Trang Chủ TRANG CHỦ Rô-ma 8:28

Rô-ma 8:28

1046
0
SHARE

Chúa Có Thể Dùng Những Kinh Nghiệm Của Bạn Làm Thành Những Điều Ích Lợi
Mục Sư Rick Warren


“Ngày nay, các ngươi hãy nhìn biết (vì ta không nói cùng con trẻ các ngươi, bởi chúng nó chẳng biết chi, và cũng chẳng thấy chi) những lời răn dạy của Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi, sự oai nghiêm Ngài, cánh tay quyền năng giơ thẳng ra của Ngài.” (Phục truyền luật lệ ký 11:2 – BTT)

Bạn phải trân quý những kinh nghiệm trong cuộc sống – những kinh nghiệm tốt lẫn xấu, kinh nghiệm đáng xấu hổ, kinh nghiệm đúng và kinh nghiệm sai, kinh nghiệm vui lẫn buồn – và đừng trốn chạy khỏi quá khứ của bạn nếu Chúa muốn dùng nó để làm những điều ích lợi trong cuộc đời bạn.

Ga-la-ti 3:4 chép: “Anh em há luống công mà chịu sự khốn khó dường ấy sao?  Nếu quả là luống công!” (BTT) Đừng chạy trốn khỏi quá khứ của bạn.  Vì đau đớn nên nhiều người thường chối bỏ quá khứ, làm ngơ với quá khứ, coi nhẹ quá khứ, hối tiếc quá khứ, hoặc oán giận quá khứ của mình.  Họ sửa lại quá khứ và thêm vào những chuyện không có thật vì họ cảm thấy vui hơn khi đối diện với những điều dối trá hơn là với nỗi đau trong quá khứ.  Nhưng nếu bạn sống trong tình trạng cự tuyệt như vậy thì Chúa không thể sử dụng kinh nghiệm của bạn để làm nên những điều ích lợi.

Chúa có thể sử dụng tất cả mọi kinh nghiệm trong cuộc đời của bạn cho những điều tốt, nhưng bạn không được trốn chạy khỏi những kinh nghiệm đó.  Bạn phải trân quý những kinh nghiệm của mình.  Có thể cha mẹ của bạn không phải là những người tuyệt vời, có thể bạn không được nổi trội lắm trong trường học, có thể bạn không phải là đội trưởng của đội bóng hay là nữ hoàng của buổi dạ hội ở trường – nhưng có sao đâu?  Chúng là những kinh nghiệm của bạn.  Đừng khước từ chúng.

Đừng cố đẩy những kinh nghiệm không tốt ra khỏi tâm trí của bạn.  Bạn cần phải nhớ những kinh nghiệm ấy.  Trong Phục truyền luật lệ ký 11:2, Chúa phán: “Ngày nay, các ngươi hãy nhìn biết (vì ta không nói cùng con trẻ các ngươi, bởi chúng nó chẳng biết chi, và cũng chẳng thấy chi) những lời răn dạy của Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi, sự oai nghiêm Ngài, cánh tay quyền năng giơ thẳng ra của Ngài.” (BTT)

Câu Kinh Thánh nói rằng điều quan trọng là cần phải nhớ những bài học.  Bạn làm điều đó bằng cách nào.  Cách tốt nhất để nhớ những bài học và kinh nghiệm trong cuộc sống là lưu chúng lại trong một quyển sổ ghi chép.  Tôi không phải nói đến cuốn sổ nhật ký.  Nhật ký là liệt kê lại những việc bạn đã làm.  “Ngày hôm nay tôi đã đến cửa hàng và mua sữa.”  Bạn không nhất thiết phải viết vào quyển số ghi chép mỗi ngày.  Nhưng mỗi khi bạn có một bài học quan trọng, thì bạn nên viết nó xuống để khỏi quên.  “Thật là đau đớn. Tôi đã học được bài học này một cách khó khăn.  Tôi không muốn quên bài học đó.”

Để ghi nhớ những điều bạn học được về Chúa, bạn cần có một quyển sổ ghi chép.  Để rồi bạn có thể xem lại và ghi nhớ bài học Chúa đã dạy cho mình để bạn cảm thấy được khích lệ trong những giai đoạn tăm tối của cuộc đời và biết rằng Chúa vẫn đang hành động vì lợi ích của bạn.

Thảo luận

Việc nhớ về sự thành tín của Chúa và những lời cầu nguyện được Ngài đáp lời có quan trọng đối với bạn không?  Bạn làm gì để giúp bạn nhớ những điều đó?

Nếu bạn “không phải là một nhà văn”, thì có những cách nào bạn có thể làm để lưu giữ những bài học của Chúa, ngoài giấy và viết?


GIA-CỐP – “ĐỨC CHÚA TRỜI KHÔNG LÀM GÌ!”

Gia-cốp không nói rằng Đức Chúa Trời không làm gì, nhưng đây là cách mà ông cảm thấy trong tấm lòng. Gia-cốp nói với các con trai độc ác, “Bay làm mất các con tao; Giô-sép đã mất biệt, Si-mê-ôn cũng mất biệt; mà bây giờ, lại muốn dẫn Bên-gia-min đi nữa sao! Các nông nỗi nầy đều đổ lại cho tao hết!” (42:36). Trong câu này ông muốn nói rằng: Mọi sự đang chống lại tôi. Và ông nhìn thấy các hoàn cảnh xảy ra theo chiều hướng đó.

Hãy nhìn lại những gian truân của Gia-cốp. Một nạn đói xảy ra trên vùng đất hứa. các con trai của ông phải xuống Ai-cập để tìm nguồn thực phẩm cho một đại gia đình. Gia-cốp cho rằng đứa con trai yêu dấu là Giô-sép đã chết, và bây giờ Si-mê-ôn  bị bắt làm con tin tại Ai-cập. Tình hình lại càng tồi tệ hơn khi vị tể tướng của Ai-cập thông báo rằng Si-mê-ôn chỉ được phóng thích khi các con trai đem Bên-gia-min đến trình diện trong chuyến đi kế tiếp. Cả Bên-gia-min và Giô-sép là hai con trai của Ra-chên mà Gia-cốp rất yêu mến người vợ này. Ông không muốn mất thêm Bên-gia-min nữa. Trong tình thế bất khả kháng, Gia-cốp đành phải để cho Bên-gia-min đi mà không biết điều gì sẽ xảy ra. Gia-cốp phải đưa ra một quyết định khó khăn. Gia-cốp có thể đang tự hỏi, Đức Chúa Trời đang ở đâu?

Gia-cốp đã quên đi lời hứa của Chúa dành cho ông tại Bê-tên nhiều năm trước, “Nầy, ta ở cùng ngươi, ngươi đi đâu, sẽ theo gìn giữ đó, và đem ngươi về xứ nầy; vì ta không bao giờ bỏ ngươi cho đến khi ta làm xong những điều ta đã hứa cùng ngươi” (Sáng thế ký 28:15). Khi Gia-cốp bỏ trốn khỏi nhà La-ban, Đức Chúa Trời phán với ông, “Đức Giê-hô-va phán cùng Gia-cốp rằng: Hãy trở về xứ của tổ phụ ngươi, chốn bà con ngươi, ta sẽ phù hộ ngươi” (Sáng. 31:3). “Ta không bao giờ bỏ ngươi” là câu phủ định.  “Ta sẽ phù hộ ngươi’ là một lời xác định. Trong đếm tối Gia-cốp  đã vật lộn cùng Đức Chúa Trời,  sau đó Ngài đã đổi tên ông từ Gia-cốp thành Y-sơ-ra-ên. Sau khi vật lộn với Đức Chúa Trời, bây giờ ông là người chiến thắng – ông trở thành hoàng tử của Đức Chúa Trời. Chắc chắn đôi chân khập khiễng của ông sẽ làm ông nhớ lại điều này: “Nếu Đức Chúa Trời vùa giúp chúng ta, thì còn ai nghịch với chúng ta?” (Rô-ma 8:31)

Sẽ không quá khó khăn cho Gia-cốp, cuối cùng ông nhận được sự trợ giúp cho gia đình của mình. Chúng ta đều biết điểm kết thúc cho câu chuyện này. Và điều đó làm cho chúng ta dễ chịu với trích dẫn được liên hệ trong Rô-ma 8:28, “Gia-cốp ơi, không phải mọi sự đang chống lại ông, mà là chúng hiệp lại để làm điều tốt nhất cho ông.” Tuy nhiên Gia-cốp không biết đến Rô-ma 8:28, chính điều này làm cho tấm lòng ông tan vỡ trong đau khổ. Nếu đặt mỗi chúng ta vào trường hợp của Gia-cốp, có thể lắm chúng ta cũng sẽ tự hỏi: Đức Chúa Trời đang ở đâu, Ngài có chăm sóc tôi không? Tạ ơn Chúa, ngày nay chúng ta hiểu rõ hơn về những cảm xúc của Gia-cốp.

GIÔ-SÉP – “ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ Ý ĐỊNH LÀM ĐIỀU TỐT CHO TÔI.”

Ít nhất là năm lần chúng ta đọc thấy trong Kinh Thánh “Đức Chúa Trời ở cùng Giô-sép” (Sáng. 39:2, 3, 21, 23; Công vụ. 7:9). Điều này có nghĩa Chúa kiểm soát mỗi biến cố, sự kiện xảy ra trong cuộc đời Giô-sép và gia đình ông để bày tỏ ra ý muốn tốt đẹp của Ngài và danh Ngài được vinh hiển. Điều quan trọng cần ghi nhớ là Chúa làm việc theo ý định tốt đẹp của Ngài xuyên suốt mọi hoàn cảnh trong toàn bộ mọi trải nghiệm của Giô-sép, chứ không phải chỉ ở giai đoạn cuối cùng.  Rô-ma 8:28 không nói rằng, “Cuối cùng Chúa sẽ làm mọi việc tốt đẹp”. Chúa làm tất cả mọi việc trong mọi thời gian đều do ý định tốt đẹp của Ngài, bất luận chúng ta cảm thấy như thế nào.

Điều tốt đẹp quan trọng nhất mà Đức Chúa Trời đã hoàn thành là bảo tồn tuyển dân Israel, để từ đó Ngài ban cho thế giới quyển Kinh Thánh và Con của Ngài. Giô-sép là một đầy tớ được chọn để che chở tuyển dân Israel và cứu một thế giới đang hư mất. Đức Chúa Trời đã “sai một người đi trước Y-sơ-ra-ên, là Giô-sép bị bán làm tôi mọi.” (Thi thiên 105:17)

Những điều đã xảy ra là tốt đẹp cho Gia-cốp và các con trai của ông. Gia-cốp chắc nhận thức rằng ông đã gặt các quả đắng từ một số hạt giống của sự lừa dối mà ông đã gieo ra nhiều năm trước. Các anh em của Giô-sép cuối cùng đã được đưa đến nơi mà miệng họ phải ngậm lại và họ đã hết nói dối và bào chữa cho mình. Giu-đa nói với Giô-sép, “Chúng tôi sẽ nói cùng chúa làm sao? Sẽ phân lại làm sao? Sẽ chữa mình chúng tôi làm sao? Đức Chúa Trời đã thấu rõ điều gian ác của tôi tớ chúa rồi. Nầy, chúng tôi cùng kẻ đã bị bắt được chén nơi tay đều làm kẻ tôi tớ cho chúa” (Sáng. 44:16). Các anh em gian ác (ngoại trừ Bên-gia-min) rơi vào tình cảnh “miệng nào cũng phải ngậm lại” (Rô-ma 3:3:19), không thể bào chữa tội lỗi của mình. Phải mất hai mươi hai năm tội lỗi của các anh em mới bị chỉ ra. Giô-sép tha thứ cho họ và  bảo đảm sự cấp dưỡng dành cho họ và con cái của họ.

 

 

 

 

 

 

 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên