Trang Chủ TRANG CHỦ Thần Học Thay Thế

Thần Học Thay Thế

596
0
SHARE

Thần Học Thay Thế
Tác giả: David Hocking

 

Định nghĩa đơn giản nhất của thần học thay thế là ám chỉ đến tất cả những ai tin rằng Hội Thánh đã thay thế Y-sơ-ra-ên trong những lời tiên tri của Đức Chúa Trời. Lý lẽ của điều nầy là: Tình trạng không vâng phục và tội lỗi của Y-sơ-ra-ên đã làm họ đánh mất đặc quyền được kể như một dân tộc để nhận lãnh đất mà Đức Chúa Trời đã hứa cho Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp.

Một số người tin rằng Hội Thánh đã làm ứng nghiệm đầy trọn những lời tiên tri chỉ về Y-sơ-ra-ên, vì vậy Y-sơ-ra-ên của ngày hôm nay không còn ý nghĩa gì với các lời tiên tri nữa. Một số khác tin rằng Y-sơ-ra-ên hôm nay là một nhà nước thế tục và đó không phải là Y-sơ-ra-ên thật trong thời kỳ cuối cùng.

Chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời không bao giờ quên tuyển dân của Ngài là Y-sơ-ra-ên. Và sự thành lập quốc gia Y-sơ-ra-ên vào năm 1948 chính là ứng nghiệm lời tiên tri trong Kinh Thánh. Chúng ta ủng hộ Y-sơ-ra-ên có quyền tồn tại như một quốc gia, họ nhận lãnh đất hứa từ nơi Chúa ban cho dòng dõi vật lý của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp. Chúng ta không bảo vệ hay phán xét nhà nước Do Thái không tin kính thời hiện đại. Chúng ta tôn trọng những ai không đồng ý với chúng ta, nhưng chúng ta sẽ không thỏa hiệp trong vấn đề này.

TẠI SAO THẾ GIỚI CĂM GHÉT Y-SƠ-RA-ÊN?

Nhiều Cơ đốc nhân tin rằng Hội Thánh đã thay thế Y-sơ-ra-ên trong các lời tiên tri của Đức Chúa Trời. Vì thế họ không còn căm ghét Y-sơ-ra-ên hay người Do Thái nữa. Nhưng có một sự thật hiển nhiên dành cho tất cả những ai nghiên cứu lịch sử của thế giới đều thấy rằng nó có một điểm liên quan nào đó với Y-sơ-ra-ên. Y-sơ-ra-ên bị căm ghét và bị qui lỗi cho nhiều vấn đề trên thế giới nầy. Những chứng cứ trong lịch sử Hội Thánh đã nói lên điều đó. Y-sơ-ra-ên bị kết án, khủng bố và hàng triệu người Do-Thái đã bị sát hại, và tệ hại hơn người ta đã lợi dụng danh nghĩa của Đức Chúa Trời để làm những điều như thế.

CHỦ NGHĨA BÀI (bài xích, tẩy chay) DO THÁI LÀ GÌ?

Chủ nghĩa bài Do Thái ám chỉ đến tất cả những hành động chống lại, tẩy chay người Do Thái.

Theo Kinh Thánh Sa-tan ghét người DoThái và quốc gia Y-sơ-ra-ên (Khải 12).

Chủ nghĩa bài Do Thái đã được dự báo trong Phục truyền luật lệ ký 28:65-67 “Trong các nước ấy, ngươi không được an tịnh, bàn chân ngươi không được nghỉ ngơi; nhưng tại đó Đức Giê-hô-va sẽ ban cho ngươi một tấm lòng run sợ, mắt mờ yếu, và linh hồn hao mòn. Sự sống ngươi vẫn không chắc trước mặt ngươi; ngày và đêm ngươi hằng sợ hãi, khó liệu bảo tồn sự sống mình. Bởi cớ sự kinh khủng đầy dẫy lòng ngươi, và bi cảnh mắt ngươi sẽ thấy, nên sớm mai ngươi sẽ nói: Chớ chi được chiều tối rồi! Chiều tối ngươi sẽ nói: Ước gì được sáng mai rồi!” Đức Chúa Trời cho phép cách hợp pháp sự phán xét trên tuyển dân bội nghịch và không vâng lời.

Đáng tiếc thay một số hành động bạo tàn chống lại người Do Thái được thực hiện trong danh nghĩa của Cơ đốc Giáo. Nó bắt đầu từ các giáo phụ được tôn kính trong Hội Thánh. Họ đã phớt lờ đi các phần Kinh Thánh dạy rõ ràng về quốc gia Y-sơ-ra-ên.

Nhưng thực ra chủ nghĩa bài Do Thái đã bắt đầu rất sớm trong Sáng thế ký 3:15 “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người”.

Trước thời kỳ Hội Thánh không bao lâu, Kinh Thánh đã ghi lại chủ nghĩa bài Do Thái đã khởi phát từ một người tên là Ha-man. Ông ta đã lên một kế hoạch hủy diệt toàn bộ dân Do Thái. Nhưng Ê-xơ-tê, một thiếu nữ Do Thái xinh đẹp đã can thiệp vào kế hoạch nầy và đem đến một kết quả ngược với sự mong đợi của Ha-man.

Những nhà lãnh đạo của Hội Thánh thời kỳ đầu tiên cho rằng Hội Thánh đã thay thế Y-sơ-ra-ên trong chương trình của Đức Chúa Trời, và từ đó thái độ thù địch Y-sơ-ra-ên càng gia tăng hơn nữa trong chính họ.

Họ kết luận rằng phước hạnh mà Đức Chúa Trời hứa ban cho Y-sơ-ra-ên đã được hoán chuyển sang Hội Thánh (còn sự rủa sả thì không!). Họ giải thích các phần Kinh Thánh liên quan đến Y-sơ-ra-ên chỉ còn ý nghĩa biểu tượng chứ không theo nghĩa gốc ban đầu. Họ thừa nhận người Do Thái đã đóng đinh Chúa Jesus (nhầm lẫn những người lãnh đạo Do Thái gian ác với những người bình thường). Họ bỏ qua những tư liệu lịch sử quí giá về những thầy tế lễ gian ác đương thời với Đức Chúa Jesus mà một vài người trong số họ không phải là người Do Thái. Một giáo phụ của Hội Thánh trong thế kỷ thứ 4 là John Chrysostom, được mệnh danh là giám mục với cái miệng vàng rất nổi tiếng, đã xử dụng tài hùng biện của mình thuyết giảng với Hội Thánh: “Người Do Thái là kẻ vô lại nhất trong tất cả mọi người. Họ là những người dâm đãng, tham lam, và keo kiệt. Họ là kẻ đã phản bội, giết chết Đấng Christ. Họ thờ lạy ma quỉ, tôn giáo của họ là bệnh hoạn. Họ là những kẻ hạ sát Đấng Christ…và không có sự chuộc tội nào có thể thực hiện được, không có sự xá tội hay tha thứ nào cả. Các Cơ đốc nhân có lẽ sẽ không bao giờ từ bỏ việc trả thù đối với người Do Thái và bọn Do Thái phải sống trong tình trạng nô lệ mãi mãi. Đức Chúa Trời luôn luôn căm ghét người Do Thái. Tất cả mọi tín hữu Cơ đốc phải giữ một quan điểm là bài Do Thái.” (Bài thuyết pháp 4.1).

Bài thuyết pháp nầy trở thành tiếng vang trong lịch sử Hội Thánh sau đó. Thật không có gì đáng ngạc nhiên khi chiến dịch thập tự chinh hứa hẹn sự sống đời đời và xóa nợ cho những ai sát hại người Do Thái.

Vào thế kỷ 16, lòng căm thù người Do Thái của Martin Luther đã áp đảo sự sống tâm linh của ông và kết quả là ông ta nhiệt thành theo đuổi chủ nghĩa bài Do Thái. Trong một quyển sách nhỏ tựa đề Người Do Thái và sự dối trá của họ, ông viết: “Các bạn hữu Cơ đốc hãy biết điều nầy, các bạn không có kẻ thù nào lớn hơn là người Do Thái”. Ông kêu gọi nô dịch hóa người Do Thái, ông cho rằng họ là con cái của ma quỉ và không nên để cho họ tiếp xúc với các Cơ đốc nhân. Ông yêu cầu phải đốt sạch các nhà hội của người Do Thái trên thế giới, các sách vở của họ phải bị phá hủy, nhà cửa của họ phải bị hoang phế, tiền bạc, kim loại quí của họ phải bị tước đoạt, các thầy giảng của họ phải bị ngăn cấm, không cho phép dạy dỗ, và lưỡi của họ phải bị cắt khỏi cổ họng của họ. (Sách Giáo khoa Do Thái, quyển số 11, Nhà xuất bản Keder, trang 584-585). Hai ngày sau khi viết những lời nầy, Martin Luther đã chết. Hitler – trùm Phát xít Đức đã trưng dẫn những lời của M. Luther và tiến hành cuộc đại tàn sát tiêu diệt hơn sáu triệu người Do Thái trong những năm sau đó.

Y-SƠ-RA-ÊN VÀ LIÊN HIỆP QUỐC

Chúng nó toan mưu độc hại dân sự Chúa,
Bàn nghị nhau nghịch những kẻ Chúa che giấu.

Chúng nó nói rằng: Hãy đến tuyệt diệt chúng nó đến nỗi không còn làm nước,
Hầu cho danh Y-sơ-ra-ên không còn được kỷ niệm nữa.
Vì chúng nó một lòng bàn nghị nhau.
Lập giao ước nghịch cùng Chúa

(Thi thiên 83: 3-5)

A.M. Rosenthal nguyên chủ bút tờ Thời báo New York, đã viết trong bài báo của mình vào ngày 10, tháng 10, năm 1997: “Ngay sau khi Iraq đòi hỏi loại bỏ những viên chức người Mỹ ra khỏi nhóm điều tra về vũ khí của Liên Hiệp Quốc và đe dọa bắn hạ các máy bay do thám của Mỹ, thì Liên Hiệp Quốc quyết định đưa Y-sơ-ra-ên vào danh sách các quốc gia cần phải quan tâm trong chương trình nghị sự của họ”. Từ thời điểm đó cho đến hiện nay, Y-sơ-ra-ên luôn bị Liên Hiệp Quốc kết án.

Người Pa-le-xtin đã yêu cầu Liên Hiệp Quốc xem xét lại tư cách thành viên của Y-sơ-ra-ên và yêu cầu quân đội Y-sơ-ra-ên triệt thoái ra khỏi Bờ Tây (thuộc xứ Giu-đa và Sa-ma-ri). Họ cũng yêu cầu Liên Hiệp quốc tước bỏ bất cứ quyền kiểm soát nào mà Y-sơ-ra-ên áp đặt lên thành phố Giê-ru-sa-lem.

Mặc dù không phải là một nhà nước có chủ quyền, và thậm chí không có cả dân bản địa, người Pa-le-xtin tạm thời bằng lòng với tình trạng của mình với tư cách quan sát viên và đòi hỏi được đề bạt lên tư cách thành viên chính thức của Liên Hiệp Quốc.

Y-sơ-ra-ên thường xuyên tấn công và làm hỏng đi tiến trình hòa bình với Pa-le-xtin. Đáp lại phía Pa-le-xtin từ chối thực thi các điều kiện đòi hỏi của hiệp ước hòa bình. Vấn đề chính là những hành động khủng bố chống lại người dân Y-sơ-ra-ên phải chấm dứt trước khi có bất kỳ một cuộc đàm phán nào có thể cải thiện được tình hình.

Y-sơ-ra-ên đã từng bị kết án trên 100 lần từ Liên Hiệp Quốc. Y-sơ-ra-ên là quốc gia duy nhất không được cho phép làm ủy viên luân phiên của Hội đồng bảo an. Tuy nhiên họ được cho phép trở nên một bộ phận của Hội đồng bảo an (giống như Iran, Syria, Libya và nhiều nước khác).

Không nghi ngờ gì nữa, nhiều quan sát viên khu vực trung đông đều có cái nhìn chung: thế lực đối lập với Y-sơ-ra-ên chính là Hồi Giáo. Những người Hồi giáo đều nhất quán là phải hủy diệt nhà nước Y-sơ-ra-ên và họ ủng hộ cho tất cả những ai có quan điểm như thế.

HUYỀN THOẠI VÀ SỰ THẬT VỀ Y-SƠ-RA-ÊN VÀ TRUNG ĐÔNG.

Hỏi: Đế quốc La-mã đã làm tan lạc, xua đuổi người Do Thái ra khỏi quê hương của họ ngay từ thế kỷ đầu tiên.

Đáp: Không đúng! Cho mãi đến khi người Hồi Giáo tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược vào thế kỷ thứ 7, thì người Do Thái mới bị trục xuất, giết chết hay lẩn trốn khỏi quê hương. Trước đó khi Đế quốc La-mã giết chết và trục xuất trên một triệu người Do Thái, thì dân số Y-sơ-ra-ên lúc đó vẫn còn khoảng ba triệu.

Hỏi: Người Do Thái định cư trở thành quốc gia Y-sơ-ra-ên sau thế chiến thứ hai và sau chiến dịch tàn sát người Do Thái của Hitler. Kết quả của việc nầy dẫn đến người A-rập dời đến phía tây của sông Jordan.

Đáp: Không đúng! Công cuộc định cư của người Do Thái đã tiếp tục trong suốt 12 thế kỷ. Thời điểm trở về định cư quan trọng nhất vào khoảng năm 1850. Phong trào Si-ôn – phục quốc Do Thái đã khởi phát vào năm 1894. Những khu đất được mua (với giá rất cao) từ những người Thổ nhĩ kỳ mà họ không ở thường xuyên trên những khu đất đó, điều nầy được tiếp tục cho mãi đến khi đế chế Ottoman tan rã sau thế chiến thứ nhất.

Hỏi: Người Do Thái đã lấy những khu đất của người A-rập, và rồi họ đã cải thiện những khu đất nầy trở thành các nông trang màu mỡ xanh tươi và những nông trường cam quít đầy trái.

Đáp: Không đúng! Vào năm 1874 Samuel Manning đã viết: Vùng đất nầy hoang vắng, không có người cư trú. Mark Twain trước đó vào năm 1867 cũng viết: Xứ Pa-le-xtin mặc áo tang và rắc tro lên đầu sám hối…bị ruồng bỏ và vô duyên.

Carl Hermann Voss đã viết trong sách Những khó khăn của Pa-le-xtin hôm nay. Trong chương Y-sơ-ra-ên và các nước chung quanh (Trang 13, nhà xuất bản Boston năm 1953) ông bình luận: Trong suốt 12 thế kỷ, từ cuộc xâm chiếm của người A-rập cho đến thế kỷ thứ 17 khi người Do Thái trở về vào năm 1880, xứ Pa-le-xtin bị bỏ trống hoang vắng.

Không hề có bất cứ một cư dân nào người A-rập định cư ở Bờ tây sông Jordan trước cuộc xâm lược của Hồi giáo vào thế kỷ thứ 7.

Tại Hội nghị Versailles (được tài trợ bởi Hội quốc liên) để bàn về những vấn đề của bản tuyên ngôn Balfour 1917, vua Faisal cai trị miền Đông khu vực sông Jordan đã hoan nghênh người Do Thái trở về định cư trên cả hai phía của sông Jordan, ông cho rằng điều nầy sẽ góp phần phát triển cho vùng đất nầy. Tổng số dân của vùng nầy (về sau đã trở nên quê hương của người Do Thái) lúc bấy giờ chưa tới 400.000 người.

Hỏi: Nguyên nhân cơ bản của tình trạng náo động tại khu vực Trung Đông chính là sự chiếm chỗ của nhà nước Do Thái trên mảnh đất của người Pa-le-xtin.

Đáp: Thêm lần nữa, lời phát biểu nầy cũng không đúng. Bất cứ ai am hiểu về Trung đông khi đọc lịch sử của nó đều kết luận rằng cái gọi là vấn đề Pa-le-xtin không phải là nguyên nhân cơ bản cho tình trạng sôi động trong khu vực. Thế kỷ thứ 20 đã chứng kiến trên ba triệu người chết vì tình trạng bạo lực của chính cộng đồng A-rập.

Chế độ cai trị của Hồi Giáo trong khu vực Trung đông không làm cho người ta trở thành bạn hữu nhưng trở thành kẻ thù của nhau. Khi nghiên cứu Kinh Thánh, hầu hết những người cai trị này không phải là dòng dõi của Áp-ra-ham hay Ích-ma-ên. Họ không thuộc về A-rập, nhưng họ đã lợi dụng những ngộ nhận nầy.

Bạn đọc có thể tham khảo thêm về chủ đề này tại: www.hopefortoday.org

 

CHỦ NGHĨA BÀI DO THÁI TIẾP DIỄN TRONG LIÊN HIỆP QUỐC!

Vào năm 1950 cơ quan cứu trợ Liên hiệp quốc và các chi nhánh của nó được thành lập. Nó trở nên một tổ chức nhân quyền để giúp đỡ người tị nạn Pa-le-xtin. Hiện nay tổ chức này hậu thuẫn cho các trại của quân khủng bố. Sau hơn 50 năm, các trại nầy vẫn tồn tại và tiếp tục nhận được hỗ trợ tài chánh từ Liên hiệp quốc.

Năm 1971, nguyên đảng viên Đức quốc xã Kurt Waldheim, được bầu chọn làm Tổng thư ký Liên hiệp quốc.

Năm 1975, Ủy ban về quyền không chuyển nhượng tài sản của người Pa-le-xtin được thành lập. Với ngân sách trên năm triệu đô-la, ủy ban nầy thường xuyên đáp ứng nhu cầu cho nhiều nơi trên thế giới để lên án Y-sơ-ra-ên và đổ tội cho người Do Thái phải chịu trách nhiệm về những đau khổ của người A-rập.

Các phát ngôn nhân của họ cáo buộc Y-sơ-ra-ên về những tội ác chiến tranh, xung đột sắc tộc và chống lại nhân loại. Trong lúc đó họ phớt lờ đi những hành động khủng bố căm thù nhắm vào thường dân Y-sơ-ra-ên một cách thường xuyên.

Vào năm 1975 Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã ra một nghị quyết đánh giá phong trào phục quốc Do Thái tương đương với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

Vào năm 1979, trong một cuộc họp của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc, Hassem Nusibeh, đại sứ của Jordanian đã gọi những người trong phong trào phục quốc Do Thái là những tên mật vụ Đức quốc xã. Vào năm 1980, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã lắng nghe viên đại sứ của Jordanian nói về mưu đồ của người Do Thái là “kiểm soát, khai thác và lợi dụng phần còn lại của nhân loại bằng cách khống chế tiền bạc và tài nguyên của thế giới.”

Vào năm 1985 người đại diện của Bahrain đã phát biểu công khai: Người Do Thái đã giết Đức Chúa Jesus. Ông ta mô tả thủ tướng Y-sơ-ra-ên là tân Đức quốc xã mà bàn tay ông này đang còn vấy máu trên những thường dân vô tội Pa-le-xtin và những trẻ em khác.

Vào năm 2001, Hội nghị chống phân biệt chủng tộc họp tại Durban, miền Nam Phi Châu. Điểm chính của hội nghị nầy là tuyên truyền cổ động cho chủ nghĩa bài Do Thái.

Vào năm 2002, Peter Hansen người đảm nhiệm bộ phận UNRWA của Liên hiệp quốc đã phát biểu về những phong trào chống người Do Thái tại thành phố Jenin của Y-sơ-ra-ên. Ông ta nói: “Trước đây tôi đã hy vọng những câu chuyện rùng rợn về thành phố Jenin chỉ là được tô vẽ thêm, nhưng bây giờ những điều nầy không còn được phóng đại nữa. Những trại tập trung của công dân Jenin là một thảm họa trong lịch sử hiện đại.” Sự bịa đặt và những lời nói dối về Jenin trong đó xác nhận rằng hàng ngàn người Pa-le-xtin đã bị giết. Sự thật chỉ có 52 người bị giết mà hầu hết là quân khủng bố có vũ trang.

Vào năm 2003, Cao ủy nhân quyền Liên hiệp quốc tán thành hành động đánh bom tự sát của người Pa-le-xtin chống lại Y-sơ-ra-ên.

Chính phủ Syria cho rằng: Y-sơ-ra-ên là ung nhọt của thế giới và kêu gọi mọi người tẩy chay phong trào phục quốc Do Thái, xem nó như là phong trào Đức quốc xã mới. Họ muốn Y-sơ-ra-ên sẽ bị ghi nhớ mãi với tội danh diệt chủng người A-rập, Pa-le-xtin. Một đề xuất của Đại hội đồng Liên hiệp quốc kết án chủ nghĩa bài Do Thái đã vấp phải sự phản đối của khối A-rập và Hồi Giáo. Một ủy ban bảo vệ nhân quyền nói rằng: “Y-sơ-ra-ên đã gieo rắc sự chết, sự tàn phá, nỗi khiếp sợ, sự tuyệt vọng, sự khủng bố và gây ra đau khổ.”

Cũng trong năm 2003, Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc lên án Y-sơ-ra-ên đã tấn công vào căn cứ của nhóm khủng bố Hezbollah ở Syria (không có thương vong nào được báo cáo), nhưng lại bỏ qua không kết án người A-rập đã tấn công Y-sơ-ra-ên trước, khiến cho Y-sơ-ra-ên phải trả đũa.

Bản báo cáo của Liên hiệp quốc về nền dân chủ của các nhà nước A-rập nhận định rằng: Y-sơ-ra-ên là một chính phủ thiếu dân chủ tại Trung đông!

 

NHỮNG NGƯỜI TIN LÀNH NÓI GÌ VỀ Y-SƠ-RA-ÊN?

Một điều đáng kinh ngạc là những người Tin Lành thường lẫn lộn quốc gia Y-sơ-ra-ên và người Do Thái. Nhiều người trong số đó không có nền tảng vững chắc về chủ đề giao ước của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh. Nhiều sự nhận thức sai lầm trong quá khứ vẫn còn tồn tại đến hôm nay liên quan đặc biệt đến Y-sơ-ra-ên. Nhiều người dạy Kinh Thánh và những người đi theo sự dạy dỗ của họ vẫn còn giữ lấy sự lẫn lộn nầy. Thật là quan trọng để chúng ta có thể nói rõ ràng về chủ đề nầy.

GIAO ƯỚC CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI VỚI Y-SƠ-RA-ÊN LÀ MỘT GIAO ƯỚC VÔ ĐIỀU KIỆN.

Một giao ước vô điều kiện có thể được định nghĩa như là một hành động tối cao của sự cai trị tuyệt đối từ Đức Chúa Trời, nhờ đó Ngài bắt buộc phải thực hiện những lời hứa, sự ban phước cho tuyển dân ở dưới giao ước.

Những giao ước vô điều kiện được thực hiện một cách đơn phương và đặc điểm của nó là lời hứa từ Đức Chúa Trời: TA SẼ.. , chắc chắn Ngài sẽ làm chính xác những gì Ngài đã hứa. Đó chính là sự thành tín của Đức Chúa Trời bảo đảm cho những lời hứa của Ngài.

Giao ước quan trọng nhất của Đức Chúa Trời là Ngài làm cho Áp-ra-ham trở nên tổ phụ của tất cả những người đặt niềm tin vào Đức Chúa Trời. Sáng thế ký 12:1-3 cho chúng ta biết những chi tiết của giao ước không điều kiện nầy:

Vả, Đức Giê-hô-va có phán cùng Áp-ram rằng: Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi, mà đi đến xứ ta sẽ chỉ cho.
Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước.
Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước.

Sáng thế ký 15:18 đề cập một lần nữa giao ước vô điều kiện của Đức Chúa Trời về một vùng đất:

Ngày đó, Đức Giê-hô-va lập giao ước cùng Áp-ram, mà phán rằng: Ta cho dòng dõi ngươi xứ nầy, từ sông Ê-díp-tô Sông này là sông “Nil” ở tại xứ Ê-díp-tô cho đến sông lớn kia, tức sông Ơ-phơ-rát,

Trong Sáng thế ký 17: 9-14 dấu hiệu của dòng dõi Áp-ra-ham là phải chịu phép cắt bì. (Điều này bày tỏ đức tin của những người làm cha mẹ vâng phục lời Đức Chúa Trời làm phép cắt bì cho những bé trai khi chúng được tám ngày tuổi). Trong Sáng 17:7, chúng ta được biết rằng đây là một giao ước đời đời. Và trong câu 8 nhấn mạnh rằng: Ta sẽ cho ngươi cùng dòng dõi ngươi xứ mà ngươi đương kiều ngụ, tức toàn xứ Ca-na-an, làm cơ nghiệp đời đời.

Tiến sĩ Arnold Fruchtenba trong tác phẩm Thần học Y-sơ-ra-ên đã đưa ra 5 điểm về giao ước của Đức Chúa Trời:

  1. Đó là một giao ước hoàn toàn sáng tỏ theo từng chữ.
    2. Một giao ước đời đời.
    3. Giao ước nầy không bị hủy bỏ bởi tội lỗi và sự bất tuân của Y-sơ-ra-ên.
    4. Nó được thiết lập với một dân tộc đặc biệt – Y-sơ-ra-ên.
    5. Hầu hết những điều khoản của nó không có hiệu lực ngay tức thì. (Phải trải qua nhiều thế hệ)
    Vào thời điểm giao ước được ký hay đóng ấn, có ba điều đã xảy ra: Một số điều khoản có hiệu lực ngay tức khắc; Một số có hiệu lực trong một tương lai gần; Một số có hiệu lực trong một tương lai xa.

Giao ước giữa Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham là một giao ước đời đời, không thể hủy bỏ được (Thi thiên 2-4; 24). Nó được củng cố qua Y-sác (Sáng26:2-4, 24) và con trai của Y-sác là Gia-cốp (Sáng 28:13-15; 35:10-12) và rồi được thực hiện cho 12 con của Gia-cốp, mà sau nầy trở thành 12 chi phái Y-sơ-ra-ên (Sáng 49:28) khi Đức Chúa Trời nhớ lại giao ước của Ngài (Xuất-ê-díp-tô ký 2:24-25; 6:2-8).

NHỮNG PHẦN KINH THÁNH ĐỀ CẬP ĐẾN QUỐC GIA Y-SƠ-RA-ÊN.

Từ Y-sơ-ra-ên xuất hiện trong Kinh Thánh 2566 lần, và nó là chủ đề lớn nhất của Kinh Thánh bên cạnh chủ đề về Đức Chúa Trời.

Đối với tất cả những ai biện luận rằng Hội Thánh đã thay thế Y-sơ-ra-ên trong chương trình của Đức Chúa Trời thì thật là quan trong để biết rằng: Có 77 lần Y-sơ-ra-ên được đề cập trong bản Kinh Thánh Tân Ước tiếng Hy lạp là nói đến một sắc dân, một quốc gia chứ không phải nói đến Hội Thánh. Những người chủ trương thần học thay thế thường trưng dẫn Ga-la-ti 6:16, Nguyền xin sự bình an và sự thương xót giáng trên hết thảy những kẻ noi theo mẫu mực nầy, lại giáng trên dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời nữa. Họ nói Hội Thánh là Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên sự giải thích đúng đắn phải là: Dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời là những tín hữu người Do Thái, còn những kẻ noi theo mẫu mực nầy là những Cơ đốc nhân xuất phát từ dân ngoại.

AI ĐÃ ĐÓNG ĐINH CHÚA JESUS?

Xuyên suốt lịch sử Hội Thánh người Do Thái bị qui tội là đã đóng đinh Đức Chúa Jesus.

Nhưng chính Chúa Jesus đã phán trong Ma-thi-ơ 20:18-19, Nầy, chúng ta đi lên thành Giê-ru-sa-lem, và Con người sẽ bị bắt nộp cho các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo, bọn đó sẽ luận giết Ngài. Họ sẽ nộp Ngài cho dân ngoại hầu để nhạo báng, đánh đập, và đóng đinh trên cây thập tự; đến ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại.

Không phải người Do Thái đã đóng đinh Đức Chúa Jesus. Nhưng chính là dân ngoại (người La mã). Những người lãnh đạo do Thái (thầy tế lễ và thầy thông giáo) phải chịu trách nhiệm về cái chết của Đức Chúa Jesus vì đã lôi kéo chính quyền La mã vào cuộc. Họ đã âm mưu giết chúa Jesus trước đó. Đây là một nhóm lãnh đạo tha hóa đồi bại và bất kính!

Vào thời điểm đó đế quốc La mã đang cai trị trên vùng đất của Y-sơ-ra-ên và người Do Thái không được phép thực hiện án tử hình – đây là phạm vi trách nhiệm của chính quyền La mã.

Kinh Thánh cho chúng ta biết chắc rằng Đức Chúa Trời đứng phía sau sự đóng đinh Đức Chúa Jesus. Công vụ 2:23 viết: “Ngài đã bị nộp cho quý vị theo chương trình và sự biết trước của Đức Chúa Trời, và quý vị đã mượn tay kẻ gian ác mà đóng đinh xử tử Ngài trên thập tự giá.” Khải huyền 13:8 cũng nói: “Chiên Con là Đấng đã bị giết từ khi sáng tạo vũ trụ.” Lời tiên tri trong Ê-sai 53 bày tỏ rằng theo chương trình của Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Jesus phải bị đóng đinh trên cây thập tự.

Theo thần học truyền thống, cả người Do Thái và người ngoại bang phải chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Jesus Christ. Nhưng chân lý của Phúc âm là: “Chúa Cứu Thế đã chết vì tội lỗi chúng ta như lời Kinh Thánh” (1 Cô-rin-tô 15:3-4). Đức Chúa Jesus đã làm điều nầy trở nên sáng tỏ qua sự chết của Ngài để trả giá cho tội lỗi loài người và hoàn thành sự cứu chuộc.

BỐN LẼ THẬT VỀ GIAO ƯỚC CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI VỚI ÁP-RA-HAM.

1.Đây là một giao ước khác thường!

Tại sao? Bởi vì nó được xây dựng trên nền tảng không thay đổi của chính Đức Chúa Trời chứ không phụ thuộc vào sự thực hiện của con người!

Hê-bơ-rơ 6:13-18 chứng minh điều nầy: Khi Đức Chúa Trời hứa với Áp-ra-ham, vì không thể chỉ ai lớn hơn mình nên Ngài chỉ chính mình Ngài mà thề rằng:
 “Chắc chắn Ta sẽ ban phúc lành cho con và gia tăng dòng dõi con.”
 Áp-ra-ham đã kiên nhẫn nên nhận được điều Chúa hứa.

 Người ta thường nhân danh một vị lớn hơn mình mà thề nguyện, nếu có việc tranh chấp thì kết cuộc lấy lời thề mà xác định.

Đức Chúa Trời cũng thế, muốn càng chứng tỏ mục đích không thay đổi của Ngài cho những người thừa hưởng lời hứa, Ngài đã xác nhận bằng lời thề.
 Để nhờ hai điều không thay đổi đó, là những điều Đức Chúa Trời không thể nào nói dối mà chúng ta, những người trốn vào nơi ẩn náu, được khích lệ mạnh mẽ, nắm lấy niềm hy vọng đặt trước mặt mình.

Điều thứ nhất, thuộc tính của Đức Chúa Trời là không thay đổi. Ma-la-chi 3:6 nói: Vì chính Ta là CHÚA, Ta không hề thay đổi. Điều thứ hai, sự kiện không thay đổi chính là lời hứa – lời thề hay giao ước của Chúa. Ngài không bao giờ đi ngược lại với Lời của Ngài.

2. Nó là một giao ước duy nhất.

Tại sao như thế? Bởi vì nó phụ thuộc vào sự thành tín của Đức Chúa Trời, không phụ thuộc vào thành tích, sự xứng đáng của con người.

Hãy suy nghĩ thấu đáo về sự thành tín của Đức Chúa Trời trong Thi thiên 89:30-34 đằng sau tất cả những lời hứa của Ngài:

Nếu con cháu người từ bỏ Kinh Luật của Ta
Và không đi theo sắc lệnh của Ta;
 Nếu chúng nó vi phạm các qui luật Ta
Và không giữ những điều răn Ta;
 Thì Ta sẽ lấy trượng phạt đòn sự vi phạm của chúng nó
Và dùng roi mà phạt sự gian ác của chúng.
 Nhưng Ta sẽ không bỏ tình yêu thương Ta đối với người
Và không phản bội sự thành tín Ta cùng người.
 Ta sẽ không vi phạm giao ước Ta
Và không thay đổi lời môi miệng Ta đã phán.

 Sự thành tín của Đức Chúa Trời được hứa cho Y-sơ-ra-ên từ buổi ban đầu. Trong Phục truyền 7:6-9 công bố: Vì anh chị em là một dân tộc thánh thuộc riêng về CHÚA, Đức Chúa Trời anh chị em. Anh chị em đã được Ngài lựa chọn trong tất cả các dân tộc trên đất để làm dân Chúa và cơ nghiệp quý báu của Ngài.
 CHÚA thương xót và lựa chọn anh chị em không phải vì anh chị em đông hơn các dân khác, thực ra anh chị em là dân tộc ít người nhất.
 Nhưng vì CHÚA thương yêu anh chị em và vì giữ lời thề với các tổ tiên mà Ngài dùng tay quyền năng cứu chuộc và đem anh chị em ra khỏi đất nô lệ, khỏi quyền lực của Pha-ra-ôn, vua Ai-cập.
 Như vậy, anh chị em phải ý thức rằng CHÚA, Đức Chúa Trời anh chị em là Đức Chúa Trời độc nhất: Ngài là Đức Chúa Trời thành tín, giữ giao ước và tình yêu thương của Ngài đến cả ngàn thế hệ cho người nào kính yêu Chúa và vâng theo mạng lệnh Ngài
.

Đức Chúa Trời chọn Y-sơ-ra-ên không phải vì dân tộc họ đông hơn các dân tộc khác hay là vì khả năng của họ đặc biệt hơn. Nhưng Ngài chọn trên căn bản tình yêu và sự thành tín của Ngài. Thế giới phải biết rằng: Đức Chúa Trời thành tín đối cùng Y-sơ-ra-ên ngay cả khi quốc gia nầy bội nghịch cùng Ngài.

Đức Chúa Trời yêu Y-sơ-ra-ên cho dù họ có làm gì đi nữa. Đó chính là tình yêu, ân điển và sự thương xót thật. Đức Chúa Trời là người chồng thành tín cho vợ của Ngài – Y-sơ-ra-ên.

3. Đó là một giao ước vĩnh viễn.

Tại sao? Bởi vì nó được gọi là một giao ước đời đời. Nó không tùy thuộc vào bất kỳ tình huống nào mà con người gây ra.

Thi thiên 105:8-11 tuyên bố:

Ngài nhớ giao ước Ngài mãi mãi,
Và nhớ lời Ngài đã truyền đến ngàn đời;
 Giao ước mà Ngài đã lập với Áp-ra-ham,
Lời thề mà Ngài đã thề cùng Y-sác;
 Ngài cũng xác nhận nó với Gia-cốp như một qui luật;
Với Y-sơ-ra-ên như một giao ước đời đời.
 Ngài phán: Ta sẽ ban cho ngươi vùng đất Ca-na-an,
Là sản nghiệp của các ngươi. 

Trước giả Thi thiên Đa-vít đã viết các Thi thiên cách đây trên 3000 năm. Còn giao ước mà Đức Chúa Trời lập với Áp-ra-ham thì xa hơn nữa, trên 4000 năm. Sau 1000 năm từ khi giao ước được thiết lập, Đức Chúa Trời xác nhận nó vẫn còn hiệu lực.

4. Nó là một giao ước vô điều kiện.

Tại sao? Bởi vì nó đặt nền tảng trên đức tin dựa vào những lời hứa của Đức Chúa Trời, không phải trên công việc.

Chúng ta hãy đọc lại Rô-ma 4: 1-3, Vậy chúng ta sẽ nói làm sao về việc Áp-ra-ham, tổ chúng ta theo phần xác, ông đã tìm thấy gì? 

Vì nếu Áp-ra-ham được tuyên xưng công chính bởi việc làm thì người có cớ để khoe khoang; nhưng trước mặt Đức Chúa Trời không có như vậy.
 Vì Kinh Thánh nói gì? “Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời và vì thế được kể là công chính.”

 

Không nghi ngờ gì cả, Áp-ra-ham chỉ đơn giản tin vào những lời hứa của Đức Chúa Trời đã phán cùng ông. Đức tin là đòi hỏi cần thiết, nhưng cho dù chúng ta có tin hay không thì lời hứa vẫn là sự thật. Kinh Thánh yêu cầu bạn tin rằng Đức Chúa Trời sẽ giữ lời hứa của Ngài.

Rô-ma 4:20-22 tiếp tục đề cập đến đức tin của Áp-ra-ham: Người không vì lòng vô tín mà nghi ngờ lời hứa của Đức Chúa Trời, nhưng được mạnh mẽ trong đức tin tôn vinh Đức Chúa Trời  và hoàn toàn tin chắc rằng điều gì Đức Chúa Trời đã hứa thì Ngài cũng có đủ quyền năng làm được.  Vì thế người được kể là công chính.

Các thành tích của chúng ta không làm cho giao ước của Đức Chúa Trời trở nên có hiệu lực. Giao ước vô điều kiện nầy của Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta chỉ tin vào những lời hứa của Đức Chúa Trời. Những gì Ngài hứa Ngài sẽ thực hiện! Ngài sẽ giữ lời của Ngài.

(còn nữa)

David Hocking

Website: www.davidhocking.org

Translated by Hon Pham

 

 

 

 

 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên