiệm cuộc sống vật chất mà không có thức ăn. Kinh Thánh cho biết về Đấng Christ, và Đức Thánh Linh mở mắt chúng ta để thấy những điều kỳ diệu của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Kinh Thánh là ánh sáng của chúng ta (Thi Thiên 119:105), thức ăn của chúng ta (1 Phi-e-rơ 2:2; Hê-bơ-rơ 5:11-14), thuốc chữa bệnh (Thi Thiên 19:7; 119:93), thanh gươm của chúng ta cho trận chiến thuộc linh (Ê-phê-sô 6:17) và hạt giống được cấm sâu trong lòng có khả năng cứu chuộc (Gia-cơ 1:21; 1 Phi-e-rơ 1:23). Tóm lại, đó là tất cả những gì chúng ta cần, như John Newton, một nhà buôn nô lệ đã cải đạo, viết trong bài thơ này.

  Kinh Thánh quý giá? Thật là một kho báu

                                             Lời Chúa có đủ khả năng không!

                                            Tất cả những gì tôi muốn cho cuộc sống hoặc niềm vui,

                                            Thức ăn và thuốc men, khiên và kiếm;                                           

Hãy để cho thế gian đánh giá tôi là đáng thương-

tôi chỉ cần Christ, và chỉ duy Ngài, (ngoài Ngài ra) tôi không cần thêm gì nữa.40

 

(hết phần một)

 

 

 

Nguyên tác: UNDERSTANDING CHRISTIAN THEOLOGY

Tác giả:  Robert L. Saucy Distinguished Professor of Systematic Theology Talbot School of Theology, La Mirada, California

 

HIỂU BIẾT THẦN HỌC CƠ ĐỐC

PHẦN I: KINH THÁNH

 

Giới thiệu

  1. Tại Sao Kinh Thánh Được Gọi Là Sách Sự Sống?
  2. Khải thị thần thượng là gì?
  3. Khải thị phổ quát là gì?
  4. Khải thị đặc biệt là gì?
  5. Giáo huấn của Kinh Thánh là duy nhất?
  6. Còn Cách Nào Khác để chứng minh Kinh thánh là duy nhất?
  7. Kinh Thánh là Lời soi dẫn của Đức Chúa Trời?
  8. Quan điểm của Đấng Christ về Kinh Thánh?
  9. Kinh Thánh Là Quyển sách của Con Người?
  10. Kinh Thánh Đáng Tin Cậy?
  11. Kinh Thánh Tự Mâu Thuẫn?
  12. Hội Thánh Tin Điều Gì Về Kinh Thánh?
  13. Những Sách nào Thuộc Về Kinh Thánh?
  14. Ngày Nay Kinh Thánh Có Quan Trọng Không?

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Giới thiệu

KINH THÁNH là quyển sách quan trọng nhất trên thế giới. Đây chính là niềm tin quyết của người Cơ Đốc cũng như của các lãnh đạo chính trị chín chắn, các hoàng tộc và những người tri thức nổi tiếng. Vua George V nước Anh đã tuyên bố: “Kinh Thánh… về phương diện thế tục, là báu vật hàng đầu của quốc gia, còn trên phương diện tâm linh, đây chính là sách giá trị nhất mà thế giới có thể mua được bằng tiền.”[1] Tại lễ đăng quang của nữ hoàng Elizabeth II, trong khi bà cầm quyển Kinh Thánh để thể hiện đức tin và lòng trung thành, tổng giám mục Canterbury đã tuyên bố: “Đây là sự khôn ngoan, đây là Luật Hoàng Gia, đây là Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời.”[2]

Patrick Henry, nhà ái quốc Hoa Kỳ nổi tiếng với câu nói bất hủ: “Hãy cho tôi tự do, hoặc cho tôi cái chết,” ông đã nói về Kinh Thánh rằng: “Quyển sách này đáng giá hơn mọi quyển sách khác từng được in ra.”[3] Bằng những lời tương tự, tiểu thuyết gia người Nga Fyodor Dostoevsky sau khi giới thiệu về việc đọc trọn bộ Kinh Thánh bản dịch tiếng Nga đã tuyên bố: “Trước hết, người ta biết chắc rằng nhân loại không có được và cũng không thể có được một quyển sách nào khác vĩ đại như Kinh Thánh.”[4]

Trong thời gian gần đây, Billy Graham đã nói về Kinh Thánh rằng: “Không một quyển sách nào khác có thể chạm đến sự khôn ngoan uyên bác, vẻ đẹp đầy thi vị, hoặc tính chính xác của lịch sử và lời tiên tri trong Kinh Thánh… Kinh Thánh tiêu biểu cho mọi kiến thức mà con người cần để lấp đầy khao khát trong tâm hồn và giải quyết mọi vấn đề… Tôi muốn được thấm đẫm trong Kinh Thánh. Tôi muốn thuộc lòng Kinh Thánh trước khi tôi chết.”[5] Chắc chắn cụm từ thường được nhắc đi nhắc lại trong các bài giảng của ông đó là: “Kinh Thánh dạy rằng…”

Đối với Cơ Đốc Nhân Lời Chúa là vô giá, được minh chứng qua việc những người tin Chúa sẵn lòng hy sinh mạng sống của họ để có được Lời Chúa. Trong thời kỳ hội thánh bị bắt bớ dữ dội năm 303 sau CN, hoàng đế La-mã Diocletian kiên quyết tiêu hủy Kinh Thánh. Tất cả mọi bản sao Kinh Thánh khi phát hiện đều bị đốt cháy. Hàng nghìn Cơ Đốc nhân và gia đình của họ đã tử đạo vì sở hữu những phần của Lời Chúa. Cuộc bách hại và tiêu hủy Kinh Thánh tiếp tục diễn ra trong hai năm, sau đó một chiếc cột chiến thắng được dựng lên trên đống tro tàn của một quyển Kinh Thánh, trên cây cột viết những lời cáo thị rằng Kinh Thánh đã “biến mất.” Nhưng chỉ hai mươi năm sau, hoàng đế Constantine tuyên bố rằng Kinh Thánh chính là thẩm phán không thể sai lầm của lẽ thật. Kẻ thù của Đức Chúa Trời đã nhiều lần cố gắng tiêu hủy Kinh Thánh bằng nhiều cách khác nhau. Nhưng Đức Chúa Trời đã bảo tồn Kinh Thánh – đôi khi bằng một cái giá quá lớn mà dân sự của Ngài phải trả, một cái giá mà đối với họ chẳng đáng chi khi so sánh với báu vật Lời Chúa.

Địa vị cao quý mà người tin Chúa dành cho Kinh Thánh đã khiến cho họ có biệt danh “Dân có Kinh Thánh.” Có lẽ Muhammad là người đầu tiên đặt ra biệt danh này chủ yếu dành cho người Do Thái nhưng cũng dành cho Cơ Đốc nhân bởi vì cả hai đối tượng này đều rất coi trọng sự mặc khải được ghi chép trong Kinh Thánh. Người Hồi Giáo cũng được xếp vào biệt danh này bởi vị trí đặc biệt mà cả ba tôn giáo dành cho các bản Kinh Thánh của họ so với các tác phẩm văn chương khác trong mỗi tôn giáo.

Đối với người Do Thái, Kinh Thánh của họ chính là sự mặc khải trọn vẹn của Đức Chúa Trời cho dân tộc của Ngài. Nhưng đối với Cơ Đốc Nhân, vị trí đó thuộc về Đấng Christ, Ngài là Đức Chúa Trời, Đấng đã đến thế gian để bày tỏ chính Ngài cho nhân loại (Hêb. 1:2). Thật vậy, Đấng Christ chính là Đức Chúa Trời hằng sống và là Đấng có  thẩm quyền tối hậu trên hội thánh. Tuy nhiên điều này không làm giảm đi thẩm quyền của Kinh Thánh. Bởi vì ngoài Kinh Thánh có phương cách nào giúp chúng ta nhận biết Đấng Christ? Và bằng cách nào Đấng Christ thực thi thẩm quyền nếu không có Lời Chúa, đặc biệt khi Ngài còn tại thế? Về sau, chúng ta sẽ thấy sự kết nối bên trong giữa Lời Chúa được bày tỏ qua thân vị của Đức Chúa Giê-su và Lời Chúa được bày tỏ qua Kinh Thánh.

Kinh Thánh là điều thiết yếu của Cơ Đốc giáo bởi vì Kinh Thánh ghi lại sự kiện Đức Chúa Trời can thiệp vào dòng lịch sử nhằm cứu rỗi nhân loại. Song không chỉ là một câu chuyện lịch sử về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, chính Kinh Thánh cũng là một phần trong công tác cứu rỗi đó. Lời Chúa cho chúng ta biết ý nghĩa chức vụ của Đức Chúa Giê-su và bày tỏ phương cách để chúng ta tiếp nhận sự cứu rỗi của Ngài.

Cơ Đốc giáo hoàn toàn cần có Kinh Thánh được minh họa qua việc so sánh Kinh Thánh với các sách của Đạo Hindu. Nếu mọi sách của Đạo Hindu bị tiêu hủy và trên đất không còn ai theo Đạo Hindu, nghĩa là Đạo Hindu hoàn toàn biến mất khỏi nhận thức con người, thì người ta vẫn tin rằng Đạo Hindu hoàn toàn có thể trỗi dậy lần nữa bởi vì cơ bản đó là một lối sống. Người ta cũng suy xét như vậy đối với những tôn giáo khác. Tuy nhiên, nếu mọi bản sao Kinh Thánh đều bị xóa sạch và mọi Cơ Đốc Nhân nếu không còn trên mặt đất, kể cả những gì được lịch sử nhắc đến cũng không còn, khi ấy Đạo Cơ Đốc không thể trỗi dậy lần nữa. Tại sao? Bởi vì Cơ Đốc Giáo hơn cả một lối sống. Đó là một tôn giáo có trong lịch sử được thành lập dựa trên công tác của Đức Chúa Trời trong lịch sử nhân loại, và Kinh Thánh ghi lại lịch sử cứu chuộc đó.

Kinh Thánh khác với mọi quyển sách khác bởi vì đó là Lời của Đức Chúa Trời. Các quyển sách khác dù uyên thâm như thế nào cũng đều là lời của con người. Số người tin Kinh Thánh có thẩm quyền không mắc sai lầm đang ngày một gia tăng trên thế giới giữa lúc các hội thánh tự do ngày một giảm và  Cơ Đốc giáo ngày một tăng trưởng mạnh mẽ ở nhiều nơi trên thế giới.

Tuy nhiên vị trí cao quý của Kinh Thánh đối lập đầy quan ngại với vai trò thực tiễn trong đời sống con người. Đặc biệt tại thế giới Tây Phương khi chủ nghĩa đa nguyên tôn giáo ngày một gia tăng kéo theo việc người ta chấp nhận mọi quan niệm, cùng với những lời phê bình tiêu cực của chủ nghĩa duy lý đối với Kinh Thánh, tất cả đang làm xói mòn lòng tin vào thẩm quyền tối thượng của Kinh Thánh, thậm chí tại nhiều hội thánh tốt. Nhiều quan điểm diễn giải Kinh Thánh khác nhau cũng khiến người ta băn khoăn điều Kinh Thánh thực sự dạy dỗ là gì. Tất cả các yếu tố trên gộp lại làm suy yếu Kinh Thánh là trụ cột của đức tin và là nguồn gây dựng đời sống tín hữu.

Quan trọng hơn hết, nhiều người tin Chúa gặp vấn đề vì thiếu niềm tin vào sự linh nghiệm của Kinh Thánh. Chúng ta tôn kính Kinh Thánh là Lời thánh của Đức Chúa Trời, nhưng chúng ta không đọc Kinh Thánh. Khi gặp bối rối trước những vấn đề trong cuộc sống, chúng ta thường tìm kiếm sự giúp đỡ và an ủi từ những điều khác ngoài Kinh Thánh. Có rất nhiều lý do khiến chúng ta mất lòng tin nơi Kinh Thánh. Đầu tiên, chúng ta đang sống trong một xã hội chống đối sự độc đoán. Người ta không muốn bất kỳ ai dạy họ việc phải làm, dù đó là con người hay Thượng đế. Hệ quả là nhiều Cơ Đốc Nhân không làm theo Lời Chúa, không tiếp nhận Lời Chúa vào lòng với thái độ tin cậy vâng lời để được biến đổi đời sống. Chính vì vậy, nhiều người kết luận rằng Kinh Thánh không thật sự linh nghiệm.

Dĩ nhiên, Kinh Thánh đóng vai trò trung tâm trong mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và con người. Duy nhờ Kinh Thánh mà chúng ta có thể nhận biết Chúa, và theo lời Đức Chúa Giê-su phán, đây chính là sự sống đời đời (Giăng 17:3). Kinh Thánh duy trì và nuôi dưỡng đời sống Cơ Đốc để chúng ta được lớn lên trong kinh nghiệm bước đi với Chúa. Vậy nhận định Kinh Thánh là “Quyển sách” lịch sử nhân loại là phù hợp với thực tiễn, và người nào không đặt Kinh Thánh ở đúng vị trí trong cuộc sống sẽ phải chịu tổn thất.

Tuy nhiên quyển sách mà chúng ta gọi là Kinh Thánh là gì? Làm sao con người có Kinh Thánh? Điều gì khiến Kinh Thánh có thẩm quyền? Có phải Kinh Thánh thật sự không sai lầm? Tại sao Kinh Thánh bao gồm sáu mươi sáu sách còn những sách khác thì bị loại? Lời dạy của Kinh Thánh liên hệ thế nào với hội thánh và con người? Làm thế nào chúng ta hiểu được lời dạy trong Kinh Thánh? Chúng ta cần làm gì để kinh nghiệm quyền năng biến đổi của Kinh Thánh? Những câu hỏi trên cùng với những câu hỏi khác chính là chủ đề của bài nghiên cứu này, với mục đích đó là Kinh Thánh sẽ hoàn thành công việc như đã hứa trong đời sống chúng ta.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHẦN I: KINH THÁNH

1

Tại sao Kinh Thánh được gọi là Quyển sách Sự sống?

 

So với mọi quyển sách khác trên thế giới, Kinh Thánh là ĐỘC NHẤT bởi vì những lời trong đó được nạp bằng sự sống và năng quyền của Đức Chúa Trời. Không phải người ta gắn Đức Chúa Trời vào giấy mực hay là cuộn giấy trong thời cổ đại. Nhưng sự hiện diện của Chúa được truyền đạt qua lẽ thật Lời Ngài. Năng quyền độc nhất của Lời Chúa được Cơ Đốc Nhân lẫn những người không tin Chúa kinh nghiệm như nhau. J. B. Phillips, người đầu tiên viết diễn giải Tân Ước, đã làm chứng về kinh nghiệm của chính ông trong việc cẩn thận nghiên cứu Kinh Thánh. Trong lời mở đầu của tác phẩm ông đã viết: “Người biên dịch… luôn bị choáng ngợp bởi phẩm chất hằng sống của tài liệu mà ông đang biên dịch. Chắc chắn một số người chỉ xem Kinh Thánh như là sự tôn sùng đầy mê tín đối với ‘Đức Thánh Linh,’ song hết lần này đến lần khác, tác giả cảm thấy mình như một người thợ điện đang mắc lại hệ thống điện của một căn nhà cổ xưa nhưng không thể ‘tắt lưới điện chính.’”[6]

Tương tự, nhà bác học người Pháp Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) với những triết lý mở đường cho chủ nghĩa giải phóng nhân loại, ông cũng đã cảm thấy choáng ngợp trước động lực độc nhất của Kinh Thánh. Ông viết: “Tôi thừa nhận rằng sự uy nghiêm của Kinh Thánh đã khiến tôi kinh ngạc; sự thánh khiết của các trước giả giả Phúc Âm đã phán với lòng tôi và họ có những phẩm chất của lẽ thật đầy cuốn hút, và hơn thế nữa, thật không thể bắt chước được, rằng nếu Kinh Thánh là do con người sáng tác, thì các trước giả đó chắc hẳn phải vĩ đại hơn các anh hùng vĩ đại nhất.”[7] Ngày nay chúng ta không thể nghe được những lời như thế từ những triết gia hàng đầu, tuy nhiên chắc chắn việc này không phải do Kinh Thánh không còn tác động đến tấm lòng con người nhưng do người ta không còn đọc Kinh Thánh nhiều như trước nữa.

 

NĂNG QUYỀN CỦA LỜI CHÚA

Chúng ta đều nghe câu nói: “Gậy và đá có thể đập vỡ xương tôi, nhưng lời nói không thể làm tôi tổn thương.” Tuy nhiên kinh nghiệm cho thấy nhận định này không hoàn toàn chính xác. Lời nói gây tổn thương, nhưng chúng cũng có thể chữa lành. Thậm chí Kinh Thánh đã viết về lời nói của con người rằng: “Sống chết ở nơi quyền của lưỡi” (Châm 18:21). “Lưỡi hiền lành giống như một cây sự sống; Song lưỡi gian tà làm cho hư nát tâm thần” (15:4). Lời nói con người có sức mạnh như chiếc bánh lái điều khiển được con tàu hoặc như một đám lửa nhỏ có thể làm cháy cả khu rừng (Gia 3:4-6; cũng xem Châm 25:15).

Nếu lời nói con người có sức mạnh như thế thì Lời Chúa lại càng có năng quyền gấp ngàn lần hơn! Dĩ nhiên, lời nói của con người có giới hạn do bản chất tạo vật của con người là hữu hạn. Tuy nhiên Đức Chúa Trời là vô hạn nên lời phán của Ngài có năng quyền vô song. Đức Chúa Giê-su phán cùng các môn đồ rằng: “Những lời ta phán cùng các ngươi đều là thần linh và sự sống” (Giăng 6:63), nghĩa là Lời Chúa phán có năng quyền của Đức Thánh Linh và sự sống. Vào lúc phán ra điều này, nhiều người khi trước theo Chúa đã từ bỏ không còn theo Ngài nữa. Nhưng các môn đồ vì đã tiếp nhận Lời Chúa nên được kinh nghiệm năng quyền của Lời Ngài. Khi Chúa hỏi rằng liệu các môn đồ cũng sẽ thoái lui, Phi-e-rơ quả quyết thay mặt cho mười hai môn đồ mà đáp lại rằng: “Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời” (6:68).

Trước giả sách Hê-bơ-rơ công bố: “Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng” (Hê 4:12). Điều thú vị đó là tác giả sách Hê-bơ-rơ cũng đã dùng từ “sống” để mô tả về chính Đức Chúa Trời (3:12; 9:14; 10:31; 12:22). Đức Chúa Trời hằng sống ban Lời có sự sống của Ngài. Và bởi vì Lời Chúa là lời “sống” nên lời Chúa cũng là lời “linh nghiệm.”

Trong một bản cáo trạng dài lên án các tiên tri giả đã nói những lời “không làm ích gì” cho dân Ngài, Đức Chúa Trời công bố năng quyền trong lời chân thật của Ngài: “Lời ta há chẳng như lửa, như búa đập vỡ đá sao?” (Giê 23:29, 32). Đức Chúa Trời phán cùng tiên tri Giê-rê-mi rằng: “Nầy, ta sẽ khiến lời ta nên như lửa trong miệng ngươi, dân nầy sẽ như củi, và lửa ấy sẽ nuốt nó” (5:14). Có lúc vị tiên tri này từ chối công bố Lời mà Chúa đã truyền cho ông, ông cảm nhận lời Chúa như “lửa đốt cháy” trong “lòng” và trong “xương” (20:9).

Xuyên suốt Kinh Thánh, Đức Chúa Trời thực hiện ý muốn của Ngài bằng lời năng quyền. Tất cả sự bao la của vũ trụ được tạo nên nhờ lời phán của Chúa. Tám lần trong Sáng thế ký 1 viết rằng: “Đức Chúa Trời phán…” Như tác giả Kinh Thánh viết rằng: “Thế gian đã làm nên bởi lời của Đức Chúa Trời”  (Hê 11:3). Tác giả Thi thiên khẳng định: “Các từng trời được làm nên bởi lời Đức Giê-hô-va” (Thi 33:6). “Lời có quyền phép Ngài” tiếp tục nâng đỡ muôn vật để chúng được tồn tại (Hêb. 1:3).

Lời Chúa giống như những người đưa tin đầy năng quyền chạy đi khắp trái đất để hoàn thành ý muốn Chúa. “Ngài ra lịnh mình trên đất, Lời của Ngài chạy rất mau” (Thi. 147:15). Sứ đồ Phao-lô đã cầu nguyện rằng: “Vả lại, hỡi anh em, hãy cầu nguyện cho chúng tôi, hầu cho đạo Chúa được đồn ra và được sáng danh, như thể ở trong anh em vậy” (2 Tê. 3:1). Trong thời cổ đại, khi dân sự của Đức Chúa Trời kêu cầu Chúa giữa lúc gian truân (là hậu quả của những tội lỗi mà họ đã phạm), trước giả Thi Thiên đã nói rằng: “Ngài ra lệnh chữa họ lành, rút họ khỏi cái huyệt” (Thi 107: 19-20). Và khi Lời Chúa “chạy” thì chạy cách đầy năng quyền và hiệu quả. “Lời nói của ta… đã ra từ miệng ta, thì chẳng trở về luống nhưng, mà chắc sẽ làm trọn điều ta muốn, thuận lợi công việc ta đã sai khiến nó” (Ê-sai 55:11).

Hội thánh đầu tiên gặp nhiều bắt bớ. Bắt đầu từ một nhóm nhỏ những con người tầm thường mà chẳng có ai là “vĩ nhân” theo chuẩn mực con người, mặc dầu vậy họ đã chiến thắng mọi thù địch. Việc hội thánh giảng đạo phúc âm là “lời” của Chúa đã ảnh hưởng đến cả thế giới thời bấy giờ. “Đạo Đức Chúa Trời càng ngày càng tràn ra” (Công 6:7); “đạo Đức Chúa Trời tấn tới rất nhiều, càng ngày càng tràn thêm ra” (Công 12:24); “Ấy vậy, nhờ quyền phép của Chúa, đạo bèn đồn ra, càng ngày càng được thắng” (Công 19:20). Sứ đồ Phao-lô bị giam vào ngục vì đã làm chứng cho Đấng Christ, là điều mà rất nhiều tín hữu đã phải chịu xuyên suốt lịch sử hội thánh, nhưng Phao-lô viết rằng: “đạo của Đức Chúa Trời không hề bị trói đâu” (2 Ti. 2:9). Tù đày có thể tạm dừng chuyển động của người đưa tin, nhưng nó không thể ngăn cản quyền năng của sứ điệp của Chúa. Thực tế như trong trường hợp của Phao-lô, tù đày lại “giúp thêm sự tấn tới cho đạo Tin lành” (Phi-líp 1:12).

Đức Chúa Giê-su Christ chính là Lời của Đức Chúa Trời, đích thân Ngài đã đến với con người. “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời… Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta” (Giăng 1:1, 14). Ngôi Lời nhập thể, Con Đức Chúa Trời có sự hiện diện đầy năng quyền của Đức Chúa Trời, chính vì vậy những lời Đức Chúa Giê-su phán dầy dẫy năng quyền của Đức Chúa Trời. Đến lúc tận cùng của trái đất, trời sẽ mở ra và Đấng đắc thắng, tức là Vua muôn vua và Chúa các chúa, danh Ngài là “Lời của Đức Chúa Trời,” sẽ đến cưỡi trên một con ngựa trắng để hủy phá mọi nước bởi lưỡi gươm bén ra từ miệng Ngài (Khải 19:11-16). Cảnh tượng này không khác gì đích thân Ngôi Lời của Đức Chúa Trời thi hành quyền năng Ngài bởi lời thẩm quyền từ chính miệng của Ngài. Lời ra từ miệng Đức Chúa Trời có năng quyền của Ngôi Lời nhập thể.

 

SỰ SỐNG QUA LỜI CỦA CHÚA

Đức Chúa Trời, tác giả đích thực của Kinh Thánh, chính là “Đức Chúa Trời hằng sống.” Duy Chúa là Đấng tự hữu, và mọi sự sống khác đều phụ thuộc vào Ngài.  Trước giả Thi Thiên đã nói rằng: “Vì nguồn sự sống ở nơi Chúa” (Thi. 36:9). Mọi tạo vật đều do Chúa tạo tựng và ban cho sự sống. Chính vì vậy hễ ai quay khỏi Chúa thì chắc nhận lấy sự chết. Rất nhiều người đã quay khỏi Chúa và nhận lấy sự chết. Thay vì lấy lòng biết ơn mà nhận biết Chúa và sự sống tốt lành mà Chúa đã ban, những con người đầu tiên đã không vâng lời Chúa. Kể từ đó, cội nguồn sự sống bị cắt đứt khỏi con người, Kinh Thánh kể sự tồn tại của họ là “sự chết.”

Bất kỳ ai khi nhìn vào tình trạng nhân loại ngày nay đều nhận thấy sự thật này. Xung đột và đau khổ ngày một gia tăng. Còn ở những nơi không có xung đột hay đau khổ thì thẳm sâu trong tấm lòng con người không có sự yên ổn, một tấm lòng không thỏa lòng khiến người ta không ngừng theo đuổi khoái lạc, quyền lực, hoặc một hình thức tâm linh nào đó. Điều con người cần nhất chính là sự sống, sự sống mà Đức Chúa Trời đã định cho con người. Ngài ban sự sống ấy cho những ai nhận lấy, và Ngài thực hiện qua Lời Chúa.

Ở vùng Cận Đông thời cổ đại, người ta tìm kiếm những nguồn lực của sự sống, điều mà họ cho rằng có liên hệ với các thần linh, thông qua phép thuật bùa chú hoặc các nghi lễ tôn giáo. Ngược lại, tuyển dân của Đức Chúa Trời có được sự sống nhờ vào mối liên hệ phải lẽ với Đức Chúa Trời qua Lời Chúa. Môi-se lập ra hai con đường cho tuyển dân  Y-sơ-ra-ên, một là con đường sự sống và thịnh vượng, hai là con đường sự chết và đầy trắc trở. Kết quả hoặc hậu quả là do họ có làm theo hay là chối bỏ Lời Chúa (Phục. 30:15-20). Lời mà Môi-se nhận lấy từ Đức Chúa Trời “chẳng phải một lời nói vô giá… nhưng nó là sự sống” (32:47). Các tiên tri cũng đã tuyên bố rằng sự sống là do bước đi trung tín theo các luật lệ và mạng lệnh của Chúa (ví dụ, Êxê 18:9; 20:11). A-mốt nhìn thấy trước ngày phán xét của Đức Chúa Trời sẽ có đói kém, “chẳng phải là đói về bánh, cũng chẳng phải khát về nước, bèn là về nghe lời của Đức Giê-hô-va.” Hậu quả là con người sẽ “đi dông dài từ biển nầy đến biển khác” bởi vì nền tảng sự sống của họ đã bị cất đi (A-mốt 8:11-12).

Con người ngày nay cũng chịu những hậu quả tương tự khi quay khỏi Lời Chúa để làm theo ý riêng. Lẽ thật nền tảng xuyên suốt Kinh Thánh không hề thay đổi: Là những tạo vật của Đức Chúa Trời, chúng ta không tự có sự sống. Sự sống có được là bởi ân điển của Đức Chúa Trời. Chính Đức Chúa Giê-su, Ngài vừa là con người nhưng cũng là Đức Chúa Trời, đã áp dụng lời Môi-se cho chính Ngài: “Loài người sống chẳng phải nhờ bánh mà thôi, nhưng loài người sống nhờ mọi lời bởi miệng Đức Giê-hô-va mà ra” (Phục 8:3; Ma-thi-ơ 4:4).

Sự sống tìm được nơi Đức Chúa Trời và được ban cho qua Con Ngài. Đức Chúa Giê-su phán: “Ta là sự sống lại và sự sống,” và “Ta là… sự sống” (Giăng 11:25; 14:6). Vậy các môn đồ đầu tiên đã tin và nhận thấy lẽ thật này là đúng đắn, họ tuyên xưng rằng “trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người” (1:4). Đối với các môn đồ, Đức Chúa Giê-su chính là “Chúa [hoặc ‘Đấng sáng tạo’ hoặc ‘người tiên phong’] của sự sống” (Công. 3:15).

Nhưng chính Chúa, Đấng ban sự sống, đã phó chính Ngài thông qua Lời hằng sống của Đức Chúa Trời. Sứ đồ Giăng đã viết rằng: “Điều có từ trước hết, là điều chúng tôi đã nghe, điều mắt chúng tôi đã thấy, điều chúng tôi đã ngắm và tay chúng tôi đã rờ, về Lời sự sống” (1 Giăng 1:1). “Lời sự sống” chính là Ngôi Lời nhập thể, Đấng mà các sứ đồ đã nhìn thấy và tay họ đã rờ đến Ngài. Nhưng đó cũng là điều mà họ đã “nghe” (1:3). Các sứ đồ công bố sứ điệp sự sống mà họ đã được nghe. Các tín hữu đầu tiên được khích lệ phải giữ vững “lời sự sống” (Phi-líp 2:16; cũng xem Công 5:20). Lời được truyền đạt bằng ngôn ngữ con người là “lời sự sống” khi những lời ấy công bố sứ điệp sự sống thật nơi Đấng Christ. Hơn thế nữa, khi lời sự sống được công bố, lời ấy tạo nên sự sống cho những ai tiếp nhận.

Lời Chúa có năng quyền “tái sanh,” là phép lạ biến đổi một con người khi họ đã chết về mặt tâm linh. Trong ngụ ngôn người ra đi gieo giống, Đức Chúa Giê-su ví sánh Lời Đức Chúa Trời như hạt giống (Lu-ca 8:11). Hạt lúa mì hoặc hạt ngô trông  bề ngoài như không có sự sống, nhưng khi được gieo xuống đất thì sản sinh thành một cây có sự sống. Cũng vậy, Kinh Thánh, Lời Chúa được viết thành sách, trông vẻ bề ngoài cũng giống như những quyển sách khác, nhưng khi được trồng trong lòng người thì có năng quyền kỳ diệu để sản sinh sự sống tâm linh. Cũng với hình ảnh hạt giống, Phi-e-rơ đã viết rằng: “Anh em đã được lại sanh, chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống chẳng hư nát, là bởi lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời” (1 Phi-e-rơ 1:23). Lẽ thật này được kinh nghiệm theo nhiều cách khác nhau: “Ấy chính Ngài theo ý muốn mình, đã dùng lời chân thật sanh chúng ta” (Gia-cơ 1:18). “Vừa lúc ban đầu, Ngài đã chọn anh em bởi sự nên thánh của Thánh Linh, và bởi tin lẽ thật, đặng ban sự cứu rỗi cho anh em” (2 Tê. 2:13). Đức Chúa Trời tiếp tục thu hút con người tiếp nhận Lời Ngài để được sự sống và sự cứu rỗi: “Hãy chăm chỉ nghe ta, hãy ăn của ngon… Hãy nghiêng tai, và đến cùng ta; hãy nghe ta, thì linh hồn các ngươi được sống” (Ê-sai 55:2-3).

Qua chức vụ, sứ đồ Phao-lô đã giảng dạy và trải nghiệm năng quyền Lời Chúa trong việc đem tha nhân đến với cuộc sống mới và sự cứu rỗi. Phao-lô nói rằng: “lời giảng về thập tự giá… là quyền phép của Đức Chúa Trời” (1 Côr. 1:18). “Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin”  (Rô-ma 1:16).

Sự sống chỉ được tìm thấy trong sự gắn kết với Đấng Christ, và sự gắn kết ấy chỉ có được trong đức tin nhờ Lời năng quyền của Đức Chúa Trời. Như Phao-lô đã viết: “Như vậy, đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Christ được rao giảng” (Rô-ma 10:17). Nói cách khác, sứ điệp lời Chúa chính là năng quyền kích hoạt đức tin.

Giáo phụ Augustine (354 – 430) đã nói về năng quyền sản sinh sự sống của Lời Chúa qua chính trải nghiệm của ông. Sau khi kể về câu chuyện linh hồn của ông chịu đau đớn và giằng xé giữa một bên là bản ngã tội lỗi và một bên là Chúa, ông đã viết về những gì đã xảy ra:

Khóc lóc với tấm lòng đầy đau đớn và đắng cay, đột nhiên tôi nghe một giọng nói vang lên từ căn nhà gần đó, giọng của một bé trai hoặc gái (tôi không rõ) cứ lặp đi lặp lại câu nói: “Hãy cầm lấy và đọc, hãy cầm lấy và đọc”… Tôi nhìn dòng nước mắt và đứng lên. Tôi hiểu tiếng nói ấy là một mệnh lệnh từ Chúa dành cho tôi phải mở quyển sách và đọc chương đầu tiên mà tôi tìm thấy… Tôi cầm lấy quyển sách [sách tông đồ], mở ra và đọc thầm đoạn văn đầu tiên mà mắt tôi nhìn thấy: “Chớ nộp mình vào sự quá độ và say sưa, buông tuồng và bậy bạ, rầy rà và ghen ghét; nhưng hãy mặc lấy Đức Chúa Jêsus Christ, chớ chăm nom về xác thịt mà làm cho phỉ lòng dục nó” (Rô-ma 13:13-14)… Đột nhiên, đến chữ cuối cùng của câu Kinh Thánh này, một tia sáng thiên thượng chiếu soi vào tấm lòng đầy lo âu của tôi. Mọi bóng tối nghi ngờ đều bị xua tan.[8]

Năng quyền của lẽ thật được ghi lại trong Kinh Thánh cũng đem đến sự sống mới cho Martin Luther. Ông đã thực hiện tất cả mọi điều mà một “tu sĩ tốt” của Giáo hội Công Giáo La-mã thời bấy giờ cần phải làm để xoa dịu tấm lòng bất an của mình. Sau đó ông được phong làm giáo sư Kinh Thánh tại Đại học Wittenberg. Trong vai trò mới của mình, ông nghiên cứu và giảng dạy sách Rô-ma. Trong quá trình nghiên cứu Kinh Thánh, tấm lòng của ông bị thu hút bởi khái niệm “sự công bình của Đức Chúa Trời,” là điều mà sứ đồ Phao-lô tuyên bố đã được bày tỏ trong phúc âm (Rô-ma 1:16-17). “Tôi vô cùng khao khát được hiểu thư tín của Phao-lô dành cho người Rô-ma, tuy nhiên có một điều ngăn trở tôi đó là khái niệm ‘sự công bình của Đức Chúa Trời,’ bởi vì tôi hiểu rằng đó là sự công bình mà chính Đức Chúa Trời là sự công bình và Ngài hành động trong sự công bình đó để hành phạt người không công bình… Tôi suy ngẫm ngày và đêm cho đến khi… tôi nhận ra lẽ thật đó là sự công bình của Đức Chúa Trời là sự công bình mà, chỉ nhờ ân điển và sự thương xót của Ngài. Chúa xưng công chính cho chúng ta bởi đức tin. Ngay sau đó tôi cảm thấy chính tôi được lại sanh và bước qua cánh cổng thiên đàng… Phần Kinh Thánh này của Phao-lô đối với tôi như mở ra cánh cổng vào thiên đàng.”[9]

Niềm tin vào năng quyền ban cho sự sống của Lời Chúa đã khiến việc công bố Lời Chúa trở nên nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với hội thánh đầu tiên. Phao-lô nhiều lần cầu nguyện để hội thánh được dạn dĩ rao giảng Lời Chúa (Ê-phê-sô 6:19-20; Cô-lô-se 4:3). Khao khát lớn nhất của Phao-lô đó là “đạo Chúa được đồn ra và được sáng danh” trong chức vụ của ông (2 Tê. 3:1). Sự công bố Lời Chúa và minh chứng về quyền năng ban cho sự sống của Lời Chúa trong thế gian đã giúp cho hội thánh đắc thắng và phát triển trong một thế giới bị bao trùm bởi sự tăm tối thuộc linh. Ngày nay cũng vậy.

Có một giáo sĩ  gần như chỉ dùng Kinh Thánh cho lời chứng cá nhân của mình từng được các bạn của ông hỏi rằng: “Ông sẽ làm gì khi một người chưa được cứu không chấp nhận thẩm quyền của Kinh Thánh?” Vị giáo sĩ đáp: “Nếu trong một trận chiến tôi có một thanh gươm Đa-mách loại tốt với hai lưỡi thật sắc bén, tôi sẽ không để thanh gươm ở yên trong vỏ chỉ vì đối thủ của tôi không tin rằng thanh gươm ấy sắc bén.”

Việc này không có nghĩa rằng những nghiên cứu về tính đáng tin cậy của Kinh Thánh là không có giá trị. Lý do để tin vào Kinh Thánh thường giúp người ta lắng nghe lẽ thật Kinh Thánh. Nhưng chúng ta phải luôn nhớ rằng “gươm Thánh Linh” không phải là lời nói của con người hay thậm chí là lý luận của chúng ta. Ngược lại, Kinh Thánh chính là Lời của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Giê-su phán rằng Đức Thánh Linh cáo trách thế gian “về tội lỗi, về sự công bình và về sự phán xét” (Giăng 16:8). Sự nhận biết về tội lỗi, và sự công chính của Đức Chúa Trời được tìm thấy nơi Đức Chúa Giê-su, và về sự phán xét sẽ đến là những lẽ thật mà con người cần nhận biết để tiếp nhận sự sống đời đời. Đó cũng là những lẽ thật đánh động đến tấm lòng chân thành của con người. Một tín hữu người Phi Châu đã nói rằng: “Kinh Thánh nói cho tôi biết về tấm lòng của tôi.” Đó cũng là những lẽ thật có năng quyền của Đức Thánh Linh.

Một nhà vật lý  tài năng đã khám phá điều này khi gặp gỡ D. L. Moody. Ông thừa nhận rằng ông chỉ đến nghe  Moody thuyết giảng để mua vui cho mình. “Tôi biết ngài ấy không phải là một học giả, và tôi cảm thấy chắc chắn rằng tôi có thể tìm thấy nhiều khiếm khuyết trong lập luận của ông. Nhưng tôi nhận ra rằng tôi không thể nhắm vào ông. Từ đầu đến cuối buổi diễn thuyết, ông ấy đã bắn vào tôi những câu Kinh Thánh như thể những viên đạn phát ra từ khẩu súng trường đi thẳng vào tim tôi. Tôi có thể nói rằng năng quyền của Moody đó là  ông ta có Kinh Thánh trong miệng.”[10]

Sự linh nghiệm của Lời Chúa để đem người khác đến với sự cứu rỗi đã lý giải tại sao nhiều kẻ thù của phúc âm đã thất bại trong việc xóa bỏ Kinh Thánh. Trong cuộc bắt bớ tàn khốc cuối cùng trước khi Cơ Đốc Giáo được hợp pháp hóa tại Đế quốc La-mã, chính quyền La-mã đã nghĩ cách để dẹp tan dứt điểm đạo Chúa. Khi một tín hữu đã bỏ đạo, ông này là thành viên  trong hội đồng của hoàng đế  nghe hội đồng này nói  về việc cần phải thiêu cháy mọi tín hữu Cơ Đốc, ông đáp lại rằng: “Thật vô ích khi thiêu đốt mọi Cơ Đốc Nhân, bởi nếu ngày nay quý vị tàn sát mọi Cơ Đốc Nhân nhưng vẫn để sót lại một bản sao Kinh Thánh thì ngày mai hội thánh Cơ Đốc sẽ trỗi dậy một lần nữa.” Chính vì vậy mà hoàng đế La-mã đã ra sắc lệnh tiêu hủy mọi bản sao Kinh Thánh.

 

 

3

Sự Khải Thị Phổ Quát Là Gì?

Theo một nghĩa nào đó, chủ đề của Kinh Thánh là thực tế về sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời làm cho chính Ngài được nhận biết để chúng ta là những tạo vật thông minh của Ngài có thể hiểu biết Ngài và thiết lập mối liên hệ cá nhân với Ngài. Bởi vì Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo và bảo tồn hoàn vũ. Các tạo vật tự làm chứng về lẽ thật này. Do đó, Kinh Thánh mô tả sự khải thị của Đức Chúa Trời thông qua những con đường – có thể được phân loại là sự mặc khải phổ quát và sự mặc khải đặc biệt. Sự mặc khải chung hay khải thị phổ quát thì luôn có sẵn cho tất cả mọi người trong suốt mọi thời đại. Còn sự khải thị đặc biệt là khải thị mà Đức Chúa Trời ban cho những con người cụ thể trong một thời gian đặc biệt. Những phạm trù này đôi khi được dán nhãn tương ứng là mặc khải “tự nhiên” và “siêu nhiên”, cho thấy rằng mặc khải phổ quát được truyền đạt thông qua các hiện tượng tự nhiên trong khi mặc khải đặc biệt được truyền đạt thông qua sự can thiệp siêu nhiên. Cả hai hình thức mặc khải này được đề cập trong Thi thiên 19. Đa-vít viết, “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời,

Bầu trời giãi tỏ công việc tay Ngài làm.

Ngày nầy giảng cho ngày kia,

Đêm nầy tỏ sự tri thức cho đêm nọ.

Chẳng có tiếng, chẳng có lời nói;

Cũng không ai nghe tiếng của chúng nó.

Dây đo chúng nó bủa khắp trái đất,

Và lời nói chúng nó truyền đến cực địa.

Nơi chúng nó Ngài đã đóng trại cho mặt trời” (câu 1-4)

Các câu này bày tỏ rằng các tạo vật bày tỏ ra sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Đa-vít cũng viết, “Luật pháp của Đức Giê-hô-va là trọn vẹn, bổ linh hồn lại; Sự chứng cớ Đức Giê-hô-va là chắc chắn, làm cho kẻ ngu dại trở nên khôn ngoan.  Giềng mối của Đức Giê-hô-va là ngay thẳng, làm cho lòng vui mừng; Điều răn của Đức Giê-hô-va trong sạch, làm cho mắt sáng sủa.  Sự kính sợ Đức Giê-hô-va là trong sạch, hằng còn đến đời đời; Các mạng lịnh của Đức Giê-hô-va là chân thật, thảy đều công bình cả.  Các điều ấy quí hơn vàng, thật báu hơn vàng ròng; Lại ngọt hơn mật, hơn nước ngọt của tàng ong.  Các điều ấy dạy cho kẻ tôi tớ Chúa được thông hiểu;

Ai gìn giữ lấy, được phần thưởng lớn thay.” (câu 7-11) Trong những câu này tác giả đề cập đến những giá trị của “luật pháp Đức Giê-hô-va.”

CÁC HÌNH THỨC VÀ NỘI DUNG CỦA KHẢI THỊ PHỔ QUÁT

Kinh Thánh dạy rằng Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài cho tất cả mọi người xuyên qua các công trình sáng tạo kỳ diệu của Ngài và đặc biệt là xuyên qua con người của chúng ta. Nhận thức về thế giới và vũ trụ mênh mông rộng lớn vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta chắc chắn sẽ gợi lên câu hỏi, “tất cả những điều này đến từ đâu?” Cho đến nay những nhà tư tưởng suy ngẫm về câu hỏi đó đã luôn trả lời rằng chúng đến bởi Đức Chúa Trời. Chính sự tồn tại của vũ trụ đòi hỏi một “nguyên nhân” cuối cùng – phải có một Đấng sáng tạo. Tất cả sự hài hòa, phức hợp của toàn thể vũ trụ chỉ chúng ta đến với một Đấng thiết kế hết sức khôn ngoan.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa duy vật, cả hai đều phủ nhận những gì thuộc về siêu nhiên, đã ảnh hưởng đến một số người khiến họ phủ nhận sự tồn tại của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên những bằng chứng từ công trình sáng tạo thuyết phục chúng ta nhận biết sự thực hữu của Ngài. Thuyết Big Bang phổ biến về nguồn gốc của vũ trụ chỉ ra sự khởi đầu và vô hình trung chỉ về một Đấng Sáng tạo. Các thiết kế phức hợp và phức tạp trong tự nhiên ngày càng đưa ra bằng chứng về việc có một Nhà thiết kế cực kỳ thông minh cho cả vũ trụ này.

Tất cả những sự bày tỏ trên đây khiến cho Henry Wadsworth Longfellow đã viết, “Thế giới tự nhiên là sự mặc khải về Đức Chúa Trời; nghệ thuật là sự bày tỏ về con người.”1 Những công việc  của cá nhân bày tỏ ra khả năng của người đó, vì vậy toàn thể vũ trụ phô bày ra các thuộc tính của Đức Chúa Trời. “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời,

Bầu trời giãi tỏ công việc tay Ngài làm.”

(Thi thiên 19:1)

“Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” đề cập đến chính bản chất của Đức Chúa Trời được hiển hiện. Đây là sự phô bày các đặc tánh của Ngài.

 

Phao-lô viết rằng thế giới tự nhiên bày tỏ ra các thuộc tính của Thiên Chúa. Khi giảng dạy cho những người mà không nhận được bất kỳ sự mặc khải đặc biệt nào, ông nói, “Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi, bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được, vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa; song cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm.” (Rô-ma 1:19-21)

Sự sáng tạo của Đức Chúa Trời bày tỏ “quyền năng đời đời” và “bản chất thần thánh” – các phẩm chất này bày tỏ Ngài là Đức Chúa Trời và Ngài xứng đáng để các tạo vật thờ phượng. Mặc dù Ngài không phải là một phần của tự nhiên, như một số tôn giáo khẳng định, và mặc dù Ngài vô hình, nhưng Đức Chúa Trời vẫn được bày tỏ trong công việc của Ngài. Chúng mang dấu ấn của Ngài rõ ràng đến nỗi không ai có thể thoát khỏi sự thật về sự tồn tại của Ngài. Richard Wurmbrand (1909-2001), một người nổi tiếng về sự chịu khổ vì Phúc âm trong tư cách là một nhà truyền giáo dưới chế độ cộng sản tại đất nước Romania, ông đã kể một cuộc đối thoại của cặp vợ chồng người Nga là những nhà điêu khắc và đã được dạy cả đời rằng không có Chúa sau đây:

Một lần nọ, chúng tôi thực hiện việc điêu khắc pho tượng của Stalin, vợ tôi hỏi: “Chồng ơi, ngón tay cái thế nào? Nếu chúng ta không thể đối lập ngón tay cái với các ngón tay khác – nếu các ngón tay của bàn tay giống như ngón chân – chúng ta không thể cầm một cái búa, một cái vồ, một cuốn sách, một mẩu bánh mì hay bất kỳ dụng cụ nào. Cuộc sống của con người sẽ là cực kỳ khó khăn nếu không có ngón tay cái nhỏ bé này. Nào, ai đã tạo ra ngón tay cái? Cả hai chúng ta được học về chủ nghĩa Mác ở trường dạy rằng bầu trời và mặt đất tự nhiên mà có. Chúng không phải là tạo vật của Thiên Chúa. Tôi học như thế và được bảo phải tin như thế. Nhưng nếu Thiên Chúa không sáng tạo bầu trời và mặt đất, và Ngài chỉ tạo ra ngón tay cái mà thôi, thì Ngài cũng sẽ đáng được ca ngợi vì điều nhỏ bé này.

Chúng ta ca ngợi Edison, Bell và Stephenson là những người phát minh ra bóng đèn điện, điện thoại, đường ray xe lửa và những điều khác. Nhưng tại sao chúng ta không ca ngợi người làm ra ngón tay cái? Nếu Edison không có ngón tay cái, liệu ông ta có phát minh ra được thứ gì không? Vậy nên điều đúng đắn là thờ phượng Thiên Chúa là Đấng làm nên ngón tay cái.

Ông chồng nghe vợ nói và trở nên rất giận dữ… “Đừng nói cách ngu muội. Bà đã được dạy rằng không có Đức Chúa Trời. Bà không biết là ngôi nhà chúng ta có bị nghe trộm hay sao, chúng ta sẽ có thể gặp vào rắc rối với những lời nói của bà. Hãy ghi nhớ một lần và mãi mãi rằng không có Thiên Chúa. Ở trên thiên đường không có ai cả.”

Người vợ trả lời, “Đây là một điều ngạc nhiên hơn nữa. Nếu trên thiên đàng có Đức Chúa Trời toàn năng mà tổ tiên chúng ta tin tưởng trong sự ngu ngốc, và điều tự nhiên là chúng ta có những ngón tay cái. Đức Chúa Trời toàn năng có thể làm được mọi điều, vì vậy Ngài có thể tạo ra ngón tay cái nữa. Nhưng nếu trên thiên đàng không có ai, thì đối với tôi, tôi quyết định tôn thờ hết cả tấm lòng mình với “Không có ai” là người đã tạo ra ngón tay cái.

Bạn nghĩ sao về câu chuyện này?

Ngay cả các quá trình liên tục của tự nhiên để duy trì sự sống và hoạt động cũng cung cấp bằng chứng về sự hiện diện của Đức Chúa Trời.  “Ngài cứ làm chứng luôn về mình, tức là giáng phước cho, làm mưa từ trời xuống, ban cho các ngươi mùa màng nhiều hoa quả, đồ ăn dư dật, và lòng đầy vui mừng.” (Công vụ 14:17, cũng xem 17:24-27). Chúng ta thường gọi các thảm họa là “hành động của Chúa” nhưng các sứ đồ công bố rằng những hoạt động bình thường có lợi của thiên nhiên mà chúng ta thường coi là bằng chứng về sự thực tại của Chúa. Ví dụ như Chúa Giê-su dạy rằng chim trời và hoa huệ ngoài đồng vẫn được Cha thiên thượng chăm sóc (Ma-thi-ơ 6:26-30). Các hiện tượng của tự nhiên bày tỏ ra sự thực hữu của Thiên Chúa và một số điều về thuộc tánh của Ngài cho tất cả mọi người, “Mặt trời ra từ phương trời nầy. Chạy vòng giáp đến phương trời kia; Chẳng chi tránh khỏi hơi nóng mặt trời được.” (Thi thiên 19:6)

Vượt ra ngoài sự phức tạp của cơ thể, như chúng ta thấy trong cuộc đàm thoại của cặp vợ chồng người Nga về ngón tay cái, bản chất con người chúng ta bày tỏ ra các thuộc tánh của Đức Chúa Trời. Khi nói chuyện với cư dân thành A-thên, là những người thờ vô số thần tượng, trong đó có “thần không biết,” Phao-lô phản đối việc thờ phượng tất cả các bàn thờ do con người tạo ra bằng cách chỉ vào bản chất của chúng ta. “Vì tại trong Ngài, chúng ta được sống, động, và có, y như xưa một vài thi nhân của các ngươi có nói rằng: Chúng ta cũng là dòng dõi của Ngài. Vậy, bởi chúng ta là dòng dõi Đức Chúa Trời, thì chớ nên ngờ rằng Chúa giống như vàng, bạc, hay là đá, bởi công nghệ và tài xảo của người ta chạm trổ nên” (Công vụ 17:28-29). Phao-lô nói rằng nếu chúng ta là những tạo vật của Đức Chúa Trời, thì ít nhất Ngài cũng kỳ diệu như chúng ta, và điều đó có nghĩa rằng Ngài là một thân vị sống động.

Trước đó nhiều thế kỷ, tiên tri Ê-sai cảnh báo những người nghĩ rằng họ sẽ thoát khỏi trách nhiệm về những hành động xấu xa của họ. Ông viết, “Khốn thay cho những kẻ giấu kín mưu mình cách thẳm sâu khỏi Đức Giê-hô-va, làm việc mình trong xó tối, và nói rằng: Ai thấy ta, ai biết ta?  Các ngươi thật là trái ngược quá, há nên xem người thợ gốm như đất sét sao? Đồ vật há được nói về kẻ làm nên mình rằng: Nó chẳng làm ra ta? Cái bình há được nói về kẻ tạo mình rằng: Nó chẳng có trí hiểu đâu” (Ê-sai 29:15-16). Tương tự như vậy, trước giả Thi thiên cũng viết, “Hỡi kẻ ngu dại, bao giờ các ngươi mới khôn ngoan?

Đấng đã gắn tai há sẽ chẳng nghe sao? Đấng đã nắn con mắt há sẽ chẳng thấy ư?”  (Thi thiên 94:8-9). Về bản chất, Đức Chúa Trời phán, “Hãy nhìn vào chính các ngươi. Bản chất và những khả năng của các ngươi chỉ đến Ta, Đấng tạo dựng các ngươi, Đấng vĩ đại hơn các ngươi.”

Một cách khác mà sự mặc khải phổ quát khẳng định sự hiện hữu của Đức Chúa Trời là tiến trình lịch sử loài người, mà Ngài kiểm soát. Là Đấng kiểm soát lịch sử, Ngài bày tỏ chính Ngài trong những sự kiện của con người. Khi giảng cho cư dân A-thên trên ngọn đồi Mars, Phao-lô công bố rằng, “Ngài đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người và khiến ở khắp trên mặt đất, định trước thì giờ đời người ta cùng giới hạn chỗ ở, hầu cho tìm kiếm Đức Chúa Trời, và hết sức rờ tìm cho được, dẫu Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta.  Vì tại trong Ngài, chúng ta được sống, động, và có, y như xưa một vài thi nhân của các ngươi có nói rằng: Chúng ta cũng là dòng dõi của Ngài” (Công vụ 17:26-28). Nê-bu-cát-nết-sa là vua của đế quốc Ba-by-lôn phải học tập khó khăn để cuối cùng nhận biết rằng “Đấng Rất Cao cai trị trong nước của loài người, và Ngài muốn ban cho ai tùy ý” (Đa-ni-ên 4:32, cũng xem 4:34-37). Lẽ thật trong Châm ngôn 14:34, “Sự công bình làm cho nước cao trọng; Song tội lỗi là sự hổ thẹn cho các dân tộc” là điều hiển nhiên đối với tất cả những học sinh có tư duy về lịch sử.

Luật pháp mà Đức Chúa Trời viết một cách tự nhiên trong lòng con người là một sự khẳng định khác về mặc khải phổ quát. Đấng sang tạo quyền năng cũng là Đấng ban cho luật đạo đức và phán xét. Mỗi người đều có cảm nhận về điều đúng và sai. “Vả, dân ngoại vốn không có luật pháp, khi họ tự nhiên làm những việc luật pháp dạy biểu, thì những người ấy dầu không có luật pháp, cũng tự nên luật pháp cho mình.  Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ: Chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vực mình” (Rô-ma 2:14-15).

Vị sứ đồ cũng nói rằng chúng ta dùng tri thức về đúng sai để phán xét người khác, nhưng tiếc rằng nó không có sức mạnh để khiến chúng ta thực hiện những gì đúng. Ông kết luận, “hỡi người kia, ngươi là ai mặc lòng, hễ đoán xét kẻ khác thì không thể chữa mình được; vì trong khi đoán xét họ, ngươi cũng lên án cho chính mình ngươi nữa, bởi ngươi đoán xét họ, mà cũng làm các việc như họ” (2:1). Immanuel Kant đi tới kết luận rằng có hai điều  lấp đầy tấm lòng con người: “bầu trời đầy sao ở trên và luật đạo đức bên trong.” Mặc dù  từ chối thẩm quyền của Kinh Thánh, cảm giác về “lẽ phải” này đã khiến ông  tin vào thực tại của Chúa. C. S. Lewis đã làm chứng rằng thực tế về luật đạo đức này đã đưa Immanuel Kant ra khỏi chủ nghĩa vô thần.

Một số nhà khoa học xã hội phản đối rằng luật đạo đức mà chúng ta tìm cách vận hành thông qua lương tâm của mình chỉ là sản phẩm của xã hội chúng ta. Họ nói rằng chúng được đặt ở đó bởi môi trường giáo dục của chúng ta. Đúng vậy, chúng ta có thể đã học được một số quy tắc cư xử có thể chấp nhận được từ cha mẹ mình hoặc từ những người khác, nhưng điều này không chứng minh rằng: thực tế của các qui luật này là sản phẩm của thầy giáo, hay bảng cửu chương, mà chúng ta đã học ở trường học, là sản phẩm của giáo viên chúng ta.

Hơn nữa, mặc dù có sự khác biệt đáng kể về quy tắc đạo đức giữa các xã hội, nhưng có những điểm tương đồng đáng kinh ngạc ở các cấp độ cơ bản. Chúng ta thường nghe rằng ở một số nền văn hóa, kẻ trộm hoặc kẻ gian xảo được đánh giá cao, trong khi ở những nền văn hóa khác, chúng bị xem là những kẻ vô lại, bị ruồng bỏ. Ngày hôm nay nhiều người tin rằng các tiêu chuẩn đạo đức là hoàn toàn mang tính cá nhân. Họ nói không có mã phổ quát của điều đúng và sai ràng buộc tất cả mọi người. Nhưng thử nghiệm thực sự về ý thức đạo đức của chúng ta với tư cách là con người không nằm ở những gì chúng ta đưa ra trong các hành động đối với người khác hoặc thậm chí ở những gì bản thân chúng ta nghĩ là đạo đức hay vô đạo đức. Sự mặc khải thực sự của các qui luật đánh giá điều đúng điều sai đến trong những gì chúng ta giải thích có liên quan đến chính bản thân. Một kẻ cắp có thể nhận được sự tôn trọng giữa vòng một số người của nó, khi nó ăn cắp của người khác, nhưng nó không chấp thuận ăn cắp khi điều đó chống lại chính bản thân! Tương tự như vậy, việc giết người khác có thể là một điều vinh dự đối với một số người, nhưng có ai cảm thấy điều đó là tốt khi người bạn thân nhất của mình bị giết hoặc chính bản thân mình bị giết không? Khi được đánh giá theo cách này, chúng ta nhanh chóng thấy rõ rằng mặc dù các tiêu chí đạo đức của chúng ta có phần bị xoay chuyển vì tội lỗi, nhưng các tiêu chuẩn sâu xa của đúng và sai vẫn là điều phổ biến đối với tất cả mọi người.

Cảm giác đúng và sai, và cảm giác khó chịu xuất hiện khi chúng ta vi phạm tiêu chuẩn nào đó, thì làm chứng cho mọi người về một Đức Chúa Trời tạo ý thức đạo đức trong tâm trí con người. “ý thức ở trong tôi là tôi mắc một món nợ,” Robert Browning đã viết, “Bạn phải bảo đảm rằng phải có một ai đó sẵn sàng trả món nợ khi đến hạn. Tất cả đều đi đến điều này: đến hạn phải trả nợ. Chúng ta phải tìm kiếm người chấp nhận trả nợ khi đến hạn.”

Nếu một mình chúng ta là người xây dựng nên bản chất đạo đức của chúng ta, thì tội lỗi sẽ không có vấn đề gì – chỉ cần thay đổi tiêu chuẩn, và ý thức về đạo đức sẽ không còn nữa, cùng với cảm giác tội lỗi cho những hành động không phù hợp. Nhưng chỉ những kẻ giết người – mà chúng ta thừa nhận là bất thường – mới có khả năng sống mà không có lương tâm đạo đức. Mỗi người bình thường đều có một ý thức về “trách nhiệm” đạo đức, đó là định nghĩa rằng họ đang “đáp trả” một người nào đó bên ngoài mình- Môt ai đó đã viết ra một tiêu chuẩn về sự công bình trong tấm lòng của tất cả mọi người.

HIỆU ỨNG CỦA MẶC KHẢI PHỔ QUÁT

(Hiệu ứng: sự biến đổi của một hệ thống nào đó khi chịu tác động của một tác nhân nhất định.

Effect: hiệu ứng, là kết quả của một sự tác động.)

 

Bởi vì có sự mặc khải phổ quát dẫn đến thực tế là mọi người có một số kiến thức không chỉ đơn giản về một vị thần, nhưng là một Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật của Kinh Thánh. Phao-lô đã giải thích điều này cho cư dân ở A-thên, “Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới và mọi vật trong đó, là Chúa của trời đất, chẳng ngự tại đền thờ bởi tay người ta dựng nên đâu. Ngài cũng chẳng dùng tay người ta hầu việc Ngài dường như có cần đến sự gì, vì Ngài là Đấng ban sự sống, hơi sống, muôn vật cho mọi loài. Ngài đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người và khiến ở khắp trên mặt đất, định trước thì giờ đời người ta cùng giới hạn chỗ ở » (Công vụ 17 :24-26). Vì vậy mọi người phải “tìm kiếm Đức Chúa Trời, và hết sức rờ tìm cho được, dẫu Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta” (câu 27).

Những lời của Phao-lô về sự khải thị của Đức Chúa Trời cho những ai từ chối Ngài thậm chí còn rõ ràng hơn kiến thức của họ về Đức Chúa Trời: “Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi, bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được, vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa; song cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm” (Rô-ma 1:19-21). Đó là tri thức về Đức Chúa Trời chân thật được nhìn thấy từ những lời của vị sứ đồ nói với những người “biết Đức Chúa Trời mà không làm sang danh Ngài.”  Họ biết Đức Chúa Trời, nhưng không tôn kính Ngài (câu 21). Họ là những người “không tin kính và mọi sự không công bình của những người dùng sự không công bình mà bắt hiếp lẽ thật” (câu 18). Các hình tượng và những tà thần họ thờ lạy là kết quả của hành động từ chối Đức Chúa Trời, và thay thế vào đó là các triết lý, suy nghĩ của riêng họ và lựa chọn thờ lạy các thần hư không khác. “Họ tự xưng mình là khôn ngoan, mà trở nên điên dại…vì họ đã đổi lẽ thật Đức Chúa Trời lấy sự dối trá, kính thờ và hầu việc loài chịu dựng nên thế cho Đấng dựng nên, là Đấng đáng khen ngợi đời đời! A-men” (1:22, 25)

Mục đích của mặc khải phổ quát là khiến con người tìm kiếm Đức Chúa Trời trong tình trạng tội lỗi của con người.  Vấn đề cơ bản ở đây không nằm trong trí tuệ, nhưng là ý chí. Tội lỗi đã đi vào thế giới khi tổ phụ con người bị cám dỗ muốn trở nên ngang bằng Đức Chúa Trời (Sáng. 3:5). Con người từ chối đầu phục Đức Chúa Trời chân thật. Họ chọn chính mình làm trung tâm thay vì nhường vị trí đó cho Đấng tối cao. Từ cơ sở không đúng đắn và biến thái này, họ tìm cách xây dựng một triết lý sống thỏa mãn. Họ đưa ra ý nghĩa riêng của họ cho dữ liệu của sự mặc khải chung hơn là thừa nhận Đức Chúa Trời và tìm cách hiểu mọi thứ từ quan điểm của Ngài.

Tuy nhiên, sự mặc khải phổ quát vẫn phục vụ các mục đích của Đức Chúa Trời. Bởi vì tri thức về Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật đã được ban cho các tạo vật và đến với mỗi người. “bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được” (1:20). Không ai có thể biện minh được trước mặt Thiên Chúa là tôi không biết Ngài. “Vả, dân ngoại vốn không có luật pháp, khi họ tự nhiên làm những việc luật pháp dạy biểu, thì những người ấy dầu không có luật pháp, cũng tự nên luật pháp cho mình.  Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ: Chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vực mình.  Ấy là điều sẽ hiện ra trong ngày Đức Chúa Trời bởi Đức Chúa Jêsus Christ mà xét đoán những việc kín nhiệm của loài người, y theo Tin lành tôi” (2:14-16). Một ngày trong tương lai mọi người sẽ ra trước mặt Chúa để được phán xét – đây là điều mà Phao-lô luận giải. Vị trí không thể bào chữa của mọi người được thể hiện rõ ràng bởi thực tế là tất cả họ đều có xu hướng đánh giá người khác bằng ý thức bẩm sinh của họ về đúng và sai. Họ cáo buộc người khác làm điều sai, thì chính những cáo buộc này cũng chỉ thẳng về phía họ. “Vậy, hỡi người kia, ngươi là ai mặc lòng, hễ đoán xét kẻ khác thì không thể chữa mình được; vì trong khi đoán xét họ, ngươi cũng lên án cho chính mình ngươi nữa, bởi ngươi đoán xét họ, mà cũng làm các việc như họ  Vả, chúng ta biết rằng sự phán xét của Đức Chúa Trời đối với kẻ làm những việc như thế, là hiệp với lẽ thật.  Hỡi người đoán xét kẻ phạm những việc dường ấy mà mình cũng phạm kia, vậy ngươi tưởng rằng chính mình ngươi sẽ tránh khỏi sự phán xét của Đức Chúa Trời sao?”  (2 :1-3). Trong khi mặc khải phổ quát không nói với chúng ta về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời và giải pháp xử lý vấn đề tội lỗi của con người, thì nó chỉ ra nhu cầu này.

 

Sự mặc khải phổ quát cũng   góp phần bảo tồn xã hội và văn hóa loài người. Những ý tưởng về lẽ thật và sự giả dối, công lý và bất công, giúp duy trì trật tự giữa các dân tộc, có nguồn gốc từ sự mặc khải này. Nói ngắn gọn, sự mặc khải phổ quát giúp kiểm tra xu hướng tội lỗi ngăn ngừa sự hỗn loạn và thoái hóa của xã hội loài người. Còn nếu để bản chất con người phóng túng theo tội lỗi thì sẽ sớm đưa nền văn minh đến chỗ kết thúc.

Ngoài ra, thực tế là tất cả mọi người nhận thức về Thiên Chúa qua sự mặc khải phổ phục vụ cho nhiệm vụ truyền giáo. Phao-lô nhận thấy cư dân ở A-thên có “đầy dẫy các hình tượng” trong đó bao gồm luôn vị “thần không biết”. Vì vậy ông sử dụng nhận thức này của người A-thên để chỉ cho họ một Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật được bày tỏ qua Chúa Giê-su Christ (Công vụ 17:16-31). Mặc dù thực tế là nhiều người trong thời gian gần đây không đưa ra cùng một bằng chứng công khai về bản chất tôn giáo như người A-thên với các thần tượng của họ. Kinh Thánh dạy về sự mặc khải phổ quát nói rằng khi họ nhận thức về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, và điều này đóng vai trò như một điểm liên hệ khi chúng ta làm chứng cho họ.

 

 

4

Mặc Khải Đặc Biệt Là Gì?

NHU CẦU CHO MẶC KHẢI ĐẶC BIỆT

 

Trong khi bản chất tự nhiên của con người và cõi sáng tạo bày tỏ một số điều về Đức Chúa Trời. Tuy nhiên những điều này không được thiết kế để chúng ta có thể hiểu biết đầy đủ về Ngài và ý muốn Ngài cho chúng ta. Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta cho chính Ngài. Đức Chúa Trời sáng tạo chúng ta để chúng ta thiết lập mối quan hệ với Ngài. Nhìn vào sự xinh đẹp và trật tự hài hòa trong vườn Ê-đen, A-đam và Ê-va biết đến các tác phẩm của Đức Chúa Trời, nhưng nếu muốn nhận biết Ngài cách cá nhân họ phải giữ mối tương giao gần gũi với Ngài. Từ buổi bình minh của lịch sử con người, Đức Chúa Trời không chỉ bày tỏ chính Ngài qua cõi sáng tạo, nhưng cũng bày tỏ trực tiếp bằng các lời của Ngài.

Ngắm nhìn cõi sáng tạo và suy ngẫm về bản chất của chúng, có thể sẽ không bao giờ giúp cho A-đam và Ê-va đi đến chỗ nhận biết ý muốn Đức Chúa Trời và mục đích Ngài dành cho cuộc đời của họ là cai quản trái đất (Sáng thế ký 1:26-28), và chăm sóc khu vườn (2:15). Đức Chúa Trời đã giao nhiệm vụ này cho họ thông qua các lời (words). Chúng ta không biết đầy đủ các chi tiết về sự giao tiếp giữa Đức Chúa Trời với tổ phụ loài người. Tuy nhiên từ “đi ngang”  trong Sáng thế ký 3:8, “Lối chiều, nghe tiếng Giê-hô-va Đức Chúa Trời đi ngang qua vườn, A-đam và vợ ẩn mình giữa bụi cây, để tránh mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời” cho biết rằng đó là một sự xuất hiện thường xuyên của Ngài. Từ này cũng được dùng khi đề cập đến sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong đền tạm. Vì vậy một người nghiên cứu Kinh Thánh kết luận rằng vườn Ê-đen cũng như đền tạm là nơi chốn Đức Chúa Trời hiện diện, và rằng “có thể một cuộc trò chuyện hàng ngày giữa Đấng Toàn năng và các sinh vật của Ngài là thông lệ”1   Vì vậy, ngay từ ban đầu, mặc khải phổ quát thông qua tự nhiên đã cung cấp nền tảng cho giao tiếp bằng lời nói cá nhân.

 

Sự xâm nhập của tội lỗi vào thế giới làm tăng nhu cầu giao tiếp cá nhân. Thông qua tự nhiên và lương tâm, lịch sử bày tỏ rằng con người đi đến một nhận thức là có Đức Chúa Trời, và Ngài thiết lập thế giới loài người trên những nguyên tắc của luật đạo đức. Con người cũng có ý thức là không ai có thể sống và thực hành kiên định trên những luật này. Nhưng không nơi nào trong tự nhiên hay trong chính con người mà chúng ta tìm ra lối thoát cho tình huống khó xử này.

Lịch sử của các tôn giáo bày tỏ rằng khi con người không nhận được khải thị đặc biệt của Đức Chúa Trời, họ không tìm thấy sự giải thoát thực sự khỏi cảm giác tội lỗi. Các tôn giáo được xây dựng lên để tìm câu trả lời, nhưng ngoại trừ sự khải thị đặc biệt, thì những người sùng đạo vẫn còn bị mắc kẹt với những kiến thức họ có trong khải thị phổ quát. Họ biết họ phải sống theo những tiêu chuẩn rõ ràng, cụ thể. Nhưng họ không thể. Do đó họ thiết lập nhiều phương cách để bù đắp cho sự thất bại của họ.

Không thể tránh khỏi các tôn giáo được thành lập dựa trên sự mặc khải phổ quát là những tôn giáo của công đức/việc làm. Không nhận được sự khải thị đặc biệt về sự tha thứ của Đức Chúa Trời xuyên qua Đấng Christ, họ không bao giờ được yên nghỉ với những gánh nặng của tội lỗi. Trước giả Thi thiên đã viết, “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Bầu trời giãi tỏ công việc tay Ngài làm” (Thi. 19:1) và “Luật pháp của Đức Giê-hô-va là trọn vẹn, bổ linh hồn lại” (Thi. 19:7).

Sự mặc khải đặc biệt bổ sung một số chân lý còn thiếu trong sự khải thị phổ quát về Đức Chúa Trời trong cõi sáng tạo, và nó cũng khiến cho con người có khả năng để nhìn xem các lẽ thật trong sự mặc khải phổ quát chính xác. Cho đến khi một người được phục hòa với Đức Chúa Trời nhờ vào mối liên hệ cá nhân với Chúa Giê-su Christ, thì người người đó mới có thể nhìn xem thế giới trong lăng kính của Đức Chúa Trời. Chỉ có sự soi sáng của Đức Chúa Trời mới có thể mở đôi mắt bị mù vì tội lỗi.  Người nào nói đến sư vinh hiển của Đức Chúa Trời trong các từng trời là một người tin kính Ngài. Nhưng một người vô thần nhìn vào các từng trời, anh ta sẽ đưa ra một kết luận khác. John Calvin, nhà cải chánh vĩ đại của Pháp, đã minh họa một cách khéo léo sự cần thiết của khải thị đặc biệt cho một người đọc “quyển sách của tự nhiên” một cách chính xác, “Cũng giống như những người đàn ông già hoặc mắt mờ và những người có thị lực yếu, nếu bạn ném trước mặt họ một tập sách đẹp nhất, ngay cả khi họ nhận ra đó là một loại văn bản nào đó, nhưng họ khó có thể đọc ra hai từ, nhưng với sự hỗ trợ của kính đeo mắt họ sẽ bắt đầu đọc một cách rõ ràng; vì vậy  tập họp những  hiểu biết về Đức Chúa Trời còn lộn xộn trong tâm trí chúng ta qua mặc khải phổ quát thì Kinh Thánh đã giải tán sự buồn tẻ của chúng ta, cho chúng ta thấy rõ một Đức Chúa Trời chân thật.”2                                                                                                                           Sự mặc khải đặc biệt mà qua đó Đức Chúa Trời giao tiếp trực tiếp theo cách cá nhân, do đó rất quan trọng đối với đời sống con người. Từ buổi ban đầu con người được tạo dựng để giao tiếp với Đức Chúa Trời. Khi tội lỗi bước vào trong dòng dõi loài người, nó phá vỡ sự thông công này. Nhưng kế hoạch của Đức Chúa Trời yêu thương là phục hồi sự gãy đổ. Điều này đòi hỏi Đức Chúa Trời của ân điển phán với chúng ta qua sự mặc khải đặc biệt.

 

NHỮNG HÌNH THỨC CỦA SỰ MẶC KHẢI ĐẶC BIỆT

Đức Chúa Trời giao tiếp với chúng ta bằng cách nào? Một số học giả nói rằng Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài trong các hành động quyền năng xuyên suốt lịch sử, và không qua Lời. Một số khác chỉ ra rằng sự mặc khải cá nhân về Đức Chúa Trời được bày tỏ trong Đấng Christ. Bởi vì Đấng Christ được gọi là Ngôi Lời (Giăng 1:1), họ lập luận rằng những lời của Kinh Thánh không phải là Ngôi Lời. Những quan điểm như thế đòi hỏi chúng ta phải tra xét cẩn thận những gì Kinh Thánh nói về sự mặc khải đặc biệt của Đức Chúa Trời.

Trước giả sách Hê-bơ-rơ công bố, “Đời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách,  rồi đến những ngày sau rốt nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài, là Con mà Ngài đã lập lên kế tự muôn vật, lại bởi Con mà Ngài đã dựng nên thế gian » (Hê-bơ-rơ 1 :1-2). Tại tuyên bố này gợi ý, mặc khải đặc biệt cũng bao gồm một loạt các phương pháp khác, lên đến đỉnh điểm là sự xuất hiện của Con Đức Chúa Trời.

Các biểu hiện về Đức Chúa Trời mà con người có thể nhìn thấy được (Theophanies).

Phương cách nổi bật mà Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài từ buổi bình minh của lịch sử được ghi lại trong Kinh Thánh là thông qua các biểu hiện có thể nhìn thấy được cho con người về Đức Chúa Trời. Từ theophany  có nguồn gốc từ hai từ Hy-lạp là Theos (Đức Chúa Trời) và phaino (hiển thị hoặc xuất hiện). Vì vậy Theophany là sự xuất hiện của Đức Chúa Trời.

Trong một số trường hợp các hình thức của sự xuất hiện Đức Chúa Trời không được bày tỏ. Ví dụ, khi Kinh Thánh ký thuật, “Đức Giê-hô-va hiện ra cùng Áp-ram” (Sáng. 12:7). Trong những trường hợp khác Kinh văn chỉ ra rằng Đức Chúa Trời đã có những hình thức khác nhau để làm cho chính Ngài được biểu hiện. Trong một cơ hội, Áp-ra-ham bày tỏ long hiếu khách chào mửng ba người đàn ông đến trong nhà trại của mình. Hai người trong số họ là thiên sứ, nhưng người thứ ba là chính Đức Chúa Trời. “Áp-ra-ham nhưng mắt lên, thấy ba người đứng trước mặt. Vừa khi thấy, bèn bắt từ cửa trại chạy đến trước mặt ba người đó, sấp mình xuống đất” (Sáng. 18:2). “các đấng bèn từ đó đi qua hướng Sô-đôm; nhưng Áp-ra-ham hãy còn đứng chầu trước mặt Đức Giê-hô-va.  Áp-ra-ham lại gần và thưa rằng: Chúa sẽ diệt người công bình luôn với người độc ác sao?” (câu 22-23). “Lối chiều, hai thiên sứ đến Sô-đôm; lúc đó, Lót đương ngồi tại cửa thành. Khi Lót thấy hai thiên sứ đến, đứng dậy mà đón rước và sấp mình xuống đất” (19:1).

Con người bí ẩn mà đã vật lộn với Gia-cốp tại Phê-ni-ên cũng là một trong những hình thức hiện ra của Đức Chúa Trời. Gia-cốp đã nói, “Tôi đã thấy Đức Chúa Trời đối mặt cùng tôi và linh hồn tôi được giải cứu” (câu 30).
Nhiều lần sự hiện ra của Đức Chúa Trời được Kinh Thánh mô tả là “Thiên sứ của Đức Giê-hô-va.”  Chúng ta đọc trong Xuất. 3:2, “Thiên sứ của Đức Giê-hô-va hiện ra cùng người (Môi-se) trong ngọn lửa, giữa bụi gai kia.”  Và thiên sứ này cũng hiện ra trong hình dáng của một con người, và Kinh văn làm cho điều này sáng tỏ người đó không phải là thiên sứ bình thường. Một số điều về sự xuất hiện của thiên sứ hoặc thông điệp tiên tri của ông đã nói với A-ga khi bà đang trốn chạy trong sa mạc, “Thiên sứ của Đức Giê-hô-va dạy nàng rằng: Ngươi hãy trở về chủ ngươi …

Nàng gọi Đức Giê-hô-va mà đã phán cùng mình, danh là “Đức Chúa Trời hay đoái xem,” vì nàng nói rằng: Chính tại đây, tôi há chẳng có thấy được Đấng đoái xem tôi sao?” (Sáng. 16:9-13). Từ sự hiện ra đáng kinh sợ, cùng với lời tiên tri và cách mà “thiên sứ của Đức Giê-hô-va cũng lên theo trong ngọn lửa của bàn thờ” (Các quan xét 13:20), cha mẹ của Sam-sôn biết đó là thiên sứ của Đức Giê-hô-va, và cũng là Đấng họ nhận biết là Đức Giê-hô-va (Các quan xét 13:3-23; cũng xem 6:11-24).

Mặc dù không phải là “theophanies” theo nghĩa đen, thiên sứ đã xuất hiện trong các giấc mơ (Sáng. 31:11-13) và nói chuyện với từng cá nhân mà không có bất kỳ hình dáng rõ ràng nào (ví dụ, 22:11-12). Nhiều sinh viên trường Kinh Thánh tin rằng thiên sứ của Đức Giê-hô-va không phải ai khác nhưng là chính là Con Đức Chúa Trời mà sau này đã giáng sinh tại Bết-lê-hem. Mặc dù điều này có thể không được kết luận, nhưng thực tế là Ngài có thể tha thứ tội lỗi và việc Ngài mang danh Đức Chúa Trời cho thấy rõ ràng rằng Ngài là sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Theo một nghĩa khác, sự xuất hiện của Đấng Christ trong thân xác con người cũng là một biểu hiện về Đức Chúa Trời mà con người có thể nhìn thấy được, nhưng nó khác với tất cả những điều còn lại. Trong những trường hợp khác, Đức Chúa Trời chỉ mặc lấy một hình dạng khi Chúa Giê-su giáng sinh, Đức Chúa Trời Con đã mặc lấy chính Ngài trong bản chất con người xác thực.

 

Các giấc mơ và khải tượng

Mặc dù các giấc mơ không đóng vai trò chính trong sự mặc khải, vào một số trường hợp quan trọng, đặc biệt là trong sách Sáng thế ký và Đa-ni-ên, Đức Chúa Trời truyền thông điệp đến các đầy tớ Ngài thông qua các giấc mơ. Một trường hợp được nhiều người biết đến là Gia-cốp nhìn thấy một cái thang từ đất nối lên đến trời (Sáng. 28:12-16) và giấc mơ của Giô-sép liên quan đến vị trí lãnh đạo trong tương lai của ông (Sáng. 37:5-7, 9). Sa-lô-môn trong 1 Các vua 3:5 và Giô-sép, chồng của Ma-ri cũng nhận được các giấc mơ mà qua đó Đức Chúa Trời bày tỏ khải thị thiên thượng.

Các giấc mơ không chỉ giới hạn trong dân sự của Đức Chúa Trời, Ngài cũng bày tỏ kế hoạch tương lai của Ngài trong giấc mơ cho Pha-ra-ôn ở Ai-cập và Nê-bu-cát-nết-sa ở Ba-by-lôn (Sáng. 41:1-7; Đa-ni-ên 2:3, 31-35). Tuy nhiên trong cả hai trường hợp này sự giải thích giấc mơ thuộc về người của Đức Chúa Trời. Hầu hết những giấc mơ mặc khải này đều bao gồm lời nói của Đức Chúa Trời, nhưng với giấc mơ của Giô-sép chỉ bày tỏ về chính ông và các anh em của ông.

Các khải tượng phổ biến hơn nhiều như một phương tiện mặc khải, đặc biệt là đối với các nhà tiên tri. Trong một số trường hợp những gì đượcnhìn thấy được mô tả trong một cảnh tượng. Ê-xê-chi-ên đã nhìn thấy đền thờ Giê-ru-sa-lem trong một khải tượng (Ê-xê-chi-ên 8:3). Tuy nhiên những gì A-mốt nhìn thấy liên quan đến Israel (A-mốt 1:1) và cũng liên quan đến việc nghe hoặc nhận thức các lời. Các khải tượng thường được nối kết với các tiên tri nhiều đến nỗi họ được gọi là “những người nhìn thấy” (ví dụ, 2 Sa-mu-ên 24:11; 1 Sử ký 9:22; 2 Sử ký 16:7; 29:30).

Giao tiếp trực tiếp

Đức Chúa Trời thường xuyên phán trực tiếp với con người. Các cụm từ này thường xuyên xuất hiện trong Kinh Thánh: Đức Chúa Trời phán, có lời của Đức Giê-hô-va đến với tôi. Trong một số trường hợp dường như đây là tiếng nói có thể nghe được bằng tai, như Phao-lô nghe một tiếng phán từ trên cao (Công vụ 9:4) và chàng trai trẻ tuổi Sa-mu-ên nghe tiếng phán của Chúa (1 Sa-mu-ên 3:4, 6, 8, 10-14). Trong những trường hợp khác, dường như là một tiếng nói từ bên trong hướng dẫn dân sự của Đức Chúa Trời giống như khi chúng ta giữ yên lặng trong khi cầu nguyện với Chúa và nghe tiếng Ngài phán. Khi một thiên sứ của Chúa ra lệnh cho Phi-líp đuổi theo hoạn quan Ê-thi-ô-pi (Công vụ 8:29), hay khi Đức Thánh Linh bảo Phi-e-rơ rằng có ba người đang tìm ông (Công vụ 10:19), hay khi hội thánh sai phái Phao-lô và Ba-na-ba đi truyền giáo (13:2). Những trường hợp này có thể là nghe được tiếng nói của Đức Chúa Trời từ bên trong. Loại tiết lộ này có thể là những gì Phao-lô nhận được từ Đấng Christ trong thời gian ông ở sa mạc A-ra-bi (Ga-la-ti 1:11-17).

Một trường hợp duy nhất Đức Chúa Trời nói chuyện trực tiếp với Môi-se được ghi trong Xuất Ê-díp-tô ký 33:11, “Đức Giê-hô-va đối diện phán cùng Môi-se, như một người nói chuyện cùng bạn hữu mình.” Khi Mi-ri-am và A-rôn đặt câu hỏi về uy quyền của Môi-se, Đức Chúa Trời phán rằng Ngài nói chuyện với họ xuyên qua các khải tượng và giấc mơ, nhưng với Môi-se thì khác. Đức Chúa Trời nói về Môi-se: “Tôi tớ Môi-se ta không có như vậy, người thật trung tín trong cả nhà ta. Ta nói chuyện cùng người miệng đối miệng, một cách rõ ràng, không lời đố, và người thấy hình Đức Giê-hô-va” (Dân số ký 12:7-8). Điều này bày tỏ sự thân mật trực tiếp giữa Đức Chúa Trời và Môi-se.

Các thiên sứ

Thỉnh thoảng Đức Chúa Trời dùng các thiên sứ để truyền đạt sự mặc khải của Ngài. Họ xuất hiện trong vai trò này, đặc biệt là khi Đức Chúa Trời khởi đầu một công việc mới.  Ví dụ Luật pháp được ban cho bởi Môi-se, nhưng qua trung gian là các thiên sứ. “các ngươi đã nhận luật pháp truyền bởi các thiên sứ, nhưng không giữ lấy” (Công vụ 7:53; Ga-la-ti 3:19). Một thiên sứ đã thông báo tin mừng về sự giáng sinh của Cứu Chúa (Lu-ca 2:10, 13). Một trong những trường hợp sinh động nhất là sự bày tỏ của thiên sứ với Đa-ni-ên. Trong hai tình huống Đức Chúa Trời trả lời sự cầu nguyện của Đa-ni-ên về Israel bằng cách gửi thông điệp thông qua các thiên sứ, một trong các thiên sứ đó là Gáp-ri-ên (Đa-ni-ên 9:2-21; 10:10-21). Trong khi các thiên sứ vượt trội hơn con người về nhiều mặt, thì họ vẫn chỉ là những sứ giả (người đưa tin) cho Lời của Đức Chúa Trời, không phải là tác giả của thông điệp. Sự giới hạn của thiên sứ về tri thức được sứ đồ Phi-e-rơ đề cập đến: “những người nhờ Đức Thánh Linh từ trên trời sai xuống, mà giảng Tin lành cho anh em; các thiên sứ cũng ước ao xem thấu những sự đó” (1 Phi-e-rơ 1:12).

Các phép lạ

 

Khi Đức Chúa Trời truyền đạt lời Ngài trực tiếp cho con người, Ngài thường đưa ra bằng chứng về sự hiện diện của Ngài bằng cách thực hiện các phép lạ. Bởi một phép màu, chúng ta đang đề cập đến một hành động khác với những sự kiện thông thường. Thông thường Đức Chúa Trời vận hành vũ trụ của Ngài theo cái mà chúng ta gọi là “các quy luật tự nhiên,” mà Ngài đã thiết lập như một phần của tạo vật. Phép lạ xảy ra khi Đức Chúa Trời chọn hành động một cách phi thường với mục đích bày tỏ chính Ngài.

Ngôn ngữ Kinh Thánh cho các phép lạ cho thấy chức năng mặc khải của chúng. Nói về những phép lạ của Chúa Giê-su, Phi-e-rơ mô tả chúng là “những phép lạ, những điều kỳ diệu và những dấu lạ” (Công vụ 2:22). Đây không phải là ám chỉ đến ba loại hành vi khác nhau, mà là cùng một hành động được nhìn từ ba quan điểm. Thuật ngữ “phép lạ” xem hành động như một sự phô trương quyền lực. Từ quan điểm của nhân vật nổi bật của họ và sự ngạc nhiên gợi lên, họ là “kỳ quan.” Và từ “dấu hiệu” chỉ trực tiếp đến mục đích của chúng như những sự kiện mặc khải. Các dấu hiệu trong Kinh Thánh giống như những con trỏ hướng sự chú ý của chúng ta đến một điều gì đó.

 

Theo những lời tiên tri trong Cựu Ước, Đấng Mê-si sẽ đến và làm phép lạ như những dấu hiệu chỉ ra vị thần cứu thế của Ngài. Vì lý do này, người Do Thái liên tục hỏi Chúa Giê-su, “Ngài cho chúng tôi thấy dấu hiệu nào?” (Giăng 2:18; xem thêm Ma-thi-ơ 12:38; 16: 1). Phép lạ chữa lành người bại liệt (Mác 2) minh họa ba khía cạnh này của một phép lạ. Rõ ràng, quyền năng của Đức Chúa Trời đã được thể hiện khi người đàn ông bại liệt nằm trên giường đứng dậy và bước đi (2:12). Hiệu quả của sự ngạc nhiên được thấy trong lời này, “Kẻ bại đứng dậy, tức thì vác giường đi ra trước mặt thiên hạ; đến nỗi ai nấy đều lấy làm lạ, ngợi khen Đức Chúa Trời, mà rằng: Chúng tôi chưa hề thấy việc thể nầy” (Mác 2:12). Nhưng điểm cuối cùng của phép lạ đã được Chúa Giê-su tuyên bố: “để các ngươi có thể biết rằng Con Người có thẩm quyền trên đất để tha tội” (2:10). Quyền hành này chỉ thuộc về Đức Chúa Trời; do đó phép lạ là một sự mặc khải về thần tính của Chúa Giê-su Christ.

Phép lạ liên quan đến sự mặc khải theo hai cách quan trọng. Đầu tiên, họ chỉ ra thực tế rằng sự mặc khải đang xảy ra. Chúng khiến chúng ta ngồi dậy và chú ý rằng Chúa đang làm việc. Thứ hai, chúng tiết lộ điều gì đó về bản chất của quyền năng Đức Chúa Trời và mục đích mà Ngài sử dụng quyền năng đó. Mặc dù trong một số trường hợp, khó có thể thấy gì hơn bằng chứng về quyền năng của Đức Chúa Trời đối với thiên nhiên, như trong việc Chúa Giê-su biến nước thành rượu (Giăng 2). Hầu hết các phép lạ của Chúa Giê-su đều tiết lộ quyền năng của Đức Chúa Trời để chiến thắng tội lỗi và các tác động của nó.  Việc chữa lành người bệnh bại và phục hồi thị lực cho người mù đều dẫn đến sự đắc thắng của Đức Chúa Trời trên sự đau khổcủa tội lỗi. Việc La-xa-rơ và những người khác đã chết sống lại đã thông báo sự thật rằng quyền lực tối thượng của tội lỗi đã bị phá vỡ, và sự chết, kẻ thù cuối cùng của nhân loại, có thể bị đánh bại bởi quyền năng của Đức Chúa Trời. Sự phục sinh của Đấng Christ được miêu tả như là một minh chứng cuối cùng về quyền năng kỳ diệu siêu nhiên của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 2: 19-20).

Trong khi phép lạ là một hình thức mặc khải, ý nghĩa đầy đủ của chúng chỉ được biết đến qua Kinh Thánh. Vì vậy, các phép lạ được coi là dấu hiệu chỉ ra các sứ giả của Lời. Như Phi-e-rơ đã viết, “Hỡi người Y-sơ-ra-ên, hãy nghe lời nầy: Đức Chúa Giê-su ở Na-xa-rét, tức là Người mà Đức Chúa Trời đã dùng làm việc quyền phép, sự lạ và dấu lạ ở giữa các ngươi, để làm chứng cho Người trong vòng các ngươi, như chính các ngươi đều biết. Người đó bị nộp theo ý định trước và sự biết trước của Đức Chúa Trời, các ngươi đã mượn tay độc ác mà đóng đinh Người trên thập tự giá và giết đi. Nhưng Đức Chúa Trời đã khiến Người sống lại, bứt đứt dây trói của sự chết, vì nó không thể giữ Người lại dưới quyền nó” (Công. 2:22-24). Các phép lạ “chứng thực” hoặc “công nhận” Con Người của Đấng Christ cho dân chúng. Họ đã chứng thực về Con Người của Ngài và do đó cũng là lời của Ngài, lời đó tuyên bố ý muốn và mục đích của Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô viết rằng những công việc kỳ diệu mà Đức Chúa Trời thực hiện qua ông là “dấu hiệu của một sứ đồ chân chính” (2 Côr. 12:12). Những “dấu kỳ, phép lạ” này đã chứng thực Phao-lô là sứ đồ của Đấng Christ và do đó khẳng định rằng sự dạy dỗ của ông là đến từ Đức Chúa Trời.

Ngôi vị của Đấng Christ

Trước giả sách Hê-bơ-rơ tuyên bố rằng “trong những ngày cuối cùng này, Đức Chúa Trời đã phán cùng chúng ta qua Con Ngài” (Hêb. 1:2). Trong Lời này, sự mặc khải của Đức Chúa Trời đạt đến cực điểm. “Nhiều phần” trong lời nói của Đức Chúa Trời mà trước đây đã được tiết lộ qua “nhiều cách” chỉ là những mảnh vụn chỉ ra sự tái lâm của Ngài “trong Đấng ấy được cất giấu tất cả kho tàng của sự khôn ngoan và sự hiểu biết” (Cô-lô-se 2: 3).

Trong sự Nhập thể, chúng ta có thêm kiến ​​thức về Đức Chúa Trời khi Ngài bày tỏ chính Ngài theo một cách khác biệt. Vì Đấng Christ đã không mặc khải về Đức Chúa Trời nhiều như Ngài là sự mặc khải. Ngài là Đức Chúa Trời nhập thể, tức là Đức Chúa Trời trong thân xác con người. Tiếp nhận kiến ​​thức về một người con trai là một điều, nhưng điều này không bao giờ so sánh với việc gặp gỡ chính người đó.

Trong Chúa Giê-su Christ, thế giới đối đầu với chính Đức Chúa Trời. Giăng tuyên bố, “Chẳng hề ai thấy Đức Chúa Trời; chỉ Con một ở trong lòng Cha, là Đấng đã giãi bày Cha cho chúng ta biết” (Giăng 1:18). Điều này không nên hiểu có nghĩa là Chúa Giê-su chỉ đơn giản là một người dạy về lẽ thật thiêng liêng hơn tất cả những người thầy trước đây. Ngài đã “giải thích” Đức Chúa Trời theo nghĩa rằng ai nhìn Ngài là thấy Đức Chúa Trời. Ngài nói với Phi-líp, “Ai đã thấy Ta là thấy Cha” (14: 9). Ngài có thể nói điều này bởi vì “sự đầy dẫy của bổn tánh Đức Chúa Trời thảy đều ở trong Đấng ấy (Đấng Christ) như có hình” (Cô-lô-se 2:9).

Sự mặc khải của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ đã được ban cho qua sự dạy dỗ của Chúa Giê-su. Ngài được công nhận là Giáo sư từ Đức Chúa Trời đến (Giăng 3:2), nói những lời của Đức Chúa Trời mà trước đây chưa ai nói. Nhưng ngoài lời nói, Đức Chúa Trời còn phán qua Con Người và công việc của Chúa Giê-su, mà cao điểm là thập tự giá và sự phục sinh. Trong sự hy sinh của Chúa Giê-su vì tội lỗi của nhân loại, Đức Chúa Trời bày tỏ tình yêu thương vô hạn của Ngài, đồng thời cũng là sự thánh khiết và công bình của Ngài. Chúa Giê-su không chỉ đơn giản là trọng tâm lớn nhất của sự mặc khải; Ngài còn là chủ đề của mọi sự mặc khải. Kinh Thánh làm chứng cho Ngài (Giăng 5:39). Các tiên tri trước đó đã nói về Ngài, “Về sự cứu rỗi đó, các đấng tiên tri đã tìm tòi suy xét, và đã nói tiên tri về ân điển định sẵn cho anh em:  nghĩa là tìm cho biết thời kỳ nào và thời kỳ cách nào mà Thánh Linh Đấng Christ ở trong lòng mình đã chỉ cho, là khi làm chứng trước về sự đau đớn của Đấng Christ và về sự vinh hiển sẽ theo sau” (1 Phi. 1:10-11; xem thêm Khải 19:10).

Một hình thức cuối cùng của sự mặc khải là Lời được viết ra. Phần lớn Kinh Thánh là bản ghi chép về sự mặc khải, được đưa ra dưới nhiều hình thức mà chúng ta đã biết. Các giấc mơ và khải tượng đã được ghi lại, và việc truyền đạt trực tiếp lời của Đức Chúa Trời cho các tiên tri đã được viết ra. Khi Đức Chúa Trời nói chuyện trực tiếp với con người, họ ý thức được sự kiểm soát của Ngài. Khi những giấc mơ và khải tượng xảy ra, các cá nhân về cơ bản là những người tiếp nhận thông điệp của Chúa một cách thụ động. Rõ ràng là khi Đức Chúa Trời viết Mười Điều Răn bằng ngón tay của Ngài trên bảng đá, Môi-se không thể làm gì khác hơn là mang chúng đến cho tuyển dân.

Mặt khác, trái ngược với những người ý thức được quyền uy áp đảo của Đức Chúa Trời trong việc ban sự mặc khải của Ngài cho họ, một số trước giả viết Kinh Thánh có thể không có ý thức như vậy. Tuy nhiên Thánh Linh của Đức Chúa Trời hoạt động bên trong và thông qua tính cách của họ để bày tỏ lẽ thật của Ngài. Tâm trí và cảm xúc của họ hoàn toàn tham gia trong tiến trình này khi họ ghi lại lẽ thật của Đức Chúa Trời.  Thánh Linh của Đức Chúa Trời điều khiển họ để những gì họ viết ra chính là những gì Đức Chúa Trời muốn truyền đạt. Chúng ta có thể nói rằng trong hình thức tôn kính này, Đức Chúa Trời và con người được kết hợp chặt chẽ.

Điều tự nhiên là sự mặc khải đó chủ yếu xảy ra vào thời Tân Ước khi Đức Chúa Trời bởi Thánh Linh của Ngài bắt đầu ngự trị bên trong các tín đồ.

Tất cả những hình thức mặc khải này cho thấy rằng có một sự tiến bộ cơ bản trong các loại mặc khải được sử dụng trong suốt chiều dài lịch sử. Tất cả những phương pháp này, ngoại trừ sự mặc khải thông qua Con Đức Chúa Trời, có thể được tóm gọn lại dưới ba hình thức — sự hiện ra của Đức Chúa Trời; một số kiểu truyền thông trực tiếp hoặc lời tiên tri; và sự thần cảm hay sự soi dẫn. Chúng tiến từ cái bên ngoài đến bên trong, từ những sự khác biệt đến sự gần gũi thân mật. Điều này rõ ràng theo sau sự tiến triển của toàn bộ mối quan hệ của Đức Chúa Trời với loài người. Trong Vườn Địa Đàng, A-đam và Ê-va bị xa cách Đức Chúa Trời vì tội lỗi. Nhưng qua sự cứu chuộc trong Đấng Christ, Đức Chúa Trời đưa các tín nhân đến gần Ngài và bởi Thánh Linh của Ngài, Ngài ngự trong lòng con người trong mối tương giao sâu đậm. Tuy nhiên, mặc dù có những khác biệt về hình thức và các mối quan hệ, Kinh Thánh không bao giờ phân biệt giá trị mặc khải của mỗi hình thức. Tất cả đều được Đức Chúa Trời bày tỏ như nhau.

Một số sự kiện về sự mặc khải đặc biệt có thể được ghi nhận. Đầu tiên, sự mặc khải đặc biệt là hành động và lời nói. Trái ngược với nhiều học giả xem sự mặc khải đặc biệt của Đức Chúa Trời chỉ ở trong “những hành động quyền năng” của Đức Chúa Trời. Các hình thức khác nhau mà Đức Chúa Trời dùng để giao tiếp với dân Ngài chứng tỏ Ngài đã sử dụng cả hành động và lời nói. Tất cả các hình thức được đề cập có thể được phân loại theo một hoặc cả hai tiêu đề này. Nếu không có sự giải thích của Đức Chúa Trời về các hành động của Ngài, chúng ta sẽ không hiểu được đầy đủ. Nhiều người đã chứng kiến ​​cuộc xuất hành ra khỏi Ai Cập, sự giam cầm của người Babylon đối với Israel, sự chết của Đấng Christ, hoặc ngôi mộ trống. Nhưng tất cả sự kiện không có ý nghĩa như nhau. Ví dụ chỉ có sự mặc khải của Đức Chúa Trời mới cho chúng ta biết rằng việc Đấng Christ bị đóng đinh là “vì tội lỗi của chúng ta.” Trừ khi Đức Chúa Trời tiết lộ ý nghĩa của các hành động của Ngài, chúng ta không bao giờ có thể chắc chắn về ý nghĩa đầy đủ của chúng.

Một sự bộc lộ qua lời nói cũng cần thiết cho một mối quan hệ cá nhân. Trong một tình huống giả định thì có thể một số người sẽ chọn điếc thay vì mù. Nhưng trên thực tế, người mù ít bị rối loạn cảm xúc hơn người điếc. Lý do liên quan đến tầm quan trọng của lời nói đối với mối quan hệ cá nhân được Bernard Ramm giải thích, “Các mối quan hệ cá nhân nồng thắm bị cuốn vào bởi những cuộc trò chuyện, và người nào khiếm thính thì không thể trải nghiệm nó. Thế giới không âm thanh còn bực bội hơn nhiều so với một thế giới không có thị giác.” Phim truyền hình là giải trí nhưng một bộ phim truyền hình bị cướp mất đi âm thanh thì cạn kiệt ý nghĩa. Trong cuộc sống cũng như trong phim truyền hình, từ ngữ chuyển tải những ý nghĩa; nó cần thiết cho mối quan hệ nồng ấm của tình bạn. Sự mặc khải đặc biệt của Đức Chúa Trời được thiết kế cho mối tương giao cá nhân. Và điều này đòi hỏi những lời được nói ra để chúng ta có thể hiểu các hành động của Đức Chúa Trời và phản hồi phù hợp.

Thứ hai, sự mặc khải đặc biệt mang tính cá nhân và bằng lời nói. Sự thật rằng Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời là chủ đề của chương sau. Nhưng ở đây cần lưu ý đơn giản rằng việc chúng ta xem xét các hình thức mặc khải đặc biệt chứng tỏ rằng không có sự phân đôi giữa Đấng Christ với tư cách là Ngôi Lời của Đức Chúa Trời và Lời phán của Đức Chúa Trời. Một số người có thể tập trung vào những lời trong Kinh Thánh mà không cần tương giao với Lời Hằng Sống là Chúa Giê-su mà Kinh Thánh nói đến. Một số người Do Thái vào thời Chúa Giê-su chăm chú nghiên cứu Kinh Thánh vì tin rằng nhờ đó nhận được sự sống. Nhưng Chúa Giê-su bảo họ: “Chính những lời Kinh Thánh này làm chứng về Ta; nhưng các ngươi không muốn đến cùng Ta, để được sự sống” (Giăng 5: 39-40). Thật không may, một số người “tin Kinh Thánh” biết nhiều về Kinh Thánh, nhưng họ không có mối quan hệ sống động với Đấng Christ.

Theo Kinh Thánh, không thể có sự phân cách thực sự giữa lời được viết ra và Ngôi Lời (Lời đã thành người). Trong giao tiếp với một người khác, lời nói của họ là cách chúng ta biết được suy nghĩ và cảm xúc của người đó. Theo nghĩa thực tế, lời nói của một người là sự mở rộng của cá nhân đó khi người đó tìm cách thu hẹp khoảng cách giữa mình và người khác. Vì vậy, Đức Chúa Trời hằng sống đã đến thế gian trong thân vị của Con Ngài để bày tỏ lòng và trí của Ngài cho nhân loại qua phương tiện ngôn ngữ.

Thứ ba, mặc khải đặc biệt chỉ có thể hiểu được trong bối cảnh của mặc khải phổ quát. Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài trong công việc của tay Ngài và trong mối giao tiếp cá nhân. Trên thực tế, người nghệ sĩ, kiến ​​trúc sư, chúng ta đều bày tỏ về bản thân trong những gì chúng ta làm. Bàn làm việc của một người có gọn gàng hay lộn xộn hay không cũng tiết lộ điều gì đó về cá nhân đó. Một họa sĩ cũng giao tiếp bằng lời với gia đình và bạn bè của mình, và những lời đó không chỉ đơn giản là để các bức tranh của anh nói thay cho anh. Vì vậy, Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài trong sự tráng lệ và tuyệt vời của các công trình tạo dựng và cũng trong sự giao tiếp trực tiếp và cá nhân với con người.

Đây là tình huống của A-đam và Ê-va trong vườn địa đàng. Như Warfield giải thích, “Ấn tượng mạnh mẽ mà Kinh Thánh truyền đạt cho chúng ta là tổ phụ con người ở với Chúa trong vườn Ê-đen, và vui vẻ trong mối tương giao với Ngài tức thì, chứ không chỉ đơn thuần là suy ngẫm trong sự hiệp thông…con người có cái nhìn trực tiếp về Đức Chúa Trời và được nói chuyện trực tiếp với Ngài.”

Sự xâm nhập của tội lỗi đem đến sự xa cách thuộc linh khỏi Đức Chúa Trời và cùng với đó là sự mất mát tai hại về mối giao tiếp cá nhân. Giống như A-đam, tội nhân cảm thấy không thoải mái trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Sự thánh khiết của Ngài đã khiến dân Y-sơ-ra-ên cầu xin Môi-se nói chuyện với Đức Chúa Trời thay cho họ. Nhưng trong tình yêu thương, Đức Chúa Trời đã tìm kiếm những con người tội lỗi, Ngài ban ân điển đưa họ trở lại mối tương giao đã được thiết kế. Lịch sử Kinh Thánh tiết lộ rằng sự giao tiếp này đã phát triển và sẽ phát triển cho đến khi một ngày nào đó các tín nhân sẽ được về nhà sống trong sự hiện diện của Ngài.

Về bản chất sự mặc khải đặc biệt của Đức Chúa Trời và sự giao tiếp cá nhân của thuộc về nhau. Chúa phát ngôn lời của Ngài và hành động trong lịch sử để khôi phục mối quan hệ của chúng ta với Ngài. Nhưng nếu không có sự hiểu biết về Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa Toàn Năng và Đấng cai trị vạn vật, Đấng công bình và tốt lành, thì những bài học trên đây không thể hiểu được hoặc đáng tin cậy. Sẽ khó chấp nhận Ngài là Đấng Cứu Chuộc nếu chúng ta không biết Ngài cũng là Đấng Tạo Hóa.

KẾT LUẬN

Nhiều người sống như thể không có Đức Chúa Trời, và một số người loại trừ Chúa theo quan điểm và học thuyết của họ. Nhưng các cuộc khảo sát hiện đại cũng như lịch sử nhân loại đã chứng minh sự thật trong Kinh Thánh rằng con người công nhận sự thực hữu của Đức Chúa Trời (mặc dù không phải lúc nào họ cũng thừa nhận điều đó). Ngài đã tạo ra chúng ta để biết Ngài, và do đó Ngài làm cho chính Ngài được biết đến. Sự mặc khải của Ngài đáp ứng đầy đủ các câu hỏi của chúng ta về ý nghĩa của sự tồn tại con người. Qua thế giới tự nhiên, Ngài bày tỏ sự tồn tại vĩnh cửu và quyền năng toàn năng của Ngài. Qua hành động và lời nói đặc biệt của Ngài, Ngài truyền đạt thuộc tính của Ngài như một Đức Chúa Trời của tình yêu thương. Tất cả những gì Ngài bày tỏ chính Ngài để chúng ta có thể biết Ngài, Đấng được biết là Đấng tự hữu và hằng hữu.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5
 Giáo Huấn Của Kinh Thánh  Là Duy Nhất?

 

KINH THÁNH TUYÊN BỐ là sự mặc khải đặc biệt từ Đức Chúa Trời, chính là Lời của Đức Chúa Trời. Nhưng các nhóm tôn giáo khác cũng tuyên bố rằng các bản văn của họ được tiết lộ bởi Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, người Hồi giáo tin rằng sách Kinh Koran được soi dẫn từ vị thần của họ; họ nói rằng thiên sứ trưởng Gáp-ri-ên đã tiết lộ điều đó cho Mô-ha-mét. Người Mormon tin rằng Joseph Smith đã nhận được một sự mặc khải trực tiếp từ Đức Chúa Trời được khắc trên những tấm bảng vàng, sau đó ông đã biên dịch và xuất bản chúng với tên gọi là Sách Mormon. Các tôn giáo khác cũng có những tác phẩm mà họ xem là thánh. Những tín đồ của họ xem những tác phẩm này truyền đạt những chân lý về những điều cơ bản.

Bởi vì những tác phẩm khác nhau này có những thông điệp khác nhau, nên tất cả chúng không thể đến từ Đức Chúa Trời là Đấng không thể nói dối. Vậy thì làm sao chúng ta có thể biết được “sách kinh” nào trên thực tế là tiếng nói của Đức Chúa Trời? Tất nhiên, chúng ta không thể để một số người có thẩm quyền cao hơn nói với chúng ta rằng “Đây là tiếng nói của Đức Chúa Trời” hoặc “Đây không phải”. Nếu có ai đưa ra quyết định như vậy, người đó phải là người có thẩm quyền trên Đức Chúa Trời. Nhưng điều này là không thể nếu chúng ta chấp nhận định nghĩa chung về Đức Chúa Trời là Đấng Tối cao.

Tiếng nói của Đức Chúa Trời đến với chúng ta phải được chứng minh là xác thực. Nghĩa là, khi Đức Chúa Trời phán chúng ta là tạo vật của Ngài, chúng ta phải có khả năng nhận ra lời Ngài là tiếng phán của Đức Chúa Trời. Chúng phải nổi bật so với những tiếng nói khác. Điều chúng ta tìm thấy chính là khi chúng ta so sánh Kinh Thánh với những lời tuyên bố khác. Kinh Thánh mang dấu ấn của một cuốn sách siêu nhiên. Chương này thảo luận về những lời dạy độc nhất của Kinh Thánh và chương 6 xem xét một số sự kiện khác về Kinh Thánh nhằm chỉ ra đặc tính siêu nhiên của nó.

Khi xem xét những lời dạy trọng tâm của Kinh Thánh, chúng ta thấy rằng phạm vi và uy quyền của chúng vượt xa tất cả các tác phẩm khác của con người. Tất cả những lời hay nhất của các bậc thầy, đơn giản là không thể so sánh với những giáo huấn trong Kinh Thánh. Như F. W. Farrar đã viết, “Những vấn đề nào mà cuốn sách này chưa được khám phá? Độ sâu nào mà chưa được thăm dò? Độ cao nào mà chưa được xác định? Lời an ủi nào mà chưa được nói ra? Lương tâm nào mà chưa bị khiển trách? Tấm lòng nào mà chưa được chạm đến?”1

Chúng ta tìm kiếm một chân lý trong thế gian; để chọn lấy

Cái tốt đẹp, cái trong sáng, cái đẹp đẽ

Từ bảng đá khắc chữ và cuộn giấy viết

Từ tất cả những cánh đồng hoa cằn cỗi của tâm hồn;

Và, khi những người tìm kiếm điều tốt nhất đang mòn mỏi

Chúng ta quay lại với đầy những câu hỏi,

Để tìm thấy nơi tất cả các nhà hiền triết đã nói

Có phải tất cả được tìm thấy trong Quyển Sách mà những bà mẹ chúng ta đã đọc.2

Bên cạnh việc Kinh Thánh vượt xa các tác phẩm của con người trong phạm vi rộng lớn về thông điệp, lẽ thật cốt yếu của Kinh Thánh thực sự trái ngược với suy nghĩ tự nhiên của con người. Toàn bộ thông điệp của Kinh Thánh minh họa rõ ràng lời tuyên bố của Đức Chúa Trời qua tiên tri Ê-sai: “Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta. Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu” (Ê-sai. 55: 8-9).

 

KHÁI NIỆM VỀ ĐỨC CHÚA TRỜI

 

Từ đầu đến cuối, Kinh Thánh tập trung vào Đức Chúa Trời. Quan điểm này của Đa-vít được ghi trong 1 Sử-ký 29:11, “Hỡi Đức Giê-hô-va sự cao cả, quyền năng, vinh quang, toàn thắng, và oai nghi đáng qui về Ngài; vì muôn vật trên các từng trời và dưới đất đều thuộc về Ngài. Đức Giê-hô-va ôi! nước thuộc về Ngài; Ngài được tôn cao làm Chúa tể của muôn vật.” Ngài là Đức Chúa Trời quyền năng, Đấng cai trị vũ trụ, hướng mọi vật đến mục đích cuối cùng của chúng vì sự vinh hiển của Ngài.

Ngoài ra, Đức Chúa Trời là Đấng hoàn toàn thánh khiết, và sự thánh khiết của Ngài đã tôn cao Ngài lên xa khỏi con người tội lỗi. Sau khi hình dung về Đức Chúa Trời trong sự thánh khiết đáng kinh ngạc, Ê-sai đáp: “Khốn nạn cho tôi! Xong đời tôi rồi!” (Ê-sai 6:5). Cùng với tội lỗi, chúng ta không thể tồn tại trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, cùng với sự thánh khiết của Ngài, Ngài có lòng nhân từ, tình yêu thương và lòng thương xót vô hạn. “Đức Giê-hô-va làm lành cho muôn người,” Đa-vít tuyên bố, “sự từ bi Ngài giáng trên các vật Ngài làm nên” (Thi. 145: 9). Trong sự thánh khiết, yêu thương và công bình, Đức Chúa Trời đã vạch ra một kế hoạch cứu rỗi cho những con người tội lỗi chúng ta.

Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh, đặc biệt là trong sự thánh khiết của Ngài, trái ngược với con người tội lỗi là lẽ tự nhiên; do đó Ngài không phải là một phát minh của con người, như nhiều người đã khẳng định. Nhà biện giáo Cơ đốc Cohn Chapman đã nói, “Điều khó chịu về Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh là Ngài thường xuyên cắt ngang những ước muốn và khao khát cá nhân của chúng ta. Ngài không cho phép chúng ta ích kỷ và luôn đối đầu với chúng ta bằng một tiêu chuẩn cao không thể thỏa hiệp. Đây không phải là kiểu Đức Chúa Trời mà con người làm ra khi con người đặt mục tiêu làm ra một vị thần theo ảnh tượng của chính mình.”3

Bản chất của Đức Chúa Trời là mầu nhiệm mà không một con người nào có thể hiểu hết được. Trong suốt lịch sử, con người đã tin vào nhiều vị thần (đa thần) hoặc một vị thần Nhất thể duy nhất. Chỉ riêng Kinh Thánh trình bày về Đức Chúa Trời duy nhất, đồng thời cũng là một Đức Chúa Trời Ba ngôi — Cha, Con và Thánh Linh. Khái niệm Ba Ngôi này về Đức Chúa Trời không mâu thuẫn với lý trí của con người, như một số người suy nghĩ. Ba Ngôi không có nghĩa là có ba Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là một Đấng Thánh tồn tại đời đời trong ba thân vị. Mặc dù không phải là một sự trái ngược phi lý, nhưng khái niệm về Đức Chúa Trời Ba Ngôi Hiệp Một không hoàn toàn dễ hiểu đối với tâm trí con người, cũng như không được tìm thấy trong bất kỳ tôn giáo nào khác. Tất cả những điều này lập luận rằng Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh  không phải là một sự trình bày, diễn đạt từ con người mà là một sự mặc khải thiên thượng.

Hơn nữa, về bản chất ba ngôi, Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh trả lời cho sự tìm kiếm của con người về sự hiểu biết Đức Chúa Trời và mối quan hệ với Ngài sâu sắc hơn bất kỳ tôn giáo nào khác. Niềm tin vào một vị thần tối cao được tìm thấy trong nhiều tôn giáo, thậm chí một số tôn giáo có nhiều vị thần thấp hơn. Nhưng các vị thần trong các hệ thống tín ngưỡng đó siêu phàm và xa vời đến mức không thể biết được. Giống như một trong những vị thần của người A-thên vào thời của sứ đồ Phao-lô là một “thần không biết” (Công vụ 17:23). Người Hindu, khi mô tả bản chất của một vị thần, đã sử dụng những cách diễn đạt như “Bóng tối thánh” hoặc “Đấng mà không ai có thể nói lên được.”4 Đối với người theo đạo Phật, bất cứ thực tại nào cũng không thể được định nghĩa hoặc mô tả. Họ nói rằng chúng tôi chỉ có thể giữ một “sự im lặng kính phục” khi đối mặt với những điều không thể biết được.5 Tương tự như vậy, các tôn giáo Phi châu cổ xưa chỉ nói về một “chủ thể không biết”6. Sự nhấn mạnh của Hồi giáo về quyền năng siêu đẳng nơi thần của họ là thánh Allah. Họ cũng xem Allah như là một vị thần trong tự nhiên thần giáo, về cơ bản nằm ngoài tầm hiểu biết với ít sự liên kết với con người và không có đặc tính tình yêu thương!7

Sự hiểu biết của Do Thái giáo về Đức Chúa Trời, dựa trên Cựu Ước, có nhiều điểm tương đồng với Đức Chúa Trời của Cơ đốc giáo. Nhưng sự bác bỏ của Do Thái giáo về bản chất Ba Ngôi của Đức Chúa Trời cũng dẫn đến một Đức Chúa Trời khác xa, khi so sánh với Đức Chúa Trời của Cơ đốc giáo, là Cha, Con và Thánh Linh. Môi-se chỉ được phép nhìn lướt qua phía sau sự vinh quang của Đức Chúa Trời, nhưng trong Chúa Giê-su, Đức Chúa Trời đã đích thân bước vào dòng lịch sử nhân loại. Phi-líp đã nói, “Lạy Chúa, xin chỉ Cha cho chúng tôi, thì đủ rồi” (Giăng 14: 8, xem thêm 1:14, 18). Chỉ khi Đức Thánh Linh là Đức Chúa Trời chứ không phải là một tạo vật, thì nhờ Ngài chúng ta mới có thể có mối tương giao mật thiết với chính Đức Chúa Trời. “Niềm tin tôn giáo không thể hài lòng với bất kỳ điều gì kém hơn Đức Chúa Trời. Trong Đấng Christ, chính Đức Chúa Trời đến với chúng ta, và qua Đức Thánh Linh, Ngài truyền đạt chính Ngài cho chúng ta.”8

Đức Chúa Trời duy nhất trong Kinh Thánh đáp ứng nhu cầu của chúng ta không chỉ về sự mặc khải mà còn cả về sự cứu chuộc. Nhà cải chánh vĩ đại Martin Luther đã nói rất đúng, “Không có cách nào khác hơn là thông qua một thân vị đời đời, chúng ta có thể được cứu khỏi sự sa ngã khủng khiếp của tội lỗi và sự chết đời đời; chỉ một thân vị như vậy mới có thể có quyền trên tội lỗi và sự chết, để bôi xóa tội lỗi của chúng ta và thay vào đó ban cho chúng ta sự công bình và sự sống đời đời; không một thiên sứ hay tạo vật nào có thể làm điều này, nhưng phải do chính Đức Chúa Trời làm.” Chỉ có Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh mới ban sự cứu chuộc và đó chính là Đức Chúa Trời mà chúng ta phải thờ phượng.

Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh, là Cha, Con và Thánh Linh, cũng là lời giải thích duy nhất về một Đức Chúa Trời yêu thương đời đời. Một Đức Chúa Trời duy nhất không thể bày tỏ tình yêu thương trong mối quan hệ cá nhân nếu không tạo ra một đối tượng cho tình yêu thương của Ngài. Chỉ khi có những mối quan hệ cá nhân với chính Đức Chúa Trời thì Ngài mới có thể là Đức Chúa Trời – Ngài là “tình yêu thương” với bản chất từ ​​muôn thuở. Chỉ khi Đức Chúa Trời có sự liên kết trong bản thể của Ngài thì Ngài mới có thể cung cấp một mô hình cho sự hiệp nhất trong mối liên hệ giữa chúng ta với nhau (xem Giăng 17:21-22).

Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh cũng đáp ứng nhu cầu về một Đấng siêu việt — tể trị trên tạo vật và lịch sử như là một Đấng có toàn quyền — và về một Đấng đang hiện diện với chúng ta. Con người luôn có xu hướng đánh mất Đức Chúa Trời bởi một trong hai tà thuyết. Thứ nhất, Ngài có thể bị lạc trong một sự trừu tượng đến nỗi Ngài hầu như không thể được biết đến, điều này đúng trong nhiều tôn giáo của con người. Thứ hai, Ngài có thể được coi là nội tại bên trong sự sáng tạo đến mức về cơ bản Ngài bị lu mờ bởi chính các tiến trình của tự nhiên và lịch sử, như trong thuyết phiếm thần và thần học tiến trình (process theology). Chỉ có Đức Chúa Trời Ba Ngôi bước vào lịch sử để bày tỏ chính Ngài, đồng thời vẫn ở bên ngoài lịch sử với tư cách là một Đức Chúa Trời siêu việt.9

Bởi vì Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh nằm ngoài lý trí của con người, do đó Ngài không thể là sản phẩm từ sự sáng chế của con người. Như một người đã cảnh báo cách đây nhiều năm, “khi một người phủ nhận giáo lý cơ bản của Cơ đốc giáo (Đức Chúa Trời Ba Ngôi), người đó có thể đánh mất linh hồn của mình, nhưng khi cố gắng để hiểu thấu đáo giáo lý này, người đó có thể sẽ mất trí khôn.”10 Là những người tin Chúa, chúng ta vui mừng được thờ phượng Đức Chúa Trời là Đấng tối cao, vĩ đại và bản chất của Ngài chúng ta không thể hiểu hết được bằng trí óc hữu hạn của mình. Vì chính trong bản chất ba ngôi của Ngài, Ngài làm thỏa mãn ước muốn sâu xa nhất trong lòng chúng ta vì một mối quan hệ với Ngài là Đức Chúa Trời ở trên chúng ta, vì chúng ta và ở trong chúng ta.

 

 

KHÁI NIỆM VỀ ĐẤNG CHRIST

Trong tất cả các tác phẩm thánh của các tôn giáo khác, không có người nào giống như Chúa Giê-su Christ. Được sinh ra bởi một nữ đồng trinh trong một nơi thấp hèn, Ngài là Con của Đức Chúa Trời. Ngài là Đấng tạo dựng muôn vật, nhưng Ngài đã chết trên cây thập tự bởi tay của con người. J.N.D Anderson tóm tắt vị trí độc nhất của Đấng Christ trong vòng tất cả các tôn giáo. “Các tôn giáo khác, thực sự, có thể bao gồm cả việc tin rằng Đức Chúa Trời, hoặc một trong các vị thần, hiện thân một lần hoặc nhiều lần, trong hình dạng con người, hoặc trong một số ‘vật chất nào đó – ánh sáng thánh’ đã truyền từ một cá nhân này sang một người kế thừa thuộc thế hệ khác. Nhưng chỉ riêng Cơ đốc giáo dám tuyên bố rằng ‘Đấng duy nhất, toàn tại, toàn tri, là căn nguyên của mọi sự tồn tại’ đã can thiệp cách độc nhất vào sự sáng tạo của mình, không phải bằng cách giả định hình dạng đơn thuần hay vẻ ngoài của một con người, mà bằng cách thực sự trở thành Con Người trong hình dạng bằng xương bằng thịt; không phải bằng cách sống và giảng dạy đơn thuần, nhưng bằng cách thực sự chết như một người phạm tội trọng ‘cho loài người chúng ta và cho sự cứu rỗi của chúng ta’ và đã đóng ấn cho lẽ thật này bằng cách sống lại từ cõi chết.”

Đấng Christ là duy nhất về nguồn gốc và về bản chất Con Người và sự sống của Ngài. Ngài đã bước đi trên đất trong những hình thái bình thường của một con người. Tuy nhiên, Ngài không phạm tội (Giăng 8:46). Ngài không bao giờ phải xin lỗi khi cầu xin sự tha thứ cho bất cứ điều gì Ngài đã làm. Những người đương thời đã kinh ngạc trước sự dạy dỗ của Ngài. “Chẳng hề có người nào đã nói như người nầy!” (Giăng 7:46). “Vì Ngài dạy như là có quyền, chớ không giống các thầy thông giáo” (Ma-thi-ơ 7:29). Ngài không bao giờ xin lời khuyên hay sự cho phép của con ngưởi. Những phép lạ Ngài làm cũng chỉ ra sự độc nhất vô nhị. “Người nầy là ai, mà gió và biển đều vâng lịnh người?” (Ma-thi-ơ 8:27). “Người ta chẳng bao giờ nghe nói có ai mở mắt kẻ mù từ thuở sanh ra” (Giăng 9:32).

Các nhà lãnh đạo tôn giáo khác tuyên bố dạy về cách sống mà họ tìm thấy. Nhưng Đấng Christ tuyên bố Ngài là con đường, là sự sống (Giăng 14:6). Người Hồi giáo giải thích rằng Mô-ha-mét là một tiên tri truyền đạt sự mặc khải của Allah; ông không phải là nền tảng cho đức tin của họ. Đức Phật cũng đã không kêu gọi mọi người đến với ông. Khi ông chết, những môn đệ đã hỏi làm thế nào để họ có thể nhớ đến ông. Câu trả lời của ông là “có nhớ đến tôi hay không thì không quan trọng. Điều cốt yếu là nằm ở lời dạy của tôi.” Nhưng không lâu trước khi Chúa Giê-su qua đời, khi thiết lập Tiệc thánh, Ngài đã truyền lệnh cho các môn đồ, “Hãy làm điều này để nhớ đến Ta” (Lu-ca 22:19).

Griffith Thomas đã chỉ ra rằng “Cơ đốc giáo là tôn giáo duy nhất trên thế giới nương dựa vào chính Đấng đã sáng lập ra nó.” Ông nói thêm, “Không có lời nào trong sự dạy dỗ của Ngài mà Ngài không khiến cho con người phụ thuộc vào chính Ngài theo một cách nào đó.” Điều này là tất nhiên, bởi vì không có người sáng lập tôn giáo nào trong lịch sử khẳng định rằng họ là Chân Thần duy nhất. Một số người đã nói về Chúa Giê-su, “Nếu không phải là quyền lực siêu phàm nói với chúng ta tại đây, thì đó chắc chắn là sự kiêu ngạo siêu phàm.”

Tuy nhiên, trong tất cả sự hoàn hảo về đạo đức, sự dạy dỗ có thẩm quyền và việc thi hành phép lạ của Chúa Giê-su, Ngài chưa bao giờ tỏ ra kiêu hãnh hay tỏ thái độ xa cách với mọi người. John Stott nói rằng có một sự nghịch lý ở Đấng Christ mà không thể giải thích theo cách tự nhiên được. “Không hề có một chút gì về sự tự cho mình là quan trọng. Ngài rất khiêm nhường. Chính nghịch lý này đã khiến mọi người bối rối. Ngài kết hợp trong chính Ngài lòng tự trọng cao nhất và sự hy sinh lớn nhất. Ngài biết chính Ngài là Chúa của tất cả mọi người, nhưng Ngài tự nguyện trở thành tôi tớ cho tất cả mọi người. Ngài nói rằng Ngài sẽ phán xét thế gian, nhưng Ngài đã rửa chân cho các môn đồ của mình.”

Có phải các trước giả Phúc âm đã dựng nên một bức chân dung của một người như vậy, hay họ đang tường thuật lại những gì họ đã thấy, sự mặc khải độc nhất của Đức Chúa Trời? Bức chân dung rất hạn chế về Ngài được các trước giả Kinh Thánh làm chứng cho những người sau này. Việc đọc truyện thần thoại của các dân tộc khác nhau cho thấy xu hướng của con người muốn tô điểm sự thật bằng trí tưởng tượng bay bổng. Ngay cả những tác phẩm bên ngoài Kinh Thánh nói về Chúa Giê-su, kể về thời niên thiếu của Ngài, miêu tả Ngài như một thần đồng thời thơ ấu hướng dẫn các thầy của Ngài những bí ẩn trong bảng chữ cái và làm kinh ngạc gia đình và bạn cùng lứa bằng những việc làm siêu phàm. Theo những sách thứ kinh này, vào một dịp nọ khi mới 5 tuổi, Chúa Giê-su được cho là đã tạo hình mười hai con chim sẻ bằng đất sét vào ngày Sa-bát. Khi Giô-sép hỏi về việc làm như vậy trong ngày thánh, Chúa Giê-su đã vỗ tay và chim sẻ bay đi hót líu lo.

Ngược lại, Kinh Thánh miêu tả những phép lạ của Đấng Christ với sự rõ ràng, đơn giản. Mục đích của chúng không phải để mua vui cho khán giả hoặc giải trí cho những người hiếu kỳ, nhưng để chứng tỏ sự vinh hiển của Cha phù hợp với mục tiêu của cuộc đời Ngài. Leon Morris chỉ ra một thực tế đáng kinh ngạc là không ai trong số những người viết các sách Phúc âm tường thuật về Chúa Giê-su mà đã từng tôn vinh Ngài. Họ thỉnh thoảng tường thuật Ngài được nhiều người ca ngợi, nhưng bản thân họ không khen ngợi Ngài một lời nào. Điều này thật khó giải thích nếu những lời kể của họ là những câu chuyện phóng đại nhằm làm cho Chúa Giê-su trở thành một điều gì đó khác hơn một con người. Một số người cho rằng các trước giả Kinh Thánh đã tôn thờ Đấng Christ giống như Đức Phật được các đệ tử của ông tôn thờ! Lưu ý rằng phải đến nhiều thế kỷ sau khi Đức Phật mất, ông mới được coi là một vị thánh và chỉ trong một phạm vi giới hạn. Nhưng bức chân dung về Chúa Giê-su trong Thánh Kinh là Con của Đức Chúa Trời được viết trong khi những người biết Ngài vẫn còn sống trong suốt thời gian Ngài còn trên đất.

Tất cả các bằng chứng đều chỉ ra một thực tế là các trước giả Phúc Âm đã cho chúng ta một lời tường thuật khách quan về con người độc nhất này ở giữa vòng họ đang sống. Họ làm như vậy vì họ muốn người khác tin vào sự trung thực của các sách phúc âm. Hơn nữa, Con Người (Christ) mà họ mô tả là quá siêu việt đến mức khiến người ta không nghĩ rằng Ngài có thể được sáng tạo ra từ các tác giả bình thường, đặc biệt là những ngư dân vùng Ga-li-lê. Ngay cả Jean-Jacques Rousseau (1712-1778), nhà triết học đã mở đường cho chủ nghĩa tự do nhân văn, cũng thừa nhận nguồn gốc siêu nhiên của phúc âm. Ông nói “Phúc âm bày tỏ một lẽ thật quá vĩ đại, nổi bật, và hoàn hảo không thể bắt chước và người phát minh ra nó còn đáng thán phục hơn một anh hùng.” Nếu các trước giả Phúc âm nghĩ ra câu chuyện hư cấu, thì chúng ta phải thừa nhận lời của Robert Dabney nói rằng “những kẻ nói dối này đã tạo ra một hình mẫu về lẽ thật cao quý nhất và đẹp nhất từng thấy ở loài người. Hơn nữa, họ đã sử dụng tất cả nghệ thuật kỳ diệu để tạo nên một bức chân dung tưởng tượng mà kết quả là lên án sự giả dối của chính họ.”

Có lẽ hầu hết tất cả hình ảnh Đấng Christ được các trước giả Kinh Thánh miêu tả đều khó chịu đối với con người mang bản chất tội lỗi, đến nỗi không thể tin rằng người ta có thể hoặc sẽ bịa ra một ý tưởng về một Đấng như vậy. H.G. Wells, mặc dù không phải là một Cơ đốc nhân chính thống, nói rằng Chúa Giê-su “giống như một thợ săn đạo đức đang đào bới nhân loại ra khỏi những cái hang ẩn náu mà họ đã sống cho đến nay …. Có lạ gì khi con người bị lóa mắt và mù lòa đã phản đối chống lại Ngài? … Chúng ta sẽ ngạc nhiên biết bao khi có thể hiểu biết hết về người đàn ông Ga-li-lê này!”

BẢN GHI CHÉP TRONG KINH THÁNH VỀ CON NGƯỜI

Ai sẽ vẽ một bức tranh về những người như chúng ta tìm thấy trong Kinh thánh? Xu hướng của con người là đề cao bản thân hơn những gì họ thực sự là, hoặc hạ thấp bản thân mình xuống dưới bản chất thực sự của họ. Học giả người Hà Lan Desiderius Erasmus (1466-1536) hỏi, “Con người đối với con người hoặc là thần linh hoặc là sói dữ?”

Một mặt, các triết học và thần học của con người thường đưa con người lên cấp độ thần thánh. Nhà triết học Hy Lạp Heraclitus (khoảng năm 540-480 trước CN) tuyên bố, “Các vị thần là những người bất tử, và loài người là những vị thần phàm trần.” Rất lâu sau đó, nhà triết học người Đức Georg Hegel (1770-1831) đã nói về “thần tính tiềm ẩn” của tất cả mọi người, và các nhà thần học nói về tia lửa thần thánh trong những người cần được thổi bùng lên thành ngọn lửa.

Mặt khác, với ảnh hưởng gần đây của quá trình tiến hóa tự nhiên, các nhà triết học coi con người là quý tộc của động vật. Theo một số nhà tiến hóa, chúng ta chỉ là những sinh vật phức tạp mà hành động của chúng được kiểm soát bởi môi trường của chúng ta, giống như những con chó của Pavlov được huấn luyện để phản ứng với một số tác nhân nhất định.

Sự vĩ đại của con người – sự tự do, sự sáng tạo, khả năng bay lên trên thế giới bằng tâm linh của chúng ta – và sự ràng buộc của chúng ta đối với môi trường tự nhiên như các sinh vật trên trái đất khiến chúng ta cảm thấy bối rối về bản chất của chính mình. Những câu hỏi lớn mà tất cả con người đặt ra – Tôi là ai? Tôi đến từ đâu? Mục đích tồn tại của tôi là gì? —Không bao giờ có thể trả lời được từ nghiên cứu về tự nhiên. Chỉ có sự mặc khải từ Đấng Tạo Hóa mới có thể trả lời câu hỏi của chúng ta. Và không nơi nào ngoại trừ trong Kinh Thánh, chúng ta tìm thấy một bức tranh về bản chất con người giải thích cho thực tế tồn tại của con người.”

Chúng ta là những tạo vật trên đất (Sáng thế Ký 2:7), nhưng chúng ta cũng được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời (1:27). Chúng ta thuộc về thế giới này, và do đó chúng ta phải lao động để duy trì môi trường tự nhiên như ngôi nhà của mình. Nhưng chúng ta cũng được tạo dựng để tương giao với Đức Chúa Trời, và do đó nếu không có mối tương giao này chúng ta không bao giờ có thể hài lòng với bản chất con người của mình.

Nhưng nan đề về con người hiện tại không chỉ bắt nguồn từ bản chất của chúng ta là những tạo vật được tạo ra. Nó đến từ tội lỗi. Nếu chúng ta là ảnh tượng của Đức Chúa Trời, tại sao chúng ta không hành động giống như Đức Chúa Trời? Một lần nữa Kinh Thánh cung cấp câu trả lời theo cách mà chúng ta không mong đợi từ những trước giả. Theo Kinh Thánh, phẩm chất của chúng ta bị hoen ố vì tội lỗi là cái mà chúng ta phải chịu trách nhiệm. Để chắc chắn, chúng ta phải nhận ra sự thất bại của mình trong những việc chúng ta làm. Chúng ta phải nhận ra sự “vô nhân đạo” của mình đối với người khác. Nhưng nếu không có sự mặc khải thiên thượng, mọi người sẽ cố gắng giải thích lỗ hổng này bằng sự thiếu hiểu biết hoặc qua một số dấu hiệu tiến hóa từ một động vật hung dữ. Tất cả những lời giải thích này giúp con người hoàn toàn thoát khỏi trách nhiệm tội lỗi; họ không thừa nhận sự nổi loạn cố ý chống nghịch lại Đức Chúa Trời. Khi tội lỗi được xem như là sản phẩm đáng thương của môi trường tiến hóa, thì loài người trở nên thấp kém hơn con người vốn được tạo nên.

Tuy nhiên, Kinh Thánh tuyên bố rằng chúng ta là những tội nhân phải chịu trách nhiệm. Kinh Thánh xác nhận sự tự do của con người, quyền để hành động và những hành vi ngang ngược của con người. Con người là cao quý, nhưng họ sa vào tội lỗi. Theo lời của nhà thần học Reinhold Niebuhr, “Quan điểm của Cơ đốc giáo về bản chất con người có liên quan đến một  tuyên bố địa vị cao hơn của con người so với các tạo vật khác đồng thời xem cái xấu của con người nghiêm trọng hơn so với các loài khác.” Hơn nữa, Kinh Thánh trình bày tình trạng con người một cách hoàn hảo. Mặc dù con người không làm trò đồi bại, nhưng ngay cả những anh hùng đức tin cũng không thể che giấu được những điểm yếu của họ. Những con người vĩ đại của đức tin được cho là những tội nhân cần sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

Có lẽ sự mô tả trong Kinh Thánh về sự xáo trộn nội tâm trong ý thức của chúng ta cung cấp một bằng chứng sâu sắc nhất về kiến ​​thức siêu nhiên của bản chất con người chúng ta. Robert Dabney viết về bức tranh trong Kinh Thánh về “sự mặc khải sâu sắc và sầu muộn của ý thức bên trong chúng ta”, bao gồm sự trống rỗng của những mưu cầu trần thế mà chúng ta bị thúc đẩy bởi lương tâm hư hỏng, những vi phạm tội lỗi của lương tâm và dục vọng, nhưng lại bất lực trong việc thực hiện đổi mới đạo đức. Sau đó, ông thấm thía hỏi: “Bằng sự khôn ngoan nào mà cuốn sách này đã tiết lộ một cái nhìn sâu sắc hơn, trung thực hơn và thấu suốt hơn bất kỳ một triết lý nhân sinh nào, một cái nhìn thấu vào sâu thẳm bên trong lương tâm khốn khổ chúng ta? Khi tâm hồn tội lỗi của con người tìm kiếm một chân lý cho nó trong mọi tiếng rên rỉ hối hận và nỗi thống khổ của mình, há đó chẳng phải là từ tiếng nói của Đấng mà đôi mắt của Ngài đang nhìn thấu đến, dò xét lòng của những đứa con loài người?”

 

KHÁI NIỆM CỦA KINH THÁNH VỀ SỰ CỨU CHUỘC

Tất cả các tôn giáo đều cung cấp một số phương cách để giải thoát cuộc sống đau khổ của con người và mang lại hòa bình và hạnh phúc. Nhưng sự cứu rỗi được bày tỏ trong Kinh Thánh  chỉ nói về một phương cách thiên thượng duy nhất. Các phương cách “cứu rỗi” khác nhau được tìm thấy trong các tôn giáo trên thế giới đều dựa trên một khái niệm: Sự giải thoát đến từ những nỗ lực của con người. Điều này được minh họa trong câu chuyện sau đây về một số người theo đạo Hindu.

Chúng tôi quay lưng lại với dòng sông và đến một bãi đất trống, lần theo con đường mòn bằng đá giữa các cánh đồng, được bao bởi bức tường đất sét thấp và những bụi gai. Trời bắt đầu nắng lên với mỗi bước chân đạp trên con đường đất bụi. Sau một lúc, chúng tôi gặp một người đàn ông trẻ tuổi, nằm thẳng trên mặt đất và dường như đang tập thể dục. Anh ta chồm dậy, vươn tay trái về phía sau hết mức có thể, nhặt một viên đá từ một đống đá nhỏ nằm ở đó, rồi nằm thẳng người trên mặt đất, vươn tay phải về phía trước càng xa càng tốt, và đặt viên đá đó lên một đống đá nhỏ tương tự …. Tiến sĩ Govindam giải thích với tôi rằng người thanh niên này không được phép nói chừng nào anh ta còn say mê với hình thức parikrama (vòng luân hồi) đặc biệt đáng khen này. 108 viên sỏi phải được thu lượm và sau đó di chuyển từng viên sỏi đến một chỗ nào đó, như cách mà người thanh niên đã làm, theo chiều dài của cơ thể mỗi lần. Sau khi tất cả 108 viên sỏi đã được di chuyển với khoảng cách khoảng hai bước chân, thì chu kỳ này lập lại với từng viên sỏi. Vậy thì phải mất bao lâu để thực hiện việc làm này theo cách này? Có lẽ vài tuần, hoặc vài tháng. Chúng tôi đi qua những người mộ đạo khác là người chọn cách chuộc tội này, trong số đó có một góa phụ già. Tiến sĩ Govindam giải thích với chúng tôi rằng có lẽ bà ấy đang làm việc đó để nhận lấy công đức cho chồng mình ở thế giới bên kia …. Nhiều tuần sau đó, chúng tôi thấy bà ấy vẫn ở đó cách nơi mà chúng tôi đã nhìn thấy bà lần đầu tiên vài kilômet. Bà ấy dường như yếu đến nỗi cứ sau hai mươi mét là bà ấy nằm kiệt sức bên cạnh đống đá nhỏ của mình?”

Cho dù là theo con đường chính nghĩa của người Hindu, kỷ luật theo Bát chánh đạo của Phật giáo, hay là cầu nguyện và ăn chay của người Hồi giáo, tất cả các tôn giáo ngoài Kinh Thánh đều tìm cách tìm kiếm sự cứu rỗi bằng các việc làm. Cách nghĩ phổ biến là để vào được thiên đường phải “làm tốt nhất những gì mình có thể.” Điều này dễ hiểu khi chúng ta nhận ra rằng những người này có ý thức hay vô thức về bản chất sa ngã của mình, đang bị ràng buộc bởi tội lỗi. Tình trạng của họ được mô tả trong lần phạm tội đầu tiên của tổ phụ loài người: “Ngươi sẽ như Đức Chúa Trời” (Sáng 3: 5). Thật khó để một “vị thần” thừa nhận rằng mình không thể làm được gì cho bản thân!

Tuy nhiên, trong một số tôn giáo, mọi người tin vào những vị thần cứu tinh là những người ban sự cứu rỗi cho các tín đồ của họ. Hình thức Phật giáo được chấp nhận rộng rãi nhất ở Nhật Bản dựa trên câu chuyện về Amita, người đã tích lũy một kho công đức khổng lồ trên đường đến với Phật đến mức ông ấy đã thề sẽ ban sự tái sinh cho tất cả những ai tin vào ông ấy và liên tục lặp lại cụm từ “A Di Đà Phật”. Khái niệm vị thần cứu tinh cũng phổ biến ở Ai Cập cổ đại và vùng Lưỡng Hà.

Tuy nhiên, ngay cả khi người ta tin vào những vị thần cứu tinh, thì họ vẫn tin rằng công đức là cần thiết để được các vị thần ban ơn. Hơn nữa, họ không có cách nào để đối phó một cách nghiêm túc với thực tế rõ ràng của tội lỗi. Như Leon Morris đã chỉ ra, “Những nhà tư tưởng sâu sắc nhất trong nhân loại luôn nghĩ rằng sự tha thứ thực sự chỉ có thể có được khi sự quan tâm thích đáng được trả theo luật đạo đức …. Chúng ta hẳn đã không thấy đây là điều mà Đức Chúa Trời đã gieo vào sâu thẳm trong lòng con người sao. Đối mặt với một tội ác ghê tởm, ngay cả những người vô cảm nhất trong vòng chúng ta cũng có thể thốt lên rằng: ‘Điều đó đáng bị trừng phạt!’” Không có cảm giác được thỏa mãn về sự công bình trong các tôn giáo sai lầm.

Sự cứu rỗi được mô tả trong Kinh Thánh khác nhau như thế nào! Mong muốn tự nhiên của con người trong việc tìm kiếm công đức để nhận được sự cứu rỗi là hoàn toàn không thể; vì mọi vinh quang trong sự cứu rỗi đều thuộc về Đức Chúa Trời. Theo lịch sử thì thực tế về tội lỗi và hình phạt dành cho nó được xác nhận đầy đủ. Sự cứu rỗi được thực hiện bởi tình yêu thương vô tận của Đức Chúa Trời theo một cách mà vẫn bảo tồn sự thánh khiết của Ngài. Sự thánh khiết của Đức Chúa Trời đòi hỏi sự công bình trong việc trừng phạt tội lỗi; và tình yêu thương của Ngài đáp ứng điều đó qua sự hy sinh của Con Ngài. “Đức Chúa Giê-su Christ, là Đấng Đức Chúa Trời đã lập làm của lễ chuộc tội, bởi đức tin trong huyết Đấng ấy. Ngài đã bày tỏ sự công bình mình như vậy, vì đã bỏ qua các tội phạm trước kia, trong buổi Ngài nhịn nhục; tức là Ngài đã tỏ sự công bình Ngài trong thời hiện tại, tỏ ra mình là công bình và xưng công bình kẻ nào tin đến Đức Chúa Giê-su” (Rô-ma 3: 25-26). Vì vậy, trái ngược với các phương cách khắc phục sự khốn khổ của con người do tội lỗi gây ra bằng cách cố gắng tìm kiếm sự phục hồi từ bản chất sa ngã là điều không thể, hoặc phương cách đặt sự thánh khiết và công bình của Đức Chúa Trời qua một bên đều là vô ích. “Phương cách cứu rỗi được đưa ra để con người tham gia vào trong sự toàn năng, tình yêu và sự khôn ngoan của chính Đức Chúa Trời, vừa để thỏa mãn sự công bình tuyệt đối của Ngài, vừa để khôi phục lại sự hư hoại của con người do tội lỗi; vì vậy sự giải cứu này sẽ đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu của thiên đàng, và là mọi điều cần thiết cho nhân loại.”

 

Sự chết Con Đức Chúa Trời, như là phương tiện cứu rỗi, trái ngược với tất cả những tôn giáo khác. Ajith Fernando, một học giả Cơ đốc giáo đã phục vụ nhiều năm ở Sri Lanka, kể về một “nhà văn Phật giáo nổi tiếng”, người đã nói với ông rằng “Đức Phật cao cả hơn Chúa Giê-su bởi vì Chúa Giê-su đã bị đánh bại đến nỗi phải chết trong trận chiến cho sự công chính của con người.” Từ điển bách khoa Do Thái khẳng định, “Không có Đấng Mê-si-a nào mà người Do Thái biết lại có thể chịu chết như vậy; vì ‘Kẻ nào bị treo ắt bị Đức Chúa Trời rủa sả’ (Phục truyền 21:23), là một ‘sự xúc phạm đến Đức Chúa Trời” (Targum, Rashi). Tương tự như vậy, người Hồi giáo cũng từ chối lẽ thật về Chúa Giê-su bị đóng đinh. Kinh Koran nói, “Chúng tôi đã giết Đấng Mê-si-a là Chúa Giê-su, con trai của Ma-ri, Sứ đồ của Allah.’ Họ đã không giết Ngài, cũng không đóng đinh Ngài, nhưng họ nghĩ rằng họ đã làm như vậy” (Sura 4: 156). Rõ ràng thập tự giá của Đấng Christ, như Phao-lô đã viết là “sự người Giu-đa lấy làm gương xấu, dân ngoại cho là rồ dại” (1 Côr. 1:23). Nhưng đó là “quyền phép của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời” cho sự cứu chuộc (1:24).

Hơn nữa, sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời không bắt nguồn từ những câu chuyện thần thoại hay những ý tưởng khai sáng, mà là trong lịch sử.  Những lời của Gresham Machen đã tóm tắt sự độc đáo về lời dạy cứu rỗi trong Kinh Thánh. “Theo Kinh Thánh, sự cứu rỗi không phải là điều được khám phá ra, mà là điều đã xảy ra. Do đó thể hiện tính độc nhất của Kinh Thánh. Tất cả các ý tưởng trong Cơ đốc giáo có thể được tìm thấy trong một số tôn giáo khác, nhưng ý tưởng của các tôn giáo khác thì không có trong Cơ đốc giáo. Vì Cơ đốc giáo không phụ thuộc vào các ý niệm phức tạp, nhưng dựa trên lời tường thuật về một sự kiện. Nếu không có sự kiện đó, thế giới, trong cái nhìn của Đấng Christ, hoàn toàn tối tăm, và nhân loại bị hư mất bởi tội lỗi. Không thể có sự cứu chuộc bằng việc khám phá ra lẽ thật vĩnh cửu, vì lẽ thật vĩnh cửu mang lại sự tuyệt vọng, bởi vì tội lỗi. Nhưng một diện mạo mới được khoác lên cuộc sống bởi điều phước hạnh mà Đức Chúa Trời đã làm khi ban chính Con một của Ngài.

Sự cứu chuộc ấy quá xa lạ đối với con người tự nhiên, nhưng lại rất vĩ đại và thỏa mãn những khát vọng sâu thẳm trong lòng của tất cả mọi người đến nỗi nó không thể được tạo ra bởi loài người. Phao-lô, người đã cố gắng tự cứu mình bằng những việc làm của con người, đã tóm tắt tính chất siêu nhiên về sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời: “Vì Đức Chúa Trời đã nhốt mọi người trong sự bạn nghịch, đặng thương xót hết thảy.  Ôi! sâu nhiệm thay là sự giàu có, khôn ngoan và thông biết của Đức Chúa Trời! Sự phán xét của Ngài nào ai thấu được, đường nẻo của Ngài nào ai hiểu được!” (Rô-ma 11: 32-33).

 

 

 

 

 

 

 

 

                                                                          7

Kinh Thánh Là Lời Soi Dẫn Của Đức Chúa Trời?

 

 

TRÁI NGƯỢC VỚI những hình tượng ngoại giáo “có miệng, nhưng … không nói được” (Thi Thiên 115:5; 135:15-16), “Nếu có ai kêu cầu, thì thần chẳng trả lời, và không cứu khỏi nạn được” (Ê-sai 46:7).  Đức Chúa Trời của Kinh Thánh thì giao tiếp với dân sự của Ngài qua lời phán.  Bản chất Đức Chúa Trời vốn dĩ liên quan đến Ngôi Lời và Ngôi Lời thể hiện Ngài. “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời.” (Giăng 1:1).   Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi Ngài giao tiếp với dân sự của Ngài trong suốt lịch sử bằng lời, như trước giả thư Hê-bơ-rơ đã từng tuyên bố.  “Đời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách, rồi đến những ngày sau rốt nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài, là Con mà Ngài đã lập lên kế tự muôn vật, lại bởi Con mà Ngài đã dựng nên thế gian.” (Hê-bơ-rơ 1:1-2). Vì Đức Chúa Trời của chúng ta là một Đức Chúa Trời phán dạy qua lời, vậy thì ngày nay Ngài có còn nói chuyện với dân sự của Ngài không?  Và nếu có, chúng ta có thể nghe thấy lời của Ngài ở đâu hoặc bằng cách nào?

Theo trước giả sách Hê-bơ-rơ, các nhà tiên tri dưới sự soi dẫn của Đức Thánh Linh đã viết những lời của Đức Chúa Trời.  Sự việc này đạt đến đỉnh điểm khi con trai của Đức Chúa Trời, người không chỉ nói những lời của một tiên tri, nhưng bản thân con trai ấy còn chính là Ngôi Lời của Đức Chúa Trời được bày tỏ trong lịch sử.  Như chúng ta sẽ thấy trong chương này, lời tiên tri của Đức Chúa Trời đã được viết ra và lưu giữ trong các tác phẩm thiêng liêng được gọi là Kinh Thánh.  Kết quả là dân sự của Đức Chúa Trời trong Cựu ước và Tân ước đều đã xác định Kinh Thánh là “Lời của Đức Chúa Trời”.

Trong suốt lịch sử hội thánh, các tín hữu hiếm khi thắc mắc về lẽ thật này.  Nhưng trong thời kỳ Khai Sáng, đã đề cao lý trí của con người trong việc tìm kiếm chân lý thông qua cái gọi là phương pháp khoa học, sự thật đấy đã bị nhiều người phủ nhận.  Đối với một số người, Kinh Thánh chỉ là một bản ghi chép về kinh nghiệm tôn giáo của con người.  Số khác xác định các phần của Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, chẳng hạn như những phần được giới thiệu bởi công thức “Chúa phán như vậy”, hoặc “Lời của Chúa đã đến … phán như vậy.”  Nhiều người nói Kinh Thánh chỉ chứa đựng hoặc làm chứng cho Ngôi Lời, nhưng không phải là chính bản thân của Ngôi Lời.  Họ nói rằng chỉ khi Đức Thánh Linh phán với họ qua Ngôi Lời thì Kinh Thánh mới trở thành Lời của Đức Chúa Trời.

Đây là một vấn đề quan trọng.  Vì nếu Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, thì bất chấp hình thức con người của Kinh Thánh, chúng ta có Lời Đức Chúa Trời ở dạng khách quan, hình dáng cụ thể và đó là những tạo vật của Ngài, chúng ta phải vâng theo lời ấy.  Mặt khác, nếu Kinh Thánh chỉ là lời của con người, không chừng sẽ được tâng bốc theo cách nào đó, thì vì một lý do nào đó chúng ta nhất định phải tìm kiếm Lời Chúa trong và đằng sau những lời của con người, hoặc có thể – theo như một số người gợi ý, tìm kiếm ngay cả trong các tác phẩm tôn giáo khác.

Chương này thảo luận về lời chứng của Kinh Thánh xung quanh bản chất của nó.  Điều này nghe có vẻ giống như lý luận luẩn quẩn theo một vòng tròn, tìm cách xác định bản chất của Kinh Thánh bằng những tuyên bố của chính Kinh Thánh.  Chúng ta sẽ nói nhiều hơn về phương pháp này trong phần thảo luận của chúng ta về tính cách đáng tin cậy trong chương 10.  Nhưng chúng ta có thể phải lưu ý hai quan điểm được đưa ra ở đây.

Quan điểm thứ nhất, nếu chúng ta cho phép một người tự làm chứng và không tán thành việc bị bác bỏ thì lời chứng của anh ta là giả dối, như vậy chúng ta cũng không thể cho phép Kinh Thánh tự làm chứng cho Kinh Thánh?  Mặc dù Chúa Giê-su có những nhân chứng khác. Ngài cũng đã làm chứng cho chính Ngài.  “Đức Chúa Giê-su đáp rằng: Dẫu ta tự làm chứng về mình, nhưng lời chứng ta là đáng tin…” (Giăng 8:14).  Sự đáng tin cậy của Kinh Thánh được chứng thực bằng những bằng chứng bên ngoài và bên trong.  Do đó, Kinh Thánh xứng đáng được chú ý trong các tuyên bố về chính Kinh Thánh.

Quan điểm thứ hai, Cơ đốc nhân biết rằng Kinh Thánh là nền tảng của tất cả các giáo lý quan trọng của đức tin, chẳng hạn như thần tính của Đấng Christ và sự cứu rỗi qua sự chết cũng như sự phục sinh của Ngài.  Nếu chúng ta chấp nhận Kinh Thánh là kim chỉ nam dẫn chúng ta đến lẽ thật trong những giáo lý trên, chẳng lẽ chúng ta cũng không nên chấp nhận những lời dạy của Kinh Thánh về bản chất của chính Kinh Thánh sao?

 

Ý NGHĨA VỀ “LỜI CỦA CHÚA”

Nói “Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời” không có nghĩa là Lời của Đức Chúa Trời chỉ giới hạn trong Kinh Thánh.  Lời nói của Đức Chúa Trời được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.  Ví dụ, tác giả Thi Thiên viết rằng: “Ngài ra lịnh mình trên đất, Lời của Ngài chạy rất mau. Ngài cho mưa tuyết như lông chiên; Rải sương-móc trắng khác nào tro.  Ngài ném giá từng miếng; Ai chịu nổi được sự lạnh-lẽo của Ngài?  Ngài ra lịnh làm cho tuyết giá tan ra, khiến gió thổi, nước bèn chảy.” (Thi Thiên 147:15-18).  Rõ ràng “lời” trong phân đoạn trích trên không phải là   Kinh Thánh.  Và trong lời tuyên bố sau cũng vậy “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta…” (Giăng 1:14), Ngôi Lời ở đây là chỉ về Đấng Christ.

Vì thế, Lời Chúa rộng hơn sự mặc khải bằng miệng hoặc bằng văn tự.  Điều đó có thể được định nghĩa là sự tự thể hiện của Đức Chúa Trời, theo Kinh Thánh thì bằng nhiều hình thức khác nhau.  Thứ nhất, đó là quyền năng của Đức Chúa Trời mà Ngài tác động và điều khiển mọi vật theo ý muốn của Ngài (ví dụ, sự sáng tạo trong Sáng Thế Ký 1:3; Thi Thiên 33:6-9; sự phán xét trong Thi Thiên 46:6; Ê-sai 30:30; sự chữa lành trong Ma-thi-ơ 8:8).  Thứ hai, đó là lời nói có thẩm quyền của Đức Chúa Trời mà qua đó Ngài giao tiếp cách cá nhân với các tạo vật của Ngài. Điều thú vị chính là, việc sử dụng “Lời” để thi hành ý muốn của Đức Chúa Trời trên thiên nhiên trong lời tuyên bố sau đây trích từ Thi Thiên 147, chúng ta đọc, “Ngài truyền lời mình cho Gia-cốp, luật-lệ và mạng-lịnh mình cho Y-sơ-ra-ên.” (Thi Thiên 147:19).  Thứ ba, lời của Đức Chúa Trời là sự hiện diện của chính Ngài với các tạo vật.  Tất nhiên, nhân cách của một người được tiết lộ qua cách người đó phát biểu.  (xem trong Ma-thi-ơ 12:34). Vì vậy, Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng “…Đức Giê-hô-va hiện ra cùng Sa-mu-ên, khiến cho người biết lời [của Ngài]” (1 Sa-mu-ên 3:21).  Nhưng cách sử dụng thứ ba này vượt quá mọi ngôn từ về sự bày tỏ của Đức Chúa Trời trong thân vị của Con Ngài là Chúa Giê-su Christ – Ngôi Lời (Giăng 1:1; Khải huyền 19:13).  Cách sử dụng cuối cùng này đưa chúng ta đến sự thật sâu xa rằng “Ngôi Lời” của Đức Chúa Trời không kém gì sự tự mặc khải của Đức Chúa Trời ba ngôi. “Đức Chúa Cha là Đấng tuyên phán; Đức Chúa Con là lời được phán ra; Đức Thánh Linh là lời hà hơi quyền năng … khiến lời đó làm trọn được mục đích của nó.”

 

LỜI CHỨNG CỦA CỰU ƯỚC

Khi Kinh Thánh ghi lại lịch sử mối quan hệ của Đức Chúa Trời với con người, không có gì đáng ngạc nhiên khi trong Cựu Ước, chúng ta thường xuyên thấy đề cập đến lời Đức Chúa Trời như sự giao tiếp bằng lời nói. Ngài không chỉ phát ngôn, nhưng lời của Ngài còn được truyền đạt qua các văn tự của con người, để những gì họ nói và viết đều là những lời của Đức Chúa Trời.

Lời của Chúa đã tuyên phán

Một số từ Hebrew được sử dụng trong Cựu Ước để diễn đạt lời nói hoặc lời của Đức Chúa Trời.  “Miệng” của Đức Chúa Trời được nhắc đến khoảng năm mươi lần như một cơ quan ngôn luận, không chỉ nhấn mạnh đến nguồn gốc trực tiếp lời nói của Ngài mà còn là bản chất của chúng là lời nói. Thông điệp của Giê-rê-mi đến từ “miệng Đức Giê-hô-va” (Giê-rê-mi 9:12). “Tiên tri” là người nói những lời từ miệng của người khác.  Điều này được thể hiện rõ ràng trong sự việc khi Môi-se phàn nàn về khả năng diễn đạt không trôi chảy của mình và A-rôn đã trở thành người phát ngôn cho Môi-se.  “Con phải nói chuyện với người,” Đức Chúa Trời nói với Môi-se và đặt những lời phải nói trên môi miệng A-rôn … A-rôn sẽ nói chuyện với dân chúng thay ngươi; ấy là người đó sẽ nói cùng dân-sự thế cho ngươi, dùng làm miệng ngươi, còn ngươi sẽ dường như Đức Chúa Trời cho người vậy” (Xuất Ê-díp-tô Ký 4:15-16).  Đức Chúa Trời sau đó đã xác định chức vụ cho A-rôn đối với Môi-se bằng những lời này: “còn A-rôn, anh ngươi, sẽ làm tiên-tri của ngươi” (7:1).

Theo cùng một cách trên đây mà Đức Chúa Trời đã phán với Giê-rê-mi: “Nhưng Đức Giê-hô-va lại phán: Chớ nói…Nầy, ta đã đặt những lời ta trong miệng ngươi” (Giê-rê-mi 1:7-9). Sau đó, Giê-rê-mi nói một tiên tri thật là người “đã đứng được trong sự bàn-luận của Đức Giê-hô-va, để được ngắm-xem và nghe lời Ngài” và do đó công bố, “những lời ta đến với dân sự ta” (23:18, 22).

Các tiên tri đã nói với tư cách là “người phát ngôn” của Chúa, hoặc như Đức Chúa Trời đã phán với Giê-rê-mi, “sẽ như miệng ta” (15:19). Những lời cảnh báo về sự phán xét và lời hứa sự cứu rỗi của ông là chắc chắn vì “miệng Đức Giê-hô-va đã phán.” (Ê-sai 1:20,40:5). “Miệng của Đức Giê-hô-va” thường được dịch là “lời nói” hoặc “mệnh lệnh”, do đó nhấn mạnh bản chất lời nói của sự mặc khải của Đức Chúa Trời. “Môi-se kiểm kê họ đúng như lời [nghĩa đen là “miệng”] CHÚA truyền bảo mình.” (Dân số Ký 3:16, NVB). “Cả hội-chúng Y-sơ-ra-ên đi từ đồng vắng Sin, đi từng trạm, tùy theo lịnh [nghĩa đen là “miệng”] Đức Giê-hô-va. (Xuất Ê-díp-tô Ký 17:1).  Hành động của các bộ tộc Y-sơ-ra-ên ở lại phía đông sông Giô-đanh là “theo mạng-lịnh [nghĩa đen là “miệng”] của Đức Giê-hô-va cậy Môi-se truyền cho.” (Giô-suê 22:9). Điều đáng quan tâm trong ví dụ cuối cùng này là thực tế là chúng ta không có ghi chép nào về việc Đức Chúa Trời truyền lệnh cho Môi-se về những người lãnh đạo các bộ tộc Reuben, Gad và nửa bộ tộc Manasseh. Môi-se chỉ đơn giản đã đưa ra chỉ dẫn riêng của mình cho họ (xem Dân-số Ký 32:20-24). Nhưng là tiên tri của Đức Chúa Trời, lời nói từ miệng ông cũng là từ “miệng” của Chúa; những lời đó là lời của Đức Chúa Trời.

Lời Chúa trong Cựu Ước cũng thường được diễn đạt bằng động từ ‘dmar (“bày tỏ hoặc phán”) và các danh từ liên quan của nó, ‘dmer,‘emrd‘imrd, được dịch khác nhau như “lời nói”, “phát biểu” hoặc “lời”. Động từ ‘dmar luôn luôn diễn tả mối quan hệ cá nhân mà trong đó một người thốt ra “những mạng lịnh hợp lý … làm cho người khác có thể nghe và hiểu được.” Khi được Đức Chúa Trời sử dụng, điều đó đề cập đến sự mặc khải. “Các thành ngữ ‘Đức Chúa Trời đã bày tỏ (đã phán),’ ‘Đức Chúa Trời đang bày tỏ (đang phán).’ Và ‘Đức Chúa Trời sẽ bày tỏ (sẽ phán)’, ngụ ý rằng Đức Chúa Trời có thể được nghe thấy trong lĩnh vực tự nhiên và lịch sử, lĩnh vực kinh nghiệm và hiểu biết của con người … [Ngài] có thể phát ngôn để người ta có thể hiểu được. Vì vậy, Đức Chúa Trời thường truyền đạt ý muốn của Ngài cho con người bằng lời nói (ví dụ, “Đức Chúa Trời bèn phán cùng Nô-ê rằng”: Sáng Thế Ký 8: 15). “Vì vậy, [‘dmar] CHÚA phán” là một công thức phổ biến của các tiên tri (hơn 130 lần trong sách Giê-rê-mi), cho thấy rằng họ đang truyền tải một thông điệp giống như một sứ giả của con người mang thông điệp đến.” Các danh từ liên quan với “phán” hoặc “ngôn lời” cũng được dùng trong nội dung lời Đức Chúa Trời phán (ví dụ, Gióp 22:22; 23:12; Thi Thiên 77: 8; Ê-sai 41:26). Điều đặc biệt cần quan tâm là thực tế rằng từ ‘imrd  (“lời”) xuất hiện mười bảy lần trong Thi Thiên 119. Được sử dụng với các thuật ngữ khác như “quy chế”, “điều răn”, “lời chứng” và “giới luật”, rõ ràng trước giả Thi-thiên muốn nói rằng có nhiều hơn một số mặc khải chủ quan cá nhân đến từ Đức Chúa Trời. “Lời” của Đức Chúa Trời là Kinh Thánh được viết ra mà qua đó nhiều ơn phước đã được truyền lại cho các trước giả Thi Thiên.

Từ thông dụng nhất trong Cựu ước dùng để “nói” là động từ dãbar. Danh từ tương ứng của nó, “lời”, cũng có nghĩa là “điều”, “vấn đề”, “sự việc”, như trong “vấn đề mà người ta nói.” Động từ dãbar tập trung vào hoạt động nói, tức là việc tạo ra các từ và câu. Nhưng hoạt động này không làm giảm đi quan trọng của những gì đã được nói. Điều này được thể hiện rõ qua nội dung của cách “nói”, vì trong Kinh Thánh, những thuật ngữ này là những thuật ngữ phổ biến nhất được sử dụng để Đức Chúa Trời phán lời của Ngài. Có khoảng bốn lần cụm từ “CHÚA đã phán,” “CHÚA đã hứa” và “CHÚA đã truyền lệnh” được ghi nhận, trong đó động từ này là dãbar.

Dãbar đặc biệt nổi bật trong mối quan hệ của lời Đức Chúa Trời qua các tiên tri. Đức Chúa Trời đã phán với các tiên tri của Ngài như Ê-sai đã làm chứng. “Đức Giê-hô-va lại phán cùng tôi rằng” (Ê-sai 8:5; xem thêm tại Giê-rê-mi 36: 2; Ê-xê-chi-ên 3:10). Nhưng lời phán của Ngài không chỉ đến với các tiên tri. Lời phán đó cũng thông qua các tiên tri để đến với những người khác, ví dụ: “Đức Giê-hô-va nhờ con trai A-mốt, là Ê-sai, mà phán rằng: Hãy đi, cởi bao gai khỏi lưng ngươi, và lột giày khỏi chân ngươi. Ê-sai vâng lời, đi trần, và chân không” (Ê-sai 20:2, xem thêm  Xuất Ê-díp-tô Ký 9:35; 1 Các Vua 12:15; Giê-rê-mi 37:2; Ê-xê-chi-ên 38:17). Do đó, việc tiếp nhận lời Đức Chúa Trời từ các tiên tri và việc công bố lời ấy có thể được coi là một hành động phát ngôn của Đức Chúa Trời. Như Đa-vít đã nói: “Thần của Đức Giê-hô-va đã cậy miệng ta mà phán, và lời của Ngài ở nơi lưỡi miệng ta” (2 Sa-mu-ên 23:2). Ê-sai đã nói với A-háp những điều mà ông đã nhận được từ Đức Chúa Trời, nhưng quá trình tương tự được mô tả khi chúng ta đọc, “Đức Giê-hô-va lại phán cùng A-cha rằng” (Ê-sai 7:10; xem thêm 7:3-4).

Do đó “lời” mà các nhà tiên tri đã nói là “lời của CHÚA.” Xuất hiện khoảng 240 lần trong Cựu Ước, cụm từ này mô tả cả lời của Đức Chúa Trời cho các nhà tiên tri và lời mà họ đã công bố cho dân chúng (ví dụ, “Có lời Đức Giê-hô-va phán cùng Ô-sê” [Ô-sê 1:1; xem thêm tại Mi-chê 1:1; Sô-phô-nia 1:1], và “hãy để tai vào luật-pháp của Đức Chúa Trời chúng ta!” [Ê-sai 1:10; A-mốt 7:16]). Cụm từ này vì vậy là “một thuật ngữ kỹ thuật cho lời tiên tri về sự mặc khải.”

Các cách sử dụng khác của dãbar cho lời Chúa cũng được tìm thấy. Nói chuyện với Môi-se, A-rôn và Mi-ri-am, Chúa phán rằng, “Hãy nghe rõ lời ta” (Dân-số Ký 12:6). Theo trước giả Thi Thiên, Đức Chúa Trời “Ngài nhớ lại lời thánh Ngài” phán với Áp-ra-ham (Thi Thiên 105:42). Điều quan trọng là sự mô tả Mười Điều Răn cũng là “những lời của giao ước, Mười Điều Răn [nghĩa đen, ‘mười từ’]” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:28; xem thêm Phục truyền Luật lệ Ký 4:13; 10:4), và các mệnh lệnh của Đức Chúa Trời nói chung (ví dụ, Thi Thiên 50:17).

Vậy rõ ràng, Đức Chúa Trời đã bày tỏ chính Ngài qua lời nói. Đức Chúa Trời đã tuyên phán với con người, và trách nhiệm của họ là phải “nghe” hoặc “lắng nghe” tiếng nói của Ngài.

 

Lời thành văn của Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời cũng đã được viết ra. Chính Đức Chúa Trời đã viết ra các nguyên tắc cơ bản trong giao ước của Ngài với dân sự Ngài thời Cựu Ước trong Mười Điều Răn, “trên đó có đủ những lời mà Đức Giê-hô-va đã phán” với Môi-se. (Phục truyền Luật lệ Ký 9:10, VIE2010; xem thêm tại 10:4; 4:13; Xuất Ê-díp-tô Ký 24:12; 31:18; 32:15-16; 34:1). Đức Chúa Trời thường ra lệnh cho người khác viết lời Ngài muốn truyền đạt. Sau khi Y-sơ-ra-ên đánh bại A-ma-léc, Đức Chúa Trời nói với Môi-se, “Hãy chép điều nầy trong sách làm kỷ-niệm, và hãy nói cho Giô-suê biết rằng ta sẽ bôi sạch kỷ-niệm về A-ma-léc trong thiên-hạ.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 17:14). Và Đức Chúa Trời đã hướng dẫn Môi-se viết “bài hát này”, tức là “Bài ca của Môi-se,” “để bài ca nầy dùng làm chứng cho ta nghịch cùng dân Y-sơ-ra-ên” (Phục truyền Luật lệ Ký 31:19). Hành động ghi lại, như những hướng dẫn này chứng minh, là nhằm mục đích bảo tồn lời Chúa cho các thế hệ mai sau.

Môi-se đã viết ra những điều khoản trong giao ước mà Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên. Sau khi kể lại “tất cả những lời của CHÚA và tất cả các giáo lễ” cho mọi người, “Môi-se chép hết mọi lời của Đức Giê-hô-va” (Xuất Ê-díp-tô Ký 24:3-4). Một lần nữa Chúa phán “Đức Giê-hô-va cũng phán cùng Môi-se rằng: Hãy chép các lời nầy; vì theo các lời nầy mà ta lập giao-ước cùng ngươi và cùng Y-sơ-ra-ên.” (34:27). Vào cuối cuộc hành trình trên đất của mình Môi-se đã lặp lại những lời của giao ước với dân chúng khi họ chuẩn bị băng qua sông Giô-đanh vào Đất Hứa (Phục truyền Luật lệ Ký 29:1; 30:1). “Khi Môi-se chép những lời luật-pháp nầy trong một cuốn sách xong rồi, thì ra lịnh cho người Lê-vi: Hãy lấy cuốn sách luật-pháp nầy, để bên hòm giao-ước của Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi. Nó sẽ ở đó làm chứng nghịch cùng ngươi” (Phục truyền Luật lệ Ký 31:24-26; xem thêm 31:9). “Quyển sách luật pháp này” không chỉ là những điều răn và quy chế khác nhau. Như chúng ta đã thấy, Môi-se đã viết tường thuật về sự thất bại của A-ma-léc. Và ông cũng ghi lại cuộc hành trình của dân tộc từ Ai Cập đến Y-sơ-ra-ên (Dân số Ký 33:2). “Sách giao ước,” như nó đã được biết đến (2 Các Vua 23: 3,21; xin xem 2 Sử ký 34:14), không chỉ đơn giản là các quy định của giao ước; nó cũng bao gồm bản ký thuật về hoạt động của các thành viên trong giao ước. Trong lời từ biệt của mình, Giô-suê đã ghi lại việc tái lập giao ước với dân chúng tại Si-chem (Giô-suê 24:25-26). Sau đó, các ghi chép lịch sử về hành động của các vị vua Y-sơ-ra-ên được các tiên tri Sa-mu-ên, Na-than và Gát (1 Sử ký 29:29)7 chấp bút.

Các hướng dẫn để viết Lời Chúa cũng được trao cho các tiên tri sau này. Mệnh lệnh cho Ê-sai đặc biệt có tính hướng dẫn ở chỗ mục đích của việc viết ra phải được trình bày rõ ràng. “Bây giờ, ngươi hãy đi, chạm lời nầy trên bảng nhỏ ở trước mặt họ, hãy chép vào sách, để truyền lại đời sau, mãi mãi không cùng.” (Ê-sai 30:8). Thế hệ của Ê-sai là một “dân bội nghịch” (30: 9) là những người đã từ chối tiếng nói của Đức Chúa Trời. Nhưng lời của Đức Chúa Trời qua tiên tri sẽ vẫn giữ được sức mạnh của nó như là Lời của Đức Chúa Trời khi nói với các thế hệ sau này sau khi Ê-sai qua đời (Ê-sai 8:1). Giê-rê-mi và Ha-ba-cúc cũng được hướng dẫn viết ra những lời tiên tri (Giê-rê-mi 30: 2; 36: 2-4, 27-32; Ha-ba-cúc 2: 2). Các tài liệu tham khảo khác chỉ ra rằng các tiên tri đã viết cũng như nói các thông điệp của họ (ví dụ, Giê-rê-mi 15:13; 45:1; 51:60). Thậm chí toàn bộ sách tiên tri cũng được mô tả là “lời của CHÚA” (ví dụ, Ô-sê 1:1; Mi-chê 1:1; Sô-phô-ni 1:1).

Do đó, Cựu Ước làm chứng rõ ràng cho lẽ thật rằng Đức Chúa Trời phán lời Ngài qua văn tự cũng như lời nói. Hơn nữa, toàn bộ bài viết, không chỉ một số phần, được xác định là Lời Đức Chúa Trời. Điều này thậm chí càng trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta xem xét thái độ của Chúa Giê-su và những người khác trong Tân Ước đối với các sách Cựu Ước. Nhưng nguyên tắc này đã được minh bạch trong chính Cựu Ước. Tất cả Ngũ Kinh, không chỉ một số mệnh lệnh, đều là Lời Đức Chúa Trời. Giô-suê phải làm tất cả những gì được chép trong “quyển sách luật pháp” (Giô-suê 1: 8), trong đó chính ông cũng đã viết nhiều điều. E-xơ-ra đọc “các lời của luật-pháp” (Nê-hê-mi 8:13). Và phần giới thiệu của toàn bộ sách tiên tri đi liền với tuyên bố, “Lời của Chúa đã đến … ngụ ý rằng toàn bộ sách được coi là [‘lời của Chúa’).”8 Không có sự phân biệt nào giữa những tuyên bố trong sách được quy trực tiếp cho Đức Chúa Trời và những bình luận lịch sử của nhà tiên tri. “Ở đây, chúng ta có một sự chuyển tiếp sang quan điểm cuối cùng rằng không chỉ là sách tiên tri, mà toàn bộ Cựu Ước, là Lời của Đức Chúa Trời.”9

LỜI CHỨNG CỦA TÂN ƯỚC

Chúa Giê-su là Lời của Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời đạt đến ý nghĩa đỉnh cao trong Tân Ước khi nó được dùng cho thân vị của Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời (Giăng 1:1). Hơn cả là lời nói hay câu chữ điều này còn truyền tải một thông điệp khái niệm, Lời Đức Chúa Trời là hành động cụ thể của chính Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, Đấng Christ đã đến để hoàn thành luật pháp và các lời tiên tri, không chỉ bằng cách ban cho họ ý nghĩa đầy đủ trong sự dạy dỗ của Ngài mà còn bằng sự sống và cái chết của Ngài (Ma-thi-ơ 5:17). Vì vậy Ngài là “sự cuối-cùng của luật-pháp, đặng xưng mọi kẻ tin là công-bình” (Rô-ma 10:4). Giao ước mới được bày tỏ trong huyết của Ngài. “Nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội” (Ma-thi-ơ 26:28).  Giao ước mới được thực thi trong “những gì diễn ra trong con người Ngài, trong chính cuộc đời mà Ngài đã sống.”10 Chúa Giê-su là Tôi tớ được lời tiên tri nói đến, là người sẽ làm “giao-ước của dân” (Ê-sai 42:6; 49:8, NVB). Ngài mang thông điệp về sự cứu rỗi, nhưng hơn thế nữa, Ngài là “sự công-bình, sự nên thánh, và sự cứu-chuộc” của chúng ta (1 Cô-rinh-tô 1:30), và “chính Ngài là sự hòa-hiệp của chúng ta” (Ê-phê-sô 2:14). Đấng Christ do đó không chỉ đơn giản là Đấng mang đến Lời của Đức Chúa Trời; “Ngài   hợp nhất nó trong thân vị của Ngài, trong tiến trình lịch sử … của cuộc đời và bản thể Ngài.”11

Lời dạy của các Sứ đồ tương đương như Lời của Đức Chúa Trời

Lẽ thật là Chúa Giê-su là hiện thân của Lời của Đức Chúa Trời, tuy nhiên, điều đó không làm lu mờ lời phán của Đức Chúa Trời hay Ngài trở nên kém hơn lời Đức Chúa Trời. Chính Chúa Giê-su đã rao “lời của Đức Chúa Trời” (Giăng 3:34, BPT: xem thêm 7:16; 8:26-28). Cụm từ được phổ biến là “lời của Đức Chúa Trời” được sử dụng trong Tân Ước đề cập đến thông điệp mà các nhân chứng ban đầu đã công bố. Họ mạnh dạn nói “lời Đức Chúa Trời cách dạn-dĩ” (Công-vụ 4:31). Phao-lô và Ba-na-ba công bố “lời của Đức Chúa Trời” trong các nhà hội ở Sa-la-min, “Đến thành Sa-la-min, hai người giảng đạo Đức Chúa Trời trong các nhà hội của người Giu-đa; cũng có Giăng cùng đi để giúp cho. Trải qua cả đảo cho đến thành Ba-phô rồi, gặp một người Giu-đa kia, là tay thuật sĩ và tiên tri giả, tên là Ba-Giê-su, vốn ở với quan trấn thủ tên là Sê-giút Phau-lút là người khôn ngoan. Người nầy đã sai mời Ba-na-ba và Sau-lơ đến, và xin nghe lời Đức Chúa Trời” (Công. 13:5-7). Sau đó họ trở lại để “thăm hết thảy anh em trong các thành mà trước đó họ đã giảng lời Chúa” (15:36).

Phao-lô định cư ở Cô-rinh-tô trong mười tám tháng “dạy lời Đức Chúa Trời” (18:11). Các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca nhận được thông điệp thiêng liêng mà Phao-lô đã tuyên bố với họ là “Lời của Đức Chúa Trời” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13). Sứ đồ Phi-e-rơ viết, “anh em đã được lại sanh, chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống chẳng hư nát, là bởi lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời.  Vì, Mọi xác thịt ví như cỏ. Mọi sự vinh hiển của nó ví như hoa cỏ. Cỏ khô, hoa rụng,

Nhưng lời Chúa còn lại đời đời. Và lời đó là Tin lành đã giảng ra cho anh em” (1 Phi-e-rơ 1:23,25). “Lời của Đức Chúa Trời”, “lời của Chúa,” hoặc “lời” được sử dụng gần như tám mươi lần trong các thông điệp mà các chứng nhân của Hội Thánh đầu tiên công bố về Chúa Giê-su. Ngoài ra, các câu khác cũng đề cập đến sự dạy dỗ của các sứ đồ3 như “lời có ích” (1 Ti-mô-thê 6:3) hay “lời lẽ thật của phúc âm” (word of the truth of the gospel. NKJV) (Cô-lô-se 1:5).

Cựu ước là Lời của Đức Chúa Trời

Các trước giả Tân Ước cũng làm chứng về các cuộn giấy viết của Lời Đức Chúa Trời. Khi nhắc  Ti-mô-thê “biết những lời thánh” từ thời thơ ấu của mình, sứ đồ Phao-lô đã bày tỏ, “Cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời hà hơi vào” (2 Ti-mô-thê 3:15-16). Cụm từ “cả Kinh Thánh” cũng có thể được dịch là “mỗi câu Kinh Thánh,” đề cập đến các phần riêng lẻ. Phao-lô muốn nói đến toàn bộ Kinh Thánh. Điều này sẽ phù hợp với việc ông thường xuyên sử dụng cụm từ “Kinh Thánh có dạy, Kinh Thánh có nói …” (ví dụ, Rô-ma 4:3; 9:17; Ga-la-ti 4:30).

Từ “soi dẫn” ở đây có thể gây hiểu lầm. Hai trong số các nghĩa của nó trong tiếng Anh là “lấp đầy bằng một hoạt ảnh, hoặc nâng cao ảnh hưởng” và “tạo ra hoặc khơi dậy (một cảm giác, suy nghĩ, v.v.).” Cả hai ý nghĩa chính này đều gợi ý rằng “soi dẫn” có nghĩa là ủng hộ hoặc tạo ra điều gì đó trong một điều gì đó khác, cho thấy trong trường hợp này rằng Đức Chúa Trời đã lấp đầy Kinh Thánh bằng sự sống và năng quyền của Ngài. Mặc dù điều này đúng và được dạy trong Hê-bơ-rơ 4:12, nhưng ở đây Phao-lô không đề cập đến tác động của Kinh Thánh, mà là nguồn của chúng — từ Đức Chúa Trời.

Cụm từ “được soi dẫn bởi Chúa” trong tiếng Hy lạp là theopneustos, nó kết hợp danh từ “God” (theos) và tính từ tạo thành từ động từ “hà hơi” (pnẽo). 13Theopneustos luôn có nghĩa bị động là “được Đức Chúa Trời hà hơi,” không phải là “hơi thở của Đức Chúa Trời.” Vậy có nghĩa  Kinh Thánh là sản phẩm của sự thần cảm từ Đức Chúa Trời; những tác phẩm đó đã được Ngài hà hơi vào. Do đó, câu này nhấn mạnh nguồn của Kinh Thánh. Nhưng nó cũng nói lên điều gì đó về bản chất của chúng. Chúng có nguồn gốc từ Đức Chúa Trời, chúng là lời của Ngài. Cần lưu ý rằng mặc dù “tất cả Kinh Thánh” trong 2 Ti-mô-thê 3:16 đề cập cụ thể đến Cựu Ước, nhưng lời dạy của sứ đồ trong các tác phẩm Tân Ước cũng được xem là Kinh Thánh. Chúng cũng được các trước giả khác của Tân Ước xem là Kinh Thánh.

Tân Ước thường kết hợp các tài liệu tham khảo về Cựu Ước với các thông điệp mới về Đấng Christ, gọi cả hai là “lời của Đức Chúa Trời.” Trước giả Hê-bơ-rơ chắc chắn đã bao gồm toàn bộ các tác phẩm Cựu Ước khi ông nói Lời Đức Chúa Trời sống động và quyền năng (Hê-bơ-rơ 4:12). Ngoài ra khi Phao-lô rao giảng, ông thường trích dẫn Cựu Ước để chứng tỏ rằng Chúa Giê-su là Đấng Mê-si đã được hứa ban. Do đó, lời xác nhận của ông về Lời Chúa có bao gồm cả Cựu ước (Cô-lô-se 1:15).

Mặc dù các trước giả Tân Ước không qui cho toàn bộ Cựu Ước là “lời của Đức Chúa Trời”, nhưng có rất nhiều bằng chứng trong Tân Ước cho thấy họ đã coi toàn bộ Cựu Ước là lời của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh Tân Ước thường nói rằng Đức Chúa Trời đã phán qua các trước giả Kinh Thánh là những người đã viết ra Cựu Ước. Và dĩ nhiên, các trước giả Tân Ước cũng thường nói Đức Chúa Trời cũng phán qua các trước giả. Ví dụ, Ma-thi-ơ giới thiệu lời tiên tri trong Cựu Ước về sự ra đời của Chúa Giê-su bằng cách viết, “Những việc nầy xảy ra để ứng nghiệm lời Chúa đã phán bởi tiên tri: ‘Nầy, một trinh nữ sẽ mang thai, và sinh một con trai’” (Ma-thi-ơ 1:22-23). Trong trường hợp này và những trường hợp khác, Cựu Ước được cho là sự giao tiếp trực tiếp từ Đức Chúa Trời (so sánh 2:15) với con người. Tuy nhiên, Cựu Ước là Lời của Đức Chúa Trời ngay cả khi phần trích dẫn là lời của người viết Cựu Ước. Ví dụ, trong Công vụ 4:25 Phi-e-rơ và Giăng nói đến việc Đức Chúa Trời phán “bởi Đức Thánh Linh” trong Thi thiên 2:1-2, nhưng đây thực sự là lời của Đa-vít, vì Đức Chúa Trời đã phán “qua miệng … của Đa-vít.” Đấng Christ đã ứng nghiệm những gì Đức Chúa Trời đã phán, “dùng miệng các tiên tri phán từ thuở trước” (Lu-ca 1:7). Và Thi thiên 95: 7-8 là những lời được Đức Chúa Trời phán ra “qua Đa-vít” (Hê-bơ-rơ 4:7).

Đôi khi các phần của Cựu ước được cho là được Đức Chúa Trời phán trực tiếp mà không có bất kỳ sự liên quan nào đến các trước giả. Một ví dụ là Mười Điều Răn. Ở đây Ma-thi-ơ và Gia-cơ cho biết, được Đức Chúa Trời phán ra, không liên quan đến Môi-se (Ma-thi-ơ 15:4; Gia-cơ 2:11). Ngoài ra, Phao-lô nói rằng Lời Đức Chúa Trời được phán với Pha-ra-ôn (Xuất Ê-díp-tô Ký 9:16) là Kinh Thánh (Rô-ma 9:17).

Ngược lại, Kinh Thánh Cựu ước là lời của Đức Chúa Trời ngay cả khi Đức Chúa Trời không được ghi lại là người phát ngôn. Một minh họa thú vị về sự hiểu biết của Tân Ước về tất cả Kinh Thánh như phát biểu hoặc lời phán của Đức Chúa Trời được trước giả sách Hê-bơ-rơ cung cấp khi ông trích dẫn sáu đoạn Kinh Thánh trong Cựu Ước (Hê-bơ-rơ 1:5-13). Khi giới thiệu mỗi trích dẫn đó, ông viết rằng Chúa đã nói những lời này. Tuy nhiên, bốn người trong số những  (1: 6, 7, 8-9, 10-12) người phát ngôn trong Cựu Ước thực sự là một người khác. Bởi vì những câu này là một phần của Kinh Thánh Cựu ước, chúng đều là lời của Đức Chúa Trời.

Tân Ước là lời của Đức Chúa Trời

Tân ước gọi những tác phẩm thiêng liêng của Cựu Ước là lời Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng có thể gọi Tân Ước là Lời của Đức Chúa Trời? Vì quá trình viết và tập hợp các tác phẩm Tân Ước (trong thế kỷ đầu tiên) vẫn đang diễn ra, nên không có tuyên bố nào mô tả toàn bộ Tân Ước là “Kinh Thánh” hay “Lời của Đức Chúa Trời.” Tuy nhiên, một số yếu tố chỉ ra rằng các trước giả Tân Ước đã xem các tác phẩm của họ cùng thể loại với Kinh Thánh Cựu Ước, điều này có nghĩa Cựu và Tân ước đều là Lời của Đức Chúa Trời.

Các trước giả thường ghi lại lời phán trực tiếp của Đức Chúa Trời. Lời của Đức Chúa Trời đã được nghe khi làm phép báp têm và sự biến hình của Chúa Giê-su (Ma-thi-ơ 3:17; 17:5). Chúa phục sinh đã nói chuyện với Phao-lô trên Đường Đa-mách (Công vụ 9:4) và sau đó (19:9-10; 23:11) cũng như với những người khác (9:11-16; 10:13), và Chúa Giê-su Christ đã nói lời Ngài cho sứ đồ Giăng (Khải huyền 1:17-3:22).

Sự ngang bằng của Tân Ước với Cựu Ước như Lời của Đức Chúa Trời cũng nằm sau lời khuyến khích “đọc” (nghĩa là đọc to) các bức thư sứ đồ trong các nhà hội (Cô-lô-se 4:16; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:27; xem thêm 2 Cô-rinh-tô 1:13). Trong các buổi họp tại nhà nguyện Do Thái, Kinh Thánh Cựu Ước được đọc công khai (Lu-ca 4:16; Công vụ 13:15; 15:21; 2 Cô 3:15). Việc đọc các tác phẩm Tân Ước trong nhà thờ cùng với Cựu Ước chứng tỏ rằng ngay từ đầu chúng đã được xếp ngang hàng với Cựu Ước. Phi-e-rơ đã nói rõ điều này khi ông đề cập đến các thư của Phao-lô cùng với “phần còn lại của Kinh Thánh”. (2 Phi-e-rơ 3:16).

Khi Phao-lô trích dẫn trong 1 Ti-mô-thê 5:18 từ Phục truyền luật lệ ký 25:4 và Lu-ca 10:7, ông gọi chúng là “Kinh Thánh”, do đó chúng ta có thể xếp Cựu ước và Tân ước vào cùng một loại.

Cuốn sách cuối cùng của Kinh Thánh được gọi là “sự mặc khải của Chúa Giê-su Christ, mà Đức Chúa Trời đã ban … cho tôi tớ của Ngài là Giăng” (Khải huyền 1:1). Sau đó, Giăng đã làm chứng rằng ông “làm chứng cho lời của Đức Chúa Trời và cho lời chứng của Chúa Giê-su Christ” (1:2). Vì vậy, toàn bộ Sách Khải huyền là lời của Đức Chúa Trời được Đấng Christ làm chứng cho (22:16, 18, 20), lời tuyên bố ban phước cho người “đọc [người đọc công khai] và những người nghe những lời tiên tri [Sách Khải Huyền]” có thể liên tưởng đến những lời của Chúa Giê-su trong Lu-ca 11:28: “Phước cho những ai nghe lời Đức Chúa Trời và tuân giữ lời ấy.” Lời cảnh báo của Chúa chống lại bất kỳ ai thêm hoặc bớt “những lời tiên tri của sách này” cũng tương tự như lời cảnh báo của Cựu Ước về việc thêm vào các điều răn của Đức Chúa Trời (Phục truyền luật lệ ký 4:2; 12:32). Vì vậy, Sách Khải huyền đã được trình bày rõ ràng như là Lời Đức Chúa Trời.

LỜI THÀNH VĂN VÀ LỜI CÁ NHÂN CỦA CHÚA GIÊ-SU CHRIST

Các nhà thần học chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa duy lý đã nhất quán bác bỏ Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời và thay vào đó khẳng định rằng chỉ có Chúa Giê-su Christ là Lời của Đức Chúa Trời. Vào cuối thế kỷ XIX, F. W. Farrar người đứng đầu của Giáo hội Anh đã trích dẫn lời của một người khác để bày tỏ quan điểm: “Hãy loại bỏ sự thành kiến của những ai chấp nhận lời ghi chép của con người là Lời của Đức Chúa Trời.  Cơ đốc nhân được yêu cầu chỉ tin cậy Đấng Christ, và không kêu cầu với bất cứ ai khác mà chỉ duy Ngài mà thôi.”16 Gần đây hơn, John Barton trong một cách lập luận không phù hợp cho rằng “Chỉ có ‘Kinh Thánh’ là nguồn cho thẩm quyền của Phao-lô. Điều quan trọng đối với Phao-lô là các hành động của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ.”17 Karl Barth đã nói, “Phương trình này: Lời Đức Chúa Trời = Con của Đức Chúa Trời, khiến cho bất cứ giáo lý nào khác có liên quan đến Lời Đức Chúa Trời mà không theo phương trình trên đây đều không thể chấp nhận.” Đối với những người này, Lời của Đức Chúa Trời là sự mặc khải của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ và không có bất kỳ một lời nào khác được chấp nhận.

 

Ngay cả một số tác giả Phúc âm cũng nhấn mạnh đến Đấng Christ là Lời Đức Chúa Trời hơn là về Kinh Thánh. Donald Bloesch, chẳng hạn, viết, “Chúng ta phải ghi nhớ rằng thẩm quyền tối thượng, cuối cùng không phải là Kinh Thánh mà là chính Đức Chúa Trời hằng sống khi chúng ta tìm thấy Ngài trong Chúa Giê-su Christ … Kinh Thánh có thẩm quyền bởi vì nó chỉ ra ngoài quyền lực tuyệt đối của chính nó, là Lời hằng sống và siêu việt của Đức Chúa Trời …. Cũng như Hội thánh phụ thuộc vào Kinh Thánh, nên đến lượt mình Kinh Thánh lại phụ thuộc vào Chúa Giê-su Christ, Đấng hiện thân cho tâm trí và lời khuyên của Đức Chúa Trời.”18 Alister McGrath, một nhà truyền giáo Phúc âm người Anh, khẳng định rằng Kinh Thánh không được coi là “sự mặc khải chính nó”, vì chúng là “một kênh mà qua đó Đức Chúa Trời mặc khải chính Ngài trong Chúa Giê-su Christ.” 19 Tuy nhiên, điều này ngược lại với thực tế. Kinh Thánh – như chúng ta đã thấy, rõ ràng là Lời của Đức Chúa Trời.

Đúng, một người không chỉ là lời nói. Nhưng chúng ta phải cẩn thận rằng chúng ta không phân biệt một cách chắc chắn một người từ những lời nói của anh ta. Một số điều cần lưu ý về mối quan hệ của Lời viết của Đức Chúa Trời, Kinh Thánh và Lời nói cá nhân của Chúa Giê-su Christ.

Thứ nhất, lẽ thật rằng Đấng Christ là sự mặc khải sau cùng và cuối cùng của Đức Chúa Trời không làm cho những hình thức mặc khải trước đây của Đức Chúa Trời trở thành điều gì đó khác với Lời mặc khải của Ngài. Như trước giả Hê-bơ-rơ khẳng định, Đức Chúa Trời phán cả “trong các tiên tri” và “trong Con Ngài” (Hê-bơ-rơ 1:1-2). Như chúng ta đã thấy, lời của các nhà tiên tri là lời của Đức Chúa Trời. Trên thực tế, bản thân Kinh Thánh đề cập đến cả Chúa Giê-su Christ và phần Kinh Thánh đã viết là Lời của Đức Chúa Trời, không có sự phân biệt nào ở đây. Ví dụ, Kinh Thánh là “lời sống và linh nghiệm” (Hê-bơ-rơ 4:12). Và Chúa Giê-su nói những lời của chính Ngài là “thần linh và… sự sống” (Giăng 6:63: xem thêm 1 Phi-e-rơ 1:23).

Một số tác giả tranh luận rằng Kinh Thánh là “lời chứng” hay “nhân chứng” cho Lời hằng sống, chứ không phải chính bản thân Lời. Họ chỉ ra rằng chính Chúa Giê-su đã nói rằng Kinh Thánh “làm chứng” về Ngài (Giăng 5:39). Việc Kinh Thánh làm chứng cho Chúa Giê-su Christ có làm cho nó kém hơn Lời Đức Chúa Trời không? Câu trả lời cho câu hỏi này được nhìn thấy khi chúng ta nhớ rằng Chúa Giê-su làm chứng cho chính Ngài (5:31; 8:14). Ngay cả Cha trên trời và Thánh Linh cũng làm chứng cho Ngài (5:37; 8:18; 15:26). Sự làm chứng của chính Ngài và của Đức Chúa Cha và Thánh Linh chắc chắn Ngài là “lời của Đức Chúa Trời.” Lời chứng của những trước giả Kinh Thánh được viết dưới sự soi dẫn của Thánh Linh chỉ đơn giản là sự tiếp tục của lời chứng này và do đó không khác gì Lời của Đức Chúa Trời. Như Chúa Giê-su đã nói với các sứ đồ của Ngài, Thánh Linh “sẽ làm chứng cho Ta và các ngươi cũng sẽ làm chứng” (15:26-27; xem thêm Lu-ca 24:18; Khải Huyền 1:1).

Thứ hai, lời nói của một cá nhân không thể tách rời khỏi người đó, vì chúng “tiết lộ” bản chất của người nói. “Vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra” (Ma-thi-ơ 12:34) và “tấm lòng” ám chỉ điều thực sự ở bên trong chúng ta (Châm ngôn 27:19; 1 Phi-e-rơ 3:15). Do đó, lời nói của chúng ta là biểu hiện của chính chúng ta. Nếu một người nói những lời thô thiển hoặc ngu xuẩn, chúng ta có xu hướng nghĩ rằng bản thân anh ta thô thiển hoặc ngu ngốc. Nếu chúng ta tôn trọng lời nói của một người, chúng ta đang tôn trọng người đó. Vâng theo lời Đức Chúa Trời cho thấy chúng ta tôn trọng và yêu mến Ngài. Vì Chúa Giê-su đã nói, “Ai có các điều răn của ta và vâng giữ lấy, ấy là kẻ yêu mến ta” (Giăng 14:21, xem thêm 14:23-24; 15:10, 14).

Từ ngữ, trên thực tế, là cách quan trọng nhất mà chúng ta giao tiếp. Tất nhiên, chúng ta có thể giao tiếp thông qua các hành động của cơ thể (hay ngôn ngữ của cơ thể), nhưng tính ưu việt của lời nói được thể hiện rõ ràng hơn. Theo quan sát của Walter Ong, chúng ta không thể ngồi và nhìn thẳng vào mặt người khác một cách lặng lẽ mà không cảm thấy mất tự nhiên và thậm chí là khó chịu. Nhưng việc nhìn vào người khác khi chúng ta trò chuyện với người đó là điều hoàn toàn tự nhiên.20

Là con người, chúng ta được tạo ra để chia sẻ bản thân với người khác trong giao tiếp bằng lời nói. Lời nói của chúng ta thể hiện những gì chúng ta đang có và suy nghĩ trong tâm trí.

Theo cách tương tự, lời của Đức Chúa Trời không khác gì sự mở rộng của chính Ngài trong việc giao tiếp với chúng ta. Các trước giả của Kinh Thánh đã được Đức Thánh Linh điều khiển khi họ viết và do đó, lời của họ là sản phẩm của sự thần cảm từ Đức Chúa Trời – hay được Ngài hà hơi (2 Ti-mô-thê 3:16). Và vì vậy những lời đó không khác gì những lời của Đức Chúa Trời.

Sự thật này được thấy khi gần đến ngày kết thúc cuộc sống trên đất, Chúa Giê-su nói với các môn đồ của Ngài, “Ta còn có nhiều chuyện nói với các ngươi nữa; nhưng bây giờ những điều đó cao quá sức các ngươi. Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và tỏ-bày… Mọi sự Cha có, đều là của ta; nên ta nói rằng Ngài sẽ lấy điều thuộc về ta mà rao-bảo cho các ngươi vậy” (Giăng 16:12-15). Đức Thánh Linh sẽ tiếp tục dạy những gì Đấng Christ đã dạy các môn đồ. Ngài sẽ tiết lộ cho họ ý nghĩa đầy đủ về cái chết và sự phục sinh của Đấng Christ mà các môn đồ chỉ có thể hiểu được sau khi những sự kiện đó xảy ra. Do đó, những nhân chứng ban đầu đã công bố phúc âm của Đấng Christ là Lời của Đức Chúa Trời vì thực tế đó là sự giảng dạy của Đấng Christ qua Thánh Linh. Các lá thư gửi cho bảy hội thánh trong Khải huyền 2-3 là những ví dụ rõ ràng về tiến trình này. Chúa Giê-su Christ đã nói những lời của từng lá thư đến mỗi hội thánh, và kết thúc bằng lời tuyên bố: “Ai có tai, hãy nghe lời Đức Thánh Linh phán cùng các Hội Thánh” (2:7, 11, 17, 29; 3:6, 13, 22). Những lời của sứ đồ Giăng viết được xem là lời Chúa, tức là những lời của Đức Chúa Trời bày tỏ và truyền đạt qua Con Ngài. Vì vậy, lời phán của Đức Chúa Trời được viết trong Kinh Thánh không thể tách rời với Lời cá nhân của Chúa Giê-su.  Kinh Thánh, Lời được viết ra, là sự bày tỏ về Đấng Christ. Ngài là Lời hằng sống.

 

Ý NGHĨA CỦA KINH THÁNH LÀ “LỜI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI”

Liệu Kinh Thánh có phải là lời mặc khải của Đức Chúa Trời hay là những tác phẩm của con người chỉ làm chứng cho Chúa Giê-su Christ? Niềm tin rằng Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời có ý nghĩa gì? Các câu trả lời sâu hơn cho những câu hỏi này sẽ được trình bày rõ ràng trong các chương sau, nhưng một số hàm ý quan trọng cần được lưu ý ở đây.

Trước tiên, nếu Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, thì chúng ta có một sự mặc khải khách quan bằng lời nói về Đức Chúa Trời trong lịch sử nhân loại ngày nay. Lời của Ngài không chỉ đơn giản là lời nói bên trong của Ngài đối với tấm long con người mà chúng ta có thể dễ dàng nhầm lẫn với ý nghĩ của chúng ta. Tất nhiên, Đức Chúa Trời bởi Thánh Linh của Ngài nói lời của Ngài đến với tấm lòng của chúng ta, chỉ khi đó chúng ta mới thực sự có thể tiếp nhận được. Nhưng Lời của Ngài được ban cho chúng ta trong Kinh Thánh.

Nếu không có Kinh Thánh như một sự mặc khải khách quan của Đức Chúa Trời trong lịch sử, chúng ta sẽ khó biết được nội dung thực sự của Lời Ngài. Nếu Kinh Thánh chỉ là nhân chứng cho Ngôi Lời, thì Ngôi Lời là gì? Câu trả lời thông thường là Đấng Christ. Nhưng Đấng Christ là ai và điều gì được tiết lộ về Ngài? Nếu các tác phẩm của Kinh Thánh chỉ là những lời lẽ khó hiểu của con người, nếu chúng chỉ là một tài liệu của con người thì phải được nộp cho phương pháp nghiên cứu lịch sử-phê phán của con người để biết điều gì đã thực sự xảy ra, thì làm sao chúng ta biết được nội dung thực sự của chúng? Nghĩa là, làm sao nội dung của Kin h Thánh có thể xác định chắc chắn là lời vô ngộ hay chỉ là lời của con người?

Nếu ghi chép trong Kinh Thánh về sự chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su Christ giống như một câu chuyện thần thoại, thì chúng ta không bao giờ có thể chắc chắn rằng các bản ghi chép này là đúng đắn. Nhưng nếu Kinh Thánh là Lời khách quan của Đức Chúa Trời, thì trách nhiệm của chúng ta là tìm cách hiểu và tiếp nhận nó trong sự vâng lời.

Thứ hai, nếu Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời, thì chúng ta phải nghe Kinh Thánh như lời Đức Chúa Trời phán với chúng ta. Chúng ta bày tỏ chính mình cho người khác qua lời nói của mình thì Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài cho chúng ta qua Kinh Thánh để chúng ta có thể nhận biết Ngài. Vì những lời của Kinh Thánh không chỉ đơn giản là lời của những trước giả ghi chép  mà là lời của Đức Chúa Trời hằng sống. Lời này vẫn tiếp tục sống động như khi chúng được viết ra lần đầu tiên. Những lời của tiên tri Ê-sai có thể đã bị những người đương thời bác bỏ, nhưng khi viết chúng trong Kinh Thánh, chúng sẽ “truyền lại các đời sau, mãi mãi không cùng” (Ê-sai 30:8; xem thêm 8:16). Lời Chúa vẫn liên tục được phát ngôn, và một ngày nào đó mọi người sẽ lắng nghe. Đức Chúa Trời vẫn đang “phán” Lời cảnh báo của Ngài về sự cứng long của con người. Lời cảnh báo lần đầu tiên được nói với dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng (Dân-số Ký 14:22-23), sau đó được trước giả Thi-thiên viết lại (Thi-thiên 95:11), và sau đó được gửi đến các độc giả của Sách Hê-bơ-rơ (Hê-bơ-rơ 4:7). Đức Chúa Trời đã ban một số chỉ dẫn cụ thể cho một số người nhất định, những chỉ dẫn đó không thể áp dụng cho chúng ta ngày nay, nhưng lời dạy của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh vẫn truyền đạt lẽ thật của Ngài đến bây giờ. Cha mẹ đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho con cái, chẳng hạn như thời gian đi ngủ, nhưng những hướng dẫn đó không còn được áp dụng khi trẻ đã trưởng thành. Nhưng điểm chính yếu của những hướng dẫn đó – rằng mọi người cần nghỉ ngơi hợp lý – vẫn có giá trị đối với người lớn. Tương tự như vậy, Đức Chúa Trời nói lẽ thật của Ngài với chúng ta theo cách mới mỗi ngày qua những lời Kinh Thánh.

Thứ ba, vì Kinh Thánh là Lời khách quan của Đức Chúa Trời, nên nó luôn luôn là như vậy. Do đó, thật sai lầm khi nói rằng Kinh Thánh trở thành Lời của Đức Chúa Trời khi Ngài dùng nó để nói với ai đó. Kinh Thánh là Lời hằng sống của Đức Chúa Trời, cho dù người ta có công nhận nó như vậy hay không. Chúa Giê-su đã nói những lời của Đức Chúa Trời, nhưng nhiều người không nhận ra những lời đó bởi vì như Ngài đã nói, họ không thể “nghe lời Ta” (Giăng 8:43). Vì vậy, thay vì chờ đợi Kinh Thánh trở thành Lời Đức Chúa Trời, chúng ta nhận ra rằng đó là Lời của Ngài. Vì vậy, chúng ta cùng trước giả Thi-thiên cầu nguyện rằng, “Xin mở mắt tôi để tôi được nhìn thấy những điều lạ lùng trong luật pháp của Chúa” (Thi Thiên 119:18). Đó là, chúng ta cầu xin Đức Chúa Trời cho phép chúng ta hiểu những gì Ngài đã phán trong Kinh Thánh. Trách nhiệm của chúng ta là vâng theo lời của Chúa Giê-su là “hãy coi chừng về cách các ngươi nghe” (Lu-ca 8:18).

PHẦN KẾT LUẬN

Vì lời nói là nền tảng của mối quan hệ của chúng ta với người khác, nên chúng cũng nằm trong mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời. Lời của Ngài được hiện diện trong thân vị và chức vụ của Đấng Christ. Nhưng nó cũng được đưa ra dưới dạng lời nói và văn bản để chúng ta có thể biết Ngài và những gì Ngài đòi hỏi ở chúng ta. Do đó, Đức Chúa Trời nhìn chúng ta trong Đấng Christ qua lời thành văn của Ngài là Kinh Thánh, và chúng ta đáp lại điều này. Dấu hiệu  thật của các môn đồ của Chúa Giê-su là “họ đã giữ lời Cha” (Giăng 17: 6; xem thêm 8:51; 15:10). Dân sự trong thời kỳ Cựu Ước đã ràng buộc với Ngài trong giao ước khi họ nghe lời Ngài và đáp lại rằng: “Chúng tôi xin làm mọi việc ĐỨC GIÊ-HÔ-VA đã phán dặn” (Xuất Ê-díp-tô Ký 19: 8; xem thêm 24:7). Do đó, bản sắc của dân sự Đức Chúa Trời nằm trong cuộc đàm thoại mà họ tiếp tục với Đức Chúa Trời, lắng nghe Lời Ngài và vâng theo Lời Ngài. Theo lời chứng của cả Cựu ước và Tân ước, những lời thành văn trong Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời. Vì vậy, mối quan hệ của chúng ta với Ngài tùy thuộc vào việc chúng ta có Lời của Đức Chúa Trời hay không.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

8

Đấng Christ Quan Niệm Thế Nào Về Kinh Thánh?

CÁC CƠ ĐỐC NHÂN LUÔN LUÔN tin rằng những lời của Chúa Giê-su là hoàn toàn có thẩm quyền và đáng tin cậy. Trong khi Ngài còn ở trên đất, Ngài tuyên bố chỉ nói những lời của Đức Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài đến thế gian. “Đạo lý của ta chẳng phải bởi ta, nhưng bởi Đấng đã sai ta đến.” (Giăng 7:16; xin xem thêm 8:28; 12:49). Các sách Phúc âm ghi lại rằng “đoàn dân lấy đạo Ngài làm lạ; vì Ngài dạy như là có quyền” (Ma-thi-ơ 7:28-29). Chính Ngài đánh giá về những lời dạy của Ngài, khi phán rằng: “Trời đất sẽ qua đi, xong lời ta không bao giờ qua đâu.” (Mác 13:31). Những lời phán của Ngài sẽ phán xét loài người nơi ngày sau cùng. (Giăng 12:48). Chỉ những ai nghe lời Ngài và đem ra thực hành mới vượt qua thử thách cuối cùng của cuộc đời (Ma-thi-ơ 7:24–25).

Một số người có tư tưởng rằng những lời dạy của Chúa Giê-su, được in bằng màu đỏ trong một số Kinh Thánh, bằng cách nào đó thì có thẩm quyền hơn phần còn lại của Kinh Thánh. Tất cả Kinh Thánh đều có thẩm quyền, bởi vì như đã thảo luận trong chương trước, Đức Chúa Trời chính là Tác giả của Kinh Thánh. Tuy nhiên, những lời dạy của Chúa Giê-su vẫn đặc biệt quan trọng vì Ngài là chính là — Con Đức Chúa Trời. Vì Ngài là Chúa của chúng ta, nên điều quan trọng là chúng ta phải đặc biệt chú ý đến những gì Ngài đã nói về Kinh Thánh. Thái độ của Ngài đối với Lời của Đức Chúa Trời cũng phải là thái độ của chúng ta.

 

SỰ NỔI BẬT CỦA KINH THÁNH TRONG CUỘC ĐỜI CỦA CHÚA GIÊ-SU

Chúa Giê-su Thường Xuyên Sử Dụng Kinh Thánh

Cho dù Ngài đang chiến đấu với Sa-tan trong khi Ngài chịu cám dỗ, khi giảng dạy cho đám đông bên bờ biển, hay khi chỉ dẫn các môn đồ của Ngài, những lời của Chúa Giê-su đều được nhấn mạnh đến việc trích dẫn từ Kinh Thánh Cựu Ước. Những lời đó luôn ở trên môi Ngài trong lời cầu nguyện, ngay cả trong sự thương khó của Ngài trên thập tự giá. Tâm trí của Ngài ngập tràn những lời Kinh Thánh đến nỗi Ngài dùng những lời đó để bày tỏ cảm xúc của chính Ngài. Nỗi thống khổ của Đa-vít nhiều thế kỷ trước đó đã trở thành biểu hiện cho nỗi đau đớn tột cùng của chính Ngài khi Ngài kêu lên từ thập tự giá, “Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?” (Ma-thi-ơ 27:46). Và khi Ngài chết, Ngài đã phán theo lời của tác giả Thi thiên: “Tôi phó thác thần linh tôi vào tay Chúa” (Thi thiên 31:5; Lu-ca 23:46). Ngay cả sau khi Ngài sống lại, Ngài cũng đã giải thích Kinh Thánh (24: 44–45).

Trong bản dịch King James, bốn sách Phúc âm bao gồm 3.779 câu. Theo Graham Scroggie, thì trong đó có 1.934 câu hầu hết hoặc một phần là chứa những lời phán của Đấng Christ.1 Trong số 1.934 câu này có khoảng 180 câu, hoặc khoảng một phần mười là trích dẫn hoặc ám chỉ đến Kinh Thánh Cựu Ước. Ngay cả điều này cũng không cung cấp cho chúng ta bức tranh đầy đủ, vì như John W. Wenham lưu ý rằng, “Trong nhiều đoạn văn, đơn giản là không có cách nào để phân biệt giữa sự ám chỉ có ý thức của Chúa Giê-su đối với Cựu Ước và cách sử dụng bình thường, theo thói quen của Ngài đối với lời phán và hình thức tư tưởng trong Cựu Ước. Lời Kinh Thánh đã xuyên thấu qua tâm trí của Đấng Christ.”2

Nhiều đề cập đến Kinh Thánh của Chúa bao gồm toàn bộ phạm vi lịch sử Cựu Ước. Trong số đó rất nhiều người và sự kiện mà Chúa Giê-su đề cập đến là việc tạo dựng A-đam và Ê-va và định chế hôn nhân (Ma-thi-ơ 19:4-6), cái chết của A-bên (23:35), thời kỳ Nô-ê và cơn Đại hồng thủy (24:37-38), sự hủy diệt của Sô-đôm (Lu-ca 17:29), Áp-ra-ham (Giăng 8:56). Y-sác và Gia-cốp (Ma-thi-ơ 8:11), sự xuất hiện của Đức Chúa Trời trong bụi gai cháy (Mác 12:26), cuộc đời của Đa-vít (Ma-thi-ơ 12:3), Sa-lô-môn (12:42), chức vụ của Ê-li (Lu-ca 4:25), và sự tử đạo của tiên tri Xa-cha-ri (Ma-thi-ơ 23:35). Ông cũng đề cập đến sự cung ứng kỳ diệu của Đức Chúa Trời về ma-na (Giăng 6:49), cái chết của vợ Lót (Lu-ca 17:31-32), con rắn đồng (Giăng 3:14), Giô-na và con cá lớn (Ma-thi-ơ 12:40).

Việc Chúa Giê-su đề cập đến những sự kiện này và những nhân vật trong Cựu Ước không chỉ đơn giản là những giải thích phụ thêm vào sự dạy dỗ của Ngài. Nhiều người trong số những nhân vật và sự kiện này đã báo trước về chức vụ thiên sai của Ngài và các sự kiện trong tương lai của những ngày sau rốt. Đa-vít, Sa-lô-môn, Giô-na và những người khác, là những hình ảnh của chính Ngài, và con rắn bằng đồng là tượng trưng cho sự cứu rỗi của Ngài thông qua thập tự giá. Thời kỳ của Nô-ê là tượng trưng cho sự phán xét chung cuộc hầu đến.

Một số người nói rằng việc Chúa Giê-su đề cập đến những sự kiện này không có nghĩa là Ngài coi chúng là lịch sử. Sau hết, điều này được lập luận rằng, người ta có thể sử dụng truyền thuyết làm minh họa cho lẽ thật thuộc linh. Tuy nhiên, cách Chúa Giê-su trích dẫn những sự kiện này trong sự dạy dỗ của Ngài để xác nhận tính thực tế lịch sử của chúng. Việc Chúa Giê-su đề cập đến chế độ một vợ một chồng (Ma-thi-ơ 19:4-5; Mác 10:6-8) chắc chắn ngụ ý tính lịch sử của câu chuyện buổi đầu Sáng thế về A-đam và Ê-va. Chúa Giê-su tuyên bố rằng “Ðến ngày phán xét, dân thành Ni-ni-ve sẽ đứng dậy với dòng dõi nầy mà lên án nó, vì dân ấy đã nghe lời Giô-na giảng và ăn năn;” (Ma-thi-ơ 12:41) sẽ là vô nghĩa trừ khi có “người dân của Ni-ni-ve” thực sự đã từng nghe một nhân vật lịch sử tên là Giô-na. Như T.T. Perowne đã viết, không thể “giả sử Ngài nói rằng những người tưởng tượng mà giảng dạy tưởng tượng về một nhà tiên tri tưởng tượng đã ăn năn trong tưởng tượng, sẽ trỗi dậy vào ngày hôm đó [phán xét] và lên án việc ăn năn thật của những người nghe thật của Ngài.”3 Lời tuyên bố tương tự rằng trong ngày phán xét thì dân thành Sô-đôm sẽ bị nhẹ hơn đối với dân thành Ca-bê-na-um, là những người đã thấy những công việc kỳ diệu của Ngài nhưng không chịu ăn năn (11: 23–24), cho thấy rõ ràng tính lịch sử của biến cố tại Sô-đôm. Điều tương tự cũng phải nói là về việc Ngài đề cập đến cơn Đại hồng thủy như một bức tranh về sự phán xét hầu đến. Việc so sánh sự chết và sự sống lại của chính Ngài với “ba ngày ba đêm trong bụng cá lớn” của Giô-na (12:40) tùy thuộc vào kinh nghiệm thực tế của Giô-na.

Những ví dụ này và những ví dụ khác, chẳng hạn như các liên quan đến Áp-ra-ham (Giăng 8:56-58) và Ê-li và Ê-li-sê (Lu-ca 4:25-27), cho thấy rằng Chúa Giê-su, trái với nhiều người chỉ trích Kinh Thánh, đã chấp nhận tính lịch sử của toàn bộ Cựu Ước. Theo lời dạy của Chúa Giê-su, thì Đức Chúa Trời đã tạo ra hai con người đầu tiên là A-đam và Ê-va (Ma-thi-ơ 19:4), Ca-in và A-bên (Lu-ca 11:51), và có một trận lụt vào thời kỳ Nô-ê. Sô-đôm và Gô-mô-rơ đã bị lửa thiêu hủy, và sự việc của vợ Lót là biến cố có thật trong lịch sử (17:29–32). Tương tự, các phép lạ của Ê-li (4:25–26) và ghi chép bị nhiều chế giễu về Giô-na và con cá lớn (Ma-thi-ơ 12:40–41) là các sự kiện lịch sử đáng tin cậy. Không có tài liệu nào cho thấy Chúa Giê-su đã từng ám chỉ rằng bất kỳ con người và sự kiện nào mà Cựu Ước trình bày một cách trung thực như lịch sử đều là những ghi chép chính xác về thực tế.

Trái ngược với quan điểm của nhiều học giả hiện đại, Chúa Giê-su khẳng định quyền tác giả của Môi-se đối với năm sách đầu tiên của Kinh Thánh, thường được gọi là Luật pháp. Chúa Giê-su đề cập đến Môi-se là người viết Luật pháp khoảng hai mươi lần, và Ngài đã trích dẫn Môi-se mười sáu lần. Ngài đã hỏi một cách cường điều “Môi-se há chẳng ban luật pháp cho các ngươi sao?” (Giăng 7:19). Ngoài ra, thuyết tự do cho rằng Sách Ê-sai được viết bởi hai hoặc nhiều tác giả là trái với sự dạy dỗ của Chúa Giê-su. Theo các học giả tự do, Ê-sai 1–39 được viết bởi một người và các chương 40-66 được viết bởi một Ê-sai thứ hai hoặc đệ nhị Ê-sai (và một số gán cho các chương từ 56-66 là “Ê-sai” thứ ba). Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã đưa ra những tuyên bố từ tất cả các phần của sách cho Ê-sai. Trong một trường hợp, Chúa Giê-su đã trích dẫn từ cả Ê-sai 53 và Ê-sai 6, kể cả về tiên tri Ê-sai (Giăng 12:38-41).

Khái niệm về Kinh Thánh của Chúa Giê-su bao gồm toàn bộ Cựu Ước, như được thấy khi Ngài đề cập đến “Luật pháp Môi-se và các sách Tiên tri và Thi thiên” (Lu-ca 24:44). Vào thời điểm đó, một cách đề cập đến Cựu Ước là nói đến sự phân chia ba phần của sách gồm: Luật pháp, Các Lời tiên tri và các sách Văn thơ. Thi thiên là cuốn sách đầu tiên trong bộ sách Văn thơ. Do đó, Chúa Giê-su đã nói về toàn bộ Cựu Ước, coi tất cả ba phần đó là “Kinh Thánh” (24:45). Toàn bộ Kinh Thánh cũng được mô tả là Luật pháp và các lời tiên tri (Ma-thi-ơ 5:17), hoặc đơn giản là “Luật pháp” (5:18; Giăng 10:34).4

Sự hiểu biết rộng rãi của Chúa Giê-su đối với Kinh Thánh và đặc biệt là vị trí trung tâm của nó trong tất cả sự dạy dỗ và chức vụ của Ngài dẫn đến kết luận rằng Ngài hoàn toàn tin tưởng và thực hành trong cuộc sống của chính mình. Trích dẫn Kinh Thánh được ghi lại đầu tiên của Ngài, “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Ðức Chúa Trời.” (Ma-thi-ơ 4:4; xin xem Phục truyền Luật lệ Ký 8:3). Charles Haddon Spurgeon từng nói với giáo đoàn của mình, “Thật là diễm phúc khi được ăn sâu vào chính linh hồn của Kinh Thánh cho đến tận cuối cùng, bạn nói chuyện bằng ngôn ngữ Kinh Thánh, và tâm linh bạn được thấm nhuần những lời của Chúa, đến nổi máu của bạn là sự sống Kinh Thánh và chính linh hồn của Kinh Thánh chảy ra từ bạn.”5 Không ai làm gương tốt hơn cho điều này như Chúa Giê-su.

 

SỰ CÔNG NHẬN CỦA CHÚA GIÊ-SU VỀ THẨM QUYỀN CỦA KINH THÁNH

Cá Nhân Chúa Giê-su Phục Tùng Kinh Thánh

Sự tôn trọng của Chúa Giê-su đối với Kinh Thánh không chỉ thể hiện qua số lần được tìm thấy nơi môi miệng Ngài. Nó cũng được thấy trong sự phục tùng của Ngài đối với thẩm quyền của Kinh Thánh. Bắt đầu bằng sự cám dỗ của Sa-tan, Chúa Giê-su nhận ra rằng Kinh Thánh đã đưa ra những mệnh lệnh trái ngược với những gì ma quỷ đang yêu cầu, và Ngài quyết tâm vâng theo Lời của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 4:4, 6-7,10). Ngài biết rằng ý muốn của Đức Chúa Trời dành cho Đấng Mê-si đã được báo trước trong Cựu Ước là để Ngài phải chịu đau khổ và chết. Vì vậy, Ngài đã chống lại sự từ chối của Phi-e-rơ đối với lẽ thật này, khi nhìn nhận đó là sự cám dỗ đến từ Sa-tan (16:23).

Các hành động của Ngài thường bị các nhà lãnh đạo tôn giáo buộc tội rằng Ngài đã vi phạm các điều răn của Luật pháp (Mác 2:24-28; 3:4; Lu-ca 13:14-17). Nhưng câu trả lời của Chúa Giê-su luôn luôn giống nhau. Nếu họ hiểu ý nghĩa thực sự của luật pháp, họ sẽ nhận ra rằng Ngài không vi phạm các điều luật theo bất kỳ cách nào (Giăng 7:21-24). Theo Chúa Giê-su, những vấn đề này nảy sinh vì các thầy dạy luật đã phát triển những truyền thống thực sự làm sai lệch Lời của Đức Chúa Trời (Mat 15:6). Ví dụ, Chúa Giê-su thấy rằng những giới hạn của Bộ luật Do Thái, là những quy tắc do các giáo sư Do Thái đặt ra để tuân giữ các điều răn, thực sự có tác dụng ngăn cản người khác tuân giữ điều răn yêu thương người lân cận vào ngày Sa-bát (Mác 3:1-4). Bởi vì Ngài hoàn toàn phục tùng Lời của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su có thể nói với các đối thủ của Ngài, “Ai trong các ngươi kết tội được Ta [chứng minh Ta có tội]?” nhưng không ai có thể làm như vậy (Giăng 8:46; xem thêm 18:23). Học giả Tân Ước Adolph Schlatter đã ghi nhận một cách chính xác, “Chúa Giê-su nhìn thấy toàn bộ sự kêu gọi đời sống của Ngài trong Kinh Thánh—đó không phải là điều không liên quan mà hoàn toàn là trọng tâm trong đời sống của Ngài…. Toàn bộ ý chí của Ngài bị tiêu hao với điều này: để làm theo những gì mà từng điều răn đã truyền. Đây là Một Người—đầu tiên trong lịch sử—không chỉ hiểu biết Lời mà còn thực hiện được.”6

Có lẽ còn hơn cả việc Ngài tuân theo các mệnh lệnh công chính của Luật pháp Đức Chúa Trời dành cho dân Ngài, sự phục tùng của Chúa Giê-su đối với Kinh Thánh được thể hiện rõ ràng qua cách Ngài xem chính Ngài là sự ứng nghiệm của Lời Kinh Thánh đó. Ngài phán trong Kinh Thánh, “hãy làm chứng về Ta” (Giăng 5:39) Và với hai người ở làng Em-ma-út, Ngài phán: “Ấy đó là điều mà khi ta còn ở với các ngươi, ta bảo các ngươi rằng mọi sự đã chép về ta trong luật pháp Môi-se, các sách tiên tri, cùng các Thi Thiên phải được ứng nghiệm” (Lu-ca 24:44).

Sự phục tùng của Ngài đối với Kinh Thánh cũng được nhìn thấy qua cách mà những lời tiên tri đã buộc Ngài phải đi trên con đường đau khổ cho đến chết. Tại lễ báp têm của Ngài, Ngài nói với Giăng Báp-tít, “vì chúng ta nên làm cho trọn mọi việc công bình như vậy.” (Ma-thi-ơ 3:15), nghĩa là, việc làm báp têm cho Ta là điều cần thiết để Ta có thể hoàn thành công việc của Ta trong sự vâng lời với tư cách là Tôi tớ của Chúa. Vào cuối cuộc đời trên đất của Ngài, Chúa Giê-su nói với các môn đồ của Ngài rằng: “Nầy, chúng ta lên thành Giê-ru-sa-lem, mọi điều mà các đấng tiên tri đã chép về Con người sẽ ứng nghiệm. Vì Ngài sẽ bị nộp cho dân ngoại… sau khi đánh đòn rồi, thì giết Ngài đi; đến ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại.” (Lu-ca 18:31-33). “Ngài đã bị kể vào hàng kẻ dữ’. Lời ấy phải ứng nghiệm về chính mình ta. Thật vậy, sự đã chỉ về ta hầu được trọn” (22:37). Sự phục tùng của Ngài đối với vai trò đau khổ mà Cựu Ước đã tiên tri được thấy khi Ngài bị bắt tại Ghết-sê-ma-nê. Khi một trong những môn đồ của Ngài cố gắng bảo vệ Ngài bằng một thanh gươm, nhưng Chúa Giê-su bảo môn đồ đó hãy đặt thanh gươm trở lại vị trí cũ, và nói rằng Ngài có thể cầu xin Cha mình ban cho mười hai đội thiên sứ để bảo vệ Ngài. Ngài từ chối sự trợ giúp như vậy, và giải thích, “Nếu vậy, thế nào cho ứng nghiệm lời Kinh Thánh đã chép rằng việc nầy tất phải xảy đến?” (Ma-thi-ơ 26:54). Như vậy có thể thấy rằng Chúa Giê-su biết trước và Ngài chấp nhận chương trình của Cha thiên thượng.

“Không có tuyên bố rõ ràng nào trong đó Ngài chấp nhận Kinh Thánh Cựu Ước là lời của Đức Chúa Trời có thể ngang bằng với sự lệ thuộc của chính Ngài vào một kế hoạch vĩ đại mà sự mặc khải trước đây ban cho Y-sơ-ra-ên đã hình thành nên trạng thái chuẩn bị này.”7

 

Chúa Giê-su sử dụng Kinh Thánh trong sự giảng dạy của Ngài

Bên cạnh việc thể hiện niềm tin của Ngài vào thẩm quyền của Kinh Thánh bằng cách phục tùng Kinh Thánh trong cuộc sống của chính Ngài, Chúa Giê-su đã sử dụng Kinh Thánh là thẩm quyền tối hậu trong sự dạy dỗ của Ngài. Mặc dù chính Ngài là Lời mặc khải tối hậu của Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 1:3) và mặc dù Ngài đã nhận được sự mặc khải từ Cha (Ma-thi-ơ 11:27), phần lớn sự dạy dỗ của Ngài dựa trên những lời trong Kinh Thánh Cựu Ước. Điều này đặc biệt rõ ràng trong các cuộc tranh luận của Ngài với những người đặt câu hỏi:

 

Các ngươi chưa đọc những gì Đa-vít đã làm phải không? (Ma-thi-ơ 12:3)

Hay là các ngươi không đọc? (12:5)

Các ngươi há chưa đọc sao? (19:4)

Các ngươi chưa hề đọc lời này sao? (21:16)

Các ngươi há chưa hề đọc lời trong Kinh Thánh sao? (21:42)

Các ngươi há không đọc lời Đức Chúa Trời phán sao? (22:31)

Môi-se đã dạy các ngươi điều gì? (Mác 10:3)

Trong luật pháp có chép điều gì? Ngươi đọc gì trong đó? (Lu-ca 10:26)

Vậy thì điều đó viết  gì? (20:17)

Trong luật pháp của các ngươi chép điều gì? (Giăng 8:17)

Điều đó không được chép trong Luật pháp của các ngươi sao? (10:34)

Nhiều lời dạy khác của Chúa Giê-su được giới thiệu bằng những lời tuyên bố tương tự, trong đó Ngài kêu gọi sự chú ý đến Cựu Ước một cách rõ ràng. Nhưng những điều này không có nghĩa là kể tất cả câu chuyện, vì phần lớn Cựu Ước thiết lập nền tảng cho sự dạy dỗ của Ngài mà không có đề cập cụ thể về nó.

Các chủ đề cơ bản về sự dạy dỗ của Chúa Giê-su cũng như những chủ đề có tính chất ngẫu nhiên hơn được xây dựng dựa trên Cựu Ước. Lời tuyên bố của Ngài về vương quốc thiên đàng bắt nguồn từ lời tiên tri của Đa-ni-ên rằng “Đức Chúa Trời trên trời sẽ thiết lập một vương quốc” (Đa-ni-ên 2:44). Trong cuộc trò chuyện của Ngài với Ni-cô-đêm, Chúa Giê-su ám chỉ rằng lẽ thật về sự tái sanh bởi Đức Thánh Linh (Giăng 3:3-8) lẽ ra Ni-cô-đêm là một người cai trị trong Y-sơ-ra-ên phải biết, bởi vì Ê-xê-chi-ên và những người khác đã nói về điều đó (Ê-xê-chi-ên 36:25-27). Chúa Giê-su đề cập đến Đại nạn trong tương lai (Mác 13:14) mà Đa-ni-ên đã viết về nó (Đa-ni-ên 9:27; 11:31; 12:11). Và sự mô tả của Chúa Giê-su về hình phạt đời đời như là điều kiện “đó là nơi sâu bọ chúng nó chẳng hề chết, và là nơi lửa chẳng hề tắt” (Mác 9:48) trích từ Ê-sai 66:24.

Để trả lời câu hỏi của những người Pha-ri-si về việc ly hôn, Chúa Giê-su đã căn cứ thần học về hôn nhân của Ngài dựa trên lời giải trình của sách Sáng thế ký về sự Sáng tạo. Đức Chúa Trời đã tạo ra người nam và người nữ nữ và cả hai trở nên một thịt. Đây là sự dạy dỗ của Kinh Thánh, và vì vậy đây là ý muốn của Đức Chúa Trời (Mat 19: 4-6). Vào một dịp khác, Chúa Giê-su đã tóm tắt sự hiểu biết của Ngài về bổn phận tối thượng của con người trước mặt Đức Chúa Trời trong những lời dạy của Phục truyền luật lệ ký 6:5: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến CHÚA, là Ðức Chúa Trời ngươi.” (Ma-thi-ơ 22:37). Ngay cả điều gọi là Luật Vàng— hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ, “vì ấy là luật pháp và lời tiên tri.” (7:12).

Những lời đã được tiên tri Ê-sai nói nhiều thế kỷ trước cho dân sự vào thời của Ngài cũng được áp dụng cho các thầy thông giáo và người Pha-ri-si vào thế kỷ thứ nhất: “Dân nầy lấy môi miếng thờ kính ta; Nhưng lòng chúng nó xa ta lắm. Sự chúng nó thờ lạy ta là vô ích, Vì chúng nó dạy theo những điều răn mà chỉ bởi người ta đặt ra.” (Mat 15:8-9; trích Ê-sai 29:13). Sự phán xét thiêng thượng về sự mù quáng thuộc linh vì đã khước từ lẽ thật được tiên tri Ê-sai tuyên bố (Ê-sai 6:9-10) vẫn có thể áp dụng cho thế hệ từ chối sự dạy dỗ của Ngài (Mác 3:12).

Đôi khi đó chỉ là một cụm từ hoặc ý nghĩ ngắn gọn có thể áp dụng cho một tình huống nhất định. Chúa Giê-su nói đến cụm từ “chiên không có người chăn” (được dùng nhiều lần trong Cựu Ước) là một mô tả rất thích hợp về đoàn dân đông trong thời của Ngài (Dân số Ký 27:17; Ê-xê-chi-ên 34:5; Ma-thi-ơ 9:36). Ngài cảnh báo đừng chiếm chỗ ngồi danh dự kẻo có người xứng đáng hơn (Lu-ca 14:7-11), lẽ thật này đã được tìm thấy trong Châm ngôn 25:6-7. Câu nói nổi tiếng của Ngài, “Các ngươi thường có kẻ nghèo ở cùng mình” (Ma-thi-ơ 26:11) dựa trên một tuyên bố có hiệu lực trong Phục truyền luật lệ ký 15:11. Những lời dạy của Chúa Giê-su về việc một hòn đá bị những thợ xây dựng từ chối và những ai vấp phải nó sẽ bị dập nát và nó sẽ nghiền nát những người mà nó rơi xuống là được lấy từ Cựu Ước (Ma-thi-ơ 21:42,44; Ê-sai 8:14-15; Đa-ni-ên 2:34,44). Những trích dẫn và lời ám chỉ như vậy về Cựu Ước có thể được nhân lên nhiều lần.

Trên hết, Chúa Giê-su dùng Kinh Thánh để giải thích con người và sứ mệnh của Ngài ở thế gian. Chúng ta đã được nhắc nhớ rằng, sau khi Phục sinh, Ngài đã sử dụng toàn bộ Cựu Ước để chỉ dẫn các môn đồ của Ngài về những điều liên quan đến chính Ngài. Nhưng trước đó rất lâu, Ngài đã nói đến sự ứng nghiệm của Kinh Thánh nơi chính Ngài. Ngài đã đến, Ngài phán, “không phải… phá Luật pháp hay là Lời tiên tri,” song để làm ứng nghiệm.” (Ma-thi-ơ 5:17). Chức vụ của Giăng Báp-tít là chỉ về Ngài, đã ứng nghiệm lời tiên tri của Ê-sai rằng một sứ giả sẽ được sai đến để dọn đường trước mặt Chúa (Ma-thi-ơ 11:10; Ê-sai 40:3). Và Chúa Giê-su đã giới thiệu chức vụ của Ngài tại Na-xa-rét bằng cách lấy cuộn sách trong nhà hội và đọc từ Ê-sai 61:1, “Thần của Chúa ngự trên ta: Vì CHÚA đã xức dầu cho ta đặng truyền Tin Lành cho kẻ nghèo;” (Lu-ca 4:18) Sau đó, Ngài nói những lời này đã được ứng nghiệm trong chính Ngài (4:21). Vào một dịp khác, khi các môn đồ của Giăng đặt câu hỏi liệu Ngài có thực sự là “Đấng Sẽ Đến” hay không, Chúa Giê-su đã xác thực danh tính của Ngài bằng cách chỉ vào các phép lạ của Ngài, điều này làm ứng nghiệm lời tiên tri mà Ê-sai đã nói tiên tri về Đấng Mê-si và thời gian của Ngài trên đất (Ma-thi-ơ 11:1-6; Ê-sai 35:5-6).

Không chỗ nào trong Kinh Thánh mà sự giải thích của Chúa Giê-su về các hành động của Ngài là sự ứng nghiệm của Kinh Thánh rõ ràng hơn là trong các sự kiện xung quanh Sự Đóng đinh. Ngài bị từ chối bởi các nhà lãnh đạo Do Thái (Ma-thi-ơ 21:42; Thi thiên 118:22); Ngài bị phản bội bởi một trong các môn đồ của Ngài (Giăng 13:18; Thi thiên 41:9); các môn đồ của Ngài bị phân tán khi Ngài bị bắt (Ma-thi-ơ 26:31; Xa-cha-ri 13:7); Sự chết thế của Ngài (Mác 10:45; Ê-sai 53:10-11)—tất cả những gì mà Chúa Giê-su nói đều được ứng nghiệm Lời tiên tri của Đức Chúa Trời về chính Ngài.

Chỉ một thời gian ngắn trước khi Ngài chết, “Ðức Chúa Giê-su biết mọi việc đã được trọn rồi, hầu cho lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, thì phán rằng: “Ta khát’” (Giăng 19:28). Ngay cả lời tuyên bố khá ngẫu nhiên của người viết thi thiên về nước uống khó chịu mà Người Đầy tớ Thống khổ của Đức Chúa Trời sẽ nhận được từ những kẻ bắt bớ Ngài cũng phải được ứng nghiệm trong Ngài (Thi thiên 69:21).

Khi Ðức Chúa Giê-su chịu lấy giấm ấy rồi, “bèn phán rằng: ‘Mọi việc đã được trọn’; rồi Ngài gục đầu mà trút linh hồn.” (Giăng 19:30). Tất cả những lời tiên tri trong Kinh Thánh nói về sự sống và cái chết của Ngài đã được ứng nghiệm. Là người Tôi tớ vâng lời, Ngài phải làm trọn những điều đó vì là những Lời của Cha trên trời của Ngài.8

Những gì Chúa Giê-su tin về Kinh Thánh là đặc biệt rõ ràng trong phản ứng của Ngài đối với những người thách thức sự dạy dỗ của Ngài. Trong một số trường hợp, Ngài tìm cách mở rộng tầm mắt của họ trước sự thật bằng cách sử dụng những câu hỏi thăm dò. Trong những cuộc đối đầu này với những kẻ chống đối, Chúa Giê-su luôn luôn cậy vào Kinh Thánh là thẩm quyền tối hậu của Ngài.

Trong dụ ngôn về vườn nho, Ngài đã kể một câu chuyện rõ ràng là châm chích vào lương tâm của những người nghe Ngài, những người đang khước từ Ngài là Con Đức Chúa Trời (Lu-ca 20:16-17). Trong câu chuyện, kết quả của sự khước từ là việc dời chuyển vườn nho, mà vườn nho là tượng trưng cho vương quốc, vương quốc này bị dời chuyển từ những người Do Thái không tin trong thời kỳ của Ngài cho những người khác sẽ tiếp nhận sứ giả chân thật của Đức Chúa Trời. Khi những người nghe từ chối sự ám chỉ của Ngài trong câu chuyện thì la lên rằng, “Ðức Chúa Trời nào nỡ vậy!” (20:16), Chúa Giê-su phản bác lại bằng cách cậy vào Kinh Thánh: “Vậy thì điều này được viết như thế nào? ‘Hòn đá thợ xây nhà bỏ ra, Trở nên đá góc nhà, nghĩa là gì’?” (20:17). Đối với Chúa Giê-su, câu Kinh Thánh Cựu Ước này áp dụng cho hoàn cảnh hiện tại của Ngài, và bởi vì Kinh Thánh có thẩm quyền tuyệt đối, nên sự phản đối của những người nghe Ngài đã bị bác bỏ.

Những kẻ chống đối Ngài thường xuyên tìm cách gài bẫy Ngài bằng những câu hỏi khôn khéo.10 Có một lần, những người Sa-đu-sê, là những người không tin vào sự Phục sinh, nghĩ rằng họ đã bác bỏ được sự Phục sinh bằng cách đưa ra câu hỏi về người phụ nữ giả định là đã kết hôn liên tiếp với bảy anh em (Ma-thi-ơ 22:23-33). Họ muốn biết người phụ nữ này sẽ là vợ của ai sau khi phục sinh.

Chúa Giê-su đáp lại bằng lời tuyên bố: “Ðức Chúa Jêsus đáp rằng: Các ngươi lầm, vì không hiểu Kinh Thánh, và cũng không hiểu quyền phép Ðức Chúa Trời thể nào.” (22:29), và Ngài tiếp tục cho họ một bài học ngắn gọn để sự hiểu biết đúng đắn về Kinh Thánh: “Về sự sống lại của kẻ chết, Các ngươi há không đọc lời Ðức Chúa Trời phán về sự sống lại của kẻ chết rằng: ‘Ta là Ðức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Ðức Chúa Trời của Y-sác, Ðức Chúa Trời của Gia-cốp, hay sao’? Ðức Chúa Trời không phải là Chúa của kẻ chết, nhưng của kẻ sống.” (22:31-32). Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp đã qua đời từ lâu, khi Đức Chúa Trời nói với Môi-se tại bụi gai cháy rằng Ngài là Đức Chúa Trời của họ (Xuất 3:6), điều này cho thấy họ vẫn tồn tại và có sự sống sau khi chết. Điều thú vị cần lưu ý là, theo Chúa Giê-su, Đức Chúa Trời đã nói bằng những từ có thể “đọc được”, tức là Kinh Thánh.

Vào một dịp khác, khi những người Pha-ri-si thách thức Chúa Giê-su về việc làm của các môn đồ Ngài trong ngày Sa-bát, thì Chúa Giê-su đã đáp lại bằng những lời: “Các ngươi không đọc trong Luật Pháp sao? (Ma-thi-ơ 12:5). Lỗi của họ không chỉ là bỏ qua Kinh Thánh, mà còn là không hiểu ý nghĩa của nó. Vì vậy, Chúa đã dạy họ, “Nhưng nếu các ngươi biết điều này có nghĩa là gì, ‘Ta muốn lòng nhân từ, không phải của tế lễ,’ thì các ngươi đã không kết án người vô tội” (12:7; trích dẫn Ô-sê 6:6).

Một lần nữa khi bị những kẻ chống đối thách thức Ngài, Chúa Giê-su đã trích dẫn Kinh Thánh như cách yêu cầu giúp đỡ của tòa án tối hậu của Ngài. Khi những người Pha-ri-si thử Ngài bằng câu hỏi, “Người đàn ông ly dị vợ vì bất cứ lý do gì có hợp pháp không?” Chúa Giê-su đáp: “Các ngươi chưa đọc sao…?” và sau đó Ngài trích dẫn lời giải thích trong Sáng thế ký về hôn nhân đầu tiên cho thấy ý định của Đức Chúa Trời (Mat 19:4-6). Ngay cả khi đáp lại lời buộc tội phạm thượng nghiêm trọng (“ngươi là người, mà tự xưng là Ðức Chúa Trời.” (Giăng 10:33), Chúa Giê-su đã cậy vào Cựu Ước, hỏi rằng: “Điều đó đã không được ghi trong Luật pháp của các ngươi sao?” (10:34).

Đối với Chúa Giê-su, Kinh Thánh là thẩm quyền tối thượng. Không thể bác bỏ việc sử dụng Kinh Thánh đúng cách, và cũng không bao giờ Ngài đặt câu hỏi rằng bất kỳ phần nào là có thẩm quyền. Nếu Kinh Thánh đã nói điều gì, thì điều đó là có thẩm quyền.

 

SỰ DẠY DỖ CỦA ĐẤNG CHRIST VỀ SỰ SOI DẪN CỦA KINH THÁNH

Đối với Đấng Christ, Kinh Thánh Cựu Ước là lời của chính Đức Chúa Trời. Điều thú vị là chúng a không có hồ sơ nào về bất kỳ người nào cùng thời với Chúa Giê-su, kể cả những người chống đối Ngài, từng đặt câu hỏi về sự tin cậy vào Kinh Thánh này, vì họ cũng đánh giá cao về Kinh Thánh, tin rằng Kinh Thánh là những tác phẩm thiêng liêng. Kết quả là chúng ta không có bất kỳ sự giảng dạy đáng kể nào của Đấng Christ về bản chất của Kinh Thánh, vì điều này đã được nhiều người biết đến và chấp nhận. Tuy nhiên, Ngài đã đưa ra một số tuyên bố về Kinh Thánh giúp chúng ta hiểu sâu hơn về sự hiểu biết của Ngài về bản chất được soi dẫn của Kinh Thánh.

 

Hai tuyên bố then chốt

Ma-thi-ơ 5:17-18. Bởi vì Chúa Giê-su chú trọng nhiều hơn đến thái độ của tấm lòng và ít chú trọng đến việc tuân theo các chi tiết của Luật pháp bề ngoài hơn là các giáo sư đương thời với Ngài, câu hỏi về tính chính thống trong Kinh Thánh của Ngài chắc chắn đã dấy lên trong tâm trí của nhiều người. Do đó, Ngài đã tuyên bố bằng những lời bày tỏ rõ ràng quan điểm của Ngài về Kinh Thánh: ” Các ngươi đừng tưởng ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri; ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn. Vì ta nói thật cùng các ngươi, đương khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi được cho đến khi mọi sự được trọn.” (Ma-thi-ơ 5:17-18).

“Luật pháp” và “Tiên tri” (5:17) hay đơn giản là “Luật pháp” (5:18) vào thời Chúa Giê-su là hai cách dùng để chỉ toàn bộ các tác phẩm Cựu Ước.11 Những bài tác phẩm này đều hướng đến Ngài, hoàn toàn là đúng sự thật và sẽ được hoàn thành đầy đủ. Để nhấn mạnh quan điểm của Ngài, Chúa Giê-su đã đề cập đến chữ cái nhỏ nhất là yod trong bảng chữ cái Do Thái, chữ này nhỏ hơn chữ cái i trong tiếng Anh, và đến một nét nhỏ để phân biệt một chữ cái này với chữ cái khác của tiếng Do Thái nhỏ hơn, nhưng có thể so sánh với nét phân biệt giữa chữ E với chữ F, hoặc có thể chỉ là một phần tô điểm nhỏ của một chữ cái tiếng Do Thái. Những lời của Chúa Giê-su tương đương với trong tiếng Anh có thể là, “không một chữ t nào mà bị bỏ gạch ngang hoặc một chữ i nào mà không được đánh dấu chấm.”

Điều này chỉ ra thẩm quyền của Kinh Thánh đến từng chi tiết nhỏ nhất. Mọi điều được viết trong Kinh Thánh đều là chân thật.

Giăng 10:34-36. Những gì Chúa Giê-su nghĩ về Kinh Thánh được thể hiện rõ ràng trong lời tuyên bố của Ngài để bênh vực cho lời tuyên bố của Ngài là Đức Chúa Trời. Để đáp lại những kẻ chống đối Ngài, Chúa Giê-su thường đáp lại lời cáo buộc phạm thượng bằng cách cậy vào Kinh Thánh: “Ðức Chúa Jêsus đáp rằng: Trong luật pháp của các ngươi há chẳng chép rằng: Ta đã phán: Các ngươi là các thần, hay sao? Nếu luật pháp gọi những kẻ được lời Ðức Chúa Trời phán đến là các thần, và nếu Kinh Thánh không thể bỏ được, thì ta đây, là Ðấng Cha đã biệt ra thánh, và sai xuống thế gian, nói: Ta là Con Ðức Chúa Trời, cớ sao các ngươi cáo ta là nói lộng ngôn?” (Giăng 10:34–36).

Lời trích dẫn của Chúa Giê-su được trích từ Thi thiên 82:6, nơi mà tác giả thi thiên gọi các vị quan xét của Y-sơ-ra-ên được xem là “các thần”. Mặc dù Chúa Giê-su không trích dẫn cách diễn đạt song song trong thi thiên, “các con trai của Đấng Chí Cao,” Ngài có thể cho rằng những người nghe Ngài sẽ hiểu được đoạn văn và sẽ biết rằng “các thần” và “các con trai của Đấng Chí Cao” là cùng ý với nhau. Khi trích dẫn đoạn văn này, Chúa Giê-su đã lập luận từ cái nhỏ hơn đến cái lớn hơn. Về bản chất, Ngài nói: “Nếu Kinh Thánh gọi các vị quan xét là những người phục vụ như là phương tiện của Lời Đức Chúa Trời là “các thần”, thì tại sao các ngươi có thể buộc tội Ta là phạm thượng khi Ta tự xưng là Con Đức Chúa Trời?” Chúa Giê-su chắc chắn tự nhận mình là Con Đức Chúa Trời theo nghĩa cao hơn nhiều so với các quan xét thời xưa, nhưng Kinh Thánh gọi loài người là “các thần” nên đã khiến những kẻ chống đối Ngài phải lùi bước trước sự buộc tội phạm thượng lập tức. Ngài muốn làm cho họ dừng lại và xem xét đầy đủ hơn về quyền của Ngài khi tuyên bố rằng Ngài là Con Đức Chúa Trời (10:37-38).

Tuy nhiên, điểm chính cho cuộc thảo luận của chúng ta là trong lời tuyên bố của Ngài “Kinh Thánh không thể bỏ được” (10:35). Như đã đề cập phía trên, thì trích dẫn này về “các thần” được trích từ Thi thiên 82:6, mà Chúa Giê-su gọi là “Luật pháp” (10:34), do đó cho thấy rằng Ngài xem tất cả Cựu Ước là có thẩm quyền. “Luật pháp” và “Kinh Thánh”—những thuật ngữ mà Ngài sử dụng đồng nghĩa—không thể bị “phá bỏ”, nghĩa là chúng sẽ không mất đi hiệu lực và không còn ràng buộc nữa. Kinh Thánh không thể bị vô hiệu hoặc hủy bỏ.

 

Đức Chúa Trời là Tác Giả của Kinh Thánh

Đối với Chúa Giê-su, thẩm quyền của Kinh Thánh dựa trên sự xác tín của Ngài đó là Đức Chúa Trời là Tác giả tối thượng của Kinh Thánh, mặc dù các trước giả con người có liên quan. Để trả lời một câu hỏi liên quan đến hôn nhân và ly dị, Chúa Giê-su trích dẫn những lời được viết bởi trước giả của sách Sáng thế ký, Nhưng những lời này cơ bản là những lời của Đức Chúa Trời, vì Chúa Giê-su đã tuyên bố, “Đấng dựng nên loài người… đã nói” (Ma-thi-ơ 19:4-5).

Nhiều lần Chúa Giê-su gọi Kinh Kinh là sản phẩm của lời tiên tri, mà Cựu Ước đã tuyên bố là lời nói của Đức Chúa Trời thông qua các phương tiện con người. Ví dụ, trong Mác 7:6 Chúa Giê-su đã giới thiệu câu trích dẫn của Ngài về Ê-sai 29:13 bằng cách nói, “Ê-sai đã làm đúng lời tiên tri.” Chúa Giê-su nói “sự hoang tàn ghê tởm” đã được “nói đến qua nhà tiên tri Đa-ni-ên” (Ma-thi-ơ 24:15). Điều này cho thấy, Đa-ni-ên là phương tiện để Đức Chúa Trời phán lời tiên tri này. Thường thì Chúa Giê-su chỉ giới thiệu đơn giản những trích dẫn trong Kinh Thánh với những từ như “Môi-se đã nói” (Mác 7:10). Chỗ khác, thì Chúa Giê-su cho thấy rằng một số câu trong Cựu Ước đã được Đức Chúa Trời phán trực tiếp, vì thế đã khẳng định thẩm quyền thiên thượng tuyệt đối của Kinh Thánh.

Chúa Giê-su cũng dạy rằng các tác phẩm chưa thành hình nên Tân Ước sẽ được Đức Thánh Linh soi dẫn. Khi Ngài nói với các môn đồ, sẽ là những sứ đồ của Hội Thánh ban đầu, Ngài hứa rằng Đức Thánh Linh sẽ “khiến các ngươi nhớ lại tất cả những gì ta đã phán với các ngươi” (Giăng 14:26). Rồi Ngài lại phán: “Ta còn có nhiều chuyện nói với các ngươi nữa; nhưng bây giờ những điều đó cao quá sức các ngươi. Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật…và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến. Ấy chính Ngài sẽ làm sáng danh ta, vì Ngài sẽ lấy điều thuộc về ta mà rao bảo cho các ngươi.” (16:12-14). Mặc dù những lời hứa này về sự dạy dỗ của Thánh Linh có thể được áp dụng theo nghĩa định hướng đối với công việc soi sáng của Thánh Linh trong đời sống của các tín đồ, về tầm quan trọng thực sự của những lời dạy dỗ đó, như DA Carson diễn giải, “không phải để giải thích cách người đọc vào cuối thế kỷ thứ nhất được Thánh Linh dạy dỗ, nhưng để giải thích cho độc giả vào cuối thế kỷ thứ nhất cách mà các nhân chứng đầu tiên, là các môn đồ đầu tiên đã hiểu chính xác và đầy đủ về lẽ thật của Đức Chúa Giê-su Christ.”12

 

Tính vô ngộ của Kinh Thánh

Kinh Thánh không cho thấy dấu hiệu Chúa Giê-su phân biệt giữa những phần Kinh Thánh trình bày về lẽ thật thuộc linh và những vấn đề khác có vẻ không quan trọng hơn, chẳng hạn như các chi tiết về lịch sử hoặc khoa học. Mặc dù đôi khi Chúa Giê-su sử dụng thuật ngữ “Kinh Thánh” để chỉ các đoạn văn cụ thể, như chúng ta đã thấy, thì Ngài cũng đề cập đến toàn bộ Kinh Thánh khi tuyên bố, “Ta nói thật cùng các ngươi, đương khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi được cho đến khi mọi sự được trọn” (Ma-thi-ơ 5:18) và  Kinh Thánh không thể bị “hủy bỏ” (Giăng 10:35). Việc Ngài liên tục đề cập đến “Kinh Thánh” với ngụ ý Đức Chúa Trời là tác giả (ví dụ: Ma-thi-ơ 21:42; Lu-ca 4:21; Giăng 5:39) và những lời tuyên bố của Ngài rằng “Kinh Thánh” phải được ứng nghiệm (ví dụ, Ma-thi-ơ 26:54) chỉ ra rằng toàn bộ Cựu Ước, chứ không chỉ một số phần nhất định của nó, là vô ngộ.

Hai điều thiêng liêng đối với người Do Thái trong thời Đấng Christ—là Kinh Thánh và đền thờ. Khi Ngài tiên tri về đền thờ sẽ bị phá hủy, thì Chúa Giê-su bị buộc tội là nói chống lại đền thờ. Nhưng Ngài chưa bao giờ bị buộc tội vì đã thốt ra một lời nào chống lại Kinh Thánh, điều mà người Do Thái cho là có thẩm quyền tuyệt đối với mọi từ được mô tả là “lẽ thật được mặc khải của Đức Chúa Trời.”13

 

THÁI ĐỘ CỦA CHÚNG TA ĐỐI VỚI SỰ GIẢNG DẠY CỦA ĐẤNG CHRIST

Rõ ràng Chúa Giê-su đánh giá cao về Kinh Thánh. Mặc dù được viết bởi các trước giả con người, nhưng suy cho cùng thì Đức Chúa Trời chính là tác giả và vì thế Kinh Thánh chính là Lời của Đức Chúa Trời.

Một số cố gắng né tránh bằng chứng được trình bày trong chương này bằng cách nói rằng những người viết đã ghi lại quan điểm của họ về Kinh Thánh hơn là niềm tin của Chúa Giê-su. Nói cách khác, các trước giả Phúc Âm, các học giả này khẳng định, đặt quan điểm riêng của họ vào miệng Chúa Giêsu. Vì vậy, chúng tôi thực sự không biết Chúa Giê-su nghĩ gì về Kinh Thánh. Cần lưu ý hai điểm trong việc đáp lại lời giải thích này. Thứ nhất, cách Chúa Giê-su bày tỏ quan điểm về Kinh Thánh xuyên suốt mọi điều Ngài đã dạy và đã làm, để phủ nhận lời giải thích đó là điều đáng tin hầu dẫn đến sự bi quan hoàn toàn về bất kỳ kiến thức lịch sử nào về Ngài. Thứ hai, cách Chúa Giê-su sử dụng Cựu Ước, đôi khi theo những cách rất xác nguyên văn, để giải thích về chính Ngài và công việc của Ngài nên nhiều khả năng khiến cho các môn đồ viết sách Phúc Âm bám theo sự hiểu biết của Chúa Giê-su hơn là tự mình bịa ra.

Những người khác tin rằng thái độ của Chúa Giê-su đối với Kinh Thánh chỉ đơn giản là chỗ dựa cho niềm tin của những người đương thời với Ngài. Ngài cậy vào thẩm quyền của Cựu Ước vì khán giả của Ngài tin rằng điều đó được soi dẫn, chứ không phải vì Ngài đã làm như vậy. Một lời giải thích như vậy không thuyết phục, ít nhất là hai lần. Thứ nhất, các ghi chép của Phúc Âm cho thấy rõ rằng Chúa Giê-su đã không ngần ngại thách thức những người đương thời với Ngài khi Ngài không đồng ý với họ. Tại sao Ngài phải đáp ứng trường hợp cáo buộc sai trái của họ về Kinh Thánh? Thứ hai, không thể tin rằng Ngài có thể nhiều lần liên hệ chính Ngài và chức vụ của Ngài như là sự ứng nghiệm của Cựu Ước, đồng thời tin rằng chúng chỉ là những tác phẩm của con người chứa đầy ngụy biện.

Vẫn còn những người khác tìm cách giải thích những lời dạy của Chúa Giê-su bằng cách tuyên bố rằng khi Ngài trở thành một con người, sự hiểu biết của Ngài bị hạn chế. Hạn chế này bao gồm khả năng mắc sai lầm trong tư tưởng. Có thể nói nhiều điều để trả lời cho ý kiến này, nhưng một lần nữa phải có đũ hai nhận xét. Đầu tiên, giới hạn không nhất thiết liên quan đến sai lầm. Nhưng thứ hai, và quan trọng hơn là Chúa Giê-su đã khẳng định luôn nói sự thật. Nếu Ngài đã nhầm lẫn về Kinh Thánh mà Ngài đặt nền tảng cho sự dạy dỗ của Ngài, thì thật khó hiểu tại sao những lời của Ngài về các vấn đề khác lại được tin cậy.

Không có cách nào làm nổi bật ngụ ý của những lời dạy rõ ràng này của Đấng Christ. Chúng ta biết đến Đấng Christ và tin cậy Ngài vì cớ số phận đời đời của chúng ta chỉ thông qua Kinh Thánh. Vì vậy, đức tin của chúng ta nơi Ngài về bản chất thì được liên kết với đức tin của chúng ta vào tính chân thật của Kinh Thánh. Nếu chúng ta tin vào sự ghi chép của Kinh Thánh về Đấng Christ—rằng Ngài là Đấng mà Ngài đã nói, tức là, Ngài chính là sự mặc khải của Đức Chúa Trời, lẽ thật nhập thể—thì chúng ta phải chấp nhận Ngài như là Vị Thầy có thẩm quyền của chúng ta trong mọi sự, kể cả bản chất của Kinh Thánh. Như ai đó đã nói, “Ngôi Lời Nhập thể đặt ấn tín của Ngài trên Ngôi Lời được Viết ra. Ngôi Lời Nhập thể là Đức Chúa Trời; do đó, sự soi dẫn của Cựu Ước được chứng thực bởi chính Đức Chúa Trời.” Vì vậy, với Đấng Christ, chúng ta phải tin rằng Kinh Thánh là Lời được soi dẫn của Đức Chúa Trời và tất cả những gì Kinh Thánh dạy đều là lẽ thật và có thẩm quyền.

 

 

 

 

 

9

KINH THÁNH LÀ QUYỂN SÁCH CỦA CON NGƯỜI?

 

 

KINH THÁNH, như chúng ta thấy, nhấn mạnh nhiều lần về bản chất là lời Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, quyền tác giả thiên thượng của Kinh Thánh thường bị các học giả phê bình bác bỏ. Kết quả là, những người Tin Lành khi nghiên cứu về bản chất của lời Chúa thường có xu hướng tập trung vào đặc tính thiên thượng và tính vô ngộ của Kinh Thánh. Nhưng việc nhận biết Kinh Thánh là lời Đức Chúa Trời đồng thời cũng là lời con người là cần thiết. Hơn thế nữa, những đặc tính của con người trong Kinh Thánh cũng đóng góp vào giá trị của nó.

 

TÍNH CÁCH CON NGƯỜI TRONG KINH THÁNH

Người Hồi Giáo cho rằng sách thánh của họ – kinh Koran được viết từ trên trời gửi xuống cho Muhammad. Tuy nhiên, không có học giả Cơ Đốc nào tuyên bố như vậy về Kinh Thánh ngoại trừ một vài người trong quá khứ. Ngoài rất nhiều đề cập về các trước giả con người, nhân tố con người trong các sách là rất hiển nhiên. Được viết qua nhiều thế kỷ, phạm vi trải nghiệm của con người, sự đa dạng về nội dung và hình thức văn học của Kinh Thánh thì không có bất kỳ cuốn sách nào có thể so sánh được. Văn xuôi, thơ ca, lịch sử, thần học, văn tường thuật, dụ ngôn, châm ngôn, khải thị, gia phả, luật pháp và thư tín — tất cả và hơn thế nữa đều có trong Kinh Thánh, và tất cả đều là những hình thức viết tiêu biểu của con người vào thời đại của họ. Ví dụ, các bản giao ước trong Cựu Ước giống với các hiệp ước Hittite cổ đại. Ngoài ra, các hướng dẫn về cách cư xử của các tín nhân ở các vị trí khác nhau trong gia đình, cái gọi là “quy tắc gia đình” trong các thư tín Tân Ước (ví dụ, Ê-phê-sô 5: 22-33, 6: 1- 9; Cô-lô-se 3:18-4:1) tương tự như các quy tắc ứng xử đương thời có trước đó.

Như chúng ta đã thấy, Kinh Thánh ghi lại những lời của Đức Chúa Trời phán với con người bằng những câu giới thiệu như “CHÚA phán như vầy”, cũng như những giải thích được soi dẫn về những lời phán này và việc làm của Đức Chúa Trời trong lịch sử. Nhưng những đáp ứng mang tính suy gẫm với lời phán và hành động của Đức Chúa Trời từ phía dân sự Ngài cũng là một phần của Kinh Thánh. Những lời kêu cầu của trước giả Thi thiên cho sự giải cứu của Đức Chúa Trời khỏi kẻ thù mình, cũng như câu cảm thán của ông, “Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài là năng-lực tôi, tôi yêu-mến Ngài.” (Thi thiên 18:1), đều là một phần của Kinh Thánh.

Hơn cả việc phục vụ như những phương tiện truyền đạt ngôn ngữ con người, các trước giả Kinh Thánh là những con người thật đang bày tỏ những ý tưởng qua tâm trí và tính cách cá nhân. Phong cách thơ của các trước giả Thi Thiên đối lập với cấu trúc phân tích và logic trong các thư tín của sứ đồ Phao-lô. Các sách của sứ đồ Giăng và Lu-ca khác nhau về từ vựng và văn phong. Giê-rê-mi thường được gọi là “nhà tiên tri than khóc” vì sự thê lương và u sầu bày tỏ trong các sách của ông.  Phao-lô đề cập đến tiên tri Ê-sai, “Ê-sai nói về dân Y-sơ-ra-ên mà kêu lên rằng…” trong sứ điệp của mình (Rô-ma 9:27), và ở một nơi khác, “Ê-sai nói cách bạo dạn” (10:20). Ê-sai đang truyền thông lời Đức Chúa Trời, nhưng toàn bộ con người của vị tiên tri – tâm trí, cảm xúc, và ý chí – đều dự phần trong tiến trình này.

 

Ngoài những khác biệt trong văn phong và từ ngữ, tính cách của trước giả thường dự phần trực tiếp vào sứ điệp khi họ viết về kinh nghiệm đầu tiên của mình. Khải tượng của Ê-sai về “Chúa ngồi trên ngôi cao-sang” (Ê-sai 6:1) có liên hệ trực tiếp đến sự kêu gọi cá nhân của ông vào chức vụ (6:7-8). Đa-vít bày tỏ kinh nghiệm của mình khi ông viết: “Trước tôi trẻ, rày đã già, nhưng chẳng hề thấy người công bình bị bỏ, hay là dòng-dõi người đi ăn mày” (Thi thiên 37:25). Các nền văn hóa mà các trước giả đã sống thể hiện qua các sách của họ. Nhiều trích dẫn và minh họa của Phao-lô từ (cuộc sống thời La Mã – quân đội, thể thao và luật pháp – thể hiện bối cảnh lịch sử cá nhân của ông. Nhân tố con người của các trước giả cũng dự phần vào chính nội dung và mục đích bảnviết tay của họ. Theo lời của JI Packer, Kinh Thánh đã “được định hình bởi trước giả, thể hiện ra mục đích giáo huấn, mối quan tâm cá nhân, và thần học tổng thể của họ.”

 

Sự thật kép rằng Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời và cũng là lời của con người đòi hỏi cần có một lời giải thích về mối quan hệ của Đức Chúa Trời và các trước giả (là con người) trong quá trình viết ra nó, trong điều thường được gọi là “sự thần cảm của Kinh Thánh.” “Sự thần cảm” của Kinh Thánh đã được giải thích theo một số cách. Ngoại trừ quan điểm “viết lại” thì tất cả đều đồng ý về nhân tố con người đầy đủ trong Kinh Thánh. Sự khác biệt chỉ nằm ở cấp độ và bản chất trong  sự liên kết thiên thượng.

QUAN ĐIỂM CHO RẰNG KINH THÁNH LÀ LỜI CỦA CON NGƯỜI

 

Tuy nhiên, trong suy nghĩ của một số người, điều chủ yếu không phải là những sai sót hiện hữu mà đơn giản chỉ là nhân tố con người trong Kinh Thánh khiến Kinh Thánh không được xem là Lời Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời được coi là rất khác với con người chúng ta, “hoàn toàn khác”, đến nỗi Lời Ngài phán trong Đấng Christ không bao giờ có thể được diễn đạt bằng ngôn ngữ của con người. Như Karl Barth, một người nổi bật trong quan điểm này, đã bày tỏ điều đó: “Trong Kinh Thánh, chúng ta luôn quan tâm đến việc con người cố gắng lặp lại và tái tạo Lời của Đức Chúa Trời (tức là Lời trong Đấng Christ) trong suy nghĩ và cách diễn đạt của con người, trong hoàn cảnh nhất định của con người…Trong một trường hợp, chúng ta đọc: Chúa phán; trong một trường hợp khác là Phao-lô nói. Đây là hai điều khác nhau.”2

 

Đối với nhiều người khác, nhân tố con người đơn giản là không tương thích với chân lý tuyệt đối. Họ tranh luận rằng mọi người đều bị giới hạn bởi bối cảnh văn hóa của họ. Nhận định của chúng ta về chân lý là tương đối với bối cảnh lịch sử hạn chế của chúng ta và vì thế luôn luôn không trọn vẹn. Theo quan điểm này, nhân tố con người của các trước giả Kinh Thánh, bất chấp sự đồng công của Đức Thánh Linh, cũng chỉ là một nhân chứng khó tin cho sự mặc khải thiên thượng.

Mặc dù có sự bất đồng về mức độ mà sự sai sót của con người ảnh hưởng đến mức độ đáng tin cậy và tính chân thực của Kinh Thánh, những người giữ quan điểm này sẽ đồng ý với tuyên bố của học giả Công giáo La Mã Hans Ming rằng Kinh Thánh “rõ ràng là lời của con người: được thu thập, viết xuống, từng câu một nhấn mạnh khá rõ bởi những cá nhân và được phát triển theo những cách khác nhau. Thế nên không phải là không có thiếu sót và lỗi, che giấu và nhầm lẫn, hạn chế và sai sót.”3

Một số nhà lý luận tự do đã nhấn mạnh yếu tố con người của Kinh Thánh đến mức về cơ bản họ phủ nhận sự thần cảm thiên thượng. Họ quan niệm rằng những người viết Kinh Thánh là những người bẩm sinh có sự thông sáng về tôn giáo, và “sự thần cảm” của họ có thể so sánh với những gì chúng ta có thể liên tưởng đến như một nghệ sĩ, nhà thơ hoặc nhạc sĩ “được truyền cảm hứng.”

Tuy nhiên, hầu hết các học giả Cơ Đốc nhận thấy một số tác động thiên thượng trong việc viết Kinh Thánh, mặc dù nhiều người nhấn mạnh vào yếu tố con người khi tính đến việc chấp nhận tính chất thần thượng trọn vẹn của nó. Các quan điểm sau đây là ba quan điểm khác nhau về sự tiếp cận với sự thần cảm. Đầu tiên, một số người nói rằng các trước giả Kinh Thánh được thần cảm theo cùng một cách mà những tín hữu khác được soi dẫn để hầu việc Ngài. Theo quan điểm này, thì sự soi dẫn chủ yếu chỉ về công việc của Đức Chúa Trời trên các trước giả Kinh Thánh là điều tương tự như việc Ngài ban ân tứ trên các tín hữu.

 

Sự tác động của Đức Chúa Trời trên các trước giả Kinh Thánh tương tự như cách Ngài ban các ân tứ thuộc linh cho các tín hữu. Như cách người ta nghĩ, quan điểm này được nêu theo nhiều cách khác nhau. Có người nói là “sự khơi dậy ân tứ tiên tri.”4 Tuy nhiên, cũng ân tứ tiên tri đó đang vận hành trong hội thánh ngày nay và vì thế không chỉ về một công tác đặc biệt duy nhất trên các trước giả Kinh Thánh.

Hầu hết nói về những “loại” hoặc “mức độ” khác nhau của sự thần cảm thường liên quan đến bản chất của những tài liệu theo Kinh Thánh. Những bài thánh ca của mọi thời đại trong hội thánh, như những bài được viết bởi Isaac Watts, Charles Wesley, Augustus Toplady và Reginald Heber được cho là có “cùng sự thần cảm” như một số trước giả Thi Thiên chỉ đơn giản là khích lệ sự ngợi khen Chúa. Nếu những bài thánh ca này được viết trong thời vua Đa-vit và những vị vua kế vị (dù nội dung có phần khác vì sự đến của Đấng Christ vẫn còn nằm ở tương lai) “thì không nghi ngờ gì rằng những bài thánh ca đó đã nằm trong thơ thánh Do Thái.”5

Một lời giải thích gần đây về sự thần cảm cũng thuộc loại này thì đồng nhất sự thần cảm với việc “một giáo viên truyền cảm hứng cho học viên mình.” Cũng vậy Đức Chúa Trời soi dẫn cho các trước giả Kinh Thánh qua mối quan hệ của Ngài với họ và cộng đồng mà họ thuộc về, và đặc biệt là qua hành động cứu rỗi cao cả của Ngài, bao gồm cả sự cứu chuộc Y-sơ-ra-ên khỏi ách nô lệ và sự sống, sự chết, và sự sống lại của Chúa Cứu Thế Giê-su. Sự soi dẫn này nâng cao các khả năng nhưng “không đảm bảo là không lỗi, vì các người trung gian, dù là được Đức Chúa Trời soi dẫn, cũng vẫn có thể mắc lỗi.

Theo quan điểm này thì sự soi dẫn tương tự vẫn đang hiện hữu trong Hội Thánh ngày nay. Nhưng bởi vì Kinh Thánh ghi lại những hành động được Đức Chúa Trời mặc khải đặc biệt trong lịch sử, nên được xem là quy chuẩn cho thần học Cơ Đốc.

Khái niệm về sự soi dẫn này không phù hợp với lời chứng phong phú của Kinh Thánh rằng mặc dù Kinh Thánh được viết bởi con người và do đó là sách của con người, nhưng nó cũng là Lời của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, sự soi dẫn không chỉ liên quan đến tác động thiêng liêng đối với các trước giả con người mà còn tạo nên đặc trưng của sản phẩm cuối cùng.

Các tác phẩm thiêng liêng (“cả Kinh Thánh”) được Đức Chúa Trời soi dẫn (2 Ti-mô-thê 3:16). Nói tóm lại, quan điểm về sự soi dẫn này nhầm lẫn công việc độc đáo của Thánh Linh trong sự soi dẫn trên Kinh Thánh với công việc phổ quát của Ngài là soi sáng và dạy dỗ trong các tác phẩm được soi dẫn. Nó nhầm lẫn giữa việc ban Lời Đức Chúa Trời, sự mặc khải của Ngài, với chức vụ soi sáng để hiểu được sự mặc khải đó.

Sự vĩ đại của các bài thánh ca, bài viết hoặc bài giảng Cơ Đốc của các cá nhân không phải là trước giả Kinh Thánh là kết quả của công việc sau này và chỉ được xác định bằng cách họ bày tỏ trung thực lẽ thật được Đức Chúa Trời bày tỏ trong Kinh Thánh. Thứ hai, Kinh Thánh được soi dẫn vì nó “trở thành” Lời của Đức Chúa Trời. Quan điểm này về hoạt động soi dẫn của Đức Chúa Trời trên các trước giả Kinh Thánh cũng tương tự như quan điểm trước đó. Tuy nhiên, nó nhấn mạnh nhiều hơn đến sự khác biệt giữa sự mặc khải của Đức Chúa Trời về Lời Ngài trong sự gặp gỡ cá nhân và các bản viết Kinh Thánh.

Kinh Thánh không trực tiếp là Lời bày tỏ của Đức Chúa Trời trong bất kỳ tuyên bố nào của Kinh Thánh. Đúng hơn là Đức Chúa Trời sử dụng Kinh Thánh để bày tỏ chính Ngài cho các cá nhân. Karl Barth thể hiện khái niệm về sự soi dẫn này. “Sự soi dẫn bằng lời nói không có nghĩa là không thể sai được về đặc điểm ngôn ngữ, lịch sử và thần học của nó trong ngôn ngữ của con người. Nó có nghĩa là ngôn ngữ sai sót của con người cũng được Chúa sử dụng và phải được tiếp nhận và nghe bất chấp những sai sót đó.”

Những người theo trường phái này tin rằng Đức Chúa Trời đã tác động đến những trước giả Kinh Thánh để trở thành những nhân chứng đặc biệt cho những công tác vĩ đại của Ngài trên thế giới, đặc biệt là sự mặc khải của Ngài trong Đấng Christ. Sự ảnh hưởng này đã khiến những trước giả  viết về những sự kiện  và cuộc gặp gỡ của chính họ với Chúa qua những sự kiện đó. Đức Chúa Trời tiếp tục dùng ngôn ngữ của họ để bày tỏ chính Ngài qua những cuộc gặp gỡ cá nhân với con người ngày nay. Khi các cá nhân nghe tiếng của Đức Chúa Trời qua Kinh Thánh, thì tiếng nói đó “trở thành” Lời của Đức Chúa Trời.

Theo một số học giả, các nhà tiên tri và sứ đồ đã sử dụng những câu chuyện thần thoại như những câu chuyện về phép lạ để truyền đạt lẽ thật thuộc linh. Phần lớn những gì có vẻ như là báo cáo lịch sử phải được giải tỏa ra khỏi huyền thoại, hoặc lột bỏ trang phục thần thoại của nó để có được lẽ thật thuộc linh thực sự được truyền tải.

Theo quan điểm này, vì không thể xem là giống nhau bất kỳ câu nói nào của Kinh Thánh với lời Chúa, nên rất khó để có thể thực sự biết được đâu là điều Chúa nói, Theodore Engelder  nói rằng những người ủng hộ quan điểm này về Kinh Thánh “từ chối tin rằng Đức Chúa Trời đã thực hiện phép lạ ban cho chúng ta một bản Kinh Thánh không lỗi qua sự soi dẫn, nhưng [họ] sẵn sàng tin rằng Đức Chúa Trời hàng ngày vẫn đang thực hiện phép lạ vĩ đại hơn là cho phép loài người tìm và thấy trong ngôn từ thiếu sót của con người Lời vô ngộ của Đức Chúa Trời.”

Rõ ràng là sự giải thích như vậy về sự soi dẫn, nằm ngoài sự hỗ trợ trong Kinh Thánh, khiến cho việc nghe Lời Đức Chúa Trời trở thành một vấn đề rất chủ quan. Những người khác nhau có thể nghe nó theo cách khác nhau, và chúng ta không có cách nào để quyết định ai đang nghe nó một cách chính xác. Một lần nữa, giống như đã đề cập trước đây, cách giải thích về sự soi dẫn này nhầm lẫn giữa việc soi dẫn đặc biệt liên quan đến việc truyền đạt sự mặc khải với việc soi sáng.

Quan điểm thứ ba cho rằng Kinh Thánh được soi dẫn đủ để thực hiện mục đích truyền đạt chân lý cứu rỗi một cách trọn vẹn. Bản chất thực tế và mức độ ảnh hưởng của Đức Chúa Trời trong toàn bộ Kinh Thánh có phần khác nhau giữa những người ủng hộ quan điểm này.

Họ có xu hướng nói về “sự soi dẫn” của Đức Chúa Trời đối với toàn bộ Kinh Thánh, nhưng họ không tập trung nhiều vào tính chân thật của Kinh Thánh mà chỉ tập trung vào tính đầy đủ để hoàn thành mục đích cứu rỗi. Họ nói, Kinh Thánh được soi dẫn và do đó không thể sai lầm, theo nghĩa là Kinh Thánh đáng tin cậy để hoàn thành những gì Đức Chúa Trời đã định.

Một vấn đề với quan điểm này là khó biết phần nào của Kinh Thánh phù hợp với mục đích cứu rỗi này và phần nào thì không. Nói chung, các vấn đề về khoa học và lịch sử được coi là ngoại vi đối với thông điệp cứu rỗi của Kinh Thánh và do đó không thể sai lầm. Quan điểm này, mà một số người gọi là “sự soi dẫn hạn chế”, có một số vấn đề.

Đầu tiên, Kinh Thánh tuyên bố rõ ràng rằng “cả Kinh Thánh đều được soi dẫn” (2 Ti-mô-thê 3:16). Không có chỗ nào trong Kinh Thánh nói rằng sự soi dẫn hay sự chính xác tuyệt đối chỉ giới hạn trong những vấn đề thuộc về “đức tin và sự thực hành.”

Thứ hai, không ai có thể chỉ ra cách chúng ta có thể xác định rõ ràng ranh giới giữa vấn đề đức tin và không đức tin. Chẳng hạn, sự phục sinh của Chúa Giê-su là vấn đề của lịch sử hay của “đức tin”? Ví dụ, nếu có một số khó khăn về mặt lịch sử trong việc thống nhất các lời tường thuật của bốn trước giả Phúc Âm, thì chúng ta có thể nói đơn giản rằng phần tường thuật đó có sai sót về lịch sử và bằng cách nào đó vẫn duy trì sự việc có thật về sự phục sinh của Ngài đến dưới sự soi dẫn không thể sai lầm của Đức Chúa Trời?

Sự tách biệt như vậy dường như là không thể. Nếu lịch sử được chép không đúng sự thật, làm sao chúng ta có thể khẳng định rằng sự phục sinh của Chúa Giê-su là một vấn đề của “đức tin” — ngoại trừ dựa trên một số điều ngoài phần ghi chép của Kinh Thánh?

Một trong những lý do khiến Cơ Đốc Giáo vượt trội hơn các tôn giáo khác là nó có nguồn gốc từ lịch sử hơn là thần thoại. Loại trừ lịch sử khỏi sự soi dẫn vì một số xác suất chưa được giải đáp là làm suy yếu sự thật này. Tại sao Đức Chúa Trời phải tác động một cách siêu nhiên đến các trước giả Kinh Thánh trong việc giải thích tôn giáo của họ về các hành động cứu rỗi lịch sử của Ngài, cho chúng ta ý nghĩa của chúng không thể sai lầm, trong khi các trước giả đó ghi lại những sai sót lịch sử?

Thực tế quan trọng nhất là Kinh Thánh quan tâm đến nhu cầu tâm linh, nhưng cũng dạy chúng ta hiểu và sống trọn cuộc đời cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời— “nhân loại, thế giới, thiên nhiên, lịch sử, nguồn gốc và đích đến của họ, quá khứ và tương lai của họ ‘. Mọi điều Kinh Thánh nói đều liên quan đến thông điệp cứu chuộc tổng thể của Kinh Thánh và là Lời của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta.                                                                                                      

 

KINH THÁNH LÀ LỜI CỦA CẢ CON NGƯỜI VÀ ĐỨC CHÚA TRỜI?

Cho đến thời kỳ Khai Sáng của thế kỷ thứ mười tám, hầu hết các tín hữu đều có sự hiểu biết chung rằng Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời và cũng là lời của con người. Một tín lý theo Kinh Thánh về các trước giả con người liên quan với việc phải giải trình về yếu tố thiên thượng và, với kết quả là Kinh Thánh mang những đặc điểm chân thực của cả hai. Khái niệm Kinh Thánh về sự soi dẫn Theo chính Kinh Thánh sự soi dẫn của Kinh Thánh tập trung vào hai lẽ thật – tiến trình và kết quả của nó.

 

Khái niệm của Kinh Thánh về sự thần cảm

Như đã lưu ý trước đó, khi sứ đồ Phao-lô viết rằng “cả Kinh Thánh đều được soi dẫn” (nghĩa đen là “Đức Chúa Trời hà hơi”, 2 Ti-mô-thê 3:16); sự nhấn mạnh nằm ở kết quả của sự soi dẫn hoặc bản chất của chính Kinh Thánh. Đó là những bài viết do Đức Chúa Trời hà hơi.

Nhưng để tạo ra kết quả này, chắc hẳn Đức Chúa Trời cũng đã tác động trên trước giả con người. Do đó, khái niệm về sự soi dẫn của Kinh Thánh cũng nói lên sự kiểm soát thiên thượng này.

Kết hợp hai khái niệm về tiến trình và kết quả này lại với nhau, chúng ta có thể định nghĩa sự soi dẫn là công việc siêu nhiên của Đức Thánh Linh trên các trước giả Kinh Thánh để họ sử dụng hoàn toàn tính cách và phong cách viết của mình, họ đã viết chính xác những gì Đức Chúa Trời đã định cho họ viết và do đó Kinh Thánh là lời của Đức Chúa Trời cũng là lời của con người. ”

 

Benjamin B. Warfield, người bảo vệ mạnh mẽ khái niệm Tin Lành về sự soi dẫn vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, đã nói như thế này: “Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời theo nghĩa là lời Chúa, mặc dù được viết bởi con người và mang những dấu tích về nguồn gốc từ con người không thể xóa được, tuy nhiên, Kinh Thánh được viết ra dưới ảnh hưởng của Đức Thánh Linh cũng là những lời của Đức Chúa Trời, thể hiện đầy đủ suy nghĩ và ý muốn của Ngài.”12

Sự hiểu biết về sự soi dẫn này thường bị mô tả sai thành “học thuyết chính tả”, như thể các trước giả con người chỉ đơn giản làm việc như những thư ký của Đức Thánh Linh.

Trong khi một số người nhấn mạnh khía cạnh thiên thượng của Kinh Thánh đã giữ quan điểm này, thì đây chưa bao giờ là quan điểm tầm thường của Hội Thánh. Một số người trong Hội Thánh đầu tiên nói về việc Chúa Thánh Linh hành động trên các trước giả Kinh Thánh như một nhạc công chơi đàn hạc hoặc đàn lia, và thánh phụ vĩ đại của Hội Thánh – Augustine đã viết rằng Chúa đã sử dụng các trước giả con người “như thể họ chính là ngón tay của Ngài?”13

Tương tự như vậy, John Calvin gọi các trước giả Kinh Thánh là “người bồi bút”. Và “những thư ký của Đức Thánh Linh”. Tuy nhiên, những tác giả này không có ý định sử dụng những ẩn dụ này để dạy một học thuyết chính tả về sự soi dẫn, vì điều đó đã phủ nhận việc Đức Chúa Trời sử dụng toàn bộ nhân tính của những người được gọi là trước giả. Thay vào đó, họ chỉ muốn nhấn mạnh sản phẩm cuối cùng là Lời trọn vẹn không lỗi của Đức Chúa Trời.

“Học thuyết chính tả” này là một người rơm. Có thể nói rằng không có nhà thần học Tin Lành nào, từ thời Cải Chách cho đến nay, đã từng tin theo học thuyết đó; và chắc chắn các Hội Thánh Tin Lành hiện đại cũng vậy… Đúng là nhiều nhà thần học thế kỷ mười sáu và mười bảy đã nói về Kinh Thánh là “do Đức Thánh Linh viết.” Nhưng tất cả những gì họ muốn nói là các trước giả đã viết từng chữ những gì Chúa dự định.

Việc sử dụng thuật ngữ “viết chính tả” luôn luôn là nghĩa bóng. Bằng chứng cho điều này nằm ở chỗ, khi các nhà thần học này tự hỏi, phương thức hoạt động của Thánh Linh trong tâm trí các trước giả là gì, thì họ đều đưa ra câu trả lời không phải là viết chính tả, mà là hỗ trợ, và duy trì quan điểm đúng đắn rằng Đức Chúa Trời đã hoàn toàn điều chỉnh hoạt động soi dẫn của Ngài cho phù hợp với tâm trí, cách nhìn, tính khí, sở thích, thói quen văn chương và phong cách riêng của mỗi trước giả.16

Sự kiểm soát của Thánh Linh đối với các trước giả con người

Quan điểm cho rằng Kinh Thánh vừa là lời của con người vừa là Lời không thể sai lầm của Đức Chúa Trời cần được giải thích. Như đã nói ở trên, lý do khiến nhiều người từ chối Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời là vì đặc điểm con người của Kinh Thánh. Nếu là con người, họ nói, sai sót là chắc chắn không thể tránh khỏi. Vậy làm sao Kinh Thánh cũng là Lời của Đức Chúa Trời không hề sai sót? Có lẽ vấn đề còn nhiều hơn cả việc không sai sót hoặc không đúng là câu hỏi về làm thế nào Kinh Thánh có thể vừa là lời con người đồng thời cũng là lời Đức Chúa Trời. Câu trả lời đòi hỏi cả sự hiểu biết về bản chất con người và sự tri thức về sự mầu nhiệm của phép lạ thiên thượng.

Tư tưởng “nhân vô thập toàn” cần phải được loại bỏ. Câu nói “con người là sai sót” không đúng bằng “con người là phạm tội.” Vì nếu những câu này là đúng, thì Đấng Christ, Đấng không phạm tội, đã không phải là con người và tín hữu sẽ không phải những con người trên thiên đàng. Nhưng, dĩ nhiên, Đấng Christ hoàn toàn là con người, và chúng ta sẽ vẫn là con người trong sự vinh hiển. Trong thực tế, tội lỗi và sai sót không phải là một phần của bản chất con người; đúng ra, đó là những khiếm khuyết trong bản chất như một hậu quả của Sự Sa Ngã. Chúng hướng tới chiều kích cá nhân của bản chất con người như bệnh tật đối với thể chất – những rối loạn của tự nhiên hơn là những phần bản chất của nó. Như Chúa của chúng ta đã chứng minh trong cuộc đời của Ngài trên đất, bản chất thật của con người trong mối tương giao với Đức Chúa Trời, như ý định của Tạo hóa, không liên quan đến tội lỗi hay sai lầm. Được tạo ra theo hình ảnh của Đức Chúa Trời trong mối tương giao với Ngài, nhân loại được tạo dựng với bản chất để tương giao với Đức Chúa Trời trong lẽ thật. Như Kinh Thánh dạy, những người viết Kinh Thánh không phải tự lực cánh sinh trong quá trình viết Lời Đức Chúa Trời. Đức Thánh Linh vận hành một cách độc đáo và kỳ diệu trong quá trình soi dẫn để sửa chữa khuyết điểm tội lỗi của họ, hướng dẫn họ nói và viết chính xác những gì Đức Chúa Trời muốn.

Sự ảnh hưởng đặc biệt này của Đức Chúa Trời có lẽ thấy rõ nhất trong câu nói của Phi-e-rơ: “Vì chẳng hề có lời tiên-tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời.” (2 Phi-e-rơ 1:21). Với từ “tiên tri” Phi-e-rơ có ý nói về toàn bộ Cựu Ước và không chỉ đơn giản là riêng các tiên tri.7 Kinh Thánh, theo như sự dạy dỗ của vị sứ đồ, không bao giờ là kết quả của sự thôi thúc trong tâm trí của trước giả. Theo cách diễn giải của Eugene Peterson, lời Chúa “không phải là thứ gì đó được pha chế trong lòng người.” 18 Lời Chúa bắt nguồn từ việc con người được Thánh Linh của Đức Chúa Trời “đưa đi” theo. Từ Hi Lạp được dịch là “đưa đi” được dùng cho một chiếc thuyền buồm được gió đưa đi (Công Vụ 27:15,17). Khi gió thổi, con thuyền di chuyển, khi gió dừng, con thuyền dừng. Chúng ta cũng có thể nghĩ đến một mảnh gỗ trôi dạt theo dòng nước. Tốc độ trôi và hướng di chuyển hoàn toàn phụ thuộc vào dòng nước “mang theo nó”. Cụm từ “được Đức Thánh Linh đưa đi” gợi ý rằng các trước giả Kinh Thánh là công cụ trong tay của Thánh Linh đầy sáng tạo của Đức Chúa Trời. Ngài hướng dẫn họ điều họ cần viết ra. Điều này không có ý nói họ thụ động, như cái máy đánh chữ. Nhưng hoạt động của họ nằm dưới năng quyền kiểm soát của Đức Thánh Linh. Khi họ viết dưới sự vận hành của Thánh Linh, họ biết rằng mình không chỉ đơn giản thể hiện suy nghĩ của loài người. Như Warfield đã lưu ý, các nhà tiên tri “biết rằng Thánh Linh là Đấng soi dẫn họ không phải là thần tự nhiên của quốc gia họ.” Tư tưởng của Đức Chúa Trời vượt quá suy nghĩ của con người tội lỗi như “trời cao hơn đất” (Ê-sai. 55: 8-9). Kinh Thánh nhiều lần làm chứng rằng đó là lời được Đức Chúa Trời phán ra qua con người. Các trước giả con người đã viết những gì Đức Chúa Trời muốn họ viết, vì vậy theo một nghĩa rất thực tế, Ngài là tác giả của các sách cũng giống như các trước giả đã viết ra chúng. Bản chất sự vận hành của Thánh Linh với các trước giả Kinh Thánh rất khác nhau, hoặc như trước giả sách Hê-bơ-rơ đã nói, Đức Chúa Trời phán theo “nhiều cách” (Hê 1:1). Có những lúc, sự vận hành của Thánh Linh được trải nghiệm một cách gián tiếp hơn những lúc khác. Trong một số trường hợp, Đức Chúa Trời đã truyền đạt Lời của Ngài cho các trước giả Kinh Thánh bằng lời phán dễ nghe như Ngài đã làm với Môi-se, người “đã nghe tiếng [của Đức Chúa Trời] phán với mình từ ngai thi ân” (Dân số ký 7:89; xem thêm Xuất 4:12; 19: 3-6; 1 Sa-mu-ên 3: 4-14; Ê-sai 6: 8-9; Khải huyền 14:13). Đôi khi Ngài truyền đạt Lời của Ngài như Ngài đã làm với Đa-ni-ên, trong những giấc mơ và khải tượng, hoặc bằng cách sai thiên sứ đến truyền Lời Ngài (Dân. 7:1; 8:1; 9:21-22). Trong những trường hợp khác, những người tiếp nhận Lời Ngài trải qua trạng thái phấn chấn về tâm linh có thể được mô tả như một trạng thái xuất thần (Khải 1:10; xem thêm Công vụ 10:10; 22:17; 2Cô 12:2-4). Tuy nhiên, thường thì, các trước giả Kinh Thánh vẫn hoàn toàn minh mẫn khi đối thoại với Chúa (Ê-sai 6:11; Giê 14:13).

 

Điển hình là các nhà tiên tri đã nhận được lời Đức Chúa Trời qua những gợi ý bên trong, có lẽ cũng đúng với những giấc mơ và khải tượng.” Những mô tả này về Thánh Linh, sự vận hành đặc biệt trên phần Kinh Thánh mà các trước giả con người chủ yếu tiếp thu như một lời tiên tri. Nhưng Đức Thánh Linh cũng dự phần trong những phần Kinh Thánh mà trước giả con người dự phần tích cực và sự tác động thiên thượng là không trực tiếp. Các Thi Thiên thể hiện kinh nghiệm cá nhân của người viết và các phần lịch sử liên quan đến nghiên cứu của người viết đại diện cho thể loại này. Trong các Thư Tín, sứ đồ chỉ dạy Lời Chúa mà không đề cập đến việc Lời Chúa đến với họ như thế nào. Nói chung, có thể nói rằng ảnh hưởng của Thánh Linh khác với những lần được đề cập ở trên là nhũng lúc sự vận hành của Ngài rõ ràng hơn. Tuy nhiên, việc phủ nhận sự tham gia của Ngài trong những trường hợp này là một sai lầm, thường mắc phải giữa các học giả phê bình cao hơn, khi toàn bộ năng lực trong tính cách con người đã tích cực sáng tạo trong quá trình viết ra Kinh Thánh hoặc khi các trước giả sử dụng các tư liệu khác bao gồm những nguồn tư liệu không thuộc Kinh Thánh. Bruce Demhest và Gordon Lewis đã gọi sai lầm này là “ngụy biện đơn nguyên”, tức là “nếu một trước giả nghiên cứu và sử dụng các nguồn tư liệu khác, thì thông điệp của người đó rốt cuộc không phải từ Chúa.”21 Đáp lại, họ tuyên bố rằng: “Đức Chúa Trời vận hành không chỉ quan phòng trong mọi điều sắp xảy ra, mà còn trong việc giám sát việc viết Kinh Thánh, chẳng hạn như sách Tin Lành Lu-ca (1:1-4) và trong việc sử dụng các nguồn kinh điển và không kinh điển khác”.

Quá trình vận hành trong những trường hợp này được gọi là “hoạt động chấn động, trong đó Thần của Đức Chúa Trời vận hành” trong, cùng với và thông qua “hoạt động của con người” theo cách để truyền thông về tác phẩm (tức là Kinh Thánh) những phẩm chất siêu phàm một cách rõ ràng. Nói cách khác, Thánh Linh điều khiển nhà tiên tri hoặc sứ đồ khi họ nói hoặc viết để những gì họ viết ra cũng là lời của Đức Chúa Trời. Không phải là Ngài đứng bên ngoài khả năng người, chỉ can thiệp trong một số thời điểm nhất định để tránh sai sót hoặc bất cập khác. Thay vào đó, như Warfield nói, Đức Thánh Linh “làm việc liên tục trong, cùng và bên họ, nâng đỡ, hướng dẫn, điều khiển, thêm sức, để họ vượt lên chính mình và dưới sự soi dẫn của Ngài, họ làm công việc của Ngài để đạt được mục tiêu của Ngài. Quá trình soi dẫn này diễn ra như thế nào vẫn chưa được hiểu biết đầy đủ, nhưng phải luôn được thừa nhận. Augustine nói về khả năng của ma quỉ đã để mưu phản Ngài vào lòng Giu-đa để phản bội Chúa Giê-su (Giăng 13:2) thật đáng để suy ngẫm về mối liên hệ này. “Việc để (vào lòng) như vậy muốn nói về thuộc linh và được nhập vào không phải bằng tai, mà là thông qua suy nghĩ; và do đó không phải qua thuộc thể, mà là thuộc linh… Nhưng làm thế nào những việc như vậy được thực hiện, vì những gợi ý từ tà linh phải được đưa ra, và hòa lẫn với những suy nghĩ của con người đến nỗi con người tự nói ra chúng, làm sao người đó có thể biết được? Chúng ta cũng không thể nghi ngờ rằng những lời gợi ý tốt cũng giống như sự khôn ngoan đến từ thánh linh cũng theo cùng một cách thức không thể quan sát và là thuộc linh, ‘Câu hỏi về quá trình soi dẫn dường như liên quan đến câu hỏi về cách thức Đức Chúa Trời vận hành trong con người chúng ta để hoàn thành ý muốn của Ngài. Khi Kinh Thánh dạy chúng ta “làm nên” sự cứu chuộc mình, bởi vì Đức Chúa Trời “cảm động” trong chúng ta (Phi-líp 2:13), thì rõ ràng, điều đó dạy rằng bằng cách nào đó chúng ta và Đức Chúa Trời có thể cùng hoạt động mà không phủ nhận giá trị của nhau. Liên quan đến lời nói, những lời của Chúa Giê-su đem lại một ví dụ thú vị. Ngài tuyên bố sẽ nói những lời được Cha Ngài dạy cho Ngài (Giăng 7:16; 8:28) và Ngài tuyên bố rằng Ngài đã nói mà không có bất kỳ sai sót nào. Tiến trình này được giải thích trong Giăng 3:34: “Vì Đấng mà Đức Chúa Trời đã sai đến thì rao truyền lời của Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Trời ban Thánh Linh cho Ngài không chừng mực, cho thấy hình ảnh Chúa Giê-su được ban ân tứ Thánh Linh không chừng mực (nghĩa là vượt xa bất cứ tiên tri nào khác) để Ngài nói lời của Đức Chúa Trời một cách hoàn hảo. Tất nhiên, ân tứ của Thánh Linh vận hành trong Chúa Giê-su trong con người của Ngài. Vì vậy, trong con người, Ngài đã nói một cách chủ động và tự do mà không có cảm giác “đọc chính tả” từ Cha Ngài. Thế nên, lời nói của Ngài là lời nói của con người và đồng thời cũng là lời của Đức Chúa Trời.

Điều tương tự có thể đúng với các tín hữu trong trạng thái vinh hiển hoàn toàn trên thiên đàng. Họ sẽ liên hệ chặt chẽ với Đức Chúa Trời và được Ngài thêm sức để lời của Chúa chúng ta rằng “xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi” (Lu-ca 22:42) sẽ luôn luôn đúng. Rõ ràng, lúc bấy giờ, ý muốn và hành động của họ cũng là ý muốn và hành động của Đức Chúa Trời. Tương tự, họ sẽ chỉ nói ra lẽ thật, là điều được xem là biểu hiện của Đức Chúa Trời vì Ngài là nguồn của mọi chân lý. Do đó những lời chân thật được nói từ sự tự do thật của con người cũng sẽ là lời chân lý của Ngài. Sự nhập thể của Con Đức Chúa Trời – sự đến của Ngài trên thế gian trong bản chất con người vô tội đem lại một sự tương đồng thú vị với phép lạ về công việc của Đức Chúa Trời trong việc viết ra Kinh Thánh. Đức Thánh Linh đã đến trên Ma-ry, một con người thực sự và bất toàn. Tuy nhiên, qua bà, với sự phát triển bình thường của một bào thai siêu nhiên, Con Thiên Chúa đã được sinh ra với bản chất con người thực sự. Ngài mang đầy đủ các đặc tính của một người cũng như của Đức Chúa Trời. Ngay cả yếu tố tội lỗi trong Ma-ri đã bị loại bỏ để không làm ô nhiễm Chúa, vì vậy những tội lỗi và bất toàn của các trước giả con người đã bị loại bỏ và những gì được viết ra là không có sai sót.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA YẾU TỐ CON NGƯỜI TRONG KINH THÁNH

Những dấu ấn chung về yếu tố con người trong Kinh Thánh — vẻ trần tục trong phần lớn lịch sử và cách kể chuyện, cách diễn đạt của con người về các vấn đề và phước lành trong cuộc sống, sự đơn giản của Kinh Thánh — tất cả kết hợp lại khiến chúng ta tự hỏi liệu đây cũng là Lời của Đức Chúa Trời. Liệu Lời Đức Chúa Trời có nên vương giả hơn, sâu sắc hơn, thần bí hơn, siêu việt hơn, mang tính giáo lý hơn (cái gì đó giống như một thần học hệ thống tốt)? Tuy nhiên, bản chất của Kinh Thánh hoàn toàn phù hợp với mục đích của Đức Chúa Trời, sự mặc khải, không phải là tri thức, mà là sự cứu chuộc và cuộc sống thực. Như Richard Gaffin giải thích, “Sự mặc khải không có quá nhiều kiến thức liên quan đến bản chất của Đức Chúa Trời, con người và thế giới vì đó là sự giải thích được sự soi dẫn thiên thượng về hoạt động cứu chuộc loài người của Đức Chúa Trời để họ có thể thờ phượng và phụng sự Ngài trên thế gian. Vì vậy, Kinh Thánh, với tư cách là Lời mặc khải của Đức Chúa Trời, trước hết và trên hết là một cuốn sách lịch sử mở ra câu chuyện của Đức Chúa Trời, các mục đích cứu chuộc trong lịch sử. Sự cứu rỗi không phải là một hệ thống triết học hay đạo đức trừu tượng, mà là thực tế lịch sử của Đức Chúa Trời, những hành động cứu rỗi. Yếu tố con người của nhiều trước giả Kinh Thánh đại diện cho các nền văn hóa khác nhau chứng tỏ thực tế này. Bằng cách phán Lời Ngài qua kinh nghiệm đầy đủ của con người trong những hoàn cảnh lịch sử đa dạng, Đức Chúa Trời đã thích nghi với sự hiểu biết của con người chúng ta. Kiến thức về lẽ thật thiên thượng được truyền đạt thông qua giảng dạy. Vì vậy, chúng ta tìm thấy các phần giáo lý trong Kinh Thánh, chẳng hạn như phần lớn Sách Rô-ma. Nhưng sự nhận biết Chúa chỉ đạt được thông qua sự dự phần của toàn bộ con người của trước giả — trí tuệ, cảm xúc và hành động.

Những kiến thức đó chỉ được truyền đạt thông qua cuộc sống cụ thể. Vì vậy, Kinh Thánh thực hiện nhiều hơn là chỉ bày tỏ Đức Chúa Trời cho chúng ta. Kinh Thánh cũng bày tỏ những kinh nghiệm của dân sự với Ngài để thấy cách thực hành lẽ thật trong cuộc sống của chúng ta như thế nào. Các ẩn dụ của Chúa Giê-su cũng có cùng mục đích. Các thể loại văn học khác nhau trong Kinh Thánh cũng có cùng một mục đích dạy dỗ, vì chân lý được truyền đạt không chỉ qua các phần tín lý và các phần tường thuật lịch sử, mà còn qua thơ ca, tục ngữ, chuyện kể, lời tiên tri, v.v. Do đó những yếu tố con người trong lời Chúa là hoàn toàn phù hợp để truyền đạt sứ điệp cứu chuộc của Đức Chúa Trời. Yếu tố con người trong lịch sử Kinh Thánh cho phép chúng ta nắm bắt được điều gì đó về sự vĩ đại và phạm vi chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời từ đầu đến cuối. Những trang sử mở cho phép chúng ta học biết lẽ thật không chỉ từ sự giảng dạy bằng lời nói mà còn từ kinh nghiệm của người khác. Sau khi đọc phần lịch sử về Chúa, về con người, không ai có thể nghi ngờ thực tế của tội lỗi và nhu cầu của sự cứu chuộc. Các thể loại văn chương trong Kinh Thánh và hình thức lịch sử cũng giúp Kinh Thánh phù hợp để truyền thông đến mọi đối tượng. Sự đơn giản của sứ điệp trong câu chuyện dù là độc giả đơn sơ mới đọc lần đầu cũng có thể nắm bắt được.

KẾT LUẬN

Kinh Thánh với tư cách vừa là Lời của Đức Chúa Trời vừa là lời của con người thực sự là một cuốn sách kỳ diệu. Như đã thảo luận, bản chất thần thượng và con người của Kinh Thánh có thể được ví như sự kết hợp giữa thần tánh và nhân tánh trong Chúa Giê-su Christ, Đấng vừa thực sự là người vừa thực sự là Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, sự khác biệt ở chỗ, thần tánh và nhân tánh của Đấng Christ được hợp nhất trong một thân vị, trong khi với Kinh Thánh, Đức Thánh Linh không hợp nhất với bản chất con người trong sự soi dẫn của Kinh Thánh. Nhưng như Warfield giải thích, Kinh Thánh và Đấng Christ giống nhau ở chỗ cả hai đều là sự kết hợp giữa con người và thiên thượng dẫn đến một sản phẩm không lỗi. “Trong trường hợp thân vị của Chúa chúng ta, nhân tánh vẫn thực sự là nhân tánh dù Ngài không bao giờ phạm tội hoặc sai lầm vì bản chất đó không bao giờ vận hành ngoài sự kết hợp giữa thần tánh với bản chất đã được mang lại; như vậy trong trường hợp tạo ra Kinh Thánh bằng hành động kết hợp của các yếu tố con người và Thiên Thượng, các yếu tố con người đã hoạt động như các yếu tố con người, và đã để lại dấu ấn của họ trên sản phẩm như vậy, nhưng không mang lỗi… bởi vì họ không vận hành ngoài các yếu tố thần thượng,… nhưng ở dưới sự hướng dẫn không mệt mỏi của các yếu tố đó.”27

 

Có lẽ suy nghĩ chính xác nhất về Kinh Thánh là những lời của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta đã phán qua dân sự của Ngài dưới sự điều khiển của Thánh Linh. Mặc dù các ấn bản bằng chữ đỏ của Kinh Thánh có thể hữu ích trong việc ghi lại những lời trích dẫn của Chúa chúng ta, nhưng chúng cũng có thể gây hiểu lầm khi cho rằng những lời lịch sử của Chúa Giê-su có chất lượng khác biệt so với những lời được soi dẫn của các trước giả con người. Như chúng ta đã thấy, tất cả Kinh Thánh được viết dưới sự điều khiển của Đức Thánh Linh đều là lời của Đức Chúa Trời và vừa là lời của con người. Điều này không có nghĩa là hạ thấp ý nghĩa của lời Chúa Giê-su. Thay vào đó, nó đề cao tính cách siêu nhiên của Kinh Thánh. Đấng Christ, mặc dù có nhân tánh, là Đấng siêu nhiên. Và tương tự, Kinh Thánh, mặc dù do con người viết ra, nhưng có tính siêu nhiên bởi vì Chúa Thánh Linh có quyền kiểm soát siêu việt trên các trước giả.

 

 

 

 

 

– 10 –

Kinh Thánh có đáng tin cậy không?

 

VÌ KINH THÁNH là Lời của Đức Chúa Trời được bày tỏ qua lời nói của con người, điều này có nghĩa là Kinh Thánh đúng và không có sai sót phải không? Vâng, bởi vì Đức Chúa Trời là “Đức Chúa Trời của lẽ thật” (Thi 31:5). Nếu Kinh Thánh thực sự là lời của Ngài, thì Kinh Thánh hoàn toàn là chân thật và không có sai sót.

Mặc dù các Cơ đốc nhân thừa nhận sự trung thực của Đức Chúa Trời, nhưng lại kết luận rằng Kinh Thánh là hoàn toàn đúng và không có sai sót nào thì ngày nay bị nhiều người phủ nhận, ngay cả trong số những người giảng về Lời Đức Chúa Trời và khẳng định là sự soi dẫn của cả Kinh Thánh. Trong một số trường hợp, họ áp dụng các thuật ngữ “vô ngộ” và “tính không thể sai lầm” cho Kinh Thánh, nhưng họ nói rằng những từ này có nghĩa là Kinh Thánh có thể bao gồm những sai sót thực tế trong những vấn đề không liên quan trực tiếp đến đức tin và việc thực hành đời sống Cơ đốc.

Ví dụ, I. Howard Marshall giải thích rằng “mục đích của Kinh Thánh là hướng dẫn mọi người đến với sự cứu rỗi và lối sống liên quan.” Sau đó, ông nói, “‘Không thể sai lầm’ có nghĩa là Kinh Thánh hoàn toàn đáng tin cậy cho các mục đích mà Đức Chúa Trời đã soi dẫn nó.'”1 Một số học giả áp dụng thuật ngữ “vô ngộ” cho những gì tác giả dự định giảng dạy. Nói cách khác, như Clark Pinnock viết, “Kinh Thánh sai sót nhưng lại không dạy.… về sự vô ngộ mà đề cập đến…. sự dạy dỗ hơn là cho tất cả các thành phần được sử dụng trong công thức của nó”.2 Theo Donald Bloesch, Kinh Thánh “đã không sai lầm trong những gì tuyên bố, nhưng điều này không có nghĩa là Kinh Thánh không có lỗi trong việc ghi chép dữ liệu lịch sử hoặc trong thế giới quan của họ, hiện đã lỗi thời.”

Vì vậy, chúng ta cần xem xét kỹ vấn đề về tính trung thực của Kinh Thánh. Câu hỏi đặt ra là: Kinh Thánh có vô ngộ trong tất cả những gì nó khẳng định trong mọi lĩnh vực hay chỉ trong những vấn đề đó liên quan trực tiếp đến sự cứu rỗi và lối sống Cơ đốc của chúng ta?

 

LỜI DẠY CỦA KINH THÁNH VỀ TÍNH TRUNG THỰC

Bởi vì các thuật ngữ “tính vô ngộ” và “sự vô ngộ” không được sử dụng trong Kinh Thánh để mô tả bản chất riêng của Kinh Thánh, một số người phản đối việc sử dụng như vậy, cho rằng những thuật ngữ đó vượt ra ngoài sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các thuật ngữ không thực sự được sử dụng trong Kinh Thánh tuy vậy vẫn có thể truyền đạt lẽ thật trong Kinh Thánh. Ví dụ, từ “Ba ngôi” không được tìm thấy trong Kinh Thánh, nhưng các tín đồ chính thống trong suốt lịch sử của hội thánh đã công nhận nó là một sự mô tả chính xác về Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh.

Tương tự, câu hỏi liệu Kinh Thánh có sai sót hay “vô ngộ” được chuyển tải qua các thuật ngữ khác. Mặt tích cực của khái niệm “vô ngộ” liên quan đến “lẽ thật,” đây rõ ràng là một thuật ngữ trong Kinh Thánh. Nếu Kinh Thánh là vô ngộ thì điều đó hoàn toàn đúng. Do đó, câu hỏi đặt ra là Kinh Thánh có dạy về tính trung thực, tức là nó hoàn toàn đúng không?

Làm thế nào để chúng ta trả lời câu hỏi này? Hai phương pháp tiếp cận dẫn đến kết luận trái ngược nhau. Một người đề xuất rằng chúng ta kiểm tra tất cả các dữ liệu của Kinh Thánh để xác định học thuyết của chúng ta về sự linh ứng và tính vô ngộ. Những lời dạy trong Kinh Thánh về bản chất của Kinh Thánh và tất cả những gì thường được gọi là các hiện tượng trong Kinh Thánh phải được kết hợp với nhau để xác định bản chất về sự linh hứng của Kinh Thánh.

Phương pháp khác bắt đầu với những lời dạy của Kinh Thánh về những chủ đề sự soi dẫn và tính chân thật của chính Kinh Thánh. Sự giải thích cẩn thận được thực hiện đối với mọi điều Kinh Thánh dạy về bản chất của nó. Sự tổng kết của lời dạy này về cơ bản trở thành học thuyết về nguồn cảm hứng của chúng ta.

Sự khác biệt trong hai phương pháp có thể được minh họa trong cách họ giải quyết một số vấn đề cụ thể trong Kinh Thánh. Ví dụ, Chúa Giê-su gọi hạt cải là hạt “nhỏ hơn tất cả các loại hạt khác” (Ma-thi-ơ 13:32). Tuy nhiên, thực vật học, cho biết có những hạt thực sự nhỏ hơn hạt cải. Đi xuyên qua tuyên bố trong phần Kinh Thánh này, thì không hoàn toàn đúng về mặt khoa học, phương pháp đầu tiên tuyên bố rằng nguồn cảm hứng của Kinh Thánh phải có bản chất như vậy đó là nó bao gồm một số “lỗi” như lỗi này.

Lời tuyên bố của Phao-lô rằng “tất cả Kinh Thánh đều được soi dẫn” (2 Ti-mô-thê 3:16) do đó phải được giải thích theo một số cách hạn chế để tránh cho kiểu “sai lầm” này. Nói cách khác, nếu chúng ta tìm thấy những điểm không chính xác về lịch sử và khoa học trong Kinh Thánh hoặc những tuyên bố của một tác giả mà chúng ta không thể hài hòa với những lời của những tác giả khác, chúng ta phải xác định nguồn cảm hứng phù hợp với những sai sót giả định này.

Vấn đề với phương pháp này là nghiên cứu và kiến thức của con người là tiêu chuẩn của lẽ thật mà theo đó một câu Kinh Thánh được tuyên bố là đúng hay sai. Lời phát biểu của Đức Chúa Trời phải phù hợp với kiến thức đương thời của chúng ta. Nhưng lịch sử của ngành học thuật Kinh Thánh chứng minh rằng nhiều điều bị coi là sai sót trong những ngày trước đó đã được chứng minh là chính xác khi thông tin mới nhận được từ khảo cổ học và nghiên cứu về các ngôn ngữ và bản thảo Kinh Thánh. Do đó, có vẻ rất tự tin khi đưa ra phán quyết cuối cùng về những điều này ngày nay khi mà ngày mai sẽ có nhiều thông tin hơn có thể mang đến ánh sáng mới trên những vấn đề này.

Phương pháp thứ hai, là tìm cách để hiểu tín lý được truyền cảm hứng từ những tuyên bố trực tiếp trong Kinh Thánh về chủ đề này, cũng phải giải quyết những vấn đề như là vấn đề hạt cải. Nhưng phương pháp này trước hết phải xác định những gì Kinh Thánh dạy về chính nó, sau đó tìm cách hài hòa các vấn đề như là hạt cải với lời dạy đó. Giả sử ngay thời điểm nghiên cứu Kinh Thánh cẩn thận cho thấy rằng Chúa Giê-su Christ và các tác giả Kinh Thánh giảng dạy về sự soi dẫn đầy đủ của tất cả Kinh Thánh, thì phương pháp này tìm kiếm lời giải thích về vấn đề phù hợp với sự dạy dỗ này. Nếu một vấn đề được tìm thấy mà không có giải pháp thích hợp, nó không được coi là cơ sở thích hợp để thay đổi sự giảng dạy rõ ràng của Kinh Thánh. Cần phải thừa nhận sự hạn chế của kiến thức con người hiện tại của chúng ta.

Cách chúng ta tiếp cận các tín lý khác nhau của Kinh Thánh có thể giúp xác định quan điểm nào trong hai quan điểm này là đúng. Những người theo phái Phúc Âm luôn khẳng định thần tính hoàn toàn và sự vô tội của Đấng Christ, dựa trên những tuyên bố trực tiếp, chẳng hạn như Giăng 1:1, nơi mà Ngài được xác định rõ ràng là Đức Chúa Trời. Nhưng giả sử chúng ta tìm cách xác định xem Ngài có thực sự là Đức Chúa Trời hay không bằng cách xem xét tất cả các tuyên bố về Ngài. Chúa Giê-su nói với người cai trị trẻ tuổi giàu có rằng: “Sao ngươi gọi ta là nhơn lành? Chỉ có một Ðấng nhơn lành, là Ðức Chúa Trời”(Lu-ca 18:19). Một tuyên bố như vậy có thể được hiểu là biến Chúa Giê-su trở thành một người kém hơn Đức Chúa Trời, hoặc thậm chí biến Ngài trở thành tội nhân.

Vào một dịp khác, Chúa Giê-su thú nhận không biết về ngày Ngài tái lâm, nói rằng “chỉ một mình Cha” biết thông tin này (Mác 13:32). Vì một trong những thuộc tính của Đức Chúa Trời là sự toàn tri, một số người có thể kết luận từ câu này rằng Chúa Giê-su không phải là Đức Chúa Trời. Nhưng nhà thờ đã không sử dụng những câu như thế này để sửa đổi niềm tin của họ vào thần tính trọn vẹn của Đấng Christ. Các học giả tin tưởng đã giải thích những câu này theo những cách hài hòa với sự dạy dỗ rõ ràng về thần tính của Đấng Christ và sự vô tội của Ngài.

Phương pháp thông thường để hiểu sự giảng dạy của Kinh Thánh về một chủ đề nhất định luôn là bắt đầu bằng những lời tuyên bố rõ ràng liên quan đến chủ đề đó. Sau khi đã hiểu những gì được giảng dạy một cách rõ ràng, các dữ liệu khác có thể giúp làm sáng tỏ thêm sự giảng dạy cơ bản, nhưng không được phép phủ nhận sự giảng dạy đó. Những tuyên bố được thảo luận ở trên dường như đặt ra câu hỏi về thần tính của Đấng Christ giúp chúng ta hiểu Ngài đầy đủ hơn với tư cách vừa là Đức Chúa Trời và vừa là con người. Tương tự, các hiện tượng trong Kinh Thánh giúp chúng ta hiểu đầy đủ hơn về bản chất của nó. Phao-lô truyên bố Kinh Thánh là được Đức Chúa Trời hà hơi (2 Ti-mô-thê 3:16) có thể suy nghĩ rằng Kinh Thánh là do Ngài sai khiến. Nhưng Kinh Thánh bày tỏ rõ ràng những cá tính khác nhau của người viết và những tính cách khác nhau của con người, khiến cho chúng ta từ chối thuyết linh ứng sai khiến để ủng hộ sự hiểu biết bao gồm sự tham gia chân chính của con người. Do đó, sự hiểu biết bổ sung từ các dữ liệu khác có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lời dạy cơ bản, nhưng không thể được phép phủ nhận lời dạy đó.

 

Ý Nghĩa của “Lẽ Thật” trong Kinh Thánh

Trước khi chúng ta xem lời chứng về tính trung thực của Kinh Thánh, chúng ta cần phải xác định Kinh Thánh có nghĩa là “lẽ thật” hay “thật”. Từ ngữ trong tiếng Do Thái của Kinh Thánh Cựu ước (emet) có ý niệm cơ bản là “sự chắc chắn” hay “sự hiển nhiên.” Trên cơ sở của ý nghĩa này, nhiều người nói rằng lẽ thật theo ý nghĩa Kinh Thánh có nghĩa là sự tin cậy hoặc sự thành tín. Nó bảy tỏ một người có thể bị phụ thuộc vào, một người mà một người khác có thể đặt niềm tin hoàn toàn, giống như ý nghĩa của từ “true” trong câu nói, “Tôi sẽ thành thật với bạn.” Vì vậy, điều ngược lại với sự thật là không thành thật, không đáng tin cậy hoặc lừa dối. Do đó, người ta lập luận rằng sự thật liên quan đến con người trong mối quan hệ với những người khác (người ta có thể tin tưởng vào lời nói hoặc hành động của họ), chứ không phải sự kiện khách quan hoặc những lời tuyên bố. Theo quan điểm này, thì trọng tâm là sự tin cậy, không phải tính thực tế. Kinh Thánh được cho là đúng, nghĩa là xác thực và đáng tin cậy trong việc hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời là dẫn đưa con người đến sự cứu rỗi. Do đó, theo cách hiểu này, các khái niệm về lẽ thật và sai lầm trong Kinh Thánh không tập trung vào việc liệu điều gì đó có trùng hợp một cách khách quan với thực tế hay không.

Đáp lại, cần phải lưu ý rằng mặc dù ý nghĩa ban đầu của một từ thì cung cấp thông tin về lịch sử quá khứ của nó, nhưng nó không xác định nghĩa của nó trong một giai đoạn lịch sử tiếp theo. Khi xem xét việc sử dụng từ “lẽ thật” trong Kinh Thánh, chúng ta thấy rằng nó không chỉ đề cập đến sự thành tín mà còn đề cập đến tính thực tế theo nghĩa phù hợp với các sự kiện hoặc thực tế.

Đúng là ở nhiều nơi trong Cựu Ước emet có nghĩa là trung thành. Chân thật là một đặc tính của Đức Chúa Trời: “Sự chơn thật Ngài là cái khiên và cái can của ngươi.” (Thi 91:4); Ngài “giữ lòng thành thực đời đời” (146:6, NIV); “Vì lòng thành tín của ta, ta sẽ ban thưởng cho họ” (Ê-sai. 61:8, NIV; xin xem thêm Sáng thế ký 24:27; Xuất 34:6; Thi 31:5; Giê 4:2; Xa-cha-ri 8:8). Hành động của Ngài là thành thật hoặc đáng tin cậy: “Công việc của tay Ngài là thành tín và công bình ”(Thi 111:7, NIV). Ý nghĩa tương tự của từ emet cũng được áp dụng cho con người, mặc dù ít thường xuyên hơn nhiều. Giô-suê khuyên dân Y-sơ-ra-ên “hãy kính sợ Ðức Giê-hô-va, và phục sự Ngài cách thành tâm và chân thật; (hay sự trung tín)” (Giô-suê 24:14; xem thêm Xuất 18:21, “người chân thật,” hoặc “người đáng tin cậy”, NIV). Với điều gì đó cùng ý nghĩa, “lẽ thật” được áp dụng cho các vật thể. Trong những trường hợp này, trung thành có nghĩa là đáng tin cậy hoặc chắc chắn. Yêu cầu của Ra-háp về một “lời cam đoan về sự chân thật” (Giô-suê 2:12) biểu thị một lời yêu cầu mà bà có thể tin cậy. Tương tự, “phần thưởng đích thực” (Châm. 11:18) là điều chắc chắn.

Hai cách sử dụng cuối cùng rõ ràng là đang hướng tới ý nghĩa của “lẽ thật” biểu hiện tính chân thật thực tế. “Phần thưởng thực sự” là phần thưởng sẽ được chứng minh là đúng hoặc thực tế trong tương lai. Ý nghĩa này là “sự thật”—là điều phù hợp với thực tế, trái ngược với những gì là giả dối, sai lầm hoặc lừa dối—là rất rõ ràng trong nhiều cách sử dụng của emet. “Sự thật” là từ được dùng trong các vấn đề về tư pháp. “Xét xử chân thật” (Xa-cha-ri 8:16), và “thực thi công lý chân thật” (7:9). Trong cả hai trường hợp, lời kêu gọi dành cho “các phán quyết phù hợp với emet, với sự kiện thực tế, để chúng chứng minh là đúng và chính xác.” Trong các vấn đề về phán quyết, điều tra kỹ lưỡng được yêu cầu để xem liệu “điều đó có đúng không và sự việc mới được thành lập.” (Phục. 13:14; xem thêm 17:4, “điều đó đúng và…. chắc chắn”; và 22:20). Do đó, các nhân chứng được khen ngợi vì sự trung thực của họ (Châm. 14:25; Giê. 42:5).

Lời phát biểu của một người cũng được mô tả bởi sự chân thật. “Hãy nói chân thật với nhau” (Xa-cha-ri 8:16; xin xem thêm Châm. 8:7; Dân. 11:2). Trong Thi thiên 15:2, nói “chân thật” tương phản với việc vu khống hoặc đưa ra những báo cáo dối trá và ác ý. Tương tự như vậy, Giê-rê-mi than thở về Giê-ru-sa-lem, nói rằng: “Ai nấy gạt gẫm kẻ lân cận mình, chẳng nói sự chơn thật. Chúng nó luyện tập lưỡi mình mà nói dối” (Giê-rê-mi 9:5). Nhà tiên tri Mi-chê được triệu tập để nói “không có gì khác ngoài sự thật nhân danh CHÚA” (1 Các vua. 22:16). “Môi chân thật” được khen ngợi, nhưng “lưỡi dối trá” và “môi nói dối” bị lên án (Châm. 12:19,22) Rõ ràng trong những câu này, sự thật liên quan đến sự thực tế hoặc phù hợp với thực tế chứ không phải là hư cấu.

Do đó, khái niệm về sự chân thật trong Cựu Ước bao gồm ý tưởng cơ bản về một điều gì đó chắc chắn và có thể tin cậy. Điều chính yếu là một thuộc tính cá nhân, chứng tỏ sự trung thành và đáng tin cậy. Nhưng nó cũng biểu hiện ý tưởng về sự phù hợp với thực tế, nghĩa là, sự chân thật là trái ngược với những gì giả dối. Thực ra hai suy nghĩ này hợp nhất với nhau. Như Roger Nicole đã chỉ ra, “Bởi vì sự chân thật là phù hợp với thực tế nên sự tin tưởng có thể được đặt vào nó hoặc ở người khẳng định nó, và bởi vì một người trung thành nên họ sẽ cẩn thận đưa ra những tuyên bố thành thật.”5

Quan niệm về lẽ thật của Tân Ước tiếp nối từ Cựu ước, mặc dù ý nghĩa của sự phù hợp với thực tế là điểm nhấn chính yếu. Trong văn học Hy Lạp, từ aletheia (“lẽ thật”) dùng để chỉ sự vật như chúng vốn có, tức là những gì phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, chính từ này lại dịch từ emet của tiếng Do Thái trong bản Septuagint, là bản dịch tiếng Hy Lạp của Tân Ước. Các tác giả Tân Ước đã sử dụng thuật ngữ Hy Lạp này với cùng ý nghĩa mà nó có trong Cựu Ước.6 Yếu tố trí tuệ là nổi bật, nhưng quan niệm về sự chân thật theo ý nghĩa của sự trung thành hoặc sự tin cậy thì cũng hiện diện trong nhiều cách sử dụng. Tuy nhiên, tư tưởng thứ hai này cũng thường được thể hiện trong Tân Ước bằng một nhóm từ liên quan đến pistos (“đáng tin cậy”, “trung thành”, “đáng tin tưởng”).

Ý tưởng nào chiếm ưu thế trong mỗi lần xuất hiện của từ “sự thật” trong Tân Ước thường rất khó xác định. Tuy nhiên, một số nghĩa rộng có thể được phân biệt, mặc dù chúng có thể trùng lặp.7 Sự thật là độ tin cậy hoặc độ tin tưởng vẫn là rõ ràng trong một số cách sử dụng, đặc biệt là những ý tưởng đề cập đến Đức Chúa Trời, nhưng cũng có lúc đề cập đến con người. “Hãy để cho sự thật của Đức Chúa Trời được nhìn thấy” (Rô-ma 3:4), một tuyên bố về những lời hứa trong giao ước của Đức Chúa Trời với Y-sơ-ra-ên, biểu hiện sự tin cậy của Ngài, sự thành tín của Ngài với Lời Ngài, tương tự như lời tuyên bố trong câu trước về sự thành tín của Đức Chúa Trời (3:3). Một ý nghĩa tương tự cũng được thấy trong những lời phán về chức vụ tôi tớ của Đấng Christ “nhân danh lẽ thật (sự tin cậy, sự thành tín của Đức Chúa Trời để xác nhận những lời đã hứa được ban cho với tổ phụ” (15: 8). Là “con cái của sự sáng”, các tín đồ phải sản sinh ra “bông trái của ánh sáng [mà] bao gồm tất cả sự tốt lành, và sự công bình và lẽ thật” (Ê-phê-sô 5:9). Đây là ý nghĩa của “lẽ thật rõ ràng tương tự như emet trong Cựu Ước ghi chép về sự trung thành của Ê-xê-chia”: Ông đã làm “điều tốt, điều đúng và trung tín [emet] trước mặt CHÚA, là Đức Chúa Trời của mình” (2 Sử. 31:20, NIV).

Tuy nhiên, sự nhấn mạnh chính yếu trong những lần xuất hiện của từ “sự thật” ở các hình thức khác nhau của nó (tức là danh từ, trạng từ, tính từ), là về những gì phù hợp với thực tế. Sự thật sẽ phân biệt điều gì là thực tế có thật, hoặc là chân thật với điều gì là giả dối. Đây là một người Y-sơ-ra-ên chân thật, trong người này không có gì là giả dối” (Giăng 1:47, NIV; xem thêm 1:9, “ánh sáng thật” 4:23, “những người thờ phượng thật” 8:31, “vậy thì ngươi là môn đồ thật”). Nó mô tả cái thực đối ngược với cái ảo. “Những gì thiên sứ đang làm là có thật, nhưng Phi-e-rơ nghĩ rằng ông đang nhìn thấy một khải tượng” (Công vụ 12:9). Phục vụ “trong lẽ thật” trái ngược với phục vụ giả vờ (Phi-líp 1:18). Đức Chúa Trời là “Đức Chúa Trời chân thật [thật].” trái ngược với các thần giả mạo (Giăng 17:3).

Tính thực tế được thể hiện rõ khi từ “thành thật” được sử dụng cho nhân chứng hoặc lời khai của một người. Một nhân chứng thật nói theo thực tế (5:31-32; 8:13-14; Tít 1:13). Phù hợp với sự kiện cũng được thấy trong sự đối lập giữa sự thật và sự giả dối. Phao-lô tuyên bố, “Tôi nói sự thật…. Tôi không nói dối” (Rô-ma 9:1; xin xem thêm Công vụ 26:25; 1 Ti-mô-thê 2:7). “Vậy, hãy bỏ sự nói dối sang một bên, hãy nói sự thật” (Ê-phê-sô 4:25). Và “nói sự thật” (4:15) trái ngược với “mưu đồ gian dối” (4:14). “Kẻ nói dối” không có “lẽ thật ” trong mình (1 Giăng 2:4; xin xem thêm 1:6; Gia-cơ 3:14). Sự thật trái ngược với sự dối trá được thấy rõ qua những lời dạy của Chúa Giê-su liên quan đến ma quỷ: “Vừa lúc ban đầu nó đã là kẻ giết người, chẳng bền giữ được lẽ thật, và không có lẽ thật trong nó đâu. Khi nó nói dối, thì nói theo tánh riêng mình, vì nó vốn là kẻ nói dối và là cha sự nói dối.” (Giăng 8:44). Ngay cả khi điều ngược lại không được đề cập đến, thì rõ ràng sự thật có nghĩa là điều không giả dối hoặc không sai lầm. Khi Chúa Giê-su hỏi ai đã chạm vào Ngài, người phụ nữ được chữa lành “sấp mình xuống trước mặt Ngài và nói cho Ngài biết toàn bộ sự thật” (Mác 5:33).

Khái niệm về chân lý như là sự phù hợp với thực tế này nổi bật trong suốt Tân Ước. Các tác giả khẳng định rằng thông điệp của họ là đúng vì nó dựa trên những điều thực sự đã xảy ra. Họ nhiều lần khẳng định rằng họ là nhân chứng của Đấng Christ và công trình cứu rỗi của Ngài (Công 1:22; 2:32; 3:15; 5:32; 10:39; 1 Phi 5:1-2; 2 Phi 1:16 -18;1 Giăng 1:1-3). Sự khẳng định của Phao-lô về sự phục sinh của Đấng Christ dựa trên lẽ thật rằng Ngài đã thực sự hiện ra với mọi người. Và điều này có thể dễ dàng được xác minh, vì hầu hết họ vẫn còn sống khi lời khẳng định được đưa ra (xin xem 1 Cô. 15:1-8, đặc biệt là câu 6).

Khái niệm về chân lý của Tân Ước cũng bao gồm ý tưởng về thực tại tối hậu. Theo nghĩa này thì ý nghĩ không phải là sự thật để phân biệt với cái không thực hay giả, mà là sự phân biệt với một cái gì đó mang tính biểu tượng hoặc chỉ là cái bóng của thực tại siêu phàm hoặc thiêng liêng. Đền tạm Cựu ước trên đất chỉ là bản sao của đền tạm “thật” trên trời (Hê-bơ-rơ 8:2; 9:24). Quan trọng nhất là lẽ thật theo nghĩa này đến bởi Đấng Christ. Giăng viết rằng “ân điển và lẽ thật bởi Ðức Chúa Jêsus Christ mà đến.” (Giăng 1:17, NIV). Điều này không phải để phủ nhận rằng ân điển và lẽ thật đã hiện diện trong các giao dịch của Đức Chúa Trời trong Cựu Ước. Nhưng với sự xuất hiện của Đấng Christ, thực tại thiêng liêng của lẽ thật hiện diện trong Cựu Ước đã được bày tỏ đầy đủ. Ngài là “con một từ Cha, đầy ân điển và lẽ thật” (1:14). Vì Ngài là thực tại hoàn toàn về lẽ thật của Đức Chúa Trời bày tỏ trong thế gian, nên Ngài đã nói lẽ thật, và Ngài cũng có thể nói, “Ta là…. lẽ thật” (14:6). Và như Phao-lô đã viết, “lẽ thật ở trong Chúa Giê-su” (Ê-phê-sô 4:21).

Từ những cách sử dụng khác nhau của từ “lẽ thật” trong Cựu ước và Tân ước, rõ ràng là lẽ thật bao hàm một số ý tưởng—sự tin cậy hoặc sự trung thành, sự phù hợp với thực tế hoặc thực sự, và thực tại thiêng liêng. Mặc dù một ý tưởng có thể là chính yếu trong một đoạn văn cụ thể, nhưng các chủ đề khác nhau này được liên kết với nhau. Một người đáng tin cậy hoặc trung thực sẽ nói phù hợp với thực tế, tức là người này sẽ không nói dối. Ngay cả sự mặc khải tối hậu về “lẽ thật” của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ không phải là không liên quan đến sự thật được bày tỏ trước đây qua các vị tiên tri (Hê-bơ-rơ 1:1-2).

Lẽ thật theo nghĩa Kinh Thánh là tối hậu là một sự hoàn hảo của chính Đức Chúa Trời. Tất cả lẽ thật đều đến từ Đức Chúa Trời. Hành động của Ngài là bày tỏ của lẽ thật của Ngài, về sự thành tín bất biến của Ngài. Vì vậy, lời của Ngài cũng đáng tin cậy; Ngài luôn luôn hành động phù hợp với những gì Ngài nói, nghĩa là, lời nói của Ngài luôn luôn phù hợp với thực tế; đó là thực sự. Vì vậy, Ngài không thể nói dối (Tít 1:2; Hê-bơ-rơ 6:18). Vì mọi thứ được tạo ra bởi Đức Chúa Trời và tìm thấy mục đích cuối cùng của nó trong ý định của Đức Chúa Trời, nên lẽ thật phải được phản ảnh trong đời sống của con người. Các mạng lịnh của Đức Chúa Trời là sự bày tỏ ý muốn của Ngài. Chúng phản ảnh lẽ thật của Đức Chúa Trời, và như sứ đồ viết, là “hiện thân…. của lẽ thật” (Rô-ma 2:20). Do đó, người ta được kêu gọi “[bước đi] trong lẽ thật” (2 Giăng 4; 3 Giăng 3–4), thực hành lẽ thật (Giăng 3:21;1 Giăng 1:6) và nói lẽ thật (Ê-phê-sô 4:15, 25). Một khái niệm về lẽ thật như vậy mà định nghĩa của nó được bắt nguồn cuối cùng là từ chính Đức Chúa Trời cho thấy sự hoàn hảo của các đặc tính của nó—sự tin cậy, sự phù hợp với thực tế, và sự thực tại thiêng liêng tối hậu.

 

Lời Chứng của Kinh Thánh về Lẽ Thật

Kinh Thánh thường xuyên làm chứng cho tính trung thực của nó. Việc xác định Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời rõ ràng là một lời khẳng định về tính trung thực, vì Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của lẽ thật. Và tuyên bố của Phao-lô về sự soi dẫn của Kinh Thánh bởi Thánh Linh của Đức Chúa Trời (2 Ti-mô-thê 3:16)—và lời tuyên bố của Chúa Giê-su rằng “không một chấm hay một nét nhỏ nhất nào (của Luật pháp hoặc Kinh Thánh) sẽ qua đi” (Mat 5:18) và “Kinh Thánh không thể bị hủy bỏ được” (Giăng 10:35)—ngụ ý rõ ràng về sự trung thực.

Ngoài ra, một số tuyên bố trong Kinh Thánh đề cập rõ ràng đến tính trung thực của nó. Chẳng hạn, tác giả thi thiên khi suy ngẫm sâu sắc về giá trị và sự thú vị của Kinh Thánh trong Thi thiên 119 đã tuyên bố: “Luật pháp của Ngài là chân thật” (119:142), “tất cả các điều răn của Ngài đều là chân thật” (119:151), và “sự tổng cộng của Lời Ngài là chân thật” (119:160). Từ “tổng cộng” trong câu cuối cùng chỉ ra rằng “lẽ thật” là một đặc điểm của toàn bộ Kinh Thánh. Như Derek Kidner nói, việc sử dụng cùng một từ cho việc tổng điều tra dân số (ví dụ, Xuất. 30:12; Dân số 1:2) “cho thấy rằng ‘tổng của’ không phải là một cách nói ‘chung chung’, nhưng đúng hơn, ‘mỗi phần của’ lời Đức Chúa Trời đều là lẽ thật.” Chắc chắn, người viết thi thiên vui thích Lời Đức Chúa Trời trong suốt Thi thiên (119:16, 24, 47, 70, 77, 143, 174) cho thấy rằng “sự chân thật” có một ý nghĩa cá nhân hoặc hiện sinh đối với tác giả. Tác giả thấy chúng là trung thành và đáng tin cậy trong những cuộc đấu tranh của cuộc đời tác giả. Nhưng như Anthony Thiselton lưu ý, “Cùng một tác giả Thi thiên coi luật pháp của Đức Chúa Trời như ngọn đèn và ánh sáng (câu 105) cho người tin nhận biết tình trạng thực sự của sự việc, và do đó không thể loại bỏ ý nghĩa của lẽ thật là sự phù hợp với thực tế từ những tuyên bố này. Những tín đồ nhận thấy Kinh Thánh đáng tin cậy về mặt cá nhân trong đời sống bởi vì Kinh Thánh là lẽ thật trên thực tế và Kinh Thánh diễn tả thực tế. Trong cuộc tấn công của Đức Chúa Trời chống lại các tiên tri giả vào thời Giê-rê-mi, vấn đề rõ ràng là sự thật đối nghịch với sự giả dối. Các tiên tri giả “nhân danh Ta mà nói tiên tri giả dối” (Giê 23:25), “nhưng hãy để kẻ có lời Ta nói lời Ta trong lẽ thật” (23:28; xin xem thêm 1 Vua. 17:24).

Trong Tân Ước thì phúc âm thường được cho là có đặc điểm của lẽ thật. Đó là “lời lẽ thật” (Ê-phê-sô 1:13, NIV; Cô-lô-se 1:5). Kinh Thánh Cựu Ước là “hiện thân của sự tri thức và lẽ thật” (Rô-ma 2:20). Quan trọng nhất là Chúa Giê-su khẳng định rằng “Lời của Ngài là lẽ thật” (Giăng 17:17) Theo lời của Thiselton,” Lời này của Đức Chúa Trời có giá trị, có hiệu quả, không hề sai, thực sự phù hợp với thực tế. Tất cả những điều này là chính xác vì nó là lời mặc khải của chính Đức Chúa Trời.”10

Ngoài những tuyên bố rõ ràng về tính trung thực của Kinh Thánh, thì những tuyên bố khác trong Kinh Thánh đề cập đến sự hoàn hảo của Kinh Thánh. Như tác giả thi thiên đã tuyên bố, “Lời của CHÚA là lời trong sạch, Dường như bạc đã thét trong nồi dót bằng gốm, luyện đến bảy lần” (Thi 12:6). Tiếng Hê-bơ-rơ dịch là “trong sạch” được dùng ở nơi khác để mô tả một kim loại, chẳng hạn như vàng, không lẫn tạp chất (Xuất 25:11, 17, 24, 29). Nó cũng được dùng để chỉ tấm lòng trong sạch (Thi 51:10; Ê-xê-chi-ên 36:25) hoặc sự trong sạch theo nghi lễ (Lê. 10:10, 14; 13:13, 17; Phục. 14:11, 20; Mal. 1:11). Để nhấn mạnh sự trong sạch của Lời Đức Chúa Trời, Đa-vít đã viết rằng nó giống như bạc được “tinh luyện bảy lần” (Thi 12:6). Số bảy có lẽ để bày tỏ “một cách mạnh mẽ của khái niệm về sự trong sạch tuyệt đối, hoàn toàn không bị tạp chất hoặc không hoàn hảo.”

Đa-vít cũng viết, “Còn Ðức Chúa Trời, các đường lối Ngài là trọn vẹn; Lời của Ðức Giê-hô-va đã được luyện cho sạch; Ngài là cái khiên cho những kẻ nào nương náu mình nơi Ngài.” (18:30). Tiếng Hê-bơ-rơ dịch là “thử luyện” (“hoàn hảo.”NIV) thường được sử dụng để tinh luyện, nấu chảy, thử nghiệm hoặc chứng minh là kim loại. Lời Đức Chúa Trời đã được thử nghiệm và cho thấy là hoàn toàn trong sạch và hoàn toàn đáng tin cậy. Như câu gợi ý, Lời Đức Chúa Trời phù hợp với hành động của Ngài. “Đường lối” của Ngài là “không chỗ trách được” nghĩa là “hoàn hảo” (NIV); Lời của Ngài đã được “thử luyện” nghĩa là “không có tì vết.” Điều này đã được thử nghiệm và chứng minh về chất lượng của Lời Đức Chúa Trời được nâng cao trong 119:140, nơi nó được mô tả là “rất tinh sạch” (hoặc “đã thử luyện,” như trong 18:30). Châm ngôn 30:5 nói, “Mọi lời của Đức Chúa Trời đều được thét luyện (nghĩa là, hoàn hảo, NIV).” Trước sự tinh sạch của Lời Đức Chúa Trời, Agur cảnh báo, “Chớ thêm chi vào các lời Ngài. E Ngài quở trách ngươi, và ngươi bị cầm nói dối chăng” (30:6). Sự tương phản với lời nói dối cho thấy rằng sự trong sạch của Lời đã được Đức Chúa Trời thử nghiệm và thử luyện không chỉ đề cập đến việc người tin Chúa thấy Lời ấy đáng tin cậy trong cuộc sống, mà còn nói rằng đó là sự thật trái ngược với sự giả dối.

Trong Châm-ngôn 8:8, sự khôn ngoan được nhân cách hóa như một cá nhân, đã nói: “Mọi lời nói của miệng tôi đều ở trong sự công chính; chẳng có điều gì quanh co hay gian trá trong đó.” Việc sử dụng từ “công chính” trong 12:17 và Thi Thiên 52:3 đối lập với sự giả dối và gian dối cho thấy rằng lời nói “công chính” là bao gồm lời nói trung thực.

Điều thú vị là Kinh Thánh không bao giờ giới hạn tuyên bố về tính trung thực của Kinh Thánh đối với một số giáo lý (chẳng hạn như những giáo lý liên quan trực tiếp đến sự cứu rỗi) trong khi không khẳng định tính trung thực của những giáo lý khác. Nhưng điều này có nghĩa là Kinh Thánh vô ngộ phải không? Tính trung thực, đặc biệt là sự tin cậy, được áp dụng cho những con người có đời sống chủ yếu là được mô tả bởi thuộc tính này, nhưng không hoàn hảo. Tuy nhiên, điều này không thể nói về Chúa. Vì chính khái niệm về lẽ thật được đặt nền tảng ở trong Ngài, nên ý nghĩa của “lẽ thật” không bao hàm sự bất toàn. Bản thân sự không đáng tin cậy hoặc không phù hợp với thực tế thì không bao giờ là một phần của sự thật. Bởi vì Đức Chúa Trời là chân thật, sự trung thực trong sự mặc khải của Ngài trong các hành động và lời nói thì không bao giờ được mô tả bởi sự giả dối. Đức Thánh Linh, nhờ Lời Đức Chúa Trời đã trở nên hiện hữu, cũng được gọi là Thần lẽ thật (Giăng 14:17; 15:26; 16:13; 1 Giăng 4:6). Vì Kinh Thánh được viết bởi những người được “Đức Thánh Linh cảm động” (2 Phi-e-rơ 1:21) nên những gì họ viết là Lời của Đức Chúa Trời, nên khó có thể kết luận điều gì khác ngoài việc Kinh Thánh là đúng trong mỗi phần.

 

 

Ý NGHĨA CỦA SỰ VÔ NGỘ TRONG KINH THÁNH

Trong quá khứ, thuật ngữ truyền thống được sử dụng để mô tả tính trung thực của Kinh Thánh là vô ngộ. Tuy nhiên, vì vô ngộ nên có thể mang ý nghĩa “ảnh hưởng hoặc tác động”, với một số người, như đã lưu ý trước đó, việc sử dụng từ này trong Kinh Thánh để cho thấy rằng Kinh Thánh có hiệu quả trong việc hoàn thành mục đích mang lại sự cứu rỗi. Vì vậy, theo quan điểm này, không có nghĩa là không có lỗi. Vì lý do này, hầu hết những ai đề cập đến tính trung thực của Kinh Thánh đều đề cập đến tính vô ngộ của Kinh Thánh.

Định Nghĩa về Sự Vô Ngộ

Theo ngôn ngữ riêng của Kinh Thánh, sự vô ngộ được định nghĩa tốt nhất là “tính trung thực”. Có nghĩa là các nguyên bản của Kinh Thánh đều đúng trong mọi điều đã nói về mọi vấn đề. David Dockery định nghĩa sự vô ngộ theo cách này: “Kinh Thánh (trong các nguyên bản) được giải nghĩa một cách chính xác theo cách mà nền văn hóa và phương tiện giao tiếp đã được phát triển vào thời điểm được viết ra của nó sẽ hoàn toàn đúng (và do đó không thể sai lầm) trong tất cả những gì nó khẳng định, ở mức độ chính xác mà người viết mong đợi, trong mọi vấn đề liên quan đến Đức Chúa Trời và sự sáng tạo của Ngài.”13

Bởi vì Kinh Thánh là lẽ thật, không chỉ đáng tin tưởng nghĩa là đáng tin cậy; nhưng cũng phù hợp với thực tế. Tất nhiên, nhiều câu trong Kinh Thánh không phải là những câu nói thực tế mà sự thật có thể được đo lường bằng sự phù hợp với thực tế bên ngoài, chẳng hạn như sự kiện lịch sử. Ví dụ, những lời cầu nguyện, những mạng lịnh và những lời khuyên nhủ không trực tiếp khẳng định những lời đề nghị có thể được xác minh trực tiếp ngoại trừ ý nghĩa của những tuyên bố đã thực sự được đưa ra. Kevin Vanhoozer giải thích cách gọi tất cả các hình thức phát biếu là “hành vi lời nói”, là cách mà ngay cả những hành vi lời nói đó không phải là những lời đề nghị tuy nhiên có thể được cho là đúng nếu những thực tế nhất định được bao hàm trong đó. Ví dụ, lời khuyến khích “Ngợi khen Chúa” ngụ ý sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, sự đáng ngợi khen của Ngài và mối quan hệ nhất định giữa Ngài và dân sự của Ngài khiến cho việc ngợi khen là điều đúng đắn. Sự trung thực của sự khuyến khích để ca ngợi Chúa, do đó dựa trên thực tế mặc nhiên. Bởi vì tất cả Kinh Thánh đều là Lời của Đức Chúa Trời, “Các hành vi lời nói” của Ngài đều vô ngộ, bao gồm các mạng lịnh, những lời hứa, các điều cảnh báo, những lời cầu nguyện, và vâng vâng.15

Một Số Tiêu Chuẩn Cần Thiết của Sự Vô Ngộ

Để tránh hiểu lầm về tính vô ngộ, chúng ta cần đặt ra một số câu hỏi khi xem xét các câu trong Kinh Thánh. Đầu tiên, là trước giả con người đã mô tả câu nói đó là thật, nghĩa là trước giả này chỉ đơn giản là thuật lại những gì ai đó đã nói nhưng có thể là không đúng sự thật? Việc Sa-tan tuyên bố với Ê-va, “Chắc chắn ngươi sẽ không chết” (Sáng 3:4), chứng tỏ rằng Kinh Thánh bao gồm những điều sai sự thật. Và Kinh Thánh ghi lại chính xác những lời phát biểu của những người bạn của Gióp, mặc dù họ đã sai khi buộc tội Gióp về một số tội nghiêm trọng. Thông thường, ngữ cảnh làm rõ liệu một tuyên bố có được hiểu là sự thật hay không. Tuy nhiên, Kinh Thánh vẫn vô ngộ ở chỗ là thuật lại cách trung thực và chính xác những gì đã được nói hoặc những gì đã xảy ra.

Thứ hai, trước giả dự định nói bằng ngôn ngữ bình dân hay bằng ngôn ngữ khoa học kỹ thuật? Chúng ta nói về mặt trời mọc và lặn, nhưng về mặt khoa học chúng ta biết rằng trái đất chuyển động chứ không phải mặt trời. Chúng tôi không buộc tội những người viết báo hoặc phóng viên dự báo thời tiết trên truyền hình đã sai khi họ đưa tin về thời điểm bình minh và hoàng hôn.

Thứ ba, có phải trước giả đã nói tròn con số không? Nếu con số là một ước lượng hợp lý, thì không có sự sai sự thật nào liên quan. Trong nhiều tình huống—dân số của các thành phố, quy mô đám đông, khoảng cách hàng dặm—người ta sử dụng số tròn, nhưng chúng tôi không nói rằng những tuyên bố đó là sai. Nguyên tắc tương tự cũng áp dụng cho trích dẫn của trường hợp khác. Chúng có thể là những câu trích dẫn chính xác từng từ, hoặc chúng có thể là những câu diễn giải cung cấp ý chính của ý nghĩa ban đầu mà không bao gồm sai sót.

Thứ tư, trước giả có ý định nói theo nghĩa đen hay thông qua minh họa của lời nói? Một số người sẽ nói rằng các trước giả Kinh Thánh tổ chức một vũ trụ học sai lầm khi nói về “bốn góc của trái đất” (Ê-sai 11:12) hoặc “các cửa sổ trên trời” (Sáng 7:11, KJV). Tuy nhiên, khi từ ngữ như vậy mà được hiểu theo nghĩa bóng, như nó đã được mong đợi một cách chắc chắn, thì không có sai sót nào liên quan.

Một số người phản đối tín lý về sự vô ngộ bằng cách kêu gọi sự chú ý đến một số cấu trúc ngữ pháp trong tiếng Do Thái hoặc tiếng Hy Lạp không tuân theo các mẫu câu thông thường. Như Nicole giải thích, “Chúng tôi có các câu bị treo lơ lửng [không được hoàn thành khi bắt đầu]; chúng tôi có những động từ mà chủ ngữ đang trong hồ nghi; chúng tôi có những hình thức của lời nói có thể đã bị kết án bởi một nhà văn phạm tiếng Do Thái hoặc tiếng Hy Lạp cổ.” Tuy nhiên, ngữ pháp không phải là vấn đề của lẽ thật mà là sự phù hợp với quy ước ngôn ngữ của con người, vốn có thể thay đổi và dao động theo thời gian. Trong mọi trường hợp, cho dù người đó nói và viết với khả năng văn phạm tốt thì không liên quan gì đến tính trung thực của một tuyên bố. Hơn nữa, những lý do chính đáng thường có thể được tìm thấy trong những trường hợp mà người viết Kinh Thánh thay đổi từ cách diễn đạt ngữ pháp bình thường. Trong một số trường hợp, nó là kết quả của việc chuyển các cấu trúc tiếng Do Thái sang ngôn ngữ Hy Lạp, thì những cấu trúc đó không phù hợp với ngữ pháp Hy Lạp chuẩn.

Do đó, sự vô ngộ có nghĩa là khi xem xét đầy đủ các tuyên bố của Kinh Thánh theo ý nghĩa và mục đích sử dụng của chúng bởi các trước giả loài người, thì Kinh Thánh hoàn toàn đáng tin cậy trong tất cả những gì Kinh Thánh nêu ra. Sự dạy dỗ chính yếu của Kinh Thánh liên quan đến chương trình cứu chuộc vĩ đại của Đức Chúa Trời thông qua Chúa Giê-su Christ. Nhưng khi cung ứng sự cứu rỗi này, thì Đức Chúa Trời đã xâm chiếm thế giới của chúng ta để đối phó với chúng ta trong bối cảnh lịch sử và địa lý của chúng ta. Do đó, sự ghi chép về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời chạm đến các lĩnh vực kiến thức khác cũng như lẽ thật thuộc linh. Toàn bộ bản ghi chép này là Lời của Đức Chúa Trời được soi dẫn, nên Lời của Đức Chúa Trời không thể sai lầm. Điều này không có nghĩa là các trước giả biết nhiều về lịch sử và khoa học hơn những người ngày nay, cũng không có nghĩa là họ là những chuyên gia trong mọi lĩnh vực kiến thức. Thay vào đó, điều đó có nghĩa là Đức Chúa Trời đã bảo vệ những điều đó để không gây hiểu lầm cho chúng ta trong bất kỳ tuyên bố nào, cho dù có vẻ tầm thường đến mức nào.

TẦM QUAN TRỌNG VỀ SỰ VÔ NGỘ CỦA KINH THÁNH

Kể từ thời đại Khai sáng vào thế kỷ thứ mười tám, câu hỏi về tính vô ngộ của Kinh Thánh đã được tranh luận giữa các Cơ đốc nhân. Nhiều năng lượng đã bị tiêu tốn và giấy mực đổ ra ngay cả trong số những người rao giảng phúc âm thì đã phải vật lộn với vấn đề này trong vài thập kỷ qua. Tính vô ngộ hay sự trung thực của Kinh Thánh có thực sự quan trọng đối với đức tin Cơ đốc không? Tất nhiên, tin vào tính vô ngộ thì không đảm bảo rằng người đó sẽ giải nghĩa Kinh Thánh một cách chính xác, bằng chứng thực tế là một số giáo phái chẳng hạn như Chứng nhân Giê-hô-va đã khẳng định tính vô ngộ. Nhưng Kinh Thánh, không phải cách giải nghĩa của chúng ta về chúng, là vô ngộ. Tuy nhiên, sự vô ngộ cung cấp một cơ sở hợp lý cần thiết cho thẩm quyền tuyệt đối của cả Kinh Thánh.

Sự vô ngộ có nghĩa là tất cả Kinh Thánh đều có thẩm quyền nếu Kinh Thánh có sai sót thì thẩm quyền của nó bị hạn chế. Tất nhiên, nhiều người có thể nói rằng Kinh Thánh chỉ có thẩm quyền trong những lời dạy liên quan đến sự cứu rỗi. Tuy nhiên, khi nói điều này, thì người đó giới hạn thẩm quyền của Kinh Thánh.

Những lời của J. I. Packer về tầm quan trọng của sự vô ngộ liên quan đến việc trình bày Kinh Thánh là điều rất đáng được suy nghĩ. Khi chúng tôi khẳng định tính vô ngộ của Kinh Thánh, Packer lưu ý, “Chúng tôi không được 1) phủ nhận, coi thường hoặc tùy tiện tương đối hóa bất cứ điều gì mà các trước giả Kinh Thánh dạy, cũng như 2) coi nhẹ bất kỳ những ngụ ý thực tế nào đối với việc thờ phượng và phụng sự mà sự dạy dỗ của họ mang lại, cũng không 3) cắt bỏ nút thắt của bất kỳ vấn đề nào về sự hài hòa của Kinh Thánh, thực tế hay thần học, bằng cách cho phép chúng ta cho rằng các trước giả được soi dẫn không nhất thiết phải nhất quán với chính họ hoặc với nhau.”17

Bằng cách khẳng định tính vô ngộ của Kinh Thánh, chúng ta tự đặt mình dưới thẩm quyền của tất cả những lời dạy trong Kinh Thánh. Khi nói rằng Kinh Thánh có những sai sót làm hạn chế thẩm quyền của Kinh Thánh và có thể dẫn đến những phiên bản Cơ đốc giáo bị giảm bớt và bị bóp méo.”18

Nếu chúng ta chấp nhận sai sót trong một số phần của Kinh Thánh, thì điều này đặt ra câu hỏi về toàn bộ. Đúng, một sai sót trong một tuyên bố không nhất thiết có nghĩa là sai sót đó tồn tại trong toàn bộ Kinh Thánh. Nhưng sự tồn tại của một sai sót trong Kinh Thánh mở ra khả năng cho các sai sót khác. Vì vậy, có thể nói rằng Kinh Thánh có những sai sót làm suy giảm lòng tin của chúng ta đối với toàn bộ Kinh Thánh.

Một số học viên Kinh Thánh nói rằng sự vô ngộ chỉ liên quan đến các vấn đề về đức tin và việc thực hành, không thể xác minh được lẽ thật của chúng. Nhưng về mặt lô-gích, thì điều này nảy sinh câu hỏi là làm thế nào những vấn đề tâm linh có thể tin cậy được. Tại sao một người không phải tín đồ nên chấp nhận những phần thiêng liêng đó trong Kinh Thánh nói về Đức Chúa Trời và sự chết của Đấng Christ là sự thay thế cho tội nhân, những lời dạy này không thể kiểm tra được, khi mà người đó được cho biết rằng chính những lĩnh vực đó có thể chứng thực được, chẳng hạn như lịch sử hoặc khoa học, có chứa đựng những điểm không chính xác không?

Một khi sai sót được thừa nhận ngay cả trong lĩnh vực rất hạn chế, thì xu hướng này cho rằng nếu sai sót nhiều hơn thì cũng sẽ được thừa nhận. Lúc đầu, một số nhà thần học đặt câu hỏi về các vấn đề thuộc tính trung thực của lịch sử, nhưng ngay sau đó họ đã nghi ngờ về các khía cạnh thần học và đạo đức của Kinh Thánh. Như Carl Henry viết, “Rõ ràng là các học giả loại bỏ tính đáng tin cậy của lịch sử Kinh Thánh đã sớm tạo ra một cái cớ chia rẻ cho việc loại bỏ các yếu tố tín lý.”19 Ví dụ, vào năm 1905 William Newton Clark đã viết rằng chỉ những lời dạy thần học và đạo đức của Chúa Giê-su là có thẩm quyền.20 Theo đó, thực tế về ma quỷ trong chức vụ của Chúa Giê-su— là một vấn đề thần học và đạo đức—đã bị bác bỏ như một điều đã được khoa học hóa trước đó. Những lời chỉ trích mang tính duy lý đối với Kinh Thánh sau đó dẫn đến việc Harry Emerson Fosdick nói rằng chỉ có cuộc đời của Chúa Giê-su là “có giá trị vĩnh cửu.”21 Đi xa hơn nữa, một số người coi Chúa Giê-su chỉ là một nguồn cảm hứng.

Điều này không có nghĩa là tất cả những ai phủ nhận tính trung thực của tất cả Kinh Thánh thì đều hạn chế thẩm quyền của Kinh Thánh. Tuy nhiên, nó chỉ ra rằng việc khẳng định ngay cả một số sai sót trong Kinh Thánh cũng khiến cho về nguyên tắc, rất khó để ngăn những người khác tìm ra thêm.

Vô Ngộ Có Nghĩa Kinh Thánh Là Thẩm Quyền Tối Hậu

Không chỉ tuân theo sự vô ngộ của Kinh Thánh mà nghĩa là cả Kinh Thánh đều có thẩm quyền. Có lẽ còn quan trọng hơn, nó còn khẳng định rằng Lời của Đức Chúa Trời chứ không phải lý trí của con người là thẩm quyền cuối cùng hoặc tối hậu. Khi chấp nhận những sai sót trong Kinh Thánh thì ngay lập tức câu hỏi được đặt ra, Ai là người quyết định điều gì là đúng và điều gì sai trong Kinh Thánh? Chẳng phải nhà phê bình Kinh Thánh nói rằng một câu Kinh Thánh nào đó là sai thì người đó đang tự đặt mình vào sai vị trí như là người có thẩm quyền đối với Kinh Thánh sao? Hội đồng Quốc tế về sự vô ngộ của Kinh Thánh đã ghi nhận một cách khéo léo thực tế này trong việc xác định lượng “Tuyên bố Chicago về sự vô ngộ của Kinh Thánh”: Kết quả của việc thực hiện bước này [phủ nhận toàn bộ tính trung thực của Kinh Thánh] thì Kinh Thánh mà Đức Chúa Trời ban cho sẽ bị mất thẩm quyền, và thay vì có mọi thẩm quyền thì Kinh Thánh bị giảm đi thẩm quyền trong nội dung theo yêu cầu của cách lý luận phê bình và theo nguyên tắc có thể giảm thậm chí còn đi xa hơn nữa một khi người đó đã bắt đầu. Điều này có nghĩa là lúc bấy giờ từ tận cùng của lý trí độc lập có thẩm quyền, trái ngược với sự dạy dỗ trong Kinh Thánh. Tuyên bố Chicago sau đó khẳng định rằng việc phủ nhận tính vô ngộ dẫn đến một chủ nghĩa chủ quan không ổn định. Những lời của Nicole xứng đáng được mọi tín đồ chú ý: Điều tối quan trọng trong toàn bộ cuộc thảo luận này là sự công nhận uy quyền của Đức Chúa Trời trong các lời truyền tụng thiêng liêng. Chúng ta có phục tùng tiếng nói của Đức Chúa Trời là Đấng đã phán một cách vô điều kiện không? Hay là, chúng ta sẽ kiên quyết sàng lọc thông điệp của Kinh Thánh, chỉ chấp nhận những gì có thể chấp nhận và tự do từ chối những gì không phù hợp với tiêu chí định kiến của chúng ta?24

KẾT LUẬN

Kinh Thánh tuyên bố về tính trung thực tuyệt đối và sự trong sạch hoàn hảo của Kinh Thánh, nghĩa là về tính vô ngộ của Kinh Thánh. Không nơi nào trong Kinh Thánh chỉ ra rằng những lời dạy này chỉ liên quan đến một số phần hoặc một số chủ đề nhất định. Do đó, việc tuân theo những lời dạy của Kinh Thánh đòi hỏi sự công nhận về tính vô ngộ của Kinh Thánh. Hơn nữa, tín lý này duy trì một cách hợp lý về thẩm quyền tối hậu của tất cả Kinh Thánh. Chỉ có lẽ thật mới có thẩm quyền, và bởi vì Kinh Thánh hoàn toàn là chân thật nên mạng lịnh của Kinh Thánh là thẩm quyền tối thượng.

 

 

 

  1. Kinh Thánh Có Tự Mâu Thuẫn Không?

 

 

NGƯỜI TA CÓ THỂ NGHĨ rằng vì Kinh Thánh là lẽ thật, nên tất cả nội dung của nó sẽ dễ dàng hòa hợp vớinhau một cách hoàn hảo. Tuy nhiên, người học Kinh Thánh cẩn thận chắc chắn sẽ gặp phải những vấn đề trong việc nghiên cứu Kinh Thánh dường như không phù hợp với sự soi dẫn thiên thượng. Một phần nào đó của Kinh Thánh có vẻ khó hòa hợp với phần khác, và một số dữ liệu trong Kinh Thánh có vẻ không phù hợp với học thuật thế tục. Nếu Kinh Thánh là những gì họ cho là—Lời Đức Chúa Trời được soi dẫn, thì chúng ta giải thích những vấn đề rõ rành rành này như thế nào và chúng ta nên phản ứng ra sao?

 

NGUYÊN NHÂN CỦA CÁC VẤN ĐỀ TRONG KINH THÁNH

Khi xem xét bản chất của Kinh Thánh, không khó để hiểu tại sao chúng ta có thể gặp một số vấn đề. Theo người viết sách Hê-bơ-rơ, sự mặc khải của Đức Chúa Trời có trong Kinh Thánh đã đi vào lịch sử từ “cách đây rất lâu” cho đến “những ngày cuối cùng này” (Hê-bơ-rơ 1:1-2). Việc viết Kinh Thánh kéo dài hàng thế kỷ, trong thời gian đó thì Đức Chúa Trời phán với dân sự Ngài theo bối cảnh lịch sử và nền văn hoá đa dạng của họ. Mặc dù có những bước tiến lớn trong ngành nghiên cứu khảo cổ học và lịch sử nhầm thu hẹp khoảng cách lịch sử và văn hóa hiện hữu giữa chúng ta và thời Kinh Thánh, kiến thức của chúng ta về thế giới cổ đại vẫn chưa hoàn chỉnh. Do đó, những đặc tính rất con người của Kinh Thánh cần thiết cho sự hiểu biết của dân sự Đức Chúa Trời trong suốt lịch sử, khiến chúng ta có thể gặp phải một số dữ liệu trong Kinh Thánh làm cho chúng ta vẫn khó hiểu và khó hài hòa để có thể hoàn toàn hài lòng.

Đôi khi có cảm giác rằng những vấn đề này có khởi đầu gần đây, nó bắt nguồn từ việc sử dụng phương pháp luận khoa học hiện đại hoặc khám phá khoa học và lịch sử. Tuy nhiên, các học giả tin vào Kinh Thánh đã nhận thức được những vấn đề này trong nhiều thế kỷ và đã tìm cách giải quyết những vấn đề đó theo sự soi dẫn của Kinh Thánh. Với thực tế này, sẽ rất hữu ích nếu xem xét ngắn gọn động lực đằng sau thì phần lớn xu hướng hiện đại nhầm mục đích là phủ nhận tính vô ngộ của Kinh Thánh.

 

Các Tiền Giả Định Về Thuyết Chống Siêu Nhiên

Việc đề cao lý trí của con người như là tiêu chuẩn cao nhất của chân lý trong thời đại Khai sáng vào thế kỷ mười tám đã dẫn đến sự nở rộ vào thế kỷ mười chín của phương pháp nghiên cứu Kinh Thánh phê bình lịch sử. Cách tiếp cận này cho rằng “thực tế là không thay đổi về hình thức và tính cách / đồng nhất và phổ quát / phổ biến / phổ thông, rằng nó có thể dễ dàng tiếp cận được với lý trí và sự thẩm định / sự nghiên cứu của con người, rằng tất cả các sự kiện lịch sử và tự nhiên diễn ra bên trong nó về là trong nguyên tắc có thể so sánh được bằng phép loại suy / quá trình suy luận, và kinh nghiệm hiện tại của con người về thực tế có thể cung cấp các tiêu chí khách quan bằng cách Điều gì có thể xảy ra hoặc không thể xảy ra trong quá khứ sẽ được xác định.”1 Nguyên tắc này sau đó đã được sửa đổi ở một số phương diện. Ví dụ, người ta thừa nhận rằng tất cả các sự kiện lịch sử theo một nghĩa nào đó là duy nhất và do đó không thể hoàn toàn tương tự với các sự kiện trước đó. Hơn nữa, có thể có ý nghĩa trong một sự kiện không thể kiểm chứng một cách khách quan, chẳng hạn như các giá trị cao nhất trong đời sống, bao gồm, ví dụ, sự công bình và tình yêu thương.2

Tuy nhiên, nguyên tắc cơ bản rằng chỉ duy lý trí của con người mới có thể xác định điều gì là thật và đúng, và hệ quả là thế giới quan phản tự nhiên, vẫn là trung tâm của nhiều lời chỉ trích Kinh Thánh ngày nay và cung cấp tiêu chí cho nhiều cáo buộc về sai lầm trong Kinh Thánh ngay cả ngày nay. Như Richard Purtill giải thích, “Nếu các câu chuyện kể trong Kinh Thánh mà không có các câu chuyện về các sự kiện phép lạ hoặc không đề cập đến Đức Chúa Trời, các thiên sứ, v.v., thì lịch sử Kinh Thánh có lẽ sẽ được coi là thiết lập vững chắc hơn nhiều so với phần lớn lịch sử, như là, của Hy Lạp cổ và La Mã. Nhưng vì các câu chuyện trong Kinh Thánh có đề cập đến phép lạ và có liên quan đến việc đề cập đến Đức Chúa Trời, thiên sứ và ma quỷ, v.v., rồi những vấn đề quan tâm khác hơn là chỉ hoàn toàn những nhân vật lịch sử đi vào bức tranh này…. [Những người theo chủ nghĩa hiện đại] bị thuyết phục như một phần trong thế giới quan chung của họ đó là phép lạ không thể xảy ra”3 Howard Vos tóm tắt vấn đề một cách thẳng thừng. “Chủ nghĩa hoài nghi thái quá của nhiều nhà thần học tự do không bắt nguồn từ việc đánh giá cẩn thận các dữ liệu sẵn có, mà là từ khuynh hướng tội ác chống lại siêu nhiên.”4

Niềm tin cho rằng lý trí của con người là phương tiện để xác định chân lý không những chỉ ảnh hưởng đến lịch sử, mà còn ảnh hưởng đến các vấn đề đạo đức và tôn giáo. Mặc dù được khẳng định một cách khá thẳng thừng, nhưng nguyên tắc cơ bản của một tác giả thế kỷ mười chín vẫn được nhiều người ngày nay áp dụng: “Nếu chúng ta tìm thấy ngay cả trong Kinh Thánh bất cứ điều gì khiến chúng ta nhầm lẫn giữa nhận thức đúng và sai, thì điều này đối với chúng ta dường như ít xứng đáng và trong sạch hơn là đặc tính của Đức Chúa Trời; nếu sau khi suy nghĩ kiên nhẫn nhất và tập trung cầu nguyện tích cực, mà nó vẫn giữ lại phương diện này, thì chúng ta không được đầu hàng trước nó xem như sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời cho chúng ta, vì nó không đáp ứng nhu cầu của sự mặc khải sớm hơn và thiêng liêng hơn mà Ngài đã ban cho chúng ta bằng chính tâm linh và lương tâm của chúng ta, là điều vốn dĩ làm chứng về Ngài.”5

Bởi vì một số quy định của Luật pháp Môi-se được ghi lại trong Xuất Ê-díp-tô Ký 21-23 cho thấy sự phản ánh hiện trạng trong xã hội Y-sơ-ra-ên lúc bấy giờ (ví dụ, chế độ nô lệ) và cả “lòng nhân từ và sự công bình của Đức Chúa Trời”, Paul Achtemeier kết luận rằng đoạn Kinh Thánh này xuất phát từ hai nguồn, một nguồn tự nhiên (từ đời sống của người Do Thái) và sự mặc khải khác (từ Đức Chúa Trời).6 Các nhà truyền giáo luôn hiểu rằng phân đoạn này là sự mặc khải vô ngộ về Đức Chúa Trời yêu thương, Đấng đã khôn ngoan hòa hợp các quy định của Ngài với dân sự của Ngài tại thời điểm đó trong lịch sử. Nhưng Achtemeier bác bỏ điều này và thay vào đó là đề xuất ý kiến của riêng mình về việc mặc khải của Đức Chúa Trời sẽ như thế nào.

Tất cả điều này cho thấy sự thật rằng sự kết ước tôn giáo của chúng ta trên thực tế ảnh hưởng đến cách chúng ta quan niệm về Kinh Thánh thế nào. Tuy nhiên, các nhà phê bình luôn tìm cách phủ nhận thực tế này. Ví dụ, John Barton đã khẳng định rằng “các quy tắc cơ bản để phê bình Kinh Thánh hiệu quả chỉ phụ thuộc vào lý luận đúng đắn…. Sự kết ước tôn giáo của các nhà phê bình hoàn toàn không liên quan đến việc đánh giá tác phẩm của họ.”7 Tuy nhiên, rất khó để phủ nhận những lời sau đây của nhà truyền giáo J. I. Packer. “Khi bạn bắt gặp một quan điểm ngày nay về Kinh Thánh, thì bạn gặp nhiều thứ hơn là một quan điểm về Kinh Thánh. Những gì bạn thấy là một quan điểm tổng quát về Đức Chúa Trời và thế giới, tức là, một thần học tổng quát, vừa là một bản thể luận, là tuyên bố những gì có, và một nhận thức luận, là cho biết làm thế nào chúng ta biết những gì có…. Mọi quan điểm của Kinh Thánh…. qua phân tích chứng minh để đúc kết lại một quan điểm tổng quát về Đức Chúa Trời và con người.”8

Đúng vậy, có những vấn đề khó hiểu thực sự trong Kinh Thánh mà những học viên đặc niềm tin vào Kinh Thánh không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nhiều sự công kích hiện đại chống lại tính trung thực của Kinh Thánh không phải xuất phát từ dữ liệu chứng minh rằng những lời tuyên bố trong Kinh Thánh là mâu thuẫn hoặc trái với thực tế, mà là từ những giả định về triết học và thần học từ phía những người phiên dịch. Mặc dù có thể đưa ra nhiều lời giải thích khác nhau cho những giả định cơ bản ảnh hưởng đến thái độ của chúng ta đối với Kinh Thánh, Chúa Giê-su gợi ý rằng ước muốn cơ bản trong lòng chúng ta mới là điều đóng vai trò then chốt. “Nếu ai khứng làm theo ý muốn của Ðức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo lý ta có phải là bởi Ðức Chúa Trời, hay là ta nói theo ý ta.” (Giăng 7:17). Chúa Giê-su nói rằng việc hiểu biết lời dạy của Ngài là đúng hay không không thể được quyết định bởi cái gọi là cuộc tranh luận hợp lý khách quan, mà tùy thuộc vào sự lựa chọn đạo đức. D. A. Carson nói về việc nhận biết ý muốn của Đức Chúa Trời sẽ áp dụng cho toàn bộ sự mặc khải thiên thượng của Đức Chúa Trời. “Sự kết ước đức tin được nhìn thấy trước ​​ở đây, sự lựa chọn đạo đức này, là cơ bản đúng đắn, và không thể đưa ra bất kỳ thái độ nào khiến chúng ta trở nên như những người đoán xét đường lối của Đức Chúa Trời…. Con người hữu hạn và sa ngã không thể tự đặt mình trên một nền tảng chắc chắn nào đó bên ngoài lẽ thật và do đó có được lợi thế để từ đó họ có thể đánh giá nó. Sự mặc khải thiêng liêng chỉ có thể được đánh giá, như cái nó vốn có, từ bên trong.”9

Trong chừng mực nào đó mà chúng ta không tán thành những lời dạy của Kinh Thánh và không tuân theo những lời dạy đó, thì ở mức độ đó, chúng ta chắc chắn sẽ tìm thấy lý do để phủ nhận rằng Kinh Thánh là sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Chúng ta chắc chắn phải tìm cách hài hòa suy nghĩ của mình với cách chúng ta chọn để sống. Chúng ta nên nhớ nguyên tắc này khi suy nghĩ về những trường hợp khó hiểu trong Kinh Thánh, vì như đã nói, “Lý do tại sao chúng ta tìm thấy rất nhiều chỗ tối trong Kinh Thánh, phần lớn là vì có quá nhiều chỗ tối trong tâm hồn chúng ta.”10

 

Nguyên Nhân Xác Thực Của Các Vấn Đề Trong Kinh Thánh

Như đã lưu ý, nhiều vấn đề khó hiểu trong Kinh Thánh nảy sinh vì Kinh Thánh là một tài liệu cổ, được viết trong bối cảnh của các nền văn hóa khác với nền văn hóa của chúng ta. Ví dụ, các phương pháp tính toán khác nhau có thể đã được sử dụng. Điều này đặc biệt đúng đối với diễn biến trình tự của các niên đại. Cách tính trọng lượng có thể thay đổi theo thời gian, gây khó khăn trong việc hài hòa sự giải trình này với sự giải trình khác trừ khi biết được sự thay đổi. Chúng ta có thể chưa hiểu đầy đủ ý nghĩa của một số từ, thành ngữ, cấu trúc ngữ pháp hoặc các khía cạnh khác của các ngôn ngữ và phong cách viết trong Kinh Thánh cổ đại.

Vì vậy, chúng ta không nên ngạc nhiên rằng có một số vấn đề tồn tại nhất định. Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã hành động thông qua những con người thật để viết ra Kinh Thánh. Ngài không loại bỏ nhân cách của họ hay đưa họ ra khỏi hoàn cảnh lịch sử để rồi đặt họ lên một hình thức bình diện đặc biệt nào đó, nơi mà họ đều suy nghĩ và thể hiện bản thân giống nhau. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu mọi thứ không ngay lập tức xuất hiện trong sự thống nhất hoàn toàn. Trên thực tế, thống nhất như vậy có thể được coi là bằng chứng chống lại tính xác thực của Kinh Thánh, cho thấy rằng những người viết ra đã có sự thông đồng và giả mạo từ phía những người đã viết ra nó.

 

GÓC NHÌN VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ NAN GIẢI TRONG KINH THÁNH

Việc thảo luận về tất cả các vấn đề hiển nhiên trong Kinh Thánh nằm ngoài phạm vi của công việc này. Có thể tham khảo một số công trình giải quyết hầu hết những sự khó hiểu, đặc biệt là những vấn đề khó hiểu thường được nêu lên để chống lại học thuyết về sự vô ngộ, có thể đã được tham khảo. Một trong những cuốn sách mở rộng nhất là Bách khoa Toàn thư về những vấn đề khó hiểu trong Kinh Thánh của Gleason Archer.11 Bàn luận về những vấn đề khó hiểu cũng có thể được tìm thấy trong nhiều bài bình luận do những người theo thuyết vô ngộ theo phái phúc âm viết ra. Một cái nhìn ngắn gọn về một số ví dụ điển hình và các câu trả lời đã được đề xuất sẽ rất hữu ích.

 

Những Vấn Đề Về Lịch Sử

Một số vấn đề khó hiểu thuộc lịch sử nảy sinh từ thông tin bên ngoài Kinh Thánh, và những vấn đề khó hiểu khác bắt nguồn từ những mâu thuẫn nội bộ được khẳng đinh. Những cáo buộc từ bên ngoài Kinh Thánh thường xuất phát từ thuyết giả định chống lại siêu nhiên. Ví dụ, giả sử về sự tiến hóa của con người và nền văn hóa, một số tác giả khẳng định rằng năm cuốn sách đầu tiên của Kinh Thánh (Ngũ Kinh) không thể có từ thời Môi-se vì khi đó hầu hết mọi người đều mù chữ và Môi-se không biết viết. Nhưng sau đó Bộ luật Hammurabi được phát hiện, và vì nó được viết vào khoảng năm 1728 trước Công nguyên, nên những phản đối về quyền tác giả của Môi-se đối với bộ Ngũ kinh đã bị bãi bỏ.

Những phản đối tương tự về độ tin cậy tính lịch sử của Kinh Thánh đã được nghiên cứu khảo cổ học đánh bại. Theo nhà khảo cổ học William F. Albright, “Cho đến gần đây, đó là kiểu cách giữa các nhà sử học Kinh Thánh khi luận giải các chuỗi sự kiện về chế độ tộc trưởng trong Sáng thế ký [11-50] như thể những câu chuyện đó là tác phẩm nhân tạo của những người viết sử Israel về Chế độ Quân chủ Phân biệt hoặc những câu chuyện bịa đặt được kể bằng trí tưởng tượng, những câu ngâm vè xung quanh lửa trại của người Y-sơ-ra-ên suốt nhiều thế kỷ sau khi họ chiếm được xứ…. Những khám phá khảo cổ học kể từ năm 1925 đã thay đổi tất cả điều này. Ngoài một số người bảo thủ trong số các học giả lớn tuổi, hiếm có nhà sử học Kinh Thánh nào không bị ấn tượng bởi sự tích lũy nhanh chóng các thông tin dữ liệu hỗ trợ sự lịch sử đáng kể của truyền thống gia trưởng.”12

Sự tồn tại của người Hê-tít, được đề cập nhiều lần trong Kinh Thánh, đã được luận giải với thái độ nghi ngờ lớn cho đến khi khai quật vào năm 1906 Tại một nơi cách chín mươi dậm của Ankara, Thổ Nhĩ Kì về hướng Đông, hóa ra là thủ đô của Đế chế người Hê-tít. Quy mô của thành Ni-ni-ve, “một thành rất lớn, đi mất ba ngày đường” (Giô-na 3:3) đã bị Voltaire chế giễu như một lỗi trắng trợn. Nhưng khảo cổ học sau đó đã xác nhận đây là câu nói trong Kinh Thánh.

Những lời phản đối lặp đi lặp lại, thường thường dựa trên “những giả định sai lầm và những kế hoạch phi thực tế, giả tạo của quá trình phát triển lịch sử”,13 đã bị lật tẩy bởi những bằng chứng rõ ràng của nghiên cứu khảo cổ. Một trong những nhà khảo cổ học được kính trọng nhất trong nửa cuối thế kỷ hai mươi, là học giả người Do Thái Nelson Glueck, đã quả quyết tuyên bố những phát hiện của ông liên quan đến độ tin cậy lịch sử của Kinh Thánh: “Thực tế là…. có thể khẳng định một cách dứt khoát rằng không có khám phá khảo cổ nào đã từng phủ nhận tài liệu tham khảo trong Kinh Thánh. Chỉ số phát hiện khảo cổ học…. xác nhận trong phác thảo rõ ràng hoặc chi tiết chính xác của các tuyên bố lịch sử trong Kinh Thánh.”14 Một số vấn đề lịch sử vẫn giữ nguyên ở đó, nhưng đây là những câu hỏi chưa được giải đáp, cần thêm thông tin. Không có bằng chứng nào chống lại sự vô ngộ của Kinh Thánh.

Cũng có thể giải thích hợp lý khi tất cả thông tin được nhận biết liên quan đến những mâu thuẫn lịch sử được cho là trong Kinh Thánh. Sự khác biệt trong các lời giải trình của Phúc Âm về cùng một sự việc là nguồn gốc của các vấn đề đối với một số người. Một trong những mối quan tâm phổ biến nhất là sự phủ nhận của Phi-e-rơ và tiếng gà gáy. Theo lời kể của Mác, thì gà gáy hai lần (14:30,72), trong khi Ma-thi-ơ và Lu-ca chỉ tuyên bố rằng trước khi gà gáy, thì Phi-e-rơ sẽ chối Chúa ba lần (Ma-thi-ơ 26:34, 74-75; Lu-ca 22:34, 60–61).

Tuy nhiên, không có mâu thuẫn nào tồn tại ở đây. Ma-thi-ơ và Lu-ca không nói tiếng gà  gáy một lần mà ngược lại với Mác thì hai lần. Họ chỉ đơn giản là đề cập đến tiếng gà gáy. Khi chúng ta nhớ rằng “gà gáy” là một thành ngữ mang tính tục ngữ chỉ về buổi sáng sớm, các giải trình này có thể được hài hòa một cách dễ dàng. Theo Mác 13:35, chiếc đồng hồ thứ ba trong số bốn chiếc đồng hồ ban đêm của người La Mã được định rõ là “lúc sáng sớm” hoặc “tiếng gà gáy”. Nhưng gà trống cũng thích gáy sớm hơn, từ nửa đêm trở đi. Ma-thi-ơ và Lu-ca đã cho chúng ta điểm chính về lời tiên đoán của Chúa Giê-su rằng Phi-e-rơ sẽ chối Chúa ba lần trước sáng sớm, được báo hiệu bằng tiếng gà gáy đã được nhiều người biết đến. Mặt khác, Mác thuật lại những lời Chúa Giê-su nói chi tiết hơn. Vì vậy, cả hai giải trình đều đúng.

Một vấn đề tương tự thường được nêu ra liên quan đến số lượng các thiên sứ tại ngôi mộ của Chúa Giê-su. Các nhà phê bình chỉ ra rằng Ma-thi-ơ và Mác chỉ đề cập đến một thiên sứ tại mộ Chúa Giê-su (Ma-thi-ơ 28:2-5: Mác 16:5), trong khi Lu-ca và Giăng đề cập đến hai thiên sứ (Lu-ca 24:4; Giăng 20:12). Một lần nữa, không có mâu thuẫn nào được liên quan, bởi vì sự hiện diện của hai thiên sứ chắc chắn không mâu thuẫn với thực tế là một thiên sứ có mặt. Hai giải trình có thể dễ dàng được coi là bổ sung cho nhau.15

Các vấn đề về sự thay đổi trong các giải trình, chẳng hạn như những vấn đề vừa nêu ra, nói chung có thể được giải quyết nếu chúng ta ghi nhớ nguyên tắc rằng sự khác biệt có thể có nhưng mà không có mâu thuẫn. Người viết có thể đã được Đức Thánh Linh hướng dẫn để đưa ra một điểm nhấn khác hoặc một phần khác của cuộc trò chuyện.

Vấn đề cũng có thể được giải quyết khi chúng ta nhận ra rằng hai sự trình bày có thể không nói về điều gì đó theo cùng một nghĩa. Câu chuyện được kể về một người có tính hoài nghi, người này đã khó chịu vì những sai sót được cho là / nghĩ rằng có trong Kinh Thánh. Khi được yêu cầu nêu ra một lỗi cụ thể, anh ta trả lời rằng với tư cách là một người buôn bán gỗ, anh ta đã tìm ra kích thước của con tàu của Nô-ê và bao nhiêu mét gỗ đã được dùng vào đó. Anh ngạc nhiên về kích thước của con tàu. Tuy nhiên, sau đó, anh ta đã mở cuốn Kinh Thánh của mình và tình cờ đọc được nơi những người Lê-vi khiêng chiếc hòm giao ước trên vai và mang nó đi khắp nơi trong đồng vắng. “Thật là một sự ngu ngốc”, anh ta nói, “điều đó đã khiến tôi tức giận, và tôi đã không bao giờ nhìn đọc đến cuốn sách đó nữa.”16 Rõ ràng, anh ta đã không tự hỏi mình liệu “hòm” có cùng ý nghĩa trong mỗi đoạn văn hay không.

Một ví dụ nghiêm trọng hơn xảy ra liên quan đến việc liệu Giăng Báp-tít có phải là Ê-li hay không. Khi được hỏi liệu ông có phải là Ê-li không, Giăng Báp-tít trả lời: “Tôi không phải” (Giăng 1:21). Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã tuyên bố rõ ràng rằng Giăng là Ê-li (Ma-thi-ơ 11:14). Tình huống khó xử này được giải quyết khi chúng ta nhận ra rằng Chúa Giê-su không ám chỉ Giăng Báp-tít và Ê-li theo cùng một ý nghĩa. Người Do Thái, nhớ rằng Ê-li đã được đem lên trời trong một cỗ xe ngựa lửa trong khi còn sống (2 Các vua 2:11), họ mong đợi cùng một Ê-li đó sẽ trở lại để ứng nghiệm lời tiên tri của Ma-la-chi (Ma-la-chi 4:5). Giăng không phải là Ê-li theo nghĩa này, và vì vậy Giăng đã đúng khi trả lời là không phải. Một phương diện khác, liên quan đến sự ra đời của Giăng, thiên sứ đã tuyên bố rằng Giăng sẽ đến “trong linh hồn và quyền năng của Ê-li” để ứng nghiệm lời tiên đoán của Ma-la-chi. Hầu biết rằng Giăng đã ứng nghiệm một cách khái quát lời tiên đoán của Ma-la-chi về Ê-li như là một người báo trước về ngày Chúa đến, nên Chúa Giê-su có thể xác định đúng Giăng là Ê-li.”17

Khi đối mặt với sự khác biệt rõ ràng, chúng ta cũng phải hỏi xem Kinh Thánh đang nói về cùng một sự kiện hay một sự kiện tương tự nhưng khác nhau vấn đề. Vì các môn đồ vẫn đặt câu hỏi rằng họ có thể kiếm đủ thức ăn ở đâu để cho bốn ngàn người ăn (Ma-thi-ơ 15:32-33) sau khi họ đã chứng kiến ​​phép lạ cho năm ngàn người ăn, nên nhiều nhà phê bình coi câu chuyện của bốn ngàn người là không có gì khác hơn là một “sự lặp lại”, hoặc sự nhắc lại của báo cáo trước đó về việc cho năm nghìn người ăn (14:15-21), mà theo họ, dẫn đến một sự mâu thuẫn rõ ràng. Tuy nhiên, không có gì ngăn cản việc hiểu rằng Ma-thi-ơ đang tường thuật hai sự việc có phần giống nhau, nhưng lại khác nhau. Trong báo cáo đầu tiên, có năm cái bánh và hai con cá, còn lại mười hai cái giỏ, và năm ngàn người được cho ăn. Trong khi báo cáo thứ hai, thì có bảy cái bánh và một vài con cá nhỏ, bảy cái thúng còn lại, và bốn ngàn người được cho ăn. Mối quan tâm của các môn đồ về việc thức ăn sẽ đến từ đâu sau khi Chúa Giê-su cho năm nghìn người ăn một cách kỳ diệu có thể được giải thích bởi sự khó khăn liên tục của họ trong việc hiểu và tin Chúa Giê-su.18

Cũng cần phải nhận ra rằng những người viết Kinh Thánh thường sử dụng các phương pháp tính toán khác với các phương pháp được sử dụng ngày nay. Điều này đặc biệt đúng đối với ngày tháng. Có một số bằng chứng cho thấy Năm Mới lần đầu tiên được tính là bắt đầu từ mùa thu và sau đó được đổi thành mùa xuân. Tuy nhiên, Năm Mới tôn giáo thì bắt đầu với Lễ Vượt Qua vào mùa xuân không thay thế hoàn toàn Năm Mới dân sự bắt đầu vào mùa thu.19 Tất nhiên, chúng ta cũng làm điều gì đó tương tự khi sử dụng lịch tài chính và lịch dân sự không trùng nhau.

Người cổ đại cũng sử dụng các phương pháp khác nhau để tính niên hiệu trị vì của các vị vua của họ. Theo một hệ thống, bất kỳ khoảng thời gian nào của năm dương lịch đều được coi là triều đại của một năm. Vì vậy, ví dụ, sử dụng lịch của chúng ta, nếu một vị vua lên ngôi vào tháng 12 của một năm, thì vị vua ấy đã hoàn thành năm đầu tiên của mình vào cuối tháng 12 và bắt đầu năm thứ hai vào ngày 1 tháng một. Theo hệ thống khác, thì năm cai trị đầu tiên sẽ được tính bắt đầu từ tháng Giêng mà không kể đến tháng nào của năm trước nhà vua đã trị vì.20

Các nhà ghi chép cổ đại của vùng Cận Đông cũng không lập danh sách theo thứ tự niên đại về những người cai trị của họ như chúng ta ngày nay. Họ chỉ đơn giản liệt kê các triều đại của từng vị vua liên tiếp mà không đồng bộ hóa chúng với nhau. Các triều đại của một số vị vua của Y-sơ-ra-ên chồng chéo lên nhau. Khi những quan điểm cốt lõi này được công nhận, các vấn đề về niên đại được cho là sẽ biến mất. Một ví dụ về điều này được thấy trong giấy Chỉ thảo Turin của các vị vua Ai Cập. Các triều đại thế kỷ XIII-XVII liệt kê hơn 150 nhà cai trị có tổng thời gian trị vì ít nhất 450 năm. Nhưng từ các nguồn khác, thì cho biết rằng 150 nhà cai trị này và 450 năm trị vì của họ thực sự chỉ phù hợp với khoảng 216 năm vì một số vị vua trị vì cùng thời. Như Kitchen và Mitchell lưu ý rằng, “Cần phải nhấn mạnh trong mọi trường hợp, Kinh Thánh hay thứ kinh, đó là một câu hỏi về tính không chính xác, mà là về các phương pháp hiện có trong thời cổ đại.”21

Các nhà biên niên sử trong Kinh Thánh lo ngại “để làm rõ ý nghĩa bên trong của lịch sử như là liệt kê…. Điều này yêu cầu trình bày chi tiết mối quan hệ của một dân tộc với Đức Chúa Trời của họ và cho thấy ảnh hưởng không thể tránh khỏi trong lịch sử của đặc tính của mối quan hệ đó.”22 Các tác giả Kinh Thánh đôi khi di chuyển qua lại theo trình tự thời gian trong việc ghi lại các sự kiện lịch sử; họ thực hiện mục đích này là phát triển các chủ đề cụ thể. Tuy nhiên, thực tế niên đại là mối quan tâm thứ yếu đối với họ nhưng không có nghĩa là họ không quan tâm đến độ chính xác. Như Craig Blomberg nói, “Một phân tích cẩn thận cho thấy rằng không có hai sách Phúc âm nào mâu thuẫn với nhau về niên đại cả.”23 Lời tuyên bố của dân Y-sơ-ra-ên trong Cựu Ước rằng họ đã thực sự gặp Đức Chúa Trời trong lịch sử chắc chắn sẽ gợi ý sự quan tâm cẩn thận về tính chính xác của lịch sử. Hơn nữa, tính chính xác của Kinh Thánh ngày càng được kiểm chứng bởi học giả gần đây.”24

Một số vấn đề cũng có thể xuất phát từ sự hiểu biết không đầy đủ của chúng ta về ngôn ngữ Kinh Thánh cổ đại về ý nghĩa và cách sử dụng từ ngữ hoặc cách sử dụng ngữ pháp. Chẳng hạn, theo 1 Sa-mu-ên 28:6 Sau-lơ “đã cầu xin CHÚA,” nhưng không nhận được câu trả lời và do đó đã tìm kiếm một phương tiện trung gian ở Ên-đô-rơ. Tuy nhiên, 1 Sử ký 10:13-14 nói rằng ông đã cầu hỏi qua trung gian “và không cầu hỏi CHÚA” (chữ nghiêng được thêm vào). Sự mâu thuẫn rõ ràng này nhanh chóng được giải quyết khi chúng ta để ý rằng các từ trong tiếng Do Thái khác nhau về việc “cầu hỏi” đã được tìm thấy trong những đoạn văn này. Từ ngữ trong Sa-mu-ên chỉ đơn giản có nghĩa là “hỏi, cầu hỏi hoặc thỉnh cầu.” Từ được người chép sử sử dụng, trong khi nó mang ý nghĩa là “để cầu hỏi,” cũng được sử dụng chủ yếu trong thần học, đặc biệt là trong các sách Sử ký sử 1 và 2, để bày tỏ “một sự kết ước trung thành, tích cực, tận tụy với Đức Giê-hô-va.”25 Vì vậy, mặc dù Sau-lơ đã hỏi Chúa về thông tin trước khi chuyển sang tìm kiếm phương tiện trung gian của Ên-đô-rơ, như tác giả 1 Sa-mu-ên đã viết, người viết sử cũng đúng khi cho rằng toàn bộ thái độ của Sau-lơ trong sự việc này không phải là “tìm kiếm” Chúa theo ý nghĩa của một tấm lòng trung thành thật lòng.

Sự mâu thuẫn rõ ràng liên quan đến việc liệu những người đi cùng Phao-lô “nghe thấy tiếng Chúa phán với Phao-lô (Công vụ 9:7, NRSV) hay “không nghe tiếng phán” (22:9, NRSV) có thể dễ dàng giải quyết được khi xem xét cấu trúc ngữ pháp tiếng Hy Lạp của hai câu nói này. Trong 9:7, dạng ngữ pháp (dạng thuộc cách) của những gì đã được nghe, tức là “giọng nói”, chỉ đơn giản rằng âm thanh được nghe mà không có dấu hiệu cho thấy đã hiểu được điều gì. Tuy nhiên, trong 22:9, “giọng nói” ở dạng ngữ pháp là (dạng đối cách) thể hiện sự e ngại về thông điệp được nghe. Mặc dù có sự khác biệt rõ ràng này, vẫn còn rõ ràng trong một số bản dịch hiện đại, được giải quyết dễ dàng với sự hiểu biết về ngữ pháp của ngôn ngữ Kinh Thánh, nhưng có thể các vấn đề khác vẫn còn là do sự hiểu biết về ngôn ngữ không đầy đủ của chúng ta về ý nghĩa của các từ, cụm từ và ngữ pháp trong các ngôn ngữ Kinh Thánh.

Những vấn đề khó hiểu khác trong Kinh Thánh là do sai sót của những người sao chép. Như đã thảo luận ở phần sau, các bản chép tay từ các bản Kinh Thánh hiện tại của chúng ta được dịch ra rất gần với các tác phẩm gốc, nhưng chúng vẫn là bản sao. Không có máy in ấn và các phương tiện sao chép hiện đại khác, trước tiên, các thầy thông giáo đã sao chép Kinh Thánh nhiều lần bằng tay. Trừ khi chúng ta đặt ra khả năng tuyệt vời của những người sao chép tương tự như nguồn cảm hứng của các tác giả gốc, con người không thể tạo ra dù chỉ một bản sao hoàn hảo. Ngay cả với các kỹ năng kỹ thuật của chúng ta về chương trình kiểm tra lỗi chính tả của máy tính và các công cụ hỗ trợ khác, bao gồm cả những người hiệu đính lành nghề, thì các lỗi vẫn có thể xảy ra. Người ta chỉ nghĩ đến việc đọc các tài liệu viết tay, nhưng một số tài liệu đã bị sờn và bị ố vàng do sử dụng, và việc sao chép chúng một cách hoàn hảo lại nhận ra sự bất khả thi để có các bản sao hoàn hảo.

Việc xem xét cẩn thận các bản sao đầu tiên của Kinh Thánh cho thấy bằng chứng về những sai lầm điển hình đã mắc phải khi sao chép một tài liệu.26 Việc bỏ sót các chữ cái hoặc từ cần thiết (lối viết lược bớt âm tiết trùng nhau) hoặc lặp lại nhầm lẫn (chữ chép lặp lại thừa) có thể dễ dàng xảy ra khi mắt của người sao chép di chuyển qua lại từ tài liệu người đó đang đọc sang tài liệu mới mà người đó đang viết. Các từ bị bỏ sót khi mắt người viết trượt xuống từ dòng này sang dòng khác hoặc được lặp lại hoặc được nối sai với nhau hoặc bị tách thành hai. Việc chuyển đổi vị trí của các từ cũng có thể dễ dàng xảy ra, như có thể xảy ra trong 2 Sa-mu-ên 8:17, trong đó A-hi-mê-léc được cho là con trai của A-bia-tha trong khi 1 Sa-mu-ên 22:20 nói ngược lại—A-bia-tha là con trai của A-hi-mê-léc.

Chính hình thức của các tài liệu được viết bằng tay bởi các cá nhân khác nhau làm tăng thêm sự khó hiểu trong việc tạo ra các bản sao hoàn hảo. Ví dụ, một số chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Do Thái có bề ngoài khá giống nhau. Trong chữ viết tay, có thể dễ nhầm lẫn một số chữ cái này, nhiều khi chữ “r” và “n” đôi khi rất khó phân biệt trong chữ viết tay của một số nhà văn nói tiếng Anh. Mặc dù các con số được viết bằng chữ trong văn bản tiếng Do Thái của chúng ta, nhưng có bằng chứng về hệ thống các dấu hiệu bằng con số ban đầu trong thời kỳ Cựu Ước. Các nét dọc được sử dụng để biểu thị các chữ số và các nét ngang để biểu thị hàng chục, được viết một nét bên trên chữ kia để cho bội số của mười. Trong một hệ thập phân như vậy, có thể dễ dàng thấy những sai lầm vô ý có thể được thực hiện như thế nào ngay cả khi chúng ta có thể dễ dàng bỏ đi hoặc thêm một số không vào một số lớn. Sau đó, thì các chữ cái trong bảng chữ cái cũng được sử dụng cho các con số, do đó khiến các con số có thể bị sao chép một cách sai trật vì chữ cái này bị nhầm lẫn với chữ cái khác trong một tài liệu bị mòn hoặc bị nhòe.27

Một ví dụ rõ ràng được tìm thấy trong các con số được ghi trong 2 Các Vua 24:8 và 2 Sử Ký 36:9. Theo lời kể của các Vua, Giê-hô-gia-kin trở thành vua khi mới mười tám tuổi và trị vì ba tháng trước khi bị lưu đầy. Tuy nhiên, câu này trong sách Sử ký nói rằng ông ta chỉ mới tám tuổi khi ông ta bắt đầu trị vì, và ông ta đã trị vì ba tháng mười ngày. Đây rõ ràng là một mâu thuẫn do lỗi của người sao chép. Vì số mười tám được viết bằng tiếng Do Thái là “tám” và “mười”, có vẻ như rõ ràng là “mười” đã bị đặt sai vị trí. Chính xác là nó đã được kết hợp với tám trong số mười tám của Các vua—tạo ra số mười tám—nhưng nó đã bị bỏ qua trong sách Sử ký và được sử dụng lại sau đó là mười ngày. Trên thực tế, một số bản viết tay tiếng Hy Lạp và tiếng Sy-ri của 2 Sử ký 36:9 ghi lại rằng Giê-rô-bô-am mới là mười tám tuổi, như trong 2 Các Vua 24:8.

Trong một số trường hợp, việc sao chép được thực hiện bởi người ghi chép bằng cách là có người khác đọc to bản văn gốc. Vấn đề là một số từ nghe giống nhau khi phát âm bằng lời nói, nhưng có cách viết và nghĩa khác nhau (ví dụ, “cân” và “cách”; và “ở đó” và “của họ”) cũng có trong tiếng Do Thái và tiếng Hy Lạp và điều này có thể dễ dàng giải thích vì một số lỗi khi sao chép.

Hầu hết các sự khác biệt được nói đến trong Kinh Thánh thì liên quan đến những cái tên, ngày tháng hoặc con số. Đây là những điều dễ dẫn đến sự sai lạc nhất vì chúng không thể được xác định từ bối cảnh. Đó là, “tên, ngày tháng và con số cụ thể là những mục không thể được dự đoán về mặt ngữ pháp trong một câu, hoặc được nhớ bởi lý do của trật tự từ hoặc ý nghĩa chung.”28 Ví dụ, nếu chúng ta đang sao chép một câu có tên thị trưởng của một thành phố, chúng ta có thể dễ dàng viết “Joe” thành “John” nếu chúng ta không biết về ông ta một cách cá riêng tư. Cả hai đều phù hợp với câu. Mặt khác, nếu chúng ta đang sao chép một câu về nữ hoàng, chúng ta sẽ không viết “Joe” hoặc “John” bởi vì chúng ta sẽ cảm nhận được ngay điều gì đó phi lô-gích và sẽ kiểm tra lại những gì chúng ta đang viết. Điều này cũng đúng với các con số và ngày tháng. Chúng ta có thể dễ dàng viết năm 1046 thay vì 1064 cho một sự kiện mà bản thân chúng ta không hề biết đền. Nhiều sai sót trong việc truyền tải các tài liệu Cựu Ước nằm trong những lĩnh vực này vì không có ý nghĩa cụ thể đối với người sao chép. Mặc dù vậy, so với hầu hết các tác phẩm cổ đại có độ dài đáng kể khác, thì Kinh Thánh chứa đựng tương đối ít câu hỏi liên quan ngay cả trong những lĩnh vực này.29

 

Những Vấn Đề Về Khoa Học

Hầu hết những vấn đề được gọi là khoa học trong Kinh Thánh đều bắt nguồn từ cách tiếp cận thực tế nghĩa nghĩa là loại trừ cái siêu nhiên. Phép lạ bị bác bỏ cho rằng như là chuyện thần thoại vì chúng mâu thuẫn với các quy luật tự nhiên. Tuy nhiên, khi sự tồn tại của Đức Chúa Trời được chấp nhận, chúng ta không có lý do chính đáng nào để phủ nhận sự can thiệp siêu nhiên của Ngài trong sự sáng tạo của Ngài như Ngài mong muốn. Vẫn khăng khăng cho rằng điều mà Kinh Thánh gọi là hoạt động của ma quỷ thì đó là mê tín dị đoan là dựa trên niềm tin vào những sự giả định chưa được chứng minh chứ không phải dựa trên khoa học chân chính.

Vì sự tiến hóa chưa bao giờ được chứng minh một cách khoa học, nên không có cơ sở nào để buộc tội Kinh Thánh có lỗi liên quan đến sự sáng tạo. Các nhà khoa học tin cậy Kinh Thánh và ngày càng có nhiều người ủng hộ thuyết tiến hóa khẳng định rằng thuyết tiến hóa chỉ là một lý thuyết chưa được chứng minh. Vài năm trước Gerald A. Kerkut, người không phải là người tạo tạo Kinh Thánh, đã viết tác phảm Những Tác Động của Sự Tiến Hóa (Elmsford, NY: Pergamon, 1960). Trong đó, ông đưa ra bảy nguyên tắc cơ bản của thuyết tiến hóa. Theo Kerkut, không điều nào trong số bảy điều này đã từng được chứng minh. Gần đây, với sự hiểu biết ngày càng tăng về thiết kế tuyệt vời của các dạng sống và sự phụ thuộc lẫn nhau được hiệu chỉnh một cách tinh vi của các bộ phận của chúng, tính hợp lý của khái niệm tiến hóa tự nhiên càng bị đặt nhiều nghi vấn và thiếu sự hỗ trợ thực tế của nó.30

Một số tuyên bố mang tính biệt lập đôi khi được nêu lên như là ví dụ cho thấy Kinh Thánh thiếu kiến thức chính xác về khoa học. Một trong những trường hợp kinh điển là lời Chúa Giê-su tuyên bố rằng hạt cải “nhỏ hơn tất cả các loại hạt khác” (Ma-thi-ơ 13:32). Vì các nhà thực vật học biết rằng hạt phong lan nhỏ hơn, họ nói rằng Chúa Giê-su đã nhầm. Tuy nhiên, trong số những hạt giống mà người Do Thái gieo trong vườn hoặc ruộng của họ, hạt cải là hạt nhỏ nhất. Theo Gleason Archer, “Chưa ai chứng minh được rằng người Palestine cổ đại đã trồng bất cứ thứ gì có hạt nhỏ hơn hạt cải đen”. Vì vậy, nó trở thành tục ngữ khi nói nó là hạt giống nhỏ nhất (17:20; Lu-ca 17:6), và tuyên bố của Chúa Giê-su phải được hiểu trong khung cảnh này. Tuyên bố của Ngài chỉ có thể bị buộc tội nếu Ngài có ý định đưa ra một tuyên bố khoa học bao hàm tất cả các mầm sống của mọi tạo vật.

Một số người cũng thấy một lỗi của lời tuyên bố của trong Lê-vi Ký 11:6 rằng con thỏ “nhai lại”. Có thể có một số giải thích. Đúng như vậy, thỏ không nhai thức ăn bằng cách nuốt thức ăn mà không nhai kỹ và sau đó sẽ nôn ra để nhai kỹ hơn. Tuy nhiên, chuyển động quai hàm của nó tương tự như chuyển động của các loài động vật nhai lại. Cũng có thể thuật ngữ tiếng Do Thái được dịch là “nhai lại” không có nghĩa chính xác với ý nghĩa của cụm từ của chúng ta. Lạc đà và lửng đá (còn gọi là con thỏ) cũng được cho là loài nhai lại, nhưng về mặt kỹ thuật thì chúng không làm như vậy. Cuối cùng, một số người đã giải thích rằng loài thỏ tham gia quá trình “bữa ăn nhẹ”. Đôi khi chúng đi phân có hình dạng khác nhau rồi sau đó chúng ăn lại. Một số loại thực phẩm khó tiêu hóa được vi khuẩn tác động trong lần đầu tiên đi qua ruột và sau đó có thể được tiêu hóa tốt hơn ở lần thứ hai. Như vậy thỏ đang nhai mà không đưa thức ăn tươi vào miệng.”31

Khi các câu nói trong Kinh Thánh được hiểu với ý nghĩa dự định, thì không một câu nào trong số đó được chứng minh là sai. Điều này càng tuyệt vời hơn khi chúng ta xem xét về nhiều lỗi kỹ thuật xuất hiện trong các tác phẩm của con người cổ đại.

 

Các Vấn Đề Về Tín Lý và Đạo Đức

Trong hầu hết các trường hợp, các câu hỏi về những tuyên bố đối với tín lý và đạo đức trong Kinh Thánh sẽ dễ dàng được giải quyết khi chúng ta hiểu bết cách đầy đủ những gì Kinh Thánh thực sự muốn nói. Tuy nhiên, trong những trường hợp khác, vấn đề khó hiểu nảy sinh khi có người chỉ trích Kinh Thánh chỉ đơn giản là không đồng ý vớ vấn đề đạo đức của Kinh Thánh. Chúng ta chỉ có thể ghi nhận những điều này chỉ là những vấn đề đối với sự soi dẫn nếu chúng ta cho rằng quan điểm của người phản đối là không thể sai lầm.

Sự xúi giục về việc kiểm tra dân số của Đa-vít thường được coi là một mâu thuẫn thần học. Trong 2 Sa-mu-ên 24:1, chúng ta đọc rằng Đức Chúa Trời đã xúi giục Đa-vít kiểm tra dân số Y-sơ-ra-ên và Giu-đa. Tuy nhiên, trong 1 Sử-ký 21:1 Sa-tan được cho là đã “xúi giục Đa-vít kiểm tra dân số Y-sơ-ra-ên”. Một số người nói rằng đây là dấu hiệu của hai thần học, một là Đức Chúa Trời kiểm soát thế giới và một là Satan kiểm soát. Một nhà phê bình khác tin rằng người chép sử đã sửa lại lời tuyên bố trước đó của Sa-mu-ên “rõ ràng với niềm tin tuyệt đối rằng sự hiểu biết của ông là chính xác hơn. Rõ ràng là ông không tin rằng Đức Chúa Trời đã xúi giục Đa-vít thực hiện một cuộc điều tra dân số để bày tỏ sự tức giận của ông đối với Y-sơ-ra-ên.”32

Tuy nhiên, giải pháp thì không khó, khi chúng ta hiểu điều gì đó về mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và Sa-tan. Đức Chúa Trời thường cho phép Sa-tan thực hiện những việc làm xấu xa của mình vì một số mục đích lớn hơn. Vì vậy, Đức Chúa Trời trong trường hợp này được trình bày như là nguyên nhân cuối cùng khiến Sa-tan thúc giục Đa-vít thực hiện hành động này. Các tình huống song song được tìm thấy trong việc Đức Chúa Trời cho phép Sa-tan tấn công Gióp (Gióp 1:12; 2:6) và trong việc Ngài sai ác linh đến gây rắc rối cho Sau-lơ (1 Sa-mu-ên 16:14). Điều cần nhớ là đối với các tác giả Kinh Thánh, không có gì nằm ngoài quyền tể trị của Đức Chúa Trời.

Để tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề như vậy, điều quan trọng là chúng ta phải hiểu biết đầy đủ về sự dạy dỗ trong Kinh Thánh về một chủ đề nhất định. Một câu Kinh Thánh thường đưa ra một mặt của vấn đề, và một câu khác nhìn nó từ một khía cạnh khác. Trong khi hai bên có vẻ mâu thuẫn, nhưng trên thực tế, chúng là một phần của toàn bộ sự thật.

Chúng ta cũng phải tìm cách để hiểu các từ trong ngữ cảnh riêng của chúng. Vấn đề khó hiểu được cho là giữa Phao-lô và Gia-cơ về việc biện luận có thể dễ dàng giải quyết khi chúng ta xem xét cách họ sử dụng những từ ngữ tương tự nhau. Phao-lô tuyên bố rằng chúng ta được xưng công bình bởi đức tin mà không cần việc làm (Rô-ma 4:5; Ê-phê-sô 2:8-9), nhưng Gia-cơ tuyên bố rằng sự xưng công bình đến bởi đức tin và việc làm (Gia-cơ 2:24). Tuy nhiên, nếu chúng ta xem xét việc sử dụng các từ “đức tin” và “việc làm”, chúng ta thấy rằng sự biện luận của Gia-cơ và Phao-lô không có nghĩa hoàn toàn giống nhau.

Gia-cơ đã sử dụng từ “đức tin” theo hai nghĩa. Theo một nghĩa nào đó, nó có nghĩa là loại tinh thần đồng ý mà ngay cả ma quỷ cũng có (2:19). Ông nói, đức tin hay niềm tin như vậy là không đủ khả năng để cứu. Thay vào đó, nó phải là một đức tin đang sống và đưa ra bằng chứng về cuộc sống trong các việc làm. “Việc làm” đối với Gia-cơ là việc thực hành đức tin cứu rỗi.

Mặt khác, bởi “đức tin”, Phao-lô muốn nói là một niềm tin thực sự của vấn đề trong hành động. Ông nói về một đức tin hàng động thông qua tình yêu thương (Ga-la-ti 5:6). Khi phản đối “việc làm” và “đức tin”, Phao-lô muốn nói đến những việc làm có tính chất hợp pháp mà mọi người cho rằng họ có thể đạt được công lao trước mặt Chúa.

Vì vậy, khi chúng ta xem xét ý nghĩa của những từ này trong ngữ cảnh của chúng, cả Phao-lô và Gia-cơ đều tin như vậy. Mỗi người đều nhấn mạnh một khía cạnh nhất định của lẽ thật. Phao-lô tin rằng các cá nhân chỉ được cứu bởi đức tin, một đức tin sống và hành động. Gia-cơ cũng tin rằng mọi người được cứu bởi đức tin, đức tin này còn hơn cả sự đồng tình về mặt tinh thần, một đức tin có việc làm.

Một số nhà phê bình nói rằng Cựu Ước cho phép chế độ đa thê, trong khi Tân Ước thì không. Trong khi Cựu Ước trình bày rằng một số dân sự của Đức Chúa Trời bao gồm cả những người lãnh đạo có nhiều hơn một người vợ, nhưng Kinh Thánh không bao giờ dạy rằng đây là ý định của Đức Chúa Trời đối với hôn nhân. Trên thực tế, Kinh Thánh cung cấp nhiều bằng chứng cho thấy đây không phải là lý muốn của Đức Chúa Trời.33

Một vấn đề khác liên quan đến mạng lệnh của Đức Chúa Trời đối với dân Y-sơ-ra-ên là phải tiệt diệt kẻ thù của họ khi họ đã chinh phục Đất Hứa (Phục. 20:16-18). Và rất nhiều thi thiên ghi lại những lời cầu nguyện rằng Đức Chúa Trời sẽ tiêu diệt kẻ thù của họ (ví dụ, Thi. 55, 59, 79, 109, 137). Những đoạn văn này dường như đang bày tỏ cho những hành động và thái độ trái với đạo đức, và chúng dường như mâu thuẫn với những câu nói rằng những người tin Chúa phải yêu kẻ thù của họ (Lu-ca 6:35–36).

Một số yếu tố có thể được nhận thấy về những vấn đề được cho là vô đạo đức này. Trong suốt Kinh Thánh, Đức Chúa Trời không chỉ được xem là Đức Chúa Trời của tình yêu thương vô hạn, mà còn là Đức Chúa Trời của sự phán xét công bình. Chắc chắn không có sự thay đổi nào giữa Cựu Ước và Tân Ước khi chúng ta xem xét thực tế của sự phán xét trong tương lai đã được báo trước một cách rõ ràng trong Tân Ước (Khải. 19:11-21). Trên thực tế, Chúa Giê-su nói về sự hủy diệt đời đời của những người từ chối đến với Đức Chúa Trời hơn bất kỳ tác giả Tân Ước nào.

Những tiếng kêu cứu đòi sự báo thù của Đức Chúa Trời, mà những người viết thi thiên nêu lên để chống lại kẻ thù và mục đích công khai của Đức Chúa Trời, là bằng chứng về việc dân sự Ngài chia sẻ mối quan tâm của Ngài đối với sự công bình và lẽ thật. Họ chỉ ra thời điểm mà tội lỗi sẽ bị hạ gục và sự công bình sẽ chiến thắng.

Mạng lịnh của Đức Chúa Trời là giết chết người Ca-na-an sẽ dễ hiểu hơn khi chúng ta nhận ra chiều sâu của sự sa đọa của họ. Đức Chúa Trời đã không chống lại họ cho đến khi tội lỗi của họ đạt đến mức thấp không thể phục hồi (Sáng. 15:16; Lêvi. 18:24–30). Và rồi, vì họ nghiện tất cả các hình thức tội lỗi gớm ghiếc đã tiêm nhiễm vào xã hội của họ, Đức Chúa Trời đã đưa ra phán xét trên họ thông qua dân sự của Ngài. William Arndt mô tả trường hợp này rất tốt.

Các bộ lạc Ca-na-an bởi những thói xấu xa vô đạo đức của họ đã làm cho cái chén tội lỗi của họ đến tràn trề. Khi hình phạt đến, nó giáng xuống tất cả cư dân, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em. Lỗi không phải là của Đức Chúa Trời; nhưng nó biến họ trở thành những người đã chà đạp dưới chân các luật công bằng và chính trực. Khi những người đàn ông đưa bản thân và gia đình họ lên một con tàu, rồi chèo thuyền ra biển để có một chuyến đi chơi vui vẻ, và biến con tàu đó trở thành một nơi đầy dẫy sự gớm ghiếc và trụy lạc, và sau đó tất cả đều chết trong một cơn bão rất mạnh bất ngờ ập xuống họ, ai là người đáng trách? Bạn sẽ buộc tội Đức Chúa Trời vì đã không phân biệt đối xử giữa người lớn và trẻ em? Một khía cạnh đáng sợ của tội lỗi là sự khốn nạn mà nó tạo ra giống như một cơn xoáy nước, mà sức hút của nó sẽ hút mọi vật thể gần đó xuống đáy sâu. Đó là phụ nữ Ca-na-an phóng túng và là công cụ khiến dân Y-sơ-ra-ên rời bỏ con đường chân lý và sự trong sạch, hay là đối với những đứa trẻ thà chết từ khi còn nhỏ hơn là khi lớn lên sẽ trở thành như những kẻ sùng bái thần tượng và trụy lạc, là những vấn đề chính chỉ cần đề cập đến là đầy dủ ở đây.34

Khi chúng ta xem xét phạm vi đầy đủ của bản chất đạo đức của Đức Chúa Trời như đã được dạy trong Kinh Thánh, thì những phân đoạn này không còn gây ra vấn đề khó khăn gì nữa. Họ đối diện với thực tế nghiêm khắc của sự phán xét; những điều họ làm chỉ có thể được gọi là vô đạo đức nếu chúng ta chuẩn bị để khẳng định tiêu chuẩn đạo đức của chính mình trước mặt Đức Chúa Trời.

 

BẢN VĂN GỐC VÔ NGỘ KHÔNG CÒN

Một đòn đánh có vẻ như đang nói lên sự phản đối quan điểm về sự soi dẫn không thể sai lầm là vấn đề rằng chúng ta không sở hữu các bản gốc của Kinh Thánh. Các bản chép tay bằng tiếng Do Thái và tiếng Hy Lạp của Kinh Thánh mà chúng ta sở hữu không phải là bản sao hoàn hảo của bản gốc, vì vậy chúng ta không có một văn bản hoàn toàn vô ngộ để nhận xét. Một số người cho rằng không có lý do gì để tranh cãi về tính không sai lầm, tức là sự soi dẫn vô ngộ của Kinh Thánh khi mà chúng ta đơn giản là không có cuốn Kinh Thánh gốc như vậy.

Mặc dù lúc đầu suy luận này có vẻ hợp lý, nhưng suy nghĩ sâu hơn thì thấy rằng nó đã bỏ qua các sự kiện quan trọng. Thứ nhất, niềm tin của chúng ta vào sự soi dẫn không thể sai lầm không phụ thuộc vào nhu cầu tạo ra bản văn gốc của Kinh Thánh. Thay vào đó thì niềm tin của chúng ta dựa vào lẽ thật mà Đấng Christ và các tác giả Kinh Thánh đã dạy nó.

Thứ hai, niềm tin vào sự vô ngộ của các nguyên bản vẫn có giá trị đối với chúng ta ngay cả khi chúng đã bị diệt vong. Thước bàn và thước cuộn của chúng ta không chính xác tuyệt đối; chúng là những giá trị gần đúng với các tiêu chuẩn tổng thể được duy trì bởi Cục Tiêu chuẩn Quốc gia ở Washington, D.C. Chúng ta có thể không nhận biết rằng có một tiêu chuẩn như vậy tồn tại; tuy nhiên, thước bàn và thước cuộn của chúng ta có giá trị bởi vì chúng dựa trên một tiêu chuẩn tuyệt đối. Tương tự như vậy, những cuốn Kinh Thánh hiện tại của chúng ta—ngay cả với những sai sót nhỏ—vẫn có giá trị vì có một tiêu chuẩn tuyệt đối đằng sau chúng.

Niềm tin vào sự vô ngộ của các bản chép tay nguyên thủy của Kinh Thánh là sự kiểm soát cuối cùng trong việc chúng ta tìm kiếm một hướng dẫn tuyệt đối đáng tin cậy về lẽ thật. Nếu chúng ta tin rằng Kinh Thánh nguyên bản là không thể sai lầm, thì chúng ta chỉ có thể tự do thay đổi các bản dịch Kinh Thánh ở những nơi mà khoa học nghiên cứu nguyên bản khiến chúng ta tin rằng sự thay đổi đó đưa chúng ta đến gần hơn với các bản văn gốc. Những người không tin rằng các nguyên bản là vô ngộ thì cảm giác rằng họ có thể bác bỏ bất kỳ điều gì trong Kinh Thánh mà họ cho là sai, theo như được đánh giá bởi một số tiêu chuẩn bên ngoài về lẽ thật. Việc tin rằng các bản chép tay gốc của Kinh Thánh là chắc chắn vô ngộ sẽ ảnh hưởng đến thái độ của chúng ta đối với Kinh Thánh và việc chúng ta sử dụng Kinh Thánh.

Chúng ta cũng phải nhớ rằng Kinh Thánh hiện tại của chúng ta gần với nguyên bản như thế nào. Chúng ta đã nói về những khác biệt nhỏ nhất định trong các bản sao cổ mà chúng ta sở hữu. Nhưng số lượng lớn các bản sao đang tồn tại và độ tin cậy chung của những người sao chép đã giúp các học giả có thể xác định chắc chắn việc đọc bản văn gốc ở hầu hết mọi nơi. Một trong những người có thẩm quyền lớn nhất về các bản viết tay Tân Ước, Ngài Frederic Kenyon của Bảo tàng Anh quốc, đã khẳng định cách đây vài thập kỷ, “Không thể khẳng định quá mạnh mẽ rằng bản chất nội dung của bản văn Kinh Thánh là chắc chắn: Đặc biệt là trường hợp này đối với Tân Ước. Số lượng bản viết tay của Tân ước, của các bản dịch ban đầu từ nó, và các trích dẫn từ nó trong những tác giả lâu đời nhất của Hội thánh, thì rất lớn đó là trên thực tế chắc chắn rằng khả năng đọc hết thực sự của mọi đoạn văn là rất đáng ngờ, đó là nó vẫn được lưu giữ trong một số người này hoặc người khác của những nhà chức trách cổ đại này. Điều này có thể được hiểu là không có cuốn sách cổ nào khác trên thế giới này.35

Gần đây hơn, Douglas Stuart đã tóm tắt tình hình liên quan đến những từ gốc của Kinh Thánh. “Người ta lập luận rằng 99 phần trăm các từ gốc trong Tân Ước có thể khôi phục được với mức độ chính xác rất cao. Trong trường hợp của Cựu Ước, con số này có thể giống 95 phần trăm. Khi những từ có thể khôi phục được với mức độ chính xác rất cao được thêm vào, chúng ta có thể tự tin rằng chúng ta có thể đọc, suy ngẫm và hành động dựa trên những gì thực tế tương đương với bản gốc. Không có lĩnh vực đức tin hay thực hành Cơ đốc giáo nào thực sự đứng vững hoặc sụp đổ vì dựa trên cơ sở các nghiên cứu bản văn.”36

Một số người có thể hỏi, “Tại sao Đức Chúa Trời trong sự quan phòng của Ngài lại không lưu giữ các bản sao gốc để dân sự Ngài sở hữu chúng trong suốt lịch sử?” Tất nhiên, câu trả lời cho câu hỏi này chỉ có Ngài biết. Tuy nhiên, có hai suy nghĩ, rất hữu ích. Nếu các bản sao gốc tiếp tục tồn tại, dân sự của Đức Chúa Trời có thể đã tôn vinh chúng như những di vật và thờ phượng chúng như họ đã từng làm con rắn bằng đồng mà cuối cùng Ê-xê-chia đã phá hủy (2 Vua. 18:4). Ngoài ra, nghi ngờ về việc liệu một bản sao cụ thể có thực sự là từ bản gốc không sẽ chắc chắn nảy sinh và không bao giờ có thể được giải quyết, khiến cho việc chắc chắn là không thể. Một người thông minh thậm chí có thể thay đổi bản văn. Vì vậy, sở hữu các tác phẩm gốc có thể là một nguồn tranh cãi không hồi kết hơn là một phước lành.

 

SỰ SUY XÉT SAU CÙNG

Khi xem xét những vấn đề khó hiểu ở trong Kinh Thánh, chúng ta nên ghi nhớ một số suy nghĩ.

 

Một Số Vấn Đề Nhỏ

Khi chúng ta xem xét Kinh Thánh – được viết cách đây rất lâu bởi hơn bốn mươi trước giả trong khoảng thời gian một ngàn năm trăm năm – khả năng sai sót và sai lệch dường như là vô hạn. Những sai sót trong việc tường thuật lịch sử, trong việc giải thích các hiện tượng, trong các học thuyết tâm linh, sự cường điệu, vân vân, – tất cả đều có thể dễ dàng được hình dung trong một tác phẩm như Kinh Thánh. So với vô số sai sót trong tác phẩm của các tác giả cổ đại, thì Kinh Thánh không gặp khó khăn gì một cách đáng kinh ngạc. Nhận xét sau đây rất đáng xem xét. “Môi-se đã được học biết tất cả sự khôn ngoan của người Ai Cập. Điều gì đã bảo toàn ông khi viết Ngũ kinh, ông không chấp nhận niên đại của người Ai Cập cổ đại mà sau này Manetho chắc chắn đã ghi lại trong các tác phẩm của mình và được cho là bắt đầu từ 30.000 năm trước Đấng Christ? Điều gì đã ảnh hưởng đến việc Daniel, người giỏi về khoa học Chaldean, bịt tai trước những câu chuyện ngụ ngôn quái dị của người Chaldean về sự sáng tạo ra thế giới? Paul đã làm quen với khoa học tốt nhất trong thời đại của mình. Tại sao chúng ta không tìm thấy điều gì trong các bài phát biểu hoặc các bức thư của ông ấy giống như việc Augustine bác bỏ học thuyết về các sự tương phản truyệt đối một cách khinh bỉ, hoặc theo quan điểm của Ambrose cho rằng mặt trời tự hút nước để nó có thể tự làm mát và làm mới mình khỏi sức nóng phi thường của nó?”37

 

Nhiều Khó Khăn Đã Được Loại Bỏ

Một thực tế thứ hai cần nhớ là khi hiểu biết của chúng ta về thế giới cổ đại ngày càng tăng, thì số lượng các vấn đề trong Kinh Thánh đã giảm xuống. Như đã đề cập ở trên, nhiều vấn đề của Kinh Thánh được nêu ra nhầm chống lại tính trung thực của nó đã đi theo hướng khác khi nghiên cứu học thuật về lịch sử, khảo cổ học và ngôn ngữ học đã nâng cao hiểu biết của chúng ta về thế giới cổ đại. Thực tế này sẽ khiến bất kỳ ai do dự khi khẳng định một sai sót đã được chứng minh ngày nay trừ khi người ấy chuẩn bị tuyên bố rằng anh ta có dữ liệu đầy đủ liên quan đến mọi thứ có liên quan đến một vấn đề cụ thể và cách giải thích của anh ta về dữ liệu đó là không thể sai. Chúng ta nên xem xét kỹ các vấn đề chưa được giải quyết, nhận ra rằng khi tất cả dữ liệu được thông hiểu, thì bản văn ở đây cũng sẽ được coi là trung thực.

 

Không Cần Thiết Để Giải Quyết Tất Cả Các Vấn Đề Trong Kinh Thánh

Những vấn đề trong Kinh Thánh đã và sẽ không còn nghi ngờ gì nữa sẽ tiếp tục được giảm bớt nhờ sự gia tăng kiến thức nên khiến các tín đồ hài lòng với việc không thể giải quyết được tất cả các vấn đề ngày nay. Nó cũng khuyến khích chúng ta không nên cố gắng đưa ra các hình thức gượng giải để giải cứu học thuyết về sự vô ngộ. Lời khuyên của Benjamin Warfield được thực hiện tốt. “Khả năng sản sinh của mỗi cá nhân chúng ta trong các diễn giải thích hợp, cái nhìn sâu sắc của cá nhân chúng ta trong việc diễn giải chân lý, khả năng hiểu biết của cá nhân chúng ta không phải là thước đo của chân lý. Nếu chúng ta không thể hòa hợp mà không bị căng thẳng, thì chúng ta nên hãy để yên đó sự không hài hòa.”38 Giáo lý về tính vô ngộ của Kinh Thánh không phụ thuộc vào khả năng chứng minh điều đó của chúng ta, mà dựa vào sự dạy dỗ của chính nó về nguồn soi dẫn đầy trọn của nó, bao gồm cả giáo lý của Chúa chúng ta.39 Lập trường của Packer đối với vấn đề này là đáng khen ngợi đối với tất cả những người tin. “Không phải nghi ngờ gì về việc Kinh Thánh nói đúng, nhưng chính xác thì chúng ta nên nói gì về những nhân vật và sự kiện được đề cập đến trong Kinh Thánh thì không phải lúc nào cũng rõ ràng vì thiếu thông tin bổ sung. Tôi không tin rằng sự tôn vinh Đức Chúa Trời đòi hỏi tôi phải có một câu trả lời, và một câu trả lời đầy đủ cho mọi thứ.”

 

KẾT LUẬN

Như chúng ta đã thấy trong vài chương trước, Kinh Thánh dạy rằng nó là sản phẩm từ sự hà hơi của Đức Chúa Trời (2 Tim. 3:16) và do đó toàn bộ Kinh Thánh là lẽ thật. Những tuyên bố như vậy, cũng như bằng chứng tràn ngập về nguồn gốc siêu nhiên của Kinh Thánh, đã khiến hầu hết các tín đồ trong suốt lịch sử của hội thánh tin cậy vào sự vô ngộ tuyệt đối của Kinh Thánh bản gốc. Khi gặp những sự khó hiểu mà họ không thể giải thích được, thái độ của họ là của Augustine được bày tỏ trong một bức thư gửi Jerome. “Và nếu trong những bài viết này, tôi cảm thấy bối rối bởi bất cứ điều gì có vẻ trái ngược với sự thật đối với tôi, tôi không ngần ngại cho rằng hoặc MS. (bản thảo) bị lỗi, hoặc người dịch không hiểu được ý nghĩa của những gì đã nói, hoặc bản thân tôi đã không hiểu được nó.”41

Thái độ của Augustine bày tỏ là một thái độ tin cậy nên tác có động quan trọng đến sự tiếp cận của chúng ta đối với các vấn đề của Kinh Thánh. Dựa vào tất cả các bằng chứng, chúng ta nên sẵn lòng tin tưởng vào tính trung thực của Kinh Thánh mặc dù chúng ta không thể giải thích mọi thứ. Như William Arndt lưu ý, sự tin tưởng như vậy là phù hợp, vì mối quan hệ của chúng ta với tư cách là những con người hữu hạn, tội lỗi đối với Cha thiên thượng. “Một đứa trẻ lễ phép, ngoan ngoãn, đáng yêu sẽ làm gì khi nghe người cha nhận xét thì trên mặt nó tỏ vẻ phản đối? Thay vì chỉ trích và lên án lời nói của người cha là sai, thì đứa trẻ sẽ yêu cầu người cha giải thích. Nếu chúng ta tìm thấy những vấp váp trở ngại trong Kinh Thánh, thì chúng ta hãy giữ thái độ của một đứa trẻ đáng yêu như vậy.”42 Tôi có thể nói thêm rằng ngay cả khi người cha vì lý do chính đáng nào đó quyết định không đưa ra lời giải thích vào lúc đó, thì sự tin tưởng vẫn luôn phục tùng.

Việc xem xét một cách thẳng thắn tất cả những gì Kinh Thánh dạy về bản thân nó sẽ tạo ra một học thuyết vô ngộ. Không có dữ liệu nào bác bỏ thực tế này.

 

 

  1. Hội Thánh Tin Điều Gì Về Kinh Thánh?

 

 

 

 

CÁC TÍN HỮU NGÀY NAY đứng trong truyền thống lâu đời của đức tin. Lẽ thật của phúc âm mà hội thánh được xây dựng là thuộc về chúng ta hôm nay bởi vì  nhiều tín hữu đã nhanh chóng nắm giữ cùng một phúc âm được mô tả là ”đức tin đã truyền cho các thánh đồ một lần đủ cả” (Giu-đe 3). Như chúng ta đã thấy trong các chương trước, thì trong suốt thời kỳ Kinh Thánh, dân sự của Đức Chúa Trời tin rằng Kinh Thánh là sự mặc khải của Đức Chúa Trời, do Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã phán qua ngòi bút của các trước giả. Do đó, họ thể hiện tính chân thật của Lời của Đức Chúa Trời. Kể từ thời Tân Ước, hội thánh có tiếp tục chấp nhận Kinh Thánh theo cách tương tự không?

 

Nhiều người bác bỏ tính trung thực của Kinh Thánh. Họ cho rằng tín lý “không thể sai lầm” như hiện nay được nắm giữ bởi những nhà truyền giáo phúc âm thì không phải là quan điểm lịch sử của Cơ đốc giáo.”1 Người ta lập luận rằng ý tưởng về sự không thể sai lầm này bắt nguồn từ nhiều áp lực khác nhau của giáo hội sau Cuộc cải chánh. Sự xung đột với tòa thánh Rô-ma về việc liệu giáo hội hay Kinh Thánh là thẩm quyền tối hậu của các tín đồ. Sự xuất hiện của thời đại khoa học và thời đại của chủ nghĩa duy lý gắn liền với thời đại Khai sáng được cho là đã khiến nhiều nhà thần học chính thống tán thành tính “không thể sai lầm” của Kinh Thánh.

 

Thời hiện đại, “sự kiên định mạnh mẽ về tính “không thể sai lầm” của Kinh Thánh trong lĩnh vực khoa học và dữ kiện lịch sử” thì được cho là có liên quan đến “lối tư duy hiện đại” và “có sự khác biệt lớn so với lối tư duy của người Hê-bơ-rơ cổ đại.”2 Theo những người phản đối sự không thể sai lầm của Kinh Thánh cho rằng khi các giáo phụ của Hội thánh khẳng định sự “không thể sai lầm” thì họ chỉ nói về lẽ thật thuộc linh liên quan đến sự cứu rỗi chứ không nói về các chi tiết lịch sử, khoa học và địa lý. Theo lời của một người ủng hộ quan điểm này, “Các giáo phụ đã … tin rằng Kinh Thánh thì không thể sai lầm… và Kinh Thánh là cái kho lưu trữ điều “không thể sai lầm” về tôn giáo mặc khải. Nhưng … [họ] nhận ra những giới hạn và điều kiện thời gian của nó liên quan đến việc phát triển liên tục về nhận thức của con người và kiến thức thực tế.”Theo cách hiểu này, khi Đức Chúa Trời bày tỏ lẽ thật về sự cứu rỗi thì Ngài đã chấp nhận những quan điểm đương thời của các trước giả về các vấn đề khác. Luận điểm sai trật này thường được cho rằng có sự phân biệt giữa hình thức và chức năng của Kinh Thánh trong cách trình bày thông điệp về sự cứu rỗi, “Kinh Thánh là không thể sai lầm”. Nhưng mục đích này được thực hiện thông qua hình thức các bản ghi chép của con người thì không hoàn toàn là không thể sai lầm.

 

 

 

 

HỘI THÁNH BAN ĐẦU

 

 

Câu hỏi về thẩm quyền và tính “không thể sai lầm” của Kinh Thánh đã không nhận được sự giải thích có hệ thống rõ ràng trong hội thánh ban đầu; lí do đơn giản là vì không có sự tranh cãi về những vấn đề này. Hơn một thế kỷ trước, James Bannerman đã giải thích về “Niềm tin vào Hội thánh ban đầu”, và vào sự “không thể sai lầm của Kinh Thánh”. Niềm tin này đã không gây khó khăn và để đòi hỏi sự bảo vệ bằng những lời giải thích và ý kiến chung để cần sự hỗ trợ từ những lập luận. “Không có tranh cãi hay lý thuyết nào được đòi hỏi để thỏa mãn đức tin của các Cơ đốc nhân.”4 Geoffrey Bromiley, một Sử gia của hội thánh đã bày tỏ sự đồng tình với điều này. Ông cho biết, “Chúng tôi bị công kích cùng một lúc”, “bởi các trước giả (trong hội thánh ban đầu) đã chấp nhận sự soi dẫn và thẩm quyền của Kinh Thánh như một điều hiển nhiên”5. Mặc dù chưa được trình bày đầy đủ, nhưng các tác giả thời kỳ này đã cung cấp bằng chứng xác đáng về niềm tin của các Cơ đốc nhân chính thống đối với Kinh Thánh.

 

 

 

Quan điểm của Hội thánh ban đầu về sự soi dẫn của Thánh Linh

 

Rõ ràng là các giáo phụ của hội thánh đầu tiên đều cùng quan điểm là toàn bộ Kinh Thánh đều được Đức Thánh Linh soi dẫn. Vào cuối thế kỷ thứ nhất, Clement ở Rô-ma đã viết thư cho các tín hữu tại Cô-rinh-tô có liên quan đến bức thư Cô-rinh-tô đầu tiên của Phao-lô: “Để chắc chắn rằng dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh, Phao-lô đã viết cho các tín hữu về chính mình, và Sê-pha, và A-bô-lô.” Một lần nữa, Phao-lô viết, “Các anh em đã học Kinh Thánh là sách chứa đựng lẽ thật và được Đức Thánh Linh soi dẫn.” Clement giới thiệu các phần của Thi thiên, nói rằng, “Đây là cách mà Chúa Giê-su Christ nói với chúng ta thông qua Đức Thánh Linh.”6 Vào đầu thế kỷ thứ hai, Polycarp là giám mục của Hội thánh tại Smyrna, đã gọi Kinh Thánh là “Lời phán của Chúa.”7

 

 

 

Tương tự, nhà hùng biện Justin Martyr ở thế kỷ thứ hai đã khẳng định niềm tin của mình vào sự soi dẫn thần thượng của Kinh Thánh. “Các nhà tiên tri được soi dẫn bởi không chủ thể nào khác hơn là Lời thần thượng.”8.  “Một lần nữa, cũng giống như tiên tri Ê-sai, được soi dẫn bởi Linh tiên tri, đã nói: “Tôi đã dang tay ra đối với những người không vâng lời và chối cãi.”9 Các nhà tiên tri đã nói trước điều gì sẽ xảy ra “được phán bởi Thần linh thiên thượng”10

 

Irenaeus (khoảng 140-202), người được gọi là “vĩ đại nhất trong tất cả các tác giả và học giả Cơ đốc của thế kỷ thứ hai,”11 đã khẳng định mạnh mẽ về nguồn soi dẫn và thẩm quyền của Kinh Thánh. Irenaeus gọi “Kinh Thánh là của Chúa.” “Nếu chúng ta không thể nhận thức rõ những lời giải thích về mọi điều trong Kinh Thánh…. chúng ta nên để những điều thuộc về bản chất nguyên thủy đó cho Đức Chúa Trời, là Đấng đã tạo ra chúng ta. Đồng thời cũng được đảm bảo một cách đúng đắn nhất rằng Kinh Thánh thực sự hoàn hảo. Vì những lời đó được phán ra bởi Lời của Đức Chúa Trời và bởi Thánh Linh của Ngài.”12

 

Cùng một niềm tin mạnh mẽ vào sự soi dẫn của Kinh Thánh, điều này được tiếp tục ở thế kỷ thứ ba như đã thấy trong lời chứng của hai học giả vĩ đại người Alexandria. Clement ở thành Alexandria (khoảng năm 150-211) đã tuyên bố, “Tiên tri Giê-rê-mi, người được ban cho sự khôn ngoan tột đỉnh, hay đúng hơn là do Đức Thánh Linh ngự trong Giê-rê-mi để bày tỏ Đức Chúa Trời.”13 Một lần nữa, ông viết, “Vì chúng ta có các nguồn như là nguồn từ lời dạy dỗ và từ Chúa, cả hai đều bởi các tiên tri, bởi các sách Phúc âm và bởi các sứ đồ được ban phước.”14 Origen (khoảng 185-254) thì tuyên bố và đã nói cho các hội thánh vào thời của mình rằng, “Chính Thánh Linh đã soi dẫn từng mỗi  thánh đồ, dù là tiên tri hay sứ đồ; và không có một Thánh Linh nào ở trong những con người của thời kỳ cổ đại, và một Thánh Linh nào khác trong những người được soi dẫn khi Đấng Christ giáng sinh. Điều này đã được dạy cách rất rõ ràng trong khắp các hội thánh. Ông cũng viết, “Bản thân Kinh Thánh là thần thượng, tức là đã được Thần linh của Đức Chúa Trời soi dẫn…. Kinh Thánh được viết ra bởi Thánh linh của Đức Chúa Trời.”15

 

Theo nhà thần học Gregory ở thành Nyssa (khoảng năm 335-394), cho rằng: “Tất cả những điều Kinh Thánh nói đều là lời phán của Thánh Linh.”16 Vị giám mục ở Bắc Phi là Augustine (khoảng năm 354-430), ông thường được biết đến là nhà thần học vĩ đại nhất của hội thánh đầu tiên, đã xác chứng rõ ràng về niềm tin của mình là vào nguồn gốc thiên thượng của Kinh Thánh. Ông nói, thẩm quyền tác giả của sách Sáng thế ký là Đức Chúa Trời và thông qua Môi-se được lựa chọn để viết ra. “Tôi sẽ không đề cập đến những ai nghĩ rằng Môi-se có thể đã nói điều gì đó không đúng sự thật. Nhưng trong Chúa, những người mà tôi muốn được kết hợp…. là những người quan tâm lẽ thật của Chúa…. Cùng với họ, tôi sẽ tiếp cận những lời trong Kinh Thánh để tìm kiếm trong đó ý muốn của Chúa, thông qua tôi tớ Ngài và thông qua ngòi bút của họ mà Chúa đã truyền đạt những điều đó cho chúng tôi.”17 Khi trả lời những người chỉ trích Cơ đốc giáo vì cho rằng Kinh Thánh không có bất kỳ tác phẩm nào từ chính tay của Chúa Giê-su viết ra, thì Augustine nói đến sứ điệp của Chúa Giê-su thông qua các sứ đồ. “Khi những môn đồ đó đã viết về những vấn đề mà Ngài đã tuyên bố và phán dạy họ, thì không thể nói rằng Chúa đã không viết gì về chính Ngài. Vì sự thật là các môn đồ như là các chi thể của Ngài (trong thân thể Ngài) chỉ hoàn tất những gì đã trở nên quen thuộc từ các câu nói được lập đi lập lại của Người đứng đầu là Chúa. Bởi vì tất cả những gì Ngài muốn truyền đạt cho chúng ta, những chủ đề chúng ta quan tâm về các hành động và lời nói của chính Ngài, thì Ngài đã truyền lệnh cho các môn đồ viết xuống. Ngài đã sử dụng các môn đồ như thể họ là chính tay của Ngài vậy.”18

Bằng chứng tương tự cho niềm tin vào sự soi dẫn thiêng liêng của Kinh Thánh có thể được trích dẫn từ các nhà lãnh đạo khác của Hội thánh đầu tiên, bao gồm Tertullian (khoảng 155-220), Hippolytus (mất năm 236), Cyprian (195-258) và Jerome (khoảng năm 374-419).19 Như Geoffrey Bromiley đã nói, “Các giáo phụ này đã chấp nhận sự soi dẫn thiêng liêng của Kinh Thánh, dù là Cựu ước hay Tân ước thì cũng có thể được chứng minh một cách dễ dàng nhất.”20

Khi giải thích khái niệm về sự soi dẫn của họ, các giáo phụ ban đầu nhấn mạnh đến quyền thiêng liêng của tác giả của Kinh Thánh. Chẳng hạn như nhà hùng biện Cơ đốc giáo là Athenagoras đã nói về Thần linh hà hơi thông qua các trước giả con người, cũng như ngay khi một nghệ sĩ sử dụng ống sáo để thổi ra tiếng sáo.21 Đây là Phép ẩn dụ về các nhạc cụ thì cũng được sử dụng bởi những người khác. Justin Martyr đã ví Thần linh thiêng liêng như một “miếng gảy đàn đến từ  thiên đàng và sử dụng những người công chính như một nhạc cụ là đàn hạc hoặc đàn lia.”22 Việc tra cứu Kinh Thánh cũng được thực hiện bởi Thánh Linh.23 Tuyên bố của Augustine được trích dẫn ở trên, trong đó ông nói rằng Đấng Christ đã sử dụng các sứ đồ như “bàn tay của chính mình”. Điều này cũng có thể được hiểu là các trước giả con người hoàn toàn thụ động trong quá trình được soi dẫn. Vào thế kỷ thứ sáu, Gregory the Great đã tổng kết các loại tư tưởng này bằng cách khẳng định rằng, “Câu hỏi về quyền tác giả của con người không có liên quan gì nhiều. Nếu chúng ta biết ai là tác giả đích thực của mỗi tác phẩm và chúng ta hiểu những gì Ngài nói với chúng ta, thì tại sao chúng ta phải tò mò tìm hiểu “ngòi bút” nào đã viết những lời thiêng liêng trên giấy? ”24

Mặc dù có sự thống nhất chung từ các giáo phụ của hội thánh ban đầu, khi nhấn mạnh đến nguồn gốc thiêng liêng của Kinh Thánh. Họ đã không dành vị trí thích đáng cho các trước giả con người, nhưng rõ ràng là họ không loại trừ sự tham gia chân chính của con người. Ngay cả những người nhấn mạnh quyền thiêng liêng của tác giả và thẩm quyền của Kinh Thánh với những tuyên bố như những điều được trích dẫn cũng không có ý ám chỉ rằng các trước giả con người hoàn toàn thụ động.

Theo J. N. D. Kelly, là người có thẩm quyền về tư tưởng Cơ Đốc Giáo. Truyền thống chính thống của hội thánh ban đầu “nói chung… đã cẩn thận tránh bị dính líu đến vai trò của [những người viết Kinh Thánh] hoàn toàn là thụ động.”25 Bằng chứng là ông chỉ ra lời giải thích của Hippolytus rằng “khi Lời Chúa cảm động các tiên tri thì có tác dụng là làm rõ khải tượng của họ và chỉ dẫn sự hiểu biết của họ.26 Tương tự, Origen gợi ý rằng “chức năng của Thánh Linh là khiến [các Trước giả Kinh Thánh] hiểu ra sự thật rõ ràng hơn mà không làm mất đi ý chí tự do của họ trong bất kỳ trường hợp nào.”27 Chrysostom (khoảng năm 347-407) và Cyril ở Alexandria đã thực hiện “phần lớn sự đóng góp cá nhân của Môi-se, Giăng và Phao-lô trong bài viết thực tế về các tác phẩm của họ,” và Jerome (khoảng 374-419) đã chỉ ra sự khác biệt về phong cách và bối cảnh văn hóa chung mà các trước giả khác nhau thể hiện trong các tác phẩm của họ.28 Augustine thừa nhận rằng các tước giả Phúc Âm đã sử dụng ký ức của chính họ để viết ra tác phẩm. Tuy nhiên, ký ức của họ đã được Thánh Linh cảm thúc và bảo vệ khỏi sai lầm.29 Ngay cả Gregory có vẻ cũng từ chối bất kỳ ý nghĩa nào được nói ra từ các trước giả con người mà có liên quan đến Sách Gióp. Trước giả của cuốn sách này không được biết đến và do đó không thể có bất kỳ mối liên hệ cụ thể nào trong việc giải thích cuốn sách này. Tuy nhiên, nói chung là trong khi ghi nhận sự đóng góp của các trước giả con người về việc viết ra Kinh Thánh thì các giáo phụ ban đầu đã không nghiên cứu cách sâu sắc về bản chất tác động của Thánh Linh đối với họ. Họ chỉ nhấn mạnh đơn giản về Đức Chúa Trời với tư cách là Tác giả của Kinh Thánh.

 

Câu Hỏi Về Tính Không Thể Sai Lầm Của Kinh Thánh (sự vô ngộ của Kinh Thánh) Trong Hội Thánh Ban Đầu

Các giáo phụ của hội thánh đầu tiên có tin rằng Kinh Thánh luôn đúng trong mọi phương diện, kể cả lịch sử và khoa học không? Mặc dù họ không bàn luận chi tiết về chủ đề của sự vô ngộ (không thể sai lầm) của Kinh Thánh, đó là hệ quả tự nhiên của niềm tin chắc chắn rằng Đức Chúa Trời là Tác giả của Kinh Thánh. Mặc dù không phải là người biện hộ cho sự vô ngộ của Kinh Thánh, nhưng Bruce Vawter tuyên bố. “Sẽ là vô nghĩa nếu đặt câu hỏi rằng sự vô ngộ của Kinh Thánh, đúng hơn là hình thức tuyệt đối là sự thuyết phục phổ biến từ ban đầu của thời kỳ Cơ Đốc giáo, và từ thời kỳ Do Thái giáo trước đó. Đối với các Giáo phụ và các Ra-bi nói chung, việc chép lại Kinh Thánh mà bị sai bất kỳ lỗi nào là không thể tưởng tượng được; nếu là lời của Đức Chúa Trời thì lời đó phải là chân thật, bất kể nó được biết đến là sự mầu nhiệm về sự mặc khải thiêng liêng hoặc giới thiệu về dữ liệu khoa học tự nhiên, hoặc cho dù nó bắt nguồn từ sự quan sát của con người hay ghi chép lại sự kiện của lịch sử.30

Lời tuyên bố trong các tác phẩm của các giáo phụ ban đầu minh chứng rõ ràng cho kết luận của Vawter, Clement ở Rô-ma (khoảng 30-95) đã viết trong thư gửi tín hữu Cô-rinh-tô, “Bạn đã học biết Kinh Thánh chứa đựng lẽ thật và được Đức Thánh Linh soi dẫn. Bạn nhận ra rằng trong đó không có gì sai hoặc gây hiểu lầm.”31 Irenaeus tuyên bố rằng “không ai có ý thức bình thường mà có thể cho phép họ [những người phản đối Phúc âm Lu-ca là đáng tin cậy] chấp nhận một số điều được Lu-ca kể lại là đúng, và gạt những người khác sang một bên, như thể anh ta không biết lẽ thật.”32 Hơn nữa, cũng theo Irenaeus, chúng ta nên “được đảm bảo một cách đúng đắn nhất rằng Kinh Thánh thực sự hoàn hảo, vì chúng đã được phán ra bởi Lời  của Đức Chúa Trời và Thánh Linh của Ngài.”33 Justin Martyr đã mạnh dạn khẳng định trong đối thoại của mình với Trypho, “Tôi hoàn toàn tin chắc rằng Kinh Thánh không mâu thuẫn với Kinh Thánh.” Dù có trưng dẫn một trường hợp nào đó có vẻ mâu thuẫn, ông nói thêm, “Tôi sẽ phải thừa nhận rằng tôi không hiểu điều đã được ghi chép nảy, và sẽ cố gắng thuyết phục những người suy nghĩ rằng Kinh Thánh mâu thuẫn, hơn thế nữa là cùng quan điểm với tôi.”34

Origen cũng tuyên bố rằng mặc dù có thể xuất hiện mâu thuẩn trong Kinh Thánh “đối với những người không có lỗ tai để nghe”, nhưng trên thực tế “không có mâu thuẩn …. [Cả hai] thực sự là một sự hòa hợp hoàn hảo.”35 Athanasius (khoảng năm 293–373) khẳng định tính vô ngộ về mọi khía cạnh của Kinh Thánh khi ông viết, “Tuy nhiên, chúng tôi là những người mở rộng độ chính xác của Thánh Linh đến từng nét chữ và ý nghĩa, sẽ không bao giờ chấp nhận sự xác nhận ngầm…. ngay cả những vấn đề nhỏ nhất đã được xử lý một cách bừa bãi của những người ghi chép lại và do đó đã in trí cho đến ngày nay”36 Chrysostom cũng viết về sự thần cảm của tất cả các chi tiết trong Kinh Thánh. Đối với những nhân vật được tìm thấy trong Kinh Thánh “một đống chà là hoặc một chuỗi các tên” và chuyển cho họ bằng cách nói “chúng chỉ là những cái tên, chẳng có ích lợi gì gì trong đó”, Chrysostom trả lời, “Đừng thốt ra điều bỉ ổi như vậy. Đức Chúa Trời phán, và bạn trơ tráo nói, không có gì ích lợi trong những lời nói đó.”37 Một lần nữa, ông viết, “Với Kinh Thánh… thì không giống như vậy. Vàng thì không nói dối trước mặt chúng ta là nó được trộn lẫn với đất; thay vì nói vàng chính là vàng.”38 Chrysostom rõ ràng là không đồng tình với ý kiến ​​của nhiều người ngày nay rằng sự vô ngộ của Kinh Thánh chỉ giới hạn trong lẽ thật thuộc linh chứ không phải những vấn đề khác.

Augustine cũng đã xác nhận cho tính trung thực của toàn bộ Kinh Thánh. Đề cập đến sáu mươi sáu sách kinh điển, ông nói, “Trong số các sách này, tôi tin xác quyết rằng các trước giả hoàn toàn không có sai sót.”39 Ở chỗ khác, ông viết, “Vì vậy, mọi điều được viết trong Kinh Thánh phải được tin tưởng tuyệt đối.”40 Niềm tin của Augustine vào sự vô ngộ  của Kinh Thánh đã ảnh hưởng đến những tuyên bố trong Kinh Thánh có liên quan đến khoa học. “Dù thế nào đi nữa, họ [các nhà khoa học] có thể dễ dàng chứng minh là đúng về bản chất vật lý.” Augustine nói, “chúng ta phải chứng tỏ khả năng hòa hợp đối với Kinh Thánh, và bất cứ điều gì họ khẳng định trong các luận thuyết của họ là trái với những điều này trong Kinh Thánh của chúng ta… hoặc chúng ta phải chứng minh điều đó cũng như hoặc chúng ta có thể là hoàn toàn thất bại, hoặc trong tất cả các sự kiện, chúng ta không chút do dự dù là điều nhỏ nhất phải tin rằng nó là như vậy.”41

Trong bức thư gửi Jerome, Augustine bác bỏ luận điểm của Jerome rằng một người tốt (Paul) có thể chối bỏ ý thức trách nhiệm. “Đối với tôi, dường như đây là hậu quả rất tai hại chắc chắn cập theo niềm tin của chúng ta đó là bất cứ điều gì sai lạc đều được tìm thấy trong các sách thánh…. Vì nếu các bạn đã từng tin vào điều thiêng liêng từ một tuyên bố sai lạc như vậy, cũng như từ trong cách thực hiện, thì sẽ không có bất cứ câu nào trong các sách này được lưu lại, mà nếu xuất hiện điều nào đó khó khăn trong thực hành hoặc khó tin tưởng, thì có thể không được giải thích bởi cùng một nguyên tắc nguy hại, như một tuyên bố cách cố ý trong đó, và theo ý thức trách nhiệm, tác giả đã tuyên bố những gì không đúng sự thật.”42

Nhằm vào tuyên bố này, một số người phản đối sự vô ngộ trong Kinh Thánh đã cố gắng miêu tả khái niệm “sai lầm” trong Kinh Thánh của Augustine như là hành động cố ý nói dối. Jack Rogers và Donald McKim viết, “Sai lầm, là vì Augustine, có liên quan đến lời kể cố ý và lừa dối mà tác giả biết là không đúng sự thật. Chính trong bối cảnh nghiêm túc về đạo lý đó, ông đã tuyên bố rằng ‘các tác giả Kinh Thánh hoàn toàn không mắc lỗi.’ Ông đã không áp dụng khái niệm về sự sai lầm cho các vấn đề nảy sinh từ sự hạn chế của con người về kiến thức, các quan điểm khác nhau trong việc ký thuật lại các sự kiện, hoặc lịch sử hoặc điều kiện văn hóa của các tác giả.”43

Tuy nhiên, bức thư bổ sung của Augustine cho Jerome cho thấy rằng ông không có ý định hạn chế “sai lầm” vì sự lừa dối có chủ ý. Như đã nói ở trên, thì sau khi tuyên bố rằng, các tác giả Kinh Thánh “hoàn toàn không có sai lầm”, Augustine tiếp tục:

Đối với tất cả các tác phẩm [phi Kinh Thánh] khác, khi đọc chúng, dù có sự vượt trội của các tác giả này đối với bản thân tôi về sự thiêng liêng và kiến thức đến đâu, thì tôi cũng không chấp nhận lời dạy dựa trên cơ sở ý kiến của họ là đúng; nhưng chỉ vì họ đã thành công trong việc thuyết phục sự phán đoán của tôi về sự thật của nó hoặc bằng chính những tác phẩm kinh điển này, hoặc bằng những lập luận đề cập đến lý trí của tôi. Tôi tin anh trai của tôi vì đã cho rằng, đây là ý kiến của riêng bạn cũng như của tôi. Tôi không cần thiết phải nói rằng tôi không đề nghị bạn muốn những quyển sách này được đọc giống như những sách của các tiên tri hoặc của các sứ đồ, điều liên quan là có thể sẽ sai lầm khi hồ nghi những sách này hoàn toàn không sai lầm. Hãy tránh xa sự kiêu ngạo từ lòng đạo đức khiêm tốn đó và chỉ đánh giá về bản thân mà tôi biết bạn có.44

Trong lời gợi ý, Jerome đã không muốn các tác phẩm của mình bị cho là “không có sai sót” giống như Kinh Thánh, rõ ràng là Augustine không có ý duy nhất là “không cố ý lừa dối.” Trong mối liên quan đó, các tác phẩm của Jerome có “sai sót” ông có thể nói với Jerome là các tác phẩm có chứa đựng “sự lừa dối có chủ ý,” một lời cáo buộc mà Augustine sẽ không bao giờ thực hiện được đối với Jerome. Augustine viết, “Bây giờ nếu tôi biết cuộc sống và cuộc trò chuyện của bạn, thì tôi không tin bạn đã nói những gì có ý định giả tạo và lừa dối, càng hợp lý hơn khi tôi tin vào Sứ đồ Phao-lô, vì ông đã không suy nghĩ điều này mà lại chấp nhận điều khác.”45 Để khẳng định rằng Kinh Thánh là vô ngộ chỉ có trong nhận thức, thì việc họ không cố ý lừa dối khiến Kinh Thánh không khác với hầu hết các tác phẩm của con người. Vì có thể nói an toàn rằng hầu hết các tác giả con người không viết với mục đích cố ý để đánh lừa. Vì vậy, có thể yên tâm nói rằng hầu hết các trước giả con người không cố ý viết những lời lừa dối.

Những người khác gợi ý rằng những lời tuyên bố của Augustine về nơi ở của Đức Chúa Trời đối với nhân loại chúng ta trong việc viết Kinh Thánh, (chẳng hạn như “một người mẹ khom lưng đối với con mình, rồi nói rằng như vậy để không khiến chúng ta bị tụt lùi đằng sau đối với tình trạng yếu đuối của chúng ta.”46) chỉ ra sự khác biệt trong thực tế hoặc sự thiếu “hài hòa trong tất cả các hình thức ngôn từ của nó.” Điều đặc biệt này được cho là để áp dụng với nhận thức của Augustine về các giải trình khác nhau của các trước giả Phúc âm, trong đó ông viết rằng Đức Thánh Linh “cho phép người này biên soạn câu chuyện của mình theo cách này, và người khác thì theo cách khác.”47 Tuy nhiên, không có tuyên bố nào của Augustine có ảnh hưởng hơn bất kỳ tuyên bố nào của các trước giả Phúc âm bị mắc sai lầm có thể được viện dẫn.48 Trên thực tế, mục đích tuyên bố của Augustine trong sự hài hòa của các Phúc âm là sự bác bỏ những người tìm cách làm mất uy tín của Cơ đốc giáo bằng cách chỉ ra những điểm khác biệt.” Và khi thực hiện kế hoạch này để dẫn đến kết thúc thành công, chúng ta phải chứng minh rằng các tác giả được đề cập không có bất kỳ sự đối kháng nào với nhau. Vì những kẻ chống đối này có thói quen là thêm vào lời cáo buộc nghiêm trọng trong tất cả những phản đối vô ích của họ, cụ thể là những người truyền bá phúc âm không hòa hợp với nhau.”49

Theo lời của nhà sử học John Woodbridge, thì sau đó Augustine đã tiến hành “một công việc hầu như trở nên việc làm hòa hợp đau đớn [để bổ sung] lời giải thích này đến lời giải thích khác để chứng minh rằng không có ‘lời giải trình mâu thuẫn nào’ (I, 35, 54) tồn tại trong các tuyên bố bằng lời của các Nhà truyền giáo khi được giải thích một cách hợp lý.”50

Sự thừa nhận của ông về sự đa dạng trong các giải trình Phúc âm (mà ông đã nhận ra là bổ sung chớ không là mâu thuẫn), và sự thừa nhận của ông về hiện tượng chứ không phải là ngôn ngữ kỹ thuật trong mô tả thiên nhiên, cả hai đều không làm sáng tỏ khái niệm về sự thích nghi của Augustine có nghĩa là sự thích nghi sai lầm. Đúng hơn, nó đề cập đến “cách thức hoặc phương thức của sự mặc khải, sự ban cho khôn ngoan của Đức Chúa Trời vô hạn dưới hình thái hữu hạn, chứ không phải đặc tính của sự mặc khải hay vấn đề được bày tỏ.”51 Ý nghĩa của sự thích nghi này, được Origen và Chrysostom cũng như những người khác giảng dạy, được nhìn thấy qua sự so sánh các văn bản của họ về Ngôi Lời với Đấng Christ, là Lời hằng sống. Cũng như John Hannah giải thích, “Vì sự thích nghi của Lời hằng sống không liên quan đến sự ô nhiễm tội lỗi trong bất kỳ nhận thức bẩm sinh nào, nên sự thích nghi của Thánh Linh trong lời được viết ra phải được quan niệm tương tự (so the Spirit’s accommodation in the written word must be similarly conceived), như Origen đã đề nghị. Chắc chắn, Hội thánh ban đầu tin vào sự thích nghi nhưng không tỏ thái độ phản đối trước sự sai sót trong lời được viết hoặc Lời hằng sống. Hành động hạ mình là sự đáp ứng khiêm nhường được nhận thức bởi con người lầm lỗi, chứ không phải là sự kết hợp của bản chất sai lầm của con người. Vì Đấng Christ đã không gánh lấy tội lỗi của loài người khi nhập thể, nên Thánh Linh cũng không khuất phục trước sự thấp hèn đó trong việc truyền đạt Kinh Thánh.”52

Những tác phẩm này và các tác phẩm khác của Augustine cung cấp bằng chứng rõ ràng về niềm tin vững chắc của ông vào tính tuyệt đối không thể sai lầm của Kinh Thánh.53 Ngay cả Hans Küng, một học giả Công giáo La Mã, cũng thừa nhận rằng Augustine “cho con người chỉ là công cụ của Đức Thánh Linh; duy chỉ Thánh Linh quyết định nội dung và hình thức của các bản văn trong Kinh Thánh, kết quả là toàn bộ Kinh Thánh không có mâu thuẫn, sai lầm và sai sót, hoặc phải được duy trì bằng cách hài hòa, hình thức ngụ ngôn hoặc thần bí hóa. Ảnh hưởng của Thánh Augustine liên quan đến sự soi dẫn và sự vô ngộ của Kinh Thánh đã thịnh hành trong suốt thời kỳ Trung cổ và ngay cả trong thời kỳ hiện đại.”54 Do đó, học thuyết của Augustine về sự thần cảm của Kinh Thánh, bao gồm cả sự vô ngộ của Kinh Thánh trong mọi vấn đề, là nền tảng cho niềm tin chung của các giáo phụ thời kỳ đầu của hội thánh.

 

HỘI THÁNH THỜI KỲ TRUNG CỔ

Hội thánh thời kỳ trung cổ có hai quan điểm về Kinh Thánh:  thứ nhất là có một cái nhìn cao cả (nhìn thấy những điều thuộc về thiên thượng như Ê-sai nhìn thấy khải tượng cao sang về Chúa trong Ê-sai chương 6) về sự thần cảm của Kinh Thánh, và thứ hai là có cái nhìn giảm bớt đi quyền năng của Kinh Thánh trong đời sống. Đã có một sự nỗ lực đáng kể để xác định thẩm quyền của Kinh Thánh trong mối tương quan với các thẩm quyền khác trong giáo hội. Đặc biệt là trong giai đoạn sau của thời kỳ này (từ thế kỷ thứ mười một đến thế kỷ thứ mười bốn), sự ảnh hưởng của triết học với sự nhấn mạnh vào lý trí đã dẫn đến một cách tiếp cận học thuật đối với việc nghiên cứu học thuyết Cơ đốc với những hình thức phức tạp và sự khác biệt tinh vi của nó. Do đó, vị trí của Kinh Thánh bị suy giảm có thể được nhìn thấy trong một số nhận xét điển hình của Martin Luther về một số nhân vật hàng đầu của thời kỳ này. Khi nhận xét về Peter Lombard, là nhà thần học được chú ý ở thế kỷ thứ mười hai, Luther viết rằng ông “xứng đáng với tư cách là một nhà thần học; không ai sánh bằng ông ấy. Ông đã nghiên cứu về Augustine, Ambrose, Gregory, và tất cả các hội đồng học thuật. Ông là một người vĩ đại. Nếu ông ta tình cờ đến với Kinh Thánh, thì chắc chắn ông ấy là người vĩ đại nhất.”55 Đối với Luther thì Thomas Aquinas (1224–1274)   là một “người nói chuyện phiếm” vì những liên hệ nhất quán của ông với Aristotle, triết gia Hy Lạp (384-322 TCN). Aristotle   được Aquinas trân trọng gọi là “Nhà triết học”. Cảm giác của Luther đối với sự pha trộn giữa triết học và lẽ thật của Kinh Thánh ở Aquinas thể hiện rõ qua việc ông mô tả Aristotle là “‘kẻ ngoại giáo” (ngoài những danh xưng khác)56

Mặc dù không chú trọng đến Kinh Thánh trong đời sống của hội thánh suốt thời kỳ này, nhưng các tuyên bố của các nhà lãnh đạo giáo hội chứng tỏ rằng họ có một tầm nhìn đúng đắn về sự thần cảm của Kinh Thánh là “lời của Đức Thánh Linh”, theo Giáo hoàng Leo the Great của thế kỷ thứ năm.57 Vào thế kỷ tiếp theo, Gregory the Great (540-604) cũng đã đánh giá về Kinh Thánh, “Hãy tin xác quyết rằng Đức Thánh Linh là tác giả của Kinh Thánh. Bởi vì, Ngài đã truyền cảm hứng cho những điều này và tất cả đều được viết ra…. Kinh Thánh là lời của Đức Thánh Linh.”58

Anselm, tổng giám mục của Giáo hội Anh (1093-1109) nói, “Vì tôi chắc chắn rằng nếu tôi nói bất cứ điều gì mâu thuẫn với Kinh Thánh một cách rõ ràng, thì đó là sai, và nếu tôi nhận thức điều này, tôi không muốn nắm giữ nó.”59 Ngay cả với Thomas Aquinas, trong thế giới hiện đại  được ca tụng là “hoàng tử học thuật”. Ông cũng là một nhà thần học, viết nhiều bình luận về các phần của Kinh Thánh. Tác phẩm thần học mang tính học thuật của ông là Thần học Tổng hợp. Theo lời của một học giả, mặc dù tác phẩm đó chứa rất ít trích dẫn từ Kinh Thánh, nhưng nó được xây dựng “trên tảng đá của Lời thiên thượng”. Đối với sự hiểu biết của mình về sự thần cảm của Kinh Thánh, Thomas Aquinas khẳng định rằng, “Tất cả những gì được nói đến trong Kinh Thánh đều là lời phán của Đức Chúa Trời.”60 Ông tin vào thẩm quyền tuyệt đối của Kinh Thánh. Niềm tin đó được thể hiện qua những lời này của ông: “Chúng ta phải tuân giữ những gì đã được ghi chép trong Kinh Thánh như là một nguyên tắc đức tin tuyệt vời để chúng ta không thêm gì vào đó, không làm giảm giá trị và không thay đổi điều gì thông qua việc giải kinh tồi tệi.”61

John Wycliffe (1320-1384), sử gia và là người tiền thân của Cuộc Cải chánh, tin tưởng mạnh mẽ vào thẩm quyền tối hậu của Kinh Thánh trong mọi vấn đề. Đối với Wycliffe, ông “cực kỳ khinh bỉ những nhà thần học coi thường Kinh Thánh. Nếu bất kỳ người nào như vậy tìm thấy những mâu thuẫn hoặc sai sót trong Kinh Thánh, thì sự thiếu hiểu biết của họ chính là lỗi chứ không phải do bản văn Kinh Thánh có lỗi…. Kinh Thánh không chỉ chứa đựng tất cả giáo lý Cơ đốc, nhưng nói chung là tất cả lẽ thật. Đó là một “bộ sách bách khoa toàn thư thiên thượng,” một bản tóm tắt sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời.”62

Tính năng động của Lời Đức Chúa Trời trong các hội thánh chắc chắn đã bị lu mờ ở nhiều nơi suốt trong thời kỳ Trung cổ. Rất ít người thực sự đọc Kinh Thánh bởi vì hầu hết mọi người không có thể biết đọc hoặc biết viết. Tuy nhiên, dân chúng và các học giả đã tin hoàn toàn vào sự vô ngộ của Kinh Thánh vì nó là lời được thần cảm. Một học giả đã nói về thời kỳ trung cổ, “Trong suốt những thế kỷ này, không ai nghi ngờ về toàn bộ Kinh Thánh là lời của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời chính là tác giả của Kinh Thánh, cũng như các người ghi chép đã viết dưới sự thần cảm của Thánh Linh Đức Chúa Trời, và do đó, những quyển sách này hoàn toàn không có sai sót và mâu thuẫn, ngay cả khi trường hợp này dường như xuất hiện đâu đó.”63

 

CÁC NHÀ CẢI CHÁNH

Lời kêu gọi quan trọng của các Nhà Cải chánh đối với Kinh Thánh là duy Kinh Thánh. Họ khẳng định mạnh mẽ rằng chỉ có Kinh Thánh là thẩm quyền tuyệt đối của chúng ta. Điều này đương nhiên kéo theo sự nhấn mạnh mới về Kinh Thánh. Đối với những Nhà Cải chánh “Kinh Thánh không chỉ đơn thuần là một cuốn sách nguồn gốc về sự dạy dỗ của Cơ Đốc giáo được sử dụng trong chủ nghĩa duy lý hợp pháp…. bởi các học giả, giáo hội và nhà kinh điển. Nó là cuốn sách dẫn chúng ta đến với Đấng Christ.”64 Các khía cạnh con người của Kinh Thánh cũng được các Nhà Cải cách đánh giá cao hơn những người tiền nhiệm của họ, và ý nghĩa của nó được cho là đơn giản hơn so với sự đa dạng của nhiều ý nghĩa phức tạp (ví dụ, ngụ ngôn) được thấy trong các tác phẩm của các nhà thông giải thời kỳ Trung cổ. Trên hết, những Nhà Cải chánh khi chống lại thẩm quyền hội thánh đã nhấn mạnh đến vai trò của Đức Thánh Linh trong việc giúp các tín đồ giải thích Kinh Thánh một cách chính xác.65

Luther tin rằng sự soi dẫn của Kinh Thánh liên quan đến sự vô ngộ của ngôn từ dường như rõ ràng từ những tuyên bố sau đây: “Nhưng quả thật, mọi người đều biết rằng đôi khi họ [các giáo phụ] đã sai lầm như loài người vẫn mắc phải; do đó, tôi sẵn sàng tin tưởng họ chỉ khi họ chứng minh quan điểm của mình đến từ Kinh Thánh, mà Kinh Thánh thì chưa bao giờ sai lầm.”66 “Lời của Đức Chúa Trời là hoàn hảo: nó quý giá và thánh khiết: chính nó là lẽ thật. Không có sự giả dối trong đó.”67 “Không chỉ những ngôn từ mà cả những cách diễn đạt được Đức Thánh Linh và Kinh Thánh sử dụng đều là thiêng liêng.”68 “Không thể nào Kinh Thánh tự mâu thuẫn với chính nó; nó chỉ tỏ ra như vậy đối với những kẻ đạo đức giả vô tri và cố chấp.”69 “Một chữ cái, dù chỉ là một tiêu đề nhỏ trong Kinh Thánh, cũng có ý nghĩa đối với chúng ta hơn cả trời và đất. Vì vậy, chúng ta không thể cho phép thay đổi dù chỉ là chi tiết nhỏ nhất.”70 “Do đó, chúng ta phải luôn bằng lòng với chúng [văn tự], và bám vào chúng như lời của Đức Chúa Trời cách hoàn toàn rõ ràng, chính xác, chắc chắn, không bao giờ có thể lừa dối chúng ta hoặc khiến cho chúng ta mắc sai lầm.”71

John Calvin (1509–1564) cũng bày tỏ niềm tin mạnh mẽ vào sự soi dẫn và tính trung thực của từng lời trong Kinh Thánh. “Do đó, Kinh Thánh có đủ thẩm quyền đối với các tín đồ chỉ khi con người coi họ như là ra từ thiên đàng, như thể đã được nghe những lời hằng sống của Đức Chúa Trời vậy.”72 Các sứ đồ là “những người ghi chép chắc chắn và xác thực của Đức Thánh Linh, và do đó, các tác phẩm của họ được coi là lời nói của Đức Chúa Trời.”73 Nhận xét về lời của sứ đồ “tất cả Kinh Thánh đều bởi Đức Chúa Trời soi dẫn” (2 Ti-mô-thê 3:16), Calvin viết rằng, “Đây là ý nghĩa của mệnh đề đầu tiên, rằng chúng ta chịu ơn Kinh Thánh sự tôn kính như thể chúng ta mắc nợ Đức Chúa Trời, vì nó có nguồn gốc duy nhất từ Đức Chúa Trời và không có điều gì bắt nguồn từ loài người lẫn lộn với nó.”74 Calvin không phủ nhận sự tham gia của quyền tác giả của con người; ông chỉ đơn giản là chỉ ra nguồn gốc thiêng liêng nền tảng của Kinh Thánh mà thôi.

Những lời tôn kính của người viết thi thiên trong Thi thiên 119:140 (“Lời Chúa rất là tinh sạch, nên kẻ tôi tớ Chúa yêu mến lời ấy”), Calvin nói, “Và người ấy khẳng định rằng lòng yêu mến của mình đối với lời Đức Chúa Trời không phải là sự hấp tấp, hay mù quáng và thiếu suy xét, mà là người đó yêu mến lời ấy, bởi vì lời đó giống như vàng hoặc bạc đã được tinh luyện, lời đó tinh khiết và không có một tí cặn bẩn nào…. khi lời đó [bày tỏ lẽ thật] được so sánh với vàng đã tinh luyện,… thì lời đó tỏa sáng tinh khiết khỏi mọi điều nhơ bẩn.”75

Cả Luther và Calvin đều thừa nhận rằng Đức Chúa Trời đã cung ứng chính Ngài cho con người trong việc truyền đạt Lời của Ngài. Nhưng giống như các giáo phụ đã nói về “sự cung ứng” của Đức Chúa Trời, Luther và Calvin chỉ đơn giản đề cập đến tính nhân văn của các tác phẩm, tương tự như sự hiện đến của Con Đức Chúa Trời và sự cư ngụ của Ngài giữa chúng ta trong xác thịt con người. Trái ngược với sự hùng biện của một số tác phẩm cổ đại đã nhận được sự chú ý mới vào thời kỳ Phục hưng, Luther đã viết rằng “Kinh Thánh bề ngoài thì có vẻ không hào nhoáng, không thu hút sự chú ý, thiếu vẻ đẹp trọn vẹn và sự hấp dẫn.”76 Nhưng sự cung ứng hay sự giản dị này không có nghĩa là tất cả các từ đều không được soi dẫn và chính xác như nhau, như một số ý kiến ​​sai lầm.77 Đối với Luther nói thêm, “Bạn khó có thể tưởng tượng rằng bất kỳ ai lại có thể gán thêm đức tin vào Lời thiêng liêng như vậy, bởi vì nó không có chút gì hào quang hay sự quyến rũ nào. Tuy nhiên, đức tin thì đến từ lời thiêng liêng này, nhờ sức mạnh bên trong của nó mà không cần đến bất kỳ vẻ đáng yêu bên ngoài nào.”78 Tương tự như vậy, những bình luận nổi tiếng của Luther về việc liệu một số tác phẩm nhất định có nên được coi là kinh điển hay không, tức là, liệu chúng có phải là một phần của Kinh Thánh hay không, thì không có liên quan đến niềm tin của ông vào tính vô ngộ của Kinh Thánh. Tất cả các bản văn của Kinh Thánh là những lời được soi dẫn thiêng thượng của Đức Chúa Trời soi dẫn; câu hỏi mà Luther đưa ra chỉ đơn giản là những cuốn sách nào thuộc thể loại đó.

Bởi vì Luther và Calvin nhấn mạnh Đấng Christ hằng sống và sự cứu rỗi của Ngài là chủ đề của Kinh Thánh và dạy rằng sự bảo đảm về tính trung thực và thẩm quyền của Kinh Thánh chỉ đến thông qua lời chứng của Đức Thánh Linh bên trong lòng, nhiều người đã cố gắng tranh luận rằng những Nhà Cải chánh chỉ tin vào thông điệp của Kinh Thánh, chứ không phải lời chứng, là không thể sai lầm. Tuy nhiên, lời chứng của cả hai ông chứng tỏ rõ ràng họ không có sự tách bạch nào giữa thông điệp với các từ. Chẳng hạn, Luther đã nói, “Tin và đọc Kinh Thánh có nghĩa là chúng ta phải nghe Lời từ miệng của Đấng Christ. Khi điều đó xảy ra với bạn, thì bạn nhận biết rằng đây không chỉ là lời nói của con người, mà thực sự là Lời của Đức Chúa Trời.”79 Tương tự như vậy, việc Calvin nhấn mạnh vào lời chứng của Thánh Linh về lẽ thật của Lời không làm giảm niềm tin của ông vào sự soi dẫn và thẩm quyền của hình thức hoặc của lời nói mà lẽ thật đó được truyền đạt. Như Woodbridge nói, “Calvin kết hợp thẩm quyền của Đấng Christ, Lời hằng sống, với lời chứng của Thánh Linh hoặc Kinh Thánh, là Lời được viết ra; ông nêu bật vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc xác nhận thẩm quyền của Kinh Thánh đối với chúng ta. Kinh Thánh cũng có thẩm quyền vì Đức Chúa Trời, là nguồn của lẽ thật, là tác giả chính của Kinh Thánh.”80

Những lời thú tội và sách giáo lý của các hội thánh trong thời kỳ đầu của thời kỳ Cải chánh cho thấy rằng họ rất tin tưởng vào sự vô ngộ của Kinh Thánh. Mặc dù sự bảo vệ về độ tin cậy của Kinh Thánh không được nêu rõ trong các tác phẩm này, vì điều này không có gì bất đồng đối với tòa thánh Rôma, nên niềm tin như vậy là hiển nhiên. Chẳng hạn, Lời thú tội Belgic (1561) khẳng định rằng “không thể cáo buộc điều gì” chống lại Kinh Thánh. Đó là “quy tắc không thể sai lầm” và các Cơ đốc nhân tin rằng “không nghi ngờ gì nữa, tất cả mọi thứ đều chứa đựng trong đó.”81

 

SAU CUỘC CẢI CHÁNH VÀ HỘI THÁNH HIỆN ĐẠI

 

Niềm tin vào sự soi dẫn và sự sự vô ngộ của Kinh Thánh do các Nhà Cải chánh và những người lãnh đạo Công giáo La Mã nắm giữ tiếp tục vào thời kỳ sau Cải chánh. Tuy nhiên, những điều kiện lịch sử mới đã bắt đầu tác động đến cách thể hiện học thuyết này, đặc biệt là trong giáo hội Tin lành và sau đó là giáo Công giáo. Những phát triển này bao gồm năm điều sau:

. Cuộc tranh luận về vấn đề thẩm quyền giữa người Tin lành và người Công giáo, trong đó người Công giáo yêu cầu người Tin lành chỉ ra thế nào mà các bản sao bị lỗi của Kinh Thánh có thể thực hiện chức năng của nó mà không cần đến thẩm quyền của Giáo hội La Mã.

. Chủ nghĩa duy lý, vốn tuyên bố rằng chân lý phải được xây dựng trên nền tảng của lý trí.

. Thông qua các phong trào chủ nghĩa duy lý kẻ thù địch đã tấn công vào sự tin cậy của Kinh Thánh, bao gồm Chủ nghĩa xã hội vào thế kỷ 17 và Chủ nghĩa thần giáo vào cuối thế kỷ 17 và 18.

. Những phát triển mới trong khoa học, đã đặt câu hỏi về nhiều khía cạnh của lịch sử Kinh Thánh (ví dụ, ngày Sáng tạo, trận Đại Hồng thủy, nguồn gốc của tất cả loài người từ thời Nô-ê).

. Sự sẵn sàng ngày càng tăng của những người trong các hội thánh để làm giảm độ tin cậy của Kinh Thánh bằng cách chấp nhận quan điểm của khoa học và lý trí.

Trước những áp lực này, các nhà giảng dạy chính thống tin lành ngày càng cảm thấy bị ép buộc phải bảo vệ tính chân thật của Kinh Thánh, nhưng đôi khi họ sử dụng những lập luận đáng ngờ. Một số người nhấn mạnh đến quyền tác giả thiêng liêng của Kinh Thánh đến mức họ cổ súy cho thuyết “đọc cho viết” về sự soi dẫn.82

Bất chấp những cuộc tấn công này, sự hiểu biết truyền thống về sự soi dẫn và tính vô ngộ của Kinh Thánh vẫn được duy trì trong suốt thời kỳ hậu Cải chánh và thời kỳ hiện đại tiếp theo. Chẳng hạn như, Samuel Rutherford là một trong những người lập khung nền cho Lời xưng tội Westminster (1645-1646), đã viết rằng, “Khi viết ra mỗi câu nói ngắn gọn, tiêu đề hoặc từ ngữ trong Kinh Thánh [những trước giả Kinh Thánh] thì ngay lập tức được soi dẫn, như chi tiết của vấn đề, cách diễn đạt cụm từ, phương thức mệnh lệnh, nghiêm trang, từng bậc [nguyên văn] và tất cả.”83

Các nhà lãnh đạo tin lành ở thế kỷ 18 cũng tuyên xưng niềm tin lịch sử liên quan đến Kinh Thánh. John Wesley (1703-1791) đã tuyên bố, “Nếu có bất kỳ sai lầm nào trong Kinh Thánh, có thể có đến cả ngàn. Nếu có một sự giả dối trong cuốn sách đó, thì nó không đến từ Đức Chúa Trời chân thật”84 Jonathan Edwards (1703-1798), được nhiều người công nhận là nhà thần học vĩ đại nhất nước Mỹ và được kính trọng vì khả năng hiểu biết của ông, đã làm cho tâm trí tự do bối rối bởi sự tin tưởng kiên định của ông đối với Kinh Thánh. Ông “hoàn toàn chấp nhận truyền thống do những Nhà Cải chánh thiết lập về tính ưu việt và thẩm quyền của Kinh Thánh, và ông có thể tiếp cận các tác phẩm Kinh Thánh với … sự tin chắc về tính vô ngộ và chân lý theo nghĩa đen của chúng.”85

Lời thú tội của New Hampshire năm 1833 tóm tắt niềm tin tương tự giữa những người theo giáo phái Baptists. Các nhân vật như Princetonians, Archibald Alexander, Charles Hodge, A.A Hodge nổi tiếng của thế kỷ 19, và trên hết là Benjamin B. Warfield (có chức vụ kéo dài đến đầu thế kỷ 20), luôn kiên định đối với sự vô ngộ của Kinh Thánh. Những người tin lành ngày nay vẫn tiếp tục bảo vệ học thuyết này. Vào cuối thập niên 1970 và 1980, những thành viên Hội đồng Quốc tế về tính vô ngộ Kinh Thánh đã mạnh mẽ ủng hộ tính vô ngộ của Kinh Thánh.

 

KẾT LUẬN

Câu hỏi về bản chất của Kinh Thánh và liệu nó có đúng hay không cuối cùng sẽ phụ thuộc vào chính lời chứng của Kinh Thánh. Nhưng cách Đức Thánh Linh đã dẫn dắt dân sự của Ngài lắng nghe và vâng theo lời chứng đó trong sự xưng tội của họ là rất quan trọng. Như W. Robert Godfrey đã tuyên bố rõ ràng, “Phê bình Kinh Thánh và thần học tạo thành tâm điểm của chiến tuyến cho những người đấu tranh bảo vệ tính vô ngộ của Kinh Thánh. Sức mạnh của tâm điểm đó cuối cùng sẽ quyết định kết quả của cuộc chiến đấu để nhận biết bản chất của Kinh Thánh. Tuy nhiên, trong cuộc xung đột này, lịch sử về thái độ của hội thánh đối với Kinh Thánh đã trở thành cái sườn quan trọng của chiến tuyến.”86

Một số người cố gắng làm cho sự vô ngộ của Kinh Thánh trở thành là một học thuyết mới được tạo ra bởi những người theo chủ nghĩa chính thống để đáp ứng tư tưởng khoa học mới của thời hiện đại thì bị mâu thuẫn với những lời dạy của các nhà lãnh đạo vĩ đại của Cơ Đốc giáo chính thống trong suốt lịch sử. Việc các học giả theo chủ nghĩa tự do cũng thừa nhận tính trung thực của Kinh Thánh là sự xác tín lịch sử của Hội thánh. Kirsopp Lake, là học giả Kinh Thánh đáng kính của Đại học Harvard vào đầu thế kỷ 20, không mấy tôn trọng tính chính xác của Kinh Thánh. Tuy nhiên, ông ấy đã viết như sau:

Đó là một sai lầm thường mắc phải đối với những người có học thức, những người tình cờ mắc phải nhưng ít hiểu biết về thần học lịch sử, khi cho rằng chủ nghĩa chính thống là một hình thức tư tưởng mới lạ. Điều này không thuộc loại hình thức nào cả; nó là sự tồn tại một phần nhỏ và không được giáo dục của một nền thần học đã từng được phổ biến bởi tất cả các Cơ Đốc nhân. Chẳng hạn, có bao nhiêu người trong các hội thánh Cơ Đốc giáo vào thế kỷ thứ 18 nghi ngờ sự soi dẫn không thể sai lầm của toàn bộ Kinh Thánh? Có lẽ là một số ít, rất ít. Không ai, người theo chủ nghĩa chính thống có thể sai; Tôi nghĩ rằng chính ông ta. Nhưng chính chúng ta là những người đã rời xa truyền thống, chứ không phải ông ta, và tôi lấy làm tiếc cho số phận của bất kỳ ai cố gắng tranh luận với người theo chủ nghĩa chính thống trên cơ sở quyền lực. Kinh Thánh và cốt lỗi thần học của hội thánh thì đứng về phía chính thống.87

Các giáo phụ của chúng ta trong đức tin đã để lại cho chúng ta một niềm tin trung thành và luôn can đảm về bản chất của Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời được soi dẫn cách siêu nhiên. Ghi chép về thái độ và sự thực hành của họ liên quan đến Kinh Thánh cũng chứa đựng nhiều điều để các tín đồ hiện đại noi theo. Họ nhìn vào Kinh Thánh một cách đúng đắn để nhận thấy Đấng Christ, rồi nhận ra rằng Ngài và sự cứu rỗi của Ngài là chủ đề của Kinh Thánh. Tuy nhiên, cả hai điều này không có sự ngăn cách nào giữa Ngôi Lời nhập thể và Ngôi Lời đã được viết ra. Hơn nữa, không có gì trong Kinh Thánh là ngoại lai; tất cả đều hữu ích trong việc hoàn thành mục đích tiết kiệm của nó. Như Thanh giáo thế kỷ 16 William Whitaker đã nhận xét, “Mặc dù có thể thừa nhận rằng tất cả các lịch sử [Kinh Thánh] đều không hữu ích và cần thiết như nhau, bởi vì nhiều người có thể được cứu mà không cần biết nhiều lịch sử; nhưng trên thực tế, chúng không chỉ hữu ích, mà cũng cần thiết. Vì mặc dù tất cả chúng không phải là điều kiện cần thiết cho sự tồn tại của đức tin, nhưng chúng đóng góp rất nhiều vào việc tốt đẹp hơn của nó.”88 Và như Augustine đã nói, “Kinh Thánh không dạy gì ngoài lòng yêu thương cứu giúp,” và tất cả những điều được dạy trong Kinh Thánh “đều có giá trị trong việc nuôi dưỡng và cung ứng lòng yêu thương cứu giúp và loại bỏ lòng tham lam.”89

Các bậc tiền bối của chúng ta trong đức tin cũng dạy chúng ta về sự cần thiết tuyệt đối của công việc Thánh Linh để Kinh Thánh trở thành lời ban sự sống cho chúng ta. Không có điều hoàn hảo nào có thể làm mất hiệu lực của tín lý duy nhất này, như hội thánh đôi khi đã chứng minh. Lời sinh ra quyền năng ban sự sống chỉ khi nó được tiếp nhận thông qua quyền năng của Đức Thánh Linh. Tương tự, sự bảo đảm cuối cùng về tính chân thật của Lời không dựa vào lý trí của con người mà dựa vào lời chứng của Đức Thánh Linh ở trong lòng.

Những người tin Chúa ngày nay làm tốt việc chú ý đến những gì mà các bậc tiền bối của chúng ta đã tin về bản chất Kinh Thánh là lời vô ngộ siêu nhiên của Đức Chúa Trời. Như lời chứng sau đây của Billy Graham minh họa thế này, sức mạnh và hiệu quả của hội thánh trên thế giới này phụ thuộc vào thái độ của chúng ta đối với Kinh Thánh. “Vào tháng 8 năm 1949, tôi ngập tràn nghi ngờ về mọi thứ đến nỗi khi tôi đang đứng giảng và phát biểu, thì tôi tự hỏi rằng: ‘Tôi tự hỏi liệu đó có phải là sự thật không. Tôi tự hỏi liệu mình có thể thực sự nói điều đó một cách chân thành hay không.’… Sau đó, tôi đem theo Kinh Thánh lên vùng núi cao ở Sierra Nevada của California. Tôi mở nó ra và quỳ xuống. Tôi nói, “Thưa Cha,” “Con không thể hiểu nhiều điều trong cuốn sách này. Con không thể hiểu mọi vấn đề trên phương diện lý trí được; nhưng con chấp nhận nó bởi đức tin là Lời có thẩm quyền, được soi dẫn bởi Đức Chúa Trời hằng sống.” Một tháng sau ở Los Angeles, tôi nhận ra rằng cuốn sách này đã trở thành thanh gươm trong tay tôi. Nơi mà lý luận của con người thất bại, thì Lời Đức Chúa Trời đã thực hiện công việc đó.”90

 

 

13

KINH THÁNH GỒM NHỮNG SÁCH NÀO?

 

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHÚNG TA BIẾT những sách nào thuộc về Kinh Thánh? Kinh Thánh của chúng ta có bao gồm một số sách mà không nên có trong đó không? Có phải một số sách bị loại ra đáng lẽ phải được đưa vào không?

 

Kinh của Tin lành có sáu mươi sáu sách, trong khi Kinh Thánh của Công giáo La Mã và Chính thống giáo Đông phương có thêm một số sách, thường được gọi là Ngụy kinh. Tôbia, một trong những sách được gọi là Ngụy kinh, nói rằng, “Việc bố thí cứu cho khỏi chết và tẩy sạch mọi tội lỗi” (Tôbia 12: 9). Một sách khác, Huấn ca, còn được gọi là Sirach, nói, “Ách và dây cương mới ghì được cổ lừa, cực hình và những cuộc tra khảo mới gò được đứa ở bất lương” (Huấn ca 33:26). Những tuyên bố này có được Đức Thánh Linh soi dẫn không? Chúng thuộc hay không thuộc về Kinh Thánh? Kinh Thánh của chúng ta có thiếu điều gì không nếu không bao gồm các sách Ngụy kinh?

Làm thế nào mà con dân Đức Chúa Trời lại coi các tác phẩm trong Kinh Thánh  là Sách Thánh trong khi nhiều tác phẩm khác thì không? Tiêu chí nào được sử dụng để quyết định nên đưa sách nào vào? Ai có thẩm quyền để chấp nhận một số sách nhất định mà không phải tất cả các sách? Đây là những vấn đề về “tính kinh điển” được xem xét trong chương này.

 

Ý TƯỞNG VỀ KINH ĐIỂN

 

Ý nghĩa của thuật ngữ canon

 

Thuật ngữ Canon (kinh điển) có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp kanon, ban đầu có nghĩa là “một thanh đo thẳng”1 và sau đó có nghĩa là “một tiêu chuẩn hoặc thước đo.” Vì vậy, nó mang ý tưởng về một quy chuẩn có thẩm quyền. Ví dụ, các tiêu chuẩn có thẩm quyền trong đạo đức, nghệ thuật hoặc ngữ pháp được gọi là canon. Phao-lô dùng thuật ngữ này để chỉ về quy tắc trong tư cách đạo đức (Ga-la-ti 6:16).

Trong thời kỳ đầu của Hội thánh hậu Sứ đồ, thuật ngữ canon được áp dụng cho “bản tóm tắt sự dạy dỗ Cơ đốc, là bản được cho là sao chép lại những gì mà chính các sứ đồ đã dạy.”2 Được gọi là ‘quy tắc của đức tin’ hoặc “quy tắc của lẽ thật”, bản tóm tắt này dựa trên Kinh Thánh, vì vậy nó là “biểu mẫu cho việc giải thích Kinh Thánh của Giáo hội vào thế kỷ thứ hai và thứ ba.”3

 

Bởi vì thanh đo có thể được đánh dấu theo đơn vị chiều dài như thước kẻ và thước đo hiện tại của chúng ta, canon cũng có nghĩa là một chuỗi hoặc danh sách. Theo nghĩa này, canon đã được áp dụng vào Kinh Thánh như một danh sách gồm các sách được con dân Đức Chúa Trời công nhận là thuộc về Kinh Thánh. Những sách được công nhận trong Kinh Thánh được gọi là “kinh điển” và một bộ gồm những sách đó gọi là “kinh điển của Kinh Thánh.” Athanasius, giám mục vào thế kỷ thứ tư ở Alexandria, có lẽ là người đầu tiên áp dụng thuật ngữ này cho Kinh Thánh trong một bức thư được lưu hành vào năm 367 S.C. Như là một sự mặc khải thiên thượng, kinh điển Kinh Thánh là “quy tắc đức tin” cuối cùng hoặc là thẩm quyền cuối cùng để đánh giá tất cả các giáo lý và thực hành của Cơ đốc giáo.

 

Khái niệm về Kinh điển hóa

 

Một số người từ chối sự thần cảm của Kinh Thánh và xem Kinh Thánh chủ yếu là các tác phẩm của con người nhằm bày tỏ đức tin của họ như là nhân chứng cho sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Cũng chính những người này nói rằng việc xác định sách nào thuộc về Kinh Thánh cũng chỉ là nỗ lực của con người, giống như bất kỳ quyết định nào trong Hội thánh ngày nay. Do đó, một số tác phẩm hữu ích không kém về trải nghiệm tôn giáo của con người đã bị bỏ qua. Tuy nhiên, họ nói, Đức Chúa Trời đã sử dụng các sách trong Kinh Thánh để bày tỏ chính Ngài cho chúng ta.4

 

Mặt khác, người Công giáo La mã nói rằng Giáo hội La mã đã ban tặng địa vị kinh điển cho các sách trong Kinh Thánh. Họ cho rằng Giáo hội La Mã đại diện cho uy quyền không thể sai lầm của Đấng Christ và do đó có quyền xác định phạm vi của kinh điển.

 

Theo những người Tin lành, thì chính Đức Chúa Trời đã ban thẩm quyền cho các tác phẩm bởi sự soi dẫn của Đức Thánh Linh. Mặc dù độc đáo về nội dung, nhưng cấu trúc và nội dung của Kinh Thánh giống với các tài liệu cổ khác nhau nói về một nhà cai trị uy quyền phán với thần dân của mình bằng chỉ thị có thẩm quyền mang tính quy chuẩn hoặc kinh điển. Do đó, kinh điển Kinh Thánh được hiểu rõ nhất như là các tài liệu giao ước do Đức Chúa Trời ban nhằm bày tỏ các chỉ dẫn kinh điển cấu trúc lại tất cả các khía cạnh của cuộc sống, trước là cho dân tộc của Ngài sống dưới “giao ước cũ” trong thời Cựu ước (hay “giao ước cũ”, xem 2 Côr. 3:14), và sau là cho những ai sống trong “giao ước mới” kể từ khi Đấng Christ giáng sinh.5 Do đó, khi truyền đạt những lời giao ước kinh điển của Ngài, những người viết Kinh Thánh được soi dẫn đã tôn cao Đức Chúa Trời tối cao với tư cách là những sứ giả đến với dân sự của Ngài.

 

Để thực hiện chức năng như một kinh điển cho cộng đồng giao ước, các tác phẩm cũng phải được mọi người công nhận. Vì vậy, Đức Chúa Trời làm việc một cách toàn vẹn trong dân sự của Ngài để công nhận những tác phẩm này đến từ Ngài và từ đó các tác phẩm này cuối cùng có được thẩm quyền. Mặc dù không dễ để giải thích được vì bản chất thiêng liêng bên trong, nhưng việc làm này trong con dân Đức Chúa Trời có thể hình dung được khi người ta nhận ra rằng đây chính là Lời có cùng thẩm quyền mạnh mẽ đã tạo nên một cộng đồng dân Chúa ngay từ ban đầu.

Theo quan điểm này, thì không có một Giáo hội nghị nào có thể cấp thẩm quyền cho Kinh Thánh , vì nó đã có thẩm quyền là Lời được soi dẫn của Đức Chúa Trời. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là công nhận nó như vậy. Như J. I. Packer nói, “Giáo hội không cho chúng ta kinh điển Tân Ước nhiều hơn Ngài Isaac Newton cho chúng ta lực hấp dẫn. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta lực hấp dẫn bởi công trình sáng tạo của Ngài, và tương tự, Ngài ban cho chúng ta kinh điển Tân Ước bằng cách soi dẫn những sách riêng lẻ nhằm tạo nên kinh điển Tân ước.”6

 

Quan điểm này nhấn mạnh rằng không có thẩm quyền nào vượt lên trên chính Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, làm thế nào một Giáo hội có thể nói rằng một tác phẩm cụ thể nào đó là Lời Đức Chúa Trời nếu nó không dựa trên cơ sở của lời có thẩm quyền từ Đức Chúa Trời? Nhưng tất nhiên, một tác phẩm được cho là từ Đức Chúa Trời sẽ phải được thừa nhận trước khi nó có thể được sử dụng như một kinh điển. Vì vậy, chúng ta kết luận rằng sự mặc khải có thẩm quyền từ Đức Chúa Trời, Lời thành văn của Ngài, hoặc là lời tự xác thực hoặc là chúng ta không còn cách nào khác để phân biệt Lời Ngài từ những lời khác.

Như sứ đồ Phao-lô đã dạy, Đức Thánh Linh bày tỏ lẽ thật thuộc linh và chỉ những ai tiếp nhận sự dạy dỗ của Ngài mới nhận ra điều đó (1 Côr. 2: 10-16). Chúa Giê-su nói rằng chỉ những ai “sẵn lòng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời… mới biết đạo lý ta có phải là bởi Đức Chúa Trời, hay là ta nói theo ý ta” (Giăng 7:17). Ngài lại nói, “Chiên ta nghe tiếng ta, ta quen nó, và nó theo ta” (10:27). Đối với một quyết định không thể sai lầm về Lời của Đức Chúa Trời, Ngài đã chỉ cho con người về chính Ngài, mà không phải về bất kỳ thẩm quyền nào từ con người.

Lời tuyên bố của Giáo hội Công giáo La Mã về việc quyết định không thể sai lầm của kinh điển là một trong những tranh cãi lớn trong cuộc Cải chánh. Những nhận xét của Calvin được đưa ra để đáp lại lời tuyên bố đó vẫn còn hữu ích cho chúng ta ngày nay.

Một sai lầm nguy hiểm nhất phổ biến rộng rãi là Kinh Thánh  chỉ có trọng lượng khi nó được thừa nhận nhờ vào sự đồng ý của Giáo hội. Như thể lẽ thật đời đời và bất khả xâm phạm của Đức Chúa Trời phụ thuộc vào quyết định của con người! Người ta đã chế nhạo Đức Thánh Linh khi hỏi: Ai có thể bảo đảm với chúng ta rằng Kinh Thánh  đã được ban xuống toàn bộ và nguyên vẹn cho đến tận ngày nay của chúng ta? Ai có thể thuyết phục chúng ta nhận một sách nào đó trong sự tôn kính nhưng lại loại trừ một sách khác, trừ khi Giáo hội quy định một quy tắc chắc chắn cho tất cả những vấn đề này? Họ nói rằng Kinh Thánh  có được sự tôn kính và những sách nào được xác định là thuộc về Kinh Thánh  đều phụ thuộc vào sự quyết định của Giáo hội.

Nhưng những người nói như vậy đã bị phản đối chỉ bằng một lời của sứ đồ. Ông làm chứng rằng Hội thánh “được dựng lên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri” (Ê-phê-sô 2:20). Nếu sự dạy dỗ của các đấng tiên tri và các sứ đồ là nền tảng, thì điều này phải có thẩm quyền trước khi Hội thánh tồn tại …. Nếu ngay từ đầu, Hội thánh Cơ đốc được thành lập dựa trên các lời của các đấng tiên tri và lời rao giảng của các sứ đồ, dù các sự dạy dỗ này được tìm thấy ở bất cứ đâu, thì việc chấp nhận nó chắc chắn phải có trước Hội thánh. Do đó, hoàn toàn sai lầm khi cho rằng thẩm quyền quyết định Kinh Thánh  nằm ở Hội thánh và cho rằng sự chắc chắn của Kinh Thánh  phụ thuộc vào sự đồng ý của Hội thánh. Vì vậy, trong khi Hội thánh tiếp nhận và ban cho dấu ấn chấp thuận Kinh Thánh  là lẽ thật của Đức Chúa Trời, như một bổn phận ngoan đạo, thì Hội thánh không ngần ngại sùng kính Kinh Thánh . Đối với câu hỏi của họ – Làm thế nào chúng ta có thể yên tâm rằng điều này đến từ Đức Chúa Trời nếu chúng ta không nhờ đến sự xác nhận của Hội thánh? – như thể ai đó đã hỏi: Đến bao giờ chúng ta mới học cách phân biệt ánh sáng với bóng tối, trắng với đen, ngọt ngào với cay đắng? Thật vậy, Kinh Thánh  thể hiện đầy đủ bằng chứng rõ ràng về lẽ thật của chính nó như những điều trắng và đen có màu riêng của chúng, hoặc những điều ngọt ngào và cay đắng có mùi vị riêng của chúng.

Và chắc chắn Kinh Thánh  xứng đáng với chúng ta, nó đạt được nhờ lời chứng của Đức Thánh Linh. Do đó, qua sự soi sáng bởi quyền năng của Ngài, chúng ta không thể dựa vào chính chúng ta cũng như sự quyết định của bất kỳ ai khác để cho rằng Kinh Thánh  là từ Đức Chúa Trời; nhưng vượt lên trên sự quyết định của con người, chúng ta khẳng định với một sự chắc chắn… rằng Kinh Thánh  được ban cho chúng ta từ chính miệng của Đức Chúa Trời qua công việc của loài người.7

Quá trình lịch sử thực tế của việc thu thập các sách kinh điển đã làm sáng tỏ điều này, như Packer giải thích liên quan đến kinh điển Tân Ước. “Đã có một người đề nghị với các Cơ đốc nhân của thế kỷ thứ hai, thứ ba hoặc thứ tư rằng bằng cách này [quá trình công nhận các sách kinh điển] Hội thánh đã tạo ra một kinh điển cho chính mình, việc chọn ra một số tác phẩm Cơ đốc có chất lượng tốt và ban thẩm quyền như một định chuẩn đức tin cho tương lai, họ sẽ lắc đầu và ngạc nhiên khi mà bất cứ ai cũng có thể tưởng tượng ra một ý tưởng quá sai lầm và xa sự thật. Niềm tin rằng các tác phẩm của các sứ đồ được soi dẫn, và do đó có thẩm quyền về bản chất, là giả thiết của toàn bộ cuộc thẩm tra của họ.”8

Tóm lại, trong việc công nhận kinh điển, dân sự của Đức Chúa Trời đã nhận biết Lời Chúa được ban cho để làm chuẩn mực cho đức tin và đời sống của họ. Mục sư Cải cách Thụy Sĩ ở thế kỷ 19, Louis Gaussen, người nổi tiếng với quan điểm về sự linh ứng của Kinh Thánh , đã minh họa sự hình thành kinh điển bằng bức ảnh một người phụ nữ đi dạo quanh khu vườn với người chủ vườn. Khi họ đi dạo dọc theo con đường, ngừời chủ ấy tặng cô ấy hết bông hoa này đến bông hoa khác cho đến khi anh ấy gom được cả bó hoa cho cô ấy. Bó hoa là có thật và được ngắm nhìn cách vui thích ngay khi cô ấy nhận được những bông hoa đầu tiên. Theo cách tương tự, kinh điển đã tồn tại trong vòng dân sự của Đức Chúa Trời ngay từ khi Ngài ban những bản văn đầu tiên được soi dẫn. Đức Chúa Trời đã ban cho dân sự của Ngài những sách mà Ngài muốn đưa vào kinh điển Kinh Thánh .9

 

KINH ĐIỂN CỰU ƯỚC

 

Khi sách Ma-la-chi, là cuốn sách kinh điển cuối cùng của Cựu ước, được viết ra (có lẽ vào khoảng năm 432 T.C), thì lời tiên tri kinh điển trong thời kỳ hậu lưu đày không còn nữa. Chúng ta không biết bao lâu sau khi sách Ma-la-chi được viết ra, kinh điển Cựu ước được công nhận, mặc dù nó đã có từ trước thời đại Tân ước.10

Tuy nhiên, một số tác giả nói rằng sự công nhận kinh điển Cựu ước xảy ra muộn hơn nhiều. Ví dụ, Ngũ kinh được cho là tổng hợp của nhiều bản truyền thống khác nhau được viết muộn hơn nhiều so với thời Môi-se. Theo quan điểm này, Sách Đa-ni-ên được viết bởi một tác giả vô danh vào thời Mac-ca-bê khoảng năm 165 T.C. Do đó, quan điểm này đặt ra ba giai đoạn trong quá trình hình thành kinh điển: Ngũ kinh được kết thúc vào khoảng năm 400 T.C, các sách Tiên tri vào khoảng năm 200 T.C, và các sách Văn thơ vào cuối thế kỷ thứ nhất sau Chúa.

 

Tuy nhiên, bằng chứng lịch sử cho quá trình kinh điển ủng hộ cho cách hiểu truyền thống. Hơn nữa, người ta ngày càng công nhận rằng cuộc thảo luận về kinh điển tại Hội nghị Jamnia vào năm 90 S.C “không có gì khác hơn là xem xét lại các tranh luận về hai trong số các sách Văn thơ là (Truyền đạo và Nhã-ca) — giống như Luther sau này xem xét các tranh luận về sách Gia-cơ.”11 Vấn đề không phải là có nên thêm một số sách nhất định vào kinh điển hay không, mà là liệu có nên giữ lại một số sách nhất định hay không. Các thành viên của hội nghị không có cuộc thảo luận nghiêm túc nào về việc thêm sách mới hoặc loại trừ bất kỳ sách nào đã được công nhận trước đó. Một học giả kết luận rằng Hội nghị Jamnia “không đem lại ảnh hưởng gì đến các cuộc thảo luận của người Do Thái về Kinh điển.”12

 

Lịch sử hình thành Kinh điển Cựu ước

 

Kinh Thánh  không cung cấp cho chúng ta một lịch sử đầy đủ về việc chấp nhận từng sách trong Cựu ước và một danh sách gồm các sách tạo thành kinh điển Kinh Thánh . Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì các tác phẩm đã được con dân Chúa công nhận khi chúng được thu nhận. Không cần người lãnh đạo hoặc hội đồng nào làm cho chúng thành kinh điển. Như Dunbar nói, “Không có bằng chứng lịch sử nào chứng minh cho quy chuẩn của các sách trong Kinh Thánh  [tức là quy chuẩn thuộc về Kinh Thánh ]. Các tài liệu tham khảo sớm nhất cho các sách trong Kinh Thánh  (hoặc các phần của sách) đã xem các sách trong Kinh Thánh  là có thẩm quyền.”13 Tuy nhiên, chúng ta cần tìm những ví dụ về việc tiếp nhận các tác phẩm kinh điển để minh họa điều gì đó về sự hình thành kinh điển.

Việc hình thành kinh điển bắt đầu từ các sách của Môi-se, được chứng minh trong Xuất Ê-díp-tô Ký 24: 3-4: “Môi-se bèn đến thuật lại cho dân sự mọi lời phán của Đức Giê-hô-va và các luật lệ, thì chúng đồng thinh đáp rằng: Chúng tôi sẽ làm mọi lời Đức Giê-hô-va phán dạy. Môi-se chép hết mọi lời của Đức Giê-hô-va.” Sau đó, chúng ta được cho biết rằng “Khi Môi-se chép những lời luật pháp nầy trong một cuốn sách xong rồi, thì ra lịnh cho người Lê-vi khiêng hòm giao ước của Đức Giê-hô-va mà rằng: Hãy lấy cuốn sách luật pháp nầy, để bên hòm giao ước của Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi. Nó sẽ ở đó làm chứng nghịch cùng ngươi” (Phục truyền 31: 24-26).

Sách của Môi-se được xem là quy chuẩn của đức tin và thực hành dành cho dân Y-sơ-ra-ên. Nó phải được đọc cho họ vào những thời điểm đã định để họ “cẩn thận làm theo các lời của luật pháp này” (31: 10-12). Giô-suê được bảo, “hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong” (Giô-suê 1: 8; xem thêm 11:15). Vua Y-sơ-ra-ên phải có một bản sao Luật pháp riêng để “bản ấy phải ở bên vua trọn đời, vua phải đọc ở trong, để tập biết kính sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình, cẩn thận làm theo các lời của luật pháp nầy, và hết thảy điều răn nầy” (Phục-truyền 17: 18-19). Trong suốt lịch sử của Y-sơ-ra-ên, vận mệnh của các vị vua và quốc gia được quyết định bởi thái độ của họ đối với sự mặc khải về ý muốn của Đức Chúa Trời được viết trong sách Luật pháp (ví dụ, 1 Các Vua 2: 3; 3:14; 2 Các Vua 17: 7 -13; 21: 7-9; 23: 2-3; 2 Sử ký 33: 8; Đa-ni-ên 9:11).

Môi-se nói rằng trong tương lai sẽ có các đấng tiên tri dấy lên để nói Lời Đức Chúa Trời giữa vòng dân sự (Phục truyền 18: 15-22). Việc những người trong Cựu ước công nhận một danh sách các tác giả tiên tri như vậy được thấy trong việc họ chấp nhận các bản văn thánh. Những lời của Giô-suê đã được viết “trong sách luật pháp của Đức Chúa Trời” (Giô-suê 24:26). Sa-mu-ên cũng “tuyên giảng luật pháp của nước tại trước mặt dân sự, chép trong một cuốn sách mà người để trước mặt Đức Giê-hô-va”, hành động thứ hai (chép vào trong sách) cho thấy quyền hạn của các tác giả đối với dân sự Đức Chúa Trời. Những tác giả của sách Các Vua và Sử Ký đã biết nhiều tác phẩm tiên tri bao gồm toàn bộ lịch sử của Y-sơ-ra-ên từ Đa-vít đến thời lưu đày (1 Sử-ký 29:29; 2 Sử-ký 9; 29). Hết tiên tri này đến tiên tri khác đã đem lời Đức Chúa Trời đến với dân Y-sơ-ra-ên, và phần lớn những gì họ viết dưới sự soi dẫn của Đức Thánh Linh đã được thêm vào các tác phẩm kinh điển. Ê-sai gọi những lời của mình là “lời chứng” và “luật lệ” có thẩm quyền về sự mặc khải của Đức Chúa Trời (Ê-sai 8:16).14 Tương tự như vậy, Giê-rê-mi hướng dẫn việc chép lại mọi lời Đức Chúa Trời phán với ông (Giê-rê-mi 36). Đa-ni-ên, một người trẻ tuổi cùng thời với Giê-rê-mi, không chỉ công nhận lời của Giê-rê-mi là “lời của Đức Chúa Trời”, mà còn tìm thấy lời của ông “trong các sách tiên tri” và “sách luật pháp của Môi-se” (Đa-ni-ên 9: 2, 6, 11). Tham chiếu về “các sách” thường được xem là tham chiếu đầu tiên về bộ kinh điển gồm các sách thánh.

Bằng chứng về một kinh điển được công nhận cũng được thấy trong việc sử dụng các tác phẩm trước đó bởi một số tác giả. Các sách của Môi-se được đề cập trong suốt Cựu Ước (Giô-suê 1: 7; 1 Các Vua 2: 3; Mal. 4: 4). Lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên từ Sáng thế ký đến Các Vua được ghi lại trong Sử ký (1 Sử 1: 1-2: 15). Những câu châm ngôn và bài hát của Sa-lô-môn được đề cập trong I Các Vua 4:32, và Đa-ni-ên đề cập đến Giê-rê-mi (Đa-ni-ên 9: 2). Đã nhiều hơn một lần, các nhà tiên tri đã cảnh báo dân Y-sơ-ra-ên bằng cách ám chỉ tổ phụ của họ, là những người đã không nghe lời của các nhà tiên tri trước đó (Ô-sê 6: 5; Xa-cha-ri, 1: 4-5: 7: 12).

Khi thời kỳ chức vụ tiên tri trong Cựu Ước kết thúc, thì các tác phẩm kinh điển cũng dừng lại. Theo truyền thống của người Do Thái, Đức Thánh Linh, Đấng đã soi dẫn các tác phẩm kinh điển, đã chấm dứt chức vụ đó vào thời những nhà tiên tri hậu lưu đày. “Kể từ khi các nhà tiên tri cuối cùng là A-ghê, Xa-cha-ri và Ma-la-chi chết, Đức Thánh Linh đã không còn hành động giữa vòng dân Y-sơ-ra-ên” (T. Sota, 13, 2).15 Theo Mac-ca-bê thứ nhất chương 9: 23, 27 ngụ ý rằng vào năm 100 T.C, đã có một khoảng thời gian suy đồi kể từ thời các tiên tri: “Sau khi ông Giu-đa (Mac-ca-bê) qua đời… Quả là một thời kỳ gian nan khốn khổ cho Y-sơ-ra-ên, như chưa từng thấy bao giờ, kể từ ngày không còn vị tiên tri nào xuất hiện nữa.” Tương tự như vậy, sử gia Do Thái Josephus đã viết vào thế kỷ thứ nhất sau Chúa, “Kể từ khi Môi-se qua đời cho đến khi Artaxerxes (464-424 T.C, thời các nhà tiên tri hậu lưu đày) … (và) cho đến thời đại của chúng ta, lịch sử hoàn chỉnh đã được viết ra nhưng không được coi là đáng tin cậy bằng với những ghi chép trước đó, vì không còn sự kế vị của các nhà tiên tri.”16 Niềm tin rằng một khoảng thời gian dài, thường được gọi là “thời kỳ im lặng,” trôi qua giữa sự chấm dứt của lời tiên tri trong Cựu ước và sự ra đời của nó một lần nữa trong Tân ước, cùng với sự tiên đoán về sự xuất hiện của một Nhà tiên tri trung thành, là điều phổ biến trong suốt thời kỳ giao thời và các giáo phụ Hội thánh đầu tiên.17

 

Tiêu chuẩn cho tính Kinh điển của Cựu ước

Câu hỏi tại sao một số sách nhất định được công nhận là kinh điển trong khi những sách khác thì không đã nhận được những câu trả lời khác nhau, phần lớn tùy thuộc vào những gì người ta tin về bản chất của Kinh Thánh. Như đã đề cập trước đó, một số người nói rằng việc hình thành kinh điển là một nỗ lực của con người, dựa trên ý tưởng rằng Kinh Thánh chỉ là sự thể hiện đức tin của con người. Để trình bày ý kiến ​​này, một học giả nói, “Trong số lượng lớn các văn học Hê-bơ-rơ, những sách của Cựu ước được lựa chọn vì vẻ đẹp văn học hoặc sự hấp dẫn mang tính dân tộc của chúng, bởi vì chúng đã góp phần duy trì sự sống còn của quốc gia và sự thờ phượng Đức Giê-hô-va.”18 Ông nói thêm, quá trình này hơi lộn xộn. “Đây chỉ là một sự tình cờ trong việc lưu truyền mà chỉ có tài liệu kinh điển này … đã đến với chúng ta. Đây chỉ là một phần nhỏ của văn học Hê-bơ-rơ được đề cập trong Kinh Thánh như: lịch sử các vua Y-sơ-ra-ên, lịch sử các vua Giu-đa (I Các Vua 14:19, 29, v.v.), và tuyển tập thơ (Giô-suê 10:13; 2 Sa-mu-ên 1:18; Dân số ký 21:14). Nhiều tác phẩm khác đã bị thất lạc mà không được đề cập đến, như đã xảy ra trong tất cả các nền văn học cổ đại.”19

Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, các tác phẩm trong Kinh Thánh được con dân Đức Chúa Trời chấp nhận là có thẩm quyền với niềm tin rằng các tác phẩm này được Ngài soi dẫn và là lời của Đức Chúa Trời. Những người đồng tình với quan điểm này lưu ý bốn yếu tố sau trong việc xác định những sách nào thuộc về Cựu Ước.20

Tác giả tiên tri. Nhiều sách trong Cựu Ước tuyên bố rõ ràng về các tác giả tiên tri. Nhiều tác giả sau này được xác định là nhà tiên tri (ví dụ, A-ghê 1: 3; Xa-cha-ri 1: 1). Mặc dù không phải tất cả các sách được cho là được viết bởi các nhà tiên tri, nhưng những tiên tri sau này đã đề cập đến Đức Chúa Trời Đấng phán với dân sự của Ngài thông qua các đấng tiên tri trước đó (Xa-cha-ri 1: 4; 7:12). Điều này có thể nói lên rằng tất cả các tác phẩm được công nhận trước đó được xem là đến từ các đấng tiên tri.

Quan trọng hơn, ở một số chỗ, Tân Ước đã đề cập đến một phần hoặc tất cả các sách trong Cựu Ước là lời tiên tri. Tác giả của sách Hê-bơ-rơ tuyên bố, “Đời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách” (Hê. 1: 1). Phi-e-rơ đề cập đến “lời của các đấng tiên tri” (2 Phi. 1:19, NIV), là nói về các đấng tiên tri trong Cựu Ước. Khi Chúa Giê-su bị bắt, Ngài đã nói, “Nhưng mọi điều ấy phải xảy đến, hầu cho những lời các đấng tiên tri đã chép được ứng nghiệm” (Mat. 26:56). Sau khi Ngài sống lại, Ngài đã quở trách các môn đồ vì không tin “lời các đấng tiên tri đã nói” (Lu-ca 24:25). Sự đề cập của Phi-e-rơ về “Lời tiên tri trong Kinh Thánh” là “bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời” (2 Phi. 1: 20-21), cho biết rằng cả Kinh Thánh được Đức Chúa Trời soi dẫn (2 Ti. 3:16) cũng có thể được gọi là lời tiên tri .

 

Lời chứng của Đức Thánh Linh. Ngoài bản chất vốn có của một tác phẩm kinh điển là lời được soi dẫn bởi Đức Chúa Trời, còn có sự công nhận bởi con dân Đức Chúa Trời về một tác phẩm được cho là kinh điển. Nói cách khác, sự hình thành kinh điển liên quan đến cả sự mặc khải thiêng thượng và sự công nhận của con người. Làm thế nào mà con người có thể nhận ra rằng một người nào đó là tiên tri thực sự của Đức Chúa Trời để tác phẩm của họ được cho là Lời có thẩm quyền từ Đức Chúa Trời? Mặc dù một số người, giống như Môi-se, đã được ban cho năng quyền thiên thượng để thực hiện các việc siêu nhiên, câu trả lời cuối cùng là Đức Thánh Linh đã làm chứng cho lẽ thật của sự mặc khải bởi chính Ngài trong lòng của những người sẵn lòng tiếp nhận nó. Như đã nói trước đó, Chúa Giê-su đã phán trong lời dạy của mình, “Nếu ai khứng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo lý ta có phải là bởi Đức Chúa Trời, hay là ta nói theo ý ta” (Giăng 7:17).

Sự chăm sóc thiên thượng. Một yếu tố khác trong sự hình thành kinh điển là sự quan phòng của Đức Chúa Trời. Việc bảo tồn các tác phẩm Kinh Thánh trong suốt nhiều thế kỷ giữa một quốc gia thường không vâng lời và bị lưu đày cũng như bị bức hại từ kẻ thù là lời chứng cho sự bảo vệ thành tín của Đức Chúa Trời. Ngoài ra còn có sự bảo tồn các lời tiên tri nhất định trong số những lời được thần cảm khác đã được nói ra và có thể thậm chí được viết xuống. Giống như chúng ta không có tất cả những lời mà Chúa Giê-su đã nói, cũng vậy các tiên tri chắc chắn cũng đã từng nói những thông điệp được thần cảm mà không được viết xuống hoặc, nếu được viết xuống, cũng không được bao gồm trong số các tác phẩm kinh điển. Nhưng Đức Chúa Trời đã bảo tồn chính xác những gì Ngài xem là hữu ích cho con dân Ngài mà không cần thêm bất kỳ điều gì khác vào.

Sự xác nhận của Đấng Christ. Việc xác nhận cuối cùng về tính kinh điển của các tác phẩm trong Cựu Ước là lời chứng của Đấng Christ. Như đã lưu ý trong Chương 8, Chúa Giê-su liên tục làm chứng về thẩm quyền của “Kinh Thánh” (ví dụ: Giăng 10:35) và trích dẫn chúng trong lời dạy của Ngài (Mat. 21:42; 26:54; Giăng 5:39). Khi nói về “Kinh Thánh” hoặc “luật pháp và các lời tiên tri” hoặc “luật pháp”, chắc chắn là Chúa Giê-su đang đề cập đến bộ sưu tập các tác phẩm thánh nổi tiếng được công nhận là kinh điển giữa vòng những người Do Thái trong thời đó. Các sứ đồ trong thời Tân Ước, là những người được Chúa Giê-su giao phó sứ mệnh đem lời mặc khải có thẩm quyền đến nhiều nơi, cũng đã công nhận “Kinh Thánh” là Lời của Đức Chúa Trời mang tính kinh điển.

 

Phạm vi Kinh điển Cựu ước

 

Lời chứng của người Do Thái. Trong Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, Cựu Ước gồm có hai mươi bốn sách được chia thành ba phần: (1) Torah (sách luật pháp), bao gồm năm sách của Môi-se (Sáng-thế Ký, Xuất Ê-díp-tô Ký, Lê-vi Ký, Dân-số Ký, Phục-truyền Luật-lệ Ký); (2) Các sách tiên tri, được chia thành bốn “Tiền Tiên tri” (Giô-suê, Các Quan Xét, Sa-mu-ên, Các Vua) và bốn “ Hậu Tiên tri” (Ê-sai, Giê-rê-mi, Ê-xê-chi-ên, và sách của Mười hai Tiên tri, đây là các Tiểu Tiên tri, được đặt tên như vậy vì độ dài của sách tương đối ngắn); và (3) Các sách Văn thơ (Thi-thiên, Châm-ngôn, Gióp, Nhã-ca, Ru-tơ, Ca-thương, Truyền-đạo, Ê-xơ-tê, Đa-ni-ên, và E-xơ-ra – Nê-hê-mi (được xem như một sách).

Viết vào thế kỷ thứ nhất sau Chúa, Josephus đề cập đến việc Kinh Thánh được chia thành ba phần có tổng cộng hai mươi hai sách là những sách được soi dẫn. Đây cũng giống như Kinh Thánh gồm hai mươi bốn sách, trong đó Các Quan xét và Ru-tơ được tính là một sách và Giê-rê-mi và Ca-thương được tính là một sách.

Một trong những tài liệu tham khảo sớm nhất trong truyền thống Do Thái về việc Kinh Thánh gồm 24 sách được chia thành ba phần là trong Baba Bathra 14b-15a, là một đoạn trong Talmud có niên đại từ 70-200 S.C. Việc liệt kê các sách trong mỗi phần của ba phần này được tuân theo các bản chép tay của người Do Thái sau này và Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ hiện nay, mặc dù thứ tự các sách trong phần các sách Tiên tri và các sách Văn thơ có phần khác nhau. Sự thay đổi thứ tự này xảy ra vì các sách được viết trên các cuộn giấy riêng biệt và không buộc lại với nhau. Tuy nhiên, thứ tự của năm sách đầu tiên được cố định, do trình tự thời gian của chúng.

Không rõ chính xác khi nào Kinh Thánh gồm ba phần được chia này trở thành tiêu chuẩn. Mặc dù Tân Ước đề cập đến, như chúng ta đã thấy, tất cả Cựu Ước là được viết bởi “các đấng tiên tri”, nó cũng thường đề cập đến Kinh Thánh gồm hai phần, “Luật pháp hoặc các lời tiên tri” (Mat. 5:17; 7:12; Rô-ma 3:21) hoặc “Môi-se và các đấng tiên tri” (Lu-ca 16:29). Tuy nhiên, việc Chúa Giê-su đề cập đến “Luật pháp Môi-se, các sách Tiên tri và Thi thiên” trong Lu-ca 24:44, có thể chỉ ra điều gì đó về Kinh Thánh gồm ba phần, trong đó Thi thiên là tác phẩm nổi bật nhất trong “Các sách Văn thơ”. Huấn ca, tác phẩm ngụy kinh vào thế kỷ thứ hai trước Chúa, đề cập đến “sách Luật pháp, các sách Tiên tri và các sách khác của tổ phụ chúng ta,” có lẽ là một sự đề cập đến Kinh Thánh gồm ba phần.

Do đó, bằng chứng từ truyền thống Do Thái chỉ ra một kinh điển gồm hai mươi bốn sách Cựu Ước, giống hệt với bộ kinh điển của Tin lành gồm ba mươi chín sách. Trong ba mươi chín sách, Sách của “Mười hai vị tiên tri” được gọi là sách của mười hai Tiểu Tiên tri và bốn sách của Sa-mu-ên, Các Vua, Sử Ký và E-xơ-ra – Nê-hê-mi trở thành tám sách.

Lời chứng của Cơ đốc nhân. Tân Ước cũng đưa ra cùng một sự xác nhận cho kinh điển Cựu Ước. Khi họ lặp đi lặp lại thuật ngữ “Kinh Thánh” —thuật ngữ này thường dùng để chỉ một về một đoạn Kinh Thánh nhất định nhưng cũng được dùng cho toàn bộ Cựu ước (Giăng 2:22; Công vụ 18:24; 2 Ti-mô-thê 3:16; 2 Phi-e-rơ 1: 20) —hoặc “Kinh Thánh” (ở dạng số nhiều) (Công vụ 17: 2, 11; Rô-ma 1: 2; 15: 4), mà các tác giả của Hội thánh đầu tiên, bắt đầu từ những người Do Thái, đề cập một cách rõ ràng đến các tác phẩm thánh được công nhận bởi dân tộc của họ.

Tân ước bao gồm khoảng 250 câu trích dẫn và trên 900 câu ám chỉ đến Cựu ước.21 Các học giả có những ước tính khác nhau, tùy thuộc vào việc liệu một số lời tuyên bố nào đó được trích dẫn trực tiếp hay được diễn giải lại. Trong những tham chiếu đó, mọi phần Kinh Thánh trong Cựu ước đều được nói đến. Roger Nicole cho rằng Tân Ước có 278 “câu trích dẫn cụ thể (từ Cựu ước) và những ám chỉ trực tiếp” đến từ Cựu Ước. Trong số đó, ông nói 94 câu là từ sách Luật pháp, 99 câu từ các sách Tiên tri và 85 câu từ các sách Văn thơ.22 Chỉ có Các Quan Xét, Ru-tơ, Nhã-ca, Truyền-đạo, Ê-xơ-tê, E-xơ-ra – Nê-hê-mi, Sử Ký, Áp-đia, Na-hum và Sô-phô-ni không được trích dẫn trong Tân Ước. Ba sách Tiên tri (Áp-đia, Na-hum và Sô-phô-ni), tất nhiên, là một phần của một sách trong Kinh điển của người Do Thái, đó là sách của Mười hai Tiên tri. Việc một số sách không được trích dẫn rõ ràng không có nghĩa là chúng không được coi là một phần của Kinh điển. Trên thực tế, khi chúng ta xem xét danh sách các đoạn Kinh Thánh gợi nhớ đến Cựu Ước (ám chỉ), được gợi ý bởi một số học giả, tất cả ba mươi chín sách trong Cựu Ước đều được nhắc đến.23

Trong một số trường hợp, thật rất khó để tìm ra một câu trích dẫn từ một đoạn Kinh Thánh cụ thể trong Cựu ước. Ví dụ, mặc dù được giới thiệu là “Kinh Thánh” đã chép, nhưng lời tuyên bố của Chúa Giê-su, “Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình” (Giăng 7:38), không thể được tìm thấy một cách rõ ràng trong Cựu Ước. Tuy nhiên, ẩn dụ về nước phước lành thiêng thượng được hứa ban qua sự đỗ đầy Thánh Linh được tìm thấy trong một số đoạn văn, bao gồm Ê-sai 44: 3. Do đó, một số trích dẫn có thể là sự kết hợp của những lời dạy trong một số đoạn Kinh Thánh Cựu ước.

Một số người cho rằng các tác giả Tân Ước cũng trích dẫn các tác phẩm ngụy tạo và ngụy kinh được cho là có thẩm quyền. Ví dụ, Giu-đe 14-15 đề cập đến lời tiên tri của Hê-nóc, lời tiên tri này thường được trích dẫn từ tác phẩm ngụy tạo 1 Hê-nóc 1: 9. Tuy nhiên, cả Giu-đe và tác giả sách I Hê-nóc đều có thể lấy từ lời truyền khẩu. Tuy nhiên, ngay cả khi Giu-đe đã trích dẫn từ I Hê-nóc, điều này không có nghĩa là sách Hê-nóc là kinh điển. Ba lần sứ đồ Phao-lô đã trích dẫn các tác giả thế tục —triết gia Epimenides trong Công vụ 17:28 và Tít 1:12, và nhà soạn kịch Menander trong I Cô-rinh-tô 15: 33 — nhưng điều đó không có nghĩa là các tác phẩm của những người đó được xem như một phần của Kinh Thánh.

Tiếp theo thời đại Tân Ước, Hội thánh đầu tiên “tự giới hạn mình trong những sách kinh điển truyền thống của người Do Thái, như chúng ta thấy trong danh sách của Melito ở Sardis (160 SCN), và của Origen, Athanasius, Cyril ở  Giê-ru-sa-lem, và của những người khác.”24 Tuy nhiên, như được thảo luận trong phần sau, một số nhà lãnh đạo cũng bị lôi cuốn bởi các tác phẩm phi kinh điển của người Do Thái, đôi khi trích dẫn chúng như là “Kinh Thánh”. Các nhà Cải cách, theo sau Athanasius (khoảng 293-373 S.C) và những người khác, đã tái khẳng định cách mạnh mẽ các sách kinh điển truyền thống của người Do Thái là những tác phẩm kinh điển duy nhất của Cựu ước.25

Câu hỏi về Ngụy tạo và Ngụy kinh. “Ngụy tạo,” có nghĩa là “những lời sai lầm”, là tên được đặt cho một nhóm lớn các tác phẩm của người Do Thái được viết từ ​​năm 200 T.C đến năm 200 S.C. Một số các tác phẩm này tuyên bố là được viết bởi A-đam, Hê-nóc, Môi-se và E-xơ-ra. Phần nhiều trong số những tác phẩm này là lịch sử huyền thoại, giấc mơ khải huyền và khải tượng, được viết để duy trì đức tin của người Do Thái trong thời kỳ chịu khổ. Tuy nhiên, những tuyên bố sai lầm của những tác phẩm này về thẩm quyền thiên thượng, cùng với tính chất huyền ảo của một số câu chuyện và một số giáo lý sai lầm hoàn toàn, đã khiến người Do Thái không thể chấp nhận những tác phẩm này như một phần của kinh điển Kinh Thánh.

Mối quan tâm của chúng ta chủ yếu là về các sách ngụy kinh, mà cả Giáo hội Công giáo La mã và Chính thống giáo Đông phương đều cho là kinh điển. Mặc dù thuật ngữ “Apocrypha” xuất phát từ một từ Hy Lạp có nghĩa là “huyền bí”, nó được áp dụng cho những tác phẩm mà người Tin lành coi là phi kinh điển.26 Những tác phẩm này, còn được gọi là deutero-canonical (“đệ nhị kinh điển”), được Giáo hội Công giáo La Mã công nhận là kinh điển tại Hội đồng Trent vào ngày 8 tháng 4 năm 1548, với việc tuyên bố anathema (dứt phép thông công) đối với bất kỳ ai từ chối chúng.

Một số Giáo phụ của Hội thánh đầu tiên đã công nhận Ngụy kinh như một phần của Kinh Thánh, và những người khác sử dụng chúng cho mục đích tĩnh nguyện hoặc giảng dạy nhưng không xem chúng là kinh điển. Chúng được đưa vào bản Septuagint, bản dịch Cựu ước bằng tiếng Hy Lạp, được xuất bản từ năm ​​150 đến năm 250 trước Chúa. Tuy nhiên, không chắc chắn rằng Ngụy kinh là một phần của ấn bản Septuagint vào thế kỷ thứ nhất sau Chúa. Điều quan trọng là vào giữa thế kỷ thứ nhất và thứ tư, hình dạng sách đã thay đổi từ sách cuộn sang sách đóng. Với các cuộn giấy viết, những sách được thêm vào này, mà người Do Thái coi là hữu ích nhưng không phải là kinh điển, được tách biệt với những sách khác. Tuy nhiên, việc đưa chúng vào bản tiếng Hy Lạp chắc chắn đã góp phần vào việc chúng được sử dụng trong Hội thánh đầu tiên, đặc biệt khi nhiều người trong Hội thánh bên ngoài vùng Palestine không quen thuộc với kinh điển tiếng Hê-bơ-rơ. Tuy nhiên, nói chung, thực tế là một số Giáo phụ của Hội thánh đầu tiên (ví dụ, Clement ở La Mã, Clement ở Alexandria, và Jerome) đã trích dẫn Ngụy kinh thường xuyên đã cung cấp chút ít hỗ trợ cho việc những sách này được coi là Kinh Thánh.27

Việc Hội thánh sử dụng các sách Ngụy kinh đã tăng lên phần nào sau thời kỳ đầu này, nhưng danh sách các sách kinh điển, với một số thay đổi, vẫn là các sách kinh điển truyền thống của người Do Thái. Với sự công nhận của Augustine, các sách ngụy kinh đã được sử dụng trong Giáo hội, mặc dù không rõ là ông xem chúng có thẩm quyền ngang hàng với các sách kinh điển khác hay không. Chúng vẫn là kinh điển thứ cấp cho đến khi, như đã ghi chú, Giáo hội Công giáo La Mã chính thức công bố chúng là các sách kinh điển vào thời điểm Cải chánh.

Được viết từ năm 200 T.C đến năm 100 S.C, các tác phẩm Ngụy kinh phản ánh tình trạng tôn giáo, chính trị và xã hội trong những năm giữa Cựu ước và Tân ước. Tuy nhiên, có một số lý do để từ chối chúng là kinh điển.

Thứ nhất, không có danh sách các sách Cựu Ước nào của người Do Thái chứa những sách ngụy kinh này.

Thứ hai, trong khi Đấng Christ và các tác giả Tân Ước trích dẫn từ Cựu Ước, họ không bao giờ trích dẫn từ các Ngụy kinh như là Kinh Thánh có thẩm quyền, mặc dù họ biết về những sách này.

Thứ ba, trong bốn thế kỷ đầu tiên, tất cả danh sách các sách kinh điển, với một vài ngoại lệ nhỏ, đều loại trừ những sách này.

Thứ tư, nội dung của các sách Ngụy kinh chống lại tính kinh điển của chúng. Các giáo lý sai lầm được dùng trong giảng dạy, chẳng hạn như trích dẫn từ Tôbia 12: 8-9, được ghi chú ở đầu chương này, dạy rằng việc bố thí dùng để chuộc tội (cũng là Huấn ca [Sirach] 3:30). Cũng dạy về việc cầu nguyện và dâng hiến cho người chết, điều này được cho là ủng hộ cho giáo lý về ngục luyện tội (2 Mac. 12: 41-45). Huấn ca 33: 25-27 biện minh cho sự tàn ác đối với nô lệ, và khinh miệt quyền phụ nữ được thấy trong Huấn ca 22: 3 (“sinh con gái là một sự thiệt thòi”) và 42:14 (“đàn ông gian ác tốt hơn đàn bà tốt bụng”). Ngoài ra, các sai sót lịch sử, văn học dân gian và thần thoại được tìm thấy trong một số sách Ngụy kinh.

Thứ năm, họ không tuyên bố gì về sự soi dẫn; trên thực tế, họ thậm chí còn ám chỉ đến sự vắng mặt của các đấng tiên tri tại Y-sơ-ra-ên (1 Mac. 9:27).

 

KINH ĐIỂN TÂN ƯỚC

 

Tân ước, giống như Cựu ước, không có chỗ nào trong Tân ước nói đến danh sách các sách sẽ được đưa vào Kinh Thánh Tân ước. Do đó, việc xác định kinh điển Tân ước của chúng ta phải đến từ các yếu tố thần học được tìm thấy trong cả Kinh Thánh Cựu ước và Tân ước cũng như lời chứng của các Cơ đốc nhân trong lịch sử của Hội thánh. Quá trình này kéo dài vài thế kỷ.

 

Lịch sử Hình thành Kinh điển Tân ước

Việc chấp nhận Kinh điển Kinh Thánh Cựu ước đã tạo tiền đề cho sự hình thành Kinh điển Tân ước. Không có gì nghi ngờ, việc các Cơ đốc nhân thời Tân Ước đã sớm nhận được những lời dạy của Chúa Giê-su là có thẩm quyền ngang bằng (hoặc lớn hơn) so với những lời dạy của các đấng tiên tri trong Cựu Ước (Giăng 1:17; Hê-bơ-rơ 1: 2; 2: 3). Do đó, những lời dạy và việc làm của Chúa Giê-su đã hình thành nên những yếu tố đầu tiên của một “kinh điển” mới cho các môn đồ của Ngài. Sự hình thành kinh điển cũng được chính Chúa Giê-su cho phép khi Ngài chọn các sứ đồ làm nhân chứng có thẩm quyền của Ngài (Mác 3:14; Công vụ 10: 39-42). Là đại diện có thẩm quyền của Đấng Christ, các sứ đồ là trụ cột và nền móng của Hội thánh (Ma-thi-ơ 16:18; Ê-phê-sô 2:20; Khải huyền 21:14). Do đó, những lời dạy của các sứ đồ được coi là có thẩm quyền, như đã thấy trong mạng lệnh của Phao-lô đối với các Cơ đốc nhân ở Tê-sa-lô-ni-ca phải “vâng giữ những điều dạy dỗ mà chúng tôi đã truyền cho anh em, hoặc bằng lời nói, hoặc bằng thơ từ của chúng tôi” (2 Tê. 2:15; xem thêm 1 Cô. 14:37).

 

Việc truyền miệng của các sứ đồ đương nhiên có một ưu tiên lịch sử nhất định, nhưng, như H. N. Ridderbos lưu ý, các tài liệu thành văn đã trở thành hình thức cuối cùng cho các lời dạy của các sứ đồ. “Theo thời gian Hội thánh bắt đầu được mở rộng trên toàn thế giới, các sứ đồ chỉ có thể liên lạc với các Hội thánh bằng thư từ. Và khi các sứ đồ qua đời, thì việc truyền khẩu cũng giảm đi tính chính xác và trở nên ít đáng tin cậy hơn, vì vậy việc ấn định các lời dạy thành văn của các sứ đồ đương nhiên có tầm quan trọng hơn.”28

Khi một số tác giả Tân Ước yêu cầu các bức thư của họ nên được lưu hành và đọc trong các Hội thánh, điều này có nghĩa là họ đang đặt các tác phẩm của họ ngang hàng với Kinh Thánh Cựu Ước, vốn thường được đọc trong các Hội thánh. Và chắc chắn là các bản sao cũng được viết ra để các nơi khác cũng có thể có cùng những sách giống nhau. Việc Phi-e-rơ tham khảo các thư tín của Phao-lô cùng với “những phần Kinh Thánh khác” (2 Phi 3:16) đã đặt các tác phẩm của Phao-lô ngang hàng với Cựu ước và có thể thấy rằng Phi-e-rơ đã thêm chúng vào trong Kinh Thánh.

Các Giáo phụ vào thời Hội thánh hậu sứ đồ đã bắt tay vào các vấn đề thực tế và đạo đức của Hội thánh đang mở rộng và do đó có rất ít thời gian để xem xét về tính kinh điển của Kinh Thánh. Vì vậy, họ đã không đưa ra bất kỳ tuyên bố rõ ràng nào về tính kinh điển. Thẩm quyền tối thượng của họ là Đấng Christ và sự mặc khải của Đức Chúa Trời về Ngài được cả các nhà tiên tri Cựu Ước và các sứ đồ Tân ước công bố. Lúc đầu, các tài liệu tham khảo “Kinh Thánh” của các Giáo phụ trong Hội thánh đề cập đến Cựu ước, mặc dù họ coi các tác phẩm của các sứ đồ có thẩm quyền ngang với Cựu ước. Vào giữa thế kỷ thứ hai, Polycarp, Barnabas và 2 Clement đã trích dẫn Tân Ước. Theo Justin Martyr (khoảng năm 100-165), đây cũng là một phong tục đối với các Cơ đốc nhân khi họ gặp nhau vào các ngày Chủ nhật để nghe đọc “hồi ký” của các sứ đồ (đề cập đến các sách Phúc âm) hoặc các sách của các đấng tiên tri (Cựu ước). Vì vậy, các sách Tân ước bắt đầu được thay thế như các sách kinh điển cùng với kinh điển Cựu ước.29

Vào thế kỷ thứ hai, một số phong trào bên ngoài, đặc biệt là Thuyết Ngộ Giáo và Thuyết Nhị Nguyên, đã thách thức phạm vi của kinh điển Tân Ước. Nỗ lực của người theo Thuyết Ngộ Giáo là để có nhiều tác phẩm Ngộ đạo được công nhận là phù hợp với giáo lý của các sứ đồ và nỗ lực của những người theo Thuyết Nhị Nguyên là để giới hạn kinh điển trong phạm vi của mười thư tín Phao-lô và một bản chỉnh sửa của Lu-ca,  rõ ràng tất cả những điều này đã thúc đẩy Hội thánh suy xét một cách có ý thức hơn về giới hạn và phạm vị của các tác phẩm đích thực của các sứ đồ.”30

Theo Eusebius (khoảng năm 260-339), Giáo hội đã thảo luận về ba loại tác phẩm: “được công nhận”, “bị tranh luận” và “dị giáo.”31 Trong số những sách được công nhận thuộc về Tân Ước, có bảy sách ở trong tình trạng tranh luận trong một thời gian, vì một số lời dạy trong đó hoặc vì chúng chưa được biết đến rộng rãi ở cả phương Đông và phương Tây. Chúng bao gồm Hê-bơ-rơ, Gia-cơ, 2 Phi-e-rơ, 2 Giăng, 3 Giăng, Giu-đe và Khải Huyền. Trong trường hợp của sách Hê-bơ-rơ, việc cho rằng quyền tác giả thuộc về các sứ đồ là điều không chắc chắn. Tuy nhiên, theo lời chứng ban đầu, khi sự thật về những cuốn sách này được biết đến, tất cả đều được xem là kinh điển. Lời chứng đầu tiên cho tính kinh điển của hai mươi bảy sách trong Tân Ước là trong một bức thư của Athanasius (đề năm 367 S.C). Với cùng một danh sách các sách kinh điển được đưa ra tại Hội nghị thứ ba ở Carthage vào năm 397 và được đưa ra một lần nữa trong một Hội nghị khác ở Carthage vào năm 419. Dunbar kết luận rằng “thật là thích hợp … khi nói về kinh điển [Tân Ước] đã đạt được hình thức hiện tại của nó trong hầu hết các Hội thánh trong suốt thế kỷ thứ năm.”32

 

Tiêu chuẩn cho Tính Kinh điển của Tân Ước

Vì các sứ đồ được công nhận là người đại diện có thẩm quyền của Chúa Giê-su Christ, nên tiêu chuẩn chính để công nhận một sách trong Tân Ước là sách kinh điển là liệu sách đó có được viết bởi một sứ đồ hay một cộng sự của sứ đồ mà những lời dạy của họ phù hợp với những lời dạy của một sứ đồ hay không. Lời chứng được thành văn hay truyền khẩu của các sứ đồ về những lời dạy và việc làm của Đấng Christ là “nền tảng” của Hội thánh sơ khai và là quy chuẩn cuối cùng của đức tin và thực hành. Vì vậy, chẳng hạn, Justin Martyr đã nói Phúc âm Mác là “Hồi ký của Phi-e-rơ.” Tiêu chuẩn về sự phù hợp với giáo lý của các sứ đồ được thấy rõ trong lời tuyên bố của Tertullian người chống lại thuyết Nhị Nguyên. “Tôi tuyên bố rằng tác giả của các tác phẩm phúc âm là các sứ đồ, và nhiệm vụ công bố phúc âm này được giao cho các sứ đồ bởi chính Chúa. Nếu tác giả của các tác phẩm phúc âm này là những người thuộc hàng các sứ đồ, thì họ sẽ không bao giờ đứng riêng lẻ, nhưng là những nguời cộng sự của các sứ đồ hoặc là những môn đồ của các sứ đồ.”33

Sự phù hợp với giáo lý của các sứ đồ là tiêu chuẩn thiết yếu cũng được chứng minh bởi thực tế là nhiều tác phẩm Ngộ đạo phi kinh điển được cho là của các sứ đồ khác nhau nhằm cố gắng xác nhận những tác phẩm đó là có thẩm quyền.

Trong những trường hợp mà quyền tác giả không được biết đến (chẳng hạn như Sách Hê-bơ-rơ), thì tác phẩm được đánh giá bằng cách xem nó có phù hợp với “quy chuẩn của đức tin” hay phù hợp với tính chính thống được thừa nhận theo lời dạy truyền thống của các sứ đồ hay không. Ngoài ra, thực tế thì việc tác phẩm được xem là có thẩm quyền và được các Hội thánh sử dụng rộng rãi và liên tục đã đóng một phần trong việc xác định tính kinh điển của nó.

 

KẾT LUẬN

 

Việc thiết lập kinh điển của Kinh Thánh Cựu ước và Tân ước là công việc của Đức Chúa Trời trước hết là mặc khải chính Ngài và sau đó cho phép con dân Ngài nhận ra Lời mặc khải của Ngài, bằng cách xác nhận các dấu hiệu và lời chứng của Thánh Linh trong lòng họ.

 

Sự mặc khải đặc biệt của Đức Chúa Trời trong cả Cựu ước và Tân ước về bản chất là sự kết nối kế hoạch cứu chuộc của Ngài tập trung vào Đấng Christ. Các đấng tiên tri được Đức Thánh Linh soi dẫn (I Phi-e-rơ 1:11) đã dọn đường cho sự đến của Đấng Mê-si-a và sự cứu rỗi qua chính Ngài. Các sứ đồ, được Chúa Giê-su cho phép và được Thánh Linh soi dẫn, để công bố và viết về Chúa Giê-su thành Na-xa-rét và các công việc của Ngài như là sự hoàn thành lời hứa tiên tri đã chép trước đó. Bản ghi chép được thần cảm về các hành động cứu rỗi lịch sử của Đức Chúa Trời, mà đỉnh cao là công việc của Đấng Christ trên thập tự giá, qua đó xác định phạm vi của kinh điển.

 

 

 

 

 

14

KINH THÁNH CÓ QUAN TRỌNG VÀO NGÀY NAY?

 

 

 

THẦN HỌC GIA TỰ DO Don Cupitt khẳng định rằng “con người hiện đại muốn sống cuộc sống của riêng họ, có nghĩa là đưa ra các quy tắc của riêng họ, định hướng lối đi cho cuộc sống do chính họ chọn.”1 Quyền lực trong thời đại của chúng ta là một khái niệm tiêu cực, đàn áp. Tuy nhiên, một trong những sự thật của lịch sử nói rằng với tư cách là con người hữu hạn, chúng ta chắc chắn sẽ phải phục vụ một số quyền lực nhất định. Hoặc là chúng ta sẽ sống dưới quyền của Đức Chúa Trời, Đấng tạo dựng nên chúng ta, hoặc là chúng ta sẽ sống dưới quyền một vị thần nào đó, người mà cuối cùng hóa ra lại là chính chúng ta. Như Seneca (khoảng năm 4 trước Công nguyên – 65 sau CN), chính khách và nhà triết học La Mã, đã chỉ ra rằng, nếu chúng ta là thẩm quyền riêng của chính mình, chúng ta tự nô lệ cho chính mình, đó là sự trói buộc tồi tệ nhất. 2

Tự do đích thực, theo Kinh Thánh và lẽ thường là điều đó chỉ đến khi chúng ta phục tùng thẩm quyền của Đấng Tạo Hóa, Đấng yêu thương các tạo vật của Ngài và đã mặc khải cho họ cách có được sự sống sung mãn mà Ngài đã tạo ra. Không ai tự do hơn Chúa Giê-su, người biết ý muốn của Cha Ngài và luôn làm theo ý muốn đó. “Bởi ta chẳng nói theo ý riêng ta; nhưng Cha sai ta đến, đã truyền lịnh cho ta phải nói điều chi và phải nói thể nào. Ta biết mạng lịnh Cha, ấy là sự sống đời đời.” (Giăng 12: 49-50; xem thêm 5:30; 8:28-29; 14:31). Chúa Giê-su hứa sẽ ban sự tự do và sự sống giống như vậy cho những ai vâng phục Ngài và sự dạy dỗ của Ngài. “Vậy, nếu Đức Con giải phóng các người, thì các người mới thật sự được tự do” (8:36, NVB). Sự tự do đó sẽ được nhận ra thông qua việc vâng phục Lời Ngài: “Nếu các ngươi hằng ở trong đạo ta… các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông-tha các ngươi” (8:31-32).

Sự tự do, điều mà được mong muốn ngày nay, sự tự do dẫn đến sự sống sung mãn, chỉ có được khi chúng ta vâng phục quyền bính của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ, là điều đã được truyền đạt cho chúng ta trong Lời Ngài. Vì Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, nên điều tối quan trọng là chúng ta phải vâng phục thẩm quyền của Kinh Thánh.

Satan là kẻ thù của chúng ta, nó làm tất cả những gì có thể thông qua nhiều cách khác nhau để cản trở chúng ta trong việc trở nên hoàn toàn vâng phục Đức Chúa Trời và Lời Ngài. Thành công của nó trong việc cản trở này thể hiện ở việc thực tế rằng Kinh Thánh, mặc dù là một cuốn sách bán chạy nhất, nhưng hiếm khi được nhiều người đọc hoặc nghiên cứu và thậm chí còn bị coi thường.

 

Những điều gì làm cho Kinh Thánh trở nên có thẩm quyền trong cuộc sống của chúng ta ? Chúng ta nhất định phải làm ba điều này: tôn cao Kinh Thánh như thẩm quyền tối thượng của chúng ta, hiểu rõ thông điệp của Kinh Thánh để nó có thể thực hiện chức năng như uy quyền của chúng ta, và cho phép nó điều khiển cuộc sống của chúng ta.

 

TÔN CAO KINH THÁNH NHƯ THẨM QUYỀN TỐI THƯỢNG

CỦA CHÚNG TA

Phải công nhận một điều rằng Kinh Thánh được mặc khải là Lời của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã ban để cứu rỗi và hướng dẫn chúng ta trong trần thế. Tuy nhiên, đây lại là một vấn đề khác cho việc xác minh rằng làm thế nào thẩm quyền của Đức Chúa Trời qua Lời Ngài thực sự bao phủ đời sống chúng ta. Nói một cách khác, làm sao chúng ta có thể biết được ý muốn có thẩm quyền của Đức Chúa Trời? Cách một người trả lời câu hỏi này sẽ xác định xem liệu anh ấy hoặc cô ấy có đặt Kinh Thánh lên làm thẩm quyền tối thượng của mình hay không.

Qua nhiều thế kỷ, con người đã trả lời câu hỏi này theo một trong ba cách: Ý muốn của Đức Chúa Trời được xác định bởi kinh nghiệm thuộc linh của con người, hoặc bởi sự dạy dỗ có thẩm quyền của nhà thờ, hoặc bởi chính Kinh Thánh được Đức Thánh Linh dạy dỗ. Một số người có thể chấp nhận nhiều hơn một trong số những điều này là lời phán của Đức Chúa Trời, nhưng chắc chắn chỉ có một điều có thể được coi là tối hậu và đó là kết luận cuối cùng.

 

 

Kinh Nghiệm Thuộc Linh Của Con Người 

Trong cách tiếp cận này, uy quyền của Đức Chúa Trời sẽ chỉ được tìm thấy trong các ý kiến chủ quan của cá nhân. Kinh Thánh cũng như lời chứng của dân sự Đức Chúa Trời có thể hữu ích trong quá trình này, nhưng kinh nghiệm của mỗi cá nhân cuối cùng mới xác nhận nhận ý muốn của Đức Chúa Trời.

Theo quan điểm này, Kinh Thánh có thẩm quyền ở mức độ phù hợp với lý trí. Điều này có thể mang ý nghĩa là chuyển giao sự dạy dỗ và dữ liệu trong Kinh Thánh cho những kết luận mới nhất của các phương pháp tiếp cận lịch sử – phê bình đối với Kinh Thánh. Hoặc nó có thể mang nghĩa là điều chỉnh Kinh Thánh phù hợp với những tư tưởng chủ đạo của nền văn hóa hiện đại.

Ý kiến này liên quan đến thẩm quyền của Kinh Thánh thường được những người khước từ sự thần cảm trọn vẹn và tính chất vô ngộ của Kinh Thánh nắm giữ. Họ cảm thấy rằng một số thẩm quyền bên ngoài Kinh Thánh nhất định phải cho họ biết cụ thể nơi nào Kinh Thánh nói lẽ thật của Đức Chúa Trời và nơi nào chỉ là lời nói của một trước giả sai lầm. Kiến thức và lý trí của con người đóng vai trò là tòa phúc thẩm cuối cùng để quyết định cho các lẽ thật trong Kinh Thánh.

Quan điểm này thậm chí còn được chấp nhận từ một số người tuyên bố tin vào sự thần cảm thiên thượng. Ví dụ, một số người dạy rằng đồng tính luyến ái, khi được thực hành trong các mối quan hệ cam kết, là được tán thành trong Kinh Thánh. Kể cả trong trường hợp có một số người nói rằng vai trò của nam giới và phụ nữ hoàn toàn có thể hoán đổi cho nhau trong gia đình và trong hội thánh.  Kinh nghiệm của con người mang một vai trò mạnh mẽ nếu không muốn nói là quyết định. Phần sau đây được một nhà truyền giáo viết gửi cho biên tập viên của một tạp chí Cơ đốc nổi tiếng dành cho những sinh viên đại học. “Vào một thời điểm lịch sử khi xã hội thế tục bắt đầu dậy sóng các vấn đề liên quan đến sự bất công hàng thế kỷ đối với phụ nữ, thật không khôn ngoan và không công bằng khi các ấn phẩm truyền giáo nhấn mạnh những đoạn Kinh Thánh liên quan đến sự bất bình đẳng cổ xưa giữa các giới. Bằng cách tiếp tục theo một lộ trình như vậy, những người truyền đạo sẽ chỉ thêm dầu vào quan niệm thế tục được phổ biến bấy giờ rằng nhà thờ Cơ đốc là một tổ chức lỗi thời dành riêng cho việc duy trì hiện trạng, cho dù hiện trạng đó có thể là bất công và vô nhân đạo đến mức nào.”3

Gần đây hơn, một trưởng lão của một hội thánh tin lành đã thừa nhận với đồng nghiệp của tôi rằng anh ấy sẽ xấu hổ khi đọc lời dạy của Phao-lô về vợ và chồng trong Ê-phê-sô 5:21-33 cho những người mà ông mời đến nhà thờ.

Những thí dụ minh họa này phản ánh về sự khuất phục của các thầy giảng tin lành đối với các quan điểm văn hóa đương thời. Nhưng những người khác đang đề xuất “tiêu chí ngoài sức thuyết phục” hợp lý hơn để xác định thẩm quyền của các bản văn Kinh Thánh.4 Sử dụng các yếu tố văn hóa thực dụng “ngoài Kinh Thánh” được cho là nằm sau Tân Ước về mối quan hệ vợ chồng. Một nhà nghiên cứu về phúc âm kết luận rằng các yếu tố thực dụng không còn xuất hiện trong văn hóa đương đại và do đó ngày nay giáo huấn trong Ê-phê-sô 5 nên được hiểu là “một loại danh dự” và “sự tôn trọng” để người vợ thể hiện với chồng mình.5 Đây rõ ràng là những hiểu biết đi ngược với Kinh Thánh. Cho dù những khám phá lịch sử và khoa học, đã làm tăng sự hiểu biết của chúng ta về các phần của Kinh Thánh. Nhưng phải hết sức lưu ý đừng để sự hiểu biết và lý trí của con người chiếm đoạt thẩm quyền của Kinh Thánh. Theo lời của nhà thần học John Frame, “Những gì chúng ta giải thích về giáo huấn của Kinh Thánh phải chiếm ưu thế, ngay cả khi dường như có mâu thuẫn. Điều này phải vượt lên trên những gì chúng ta giải thích về mặc khải phổ quát … một khi chúng ta tin chắc rằng Kinh Thánh dạy x, chúng ta phải tin điều đó, ngay cả khi sự mặc khải phổ quát dường như dạy rằng không phải x.”6

Đối với một số người, tư tưởng duy lý trở thành thẩm quyền tôn giáo tối thượng, thậm chí trên cả Kinh Thánh. Một số khác thì lại xem quyền bính là cảm xúc tôn giáo hoặc những trải nghiệm mang tính thần bí nào đó. Sự nổi bật của kiểu suy nghĩ này được thể hiện rõ trong tác phẩm gần đây Lửa Từ Trời, được nhà thần học tự do Harvey Cox chấp bút. Nhìn lại cuộc xung độ tôn giáo trong ba thế kỷ qua giữa khoa học hiện đại và tôn giáo truyền thống, Cox nói rằng cuộc đấu tranh tiếp theo sẽ là giữa Phái Cơ-yếu  (những người chú trọng vào vào lẽ thật được nhận thức) và chủ nghĩa kinh nghiệm – một loại trải nghiệm tâm linh cá nhân như kiểu như uống cà phê tự phục vụ mà trong đó các lẽ thật được chấp nhận khi “đụng chạm” tới  những kinh nghiệm hàng ngày của cá nhân.7

Nhưng dựa trên cơ sở nào, chúng ta có thể kết luận rằng một kinh nghiệm nào đó của con người (lý trí hoặc tình cảm) là sự diễn đạt có thẩm quyền cho Lời phán từ Đức Chúa Trời? Và kinh nghiệm của ai sẽ được coi là quy chuẩn? Thay vì phán xét Kinh Thánh, kinh nghiệm của con người chúng ta phải được phán xét và biến đổi từ quy chuẩn đó. Kinh Thánh phải được tiếp nhận như là Lời khách quan của Đức Chúa Trời, đứng trên chúng ta để tất cả kinh nghiệm của con người được khuất phục trước nó.

 

Thẩm Quyền Giảng Dạy của Giáo Hội

Cách tiếp cận thứ hai đối với thẩm quyền của Kinh Thánh nói rằng thẩm quyền của Kinh Thánh được truyền đạt cho chúng ta qua thẩm quyền của giáo hội. Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo (1994), do Giáo hoàng John Paul Đệ Nhị khởi xướng và được ban hành dưới sự chỉ đạo của ông, tuyên bố rằng mặc khải thiêng liêng của phúc âm được truyền tải dưới hai hình thức: Thánh Kinh  và Thánh Truyền (sacred tradition: truyền thống thiêng liêng).8 Trong khi theo truyền thống chúng được xem như hai nguồn mặc khải riêng biệt, tuy nhiên có một khuynh hướng  trong giáo hội Công Giáo gần đây xem chúng như một.  Trích dẫn một tài liệu từ Công đồng chung Vatican II, Sách Giáo lý tuyên bố, “Thánh Truyền và Kinh Thánh tạo nên một kho tàng thiêng liêng duy nhất về Lời Chúa.”9 Mọi điều trong truyền thống giáo hội được cho là được tìm thấy trong Kinh Thánh một cách rõ ràng hoặc ẩn ý.10

Theo quan điểm này, cơ quan giảng dạy của Giáo Hội, được gọi là Huấn quyền của Giáo Hội, có nhiệm vụ, với tư cách là người kế vị các sứ đồ, đưa ra cách giải thích xác thực về Lời Chúa (nghĩa là Kinh Thánh và Thánh Truyền), khi được quy định là tín điều, đều được xem là chân lý không thể sai lầm.11 Chân lý không thể sai lầm này sau đó trở thành một phần của truyền thống hoặc lẽ thật thiên thượng. Giáo hội La Mã, đảm nhận vai trò là người thông dịch, giải thích đáng tin về Thánh Truyền và Kinh Thánh, do đó làm thẩm quyền trung gian của sự mặc khải thiêng liêng về Lời Đức Chúa Trời cho dân Ngài. Như Sách Giáo Lý Công giáo giải thích, “Thánh Truyền, Kinh Thánh, và Huấn Quyền của Giáo Hội được kết nối chặt chẽ đến nỗi một trong hai không thể đứng vững nếu không có cái khác…. Giáo hội với giáo lý, cuộc sống và sự thờ phượng của mình đã tồn tại và truyền lại cho mọi thế hệ đi sau về tất cả những gì bản thân Giáo hội đang làm và tin tưởng.”12 Nhà văn Công giáo Mark Shea cũng giải thích điều này về mối quan hệ của Kinh Thánh với giáo hội và Thánh truyền.

Đức tin Công giáo có thể đồng ý rằng Kinh Thánh là đủ. Nhưng nó cũng cảnh báo rằng có sự phân biệt giữa vật chất và sự đầy đủ về hình thức. Sự khác biệt là gì? Nói một cách đơn giản, đó là sự khác biệt giữa việc có một đống gạch đủ lớn để xây một ngôi nhà và có một ngôi nhà bằng gạch. Sự đầy đủ về vật chất có nghĩa là tất cả những viên gạch cần thiết để xây dựng giáo lý đều có trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, nó cũng dạy rằng vì ý nghĩa của Kinh Thánh không phải lúc nào cũng rõ ràng và đôi khi một giáo lý được ngụ ý hơn là rõ ràng, nên những thứ khác ngoài Kinh Thánh đã được các sứ đồ truyền lại cho chúng ta như: Truyền thống thiêng liêng (là cái cối giã chứa đựng các viên gạch với nhau theo đúng thứ tự và vị trí) và Huấn quyền hoặc thẩm quyền giảng dạy của Giáo hội (là cái bay trong tay của Người Thầy xây dựng). Tổng hợp lại, ba điều này — Sách Thánh, Thánh Truyền và Huấn Quyền — là đủ để biết lẽ thật được mặc khải của Đức Chúa Trời.13

 

 

Công Giáo La Mã không đơn độc trong việc khẳng định sự vô ngộ của thánh truyền cùng với Kinh Thánh. Timothy Ware, trong một tác phẩm phổ biến về Nhà thờ Chính thống, đã nói một cách cụ thể, “Các định nghĩa giáo lý của một Công đồng Đại kết là không thể sai lầm. Do đó, cái nhìn của Nhà thờ Chính thống, tuyên bố về đức tin do bảy hội đồng đưa ra, cùng với Kinh Thánh, là một thẩm quyền bền vững và không thể thay đổi.”14 Vì vậy, một số giáo lý của hội thánh được đặt cùng với Kinh Thánh là có thẩm quyền tối thượng ngang nhau.

Một số người Tin Lành ngày nay đang khuyến khích các Cơ đốc nhân dành một nơi tôn trọng hơn cho truyền thống. Họ chỉ ra một cách đúng đắn rằng những giáo lý lịch sử chính thống về các nguyên lý trung tâm của đức tin Cơ đốc có thể giúp bảo vệ giáo hội trước những nguy cơ tuân theo các chuẩn mực văn hóa phổ biến. Họ cũng hy vọng rằng sự cương quyết này sẽ mang lại sự đoàn kết hơn nữa trong một giáo hội bị rạn nứt trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa thế tục. Tuy nhiên, đôi khi họ cương quyết đánh giá cao truyền thống đến nỗi gần như làm mờ  nhạt địa vị độc tôn của Kinh Thánh là thẩm quyền tối thượng. Một ví dụ về điều này được nhìn thấy trong tác phẩm gần đây Tìm Lại Truyền Thống Và Đổi Mới Truyền Giáo, của Daniel H. Williams, một mục sư Báp-tít được phong chức. Ông này cũng giảng dạy về các giáo phụ và thần học lịch sử tại Đại học Loyola Chicago. Ông thường xuyên liên kết Kinh Thánh và các giáo phụ của Hội thánh đầu tiên lại với nhau như một thẩm quyền chuẩn mực cho các tín hữu. Ông đề cập đến “nền tảng duy nhất về tông đồ và giáo phụ.”15 Ông nói lần nữa: “Giống như Kinh Thánh, Thánh truyền của  giáo hội có nguồn gốc từ chính Đức Chúa Trời ba ngôi, đến với chúng ta từ  Cha, thông qua Con trong Thánh Linh. Kinh Thánh và Thánh truyền không phải là hai nguồn khác nhau của thẩm quyền và lẽ thật.”16 Có tuyên bố rằng “Thánh truyền ban đầu của giáo hội cung cấp cơ sở để xác định nền tảng của nó”17 nghe có vẻ gần giống với quan điểm của giáo hội Công giáo rằng nhà thờ là cần thiết để làm trung gian cho thẩm quyền của Kinh Thánh đối với các Cơ đốc nhân.

 

 

Chỉ Có Duy Nhất Kinh Thánh

Quan điểm thứ ba cho rằng Đức Thánh Linh bày tỏ quyền bính Ngài cho dân Ngài chỉ qua Kinh Thánh. Giáo lý Tin lành cổ điển này được gọi là Sola Scriptura  (Duy nhất Kinh Thánh) được nêu rõ trong Tuyên xưng Đức tin của các nhà thờ Pháp chịu ảnh hưởng của John Calvin vào năm 1559: “Chúng tôi tin rằng Lời trong những cuốn sách này đã đến từ Đức Chúa Trời, và đây là Kinh Thánh có thẩm quyền của Ngài, chứ không phải là sản phẩm của loài người. Và nó là quy luật của mọi lẽ thật, chứa đựng tất cả những gì cần thiết cho việc phụng sự Đức Chúa Trời và sự cứu rỗi của chúng ta. Con người hay thậm chí các thiên sứ cũng không được thêm vào, hay lấy đi hoặc thay đổi nó. Theo đó, không có thẩm quyền nào, dù là cổ xưa, hay tục lệ, hoặc những con số, hoặc sự khôn ngoan của loài người, hoặc những phán xét, hoặc tuyên ngôn, hoặc sắc lệnh, hoặc nghị định, hoặc hội đồng, hoặc khải tượng, hoặc phép lạ, không được chống lại những lời Kinh Thánh này, nhưng ngược lại, tất cả mọi thứ đó nên được kiểm tra, điều tiết và cải cách theo Kinh Thánh.”18

Thuật ngữ Sola Scriptura cũng đề cập đến sự đầy đủ của Kinh Thánh, nghĩa là Kinh Thánh chứa đựng tất cả lẽ thật cần thiết cho sự cứu rỗi và đời sống tâm linh. Đối với những người vô tín đang tìm kiếm sự chỉ dẫn, Ê-sai đã tuyên bố, “Một dân-tộc há chẳng nên cầu hỏi Đức Chúa Trời mình sao? Hãy theo luật pháp và lời chứng! Nếu dân chẳng nói như vậy, chắc sẽ chẳng có rạng-đông cho nó” (Ê-sai 8:19-20). Những lời này của Ê-sai là một câu nói yêu thích của John Wesley khi ông “tìm cách thực hiện mệnh lệnh của mình là mọi sự dạy dỗ phải được Kinh Thánh thử nghiệm.”19

Tương tự như vậy, Chúa Giê-su liên tục xem Kinh Thánh là thẩm quyền cuối cùng của Đức Chúa Trời. Để đáp lại lời yêu cầu của người đàn ông giàu có rằng ai đó từ cõi chết được sống lại để cảnh báo anh em của ông ta về sự phán xét của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su chỉ nhấn mạnh vào thẩm quyền và sự đầy đủ của Kinh Thánh. “Nếu không nghe Môi-se và các đấng tiên-tri, thì dầu có ai từ kẻ chết sống lại, chúng nó cũng chẳng tin vậy” (Lu-ca 16:31). Câu trả lời của Ngài đối với những người hỏi Ngài là minh chứng cho việc Ngài liên tục sử dụng Kinh Thánh như một vị thẩm phán tối cao của lẽ thật trong các cuộc đối đầu với họ: “Các ngươi lầm, vì không hiểu Kinh Thánh” (Ma-thi-ơ 22:29). Ngài đã nói về Kinh Thánh, “Ấy là Kinh-Thánh làm chứng về ta vậy” (Giăng 5:39).

Điều đáng kể nhất là những lần Chúa Giê-su bác bỏ những truyền thống đã được xây dựng xung quanh Kinh Thánh bởi các nhà lãnh đạo Do Thái giáo. Khi được hỏi vì sao các môn đồ theo Ngài “phạm lời truyền-khẩu của người xưa?” Chúa Giê-su đã trả lời rằng, “Còn các ngươi sao cũng vì cớ lời truyền-khẩu mình mà phạm điều-răn của Đức Chúa Trời? Như vậy, các ngươi đã vì lời truyền-khẩu mình mà bỏ lời Đức Chúa Trời.” (Ma-thi-ơ 15:2-3, 6). Sau đó, Chúa Giê-su trích dẫn những lời của Ê-sai, mà quở trách những người này vì “chúng nó dạy theo những điều-răn mà chỉ bởi người ta đặt ra” (15:7-9; xem thêm Mác 7: 5-13). Nhiều lần trong Bài giảng trên núi, Chúa Giê-su phán, “Các ngươi đã nghe … song ta nói cùng các ngươi ….” Chắc chắn Ngài đến đặng làm trọn vẹn luật pháp và các truyền thống tốt đẹp đã có từ lâu đời trong Kinh Thánh. Ngài dạy, “Các ngươi có nghe lời phán rằng: Hãy yêu người lân-cận, và hãy ghét kẻ thù-nghịch mình. Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù-nghịch, và cầu-nguyện cho kẻ bắt-bớ các ngươi” (Ma-thi-ơ 5:43-44).

Ngoài ra, các sứ đồ cũng tuyên bố Kinh Thánh như là tòa phúc thẩm cuối cùng của họ. Phao-lô gửi lời khen đến các tín đồ ở Bê-rê vì họ “ngày nào cũng tra xem Kinh Thánh, để xét lời giảng [lời giảng của Phao-lô] có thật chăng.” (Công vụ 17:11). Vị sứ đồ này cũng mong muốn rằng người Cô-rinh-tô “chớ vượt qua lời đã chép” (1 Cô-rinh-tô 4:6), nghĩa là chỉ nên sống đúng theo Kinh Thánh.20 Chỉ duy Kinh Thánh là đủ cho các tín đồ. Như Phao-lô đã viết thư gửi cho người con trai thuộc linh của mình, “từ khi con còn thơ-ấu đã biết Kinh-thánh vốn có thể khiến con khôn-ngoan để được cứu bởi đức-tin trong Đức Chúa Giê-su-Christ. Cả Kinh-Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn, có ích cho sự dạy-dỗ, bẻ-trách, sửa-trị, dạy người trong sự công-bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành” (2 Ti-mô-thê 3:15-17). Chrysostom, nhà thuyết giáo vĩ đại ở thế kỷ thứ tư và là một giáo phụ, đã diễn giải những lời của sứ đồ Phao-lô theo cách sau: “Con hãy xem Kinh Thánh như một người thầy, thay vì xem ta như thế; từ đó con có thể học bất cứ điều gì ngươi muốn biết”21

Dường như sẽ hợp lý rằng nếu xem các lời dạy của chức vụ sứ đồ có thẩm quyền, là lời mặc khải của Đức Chúa Trời nằm bên ngoài Kinh Thánh, thì chúng ta có thể mong đợi lời dạy của các tiên tri trong Cựu Ước cũng có thẩm quyền tương tự. Tuy nhiên, Tân Ước không đưa ra bằng chứng nào để xem lời dạy của các tiên tri mà không viết thành văn tự có thẩm quyền ngang bằng với Kinh Thánh. Trên thực tế, như chúng ta đã thấy, nó chỉ ra mối nguy hiểm khi đặt lời truyền khẩu bên ngoài Kinh Thánh ngang hàng với Lời được viết ra.

Sự thật là dân sự của Đức Chúa Trời phải vâng phục những lời dạy có thẩm quyền của các sứ đồ (và của các nhà tiên tri trong Cựu Ước), dù bằng văn tự hay lời nói. Vì vậy, Phao-lô khuyến khích các tín đồ tại Tê-sa-lô-ni-ca “Hỡi anh em, vậy thì hãy đứng vững, hãy vâng-giữ những điều dạy-dỗ mà chúng tôi đã truyền cho anh em, hoặc bằng lời nói, hoặc bằng thơ-từ của chúng tôi” (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:15; xem thêm 3:6; 1 Cô-rinh-tô 11:2). Ti-mô-thê đã truyền lại cho người khác những điều ông đã “nghe” từ sứ đồ Phao-lô, chứ không chỉ những điều ông đã đọc trong các thư tín của Phao-lô (2 Ti-mô-thê 2:2). Sự dạy dỗ ngay thẳng của các tiên tri hay sứ đồ đều có thẩm quyền, dù được nói hay viết, vì nó đang truyền đạt ý muốn của Đức Chúa Trời. Nhưng sau thời đại các sứ đồ, sự dạy dỗ duy nhất có thể được chứng thực giống như chức vụ các sứ đồ chính là những gì chúng ta có dưới dạng văn tự. Không có bằng chứng Kinh Thánh nào về sự kế thừa chức vụ của các sứ đồ. Chúng ta phải cảnh giác với những người đưa ra cách giải thích  Kinh Thánh và thêm cách giải thích đó vào việc phát triển các tín điều mà họ gán cho là không thể sai lầm. Những người được trao trọng trách chuyển giao truyền thống sứ đồ cho các thế hệ nối tiếp không bao giờ được gọi là “sứ đồ.” Thay vào đó, với tư cách là những người thầy và người rao giảng, họ phải trung thành công bố đức tin của các sứ đồ vốn “đã được truyền cho các thánh một lần đủ rồi” (Giu-đe 3). Do đó, lời của các sứ đồ tiếp tục được giảng dạy trong hội thánh thông qua Kinh Thánh có thẩm quyền chứ không phải trong cơ quan giảng dạy của giáo hội. Như Oscar Cullmann đã nói, “Các sứ đồ không thể có bất kỳ người kế vị nào có thể thay thế để làm người mang mặc khải cho các thế hệ mai sau, nhưng hầu hết đều tự mình tiếp tục hoàn thành chức vụ trong hội thánh ngày nay (lưu ý: trong hội thánh, chứ không phải nhờ hội thánh.) Lời của các sứ đồ được Chúa Giê-su đề cập trong Giăng 17:20, “kẻ sẽ nghe lời họ mà tin đến Con nữa.” Hay nói một cách khác:  lời thành văn của các sứ đồ được chúng ta tiếp nhận để đi đến chỗ tin cậy Chúa Giê-su.”22

Lẽ thật này được sinh ra từ sự công nhận của giáo hội về một quy điển Kinh Thánh (xem chương 13, đọc chú thích bên dưới). Khi xác định một quy điển khép kín của Kinh Thánh, nhà thờ đã phân biệt giữa sự mặc khải kinh điển và tất cả các truyền thống tiếp theo. Về bản chất, giáo hội cho rằng truyền thống tiếp theo phải vâng phục sự kiểm soát của Kinh Thánh.

Trên thực tế, đây là lời chứng của một số nhà lãnh đạo vĩ đại của hội thánh. Chắc chắn, đôi khi các giáo phụ đầu tiên nói về “quy tắc của đức tin” là truyền thống được giáo hội dạy, bởi vì vẫn chưa có “sự phân biệt rõ ràng giữa truyền thống truyền khẩu của các sứ đồ và các cuộn giấy chữ viết của các sứ đồ.” Tuy nhiên, vào giữa thế kỷ thứ hai, rõ ràng là các lời khẩu truyền của các sứ đồ, vốn đã được hội thánh thế hệ thứ nhất nghe thấy và truyền lại cho những người khác, đã trở nên bị ô nhiễm bởi các truyền thuyết không đáng tin cậy. Sau đó, Tân Ước là sách ghi lại những lời dạy của các sứ đồ, cùng với Cựu Ứớc, dần dần trở thành Quyển Sách có thẩm quyền quyết định duy nhất.

Những tuyên bố sau đây là ví dụ về nhân chứng lịch sử cho niềm tin vào học thuyết của Sola Scriptura. Athanasius, nhà thần học ở thế kỷ thứ tư, đã viết, “Quả thật, Kinh Thánh được Đức Chúa Trời hà hơi vào, có khả năng tự cung cấp cho việc rao giảng lẽ thật.”. Cyril (khoảng năm 315-387), giám mục của nhà thờ ở Jerusalem tuyên bố, “Liên quan đến các bí ẩn thiêng liêng của đức tin, không ít sách có thể được truyền lại mà không có trong Kinh Thánh …. Ngay cả đối với tôi hay bất cứ ai nói với bạn những điều này, đừng sẵn sàng chấp nhận, trừ khi bạn nhận được từ Kinh Thánh bằng chứng về những điều mà chúng tôi công bố. Sự cứu rỗi mà chúng ta tin thì không được chứng minh bằng lý luận khôn ngoan của con người mà là từ Kinh Thánh.” Augustine, có lẽ là nhà thần học có ảnh hưởng nhất, được cả Công Giáo và Tin Lành tôn trọng, đã viết, “Có một ranh giới rõ ràng ngăn cách tất cả các sản phẩm tiếp theo thời các sứ đồ khỏi các sách kinh điển có thẩm quyền của Cựu và Tân Ước. Trong vô số sách được viết ra sau này đôi khi chúng ta có thể tìm thấy lẽ thật giống như trong Kinh Thánh, nhưng chúng không có cùng một thẩm quyền. Kinh Thánh có một sự thiêng liêng riêng của chính nó.” Ngay cả nhà thần học Công giáo vĩ đại thế kỷ mười ba, Thomas Aquinas, cũng tin tưởng rõ ràng vào Sola Scriptura. Ông tuyên bố rằng “chúng tôi chỉ tin những người kế vị các sứ đồ và tiên tri khi họ nói với chúng tôi những điều mà các sứ đồ và tiên tri đã viết lại trong các quyển sách của họ.”

Chúng ta đã thấy rằng thuật ngữ Sola Scriptura có nghĩa là Kinh Thánh là thẩm quyền cuối cùng và tối thượng dành cho các tín nhân, và rằng Kinh Thánh là đủ cho sự cứu rỗi và sự sống của Cơ đốc nhân. Ý nghĩa thứ ba của Sola Scriptura là sự rõ ràng của Kinh Thánh (đôi khi được gọi là sự minh bạch). Điều này có nghĩa là những tín đồ bình thường có thể hiểu Kinh Thánh và áp dụng nó trong cách sống để vâng phục Chúa. Mọi người không cần những thông dịch viên đặc biệt nào để giải thích cho họ biết điều gì là lẽ thật.

Một ví dụ thú vị về sự thật này là những người ở thành Bê-rê. Sau khi Phao-lô và Si-la rao giảng phúc âm ở đó, thái độ của họ là: “những người nầy có ý hẳn hoi hơn người Tê-sa-lô-ni-ca, đều sẵn lòng chịu lấy đạo, ngày nào cũng tra xem Kinh Thánh, để xét lời giảng có thật chăng” (Công vụ 17:11). Những người Bê-rê có thể hiểu được sự công bố của phúc âm được rao giảng cho họ, nhưng họ cũng có thể hiểu được Kinh Thánh được viết trước đó và đánh giá xem liệu sứ điệp của các sứ đồ có phù hợp với Kinh Thánh hay không. Không có lý do gì để tin rằng các bức thư của các sứ đồ vẫn phải áp dụng theo cách này. Hầu hết các thư tín của Tân Ước không được gửi đến các nhà lãnh đạo hội thánh, mà cho toàn thể hội thánh, phù hợp với suy nghĩ rằng chúng có thể được tất cả mọi thành viên trong hội thánh hiểu. Thư tín của Phao-lô được “gửi cho hết thảy các thánh đồ trong Đức Chúa Giê-su Christ, ở thành Phi-líp, cùng cho các giám mục và các chấp sự” (Phi-líp 1:1; cũng xem Ga-la-ti 1:2; 1 Côr. 1:2).  Như lời chú thích của Phao-lô cho các tín hữu ở Cô-lô-se chỉ ra rằng, những thư tín của ông được nơi nhận đọc, rồi sau đó phải được chuyển tiếp cho các hội thánh khác đọc: “Anh em đọc thơ nầy rồi, hãy đưa cho Hội-thánh Lao-đi-xê đọc với, anh em cũng phải đọc thơ ở Lao-đi-xê gởi đến nữa” (Cô-lô-se 4:16).  Vị sứ đồ tin rằng các thư tín của ông gửi đến thì hội thánh có thể hiểu được, điều đó được thể hiện trong những lời này: “Vì chúng tôi chẳng viết cho anh em sự gì khác hơn những điều anh em đọc trong thơ chúng tôi và chính mình anh em nhận biết; và tôi lại mong anh em nhận biết cho đến cuối-cùng” (2 Cô-rinh-tô 1:13).

Tương tự như vậy, Cựu Ước nhấn mạnh trách nhiệm của các tín nhân là đọc và hiểu Kinh Thánh. Mọi người phải có khả năng hiểu được Lời Chúa khi Môi-se truyền cho họ, “Khá ân-cần dạy-dỗ điều đó cho con-cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy” (Phục truyền. 6:7). Chắc chắn mọi tín nhân chân thật đều “lấy làm vui-vẻ về luật-pháp của Đức Giê-hô-va” và “suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm” (Thi Thiên 1:2).

Dĩ nhiên, những bằng chứng về sự hiểu biết rõ ràng Kinh Thánh của dân sự Chúa cũng sẽ không phủ nhận vai trò của những người thầy giữa vòng họ là giúp mọi người hiểu biết rõ hơn về Lời Đức Chúa Trời. Nhưng không có một dấu hiệu nào trong Kinh Thánh xác định rằng bất kỳ cá nhân nào cũng phải phụ thuộc vào một người thầy có thẩm quyền  để hiểu được lẽ thật cơ bản của Kinh Thánh. Ở đây không có lời biện hộ nào mà một người nào đó có thể nói với Chúa trong ngày phán xét cuối cùng, “Tôi đã không vâng theo Lời Ngài bởi vì Ngài đã khiến tôi phải phụ thuộc vào một người thầy và ông ấy đã dạy tôi một cách sai trái.” Trên thực tế, bằng chứng cụ thể cho sự rõ ràng của Lời Đức Chúa Trời được thấy trong việc Phao-lô quở trách các tín đồ Ga-la-ti vì đã nghe các giáo sư giả, và mạng lệnh của ông truyền cho họ là từ chối “bất cứ người nào” (kể cả chính ông) “truyền cho anh em một tin-lành nào khác với Tin-lành anh em đã nhận” (Ga-la-ti 1:9).

 

 

Phần kết luận

Với niềm tin rằng chỉ Kinh Thánh là thẩm quyền cuối cùng của tín đồ là điều cốt yếu đối với Cơ đốc giáo. Vì chỉ khi thẩm quyền của Kinh Thánh có chỗ đứng tối cao hơn thẩm quyền của cá nhân và ngay cả nhà thờ, thì chúng ta mới có thể thực sự được giải quyết bằng Lời Chúa chứ không phải lời của chính mình.

Như một số người tin rằng, có sự kế thừa ở sứ đồ, điều đó tiếp tục diễn ra trong suốt lịch sử Hội thánh với ân tứ giảng dạy đúng đắn như các sứ đồ ban đầu – những trước giả đã viết Kinh Thánh, thì sự dạy dỗ của Hội Thánh tự nó trở thành Lời mặc khải của Đức Chúa Trời. Hội Thánh không còn đứng dưới Ngôi Lời, nhưng thay vào đó Hội Thánh nói chính Ngôi Lời. Những nhận xéat sau đây của Rudolph J. Ehrlich về lập trường của Giáo hội Công giáo La Mã trong vấn đề này giúp làm sáng tỏ tình huống sau. “Sự giải thích của thẩm phám về Lời Đức Chúa Trời được Đức Thánh Linh trợ giúp ngăn  không cho phép sai lầm, khiến câu hỏi ai có thẩm quyền đối với ai [Giáo hội hay Lời Chúa] trở nên vô ích vì trong hệ thống La Mã, vấn đề này không thực sự nảy sinh. Điều quan trọng hơn nhiều là câu hỏi liệu có sự đồng nhất gần như của Truyền thống (và Kinh Thánh thuộc về Truyền Thống và chứa đựng nó theo một cách đặc biệt) với toàn bộ bản thể, giáo huấn và hành động của Giáo hội không có nghĩa là sau cùng không phải Truyền Thống (theo bất kỳ nghĩa nào của thuật ngữ) hay Thánh Kinh là nguồn của mặc khải mà là chính Giáo hội. Trong mọi trường hợp, làm sao Thánh Kinh có thể đứng trước Giáo hội với tư cách là bề trên của nó và phán xét Giáo hội, khi toàn bộ bản thể, sự dạy dỗ và hành động của Giáo hội được đánh đồng với Truyền thống mà Thánh Kinh thuộc về?” 28

Chỉ khi nào sự khác biệt giữa công việc của Đức Thánh Linh trong sự soi dẫn của Kinh Thánh được công nhận là khác với công việc của Ngài trong chức vụ giảng dạy của hội thánh, thì hội thánh mới có thể nghe một lời từ Chúa hơn là tiếng nói của chính mình.29 John Calvin viết rằng chúng ta phải phân biệt giữa các sứ đồ và những người kế vị họ. Ông nói, các sứ đồ, “là những người ghi chép chắc chắn và chân thật của Đức Thánh Linh, và do đó, các tác phẩm của họ được coi là lời tiên tri của Đức Chúa Trời; nhưng nhiệm vụ duy nhất của những người khác là giảng dạy những gì được cung cấp và niêm phong trong Kinh Thánh.” 30

Việc công nhận thẩm quyền cuối cùng của Kinh Thánh không phủ nhận giá trị của sự dạy dỗ từ hội thánh và các sắc lệnh của các công đồng lịch sử. Hội thánh được kêu gọi trở thành “trụ và nền của lẽ thật” (1 Ti-mô-thê 3:15), để giảng dạy và duy trì lẽ thật của Đức Chúa Trời, nhưng đồng thời hội thánh vẫn ở dưới quyền của Kinh Thánh. Sự dạy dỗ của Hội thánh phải luôn được đánh giá dựa trên lẽ thật của Kinh Thánh, vì lịch sử cho thấy rõ ràng rằng sự dạy dỗ đó không phải lúc nào cũng phù hợp với Kinh Thánh. Ngay cả các tác phẩm của các tổ phụ thời kỳ hậu môn đồ đầu tiên, những người mà vì sự gần gũi của họ với các sứ đồ nên thường được coi là mang cho chúng ta Cơ đốc giáo chuẩn mực, thì tác phẩm của họ cũng phải được công nhận là khác với Kinh Thánh. Đề cập đến học thuyết quan trọng nhất về sự cứu rỗi, một học giả gần đây nói, “Mặc dù những tác giả này [các tổ phụ của môn đồ] có tính liên tục lịch sử chặt chẽ với Tân Ước, nhưng giờ đây chúng ta bước sang một thế giới khác.” Thế giới này là của các tác giả hội thánh đầu tiên bao gồm “những quan điểm không rõ ràng về tội lỗi và sự cứu chuộc.” 31

Chỉ khi Kinh Thánh được coi là Lời không thể sai lầm của Đức Chúa Trời và có thẩm quyền cuối cùng đối với suy nghĩ, cảm xúc và hành động của chúng ta, thì chúng ta mới có thể thực sự sống theo Lời Chúa. Chỉ qua một Lời khách quan, là đáp ứng nhu cầu của chúng ta, thì Chúa  mới có thể thực hiện uy quyền lãnh đạo của Ngài trên chúng ta.

 

HIỂU BIẾT THÔNG ĐIỆP CỦA KINH THÁNH

Kinh Thánh chỉ có thể có vị trí đúng đắn trong cuộc sống của chúng ta nếu chúng ta hiểu thông điệp của Kinh Thánh. Vì vậy, chúng ta thấy trước giả Thi-thiên đang cầu nguyện lặp đi lặp lại, “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin chỉ dạy tôi con đường luật lệ Chúa… Xin hãy ban cho tôi sự thông sáng, thì tôi sẽ vâng theo luật pháp Chúa” (Thi Thiên 119:33-34; xin xem thêm 119:12, 26-27, 64, 66, 73, 108, 124-125, 135, 144, 171). Cuối cùng chính Đức Chúa Tời “dạy sự tri-thức cho loài người” (94:10). Nhưng cùng với việc cầu xin sự chỉ dẫn của Chúa, trước giả Thi thiên cũng đã tích cực tham gia vào Lời, suy gẫm về Lời ấy (119: 15, 48, 78, 99) và siêng năng xem xét Lời ấy (119: 95). Việc hiểu biết đúng đắn về Kinh Thánh, qua đó Đức Chúa Trời thông tri chân lý sống của Ngài, bao gồm cả hoạt động của Đức Chúa Trời và của chính chúng ta.

 

Chức vụ Giảng dạy về Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời

Sự cần thiết của chức vụ giảng dạy của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời và lẽ thật của Ngài chỉ có thể được tiết lộ bởi Đức Chúa Trời. Vì nó vượt qua sự suy nghĩ của con người, liên quan đến “sự mắt chưa thấy, tai chưa nghe, và lòng người chưa nghĩ đến,” (1 Cô-rinh-tô 2:9). Thông qua sự mặc khải và sự soi dẫn, Đức Chúa Trời truyền đạt lẽ thật của Ngài cho chúng ta một cách khách quan, đưa nó vào lĩnh vực lịch sử nhân loại. Nhưng chính Ngài cũng phải nói lời đó với tâm hồn chúng ta, vì sự giao tiếp cá nhân với người khác cuối cùng là Thánh Linh với linh con người, trong trường hợp này là Thánh Linh của Đức Chúa Trời với linh của chúng ta. Được tạo ra theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, chúng ta được tạo dựng để tương giao với Đức Chúa Trời. Sự hiện diện của tội lỗi trong cuộc sống của chúng ta chỉ đơn giản khiến chúng ta càng phải bắt buộc điều chỉnh tâm hồn mình để nghe Thánh Linh của Đức Chúa Trời. (Về những ảnh hưởng của tội lỗi đối với sự hiểu biết thuộc linh của chúng ta, xin xem 2 Cô-rinh-tô 4:3-4; Ê-phê-sô 4:18; và Hê-bơ-rơ 5:11).

Chức vụ của Thánh Linh được sứ đồ Phao-lô bày tỏ rõ ràng trong 1 Cô-rinh-tô 2:11-13. “Vả, nếu không phải là thần linh trong lòng người, thì ai biết sự trong lòng người? Cũng một lẽ ấy, nếu không phải là Thánh Linh của Đức Chúa Trời, thì chẳng ai biết sự trong Đức Chúa Trời. Về phần chúng ta… Thánh Linh từ Đức Chúa Trời đến, hầu được hiểu biết những ơn mà chúng ta nhận lãnh bởi Đức Chúa Trời; chúng ta nói về ơn đó… cậy sự khôn ngoan… Đức Thánh Linh đã dạy.” Vị sứ đồ công bố sứ điệp bằng những lời do Thánh Linh dạy, và chỉ nhờ chính Thánh Linh mà những người nghe ông mới có thể “hiểu biết những ơn mà chúng ta nhận lãnh bởi Đức Chúa Trời.”

Bản chất chức vụ giảng dạy của Thánh Linh. Khi chúng ta nói về chức vụ giảng dạy hoặc sự soi sáng của Đức Thánh Linh, là chúng ta đang bước vào một lẽ thật quan trọng và một lẽ thật vẫn còn được kết hợp một cách sai lầm với nhau hoặc tách thành hai. Việc chuyển đổi các từ ngữ là trường hợp có thể dễ dàng xảy ra sai lầm, như đã xảy ra trong 2 Sa-mu-ên 8:17, nơi A-hi-mê-léc được cho là con trai của A-bia-tha trong khi 1 Sa-mu-ên 22:20 thì ngược lại – A-bia-tha là con trai của A-hi-mê-léc.

Chính hình thức của các tài liệu được viết bằng tay bởi các cá nhân khác nhau làm tăng thêm khó khăn trong việc tạo ra các bản sao hoàn chỉnh. Ví dụ, một số chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Do Thái có mặt chữ khá giống nhau. Trong chữ viết tay, có thể dễ dàng nhầm lẫn một số chữ cái, nhiều khi chữ “r” và “n” đôi khi rất khó phân biệt trong chữ viết tay của một số nhà văn nói tiếng Anh. Mặc dù các con số được viết bằng chữ trong văn bản tiếng Do Thái của chúng ta, nhưng có bằng chứng về hệ thống dấu hiệu các con số ban đầu trong thời kỳ Cựu Ước. Các nét dọc được sử dụng để biểu thị các chữ số và các nét ngang để biểu thị hàng chục, được viết một bên nằm trên một số khác cho bội số của mười. Trong một hệ thống thập phân như vậy, có thể dễ dàng thấy những sai lầm vô ý có thể được xảy ra như thế nào ngay cả khi chúng ta có thể dễ dàng bỏ đi hoặc thêm số 0 vào một số lớn. Tiếp đến, các ký tự trong bảng chữ cái cũng được sử dụng cho các con số, do đó khiến các con số có thể bị sao chép một cách sai lầm vì một chữ cái này bị nhầm lẫn với chữ cái khác trong một tài liệu bị mòn hoặc nhòe. 27

Một ví dụ rõ ràng được tìm thấy trong các con số được ghi lại trong 2 Các Vua 24: 8 và 2 Sử Ký 36: 9. Theo lời kể của sách Các Vua, Giê-hô-gia-kin trở thành vua khi mới mười tám tuổi và trị vì ba tháng trước khi bị bắt. Tuy nhiên, câu kinh văn trong Sử Ký cho biết rằng ông ấy chỉ mới tám tuổi khi ông ấy bắt đầu trị vì và ông ấy đã trị vì ba tháng mười ngày. Đây rõ ràng là một mâu thuẫn do lỗi của người sao chép. Vì số mười tám được viết bằng tiếng Do Thái là “tám” và “mười”, có vẻ như rõ ràng là “mười” đã bị đặt sai vị trí. Chính xác là nó đã được nối với tám trong Các Vua – tạo thành mười tám – nhưng nó đã bị bỏ qua trong Sử Ký và được chép là sau mười ngày. Trên thực tế, một số bản dịch tiếng Hy Lạp và tiếng Syriac của 2 Sử ký 36:9 ghi lại rằng Giê-hô-gia-kin mới mười tám tuổi, như trong 2 Các Vua 24:8.

Trong một số trường hợp, việc sao chép được thực hiện bởi người ghi chép khi người khác đọc to văn bản. Vấn đề ở đây là một số từ nghe giống nhau khi phát âm bằng lời nói, nhưng lại có cách viết và nghĩa khác nhau (ví dụ, “weigh (cân nặng)” với “way (cách thức)”; hay “there (đó)” và “their (của họ)”) những trường hợp này cũng có trong tiếng Do Thái và tiếng Hy Lạp và sai lầm này có thể dễ dàng giải thích vì một số lỗi sao chép.

Hầu hết các sai lệch được phát hiện trong Kinh Thánh liên quan đến tên, ngày tháng hoặc con số. Đây là những đối tượng dễ dẫn đến những sự bại hoại nhất vì chúng không thể được xác định từ bối cảnh. Đó là, “tên, ngày tháng và con số cụ thể là những mục không thể được nói trước về mặt ngữ pháp trong một câu, hoặc không thể nhớ được bởi thứ tự từ hoặc ý nghĩa chung.”28 Ví dụ, nếu chúng ta đang ghi chép lại một câu chứa tên thị trưởng của một thành phố, chúng ta có thể dễ dàng viết “Joe” thành “John” nếu chúng ta không biết ông ấy. Cả hai đều phù hợp với câu văn. Mặt khác, nếu chúng ta đang ghi chép một câu nói về nữ hoàng, chúng ta sẽ không viết “Joe” hoặc “John” bởi vì chúng ta sẽ cảm nhận được điều gì đó phi logic ngay lập tức và kiểm tra lại những gì chúng ta đang viết. Điều này cũng tương tự với các con số và ngày tháng. Chúng ta có thể dễ dàng viết năm 1046 thay vì 1064 cho một sự kiện mà bản thân chúng ta không hề quen biết. Nhiều sai sót trong việc truyền tải các tài liệu Cựu Ước nằm trong những lĩnh vực này không có ý nghĩa cụ thể đối với người sao chép. Mặc dù vậy, so với hầu hết các tác phẩm cổ có độ dài đáng kể khác, Kinh Thánh chứa đựng tương đối ít câu hỏi ngay cả trong những lĩnh vực này.29

 

Vấn đề khoa học

Hầu hết những vấn đề được gọi là khoa học trong Kinh Thánh đều bắt nguồn từ cách tiếp cận thực tế loại trừ siêu nhiên. Phép màu bị bác bỏ như quan điểm huyền thoại vì chúng mâu thuẫn với các quy luật tự nhiên. Tuy nhiên, khi sự tồn tại của Đức Chúa Trời được chấp nhận, chúng ta không có lý do chính đáng nào để phủ nhận sự can thiệp siêu nhiên của Ngài vào sự sáng tạo của Ngài theo ý muốn của Ngài. Để nhấn mạnh rằng điều mà Kinh Thánh gọi hoạt động của ma quỷ là mê tín dị đoan dựa trên niềm tin vào các tiền giả định chưa được chứng minh và không dựa trên khoa học chân chính.

Vì sự tiến hóa chưa bao giờ được chứng minh một cách khoa học, nên không có cơ sở nào để đánh giá Kinh Thánh bằng việc dựa trên cuộc sống của tất cả các tín đồ về sức khỏe và sự tăng trưởng thuộc linh để cho thấy rằng mọi tín đồ có thể hiểu được những lời dạy cơ bản của Kinh Thánh. Những lẽ thật ban đến sự sống của Đức Chúa Trời trong Lời Ngài giống như kho tàng của sự khôn ngoan, mà Sa-lô-môn đã nói: “Nếu con tìm nó như tiền-bạc, và kiếm nó như bửu vật ẩn bí, bấy giờ con sẽ hiểu biết sự kính sợ Đức Giê-hô-va, và tìm được điều tri thức của Đức Chúa Trời” (Châm Ngôn 2:4-5). Sự hiểu biết về Lời Đức Chúa Trời được ban phát ra cho tất cả những ai sẵn sàng nỗ lực tìm kiếm và khai thác Lời Đức Chúa Trời. Nếu không có cố gắng thì sẽ hoàn toàn đi vào cuộc tranh luận về việc giải thích Kinh Thánh, những nguyên tắc chung sau đây rất hữu ích mà bạn cần ghi nhớ khi theo đuổi nhiệm vụ quan trọng nhất là hiểu được lẽ thật về sự sống trong Kinh Thánh.

Cách diễn giải tự nhiên. Đức Chúa Trời đã soi dẫn các tác giả Kinh Thánh viết bằng ngôn ngữ bình thường của con người, chứ không phải bằng một thứ ngôn ngữ khó hiểu nào đó mà chúng ta cần chìa khóa để mở ra ý nghĩa. Như mọi ngôn ngữ của loài người, chúng ta nắm bắt được thông điệp của Kinh Thánh bằng cách chú ý lắng nghe ý nghĩa của các từ và mối quan hệ của chúng trong câu. Cũng như trong ngôn ngữ thông thường, Kinh Thánh sử dụng các từ theo nhiều nghĩa bóng như mô phỏng, ẩn dụ, cường điệu và ngụ ngôn. Khi tìm cách phân biệt nghĩa đen với nghĩa bóng, chúng ta phải sử dụng tất cả sự dạy dỗ của Kinh Thánh cũng như kiến thức của chúng ta về thế giới về chúng ta để không loại trừ điều siêu nhiên trong sự hiểu biết của chúng ta về thực tại. Chẳng hạn, khi Kinh Thánh đề cập đến việc Đức Chúa Trời cưỡi trên một chê-ru-bim (2 Sa-mu-ên 22:11), chúng ta không nên vội vàng kết luận rằng chê-ru-bim có nghĩa bóng chỉ đơn giản là vì chúng ta chưa có trải nghiệm về chê-ru-bim.

Các nhà văn cũng vậy mỗi cuốn sách họ viết đều nằm trong một bối cảnh lịch sử và văn hóa nhất định, nhằm mục đích để người đọc hiểu những gì họ đã viết. Vì vậy bằng mọi cách chúng ta phải đặt mình vào vị trí của những người viết và những người đọc ban đầu của sách Kinh Thánh càng nhiều càng tốt. Đôi khi, việc tìm kiếm sự trợ giúp về bối cảnh lịch sử của một văn tự có thể hữu ích, nhưng phần lớn ý nghĩa của văn tự có thể được xác định bằng cách nghiên cứu cẩn thận và so sánh với các phần khác của Kinh Thánh.

Cách diễn giải tình huống. Kinh Thánh là bản ghi chép về sự tác động của Đức Chúa Trời với dân Ngài trong lịch sử, kéo dài nhiều thế kỷ. Khi kế hoạch cứu chuộc của Ngài mở ra, liền có sự tiến triển liên quan đến sự thay đổi. Ví dụ, Luật pháp Môi-se với nhiều quy định pháp lý đã kết thúc với Đấng Christ (Ga-la-ti 3:24-25). Vì vậy, khi tiếp cận bất kỳ đoạn văn nào, điều quan trọng là phải hỏi: Đoạn văn này được viết cho ai? Tất cả các sách trong Kinh Thánh đều có ý nghĩa và mang lại lợi ích cho chúng ta ngày nay trong việc hiểu biết Đức Chúa Trời và mối quan hệ của Ngài với chúng ta. Nhưng cũng như trong các điều răn chi tiết của Luật pháp Môi-se, mọi sự bày tỏ không thể áp dụng cho chúng ta ngày nay theo cùng một cách mà sự bày tỏ đó đã được nói với những người mà chính sự bày tỏ đã giải quyết trước khi công việc của Đấng Christ hoàn thành.

Chúng ta cũng phải đặt câu hỏi liệu một chỉ dẫn nào đó được dự định là phổ cập (cho mọi người tại mọi thời điểm) hay liệu nó là một biểu hiện cụ thể, có giới hạn trong thời gian đó của một nguyên tắc phổ quát. Chẳng hạn, chúng ta có tuân theo mệnh lệnh của sứ đồ là “Hãy lấy cái hôn thánh mà chào hết thảy anh em” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:26) không? Kiến thức về các phong tục khác nhau trong thời điểm của Kinh Thánh và cách chúng liên quan đến các lẽ thật thuộc linh nói chung sẽ giúp chúng ta phân loại các biểu hiện văn hóa khỏi lẽ thật vĩnh cửu mà Đức Chúa Trời đang truyền đạt.

Cách diễn giải toàn diện. Thomas Watson, giáo sư của Thanh giáo, đã chỉ ra có lẽ nguyên tắc quan trọng nhất để hiểu Kinh Thánh khi ông nói, “Kinh Thánh là người thông dịch chính nó, hay đúng hơn là Thánh Linh nói trong đó. Không gì có thể cắt được viên kim cương ngoài viên kim cương; không gì có thể giải thích Kinh Thánh ngoài Kinh Thánh.”33

Mặc dù được viết bởi nhiều trước giả con người qua nhiều thế kỷ, nhưng Kinh Thánh vẫn là một tổng thể hài hòa thống nhất, bởi vì nó được viết đồng thời bởi tác giả là Thần lẽ thật duy nhất. Vì vậy, các phần khác nhau của Kinh Thánh không tồn tại một cách biệt lập; chúng là một phần của toàn bộ sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Vì vậy, mỗi phần nên được giải thích là liên quan đến toàn bộ Kinh Thánh. Chẳng hạn, việc Chúa Giê-su cấm chúng ta đoán xét người khác (Ma-thi-ơ 7:1) phải được hiểu là liên quan đến sự dạy dỗ của Ngài về kỷ luật hội thánh (18:15-17). Sự thống nhất của Kinh Thánh được biểu hiện ở kiến thức về các tác phẩm trước đó thường giúp hiểu được các tác phẩm sau này. Và nhiều điều được bày tỏ trước đó được phát triển đầy đủ hơn khi chương trình cứu rỗi lịch sử của Đức Chúa Trời được mở ra.

Cách giải thích của thần học. Sự hiểu biết ngay thật về Kinh Thánh cũng đòi hỏi chúng ta phải liên tục ghi nhớ những lời của Chúa chúng ta, cách cụ thể, sự thật như Chúa Giê-su đã nói, “Kinh Thánh… làm chứng về Ta” (Giăng 5:39). Do đó, sự giải thích đúng đắn về một đoạn văn sẽ hòa hợp với sự mặc khải của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ và sẽ cho chúng ta biết điều gì đó về Ngài và công việc của Ngài. Vì “mọi kho tàng của sự khôn ngoan và tri thức” đều được cất giấu trong Đấng Christ (Cô-lô-se 2:2-3, VIE2010).

Cách giải thích tương hổ. Bởi vì tất cả chúng ta đều có thể sai lệch và mang theo nền tảng văn hóa của mình với những quan điểm hạn chế và đôi khi sai lầm, sự hỗ trợ lẫn nhau của các tín đồ khác rất có giá trị trong việc tìm hiểu Kinh Thánh. Vì vậy, sứ đồ đã tuyên bố: “Cũng hãy để lời của Đấng Christ sống sung mãn trong lòng anh em; hãy dùng tất cả sự khôn ngoan để dạy và khuyên bảo nhau” (Cô-lô-se 3:16, VIE2010). Điều này bao gồm việc lắng nghe những giáo viên có năng khiếu trong hội thánh của chúng tôi cũng như học hỏi từ những giáo viên tài năng mà Đức Chúa Trời đã ban cho hội thánh trong suốt nhiều thế kỷ. Sự hiểu biết tốt nhất về Kinh Thánh có nhiều khả năng đến từ các học viên Kinh Thánh mài giũa từng thứ hơn là từ các thông dịch viên được xem như là “kỵ binh cô độc”.

Rõ ràng là bất cứ điều gì cũng đòi hỏi thời gian và nỗ lực học tập hơn là sự hiểu biết hời hợt về Kinh Thánh. Nhưng nếu chúng ta có một bức thư từ một người mà chúng ta yêu quý, ngay cả khi nó được viết bằng một ngôn ngữ khác, chúng ta vẫn sẽ cố gắng hết sức để hiểu nội dung của nó. Bản chất của Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời và biết lẽ thật đem lại sự sống cho cuộc sống của chúng ta chắc chắn sẽ khiến chúng ta phải nỗ lực rất nhiều.34

 

SỬ DỤNG KINH THÁNH NHƯ UY QUYỀN CỦA CHÚNG TA

Điều mà người ta tin chắc chắn sẽ chứng tỏ chính nó trong cuộc sống này, “hãy gìn giữ [tấm lòng] của con, vì [các nguồn] sự sống xuất phát từ đó.” (Châm ngôn 4:23, NVB). Được nhận biết kho tàng thiêng liêng mà Chúa chúng ta đã ban cho chúng ta trong Lời của Ngài, chúng ta nên bày tỏ lẽ thật của Kinh Thánh cả trong cộng đồng dân sự của Đức Chúa Trời và trong đời sống cá nhân của chúng ta.

 

 

Lời Chúa trong Hội thánh                                                    

Julius Wellhausen là một nhà phê bình Kinh Thánh người Đức, người cách đây gần một thế kỷ đã phá hoại khái niệm về nguồn cảm hứng của Kinh Thánh thông qua quan điểm của ông về Ngũ kinh như một tổng hợp của các truyền thống cũ. Tuy nhiên, ông nhận ra rõ ràng tầm quan trọng của việc coi trọng thẩm quyền của Kinh Thánh trong chức vụ của hội thánh. Vì vậy, ông đã từ chức tại Khoa Thần học ở Griefswald, Đức, và đưa ra lời giải thích sau đây trong lá thư từ chức: “Tôi trở thành nhà thần học bởi vì tôi quan tâm đến cách xử lý khoa học của Kinh Thánh; điều đó khiến tôi dần dần nhận ra rằng một giáo sư thần học cũng có nhiệm vụ thực tế là trang bị cho sinh viên để phục vụ trong Giáo hội Tin Lành, và tôi đã không hoàn thành nhiệm vụ thực tế này, nhưng đúng hơn, bất chấp tất cả sự dự trù về phía tôi, tôi đã bất lực trước những người nghe tôi với văn phòng của họ.”35

Nếu chúng ta tin rằng Kinh Thánh là sự mặc khải trơ trọi về lẽ thật cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho nhân loại, thì chúng ta phải dành cho Kinh Thánh một vị trí trung tâm trong cộng đồng dân sự của Đức Chúa Trời. Và đây chính xác là những gì chúng ta tìm thấy trong Kinh Thánh. Như sự thờ phượng của dân Y-sơ-ra-ên bắt đầu bằng việc nghe Đức Chúa Trời (“Hỡi Y-sơ-ra-ên, hãy nghe!” Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4), nên sự thờ phượng của hội thánh bắt đầu bằng việc lắng nghe tiếng Chúa qua Lời Ngài. Vì vậy, các tín đồ ban đầu đã “bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ” (Công vụ 2:42). Lời quan trọng đến nỗi sự phát triển của hội thánh về cơ bản là tương đồng với sự lớn mạnh trong Ngôi Lời: “Đạo Đức Chúa Trời càng ngày càng tràn ra, số môn đồ tại thành Giê-ru-sa-lem thêm lên nhiều lắm. Cũng có rất nhiều thầy tế-lễ vâng-theo đạo nữa.” (6:7; xem thêm 12:24; 19:20). C. E. B. Cranfield không nói quá trường hợp này khi ông kết luận rằng “việc nghe Lời Chúa, nghe những gì Chúa của hội thánh muốn nói với hội thánh của mình trong tình hình thực tế hiện tại, là nhiệm vụ chính yếu của hội thánh.”36

Các tín đồ trong hội thánh đầu tiên đã nghe Lời Đức Chúa Trời khi Lời được đọc công khai và được rao giảng. Phao-lô buộc Ti-mô-thê, một mục sư trẻ tuổi, phải “Hãy chăm-chỉ đọc sách, khuyên-bảo, dạy-dỗ, cho đến chừng ta đến.” (1 Ti-mô-thê 4:13). Như đã nói trước đó, sứ đồ mong muốn các lá thư của mình được đọc công khai trong các hội thánh (Cô-lô-se 4:16; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:27). Sách Khải Huyền cũng được đọc một cách công khai, vì nó đề cập đến “cùng những kẻ nghe” nó (Khải huyền 1: 3). Việc đọc Kinh Thánh công khai thừa nhận tầm quan trọng của chúng, đồng thời tạo ra tác động khi người ta lắng nghe một cách cẩn thận và chăm chú vào những lời nói, thực tế là lời của Đức Chúa Trời.

Việc rao giảng và dạy Lời cũng có ý nghĩa trong đời sống hội thánh theo Kinh Thánh. Nhiệm vụ của người rao giảng không chỉ là công bố Lời, mà còn giúp dân chúng đáp lại Lời ấy bằng cách áp dụng Lời ấy vào những nhu cầu khác nhau của họ. Nếu Kinh Thánh hoạt động như Lời có thẩm quyền của Đức Chúa Trời trong việc rao giảng, thì Kinh Thánh không thể chỉ được sử dụng như một nguồn tài liệu để người thuyết giảng nói những gì họ nghĩ rằng dân chúng cần nghe hoặc những gì họ muốn nghe. Thay vào đó, nó có nghĩa là lắng nghe Kinh Thánh để hiểu những gì Đức Chúa Trời biết dân chúng cần. Ai đó đã nói rõ rằng nhiệm vụ của người rao giảng là giảng giải Kinh Thánh theo cách mà trên thực tế, Chúa của hội thánh đang tổ chức một cuộc trò chuyện với dân sự của Ngài. Mặc dù các phương pháp rao giảng hoặc phong cách truyền tải cụ thể có thể được mở để đánh giá, nhưng niềm tin vào Kinh Thánh là phương tiện mà Đức Chúa Trời phán Lời cứu rỗi của Ngài cho thế giới và cho dân sự của Ngài khiến cho việc công bố và nghe Kinh Thánh có tầm quan trọng tối cao đối với giáo hội.

 

Lời Chúa trong đời sống cá nhân

Sự tăng trưởng thuộc linh và sức khỏe chỉ có thể nhận được khi chúng ta ăn nuốt Lời Đức Chúa Trời thường xuyên, ngoài việc nghe Lời Đức Chúa Trời được rao giảng trong nhà thờ. Đối với nhiều tín đồ, đây là một nhiệm vụ khó khăn. Thời gian của chúng ta bị lấp đầy với các hoạt động khác. Nhưng điều gì quan trọng hơn là nuôi dưỡng cuộc sống của chúng ta bằng những lời biến đổi cuộc sống của Đức Chúa Trời? Một số thì có sự cố gắng, thường xuyên dành thời gian cho Kinh Thánh, nhưng mất động lực vì họ nói, “Kinh Thánh không hoạt động.”

Điều quan trọng cần nhớ là Kinh Thánh không phải là một lá bùa hộ mệnh hay một cuốn sách ma thuật. Hiệu quả của việc ban sự sống mạnh mẽ của Kinh Thánh chỉ dựa vào thực tế rằng chúng là những lời của Đức Chúa Trời hằng sống, là sự thể hiện của chính  Ngài. Dân sự của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh đã thể hiện sự tôn trọng tuyệt vời đối với Lời Đức Chúa Trời, nhưng họ luôn tìm lại sức sống của Lời và ban cho nguồn của nó sự vinh hiển – chính Đức Chúa Trời hằng sống. Song trước giả Thi thiên đề cao Lời này trong Thi Thiên 119 đã tuyên bố, “Tôi chẳng hề quên giềng-mối Chúa, vì nhờ đó Chúa làm cho tôi được sống” (câu 93, phần in nghiêng được thêm vào; xem câu 25, 40, 159).

Đến với Kinh Thánh không bao giờ là đến với một “điều gì đó” mà trong “Điều gì đó không có hiệu quả”. Mà đến với Kinh Thánh là đến với một Người, hay có lẽ khéo léo hơn, là một Người đến với chúng ta được mặc bởi Lời của Ngài. Donald Miller nói rất đúng, “Nếu Đức Chúa Trời phán qua Kinh Thánh, chúng ta nên lắng nghe tiếng Ngài ở đó. Chúng ta chỉ có thể nghe tại nơi mà Ngài đã chọn để nói. Tôi có thể thích Ngài nói ở nơi khác, nhưng nếu Kinh Thánh là nơi Ngài đã nói thì đó là nơi tôi phải lắng nghe. Do đó, chúng ta không nên tuyệt vọng khi nghe tiếng nói của Đức Chúa Trời qua Kinh Thánh cho đến khi chúng ta tiếp xúc trực tiếp và trung thành với Kinh Thánh để Kinh Thánh có thể làm việc của chúng trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng có bao nhiêu [người] đọc hoặc nghiên cứu Kinh Thánh một cách chuyên tâm và có hệ thống.”37

Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi nhận ra điều Kinh Thánh luôn dạy, đó là, phước lành của Đức Chúa Trời được hứa ban không quá nhiều qua việc đọc hoặc học Kinh Thánh, mà là cho việc suy ngẫm về chúng. Người được phước, theo Thi-thiên 1:1-2, là người “suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm” về Lời Đức Chúa Trời (xin xem thêm Giô-suê 1:6-8). Suy ngẫm về Lời có nghĩa là nghiền ngẫm và cầu nguyện về lẽ thật và ý nghĩa của nó đối với cuộc sống của chúng ta cho đến khi nó chạm đến trái tim chúng ta, tức là “nguồn sự sống” của cuộc đời chúng ta (Châm Ngôn 4:23).

Sức mạnh của sự suy ngẫm được nhìn thấy trong nỗ lực của bác sĩ tâm lý Paul Meier nhằm tìm kiếm mối tương quan giữa trạng thái tâm lý của một người và đời sống tinh thần của họ. Ông yêu cầu mỗi sinh viên chủng viện trong lớp mà ông dạy phải hoàn thành một bài kiểm tra tâm lý tiêu chuẩn và một bảng câu hỏi về đời sống tâm linh. Ban đầu anh thừa nhận sự ngạc nhiên và thất vọng. Những sinh viên đã theo đạo Cơ Đốc trong nhiều năm chỉ khỏe mạnh và hạnh phúc hơn một chút so với những sinh viên đã theo đạo trong thời gian ngắn hơn. Sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Tuy nhiên, sự thất vọng của ông đã chuyển sang niềm vui khi ông tìm ra nhân tố quan trọng tạo nên sự khác biệt. Sự khác biệt đó là suy ngẫm hàng ngày hoặc gần như hàng ngày về Kinh Thánh. Trong khi Meier thừa nhận rằng việc đổi mới tâm trí thông qua Kinh Thánh có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là từ những người bạn theo đạo Cơ đốc, ông kết luận, “Suy ngẫm hàng ngày về Kinh Thánh, với ứng dụng cá nhân, là phương tiện hữu hiệu nhất để đạt được niềm vui cá nhân, sự bình an, và sự trưởng thành về cảm xúc …. Trung bình, mất khoảng ba năm nghiền ngẫm Kinh Thánh hàng ngày để mang lại đủ thay đổi trong cách suy nghĩ và hành vi của một người để tạo ra sức khỏe tinh thần và hạnh phúc.”38

Martin Luther đã mô tả sức mạnh của việc suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời trong việc mang lại sự biến đổi cuộc sống. “Vì những lời hứa này của Đức Chúa Trời là những lời thánh khiết, chân thật, công bình, tự do và ôn hòa, đầy sự tốt lành, nên linh hồn con người bám lấy chúng với đức tin vững chắc. Khi đó con người sẽ được kết hợp chặt chẽ cùng với Lời Chúa và được Lời hấp thụ hoàn toàn đến nỗi không chỉ dừng lại ở việc chia sẻ tất cả quyền năng của Lời nhưng cũng sẽ bị Lời làm cho thỏa mãn và say đắm. Nếu một cái chạm vào của Đấng Christ giúp ta được chữa lành, thì cái chạm đầy thuộc linh dịu dàng nhất này sẽ còn nhiều hơn thế nào nữa, Lời của Đức Chúa Trời được hấp thụ, sẽ truyền đạt cho linh hồn mọi điều thuộc về Lời.”39

 

KẾT LUẬN

Để đặt câu hỏi, Kinh Thánh có quan trọng không? Phần nào giống như hỏi, thực phẩm có quan trọng không? Nói một cách đơn giản, chúng ta không thể trải nghiệm cuộc sống thuộc linh mà không có Lời Chúa còn hơn là chúng ta có thể trải nghiệm cuộc sống vật chất mà không có thức ăn. Kinh Thánh cho biết về Đấng Christ, và Đức Thánh Linh mở mắt chúng ta để thấy những điều kỳ diệu của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Kinh Thánh là ánh sáng của chúng ta (Thi Thiên 119:105), thức ăn của chúng ta (1 Phi-e-rơ 2:2; Hê-bơ-rơ 5:11-14), thuốc chữa bệnh (Thi Thiên 19:7; 119:93), thanh gươm của chúng ta cho trận chiến thuộc linh (Ê-phê-sô 6:17) và hạt giống được cấm sâu trong lòng có khả năng cứu chuộc (Gia-cơ 1:21; 1 Phi-e-rơ 1:23). Tóm lại, đó là tất cả những gì chúng ta cần, như John Newton, một nhà buôn nô lệ đã cải đạo, viết trong bài thơ này.

  Kinh Thánh quý giá? Thật là một kho báu

                                             Lời Chúa có đủ khả năng không!

                                            Tất cả những gì tôi muốn cho cuộc sống hoặc niềm vui,

                                            Thức ăn và thuốc men, khiên và kiếm;                                           

Hãy để cho thế gian đánh giá tôi là đáng thương-

tôi chỉ cần Christ, và chỉ duy Ngài, (ngoài Ngài ra) tôi không cần thêm gì nữa.40

 

(hết phần một)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên