Trang Chủ TRANG CHỦ RU-TƠ

RU-TƠ

576
0
SHARE

 

click vào hình tam giác để nghe.

Ru-tơ 1:15-18
Na-ô-mi nói cùng Ru-tơ rằng: Nầy, chị con đã trở về quê hương và thần của nó; con hãy trở về theo nó đi. 16 Ru-tơ thưa rằng: Xin chớ nài tôi phân rẽ mẹ; vì mẹ đi đâu,tôi sẽ đi đó; mẹ ở nơi nào, tôi sẽ ở nơi đó. Dân sự của mẹ, tức là dân sự của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi; 17 mẹ thác nơi nào, tôi muốn thác và được chôn nơi đó. Ví bằng có sự chi khác hơn sự chết phân cách tôi khỏi mẹ, nguyện Đức Giê-hô-va giáng họa cho tôi! 18 Na-ô-mi thấy nàng quyết định theo mình, nên không nói nữa.

Nàng là một người đàn bà hiền đức.

Ru-tơ 3:11

Mỗi khi đọc đến sách Ru-tơ, bạn hãy nhớ đến hai điều quan trọng. Thứ nhất, đây là câu chuyện đẹp xảy ra trong những ngày khó khăn và nguy hiểm, đó là thời gian mà các quan xét cai quản dân sự và Đức Chúa Trời luôn phải sửa phạt họ. Thời gian đó rất khó khăn. Thế giới của chúng ta ngày nay có thể rất đau buồn, nhưng tình yêu thương của Đức Chúa Trời vẫn hằng còn, và một ngày trong tương lai Chúa sẽ tiếp nhận nàng dâu của Ngài. Sự thù oán và ích kỷ của thế gian không thể ngăn cản Chúa thực hiên công việc yêu thương, và đây chính là điều khích lệ tôi.

Thứ hai, quyển sách này nói về những con người bình thường với những hoạt động bình thường trong cuộc sống. Không có phép lạ nào xảy ra, ngoại trừ phép lạ về sự dẫn dắt và thời điểm của Chúa, và ngày nay phép lạ này vẫn tiếp diễn trong đời sống của những con dân vâng lời Chúa. Khi cuộc sống đỗ vỡ và không còn tồi tệ hơn được nữa, Đức Chúa Trời đã làm trọn kế hoạch của Ngài cho Ru-tơ và Na-ô-mi và mọi việc trở nên trọn vẹn. Ru-tơ, Na-ô-mi và Bô-ô đều trải nghiệm câu Kinh Thánh Rô-ma 8:28 trước khi Phao-lô viết câu Kinh Thánh này. Ngày nay chúng ta vẫn có thể công bố sự đảm bảo này.

Câu chuyện của Ru-tơ mở đầu với ba đám tang và kết lại khi một em bé được chào đời –đó không phải là một đứa trẻ tầm thường, bởi vì con của Bô-ô và Ru-tơ chính là tổ tiên của vua Đa-vít, và từ dòng dõi vua Đa-vít, Đức Chúa Giê-su đã vào đời.

Ru-tơ được tả là “một người đàn bà hiền đức,” và đây cũng chính là cụm từ diễn tả “người vợ hoàn hảo” của Sa-lô-môn (Châm. 31:10, 29). Tài đức là điều mọi người đều cần và đều có thể có được nếu chúng ta đầu phục ý muốn của Chúa và cho phép Ngài sử dụng những công cụ của Ngài trong cuộc sống của chúng ta.

1.ĐAU KHỔ CÁ NHÂN

Mô-áp và Am-môn là hai dân tộc bắt nguồn từ mối quan hệ loạn luân giữa Lót và hai người con gái (Sáng 19:30-38), chính vì vậy người Y-sơ-ra-ên là họ hàng xa của người Mô-áp. Tuy nhiên, mặc dù là họ hàng xa, họ là kẻ thù của nhau. Người Mô-áp và người Am-môn không được phép vào hội người Y-sơ-ra-ên “dầu đến đời thứ mười cũng chẳng hề bao giờ được” (Phục. 23:2-6), nghĩa là “không bao giờ được.” Khi người Do Thái hồi hương sau thời gian bị lưu đày tại Ba-by-lôn, các lãnh đạo đã phải kỷ luật những người nam cưới phụ nữ Mô-áp (Ê-xơ-ra 9; Nê-hê-mi 13:23). Song tại đây Na-ô-mi trở về Bết-lê-hem, đem theo cô con dâu người Mô-áp.

Không chỉ là một người Mô-áp, hơn thế nữa, Ru-tơ là một quả phụ trẻ không có hy vọng cưới được một người đàn ông Do Thái tại Bết-lê-hem. Đức Chúa Trời truyền lệnh cho người Do Thái phải bày tỏ lòng tốt đối với “khách lạ, kẻ mồ côi và người góa bụa” (Phục. 24:19-21; 26:12-13), và Ru-tơ thuộc cả ba đối tượng trên. Nhưng bà đến từ Mô-áp! Vậy người Do Thái có buộc phải bày tỏ lòng tốt đối với bà hay không?

Có một sự thật từ ngàn xưa và gần như đã trở thành một câu nói kinh điển đó chính là sự đau khổ hoặc sẽ giúp chúng ta thành công hoặc sẽ khiến chúng ta thất bại nặng nề. Ru-tơ đã có thể từ chối Đức Chúa Trời của Na-ô-mi và nuôi dưỡng sự cay đắng của mình, song ân điển Chúa đã thay đổi tấm lòng của Ru-tơ, và chính tình yêu và tấm gương của Ru-tơ đã dần thay đổi Na-ô-mi. Khi chúng ta tin cậy Chúa, những điều phiền muộn sẽ hóa thành ích lợi chứ không phải trở ngại. “Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sanh cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô lượng vô biên” (2 Côr. 4:17). “Biết rằng hoạn nạn sanh sự nhịn nhục, sự nhịn nhục sanh sự rèn tập, sự rèn tập sanh sự trông cậy” (Rô-ma 5:3-4).

2.ĐỨC TIN CỨU RỖI

Tại sao Na-ô-mi không muốn đem hai cô con dâu cùng đi với mình đến Bết-lê-hem? Cả ba cùng khởi hành, song Na-ô-mi bỗng dừng lại và nài khuyên Ọt-ba và Ru-tơ hãy quay trở về quê hương và thần của họ và để bà ra đi một mình. Phải chăng Na-ô-mi không muốn đem về Bết-lê-hem bằng chứng con của bà đã lấy phụ nữ ngoại quốc? Ọt-ba vâng lệnh Na-ô-mi và trở về nhà, nhưng Ru-tơ thì trung thành với mẹ chồng bởi vì bà đã tin cậy nơi Đức Chúa Trời hằng sống chân thật. “Dân sự của mẹ, tức là dân sự của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi” (Ru. 1:16). Người đặt lòng tin nơi Đức Chúa Giê-su Christ chính là “công việc Đức Chúa Trời làm ra,” Ngài hành động cho họ, trong họ và qua họ để khiến họ trở nên theo ý Ngài (Ê-phê-sô 2:8-10; Phi-líp 2:12-13).

Khi nghĩ đến hoàn cảnh của Ru-tơ, việc bà có một niềm tin mạnh mẽ nơi Đức Chúa Trời của người Y-sơ-ra-ên đó quả thật là một điều đáng kinh ngạc. Bà sống trong một gia đình Do Thái có ít đức tin nơi Đức Chúa Trời mà họ hầu việc. Cuối cùng, khi nạn đói xảy ra, gia đình này đã rời khỏi Bết-lê-hem để tìm kiếm sự giúp đỡ từ kẻ thù của họ. Họ đã không thể tin cậy nơi Đức Chúa Trời sao? Và Đức Chúa Trời là ai mà đã cho phép ba người đàn ông qua đời và để lại ba quá phụ bất lực trong thế giới? Na-ô-mi rất cay đắng và không phải là một gương mẫu cho Ru-tơ noi theo. Hãy nhớ rằng, Na-ô-mi muốn hai người con dâu của bà quay trở về với quê hương và thần của họ. Bất chấp mọi ảnh hưởng tiêu cực đau thương này, bởi ân điển Chúa, Ru-tơ trở thành một người tin Chúa với một đức tin mạnh mẽ đến nỗi Na-ô-mi đã nhờ cậy nơi Ru-tơ!

Bô-ô đã có một phát biểu tuyệt vời khi nói về Ru-tơ trên cánh đồng: “Nguyện Đức Giê-hô-va báo đáp điều nàng đã làm; nàng đã đến núp dưới cánh Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên; cầu xin Ngài thưởng cho nàng cách trọn vẹn” (Ru. 2:12). Khi nói đến từ “cánh,” chúng ta thường nghĩ đến hình ảnh gà mẹ bảo vệ con mình, nhưng tôi tự hỏi có phải Bô-ô đang chỉ về đôi cánh của Chê-ru-bim trong Nơi Chí Thánh (xem Xuất. 25:17-22; Thi. 36:7-7; 61:4). Theo Ê-phê-sô 2:11-12, Ru-tơ là người ngoài không có phẩm chất thuộc linh, là người không được nhận ân phước thuộc linh của người Do Thái, song nhờ đức tin, bà không chỉ được nhận vào cộng đồng người Y-sơ-ra-ên mà còn có mối liên hệ với Đức Chúa Trời! Nói một cách thuộc linh, thay vì phải đứng ở ngoài trong sự chối bỏ, bà được ở trong Nơi Chí Thánh cùng Đức Chúa Trời.

3.SỰ CHĂM SÓC TẬN TỤY

Trong Ru-tơ 1, chúng ta thấy Ru-tơ đặt Đức Chúa Trời lên hàng đầu và không thay đổi quyết định của mình nhưng cứ đi theo Na-ô-mi. Trong Ru-tơ 2, bà thương yêu chăm sóc cho Na-ô-mi và đi mót lúa ngoài đồng để có thức ăn. Mùa lúa mạch bắt đầu từ giữa tháng Tư, còn mùa lúa mì rơi vào đầu tháng Sáu, vậy Na-ô-mi và Ru-tơ đã trở về Bết-lê-hem đúng vào mùa gặt. “Đức Giê-hô-va bảo hộ khách lạ, nâng đỡ kẻ mồ côi và người góa bụa” (Thi. 146:9). Tuy nhiên, đây không phải là bằng chứng duy nhất cho sự chu cấp của Đức Chúa Trời, bởi vì Ngài đã dẫn dắt cho Ru-tơ đi mót lúa tại cánh đồng của Bô-ô, là người độc thân thích hợp nhất tại Bết-lê-hem. Và Bô-ô đã xuất hiện ngay khi bà đang mót lúa!

Bô-ô hỏi rằng: “Người gái trẻ này là con của ai?” Dường như câu hỏi này minh chứng cho một tiếng sét ái tình vừa xảy ra. Cũng như bao người khác tại Bết-lê-hem, Bô-ô hay biết sự khó nhọc của Na-ô-mi tại Mô-áp và ông biết được người con dâu là Ru-tơ đã tìm đến đức tin nơi Chúa ra sao và tính cách của cô thế nào. Bằng hành động sấp mình dưới chân chủ mùa gặt, bà bày tỏ sự hạ mình đầy tinh tế khiến cho Bô-ô rất ấn tượng.

Nếu Ru-tơ chỉ ngồi ở nhà than khóc, bà sẽ không bao giờ gặp được Bô-ô và trở thành vợ ông. Bạn có nhận thấy Đức Chúa Trời ban phước lớn cho những ai làm việc chăm chỉ không? Đức Chúa Trời kêu gọi Môi-se khi ông đang chăn bầy chiên của Giê-trô, và Ngài kêu gọi Ghê-đê-ôn khi ông đang đập lúa. Đa-vít vâng lời cha mình đi đến doanh trại của người Y-sơ-ra-ên, và tại đó Đức Chúa Trời đã dùng ông để giết gã khổng lồ Gô-li-át. Đức Chúa Giê-su kêu gọi Phi-e-rơ, Anh-rê, Gia-cơ, và Giăng khi họ đang đánh cá, và Ngài kêu gọi Ma-thi-ơ khi ông đang làm việc thâu thuế. Chiếc xe sẽ không chạy nếu người lái không vào số. Hãy giúp đỡ người khác, và Chúa sẽ dẫn dắt bạn.

Có những công việc lạc hậu nhưng làm sáng tỏ tâm trí, làm ấm lòng và xây dựng nhân cách. Tiến sĩ Bob Cook phát biểu rằng: “Công việc nặng nhọc sẽ trở nên sự xúc động và vui mừng khi bạn làm việc ấy trong ý muốn Chúa” và ông đã nói đúng. Công việc của Ru-tơ không chỉ khó nhọc, nhưng cũng rất bẽ mặt, bởi vì khi đi mót lúa, bà thể hiện mình là người nghèo thiếu và không nơi nương tựa. Người mót lúa sống nhờ vào sự dư thừa của người khác, nhưng bà không quan tâm. Bà đang sống trong Nơi Chí Thánh, ẩn nấp dưới bóng cánh của Đức Giê-hô-va, và Ngài hành động thay cho bà.

4.THUẬN PHỤC TRONG SỰ YÊU THƯƠNG

Trong khi chờ đợi tại nhà, Na-ô-mi góp công qua việc cầu nguyện và lên kế hoạch cho tương lai tốt đẹp của con dâu. Na-ô-mi biết rằng Bô-ô là họ hàng gần và Ru-tơ được quyền đến với Bô-ô và cầu xin sự che chở, chăm sóc của ông với cương vị của một người chồng. Tại cánh đồng, Ru-tơ đã từng sấp mình dưới chân và cảm ơn Bô-ô về lòng tốt mà ông dành cho bà (Ru-tơ 2:10), tuy nhiên lần này Ru-tơ sẽ đến nơi chân Bô-ô để nhận ông là bà con gần có quyền chuộc sản nghiệp của bà (Ru-tơ 3:5-8).

Đất đai thuộc về Đức Chúa Trời và Ngài cho phép người Do Thái được sinh sống và hưởng lợi từ đất. Nếu một người Do Thái rơi vào hoàn cảnh khó khăn đến nỗi phải bán đất thì một người họ hàng gần có quyền cứu người bà con của mình mà mua lại mảnh đất ấy. Cũng vậy, nếu chủ đất qua đời còn vợ của anh ta giờ đây là góa phụ trở nên nghèo thiếu thì một họ hàng gần có quyền mua lại mảnh đất ấy nếu anh ta đồng ý cưới người đàn bà góa kia. Việc này được giải thích trong sách Lê-vi 25:23-55. Vì biết Lời Chúa nên Na-ô-mi mới có thể kể cho Ru-tơ chính xác việc gì cần phải làm. Ru-tơ vâng phục Na-ô-mi, và Đức Chúa Trời đã làm phần việc còn lại. Luật pháp về họ hàng gần có quyền chuộc sản nghiệp chính là hình ảnh tuyệt vời về những việc Đấng Christ đã làm cho chúng ta. Chúng ta là những người nghèo thiếu trong tâm linh và đã đánh mất sản nghiệp mình, song Ngài đã trở nên “họ hàng gần” và dùng chính mạng sống Ngài để mua chuộc sản nghiệp cho chúng ta. Thật tình yêu Ngài vĩ đại biết bao!

Bô-ô rất sợ hãi khi thức dậy và phát hiện một người nữ đang ở dưới chân ông, nhưng khi nhận ra đó là ai thì lòng đầy vui mừng. Ru-tơ xin rằng: “Xin đắp mền ông trên kẻ tớ gái ông” (Ru-tơ 3:9), theo luật pháp, câu nói này hàm ý rằng: “Em tuyên bố anh là họ hàng gần có quyền chuộc sản nghiệp và là chồng của em.” Trong Ru-tơ 3:9 từ “đắp mền” chính là từ “đôi cánh” đã được dịch trong Ru-tơ 2:12. Ru-tơ không chỉ ẩn nấp dưới bóng cánh của Đức Giê-hô-va bởi đức tin, nhưng bà cũng ở dưới bóng cánh của Bô-ô bởi vì sự vâng phục yêu thương của bà. Một lần nữa, Ru-tơ ở nơi chân của chúa mùa gặt.

5.KIÊN NHẪN CHỜ ĐỢI

Na-ô-mi khuyên Ru-tơ: “Hỡi con gái ta, hãy ở đây, để đợi xem cho biết công việc thế nào; vì nếu ngày nay việc nầy chưa rồi, thì người ấy chẳng nghỉ đâu” (Ru-tơ 3:18). Vậy Ru-tơ chờ đợi. Trẻ nhỏ và người lớn có tính trẻ con thường có tiếng là hay làm bực mình và chạy trước Chúa. “Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Chúa Trời” (Thi. 46:10). Trong câu Kinh Thánh này, động từ “yên lặng” có nghĩa là “hãy bỏ tay ra; hãy để công việc xảy ra như vậy.” Có những lúc chúng ta lập tức vâng lời Chúa, những cũng có những lúc chúng ta phải bỏ tay ra khi Chúa đang làm việc.

Đối với nhiều người, kiên nhẫn chờ đợi là một thách thức khó khăn, dù đó là khi chúng ta phải chờ đợi trong phòng khám của bác sĩ hay khi bị kẹt xe giữa đường. Nhưng Đức Chúa Trời không bao giờ vội vã, thời điểm của Ngài không bao giờ trễ. Có câu nói rằng: Chúa chậm trả lời không có nghĩa là Ngài từ chối. Ru-tơ biết Bô-ô yêu bà và sẽ trả bất cứ giá nào để cưới bà làm vợ. “Một người bà con gần khác” từ chối cưới Ru-tơ bởi vì ông sợ rủi ro cho sản nghiệp của mình; song Đức Chúa Giê-su không chỉ tiếp nhận chúng ta mà Ngài còn khiến chúng ta trở nên một phần sản nghiệp của Chúa!

Bô-ô đã mua lại tài sản, cưới Ru-tơ làm vợ và thu xếp mọi việc một cách nhanh chóng. Ông có thể tự tin nói rằng: “Việc đã xong!” Từ cái kết có hậu này, Ô-bết đã được sanh ra, và Ô-bết chính là cha của Y-sai, Y-sai là cha của vua Đa-vít. Đây chính là lý do Ru-tơ, một người nữ Mô-áp, một người ngoại bang, được kể tên trong gia phả của Đấng Mê-si (Ma-thi-ơ 1:5-6), cùng với những người nữ khác bị chối bỏ như Ta-ma, Ra-háp và Bát-sê-ba.

Ngợi ca Chúa từ ái ban ơn lạ lùng.

Đời tôi vốn tràn những lệ đắng.

Tôi đã hư mất bao ngày, lầm than trong nơi tội đầy.

Mà ơn Chúa thương xót khoan nhơn.

John Newton

 

admin

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên