Trang Chủ TRANG CHỦ Suy Ngẫm Kinh Thánh Với Randy (196-220)

Suy Ngẫm Kinh Thánh Với Randy (196-220)

637
0
SHARE

NGÀY 196

 

ĐẦU PHỤC HOÀN TOÀN

Trong lòng loài người có nhiều mưu kế;

Song ý chỉ của Đức Giê-hô-va sẽ thành được.

 

Châm ngôn 19:21

Danh sách những việc cần làm mang lại cho bạn cảm giác an toàn để dẫn đến thành công. Nhưng thông thường bạn lại thở một hơi dài nặng nhọc khi leo lên giường ngủ, nhớ lại tất cả những gián đoạn đã cản trở việc hoàn thành danh sách các việc cần làm của bạn?

 

Đức Chúa Trời muốn chúng ta giao phó mọi việc trong tay Ngài. Điều này bao gồm cả hành động lập danh sách những việc cần làm. Châm ngôn 19:21 nhắc chúng ta rằng, những người không giao nộp danh sách những việc cần làm cho Chúa xem việc bị gián đoạn trong tiến trình các công việc là một nỗi thất vọng. Tuy nhiên những ai giao phó danh sách những việc cần làm cho Chúa, họ sẽ xem những ngăn trở như là mục đích của Chúa xuất hiện và dẫn họ đi một lối khác. Lúc này sự gián  đoạn trở nên cơ hội thay vì nỗi thất vọng. Một người bạn rối trí gọi điện thoại đến bạn? Đây là cơ hội để bạn nói lời tư vấn, dùng Lời Chúa an ủi người đó.  Một đứa con của bạn thức dậy với tình trạng đau yếu? Trong trường hợp này Chúa dùng bạn để chăm sóc nó trong tình yêu thương. Người phối ngẫu cần bạn trợ giúp trong một hoàn cảnh đặc biệt, hoặc muốn một  buổi ăn trưa chung với bạn? Đây là cơ hội Chúa làm sâu sắc thêm mối quan hệ của bạn với người mình yêu.

Hãy thử thêm vào các phần bị gián đoạn có thể xuất hiện  vào danh sách việc cần làm của bạn bằng một màu khác và gạch bỏ chúng. Và vào cuối ngày hãy nhìn lại, bất cứ điều gì bạn đã gạch bỏ chỉ ra danh mục việc cần làm mà Đức Chúa Trời đã thiết kế cho bạn. Hãy yên nghỉ, biết rằng bạn đã đầu phục kế hoạch của Đức Chúa Trời.

 

“TÔI DÂNG HIẾN ĐỜI SỐNG TÔI CHO MỤC ĐÍCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.”

 

NGÀY 197

CỘNG ĐỒNG HỘI THÁNH

là sự thù nghịch đã phân rẽ ra, bởi vì Ngài đã đem thân mình mà trừ bỏ luật pháp của các điều răn chép thành điều lệ. Như vậy, khi làm cho hòa nhau, Ngài muốn lấy cả hai lập nên một người mới trong Ngài, và vì bởi thập tự giá Ngài đã làm cho sự thù nghịch tiêu diệt, nên nhờ thập tự giá đó Ngài khiến cả hai hiệp thành một thể, mà làm hòa thuận với Đức Chúa Trời

Ê-phê-sô 2:15-16

 

Chính trị địa phương trở nên rất đảng phái – và rất kỳ lạ. Tuyệt vọng muốn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, một ứng cử viên đã sắp xếp để một phụ nữ trong đảng của mình tham gia vào đảng còn lại và chống lại mình. Ông hy vọng sẽ thành công bằng cách làm giảm đi  số phiếu của phe đối lập. Vì vậy, người phụ nữ này thấy mình trở nên thân thiết, đồng hành với đảng đối lập để giúp một ứng cử viên từ đảng của mình giành được phiếu bầu. Chính trị thực sự làm ra những người đồng hành kỳ lạ.

Trong hội thánh đầu tiên, đức tin của tân tín hữu cũng tạo nên một số bạn đồng hành kỳ lạ. Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài, Đấng Mê-si nhập thế làm người thông qua một gia đình giữa vòng tuyển dân Israel. Tuy nhiên, sự chết và sự phục sinh của Ngài có ý nghĩa cho cả tuyển dân và người ngoại (vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời).  Đó là một sự xác định gây khó chịu, nhưng một người Do Thái phải được xem là “người đồng quốc với các thánh đồ, và là người nhà của Đức Chúa Trời” (câu 19). Trong khi những người ngoại  cũng là người nhà của Đức Chúa Trời thông qua hành động  tiếp nhận Chúa Giê-su là Cứu Chúa của họ.

 

Bạn cần đồng hành với  ai trong mối tương giao tại địa phương của mình vì cả hai đều đã được hòa giải “với Đức Chúa Trời qua thập tự giá”?

 

“TÔI THÔNG CÔNG VỚI CÁC CƠ ĐỐC NHÂN KHÁC ĐỂ HOÀN THÀNH MỤC ĐÍCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI CHO ĐỜI SỐNG TÔI, ĐỜI SỐNG CỦA NHỮNG NGƯỜI KHÁC VÀ MỤC ĐÍCH CỦA NGÀI TRÊN TOÀN THẾ GIỚI.”

 

NGÀY 198

 

CÁC ÂN TỨ THUỘC LINH

 

Các môn đồ thấy lưỡi rời rạc từng cái một, như lưỡi bằng lửa hiện ra, đậu trên mỗi người trong bọn mình.  Hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, khởi sự nói các thứ tiếng khác, theo như Đức Thánh Linh cho mình nói.

 

Công vụ 2:3-4

 

Ngạc nhiên!

Hầu hết các lễ kỷ niệm sinh nhật liên quan đến yếu tố bất ngờ. Đôi khi chính bữa tiệc là một bất ngờ. Đôi khi đó là một đứa con gái xa quê bay đến trong ngày đặc biệt. Có thể đó là món quà mà bạn không nghĩ rằng mình sẽ nhận được. Có lẽ đó là cơ hội để thử nhà hàng mới đó hoặc thậm chí đi xa trong một hoặc hai ngày. Dù bất ngờ trong ngày sinh nhật là gì, chúng đều được thúc đẩy bởi tình yêu.

 

Điều tương tự cũng xảy ra trong ngày sinh nhật của hội thánh – Lễ Ngũ Tuần đầu tiên – có những điều bất ngờ khiến người ta kinh ngạc, bối rối và hoang mang. Món quà/ân tứ đã hứa của Đức Thánh Linh đã đến cùng với gió, lửa và những điều kỳ diệu của Đức Chúa Trời được tuyên bố trong nhiều ngôn ngữ khác nhau. Đức Thánh Linh giáng lâm là một món quà được Đức Chúa Trời gởi đến trong tình yêu dành cho dân sự Ngài.

 

Đức Chúa Giê-su đã phái Đức Thánh Linh đến. Đây là Đấng mưu luận, cố vấn dạy dỗ cho tín nhân  những điều thuộc về Đức Chúa Trời và vương quốc Ngài. Ngài cũng nhắc chúng ta nhớ lại những gì chúng ta được dạy trước đây.

 

Cám ơn Chúa về món quà của Đức Thánh Linh. Để ý những cách Ngài sẽ liên tục làm bạn ngạc nhiên với tình yêu và những món quà của Ngài. Ngài muốn làm bạn ngạc nhiên hôm nay.

 

“TÔI BIẾT CÁC ÂN TỨ THUỘC LINH CỦA TÔI VÀ DÙNG CHÚNG ĐỂ HOÀN THÀNH MỤC ĐÍCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.”

 

NGÀY 199

DÂNG HIẾN THỜI GIAN CỦA TÔI

 

Hãy suy nghĩ rằng Đức Giê-hô-va đã cho các ngươi ngày Sa-bát; vậy nên, đến ngày thứ sáu Ngài lại cho các ngươi lương thực đủ hai ngày. Trong ngày thứ bảy, mỗi người phải ở yên chỗ mình, chớ ai ra khỏi nhà.

 

Xuất Ê-díp-tô ký 16:29

 

Khi Dave và Beth kết hôn, họ đã không tranh cãi về việc sử dụng chung kem đánh răng hay phương cách xử lý giấy vệ sinh. Vì có những sự khác biệt với nhau trong cách sống, nên thử thách đối với họ là những kỳ nghỉ chung với nhau.

 

Lớn lên trong một gia đình quân nhân, từ khi còn bé Beth đã di chuyển  chỗ ở nhiều lần, từ căn cứ này đến căn cứ khác. Gia đình của Beth  thỉnh thoảng dừng lại ở các điểm trung chuyển trên đường đến nơi nhận nhiệm sở mới, nhưng điều đó hầu như không làm cho chuyến du lịch trở thành kỳ nghỉ. Gia đình của Dave thì khác, họ trải qua nhiều kỳ nghỉ  đích thực. Mọi người ngồi vào xe bán tải cho những chuyến đi đường dài để được gặp tất cả các cô chú bác ở Missouri. Anh ấy dạt dào tình cảm “Anh ấy đang chạm vào tôi!” và bánh mì kẹp thịt tại điểm dừng chân đáng ghi nhớ. Beth đã mất một thời gian để học cách coi trọng những kỳ nghỉ thư thái, nhưng nhờ sự kiên nhẫn và kiên trì của Dave mà cô đã làm được – và sau đó cô phải học cách nghỉ ngơi.

 

Nếu điều trên đây nghe có vẻ lạ, hãy xem xét điều răn thứ tư, “hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh.”  (Xuất. 20:8) Nếu điều này được lấy đi một cách dễ dàng ra khỏi đời sống chúng ta, thì Đức Chúa Trời có thể chỉ ban hành chín điều răn. Chúa sáng tạo nên chúng ta với nhu cầu nghỉ ngơi thường xuyên và có chủ định – và sau đó bắt buộc phải có.  Đức Chúa Trời biết nếu bạn không tìm thấy thời gian để bổ sung năng lượng, bạn chỉ có thể sụp đổ. Vậy ngay trong tuần này, bạn hãy bắt đầu áp dụng nguyên tắc giữ ngày nghỉ  trong tuần.

 

“TÔI DÂNG HIẾN THỜI GIAN CỦA TÔI ĐỂ HOÀN THÀNH MỤC ĐÍCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.”

 

NGÀY 200

 

Kẻ tham tiền bạc chẳng hề chán lắc tiền bạc; kẻ ham của cải chẳng hề chán về huê lợi. Điều đó cũng là sự hư không.

Truyền đạo 5:10

Các câu chuyện về những người trúng vé số sau khi nhận được tiền, thường kết thúc trong bi thảm: đánh bạc mất đi hàng triệu đồng – và hiện đang sống trong một chiếc xe kéo; mất bạn bè; ly dị người phối ngẫu; nợ nần chồng chất hoặc khai phá sản; anh trai của người trúng số thuê người giết anh ta; bị sát hại; tự tử….

Những câu chuyện bi thương tương tự như thế không làm cho Benjamin Franklin  ngạc nhiên. Ông đã quan sát và tuyên bố: “Tiền bạc không làm cho con người hạnh phúc hoặc sẽ hạnh phúc. Có nhiều tiền rồi, con người càng muốn có thêm lên nữa. Thay vì lấp đầy khoảng trống bên trong tâm hồn, nó làm cho con người càng khao khát muốn có thêm hơn nữa.”

Chúa Giê-su biết rằng có tiền bạc không có nghĩa là có hạnh phúc – nhưng tệ hơn nó có thể che lấp nhu cầu của một người đối với Chúa. Ngài dạy, “lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Đức Chúa Trời!” (Lu-ca 18:25)

Vậy bài học ở đây là gì? Trúng số có thể không phải là một vấn đề tuyệt vời như bạn nghĩ; trong thực tế, nó có thể là cái chết của bạn. Nhưng cho đi cách hào phóng từ nguồn tài chính mà Đức Chúa Trời đã ban phước sẽ giúp bạn tránh được sự bóp nghẹt của tiền bạc, bạn sẽ tìm thấy sự thỏa lòng và mãn nguyện.

“TÔI DÂNG HIẾN CÁC NGUỒN TÀI LỰC CỦA TÔI ĐỂ HOÀN THÀNH MỤC ĐÍCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.”

 

 

 

 

NGÀY 201

 

CHIA SẺ ĐỨC TIN CỦA TÔI

Người đàn bà Sa-ma-ri thưa rằng: Ủa kìa! Ông là người Giu-đa, mà lại xin uống nước cùng tôi, là một người đàn bà Sa-ma-ri sao? (Số là, dân Giu-đa chẳng hề giao thiệp với dân Sa-ma-ri.

 

Giăng 4:9

 

Tác giả của sách Tìm kiếm Allah, Tìm Thấy Chúa Giê-su, là tiến sĩ Nabeel Qureshi đã từng tự hào về bản sắc Hồi giáo của mình. Lớn lên trong một gia đình Hồi giáo sùng đạo, tác giả có thể nhớ các đoạn kinh Quran trong tiếng Ả-rập khi mới lên năm tuổi. Cha mẹ của Nabeel Qureshi đã dạy ông tìm kiếm Allah.

Nhưng một người bạn thân ở đại học đã chia sẻ phúc âm và nói với Nabeel, “Chúng tôi tin chắc chắn là Chúa Giê-su đã chết trên thập tự giá, và đã sống lại từ cõi chết sau khi tuyên bố mình là Chúa….Ba điểm này mâu thuẫn với giáo lý của Hồi giáo của anh, nhưng chúng là lẽ thật nền tảng của Cơ đốc giáo.”  Nabeel đã quyết định tiếp nhận Chúa Giê-su làm Cứu Chúa qua sự chia sẻ và đức tin của người bạn này. Anh ấy hy vọng rằng sau khi nghe về những trải nghiệm cá nhân của chính mình, mọi người sẽ tử tế hơn với người Hồi giáo và nhanh chóng chia sẻ phúc âm với họ để họ có thể khám phá tình yêu của Chúa Giê-su.

 

Chúa Giê-su đã chủ động tiếp xúc với người phụ nữ Sa-ma-ri là một hành động mà một người Do Thái sẽ không thực hiện vào thời bấy giờ, và môn đồ hóa người nữ này. Người bạn học của Nabeel cũng vậy, anh ấy đã chủ động giới thiệu phúc âm cho một người Hồi giáo. Hãy suy nghĩ xem ai là người mà bạn phải tiếp xúc hôm nay để chia sẻ đức tin? Có lẽ người đó sẽ làm bạn ngạc nhiên khi anh ấy tìm thấy đức tin nơi Chúa Giê-su.

 

“TÔI CHIA SẺ ĐỨC TIN VỚI NGƯỜI KHÁC ĐỂ HOÀN THÀNH MỤC ĐÍCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.”

 

NGÀY 202

 

THỜ PHƯỢNG

Đức Giê-hô-va phán: Muôn vàn của lễ các ngươi nào có can hệ gì đến ta? Ta đã chán chê của lễ thiêu bằng chiên đực và mỡ của bò con mập. Ta chẳng đẹp lòng về huyết của bò đực, chiên con và dê đực đâu.

 

Ê-sai 1:11

 

Phương cách dâng sinh tế hay các của lễ được Đức Chúa Trời bày tỏ cho tuyển dân. Ngài đã thiết lập nguyên tắc rằng tội lỗi chỉ được xóa bỏ khi huyết từ một của lễ được chấp nhận đổ ra – và bây giờ Ngài không hài lòng sao? Lý do nào khiến Chúa tuyên bố những lời nặng nề với Israel  trong Ê-sai 1:11?

Đức Chúa Trời biết rõ rằng các của dâng của  Israel đã trở thành những nghi lễ vô nghĩa, Ngài nổi giận về điều đó. Dân sự đem đến những của lễ nhưng tấm lòng họ nguội lạnh xa cách Chúa. Sự thờ phượng của tuyển dân là phải làm hài lòng Đức Chúa Trời. Nhưng họ đã làm ngược lại.

 

Làm thế nào để Chúa đẹp lòng trong sự thờ phượng của chúng ta? Các yếu tố trong thờ phượng có trở thành nghi lễ đơn thuần không? Có phải chúng ta đang hát những lời mà không cần suy nghĩ nhiều và lắng nghe lẽ thật bằng tai nhưng không phải bằng tấm lòng của mình? Cũng giống như lúc đó, Đức Chúa Trời quan tâm đến tình trạng của tấm lòng khi bạn thờ phượng hơn là những chuyển động bạn trải qua. Ngài mong đợi chúng ta tập chú ngợi khen Ngài với cả tấm lòng, tâm trí và linh hồn.

 

“TÔI THỜ PHƯỢNG ĐỨC CHÚA TRỜI VÌ NGÀI LÀ AI VÀ NHỮNG GÌ NGÀI ĐÃ LÀM CHO TÔI.”

 

NGÀY 203

 

CẦU NGUYỆN

Đức Giê-hô-va ôi! Ngài sẽ hằng quên tôi cho đến chừng nào?

Ngài ẩn mặt cùng tôi cho đến bao giờ?

 

 

Thi thiên 13:1

Đức Giê-hô-va ôi! Ngài sẽ hằng quên tôi cho đến chừng nào?

Ngài ẩn mặt cùng tôi cho đến bao giờ?

Chúng ta cũng có thể rơi vào tình trạng giống như Đa-vít  trong lời cầu nguyện này, với sự trung thực, minh bạch và bị tổn thương.  Loại cầu nguyện này không chỉ được khuyến khích mà còn rất quan trọng để có một mối quan hệ thực sự và sâu sắc với Đức Chúa Trời.

 

Đức Chúa Trời không ở xa, mà Ngài ở rất gần và tương tác với mọi con cái Ngài khi họ ở trong sự giận giữ, sợ hãi, tuyệt vọng, và trong bất kỳ tình huống nào. Chúng ta đang hầu việc Đức Chúa Trời là Đấng không bị đe dọa bởi câu hỏi và nghi ngờ của chúng ta. chúng ta không cần phải giả tạo để làm đẹp lòng Ngài. Ngài cho phép chúng ta thành thật về nỗi sợ hãi, những cảm xúc tuyệt vọng, cô đơn của mình – thậm chí là với sự thất vọng của chúng ta đối với Ngài.

 

Vì vậy giống như Đa-vít trong Thi thiên 13, chúng ta có thể dốc đổ tấm lòng mình ra trước mặt Chúa của hoàn vũ. Giống như Đa-vít bạn có thể biết chắc rằng Chúa thấu hiểu những trải nghiệm và cảm xúc của bạn. Ngài muốn lắng nghe bạn từ trong nơi sâu thẳm của tấm lòng bạn.

 

“TÔI CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI ĐỂ NHẬN BIẾT NGÀI, ĐỂ TÌM THẤY SỰ HƯỚNG DẪN CHO ĐỜI SỐNG TÔI, VÀ TÔI ĐẶT CÁC NHU CẦU CỦA TÔI TRƯỚC MẶT NGÀI.”

 

NGÀY 204

NGHIÊN CỨU KINH THÁNH

Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; 7 khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy.

 

Phục truyền 6:6-7

Chúng tôi truyền lại những bài hát mẫu giáo mà chúng tôi đã học khi còn nhỏ. Chúng tôi kể lại những câu chuyện cổ tích do chính những người cha người mẹ kể cho chúng tôi nghe khi những đứa con nhỏ của chúng tôi chìm vào giấc ngủ trong đêm. Nhưng chúng ta đáng phải dành thời gian  dùng Lời Chúa và những câu chuyện từ Kinh Thánh dạy dỗ các con của mình để tác động mạnh mẽ vào tấm lòng và tâm trí của chúng.

 

Trong suốt nhiều năm Lời của Chúa và những câu chuyện của tuyển dân luôn được truyền lại cho những thế hệ tiếp theo. Ngay cả khi Môi-se viết xong năm quyển sách đầu tiên của Cựu Ước, thì đa số người Isreal vẫn không có sách này để đọc. Vì vậy họ phải truyền miệng cho con cháu những gì mà họ nghe được từ ngũ kinh của Môi-se. Trước khi Môi-se qua đời ông đã ban hành một lệnh cho các bậc cha mẹ tiếp tục dạy cho con cháu của họ các nguyên tắc của Đức Chúa Trời. Thật là một trách nhiệm nặng nề, đặc biệt là nếu cha mẹ không thực sự hiểu biết Lời của Đức Chúa Trời. Nhưng mạng lệnh của Môi-se không cho phép chúng ta giao trách nhiệm làm cha mẹ của chúng ta cho những người  dạy trẻ em tại nhà thờ trong một giờ vào mỗi cuối tuần.

 

Nếu bạn cảm thấy choáng ngợp trước trách nhiệm này, hãy làm theo cách đơn giản nhất là hãy đọc các câu chuyện trong quyển Kinh Thánh dành cho thiếu nhi và áp dụng những ý tưởng chính xuyên qua mỗi câu chuyện. Bạn có thể bắt đầu giúp con cái bạn những nền tảng cần thiết để xây dựng mối liên hệ của chúng với Đức Chúa Trời.

 

“TÔI NGHIÊN CỨU KINH THÁNH ĐỂ HỌC BIẾT VỀ ĐỨC CHÚA TRỜI, LẼ THẬT CỦA NGÀI, VÀ TÌM THẤY SỰ HƯỚNG DẪN CHO ĐỜI SỐNG TÔI.”

NGÀY 205

 

TẬP CHÚ VÀO ĐỨC CHÚA TRỜI

Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, đã rút ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, là nhà nô lệ.

Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác.

 

 

Xuất Ê-díp-tô ký 20:2-3

 

Thật quá dễ dàng để có được các thần tượng thuộc linh trong thế giới ồn ào, nhịp độ nhanh này. Với công nghệ mạnh mẽ và phương tiện truyền thông xã hội luôn tồn tại, chúng ta có thể khó nghe thấy tiếng nói nhỏ bé tĩnh lặng của Chúa. Khi chúng ta cảm thấy bắt buộc phải cập nhật Facebook, Twitter, Instagram, và kiểm tra email, chúng ta đấu tranh để có thể dành thì giờ với Chúa. Các trách nhiệm của cuộc sống  và khoảng thời gian cần thiết để sống một cách đơn giản có thể khiến chúng ta như đang ở trên vòng bánh xe của chuột bạch, kiệt sức, không còn suy nghĩ thấu đáo, chỉ cố gắng bám vào vòng quay.

 

Khi ngồi xuống để dành thời gian cho Chúa, chúng ta dễ bị phân tâm. Đức Chúa Trời hiểu điều này. Tuyển dân Israel cũng có sự đấu tranh tương tự trong thời Cựu ước. Vì vậy điều răn đầu tiên Đức Chúa Trời truyền cho họ là phải  tập chú vào Ngài, không có một thần nào khác. Sự tập chú này không đến cách dễ dàng   cho những con người mang bản chất tội lỗi. Sự tập chú có nghĩa là có một ước muốn vượt trội hơn tất cả các ước muốn khác. Từ ban đầu Đức Chúa Trời đã bày tỏ rõ ràng rằng trọng tâm chính của con người là phải tập trung vào Ngài.

Đức Chúa Trời muốn chúng ta nhớ rằng, Ngài đã giải phóng chúng ta ra khỏi vùng đất Ai-cập, là nơi nô lệ cho tội lỗi, và ban cho chúng ta sự sống đời đời trong một vương quốc mới. Ngài xứng đáng để chúng ta tập chú vào.

 

“TÔI TẬP CHÚ VÀO ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ NHỮNG ƯU TIÊN CỦA NGÀI CHO ĐỜI SỐNG TÔI.”

 

NGÀY 206

 

ĐẦU PHỤC HOÀN TOÀN

Song Phi-e-rơ chối Đức Chúa Jêsus, nói rằng: Hỡi đàn bà kia, ta không biết người đó…..” Phi-e-rơ cãi rằng: Hỡi người, ta không biết ngươi nói chi! Đương lúc Phi-e-rơ còn nói, thì gà liền gáy……đi ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.

Lu-ca 22:57, 60, 62

 

Đó là hai tiết học môn Sinh, có kính hiển vi, đĩa petri, mô hình 3-D của xoắn ốc DNA, và ông Evans. Mọi người ở trường đều biết quan điểm của Evans  về vấn đề tiến hóa, nhưng điều đó không làm Rob nản lòng. Nó đưa tay lên trong bài giảng về sự tiến hóa, và phát biểu cách bình tĩnh: “em biết đó là một thuyết phổ biến, nhưng cũng chỉ là một lý thuyết mà thôi.”

Khi đó thầy giáo Evans bắt đầu tấn công Rob với cách đầy thù hận và khó chịu. Riêng tôi vẫn yên lặng.

 

Cũng giống như Rob, tôi tin rằng Đức Chúa Trời đã sáng tạo bầu trời và mặt đất. Cũng giống như Rob, tôi đã nghiên cứu về thuyết tiến hóa và nhìn thấy những lập luận sai lầm trong đó. Nhưng tôi yên lặng, tôi giống như Phi-e-rơ. ..

 

Khi mười hai sứ đồ chia sẻ bữa ăn cuối cùng với Chúa Giê-su, Phi-e-rơ quả quyết rằng ông sẽ trung thành với Thầy của mình bất luận hoàn cảnh thế nào. Nhưng bây giờ trong thời khắc của sự khủng hoảng, vị sứ đồ này đã chối bỏ Thầy của mình.

 

Nếu bạn có mặt ở đó trong giờ phút bi thương, bạn có phản ứng giống như Phi-e-rơ, hay khác biệt? Thật dễ dàng để tuyên bố rằng tôi đồng tù đồng chết với Chúa, nhưng để sống được như vậy lại là một câu chuyện khác. Hãy sống cách can đảm cho Chúa Giê-su hôm nay.

 

“TÔI DÂNG HIẾN ĐỜI SỐNG TÔI CHO MỤC ĐÍCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.”

 

NGÀY 207

CỘNG ĐỒNG HỘI THÁNH

Ai nấy hãy coi sóc nhau để khuyên giục về lòng yêu thương và việc tốt lành; chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy.

Hê-bơ-rơ 10: 24-25

 

Số liệu thống kê cho chúng ta biết rằng những người cố gắng tự bỏ thuốc sẽ đạt được thành công là 1 phần trăm. Nếu họ thêm vào quyết định của mình một công cụ hỗ trợ như miếng dán nicotine, tỷ lệ phần trăm sẽ tăng lên 5 phần trăm. Nếu có thêm một nhóm hoặc cộng đồng hỗ trợ, lúc đó cơ hội của họ tăng lên 40 phần trăm.  Và với một cơ chế hỗ trợ tại chỗ, họ có cơ hội cai được thuốc lá tốt hơn nhiều  so với tự bản thân làm việc đó.

 

Không phải luôn gặp dễ dàng để thực hiện  nếp sống đạo Cơ đốc là ưu tiên hàng đầu của chúng ta, nhưng điều đó có thể dễ dàng hơn nhiều khi chúng ta có trách nhiệm giải trình cho một ai đó, hay được  khuyến khích và  đồng hành của một người bạn – hoặc của vài anh chị em trong Christ cùng tần số với chúng ta.

 

Sự hỗ trợ đúng đắn của cộng đồng sẽ khuyến khích chúng ta sống tốt hơn về thể chất và tinh thần. Nhưng thường thì cuộc sống của chúng ta quá dư đầy nhiều việc đến nỗi dường như không thể có thêm một nhóm nhỏ học Kinh Thánh, hoặc dành thì giờ đi ra làm quen với những người hàng xóm. Trước giả của sách Hê-bơ-rơ khuyên chúng ta phải ưu tiên cho sinh hoạt trong cộng đồng chung của hội thánh.

 

“Ai nấy hãy coi sóc nhau để khuyên giục về lòng yêu thương và việc tốt lành” là những lời dành cho chúng ta hôm nay. Hãy đến hiệp tác với các chi thể khác trong thân thể Đấng Christ để khích lệ và xây dựng đức tin cho nhau. Chúng ta không chỉ đi thờ phượng Chúa mỗi tuần, nhưng cũng cần nếp sống hội thánh.

 

“TÔI THÔNG CÔNG VỚI CÁC CƠ ĐỐC NHÂN KHÁC ĐỂ HOÀN THÀNH MỤC ĐÍCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI TRÊN ĐỜI SỐNG TÔI, ĐỜI SỐNG CỦA NHỮNG NGƯỜI KHÁC VÀ MỤC ĐÍCH CỦA NGÀI TRÊN TOÀN THẾ GIỚI.”

 

NGÀY 208

CÁC ÂN TỨ THUỘC LINH

 

Nhưng Đức Giê-hô-va phán cùng Sa-mu-ên rằng: Chớ xem về bộ dạng và hình vóc cao lớn của nó, vì ta đã bỏ nó. Đức Giê-hô-va chẳng xem điều gì loài người xem; loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn thấy trong lòng

1 Sa-mu-ên 16:7

 

Mùa hè năm đó, đang khi gia đình chúng tôi dang có chuyến tham quan tại Washington Dc, thì một cơn mưa bão sấm sét kéo đến. Nó chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, và tiếng nổ của tia chớp, tiếng sấm ầm ầm, và cơn mưa tầm tã sau đó  đem tới sự tĩnh lặng. Khi bầu trời quang đãng sau đó, chúng tôi nhìn thấy cầu vồng, nhưng đứa con gái nhỏ của chúng tôi không thể nhìn thấy. Tôi chỉ vào cầu vồng cũng nói cho nó  biết nơi để tìm cũng không giúp được gì. Nhưng khi tôi bế nó lên, tầm nhìn của nó thay đổi, và nó có thể nhìn thấy cầu vồng, nó cười khúc khích trong sự phấn khích.

 

Đức Thánh Linh có thể làm điều này cho chúng ta giống như những gì tôi đã làm cho con gái tôi, giống như những gì Ngài đã làm cho Sa-mu-ên. Sa-mu-el nhìn thấy con trai cả của Y-sai  là Ê-li-áp và nghĩ rằng anh này có thể là người Chúa chọn để làm vị vua kế tiếp của Israel. Và lúc đó Chúa phán: “Chớ xem về bộ dạng và hình vóc cao lớn của nó, vì ta đã bỏ nó. Đức Giê-hô-va chẳng xem điều gì loài người xem; loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn thấy trong lòng.” Câu chuyện  diễn ra sau đó là khi chàng thiếu niên Đa-vit  trở về từ  đồng cỏ, Sa-mu-ên lúc này được Chúa bày tỏ cho biết người mà ông phải xức dầu làm vua Israel đã xuất hiện. Trước đó khi Sa-mu-ên nhìn vào Đa-vít, vị tiên tri chỉ thấy đó là một chàng thiếu niên chăn cừu, nhưng khi Đức Chúa Trời nhìn vào Đa-vít, Ngài nhìn thấy đây là  vua của Israel.

 

Cảm tạ Đức Chúa Trời về một thời điểm Ngài thay đổi góc nhìn cá nhân của chúng ta, Ngài ban cho chúng ta sự khôn ngoan và cái nhìn sâu sắc về một con người hay tình huống xuyên qua lăng kính của Ngài.

 

“TÔI BIẾT CÁC ÂN TỨ THUỘC LINH CỦA TÔI VÀ SỬ DỤNG CHÚNG ĐỂ HOÀN THÀNH MỤC ĐÍCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.”

 

NGÀY 209

DÂNG HIẾN THỜI GIAN CỦA TÔI

 

Nhưng ông gia lại nói rằng: Điều con làm đó chẳng tiện.  Quả thật, con cùng dân sự ở với con sẽ bị đuối chẳng sai, vì việc đó nặng nề quá sức con, một mình gánh chẳng nổi.

Xuất Ê-díp-tô ky 18:17-18

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà đại đa số các bà mẹ ở nhà thay vì làm việc để mang tiền về nhà. Điều đó có nghĩa là người mẹ quản lý ngôi nhà – và mẹ đã tự mình làm việc này.

 

Khi Rozanne và tôi hình thành nên một gia đình, chúng tôi bận rộn  nhiều hơn các cặp khác với hàng tá công việc và mục vụ bủa vây. Cả hai chúng tôi đều tham gia vào các mục vụ, và cùng chăm sóc bốn đứa con. Rõ ràng là chúng tôi gặp khó khăn.

 

Những đòi hỏi mà Rozanne và tôi cảm thấy giữa gia đình và hội thánh đã sớm cho thấy rõ ràng rằng chúng tôi cần một chiến lược mới. Phương pháp tiếp cận “Cứ làm đi” của chúng tôi đã thất bại. Công việc quá  nhiều, và chúng tôi không thể tự mình làm hết được. Chúng tôi phải học cách  làm việc thông minh hơn và ít vất vả hơn. Kế hoạch của chúng tôi là gì?

 

Thay vì trả tiền mua xe, chúng tôi quyết định dùng tiền đó để  thuê người – một số người giúp tôi chăm sóc bãi cỏ và một cô bé trung học “vui vẻ” chơi với lũ trẻ của chúng tôi trong khi Rozanne dọn dẹp nhà cửa, cho phép chúng tôi có nhiều thời gian hơn như một gia đình.

 

Công việc của bạn hiện nay quá nặng nhọc? Làm thế nào để dễ thở hơn? Bạn có thể khám phá những cách sáng tạo nào để tiết kiệm thời gian cho mình và giúp bạn hoàn thành ý định của Đức Chúa Trời nhiều hơn?

“TÔI DÂNG HIẾN THỜI GIAN CỦA TÔI ĐỂ HOÀN THÀNH MỤC ĐÍCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.”

 

NGÀY 210

 

DÂNG HIẾN CÁC NGUỒN TÀI LỰC CỦA TÔI

 

Các ngươi hãy đem hết thảy phần mười vào kho, hầu cho có lương thực trong nhà ta; và từ nay các ngươi khá lấy điều nầy mà thử ta, Đức Giê-hô-va vạn quân phán, xem ta có mở các cửa sổ trên trời cho các ngươi, đổ phước xuống cho các ngươi đến nỗi không chỗ chứa chăng!

Ma-la-chi 3:10

 

Tôi đã giảng trước hội thánh về chủ đề dâng hiến cho mục đích của Đức Chúa Trời vào một sáng Chủ Nhật. Vào ngày sau đó tôi nhận được một lá thư của một chị em trong nhà thờ nói về câu chuyện của cô.

 

Cô ấy sống với mẹ và em trai. Cô đã làm việc vất vả để phụ giúp gia đình và dành dụm đóng tiền học  cho trường cao đẳng với hy vọng sẽ tốt nghiệp trở thành một nữ y tá. Cô để dành tiền trong môt cái hộp giấu kín bên dười giường ngủ của mình. Một ngày kia cô khám phá rằng tất cả tiền trong hộp  đã bị đánh cắp, nhưng còn để lại 10 Mỹ kim. Người em trai đã lấy số tiền đó để mua ma túy. Ngày hôm sau khi đi nhóm ở nhà thờ, cô quyết định tha thứ cho em trai của mình, và lấy ra 10 Mỹ kim còn lại để dâng vào hộp tiền dâng của hội thánh. Cuối là thư, cô ấy viết, “Cảm ơn về bài giảng của mục sư.”

 

Chủ nhật tiếp theo sau đó, tôi chia sẻ câu chuyện này với hội thánh. Một gia đình trong nhà thờ cảm động về câu chuyện này đã đồng ý trả học phí cho cô học hết chương trình ở trường cao đẳng. Ngày hôm nay cô đã kết hôn, trở thành một người mẹ và là một nữ y tá trọn thời gian.

 

“Từ nay các ngươi khá lấy điều nầy mà thử ta” và  Đức Chúa Trời ban lời hứa: “xem ta có mở các cửa sổ trên trời cho các ngươi, đổ phước xuống cho các ngươi đến nỗi không chỗ chứa chăng! ”

 

TÔI DÂNG HIẾN CÁC NGUỒN TÀI LỰC CỦA TÔI ĐỂ HOÀN THÀNH MỤC ĐÍCH CỦA ĐỨC CHÚ TRỜI.”

 

NGÀY 211

 

CHIA SẺ ĐỨC TIN CỦA TÔI

Nhưng hãy tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình. Hãy thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em, song phải hiền hòa và kính sợ,

1 Phi-e-rơ 3:15

Vào ngày Kyle tin nhận Chúa Giê-su, tôi đã hỏi anh ấy lần đầu tiên anh ấy nghĩ rằng Chúa Giê-Su có thể là câu trả lời  cho mọi nan đề là khi nào. Anh ấy trả lời, «tôi nhớ chính xác thời điểm việc ấy xảy ra. Anh và tôi đang chơi gôn  với Ted. Chúng ta đang đi trong sân gôn thì vợ của Ted gọi. Ted trả lời điện thoại. Và tình cờ tôi đã nghe trộm cuộc trò chuyện của họ khi chúng ta cùng đi bộ.  Tôi đã rất ngạc nhiên trước phong cách dịu dàng, yêu thương và đầy kiên nhẫn của Ted khi anh ta nói chuyện với vợ mình. Tôi không bao giờ có thể nói chuyện với vợ tôi theo cách đó. Tôi nghĩ: Tại sao Ted có sự khác biệt này? Và hôm đó tôi  hỏi Ted về điều này, dĩ nhiên anh ấy giải thích cho tôi.

Có lẽ bạn đã nghe thành ngữ này «Chia sẻ phúc âm và nếu cần sử dụng lời nói. » và bạn cũng đã biết câu này: « đời sống chúng ta chính là quyển Kinh Thánh mà người khác có thể đọc. » Cả hai câu này đều minh họa cho nét đẹp của nếp sống Cơ đốc trong đời sống Ted. Hãy để Đấng Christ sống bên trong và qua chúng ta. Bất cứ khi nào có ai đó hỏi tại sao bạn khác biệt, lúc đó chúng ta có cơ hội để chia sẻ tin mừng, nói cho người đó biết về Chúa Giê-su.

 

Cơ đốc nhân phải sống theo một cách khác biệt với người chưa biết Chúa Giê-su để họ có khao khát được biết Ngài.

 

TÔI CHIA SẺ ĐỨC TI N CỦA TÔI VỚI NGƯỜI KHÁC ĐỂ HOÀN THÀNH MỤC ĐÍCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.

 

NGÀY 212

THỜ PHƯỢNG

 

Nữ tiên tri Mi-ri-am, là chị của A-rôn, tay cầm trống cơm, các đàn bà đều đi ra theo người, cầm trống cơm và múa.

Xuất Ê-díp-tô ký 15:20

 

Thờ phượng Đức Chúa Trời là cơ hội để chúng ta diễn tả tình yêu đối với Đấng Tạo hóa và là Đấng cứu chuộc, Đấng bảo tồn sự sống, Đấng ban mọi ân tứ tốt lành, Cha thiên thượng, và là Cha của Đấng Cứu Rỗi chúng ta. Chúng ta có thể tìm thấy không có ai lớn hơn Ngài để chúng ta thờ phượng. Và không có mục đích nào lớn hơn cho đời sống chúng ta là làm vinh hiển Đức Chúa Trời và vui hưởng chính Ngài mãi mãi  (theo Sách Giáo lý vấn đáp của Westminster vào thế kỷ mười bảy.)

 

Vì vậy tại sao chúng ta không bắt chước Miriam, sử dụng các nhạc cụ  đang có để thờ phượng Chúa? Tại sao chúng ta không nỗ lực nhiều hơn để phát triển phong cách thờ phượng? Tại sao chúng ta lại kìm hãm? tại sao chúng ta lại ngần ngại về lòng tôn  kính đối với Đức Chúa Trời toàn năng? Mỗi người đều có những lý do khác nhau, liên quan đến nhân cách, sự giáo dục hoặc hiểu biết sai về sự thờ phượng. Dù chúng ta có lý do gì cho sự hạn  chế của mình đi chăng nữa, thì Đức Chúa Trời có thể giải thoát chúng ta để thực sự thờ phượng Ngài với niềm vui sướng dạt dào.

 

Có thể bạn khao khát có được một cái trống nhỏ  khi nghĩ về ân điển của Chúa trong cuộc đời bạn.Có lẽ bạn ước ao có thể ca tụng Đức Chúa Trời với sự thờ phượng hết lòng như  Miriam, và không kìm hãm điều gì. Có lẽ bí quyết là … cứ làm đi.

 

“TÔI THỜ PHƯỢNG ĐỨC CHÚA TRỜI VÌ NGÀI LÀ AI VÀ NHỮNG GÌ NGÀI ĐÃ LÀM CHO TÔI.”

 

 

NGÀY 213

 

CẦU NGUYỆN

Cũng một lẽ ấy, Đức Thánh Linh giúp cho sự yếu đuối chúng ta. Vì chúng ta chẳng biết sự mình phải xin đặng cầu nguyện cho xứng đáng; nhưng chính Đức Thánh Linh lấy sự thở than không thể nói ra được mà cầu khẩn thay cho chúng ta.  Đấng dò xét lòng người hiểu biết ý tưởng của Thánh Linh là thể nào, vì ấy là theo ý Đức Chúa Trời mà Ngài cầu thế cho các thánh đồ vậy.

Rô-ma 8:26-27

 

Anh Thư sinh ra không như một bé gái bình thường. Dây rốn quấn chặt cổ, và được bác sĩ hồi sức nhanh chóng, cơ thể bé nhỏ xanh xao của cô bé đã hồng hào trở lại, nhưng đã quá muộn để cứu vãn chức năng của  não. Thật bất ngờ, Anh Thư sống vượt qua dự đoán của bác sĩ là chỉ sống được hai hoặc ba năm. Cô trở thành một một thiếu nữ. Mặc dù Anh Thư không thể di chuyển, nói chuyện hay diễn dạt bày tỏ ý muốn, mẹ của cô bé đã yêu thương cô con gái sâu đậm và hết lòng chăm sóc. Người bên ngoài gia đình không thể phân biệt được các âm thanh từ miệng Anh Thư phát ra hoặc nhìn thấy bất kỳ sự khác biệt nào trong nét mặt của cô ấy, nhưng người mẹ thì có thể phân biệt được từng tiếng rên rỉ của con gái mình. Nhìn sâu vào đôi mắt của con gái, bà có thể phân biệt được Anh Thư cảm thấy hạnh phúc, lo lắng hay sợ hãi. Bà luôn biết những gì Anh Thư muốn.

 

Khi bạn cảm thấy quá yếu đuối không thể thốt ra một lời nào. Sự đau đớn quá sức làm cho bạn chỉ có thể khóc, thì hãy nhớ rằng tình yêu của Đức Chúa Trời lớn hơn tình thương của người mẹ dành cho con. Đức Thánh Linh nhìn thấy tận sâu xa trong tấm lòng của bạn, cầu thay cho bạn và bảo đảm rằng Cha thiên thượng nhận được lời nài xin của bạn.

 

“TÔI CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI ĐỂ NHẬN BIẾT NGÀI, ĐỂ TÌM THẤY SỰ HƯỚNG DẪN CHO ĐỜI SỐNG TÔI, VÀ TÔI ĐẶT CÁC NHU CẦU CỦA TÔI TRƯỚC MẶT NGÀI.”

 

NGÀY 214

 

NGHIÊN CỨU KINH THÁNH

 

Quyển sách luật pháp nầy chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước.

 

Giô-suê 1:8

Bất luận là bạn đã lái xe chạy lòng vòng trong thị trấn bao lâu, nhìn thấy nhiều cửa hàng giống nhau, bạn có bao giờ dừng lại để hỏi đường không?

Bạn đã bắt đầu xếp các kệ sách lại với nhau hoặc lắp đặt đèn chiếu sáng mà không cần xem hướng dẫn không?

Bản chất con người là muốn làm mọi thứ theo cách của chúng ta. Chúng ta luôn cảm thấy không dễ dàng để tuân theo một chỉ dẫn nào đó hay phải vâng phục một mạng lệnh. Khi chúng ta thử mọi thứ theo cách riêng của mình trong thế giới hỗn loạn này, đó có thể là một cuộc đấu tranh và cuối cùng chúng ta thường bị lạc lối hoặc rơi vào tình trạng lộn xộn. Đức Chúa Trời biết điều này, và Ngài biết chính xác những gì chúng ta cần.

 

Sau khi Môi-se qua đời, Giô-suê đã nhìn vào ở một số nhân vật lớn lãnh đạo của Israel. Chúa đã ban cho Giô-suê một hướng dẫn đặc biệt, nhắc ông biết về tầm quan trọng trong sự suy ngẫm lẽ thật, thực hành lẽ thật của Ngài. Và ngày hôm nay Đức Chúa Trời cũng kêu gọi bạn và tôi làm điều tương tự.

 

Hãy dừng lại sự bướng bỉnh của bạn và hết lòng tìm cầu sự hướng dẫn thường xuyên từ Chúa. Khi làm như vậy, đời sống của bạn giống như một đoàn tàu xe lửa chạy đúng làn đường, và bạn luôn tiến về phía trước an toàn.

 

“TÔI NGHIÊN CỨU KINH THÁNH ĐỂ HỌC BIẾT VỀ    ĐỨC CHÚA TRỜI, LẼ THẬT CỦA NGÀI  VÀ TÌM THẤY SỰ HƯỚNG DẪN CHO ĐỜI SỐNG TÔI.”

 

NGÀY 215

 

Người nào sống theo Thánh Linh thì chăm những sự thuộc về Thánh Linh.

Rô-ma 8:5

Cái gì? Thế nào? Tại sao? Chúng ta hỏi các câu này trong mọi lĩnh vực của đời sống. Liên quan đến sự nghiệp cá nhân, chúng ta có thể hỏi: Tôi muốn hoàn thành điều gì? Làm thế nào để tôi hoàn thành nó? Những câu hỏi loại này khiến chúng ta tập trung vào mục tiêu chính. Nhưng chúng ta có đang thực sự dán mắt vào những điều sẽ thỏa mãn linh hồn mình không?

Có lẽ điều tốt hơn là sử dụng những câu hỏi này để suy ngẫm: Loại người nào mà tôi muốn trở thành? Làm cách nào để tôi có thể trở nên loại người này? Tại sao tôi muốn trở nên loại người này?

Mục tiêu đặc biệt hiếm có của Phao-lô, vượt lên trên những mục tiêu khác, đó là ông ao ước tôn cao Đức Chúa Trời, trở nên giống Đấng Christ càng hơn. Thế giới đo lường thành công bằng thành tích trong các vai trò mà chúng ta đảm nhận, bằng số tiền kiếm được và tài sản  đạt được. Nhưng Đức Chúa Trời đo lường sự thành công thông qua đánh giá chúng ta là ai, và mẫu người nào chúng ta muốn trở thành.Tại sao? Bởi vì càng được biến đổi theo hình ảnh của Chúa Giê-su, thì tấm lòng chúng ta càng trở nên hòa hợp với ưu tiên của tấm lòng Ngài chứ không phải của thế gian.

 

Vì vậy câu hỏi chính ở đây sẽ là: Đức Chúa Trời muốn gì? Và tôi có thể đạt được điều này bằng chính mẫu người tôi đang trở thành không?

 

“TÔI TẬP CHÚ VÀO ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ NHỮNG ƯU TIÊN CỦA NGÀI CHO ĐỜI SỐNG TÔI.”

 

NGÀY 216

 

ĐẦU PHỤC HOÀN TOÀN

Vả, ở đây có mấy người Giu-đa kia mà vua đã lập lên cai trị tỉnh Ba-by-lôn, tức là Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô; hỡi vua, những người ấy không kiêng nể vua một chút nào. Họ chẳng thờ các thần của vua, và chẳng lạy tượng vàng vua đã dựng.

 

Đa-ni-ên 3:12

 

Nếu bạn bị người ta tố cáo là Cơ đốc nhân, liệu họ có đủ bằng chứng để kết tội bạn không?

 

Đối với Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô, bằng chứng của họ với Đức Chúa Trời  có thể được nhìn thấy trong những gì họ không tuân theo lệnh của vua. Họ không thờ lạy pho tượng vàng mà vua Nê-bu-cát-nết-sa đã dựng. bất chấp hậu quả chết người của quyết định đó. Họ bị ném vào  lò lửa hực, nhưng Chúa Giê-su xuất hiện trong lò lửa đó bảo toàn mạng sống của họ, quần áo và da thịt họ không bị lửa đụng đến chút nào. Khi nhìn thấy điều này,  nhà vua kêu lên trong sự kinh ngạc, “Hỡi Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô, là tôi tớ của Đức Chúa Trời Rất Cao, hãy ra và lại đây! Sa-đơ-rắc, Mê-sác, và A-bết-Nê-gô bèn từ giữa đám lửa mà ra.” (câu 26). Câu chuyện được viết tiếp, “Các quan trấn thủ, lãnh binh, các người cai trị và các nghị viên của vua đều nhóm lại, thấy lửa không có quyền làm hại thân thể ba người ấy được, cũng chẳng có một sợi tóc nào trên đầu họ bị sém; áo xống họ chẳng bị si sứt chút nào, và mùi lửa cũng chẳng qua trên họ.

Vua Nê-bu-cát-nết-sa lại cất tiếng nói rằng: Đáng ngợi khen Đức Chúa Trời của Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô! Ngài đã sai thiên sứ Ngài và giải cứu các tôi tớ Ngài nhờ cậy Ngài, họ đã trái mạng vua, và liều bỏ thân thể mình, hầu để không hầu việc và không thờ phượng thần nào khác ngoài Đức Chúa Trời mình.” (câu 27-28). Và rồi vua công bố, “ta ban chiếu chỉ nầy: Bất kỳ dân nào, nước nào, thứ tiếng nào, hễ có người nói xấu đến Đức Chúa Trời của Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô, thì sẽ bị phân thây, nhà nó sẽ phải thành ra đống phân, vì không có thần nào khác có thể giải cứu được thể nầy.” (câu 29). Sự trung thành với Đức Chúa Trời của ba thanh niên này là bằng chứng về niềm tin và cam kết của họ đối với Ngài.

 

Bằng chứng nào cho sự trung tín của bạn với Chúa Giê-su có thể được người khác nhìn thấy trong bạn? Khi người thế gian nhìn vào đời sống chúng ta, họ sẽ thấy sự sẵn sàng trả giá của chúng ta để tiếp tục ở trong sự cam kết với Chúa Giê-su? Đầu phục hoàn toàn với Christ có thể gây nên một tác động lớn cho những ai nhìn thấy chúng ta trong lò lửa hực. Họ sẽ thấy Chúa Giê-su ở đó với chúng ta?

 

“TÔI DÂNG HIẾN ĐỜI SỐNG TÔI ĐỂ HOÀN THÀNH MỤC ĐÍCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.”

 

NGÀY 217

 

CỘNG ĐỒNG HỘI THÁNH

 

Vả, những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ, sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện

Công vụ 2:42

 

Buổi hẹn hò đầu tiên của chúng tôi ở The Spaghetti  Company, là nơi bán thức ăn Ý ngon nhất tại Cleveland, Ohio. Nhưng tôi không nhớ chúng tôi đã ăn món gì. Tôi nhớ trải nghiệm mà sự liên kết đặc biệt đã xảy ra trong suốt bữa ăn.

 

Cuộc trò chuyện có thể đạt đến mức độ sâu hơn khi bữa ăn được chia sẻ giữa những tín nhân. Hãy nhớ rằng Chúa Giê-su ban lời hứa là nếu có hai ba người nhóm lại trong danh của Ngài, Ngài sẽ ở giữa họ!  Bằng cách nào đó khi bánh mì được bẻ ra, những tấm lòng  đan vào nhau. Hãy nhìn nhận cách mà Đức Chúa Trời ban phước khi hội thánh đầu tiên nhóm lại để lắng nghe các sự dạy dỗ, chia sẻ các bữa ăn và cầu nguyện cùng nhau. Sự thông công của họ làm gia tăng thêm sự hiện diện của Christ giữa vòng họ, và khi sự thông công của dân sự Chúa phát triển, những điều lớn lao bắt đầu xảy ra. Sự thông công trở thành yếu tố cần thiết  của sự nuôi dưỡng tâm linh.

Có lẽ bạn đã kinh nghiệm điều này trong một nhóm tế bào học Kinh Thánh. Nếu chưa, hãy đi theo khuôn mẫu của hội thánh đầu tiên. Tập hợp thành một nhóm nhỏ, chia sẻ các bữa ăn, dâng hiến bản thân cho Lời Đức Chúa Trời, thông công, và cầu nguyện. Chúa Giê-su có ở đó và những điều lớn lao sẽ xảy ra.

 

“TÔI THÔNG CÔNG VỚI CÁC CƠ ĐỐC NHÂN KHÁC ĐỂ HOÀN THÀNH MỤC ĐÍCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI TRÊN: ĐỜI SỐNG TÔI, ĐỜI SỐNG NHỮNG NGƯỜI KHÁC VÀ TRÊN TOÀN THẾ GIỚI.”

 

NGÀY 218

 

CÁC ÂN TỨ THUỘC LINH

Vả, có các sự ban cho khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Thánh Linh. Có các chức vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa.

1 Cô-rin-tô 12:4-5

 

Thật tuyệt khi nghe những người lạ nói rằng con cái chúng ta lịch sự và cư xử tốt như thế nào. Chúng ta rất vui khi những thanh thiếu niên mặt mũi tươi sáng, những cô gái với khuôn mặt thiên thần và những đứa trẻ mới biết đi có ý chí mạnh mẽ của chúng ta cư xử một cách lịch sự khi chúng ở nơi công cộng.

 

Đức Chúa Trời cũng muốn chúng ta “cư xử tốt” với những ân tứ Ngài đã ban cho chúng ta. Mỗi người trong chúng ta đã nhận được một “của cầm thuộc linh” khi chúng ta tiếp nhận Chúa Giê-su là Cứu Chúa. Ngài ban cho chúng ta các ân tứ thuộc linh không phải vì lợi ích của chúng ta, nhưng là vì lợi ích của những người mà Ngài đặt để chung quanh chúng ta –  những người trong thân thể Đấng Christ và cả những ai đang ở bên ngoài. Ngài không muốn chỉ xem xét các chuyển động của chúng ta trông giống như những Cơ đốc nhân. Ngài cũng không muốn chúng ta sử dụng các ân tứ một cách kiêu hãnh, tự cao. Đức Chúa Trời muốn chúng ta hết lòng phục vụ Ngài, sử dụng các ân tứ trong tình yêu và bằng tình yêu.

 

Giống như động cơ pít-tông cần xăng nguyên chất để chạy trơn tru, việc thực hành các ân tứ của chúng ta phải được tiếp nguyên liệu bằng tình yêu thương. Những ân tứ được thúc đẩy bởi tham vọng và niềm kiêu hãnh ích kỷ sẽ làm hỏng việc. Các ân tứ thuộc linh gia tăng  mà không có tình yêu thương sẽ khiến Cha thiên thượng thất vọng. Điều này giống như một đứa trẻ cư xử thô lỗ đối với cha mẹ.

 

Hãy cầu xin Chúa Giê-su yêu thương tha nhân thông qua bạn, và bạn sử dụng các ân tứ  thuộc linh vì sự vinh hiển Ngài.

“Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời.” (1 Phi-e-rơ 4:10)

 

“TÔI BIẾT CÁC ÂN TỨ THUỘC LINH CỦA TÔI VÀ SỬ DỤNG CHÚNG ĐỂ HOÀN THÀNH MỤC ĐÍCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.”

 

NGÀY 219

DÂNG HIẾN THỜI GIAN CỦA TÔI

Nàng coi sóc đường lối của nhà mình,

Không hề ăn bánh của sự biếng nhác.

 

Châm ngôn 31:27

 

Các công việc mà người nội trợ làm bao gồm từ đầu bếp riêng, người giữ nhà, chăm sóc trẻ em, đến nhân viên pha chế, nhân viên giặt là và các vai trò cảnh quan có thể cùng trả một mức lương đáng kể hàng năm! Họ thậm chí còn làm được nhiều hơn thế …. còn việc trở thành người mua sắm cá nhân (thực phẩm, quần áo, mọi thứ), giám đốc điều hành thường trú, một kỹ thuật viên y tế khẩn cấp không có giấy phép, một gia sư, một huấn luyện viên và thường là một bác sĩ thú y thì sao? Không có nhàn rỗi ở đây!

 

Giống như người nữ tài đức trong Châm ngôn 31, những người nội trợ ở thế kỳ 21 cho dù họ làm việc tại nhà toàn thời gian hay có một công việc khác bên ngoài gia đình, họ có nhiều trách nhiệm và hoạt động cho bất kỳ ngày nào. Và cũng giống như người phụ nữ đảm đang được mô tả trong Châm ngôn 31, những phụ nữ ngày nay làm tất cả những điều này một cách bình tĩnh, chừng mực và nhẹ nhàng. Những gì hiệu quả trong sách Châm ngôn về người nữ tài đức vẫn còn hiệu quả hôm nay.

 

Chìa khóa cho “một người nữ tài đức ai sẽ tìm được?

Giá trị nàng trổi hơn châu ngọc.” (câu 10) và khả năng hoàn thành tất cả những gì cần phải làm – khả năng sử dụng khôn ngoan thời gian Chúa ban – biết rằng hoạt động quan trọng nhất là: theo đuổi mục đích của Chúa như là trung tâm của đời sống. Nhưng hãy nhớ giữ điều ưu tiên hàng đầu quan trọng nhất – mối liên hệ của bạn với Đức Chúa Trời.

 

“TÔI DÂNG HIẾN THỜI GIAN CỦA TÔI ĐỂ HOÀN THÀNH MỤC ĐÍCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.”

 

 

NGÀY 220

 

DÂNG HIẾN CÁC NGUỒN TÀI LỰC CỦA TÔI

 

Có lắm người giàu bỏ nhiều tiền; cũng có một mụ góa nghèo kia đến bỏ hai đồng tiền ăn một phần tư xu.

Vì mọi kẻ khác lấy của dư mình bỏ vào, còn mụ nầy nghèo cực lắm, đã bỏ hết của mình có, là hết của có để nuôi mình.

Mác 12:42, 44

 

Không ai mong đợi một đứa trẻ hai tuổi chạy marathon, hoặc một đứa trẻ mẫu giáo có thể đọc và hiểu “Truyện ngụ ngôn” của Plato. Không ai mong đợi một bà ngoại thử tham gia đội tuyển Olympic bơi lội, hoặc một đứa trẻ tám tuổi đi mua sắm ở Tiffany’s nhân ngày sinh nhật của mẹ.

 

Và Chúa Giê-su không mong đợi dân sự của Ngài những người có thu nhập ít bỏ vào thùng tiền dâng một số tiền tương đương với những người có thu nhập nhiều. Chúa Giê-su nhìn vào tấm lòng của người dâng hiến. Tấm lòng của một doanh nhân thành đạt bỏ vài xu vào hộp tiền dâng rất khác tấm lòng của người phụ nữ có vài xu gửi vào hộp tiền dâng (đây là tất cả những gì bà ấy có để sống.)

 

Loại dâng hiến nào làm đẹp lòng Đức Chúa Trời?  Những người có tinh thần dâng hiến giống như góa phụ trên đây biết và tin rằng Đức Chúa Trời sẽ chu cấp cho mình. Cách duy nhất để có một tấm lòng giống như người góa phụ trong câu chuyện là tin rằng: “Đức Chúa Trời tôi sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của anh em y theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển trong Đức Chúa Giê-su Christ.” (Phi-líp 4:19). Lời hứa ở đây là chính Chúa sẽ đáp ứng mọi nhu cầu cho chúng ta.

 

“TÔI DÂNG HIẾN CÁC NGUỒN TÀI LỰC CỦA TÔI ĐỂ HOÀN THÀNH MỤC ĐÍCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.”

 

 

 

 

 

 

 

 

 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên