Chiếc Airbus 320 cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất lúc 16 giờ. Hơn một giờ sau máy bay đáp xuống sân bay Đà Nẵng. Hùng– một doanh nhân Cơ đốc thành đạt trở lại miền Trung sau 13 năm làm việc vất vả ở Sài Gòn.
Đà Nẵng bây giờ khác xưa nhiều quá. Buổi tối ngồi ở quán cà phê Highlands nhìn lên cầu sông Hàn thật khác lạ so với những năm trước. Đèn đường và đèn trang trí đủ các loại màu sắc làm cho thành phố này trở nên lộng lẫy, lung linh khi mặt trời khuất sau những dãy núi.
Đi cùng với 2 người bạn từ Ngũ Hành Sơn đến Highlands Coffee. Hùng gọi điện thoại cho Tấn Vũ – một người bạn cũ ở gần nhà thờ Tin Lành An Hải đến quán cà-phê và 4 người chọn một bàn trong quán, ngồi nhìn lên cầu Sông Hàn.
-Thế nào Hùng. Công việc ở Sài Gòn ra sao? Tấn Vũ mở đầu câu chuyện.
-Cũng bình thường thôi. Tha phương cầu thực hơn mười năm rồi. Hôm nay có dịp về thăm lại Đà Nẵng. Thành phố này đã khác xưa nhiều quá. Hùng trả lời.
Tấn Vũ giải thích:
-Thì cũng bình thường thôi. Đà Nẵng cũng như những thành phố khác ở Việt Nam có nhiều thay đổi. Đường sá, cầu cống, nhà cửa, xe cộ nhiều hơn, nhưng nhu cầu tâm linh của con người thì vẫn thế. Bao giờ và ở đâu mọi người đều cần ánh sáng của Phúc Âm. Nhưng có lẽ bây giờ khi mà đời sống vật chất có nâng cấp lên một chút thì đa số người dân chạy theo vật chất, tiền bạc. Giảng Phúc Âm dường như trở nên khó khăn hơn thời kỳ đầu tiên – những năm mà Tin Lành mới đến Đà Nẵng.
Hùng băn khoăn:
-Chiều nay mình đi chung với một người bạn tham quan thành phố Đà Nẵng. Chính quyền thành phố đã cho xây nên những tượng Phật khổng lồ trên những nơi cao của thành phố. Rồi mình còn nhìn thấy một cây cầu lớn bắc qua sông Hàn chuẩn bị khánh thành mà 2 bên thành cầu là những con Rồng, đây chính là cầu Rồng. Đầu Rồng có khả năng phun cả lửa và nước. Ghê thật, con Rồng là hình ảnh tượng trưng cho ma quỉ đấy. Điều này sách Khải Huyền nói rõ rồi. Bây giờ hình ảnh của nó hiện lên trên thành cầu hoành tráng như vậy thì làm sao Phúc Âm phát triển được!
Tấn Vũ trả lời:
-Lịch sử phát triển của Tin Lành là một phép lạ lớn lao. Cho dù thành phố đầy dẫy hình tượng nhưng không phải vì thế mà Phúc Âm bị nghẹt ngòi. Trong thế kỷ thứ nhất, thành phố A-thên của Hy Lạp cũng đầy dẫy các hình tượng, nhưng một số cư dân ở nơi đó vẫn tiếp nhận ánh sáng của Phúc Âm qua sự rao giảng của Phao-lô. Chúng ta cầu nguyện để Chúa dấy lên những thầy giảng Tin Lành hầu cho nhiều đời sống sẽ có cơ hội nhận biết chính nghĩa của Đấng Christ.
Hùng mỉm cười:
-Cách nói chuyện của anh giống như của một nhà truyền giáo chuyên nghiệp.
-Thực ra mình không chuyên nghiệp lắm, nhưng trong những năm qua cũng được học tập các chương trình huấn luyện Thần học và mục vụ của Hội Thánh, và bây giờ mình là người phục vụ Chúa bán thời gian.
-Tại sao bán thời gian mà không phải là toàn thời gian?
-Thì cũng phải lo đời sống cho bản thân và gia đình nữa chứ.
-Tôi hiểu rồi.
Câu chuyện của 4 người bạn chung quanh bàn cà-phê tạm dừng lại sau khi mọi người uống xong ly nước của mình. Hùng đề nghị:
-Tại sao chúng ta không thử đi qua các đường phố chính ở Đà Nẵng?
-Tại sao không! Phải đi chứ. Những người còn lại lên tiếng.
Cả nhóm bạn cùng leo lên chiếc ô tô 7 chỗ của một người bạn ở Ngũ Hành Sơn. Xe chạy chầm chậm qua các con đường ở Đà Nẵng. Đường phố tương đối sạch và thông thoáng dưới ánh đèn sáng rực. Các em bé đánh giày, người ăn xin, bán hàng rong vắng bóng vì chính quyền thành phố đã có một đối sách thích hợp với vấn nạn này. Sau khi đã đi qua các đường phố chính một người trong nhóm đề nghị:
-Tại sao chúng ta không thử đi thăm một khu vực nào đó nằm bên ngoài vẻ phồn hoa của thành phố này?
-Okay. Phải đi để khám phá chứ!
Chiếc ô-tô chạy về hướng quận Sơn Trà, dừng lại ở phường Mân Thái. Cả nhóm tìm chỗ gởi xe rồi cuốc bộ vào trong khu xóm tồi tàn với những căn hộ được lợp bằng tôn ẩm thấp. Những người nghèo sống ở đây, cuộc sống của họ hoàn toàn tương phản với vẻ hào nhoáng của thành phố về đêm. Sự giàu nghèo được phân hóa rõ rệt. Âu cũng là điều bình thường, thành phố nào mà chả thế! Nghe nói khu vực Đông Nam của thành phố, chỉ cách trung tâm Đà Nẵng chừng 6km có một xóm trọ Ba-đờ-ghe được mệnh danh là khu ổ chuột mà cư dân của nó sống khó khăn như ở một vùng quê nghèo.
Hùng ưu tư:
-Một trong những mạng lệnh của Chúa Cứu Thế là Tin lành phải được rao giảng cho người nghèo. Giới trung lưu trở lên dường như đã đóng cửa đối với Phúc Âm, trong lúc này có lẽ chúng ta phải tập trung nhiều hơn cho các gia đình còn khó khăn ở thành phố này.
Tấn Vũ đồng tình:
-Tôi đồng ý với Hùng, nhưng để làm được điều đó không đơn giản chút nào. Một số hệ phái Cơ đốc đã làm công tác cứu trợ trước rồi truyền giảng sau. Nhưng khi sự cứu trợ dừng lại thì các nhóm “tín hữu tin theo gạo” đó cũng không còn nữa. Chúng ta có nên lập lại vết xe đổ lần nữa không?
-Đó là một bài học lịch sử. Nhưng chúng ta đừng quên rằng bản chất của Phúc Âm là ban cho vô điều kiện. Thực phẩm, quần áo đi trước rồi Kinh Thánh gởi theo sau cũng là một cách. Còn một cách nữa là giảng một Tin Lành quyền năng, đi kèm theo các phép lạ như chữa bệnh, đuổi quỉ… Vấn đề là chúng ta chọn cách nào?
Hai người bạn của Hùng cũng tham gia vào câu chuyện:
-Chúng ta nên tận dụng mọi phương tiện của ân điển Chúa ban. Cách nào cũng được miễn là có người tin Chúa. Đừng bao giờ đóng khung sự phát triển của Phúc Âm trong một công thức nào. Nhưng nếu đề cập đến Tin lành quyền năng thì phải có những sứ giả quyền năng tầm cỡ như Phao-lô, Phi-e-rơ, Ba-na-ba… trong thế kỷ thứ nhất. Hay ít ra cũng phải có những nhà truyền giáo lỗi lạc như Reinhard Bonnke chẳng hạn…
Cả nhóm trò chuyện đến nửa đêm rồi chia tay. Hẹn chiều ngày mai sẽ cùng nhau đi thăm Hội An.
Sáu giờ chiều hôm sau nhóm bạn khởi hành từ cầu Sông Hàn đi về hướng Nam 28 km là đến phố cổ Hội An. Đi cùng với Vũ và Hùng vẫn là hai người bạn hôm qua: Trình và Khiêm. Trình là nhân viên của Hội Cựu Chiến Binh Mỹ (American Veteran) lái chiếc Innova 7 chỗ còn mới tiếp tục đưa bạn bè đi tham quan. Khiêm là một nhân sự truyền giáo của Hội Thánh Tin Lành Đà Nẵng. Đến Hội An thì phố cổ cũng vừa lên đèn. Hội An đẹp về đêm với những dãy nhà cổ kính treo đèn lồng phía trước. Cả bốn người chọn một quán ăn Cao Lầu gần chỗ đỗ xe không xa. Sau khi thưởng thức món đặc sản của Hội An, cả nhóm bắt đầu tản bộ trên phố cổ. Hùng có dịp nhìn lại một nơi chất chứa biết bao nhiêu kỷ niệm của thời thanh niên. Các ngôi nhà cổ được trùng tu lại. Chùa Cầu vẫn giữ được vẻ cổ kính như xưa. Sau hơn mười năm có dịp trở lại miền Trung, Hùng có cảm giác như trở về với những khoảnh khắc của thời còn đi học. Cả nhóm thăm lại một trong những cái giếng lâu đời của Hội An nằm trong một con hẻm gần Chùa Cầu và ghé thăm nhà của Mục sư Nguyễn Hùng Tráng – một chiến sĩ thập tự đã trung tín rao giảng Tin Lành tại đây trong suốt những năm qua. Trong ngôi nhà cổ bằng gỗ được phục hồi, bốn người bạn được vợ của Mục sư Tráng mời ăn các loại bánh ít của Hội An và nghe ông tâm sự:
-Rất vui vì các anh em đã ghé thăm nhà tôi. Đà Nẵng là chiếc nôi của Tin Lành. Hội An, Quảng Nam đã sản sinh ra rất nhiều mục sư, truyền đạo. Nhưng theo cảm nhận của tôi, tại thời điểm này tốc độ phát triển của Phúc Âm có phần chậm lại. Phong trào Ngũ Tuần – mà dấu hiệu của nó là cầu nguyện tiếng mới, đuổi quỉ và chữa bệnh phát triển rất mạnh ở Sài Gòn và các tỉnh miền Nam nhưng hầu như chưa chạm đến được Đà Nẵng. Các bạn hãy cầu nguyện cho chúng tôi. Có lẽ miền Trung này cần một làn sóng phấn hưng mới từ Đức Thánh Linh.
Khiêm tham gia vào câu chuyện:
-Tôi kinh nghiệm một trong các ân tứ của Thánh Linh là cầu nguyện trong tiếng mới, nhưng tôi đã không phát triển được ân tứ này trong môi trường sinh hoạt của tôi. Một vài tín hữu khi biết tôi cầu nguyện trong tiếng mới thì cho rằng điều đó phát xuất từ ma quỉ và chế nhạo tôi.
Trình lớn lên từ phong trào Ngũ Tuần nhưng đồng thời được trang bị những kiến thức Thần học của giáo hội Báp-tít đưa ra ý kiến một cách dè dặt:
-Cầu nguyện trong tiếng mới thì ích lợi cho đời sống cầu nguyện cá nhân, nhưng không ích lợi cho việc gây dựng Hội Thánh. Điều này thì mọi người đã hiểu rồi. Còn nếu một anh em nào đó có một thông điệp hay một lời tiên tri trong tiếng mới thì phải có người thông giải. Lúc đó lời tiên tri trong tiếng mới này được phép nói lên trong buổi nhóm.
Mục sư Tráng đưa câu chuyện trở về trọng tâm của nó:
-Tôi hiểu được các bạn. Vấn đề của chúng ta là nếu Chúa muốn thì hãy tổ chức một buổi hội thảo với chủ đề: CẦU NGUYỆN PHẤN HƯNG.
Hùng phát biểu:
-Tôi đồng ý với mục sư Tráng. Mọi bất đồng về những quan điểm thuộc linh của chúng ta cũng chỉ là điều bình thường. Chúng ta giống nhau ở chỗ là: Cầu nguyện để rao giảng Phúc Âm. Tin Lành quyền năng của Chúa Jesus không thể bị trói buộc bởi bất kỳ một rào cản nào từ Sa-tan. Tôi tin Đà Nẵng và miền Trung sẽ trải nghiệm cơn mưa Thánh Linh của Chúa. Tin lành đã đến Việt Nam 100 năm rồi. Trong những năm tới đây chúng ta cầu nguyện và trông đợi một làn sóng phấn hưng mới đến trên Đà Nẵng, miền Trung và toàn cả Việt Nam. Ở miền Nam có một vài nơi đã chuẩn bị cho các núi cầu nguyện rồi đấy. Hội Thánh Hàn Quốc đã lớn mạnh từ sự cầu nguyện. Chúng ta hãy góp một lời cầu nguyện cho quê hương này. Dân tộc Việt Nam sẽ thay đổi từ sự cầu nguyện của Hội Thánh. Sự thay đổi không đến từ một chỗ nào khác. Nhưng khi Hội Thánh quì gối xuống, ăn năn tội lỗi mình và cầu nguyện thì lịch sử sẽ sang trang.
Chia tay với Mục sư Tráng, nhìn lại Hội An về đêm lần nữa, cả nhóm trở lại Đà Nẵng. Ngày mai Hùng sẽ về Sài Gòn trên máy bay giá rẻ của Jetstar Pacific. Trong tâm hồn của người giám đốc công ty xây dựng này miên man suy nghĩ về một ngày mai tươi sáng của Hội Thánh Đức Chúa Trời tại Việt Nam. Hùng thầm cầu nguyện xin Chúa Thánh Linh dấy lên những thợ gặt cho cánh đồng lúa của Ngài. Cầu nguyện là bước thứ nhất của hành động đức tin trong lịch sử những cuộc phấn hưng. Còn bước thứ hai là gì thì Chúa chắc chắn sẽ hướng dẫn.
Chiếc phi cơ nhỏ rời phi trường Đà Nẵng. Hùng ngồi trên máy bay nhìn xuống sông Hàn, nhà cửa, đường sá, làng quê bên dưới thầm nguyện: “Lạy Chúa Jesus xin hãy phục hưng con trước tiên. Con muốn nhen lên một ngọn lửa nhỏ trên bàn thờ của Ngài. Xin bày tỏ sự thương xót của Ngài trên dân tộc Việt Nam chúng con. Amen.”
TƯỜNG VI