Trang Chủ BIỆN GIÁO Tính Cách Các Trước Giả Kinh Thánh

Tính Cách Các Trước Giả Kinh Thánh

1008
0
SHARE

KINH THÁNH, như chúng ta thấy, nhấn mạnh nhiều lần về bản chất là lời Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, quyền tác giả thiên thượng của Kinh Thánh thường bị các học giả phê bình bác bỏ. Kết quả là, những người Tin Lành khi nghiên cứu về bản chất của lời Chúa thường có xu hướng tập trung vào đặc tính thiên thượng và tính vô ngộ của Kinh Thánh. Nhưng việc nhận biết Kinh Thánh là lời Đức Chúa Trời đồng thời cũng là lời con người là cần thiết. Hơn thế nữa, những đặc tính của con người trong Kinh Thánh cũng đóng góp vào giá trị của nó.

 

TÍNH CÁCH CON NGƯỜI TRONG KINH THÁNH

Người Hồi Giáo cho rằng sách thánh của họ – kinh Koran được viết từ trên trời gửi xuống cho Muhammad. Tuy nhiên, không có học giả Cơ Đốc nào tuyên bố như vậy về Kinh Thánh ngoại trừ một vài người trong quá khứ. Ngoài rất nhiều đề cập về các trước giả con người, nhân tố con người trong các sách là rất hiển nhiên. Được viết qua nhiều thế kỷ, phạm vi trải nghiệm của con người, sự đa dạng về nội dung và hình thức văn học của Kinh Thánh thì không có bất kỳ cuốn sách nào có thể so sánh được. Văn xuôi, thơ ca, lịch sử, thần học, văn tường thuật, dụ ngôn, châm ngôn, khải thị, gia phả, luật pháp và thư tín — tất cả và hơn thế nữa đều có trong Kinh Thánh, và tất cả đều là những hình thức viết tiêu biểu của con người vào thời đại của họ. Ví dụ, các bản giao ước trong Cựu Ước giống với các hiệp ước Hittite cổ đại. Ngoài ra, các hướng dẫn về cách cư xử của các tín nhân ở các vị trí khác nhau trong gia đình, cái gọi là “quy tắc gia đình” trong các thư tín Tân Ước (ví dụ, Ê-phê-sô 5: 22-33, 6: 1- 9; Cô-lô-se 3:18-4:1) tương tự như các quy tắc ứng xử đương thời có trước đó.

Như chúng ta đã thấy, Kinh Thánh ghi lại những lời của Đức Chúa Trời phán với con người bằng những câu giới thiệu như “CHÚA phán như vầy”, cũng như những giải thích được soi dẫn về những lời phán này và việc làm của Đức Chúa Trời trong lịch sử. Nhưng những đáp ứng mang tính suy gẫm với lời phán và hành động của Đức Chúa Trời từ phía dân sự Ngài cũng là một phần của Kinh Thánh. Những lời kêu cầu của trước giả Thi thiên cho sự giải cứu của Đức Chúa Trời khỏi kẻ thù mình, cũng như câu cảm thán của ông, “Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài là năng-lực tôi, tôi yêu-mến Ngài” (Thi thiên 18:1), đều là một phần của Kinh Thánh.

Hơn cả việc phục vụ như những phương tiện truyền đạt ngôn ngữ con người, các trước giả Kinh Thánh là những con người thật đang bày tỏ những ý tưởng qua tâm trí và tính cách cá nhân. Phong cách thơ của các trước giả Thi Thiên đối lập với cấu trúc phân tích và logic trong các thư tín của sứ đồ Phao-lô. Các sách của sứ đồ Giăng và Lu-ca khác nhau về từ vựng và văn phong. Giê-rê-mi thường được gọi là “nhà tiên tri than khóc” vì sự thê lương và u sầu bày tỏ trong các sách của ông.  Phao-lô đề cập đến tiên tri, “Ê-sai nói về dân Y-sơ-ra-ên mà kêu lên rằng…” trong sứ điệp của mình (Rô-ma 9:27), và ở một nơi khác, “Ê-sai nói cách bạo dạn” (10:20). Ê-sai đang truyền thông lời Đức Chúa Trời, nhưng toàn bộ con người của vị tiên tri – tâm trí, cảm xúc, và ý chí – đều dự phần trong tiến trình này.

 

Ngoài những khác biệt trong văn phong và từ ngữ, tính cách của trước giả thường dự phần trực tiếp vào sứ điệp khi họ viết về kinh nghiệm đầu tiên của mình. Khải tượng của Ê-sai về “Chúa ngồi trên ngôi cao-sang” (Ê-sai 6:1) có liên hệ trực tiếp đến sự kêu gọi cá nhân của ông vào chức vụ (6:7-8). Đa-vít bày tỏ kinh nghiệm của mình khi ông viết: “Trước tôi trẻ, rày đã già, nhưng chẳng hề thấy người công bình bị bỏ, hay là dòng-dõi người đi ăn mày” (Thi thiên 37:25). Các nền văn hóa mà các trước giả đã sống thể hiện qua các sách của họ. Nhiều trích dẫn và minh họa của Phao-lô từ (cuộc sống thời La Mã – quân đội, thể thao và luật pháp – thể hiện bối cảnh lịch sử cá nhân của ông.) Nhân tố con người của các trước giả cũng dự phần vào chính nội dung và mục đích các bản viết tay của họ. Theo lời của JI Packer, Kinh Thánh đã “được định hình bởi các trước giả, thể hiện ra mục đích giáo huấn, mối quan tâm cá nhân, và thần học tổng thể của họ.”

 

Sự thật kép rằng Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời và cũng là lời của con người đòi hỏi cần có một lời giải thích về mối quan hệ của Đức Chúa Trời và các trước giả (là con người) trong quá trình viết ra nó, trong điều thường được gọi là “sự thần cảm của Kinh Thánh.” “Sự thần cảm” của Kinh Thánh đã được giải thích theo một số cách. Ngoại trừ quan điểm “viết lại” thì tất cả đều đồng ý về nhân tố con người đầy đủ trong Kinh Thánh. Sự khác biệt chỉ nằm ở cấp độ và bản chất trong  sự liên kết thiên thượng.

Trích từ UNDERSTANDING CHRISTIAN THEOLOGY

Translated by VMI

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên