Các tư thế chuẩn trong sinh hoạt hàng ngày giúp bạn phòng tránh các bệnh cơ xương khớp thần kinh. Cách đi, đứng, nằm, ngồi không chỉ phản ánh tính cách, văn hóa, học thức của người đó, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.
Trong khi sinh hoạt hàng ngày những tư thế đứng, ngồi, nằm, mang vác hay thậm chí bước đi không chuẩn hoàn toàn có thể dẫn đến đau nhức xương khớp, trật xương, nặng hơn là tổn thương cột sống, thần kinh, gây đau liệt, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống thường nhật.
Ở bất cứ tư thế nào, các bộ phận trong cơ thể luôn phải chịu một trọng lực nhất định, một tư thế hoạt động chuẩn sẽ hạn chế tối đa ảnh hưởng của trọng lực lên các bộ phận này, từ đó tránh được những tổn thương xương, khớp, thần kinh.
Có thể nhất thời việc sai tư thế sẽ không gây nhiều khó chịu, nhưng càng kéo dài lâu, các tổn thương sẽ dần dần tích tụ lại, gây nên nhiều bệnh về thần kinh, cơ xương khớp, tuần hoàn v.v..
Ngồi và đứng là những tư thế phổ biến, ngồi và đứng đúng tư thế không chỉ thể hiện bạn là người có văn hóa, mà còn giúp tăng hiệu suất làm việc, lâu mỏi, tránh được các tổn thương xương khớp thần kinh. Bê vác sai tư thế cũng có thể gây hậu quả khôn lường, nhiều người tuy còn trẻ đã bị thoát vị đĩa đệm, đau lưng mãn tính vì bê vác sai tư thế.
Tư thế ngồi
- Lưng cổ thẳng, vai hơi đưa về sau, thả lỏng. Hông chạm đến thành sau của ghế
- Phân bố đều trọng lượng lên hai bên hông
- Gối gập 90 độ, không nên bắt chéo chân
- Hai bàn chân đặt hoàn toàn lên mặt sàn
- Khi ngồi trên ghế xoay, tránh dùng eo để xoay ghế, nên dùng toàn bộ cơ thể
- Khi đứng dậy, di chuyển ra phần trước của ghế, sau đó đứng dậy bằng cách duỗi thẳng hai chân, tránh cúi gập người về phía trước khi đứng dậy.
- Tránh ngồi lâu một tư thế quá 30 phút
Tư thế đứng
- Hai chân dang rộng bằng vai
- Dồn trọng lượng lên phần trước của hai bàn chân.
- Gối hơi khuỵu nhẹ
- Đứng thẳng với vai hơi đưa về sau, bụng hóp
- Cổ thẳng, không ngả đầu về phía trước, ra sau, sang hai bên
- Dồn trọng lượng từ phần trước bàn chân sang gót chân, hoặc từ chân này sang chân kia nếu phải đứng lâu
- Khi đứng lâu, có thể đặt một chân lên bậc cao hơn một chút hoặc cũng có thể hơi gập hai đầu gối hoặc một đầu gối lại để giảm bớt gánh nặng của vùng thắt lưng, đó chính là tư thế đứng “nghỉ”.
Tư thế nằm
Ngủ chiếm đến ⅓ thời gian cuộc đời bạn. Giấc ngủ cũng là lúc chúng ta “nạp” lại năng lượng, đào thải chất độc để bắt đầu một ngày mới. Ngủ sai tư thế 6-7 tiếng liên tục có thể dẫn đến đau mỏi cơ, khớp, ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ. Lâu dài có thể góp phần làm thoái hóa đốt sống.
- Trước hết, bạn nên chọn loại đệm thích hợp. Nhiều chuyên gia khuyến cáo dùng đệm cứng, tuy nhiên một số người thích đệm mềm, điều quan trọng vẫn là bạn cảm thấy thoải mái.
- Khi nằm nghiêng nên đặt một chiếc gối giữa hai chân
- Nếu bạn bị đau lưng, nên nằm ngửa. Khi nằm ngửa nên đặt một chiếc gối dưới hai đầu gối
- Không nên dùng gối quá cao. Chiều cao gối nên từ 8-15 cm. Người nằm ngửa nên chọn gối thấp hoặc vừa. Người nằm nghiêng nên chọn gối có độ dày trung bình trở lên.
- Tránh nằm úp bạn sẽ không được khung xương nâng đỡ và còn gây áp lực lên tim và phổi khiến chúng khó co giãn.
-
- Ngồi dậy từ giường: Nằm nghiêng người về phía cạnh giường. Co hai gối lại. Thòng hai chân ra ngoài cạnh giường. Chống hai tay lên để ngồi dậy. Không nên cúi gập cột sống, ngồi bật dậy. Khi nằm xuống thì làm ngược lại các bước trên.
Tư thế nâng đồ vật
- Cột sống có chứa tủy sống là trung khu thần kinh quan trọng, rất nhiều người vì chủ quan khi bê vật nặng dẫn đến tổn thương cột sống thắt lưng, hậu quả là đau thắt lưng mãn tính, nghiêm trọng hơn là liệt, rối loạn đại tiểu tiện. Một điểm cần lưu ý khi bê đồ vật là lưng phải thẳng.
- Hai bàn chân cách nhau khoảng rộng đủ tạo chân đế vững chắc
- Ngồi xuống với mục đích gấp khớp gối và khớp háng, không được cúi gập cột sống
- Bê đồ vật vào sát bụng, căng cơ bụng ra
- Bê đồ vật lên bằng cách cả cơ thể di chuyển đứng dậy, luôn giữ cho cột sống thẳng, không xoắn vặn và độ ưỡn của cột sống thắt lưng luôn duy trì mức trung bình
Đại Hải (tổng hợp)
daikynguyenvn.com