Trang Chủ BIỆN GIÁO Satan hoạt động?

Satan hoạt động?

697
0
SHARE
Sau khi Sa-tan phản loạn Đức Chúa Trời trong thế giới vô hình, Đức Chúa Trời đã trục xuất nó xuống chốn không trung. Từ đó Sa-tan trở thành kẻ đối nghịch với Đức Chúa Trời, chống phá Hội thánh và tôi con Chúa. Hiện nay Sa-tan là “vua cầm quyền chốn trung” và cũng là “vua chúa của thế gian mờ tối nầy” (Ê-phê-sô 2:2, 6:12). Sa-tan đã bành trướng thế lực tối tăm và tội ác của nó ra trên thế gian cách mạnh mẽ và đã bắt lấy vô số linh hồn người ta thờ lạy, làm nô lệ cho nó. Trong những ngày cuối cùng của thời kỳ ân điển khi Chúa Giêxu Christ gần tái lâm, Sa-tan và bè lũ qủy sứ của nó càng hoạt động mạnh mẽ hơn, vì nó “biết thì giờ của nó chẳng còn bao nhiêu” (Khải 12:12) .
Cách thức Sa-tan hoạt động và bành trướng quyền lực nó trên thế gian hầu hết là qua môi giới con người, như I Sa-mu-ên 28:1-25 chép về hoạt động của bà bóng ở Ên-đô-rơ và qua các phù thủy, đồng cốt. Câu chuyện Vua Sau-lơ cầu bà bóng ở Ên-đô-rơ là một câu chuyện gây nhiều tranh luận. Chúng ta cần nghiên cứu để hiểu rõ ý nghĩa đúng của lời Chúa trong phân đoạn Thánh kinh nầy; đồng thời cũng thấy được sự trá hình của Sa-tan tinh vi đến mức độ nào, hầu có thể giữ mình và giúp nhiều người thoát khỏi sự mê hoặc của nó.
I. BỐI CẢNH CHUYỆN SAU-LƠ CẦU BÀ BÓNG.
Có hai vấn đề cần bàn đến trong phần nầy:
1. Bối cảnh quốc gia I-sơ-ra-ên thời vua Sau-lơ.
Sau hơn 300 năm (1400–1100TC – Quan 11:26), dân I-sơ-ra-ên sống dưới thời các quan xét, “mỗi người đều làm theo ý mình lấy làm phải”. Chúa thương xót dấy lên một người vừa làm Quan xét và vừa là nhà Tiên kiến rất quyền năng, đầy ơn có tài trong lãnh vực lãnh đạo dân sự, đã sáng lập ra nền Quân chủ cho vương quốc I-sơ-ra-ên, người đó chính là Sa-mu-ên. Trải qua hằng ngàn năm, tuyển dân Chúa sống dưới chính thể thần minh, họ được Đức Chúa Trời trực tiếp cai trị qua các tiên tri, thầy tế lễ. Nhưng đến gần cuối đời tiên tri Sa-mu-ên, dân I-sơ-ra-ên cương quyết đòi cho có một vị vua cai trị họ giống như các dân tộc chung quanh! Lý do dân I-sơ-ra-ên đòi hỏi như vậy là vì:
– Sa-mu-ên đã già mà các con trai ông không xứng đáng lãnh đạo họ (I Sam 8:1-3,5).
– Họ thấy các dân chung quanh đều có vua. Nên cũng đua đòi cho có một vua cai trị họ! (I Sam 8:5).
Mặc dầu Sa-mu-ên hết sức giải thích cho dân sự hiểu sự đòi hỏi của họ sẽ đem lại hậu quả tai hại về sau và nó cũng làm cho Đức Chúa Trời buồn lòng nữa. Nhưng dân I-sơ-ra-ên cương quyết đòi hỏi nên Chúa an ủi Sa-mu-ên và bảo đầy tớ Ngài cứ làm theo ý họ muốn! Thế là Sa-mu-ên theo sự hướng dẫn của Chúa đi xức dầu cho Sau-lơ làm Đệ nhứt Quân vương cho Vương quốc I-sơ-ra-ên (I Sam 10:1).
2. Chân dung đệ nhứt Quân vương Sau-lơ.
Sau lơ là con trai của Kích, thuộc chi phái Bên-gia-min. Một người có thân hình cao lớn hơn cả mọi người (I Sam 10:22). Khi còn là một thanh niên trong gia đình, Sau-lơ rất khiêm nhường, nhịn nhục và biết vâng lời (I Sam 9:21,10:24). Rất có ý thức trách nhiệm và cũng có lòng bao dung (I Sam 10:27). Nhưng sau khi được xức dầu làm vua I-sơ-ra-ên, và nhứt là khi đã lên ngôi cai trị vương quốc I-sơ-ra-ên rồi thì lòng ông đổi khác mà trở nên kiêu căng, cứng cỏi, ngang ngạnh và bất nhân. Nhiều lần ông phạm tội được Chúa cảnh cáo nhưng không chịu ăn năn, cứ đi theo ý riêng nên Chúa Thánh Linh lìa bỏ và ác thần nhập vào khuấy khỏa ông (I Sam 16:14). Từ đó Sau-lơ gây nên bao cảnh đau thương cho Đa-vít và dân sự Chúa, mãi đến ngày Sau-lơ chết mới hết. Trước khi Sau-lơ chết, Chúa đã lìa bỏ ông và để ông đi đến chỗ cùng đường túng thế; ông bị quân Phi-li-tin tấn công, trong khi đó đầy tớ Chúa là tiên tri Sa-mu-ên đã qua đời không còn ai cầu hỏi ý Chúa giúp ông. Một người có thể giúp vua được là Đa-vít, nhưng vì tánh ganh tị nên Sau-lơ xem Đa-vít như kẻ thù và nhiều lần vua tìm cách giết Đa-vít. Do đó nhà vua không còn có lối thoát nào khác hơn là liều lĩnh đi cầu bà bóng ở Ên-đô-rơ, mà chính vua đã ra lệnh trừ diệt, để rồi phạm tội trọng trước mặt Chúa và phải nhận lấy kết cuộc bi thảm.
II. Ý NGHĨA CỦA CÂU CHUYỆN.
1. Ý nghĩa từ ngữ.
Trong phân đoạn Thánh kinh nầy có những từ chúng ta cần nghiên cứu.
– Cầu vong: (I Sam 28:7,8), là việc làm của những phù thủy dùng phép thuật để gọi hồn người chết về cho những người thân yêu gặp gỡ cầu hỏi hay trò chuyện. Thực ra không có hồn người chết nào có thể trở về được, đó chỉ là sự trá hình và giả hiệu của ma qủy thôi.
– Đồng cốt: (I Sam 28:3,9). Các phù thủy thường dùng một người làm cốt để gọi hồn người chết về nhập vào người làm cốt nói ra một số điều. Thực sự cũng chẳng có người chết nào trở về nhập vào người làm cốt ngoài ra ma qủy!
– Tà thuật: (I Sam 28:9): Dùng phép thuật của ma qủy làm nhiều việc, kể cả các dấu dị phép lạ. Công việc nầy có liên quan đến các trò như ma thuật, qủy thuật, phù phép..
Thánh kinh Tân ước có dùng một số từ ngữ để mô tả công việc nầy của Sa-tan như sau:
(1) Pharmakeús : nghĩa là kẻ tà thuật, phù phép (sorcerer), nó còn được dịch là “kẻ đầu độc” (Khải 21:8, Khải 22:15).
(2) Pheríerga : nghĩa là tà thuật, phép thuật, người làm những việc vô ích (Êsai 3:3,Công 19:19).
2. Dân Y-sơ-ra-ên với chuyện Sau-lơ cầu bà bóng.
Thánh kinh không nêu rõ thái độ của dân chúng và người đương thời đối với câu chuyện nầy. Nhưng xét về bối cảnh vẫn có một số người tin. Vì lúc bấy giờ có một số đông dân I-sơ-ra-ên bị ảnh hưởng bởi bái vật giáo của vùng Pales-tin mà Chúa đã cảnh cáo họ trước khi bước vào đất hứa (Phục 18:9-14), thế nhưng họ đã bị các dân xứ Ca-na-an cám dỗ nên làm theo những thói tục gớm ghiếc nầy. Hơn nữa tiên tri Sa-mu-ên đã qua đời nên không còn ai cầu vấn Đức Chúa Trời thay cho dân sự. Chính vua Sau-lơ cũng rơi vào tình trạng túng thế nên mới đi cầu bà bóng, mặc dầu chính vua là người ra lệnh trừ diệt những đồng cốt, tà thuật trong I-sơ-ra-ên (I Sam 28:3,9). Đáng buồn hơn là chính vua Sau-lơ lại tin vào điều đó. Tuy nhiên, vẫn còn một số đông người I-sơ-ra-ên khác trung thành với Chúa, giữ điều răn quyết không tin và không làm các công việc tà thuật. Thánh kinh cho biết thời vua A-háp, là thời kỳ đen tối nhứt của lịch sử Do Thái giáo vẫn còn 7.000 người trong dân sự không chịu thờ lạy Ba-anh và môi họ chưa hôn nó (I Vua 19:18). Dầu vậy, những gì xảy ra ở đây là một bài học, một lời cảnh cáo cho tôi con Chúa khi mất ánh sáng lời Chúa, không ở trong hiện diện Chúa, con người có thể rơi vào chỗ tối tăm tuyệt vọng, dễ bị Sa-tan dẫn dụ đi vào sự hư hỏng bại hoại.
3. Quan điểm của các nhà giải kinh.
Khi giải nghĩa đoạn Thánh kinh nầy, các nhà giải kinh có ba quan điểm:
(1) Quan điểm của những người tin câu chuyện Sau-lơ cầu bà bóng ở Ên-đô-rơ là thật, nghĩa là họ tin rằng Sa-mu-ên đã thật sự xuất hiện để nói chuyện với Sau-lơ theo sự cầu vong của bà bóng.
Trong phần chú thích và giải nghĩa sách I Sa-mu-ên đoạn 28 của một Tạp chí Cơ Đốc đã giải thích: “Đức Chúa Trời nghiêm cấm dân I-sơ-ra-ên liên hệ tới việc bói toán, thầy phù thủy, thầy pháp, kẻ cầu đồng cốt, kẻ thuật số, hoặc kẻ cầu vong” (Phục 18:9-14). “Những kẻ làm thầy pháp sẽ bị xử tử” (Xuất 22:18,19). Tuy nhiên, trong phần giải thích việc Sa-mu-ên xuất hiện thì lại giải thích: “Bà bóng không gọi Sa-mu-ên lên bằng thuật lừa đảo hay bởi quyền lực của Sa-tan; Đức Chúa Trời đem Sa-mu-ên trở lại để báo cho Sau-lơ những lời tiên đoán liên quan tới số phận người, một sứ điệp Sau-lơ đã biết”. Sau đó có lời khuyến cáo: “Đó không phải là cách biện minh cho nổ lực liên lạc với người chết hoặc thông công với các tà linh thuộc về quá khứ. Đức Chúa Trời chống cự mọi thói tục như vậy”
(2) Quan điểm thứ hai của những người dè dặt bảo rằng họ không tin mà cũng không phủ nhận, vì chưa xác định được sự thật của câu chuyện. Ông Henry H.Halley nhận định về câu chuyện Sau-lơ cầu bà bóng là một “bài tường thuật đơn sơ và thành thật dường như ngụ ý rằng thần linh của Sa-mu-ên thật đã hiện về. Tuy nhiên, người ta có ý kiến khác nhau, kẻ cho rằng sự hiện hồn đó là thật, kẻ cho là giả”. Thánh kinh Khảo học có lời chú giải về I Sa-mu-ên đoạn 28 như sau: “Có thể hiểu sự việc nầy bằng mấy cách khác nhau: (a) Thượng Đế cho phép linh của Sa-mu-ên hiện lên cho bà (bóng) thấy. (b) Người đàn bà tiếp xúc với thần dữ hay ác linh trong hình dạng Sa-mu-ên do đó bà bị gạt hoặc bị kiểm soát (c) Bằng cách dùng năng lực bán tâm lý như cảm từ xa hoặc khả năng thấy được cái vô hình”
(3) Quan điểm thứ ba của nhiều nhà giải kinh cho rằng câu chuyện Sau-lơ cầu bà bóng ở Ên-đô-rơ chỉ là trò lừa bịp, trá hình của Sa-tan để làm hại vua Sau-lơ, gia đình vua và nhiều con cái Chúa chưa hiểu được bản chất xảo quyệt của nó thôi! Trong quyển New Commentary có lời bình giải về câu chuyện Sau-lơ cầu bà bóng rất chính xác như sau: “Điều chắc chắn trong đoạn Thánh kinh nầy là Đức Chúa Trời không tán đồng những hoạt động của các đồng bóng. Sự hướng dẫn của Chúa không bao giờ bị lừa gạt bởi những hoạt động của chúng”.
4. Cách hiểu đúng câu chuyện.
Trước hết chúng ta tin rằng Chúa làm được tất cả mọi sự, nhưng Ngài không bao giờ làm điều gì mâu thuẫn với chính Ngài. Sự kiện Sa-mu-ên xuất hiện để nói chuyện với Sau-lơ là việc Đức Chúa Trời có thể làm được. Nhưng xét về ý nghĩa và nội dung câu chuyện, thì rất khó tin rằng Đức Chúa Trời cho phép tiên tri Sa-mu-ên xuất hiện theo sự cầu vong của bà bóng. Nếu như vậy té ra Đức Chúa Trời chấp nhận việc đồng cốt và tà thuật sao? Còn giải thích rằng Sa-mu-ên hiện lên là do quyền phép Đức Chúa Trời chứ không do bà bóng thì càng khó chấp nhận, nhứt là Sa-mu-ên xuất hiện trong thời điểm bà bóng cầu vong. Xin nhớ rằng bản chất thánh lành của Đức Chúa Trời không bao giờ thay đổi. Hơn nữa không có ai đã qua đời mà còn có thể trở lại trần gian để phán dạy điều gì cho người sống. Điều nầy được xác minh qua thí dụ Chúa Giêxu kể trong Luca 16:19-31.
Trong Thánh kinh có ghi lại trường hợp Môi-se và Ê-li hiện ra với Chúa Giêxu trên núi hóa hình (Mat 17). Nhưng đây là trường hợp đặc biệt Chúa muốn mạc khải một vài chân lý có liên quan đến mô hình biến hóa hai hạng Cơ Đốc nhân trong ngày Chúa tái lâm, chứ không phải họ trở lại trần gian để nói điều gì liên quan đến sự cứu rỗi hay một sứ mạng gì đặc biệt. Do đó họ chỉ xuất hiện để gặp gỡ Chúa Giêxu mà không hề nói một lời nào với ba vị sứ đồ đang chứng kiến. Vì những gì cần thiết cho con người thì Chúa đã phán dạy qua Thánh kinh rồi!
Ngoài ra nếu phân tích văn mạch Thánh kinh thì chúng ta sẽ thấy rõ hơn.
* Văn mạch trực tiếp:
I Sam 28:3 “Sau-lơ trừ diệt khỏi xứ những đồng cốt và những thầy bói” và câu 9 khẳng định lại một lần nữa.
* Văn mạch gián tiếp:
Lêv 19:31, “Các ngươi chớ cầu đồng cốt hay là thầy bói; chớ hỏi chúng nó, e vì chúng nó mà các ngươi phải bị ô uế: Ta Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi”.
Lêv 20:27 “Khi nào một người nam hay nữ làm đồng cốt hay là bói khoa, thì sẽ bị xử tử, người ta sẽ ném đá chúng nó: huyết chúng nó sẽ đổ lại trên mình chúng nó”. Có thể xem thêm ở Phục 18:9-14 và Êsai 18:19.
* Văn mạch toàn diện:
Khải 21:8 “Còn những kẻ hèn nhát, kẻ chẳng tin, kẻ đáng gớm ghét, kẻ giết người, kẻ dâm loạn, kẻ phù phép..”. Chữ phù phép ở đây có nghĩa là tà thuật.
Khải 22:15 “Những loài chó, những thuật sĩ.”. Chữ thuật sĩ (Phármakos) có nghĩa là kẻ tà thuật, kẻ đầu độc.
Ngoài ra cũng có thể xem thêm một số câu khác nữa như Khải 9:21,18:23, Công 8:8,9.. Trong Gal 5:20 có nói đến “Những kẻ thờ hình tượng, phù phép”. Chữ phù phép trong nguyên văn là Mageúo có nghĩa là qủy thuật, tà thuật, là những điều mà cả Thánh kinh Cựu và Tân ước đều nghiêm cấm.
Như vậy, xét về văn mạch lẫn những gì mà lời Chúa mạc khải trong Thánh kinh, việc vua Sau-lơ cầu bà bóng ở Ên-đô-rơ là một trò lừa đảo vô cùng tinh vi của Sa-tan, đúng như bản chất xảo trá quỷ quyệt và gian ác của nó. Sa-tan đã dùng tay bà bóng lừa phỉnh vua Sau-lơ, và nó đang tiếp tục lừa phỉnh vô số người trong nhân loại ngày nay qua các phù thủy, đồng cốt và tà thuật y như vậy, khiến nhiều người chết cả thể xác lẫn linh hồn hết sức đáng thương. IICôr 11:14 chép: “Nào có lạ gì, chính qủy Sa-tan mạo làm thiên sứ sáng láng”
Chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời không tự chống lại chính mình Ngài, khi chỗ nầy thì nghiêm cấm còn chỗ kia lại cho phép! Nếu Chúa muốn phán với Sau-lơ thì không có gì khó cả, Ngài có thể mở miệng một người trong dân sự làm việc đó, thậm chí Chúa có thể dùng cả đến thú vật nữa, như Ngài đã từng mở miệng con lừa nói tiếng người với tiên tri Ba-la-am (Dân 22:28-33), nhưng vì Ngài đã lìa bỏ vua Sau-lơ nên Ngài im lặng.
Có người căn cứ vào nội dung cuộc đối thoại giữa nhân vật Sa-mu-ên với vua Sau-lơ mà tin rằng đó là chuyện thật. Nhưng xét kỹ không có gì khó hiểu ở đây. Phần lớn những điều nói đến trong cuộc đối thoại, Sa-mu-ên đã nói với vua Sau-lơ ngay trong lúc đầy tớ Chúa còn sống. Chỉ có một điều mới là việc vua Sau-lơ và các con trai vua sẽ chết trong chiến trận, song về điều mới nầy cũng dễ hiểu thôi. Vì vua Sau-lơ đang nằm trong tay Sa-tan, nó muốn giết vua lúc nào chẳng được.
Một chuyện thật đã xảy ra cho một người lính Mỹ chiến đấu tại Việt Nam trong thời chiến tranh trước 1975. Người lính nầy có tên là Dwight, con của bà Reynolds ở tiểu bang Pensylvania. Từ khi Dwight tham chiến tại Việt Nam, anh thường xuyên viết thư cho mẹ. Nhưng bỗng dưng suốt nhiều tuần lễ bà không nhận được thư nào. Bà đâm ra bối rối và hết sức lo lắng. Một sáng kia, có chiếc xe của quân đội Hoa kỳ đứng trước cửa, họ trao cho bà bức điện để vừa thông báo mà cũng vừa phân ưu về việc con bà bị mất tích và có khả năng đã chết tại Việt Nam. Bà khóc òa và đau khổ vô cùng. Bà nói: ‘Chúa ơi tại sao con con chết? Con luôn cầu xin Chúa gìn giữ nó mà bây giờ nó đã chết là nghĩa làm sao?’
Ít ngày sau, có một người bạn đến nhà mời bà đi dự cuộc cầu hồn các lính Mỹ chết tại Việt Nam và người bạn đó hứa rằng bà có thể liên lạc với người chết được! Bà nhớ lời Chúa dạy trong sách Truyền đạo 9:5,6: “Kẻ sống biết mình sẽ chết, nhưng kẻ chết chẳng biết chi hết.. Sự yêu, sự ghét, sự ganh gổ của họ thảy đều tiêu mất từ lâu, họ chẳng hề có phần nào về mọi điều làm ra dưới mặt trời”. Vì cớ đó bà phản đối và từ chối không đi.
Một tuần lễ sau người bạn ấy trở lại và nói rằng hôm qua chúng tôi họp nhau và đã nói chuyện với những người thân chết trận tại Việt Nam. Con trai bà là Dwight có hiện về, nó trách tại sao bà không đến gặp nó, nó buồn tủi lắm. Từ đó bà cảm thấy thương nhớ con và ước ao được nói chuyện với con.
Tối thứ ba tuần sau, trong buổi cầu hồn để gặp những người chết, vì quá thương con, bà Reynolds cũng đến ngồi trên một chiếc ghế dài dành cho người muốn tiếp xúc với linh hồn người chết. Chung quanh bà có năm sáu người đàn bà cùng chờ để linh hiện về. Chốc lát sau, con của bà Reynolds hiện về thật. Rõ ràng là con của bà, hình ảnh của nó không thay đổi, giọng nói của nó cũng y như vậy. Bà vui mừng và nói chuyện với con gần một tiếng đồng hồ. Rồi mẹ con từ giả và hẹn tối thứ ba tuần sau. Ngày hôm sau bà đến gặp Mục sư và cho ông biết bà đã nói chuyện với đứa con trai đã chết của bà. Bà cho rằng Kinh thánh sai vì nói rằng người chết không hiện về được. Bà xin Mục sư cho bà rút tên ra khỏi Hội thánh.
Sáu tháng sau, vào một buổi sáng thứ sáu nọ, có tiếng chuông reo, bà mở cửa ra thấy con trai bà đang đứng trước cửa. Anh ta ôm chầm mẹ vui mừng cảm tạ Chúa. Bà ngạc nhiên hỏi sao con ở đây giờ nầy, chúng ta hẹn vào mỗi tối thứ ba như thường lệ cơ mà! Người con chẳng hiểu gì, anh ta chỉ nói với mẹ rằng con mới được phép về nhà. Lúc bấy giờ bà mới nhận ra con mình còn sống.
Phối kiểm lại bà mới biết rằng tin con bà chết là nhầm lẫn. Anh ta chỉ bị mất tích trong khi bị thương nặng, sau đó đồng đội đã tìm lại được và đưa vào bịnh viện dã chiến để chữa trị. Nên lâu ngày anh không viết thư cho mẹ được. Bấy giờ bà Reynolds biết mình đã mắc lừa ma qủy qua trò bịp cầu hồn của các đồng bóng, bà hết sức ăn năn với Chúa. Qua đó chúng ta nhận biết rằng các cuộc cầu hồn, đồng bóng, tà thuật v.v.. chính là các trò lừa bịp tài tình của Satan trong thế giới của các thầy pháp, các phù thủy thật là đáng sợ.
III. BÀI HỌC TỪ CÂU CHUYỆN SAU-LƠ CẦU BÀ BÓNG.
Từ câu chuyện nầy chúng ta rút ra được một số bài học như sau:
1. Khi con người không có lời Chúa soi sáng thì rất dễ bị Sa-tan dẫn dụ đi vào con đường tối tăm tội lỗi. Dầu cho người đó là ai, ở giai tầng nào, trình độ nào cũng có thể bị Sa-tan mê hoặc và dẫn dụ.
2. Sa-tan là kẻ giả hình rất tài tình, nó là cha của kẻ nói dối đã lừa hầu hết nhân loại bởi những trò ma thuật, phù phép và đồng bóng. Thậm chí nó còn lừa cả Cơ Đốc nhân nữa. Con cái Chúa phải hết sức đề cao cảnh giác và luôn sống trong ánh sáng lời Chúa để kịp thời phát hiện những trò lừa bịp của Sa-tan.
3. Hầu hết những người mà Sa-tan lừa phỉnh đều đi đến kết cuộc bi thảm. Sa-tan không có điều gì tốt lành và cũng chẳng bao giờ có lòng thương xót. Những người mắc lừa Sa-tan sẽ sớm kết thúc cuộc sống để đi đến chỗ đồng số phận với nó ở trong nơi khổ hình đời đời!
4. Cơ Đốc nhân phải tỉnh táo giữ mình, biết cách sử dụng các loại khí giới của Đức Chúa Trời trong Ê-phê-sô 6:11-18 để đánh trận thuộc linh. Cũng nhờ huyết và thập tự giá Chúa Giêxu chiến đấu chống trả ma qủy (Khải 12:11). “Hãy phục Đức Chúa Trời, hãy chống trả ma qủy thì nó sẽ lánh xa anh em” (Gia cơ 4:7).
Kết luận.
Nói về những hình thức hoạt động của Sa-tan ma qủy trong thế giới ngày nay thì không thể nào nói hết được. Nhưng xem ra sự trá hình và lừa phỉnh của Sa-tan ma qủy trong các cuộc đồng cốt, tà thuật và phù phép quả là một trong các hình thức lừa phỉnh hiệu quả nhất của nó hiện nay. Không chỉ con người trong các nước Đông phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi bái vật giáo nên sinh ra mê tín dị đoan, bói khoa tướng số, cầu cơ, lên đồng.. mà tại các nước Tây phương tiên tiến, sự hoạt động của Sa-tan trong lãnh vực nầy cũng không thua kém. Vì vậy, có thể nói hầu hết những người không Chúa đều đã bị Sa-tan lừa phỉnh bởi hình thức nầy. Cơ Đốc nhân cần nỗ lực truyền bá Phúc Âm để mở mắt những người đã và đang mắc lừa ma qủy để sớm giải cứu đưa họ về cùng Chúa.
Doulos
SÁCH THAM KHẢO
1. Thánh kinh khảo học.
2. Francis Frangipane, “Ba chiến trường thuộc linh”
3. Theodore Epp, “Làm thế nào đánh bại Satan?”
4. Chú giải Samuên – VPNS 1998.
5. W. Macdonald, Giải nghĩa Kinh Thánh Cựu – Tân ước.
6. Kenneth Hagin “Hội thánh đắc thắng” – USA 1993
7. Henry H. Halley “Thánh kinh lược khảo” -Sài gòn 1960.
8. “New Bible Commentary” – USA 1995.
9. Adam Clarke, “Clarke’s Commentary” – Abingdon Press.
10. Walter Martin, “The Kingdom of the Cults” , USA 1992.

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên