Trang Chủ TRANG CHỦ Phán Xét Người Khác?

Phán Xét Người Khác?

469
0
SHARE

Thầy ơi cho tôi hỏi:

 CƠ ĐỐC NHÂN NÊN PHÁN XÉT NGƯỜI KHÁC?

Trả lời: 

Động từ judge (xét đoán) được Oxford Dictionary định nghĩa: to form an opinion about sth/sb, based on to the  information  you have (đưa ra ý kiến về một điều nào đó/ một người nào đó dựa trên những thông tin mà bạn có.)

Nhiều tín hữu cho rằng: “Thật là sai lầm khi phán xét người khác” hay “nếu bạn đặt quan điểm đánh giá của bạn lên người khác thì đó là một sai lầm.” Và họ trưng dẫn Ma-thi-ơ 7:1-5.

matt7.1

Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa mà ở đó quan điểm Không Phán Xét trở nên khá thịnh hành. Chúng ta nên hiểu ngữ cảnh khi Chúa Jesus nói về chủ đề này. Khi Chúa đối diện với người Pha-ri-si là những kẻ giả hình, Ngài thực sự lên án và phán xét họ. Nếu Không Phán Xét được chấp nhận, khi đó quan tòa và cảnh sát sẽ không có việc làm. Tuy nhiên chỉ duy nhất Đức Chúa Trời biết động cơ bên trong của con người khi họ hành động. Còn chúng ta có thể thấy những hành động bên ngoài.

Kinh Thánh cho chúng ta nhiều minh họa về việc xét đoán người khác. Nếu chúng ta không phán xét người khác, khi ấy sẽ không có hình phạt cho những tội ác bao gồm cướp của, giết người và nhiều tội trọng khác. Thật ra Kinh Thánh tuyên bố: “người thuộc linh xét đoán mọi sự.” (1 Côr. 2:15). Sự phán xét đúng (công bố rằng hành vi đó là đúng) cần thiết cho những hành động đúng. Cha mẹ không thể là những người ngay thẳng đúng đắn nếu không có sự phán xét đúng về các hành vi của con cái mình. Điều này cũng đúng đối với các người lãnh đạo.

05-may-6-2012-philippians-chapter-3-verses-20-62-728

Sứ đồ Phao-lô dạy cho Hội thánh Cô-rinh-tô, “Anh em há chẳng biết các thánh đồ sẽ xét đoán thế gian sao? Ví bằng thế gian sẽ bị anh em xét đoán, thì anh em há chẳng đáng xét đoán việc nhỏ mọn hơn sao? Anh em chẳng biết chúng ta sẽ xét đoán các thiên sứ sao? Huống chi việc đời nầy!” (1 Côr. 6:2-3)

Những ai nói rằng không nên phán xét người khác là trái ngược với tổng quan của Kinh Thánh. Vậy thì, phán xét các hành động của con người là cần thiết cho chúng ta, nhưng phán xét động cơ của những hành động đó – hãy để cho Đức Chúa Trời.

ÁP DỤNG:

Điều quan trọng phải nhớ TRỜI là quan án công bình, còn chúng ta thì không. Càng nhận thức rõ điều này chúng ta càng thận trọng hơn khi phán xét người khác. Hãy tập chú tâm trí vào Lời Đức Chúa Trời và áp dụng lẽ thật này cho đời sống bạn. Nếu làm vậy sự phán xét của bạn sẽ không ngừng được cải thiện và cách mà bạn phán xét người khác sẽ được tiến hành trong tình yêu thương.

KINH THÁNH THAM KHẢO:

Ma-thi-ơ 7:1-5; Giăng 7:24; 1 Cô-rin-tô 2:15; 6:3; Ga-la-ti 6:1; Gia-cơ 4:12;

Sách tham khảo:

The Bible’s Answer  To 100 of Life’s Biggest Questions, by Norman L. Geisler and Jason Jimenez

Love Neighbor: Thinking Wisely about Right and Wrong, by Norman  L. Geisler  and Ryan Snuffer.

-Bải đọc thêm:

1 Cô-rinh-tô 2:15
Nhưng người có tánh thiêng liêng xử đoán mọi sự, và chính mình không bị ai xử đoán. (Bản phổ thông 1930).
Nhưng, người có Thánh Linh thì xét đoán mọi sự, còn chính người ấy thì không bị ai xét đoán. (Bản hiệu đính 2010).

1 Corinthians 2:15

The person with the Spirit makes judgments about all things, but such a person is not subject to merely human judgments, NIV

Câu này có nghĩa là với sự soi sáng của Đức Thánh Linh, các Cơ-đốc nhân trưởng thành có khả năng hiểu được những vấn đề của thế giới vật chất  và thế giới thần linh, nhưng những người không có Đức Thánh Linh ngự bên trong thì không thể hiểu được những Cơ-đốc nhân này.

Mặc dù những Cơ-đốc nhân trưởng thành đang ở trong thế gian về mặt thể chất, nhưng theo một nghĩa nào đó, họ đã chết đối với các đường lối của thế gian, kể cả luật pháp và đạo đức do con người quy định. Đó là bởi vì họ đang sống: (1) một đời sống thiêng liêng đầy ân sủng từ Đấng Christ, và (2) một cuộc sống vĩnh cửu thoát khỏi mọi ảnh hưởng của văn hóa thế tục và ở trong mối thông công với Đức Chúa Cha.

Thật không may, câu này có thể gây nhầm lẫn rộng rãi giữa vòng  cộng đồng Cơ đốc. Việc xem xét câu này trong bối cảnh phần còn lại của bức thư của Phao-lô cho thấy rằng  Phao-lô đang nói với những tín đồ vẫn còn con trẻ và đang lớn lên trong đức tin.

 “Người có Thánh Linh…”

Điều này đề cập đến những Cơ đốc nhân trưởng thành, trái ngược với những Cơ đốc nhân là “con đỏ trong Đấng Christ” (1 Cô-rinh-tô 3:1) là những Cơ đốc nhân chưa trưởng thành. Đối với những Cơ đốc nhân chưa trưởng thành đó, Phao-lô nói rằng ông đã cho họ ăn sữa chứ không cho đồ ăn đặc vì họ còn xác thịt và chưa có khả năng phân biệt  điều lành, điều dữ (1 Cô-rinh-tô 3:2) cũng giống như trẻ sơ sinh phải được cho uống sữa trước khi đủ trưởng thành để ăn thức ăn đặc. Ở đây, những Cơ-đốc nhân trưởng thành này được thánh hóa và có tâm trí thuộc linh (Rô-ma 8:6), hoặc họ đã nhận được những điều mặc khải thiêng liêng  và đặt niềm tin của họ vào những điều mặc khải này.

Xét đoán mọi sự

Một Cơ đốc nhân trưởng thành có khả năng thẩm định hoặc xem xét các vấn đề của thế giới con người, bởi vì Chúa Thánh Linh ngự bên trong và làm chủ người đó. Một Cơ-đốc nhân như vậy có thể hiểu biết Kinh Thánh một cách rõ ràng, đồng thời xác định xem ai đó có rao giảng lẽ thật của Đức Chúa Trời hay không. Điều này là do Cơ Đốc nhân trưởng thành có tâm trí của Đấng Christ, và tâm trí của Đấng Christ chính là tâm trí của Đức Chúa Trời (1 Cô-rinh-tô 2:16).

Chính người ấy thì không bị ai xét đoán
Không ai trên thế gian này, những người dựa trên kiến thức khoa học và lý trí, có thể hiểu hoặc đánh giá đúng đắn một Cơ đốc nhân trưởng thành. Một người không có Đức Thánh Linh ngự trong mình cũng không thể hiểu được những điều thuộc linh, bởi vì người đó là người xa lạ với các nguyên tắc của sự sống thần thượng (Cô-lô-se 3:3). Người chưa được tái sanh nhờ ơn cứu chuộc của Chúa Giê-su Christ thì hoàn toàn không có khả năng xét đoán người thuộc linh.

Bài học cho chúng ta

Không có câu Kinh thánh nào được thiết kế để đọc mà không có ngữ cảnh. Một số câu rất dễ bị hiểu sai hoặc lạm dụng khi bị cắt khỏi văn bản xung quanh chúng. Câu này trình bày mối nguy hiểm đó.

Phao-lô đã viết rằng chỉ những người được Đức Thánh Linh trợ giúp mới có khả năng hiểu được những điều thuộc linh, bao gồm cả kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời thông qua đức tin vào Đấng Christ bị đóng đinh (1 Cô-rinh-tô 2:14). Tuy nhiên những người không được Thánh Linh giúp đỡ đơn giản là không thể hiểu được lẽ thật tâm linh. Họ có thể nắm bắt mọi thứ bằng trí tuệ (Rô-ma 1:18–23; Gia-cơ 2:19), nhưng điều đó không có nghĩa là họ có sự hiểu biết thuộc linh. Họ không có mối liên kết với Đức Chúa Trời. Họ không có khả năng hiểu hoặc tin bất cứ điều gì trong lĩnh vực tâm linh (Ê-sai 55:8–9).

Từ được dịch là “xét đoán” ở đây có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp là anakrino. Điều này có liên quan, nhưng không đồng nhất với từ được sử dụng khi Chúa Giê-su dạy “đừng phán xét” trong Ma-thi-ơ 7:1. Trong ngữ cảnh của 1 Côr.2:15, ý nghĩa của nó là “đánh giá, xem xét”.  Phao-lô muốn nói rằng một người thuộc linh, được ban cho khả năng nhìn và hiểu những điều thuộc linh, có thể xem xét mọi thứ. Nghĩa là, những người thuộc linh có thể đánh giá cả những thứ thuộc thế giới vật chất, được trí tuệ con người biết đến, và những thứ thuộc linh chỉ được biết với sự trợ giúp của Thánh Linh Đức Chúa Trời.

Vì lý do tương tự, con người tự nhiên không thể hiểu một cách chính xác các lẽ thật thuộc linh bởi những người không có sự trợ giúp của Chúa Thánh Linh. Những người không tin Chúa không thể nào hiểu được những nguyên lý của đời sống Cơ đốc.

 Những người thuộc linh, những người có Thánh Linh của Đức Chúa Trời, có khả năng áp dụng câu Kinh Thánh này: “Đừng xét đoán theo bề ngoài, nhưng hãy xét đoán theo lẽ công chính” (Giăng 7:24), vì họ nhìn thấy rõ ràng cả thực tại vật chất lẫn tinh thần. 

Tuy nhiên người thuộc linh hay người có Thánh Linh -không phải là một tấm bằng tốt nghiệp, mà đây là một tiến trình liên tục ở trong mối liên kết với Đức Chúa Trời. Khi đi ra ngoài mối liên kết đó, thì người thuộc linh trở thành người xác thịt (sống theo tư dục xác thịt) và bị phán xét.   

Chúng ta thử nhìn vào 2 trường hợp sau:
1/Đa-vít bị tiên  tri Na-than lên án và đưa ra phán xét sau khi nhà vua phạm tội tà dâm và giết người. Câu chuyện như sau: 

 Đức Giê-hô-va sai Na-than đến với Đa-vít. Ông đến nói với vua: “Trong một thành kia có hai người, một người giàu và một người nghèo.  Người giàu thì có rất nhiều chiên bò,  nhưng người nghèo thì chẳng có gì ngoài một con chiên cái nhỏ mà người ấy đã mua được. Ông ta nuôi nó lớn lên bên ông cùng với con cái của ông. Nó ăn thức ăn, uống thức uống của ông và ngủ trong lòng ông. Nó như con gái của ông ta vậy.  Một hôm, có một người khách đến thăm người giàu. Người giàu tiếc của, không muốn bắt chiên bò của mình để dọn một bữa ăn đãi khách, nhưng lại bắt con chiên con của người nghèo và dọn cho người khách đã đến thăm ông.”  Đa-vít rất tức giận người giàu ấy, và nói với Na-than: “Thật như Đức Giê-hô-va hằng sống, người đã làm điều nầy quả đáng chết! Hắn phải bồi thường bốn lần giá chiên con, vì đã làm điều nầy và vì không có lòng thương xót.”

 Bấy giờ, Na-than nói với Đa-vít: Bệ hạ chính là người đó! 2 Sa-mu-ên 12:1-7. 
Trong câu chuyện này, Na-than là người đứng ra phán xét Đa-vít. Và rõ ràng sự phán xét đó là công bình, được Kinh Thánh hậu thuẫn.

2/Phi-e-rơ bị Phao-lô khiển trách/phán xét về tội giả hình. Chúng ta đọc Ga-la-ti 2:11-14:

 Nhưng khi Phi-e-rơ đến thành An-ti-ốt, tôi có phản đối anh ấy tận mặt, bởi vì anh ấy đáng trách.  Vì trước khi mấy kẻ từ Gia-cơ chưa đến thì anh ấy ăn với người ngoại. Nhưng khi họ đã đến thì anh ấy rút lui, tự phân rẽ mình ra, sợ họ là những kẻ chịu cắt bì.  Những người Do-thái khác cũng cùng giả hình như vậy với anh ấy, đến nỗi Ba-na-ba cũng bị lôi cuốn theo sự giả hình của họ.  Nhưng khi tôi thấy họ không đi ngay thẳng theo lẽ thật của Tin Lành, tôi đã nói với Phi-e-rơ trước mọi người: Nếu anh là người Do-thái, mà sống theo cách của người ngoại, không theo cách của người Do-thái, thì làm sao anh khiến các dân ngoại trở thành người Do-thái? 

Việc này xảy ra khi Phi-e-rơ (cũng được gọi là Sê-pha) tách mình ra khỏi những người ngoại bang (Gal. 2:11-12). Trước đó, ông vẫn vui vẻ thông công với họ. Nhưng khi có một số người Do Thái đến, họ là những người quả quyết rằng những người tin Đấng Christ phải chịu cắt bì, thì Phi-e-rơ rút lui, không giao du với những người ngoại chưa cắt bì nữa. Điều này cho thấy ông quay lại với luật pháp Môi-se, là điều nguy hiểm. Phao-lô đã gọi cách hành xử của Phi-e-rơ là “giả hình” (c.13).Qua sự thẳng thắn của Phao-lô, vấn đề đã được giải quyết. Phi-e-rơ tiếp tục phục vụ Chúa trong tinh thần hiệp một mà Ngài muốn.

Từ 2 minh họa này, chúng ta thấy rõ bài học mà Chúa muốn dạy.

Mục sư Phạm Hơn biên soạn phần trên đây.

Có một website Cơ đốc giải đáp các câu hỏi khá chuẩn mực. Chúng ta đọc thêm một bài tham khảo khác từ trang web này.

Một lần nữa, hãy để Kinh Thánh trả lời câu hỏi này.  

Câu hỏi: “Kinh Thánh giải thích thế nào về việc chúng ta không được phán xét người khác?

Trả lời:  Điều răn của Đức Chúa Giê-xu không được phán xét người khác được trích dẫn nhiều nhất trong các câu nói của Ngài, mặc dù điều này hầu như được trích dẫn trong những hoàn cảnh điều kiện không liên quan. Đây là lời phán của Chúa Giê-xu: “Các ngươi đừng đoán xét ai, để mình khỏi bị đoán xét” (Ma-thi-ơ 7:1). Nhiều người sử dụng câu này trong một sự cố gắng để im lặng trước những lời chỉ trích, giải thích ý Chúa Giê-xu muốn nói là “Bạn không có quyền nói tôi là tôi sai.” Xét riêng ra, điều răn của Chúa Giê-xu “Đừng đoán xét” thực sự có vẻ là để ngăn chặn tất cả các đánh giá tiêu cực. Tuy nhiên, vẫn có nhiều đoạn Kinh Thánh còn dài hơn chỉ ba chữ đó.

Điều răn của Kinh Thánh nói rằng chúng ta không được đoán xét người khác không có nghĩa là chúng ta không thể chứng minh sự nhận thức của mình. Ngay sau khi Chúa Giê-xu nói, “Đừng đoán xét,” Ngài nói, “Đừng cho chó những đồ thánh, và đừng quăng hột trai mình trước mặt heo” (Ma-thi-ơ 7:6). Một lần nữa trong cùng một bài giảng, Ngài phán “Hãy coi chừng tiên tri giả…Các ngươi nhờ những trái nó mà nhận biết được” (câu 15-16). Làm thế nào để phân biệt được ai là “chó” và “heo” và “những tiên tri giả” trừ khi chúng ta có khả năng đưa ra được những xét đoán về giáo lý và hành động? Chúa Giê-xu cho phép chúng ta nói điều nào đúng và điều nào sai.

Ngoài ra, điều răn của Kinh Thánh nói chúng ta không đoán xét người khác không có nghĩa là tất cả các hành động là đạo đức như nhau hay sự thật đó là tương đối. Kinh Thánh dạy rõ ràng rằng lẽ thật rất khách quan, vĩnh cửu, và không thể tách rời khỏi đặc tính của Đức Chúa Trời. Bất cứ điều gì mâu thuẫn với sự thật đều là một lời dối trá – nhưng, dĩ nhiên, để gọi điều gì đó là lời “dối trá” là để thoát khỏi sự phán xét. Coi tội ngoại tình hoặc giết người là tội lỗi cũng là để vượt qua sự phán xét – nhưng cũng là để đồng ý với Đức Chúa Trời. Khi Chúa Giê-xu phán rằng chớ đoán xét người khác, Ngài không có ý nói là không ai có thể nhận diện tội lỗi là gì, dựa trên định nghĩa của Thiên Chúa về tội lỗi.

Và điều răn của Kinh Thánh mà chúng ta không được đoán xét người khác không có nghĩa là không có cơ chế để xử lý tội lỗi. Kinh Thánh có cả một sách mang tên Các Quan Xét. Các Quan Xét trong Cựu Ước đã được chính Đức Chúa Trời dựng lên (Các Quan Xét 2:18). Hệ thống tư pháp hiện đại, bao gồm các quan xét, là một bộ phận cần thiết của xã hội. Khi nói, “Đừng đoán xét,” Chúa Giê-xu không nói, “Mọi thứ được bỏ qua.”

Ở những địa chỉ khác, Chúa Giê-xu đưa ra một chỉ thị trực tiếp để phán xét: “Đừng cứ xem bề ngoài mà xét đoán, mà phải xét đoán theo lẽ công bình” (Giăng 7:24). Ở đây chúng ta có một chỉ dẫn về phán xét đúng và phán xét sai. Lấy câu này và một số câu khác, chúng ta có thể đưa ra một bản mô tả hoàn chỉnh về kiểu phán xét sai lầm:

Sự phán đoán bề ngoài là sai. Đưa ra sự phán xét về ai đó chỉ dựa trên bề ngoài là tội lỗi (Giăng 7:24). Thật ngu ngốc để đi đến kết luận trước khi điều tra sự thật (Châm ngôn 18:13). Si-môn Người Pha-ri-si đã phán xét một người phụ nữ dựa trên vẻ bề ngoài và danh tiếng của người đó, nhưng ông không thể thấy được rằng người phụ nữ đó đã được tha; vì thế, Si-môn đã nhạo báng Chúa Giê-xu vì sự đoán phạt không công bình của Ngài (Lu-ca 7: 36-50).
Sự phán đoán kiểu giả nhân giả nghĩa là sai. Điều răn của Đức Chúa Giê-xu không đoán xét người khác trong Ma-thi-ơ 7:1 được so sánh với những kẻ giả hình (Ma-thi-ơ 6:2,5,16) và theo sau là một lời cảnh báo chống lại kẻ đạo đức giả (Ma-thi-ơ 7: 3-5). Khi chúng ta chỉ ra tội lỗi của người khác trong khi chúng ta phạm cùng một tội ấy, chúng ta tự lên án mình (Rô-ma 2:1).
Sự phán xét khắc nghiệt, không dung thứ là sai. Chúng ta “đối với mọi người tỏ ra một cách mềm mại, trọn vẹn” (Tít 3: 2). Người thương xót sẽ được tỏ lòng thương xót (Ma-thi-ơ 5: 7), và như Chúa Giê-xu đã cảnh báo, ” Vì các ngươi đoán xét người ta thể nào, thì họ cũng đoán xét lại thể ấy; các ngươi lường cho người ta mực nào, thì họ cũng lường lại cho mực ấy” (Ma-thi-ơ 7:2).
Sự tự xét mình công chính là sai. Chúng ta được kêu gọi là để khiêm tốn, và “Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo” (Gia-cơ 4:6). Người Pha-ri-si trong câu chuyện ngụ ngôn của Chúa Giê-xu về người Pha-ri-si và người thu thuế đã tin tưởng vào sự công bình của chính mình và từ vị trí đáng tự hào đó họ đã đánh giá người thu thuế kia; tuy nhiên, Đức Chúa Trời nhìn tấm lòng và từ chối tha thứ cho tội lỗi của  những người Pha-ri-si (Lu-ca 18:9-14).
Sự phán xét không đúng là sai. Kinh thánh rõ ràng cấm không được mang danh chứng nhân giả (Châm ngôn 19:5)“Không vu khống ai” (Tít 3:2).
Cơ Đốc nhân thường bị buộc tội về sự “xét đoán” hay không khoan dung khi họ lên tiếng chống lại tội lỗi. Nhưng phản đối tội lỗi không phải là sai. Giữ vững tiêu chuẩn của sự công bình thì tự nhiên sẽ giúp xác định điều không công chính và chỉ ra những xấu xa của những người chọn tội lỗi thay vì sự tin kính. Giăng Báp-tít đã gây ra sự oán giận cho bà Hê-rô-đi-a khi ông nói chống nghịch lại sự ngoại tình của bà với vua Hê-rốt (Mác 6:18-19). Cuối cùng bà đã bịt miệng Giăng, nhưng bà không thể im lặng trước sự thật (Êsai 40:8).
Những người tin Chúa được cảnh cáo chống lại những người sống bất công hoặc không công bình, nhưng Chúa Giê-xu khen ngợi “Sự phán xét theo lẽ công bình” (Giăng 7:24). Chúng ta phải sáng suốt (Cô-lô-se 1: 9, I Tê-sa-lô-ni-ca 5:21). Chúng ta phải rao giảng toàn bộ lời khuyên của Đức Chúa Trời, kể cả lời dạy của Kinh Thánh về tội lỗi (Công-vụ 20:27, II Ti-mô-thê 4: 2). Chúng ta phải nhẹ nhàng đối đầu với anh chị em trong Đấng Christ (Galati 6:1). Chúng ta phải thực hành kỷ luật của Hội Thánh (Ma-thi-ơ 18: 15-17). Chúng ta phải nói sự thật trong tình yêu thương (Ê-phê-sô 4:15).

Nguồn: www.gotquestions.org

admin

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên