Trang Chủ BIỆN GIÁO NHỮNG NGUYÊN TẮC CỦA VƯƠNG QUỐC

NHỮNG NGUYÊN TẮC CỦA VƯƠNG QUỐC

13
0
SHARE

Vương quốc của Chúa không thuộc về thế gian này, nhưng nó hoạt động trên trái đất vì Ngài đã đặt nó vào bên trong chúng ta. “Nước Đức Chúa Trời ở trong các ngươi” (Lu-ca 17:21). Tuy nhiên, chúng ta phải thực hiện các nguyên tắc của vương quốc để nhận được lợi ích của nó. Chúng ta tìm thấy các nguyên tắc của vương quốc Đức Chúa Trời trong Kinh thánh. Do đó, chúng ta cần biết lẽ thật để hiểu cách thức vương quốc của Ngài hoạt động.

Chúa đã thiết kế vương quốc của Ngài để hoạt động theo một cách nhất định. Để tách mình khỏi hệ thống của thế gian và hoạt động trong hệ thống của Chúa, chúng ta cần tìm kiếm và sống theo lẽ thật của Lời Chúa. Lẽ thật sẽ giải thoát chúng ta khỏi sự vướng mắc của hệ thống thế gian. Chúa Giê-su đã dạy:

“Nếu các ngươi cứ ở trong lời ta, thì các ngươi thật là môn đồ ta; các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ giải thoát các ngươi” (Giăng 8:31-32).

Nếu không có lẽ thật, chúng ta không thể thoát khỏi hệ thống thế gian. Và như chúng ta đã  biết Sa-tan giam cầm con người trong hệ thống thế gian. Nếu họ không nghe hoặc không thấy lẽ thật của Lời Chúa, họ sống mà không có hy vọng nào trong cõi đời đời. Hãy nhớ rằng, với tư cách là công dân của vương quốc, chúng ta ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Hội thánh không được rút lui trong sự cô lập vì sợ bị ô uế, vì chúng ta là ánh sáng của thế gian.

Bàn tay của kẻ ác

Trong Thi thiên 82:3-5, tác giả Thi thiên cầu thay cho những người bị Sa-tan trói buộc: “Hãy đoán xét kẻ khốn cùng và người mồ côi; Hãy xử công bình cho người buồn rầu và kẻ túng ngặt. Khá cứu vớt kẻ khốn cùng và người thiếu thốn, Giải họ khỏi tay kẻ ác. Chúng nó không biết chi, cũng chẳng hiểu chi; Chúng nó đi qua đi lại trong sự tối tăm: Các nền trái đất đều rúng động.”

Toàn bộ hệ thống của thế giới này được thiết lập trên một nền tảng sai trật mà Chúa không muốn. Sa-tan không thể tạo ra bất cứ điều gì, và nó không thể nghĩ ra bất cứ điều gì mới, vì vậy nó đã lấy mô hình của Chúa và làm cho sai lệch đi. Martin Luther đã nói, “Ma quỉ là con khỉ bắt chước Đức Chúa Trời.”1 Lý do Sa-tan có thể thao túng mọi người là vì họ không có mối quan hệ với Chúa, không có sự mặc khải về vương quốc của Ngài. Do đó, ma quỉ có thể tác động qua những người mù quáng để tiếp tục xây dựng vương quốc đen tối của nó.

Sa-tan, trong nỗ lực chiếm lấy vương quốc của Chúa, thậm chí đã cố gắng cám dỗ Chúa Giê-su.

Ma quỉ đem Ngài lên, cho xem mọi nước thế gian trong giây phút; và nói rằng: Ta sẽ cho ngươi hết thảy quyền phép và sự vinh hiển của các nước đó; vì đã giao cho ta hết, ta muốn cho ai tùy ý ta. Vậy, nếu ngươi sấp mình xuống trước mặt ta, mọi sự đó sẽ thuộc về ngươi cả” (Lu-ca 4:5-7)

Nếu Sa-tan thành công trong việc khiến Chúa Giê-su thờ phượng nó, thì vương quốc tối tăm và hệ thống tà ác của nó sẽ chiếm lấy tất cả mọi người trên trái đất. Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã chống lại nó bằng lẽ thật của Lời Chúa (Ma-thi-ơ 4: 4,7,10) và cuối cùng trao chìa khóa của vương quốc cho tất cả những ai muốn tiếp nhận Ngài. Bây giờ Ngài đã ban cho chúng ta chìa khóa của vương quốc Ngài (Ma-thi-ơ 16:19), chúng ta có thể kích hoạt điều đó và chống lại ma quỷ bằng lẽ thật của Lời Chúa.

Sa-tan đứng sau một hệ thống đang kiểm soát nền kinh tế của thế giới này, các tôn giáo do con người tạo ra và các tiến trình chính trị. Nhưng khi chúng ta có vương quốc Đức Chúa Trời bên trong tấm lòng của mình, chúng ta có thể cai trị mọi thứ mà Sa-tan đã cố gắng thiết lập.

Sa-tan cũng không muốn bất kỳ ai biết rằng nó đứng sau hệ thống thế giới. Nó giống như kẻ ném đá và giấu tay. Hoặc nó nói với những người bị tổn thương rằng Chúa đã làm họ tổn thương. Ma quỷ là kẻ làm tổn thương mọi người, nhưng nó chỉ tay vào Chúa để ngăn họ tin cậy Ngài. Sa-tan không muốn người ta rời khỏi vương quốc tối tăm để đến với vương quốc sáng láng.

Hãy nhìn vào con cái Y-sơ-ra-ên. Khi họ cố gắng rời khỏi hệ thống của Sa-tan ở Ai Cập, Pha-ra-ôn đã chống cự bằng tất cả sức mạnh của mình. Tại sao bạn cho rằng Pha-ra-ôn không muốn họ rời đi? Đó là vì ông cần họ xây dựng vương quốc của mình. Pha-ra-ôn không quan tâm đến người Do Thái, và Sa-tan cũng không quan tâm đến mọi người. Sa-tan chỉ sử dụng họ để để xây dựng nước của nó.

Khi chúng ta bước vào vương quốc của Chúa thông qua sự cứu rỗi và được giải thoát khỏi xiềng xích của Sa-tan, đôi khi chúng ta nghĩ rằng những điều tuyệt vời sẽ tự động xảy ra với chúng ta. Chúng ta tin rằng phước lành sẽ đến với chúng ta. Tuy nhiên, để những phước lành đó đến với chúng ta, chúng ta phải lắng nghe tiếng Chúa. “Nếu ngươi nghe theo tiếng phán của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, nầy là mọi phước lành sẽ giáng xuống trên mình ngươi” (Phục truyền luật lệ ký 28:2). Chúng ta cần thoát khỏi hệ thống của thế gian và tập chú hoàn toàn vào Chúa và Lời của Ngài, trong đó có các nguyên tắc của vương quốc Ngài.

Chúa không bị lay động bởi nhu cầu

Nguyên lý đầu tiên của vương quốc Chúa mà chúng ta cần hiểu là Chúa không bị lay động bởi nhu cầu của chúng ta. Ma-thi-ơ 6:8 chép rằng, “Vậy, các ngươi đừng giống như họ; vì Cha các ngươi biết các ngươi cần gì trước khi các ngươi cầu xin Ngài.”

Chúa biết chúng ta cần gì, nhưng chúng ta vẫn phải cầu xin Ngài. Chúng ta phải làm gì đó để đáp ứng nhu cầu của mình. Nếu chúng ta không làm phần việc của mình, Chúa sẽ không hành động thay cho chúng ta. Có rất nhiều ví dụ về điều này. Ở một số vùng của Ấn Độ, Châu Phi, Ha-i-ti và trên khắp thế giới, mọi người đang chết đói. Tại sao Chúa không hành động? Đó là vì Ngài không bị lay động bởi nhu cầu.

Điều gì khiến Chúa hành động? Chúa Giê-su đã nhiều lần phán, “Hỡi những kẻ ít đức tin” (Ma-thi-ơ 6:30; 8:26; 16:8; Lu-ca 12:28). Điều khiến Chúa hành động là đức tin. Ngài thiết kế vương quốc của Ngài để hoạt động bằng đức tin nơi Ngài. Chúng ta cần đức tin để tiếp nhận Ngài khi chúng ta được tái sinh và sau đó tiếp nhận Lời Ngài từ lúc đó trở đi.

Khi Ê-li tìm thấy người phụ nữ và đứa con trai của bà giữa nạn đói, sẵn sàng ăn bữa ăn cuối cùng của họ, ông đã không nói, “Các người đã sống sót suốt thời gian này. Bây giờ tôi sẽ ra ngoài và lấy cho các người chút thức ăn.” Thay vào đó, ông nói, “trước tiên hãy dùng bột ấy làm cho ta một cái bánh nhỏ, rồi đem ra cho ta; kế sau ngươi sẽ làm cho ngươi và cho con trai ngươi” (1 Các vua 17:13). Ê-li khuyên người góa phụ làm bánh cho ông trước. Bà đã vâng lời người của Đức Chúa Trời. Bà đã bày tỏ đức tin của mình.  Nếu bà không gieo một ít hạt giống (hào phóng với tiên tri của Đức Chúa Trời, mặc dù đang thiếu thốn) bày tỏ đức tin của mình nơi Chúa, bà và đứa con trai sẽ chết vào ngày hôm đó (1 Các Vua 17). Đức Chúa Trời không bị lay động bởi nhu cầu của chúng ta. Ngài cần một số hạt giống mà chúng ta gieo ra thể hiện đức tin nơi Ngài.

Không phải là Đức Chúa Trời có ác ý. Mà là Ngài đã thiết lập vương quốc của Ngài dựa trên sự khôn ngoan, và chúng ta phải làm việc trong các nguyên tắc của vương quốc Ngài. Chúng ta không cần phải chịu đựng thêm một phút nào nữa nếu vẫn còn cho rằng nhu cầu của mình bị Chúa  quên. Chúng ta có thể làm việc theo cách của Ngài ngay bây giờ bằng cách trước tiên lắng nghe tiếng Chúa và học các nguyên tắc của vương quốc từ Lời Ngài.

Nguyên tắc đầu tiên là Đức Chúa Trời không bị lay động bởi nhu cầu. Ngài bị lay động bởi đức tin. Người khác có thể cầu nguyện cho chúng ta, và Đức Chúa Trời sẽ hành động thay mặt chúng ta. Đức Chúa Trời chỉ cần một số đức tin từ một người nào đó để Ngài có thể hành động. Ngài phán, “Ta đã tìm một người trong vòng chúng nó, đặng xây lại tường thành, vì đất mà đứng chỗ sứt mẻ trước mặt ta, hầu cho ta không hủy diệt nó; song ta chẳng tìm được một ai” (Ê-xê-chi-ên 22:30).

Chúa muốn trì hoãn sự phán xét đối với những người không biết gì hơn, nhưng Ngài cần một người đứng vào khoảng trống để cầu thay xây lại tường thành. Ngài cần đức tin đến từ một người nào đó trên trái đất để làm việc giữa chúng ta.

 Đức Chúa Trời Muốn Cung Cấp Nhu Cầu Của Chúng Ta.

“Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa” (Ma-thi-ơ 6:33).

Nguyên tắc của Ma-thi-ơ 6:33 là gì?

Trước hết tìm kiếm nước Trời, và mọi nhu cầu được Chúa đáp ứng.

Đức Chúa Trời mà chúng ta cần tìm kiếm là Đức Chúa Trời muốn cung cấp nhu cầu của chúng ta. Ngài không muốn bất kỳ điều gì, người nào hoặc tổ chức nào khác trở thành nguồn cung cấp của chúng ta. Ngài muốn trở thành nguồn cung cấp duy nhất của chúng ta.

Trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:2-3, Đức Chúa Trời phán, “Ta là Đức Chúa Trời của ngươi, đã đem ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô và nhà nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác trước mặt ta.”

Điều này sẽ xóa tan lập luận rằng chúng ta đã tự đưa mình vào vương quốc của Đức Chúa Trời. Nếu bạn nghe một số người làm chứng, bạn sẽ nghe họ cảm ơn Chúa vì họ đã tự cứu mình. Tuy nhiên, việc chúng ta đến với Chúa Giê-su là công việc của Đức Chúa Trời. Ngài đã dàn dựng điều đó. Chúa Giê-su đã nói, “Không ai có thể đến với Ta, nếu Cha là Đấng đã sai Ta không kéo người ấy đến” (Giăng 6:44).

Sau khi xác định rằng Ngài cứu rỗi và giải cứu chúng ta, trong Xuất Ê-díp-tô ký Chúa tiếp tục:

“Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó; vì ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, tức là Đức Chúa Trời kỵ tà, hễ ai ghét ta, ta sẽ nhân tội tổ phụ phạt lại con cháu đến ba bốn đời” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4-5).

Ngài tự gọi mình là “Đức Chúa Trời kỵ tà/ ghen tuông.” Bản Kinh thánh Living  Bible viết: for I, the Lord your God, am very possessive. I will not share your affection with any other god! (Exodus 20:4)

 “Vì Ta là Đức Chúa Trời của ngươi, đòi hỏi sự chú ý và tình yêu hoàn toàn của ngươi. Ta sẽ không chia sẻ tình cảm của ngươi với bất kỳ vị thần nào khác!”

Điều này nghe có vẻ giống như một mối quan hệ nam nữ phải không?

Hãy nhớ rằng cộng đồng hội thánh là cô dâu hoàn hảo của Chúa Giê-su. Ngài đã đính hôn với tập thể hội thánh chúng ta. Ngài đang chăm sóc chúng ta và Ngài muốn trở thành người chu cấp duy nhất cho chúng ta. Ngài không muốn bất kỳ ai khác chăm sóc cô dâu của Ngài.

Hãy nghe Phao-lô giải thích: “vì chúng ta là các chi thể của thân Ngài. Vậy nên người đàn ông phải lìa cha mẹ mà dính díu với vợ mình, hai người cùng nên một thịt. Sự mầu nhiệm ấy là lớn, tôi nói về Đấng Christ và Hội thánh vậy” (Ê-phê-sô 5:30-32).

Khi nói về Chúa Giê-su và hội thánh, Kinh thánh nói rằng chúng ta là xương của xương Ngài và thịt của thịt Ngài. Đó là một mối quan hệ khá thân mật! Và Tân Lang của chúng ta yêu chúng ta nhiều đến nỗi Ngài đã hy sinh mạng sống của Ngài vì chúng ta. Tất nhiên, Ngài muốn chăm sóc chúng ta thật tốt! Tác giả Thi thiên đã viết, “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi; tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì” (Thi thiên 23:1). Chúa Giê-su là người chăn giữ chúng ta. Ngài muốn đáp ứng mọi nhu cầu của chúng ta để chúng ta không thiếu thốn bất cứ điều gì và Ngài không muốn chúng ta quay sang bất kỳ người chăn chiên nào khác.

Chúa là một Đức Chúa Trời kỵ tà/hay ghen tuông. Chúng ta không bao giờ có ý định bị mắc kẹt trong mối quan hệ thân mật với hệ thống của thế gian. Và Chúa Giê-su không muốn thế gian chăm sóc cô dâu của Ngài. Ngài phán, “Đừng đụng đến nàng!” Nếu chúng ta có thể nhận ra điều đó, thì chúng ta sẽ từ bỏ hệ thống của thế gian, và chúng ta chạy đến với Chúa thành tín của mình. Ca thương 3:23 nói, “Sự thành tín của Chúa thật lớn.” Ngài vô cùng thành tín. Ngay cả khi chúng ta không có đức tin và sống xa cách Chúa thì Ngài vẫn thành tín.

Ô-sê và người vợ của ông: Hình ảnh về Đức Chúa Trời và dân sự của Ngài.

Trong sách Ô-sê, chúng ta đọc về  trường hợp của vị tiên tri. Đức Chúa Trời bảo ông kết hôn với một phụ nữ gian dâm. “Khi Đức Giê-hô-va bắt đầu phán cùng Ô-sê, Đức Giê-hô-va bảo người rằng: Hãy đi, lấy một người vợ gian dâm, và con cái ngoại tình; vì đất nầy chỉ phạm sự tà dâm, lìa bỏ Đức Giê-hô-va” (Ô-sê 1:2).

Ô-sê cưới Gô-me, một cô gái điếm. Và rồi ​​cô rời bỏ Ô-sê và lại quan hệ với những người đàn ông khác. Cô ta đã ngoại tình một thời gian rồi bỏ đi. Đức Chúa Trời đã dùng câu chuyện này để cho Y-sơ-ra-ên thấy rằng Ngài là một người chồng ghen tuông, người đã kiên nhẫn với người vợ gian dâm hơn cả trong những mối quan hệ ngoại tình của cô ta với thế gian. Ngài đã bày tỏ lòng nhẫn nại của Ngài đối với họ, nhưng Ngài cũng cho thấy cuộc sống khốn khổ của Gô-me.

Sống đắc thắng trong vương quốc của Đức Chúa Trời đòi hỏi sự trung tín. Có vẻ như không có gì xảy ra, nhưng bất kể chúng ta đang nhìn thấy và nghe thấy điều gì, chúng ta phải đứng lên và nói rằng, “Đức Chúa Trời tôi sẽ cung cấp mọi nhu cầu của tôi!” (Phi-líp 4:19.) Tất cả những gì chúng ta cần là Lời Chúa, bởi vì Lời Chúa là hạt giống thể hiện đức tin của chúng ta nơi Đức Chúa Trời. Chúng ta tin cậy Ngài và chỉ một mình Ngài mà thôi.

Ngài phán, “Ngươi chớ thờ lạy trước bất kỳ một thần nào khác” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:5). Đây không phải là lời đe dọa, nó là lời cảnh báo. Chúa phán, “Ta sẽ chăm sóc ngươi.”

Sa-tan đã cố gắng khiến Chúa Giê-su tôn thờ nó. Nó giăng bẫy, “Hãy thờ lạy ta, và ta sẽ cho ngươi mọi thứ ngươi cần.” Sa-tan luôn cố gắng khiến mọi người tôn thờ nó để đổi lấy việc đáp ứng nhu cầu của họ. Nó đã đánh cắp ý tưởng đó từ Chúa. Khi chúng ta tôn thờ và phục vụ Chúa. Ngài đáp ứng mọi nhu cầu của chúng ta. Đó là cách vương quốc của Chúa hoạt động.

Sa-tan đã mô phỏng vương quốc bóng tối theo vương quốc ánh sáng. Khi mọi người cúi đầu trước Sa-tan, nó sẽ đáp ứng nhu cầu của họ. Nhưng luôn có sự hủy diệt và cái chết đi kèm sau đó. Vì vậy Chúa ra lệnh cho chúng ta tránh xa hệ thống của thế gian. Ngài biết rằng điều đó sẽ chỉ gây hại cho chúng ta.

Chúa đã phán, “Đừng thờ lạy trước bất kỳ một thần nào khác.” Chúng ta không cần phải cúi đầu trước các hình tượng. Chúng ta có Đấng chăm sóc và yêu thương chúng ta. Chúng ta không chọn Ngài; Ngài đã chọn chúng ta.  Ngài đã nhìn thấy chúng ta khi chúng ta suy sụp và tuyệt vọng. Một số người trong chúng ta trông rất tệ hại! Chúng ta đi vào các buổi tiệc tùng, và say men rượu đến nỗi thậm chí không biết tên của chính mình. Một số người trong chúng ta hút quá nhiều cần sa đến nỗi cơ thể suy sụp. Một số người trong chúng ta đã phạm phải một số sai lầm khủng khiếp, nhưng không có gì trong số đó làm thay đổi được tình yêu của Chúa dành cho. Kinh thánh nói về Ngài:

“Đức Giê-hô-va từ thuở xưa hiện ra cùng tôi và phán rằng: Phải, ta đã lấy sự yêu thương đời đời mà yêu ngươi; nên đã lấy sự nhân từ mà kéo ngươi đến. Ta sẽ dựng lại ngươi, thì ngươi sẽ được dựng, hỡi gái đồng trinh Y-sơ-ra-ên! Ngươi sẽ lại cầm trống cơm làm trang sức, đi làm một với những người nhảy múa vui vẻ” (Giê-rê-mi 31:3-4).
Sứ đồ Giăng xác nhận trong Tân Ước:
Trước ngày lễ Vượt Qua, Đức Chúa Jêsus biết giờ mình phải lìa thế gian đặng trở về cùng Đức Chúa Cha đến rồi; Ngài đã yêu kẻ thuộc về mình trong thế gian, thì cứ yêu cho đến cuối cùng” (Giăng 13:1)

Đó chính là tất cả những gì câu chuyện của Ô-sê muốn nói. Câu chuyện này minh họa rõ ràng cho lẽ thật: “Ta đã cưới một kẻ bội bạc. Ngươi đã quay lưng lại với Ta, nhưng Ta không quay lưng lại với ngươi vì ngay cả khi ngươi không chung thủy, Ta vẫn chung thủy.” Đây là ý mà Chúa muốn dân sự của Ngài thấu hiểu.

Sau khi Ô-sê cưới Gô-me, bà đã rời bỏ Ô-sê. Ngay cả sau khi có con với ông, bà vẫn ra đường, bán dâm với những người đàn ông khác. Chúa bảo Ô-sê đi đón bà. Có lẽ bà đã bị đánh đập, cho dùng thuốc, ngược đãi và tổn thương, không còn tiền bạc hay lòng tự trọng. Nhưng Ô-sê đã tìm thấy bà và nói, “Thôi nào. Chúng ta hãy trở về nhà. Ta sẽ đem ngươi trở về” (Ô-sê 3).

Đó chính là vương quốc của Chúa. Bất kể hoàn cảnh hay điều kiện của chúng ta như thế nào, Chúa đều đón nhận chúng ta. Ngài muốn chúng ta trung tín với Ngài và chỉ một mình Ngài mà thôi. Tuy nhiên, khi chúng ta phạm lỗi và bỏ đi, Ngài luôn chờ đợi với vòng tay rộng mở. Và khi chúng ta nhận được sự mặc khải về tình yêu thương vô bờ bến của Ngài dành cho chúng ta, chúng ta sẽ không bao giờ muốn dính líu gì đến hệ thống thế gian này nữa. Chúng ta chỉ muốn trông cậy vào Ngài để có mọi nhu cầu chính đáng trong cuộc sống.

Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô từ chối quì lạy hình tượng.

Sách Đa-ni-ên kể câu chuyện về Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô, những người được truyền lệnh là phải cúi đầu thờ lạy tượng vàng của vua Nê-bu-cát-nết-sa. “Vua Nê-bu-cát-nết-sa cất tiếng nói cùng họ rằng: Hỡi Sa-đơ-rắc, Mê-sác, A-bết-Nê-gô, có phải các ngươi cố ý không thờ thần ta và không lạy tượng vàng mà ta đã dựng lên chăng? Vậy bây giờ, khi các ngươi nghe tiếng còi, kèn, đàn cầm, đàn sắt, quyển, sáo và các thứ nhạc khí, mà các ngươi sẵn sàng sấp mình xuống đất để quì lạy pho tượng mà ta đã làm nên, thì được; nhưng nếu các ngươi không quì lạy, thì chính giờ đó các ngươi sẽ phải quăng vào giữa lò lửa hực. Rồi thần nào có thể giải cứu các ngươi khỏi tay ta?” (Đa-ni-ên 3:14-15).

Nhà vua đang cố gắng khiến mọi người cúi đầu và thờ phượng mình. Chúng ta biết ông ta lấy ý tưởng đó từ đâu! Sa-tan sử dụng hệ thống của thế gian và những người trong đó để cố gắng khiến chúng ta cúi đầu trước nó và thực hiện mong muốn của nó. Nhưng vương quốc của Đức Chúa Trời ở trong chúng ta và nguyên tắc của vương quốc điều khiển mọi phản ứng của chúng ta. “Đức Giê-hô-va đã lập ngôi Ngài trên các từng trời, Nước Ngài cai trị trên muôn vật” (Thi thiên 103:19). Nguyện tắc của vương quốc đang cai trị ba thanh niên người Hê-bơ-rơ. Sa-đơ-rắc, Mê-sác, A-bết-Nê-gô biết điều đó. Họ trả lời với vua, “Nầy, hỡi vua! Đức Chúa Trời mà chúng tôi hầu việc, có thể cứu chúng tôi thoát khỏi lò lửa hực, và chắc cứu chúng tôi khỏi tay vua. Dầu chẳng vậy, hỡi vua, xin biết rằng chúng tôi không hầu việc các thần của vua, và không thờ phượng pho tượng vàng mà vua đã dựng” (câu 17-18).

Khi chúng ta tin vào Chúa đủ để thách thức áp lực của thế gian, vương quốc của Chúa sẽ hoạt động trong chúng ta. Ngài đã giải cứu ba thanh niên trung tín khỏi lò lửa hực. Trên thực tế, Ngài đã hiện diện trong ngọn lửa với họ! Sau đó, họ bước ra khỏi ngọn lửa mà thậm chí không có mùi khói. (Đa-ni-ên 3:24-27). Giống như ba chàng trai trung tín này, Chúa muốn cung cấp tất cả các nhu cầu của chúng ta. Ngài sẽ làm như vậy khi chúng ta chỉ phụ thuộc vào Ngài như ba thanh niên người Hê-bơ-rơ đã làm.

Đức Chúa Trời Đáp Ứng Nhu Cầu Của Áp-ram

Trong Sáng thế ký 14, chúng ta thấy cháu trai của Áp-ram là Lót gặp rắc rối khi xảy ra cuộc chiến giữa các vua trong vùng. “Bên thắng trận bèn cướp lấy hết của cải và lương thực của Sô-đôm và Gô-mô-rơ, rồi đi. Giặc cũng bắt Lót, là cháu của Áp-ram, ở tại Sô-đôm, và hết thảy gia tài người, rồi đem đi.” (Câu 11-12). Khi Áp-ram phát hiện ra điều đó, ông đã mang theo hơn ba trăm gia nhân được đào tạo để truy đuổi, và đánh bại họ.

Câu 16 nói rằng,

Ông đã đưa cháu trai mình là Lót cùng tài sản, phụ nữ và dân chúng trở về.

Câu chuyện tiếp tục. Vua của Sô-đôm đã ra đón Áp-ram sau khi thắng trận trở về.

Vua Sô-đôm nói với Áp-ram rằng: “Hãy giao người cho ta, còn của cải thì ngươi hãy giữ lấy.” Áp-ram trả lời:

“Tôi giơ tay lên trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời Chí cao, Chúa Tể của trời và đất, mà thề rằng: Hễ của chi thuộc về vua, dầu đến một sợi chỉ, hay là một sợi dây giày đi nữa, tôi cũng chẳng hề lấy; e vua nói được rằng: Nhờ ta làm cho Áp-ram giàu có” (câu 22-23).

Áp-ram đã tuân theo các quy tắc của vương quốc Chúa. Ông không muốn có vẻ như bất kỳ ai đã làm cho ông giàu có ngoài Chúa, vì Chúa không muốn bất kỳ ai nói rằng họ đã làm cho dân sự của Ngài giàu có. Chúa toàn năng là Đấng sẽ cung cấp mọi thứ cho chúng ta. Ngay sau đó, chúng ta thấy Áp-ram nhận được lời hứa tuyệt vời của Chúa.

Sau những điều này, lời của Chúa đã đến với Áp-ram trong một sự hiện thấy: Hỡi Áp-ram! ngươi chớ sợ chi; ta đây là một cái thuẫn đỡ cho ngươi; phần thưởng của ngươi sẽ rất lớn. Áp-ram thưa rằng: Lạy Chúa Giê-hô-va, Chúa sẽ cho tôi chi? Tôi sẽ chết không con, kẻ nối nghiệp nhà tôi là Ê-li-ê-se, người Đa-mách.  Áp-ram lại nói rằng: Nầy, Chúa làm cho tôi tuyệt-tự; một kẻ tôi tớ sanh đẻ tại nhà tôi sẽ làm người kế nghiệp tôi.  Đức Giê-hô-va bèn phán cùng Áp-ram rằng: Kẻ đó chẳng phải là kẻ kế nghiệp ngươi đâu, nhưng ai ở trong gan ruột ngươi ra, sẽ là người kế nghiệp ngươi.  Đoạn, Ngài dẫn người ra ngoài và phán rằng: Ngươi hãy ngó lên trời, và nếu ngươi đếm được các ngôi sao thì hãy đếm đi. Ngài lại phán rằng: Dòng dõi ngươi cũng sẽ như vậy” (Sáng thế ký 15:1-5).

Sau nhiều năm trôi qua và họ vẫn chưa có con trai, Sa-ra đã đến trước mặt Chúa và cố gắng tự mình tìm ra một kế hoạch riêng. Sáng thế ký 16:1-2 tường thuật:

“Sa-rai, vợ của Áp-ram, vẫn không sanh con; nàng có một con đòi Ê-díp-tô, tên là A-ga.  Sa-rai nói cùng Áp-ram rằng: Nầy, Đức Giê-hô-va đã làm cho tôi son sẻ, vậy xin ông hãy lại ăn ở cùng con đòi tôi, có lẽ tôi sẽ nhờ nó mà có con chăng. Áp-ram bèn nghe theo lời của Sa-rai.”

Sa-ra cho rằng Chúa đã ngăn cản bà sinh con, rằng Ngài không muốn đáp ứng nhu cầu của bà.  Ngược lại, khi An-ne trong sách Sa-mu-ên không thể thụ thai, bà đã thề với Chúa, về cơ bản bà nói rằng nếu Chúa cho bà một đứa con trai thì bà “sẽ phú dâng nó trọn đời cho Đức Giê-hô-va”  (1 Sa-mu-ên 1:11). Kinh thánh nói rằng An-ne đã sinh ra Sa-mu-ên sau đó. Khi chúng ta không thể tiến xa hơn nữa, chúng ta phải đến với Lời Chúa và cầu xin Đức Thánh Linh chỉ cho chúng ta biết những gì chúng ta cần làm để kích hoạt nguyên tắc vương quốc của Chúa bên trong chúng ta. Chúng ta cần gieo hạt giống đức tin.

Sa-ra tiếp tục theo cách riêng của mình, thay vì tìm kiếm con đường của Chúa. Bà nói với Áp-ram đi theo kế hoạch của bà. Áp-ram đã nghe theo tiếng nói sai trái. Ông đã nghe theo Sa-ra thay vì Chúa. Ông đã nghe theo tiếng nói của xác thịt thay vì tiếng nói của Thánh Linh.

“Sau khi Áp-ram đã trú ngụ mười năm tại xứ Ca-na-an, Sa-rai, vợ người, bắt A-ga, là con đòi Ê-díp-tô mình, đưa cho chồng làm hầu. Áp-ram lại cùng con đòi, thì nàng thọ thai” (Sáng thế ký 16:3-4).

Sa-ra đã cố gắng làm theo cách của riêng mình thay vì chờ đợi Chúa. Đôi khi cách của Chúa mất nhiều thời gian hơn một chút, và điều chúng ta phải làm là chờ đợi Ngài. Nếu Chúa đã hứa, Ngài sẽ thực hiện.

A-ga đã sinh con cho Áp-ram, và tên của đứa trẻ là Ích-ma-ên. Bởi vì Áp-ram và Sa-ra không tin cậy Chúa, họ đã lập ra một kế hoạch nằm ngoài kế hoạch của Chúa. Kết quả là, một sự chia rẽ lớn giữa con người bắt đầu, một sự chia rẽ giữa người Ả Rập (dòng dõi Ích-ma-ên) và người Do Thái (dòng dõi Y-sác) vẫn còn tranh chiến cho đến ngày nay. Cuộc chiến giữa Y-sơ-ra-ên và Iran ngày hôm nay là một bằng chứng.

Nếu chúng ta hoàn toàn tin cậy Chúa, chúng ta sẽ được bình an. Khi chúng ta biết mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào, chúng ta không lo lắng về bất cứ điều gì. Tuy nhiên, khi chúng ta lo lắng, chúng ta cố gắng hành động vì lợi ích của chính mình và gây ra những hỗn độn.

Câu chuyện tiếp diễn. Chúa đã phán với Áp-ram, “Tên ngươi sẽ không còn là Áp-ram nữa, nhưng bây giờ sẽ là Áp-ra-ham.” Theo nghĩa thuộc  linh, Ngài đã kết ước với Áp-ram và ban cho ông một cái tên mới. Ngài đã hứa với Áp-ra-ham, “Ta sẽ là Đức Chúa Trời của ngươi.” (Sáng thế ký 17.) Cuối cùng, khi Áp-ra-ham và Sa-ra được chín mươi chín tuổi, họ có đứa con trai theo lời Chúa hứa là Y-sác.

Chúa được vinh hiển.

Chúa đáp ứng nhu cầu của chúng ta thông qua đức tin của chúng ta nơi Ngài và Lời Ngài. Ngài không muốn chúng ta tìm cách đáp ứng nhu cầu của mình bằng suy nghĩ xác thịt. Ngài muốn đáp ứng nhu cầu của chúng ta và bày tỏ điều đó trong Đức Thánh Linh. Sau đó, mỗi khi nhu cầu của chúng ta được đáp ứng, Ngài được vinh hiển.

Sa-tan luôn cố gắng giành lấy vinh quang từ dân sự của Chúa. Hắn muốn đáp ứng nhu cầu của chúng ta thông qua các phương tiện xác thịt và hệ quả sau đó là sự đau khổ. Nhưng Chúa muốn đáp ứng mọi nhu cầu của chúng ta theo sự giàu có của Ngài trong vinh hiển thông qua Chúa Giê-su Christ. “Đức Chúa Trời tôi sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của anh em y theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển trong Đức Chúa Giê-su Christ” (Phi-líp 4:19.) Điều đó có nghĩa là Ngài nhận được vinh quang và chúng ta được ban phước nhiều hơn.

Chúa vẫn tiếp tục làm việc với Áp-ra-ham, và Áp-ra-ham đã trở thành cha của nhiều dân tộc. Chúa cũng sẽ tiếp tục làm việc với chúng ta. Ngài có thể xoay chuyển những mớ hỗn độn mà chúng ta tạo ra khi chúng ta theo đuổi mọi kế hoạch riêng của mình, nhưng tốt hơn là chúng ta không nên đi theo ý riêng. Khi chúng ta làm việc theo các nguyên tắc của vương quốc và chỉ phụ thuộc vào Ngài, Ngài chắc chắn đáp ứng mọi nhu cầu của chúng ta.

Hầu hết mọi người không có vấn đề gì với sự thịnh vượng, nhưng một số người có vấn đề với việc Chúa cung cấp sự thịnh vượng. Nếu họ có thể nói rằng họ đã tự mình làm được, điều đó khiến họ cảm thấy tốt. Họ sẽ làm theo công thức để đạt được điều đó, chỉ để họ có thể nói rằng cuối cùng họ đã giành được chiến thắng. Họ không hiểu được ân điển của Chúa.

Trước hết, nếu Chúa dẫn dắt một tín đồ thực hiện ba công việc, Ngài sẽ cung cấp sức mạnh và sự khôn ngoan mà họ cần để thực hiện chúng. Khi chiến thắng đến, mọi vinh quang sẽ thuộc về Ngài. Nhưng nhiều lần các tín đồ sẽ giống như Sa-ra và làm mọi việc theo cách khó khăn. Họ suy nghĩ và sử dụng khả năng của mình, trong khi Chúa có cách ban ân điển để họ giành chiến thắng.

Lời chứng sau đây của mục sư Bill Winston:

Chúa muốn chúng ta biết rằng Ngài là Đấng chu cấp cho chúng ta. Khi tôi đặt tay lên người bệnh, Chúa chứng minh Ngài là Đấng chữa lành cho họ. Có lần tôi cầu nguyện cho một người đàn ông vừa cãi nhau trong gia đình và bị dao đâm vào cánh tay. Anh ta thậm chí không thể cử động tay. Quyền năng của Chúa chạm vào anh ta, và anh ta bắt đầu cử động tay. Với nước mắt chảy dài trên mặt, anh ta nói, “Nhìn này, tôi có thể cử động tay!”

Người đàn ông này đều biết rằng tôi không làm điều đó xảy ra. Chúng ta không thực hiện phép lạ; Chỉ có Chúa mới làm điều đó. Công việc của chúng ta là gieo hạt giống, và công việc của Chúa là đáp ứng nhu cầu. Và khi Ngài đáp ứng nhu cầu, tất cả vinh hiển thuộc về Ngài.1

Hạt giống cần gieo ra là Lời Chúa

Như chúng ta đã thấy trước đây, chúng ta bày tỏ đức tin của mình vào Chúa và chỉ vào Chúa bằng cách tin vào Lời Ngài. Hạt giống đầu tiên mà chúng ta gieo cho mọi nhu cầu của mình là Lời Chúa. Chúng ta phải có Lời Chúa trong mọi điều chúng ta muốn làm trước khi Chúa có thể đến và thực hiện điều đó vì Ngài đang tìm kiếm đức tin. Và chúng ta biết rằng đức tin đến “bởi sự người ta nghe, và người ta nghe khi Lời của Đấng Christ được rao giảng” (Rô-ma 10:17).

Lời Chúa thay đổi cái nhìn của chúng ta về chính mình và Đức Chúa Trời. Nó thay đổi những gì chúng ta tin, khiến đức tin trỗi dậy và tin vào Ngài. Và Đức Chúa Trời chỉ có thể làm việc với chúng ta ở mức độ chúng ta tin vào Ngài. Mác 4:14 nói rằng, “Người gieo giống ấy là gieo đạo/lời.” Chúng ta phải gieo Lời Chúa vào lòng mình để có đức tin nơi Chúa. Gieo là trách nhiệm của chúng ta. Nếu chúng ta không gieo bất cứ thứ gì, chúng ta sẽ không gặt được điều gì.

“Chúa Giê-su phán rằng: Nước Đức Chúa Trời cũng như một người vải giống xuống đất; người ngủ hay dậy, đêm và ngày, giống cứ nẩy chồi mọc lên, mà người không biết thể nào” (Mác 4:26-27).

Công việc của ma quỉ là đưa chúng ta vào suy nghĩ của chính mình. Nếu nó đưa chúng ta vào suy nghĩ xác thịt, chúng ta không còn ở trong sự nối kết với Đức Thánh Linh nữa. Khi chúng ta nối kết với Chúa trong tâm linh, chúng ta sẽ di chuyển với sự hướng dẫn của Ngài, và những điều kỳ diệu xảy ra.

Khi sự mặc khải và ánh sáng của Chúa được bày tỏ trong chúng ta, nếu chúng ta không hành động theo Lời Chúa, Sa-tan sẽ đến và cố gắng đánh cắp sự mặc khải đó. Vì vậy, khi chúng ta phát hiện ra rằng Chúa muốn cung cấp cho tất cả các nhu cầu của chúng ta và rằng chúng ta cần gieo một số hạt giống, chúng ta phải bắt đầu gieo hạt ngay! Chúng ta không thể chờ đợi để kiểm tra mọi thứ. Nếu chúng ta chờ đợi quá lâu, ánh sáng đó sẽ mờ dần vì chúng ta không thực sự tin cậy vào Chúa mà muốn sử dụng sự tính toán khôn ngoan của chính mình.

  1. Dr. Bill Winston (2006). The Kingdom of God in you. Harrison House, Tula, Oklahoma.

Thay vì để hệ thống của thế gian điều khiển chúng ta, tại sao chúng ta không bắt đầu để nguyên tắc của vương quốc điều khiển chúng ta? Có một hệ thống ẩn bên trong chúng ta. Nó được thiết lập để dẫn dắt chúng ta tuân theo các nguyên tắc của Chúa. Đó là phúc âm của vương quốc Chúa.

Khoảnh khắc chúng ta có nhu cầu không thể đáp ứng được, chúng ta chỉ cần thực hiện các nguyên tắc của vương quốc Chúa. Mác 4:14 nói rằng, “Người gieo giống là gieo đạo/ lời Chúa.”

 Hãy nhớ rằng: Đấng đã hứa cùng chúng ta là Đấng thành tín thực hiện điều đó. Sự giải cứu của chúng ta đến từ tâm linh của chúng ta, từ bên trong ra bên ngoài, không phải từ bên ngoài vào trong. Chúa là Đấng thành tín, và khi chúng ta chuyển từ vương quốc bóng tối sang vương quốc ánh sáng, Đức Chúa Trời sẽ cung cấp mọi nhu cầu của chúng ta theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển trong Chúa Giê-su Christ. Tất cả những gì chúng ta cần làm là gieo hạt giống đức tin của mình, để Ngài sinh ra trái mà chúng ta cần, và sau đó dâng cho Ngài tất cả những vinh quang.

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên