Từ ban đầu Đức Chúa Trời đã nhìn thấy nhu cầu của nhân loại và Ngài phán: “Loài người ở một mình thì không tốt.” Và Chúa đã sáng tạo thêm người nữ, rồi Chúa lập gia đình cho loài người. Ngài ban phước cho gia đình và giao phó nhiệm vụ cho gia đình sinh sôi nẫy nở. Ngài còn giao cho loài người trách nhiệm và thẩm quyền quản trị thế giới tươi đẹp Chúa đã dựng nên. Gia đình vì thế rất quan trọng trước mắt Chúa và dĩ nhiên cũng rất quan trọng cho chúng ta. Gia đình có thể tồn tại không cần quốc gia, nhưng quốc gia sẽ không tồn tại nếu không có gia đình. Hội Thánh cũng vậy. Hội Thánh không thể sống còn nếu không có gia đình. Gia đình mạnh thì Hội Thánh mạnh, gia đình yếu thì Hội Thánh yếu. Qua lịch sử của dân Do Thái trong Kinh Thánh ta có thể thấy ý muốn của Chúa về gia đình. |
||||
Có một câu nói rất hay mà tôi thấy giống như một tuyên ngôn bao gồm mục đích của mỗi người và mỗi gia đình chúng ta. Đó là: Đức Chúa Trời đang xây dựng một cộng đồng gồm những người liên hệ với Chúa bằng đức tin và liên hệ với nhau bằng tình yêu thương, để Chúa có thể ban phước cho họ và qua họ Chúa ban phước cho người khác trên thế giới.” Mỗi gia đình phải sống thế nào để Chúa có thể ban phước và qua gia đình chúng ta Chúa sẽ ban phước cho người khác. Giống như chén tôi đầy tràn… Giống như cả nhà thơm nức mùi dầu…Trước hết gia đình được xây dựng để giao thông liên lạc với Chúa. Ban đầu Chúa giao thông liên lạc với loài người cách vui vẻ, Ngài đến thăm loài người vào mỗi buổi chiều. Ngài nói chuyện với loài người và khi loài người trốn tránh Chúa vì mặc cảm tội lỗi, Ngài vẫn đi tìm và vẫn gọi loài người: “A-đam, con ở đâu?” Đức Chúa Trời muốn chuyện trò liên lạc với loài người. Kinh Thánh gọi những người không còn liên lạc với Chúa là những người lạc mất. Chúa đã sai Con Một của Ngài đến thế gian để tìm và cứu người bị mất. Bạn có đang liên lạc với Chúa không?
Áp-ra-ham là người cha đức tin được Chúa dùng để làm gương mẫu cho gia đình dân Do Thái và cho các dân tộc. Xem Sáng 18:19. Hãy xem Chúa chọn Áp-ra-ham và gia đình ông trở nên một dân tộc lớn gương mẫu thờ Chúa đầu tiên. Áp-ra-ham đã nêu gương xây dựng bàn thờ để cả nhà thờ phượng Chúa ở tất cả những nơi nào ông dọn trại đến ở. Các con cháu ông đã noi gương ông. Cả dân Do Thái đều hãnh diện gọi Áp-ra-ham là cha. Chúng ta cũng hãnh diện xưng Áp-ra-ham là tổ phụ đức tin của chúng ta. Y-sác là con và Gia cốp là cháu của Áp-ra-ham cũng noi gương ông bà tiếp tục truyền thống thờ Chúa. 12 người con của Gia-cốp là những người xây dựng 12 chi phái của dân Israel cũng noi gương các tổ phụ để thờ phượng Chúa, vâng giữ các điều răn của Ngài. Người thờ Chúa là người giao thông liên lạc với Chúa. Xem Sáng 35:2. Gia đình được xây dựng để đồng công với Chúa. Công việc chính Chúa ưa thích gia đình thực hiện là truyền thụ lại đức tin cho con cháu và dòng dõi tiếp theo. Giô-suê, lãnh tụ nổi tiếng đưa dân Do Thái vào đất hứa đã trung tín theo Chúa và kêu gọi dân chúng chọn theo Chúa. Ông nói: “Nhưng ta và nhà ta phục sự Đức Chúa Trời.” Ông Gióp cũng là một người cha gương mẫu. Ông quan tâm đến đời sống tâm linh của các con cái trai và gái của ông. Ông có truyền thống mở bữa ăn thông công và xưng tội cho con cháu thường xuyên. Xem Gióp 1:5. Trong Tân Uớc tôi thích hình ảnh hai người ngoại đạo đã tin Chúa và đưa cả nhà thờ Chúa. Đó là ông Cọt-nây và người đề lao thành Phi-líp. Khi đã tin Chúa họ đưa cả gia đình tin theo Chúa. Họ mỡ tiệc ăn mừng vì theo Chúa. Chúa thích cả gia đình tin thờ Chúa với nhau. Cần biết Chúa ban phước cho cả gia đình và Ngài cũng trừng phạt cả gia đình. Gia đình là một đơn vị trước mắt Chúa. Tôi thích hình ảnh gia đình truyền thụ đức tin lại cho con, cho cháu. Nhờ đó những con cháu như Ti-mô-thê được trở nên người hầu việc Chúa. Công khó chuẩn bị nầy là do ông bà cha mẹ. Trường hợp của Ti-mô-thê thì công khó nầy là từ hai người phụ nữ, một người làm bà và một người làm mẹ. Họ hầu việc Chúa cách âm thầm, trung tín nhưng kết quả xứng đáng. Gương Ti-mô-thê là trường hợp của rất nhiều người. Lịch sử Hội Thánh thế giới có một người nổi tiếng là thánh Augustine. Chính mẹ ông là người ơn của ông và của chúng ta. Bà đã cầu nguyện cho ông cho đến khi ông gặp Chúa sau một cuộc đời sa đoạ. Người nào trong chúng ta cũng để lại ảnh hưởng hoặc tốt hoặc xấu cho con cháu trong gia đình chúng ta. Xã hội đau buồn khi có những tên tội phạm làm hại xã hội và người khác. Người ta khám phá hầu hết những phạm nhân nầy đều phát xuất từ những gia đình đổ vỡ bất hạnh. Đó là lý do mà người Việt thường nói: “Cha nào, con nấy. Rau nào, sâu nấy.” Hoặc “Con hơn cha là nhà có phước.” Tôi nghĩ con hơn cha ở đây là con chiến thắng thói hư tật xấu của cha, con biết xây dựng một truyền thống mới tốt đẹp cho gia đình, một việc tốt mà cha mẹ chưa làm được. Gia đình được xây dựng để sống hòa thuận với nhau. Anh chị em trong gia đình phải biết yêu thương và kính nhường nhau. Kinh Thánh công nhận vị trí của người cha, người mẹ, người anh, người em. Kính Thánh ca ngợi gia đình hoà thuận, “Kìa, anh em ăn ở hòa thuận nhau. Thật tốt đẹp thay!” (Thi Thiên 133:1). Mỗi người có trách nhiệm riêng và trách nhiệm chung. Chúa đã lập 10 điều răn để loài người biết kính thờ một mình Chúa và hiếu kính cha mẹ, biết sống với người khác. Người ta có thể sống lâu nhờ hiếu kính cha mẹ và yêu thương gia đình mình. Chúa hứa ban phước cho người kính sợ Chúa và giữ các giới răn của Ngài. Gia đình được Chúa giao nhiệm vụ giáo dục từ đời nầy sang đời khác. Chúa nhấn mạnh nhiệm vụ giáo dục trong gia đình là chính. Xem Phục truyền 4:9-10. Gia đình được Chúa trông mong thờ phượng Chúa chung với nhau. 1 Côr 16:19. Hãy xem trách nhiệm chính Chúa giao cho người cha trong một gia đình, cũng như cho Mục Sư trong một Hội Thánh (1 Ti-mô-thê 3:4-5,12). Ý Chúa là phải dạy cho gia đình biết sống hoà hợp nhau, kính nhường nhau. Xem Sáng thế 45:24; Thi thiên 133:1. Anh em tha thứ cho nhau. Xem Sáng thế 50:17-21; Ma-thi-ơ 18:21-22. Ý Chúa muốn toàn thể gia đình đều đi theo Chúa, không từ bỏ Chúa. Xem Phục 29:18. Gia đình được xây dựng để làm biến đổi thế giới. Gia đình góp phần biến đổi những nơi họ đến sinh sống. Hãy suy nghĩ đến khoảng 50 gia đình đầu tiên đến Mỹ trên chiếc tàu Mayflower năm 1620. Trung tuần tháng 11 năm 2012, tôi đã có dịp đến tận nơi tại Boston, MA,tôi đã thấy tận mắt chiếc tàu kỷ niệm Mayflower II và nhìn thấy tảng đá lớn có khắc số 1620. Hãy suy nghĩ đến những gia đình đã làm nên nước Mỹ. Chúa đã ban phước cho họ để họ chuyển phước cho chúng ta. Tôi thiết nghĩ thế giới không thể trở nên như ngày nay nếu không có những gia đình tin Chúa và yêu Chúa. Gia đình của cha, của mẹ, của anh chị em… có cùng huyết thống, có cùng hướng đi, có cùng nhịp bước có thể thay đổi thế giới. Tiếc thay ngày nay ở Mỹ cũng như ở các nước Âu Châu, người ta định nghĩa lệch lạc về gia đình, gần một nửa dân số không còn giữ truyền thống của gia đình. Gia đình không còn là sự kết hợp hài hòa giữa một người nam và một người nữ nữa rồi. Gia đình xem li dị là chuyện thường. Gia đình không còn thì rồi quốc gia sẽ không còn. Hãy xây dựng và giữ gìn truyền thống tốt của gia đình mình. Mỗi người nên suy nghĩ đến trách nhiệm của mình đối với gia đình. Giống như nhiều chi thể trong một thân thể. Chúng ta có trách nhiệm liên hệ với nhau trong gia đình. Chúng ta cũng có những quyền lợi giống nhau trong gia đình. Tôi suy nghĩ đến lý do tại sao người Do Thái coi trọng gia phổ của các gia đình mang dòng máu Do Thái. Mỗi người Do Thái được lệnh phải giữ gìn dòng máu tinh tuyền của mình. Đó là gìn giữ đức tin. Tiếc thay họ không làm được điều đó. Những người cùng một niềm tin, cùng một nền văn hóa dễ sống chung với nhau. Chúng ta không nhứt thiết cái gì cũng phải chung như nhau về phần xác nhưng hãy cố giữ gìn truyền thống đức tin. Đó là có cùng chung dòng máu của Chúa Giê-su và hơi thở của Chúa Thánh Linh. Hãy suy nghĩ đến truyền thống đức tin của gia đình là quan trọng, không thể coi thường. Kinh Thánh khuyên các người con của Chúa không nên mang ách chung với người không tin Chúa. Sự thành công của gia đình là thành công của Hội Thánh. Sự thất bại của gia đình cũng là thất bại của Hội Thánh. Khi Chúa hỏi đến người anh em, con hay cháu của chúng ta, chúng ta không thể thưa với Chúa như Ca-in đã đáp rằng, “Tôi là người giữ em tôi sao?” Tôi hãnh diện vì có ông bà nội cũng như ông bà ngoại đều là tín đồ của Chúa khi Tin Lành mới đến Việt Nam tại Quảng Nam. Đây là ân điển Chúa ban cho gia đình tôi. Vợ chồng chúng tôi lập gia đình trong Chúa gần 40 năm qua. Tôi cảm ơn Chúa vì có 3 con và 6 cháu khoẻ mạnh cả xác lẫn hồn. Ngày nay cả gia đình của chúng tôi đều tin Chúa và đang hầu việc Chúa. Nếu ngày nay bạn là người tin Chúa đầu tiên trong gia đình thì bạn giống Áp-ra-ham là người đầu tiên được Chúa gọi “ra khỏi quê hương ngươi và nhà cha ngươi, đi đến nơi ta gọi.” Nếu ông bà cha mẹ các bạn đã tin Chúa, hãy noi gương đức tin của các cụ và tiếp tục giữ đức tin theo Chúa đến cùng. Hãy giúp người khác giữ vững nhiệm vụ gia đình của mình, không bao giờ bỏ cuộc, thả trôi hay thối lui. Mỗi người chúng ta là một mắc xích của sợi dây chuyền đức tin. Sức mạnh của cả sợi dây là sức mạnh của mỗi mắc xích. Chúng ta không sống một mình nhưng cũng sống cho cả gia đình dòng họ chúng ta. Gương một gia đình có truyền thống tốt Hãy xem Chúa đã dùng gia đình của Giô-na-đáp (Dân Ra-cáp) làm một gương để giáo dục cho dân Y-sơ-ra-ên trong thời Giê-rê-mi. Xem Giê-rê-mi 35. Ông Giô-na-đáp quyết định không uống rượu (giống như người Na-xi-rê) và lấy đức tin sống du mục, không xây nhà ở. Ông đã truyền dạy lại quyết tâm nầy cho gia đình. Gia đình ông cũng đã dạy lại cho các con cháu. Họ sống tin cậy và vâng lời. Kết quả lối sống nầy trở thành truyền thống gia đình. Cả dòng dõi của ông Giô-na-đáp không uống rượu, và tiếp tục ở lều trại, không xây nhà… Chúa đã hứa ban cho dòng dõi của ông Giô-na-đáp tồn tại theo thời gian. Tôi nghĩ đây cũng phải là gương đức tin cho chúng ta. Dĩ nhiên không phải gia đình nào cũng noi gương trở thành người du mục, không cày cấy, không làm vườn như con cháu Giô-na-đáp, nhưng quyết định không uống say rượu, không dùng cần sa, ma tuý… không bao giờ sa vào cờ bạc… là truyền thống tốt của mọi gia đình. Tin đạo và sống đạo là truyền thống tốt. Đây là quyết định của yêu thương và kính trọng những người thân yêu ruột thịt. Đây là truyền thống tin cậy vâng lời Chúa. Tôi cảm thấy buồn khi thấy có mấy gia đình tín hữu đã đổ vỡ vì sa mê cờ bạc. Gia đình tan vỡ thật rất thương tâm. Con cái lãnh đủ mọi nỗi buồn. Không một bất hạnh nào lớn bằng sự bất hạnh của gia đình tan vỡ. Hãy quyết định giữ truyền thống đức tin của gia đình Mỗi gia đình ngày nay cần có cùng một quyết tâm tin cậy và duy trì truyền thống tốt của gia đình. Hãy suy nghĩ đến việc giữ vững truyền thống gia đình như một lối sống. Ví dụ: – Tập con cháu đi thưa về trình trong gia đình. Chào ông, chào bà. Thưa ông, thưa bà. Cảm ơn. – Không bỏ qua sự nhóm lại thờ phượng Chúa mỗi tuần. – Giữ buổi họp mặt gia đình hằng năm nhân Lễ Tạ Ơn, Lễ Giáng Sinh, Lễ Phục Sinh. …Đưa con cháu hay bà con đi dự lễ chung với gia đình. – Giữ những ngày kỷ niệm trong năm như ngày sinh nhựt, ngày tưởng nhớ ông bà cha mẹ. – Hãy mời Chúa vào nhà. Hãy ý thức sự hiện diện của Chúa trong nhà. Hãy học thuộc lòng câu nói hay: “Chúa Giê-su là chủ nhà nầy, là vị khách vô hình dự mỗi bữa ăn, là Đấng yên lặng nghe mọi lời nói.” Tôi thích gia đình con cháu của tôi họp mặt ăn chung với nhau vào tối thứ 7 hằng tuần tại nhà vợ chồng tôi. Tôi thích các con tôi yêu thương bà ngoại nay 95 tuổi, và yêu thương cha mẹ. Tôi tin rằng các cháu tôi sẽ noi gương cha mẹ chúng. Đây là lý do Chúa để con cháu chúng ta sống chung trong gia đình ít nhất 20 năm trước khi cho phép chúng xây dựng một gia đình mới. Hãy tập xây dựng truyền thống gia đình từ khi các con cháu chúng ta còn nhỏ. Hãy bắt chước người Do Thái. Họ giữ các lễ lớn của dân tộc, trong đó mỗi gia đình đều tuân giữ. Chẳng hạn: Lễ Vượt Qua. Mỗi nhà đều giết một chiên con, lấy huyết bôi mày cửa, ăn thịt nướng, nhắc lại ý nghĩa. Người Do Thái cũng tôn trọng người thân quá cố. Họ đem chôn cất người chết cách đàng hoàng. Hãy gắng hết sức đi dự các đám tang trong Hội Thánh. Hôm nay tôi đã biết lý do tại sao người Do Thái không ăn huyết và không ăn thịt heo. Tôi thích những thực phẩm của người Do Thái (trong đó có trái vả, nước nho…) Hãy thử xây dựng một truyền thống mới của gia đình Chẳng hạn hãy cầu nguyện cho cả gia đình tin theo Chúa. Hãy treo một giải thưởng cho đứa con nào học có bằng cấp cao. Hãy tặng một món quà lớn cho đứa con, đứa cháu nào lập gia đình trong Chúa. Hoặc hãy khuyến khích con cái dâng mình hầu việc Chúa trọn thời gian. Hoặc hãy hiệp tác truyền giáo với một Hội Thánh, với Viện Đào Tạo Môn Đồ hay Cơ Quan Truyền Giáo… Hãy quan tâm hơn đối với cộng đồng xã hội Chẳng hạn, tìm đọc sách báo tiếng Việt. Ăn Tết Nguyên Đán. Tham dự sinh hoạt tốt của Cộng Đồng. Thăm viếng các dưỡng viện của người già. Góp một nghĩa cử yêu thương cho người thiếu thốn, đau ốm, tật nguyền. Hãy cùng tôi suy nghĩ đến lời dạy của Chúa Giê-su. “Chớ tưởng rằng ta đến để đem sự bình an cho thế gian… Ta đến để phân rẽ con trai với cha, con gái với mẹ, dâu với bà gia, và người ta sẽ có kẻ thù nghịch là người nhà mình” (Ma-thi-ơ 10: 34-38). Có phải Chúa muốn chúng ta chia rẽ gia đình hay không? Hãy nghe tiếp câu trả lời của Chúa về mối quan tâm của chúng ta. “Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không đáng cho ta; ai yêu con trai hay là con gái hơn ta thì cũng không đáng cho ta.” Tôi nghĩ đến đây là vấn đề lựa chọn. Hãy suy nghĩ đến hậu quả của sự lựa chọn. Vấn đề chính ở đây là nếu có sự khác biệt giữa ý người và ý Chúa thì chúng ta sẽ chọn theo ý ai, theo ý người hay theo ý Chúa. Chúng ta cân nhắc chọn lựa về kết quả tạm thời hay vĩnh viễn. Vấn đề chọn lựa có liên quan đến đức tin. Nếu chúng ta tin Chúa là Đấng Tối Thượng, Đấng Toàn Năng và Đấng Toàn Thiện… chúng ta sẽ có suy nghĩ và quyết định tốt nhất theo ý Chúa. Rất tiếc giữa vòng người Việt chúng ta vẫn có nhiều gia đình đã chọn sai vì ảnh hưởng truyền thống tín ngưỡng của gia đình. Nhiều gia đình quyết không chịu tin Chúa, không cho con em mình tin nhận Chúa. Cái gì cổ truyền không hẳn là tốt hết. Chúng ta biết chọn hợp tình nhưng cũng biết chọn hợp lý nữa. Lý ở đây là chân lý. Hãy chọn làm theo ý Chúa là bảo đảm nhứt. Ý Chúa được bày tỏ rõ ràng trong Kinh Thánh. Kết luận: Gia đình là quý. Địa vị và nhiệm vụ của gia đình thật lớn lao. Nhưng bảo vệ gia đình không phải là việc dễ dàng. Gần 40 năm có gia đình, tôi càng thấy sống với gia đình không dễ. Vợ chồng có bản tính khác nhau và nhu cầu khác nhau. Không dễ để người chồng yêu vợ mãi, không dễ để vợ phục tùng mãi. Không dễ để hai người chịu đựng mãi. Để tiếp tục sống chung, mỗi người phải biết kính sợ Chúa và vâng phục nhau. Vợ phải biết kính trọng và ngưỡng mộ chồng. Chống phải biết yêu thương cưng chiều vợ. Mỗi người phải học lời Chúa, “Coi người khác như tôn trọng hơn mình.” Cả hai phải biết tha thứ nhau như Chúa đã tha cho mình. Cả hai cũng phải mau nghe, chậm nói và chậm giận. Hãy lấy lẽ kính nhường nhau. Hãy giữ sự hiệp nhất của gia đình. Hãy tập sống khiêm nhường. Đức tin nhận được nhiều nhất. Yêu thương làm được nhiều nhất. Khiêm nhường giữ được nhiều nhất. Ma quỷ đang ra sức phá hủy gia đình, hãy lập hàng rào bảo vệ gia đình. “Hãy chống cự ma quỷ thì nó sẽ lánh xa anh em.” Hãy đến gần Chúa, nhờ cậy Chúa mỗi ngày. Truyền thống tốt của gia đình không phải tự nhiên đến. Đó là sự hiệp tác của mọi người trong gia đình. Chúa Giê-su đã chọn làm nghề thợ mộc. Công việc của thợ mộc là xây nhà và sửa chữa nhà cửa. Chúng ta hãy noi gương của Chúa Giê-su, người thợ mộc phi thường. Truyền thống tốt phải được giữ gìn trải qua tháng năm. Có vui có buồn. Có thành công có thất bại. Lặp đi lặp lại việc lành. Công việc lâu dài. Hãy cứ bền lòng tin cậy Chúa trước sự thử thách của thời gian. Đó là lý do Chúa dạy chúng ta “khá giữ trung tín cho đến chết rồi Ta sẽ ban cho ngươi mão triều thiên của sự sống.” Tôi không quên một câu nói của người Mỹ về gia đình: “A family pray together stay together.” Một gia đình cầu nguyện chung với nhau sẽ gắn bó với nhau. Đây là truyền thống tốt và là bí quyết tốt của một gia đình vững mạnh. Nếu bạn chưa có truyền thống nầy thì phải chăng hôm nay hay tuần nầy là một cơ hội để quyết định. Hãy quyết định ngay cho gia đình và hãy giữ gìn quyết định khôn ngoan của bạn.
MỤC SƯ NGUYỄN VĂN HUỆ
|