Trang Chủ TRANG CHỦ Tài Sản Lớn Nhất Của Nhân Loại

Tài Sản Lớn Nhất Của Nhân Loại

802
0
SHARE

KINH THÁNH là quyển sách quan trọng nhất trên thế giới. Đây chính là niềm tin quyết của người Cơ Đốc cũng như của các lãnh đạo chính trị chín chắn, các hoàng tộc và những người tri thức nổi tiếng. Vua George V nước Anh đã tuyên bố: “Kinh Thánh… về phương diện thế tục, là báu vật hàng đầu của quốc gia, còn trên phương diện tâm linh, đây chính là sách giá trị nhất mà thế giới có thể mua được bằng tiền.”[1] Tại lễ đăng quang của nữ hoàng Elizabeth II, trong khi bà cầm quyển Kinh Thánh để thể hiện đức tin và lòng trung thành, tổng giám mục Canterbury đã tuyên bố: “Đây là sự khôn ngoan, đây là Luật Hoàng Gia, đây là Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời.”[2]

Patrick Henry, nhà ái quốc Hoa Kỳ nổi tiếng với câu nói bất hủ: “Hãy cho tôi tự do, hoặc cho tôi cái chết,” ông đã nói về Kinh Thánh rằng: “Quyển sách này đáng giá hơn mọi quyển sách khác từng được in ra.”[3] Bằng những lời tương tự, tiểu thuyết gia người Nga Fyodor Dostoevsky sau khi giới thiệu về việc đọc trọn bộ Kinh Thánh bản dịch tiếng Nga đã tuyên bố: “Trước hết, người ta biết chắc rằng nhân loại không có được và cũng không thể có được một quyển sách nào khác vĩ đại như Kinh Thánh.”[4]

Trong thời gian gần đây, Billy Graham đã nói về Kinh Thánh rằng: “Không một quyển sách nào khác có thể chạm đến sự khôn ngoan uyên bác, vẻ đẹp đầy thi vị, hoặc tính chính xác của lịch sử và lời tiên tri trong Kinh Thánh… Kinh Thánh tiêu biểu cho mọi kiến thức mà con người cần để lấp đầy khao khát trong tâm hồn và giải quyết mọi vấn đề… Tôi muốn được thấm đẫm trong Kinh Thánh. Tôi muốn thuộc lòng Kinh Thánh trước khi tôi chết.”[5] Chắc chắn cụm từ thường được nhắc đi nhắc lại trong các bài giảng của ông đó là: “Kinh Thánh dạy rằng…”

Đối với Cơ Đốc Nhân Lời Chúa là vô giá, được minh chứng qua việc những người tin Chúa sẵn lòng hy sinh mạng sống của họ để có được Lời Chúa. Trong thời kỳ hội thánh bị bắt bớ dữ dội năm 303 sau CN, hoàng đế La-mã Diocletian kiên quyết tiêu hủy Kinh Thánh. Tất cả mọi bản sao Kinh Thánh khi phát hiện đều bị đốt cháy. Hàng nghìn Cơ Đốc nhân và gia đình của họ đã tử đạo vì sở hữu những phần của Lời Chúa. Cuộc bách hại và tiêu hủy Kinh Thánh tiếp tục diễn ra trong hai năm, sau đó một chiếc cột chiến thắng được dựng lên trên đống tro tàn của một quyển Kinh Thánh, trên cây cột viết những lời cáo thị rằng Kinh Thánh đã “biến mất.” Nhưng chỉ hai mươi năm sau, hoàng đế Constantine tuyên bố rằng Kinh Thánh chính là thẩm phán không thể sai lầm của lẽ thật. Kẻ thù của Đức Chúa Trời đã nhiều lần cố gắng tiêu hủy Kinh Thánh bằng nhiều cách khác nhau. Nhưng Đức Chúa Trời đã bảo tồn Kinh Thánh – đôi khi bằng một cái giá quá lớn mà dân sự của Ngài phải trả, một cái giá mà đối với họ chẳng đáng chi khi so sánh với báu vật Lời Chúa.

Địa vị cao quý mà người tin Chúa dành cho Kinh Thánh đã khiến cho họ có biệt danh “Dân có Kinh Thánh.” Có lẽ Muhammad là người đầu tiên đặt ra biệt danh này chủ yếu dành cho người Do Thái nhưng cũng dành cho Cơ Đốc nhân bởi vì cả hai đối tượng này đều rất coi trọng sự mặc khải được ghi chép trong Kinh Thánh. Người Hồi Giáo cũng được xếp vào biệt danh này bởi vị trí đặc biệt mà cả ba tôn giáo dành cho các bản kinh thánh của họ so với các tác phẩm văn chương khác trong mỗi tôn giáo.

Đối với người Do Thái, Kinh thánh của họ chính là sự mặc khải trọn vẹn của Đức Chúa Trời cho dân tộc của Ngài. Nhưng đối với Cơ Đốc Nhân, vị trí đó thuộc về Đấng Christ, Ngài là Đức Chúa Trời, Đấng đã đến thế gian để bày tỏ chính Ngài cho nhân loại (Hêb. 1:2). Thật vậy, Đấng Christ chính là Đức Chúa Trời hằng sống và là thẩm quyền cuối cùng của hội thánh. Tuy nhiên điều này không làm giảm đi thẩm quyền của Kinh Thánh. Bởi vì ngoài Kinh Thánh có phương cách nào giúp chúng ta nhận biết Đấng Christ? Và bằng cách nào Đấng Christ thực thi thẩm quyền nếu không có Lời Chúa, đặc biệt khi Ngài còn tại thế? Về sau, chúng ta sẽ thấy sự kết nối bên trong giữa Lời Chúa được bày tỏ qua thân vị của Đức Chúa Giê-su và Lời Chúa được bày tỏ qua Kinh Thánh.

Kinh Thánh là điều thiết yếu của Cơ Đốc giáo bởi vì Kinh Thánh ghi lại sự kiện Đức Chúa Trời can thiệp vào dòng lịch sử nhằm cứu rỗi nhân loại. Song không chỉ là một câu chuyện lịch sử về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, chính Kinh Thánh cũng là một phần trong công tác cứu rỗi đó. Lời Chúa cho chúng ta biết ý nghĩa chức vụ của Đức Chúa Giê-su và bày tỏ phương cách để chúng ta tiếp nhận sự cứu rỗi của Ngài.

Cơ Đốc giáo hoàn toàn cần có Kinh Thánh được minh họa qua việc so sánh Kinh Thánh với các sách của Đạo Hindu. Nếu mọi sách của Đạo Hindu bị tiêu hủy và trên đất không còn ai theo Đạo Hindu, nghĩa là Đạo Hindu hoàn toàn biến mất khỏi nhận thức con người, thì người ta vẫn tin rằng Đạo Hindu hoàn toàn có thể trỗi dậy lần nữa bởi vì cơ bản đó là một lối sống. Người ta cũng suy xét như vậy đối với những tôn giáo khác. Tuy nhiên, nếu mọi bản sao Kinh Thánh đều bị xóa sạch và mọi Cơ Đốc Nhân nếu không còn trên mặt đất, kể cả những gì được lịch sử nhắc đến cũng không còn, khi ấy Đạo Cơ Đốc không thể trỗi dậy lần nữa. Tại sao? Bởi vì Cơ Đốc Giáo hơn cả một lối sống. Đó là một tôn giáo có trong lịch sử được thành lập dựa trên công tác của Đức Chúa Trời trong lịch sử nhân loại, và Kinh Thánh ghi lại lịch sử cứu chuộc đó.

Kinh Thánh khác với mọi quyển sách khác bởi vì đó là Lời của Đức Chúa Trời. Các quyển sách khác dù uyên thâm như thế nào cũng đều là lời của con người. Số người tin Kinh Thánh có thẩm quyền không mắc sai lầm đang ngày một gia tăng trên thế giới giữa lúc các hội thánh tự do ngày một giảm và  Cơ Đốc giáo ngày một tăng trưởng mạnh mẽ ở nhiều nơi trên thế giới.

Tuy nhiên vị trí cao quý của Kinh Thánh đối lập đầy quan ngại với vai trò thực tiễn trong đời sống con người. Đặc biệt tại thế giới Tây Phương khi chủ nghĩa đa nguyên tôn giáo ngày một gia tăng kéo theo việc người ta chấp nhận mọi quan niệm, cùng với những lời phê bình tiêu cực của chủ nghĩa duy lý đối với Kinh Thánh, tất cả đang làm xói mòn lòng tin vào thẩm quyền tối thượng của Kinh Thánh, thậm chí tại nhiều hội thánh tốt. Nhiều quan điểm diễn giải Kinh Thánh khác nhau cũng khiến người ta băn khoăn điều Kinh Thánh thực sự dạy dỗ là gì. Tất cả các yếu tố trên gộp lại làm suy yếu Kinh Thánh là trụ cột của đức tin và là nguồn gây dựng đời sống tín hữu.

Quan trọng hơn hết, nhiều người tin Chúa gặp vấn đề vì thiếu niềm tin vào sự linh nghiệm của Kinh Thánh. Chúng ta tôn kính Kinh Thánh là Lời thánh của Đức Chúa Trời, nhưng chúng ta không đọc Kinh Thánh. Khi gặp bối rối trước những vấn đề trong cuộc sống, chúng ta thường tìm kiếm sự giúp đỡ và an ủi từ những điều khác ngoài Kinh Thánh. Có rất nhiều lý do khiến chúng ta mất lòng tin nơi Kinh Thánh. Đầu tiên, chúng ta đang sống trong một xã hội chống đối sự độc đoán. Người ta không muốn bất kỳ ai dạy họ việc phải làm, dù đó là con người hay Thượng đế. Hệ quả là nhiều Cơ Đốc Nhân không làm theo Lời Chúa, không tiếp nhận Lời Chúa vào lòng với thái độ tin cậy vâng lời để được biến đổi đời sống. Chính vì vậy, nhiều người kết luận rằng Kinh Thánh không thật sự linh nghiệm.

(còn nữa)

Trích từ UNDERSTANDING CHRISTIAN THEOLOGY

Translated by Vinh Hien

BÀI DƯỠNG LINH

Tôi đang dự phần xây cất ngôi đại thánh đường.
_
Vào thời Trung cổ, một tín hữu lên đường đi hành hương đến một nhà thờ được xem là cổ kính nhất trong nước mình. Sau vài ngày đi đường, ông lạc vào một vùng núi đá nắng cháy khô cằn và hiểm trở. Ông thấy có những người thợ đục đá đang đổ mồ hôi đục đẽo và vác trên vai từng viên đá vuông vắn xếp lại từng khối.
Ông đi mon men đến gần một người thợ. Mồ hôi chảy đầm đìa trên tấm thân gầy người thợ làm ông cảm động. Nhưng khi hỏi chuyện đục đá để làm gì, người thợ trả lời có vẻ bực mình. “Ông không thấy tôi đang cực nhọc vất vả hay sao mà còn hỏi?”
Ông đến với người thứ hai. Người nầy nói: “Người ta thuê tôi làm việc. Tôi cố gắng làm để có cơm ăn áo mặc cho vợ con tôi, còn đục đá để làm gì thì tôi không cần biết.”
Ông khách tiếp tục lên đến đỉnh đồi và gặp một người thợ đục đá khác. Người nầy cũng rất mệt nhọc nhưng vẻ mặt có vẻ thanh thản nhẹ nhàng pha chút vui tươi. Tiến đến gần, ông khách hỏi: “Ông đang làm gì đó?” Người thợ mỉm cười dừng tay chào khách và nói: “Tôi đang dự phần xây cất ngôi đại thánh đường.” Người thợ vừa nói vừa chỉ tay xuống vùng thung lũng đang tiến hành công trình xây cất ngôi đại thánh đường.
Bạn đang làm gì trên thế giới nầy?
Giới thiệu hai tác giả của sách UNDERSTANDING CHRISTIAN THEOLOGY
Charles Rozell Swindoll sinh ngày 18 tháng 10 năm 1934 là một mục sư, tác giả, nhà giáo dục và nhà truyền giáo trong lĩnh vực truyền thanh của Cơ đốc giáo. Ông thành lập Insight for Living, có trụ sở chính tại Frisco, Texas, phát sóng một chương trình radio cùng tên trên hơn 2.000 đài trên khắp thế giới bằng 15 thứ tiếng. Ông hiện là mục sư quản nhiệm tại Hội thánh Cộng đồng Stonebriar, ở Frisco, Texas.
Roy B. Zuck sinh ngày 20 tháng 1 năm 1932 và lớn lên ở Phoenix, Arizona. Ông lấy bằng cử nhân nghệ thuật từ Đại học Biola ở California, và bằng Th.M. từ Chủng viện Thần học Dallas ở Texas vào năm1957. Roy B. Zuck cũng lấy bằng Tiến sĩ Thần học tại Dallas vào năm 1961. Ông cũng theo học Đại học Bắc Illinois và Đại học Bang Bắc Texas vào những năm 1970.
Hiện nay sách UNDERSTANDING CHRISTIAN THEOLOGY đang được nhóm Biên Dịch Anh Việt chuyển ngữ từ Tiếng Anh sang Tiếng Việt, để phục vụ cho bạn đọc ở khắp nơi – và đặc biệt là dùng làm sách Textbook cho Vietnamese Missionary Institute và các chủng viện Kinh Thánh.
Chúng ta đang tham gia vào một dự án xinh đẹp mà sẽ phục vụ cho thế hệ tương lai.
Chúc mừng các bạn đến với nhóm Biên Dịch Anh Việt. Chúng ta sẽ cùng làm việc với nhau trong tình yêu và trong danh của Chúa Giê-su Christ.
_
Admin

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên