Trước khi chúng ta có thể chú ý nghiêm túc đến câu hỏi này thì đầu tiên chúng ta phải định nghĩa thuật ngữ những người rao giảng sự thịnh vượng. Các chức vụ khác nhau có những cách tiếp cận khác nhau để trình bày phúc âm. Ví dụ, các tổ chức cứu trợ đáp ứng nhu cầu vật chất của những người nghèo khổ để mang danh tiếng về cho Chúa Giê-su. Một số người có thể giải thích cách tiếp cận đó là rao giảng về sự thịnh vượng, bởi vì nhiều người nghèo khó đánh đồng Cơ Đốc giáo với sự thịnh vượng của phương Tây. Họ có thể đáp ứng lại thông điệp phúc âm trong khi động lực thực sự của họ là muốn được thịnh vượng. Tuy nhiên, đối với hầu hết các tổ chức cứu trợ, việc đáp ứng các nhu cầu vật chất chỉ là một phần của việc phục vụ toàn thể con người. Đó là một phương tiện mà Cơ Đốc nhân được quyền nói lên những nhu cầu thuộc linh của những người đang bị tổn thương. Nhưng trong lời rao giảng về sự thịnh vượng, Chúa Giê-su được giới thiệu như một tấm vé để có được sức khỏe dồi dào và sự giàu có về tài chính. Phúc âm chân chính bị tước bỏ sự tập chú vào sự vĩnh cửu và bị giảm xuống thành một phương tiện mà mọi người có thể trải nghiệm cuộc sống tốt nhất của mình bây giờ. Đó là thông điệp mà chúng ta sẽ giải quyết trong bài viết này.
Trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời nói nhiều về việc ban phước lành cho các tôi tớ của Ngài bằng sức khỏe, sự giàu có và danh dự trên đất (ví dụ, Sáng thế ký 12:2; Lê-vi ký 26:3–12; Phục truyền luật lệ ký 7:11–15; 30:8–9; I Các Vua 3:11–14). Các phước lành vật chất là một phần của Giao ước Môi-se và người Pa-lét-tin dành cho Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, trọng tâm của Tân Ước là phần thưởng vĩnh cửu, không phải trên đất.
Không phải ai rao giảng về niềm vui của phước lành đều là “người rao giảng về sự thịnh vượng”. Đức Chúa Trời hứa ban phước cho những ai trung tín phụng sự và tuân theo các luật pháp của Ngài (Thi thiên 107:9; Ma-la-chi 3:10–11; Mác 10: 29–30). Nhưng một người rao giảng trình bày Đức Chúa Trời như một phương tiện để có thể đạt được của cải đời này là một người rao giảng sự thịnh vượng và là một giáo sư giả. Lời giảng dạy này miêu tả Đức Chúa Trời toàn năng như một ông già Nô-en vui nhộn với mục đích chính là làm cho con người thịnh vượng và biến ước mơ của họ thành hiện thực. Trong lời rao giảng về sự thịnh vượng, con người mới là ngôi sao thực sự, không phải Đức Chúa Trời.
Những người rao giảng sự thịnh vượng sử dụng các thuật ngữ như đức tin, sự thú nhận tích cực hoặc sự hình dung để “giải phóng” sự dồi dào mà Đức Chúa Trời dành sẵn. Thông thường những người rao giảng như vậy sẽ lôi kéo người nghe “gieo hạt giống vào công tác này,” và hứa hẹn sẽ thu được lợi nhuận dư dật từ khoản đầu tư này. Phúc âm trở nên không đáng kể hơn một kế hoạch làm giàu nhanh chóng cách ấn tượng cũng như những người rao giảng trở nên giàu có hơn những người nghe. Thông thường, lời kêu gọi tiếp nhận Đấng Christ được đưa ra khi kết thúc một sự phục vụ chỉ dựa trên phước lành và sự tích cực. Bất chấp những phản hồi áp đảo đối với lời mời gọi, người ta phải tự hỏi rằng: liệu những người tiếp nhận đầu phục Chúa Giê-su trong Kinh Thánh hay trước lời hứa cải thiện bản thân và thịnh vượng?
Sự thay đổi từ lẽ thật thành sai lầm có thể tinh tế vì vậy mà một số người rao giảng có ý tốt đã bị cuốn vào nó. Chúng ta phải cẩn thận để không đánh giá toàn bộ thông điệp của một người rao giảng chỉ bằng một hoặc hai bài giảng. Tuy nhiên, khi những lời rao giảng về sự thịnh vượng một cách trắng trợn chiếm ưu thế trong bài giảng, thì đây chỉ là một nỗ lực để làm cho lòng tham và chủ nghĩa vật chất trở nên thiêng liêng. Ê-phê-sô 5:5 có những lời lẽ mạnh mẽ dành cho những người tham lam: “Vì anh em phải biết rõ rằng kẻ gian dâm, ô uế, tham lam, tức là kẻ thờ hình tượng, không một kẻ nào được dự phần kế nghiệp của nước Đấng Christ và Đức Chúa Trời”. Mặc dù chúng ta nên cầu xin Chúa chu cấp cho nhu cầu của mình và mong đợi Ngài đáp ứng (Phi-líp 4:19), nhưng Chúa Giê-xu đã cảnh báo chúng ta không nên tích trữ của cải trên đất. Đúng hơn, chúng ta nên tích trữ kho báu trên trời (Lu-ca 12:33).
Sự tập chú không cân bằng của những người rao giảng sự thịnh vượng về của cải trên đất trái ngược hoàn toàn với nhiều phân đoạn Kinh Thánh cảnh báo chúng ta đừng ham giàu có (Châm Ngôn 28:22; II Ti-mô-thê 3:2; Hê-bơ-rơ 13:5). Sách I Ti-mô-thê 6:8–10 nói thẳng vào kiểu rao giảng này: “Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng; còn như kẻ muốn nên giàu có, ắt sa vào sự cám dỗ, mắc bẫy dò, ngã trong nhiều sự tham muốn vô lý thiệt hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy diệt hư mất. Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn”. Khi tập chú vào sự giàu có trên đất thì chúng ta đang không tuân theo những lời dạy của Kinh Thánh.
Nếu việc tìm kiếm sự thịnh vượng chi phối thông điệp của người rao giảng, thì người đó có thể là người mà Kinh Thánh cảnh báo. Sau đây là một số đặc điểm chung của những người rao giảng về sự thịnh vượng:
• Thông điệp cốt lõi của người đó là luôn mong muốn Đức Chúa Trời ban phước cho tất cả mọi người.
• Ít đề cập đến những lời của Chúa Giê-su về việc bỏ mình, vác thập tự giá của chúng ta hoặc chết theo xác thịt (Lu-ca 9:23; Ma-thi-ơ 10:38, 16:24).
• Hầu như tất cả sự giảng dạy của họ đều tập chú vào việc thỏa mãn những ham muốn xác thịt hơn là sự biến đổi thuộc linh (Rô-ma 8:29).
• Suy nghĩ tích cực về bản thân và hoàn cảnh của một người thường được đánh đồng với đức tin và được thể hiện như một phương tiện để người ta có thể có được phước lành về tài chính.
• Hoàn toàn không có bất kỳ sự dạy dỗ nào về sự cần thiết của việc chịu khổ trong đời sống của một tín đồ (II Ti-mô-thê 2:12; 3:12; Rô-ma 8:17; Phi-líp 1:29).
• Hầu như không có sự phân biệt giữa con cái Chúa và những người chưa được cứu trong những lời hứa tích cực của thông điệp (Ma-la-chi 3:16–18; Rô-ma 9:15–16).
• Người rao giảng hiếm khi trình bày bất kỳ sự giảng dạy Kinh Thánh thực sự nào mà không hỗ trợ thông điệp liên tục về sự tích cực và phước lành (I Cô-rinh-tô 3:1–3).
• Người đó tránh xa những phân đoạn Kinh Thánh mâu thuẫn với quan điểm tích cực của thông điệp (II Ti-mô-thê 4:3).
• Tài sản cá nhân của người rao giảng thường vượt xa lối sống trung bình của hội chúng (Thi Thiên 49:16–17).
• Các thuộc tính duy nhất của Đức Chúa Trời từng được đề cập đến là tình yêu thương và sự rộng lượng. Hầu như không có sự chú ý dành cho sự thánh khiết, công chính và công bình của Ngài.
• Cả cơn thịnh nộ của Chúa chống lại tội lỗi cũng như sự đoán xét sắp đến đều không được đề cập đến (Rô-ma 2:5; I Phi-e-rơ 4:5).
• “Tội lỗi” duy nhất được thảo luận nhiều là sự tiêu cực, nghèo đói hoặc sự thiếu tự tin vào bản thân (I Cô-rinh-tô 6:9–10; Phi-líp 3:3).
• Sự tha thứ được nhấn mạnh nhưng lại hiếm lời giải thích về sự ăn năn mà điều đó rất quan trọng đối với Chúa Giê-su và các môn đồ (Ma-thi-ơ 4:17; Mác 6:12; Công vụ 2:38).
• Lời cầu nguyện của đức tin thường được coi là phương tiện mà con người “không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rời bỏ Chúa hoặc Chúa ban phước cho tôi”.
Đã có một sự thay đổi tinh tế trong vòng Cơ Đốc giáo sang một phiên bản của phúc âm mà các sứ đồ không nhận ra. Mọi người đang trở nên mù Kinh Thánh và do đó dễ bị lung lay bởi những người rao giảng dường như biết Kinh Thánh nhưng lại xuyên tạc Kinh Thánh để làm cho nó nghe hấp dẫn hơn. Những người rao giảng này đang thu hút đám đông khổng lồ, giống như Chúa Giê-su đã làm khi Ngài cho hàng ngàn người ăn (Ma-thi-ơ 14:21), chữa lành người bệnh (Mác 1:34) và làm phép lạ (Giăng 6:2). Nhưng khi Chúa Giê-su bắt đầu giảng dạy những lẽ thật cứng rắn của phúc âm thì “nhiều môn đồ của Ngài đã thoái lui và không còn theo ngài nữa” (Giăng 6:66). Sự nổi tiếng ngày càng giảm cũng không khiến cho Chúa Giê-su giảm bớt đi sứ điệp của Ngài. Chúa Giê-su tiếp tục dạy lẽ thật cho dù mọi người có thích hay không (Giăng 8:29). Tương tự như vậy, sứ đồ Phao-lô đã tự minh oan trước mặt người Ê-phê-sô bằng những lời này: “Nên bữa nay tôi nói quyết trước mặt các anh em rằng tôi tinh sạch về huyết anh em hết thảy. Vì tôi không trễ nải một chút nào để tỏ ra cho biết hết thảy ý muốn của Đức Chúa Trời” (Công vụ 20:26–27). Nếu những người rao giảng về sự thịnh vượng ngày nay noi theo khuôn mẫu của Chúa Giê-su và Phao-lô, thì họ có thể tự tin rằng công việc của họ sẽ không bị thiêu rụi vào ngày phán xét (I Cô-rinh-tô 3:12–15).
–
Nguồn: gotquestions.org