Trang Chủ BIỆN GIÁO Trọng Tâm Của Bài Giảng Trên Núi

Trọng Tâm Của Bài Giảng Trên Núi

943
0
SHARE

Bài Giảng Trên Núi, được ghi lại trong Phúc Âm Ma-thi-ơ, bao gồm những lời dạy nổi tiếng nhất của Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu không đến để thay thế luật của người Do Thái, mà để thi hành luật đó. Cứu Chúa của chúng ta đã giảng theo cách mà tất cả mọi người đều có thể hiểu được, nhưng trong bài giảng này, Ngài đã kéo các môn đồ lại gần hơn. Mọi lời Ngài nói đều có chủ đích, và đầy khôn ngoan để con người sống theo, đó không chỉ là những quy tắc theo kiểu tôn giáo.

Jonathan Pennington đã viết cho tổ chức The Gospel Coalition rằng “Sứ điệp của Chúa Giê-xu trong bài giảng là Đức Chúa Trời là Cha của chúng ta, Đấng nhìn thấy và quan tâm đến tấm lòng, chứ không phải những việc làm và tôn giáo mà bề ngoài nhìn có vẻ công bình.”

Bài Giảng Trên Núi là gì?

Chưa ai từng thấy Đức Chúa Trời, chỉ Con Một ở trong lòng Cha là Đấng đã bày tỏ Cha cho chúng ta biết” (Giăng 1:18).

Giọng điệu và lời giảng của Bài Giảng Trên Núi hoàn toàn dễ nghe và dễ hiểu đối với các môn đồ của Chúa, những người nhóm lại để nghe Ngài nói khi Ngài ngồi xuống với họ trên một sườn núi. Đây là tư thế điển hình của một giáo sư cấp cao thời đó trước khi giải thích luật pháp cho học trò của mình.

Lúc này Chúa Giê-xu đang ở thời kỳ đỉnh cao của sự nổi tiếng. Mặc dù chức vụ của Ngài đã động chạm đến rất nhiều người, nhưng Ngài thấy cần phải dạy dỗ các ‘môn đồ’ của mình một cách gần gũiNhững ai đặc biệt muốn gắn bó với Ngài, Chúa Giê-xu biệt riêng họ ra để dạy dỗ,” (theo cuốn chú giải Kinh Thánh Expositor’s Bible Commentary). Những lời của Ngài cũng có thể áp dụng cho những người theo Chúa ngày nay giống như các môn đồ khi xưa được nghe tận tai những lời này phán ra từ miệng Con Đức Chúa Trời trong thân thể con người trong một thời gian ngắn trên đất này.

Có thể Chúa Giê-xu đã nói những lời này trong nhiều ngày chứ không phải chỉ là hàng giờ.

Mọi điều Chúa Giê-xu đã nói và làm đều có chủ ý. Xuất Ê-díp-tô Ký 19:3 nói, “Môi-se lên gặp Đức Chúa Trời. Từ trên núi, Đức Giê-hô-va gọi ông và phán: “Con hãy nói với nhà Gia-cốp, và bảo với con dân Y-sơ-ra-ên thế nầy.” Một số học giả cho rằng đây là lý do tại sao Chúa Giê-xu chọn khu vực sườn núi. Mục-sư John Piper đã viết, “… sáu lần trong Ma-thi-ơ 5, Chúa Giê-xu có vẻ như đã đối đầu với kinh luật và truyền thống của người Do Thái một cách đáng kinh ngạc bằng những lời lẽ cực kỳ có thẩm quyền của Ngài,‘ Nhưng Ta nói cùng các ngươi’(Ma-thi-ơ 5:22, 28, 32, 39, 44). Mục đích bao quát của Bài Giảng Trên Núi là đưa luật pháp cũ vào ánh sáng của Giao-ước mới.

5 điều bạn cần biết về Bài Giảng Trên Núi

1. Chúa Giê-xu đã không bảo đám đông đến gần để nghe Ngài giảng.

Khi thấy đoàn dân đông, Đức Chúa Giê-xu đi lên núi. Lúc Ngài ngồi xuống, các môn đồ đến gần. Ngài mở lời truyền dạy rằng” (Ma-thi-ơ 5:1-2).

Khi Chúa Giê-xu ngồi xuống để dạy các môn đồ của Ngài, Ngài không la hét để gây chú ý. Ngài chỉ ngồi xuống đó và mở miệng nói. Chúa Giê-xu không phải là một giáo sư tự cho mình là đúng, như một số giáo sư khác thời nay. Ngài là Đức Chúa Trời đang bước đi giữa họ! Khi Ngài ngồi xuống để giảng dạy, thì chính thần tính siêu nhiên của Con Đức Chúa Trời đang phán với các môn đồ.

Có lúc tôi nghĩ khi nghe ai đó chia sẻ bài giảng này, chúng ta thường lấy bút ra và ghi chép lại. Chúng ta đánh dấu vào Kinh Thánh của mình để có thể đọc lại và tiếp thu nhiều nhất có thể. Nhưng lúc Chúa Giê-xu ngồi trên sườn núi để nói chuyện, thì các môn đồ của Ngài không có bút dạ quang, tập vở hay giấy ghi chú. Ngài ngồi xuống và bắt đầu giảng, còn họ chăm chú lắng nghe.

2. Sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu không phải là một tập hợp các quy tắc tôn giáo phải tuân theo.

Các con là muối của đất, nhưng nếu muối mất vị mặn thì làm thế nào cho nó mặn lại được? Muối ấy trở nên vô dụng, phải ném bỏ đi và bị người ta chà đạp dưới chân” (Ma-thi-ơ 5:13).

Điều Chúa muốn luôn là tấm lòng của chúng ta. Bất kể chúng ta làm gì, tuân theo bao nhiêu quy tắc tôn giáo hay những việc công đức mà chúng ta đã làm được, thì tuyên bố chắc chắn mà Phao-lô đưa ra cho hội thánh của người Rô-ma vẫn có thể áp dụng cho chúng ta ngày nay: tất cả chúng ta đều vuột mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Không có cách nào chính đáng hoặc khả thi để kiếm được tình yêu của Đức Chúa Trời, cũng như sự cứu rỗi và ân điển của Ngài. Đây là những món quà được Cha trên trời ban cho chúng ta.

Chúa Giê-xu đã ngồi xuống để dạy các môn đồ của Ngài ý nghĩa thực sự của việc được phước (8 Mối Phúc), cách cầu nguyện (Kinh Lạy Cha) và làm thế nào để sống đời sống hàng ngày của họ trong sự hòa hợp với Đấng Tạo Hóa của mình. “Bài giảng trên núi không chỉ đơn giản là một danh sách các quy tắc phải tuân theo, nó là một lời mời để sống dưới ân điển và trải nghiệm các phước lành và phần thưởng từ việc sống một đời sống giống như Đấng Christ,” một bài viết trên trang Bible Study Tools giải thích. Ân điển siêu nhiên của Chúa Cứu Thế cho phép chúng ta sống theo cách mà Ngài đã nói. Không có Ngài, chúng ta chẳng làm được gì cả. Tất cả đều liên quan đến việc Chúa Giê-xu là ai và chúng ta là ai ở trong Ngài.

3. Chúa Giê-xu không thay thế bất kỳ luật pháp cũ xưa nào.

Đừng tưởng Ta đến để bãi bỏ luật pháp hay lời tiên tri; Ta đến, không phải để bãi bỏ nhưng để hoàn tất” (Ma-thi-ơ 5:17).

Cựu Ước và Tân Ước kết hợp lại để cung cấp cho chúng ta câu chuyện hoàn chỉnh về sự cứu rỗi. Sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu nghe có vẻ cực đoan đối với các môn đồ khi ấy, nhưng Ngài đã không tái phát minh ra những điều này.

Họ đã bỏ lỡ quá nhiều thứ để có thể tạo thành một bức tranh hoàn chỉnh, thật khó để tâm trí của họ có thể tiếp thu được những gì mà Chúa Giê-xu đang nói. Họ đã quen với tôn giáo, và tất cả các quy tắc mà họ đã học để tuân theo suốt cuộc đời để được coi là xứng đáng trước mặt Đức Chúa Trời. Lúc này Chúa Giê-xu mới thêm vào phần còn lại của câu chuyện… và điều đó nghe có vẻ quá tốt để có thể trở thành sự thật!

Những lời phán của Chúa Giê-xu trong bài giảng này vẫn đúng cho đến ngày nay!” John Foster đã viết cho trang Life, Hope and Truth. Chúng ta hãy dâng quyền tự quyết cuộc đời mình cho Đấng Christ và để cho sự tốt lành cũng như tình yêu thương của Ngài tuôn chảy qua chúng ta. Trong Đấng Christ, chúng ta trở thành những tạo vật mới.

4. Chúa Giê-xu phán trực tiếp vào tâm hồn lo lắng của chúng ta.

Vì vậy, Ta phán với các con: Đừng vì mạng sống mà lo phải ăn gì, uống gì; đừng vì thân thể mà lo phải mặc gì. Mạng sống không quý trọng hơn thức ăn sao, thân thể không quý trọng hơn quần áo sao?” (Ma-thi-ơ 6:25).

Đúng là Tác-giả của tấm lòng chúng ta, Chúa Giê-xu hẳn đã cảm nhận được mức độ hoảng sợ của những người đang lắng nghe Ngài. Không ai có thể sống theo những tiêu chuẩn này! Và đó là quan điểm của Ngài. David Mathis viết cho Desiring God, “Ngài chỉ cho những người theo Ngài sống vượt ra ngoài những nhu cầu cơ bản cho sự tồn tại của con người mà thường chi phối tâm trí tự nhiên, đặc biệt là khi thức ăn, đồ uống và quần áo trở nên khan hiếm. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết Đức Chúa Cha, chúng ta biết cách mà Ngài quan tâm đến các tạo vật của Ngài là thể nào và hơn thế nữa, những người mang ảnh tượng của Ngài.

Ngoài ra, liên quan đến những điều chúng ta lo lắng và thường so sánh đời sống của mình với người khác – như về ngoại hình và vật chất, thậm chí cả những nhu cầu cơ bản hơn như thức ăn và chỗ ở – thì Ngài dạy chúng ta không nên lo lắng về những điều này.

Khi đi theo Chúa Giê-xu, chúng ta đặt niềm tin vào việc Ngài là Đấng như thế nào, chứ không phải vào những gì chúng ta có thể làm được. Đức Chúa Trời là Đấng chu cấp, Đấng bảo vệ và Đấng Tạo Hóa của chúng ta. Ngài thành tín và giàu lòng trắc ẩn. Dù chúng ta có làm gì đi nữa cũng không thể khiến Ngài dừng yêu thương chúng ta.

5. Bài Giảng Trên Núi bày tỏ thẩm quyền của Chúa Giê-xu.

Khi Đức Chúa Giê-xu phán những lời ấy xong, dân chúng kinh ngạc về sự dạy dỗ của Ngài; vì Ngài dạy cách có thẩm quyền, chứ không như các thầy thông giáo” (Ma-thi-ơ 7:28-29).

Không thể phủ nhận rằng Chúa Giê-xu, Đức Chúa Trời đã trở nên xác thịt để ở giữa chúng ta, đã tiết lộ nhiều hơn về danh tính của Ngài khi Ngài rao giảng Bài Giảng Trên Núi. Matthew Henry giải thích trong phần chú giải của mình “Nhiều người đã ngạc nhiên về sự khôn ngoan và quyền năng của giáo lý của Đấng Christ. Và bài giảng này luôn mới mẻ, dù chúng ta có đọc nó bao nhiêu lần đi nữa. Mỗi lời nói ra đều chứng minh Tác-giả của nó là Đấng Thánh.

Chúa Giê-xu nói với một thẩm quyền mà họ chưa từng chứng kiến. Và cho đến ngày nay, khi nghe hoặc đọc bài giảng này, chúng ta có thể cảm nhận được uy quyền qua những lời mà Đấng Christ đã phán, không chỉ đối với những người ngồi gần Ngài vào thời điểm đó, mà còn cho các thế hệ mai sau. Ngài cũng dạy chúng ta sự khôn ngoan phong phú để xoa dịu tâm trí và thúc đẩy linh hồn chúng ta hành động vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời là Cha. Chính Đấng Christ đã sống một đời sống vâng phục Đức Chúa Cha, để đem lại vinh hiển cho Cha. Chúng ta được dựng nên với cùng một mục đích là làm điều tương tự.

Tại sao Bài Giảng Trên Núi lại quan trọng như vậy?

Chính vì thế mà Đức Chúa Trời đã tôn Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, để khi nghe đến danh Đức Chúa Giê-xu, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất đều phải quỳ xuống, và mọi lưỡi đều phải xưng nhận Đức Chúa Giê-xu Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha” (Phi-líp 2:9-11).

Thẩm quyền của Đức Chúa Trời bao phủ sườn đồi bên bờ biển Ga-li-lê lúc đó khi Chúa Giê-xu giảng Bài Giảng Trên Núi. Phân đoạn Kinh Thánh này quan trọng vì nó củng cố danh tính của Đấng Christ và nhận diện của chúng ta ở trong Ngài.  “Một số người xây đắp hy vọng của họ trên sự thịnh vượng của thế gian,” Matthew Henry giải thích trong phần chú giải của ông. “Họ mạo hiểm tương lai của mình trên những điều này; nhưng tất cả đều chỉ là cát, quá yếu ớt để có thể chịu đựng được một cơn sóng dữ chứ không như niềm hy vọng của chúng ta vào thiên đàng.”

Niềm hy vọng của chúng ta không nằm ở thế gian này, hay bất cứ thứ gì nó có thể mang lại cho chúng ta. Niềm vui và sự bình an của chúng ta trong Đấng Christ là đời đời. Cuộc sống trên đất sẽ có lúc khó khăn, đau khổ và bất công. Nhưng không điều gì thế gian này có thể ném vào chúng ta mà có thể vượt qua tình yêu của Đấng Christ đang ở trong chính tâm hồn chúng ta. Chúng ta được đóng ấn, mãi mãi, và mãi mãi được tự do nhờ sự hy sinh của Ngài cho sự cứu rỗi của chúng ta.

Khi chúng ta học thuộc lòng những câu Kinh Thánh, nó sẽ lọc tấm lòng và tâm trí chúng ta theo cách mà chúng ta sẽ không bao giờ có thể hiểu hết được. Việc học Lời Chúa một cách siêng năng và đều đặn hàng ngày sẽ chuẩn bị và tinh luyện chúng ta. Chúng ta trưởng thành trong sự khôn ngoan khi chúng ta nhìn vào Lời Chúa.

Bài Giảng Trên Núi khích lệ đồng thời cũng cáo trách chúng ta! Nhưng điều đáng kinh ngạc nhất mà chúng ta thu nhặt được từ phân đoạn này là một bức tranh đẹp hơn về Chúa Giê-xu, thẩm quyền của Ngài, và một sự đánh giá sâu sắc hơn về thần tính siêu nhiên ở trong mỗi người theo Chúa. Chính Ngài, tuôn chảy qua chúng ta, hoàn thành bất cứ điều gì “tốt lành” mà chúng ta đã, đang và sẽ làm.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: Biblestudytools.com 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên