Trang Chủ LỜI CHỨNG CÁ NHÂN Phước Hạnh Của Người Cao Tuổi

Phước Hạnh Của Người Cao Tuổi

737
0
SHARE

Họ vẫn còn sanh bông trái dù tuổi đã cao
Thi thiên 92:14

 

Nhìn lại hơn năm mươi năm trong chức vụ, vợ tôi và tôi cảm tạ Đức Chúa Trời về những thánh đồ lớn tuổi đã khích lệ chúng tôi trong chức vụ. Bây giờ chúng tôi là những người lớn tuổi tiếp tục khích lệ thế hệ trẻ hơn. Chúng tôi đã bắt đầu chức vụ từ khi còn rất trẻ, và nếu không có những thánh đồ lớn tuổi như Si-mê-ôn và An-ne giúp đỡ, chúng tôi đã sớm kết thúc chức vụ mình. Chúng ta tìm thấy Si-mê-ôn và An-ne trong Lu-ca 2:25-38, khi họ gặp Giô-sép, Ma-ri và Ấu Chúa trong đền thờ. Cuộc gặp gỡ này không phải là một sự tình cờ; nó giống như một cuộc hẹn. Ma-ri và Giô-sép đang vâng lời Chúa (Lu-ca 2:22-24, 27, 39) và Đức Chúa Trời đang hướng dẫn họ (Châm ngôn 6:20-23).

Bác sĩ Lu-ca viết về An-ne là một góa phụ “đã cao tuổi lắm” (Lu-ca 2:36). Bản Kinh Thánh NIV ghi chú bên lề nói rằng bà là một góa phụ trong tám mươi bốn năm. Nếu như hầu hết các thiếu nữ Do Thái kết hôn từ tuổi mười lăm và bà An-ne cũng như vậy. Và nếu bà đã có bảy năm sống với chồng, thì khi gặp Ấu Chúa bà đã một trăm lẻ sáu tuổi, như vậy bà phải là một người “cao tuổi lắm.” Bản Kinh Thánh Tiếng Việt đề cập đến An-ne rõ ràng hơn: “bà tiên tri An-ne, con gái của Pha-nu-ên, về chi phái A-se, đã cao tuổi lắm. Từ lúc còn đồng trinh đã ở với chồng được bảy năm; rồi thì ở góa. Bấy giờ đã tám mươi bốn tuổi, chẳng hề ra khỏi đền thờ, cứ đêm ngày hầu việc Đức Chúa Trời, kiêng ăn và cầu nguyện” (Lu-ca 2:36-37).

Đối với Si-mê-ôn, chúng ta không có nhiều thông tin về tuổi của ông, mặc dù nhiều người đều cho rằng ông cũng là một người cao niên. Truyền thuyết của người Do Thái nói rằng tuổi của ông là một trăm mười ba. Lời cầu nguyện của ông, “bây giờ xin cho tôi tớ Chúa được qua đời bình an” hàm ý rằng ông đã cao tuổi, vì một người trẻ tuổi hiếm khi cầu nguyện theo ý tưởng đó. Tôi có ấn tượng rằng Si-mê-ôn đã rất kiên nhẫn chờ đợi trong nhiều năm cho đến khi ông được diện kiến Vua của muôn vua. Và phong cách đó của ông làm chúng ta được thuyết phục rằng ông là một thánh đồ lớn tuổi. Si-mê-ôn không phải là thầy tế lễ, nhưng lời cầu nguyện của ông giống như lời cầu nguyện của một trưởng lão tin kính.

Bất luận tuổi tác của hai người trên đây như thế nào, họ vẫn là những tấm gương tốt cho chúng ta noi theo. Những thánh đồ lớn tuổi, họ vẫn còn sanh bông trái. Kinh Thánh xác nhận: “Những kẻ được trồng trong nhà Đức Giê-hô-va. Sẽ trổ bông trong hành lang của Đức Chúa Trời chúng ta.  Dầu đến buổi già bạc, họ sẽ còn sanh bông trái. Được thạnh mậu và xanh tươi” (Thi. 92:13-14). Nếu đi theo khuôn mẫu của Si-mê-ôn và An-ne, chúng ta cũng sẽ có những trải nghiệm phước hạnh tương tự giống như họ bất luận tuổi tác của chúng ta như thế nào.

SỐNG Ở THÌ TƯƠNG LAI

Khuynh hướng của những người lớn tuổi là hoài niệm về quá khứ, chúng ta gọi là nhớ về “những ngày xưa tốt đẹp.” Tôi có một quyển sách trong tủ có tựa đề “Những Ngày Xưa Tốt Đẹp Không Phải Là Tốt Hết.”  Trong đó tác giả viết về hệ thông chăm sóc y tế, đường sá, truyền thông, chăm sóc người già để chứng minh cho quan điểm của ông. Đôi khi những lĩnh vực đó thật kinh hoàng so với ngày nay. Sự thật là có nhiều điều trong quá khứ đọng lại trong ký ức của chúng ta, nhưng cũng có nhiều điều hơn – chúng ta không còn nhớ.  Chúng ta có thể học các bài học từ lịch sử và áp dụng những kinh nghiệm quí báu trong quá khứ, nhưng rõ ràng chúng ta không thể sống trong quá khứ.

Si-mê-ôn và An-ne không nhìn lui về quá khứ. Họ đang nhìn tới tương lai. Si-mê-ôn đang “trông đợi sự yên ủi dân Y-sơ-ra-ên” (Lu-ca 2:25) và bà An-ne thuộc về một nhóm nhỏ của những người “trông đợi sự giải cứu của thành Giê-ru-sa-lem” (Lu-ca 2:38). Tình trạng thuộc linh của tuyển dân rất nguội lạnh tại thời điểm đó. Nhưng vẫn có những con người thầm lặng tin vào lời hứa của Đức Chúa Trời và đang trông đợi đấng Mê-si đến trong cuộc đời của họ. Đức Chúa Trời đã phán với Si-mê-ôn rằng ông sẽ thấy Đấng Christ trước khi chết. Đó là một lời hứa kỳ diệu!

Hy vọng là một trong những sức mạnh vĩ đại nhất trong tấm lòng con người. Hy vọng về một cuộc sống tốt hơn sẽ giúp cho các công nhân tiếp tục làm việc. Hy vọng hòa bình giữa các quốc gia giữ cho các nhà ngoại giao đàm phán. Hy vọng tìm ra vác-xin chữa khỏi bệnh tật giúp các nhà khoa học trong phòng thí nghiệm tiếp tục nghiên cứu. Thế giới ngoại bang hy vọng vào triết học, giáo dục và nói rằng mọi thứ sẽ tốt hơn khi con người có nó, nhưng thực ra họ không có  căn bản cho điều họ gọi là “hy vọng.” Là Cơ đốc nhân, hy vọng hay sự trông cậy của chúng ta ở trong Christ. “Đức Chúa Jêsus Christ là sự trông cậy chúng ta” (1 Ti-mô-thê 1:1). Si-mê-ôn và An-ne hy vọng vào sự hiện đến lần thứ nhất của Đấng Christ. Và niềm hy vọng đó đã nhận được phần thưởng. Chúng ta hiện nay đang hy vọng vào sự hiện đến lần thứ hai của Đấng Christ. Cơ đốc nhân “đương chờ đợi sự trông cậy hạnh phước của chúng ta, và sự hiện ra của sự vinh hiển Đức Chúa Trời lớn và Cứu Chúa chúng ta, là Đức Chúa Jêsus Christ” (Tít 2:13). Và lời hứa của Chúa không bao giờ mất hiệu lực. Vì vậy, chúng ta hãy sống trong thì tương lai.

Một trong những phương cách tốt nhất để chúng ta sống trong thì tương lai là đầu tư cho thế hệ trẻ và chia sẻ với chúng những gì Đức Chúa Trời đã dạy chúng ta. Khi đọc sách Thi thiên, hãy chú ý đến cụm từ “dòng dõi sẽ đến” trong  các Thi thiên 48:13; 71:18; 78:4, 6; 79:13; 102:18; và 145:4. Và đừng quên lời dạy của sứ đồ Phao-lô dành cho Ti-mô-thê là phải chuyển giao các giá trị thuộc linh cho thế hệ tiếp theo. “Những điều con đã nghe nơi ta ở trước mặt nhiều người chứng, hãy giao phó cho mấy người trung thành, cũng có tài dạy dỗ kẻ khác” (2 Ti-mô-thê 2:2)

Chúng ta cũng lưu ý rằng sống ở thì tương lai là nhìn về tương lai đến cõi đời đời, nhưng điều này không có nghĩa là bỏ quên những trách nhiệm trong thì hiện tại.

 

TIN CẬY VÀO NHỮNG LỜI HỨA CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Đức Chúa Trời hứa với Si-mê-ôn rằng ông sẽ không chết cho đến khi nhìn thấy Đấng Christ, và Si-mê-ôn đã công bố lời hứa đó. Chúa cũng bày tỏ cho góa phụ An-ne là Đấng Cứu Chuộc sẽ đến sớm, và bà đã cầu nguyện, thờ phượng trong đền thờ cho đến khi lời hứa của Chúa thành hiện thực. Các lời hứa của Chúa không phải là những phao cứu sinh chỉ được sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp, nhưng đó là những tảng đá vững chắc để chúng ta bước lên đi qua những cồn cát của thế giới này từng ngày. Các lời hứa của Chúa đặt nền tảng trên các thuộc tính không thay đổi của Ngài, và chúng không bao giờ mất hiệu lực. Thầy giảng Tin Lành D. L. Moody đã từng nói, “Thiên Chúa không bao giờ ban cho một lời hứa quá xa vời đến nỗi nó không thể thành hiện thực.” Nếu chúng ta tin lời đó, hãy công bố nó và bước đi bởi đức tin cho đến khi lời hứa của Ngài trở thành hiện thực trong cuộc sống của chúng ta.

Nhiều tín hữu lớn tuổi có nhiều sự tin cậy vào bản tin dự báo thời tiết hơn là những lời hứa của Chúa, và họ dành nhiều thời gian để theo dõi các bản tin từ trung tâm khí tượng hơn là đọc Lời Đức Chúa Trời. Khi Chúa Giê-su làm Chủ, tương lai sẽ trở thành người bạn của chúng ta. Và chìa khóa đi đến tương lai là tin vào các lời hứa của Đức Chúa Trời. Vance Havner đã nói, “các lời hứa của Chúa là tấm ngân phiếu được đổi thành tiền mặt, không phải là câu châm ngôn treo trên tường.” Chúng ta có tin như vậy không?

 

TẬP CHÚ VÀO CHÚA GIÊ-SU CHRIST

Cả hai người Si-mê-ôn và An-ne đều dành thời gian thờ phượng, cầu nguyện trong đền thờ bởi vì họ đang chờ đợi để gặp Đấng Mê-si. Khi Si-mê-ôn nhìn thấy Ấu Chúa, ông bồng ẵm Ngài trên tay và dâng lên một bài ca ngợi. Khi An-ne nhìn thấy Ngài, bà tạ ơn Đức Chúa Trời và đi ra ngoài nói với các bạn hữu rằng Đấng Mê-si đã đến.

Hai vị thánh đồ cao niên này dễ dàng tập trung vào nỗi đau, sự thất vọng của họ với triều đại của Hê-rốt Đại đế độc ác, hay sự đau buồn của họ đối với tình trạng thuộc linh của chức tư tế và sự suy đồi của các chức vụ trong đền thờ. Thay vì vậy họ đã tập chú đôi mắt và tấm lòng của họ vào lời hứa về một Đấng Mê-si sẽ đến. Và Đức Chúa Trời đã không làm họ thất vọng. Các hội thánh và các mục sư không hoàn hảo (và sẽ không bao giờ hoàn hảo cho đến ngày Chúa đến), những đau nhức trong cơ thể nhắc những người lớn tuổi rằng họ đang trở nên già đi. Tình hình chính trị dường như càng ngày càng xấu đi, rồi dịch bệnh cũng lan ra, nhưng Đức Chúa Trời vẫn đang ngồi trên ngôi. Cơ đốc nhân phải tập chú vào: “Đức Chúa Jêsus, là cội rễ và cuối cùng của đức tin… hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 12:2).

Nếu các thánh đồ cao tuổi không còn hưng phấn với các bài giảng ngày hôm nay, có thể vì họ muốn nghe loại sứ điệp về Chúa Giê-su và thập tự giá. Trong những năm gần đây, tôi có nghe các bài giảng mà không hề đề cập đến Chúa Giê-su dù chỉ một lần.Tuy nhiên chúng vẫn được giảng ra, và các diễn giả thì cho rằng giảng như họ mới là chính thống. Tôi cũng nghe một số bài hát trong các nhà thờ mà lời của nó không nói gì đến mối liên hệ của hội thánh với Chúa Giê-su. Spurgeon đã từng nói, “Một bài giàng từ bắt đầu cho đến khi kết thúc không có Christ là một sai lầm trong quan niệm và là một tội ác trong mục vụ.” Tôi đồng ý với lời này.

TÔN VINH CHÚA TRONG MỖI TÌNH HUỐNG

Bài ca của Si-mê-ôn là bài ca thứ năm và cuối cùng mà bác sĩ Lu-ca đã ghi lại trong sách của ông. Tác giả bắt đầu với bài ca của Ê-li-sa-bét trong Lu-ca 1:41-45. Tiếp sau đó là bài ca của Ma-ri trong Lu-ca 2:46-55. Kế đến là bài ca cua thầy tế lễ Xa-cha-ri trong Lu-ca 1:67-79. Và bài ca thứ tư là của các thiên sứ hiện ra với các người chăn chiên ngoài đồng trong đêm Cứu Chúa hạ sinh (Lu-ca 2:13-14). Các thánh lễ trước lễ giáng sinh nên được đổ đầy những bài ca ngợi khen này.

Bài ca của Si-mê-ôn truyền cảm hứng cho chúng ta trong giờ thờ phượng. Hãy bắt đầu với bài thánh ca tôn vinh Đức Chúa Trời tối cao trên hoàn vũ (Lu-ca 2:28-29). Si-mê-ôn nhìn biết chính bản thân là một tôi tớ hèn mọn của một Đức Chúa Trời toàn năng, và điều này đem đến cho ông sự bình an và vui mừng. C. H. Spurgeon đã giảng cho hội chúng vào ngày 4 tháng 5 năm 1856, “Không có thuộc tính nào của Đức Chúa Trời đem tới sự khích lệ nhiều hơn đến dân sự Chúa cho bằng giáo lý về Quyền Tối Thượng Của Đức Chúa Trời.” Và rồi ông nói thêm, “Con người sẽ cho phép Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, ngoại trừ trên ngai của Ngài.”2

Chúng ta gọi bài thánh ca này là bài ca Phúc Âm vì Si-mê-ôn đã nhìn thấy sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Tên gọi Giê-su có nghĩa Đấng Cứu Rỗi. Giờ đây Si-mê-ôn sẵn sàng chết vì ông đã gặp Cứu Chúa. Con người sẽ không sẵn sàng để chết cho đến khi họ nhìn thấy Chúa Giê-su trong Kinh Thánh và tin cậy Ngài! Si-mê-ôn cũng hát một bài ca về truyền giáo, vì sự cứu rỗi này dành cho tất cả mọi người, không phân biệt người ngoại bang hay dân Israel (Lu-ca 2:31-32). Các quốc gia ngoại bang đang ở trong sự tối tăm (Ma-thi-ơ 4:15-16) trong khi tuyển dân Israel đánh mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.

Si-mê-ôn công bố lời tiên tri với Ma-ri: “Đây, con trẻ nầy đã định làm một cớ cho nhiều người trong Y-sơ-ra-ên vấp ngã hoặc dấy lên, và định làm một dấu gây nên sự cãi trả;  còn phần ngươi, có một thanh gươm sẽ đâm thấu qua lòng ngươi. Ấy vậy tư tưởng trong lòng nhiều người sẽ được bày tỏ. (Lu-ca 2:34-35). Tấm lòng của con người sẽ bày ra khi tiếp xúc với lẽ thật. Một số người sẽ chống trả Chúa Giê-su, trong khi một số khác tin cậy Ngài. Khi Chúa Giê-su bị giết chết trên thập tự, một thanh gươm sẽ đâm thấu vào lòng của Ma-ri. Sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời dành cho con người đã được Chúa Giê-su hoàn tất bằng chính mạng sống của Ngài.

CHO PHÉP ĐỨC THÁNH LINH HƯỚNG DẪN CHÚNG TA

Si-mê-ôn có “Đức Thánh Linh ngự trên” ông (Lu-ca 2:25) và ông cũng được Thánh Linh tỏ cho biết ông sẽ sống cho đến khi nhìn Đấng Mê-si đến theo lời hứa (Lu-ca 2:26). Đức Thánh Linh hướng dẫn ông gặp Ấu Chúa trong đền thờ (Lu-ca 2:27). An-ne là một tiên tri (Lu-ca 2:36). Điều này có nghĩa Đức Thánh Linh hiện diện và vận hành trong đời sống, chức vụ của bà. Được hướng dẫn bởi Đức Thánh Linh, An-ne cũng đến trong đền thờ đúng lúc Đấng Mê-si xuất hiện. Thánh Linh cũng ban cho bà sau đó làm chứng cho người khác về Đấng Christ đã đến (Lu-ca 2:38; Công vụ 1:8).

Có một lần tôi nghe J. Sidlow Baxter nói, “Bất cứ điều gì bắt đầu với Đức Thánh Linh luôn luôn dẫn tới Christ Jesus.” An-ne và Si-mê-ôn đang tiếp tục bước đi trong Thánh Linh (Ga-la-ti 5:25) và vì vậy họ đến với Chúa Giê-su trong đền thờ. Nếu bước đi trong Thánh Linh, chúng ta sẽ nhìn thấy Chúa Giê-su trong Kinh Thánh, nhìn thấy Chúa Giê-su trong đời sống của dân sự Chúa, và thậm chí nhìn thấy Chúa Giê-su trong những trải nghiệm, hoàn cảnh khó khăn. Đức Thánh Linh cũng ban cho chúng ta quyền năng để làm chứng cho Phúc âm của Chúa Giê-su Christ, ngay cả khi con người không muốn nghe.

Sứ đồ Giăng khi tuổi đã cao viết, “nhằm ngày của Chúa, tôi được Đức Thánh Linh cảm hóa” (Khải. 1:10) và sau đó ông nhìn thấy các khải tượng lớn về Chúa Giê-su! Thị lực của ông có thể bị mờ, tuy nhiên những gì ông thấy trong khải tượng thì rất rõ ràng. Nhiều người đọc sách Khải huyền nhìn thấy các bày tỏ ẩn giấu liên quan đến các biến cố tương lai và sự vinh hiển của Chúa Giê-su. Càng hiểu biết về Chúa, chúng ta càng trở nên yêu mến Ngài và giống như Ngài. Lúc đó tự nhiên chúng ta thích chia sẻ Ngài cho người khác.

LÀM CHỨNG VỀ CHRIST CHO ĐẾN NGÀY CUỐI CÙNG

Nếu sự cứu rỗi bởi ân điển của Đức Chúa Trời dành cho tất cả mọi người (Lu-ca 2:30-31), khi đó chúng ta phải học tập bắt chước Si-môn và An-ne để nói cho nhiều người biết về Chúa Giê-su. Khi gặp nhau với một số bạn thân của chúng ta, hay khi chúng ta thảo luận về các đau đớn và những đơn thuốc, chúng ta hãy tìm cách nói ra một lời cho Chúa Giê-su. Khi nhóm lại chung với các thánh đồ, hãy “trổ bông trong hành lang của Đức Chúa Trời….. đến buổi già bạc, vẫn còn sanh bông trái” (Thi thiên 92:13, 15). Không có ai đi đến nhà thờ rồi nói rằng “Chúa, Chúa” thì sẽ được tái sinh. Và lời chứng của chúng ta sẽ làm thức tỉnh một số người.

Người ta không biết chắc là An-ne và Si-mê-ôn có sở hữu bất kỳ tài sản nào hay không, nhưng nhiều quản gia lớn tuổi của Đức Chúa Trời đang vui hưởng sự an ninh về tài chính, và họ nên chia sẻ tài chánh của họ với các hội truyền giáo đang vươn ra tìm kiếm các linh hồn lạc mất. Chúng ta không thể hỗ trợ tất cả mọi người, vì vậy phải cầu hỏi Chúa để biết chức vụ nào mà Ngài muốn chúng ta hỗ trợ. Cầu nguyện để có sự khôn ngoan trong việc quản lý và phân phối của cải, bởi vì chúng ta không được lãng phí tiền bạc mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta. “Di chúc và ý muốn cuối cùng” cũng là “lời chứng và chúc thư cuối cùng” của chúng ta. Vì vậy hãy bảo đảm rằng Chúa Giê-su cũng có phần trong chúc thư đó. Hãy giống như vua Đa-vít, khi đã bảy mươi tuổi ông dâng hiến những gì ông có để chuẩn bị xây dựng một đền thờ cho thế hệ tương lai.

Bất luận bạn đang ở trong lứa tuổi nào, hãy dành thì giờ đọc Thi thiên 92:12-15, và tự hỏi chính mình: “Đây có phải là sự mô tả về đời sống Cơ đốc của tôi?”

Warren W. Wiersbe
Translated by Hon Pham

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên