Cô dâu và chú rể chậm rãi tiến vào nhà thờ chuẩn bị cho hôn lễ được một mục sư cử hành.
Trên ngực váy áo của cô dâu có đeo hình một chiếc ghế điện dành cho tử tội.
Chú rể đeo một sợ dây chuyền bằng vàng tây, trên sợi dây chuyền treo lủng lẳng một cái máy chém dành để xử tử các tù nhân bị kết án tử hành.
Trên ve áo của mục sư hành lễ đeo hình của một dây thòng lọng treo cổ.
Ghế điện, máy chém và dây thòng lọng treo cổ – ba người này đang trình diễn điều gì đây?
Họ đã thay thế cây thập tự bằng ba biểu tượng tương đương.
Cây thập tự trong thế kỷ thứ nhất chính là ghế điện, máy chém và dây thòng lọng ngày nay. Nó là một hình phạt kinh khủng đầy sỉ nhục dành cho tử tội.
Hãy suy nghĩ một câu hỏi nghiêm túc: THẬP TỰ GIÁ CÓ Ý NGHĨA GÌ?
Lịch Sử Và Ý Nghĩa Thập Tự Giá
Cách đây hơn 2 000 năm, Chúa Giê-xu đã bị đóng đinh trên thập tự giá. Kể từ đó đến nay, thập tự giá trở thành biểu tượng cho Cơ-đốc giáo. Nhân dịp kỷ niệm lễ Thương Khó và Phục Sinh năm nay, chúng ta thử tìm hiểu vài nét về lịch sử và ý nghĩa của cây thập tự.
Vài Nét Lịch Sử
Theo các nhà khảo cổ, Cơ-đốc nhân không phải là những người đầu tiên dùng cây thập tự. Các nhà khảo cổ cho biết qua nhiều hình thức khác nhau, thập tự đã được các dân tộc Ấn Độ, Ai Cập và cả thổ dân Da Đỏ tại Mỹ Châu sử dụng rất lâu. Người cổ Ai Cập cũng dùng thập tự để chỉ về sự sống hoặc nguồn sống. Tuy nhiên, chữ thập trong tiếng Ai Cập lại dùng một vòng tròn nhỏ để thay thế cho phần trên nét sổ xuống. Chữ thập của người Ai Cập gồm một chữ T kiểu chữ in, và ngay ở giữa, trên nét ngang còn có một vòng tròn. Kiểu chữ thập ấy về sau thường được giáo hội Ai Cập dùng trong các nhà thờ, các ngôi mộ, để chỉ về sự hy sinh của Chúa Cứu Thế. Danh từ chuyên môn gọi thập tự này là thập tự Ansata.
Một dạng thập tự khác là cây thập tự ngoặc Swastika. Thập tự này được dùng rất rộng rãi tại Á châu, Âu châu và Mỹ châu. Trước khi Chúa Cứu Thế giáng sinh, cây thập tự này thường được dùng để chỉ về mặt trời hay ngọn lửa, và do đó cũng chỉ về nguồn sự sống. Có lẽ người cổ Bắc Âu đã dùng biểu hiệu cây thập tự ngoặc khá nhiều nên Hitler, nhà độc tài quốc xã đã chọn cây thập tự ngoặc làm biểu hiệu chính thức của chủng tộc Nhật Nhĩ Man (người Đức), với ý định táo bạo là dùng cây thập tự ngoặc để thay thế cây thập tự của Cơ-đốc giáo. Hitler được xem là cứu chúa của chủng tộc Nhật Nhĩ Man. Dân tộc Nhật Nhĩ Man đối với triết gia Nietszche, cũng như đối với đảng Quốc Xã, là chủng tộc siêu đẳng, có trách nhiệm lãnh đạo và thống trị cả thế giới. Giấc mộng ấy của đảng Quốc Xã đã bị chôn vùi với nhà độc tài Hitler dưới hầm trú ẩn đào sâu trong lòng đất của tổng hành dinh quân đội Đức ở Bá Linh vào ngày 30 tháng 4 năm 1945, cách đây đã 54 năm.
Trong văn chương cổ điển Hy Lạp, danh từ stauros chỉ về một cây cột hay một thứ mộc hình, là cây cột dùng để tra tấn và hình phạt những người có tội nặng. Nguồn gốc từ này xuất phát từ động từ histemi có nghĩa là đứng, đứng thẳng. Từ stauros lúc đầu chỉ về một cây cột thẳng đứng, gốc chôn dưới đất. Về sau người ta thêm một cây ngang, ghép thẳng góc với cây cột. Nhiều chỗ trong Thánh Kinh Tân Ước, từ “thập giá” chỉ có nghĩa là cây ngang mà người tử tội phải vác đi từ nhà ngục cho đến nơi pháp trường mà thôi.
Sáng kiến dùng cây cột hay thập giá để đóng đinh hay treo cổ người tử tội, xuất hiện đầu tiên ở Tây Bộ Á châu. Nhiều học giả căn cứ vào các tác phẩm của các sử gia Hy Lạp là Herodotus và Thucydides đã cho rằng dân Ba Tư đầu tiên có sáng kiến dùng thập tự để xử tử người tử tội. Nửa cuối của thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên, tể tướng Ha-man của đế quốc Mê Đi Ba Tư đã cho dựng một cây cột gọi là cây mộc hình để xử tử Mạc-đô-chê. Mạc-đô-chê là một phu tù Do Thái sống tại kinh đô Su-rơ. Ông là một người dân cô thế, tuy nhiên Mạc-đô-chê bị Ha-man ghét cay ghét đắng chỉ vì cái tội “dám quyết định thờ phượng Đức Chúa Trời là Chân Thần mà thôi,” chứ không chịu thờ lạy ai khác, kể cả viên tể tướng nắm cả quyền sinh sát toàn dân. Khi tể tướng Ha-man bắt đầu thi hành một kế hoạch đại quy mô để giết sạch tất cả những người tin cậy Chúa thì Đức Chúa Trời đã can thiệp. Sách Ê-xơ-tê ghi rằng Đức Chúa Trời đã dùng hoàng đế Mê Đi Ba Tư là A-suê-ru ra lệnh dùng chính cây mộc hình, mà Ha-man đã dựng sẵn để treo cổ Mạc-đô-chê, để treo cổ Ha-man. Vua cũng cho phép người Do Thái được tự vệ nhờ đó người Do Thái được giải cứu.
Nhiều chứng tích cho biết người Ba Tư đã truyền phương pháp xử tử trên cây thập hình cho người Hy Lạp trong thời A-lịch-sơn Đại Đế. Ban đầu, người Phê-ni-xi đã xử dụng phương pháp xử tử bằng thập giá tại các lãnh thổ hải ngoại, kể cả xứ Các-tha, là xứ thù địch số một của dân tộc La Mã. Khi người La Mã chiến thắng người Các-tha, họ mượn lối xử tử bằng thập giá của người Các-tha, rồi cải tiến thành một thứ cực hình kinh khủng để kéo dài sự đau đớn của người tử tội trước giờ tắt hơi. Người bị treo trên thập tự tùy loại hành hình mà sự đau đớn có thể kéo dài từ ba giờ đồng hồ đến năm sáu ngày trước khi chết.
Người La Mã chỉ dành cực hình và tử hình trên thập giá cho những người nô lệ, trộm cướp, sát nhân, cùng các nhà ái quốc của các dân tộc chống lại chính quyền La Mã. Chúa Giê-xu đã bị xử tử và bị đóng đinh trên cây thập tự, mà không bị xử chém hay xử ném đá, vì Ngài không phải là công dân đế quốc La Mã; và dưới ánh mắt của viên tổng trấn La Mã cũng như các lãnh tụ tôn giáo Do Thái, họ xem Ngài như là một lãnh tụ cách mạng vì lòng yêu nước đã nổi lên tổ chức dân chúng chống lại đế quốc La Mã.
Theo luật La Mã, sau khi bị tuyên án tử hình trên cây thập tự, người tử tội phải chịu một loạt cực hình trước khi chết. Trước hết là một trận đòn kinh khủng bằng roi da gồm nhiều sợi dây gai đính móc sắt hay móc kim khí, hoặc đính các mảnh xương sắc bén. Trận đòn đau đớn dã man đến nỗi thường được gọi là cái chết thứ nhất. Theo nhà văn Hy Lạp Plutarque (46-99 S.C.), sau trận đòn ác liệt ấy, tử tội phải vác cây gỗ làm chiều ngang của câỵ thập giá đến pháp trường. Người tử tội cũng phải đeo trên cổ một tấm bảng ghi rõ tội trạng. Khi đến pháp trường, người tử tội bị lột hết áo xống rồi bị cột chặt hai cườm tay, bị đóng đinh vào cây gỗ mình đã vác theo. Sau đó, toán lính mới kéo cây gỗ ấy lên, đóng thẳng góc với một cây cột đã chôn sẵn tại pháp trường. Ở quảng giữa cây cột có ghép thêm một miếng gỗ như cái nêm làm chỗ tựa để người tử tội khỏi bị tuột xuống dưới sức nặng của mình, và cũng để giảm bớt phần nào sức kéo làm toạt vết đinh đóng ở hai cườm tay. Cực hình ấy kéo dài giờ này sang giờ khác dưới ánh nắng thiêu đốt ban ngày và nhiều khi giữa gió lạnh buốt ban đêm. Máu liên tục nhỏ từng giọt chậm chậm từ các vết thương do roi da đính móc sắt, các bắp thịt bị đinh xé toạt, và trong khi da co lại dưới ánh nắng thiêu đốt, các đốt xương gãy bị kéo rời ra lại càng làm cho cơn hấp hối của người tử tội trở thành cực kỳ đau đớn.
Trong thời Cựu Ước, tại Do Thái, người Y-sơ-ra-ên đã treo thi hài của một số tử tội và xem đó là một hình phạt nhục nhã sau khi chết. Hình luật của người Y-sơ-ra-ên về sau không cho phép đóng đinh người còn sống vào cây gỗ hay thập giá nữa. Tuy nhiên, sử liệu cho biết có một trường hợp ngoại lệ. Alexander Đệ Nhất, một bạo quân Do Thái thuộc dòng họ Hasmonean trị vì nước Do Thái từ năm 104 đến năm 78 trước Công Nguyên, đã ra lệnh đóng đinh vào thập giá 800 người Do Thái phản loạn. Có lẽ vì ông đã bắt đầu mê văn hóa La Mã và muốn bắt chước người La Mã xử tử đồng bào theo đúng cách của nước bảo hộ. Theo sách Dân-số Ký 25:4, Giô-suê 10:26 và I Sa-mu-ên 31:10, thi thể của các người bị xử tử bị đem treo lên cây gỗ cho dân chúng xem để tăng thêm hình phạt và sỉ nhục sau khi chết. Theo Phục Truyền Luật Lệ Ký 21:22,23, người bị treo trên cây gỗ là người bị Đức Chúa Trời rủa sả.
Sử gia Josephus sống từ năm 37 đến 93 sau Công Nguyên, đã viết trong tác phẩm Thượng Cổ Sử Do Thái quyển 17 chương 10, quyển 20 chương 5, và tác phẩm Các Cuộc Chiến Tranh Của Người Do Thái quyển nhì chương 12, quyển 5 chương 11 rằng: “Tại xứ Palestine, từ đời Julius Caesar đến đời Vespasian thường thấy cảnh xử tử người trên thập giá.” Chúng ta nên nhớ rằng thời kỳ ấy Đế Quốc La Mã thống trị các nước quanh biển Địa Trung Hải gồm cả xứ Do Thái và xứ Palestine. Hai tên cướp bị đóng đinh hai bên Chúa Cứu Thế đã bị tử hình đúng theo luật La Mã áp dụng tại xứ Palestine trong thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên.
Các nhà khảo cổ tìm được nhiều ngôi mộ của người Do Thái chôn cất trong thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên tại xứ Palestine, có khắc cây thập tự hình chữ T (Tau). Nhiều học giả cho rằng đây là những bằng cớ cổ xưa nhất về tục chôn cất của các môn đồ Chúa Cứu Thế. Tuy nhiên, một số học giả khác lại cho rằng hình cây thập tự có thể là một biểu hiệu của người Do Thái dùng để chỉ về cuộc sống trong thế giới vĩnh cửu tương lai. Dựa vào lời Thánh Kinh trong sách Ê-xê-chiên 9:4 “ghi dấu trên trán những người nào than thở khóc lóc về mọi sự gớm ghiếc đã phạm giữa thành nầy,” họ hiểu nghĩa câu ấy là những người ăn năn tội lỗi được ghi dấu, nên thoát khỏi cuộc xử đoán, chết chóc và đoán phạt đời đời sau ngày tận thế, và dấu ghi trên trán là dấu hình chữ thập, tức là mẫu tự cuối cùng trong tiếng Hy-bá-lai, ngôn ngữ của người Do Thái.
Khi nghiên cứu về thập tự được dùng trong các nhà thờ, các kiến trúc, và các lá cờ từ xưa đến nay, người ta đã tìm thấy 8 kiểu cây thập tự căn bản như sau:
- Thập giá Quadrata, 4 cánh đều, còn được gọi là thập giá Hy Lạp (Greek).
- Thập giá Immisa, cũng gọi là thập giá La Tinh (Latin). Thập giá này có chiều đứng dài hơn chiều ngang. Đây là loại thập tự phổ thông mà nhiều nhà thờ Tin Lành Việt Nam sử dụng.
- Thập giá Commissa, có hình chữ T (Tau) còn được gọi là thập giá thánh An-tôn.
- Thập giá St. Andrew có hình số 10 La Mã (X). Cây thập tự này có 4 cánh bằng nhau, xếp chéo nhau như mẫu tự X.
- Thập giá Ansata, có hình chữ T in nhưng chính giữa hai cánh ngang còn có một vòng tròn trên đỉnh.
- Thập giá Swastika có hình chữ thập ngoặc. Thập giá này có 4 cánh đều nhau, mỗi cánh còn chắp thêm một cánh phụ nằm thẳng góc với cánh chính, tủa ra theo chiều kim đồng hồ.
- Thập giá gồm chữ P chồng lên trên chữ X, hoặc thập giá có 4 cánh đều, nhưng trên cánh cao nhất còn chắp một chữ P. Kiểu thập giá này dùng hình mẫu tự trong tên của Chúa Cứu Thế viết bằng chữ Hy Lạp.
- Thập giá Celtic của người Bắc Âu có thêm một vòng tròn nhỏ bao quanh giao điểm của chiều ngang và chiều đứng.
Đây là những kiểu được dùng phổ thông. Ngoài ra còn nhiều kiểu thập tự khác nữa. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cho rằng chỉ có 4 kiểu thập tự chính mà thôi. Loại thứ nhất là thập giá 4 cánh đều, còn gọi là thập giá Hy Lạp (Greek). Loại thứ hai là thập giá La Tinh (Latin) có chiều đứng dài hơn chiều ngang. Loại thứ ba là thập giá hình chữ T (Tau), ít phổ biến tại Việt Nam. Loại thứ tư là thập giá hình chữ X (St. Andrew). Các kiểu khác đều từ những loại này khai triển ra. Ví dụ một biến thái của thập giá La Tinh là thập giá Giáo Phụ (Patriarchal cross), với hai thanh ngang, một dài một ngắn, dùng phổ biến tại khu vực của Đông Giáo Hội. Biến thái khác của thập giá La Tinh là thập giá Giáo Hoàng (Papal cross), với ba thanh ngang, thanh ngắn nhất trên cùng và thanh dài nhất bên dưới. Trong khi đó, người Nga và người Đông Âu cũng dùng thập giá Giáo Phụ nhưng thêm một thân chéo bên dưới. Người Celtics không thêm các thanh ngang nhưng lại thêm một vòng tròn nơi thanh ngang và đứng giao nhau. Biến thái của thập giá Greek là thập giá Maltese. Thập giá Maltese có phần ngọn lớn hơn phần thân, và phần ngọn đôi khi bị khuyết. Một biến thái khác của thập giá Greek là thập giá Swastika, về sau được dùng làm biểu tượng của Đức Quốc Xã.
Đối với người Do Thái, khổ hình thập giá là một điều kinh tởm nhất, vì người bị xử tử trên thập giá là người bị Đức Chúa Trời lên án và rủa sả. Đối với người La Mã, tử hình trên thập giá là cái chết ô nhục nhất trong tất cả các cách xử tử người tử tội. Nhà văn Ciceron người La Mã đã viết rằng: “Công dân La Mã nên gạt bỏ hẳn danh từ thập giá ra khỏi con người mình, chẳng những ra khỏi thân thể, nhưng cả trong tư tưởng, trong con mắt, trong lỗ tai cũng đừng cho thập giá dính dấp vào.” Tuy nhiên các hoàng đế La Mã, các tổng trấn, các pháp quan có quyền xử tử người dân trong đế quốc La Mã, sau khi Chúa bị đóng đinh, họ đã tiếp tục dùng cực hình thập giá suốt 300 năm để khủng bố, đàn áp những người theo Chúa Cứu Thế. Đến năm 313, Hoàng Đế La Mã Constantine I tiếp nhận Chúa, thì lối xử tử cực kỳ dã man ấy mới được bãi bỏ.
Năm 325, mẹ của Hoàng Đế Constantine I, là bà St. Helene, đã cho đi tìm cây thập giá mà Chúa bị đóng đinh. Đã gần 300 năm trôi qua thật khó mà tìm cho ra cây thập tự đó. Tuy nhiên, theo lệnh của Mẫu Hậu, vào năm 327, người ta đã tìm ra một cây thập tự mà người ta tin là cây thập tự Chúa bị đóng đinh ngay dưới nhà thờ Thánh Mộ ở Jerusalem. Sở dĩ người ta tin như vậy vì có người thuật lại rằng một khách hành hương được hết bệnh khi vô tình đụng đến cây thập tự đó. Ngày 3/5/327, lễ mừng tìm ra cây thập tự đã được tổ chức long trọng. Sau đó vì lý do tài chính, giáo hội đã cho xẻ cây thập tự thành những mảnh nhỏ đem bán. Những tín hữu Công Giáo và Chính Thống Giáo khắp nơi tìm mua. Nhu cầu thì nhiều , số lượng thì ít, nên người ta đã phải bịa ra chuyện thập tự tự hóa ra nhiều để tiếp tục bán. Năm 614, Hoàng Đế Khosru II của Ba Tư đã mang phần lớn di tích cây thập tự đó khỏi Jerusalem. Năm 627, Heraclius I chiếm lại được và tổ chức lễ mừng vào ngày 14/9/627. Khi người Hồi Giáo chiếm Jerusalem thì cây thập tự đó biến mất cho tới ngày hôm nay.
Mặc dầu các Cơ-đốc nhân trong Hội Thánh đầu tiên đã xử dụng thập tự, tuy nhiên, phong tục sử dụng thập tự giá bị chỉ trích trong thời Byzantine. Sau đó Giáo Hội Nghị tại Nicaea năm 787 cho phép sử dụng trở lại. Một thời gian sau, hình của Chúa Giê-xu bị đóng đinh được thêm vào trên cây thập tự. Những hình này xuất hiện đầu tiên trên những bức phù điêu của Đông Giáo Hội (Chính Thống Giáo). Đến thời Phục Hưng, hình Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên thập tự đã trở thành biểu tượng chính thức của Công Giáo.
Người Tin Lành ít dùng thập tự, đặc biệt không dùng thập tự có hình Chúa đóng đinh trưng bày trong nhà thờ và không dùng để chúc phước hay cầu xin. Tuy nhiên trong văn học, trong nghệ thuật, trong thánh ca, trong những bài giảng, người Tin Lành nhắc đến thập tự với tấm lòng tôn kính. Hầu hết giáo phái Tin Lành cho phép trưng bày thập tự trong nhà thờ. Thập tự xuất hiện trên nóc nhà thờ, trên các vòm cửa kiếng và một vài nơi trong nhà thờ, tuy nhiên không phải với mục đích thờ phượng, nhưng chỉ để tưởng niệm nhằm nhắc lại sự hy sinh và công ơn cứu chuộc của Chúa Giê-xu. Lá cờ của giáo hội Tin Lành cũng có hình thập tự. Thập tự cũng xuất hiện trên lá cờ của nhiều quốc gia, đặc biệt các quốc gia có chịu ảnh hưởng Tin Lành như Anh, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Hy Lạp, Iceland. Do cờ Anh có hình thập tự nên lá cờ các quốc gia trong khối Liên Hiệp Anh như Úc, Tân Tây Lan, Fuji cũng có hình thập tự.
Một trong những tổ chức nổi tiếng trên thế giới đã dùng thập tự để làm biểu hiệu là Hội Hồng Thập Tự quốc tế. Năm 1863, Jean Herry Dupant, một công dân Thụy Sĩ, đề nghị thành lập một tổ chức bác ái quốc tế trung lập để giúp những nạn nhân trong chiến tranh. Những người thành lập đã chọn lá cờ cho tổ chức này là hình thập tự đỏ trên nền trắng. Việc chọn hình và màu cờ có hai ý nghĩa: trước hết hội dùng biểu tượng thập tự để nhắc đến mục đích và tôn chỉ của hội là tinh thần bác ái và cứu giúp người khác như Chúa Giê-xu đã làm; ngoài ra lá cờ của Hội Hồng Thập Tự giống, nhưng ngược màu, với lá cờ Thụy Sĩ, nhằm vinh danh quốc gia này, nơi đã sản sinh ra Jean Herry Dupant (1828-1910), người sáng lập Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế. Từ lá cờ tên gọi chính thức của tổ chức được thành lập và tồn tại cho đến nay. Về sau, khi các quốc gia Hồi Giáo tham gia tổ chức Hồng Thập Tự quốc tế, họ không chấp nhận hình thập tự vì là biểu tượng của Cơ-đốc giáo nên Liên Hiệp Quốc phải thành lập thêm một tổ chức tương tự là Hội Lưỡi Liềm Đỏ. Hình lưỡi liềm, một vầng trăng khuyết, là biểu tượng của Hồi Giáo.
Ý Nghĩa Thập Tự Giá
Kể từ khi Chúa chịu đóng đinh trên cây thập tự, thập tự giá đã trở thành biểu tượng của Cơ-đốc giáo. Thập tự giá mang nhiều ý nghĩa sâu xa. Trước hết, thập tự giá là biểu tượng của sự sỉ nhục. Thánh Kinh Tân Ước Ga-la-ti 3:14 đã trích dẫn Thánh Kinh Cựu Ước Phục 21:23 chép: “Kẻ nào bị treo ắt là bị Đức Chúa Trời rủa sả” để giải thích rằng Chúa Cứu Thế Giê-xu đã bị rủa sả vì tội của nhân loại. Khi Chúa Cứu Thế chịu đóng đinh trên cây thập tự, Chúa không chỉ chịu đau đớn cực kỳ trong thân thể vì những lằn roi, những vết đinh, hoặc chịu nhục hình trong tinh thần trước sự sỉ báng cay độc của dân Do Thái, nhưng Chúa Cứu Thế đau đớn nhất vì bị Đức Chúa Trời lìa xa. Vì phải gánh vác tội lỗi của cả nhân loại, Chúa Giê-xu đã trở thành kẻ bị rủa sả và trong giờ phút đó, Ngài đã bị Đức Chúa Trời lánh xa.
Người La Mã cho treo tội nhân ngoại quốc trên thập tự nhằm làm sỉ nhục tội nhân và cả dân tộc bị trị. Người Do Thái cũng xem người bị treo trên thập tự là người đáng nguyền rủa. Thánh Kinh cho biết rằng: “Đáng rủa sả thay là kẻ bị treo trên cây gỗ” (Ga-la-ti 3:14). Tuy nhiên, Chúa Giê-xu bị treo trên thập tự không phải vì tội của Ngài mà vì tội của cả nhân loại. Ngài đã bị rủa sả thay cho cả loài người. Ngài đã biến thập tự giá từ biểu tượng của sự sỉ nhục thành biểu tượng của sự hy sinh.
Thập giá cũng là biểu tượng của tình yêu. Vì yêu thương loài người tội lỗi Chúa đã bằng lòng xuống thế gian để chết trên thập tự. Chúa đã dạy rằng ” Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình” (Giăng 15:18) và Chúa đã hành động thể hiện tình yêu đó. Sự hy sinh trên thập tự giá là hành động tột đỉnh bày tỏ tình yêu.
Thập tự giá cũng là biểu tượng của sự thứ tha. Nơi chân thập tự, gánh nặng tội lỗi của con người được cất bỏ vì “Huyết của Đức Chúa Giê-xu, Con Ngài, xóa sạch mọi tội chúng ta” (I Giăng 1:7).
Tội lỗi được tha thứ, con người nhận được sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Do đó, thập tự giá trở thành biểu tượng của sự cứu rỗi. Nơi nào Phúc Âm được rao ra, nơi đó sự cứu rỗi được truyền bá. Thánh Phao Lô cho biết: “Lời giảng về thập tự giá, thì những người hư mất cho là điên dại; song về phần chúng ta, là kẻ được chuộc, thì cho là quyền phép của Đức Chúa Trời.” (I Cô-rinh-tô 1:18).
Thập giá cũng là biểu tượng của sự tương giao. Thập giá gồm có một thanh chiều đứng và một thanh chiều ngang. Sự hy sinh của Chúa Giê-xu trên thập giá không chỉ mang con người tội lỗi trở về cùng Đức Chúa Trời nhưng cũng mang con người đến với nhau. Người tin Chúa không phân biệt màu da, tiếng nói, đã coi nhau như là anh em. “Bởi huyết Ngài trên thập tự giá, thì đã làm nên hòa bình, khiến muôn vật dưới đất trên trời đều nhờ Ngài mà hoà thuận cùng chính Đức Chúa Trời.”(Cô-lô-se 1:20).
Thập giá cũng là biểu tượng của khổ đau, là biểu tượng của người theo Chúa. Chúa Giê-xu phán rằng “Nếu ai muốn theo ta, phải liều mình, vác thập giá mình mà theo ta” (Mác 8:34). Đây chính là điều kiện mà người theo Chúa phải chấp nhận. Cuộc sống Cơ-đốc không phải là một lối đi trải đầy hoa, nhưng có nhiều gian khổ. Chúa Giê-xu dạy rằng: “Còn ai không vác thập giá mình mà theo ta, cũng không được làm môn đồ ta” (Lu-ca 14:27).
Và cuối cùng thập giá là khởi điểm của sự vinh quang. Cái chết của Chúa Giê-xu không mang Ngài xuống âm phủ nhưng mang Ngài trở về lại vinh quang vốn có của Ngài trên thiên đàng. “Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời nhưng chẳng coi sự bình đẳng của mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ giống như loài người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên thập tự. Cũng vì đó Đức Chúa Trời đem Ngài lên rất cao và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Giê-xu, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quỳ xuống, và mọi lưỡi đều tôn vinh Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha.” (Phi-líp 2:5-11). Nếu Cơ-đốc nhân trung tín với Chúa, thì sẽ có một ngày chúng ta cùng đồng trị trong vinh quang nơi thiên quốc với Ngài.
Nhân mùa Phục Sinh, chúng ta ôn lại vài nét lịch sử và ý nghĩa của thập tự giá. Nếu không có Chúa Giê-xu, thập tự giá chỉ là biểu tượng của sự nguyền rủa, sỉ nhục, khổ hình đời đời. Tuy nhiên bên Chúa Giê-xu, thập giá đã trở thành một biểu tượng cao đẹp của tình yêu, hy sinh, tha thứ, và tương giao. Theo Chúa là chấp nhận vác thập tự theo Ngài. Via Doloroso, con đường thập tự, là con đường khổ đau; tuy nhiên vinh quang đời đời của Đức Chúa Trời dành cho những ai đã bằng lòng noi theo gót chân Chúa đã đi. Mong bạn tiếp tục vác thập tự mình bước theo chân Chúa.
Châu Thanh
(San Diego)