Trang Chủ TRANG CHỦ QUÊ HƯƠNG TỐT HƠN

QUÊ HƯƠNG TỐT HƠN

727
0
SHARE

QUÊ HƯƠNG TỐT HƠN

Khuynh hướng tự nhiên của con người là luôn mong đợi một điều gì đó tốt hơn cái mình đang có trong hiện tại. Chúng ta đọc Hê-bơ-rơ 11:16 để thấy điều này: nhưng họ (các tộc trưởng Y-sơ-ra-ên) ham mến một quê-hương tốt hơn, tức là quê hương ở trên trời; nên Đức Chúa Trời không hổ thẹn mà xưng mình là Đức Chúa Trời của họ, vì Ngài đã sắm sẵn cho họ một thành.

Instead, they were longing for a better country—a heavenly one. Therefore God is not ashamed to be called their God, for he has prepared a city for them. (Hebrew 11:16. NIV)

Hê-bơ-rơ 11:10. “Vì người (Áp-ra-ham) chờ đợi một thành có nền vững chắc, mà Đức Chúa Trời đã xây cất và sáng lập.”

Từ điển Webster định nghĩa từ quê hương – country: vùng đất nơi sinh ra, nơi cư trú hoặc quyền công dân của một người.

Họ ham mến một quê hương tốt hơn.

Các tộc trưởng mà trước giả thư Hê-bơ-rơ nói đến lúc bấy giờ không ở trên đất. Họ đã về với Chúa. Nhưng Kinh Thánh xác nhận rằng những người này ham muốn một quê hương tốt hơn. 

Tất cả các tín nhân trong mọi thời đại và những người như các tộc trưởng được liệt kê trong sách Hê-bơ-rơ mong muốn một quê hương tốt hơn thế giới này, và đó là thiên đường ở trên cao. Ở nơi đó không có hơi khí độc hại và sâu bệnh, không có sương mù hay bão tố, nhưng tràn đầy ánh sáng và vinh quang.  Nơi đó có những làn gió thú vị của tình yêu thiên thượng và của Đức Thánh Linh ban phước. Nơi ấy không có sự bắt bớ, không có xảy ra tình trạng thời tiết khắc nghiệt, cũng không có sự nguội lạnh của tình cảm. Nơi ấy có nhiều trái cây ngon nhất, cư dân của nó không đói không khát. Chính xác đây là sự giàu có, vững chắc, thỏa mãn, lâu bền, an toàn và chắc chắn. Nhiều đặc ân, đặc quyền được hưởng ở đó. Nơi đó chúng ta được giải thoát khỏi một thân thể phải chịu bệnh tật, tội lỗi và sự chết, khỏi những cám dỗ của Sa-tan, khỏi mọi nghi ngờ, sợ hãi, vô tín, và mọi buồn phiền. Cư dân của nó là các thánh đồ thuộc về Chúa Giê-su trong mọi thời đại. Họ sẽ cùng Chúa cai trị mãi mãi trong trời mới đất mới. Chúng ta không thể hình dung hết những kỳ vĩ, sự tiện nghi, sự phục vụ Chúa hoàn vũ trong trời mới đất mới.   

 Phao-lô viết: Vả, chúng ta biết rằng nếu nhà tạm của chúng ta dưới đất đổ nát, thì chúng ta lại có nhà đời đời tại trên trời, bởi Đức Chúa Trời, không phải bởi tay người làm ra. Vì chúng ta thật than thở trong nhà tạm nầy, mà hết sức mong được mặc lấy nhà chúng ta từ trên trời. 2 Cô-rin-tô 5:1-2.

Quê hương ở trên trời

Một cơ nghiệp trên trời là nhà vĩnh cửu, là vương quốc thiên đàng. Tùy theo cách mà bạn diễn tả về nó, và không có gì ngạc nhiên khi nó là sự khao khát mãnh liệt của những thánh đồ chuẩn bị đi tới đó. Họ mong muốn rời khỏi thế giới này và đi đến thế giới đó. Điều đó cho thấy rằng lòng ham muốn của họ về một quê hương trần gian đã thay đổi và họ đã nhìn thấy điều gì đó huy hoàng ở một quê hương tốt hơn. Điều tốt nhất của họ vẫn chưa đến nhưng nó chắc chắn sẽ đến – vì đó là lời hứa của Đức Chúa Trời dành cho họ.

Sách Khải huyền cho chúng ta biết đến một nơi chốn tốt hơn trái đất này.

Đoạn, tôi thấy trời mới và đất mới; vì trời thứ nhất và đất thứ nhất đã biến đi mất, và biển cũng không còn nữa. Tôi cũng thấy thành thánh, là Giê-ru-sa-lem mới, từ trên trời, ở nơi Đức Chúa Trời mà xuống, sửa soạn sẵn như một người vợ mới cưới trang sức cho chồng mình. Tôi nghe một tiếng lớn từ nơi ngai mà đến, nói rằng: Này, đền tạm của Đức Chúa Trời ở giữa loài người! Ngài sẽ ở với chúng, và chúng sẽ làm dân Ngài; chính Đức Chúa Trời sẽ ở với chúng. Khải. 21:1-3.

Nên Đức Chúa Trời không hổ thẹn mà xưng mình là Đức Chúa Trời của họ

“Nhưng họ (các tộc trưởng Y-sơ-ra-ên) ham mến một quê-hương tốt hơn, tức là quê hương ở trên trời; nên Đức Chúa Trời không hổ thẹn mà xưng mình là Đức Chúa Trời của họ.” Chúng ta đọc thêm trong Hê-bơ-rơ 8:10. Chúa lại phán: “Đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Y-sơ-ra-ên: Sau những ngày đó, Ta sẽ đặt luật pháp Ta trong trí họ, Và ghi tạc vào lòng họ. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời họ, Và họ sẽ làm dân Ta.” Mặc dù Ngài là Đức Chúa Trời của cả vũ trụ, nhưng Ngài cũng là Đức Chúa Trời của họ. Lý do cho điều này là vì họ ham mến một quê hương tốt hơn. Ngày hôm nay chúng ta có ham mến giống như các tổ phụ đức tin?

Nếu câu trả lời là có, thì chúng ta cũng có thể nói: Ngài là Đức Chúa Trời của các tổ phụ, các tiên tri, các sứ đồ nhưng Ngài cũng là Đức Chúa Trời của tôi.

Vì Ngài đã sắm sẵn cho họ một thành.

Vì Áp-ra-ham chờ đợi một thành có nền móng do Đức Chúa Trời thiết kế và xây dựng. Hê-bơ-rơ 11:10.

Áp-ra-ham chờ đợi, và chắc chắn nhận được điều ông trông đợi.

Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ.  Khi ta đã đi, và đã sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó. Giăng 14:2-3.

Bài Học Của Chúng Ta

Các nhân vật trong Cựu Ước như Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp trung tín với Đức Chúa Trời, mặc dù những lời hứa của Ngài không thành hiện thực hoàn toàn trong cuộc đời trên đất của họ. Theo trước giả Hê-bơ-rơ, đây là bằng chứng cho thấy họ hiểu rằng kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho họ cuối cùng là một đời sống vĩnh cửu chứ không phải là các lợi ích vật chất (Hê-bơ-rơ 11:10). Nếu những người này chỉ đơn thuần tìm kiếm các lợi ích trần thế nào đó, họ có thể đã quay trở lại nơi họ xuất phát. Thực tế là họ đã chứng tỏ rằng họ xem mình là công dân của thiên đàng, họ xem mình là “kẻ khách và bộ hành trên đất” (Hê-bơ-rơ 11:13), và sẵn sàng tin cậy vào quyền năng của Đức Chúa Trời để thực hiện những lời hứa của Ngài từ những điều không thấy được. Cụm từ “bởi đức tin” được lặp lại nhiều lần trong Hê-bơ-rơ chương 11 như một điệp khúc nhắc nhở chúng ta học tập đặt đức tin nơi Chúa giống như các tổ phụ đức tin.

“Đức tin là sự xác quyết về những điều mình đang hi vọng, là bằng chứng của những điều mình chẳng xem thấy. Thật vậy, nhờ đức tin mà người xưa đã được lời chứng tốt. Bởi đức tin, chúng ta biết rằng vũ trụ đã được dựng nên bởi lời của Đức Chúa Trời, đến nỗi những vật thấy được hình thành từ những vật không thấy được” (Hê-bơ-rơ 11:1–3).

Tổ phụ đức tin Áp-ra-ham trông đợi “một thành có nền vững chắc, mà Đức Chúa Trời là Đấng thiết kế và xây cất” (Hê-bơ-rơ 11:10). Các tiên tri trong Cựu Ước như Ê-sai và Ê-xê-chi-ên đã ghi lại những khải tượng về một thành phố trên trời. Sách Khải huyền cũng đề cập đến thành phố Giê-ru-sa-lem mới, đặc biệt là những nền móng đáng kinh ngạc của nó (Khải huyền 21:9–14). Đây là mục tiêu và mục đích thực sự của đức tin mà những người như Áp-ra-ham nắm giữ. Họ nhận ra rằng những lời hứa của Đức Chúa Trời không nhất thiết gắn liền với các phúc lợi của trần gian. Thay vào đó, Đức Chúa Trời đang làm cho mọi sự trở nên tốt đẹp từ một kế hoạch trường cữu, đời đời. “Chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho những người được gọi theo ý định của Ngài” (Rô-ma 8:28).

Trước giả sách Hê-bơ-rơ nêu quan điểm của mình bằng cách sử dụng từ “nên” trong Hê-bơ-rơ 11:16. Một người phải có đức tin nơi Đức Chúa Trời để làm hài lòng Ngài. Vì những tổ phụ được liệt kê này ham mến, trông đợi một quê hương tốt hơn mà Đức Chúa Trời dành cho họ. Họ tin tưởng điều đó. Nên Đức Chúa Trời không hổ thẹn về họ. Ngài xưng mình là Đức Chúa Trời của họ. Chính đức tin của họ dẫn đến một sự ham muốn mãnh liệt trong tấm lòng về một quê hương tốt hơn. Tin cậy sẽ dẫn đến vâng lời. Chúng ta đều biết bài Thánh ca này: Tin cậy, vâng lời, nào nhờ cách gì trong đời. Muốn hưởng phước thiên thượng ai ơi. Hằng duy tin cậy vâng lời.

Vả, không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài. Hê-bơ-rơ 11:6.

Sau khi nhận thức rõ ràng vế một quê hương tốt hơn, chúng ta nói đến:

MỘT GIA ĐÌNH TỐT HƠN

Một gia đình tiêu biểu của ngưới Việt Nam trong xã hội hiện nay như thế nào? Rất khó để trả lời cho câu hỏi này, bởi vì nó là một câu hỏi lớn bao gồm sự đa dạng và không đồng nhất của hàng triệu gia đình Việt Nam. Trong giới hạn của bài viết này, tôi thấy có 3 loại gia đình. Loại gia đình thứ nhất là GIA ĐÌNH THỜ TRỜI. Loại gia đình thứ hai là GIA ĐÌNH KHÔNG THỜ TRỜI. Và loại gia đình thứ ba là trong gia đình có người thờ TRỜI, nhưng cũng có người KHÔNG THỜ TRỜI. Về loại gia đình thứ ba này, chúng ta có thể liên tưởng đến một lời dạy của Chúa Giê-su, “Chớ tưởng Ta đến để đem bình an cho thế gian. Ta đến, không phải để đem bình an, mà là gươm giáo. Ta đến để phân rẽ con trai với cha, con gái với mẹ, nàng dâu với mẹ chồng và kẻ thù của người ta lại là người nhà của mình” (Lu-ca 11:51-53). Những lời dạy này của Chúa Giê-su cho thấy rằng sự cứu rỗi mang tính cách cá nhân, và Ngài đến trần gian trở thành một nguyên nhân chia cắt các gia đình.  

Charles Spurgeon đã nói, “Mặc dù ân điển không chạy trong máu, và sự tái sinh cũng không xảy ra khi cùng một huyết thống, nhưng nó thường xuyên xảy ra khi Chúa bằng phương tiện của một hộ gia đình, kéo những người còn lại là những người chưa tin về phía chính Ngài. Ngài kêu gọi một cá nhân và sau đó sử dụng anh ta để trở thành một tay đánh lưới đưa những người còn lại của gia đình vào lưới phúc âm”.

KHÔNG THỜ TRỜI thì có thể là theo một tôn giáo nào đó, hoặc là thờ cúng ông bà nhưng tuyệt đối không thờ TRỜI, không biết ơn TRỜI, không cầu TRỜI và cũng không quan tâm đến sau khi chết linh hồn mình sẽ đi về đâu.

THỜ TRỜI có nghĩa là tuyên bố IN GOD WE TRUST (Chúng tôi tín thác vào Trời/Chúng tôi thờ Trời), biết ơn TRỜI, cầu hỏi TRỜI, có một đời sống cá nhân nối kết với TRỜI, biết trả lời cho câu hỏi sau khi chết ta sẽ đi về đâu chỉ bằng cách nắm chắc các lời hứa của TRỜI trong Kinh Thánh.

TRỜI mà chúng ta đề cập ở đây là Đấng Tạo Hóa, là Đức Chúa Trời, là Đấng Tối Cao của hoàn vũ. Ngài là nguyên nhân đầu tiên, là Cội Nguồn của vạn vật. Theo truyền thống, nhiều người Việt giữ tập quán thờ TRỜI theo cách của tổ tiên truyền lại. Đó là họ lập một bàn thờ THIÊN trước sân nhà và cầu TRỜI. Dĩ nhiên, ngày hôm nay chúng ta không theo cách đó. Chúng ta áp dụng và thực hành lời dạy của Chúa Giê-su:

Đức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy. Giăng 4:24.  

Một gia đình tốt hơn là một gia đình thờ phượng Đức Chúa Trời theo cách của Kinh Thánh truyền đạt.

Phàm nơi nào có ghi nhớ danh ta, ta sẽ đến và ban phước cho ngươi tại đó. Xuất. 20:24

Nước nào có Giê-hô-va làm Đức Chúa Trời mình. Dân-tộc nào được Ngài chọn làm cơ-nghiệp mình có phước thay! Thi thiên 33:12

Và bây giờ chúng ta hướng đến:

MỘT DÒNG TỘC/DÒNG HỌ TỐT HƠN

Một dòng họ không thờ TRỜI, thì dù cho có thành công về nhiều mặt trên thế giới này nhưng bị bỏ lại khi Chúa cất hội thánh lên không trung để hội hiệp cùng Ngài, thì thật đáng tiếc thay.

Một dòng họ không thờ Trời có thể hưởng thụ cuộc sống giàu có nơi trần gian với những thú vui của nó, nhưng rồi trong cõi đời đời bị xa cách Đức Chúa trời vĩnh viễn, phải trải qua sự đau đớn đời đời nơi âm phủ thì có ích gì?

Những người không tin Kinh Thánh, thì luôn phủ nhận thiên đàng, địa ngục trong cõi đời đời. Trách nhiệm và đặc ân của Cơ đốc nhân chính là rao giảng một phúc âm vương quốc cho dòng họ của mình, mong rằng Đức Chúa Trời ban cho họ sự ăn năn để nhìn biết lẽ thật của Ngài.

Một dòng họ không tốt là một dòng họ không thờ TRỜI.

Một dòng họ tốt hơn là một dòng họ thờ TRỜI. 

Cũng cần nói thêm rằng, một dòng họ có thể bị phân rẽ. Vì giữa họ có người thờ TRỜI, có người khước từ TRỜI. Phúc âm của Chúa Giê-su có thể đem đến sự chia cắt trong một gia đình, trong một dòng họ (Đọc Lu-ca 11:51-53).

Một trong những chiến lược của Đoàn Truyền giáo Quê Hương là truyền giáo theo mô hình cho gia đình, cho dòng họ khi mà trong các đơn vị này có sự chia cắt sau khi một cá nhân tin Chúa. Cậy ân điển của Chúa để làm điều này, chúng ta đang áp dụng Lời chúa Giê-su dạy:
Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời. Ma-thi-ơ 5:9.

Một gia đình hay một dòng họ có sự hòa thuận cùng nhau khi nhóm người đó cùng chung thờ phượng Đức Chúa Trời. Điều ngược lại luôn luôn là một bi kịch.  

Sự cứu rỗi mà Chúa Giê-su Christ đã hoàn tất trên thập tự giá là dành cho tất cả mọi người, không phân biệt bất cứ ai. Nhưng chỉ những người TIN và ÁP DỤNG điều này thì mới kinh nghiệm được sự cứu rỗi đó. “Ai tin và chịu phép báp-tem, sẽ được rỗi; nhưng ai chẳng tin, sẽ bị đoán phạt” (Mác 16:16), “Vì tin bởi trong lòng mà được sự công bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu rỗi” (Rô-ma 10:10).

Có một trở ngại phổ biến giữa vòng các gia đình trong một dòng họ, ấy là khi có một người tin Chúa, thì gia đình và cả dòng họ cô lập và bắt bớ người mới qui đạo này. Để giải quyết vấn nạn này, người tin Chúa phải là một người can đảm dám đứng về phía Chúa Giê-su trong một trận tuyến đối lập với gia đình và cả dòng họ. Nhiều anh chị em ở Việt Nam sau khi tin Chúa thì liền bị gia đình từ bỏ. Những trường hợp như vậy khá phổ biến trong một nền văn hóa nặng về truyền thống gia đình và dòng tộc. Trong những thập kỷ qua, nhiều người trẻ ở Việt Nam đi ra nước ngoài học tập hay làm công nhân. Trong môi trường ở nước ngoài họ dễ tiếp nhận Phúc âm hơn là khi họ còn ở trong nước. Chúng ta chứng kiến nhiều thanh niên trở về Việt Nam từ Nga, Ukraine, Malaysia… đã trở thành các mục sư lãnh đạo và chia sẻ Phúc âm cứu rỗi cho gia đình, dòng tộc và đồng bào mình. Chúa sử dụng những người trẻ này cho vinh quang của nước Trời.

Người H’mong ở miền Bắc, người S’tiêng ở miền Nam và các đồng bào dân tộc ít người khác đã thờ TRỜI cả một dòng họ, cả một bản làng. Nguyên nhân nào họ có được như vậy? Câu trả lời dành cho những ai tìm hiểu về chiến lược truyền giáo của các nhóm giáo sĩ. Thực tế là người Thượng tin Chúa đông hơn người Kinh. Điều này cho chúng ta bài học nào? 

Ngày hôm nay, chúng ta cầu nguyện xin Chúa cho có 50% người Việt Nam trở lại thờ Trời? Tại sao không? Các hội thánh tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia…  đã chứng kiến số người trở lại thờ TRỜI gia tăng đáng kể trong những thập kỷ qua. Còn chúng ta thì sao?

Chiến lược nào để có 50% người Việt trở lại thờ TRỜI? Câu hỏi này không chỉ dành cho các Hội Truyền Giáo, Các Mục sư, Giáo sĩ mà cũng dành cho tất cả chúng ta. Nếu có một hội đồng được triệu tập để thảo luận câu hỏi này, bạn có tham dự không?

Ngài bèn phán cùng môn đồ rằng: Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít. Vậy, hãy cầu xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình. Ma-thi-ơ 9:37-38.

Mục sư Phạm Hơn

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên