Trang Chủ LỜI CHỨNG CÁ NHÂN Ước Mơ Của Một Mục Sư

Ước Mơ Của Một Mục Sư

1693
0
SHARE
HƯỚNG ĐI CHO VIỆT NAM
(kỳ 1)
Đức Chúa Trời gợi ý cho tôi về vấn đề đem đặc san Hướng Đi về Việt Nam. Bao lâu nay tờ báo phát hành ở Mỹ, cho người Việt ở Mỹ. Tại sao không thể phát hành cho người Việt ở Việt Nam? Con số người Việt ở Việt Nam đông hơn số người Việt tại Mỹ rất nhiều, và nhu cầu truyền giáo cho người Việt tại nước Việt rộng lớn hơn rất nhiều. Cơ đốc nhân đã tìm cách truyền giáo cho người Việt bằng nhiều cách, không thiếu cách nào, chỉ thiếu một cách: một tờ báo.
Dĩ nhiên Đức Chúa Trời gợi ý cho một người nào đó thì là chính lời của Ngài trong Kinh Thánh. Có người nói họ được Chúa mách bảo trong giấc mơ hay trong một dị tượng nào đó giống các thánh đồ trong Kinh Thánh, hoặc có người còn nói rằng Chúa hiện ra nói riêng với họ, tôi rất kính phục họ nhưng tôi không có cái đặc ân đó. Tôi đọc câu Kinh Thánh này và thấy nó có môt cái gì đặc biệt cho tôi, nên tôi bắt đầu suy nghĩ: Sau khi Lót lìa khỏi Áp-ram rồi, Đức Giê-hô-va phán cùng Áp-ram rằng: Hãy nhướng mắt lên, nhìn từ chỗ ngươi ở cho đến phương bắc, phương nam, phương đông và phương tây: Vì cả xứ nào ngươi thấy, ta sẽ ban cho ngươi và cho dòng dõi ngươi đời đời.
Tôi hỏi Chúa, có phải Ngài bảo con hãy nhướng mắt lên, nhìn cả bốn phương đông tây nam bắc? Mắt con không còn quá tinh tường như thuở đôi mươi, nhưng con cũng cố gắng nhướng mắt lên nhìn chỗ nào còn có thể. Và con nhìn thấy Việt Nam. Đây là chỗ con thấy, vì đó là quê hương con, nơi con chào đời, là tiếng nói con quen thuộc, thông suốt. Đó là nơi những người Việt đang sống. Không phải chỉ là những người nổi tiếng, giàu có sang trọng kiêu hãnh mỗi ngày đánh bóng tên tuổi mình trên những trang ảo. Mà là những người Việt bình dân, lam lũ, cần cù sống từng bữa bằng sức lao động chân chính của mình tại các quận các xã các làng, thậm chí miền núi hay ven biển xa xôi.
Con được rất khích lệ vì lời Chúa nói thêm: vì cả xứ nào ngươi thấy, ta sẽ ban cho ngươi. Điều này lớn lao quá cho con, vì con thấy mình không đủ sức làm chuyện gì lớn với số tuổi của mình bây giờ. Người ta hay nói với những người lớn tuổi như con bây giờ là anh không còn tương lai để nghĩ ngợi gì thêm nữa đâu, hãy cứ bằng lòng với cái hiện tại. Con cũng biết vậy và chẳng dám mơ ước xa xôi, nhưng sao con cứ nghe Chúa nói hãy nhướng mắt lên hãy nhướng mắt lên, con nhớ lại là Áp ram khi nghe Chúa phán bảo như vậy lúc tuổi không còn trẻ nữa, xấp xỉ cả trăm rồi chứ ít gì. Dĩ nhiên Áp ram là thánh tổ đức tin, nhưng Chúa cũng kêu gọi nhiều người khác hãy có đức tin mà không quan tâm đến tuổi tác của họ.
Khi cứ nghe đi nghe lại lời kêu gọi hãy nhướng mắt lên mỗi ngày, con cũng phân vân lắm, con lại nhớ đến câu chuyện kỳ lạ của Môi se khi ông ta chăn chiên trên núi Hô rếp: Vả, Môi-se chăn bầy chiên cho Giê-trô, ông gia mình, là thầy tế lễ tại xứ Ma-đi-an; dẫn bầy chiên qua phía bên kia đồng vắng, đến núi của Đức Chúa Trời, là núi Hô-rếp. Thiên sứ của Đức Giê-hô-va hiện ra cùng người trong ngọn lửa, giữa bụi gai kia. Người nhìn thấy cả bụi gai đang cháy, nhưng không hề tàn. Không hề tàn là vì nó cứ cháy mãi, điều đó là một việc lạ, vì bụi gai khô, cháy một chút là tàn. Tại sao nó cháy mãi không tàn, phải là một điều lạ, vì thấy lạ nên Môi-se bèn nói rằng: Ta hãy tẻ bước lại đặng xem sự lạ lớn nầy, vì cớ sao bụi gai chẳng tàn chút nào.
Khi thấy Môi se bước lại gần để xem thì Đức Giê-hô-va thấy người tẻ bước lại xem, Đức Chúa Trời bèn ở giữa bụi gai gọi rằng: Hỡi Môi-se, hỡi Môi-se. Người thưa rằng: Có tôi đây! Vì Chúa cứ bảo con hãy nhướng mắt lên, con vâng lời Ngài, con đã nhìn thấy Việt Nam, và con hỏi Chúa: con sẽ phải làm gì cho quê hương con, nếu Chúa bảo con hãy làm một cái gì đó cho họ? Con sẽ không nói như Môi se, xin đừng kêu tôi, vì tôi nói dở, như Giê rê mi, đừng kêu tôi, vì tôi còn là đứa trẻ. Con thưa rằng: có con đây, như Môi se. Chúa muốn con làm gì? Con không có tài năng gì lớn lao, không còn tuổi trẻ, nhưng con còn niềm đam mê làm việc cho Chúa. Đừng sai con làm những việc lớn và khó, vì con thật không dám, nhưng hãy sai con làm những việc nhỏ và dễ.
Chúa nói rằng ta biết, con khỏi lo. Điều con sẽ làm là những gì nằm trong khả năng của con thôi. Ta đã cho con khả năng viết lách từ khi con còn là một trẻ thơ, từng làm báo khi tuổi còn là một thiếu niên, đến khi qua Mỹ ta cho con nhiều cơ hội tham gia vào các công việc cần làm của một tờ báo “đời”, rồi được chủ nhiệm báo Hướng Đi “thương tình” cất nhắc lên làm Chủ Bút cũng khoảng… 10 năm nay. Con có kinh nghiệm trong những việc đó. Và quan trọng hơn, con có niềm đam mê với công việc đó. Quan trọng hơn nữa, là con có một đam mê để làm công việc của ta giao phó.
Vậy thì con hiểu rồi, có phải Chúa muốn con đem tờ báo Hướng Đi này về Việt Nam, tìm cách phát hành ra ngoài cộng đồng người Việt, dùng tờ báo như một công cụ để đem Tin lành rao truyền cho người Việt, những người không có khả năng đọc báo điện tử, lướt mạng, những người không có khả năng sử dụng internet, thành phần này vẫn còn rất nhiều. Quốc gia nào cũng vậy, mặt nổi của tảng băng thì xa hoa, kiêu kỳ, hãnh tiến, nhưng mặt chìm của tảng băng thì lạnh lẽo, chìm khuất, phần chìm lúc nào cũng nhiều hơn phần nổi. Phần lớn người Việt Nam nghèo khó về vật chất và tâm linh đang cần nghe, đọc Tin lành của Chúa qua một tờ báo đem kiến thức và niềm tin đến cho họ một cách hữu hiệu nhất.
Chúa nói đúng vậy, hãy bắt đầu bằng Việt Nam, Giê ru sa lem của người theo Chúa. Hãy đem tờ báo Hướng Đi về Việt Nam, cho người Việt Nam. Con đừng lo, con không đi một mình, ta sẽ đi với con, và kêu gọi những người bạn của con đi cùng con.
HƯỚNG ĐI CHO VIỆT NAM
(kỳ 2)
Tôi chia xẻ ý tưởng và khải tượng này cho một vài người. Không ai phản đối tôi cả. Họ chỉ sợ tôi không đủ sức. Tôi không đủ sức thật, nhưng tôi có một Đấng ban thêm sức cho tôi. Những lúc tôi cảm thấy sờn lòng, nặng nề vì cảm thấy gánh nặng, ai chẳng thế, tôi lại nghĩ đến hình ảnh một ngày nào đó tờ báo Hướng Đi đẹp về hình thức, súc tích về nội dung, sẽ được bày bán trên quầy của các tiệm sách, không phải chỉ các tiệm sách Cơ đốc, những người trí thức ăn mặc lịch lãm sẽ cầm tờ báo lên đọc. Tôi nhìn thấy hình ảnh đẹp hơn nữa, trong những nhà sách cộng đồng, là những người công nhân làm việc tay chân, buôn gánh bán bưng, những nông dân lam lũ cần cù trên ruộng đồng, những ngư dân vất vả miệt mài bên biển, sẽ cầm tờ báo lên đọc, và biết rằng có một Đức Chúa Trời vĩ đại đầy tình yêu thương dân tộc Việt Nam. Đấng ấy yêu họ và rất muốn cứu họ ra khỏi vòng vây của tội lỗi, chỉ cho họ một con đường để trở về mái nhà xưa, nơi họ đã rời khỏi từ những ngày rất xa xưa đến nỗi trong trí tưởng họ không còn lưu lại một dấu vết gì nữa 
Báo Hướng Đi về Việt Nam, sẽ giữ nguyên hình thức của nó, giống dáng vẻ bên ngoài của nguyên bản ở Mỹ, với khổ báo giống báo Time, bìa màu trước và sau, những trang ruột cũng sẽ có vài trang màu. Nội dung cũng vậy, cũng chia làm 3 mảng chính: Đức Tin- Văn Hóa- Đời Sống. Nó vốn thoát thai từ một tờ báo Đạo, chuyên chở Đạo và đem Đạo đến với Đời. Nó sẽ đem Phúc Âm Chúa đến với đời. Nó sẽ gồm có những bài viết, nghiên cứu về đức tin, những bài viết, nghiên cứu về văn hóa người Việt, những bài viết về đời sống muôn màu muôn vẻ từ Việt Nam đến thế giới. Chúng tôi muốn đưa đức tin đến với đời bằng một ngôn ngữ dễ hiểu, cởi mở, sống động, không khiên cưỡng, nhưng đầy sự thuyết phục với các bằng chứng khoa học và phép lạ của đức tin.
Báo Hướng Đi về Việt Nam, sẽ phát hành cuốn đầu tiên vào dịp Tết Nguyên Đán, vì là truyền thống lâu đời như một nét văn hóa đặc thù của người Việt. Lả dịp để người dân ngơi nghỉ sau một năm dài quay cuồng trong vòng quay của cuộc sống, dễ để tâm hồn mình yên tĩnh, lắng đọng, tìm kiếm những điều đem cho tâm hồn mình sự bình an, tìm kiếm những giải pháp mới cho năm mới. Tại Mỹ, Hướng Đi là đặc san, một tạp chí phát hành 3 tháng một lần cho 4 mùa Xuân Hạ Thu Đông, nhưng về đến Việt Nam sẽ là nguyệt san, mỗi tháng một lần. Nguyệt san Hướng Đi trước hết mong ước sẽ đến trên các bàn sách của các Hội Thánh, những tín hữu khi đến nhà thờ sẽ nhận một cuốn miễn phí, và đem một cuốn để tặng cho một người bạn chưa biết Chúa của mình. Con số phát hành cho số báo đầu tiên dự định sẽ là 1000, nhưng hy vọng sẽ nhân lên ở số thứ 2, số thứ 3, khi các tờ báo không còn “ẩn mình chờ chết ” trong các vách tường nhà thờ nữa, nhưng sẽ vượt qua bức tường ra các đường phố, ra chợ, ra các công ty, các công sở, phòng mạch, các trường học.
Khi nhướng đôi mắt hết cỡ để nhìn, Đức Chúa Trời cho tôi thấy những tờ báo Hướng Đi đẹp về hình thức, súc tích về nội dung, và những bài làm chứng về các phép lạ của Đấng hôm qua, ngày nay cho đến đời đời không hề thay đổi sẽ rời Sài gòn đi Biên Hòa, đi Tây Ninh, đi An Giang, đi Cần Thơ, Long Xuyên, Cà Mau. Rồi nó sẽ ngược đường đi Phan Thiết, Phan Rang, Nha Trang Tuy Hòa, rồi đến Quảng Nam Đà Nẵng, qua đèo Hải Vân đến Huế, và tiếp tục qua cầu Hiền Lương ra Bắc. Ngoài Bắc, chúng tôi hy vọng thấy báo Hướng Đi trên các phố phường Hà Nội Hải Phòng ra đến Cao Bằng Lạng Sơn.. Đức Chúa Trời ơi, quả là… một ước mơ quá tầm cỡ, nhưng trong bàn tay dẫn dắt của Ngài, con bước đi.
Vì khải tượng sẽ dần dần lan rộng- Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất. Nước Đức Chúa Trời không có biên giới, biên giới là tại lòng mình đắn đo thu hẹp thôi- thì một người không còn sức bao nhiêu để làm việc nữa, nhất là một người không còn tuổi trẻ nữa, cần đến sự hỗ trợ của tất cả các bạn, trước hết là anh em cùng đức tin. Hãy xem đây là một cái survey, một bảng thăm dò, tôi muốn anh em cùng đức tin với mình hãy share, chia xẻ bài viết ra, những người nhận được tiếng Chúa kêu gọi mình bước vào công trường thuộc linh lý thú này, không chỉ like, không chỉ love, không chỉ care, mà comment. Những comment đừng cứ Amen, Hallelujah mà thôi, nhưng hãy commit, hãy hứa nguyện sẽ đứng chung, đi chung, làm mọi thứ có thể làm được cho danh của Đức Chúa Trời, một cách cụ thể, Đức Chúa Trời muốn cụ thể. Ngài muốn mọi người được cứu, không chỉ chúng ta. Xin đừng thụ động nữa, hãy hành động.
Tôi cần sự cầu nguyện, và thực tế hơn, cần tài trợ, bằng khả năng, bằng tài chánh. Tôi chỉ là một người đứng lái ở đầu mũi, nhưng các bạn sẽ cùng chèo cho con thuyền trôi. Đặc san Hướng Đi ở Mỹ đã đứng và vượt qua 20 năm bằng các quảng cáo, của các công ty, cửa tiệm do con cái Chúa làm chủ, và các Hội Thánh. Nhưng Hướng Đi Việt Nam sẽ không đứng và đi bằng phương pháp ấy, mà bằng sự dâng hiến, sự tài trợ từ những người đồng chí hướng truyền giáo cho quê hương. Cùng với sự dâng hiến sẽ là những kỳ gây quỹ bán tranh, bán sách, bán đồ công nghệ, và ca nhạc Thánh… Tôi bắt chước vị Mục sư với sự khao khát chấm dứt nạn kỳ thị chủng tộc tại đất nước Hoa Kỳ, Mục sư Martin Luther King Jr, người nói: I Have A Dream. Tôi nói bằng tiếng Việt: Tôi Có Một Ước Mơ. Và Đức Chúa Trời Đấng tôi tin cậy sẽ làm thành ước mơ ấy. Ngài sẽ cứu dân tộc Việt Nam.
Tôi muốn kể cho anh em nghe một câu chuyện nhỏ thôi, nhưng tôi tin là sự ban cho của Đức Chúa Trời, Đấng đã cho chúng ta hết cả mọi điều, mọi điều ngay cả vượt quá sự suy tưởng của chúng ta. Vào buổi tối thứ sáu tuần rồi tôi vào đường dây giảng cho Hội Thánh Truyền Giáo Trên Đường Dây, sau khi Chúc Phước cho Hội Thánh, tôi good night con cái Chúa, chuẩn bị tắt máy, thì nghe giọng một bà tín hữu, xin Mục sư nán lại một chút, tôi muốn nói chuyện với Mục sư một chút về vấn đề dâng hiến khi Mục sư đi Việt Nam, đem báo Hướng Đi về Việt Nam. Chúng tôi trao đổi số điện thoại và hẹn ngày mai sẽ gọi lại nói chuyện nhiều hơn.
Trong buổi nói chuyện ngày hôm sau, bà nói: tôi tìm, nhắn tin cho Mục sư mấy tháng nay rồi mà không gặp, hôm nay Chúa cho tôi vào đường dây nghe Mục sư giảng tôi mừng quá. Tôi cùng một suy nghĩ với Mục sư, dùng tờ báo như một phương tiện đem Tin lành của Chúa ra cho đồng bào Việt Nam (thật ra tôi không nói điều này trong bài giảng), tôi sẽ dâng hiến góp phần với Mục sư trước khi đi, và sau khi Mục sư về Việt Nam, cho tôi biết cách để tôi có thể gởi tiền về hỗ trợ hàng tháng. Tôi có một người chị đang ở Sài gòn nhờ Mục sư làm chứng, và hy vọng Chúa thay đổi lòng chị thì sẽ có thêm cơ hội cho công việc của Ngài.
Đây là người đầu tiên nói rằng: đây là số tiền dâng hiến cho việc đem tờ báo Hướng Đi về Việt Nam làm chứng cho đồng bào.
Tôi rất mong nghe thêm những lời nói như vậy nữa, từ người thứ 2, thứ 3, và tiếp tục tăng thêm. Tôi không nghĩ rằng chỉ là những người Việt ở Mỹ, mà cả những người Việt ở Việt Nam, những người Việt ở khắp nơi trên thế giới, nơi đâu có người Việt, nơi đâu có tấm lòng, có khao khát mong ước hầu việc Chúa, rao giảng Tin lành cho đồng bào, mà bước chân còn đang ngập ngừng chưa biết đi đâu về đâu. Đi với tôi.
Tôi hay nói câu này, copy từ một câu nói của một người nào đó mà tôi quên tên, đi một mình chúng ta đi chậm và ngắn, đi cùng nhau chúng ta sẽ đi nhanh hơn và đi dài hơn. Hãy liệng bánh ngươi nơi mặt nước, vì khỏi lâu ngày ngươi sẽ tìm nó lại.
Ai sẽ đi cùng tôi?
BAN BIÊN TẬP
Lời Chúa dạy:
Nhưng ta đã để dành lại cho ta trong Y-sơ-ra-ên bảy ngàn người không có quì gối xuống trước mặt Ba-anh, và môi họ chưa hôn nó. 1 Các Vua 19:18
Chúa phán cùng Phao-lô trong sự hiện thấy rằng: Đừng sợ chi; song hãy nói và chớ làm thinh;  ta ở cùng ngươi, chẳng ai tra tay trên ngươi đặng làm hại đâu; vì ta có nhiều người trong thành nầy. Công vụ 18:9-10
_
Chúng ta có thể thêm một lời cầu nguyện cho những ý tưởng mà Mục Sư Kien Lu đang thai nghén.
Giới thiệu bài viết:
HƯỚNG ĐI CHO VIỆT NAM
(kỳ 3)
Có những bàn chân rất khiêm nhường, hy sinh riêng tư đi gieo mến thương…
Có những bàn tay trống trơn chỉ biết xòe ra, để nhận lãnh.
Đức Chúa Trời sẽ rất yêu những bàn tay nắm sẵn một cái gì đó, và xòe ra, để ban cho.
Trong mùa Lễ Tạ Ơn năm nay, tôi giảng cho Hội Thánh Báp tít Greenville, South Carolina nơi tôi đã từng là Mục sư quản nhiệm gần 5 năm, chỉ mới về hưu cách đây chưa tới 1 năm, 2 đề tài: Cho Hết và Tôi Tạ Ơn Vì… (sẽ giảng đúng lễ Tạ Ơn 21/11)
Người dẫn chương trình khi tôi giảng Cho Hết nói rằng: Chà, đề tài này căng quá, vì không ai muốn cho, mà còn biểu cho… hết 
Mục sư bắt đầu bài giảng, nói: yên tâm, nói Cho Hết đây là Chúa Cho Hết chứ không phải mình cho hết. Nhưng nghe đến cuối bài giảng thì sẽ biết là mình nên cho cái gì.
Người Mỹ có một tập quán rất đáng bắt chước, tôi không nói bất cứ cái gì của người Mỹ cũng tốt và đáng bắt chước. Họ có những điểm không tốt, nhưng có điểm tốt nên bắt chước, đó là Cho. Nhiều năm trước, Ti Vi của Mỹ có chương trình American Idol rất nổi tiếng, nhiều người đã thành danh và rất nổi tiếng qua chương trình này. Khi nước Mỹ bị thiên tai rất nặng, một số họ đứng ra lập chương trình American Idol Give Back. Họ đã dâng lại nhiều triệu đô la để cứu trợ đồng bào Mỹ bị thiên tai.
Chúng ta Cơ đốc nhân rất hay nói câu: tôi tạ ơn Chúa vì đã cho tôi rất nhiều. Rất ít người nói câu Tôi sẽ cho lại gì. Chúng ta rất quen thuộc câu Tạ ơn Đức Chúa Trời vì sự ban cho của Ngài không xiết kể. Nhưng chúng ta khá xa lạ với câu Trong lúc có dịp tiện hãy làm điều thiện cho mọi người.
Khi Phi e rơ và Giăng lên đền thờ cầu nguyện thì gặp một người ăn xin bị liệt chân ngồi ở Cửa Đẹp, nhìn hai người, hy vọng sẽ được cho chút gì. Phi e rơ nói: ta không có tiền bạc để cho ngươi. Nhưng điều ta có thì ta cho ngươi. Câu nói này là một câu nói nổi tiếng, vì đánh động đến được lòng người vốn băng giá và hay… cố thủ (cố gắng để thủ, càng cố thủ càng dễ… thủng lưới ) Câu này được Mục sư giải thích thế này: tôi có gì tôi cho nấy. Tôi đã được cho thì tôi cho lại. Chẳng lẽ chúng ta không có gì để cho, hoặc chưa bao giờ được cho bất cứ gì? Người đàn bà góa dâng tiền được Chúa Jesus khen là người dâng nhiều nhất trong tất cả những người dâng hiến cho đền thờ ngày hôm ấy, đã dâng cái gì? Xin đừng nói với Chúa rằng lạy Chúa Chúa biết con, con không có gì để cho  Hoặc con nghèo quá không có gì để cho. Người đàn bà góa này nghèo hơn hết trong tất cả những người nghèo, trong thời kỳ Chúa Jesus và trong cả thời kỳ này.
Có một điều tôi muốn… friendly reminder các con cái Chúa: Trong cả Kinh Thánh không có chỗ nào chép rằng Đức Chúa Trời lập Hội Thánh để cho người ta vào và ngồi yên ở đó. Nhưng có rất nhiều chỗ chép rằng ngươi hãy đi ra, đi cho xa có thể  Xin lưu ý câu Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất.
Khoan đi cùng trái đất đã, chưa đi nổi đâu, nhưng đi cùng nước Việt Nam thì có thể được. Nhiều người chúng ta đi nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, đi nhiều lần nữa, chụp hình rất nhiều, khoe đầy trên facebook, nhưng là đi… chơi  Không có… phê phán chuyện đi chơi, có tiền cứ đi, nhưng chỉ xin nghĩ đến việc Chúa một chút. Đây là Kinh Thánh nói, lâu lâu cũng nên đem lời Chúa ra hù dân chúng một chút : Hỡi kẻ trẻ (và kẻ già) kia, hãy vui mừng trong buổi thiếu niên, khá đem lòng hớn hở trong khi còn thơ ấu, hãy đi theo đường lối lòng mình muốn, và nhìn xem sự mắt mình ưa thích, nhưng phải biết rằng vì mọi việc ấy, Đức Chúa Trời sẽ đòi ngươi đến mà đoán xét
Người ta sẽ hỏi tôi: Mục sư kêu gọi người ta cho. Nhưng Mục sư đã cho chưa, và cho cái gì? Tôi trả lời ngay không đắn đo gì: Tôi cho Tôi. Tôi đã cho, tôi đang cho và tôi vẫn sẽ cho, cho tới khi không còn cái gì để cho. Nói câu này thật tôi khá… hổ thẹn, trong bài giảng Cho Hết, đoạn cuối, tôi nói: sau khi Cho hết tất cả mọi thứ, không chừa lại cái gì, cho tuốt tuồn tuột, Chúa Jesus vẫn còn loay hoay tìm kiếm thêm cái gì để cho. Ngài nhìn quanh nhìn quất, không thấy gì nữa, chỉ thấy mình. Và Ngài quyết định cho luôn… chính mình. Tôi xin phép Chúa nói câu này với tất cả sự đắn đo cẩn thận: nếu Chúa thấy một ông già như con còn cái gì để cho được thì xin Ngài cứ nhận cái tấm thân… còm cõi này 
Chuyến đi Việt Nam lần này của tôi không bay theo cách bình thường, vì Việt Nam vẫn chưa mở lại các đường bay thương mại tự do như trước khi covid xuất hiện, tôi phải bay theo dạng combo trọn gói (không hiểu lắm chữ này ), vé rất mắc và phải bị cách ly 1 tuần (rất không muốn, không thích). Tôi lại phải bay qua California vì chuyến bay sẽ bay tại đây, tôi lại phải mua thêm một vé bay California, từ phương Đông bay sang phương Tây thì giá vé không hề rẻ, tôi phải gọi cầu cứu chú em ruột đang làm việc tại phi trường, người hay cho các anh chị em các vé máy bay stand by, gọi là vé hên xui , hên thì còn chỗ họ cho lên máy bay, xui thì hết chỗ phải chờ chuyến khác, có khi chờ cả ngày không có chuyến nào cho lên. Một em thanh niên ghé nhà cho phở, hỏi thăm vấn đề bay, tôi thật thà kể. Em nói: không được đâu, Mục sư bay đã cận ngày, mà lại là thời gian lễ Tạ Ơn, không bay được là hết về Việt Nam. Để con take care of your plane ticket  Nói sao nó cũng không chịu. Nó bèn mua, gởi vé qua, rồi nói: con mua vé này là cho Chúa, cho công việc Chúa, chứ không cho Mục sư, Mục sư đừng có áy náy. Suy nghĩ một chút, nó hạ giọng nói nhỏ trên phone: Mục sư hầu việc Chúa, chỉ lo hầu việc Chúa mà không quan tâm chuyện tiền bạc, con rất thương 
Chẳng có Mục sư nào mà không cảm động khi nghe câu này. Các Mục sư hầu việc Chúa chắc ai cũng thích nghe câu này.
Tôi không có khiếu kêu gọi dâng hiến, rất dở là đằng khác, Mục sư Huệ thì có , nhiều lần tôi kêu gọi dâng hiến, thì cũng giống như Giăng Báp tít, kêu vào trong đồng vắng, chỉ nghe tiếng vọng của sa mạc, chứ ít ai trả lời. Nhưng vì công việc Chúa, tôi cứ kêu  Ai có tai cứ nghe, và có tấm lòng, cứ dâng, có tay thì cứ móc bóp, ký check, zelle, something like that 
Tôi vẫn đang chờ đợi Đức Chúa Trời ra… phán quyết cuối cùng cho chuyến bay. Từ lâu tôi đã luôn luôn rất cẩn thận khi làm một việc gì, cẩn thận hỏi Chúa, và chờ đến phút chót, nhiều khi đến phút chót máy bay cũng có thể cancel. Ai biết. Kế hoạch của Chúa là toàn vẹn, đầy đủ, sẵn sàng nghe và sẵn sàng vâng lời. Còn một chi tiết quan trọng phút cuối là hành khách phải test covid dạng PCR âm tính, xuất trình ngay chỗ check in thì mới được lên máy bay. Tôi đã chích… 3 mũi, nhưng không dám for sure chút nào cả, Đức Chúa Trời sẽ quyết định điều đó.
Mục sư Lữ Thành Kiến

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên