Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ở giữa ngươi; Ngài là Đấng quyền năng sẽ giải cứu ngươi: Ngài sẽ vui mừng cả thể vì cớ ngươi; vì lòng yêu thương mình, Ngài sẽ nín lặng; và vì cớ ngươi Ngài sẽ ca hát mừng rỡ.
Sô-phô-ni 3:17
Chúng ta không cần phải buồn phiền, bởi Đức Chúa Trời nhìn thấy điều gì đang diễn ra. Tiên tri Sô-phô-ni viết về hai “ngày” trong tương lai liên quan đến dân tộc Do Thái: một ngày đoán xét khi các quốc gia tấn công Giê-ru-sa-lem (Sô-phô-ni 1:1-3:7), và một ngày vui mừng khi Chúa giải cứu dân sự của Ngài (3:8-20). Chúa phán cùng họ rằng: “chớ sợ” bởi vì Ngài sẽ ở cùng để giải cứu họ (c. 16). Chúng ta có thể nương dựa nơi tình yêu của Chúa, bởi vì tình yêu Ngài không bao giờ hư mất. “Quyết chẳng có điều sợ hãi trong sự yêu thương, nhưng sự yêu thương trọn vẹn thì cất bỏ sự sợ hãi” (1 Giăng 4:18). Tác giả Thi Thiên viết rằng: “Đức Chúa Trời là nơi nương náu và sức lực của chúng tôi, Ngài sẵn giúp đỡ trong cơn gian truân” (Thi Thiên 46:1).
Không chỉ giải cứu, nhưng Đức Chúa Trời của chúng ta cũng ca hát. Trong phần Kinh Thánh này chúng ta nhìn thấy Đức Chúa Cha là một người Cha yêu thương, Ngài ôm đứa con đầy ưu phiền vào trong lòng và ca hát để cho đứa trẻ chìm vào giấc ngủ. Hãy tưởng tượng hình ảnh ấy! Đức Chúa Cha dịu dàng ôm lấy và xoa dịu tấm lòng đầy muộn phiền của chúng ta. Trong Ma-thi-ơ 26:30, chúng ta thấy Đức Chúa Con ca hát tại buổi lễ Vượt Qua trước khi tiến vào khu vườn để cầu nguyện và sau đó là chịu chết tại đồi Gô-gô-tha. Chúng ta cũng nhìn thấy Đức Chúa Giê-su ca hát sau khi phục sinh vinh quang (Thi Thiên 22:22; Hê-bơ-rơ 2:12). Đức Thánh Linh ca hát trong và qua Hội Thánh của Đức Chúa Trời khi chúng ta nhóm họp để thờ phượng Chúa và đầu phục Ngài (Ê-phê-sô 5:18-21). Trong đời sống Cơ Đốc có những thời điểm dường như không tìm thấy sự bình an. Những hoàn cảnh cấp bách, con người dường như quá bận rộn để lắng nghe, và thậm chí lời cầu nguyện của chúng ta dường như không hiệu quả. Đó chính là lúc chúng ta cần yên lặng trước Chúa và để Ngài ca hát đưa bạn vào sự bình an. Đừng cố gắng giải thích, bởi vì sự bình an của Đức Chúa Trời “vượt quá mọi sự hiểu biết” (Phi-líp 4:7); hãy tận hưởng điều ấy.
Không chỉ có thế. Đức Chúa Trời không chỉ nhìn thấy điều gì đang xảy ra, giải cứu chúng ta khỏi sự đoán phạt, và ca hát cho chúng ta, nhưng Ngài cũng vui mừng vì cớ chúng ta. Chúng ta có thể làm vui lòng Đức Chúa Trời! Các phụ huynh yêu mến những lúc mà con cái của họ đem lại cho họ niềm vui bằng những hành động vâng lời, yêu thương hoặc bằng điều gì đó đặc biệt mà con cái của họ đã làm để làm vui lòng cha mẹ. Biết và làm theo ý muốn Chúa vẫn chưa đủ; chúng ta phải làm điều đó với mục đích là làm đẹp lòng Ngài. Cuối cùng Giô-na đã đi đến thành Ni-ni-ve và công bố sứ điệp của Đức Chúa Trời, tuy nhiên ông có thái độ không đúng đắn. Ông ghét dân tộc mà ông đang giảng đạo, chính vì thế ông đi ra ngoài thành và bĩu môi, hy vọng Đức Chúa Trời sẽ tiêu diệt thành ấy (Giô-na 4). Đức Chúa Giê-su phán rằng: “Ta hằng làm sự đẹp lòng Ngài” (Giăng 8:29). Đức Chúa Cha muốn chúng ta “hầu cho anh em ăn ở cách xứng đáng với Chúa, đặng đẹp lòng Ngài mọi đường” (Cô-lô-se 1:10). Đức Chúa Trời phán cùng các thầy tế lễ trong thời của Ma-la-chi rằng: “Ta chẳng lấy làm vui lòng nơi các ngươi” (Ma-la-chi 1:10). Đời sống của chúng ta cũng phải giống như những của lễ, “không phải phàn nàn hay là vì ép uổng; vì Đức Chúa Trời yêu kẻ dâng của cách vui lòng” (2 Cô-rinh-tô 9:7).
Một cách dịch khác cho câu Kinh Thánh Sô-phô-ni 3:17 đó là: “Ngài sẽ im lặng trong tình yêu thương.” Những người luôn miệng nói họ yêu chúng ta cũng dễ làm chúng ta phát cáu như những người ít khi nói lên điều đó, tuy nhiên khi tình yêu trở nên sâu đậm, tình yêu ấy sẽ được bày tỏ khi im lặng cũng như khi được nói lên. Khi Đức Chúa Trời không phán cùng chúng ta hoặc không làm điều gì đó vì chúng ta, Ngài vẫn yêu thương chúng ta; và chúng ta có thể tận hưởng “tình yêu lặng thinh” nhiều không kém những lời yêu thương được nói ra. Các em bé không biết nói thì có thể bày tỏ tình yêu của chúng cho cha mẹ, và các cha mẹ cũng có thể bày tỏ và nói ra tình yêu thương cho con cái kể cả khi họ im lặng. Những khoảng thời gian tĩnh lặng trong giờ thờ phượng khiến cho người ta cảm thấy căng thẳng. Với những người bạn lâu năm, sự im lặng nói lên nhiều điều hơn cả lời nói, và sự tình yêu im lặng của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta cũng thế.
Đức Chúa Cha có đang vui lòng vì chúng ta hay không?
Bèn là đẹp lòng người kính sợ Ngài, và kẻ trông đợi sự nhân từ của Ngài.
Thi Thiên 147:11
–
admin