Trang Chủ TRANG CHỦ Theo Đạo Tin Lành Là Bỏ Ông Bỏ Bà?

Theo Đạo Tin Lành Là Bỏ Ông Bỏ Bà?

835
0
SHARE

Thầy ơi, cho tôi hỏi:

Theo Đạo Tin Lành Là Bỏ Ông Bỏ Bà?

Trả lời:

“Kỳ đã trọn, nước Đức Chúa Trời đã đến gần;
các ngươi hãy ăn năn và tin đạo Tin Lành.” (Mác 1:15)
Lời của Chúa Cứu Thế Giê-su.

Người Việt Nam là một trong những dân tộc chịu nhiều đau khổ nhất trên thế giới. Thảm trạng chiến tranh, nghèo thiếu… là những nỗi đau khó phai mờ trong lòng dân tộc. Người Việt Nam cũng là một dân tộc có đức tính chịu đựng, khoan dung, tha thứ, có sức mạnh tinh thần kiên cường bất khuất, có truyền thống gia đình hiếu thảo tốt đẹp.  Người Việt Nam cũng là dân tộc có khuynh hướng “tâm linh” vào hàng đầu của nhân loại.  Phần lớn người Việt Nam đều có đạo và sùng đạo, khi đã có đạo của ông bà cha mẹ để lại trong gia đình thì thường giữ theo, cho là đủ, không muốn tìm hiểu các đạo khác, không để ý nhận xét đâu là chân lý, đâu là con đường duy nhất mình phải vâng theo.

Từ chỗ không chịu khó tìm hiểu đến nơi, nhiều người Việt Nam đã có những hiểu lầm đáng tiếc đối với đạo Tin Lành, thậm chí có nhiều người không biết Tin Lành là gì. Nhằm mục đích giải tỏa hiểu lầm và trình bày sự chân chính của Đạo Tin Lành chúng tôi kính mong quí vị khách quan suy xét những điều chúng tôi chân thành phát biểu sau đây:

Có phải theo Đạo Tin Lành là bỏ ông bỏ bà ?

Câu trả lời khẳng định là:  KHÔNG, xin được giãi bày như sau:

Nhiều người Việt Nam vì chưa chịu tìm hiểu đến nơi đã vội cho rằng theo Đạo Tin Lành là bỏ ông bỏ bà.  Đây là thành kiến không đúng do hiểu cách người Tin Lành bày tỏ lòng hiếu thảo đối với cha mẹ, tổ tiên.  Người Tin Lành biểu lộ sự hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ chủ yếu là khi ông bà cha mẹ còn sống, còn khi ông bà mẹ đã qua đời khi con cháu lo chôn cất chu đáo theo nghi lễ trang nghiêm, trong tinh thần tiếc thương, hy vọng, ngoài ra không nhang đèn, không lập bàn thờ bài vị, không van vái, không cúng bái người đã chết.  Có lẽ vì người Tin Lành không làm theo phong tục cổ truyền đối với người quá cố như những người Việt Nam khác nên một số đồng bào cứ lầm tưởng như vậy là bỏ ông, bỏ bà, thậm chí có người vậy là bất hiếu.

Đạo nào cũng dạy con người biết hiếu kính ông bà, cha mẹ vỉ đó là nền tảng cho sự sinh tồn của nhân loại.  Đạo Tin Lành là Đạo KÍNH CHÚA – YÊU NGƯỜI, lấy lời Đức Chúa Trời làm mẫu mực thiêng liêng cho cuộc sống, lại càng khuyên tâm dạy dỗ, khuyên bảo tín hữu hết lòng hiếu kính ông bà, cha mẹ đúng như lời Chúa dạy.  Sở dĩ người Tin Lành không làm theo phong tục cổ truyền đối với người quá cố là vì vấn đề niềm tin cùng lý do thực tế.

BANG-CHUNG-TOI-THO-TROI-2-1-2

Trong Thánh Kinh Cựu Ước, Đức Chúa Trời dạy rõ:  “Phải hiếu kính cha mẹ, như vậy ngươi được sống lâu trên đất Chúa Hằng Hữu, Đức Chúa Trời ban cho” (Xuất hành 20:12) và “Ai đánh… chửi rủa cha mẹ, phải bị xử tử” (Xuất hành 21:15, 17).  Trong Thánh Kinh Tân Ước, Chúa Giê-xu đã lên án thái độ giả hình của những người mượn lý do tôn giáo để bỏ bê bổn phận hiếu thảo đối với cha mẹ.  Thánh Phao-lô cũng liệt kê hành động bội nghịch cha mẹ như là tội ác của nhân loại.  Ông khuyên “Con cháu trước phải học làm điều hiếu thảo với nhà riêng mình và báo đáp cha mẹ” (I Ti-mô-thê 5:4).  Ông cũng nhắc lại điều răn Chúa dạy:  “Phải hiếu kính cha mẹ, là điều răn đầu tiên có kèm theo lời hứa nhớ đó con mới được phúc và sống lâu trên đất” (Ê-phơ-sô 6:1-3).  Nói cách khác, một người Tin Lành muốn phước và sống lâu trên đất phải thực lòng hiếu kính cha mẹ theo như lời Đức Chúa Trời dạy.

Thế tại sao Tin Lành không cúng bái, không thờ lạy cha mẹ quá cố?  Người Tin lành cũng là người Việt Nam biết tôn trọng những truyền thống văn hóa tốt đẹp của tiền nhân để lại, nhưng những phong tục nào không phù hợp với lời Chúa dạy người Tin Lành không thể vâng theo.

Thánh Kinh dạy rõ các tín hữu Tin Lành:  “Lúc trước anh em đương còn tối tăm, nhưng bây giờ đã trở nên người sáng láng trong Chúa.  Hãy bước đi như các con sáng láng, vì bông trái của sự sáng láng ở tại mọi điều nhân từ, công bình và thành thật.  Hãy xét điều chỉ vừa lòng Chúa và chớ dựa vào công việc vô ích của sự tối tăm.” (Ê-phơ-sô 5:8-11).  Dựa trên lời Chúa dạy, người Tin Lành phải hết lòng thành thật yêu thương cha mẹ, vâng lời cha mẹ, giúp đỡ cha mẹ, phụng dưỡng cha mẹ khi tuổi già, sức yếu, đồng thời tôn kính tổ tiên, giữ danh thơm tiếng tốt cho gia đình, dòng họ.  Người Tin Lành qua niệm chữ hiếu chỉ có giá trị đích thực khi con cháu bày tỏ lòng hiếu thảo, báo đáp công ơn ông bà, cha mẹ khi các cụ còn sống.

Một món ăn ngon lúc đói lòng, một cái áo ấm khi trời lạnh, một lon sữa, thuốc men khi ốm đau, một lời thăm hỏi ân cần khi buồn bã mà con cháu dâng tặng ông bà cha mẹ lúc còn sống, thiết tưởng có giá trị muôn phần hơn mâm cao cổ đầy và tiếng khóc than thảm thiết lúc ông bà cha mẹ đã khuất.  Khi các cụ qua đời thì lập tức bước vào một thế giới khác do Chúa định. Trường hợp nếu các cụ đã tin thờ Chúa thì được về với Chúa hưởng nước thiên đàng.  Chúa Giê-su phán “Hỡi các ngươi được Cha ta ban phước, hãy đến mà nhận lấy nước thiên đàng đã sắm sẵn trước cho các ngươi từ khi dựng nên trời đất.” (Ma-thi-ơ 25:34).  Nếu các cụ trước kia không tin thờ Chúa thì nay chờ ngày Chúa phán xét công bình như Kinh Thánh khẳng định:  “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần rồi chịu phán xét” (Hê-bơ-rơ 9:27).  Ông bà, cha mẹ dù yêu thương chứng ta bao nhiêu đi nữa, một khi đã qua đời, thì không còn liên lạc gì với trần gian, không có quyền ban phước hay giáng họa, không nhận hưởng được lễ vật gì từ sự cúng bái hay van vái của chúng ta.  Tất cả những phước hạnh tươi đẹp chúng ta đã có, đang có và sẽ có được đều hoàn toàn do Đức Chúa Trời ban cho mà thôi.  Chúng ta phải hết lòng biết ơn Ngài, thờ phượng Ngài, cầu khẩn với Ngài và vâng lời Ngài mới là phải lẽ.  Người xưa có câu nói mỉa mai:  “Sống không cho ăn, chết làm cỗ, làm văn tế ruồi”.  Không bao giờ có bậc cha mẹ dạy như thế cả.  Vả lại khi con cháu cúng giỗ, không hề có chuyện người chết về ăn cả chỉ có người sống ăn uống với nhau, đôi khi trở thành dịp nhậu nhẹt, rồi sanh ra cãi cọ rầy rà, thắc mắc không hay.  Giả sử người chết có hưởng được của cúng thì liệu người sống có còn bình tĩnh ngồi ăn không? Nếu bảo phải thắp nhang đèn, phải lập bàn thờ, bài vị, phải cúng giỗ theo lối cổ truyền mới có hiếu, thế thì có bao nhiêu dân tộc khác ở Âu châu, Mỹ châu, Úc châu và cả Phi châu đã không làm như vậy, thì họ bất hiếu cả sao?  Trong cả năm, con cháu không cúng thì người chết lấy gì ăn, lấy gì hưởng để chờ đến ngày cúng giỗ?

Vì quan niệm như vậy, nên người Tin Lành không cúng giỗ.  Khi có họp mặt truyền thống gia đình, người Tin Lành thường nhắc đến công ơn ông bà cha mẹ, cầu nguyện tạ ơn Chúa, xin Chúa ban bình an, sức khỏe cho người thân còn sống.  Người Tin Lành tôn trọng và thường xuyên thăm viếng chăn sóc mồ mả của ông bà cha mẹ và người thân.  Do ảnh hưởng của lời Chúa dạy mà nghĩa trang của các nước Âu Mỹ theo đạo Tin Lành được chăm sóc thật chu đáo, đẹp đẽ chẳng khác nào những công viên đầy hoa lá.  Người Tin Lành cũng tôn trọng bà con ruột thịt, yêu thương và sẵn sàng giúp đỡ bà con và những ai đang cần giúp đỡ, những vấn đề gì liên quan đến tín ngưỡng, đức tin thì không dám làm trái Lời Chúa dạy.

Mặt khác, thử xem phong tục về thờ cúng.  Trên bàn tờ tổ tiên, người ta thờ Ngũ Đại gồm có 5 bài vị thờ vị:  Cao Tằng, Tổ, Hiển.  Khi có người trong tộc qua đời, thì con cháu mang tên người mới chết đặt vào chỗ ông Hiển, đưa ông Hiển lên ông Khảo, đưa ông Khảo lên ông Tổ đưa ông Tổ lên ông Tằng, đưa ông Tằng lên ông Cao.  Như thế phải bỏ ông Cao ra khỏi bàn thờ.  Thờ phượng như vậy làm sao đủ được thỉnh thoảng cứ phải bỏ bớt các vị trên trước, không thờ nữa.  Người Tin Lành tin rằng loài người phải hết lòng thờ phượng Đức Chúa Trời theo như lời Chúa dạy trong Kinh Thánh mới là thờ đầy đủ.  Chúa là Đấng Tạo Hóa và bảo tồn vạn vật, cũng là Đấng cần quyết họa phước trên đời sống chúng ta.  Thờ phượng Đức Chúa Trời giống như tưới gốc cây là tưới được cả cậy, chứ không phải chỉ tưới cành, tưới ngọn.  Vả lại người Tin Lành rất kính sợ điều răn của Chúa dạy, “Các ngươi không được thờ thần nào khác ngoài ta.” (xuất hành 20:3)

Như vậy quí vị thấy người Tin Lành là người hiểu thảo theo phương cách đúng và thực tế không bỏ ông bà. Mong quí vị mau trở lại thờ phượng Đức Chúa Trời là Đấng Chân Thần, như người con đi xa trở về nhà Cha, vâng lời Thiên Phụ chúng ta.  Đó mới là hiếu thật, đó mới là sự thờ phượng đẹp lòng Chúa, đẹp lòng tổ tiên và ích lợi cho bản thân vậy.

 

Mục Sư  Nguyễn Văn Huệ 

chet vui

invite   

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên