Trang Chủ BIỆN GIÁO Reconciliation in the Bible

Reconciliation in the Bible

287
0
SHARE

SỰ HÒA GIẢI THEO KINH THÁNH

Từ Reconciliation (hòa giải) trong Tiếng Anh có nghĩa là:

-Một tình huống trong đó hai người hoặc một nhóm người trở nên thân thiện trở lại sau khi tranh luận.

-Quá trình làm cho hai quan điểm, ý tưởng hoặc tình huống trái ngược nhau trở nên thống nhất.

Hôm nay chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa thật sự của sự hòa giải trong Kinh Thánh.  

Sự hòa giải trong Kinh thánh đề cập đến tiến trình vượt qua sự thù địch và hàn gắn những mối quan hệ đã bị tổn hại để thiết lập lại sự hòa thuận và hiệp nhất.

Đi theo hướng này này, chúng ta sẽ khám phá nền tảng Kinh Thánh về sự hòa giải. Chúng ta sẽ xem những câu chuyện hòa giải trong Kinh Thánh và áp dụng chúng trong mỗi tình huống mà chúng ta đang đối diện.

Có những người làm tổn thương chúng ta nặng nề đến mức nó ảnh hưởng đến phần lớn cuộc sống của chúng ta, tệ đến mức chúng ta không chắc mình có thể quên được chứ đừng nói đến việc tha thứ. Tuy nhiên, trong thâm tâm chúng ta biết rằng phải tha thứ cho họ. Làm thế nào bây giờ?

Hoặc có thể chính bạn là người gây ra tổn thương. Bạn đã cố gắng hết sức để sửa sai, vượt qua nó, nhưng dường như bạn vẫn không thể tha thứ cho chính mình. Và bạn cũng không có sự bình an với Đức Chúa Trời

Vậy sự hòa giải thực sự là gì?

Từ hòa giải trong tiếng Hy Lạp là “katallage”, có nghĩa là “điều chỉnh sự khác biệt” hoặc “khôi phục mối quan hệ để cùng có lợi”, trong khi từ Hê-bơ-rơ là “kapar” được dịch là “che đậy hoặc chuộc tội”.

SỰ HÒA GIẢI TRONG CỰU ƯỚC

Khái niệm hòa giải có nguồn gốc từ Cựu Ước. Đức Chúa Trời kêu gọi tuyển dân hòa giải với Ngài và với nhau. Trong sách Lê-vi ký và Dân số ký, Đức Chúa Trời thiết lập các thực hành và nghi lễ chuộc tội để cho phép dân Ngài được tẩy sạch tội lỗi và phục hồi mối quan hệ của họ với Ngài. “Vì trong ngày đó người ta sẽ làm lễ chuộc tội cho các ngươi, để các ngươi được tinh sạch: chắc các ngươi sẽ được sạch những tội lỗi mình trước mặt Đức Giê-hô-va vậy” (Lê-vi ký 16:30).  Và  “con chiên đực về lễ chuộc tội mà thầy tế lễ sẽ dùng đặng chuộc tội cho người mắc tội đó” (Dân số ký 5:8).

Những thực hành này tạo ra một con đường hòa giải.

Các tiên tri sau này như Ê-sai, nói về công việc hòa giải trong tương lai của Đức Chúa Trời thông qua một  đầy tớ đau khổ (là Đấng Mê-si) sẽ gánh lấy tội lỗi của tuyển dân (Ê-sai 53:5-6). Điều này tạo tiền đề cho sự mặc khải đầy đủ và trọn vẹn hơn về sự hòa giải trong Tân Ước.

Các trường hợp điển hình cho sự hòa giải:

1/Ê-sau và Gia-cốp trong Sáng thế ký.

Một trong những câu chuyện hòa giải ấn tượng nhất trong Kinh thánh liên quan đến hai anh em sinh đôi Ê-sau và Gia-cốp. Là anh trai, Ê-sau xứng đáng nhận được phước lành và quyền trưởng nam của cha mình là Y-sác. Tuy nhiên, Gia-cốp đã lừa cha để ban phước lành cho ông (Sáng thế ký 27). Sau đó Gia-cốp trốn sang một vùng đất khác để tránh sự trả thù của Ê-sau.

Điều này gây ra sự cay đắng lớn giữa hai anh em trong nhiều năm.

Sau hơn 20 năm xa cách, Gia-cốp trở về lại quê hương, ông nghe tin Ê-sau sẽ đến gặp ông cùng với 400 gia nhân. Gia-cốp sợ Ê-sau sẽ giết mình. Tuy nhiên, khi hai anh em gặp nhau, Ê-sau chạy đến ôm Gia-cốp và cùng nhau khóc (Sáng-thế Ký 33:4). Ê-sau đã tha thứ cho em trai mình.

Sự hòa giải mạnh mẽ này nhắc nhở chúng ta rằng với sự giúp đỡ của Chúa, ngay cả những mâu thuẫn, oán hận lâu năm giữa các thành viên trong gia đình cũng có thể được khôi phục.

2/Giô-sép và các anh của ông trong Sáng thế ký.

Một ví dụ đáng chú ý khác về sự hòa giải trong Kinh thánh là câu chuyện về Giô-sép và các anh em của ông trong Sáng thế ký 37-45. Các anh của Giô-sép ghét ông đến nỗi họ lập mưu giết ông. Vào phút cuối, họ quyết định bán ông làm nô lệ. Họ nói với người cha là Gia-cốp rằng Giô-sép đã bị thú dữ giết chết.

Nhiều năm sau, trong một nạn đói, hai người anh của Giô-sép đến Ai Cập để tìm kiếm thức ăn mà không nhận ra rằng Giô-sép đã trở thành tể tướng của Pha-ra-ôn. Bằng một hành động tha thứ đáng kinh ngạc, Giô-sép đã bày tỏ chính mình với các anh mình và bảo đảm với họ rằng ông sẽ chu cấp cho họ (Sáng thế ký 45:3-15).

Giô-sép bảo họ đừng buồn phiền vì Đức Chúa Trời đã dùng những hành động xấu xa của họ để làm điều tốt cho ông. Thật là một tấm gương tuyệt vời về sự hòa giải và cứu chuộc!

3/ Vua Đa-vít, được mô tả là người đẹp lòng Đức Chúa Trời (Công vụ 13:22), là một ví dụ mạnh mẽ khác về sự hòa giải. Đa-vít yêu mến Đức Chúa Trời và có đức tin trọn vẹn nơi Ngài.  Chúng ta thấy từ việc ông giết chết Gô-li-át trong 1 Sa-mu-ên 17 cho đến cách ông không ngừng tìm kiếm sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời trong các trận chiến. Tấm lòng của ông hướng về Chúa trong suốt cuộc đời mình.

Tuy nhiên, Đa-vít cũng là một con người hám sắc khi lên ngôi vua. Ông ham muốn và làm tình với Bát-sê-ba, người vợ xinh đẹp của U-ri.  Và khi cô ấy có thai, Đa-vít đã dùng thủ đoạn giết U-ri và lấy Bát-sê-ba làm vợ (2 Sa-mu-ên 11). Tuy nhiên, khi tiên tri Na-than chỉ ra tội lỗi của Đa-vít, nhà vua đã cúi đầu trước Chúa và thừa nhận hành vi sai trái của mình, ông tuyên bố: “Tôi đã phạm tội chống lại Chúa” (2 Sa-mu-ên 12:13). Đa-vít biết mình đã phạm tội rất nặng. Ngay cả khi Chúa đánh gục đứa trẻ sinh ra từ cuộc hôn nhân phi pháp, tội lỗi của họ, Đa-vít vẫn hướng mặt về Chúa và ở lại trong sự hiệp nhất với Ngài. Đứa con thứ hai của ông với Bát-sê-ba là Sa-lô-môn được sinh ra nhờ sự hòa giải với Chúa, đã trở thành vị vua nổi tiếng sau đó.

4/Một ví dụ khác là tiên tri Giô-na, người đã chạy trốn khỏi mệnh lệnh của Đức Chúa Trời. Lẽ ra ngay từ đầu ông phải đi tới thành Ni-ni-ve để rao giảng sứ điệp của Chúa. Nhà tiên tri đã từ chối mệnh lệnh này, ông trốn sang một thành khác. Chúa khiến giông bão nổi lên trong hải trình của ông và rồi các thủy thủ ném ông xuống biển, một con cá lớn nuốt ông vào bụng. Giô-na ở trong bụng cá ba ngày kêu cầu Chúa, ăn năn tội lỗi, làm hòa với Đức Chúa Trời. Chúa truyền lệnh con cá nhả ông ra, và sau đó ông đến Ni-ni-ve để rao giảng Lời Chúa.  

SỰ HÒA GIẢI TRONG TÂN ƯỚC

Nhiều người tin rằng Kinh Thánh là một câu chuyện dài nhiều tập về sự hòa giải. Ban đầu, loài người hoàn toàn hòa hợp với Chúa trong Vườn Ê-đen (Sáng thế ký 2). Tổ phụ chúng ta đã nói chuyện trực tiếp với Chúa và không cảm thấy xấu hổ khi họ không cần phải mặc trang phục bên ngoài. Vì lúc bấy giờ họ đang ở trong sự hiệp nhất với Ngài. Nhưng rồi tổ phụ chúng ta sa ngã khỏi sự kết hợp hoàn hảo đó, khi vợ chồng A-đam không vâng lời Đức Chúa Trời và ăn trái cây biết điều thiện và điều ác (Sáng thế ký 3). Họ bị đuổi khỏi khu vườn và mối quan hệ nguyên thủy, đẹp đẽ với Đấng Tạo Hóa bị phá vỡ.

Xuyên suốt các trang Kinh Thánh, chúng ta thấy Đức Chúa Trời, với tình yêu bao la dành cho nhân loại, đã mở rộng nhiều cơ hội để con người tìm đường về với Ngài, từ khi Môi-se dẫn dắt dân Israel ra khỏi Ai-cập về Đất Hứa cho đến các nhà tiên tri khác được Chúa kêu gọi.

Nhưng chỉ qua Chúa Giê-su, chúng ta mới thấy được thông điệp hòa giải đích thực và tối thượng của Chúa.

Toàn bộ sứ điệp của Tin Mừng là sự hòa giải: Một dân tộc nhiều lần phạm tội chống lại Đức Chúa Trời đã được Ngài ban cho Chúa Giê-su để tin cậy. Nhờ ân điển, họ có thể khám phá ra con đường trở về với Đức Chúa Trời và trọn vẹn trong sự hiệp nhất với Ngài.

Cái chết hy sinh chuộc tội của Chúa Giê-su Christ là trọng tâm trong sự hiểu biết của Cơ đốc giáo về sự hòa giải giữa Chúa và nhân loại. Khi tội lỗi xâm nhập vào thế giới, nó tạo ra một hố sâu ngăn cách giữa Đức Chúa Trời thánh khiết và loài người tội lỗi mà chúng ta không thể tự mình vượt qua được (Ê-sai 59:2).

Chúng ta cần Đấng cứu rỗi can thiệp thay chúng ta và hàn gắn mối quan hệ đã tan vỡ.

Chúa Giê-su sẵn lòng gánh lấy hình phạt mà chúng ta đáng phải chịu. Ngài chết trên thập tự giá, để nhờ đức tin vào Ngài, chúng ta có thể được tha thứ và hòa giải với Đức Chúa Trời (Rô-ma 5:10).

Chỉ duy nhất trong Chúa Giê-su chúng ta mới có được sự hòa giải hoàn hảo.

Sự hòa giải của Cơ-đốc giáo có thể được minh họa bằng hai người bạn ngày xưa giờ đang thù nhau. Mối quan hệ tốt đẹp mà họ từng có đã căng thẳng đến mức tan vỡ. Họ ngừng nói chuyện với nhau và cả hai dần trở thành người xa lạ. Nhưng rồi một ngày có điều gì đó xảy ra. Hai người bạn xa lạ bắt đầu nói chuyện; kiêu ngạo và oán giận được đặt sang một bên; lời xin lỗi được mở rộng và chấp nhận; niềm tin được xây dựng lại. Khi sự hòa thuận cuối cùng được lập lại và hai người bạn ôm nhau, sự hòa giải đã đạt được. Bây giờ hãy tưởng tượng rằng giữa hai người bạn chỉ có một người có lỗi. Và người bạn kia, hoàn toàn vô tội, là người khởi xướng quá trình hòa giải – đó chính là Đấng Christ. Ngài đã đến với những con người tội lỗi như chúng ta, để kéo chúng ta trở về làm hòa với Cha thiên thượng.

1/Trong Tân Ước, Sau-lơ là một người Do Thái sùng đạo, nhiệt thành. Ông bắt bớ những người mà ông coi là những môn đồ của Chúa Giê-su – cho đến khi ông gặp chính Chúa Giê-su trên đường đến Đa-mách, khiến tấm lòng và cuộc đời ông thay đổi. Sau-lơ trở thành sứ đồ Phao-lô, người cuối cùng tử vì đạo vì đức tin nơi Chúa Giê-su Christ. Tuy nhiên, ông là một trong những nhà lãnh đạo hiệu quả nhất của hội thánh đầu tiên và đã đưa Phúc âm đến với dân ngoại.

2/ Chúa Giê-su đã dùng dụ ngôn về đứa con hoang đàng (Lu-ca 15:11-32) để làm sáng tỏ tầm quan trọng của sự hòa giải – mặc dù người con trai này đã rời bỏ gia đình và phung phí tài sản của mình.  Người cha đã chào đón anh trở lại với vòng tay rộng mở khi anh trở về và khuyến khích người con cả cũng làm như vậy.

3/ Sự hòa giải giữa Phi-lê-môn và Ô-nê-sim.

Sách Phi-lê-môn trong Tân Ước cung cấp một mô hình hòa giải giữa chủ nô và nô lệ. Ô-nê-sim là một nô lệ bỏ trốn đã gặp sứ đồ Phao-lô trong tù. Phao-lô đã dẫn dắt Ô-nê-sim đến đức tin nơi Đấng Christ. Ông thuyết phục Ô-nê-sim quay trở lại với chủ mình là Phi-lê-môn và khuyến khích Phi-lê-môn chào đón Ô-nê-sim trở lại không chỉ với tư cách nô lệ mà còn với tư cách là anh em trong Đấng Christ (Phi-lê-môn 16).

CHỨC VỤ GIẢNG HÒA

Đức Chúa Trời giao cho chúng ta chức vụ giảng hòa:

“Mọi điều đó đến bởi Đức Chúa Trời, Ngài đã làm cho chúng ta nhờ Đấng Christ mà được hòa thuận lại cùng Ngài, và đã giao chức vụ giảng hòa cho chúng ta” (2 Cô-rinh-tô 5:18).

Chức vụ giảng hòa hay hòa giải liên quan đến việc công bố phúc âm và đảm bảo rằng sự tha tội có sẵn trong Đấng Christ. Tội lỗi ngăn cản chúng ta có mối quan hệ với Đức Chúa Trời, nhưng sự hy sinh hoàn hảo của Chúa Giê-su trên thập tự giá đã chuộc mọi tội lỗi của tín nhân (Hê-bơ-rơ 2:17) và mang lại sự hòa hợp cho mối quan hệ của con người với Ngài. Chúa Giê-su đã hòa giải chúng ta với Cha thiên thượng. Bây giờ chúng ta có thể tuyên bố rằng mọi người có thể ăn năn tội lỗi của mình và trở lại làm hòa với Đức Chúa Trời nhờ đức tin nơi Chúa Giê-su (Rô-ma 5:10; Cô-lô-se 1:20–21).

 Chúa đã ban cho các tín nhân chức vụ hòa giải. Điều này có nghĩa là Ngài dùng chúng ta để nói với thế giới rằng họ có thể được hòa giải với Đức Chúa Trời qua Đấng Christ. Bằng cách này, chúng ta trở thành: “khâm sai của Đấng Christ, cũng như Đức Chúa Trời bởi chúng tôi mà khuyên bảo. Chúng tôi nhân danh Đấng Christ mà nài xin anh em: Hãy hòa thuận lại với Đức Chúa Trời” (2 Cô-rinh-tô 5:20).  

Khi rao giảng phúc âm, chúng ta hành động như những người kiến tạo hòa bình và Chúa hứa ban phước cho những người như vậy. “Phước cho nhng kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời!” (Ma-thi-ơ 5:9).

ÁP DỤNG SỰ HÒA GIẢI THEO KINH THÁNH

1/Vượt qua sự chia rẽ chủng tộc và sắc tộc.

Bất công chủng tộc và xung đột sắc tộc tiếp tục chia rẽ các cộng đồng ngày nay. Tuy nhiên, Kinh Thánh kêu gọi các tín đồ “dùng dây hòa bình mà gìn giữ sự hiệp nhất của Thánh Linh” (Ê-phê-sô 4:3).

Hòa giải đòi hỏi phải vượt qua những thành kiến, lắng nghe để hiểu những quan điểm khác nhau, thú nhận những định kiến và tìm kiếm sự tha thứ.

Các nhà thờ có thể dẫn đầu trong việc mô hình hóa sự hòa hợp giữa các chủng tộc và sự hòa nhập giữa các dân tộc. Điều này có thể liên quan đến việc đa dạng hóa sự lãnh đạo, kết hợp các phong cách thờ phượng, rao giảng về bình đẳng sắc tộc và tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại cởi mở giữa các nhóm.

 Mục sư Martin Luther King Jr. đã nói, “Chúng ta phải học cách sống cùng nhau như anh em, hoặc cùng nhau chết như những kẻ ngốc”. Sự hòa giải trong Kinh thánh mang đến một tầm nhìn về sự hiệp nhất giữa những sự đa dạng, một tầm nhìn không bắt nguồn định kiến cá nhân.

Đáng buồn thay, sự chia rẽ thường xảy ra trong nhiều hội thánh ngày nay do sự khác biệt về thần học, chính trị, phong cách lãnh đạo hoặc âm nhạc thờ phượng. Tuy nhiên, Kinh Thánh kêu gọi các tín hữu “dùng dây hòa bình mà duy trì sự hiệp một của Thánh Linh” (Ê-phê-sô 4:3).

2/Khôi phục các mối quan hệ trong gia đình, gia tộc.

Từ những cuộc cãi vã giữa anh chị em cho đến khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ và con cái, những mâu thuẫn trong gia đình dường như là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, Kinh thánh dạy chúng ta “chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn” (Ê-phê-sô 4:26) và “hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau” (Cô-lô-se 3:13).

Hòa giải đòi hỏi sự sẵn sàng thừa nhận hành vi sai trái, tìm kiếm sự tha thứ, buông bỏ cay đắng và theo đuổi sự hiểu biết về quan điểm của người khác.

Khôi phục lại sự hiệp nhất trong gia đình không phải là điều dễ dàng, nhưng rất quan trọng đối với sự lành mạnh trong mối quan hệ và việc làm chứng cho phúc âm trở nên hiệu quả. 1 Phi-e-rơ 3:8 nhắc nhở các gia đình về đức tin, “Rốt lại, hết thảy anh em phải đồng lòng đầy thương xót và tình yêu anh em, có lòng nhân từ và đức khiêm nhường.”

CÁC BÀI HỌC CHO CHÚNG TA

Câu chuyện này xảy ra vào năm 1754 ở thành phố Alexandria. William Payne đã phản đối một ứng cử viên mà George Washington ủng hộ vào hội đồng lập pháp của Virginia. Lúc này George Washington là một sĩ quan quân đội và là một chính khách lỗi lạc trên chính trường nước Mỹ, nhưng chưa phải là tổng thống.  

Hai người tranh luận kịch liệt về chủ đề tranh cử. Lời qua tiếng lại khiến cho Payne không kềm chế được và giáng cho Washington một cú đấm. Các vệ sĩ của Washington biết được định cho Payne một bài học. Nhưng Washington đã ngăn cản điều này.

Sáng hôm sau, Washington cho người của mình mang đến cho Payne một lá thư, mời ông tới khách sạn để gặp mặt. William Payne đến với vẻ mặt bối rối và lo lắng. George Wasington chào đón Payne với khuôn mặt tươi cười và một chai rượu ngon.  Washington chân thành nói: “Ông William, người ta ai cũng mắc sai lầm. Hôm qua tôi đã không đúng, nhưng ông đã hành động mạnh mẽ để bảo vệ quan điểm của mình. Nếu ông thấy thỏa mãn rồi, thôi thì chúng ta hãy bắt tay và là những người bạn tốt của nhau.”

Sau sự kiện này William Payne đã trở thành một người bạn tốt và ủng hộ Washington trong những năm tiếp theo sau. Đây là một sự hòa giải khôn ngoan giữa người với người. Sự tha thứ có thể biến kẻ đối nghịch thành bạn hữu.

Tại sao chúng ta cần sự hòa giải?

Chúa Giê-su ban sự hòa giải bằng cách trả món nợ tội lỗi của chúng ta. Ngài đã chết trên thập tự giá vì chúng ta. Rô-ma 5:10 giải thích rằng: “Vì nếu khi chúng ta còn là thù nghịch cùng Đức Chúa Trời, mà đã được hòa thuận với Ngài bởi sự chết của Con Ngài, thì huống chi nay đã hòa thuận rồi, chúng ta sẽ nhờ sự sống của Con ấy mà được cứu là dường nào!”  

Phao-lô cũng viết trong thư gửi hội thánh Cô-rinh-tô rằng chúng ta được trở nên mới, được biến đổi, được hiệp nhất với Cha trên trời khi chúng ta được giải hòa với Ngài: “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.  Mọi điều đó đến bởi Đức Chúa Trời, Ngài đã làm cho chúng ta nhờ Đấng Christ mà được hòa thuận lại cùng Ngài, và đã giao chức vụ giảng hòa cho chúng ta.  Vì chưng Đức Chúa Trời vốn ở trong Đấng Christ, làm cho thế gian lại hòa với Ngài, chẳng kể tội lỗi cho loài người, và đã phó đạo giảng hòa cho chúng tôi.  Vậy chúng tôi làm chức khâm sai của Đấng Christ, cũng như Đức Chúa Trời bởi chúng tôi mà khuyên bảo. Chúng tôi nhân danh Đấng Christ mà nài xin anh em: Hãy hòa thuận lại với Đức Chúa Trời” (2 Cô-rinh-tô 5:17-20).

Sứ đồ Phi-e-rơ cũng kêu gọi mọi người “Vậy, các ngươi hãy ăn năn và trở lại, đặng cho tội lỗi mình được xóa đi” (Công vụ 3:19). Nếu không, hình phạt sẽ rất nghiêm khắc. Phi-e-rơ trích dẫn lời cảnh báo của Môi-se: “Hễ ai không nghe Đấng tiên tri ấy sẽ bị truất khỏi dân sự” (Công vụ 3:23).

Đây là một sự lựa chọn: hòa giải với Đức Chúa Trời và hiệp một với Ngài qua Đấng Christ, hoặc là sống đời đời xa cách Chúa vĩnh viễn.

Sự hòa giải giữa tôi và Chúa sẽ như thế nào?

Kinh Thánh cho chúng ta biết sự hòa giải của chúng ta chỉ có thể đến được qua Chúa Giê-su. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời có nhiều danh xưng, Một trong những danh xứng của Ngài là Jehovah Rapha, có nghĩa Chúa là Đấng chữa lành.

Đức Chúa Trời chữa lành, phục hồi chúng ta trở lại sự trọn vẹn trong Ngài. Ngài mở đường cho sự hiệp nhất và trọn vẹn trong Chúa Giê-su.

Để bắt đầu hòa giải với Đức Chúa Trời, chúng ta có thể thực hành những gì Vua Đa-vít đã làm sau tội lỗi lớn của ông với Bát-sê-ba: chúng ta có thể hạ mình và thừa nhận những việc làm sai trái của mình, hiểu trong lòng rằng khi phạm tội với người khác, chúng ta đang phạm tội chống lại Chúa.

Sự hòa giải giữa tôi và người khác sẽ như thế nào? Sứ đồ Giăng viết:

“Nhưng, nếu chúng ta đi trong sự sáng cũng như chính mình Ngài ở trong sự sáng, thì chúng ta giao thông cùng nhau; và huyết của Đức Chúa Jêsus, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta.  Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta.  Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác” (1 Giăng 1:7-9).

Nhưng chúng ta không thể được hòa giải với Cha thiên thượng nếu chúng ta không hòa giải với người khác. Lời Chúa Giê-su dạy:

 “Ấy vậy, nếu khi nào ngươi đem dâng của lễ nơi bàn thờ, mà nhớ lại anh em có điều gì nghịch cùng mình, thì hãy để của lễ trước bàn thờ, trở về giảng hòa với anh em trước đã; rồi hãy đến dâng của lễ” (Ma-thi-ơ 5:23-24).

Một số lời khuyên để hòa giải:

Nếu bạn đang tìm kiếm sự hòa giải với người khác và cuối cùng là với Đức Chúa Trời, thì đây là  một số điều bạn có thể làm.

-Hãy nhớ rằng quá trình này bắt đầu bằng sự tha thứ. Người phạm tội phải thú nhận hành vi sai trái của mình và ăn năn, Và những người bị xúc phạm phải tha thứ cho người phạm tội nếu điều này xảy ra.

– Hãy tha thứ cho người làm tổn thương chúng ta, cho dù họ không bao giờ xin lỗi chúng ta. Đây thực sự là một bài học khó – nhưng đó chính là nền tảng căn bản của phúc âm.

–  Hãy sống như Đa-vít, hướng cuộc đời bạn về phía Chúa. Đừng cho phép quá khứ của bạn trở thành xiềng xích. Hãy đón nhận thực tế mới của bạn bằng một tấm lòng rộng mở và bao dung.

Là những Cơ đốc nhân đang tìm cách áp dụng các nguyên tắc Kinh thánh, chúng ta được kêu gọi khiêm tốn theo đuổi sự hòa giải trong các mối quan hệ của mình bằng cách hoàn toàn tha thứ cho người khác, chân thành ăn năn tội lỗi và hy sinh lợi ích cá nhân vì tình yêu thương người khác.

Mục sư Phạm Hơn biên soạn

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên